Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

15. Ngày mười lăm

07/05/201311:44(Xem: 8966)
15. Ngày mười lăm

GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY

Một bài giảng khúc chiết về con đường đạt đến giác ngộ

(Liberation in the Palm of Your Hand-

Aconcise discourse on the path to enlightenment)

Pabongka Rinpoche

Edited by Trijang Rinpoche

Translated by Michael Richards

Thích Nữ Trí Hảidịch

--- o0o ---

PHẦN BỐN

PHẠM VI TRUNG BÌNH

NGÀY MƯỜI LĂM

Kyabje Pabongka Rinpoche trích dẫn lời Àryadeva:

Hỡi phàm phu! Làm sao ngươi lại không sợ

Bị trói buộc vào đấy

Không bao giờ cùng tận

Trong biển khổ ngươi rớt vào.

Sau khi kể một mẫu chuyện để giúp chúng tôi khởi động lực và nhắc lại những tiêu đề đã bàn, ngài ôn lại chương “Phát Sinh Những Ý Tưởng Cầu Giải Thoát.” Rồi ngài dạy cách tu tập.

Như trong các nghi thức chuẩn bị, bạn phải nghĩ về nỗi khổ sinh tử trong khi quán tưởng bậc thầy ngồi trên đỉnh đầu. Giữa các thời khóa thiền, hay đọc những kinh dạy về những lỗi lầm của sinh tử v.v…

Khi bạn thấy một điều gì thuộc về sinh tử - hạnh phúc, quyền lực, của cải v.v… mà bạn đâm ra chán mệt, nghĩ: “Đấy là những vật lừa bịp, đấy chỉ là đau khổ,” thế là bạn đã được kích động để phát sinh ý muốn từ bỏ.

Bạn có thể bị kích động để từ bỏ những vật ấy khi bạn gặp vài vấn đề như bị phạt, bị giáng chức, v.v… nhưng đây chỉ là sự từ bỏ nông cạn, chỉ là một phần ảnh mờ nhạt của từ bỏ. Bao lâu bạn còn sinh ra trong cõi sinh tử, thì bạn vẫn hoàn toàn chưa thoát khổ; nếu bạn muốn vĩnh viễn thoát khổ, thì bạn phải cắt đứt dòng tương tục tái sinh. Bạn phát sinh một khát khao giải thoát khi bạn thấm mệt vì sinh tử và mong muốn đạt đến một vài bảo đảm - nghĩa là sự từ bỏ.

Đức Tsongkapa vĩ đại nói:

Sau khi thiền quán, khi bạn không còn khát khao

Những huy hoàng của sinh tử dù trong chốc lát,

Khi tư tưởng của bạn ngày đêm

Đều luôn luôn cầu giải thoát,

Thế là bạn đã phát sinh sự từ bỏ.

Khi những người khác làm cho tôi pháp tòa đẹp đẽ, bày tỏ với tôi niềm cung kính, tôn trọng, v.v… tôi nghĩ: “Tất cả đấy đều là vô thường, tất cả đều là đau khổ,” và tôi tự nhiên bị kích động để từ bỏ. Tôi đã có được điều này một thời gian. Bất kể bạn thấy được sự huy hoàng bao nhiêu trong sinh tử, điều ấy cũng phải tăng thêm sự chán ngấy của bạn đối với sinh tử. Khi người ta chết, họ trải qua nỗi khổ tâm khi nhận ra rằn họ sẽ bị xa lìa tất cả tài sản, quyến thuộc trên đời này; nhưng đây chỉ là một ý thức về vô thường rất nông cạn, do những chuyện tầm htường của cuộc đời gợi nên.

Điều quan trọng là phải sử dụng một vài phương pháp để khai triển trong dòng tâm thức của ta những tư tưởng thuần tịnh về động lực đưa đến từ bỏ. Điều chính yếu ta nên khát khao là Phật quả, muốn thành Phật quả chúng ta phải có tâm bồ đề, muốn có tâm bồ đề chúng ta trước hết phải có lòng thương xót: và muốn có lòng thương xót thì trước hết chúng ta phải nhận ra rằng tất cả hữu tình đều đã là cha mẹ của chúng ta. Chúng ta phải phát sinh sự từ bỏ bằng cách thiền quán về nỗi khổ sinh tử của chính mình, và rồi phát triển lòng xót thương bằng cách thiền quán về nỗi khổ của người khác. Như vậy điều chắc chắn là không phải Phạm Vi Lớn không có sự thiền quán về từ bỏ.

Tuy nhiên, từ bỏ là đạo lộ chính yếu trong phần nói về Phạm Vi Trung Bình. Khi chúng ta đã phát triển sự từ bỏ trong dòng tâm thức, thì bất cứ công đức nào mà chúng ta làm đều trở thành một nguyên nhân cho sự giải thoát của ta. Bao lâu chúng ta chưa phát triển được một sự từ bỏ dù chỉ là gượng ép, thì bất cứ công đức nào chúng ta làm cũng chỉ quay thêm bánh xe sinh tử. Một ngoại lệ là công đức phát sinh tùy thuộcvào năng lực của một ruộng phước. Nếu chúng ta không xem trọng ba điều căn bản của đạo lộ, nếu chúng ta tảng lờ ba căn bản ấy, thì dù chúng ta có nỗ lực tu tập pháp gì sâu xa cách mấy - như thiền quán về các huyệt đạo, về những luồng khí lực, về chư thiên, tụng thần chú, v.v… - cũng sẽ không trở thành một phần của đạo lộ đưa đến giải thoát hay toàn trí. Đấy chỉ là một sự lãng phí năng lực. Bởi thế trước khi khởi sự tu tập, điều cốt yếu là ta phải nỗ lực hướng đến từ bỏ, bồ đề tâm và chánh kiến.

2.2.2. XÁC ĐỊNH BẢN CHẤT CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN GIẢI THOÁT

Có hai phần: (1) nghĩ về nguồn gốc đau khổ - những giai đoạn buộc chúng ta vào sinh tử; (2) thật sự xác định bản chất con đường đưa đến giải thoát:

a. Nghĩ về nguồn gốc của đau khổ - các giai đoạn buộc chúng ta vào sinh tử.

Có 3 tiêu đề phụ: (1) Vọng tưởng được triển khai cách nào; (2) Nghiệp được tích lũy cách nào. (3) Người ta bỏ thân thọ thân cách nào.

a-1. Vọng tưởng phát triển cách nào

Có 4 mục: (1) Nhận ra vọng tưởng; (2) Các giai đoạn trong sự phát triển vọng tưởng; (3) Nguyên nhân của vọng tưởng; (4) Lỗi lầm của vọng tưởng.

Có hai cách để đưa vào Lam-rim đề mục “nghĩ về nguồn gốc của đau khổ - Những giai đoạn buộc người ta vào sinh tử.” Một cách là gán đề mục này vào một tiêu đề đầu tiên; cách kia - được sử dụng ở đây - theo những bài giảng truyền thống về Con Đường Nhanh và Con Đường Dễ và đặt tiêu đề ở dưới mcụ “Xác định bản chất của con đường đưa đến giải thoát.”

Trước hết bạn phải nghĩ về những lỗi lầm chúng và riêng của sinh tử, bị kích động để từ bỏ nó, và phát sinh ước muốn giải thoát. Khi ấy bạn sẽ đặt câu hỏi:

Gì là nguyên nhân của sinh tử? Sau khi tra tầm nguyên nhân và trở thành quen thuộc với nó, bạn sẽ mong muốn bé gây sự tương tục của nó.

Nguồn gốc của khổ có hai phần: những vọng tưởng (phiền não) phát sinh ra khổ và những nghiệp phát sinh ra khổ. Bạn phải mang gánh nặng của các uẩn ô nhiễm, và đấy là do nghiệp. Nghiệp phát sinh vì vọng tưởng. Bạn đã tích lũy vô lượng nghiệp trong quá khứ, nhưng nếu không có những vọng tưởng là khát ái và chấp thủ làm một nguyên nhân phụ thuộc thì nghiệp không thể tự nó ném bạn vào một tái sinh mới: điều ấy cũng giống như hạt giống thiếu nước. Dù bạn không tích lũy nghiệp trong quá khứ, mà bạn có vọng tưởng, thì bạn cũng sẽ tích lũy nghiệp mới do những vọng tưởng ấy, và bởi thế bạn nhận một loạt những uẩn sinh tử trong tái sinh kế tiếp. Dharmakirti (Pháp Xứng) nói:

Sự khát khao hiện hữu trong sinh tử

Là điều độc nhất trong các khái cạnh của nghiệp

Vì các nghiệp khác không thể kết thúc đẩy tái sinh

Chúng chỉ là những yếu tố phụ thuộc…

Nhưng nếu có khát ái,

Ngài ta sẽ nhận thêm nghiệp mới.

Như vậy căn bản của sự tái sinh vào sinh tử là vọng tưởng. Nói “vọng tưởng” nghĩa là cái gì bằng chính năng lực của nó, có nhiệm vụ phát sinh nỗi bất an tức khắc trong dòng tâm thức riêng ta, khiến nó không được chế ngự. Bởi thế chúng ta phải nhận ra được những vọng tưởng. Nếu không, thì cũng như không nhận ra được kẻ thù đã bắn mũi tên độc: Chúng ta sẽ không biết áp dụng phương pháp nào để chữa trị vọng tưởng ấy.

a-1.1. Nhận ra vọng tưởng

Có hai phần: (1) phiền não căn bản; (2) phiền não phụ thuộc.

a-1.1.1. Phiền Não Căn Bản

Thế Thân nói trong Kho Tàng Siêu Vật Lý:

Sáu phiền não vi tế và rộng rãi

Trong hiện hữu sinh tử là:

Tham, sân, kiêu mạn

Ngu si, tà kiến, nghi.

Nghĩa là có 6 phiền não căn bản.

