Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Thời đại cuối cùng của đạo Phật

06/01/201206:49(Xem: 6010)
1. Thời đại cuối cùng của đạo Phật

LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ 

Tác giả: Will Durant - Nguyễn Hiến Lê dịch

CHƯƠNG V

THIÊN ĐƯỜNG CỦA THẦN LINH

Không có một xứ nào mà tôn giáo có thế lực và đóng một vai trò quan trọng bằng ở Ấn Độ. Người Ấn sở dĩ dễ chấp nhận sự thống trị của ngoại nhân một phần vì họ không cần biết những kẻ thống trị họ thuộc giống người nào; họ cho tôn giáo mới là cốt yếu, chứ không phải chính trị; linh hồn mới là chính, chứ không phải thể xác; các kiếp sau mới là vô tận chứ kiếp này chỉ là phù du! Khi vua Akbar đã thành một vị thánh và gần như theo Ấn giáo, thì mọi người đều thấy sức mạnh phi thường của tôn giáo, cả những người phản đối nó nhất. Ngày nay, chính là một vị thánh[1] chứ không phải một chính khách, một nhà cầm quyền, đã thống nhất được Ấn Độ, mà sự thống nhất đó là lần đầu tiên trong lịch sử họ.


I. THỜI ĐẠI CUỐI CÙNG CỦA ĐẠO PHẬT

Thời cực thịnh của đạo Phật – Tiểu thặng và đại thặng – Mahayana – Đạo Phật, đạo khắc kỉ và đạo Ki Tô – Đạo Phật suy vi – Đạo Phật truyền qua: Tích Lan, Miến Điện, Turkistan, Tây Tạng, Cao Miên, Trung Hoa và Nhật Bản.

Vua Açoka mất được khoảng hai trăm năm thì đạo Phật đạt tới mức độ cực thịnh ở Ấn Độ. Thời gian phát triển của đạo đó, từ triều đại Açoka tới triều đại Harsha, cũng chính là hoàng kim thời đại của tôn giáo về nhiều phương diện. Nhưng Phật giáo thời thịnh đó không còn là đạo của Phật Tổ nữa, mà có thể nói là đạo của Subhadda[2], người đệ tử đã phản kháng lại Ngài khi hay tin Ngài tịch, bảo với mười chín tăng sĩ: “Khóc bấy nhiêu đủ rồi, rên rỉ bấy nhiêu đủ rồi! Bây giờ chúng ta thoát li được đại Samana(Sa Môn) rồi. Từ nay khỏi phải nghe hoài: “Điều này nên làm, điều nọ không nên”. Từ nay chính mình tha hồ muốn làm gì thì làm, và khỏi bị bắt buộc làm điều mình không muốn làm nữa”.

Họ lợi dụng ngay sự tự do đó và tự tách ra thành hai giáo phái. Hai thế kỉ sau Phật Tổ tịch, di sản tinh thần của Ngài chia thành mười tám giáo phái. Những Phật tử ở Nam Ấn và Tích Lan còn giữ đúng trong một thời gian giáo lí giản dị và thuần khiết của Ngài, mà người ta gọi là Hinayana(Tiểu thặng hay Tiểu thừa): họ thờ Phật Tổ không phải như một vị thần mà như một vị truyền đạo vĩ đại, và Thánh kinh của họ là những bản bằng tiếng Pali chép giáo lý nguyên thuỷ. Trái lại, tại khắp Bắc Ấn, Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Hoa và Nhật Bản người ta theo giáo lí Mahayama(Đại thặng hay Đại thừa) mà Hội nghị tôn giáo Kanishka đã xác định rồi truyền bá; những nhà thần học này tuyên bố rằng Phật Tổ là Đấng Thần Linh, chung quanh Ngài có vô số Bồ Tát, La Hán; họ theo phép tu khổ hạnh yoga của Patanjali và in một bản kinh mới bằng tiếng sanscrit; kinh này mặc dầu chứa đầy những tế vi siêu hình và thần học, tạo ra một tôn giáo được bình dân (ở Ấn) theo nhiều hơn là đạo nghiêm khắc, bi quan của Thích Ca Mâu Ni.