(i) Tham

Khi chúng ta thấy một vật hấp dẫn như đồ trang sức, thân thể, thức ăn uống… Chúng ta phát sinh những ý tưởng như không nuốn lìa những thứ ấy. Những vọng tưởng khác là giống như bụi trên áo, dễ tẩy trừ: nhưng tham ái có nghĩa là bám víu tập trung vào một cái gì, thì giống như dầu đã dính vào vải, rất khó tẩy. Khi chẳng hạn ta nhìn một vật, sờ nó, v.v… thì một góc của tâm tư ta khát khao bám víu đối tượng này. Khi ấy sự tham ái tỏa rộng và rất khó trừ.

Dây trói tham ái và chấp thủ.

Buộc bạn vào ngục tù sinh tử.

Nói cách khác, tham ái là gốc rễ ngăn chúng ta không phái sinh động lực từ bỏ sinh tử và cũng là một trong những yếu tố chính trói buộc chúng ta vào sinh tử.

Một cách để đối trị là thiền quán về khía cạnh bất tịnh của thân xác, v.v… Ở đây bạn triển khai thái độ cho rằng thân thể là bất tịnh: thi thể chảy máu, thi thể phân tán, thi thể phình trương và cuối cùng là bộ xương. Khi bạn bị rằng buộc với một người nào chẳng hạn, hãy quán sát người ấy chỉ là cái đẫy 6 thứ hôi thối. Khi bạn tham ăn thịt, hãy nghĩ về nguyên liệu chính của nó là hôi thối, về việc nó có ra do giết hại một mạng sống. Khi ấy sự tham ái và chấp thủ của bạn sẽ giảm bớt.

(ii) Giận dữ.

Giận dữ là tâm bị giao động mạnh khi ta thấy một cái gì khó chịu như thấy kẻ thù v.v… Đối tượng của giận dữ có thể là những hữu tình hay vật vô tri; khi chúng ta dính dáng tới chúng, tâm ta hoàn toàn bị bối rối, bị quấy rầy và ta muốn hại chúng.

Sự giận dữ có hại lớn. Nó có thể tàn phá những công đức của bạn như thể bị đốt trong một đống lửa. Sự giận dữ làm cho người ta giết hại, đâm chém và đánh đập kẻ khác v.v…

Ngay nay người ta sử dụng nhiều danh từ êm tai để chỉ sự giận dữ như “nóng tính,” v.v… Những người ấy có thể không xem sự giận dữ là tai hại. Nhưng có câu: “Không có tội lỗi nào bằng hận thù. Không có khổ hạnh nào bằng sự kiên nhẫn.” Hoặc: “Sự giận dữ là khí giới giết hại những tái sinh thù thắng của bạn.” Nói cách khác trong tất cả vọng tưởng, sự giận dữ có sức mạnh lớn nhất để phá hủy những công đức căn bản, nó là yếu tố chính ném bạn vào đọa xứ. Bởi thế giận dữ rất tai hại. Nó là yếu tố chính để ném bạn vào đọa xứ. Có nhiều cách để phá hủy công đức tùy thuộc vào đối tượng của giận dữ (xem Ngày Thứ Sáu). Bạn phải áp dụng những phương cách chữa trị giận dữ như nhẫn nhục v.v… Tôi sẽ nói thêm về giận dữ trong chương bàn về sáu ba la mật dưới đây.

(iii) Kiêu mạn

Kiêu mạn là quan niệm tự thổi phồng mình lên, nó có thể hiện rõ trong tương quan với một đối tượng tốt hoặc xấu: năng lực, tài sản, đức tính, gia đình, trí tuệ, đạo đức của bạn - ngay cả giọng nói êm tai hay thể lực của bạn. Khi bạn nhìn xuống từ một đỉnh núi cao, thì mọi sự ở dưới thấp đều như nhỏ lại. Khi bạn tự cho mình cao hơn thiên hạ, và có một cái nhìn tự thổi phồng mình, tức là bạn khoác cho mình một sắc thái cao vượt. Chỉ cần một đối tượng nhỏ nhặt cũng đủ cho bạn phát triển thói kiêu căng. Như những người phái Kadampas ngày xưa nói: Có phải hơi nước bốc lên nhiều hơn từ trên những đỉnh núi tuyết không? Hãy xem có chút hơi nào bốc lên từ tuyết dưới vực sâu! Họ cũng nói rằng đỉnh núi kiêu mạn sẽ không ngập lụt với nước những thiện đức. Nói khác đi, thật khó mà tu tập một đức tính nào nếu người ta có thói kiêu căng. Một bậc thầy có thể dạy Pháp cho một người kiêu căng, nhưng không ích gì.

Cách chữa trị thói kiêu căng là nghĩ về một vài bảng kê mà bạn không hiểu, nhất là sự phân loại đầy đủ các yếu tố thuộc giác quan (CT. Một bảng liệt kê của Vazsubandhu (Thế Thân) trong Kho Tàng Siêu Vật Lý - Tức Abhidhrma, dịch âm là A tỳ đàm, dịch nghĩa là Thắng pháp - rất khó hiểu.)Thỉnh thoảng nên nghĩ đến từng vật trong và ngoài hiện hữu từ đỉnh đầu xuống đến gót chân bạn; bạn không biết được bao nhiêu cái, và điều ấy phải diệt bớt thói kiêu căng của bạn.

(iv) Vô minh

Thông thường vô minh hay bất giác (maripa Tạng ngữ) là ngược lại với “biết” (rig-pháp); hay “biết” và “không biết.” Vô minh là không biết, không thấy, không hiểu, không rõ ràng, vân vân. Ví dụ như không thấy lửa vì mắt nhắm, hoặc không trông thấy vật gì trong bóng tối đen. Vô minh cũng như mù - không thấy bản chất hay hình thái hiện hữu của một pháp: bốn chân lý, nhân quả, Ba ngôi báu, vân vân. Vô minh là gốc rễ của mọi phiền não (hay vọng tưởng).

Có một hệ thống triết học cho rằng vô minh là một với thân kiến - tà kiến xem ngã đồng như những vật khả hoại (nghĩa là các uẩn v.v…). Hệ thống khác thì cho rằng vô minh và kiến chấp là hai cái khác nhau. Chẳng hạn, giả sử lỗi lầm cho sợi dây là con rắn, là như tà kiến xem ngã với các uẩn đồng nhau; thì vô minh sẽ là giống như cái nhân của sự lầm lẫn ấy: do cuộn dây nằm trong tối, do bóng tối mà người ta thiếu nhận thức sáng suốt về hình thái hiện hữu của sợi dây.

Hệ thống đầu do Nguyệt Xứng (Chandrakirti) và Pháp Xứng (Dharmakirti) cùng các vị khác chủ trương; hệ thống thứ hai do Vô Trước (Asanga) và đồ đệ chủ trương.

(v) Nghi

Đây là hoài nghi về Bốn chân lý, về Ba ngôi báu, về nhân quả, vân vân: không biết những chuyện ấy có hiện hữu không, có thật hay không. Nghi ngờ Ba ngôi báu làm cho ta không triển khai được thực chứng. Đức Dalai Lama đệ nhất nói:

Hãy cứu con ra khỏi hoài nghi, con ma đáng sợ,

Kẻ tàn ác bay lượn trong một bầu trời

Đây là sự mù lòa hắc ám,

Làm hại cho lòng khát khao xác tín của con

Giết hết sự giải thoát của con.

Khi bạn nghi ngờ luật nhân quả, thì điều ấy ngăn bạn tái sinh lên thượng giới; hoài nghi về bốn chân lý thì bạn do thể đạt giải thoát. Hoài nghi quả thực gây vô số tai hại. Nó được xem là một trong năm tà kiến (nghĩa là năm căn bản phiền não đầu).

(vi) Kiến chấp sai lầm

Có năm kiến chấp sai lầm:

(1) Thân kiến: đồng hóa ngã với cái khả hoại

Đây là quan niệm sai lầm về năm uẩn - có đặc tính là sẽ hoại diệt - và xem chúng chính là bản ngã, thuộc về ngã, tức là “tôi” và “của tôi.”

Một ví dụ: Khi người ta làm bạn tổn thương, hại bạn, thì ý nghĩ “Tại sao chúng làm điều ấy cho ta?” hiện ra rõ rệt trong tâm bạn; bạn nắm giữ lấy “cái tôi” như thế nó hiện hữu cách ấy. Đấy là gốc rễ của tà nghiệp.

Ngay những con kiến cũng có quan niệm này, đồng hóa cái ngã với những thứ khả hoại. Nếu bạn lấy một cọng cỏ mà châm chính vào mũi con kiến nó liên nghĩ ngay rằng “Tại sao chúng làm chuyện ấy với tôi?” rồi nó cong lên, giả chết. Sau dó, nó quay lại và bỏ chạy. Chính thân kiến - quan niệm chấp ngã là cái khả hoại - đã khiến nó làm việc ấy.

(2) Biên kiến: những quan điểm cực đoan

Những quan điểm này hướng về bất cứ vật gì được chấp thủ bởi ngã kiến trên đây; một quan điểm cực đoan xem những vật ấy là trường cửu, bền bỉ, độc lập, là thực có, vân vân (thường kiến - DG). Quan điểm cho rằng dòng tương tục là cái “tôi” sẽ bị gián đoạn vào lúc chết, cũng là một quan điểm cực đoan (đoạn kiến - DG).

Mặc dù chính yếu những người không phải Phật tử mới giữ những quan điểm này, song chúng ta đôi khi cũng có cái nhìn sai lạc xem mọi sự thực có, hoặc nhìn sự vật bằng những cách khác nhau cũng không kém phần ngu ngốc.

(3) Kiến thủ: xem năm uẩn là tối thượng

Đây là một tà kiến phát xuất từ bất cứ một kiến chấp sai lầm nào kể trên, hoặc chấp ngã đoạn diệt, hoặc chấp các pháp thường còn, hoặc chấp ngã chấp pháp là phi hữu. Sự mê lầm này hướng về các uẩn của người giữ những tà kiến ấy, xem các uẩn ấy là tối thượng.

(4) Giới cấm thủ: xem một thứ đạo đức hay cách hành xử nào đó là tối thượng

Quan điểm này cho rằng sự đàoluyện năm ngọn lửa, nhảy qua chĩa ba, đứng một chân, vân vân, là những con đường đưa đến giải thoát. Nó cũng xem một vài lối hành xử là tối thượng. Như ngồi trên một tấm da thú. Một vài người nhận ra nhờ thần thông rằng trong tiền kiếp họ làm chó, và điều này làm họ mù quáng: họ muốn nhận một thân người trong tái sinh kế tiếp, nên họ (lầm tưởng điều này là nhân) bắt chước những hành vi của chó như sủa, v.v… Họ xem điều này là tối thượng, nên làm cho thân thể và lời nói của họ thực hành những tà hạnh.

(5) Tà kiến

Tà kiến gồm phần lớn là quan niệm cho rằng bốn chân lý, Ba ngôi báu, nhân quả, v.v…không hiện hữu.

Hai điều cần được xem xét ở đây: sự xác nhận lố bịch - một cái phi hữu mà cho là thực có - và sự phủ nhận - cái sự tuyệt đối không hiện hữu. Vài người không phải Phật tử cho rằng thế giới do thần Vi nữ sáng tạo, đã nhập thể mười lần vào thế gian; phái Số luận phân mọi cái khả tri thành ra 25 loại và cho rằng nói chung, 25 nguyên lý ấy tạo ra thế giới; những người khác lại khẳng định thế giới do Tự Tại Thiên tạo dựng, vân vân. Những người này tuyên bố có một cái gì được tạo ra trong khi thực sự là không có - bởi thế đấy là những sự chấp có. Tuy nhiên tà kiến là những sự phủ nhận (chấp không).

Kể năm loại tà kiến như là một, cọng thêm năm cái chấp không, thành sáu kiến chấp làm nên những mê lầm căn bản, vi tế và rộng rãi.

Nếu bạn là một người thường, thì nên áp dụng thuốc chữa kiến chấp Àryadeva nói: “Cũng như các giác quan trong cơ thể, vô minh si ám cũng cư trú trong tất cả những kiến chấp ấy.” Nghĩa là, vô minh thấm khắp và làm nhân cho tất cả những phiền não khác. Tuy vậy, vô minh si ám rất khó nhận diện, bởi thế tôi sẽ bàn về nó dưới đây.

a-1.2. Những giai đoạn trong sự phát triển tà kiến

Sáu căn bản phiền não, quả thế tất cả phiền não, đều xuất phát từ sự chấp thủ bản ngã (xem Ngày Hai Mươi Hai) và thân kiến - quan điểm đồng hóa cái tôi với những vật khả hoại. Tất cả đau khổ nghiệp và vọng tưởng bởi thế đều xuất phát từ quan điểm cho rằng ngã là cái khả hoại - nếu bạn xác nhận rằng thân kiến và vô minh chỉ là một. Theo hệ thống không chấp nhận điều này, thì chính vô minh là yếu tố then chốt.

Theo hệ thống Trung quán Pràsangika, quan điểm đồng hóa ngã với cái khả hoại là căn nguyên: Có quan điểm thuộc tri thức (phân biệt ngã chấp - DG), có quan điểm thuộc bản năng. Lại có hai loại quan điểm thuộc bản năng: chấp thủ “tôi” và “của tôi.” Quan điểm đồng hóa ngã với cái khả hoại là chấp thủ cái “của tôi” (ngã sở). Khi ai khen bạn chẳng hạn, bạn nghĩ, “họ thật tốt đã khen tôi như vậy.” Cái “tôi” rất sống động và ăn sâu trong tâm thức; vì bạn có những ý nghĩ ấy, nên bạn cho đó là cái ngã, và có quan niệm cho rằng cái ngã ấy là một người sử dụng. Do quan niệm ấy, bạn bám lấy cái tôi, bạn đâm ra thương người nào giúp bạn, ghét người nào hại bạn, và có sự ngu si mê muội đối với những người xa lạ. Quyển Luận về những Pháp có giá trị nói:

Bạn biết người ta là “kẻ khác”

Vì bạn cho mình có một cái ngã;

Bạn chấp thủ vào tự và tha

Và trở thành thù nghịch.

Những điều này có tương quan;

Tất cả ác hành phát sinh từ đấy.

Thực Hành Trung Dạo của Pháp Xứng nói:

Mong sao tâm tôi được

Rằng mọi lỗi lầm đều phát xuất

Từ tà kiến cho rằng

Các uẩn và ngã là một…

Lúc đầu tôi bám lấy ngã, cái “tôi”

Và phát triển tham ái đối với các pháp…

Mặc dù gốc rễ của sáu căn bản phiền não sau rộng chính là vô minh, song người ta phát triển tham, sân, si vân vân do thân kiến (chấp ngã là cái khả hoại). Và do tham ái, v.v… mà người ta tích lũy nghiệp. Theo nghiệp này, người ta quay bánh xe sinh tử. Gốc rễ của sinh tử là vô minh, sự chấp thủ theo bản năng vào một cái ngã, và quan niệm cho rằng cái ngã là năm uẩn khả hoại. Muốn từ bỏ vĩnh viễn sự mê lầm, ta phải nỗ lực áp dụng thuốc chữa bệnh vô minh và châp ngã - đó là trí tuệ liễu tri lý vô ngã. Trí tuệ này bởi vậy giống như thuốc có thể phá trừ hàng trăm sự ác. Sách Bốn Trăm Bài Kệnói: “Đấy là lý do tại sao tất cả phiền não được nhiếp phục nếu vô minh được nhiếp phục.” Kinh Thập Địa nói: “Trong thế gian này, tất cả tội lỗi đã phạm đều do chấp thủ có một bản ngã. Nếu không có sự chấp ngã rõ rệt, thì những tội lỗi ấy đã không xảy ra.”

Tuy nhiên, khi chưa hiểu thấu vô ngã, thì ta vẫn phải dùng phương tiện để đàn áp phiền não, để tạm thời xua tan chúng. Ta phải đề phòng nguyên nhân của phiền não (hay vọng tưởng).

a-1.3. Nguyên nhân của vọng tưởng

Có sáu nguyên nhân.

a-1.3.1. Nguyên nhân thứ nhất: nền tảng của vọng

Nền tảng này gồm những hạt giống hay tùy miên (sự tiềm tàng). Như khi ta không thể nhổ tận gốc mầm bệnh, thì ngay cả một miếng ăn nhỏ cũng đủ gây bệnh, bởi thế khi gặp dịp là ta sẵn sàng phát triển vọng tưởng trong dòng tâm thức ta vì ta có sẵn những hạt giống của vọng tưởng. Hạt giống ấy là nền tảng hay bản năng cho vọng tưởng phát sinh.

a-1.3.1. Nguyên nhân thứ hai: đối tượng của vọng

Đấy có thể là một cái gì dễ chịu, khó chịu, hay bất cứ gì khi gặp những vật ấy, vì ta chưa từ bỏ hạt giống mê vọng, nên như Thế Thân nói:

Không từ bỏ vọng tưởng

Vi tế và rộng rãi:

Ở gần đối tượng của vọng

Và có những tư duy không thực tế-

Đấy là trọn bộ nguyên nhân

Cho những mê vọng xảy ra.

Nói cách khác, ta phải tách rời mình khỏi những đối tượng của vọng, nếu không sẽ phát sinh vọng tưởng. Những người xuất gia nên tránh vọng bằng cách sống trong tu viện, am thất, v.v… Điều ấy thật tốt cho những người sơ cơ chúng ta, ta sẽ không phát sinh vọng tưởng nếu ta không trông thấy những đối tượng làm phát sinh vọng tưởng nếu ta không trông thấy những đối tượng trong một thời gian. Bởi thế ta nên tránh chúng càng nhiều càng tốt. Trong vài bản văn luyện tâm, ta đọc:

Người còn phải đối trị vọng tưởng

Thì cốt yếu nên tránh những đối tượng xấu xa.

Vô Trước nói:

Hãy từ bỏ những đối tượng xấu

Thì vọng tưởng dần bị che khuất

Vì bạn không xao lãng

Nên những thiện hành dần tăng.

Tâm bạn được thanh lọc

Bạn sẽ có được niềm tin vào Pháp.

Đào luyện sự độc cư

Là việc của người con Phật.

Nói cách khác, cốt yếu là phải từ bỏ những đối tượng làm phát sinh vọng tưởng, và cư trú trong một nơi nào thuận lợi cho việc này.

a-1.3.3. Nguyên nhân thứ ba: xã hội

Bạn phải từ bỏ sự bận rộn của bạn bè xấu ác. Tuy nhiên, bất cứ ai dính vào cuộc đời này đều là bạn xấu, vì họ nói toàn chuyên gây nên vọng tưởng, như chuyện rượu, cờ bạc v.v… Bạn không nên để ý những người như vậy, hoặc bị ảnh hưởng của họ. Nếu bạn rơi vào ảnh hưởng họ, thì họ sẽ làm tăng trưởng thêm vọng tưởng nơi bạn, bạn sẽ tham dự vào những hoạt động không thích đáng. Ví dụ: Ngày xưa có hai người từ kinh đô xứ Paenpo, một người tuống rượu một người không. Người đầu đi Retreng, người sau đi Lhasa. Người đi Retreng gặp những tiến sĩ phái Kadam. Người đi Lhasa gặp những bạn xấu. Về sau hai người lại gặp nhau, và do ảnh hưởng bạn tốt và bạn xấu mà người trước kia nghiện rượu nay từ bỏ, còn người không uống bây giờ lại thành bợm nhậu.

Chúng ta gọi thói bỏn xẻn keo kiệt bằng danh từ “cần kiệm” thói giận dữ là “nóng tính”, vân vân. Chúng ta đặt những cái tên êm tai cho những thói xấu ấy, nhưng chúng vẫn gây tai hại lớn lao. Khi học trò nương vào một ông thầy hà tiện giữ của thật kỹ, thì thói hà tiện nơi học trò tăng thêm. Cũng vậy đối với những ông thầy nóng tính. Điều quá dễ dàng để hiểu rõ là những tác dụng của bạn xấu, bởi thế ta nên tránh bạn xấu.