Đại thặng là một thứ Phật giáo pha nhạt vì có thêm nhiều vị thần, nhiều tập quán, lễ nghi, huyền thoại Bà La Môn hợp với người Tartare ở Kushan, người Mông Cổ ở Tây Tạng, mà vua Kanishka thống trị. Người ta tưởng tượng một cõi trời trên đó có nhiều vị Phật, mà Phật Amida (A-Di-Đà), Đấng Cứu Thế, được dân chúng thờ phụng nhiều nhất: phải có một Thiên đường và một Địa ngục để khuyến thiện trừng ác chứ, thế là nhà vua có cách dùng quân lính vào một việc khác nữa. Trong thần thuyết mới đó, các vị thánh tối cao là các Bodhisattwa(Bồ Tát), tức những đấng đáng được lên cõi Niết Bàn rồi (nghĩa là thoát vòng luân hồi rồi), nhưng tự nguyện đầu thai trong nhiều kiếp nữa để giúp những những kẻ ở trên trần tìm được chính đạo[3]. Cũng như trong các giáo phái Ki Tô ở miền Địa Trung Hải, các vị Bồ Tát đó được dân chúng thờ phụng tới nỗi át hẳn Phật Tổ trong sự lễ bái cũng như trong nghệ thuật. Rồi người ta cũng thờ Phật tích, Phật cốt, cũng dùng nước dương, đốt nhang, đèn, lần tràng hạt, dùng mọi thứ trang sức thuộc về giáo hội, cũng dùng một tử ngữ[4] trong các kinh kệ, rồi tăng ni phải xuống tóc, phải ở độc thân, phải trường trai, phải tụng kinh sám hối, cũng phong thánh những người tử vì đạo, cũng tạo ra tĩnh-tội-giới, cũng tụng kinh siêu độ cho người chết, tóm lại là Phật giáo Đại Thặng có đủ những hình thức lễ nghi của Ki Tô giáo thời Trung cổ, và hình như nhiều hình thức lễ nghi của Ki Tô đã mượn của Phật giáo[5]. Thành thử Đại Thặng đối với Tiểu Thặng tức Phật giáo nguyên thuỷ cũng tựa như Công giáo đối với đạo Khắc Kỉ và Ki Tô giáo nguyên thuỷ. Phật Tổ, cũng như Luther sau này, đã tưởng lầm rằng nghi thức – một thứ bi kịch tôn giáo – có thể thay bằng những lời thuyết pháp và dạy luân lí; vì vậy mà một thứ Phật giáo nhiều thần thoại, phép màu, lễ bái, có vô số các vị thần thánh làm trung gian giữa tín đồ và Đấng Tối Cao, đã thắng Phật giáo nguyên thuỷ, cũng như Công giáo đa sắc thái, chú trọng tới bề ngoài đã thắng Ki Tô giáo giản dị, nghiêm khắc thời nguyên thuỷ và thắng đạo Tin Lành thời cận đại.

Chính vì dân chúng thích đa thần giáo, thích phép màu và huyền thoại mà làm cho Phật giáo nguyên thuỷ suy tàn, rốt cuộc chính Đại Thặng cũng bị linh lạc ngay trên đất Ấn Độ nữa. Vì nói theo cái giọng các sử gia làm khôn hơn cổ nhân[6] – Phật giáo mượn của Ấn giáo các huyền thoại và các lời thần, lần lần lấp được cái hố giữa hai tôn giáo thời nguyên thuỷ và người ta có thể biết trước được rằng tôn giáo nào đâm rễ sâu trong dân chúng nhất, hợp với nguyện vọng của quần chúng nhất, sau cùng, có những nguồn lợi kinh tế lớn nhất, được chính quyền ủng hộ nhất, sẽ nuốt được tôn giáo kia. Tức thì cái lòng tin dị đoan nó chính là da thịt, khí huyết của loài người, từ tôn giáo cũ truyền qua tôn giáo mới, tới nỗi những lễ nghi về sự thờ phụng dương vật của các giáo phái Shakti cũng thấy xuất hiện trong đạo Phật nữa. Các tu sĩ Bà La Môn vốn kiên nhẫn vô cùng, lần lần phục hồi được uy tín và lại được nhà vua bảo hộ, và rốt cuộc, triết gia trẻ tuổi Shankara, lại làm cho các kinh Vedathành căn bản của tư tưởng Ấn Độ và từ đó Phật giáo mất địa vị lãnh đạo tinh thần ở Ấn.