Tuy nhiên, mặc dù những người khát khao những vật thuộc đời này đều làbạn xấu, ta không thể ruồng bỏ tất cả mọi người, bởi vậy điều cốt yếu là đối xử họ rất cẩn thận và đừng giao thiệp họ quá nhiều. Ngày xưa có một xứ trong đó mọi người đều uống thứ nước gây bệnh điên nên trở thành điên dại. Chỉ có ông vua còn tỉnh táo, nhưng mọi người lại nói: “Vua điên.” Cũng vậy, ngày nay những người tu hành không thích nghi với đám đông thường tình, song điều này không hại gì, vì họ mong muốn theo đuổi việc tu tập đến thành công. Khi bạn xấu khuyên bảo, bạn đừng nên nói ngược với họ: hãy như một con trâu đực già ươn ngạnh, và thực hành những điều quý báu nhất của phái Kadampas - trước hết phải có tâm kiên cố như kim cương rồi tự nâng đỡ mình bằng căn bản trí kim cương, và cuối cùng đạt đến sự dũng mãnh như kim cương.

a-1.3.4. Nguyên nhân thứ tư: thảo luận

Điều này bao gồm sự đọc những sách có những chỉ dẫn nghe ra hầu như có lý mà kỳ thực vẫn phát sinh vọng tưởng. Khi bạn đọc những tác phẩm xấu ác như thế - chẳng hạn truyện nhân gian về những công trạng của Cesar Ling, những luận về tình yêu, những sách nói về bùa chú, dâm thư, vân vân - thì chỉ có tăng thêm tham sân si nơi bạn. Nhưng nếu bạn nghĩ về những công việc và đời sống của những thánh nhân, thì có thể gieo những hạt giống giải thoát trong bạn, bởi thế nên đọc những sách này.

Khi người ta tụ hội thành từng nhóm, họ nói về nhiều điều làm tăng thêm ái hoặc hận thù - như nói về vua chúa, quân đội, đàn bà, những vụ kiện, vân vân. Đây cũng là một nguyên nhân phát triển vọng tưởng.

a-1.3.5. Nguyên nhân thứ năm: tập quán.

Zhangpa Rinpoche nói: “Bạn như được vây phủ bằng những bản năng do tập quán tư tưởng xấu…” Nói cách khác, do bạn quá quen thuộc với vọng tưởng nên bạn phát triển tham ái, hận thù, v.v… như một điều đương nhiên, ngay cả khi lơ đễnh.

Chúng ta có những vọng tưởng si mê lớn hay nhỏ tùy cách ta quen thuộc nhiều hay ít đối với chúng trong những đời quá khứ, một vài người phát triển tham ái, thù hận hay bất cứ gì một cách đậm đà vì một duyên cớ rất nhỏ nhặt. Chẳng hạn, có người quen thói giận dữ không thể chịu được ngay cả một tia nhìn khó chịu, vân vân. Những người như thế không có cách nào khác ngoài ra áp dụng vài cách chữa trị, và tìm mọi cách để ngăn ngừa những phiền não ấy tiếp tục.

a-1.3.6. Nguyên nhân thứ sáu: suy nghĩ không thực tế.

Đấy là sự luôn luôn có những nhận xét quá đáng liên hệ đến những đối tượng mà ta thích hoặc ghét, v.v… Đối với đối tượng ta ưa thích như y phục chẳng hạn, thì ta nghĩ nó có màu sắc đẹp, cắt may đẹp, cái nịt lưng đẹp, vân vân. Đối với những đối tượng ta ghét, thì ta nghĩ: “Chúng làm hại tôi thế này thế nọ.” Người ta ưa nghĩ lui nghĩ tới về những đối tượng đáng ưa hoặc không đáng ưa ấy.

Một người có thể là kể thực hành Pháp. Nhưng vẫn khổ hoặc có những vấn đề, nên đâm ra hoài nghi luật nhân quả v.v… Người ấy sẽ phát triển vọng tưởng nếu những nguyên nhân nói trên sinh khởi, bởi thế phải cố mà đề phòng những nguyên nhân ấy. Nếu vị ấy không áp dụng thuốc trị, những vọng tưởng sẽ gia tăng; vọng tưởng sẽ bị che lấp nếu vị ấy áp dụng thuốc chữa. Bởi thế, hãy nỗ lực.

a-1.4. Những lỗi lầm của vọng tưởng.

Trang Nghiêm kinh nói:

Vọng tưởng phá hũy ngươi

Phá hoại hữu tình,

Phá hoại đạo đức.

Ngươi cho người ngang hàng là kẻ dưới,

Hộ pháp và bậc thầy chê trách ngài,

Và ngươi không để ý những đối thủ.

Ngài sẽ tái sinh vào những hoàn cảnh bất lợi.

Những gì ngươi có được hoặc không được

Đều suy giảm, và ngươi phải chịu nhiều khổ đau.

Nói cách khác, vọng tưởng (phiền não) có nhiều lỗi lầm. Khi phát sinh vọng tưởng, dòng tâm thức bạn trở thành một thực thể bất thiện; khi ấy bạn hành động một cách ngược đời đói với đối tượng của vọng; điều này làm cho những hạt giống tiềm tàng của vọng tưởng thêm vững chắc; bởi thế bạn luôn luôn phát triển cùng một thứ vọng ấy, nghĩa là tham ái, hận thù, hay bất cứ gì; và bạn đi vào những cảnh giới mà những bậc thánh không đi. Những hành nghiệp vô phước của bạn sẽ tăng vì hai lỗi lầm sau cùng này. Bạn lạc ra khỏi giải thoát và toàn tri, trở nên xa xôi với cả hai. Vọng tưởng làm cho những phước hành của bạn thối giảm; nghĩa là nó làm cho bạn tự hại và hại người; đạo dức thối giảm, bạn càng ngày càng ít được quà tặng, ít được giúp đỡ. Phật và hộ pháp cũng chê trách bạn. Những người khác cũng như bạn đều sẽ khổ vì vọng tưởng phiền não của bạn làm cho kẻ khác muốn giết bạn, vân vân. Trong đời này bạn phát triển tiếng xấu vì vướng vào kiện tụng, tranh chấp, vân vân. Trong tương lai bạn sẽ tái sinh vào nơi biên địa, hay vào những đọa xứ. Nói tóm lại, có vô số lỗi lầm do vọng tưởng gây nên.

Bởi thế mỗi khi phát sinh một vọng tưởng bạn phải nhận ra ngay tức khắc đấy là kẻ thù, và sử dụng một cách đối trị để chấm dứt nó.Hành Bồ Tát Hạnh nói:

Nếu tất cả chư thiên, a tu la

Đều trở thành kẻ thù của ngươi

Thfi cũng không thể dẫn ngươi

Xuống địa ngục Vô gián.

Vọng tưởng là kẻ thù lớn nhất

Vì mỗi khi gặp nó

Thì có thể trong phút chốc

Nó tung ngươi vào địa ngục ấy

Cho đến khi núi Tu di cũng không còn.

Nói cách khác, không có kẻ thù nào lớn hơn vọng tưởng. Khi bạn làm vừa lòng kẻ thù, nó sẽ dịu cơn giận dữ và không làm hại bạn. Vô lượng thống khổ mà bạn có khi bị thiêu đốt trong lửa địa ngục Vô gián đều phát sinh từ vọng tưởng. Do vậy, vọng tưởng sẽ ép buộc bạn đi vào sự bất tịnh của sinh tử, bởi thế nó còn mạnh hơn tất cả những kẻ thù của bạn trong ba cõi. Những người phái Kadampas ngày xưa nói:

“Hãy luyện tập đứng vững chống lại vọng tưởng, nhưng duỗi tay cứu giúp hữu tình và làm lợi ích cho chúng.”

Geshe Ban Gun - gyael nói:

“Tôi canh gác cái cổng vào pháo đài tâm tôi với một giới là những pháp đối trị. Không lúc nào tôi không làm việc này. Khi vọng tưởng sẵn sàng nổi lên, thì tôi cũng sẵn sàng để chấm dứt nó. Khi nó nghỉ ngơi thì tôi cũng nghỉ ngơi.”

Nói cách khác, bạn phải xem vọng tưởng như kẻ thù tệ nhất và áp dụng biện pháp chống lại nó tức khắc.

a-2. Nghiệp tích lũy như thế nào

Có hai loại nghiệp: ý nghiệp và hành động cố ý.

a-2.1. Ý nghiệp

Vô trước nói:

“Ý nghiệp là gì? Đó là một tác động của uẩn gồm những tâm và tâm sở khiến cho một ý tưởng hiện khởi. Nhiệm vụ nó là làm cho tâm dấn mình vào thiện, bất thiện hay trung tính.”

Nói cách khác, một ý nghiệp là, ví dụ như một tâm vương kích động cho ta cảm thấy cần phải nói những lời lăng nhục; hoặc đó là nghiệp của tâm sở khích ta, cỗ vũ cho ta trong khi ta nói những lời ấy.

a-2.2. Hành động cố ý

Đấy là hành động của thân và lời có ý nghiệp làm động lực thúc đẩy. Kho Tàng Siêu Vật Lý (Thắng pháp) nói:

Nghiệp thuộc về tâm, do tâm tạo.

Ý nghiệp là hoạt động thuộc tâm ý;

Nó làm sinh khởi nghiệp của thân và lời.

Vọng tưởng làm nổi lên ba loại nghiệp: phi phước hành, phước hành và bất động hành. Phi phước hành là nghiệp được tích lũy do khao khát những vật thuộc đời này, rồi hành động bằng cách giết hại, v.v… Loại nghiệp này làm cho ta tái sinh vào các đọa xứ. Phước hành là nghiệp tích lũy do khao khát lạc thú trong đời vị lai. Nghiệp này làm người ta tái sinh làm một vị trời cõi Dục. Bất động hành là như sau. Một người từ bỏ lạc thú đời sau, mà mê say cảm thọ hỉ lạc do tịnh chỉ nhất tâm, nên tái sinh làm một vị trời trong ba cõi trời thiền đầu. Hoặc người ta có thể bất cần cả đến cái cảm thọ hỉ lạc do tịnh chỉ nhất tâm đem lại, những khao khát cảm thọ xả và tích lũy loại nghiệp làm nhân tái sinh vào cõi trời thiền thứ tư hay cao hơn nữa.