Tuy nhiên đòn tối hậu không phải tự đạo Bà La Môn mà tự ngoại nhân tung ra và có thể nói là chính Phật giáo đã tự gây họa cho mình. Uy tín của Sangha (Tăng Già) đã thu hút vua Açoka và dòng dõi quí phái nhất của giới Magadha (tức những người mà mẹ thuộc tập cấp kshatriya, cha thuộc tập cấp vaisya), mà tạo thành một tăng lữ độc thân yêu hoà bình; ngay thời Phật Tổ đã có vài nhà ái quốc than rằng “tăng sĩ Gautama khuyến khích người ta đừng sinh con đẻ cái nữa, như vậy các gia đình sẽ tuyệt tự mất”. Sự phát triển của Phật giáo và chế độ tăng viện ở đầu kỉ nguyên một mặt, sự chia rẽ về chính trị mặt khác, cả hai đều làm cho sức chống cự của Ấn suy đi và Ấn dễ bị ngoại nhân xâm lăng. Khi người Ả Rập vô cõi, nóng nảy muốn truyền bá một nhất thần giáo giản dị, khắc khổ, trông thấy các nhà sư biếng nhác, ham tiền, sống nhờ lòng mê tín của các tín đồ ngu xuẩn thì họ chẳng những khinh bỉ ra mặt mà còn thấy gai mắt, cho phá hết các chùa chiền, giết hàng ngàn nhà sư, mà dân chúng ngại không còn ai muốn đầu Phật nữa. Những kẻ sống sót bị đạo Bà La Môn thu hút trở lại, thế là tôn giáo chính thống thời xưa tiếp nhận các người theo “tà giáo” đã biết hối hận, và “đạo Bà La Môn thân thiện bóp chết Phật giáo”. Đạo Bà La Môn bao giờ cũng khoan dung: lịch sử các cuộc thịnh suy, lên xuống của đạo Phật và cả trăm giáo phái khác đầy những chuyện tranh biện, gây lộn, nhưng tuyệt nhiên không có một vụ tàn sát nào cả. Trái lại, đạo Bà La Môn còn nhận Phật Tổ là một vị thần – hoá thân của thần Vichnou – thành thử có vẻ khuyến khích người con hoang [Phật tử] trở về mái nhà cũ [đạo Bà La Môn]; không những vậy còn chấp nhận thuyết của Phật cho rằng mọi sinh vật đều thiêng liêng, do đó cấm sự giết súc vật để tế thần; thế là sau năm trăm năm suy lần, đạo Phật biến mất ở Ấn Độ một cách êm ái, ôn hoà[7].