Cả hai loại nghiệp phước hành và phi phước hành đều ném người ta vào một tái sinh ở cõi Dục, và hậu quả của chúng là di chuyển. Chẳng hạn, ta có thể đạt đến trạng thái trung ấm của một chúng sinh trên đường đến địa ngục, nhưng nhờ năng lực bậc thầy ta, nhờ các nghi lễ và thần chú, v.v… mà trạng thái trung ấm của ta có thể thay đổi, làm cho ta thôi tái sinh vào các thượng giới. Drom Rinpoche nói rằng nếu tất cả dân chúng ở Retreng với giới cư sĩ mà cùng góp công đức giữ giới của họ lại thì có thể tạo công đức căn bản cho một người cộng đồng họ sau khi chết. Nói cách khác, vì tất cả những cư sĩ ấy đều có giới đức giống nhau, cho nên những thiện căn tạo ra từ đấy sẽ rất lợi lạc cho bất cứ người nào của họ đã chết và đang còn ở trong cõi trung ấm.

Dẫn nghiệp để tái sinh vào các thượng giới là như sau. Giả sử một người đã tích lũy nghiệp để tái sinh vào cõi thiền thứ nhất. Nghiệp ấy sẽ không thay đổi thành cái nghiệp tái sinh vào cõi thiền thứ hai hay bất cứ cõi nào khác. Đó là lý do loại nghiệp này được gọi là “bất động.”

Kho Tàng Siêu Vật Lýnói:

Phước hành là công đức để tái sinh vào Dục giới.

Nghiệp sinh vào thượng giới thì bất động;

Nghiệp này gọi là bất động vì

Nó chỉ thuần thục ở trong những thượng giới.

Bất cứ nghiệp nào không được tích lũy phù hợp với một trong ba nền tảng của đạo lộ thì chỉ là nhân cho sinh tử; bất cứ nghiệp nào được tạo khi ta bị thúc đẩy phải từ bỏ ba cõi luân hồi thì chỉ có thể trở thành nhân quả cho giải thoát. Khi bạn giã từ thế gian với ý niệm sẽ tu tập Pháp, nhưng không có một trong ba động lực là từ bỏ vân vân, thì bạn có thể trú trong tịnh chỉ ở một am cốc nào đó, nhưng dù may mắn bạn cũng chỉ nhận được cái nhân để tái sinh vào các cõi trời Vô sắc hoặc vào các cõi trời thiền thuộc Sắc giới (Ngũ tinh cư thiền - DG). Đấy là lý do tại sao muốn tu tập, điều cốt yếu là bạn phải tìm một chỉ dẫn hoàn toàn không lỗi lầm.

a-3. Nỗi khổ cứ mãi bỏ thân rồi thọ mạng.

Có 3 phần:

a-3.1. Cái gì xảy đến vào lúc chết

Thọ mạng của bạn có thể hết. Công đức bạn có thể hết. Bạn chưa thoát khỏi hiễm nguy. Kinh Nói Về Những Yếu Tố Đưa Đến Cái Chết kể ra chín yếu tố. Những yếu tố này và khác nữa có thể giết bạn.

Ý nghĩ lúc chết có thể khởi động cái nghiệp sẽ ném bạn vào tái sinh kế tiếp sau khi chết. Những yếu tố khởi động cho nghiệp ấy là khát ái và chấp thủ, đấy là những gì xảy đến. Bạn có thể nghĩ, “Tôi sắp lìa thân xác này,” và bạn bám lấy thân hiện tại của bạn. Khát ái bao gồm những việc như mong có được hơi ấm, và thế là bạn sinh vào địa ngục nóng.

Đối tượng của tiến trình châm ngòi này là nghiệp cường liệt nhất nơi bạn, đen hay trắng (ác hay thiện). Nếu nghiệp đen và trắng đều ngang nhau, thì đối tượng để châm ngòi là một trong hai nghiệp quen thuộc hơn trong bạn. Nếu cả hai loại đều quen thuộc, thì loại nghiệp nào được làm trước sẽ bị châm ngòi.

Thời gian khi sự châm ngòi này xảy ra là tâm còn hoạt động và còn có hình thức nhận biết thô phù - một hiện tượng thiện hay bất thiện, nghĩa là tín tâm, lòng thương xót, sự ái luyến, giận dữ, v.v… - và bạn còn có thể tự mình nhớ được những điều ấy hoặc có thể được người khác nhắc cho nhớ. Khi nhận thức thô chấm dứt, và khi những ý tưởng lúc chết của bạn rất vi tế, thì tư tưởng bạn thuộc loại trung tính và bạn không thể nhớ lại bất cứ một điều thiện hay bất thiện nào.

Nếu những ý tưởng lúc chết liên hệ đến lòng tin, v.v… thì thiện đức của bạn sẽ được khởi động. Bởi thế thực thiết yếu để khởi động những ý niệm thiện trong khi những tưởng lúc sắp chết của bạn sắp dự phần vào tiến trình khởi động này. Bạn có thể là một hành giả luôn luôn tạo điều lành, nhưng nếu bạn nổi giận lúc sắp chết, tức bạn khởi động những tư tưởng cận tử không được tốt lành, và bạn phải đi đến những đọa xứ do hậu quả thuần thục của những bất thiện quá khứ. Những nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho một người tội lỗi luôn luôn phạm tội.

Ở giao điểm này, người ta sẽ hoặc lên cõi cao hoặc xuống cõi thấp. Nếu sắp lên thượng giới, thì hơi ấm trong cơ thể ta tan dàn từ phần dưới cơ thể và tụ lại tim. Nếu sắp xuống đọa xứ thì điều ngược lại xảy ra là, hơi ấm tan dần từ phần trên cơ thể và tụ lại ở phần dưới. Bạn cũng có thể biết được người chết sẽ lên thượng giới hay tái sinh vào đọa xứ bằng cách quan sát những dấu hiệu như cường độ đau đớn mà người ấy trải qua trong cơn bệnh cuối cùng. “Đau đớn trong cơn bệnh” ở đây ám chỉ lúc một đại bộ phận của cơ thể bị suy sụp.

Một vài người có ảo giác lúc chết: chẳng hạn, họ tưởng mình bị những hộp trà đè lên, hay nhiều người đè lên.

(Kyabje Pabongka Rinpoche kể chuyện ở Lhasa ngài trông thấy cái chết của mọt người hầu phòng ở chính phủ Trung ương. Anh ta đã trộm trà, khi chết anh có ảo giác bị những hộp trà nghiền nát.)

Khi một viên chức ở tỉnh Tsang chết, ông ta nói: “Tôi đang bị nhiều người chà đạp,” và ông từ giã cõi đời trong một trạng huống kinh hoàng v.v…

Điều này cũng xảy đến cho những người đã hành thiện. Xưa có người ăn xin ở bên vệ đường trông thấy đền đài cung điện và những tia sáng trắng lúc ông ta chết. Kyabje Pabongka Rinpoche còn kể một bà già ở Chuzang đã niệm thần chú Om mani padme hum rất nhiều, khi chết đã thấy những điềm tốt.

Những dấu hiệu ấy chỉ làm một dẫn nhập đi vào cõi chết.

a-3.2. Cách thành tựu thân trung ấm

Như sự lắc lư của một chiếc cân, đời sống nhập thế hiện tại của bạn chấm dứt đồng thời với sự bạn mang lấy một hình thể vật lýdẫn đầu cho sự nhập thế mới - điều này ám chỉ bóng ma mường tượng các uẩn trong tái sinh sắp đến của bạn; sự nhập thế sắp được đi trước bằng bóng ma này dù nó nhập vòa bất cứ nơi đâu. Nhiều người bảo rằng người chết sống trong cõi trung gian mang hình dạng và y phục mà họ có lúc còn sống, và có những cách để thông tin với họ. Điều này thật sai lầm. Có thể rằng đã có một vài trường hợp như vậy, nhưng đấy không phải là người chết mà là một chúng sinh nào giả dạng người chết ấy để lừa dối những kẻ phàm phu.

(Pabongka ám chỉ cau chuyện trong tiểu sử của Milarepa về cái chết của thân phụ của một cư sĩ theo đạo Bon)

Những chúng sinh trong cõi trung gian có đủ tất cả các giác quan; có thần thông có thể làm những hành vi phi thường; không gì có thể cản đường họ ngoại trừ những thánh tích hoặc nơi họ sẽ sinh vào. Những chúng sinh trong cõi trung ấm sắp tái sinh vào địa ngục có màu sắc như những khúc gỗ đã cháy; những chúng sinh nào sắp sinh là quỷ đói có màu nước; những chúng sinh sắp biến thành súc sinh có màu xám tro; những chúng sinh sắp sinh làm người hay chư thiên cõi dục có màu vàng ròng. Những chúng sinh sắp trở thành chư thiên ở sắc giới thì có trắng trong cõi trung gian. Không có cõi trung ấm cho những chúng sinh tái sinh vào cõi vô sắc.

Trạng thái nhập xác trong cõi trung ấm xuất hiện như một đêm tối đen với những người bất thiện; đối với những người hiền thiện, trạng thái này xuất hiện như một đêm tối có điểm những dải ánh sáng trắng hoặc được thắp sáng dưới ánh trăng.

Về thọ mạng của chúng sinh ở cõi trung ấm có nhiều thuyết khác nhau, thông thường nói là 7 ngày - độ dài của những ngày này cũng giống như ngày ở trong đời trước đấy. Sau 7 ngày, những chúng sinh trung ấm trải qua một cái chết nhỏ, và họ có thể có đến 7 lần chết như thế trước khi tìm được một chỗ sinh ra.

a-3.3. Cách nhập thai và sinh ra

Lấy trường hợp một số người được sinh ra từ bào thai. Sự thụ thai xảy đến giữa tinh cha và huyết mẹ. Hồn ma trong cõi trung ấm thấy cha mẹ giao hợp, cơn giận dữ và sự tham luyến làm cho nó nôn mữa, và nó chỉ thấy những cơ quan sinh dục của cha mẹ. Cơn giận giết chết nó và nó được nhập vào bào thai trong tái sinh kế tiếp.