Nhưng đạo Phật đã lan tràn tới khắp các xứ khác ở Á châu. Giáo lí, nghệ thuật, văn học của nó truyền qua đảo Tích Lan, bán đảo Mã Lai ở phía Nam, qua Tây Tạng, Turkestan ở phía Bắc, qua Miến Điện, Thái Lan[8], Cao Miên, Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản ở phía Đông, và nhờ đạo đó mà đem văn minh vô các xứ đó – trừ Viễn Đông đã có một nền văn minh rồi – cũng như ở thời Trung cổ, nhờ các tu sĩ La Mã và Byzantine mà văn minh vô được Tây Âu và Nga. Có thể nói tại các xứ đó, văn minh đạt được cực điểm chính là nhờ đạo Phật. Từ thời Açoka cho tới thế kỉ thứ IX, lúc mà đạo Phật bắt đầu suy vi, thành phố Anuradhapura ở Tích Lan là một trong những thành phố lớn nhất ở phương Đông, tại đó từ hai ngàn năm nay người ta vẫn thờ cây bồ đề và ngôi đền ở trên cao nguyên Kandy[9] là một thánh địa của 150 triệu người theo đạo Phật ở châu Á[10]. Có lẽ chỉ ở Miến Điện là các nhà sư thường gần giữ được lí tưởng của Phật Tổ, mà đạo Phật còn được thuần tuý hơn cả; nhờ các nhà sư đó mà 13 triệu dân Miến có một mức sống tương đối cao hơn mức sống ở Ấn. Sven Hedin, Aurel Stein và Pelliot đã tìm được ở Turkestan mấy trăm bản viết tay thời cổ về đạo Phật và nhiều di tích khác của một nền văn hóa đã thịnh ở xứ đó từ thời đại Kanishka tới thế kỉ XIII. Thế kỉ thứ VII, một chiến sĩ yêu văn minh, Srong–tsan Gampo, lập một chính quyền vững vàng ở Tây Tạng, chiếm xứ Népal, và dựng ở Lhassa một kinh đô, chẳng bao lâu rất thịnh vượng vì là một trung tâm tích trữ các hàng hoá từ Ấn qua Trung Hoa và từ Trung Hoa qua Ấn. Sau khi mời các nhà sư tới Tây Tạng, sau khi truyền bá giáo dục và đạo Phật trong dân chúng, ông tạm rời ngôi báu trong bốn năm để tập đọc tập viết và mở đầu cho thời đại hoàng kim ở Tây Tạng. Ông cho xây cất mấy ngàn ngôi chùa Phật trên các núi và cao nguyên, và cho in một bộ kinh, luận gồm ba trăm ba mươi ba cuốn, bảo tồn được cho các học giả ngày nay biết bao tác phẩm quí giá mà nguyên bản ở Ấn Độ đã mất từ lâu. Chính ở Tây Tạng cách biệt với thế giới bên ngoài mà Phật giáo có vô số dị đoan, một chế độ tăng viện và một chủ nghĩa giáo tôn (cléricalisme) mà khắp thế giới, ngoài châu Âu thời đầu Trung cổ, không nơi nào sánh kịp. Còn vị Dalai-Lama (Đạt-Lai Đạt-Ma, tức Hoạt Phật ở Tây Tạng) Ngài ở trong tịnh thất của đại tu viện Po-ta-la, ở trên chỗ cao nhất của kinh đô Lhassa; ngày nay dân Tây Tạng còn coi Ngài là hiện thân của Đức Bồ Tát Avalokiteshvara[11]. Ở Cao Miên, đạo Phật và đạo Ấn dung hoà với nhau đã gây một tinh thần tôn giáo làm nẩy nở một giai đoạn đẹp đẽ nhất của nghệ thuật Đông phương[12]. Cũng như Ki Tô giáo, đạo Phật ra khỏi xứ rồi mới phát triển rực rỡ nhất. Ta nên nói thêm rằng đạo đó thắng lợi như vậy mà không hề làm đổ một giọt máu.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/10/2022(Xem: 3361)
Từ hơn 10 ngày nay được thông báo Hoà Thượng sẽ thuyết giảng tại Chùa Pháp Hoa Nam Úc liền sau một ngày bế mạc Lễ Hiệp kỵ Lịch Đại Tổ Sư Ngày về nguồn Kỳ 12 (14-15-16/10/2022 ) tại Tu Viện Quảng Đức- Melbourne con đã thầm nghĩ Ngài thật có một năng lực hiếm có vì Đạo pháp không hề biết mệt nhọc chăng, mặc dù tuổi thọ đã qua thất thập.
08/10/2022(Xem: 2762)
Kính bạch Hòa Thượng Như Điển, con xin dành những câu hỏi rất thiết thực và tiêu biểu cho những thắc mắc để được đưa vào lời kết để chứng minh về biện tài nhạo thuyết của Ngài mà con đoan chắc có biết bao người đã và đang tự hỏi mà chưa có lời đáp thỏa đáng thì nay HT đã mang tất cả những gì từ tuệ giác Ngài giải đáp cũng như khi Ngài kết thúc bài giảng bằng những lời nhắn nhủ rất tha thiết rằng ...” Lịch sử là một dòng chảy thế cho nên mình không thể kết luận một chế độ nào xấu hay tốt, không thể phán đoán một cách vội vàng ...nếu như Vua Gia Long khi lên ngôi đã cho nhà Tây sơn khởi nghĩa là Ngụy Tây sơn nhưng không nhớ lại chiến công hào hùng đại thắng quân Thanh thì có lẽ ta đã bị đô hộ thêm mấy trăm năm nữa rồi, Ôi một tấm lòng đại lượng và cao cả quá !