Điều này hoàn tất đề mục “Nghĩ về nguồn gốc khổ - những giai đoạn buộc ta vào sinh tử” theo tác phẩm của Tsongkapa là Những Giai Đoạn Lớn Của Đạo Lộ, Con Đường Nhanh và Con Đường Dễ. Bây giờ tôi sẽ bàn tiêu đề này theo 12 phần nhân duyên, cũng được bàn trong tác phẩm của Tsongkapa nhan đề Những Giai Đoạn Lớn Của Đạo Lộ. Những Lam-rim. Con Đường Dễ và Con Đường Nhanh không rõ ràng về đề tài này. Tôi sẽ dạy đề mục này theo tác phẩm Lời Đức Văn Thù, chỉ bàn qua về những tiêu đề của nó.

Sự đề cập ngắn ngũi trên đây về cách nghĩ đến những giai đoạn ta bị buộc vào sinh tử - nghĩa là nguồn gốc của khổ - đã đủ. Tuy nhiên những người đã nghiên cứu các bản tranh luận cổ điển thì nên nghĩ về điều này qua 12 nhân duyên. Đây là điều tốt nhất cho vài người đặc biệt.

(Pabongka Rinpoche kể lại một thời, vua Ma Kiệt Đà theo lời khuyên của đức Phật đã giải thích quá trình tái sinh cho vị vua tên là Utrayna bằng cách dùng một hình vẽ bánh xe sinh tử, và vị vua này đã phát sinh niềm chán ngấy sinh tử luân hồi. Ngài cũng kể cho chúng tôi nghe Geshe Puchungwa đã nghiên cứu 12 nhân duyên và giảng dạy Phạm Vi Nhỏ và Phạm Vi Trung Bình theo 12 móc xích này.)

Bởi vậy bạn nên nghĩ thêm về những lỗi lầm của Tập đế nguồn gốc của khổ, và lỗi lầm của sinh tử nhờ phương tiện 12 móc xích để tăng cường sự chán ngấy của bạn đối với sinh tử. Đức Phật bàn về những móc xích này khi ngài dạy kinh Những Hạt Lúa.

“Vì cái này có nên cái kia sẽ có. Ví cái này đã sinh nên cái kia sẽ sinh. Cũng vậy vô minh là phần nhân tố phụ thuộc để sinh ra các hành…”

Nói cách khác có 12 móc xích duyên như sau.

a-3.3.1. Vô minh

Đây là căn nguyên sự xoay vần của chúng ta trên bánh xe sinh tử. Chúng ta không biết làm thế nào để hiểu vô ngã với trí tuệ của mình, do đó ta chấp thủ con người của ta và các hiện tượng bên ngoài, ta cho rằng chúng đều có một bản ngã, chúng có thể được thiết lập do tự tính của chúng. “Vô minh” là cái thấy biết điên đảo, ngược lại với trí tuệ căn bản. Điều này cũng giống như bị mù.

Có hai hình thái vô mình. Vô minh về nhân quả, và vô minh về chân như.

a-3.3.2. Hành

Vô minh khởi động các hành như thể là nghề của nó. Các uẩn xuất hiện trong tái sinh kế tiếp của ta cũng là nhiệm vụ các hành. Như thế, chúng ta bị khởi động bởi vô ình không thấy luật nhân quả, nên tạo những nghiệp phi công đức; hoặc chúng ta được khởi động bởi vô minh không thấy được hình thái hiện hữu của vạn pháp nên chúng ta tạo những phi phước hành hoặc bất động hành. Tất cả loại nghiệp này đều gọi là hành.

a-3.3.3. Thức

Ám chỉ hai loại thức: Thức vào thời gian của nhân, và thức vào thời gian của quả báo. Loại thứ nhất là thức theo liền sau bản năng hay khuynh hướng tiềm ẩn của hành, tức là nghiệp. Loại thứ hai là thức theo liền sau sự nhập thai và tái sinh mới.

Một ví dụ: Giả sử bị kích động bởi vô minh bạn mới giết mạng sống. Khi bạn phạm nghiệp này hay hành này, bản năng hay sự tiềm tàng của nó được in dấu khi nghiệp vừa hoàn tất. Đây là thức vào thời gian của nhân. Do nghiệp này bạn được nhập thai này, tình trạng “thức” của bạn là thức vào thời gian của quả báo.

Mỗi khi phước hành hay nghiệp đều có thể ném ta vào nhiều tái sinh trong các đọa xứ. Hãy áp dụng cùng những nguyên lý ấy đối với các phước hành hay “phước nghiệp” v.v…

Những bản năng của nghiệp này đi vào tâm thức cũng giống như dầu thấm vào cát hoặc như mực nơi dấu ấn thấm vào giấy. Tham ái và chấp thủ đều có thể kích động khuynh hướng tiềm tàng này, và khi ấy chúng trở thành đủ sức mạnh để đưa đến tái sinh.

a-3.3.4. Danh sắc

Trong trường hợp tái sinh từ bào thai, móc xích “Danh” là bốn uẩn thọ, tưởng, hành và thức. Móc xích “Sắc” là tinh cha, huyết mẹ trong giai đoạn phát triển đầu tiên, trong đó thức đã được đặt vào. Phối hợp hai cái gọi là móc Danh sắc.

a-3.3.5. Sáu căn

Khi sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đã thành hình, móc xích này chỉ áp dụng cho giai đoạn chưa phân biệt được sự vật mặc dù hiện hữu giác quan và đối tượng (căn, trần, thức) đầy đủ. Các căn vật lý và tâm lý này được nói là hiện hữu từ giai đoạn đầu của bào thai. Lấy ví dụ sự tái sinh bằng biến hóa vào hai cõi dưới là cõi dục và cõi sắc, thì danh sắc và sáu căn xảy ra đồng thời. Ở cõi vô sắc, thì chỉ có “danh” và không có “sắc” hay năm căn vật lý.

a-3.3.6. Xúc

Khi sáu căn đã được thành hình và đồng thời có sự tác động hỗ tương giữa căn, trần, thức thì người ta có thể phân biệt được những đối tượng dễ chịu, khó chịu hay trung tính. Đấy gọi là xúc.

a-3.3.7. Thọ

“Xúc” làm duyên cho sự phát triển của một trong ba loại “thọ” hay cảm giác: lạc, khổ, xả. Ví dụ, ta phát sinh cảm giác vui sướng khi gặp đối tượng dễ chịu.

a-3.3.8. Ái

Ái nghĩa là mong muốn đừng xa lìa những cảm giác vui. Nó cũng là sự mong muốn xa lìa đau khổ, và bám lấy sự xa lìa ấy. Chúng ta còn khát khao tình trạng “xả” của ta không thối giảm.

Cảm thọ được xem là nguyên nhân phụ vào sự phát triển của tham ái. Điều này cần hiểu là khi vô minh có mặt, và có xúc làm duyên: chỉ có “thọ” xảy ra lúc ấy mới phát sinh tham ái. Như vậy khi vô minh không có mặt, chư thiên vẫn có thể có cảm giác, nhưng tham ái sẽ không phát sinh.

a-3.3.9. Thủ

Khi ái càng mạnh, thì chúng ta ham muốn đối tượng và ràng buộc với nó. Có bốn loài chấp thủ. “Dục thủ” là ràng buộc với các đối tượng giác quan. “Kiến thủ” là ràng buộc với tất cả tà kiến, trừ kiến chấp đồng hóa với ngã với cái khả hoại. “Giới cấm thủ” là bám vào những đạo đức hạ đẳng và những lối hành xử liên hệ đến tà kiến. “Ngã luận thủ” là sự thích thú đối với những quan niệm về thực hữu: căn để là sự thích thú đối với kiến chấp cho rằng ngã chính là 5 uẩn.

a-3.3.10. Hữu

Trong quá khứ, “hành” gieo bản năng nghiệp vào tâm thức, Ái và thủ khởi động bản năng và khi ấy nó đủ sức ném ta vào một thân xác trong đời vị lai.

a-3.3.11. Sinh

Móc xích này trải từ sự khởi động nói trên, - khi nghiệp trở thành căn bản cho sự tái sinh của ta vào một trong bốn loại sinh - cho đến lúc ta nhập vào bào thai trong tái sinh mới.

a-3.3.12. Già chết

Chúng ta nhận móc xích “già chết” theo thứ tự. già là sự chín mùi của các uẩn, sự tuần tự biến đổi tình trạng của chúng. Chết là sự hoại diệt các uẩn, sự chấm dứt vận hành các uẩn.

Khi bạn đã được giới thiệu 12 móc xích này và có thể phần biệt từng cái, bạn phải biết cách gom chúng lại thành từng phần. Có 4 phần: phần thúc nhanh, phần thành lập, phần thúc nhanh hậu quả, phần hậu quả hiện rõ.

Vô minh giống như một người gieo hạt giống. Hành do vô minh khởi động là như hạt giống. Và giống như đất trách nhiệm đó hạt giống được gieo, thức vào thời điểm của nhân có bản năng của nghiệp tích lũy đặt vào nó. Vậy phần là hai rưỡi móc xích đầu: vô minh; hành, và thức ở thời điểm làm nhân - không phải phần kia của thức ở thời điểm làm quả.

Cũng như hạt giống được nuôi bằng nước, phân, hơi ấm, sự ẩm ướt, ái và thủ khởi động cái nghiệp để phát sinh quả. Như một hạt giống được làm cho có tiềm năng nhờ nước, phân, hơi nóng và ẩm thấp để đâm chồi, cái nghiệp đã được khởi động bởi ái và thủ chắc chắn sẽ thúc nhanh sự thành hình năm uẩn đời sau nhờ móc xích “hữu.” Vậy ái, thủ, hữu là thành phần lập.

Cũng như hạt giống đâm chồi, móc xích “sinh” - nghĩa là được hoài thai thành hình thể tái sinh mới - là một yếu tố thuộc thành phần hậu quả hiện rõ.

Năm rưỡi (đúng ra là bốn rưỡi, nếu tính danh - sắc là một - DG) móc xích làm nên phần kết thúc nhanh hậu quả, đó là: thức vào thời điểm làm quả, danh sắc, sáu giác quan, xúc và thọ.

Già chết là một yếu tố của phần hậu quả hiện rõ. Vậy phần hậu quả hiện rõ gồm có “sinh” và “già chết.”

Lấy ví dụ sự tái sinh làm một vị trời. Do năng lực vô minh, nghĩa là mù quáng đối với chân như, cái bản năng thuộc nghiệp ta đã tích lũy - cái nghiệp đưa đến tái sinh làm chư thiên - được đặt vào trong thức của ta. Khi ấy ta nghĩ, “Tôi sẽ thích một tái sinh ở cõi trời.” Và khát khao điều này trong lúc cầu nguyện, vân vân: đây là khát ái. Rồi ta đặt nhiều nỗ lực vào khát vọng ấy: đó là thủ. vào lúc chết, hai yếu tố ái, thủ này làm nên cái nghiệp chắc chắn sẽ ném ta vào tái sinh ấy: đây là “hữu”. Vậy, ba yếu tố của phần thúc nhanh và ba yếu tố của phần thành lập - sáu yếu tố tất cả - được đầy đủ trong đời này. Rồi chúng ta tái sinh làm một vị trời; bốn móc - danh sắc, các giác quan, xúc và thọ - là phần thúc nhanh hậu quả; và hai móc - sinh và già chết - là phần quả báo hiện rõ. Đây là cách mà một bộ sậu gồm 12 móc xích được đầy đủ trong hai đời.

Lấy ví dụ tái sinh vào đọa xứ. Cũng những nguyên tắc ấy áp dụng ở đây: vì mù lòa trước luật nhân quả, chúng ta tích lũy những nghiệp bất thiện, được khởi động do ái và thủ, v.v…

Không thể nào có một bộ 12 nhân duyên đầy đủ trong vòng một đời dưới năng lực của một nghiệp duy nhất. Chúng ta có thể hoàn tất đủ bộ 12 nhân duyên nhanh nhất cũng phải trong hai đời.

Cần thời gian lâu hơn khi với ái, thủ ta đã không thể khởi động một vài nghiệp; khi ấy ba yếu tố của phần thúc đẩy nhanh sẽ đầy đủ trong một đời; ba yếu tố của phần thành lập, vào một đời khác; và bốn yếu tố của phần thúc nhanh quả báo, cũng như hai yếu tố của phần quả báo hiện rõ, sẽ được bổ túc trong một đời khác nữa. Một ví dụ: chúng ta tích lũy nghiệp ác để được tái sinh vào đọa xứ, và bản năng đã được gieo trồng. Nhưng vào lúc chết, thầy và bạn gieo những ý tưởng thiện vào trong tâm ta; điều này khởi động cái nghiệp để tái sinh làm người, và kết tiếp ta được sinh làm người. Khi ta chết, ta lại khởi động cái ác nghiệp khi trước do ái và thủ, và rồi ta lại tái sinh vào đọa xứ.

Trong ví dụ chúng ta có thể có nhiều tái sinh xen vào giữa phần thúc nhanh và phần thành lập, nhưng đấy là những cuộc đời thuộc vào những bộ 12 nhân duyên khác nữa, nên không tính.

Vậy, để tóm tắt: cách nhanh nhất ta có thể hoàn tất đủ bộ 12 nhân duyên là trong hai đời sống, và chậm nhất là ba đời. Không thể nào nhanh hơn hoặc chậm hơn thế. Mỗi móc xích làm duyên cho móc kế tiếp sinh khởi, cho nên tất cả khổ - tái sinh, già, chết, v.v… - được kinh quá như một chu kỳ. Trong khi ta theo những móc xích kết quả từ một nghiệp duy nhất, ta có thể phát triển nhiều bộ 12 nhân duyên khác trong giai đoạn nguyên nhân của chúng. Già chết là do sinh; hành là do vô minh, vân vân. Như vậy một móc xích này tiếp theo móc xích kia và bởi thế vô minh là cần để trong việc khiến cho bánh xe sinh tử quay tròn.

Long Thụ nói:

Hai móc xích phát xuất từ ba

Bảy móc xích phát xuất từ hai;

Rồi ba móc xích lại sinh

Bánh xe sinh tử cứ thế quay mãi.

Nói cách khác ba móc xích vọng tưởng (vô minh, ái, thủ) làm phát sinh hai móc xích nghiệp (hành, hữu), và từ hai móc xích này phát sinh bảy móc xích khổ (những móc xích còn lại). Rồi từ bảy móc xích khổ lại phát sinh ba móc xích vọng tưởng v.v…; chu kỳ được lập lại, và bánh xe sinh tử quay mãi không ngừng. Đây là sự quay bánh xe khổ.

Mười hai nhân duyên có thể được đề cập theo thứ tự khác. Nếu muốn thực hành một con đường để chấm dứt 12 nhân duyên, thì ta ngăn cản “hành” bằng cách đề phòng vô minh; điều này sẽ chấm dứt tất cả đau khổ của già chết.

Tóm lại, 12 móc xích duyên sinh có thể tóm thành 3 hệ thống nhân quả: Nghiệp, vọng tưởng và khổ. Vô minh, ái, thủ là 3 móc xích của vọng tưởng. Hai móc xích nghiệp là hành và hữu; những móc xích còn lại là 7 móc xích của khổ. Long Thụ nói:

Thứ nhất, thứ tám, thứ chín là vọng tưởng

Thứ hai, thứ mười là nghiệp.

Bảy chi còn lại là khổ.

Dòng đầu bài kệ nói về 3 móc xích của sự khởi động, dòng kệ thứ hai nói về hai móc xích nghiệp về thân và lời, nghĩa là hành và hữu; dòng thứ ba là những móc xích mà người ta sẽ trải qua.

Bạn đã phát sinh sự từ bỏ khi do hậu quả của sự thiền quán về nỗi khổ chung quanh của sinh tử và 12 móc xích duyên sinh. Bạn khao khát được giải thoát khỏi luân hồi như một người tù. Khi ấy bạn muốn tu luyện theo con đường đưa đến giải thoát.

b. Thực thụ xác định bản chất đạo lộ đến giải thoát.

Có hai phân đoạn (1) loại tái sinh có thể chấm dứt sinh tử (2) loại con đường có thể đưa đến chấm dứt sinh tử.

b-1. Loại thân vật lý có thể chấm dứt sinh tử.

Bạn đã nghĩ về những lỗi lầm của sinh tử. Bản chất của sinh tử là hoàn cảnh vô thường và khả hoại, giống như hình ảnh của mặt trăng trong nước bị gió thổi không đứng yên dù trong chốc lát. Hạnh phúc và tài sản trong sinh tử ấp ủ một mối nguy hiểm lớn lao như cái bóng của một con rắn hổ mang có mồng. Bạn có thể thấy rằng bất cứ loại nào trong 5 loại tái sinh đều là một sự hoành hành không gián đoạn của đau khổ. Cũng như người trong ngục hay trong một gian nhà cháy mong muốn thoát ra, bạn sẽ phát sinh những tư tưởng muốn thoát sinh tử. Bạn sẽ tra tầm những nguyên nhân của sinh tử. Có hai nguyên nhân: nghiệp và vọng tưởng. Khi biết điều này bạn sẽ nỗ lực tìm phương cách để đánh bại 2 nguyên nhân ấy.

Sự tái sinh cần có là tái sinh làm thân người thuận lợi; và bây giờ khi ta đã có được thân người thuận lợi để theo học 3 môn học tăng thượng và những nỗ lực lành mạnh khác, thì ta phải quay lưng với sinh tử. Geshe Potowa nói: “Khi bạn lang thang đã nhiều trong quá khứ, sinh tử không tự đứng lại và nó cũng không tự dừng - chính bạn phải dừng bánh xe sinh tử. Và thời gian để dừng sinh tử chính là hiện tại, khi bạn đã có được thân người thuận lợi.”

Nói cách khác không có một tái sinh nào tốt hơn là tái sinh này.

b-2. Loại con đường có thể chấm dứt sinh tử

Chúng ta cần phải cắt đứt gốc rễ của sinh tử, gốc rễ ấy chính là vô minh, mù lòa với chân như. Hình thức bản năng của sự chấp thủ cái tôi chính là gốc rễ cần được cắt đức, bởi vì khi ta không cắt đứt gốc rễ này mà lại đào luyện những phương pháp giải khác, thì nó chỉ làm cùn nhụt một vài vọng tưởng chứ không thể vĩnh viễn phát huy chúng. Những thiện hành cũng không ăn thua gì.

Chỉ có những tư tưởng hoàn toàn ngược lại với nó mới có thể chấm dứt chấp thủ bản ngã.

Trí tuệ hiểu được vô ngã sẽ nhận ra rằng cái tôi không thực hữu: trí tuệ này bởi thế hoàn toàn đối lập với những tư duy chấp thủ cho rằng cái ngã thực có tự tính. Bởi thế bạn cần có trí tuệ hiểu được vô ngã để có thể nhổ tận gốc sự chấp ngã theo bản năng. Khi bạn không có trí tuệ này mà lại nỗ lực làm các phước hành khác, thì điều ấy chỉ tổ tăng cường thêm sự chấp ngã của bạn chứ không thể làm hại đến chấp ngã.