29/09/2022(Xem: 2677)
Trước khi bàn vào nội dung của đề tài này, chúng ta thử tìm hiểu xem thực trạng xã hội Việt Nam ngày nay như thế nào. Quốc gia nào cũng vậy, bên cạnh những cái đẹp vẫn có cái xấu. Nếu cái tốt nhiều, cái xấu ít thì không đáng lo ngại. Nhưng nếu cái xấu mỗi lúc mỗi gia tăng thì chắc chắn xã hội đó có vấn đề. Sau đây là một số mặt không tốt của xã hội Việt Nam bây giờ: -Nạn đổ vỡ gia đình:
03/09/2022(Xem: 5090)
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, trong lời mở đầu của Hiến Chương, đã nêu rõ: “Công bố lý tưởng hòa bình của Giáo lý Đức Phật, các tông phái Phật giáo, Nam Tông và Bắc Tông tại Việt nam, thực hiện nguyện vọng thống nhất thực sự đã hoài bão từ lâu để phục vụ nhân loại và dân tộc: đó là lập trường thuần nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
26/08/2022(Xem: 3951)
Vào lúc 11 giờ 55 phút trưa, ngày thứ năm 25/8/2022, chúng con đang dùng cơm trưa thì nghe tiếng bấm chuông liên tục, cấp bách… ra coi thì 1 người chạy xe ngoài đường, dừng xe lại, đến bấm chuông báo tin và chỉ lên nóc chùa, thấy khói bóc ra, con liền kêu ngay cứu hoả… khoảng 10 phút sau thì đội cứu hoả đến, trong thời gian đó chùa cũng tận dụng những bình chữa lửa tại chùa đang có, kéo nước xịt nhưng không thấm thía vào đâu vì lửa bóc từ trong mái ngói mà ra…
22/08/2022(Xem: 2304)
Mình đã vừa mua cuốn sách Thế Giới Phật Giáo. Sách này được dịch Việt từ tiếng Anh do tác giả John Powers biên tập từ nhiều bài viết của các chuyên gia Phật học trên thế giới. Cảm ơn Thái Hà Books đã mời dịch giả và xuất bản cuốn này.
05/08/2022(Xem: 2669)
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH HƯƠNG CHIÊM BÁI PHẬT TÍCH ẤN ĐỘ & NEPAL Nov 2022 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật THỜI GIAN HÀNH HƯƠNG: 16 ngày Từ Tuesday, 01 November đến ngày Thursday, 17 November-2022 GHI DANH: 22 July 2022 Hạn chót là ngày 01-Oct- 2022 NGƯỜI HƯỚNG DẪN : Tỳ Khưu Thích Tánh Tuệ (Chùa Vạn Phước- Sandiego) & Chư Tôn Đức Tăng Ni - Có chương trình thuyết giảng và hành lễ riêng.
02/08/2022(Xem: 2582)
Sam Lim, MP Australia Sam Lim, tân đại biểu Quốc hội Úc châu khóa 47, đã làm được một bước lịch sử: Sam Lim hôm Thứ Ba 26/7/2022 đã trở thành người đầu tiên tuyên thệ vào Quốc hội Úc bằng lời thề đặt tay trên kinh Phật. Đó là cuốn kinh được đọc nhiều nhất - Kinh Pháp Cú.
23/07/2022(Xem: 2260)
Chùa Phước Sơn tọa lạc tại số 1623 Saint Francis Avenue, thành phố Modesto, tiểu bang California đã tổ chức Đại lễ Trai đàn Giải oan Bạt độ; chư thai nhi sút sảo; chư hương linh bất phân tôn giáo chủng tộc; nạn nhân Covid 19; Trai Tăng cúng dường; phát quà từ thiện; chẩn tế cô hồn nguyện cầu âm siêu dương thới.
20/07/2022(Xem: 2828)
Để rồi TT Tổng Vụ Trưởng Thích Đạo Nguyên cũng họa lại bài thơ ấy như sau: Nhiệm mầu thay Phật giáo Úc Châu Tứ chúng đồng tu dựng ban đầu Trải qua năm tháng bao thử thách Một lòng quyết chí vượt thương đau Đại hội kỳ này quá thành công Phật tử Tăng Ni quyết một lòng Chung tay thắp sáng nguồn đuốc tuệ Cùng nhau tự tại bước thong dong Sau đó TT Tổng Vụ Trưởng đã tóm tắt diễn tiến những buổi họp mặt vào ngày 17/6/22 - 25/6/22 để thu thập ý kiến của thành viên và sau đó gửi thành phần nhân sự và kế hoạch đến hội đồng điều hành GHPGVNTN Úc Châu và Tân Tây Lan thì đến ngày 1/7/2022 thì TT đã nhận được bức thư do Hội Chủ TT Thích Tâm Minh ấn ký và quyết định chuẩn y thành phần nhân sự.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567