Muốn phát triển trí tuệ này một cách thích đáng trong dòng tâm thức, bạn cần những điều sau đây. Bạn sẽ không phát triển được trí tuệ ấy nếu không có sự tu tập về tăng thượng định học. Ví dụ bạn cần hai điều khi muốn bổ một thân cây: Một cái rìu thật bén và một cánh tay khỏe mạnh. Nếu cái rìu không được bén thì nói không thể cắt vào trong thân cây. Nếu cánh tay bạn không vững, thì cái rìu sẽ không rơi xuống cùng một chỗ ấy trên thân cây. Hoặc muốn thấy được bức họa trên tường về đêm, bạn phải có một ngọn đèn sáng. Trí tuệ hiểu được vô ngã là giống như cái rìu bén; sự chấp thủ vào một hiện hữu có thật là thân cây cần được chặt, thấy được chính xác hình thái sinh tồn cũng giống như cánh tay khỏe mạnh cầm rìu, hay ngọn đèn tỏa ánh sáng trên sự vật. Muốn phát triển trong dòng tâm thức của bạn sự tịnh chỉ nhất tâm bền bĩ không bị vọng tưởng nội tâm - giống như ngọn đèn dầu không bị lung lay vì gió - thì bạn phải giải thoát tâm khỏi những tán loạn thô phù bên ngoài, nghĩa là bạn phải trước hết tu học tăng thượng giới.

Để tóm tắt, kinh Phạm Thiên Thỉnh được trích dẫn trong tác phẩm Vô Trước nói:

Những điều cần có là:

Một căn bản rất vững

Hoan hỷ trong một tâm an định và tri kiến bậc thánh

Điều không nên có là:

Kiến chấp của kẻ tội lỗi.

Nghĩa là muốn có phương thuốc đối trị ngã chấp - tuệ quán đặc biệt, tri kiến như của bậc thánh để liễu tri Tánh không - hình thái hiện hữu chân thật - thì trước hết bạn phải hoàn tất tâm tịnh chỉ. Và nếu bạn không theo tăng thượng giới học, thì bạn sẽ không có những điều kiện cần để phát sinh tâm tịnh chỉ.

Bức thư của Long Thụ nói:

Khi tóc hay y phục của bạn

Thình lình bắt lửa

Cũng đừng thèm dập tắt:

Thay vì thế, hãy cố dập tắt tái sinh.

Không có mục đích nào vĩ đại bằng.

Đừng thối lui trên con đường

Đi tìm niết bàn vô cấu an tịnh

Bằng giới thanh tịnh và trí tuệ thiền định.

Hãy hoàn tất điều ấy; trong niết bàn không có

Đất nước lửa gió trời trăng,

Ba điều chính cần phải thực hành trong Phạm Vi Trung Bình là ba môn tăng thượng, bởi vậy đáng lẽ phải bàn để chúng ở đây nếu tôi không giảng dạy những đề mục thiền thuộc Phạm Vi Lớn. Tuy nhiên đây chỉ là giáo lý thuộc Phạm Vi Trung Bình, là phần có chung của đạo lộ chứ không phải con đường thực thụ của Phạm Vi Trung Bình. Bởi vậy tôi sẽ bàn về hai môn học tăng thượng là tịnh chỉ và trí tuệ, trong phần tâm tịnh chỉ và tuệ quán đặc biệt thuộc Phạm Vi Lớn. như vậy chỉ còn có tăng thượng giới cần phải bàn đến: đay là cách giảng dạy theo truyền thống.

Bức thư của Long Thụ nói:

Như những động vật và bất động

Đều được đất nâng đỡ,

Cũng thế, giới được gọi là

Nền tảng của tất cả thiện pháp.

Nói cách khác, giới là cốt tử vì là căn bản của mọi đức tính. Đó là giáo lý căn bản của đức Phật. Giới là lợi lạc nhất nếu người ta giữ giới, nhưng nếu không giữ giới thì có những lỗi lầm to lớn; lợi lạc chỉ là do sự giữ giới.

Điều căn bản quyết định giáo lý của Phật có tiếp tục tồn tại hay không chính là Giới Biệt Giải Thoát có còn được tuân giữ hay không. Nếu không còn những người tu thọ cụ túc giới, thì bất cứ giáo lý nào còn tồn tại cũng vô hiệu, mặc dù có thể vẫn còn những người mang tri kiến chẳng hạn. kinh Biệt Giải Thoát nói: “Khi Như Lai nhập Niết bàn, các người lấy giới làm thầy.” Nghĩa là bạn phải cảm thấy giới luật ở trong dòng tâm thức của bạn thay thế cho bậc đạo sư của chúng ta, bạn nên yêu mến giới luật và giữ giới.

Trong ba môn học tăng thượng, thì những người sơ học chúng ta khó thực hành ngay tuệ và định; nhưng giới Biệt Giải Thoát trong dòng tâm thức chúng ta là một tuệ quán đi sâu vào giáo lý, mà chắc chắn chúng ta có thể thực hành, mà chắc chắn chúng ta có trong dòng tâm thức. Đây là lý do tại sao người ta nói giáo lý Phật tồn tại hay không là tùy thuộc vào tăng. Lại nữa giới Biệt Giải Thoát là căn bản, là trung gian của hai loại giới cao hơn.

Khi nói “những người bảo tồn giáo lý,” chúng ta không ám chỉ pháp sư ngồi trên tòa cao. Bạn là một người bảo trì nền giáo lý nếu bạn tuân giữ giới luật mà bạn có trong dòng tâm thức. Nếu bạn khảo cứu và thiền quán nền giáo pháp được truyền thừa là bạn bảo trì chánh pháp được truyền thừa. Nếu bạn giữ giới thanh tịnh, bạn là người bảo trì tuệ giác thâm nhập giáo lý.

Trong 3 loại giới, chúng ta chắc chắn có thể thực hành giới Biệt giải Thoát. Một bản kinh nói: “Tỷ kheo giữ giới thì sáng chói” và: “bất cứ nơi đâu có một tỷ kheo tuân giữ giới luật, nơi ấy có hào quang, có ánh sáng. Ta sẽ làm cho nơi ấy không bị trống rỗng; một nơi như thế sẽ không khiến cho ta lo lắng…” Đây là một điều cốt yếu.

Xứ Tây Tạng chúng ta, miền đất núi tuyết, có những đặc điểm không tìm thấy ở các xứ khác và nguồn gốc của nền hạnh phúc dài hạn của chúng ta là giáo lý của Phật. Sự kiện những giáo lý này còn thịnh hành không phải do ngôi nhà chúng ta, hay dân cư, hay những vật trang hoàng thuộc về tôn giáo; mà do giới Biệt Giải Thoát - gốc rễ của giáo lý. Nếu chúng ta không giữ giới một cách cẩn thận thì điều ấy chứng tỏ rằng giới đã diệt mất, mặc dù bên ngoài giáo lý ấy vẫn lan tràn như đất và đá.

Kinh Tam Muội Vương nói:

Người ta có thể với tâm thanh tịnh

Cúng dường mười triệu đức Phật.

Đồ ăn thức uống, bảo cái

Tràng phan và những dãy đèn

Trong vô số kiếp

Nhiều như cát sông Hằng

Nhưng vào thời mạt pháp

Khi diệu pháp sắp diệt

Ai thực hành giới dù chỉ một ngày đêm

Sẽ được nhiều công đức hơn trên.

Nói cách khác, trong thời đạy suy đồi thì giữ giới có nhiều công đức hơn là liên tục cúng dường ngày đêm cho chư Phật trong ba đời. Trong cõi người đau buồn này, thì một ngày giữ giới trong giáo lý của đức đạo sư Thích Ca Mâu Ni còn nhiều công đức hơn là nhiều kiếp giữ giới cũng lợi lạc hơn là ở đầu thời kiếp, giữ trọn vẹn tất cả giới căn bản; và giữ một giới vào thời mạt pháp còn có công đức hơn cúng dường nhiều Phật trong hàng chục triệu kiếp.

Mỗi nữa tháng chúng ta được một vị tỷ kheo đọc đoạn “Những người nào còn giữ giới sẽ được gặp chư Phật trong tương lai…” vị thầy làm việc này không phải để thi đậu, không phải ông đang lập lại đoạn ấy nhiều lần theo yêu cầu v.v… ông ấy đang làm việc ấy để kết thúc giục chúng ta nhớ lại.

Hãy nghĩ xem giữ giới có lợi gì. Mặc dù bạn tụng: “Mong cho tôi làm sáng chói tâm điểm của nền giáo lý lâu dài” hoặc “Mong cho nền giáo lý Đạo sư lan rộng,” nhưng trước hết trái tim của nền giáo lý phải sinh động ngay trong dòng tâm thức của riêng bạn.

Khi bạn không giữ giới, thì như kinh nói:

Đối với vài người, giới có nghĩa là hạnh phúc

Đối với vài người khác, giới có nghĩa là đau khổ.

Người nào giữ giới thì sẽ hạnh phúc

Người nào phạm luật lỏng lẻo thì đau khổ.

Và kinh Giới Thanh Tịnh nói:

“Này các tỳ kheo chẳng thà bỏ thân mạng mà chết, không nên thối đạo hay phá hỏng giới luật của ngươi. Tại sao? Nếu người tự bỏ mạng sống và chết đi, thì chỉ đời này của ngươi chấm dứt mà thôi. Nhưng nếu giới ngươi thối đọa hay bị phá hỏng, thì ngươi đã từ bỏ hạnh phúc trong hàng chục triệu kiếp, người sẽ mất chân đứng và phải kinh quá một sự sụp đổ to lớn.

Bạn sẽ trải qua đau khổ trong trăm ngàn kiếp tái sinh. Luật nói:

Người nào xem nhẹ giáo lý của đấng từ bi

Hay tách rời giới luật

Sẽ bị sa vào năng lực của khổ

Cũng như vườn xoài sẽ hư hoại

Khi tre bị đốn hết

Khi một người bất tuân lệnh vua

Họ có thể không bị trừng phạt

Nhưng khi họ làm quấy và phạm giơi của Phật dạy

Họ sẽ thành một con thú

Như đã xảy đến cho rồng Elavarna.

Trong đời này nếu bạn bất tuân lệnh của một ông vua có thế lực thì có thể bạn bị phạt có khi không. Nhưng nếu bạn vi phạm những giới luật mà đấng đạo sư từ mẫn đã đạt ra, thì bạn phải trải qua sự trừng phạt sau khi bạn chết như đã xảy ra như Elervana. Elervana chỉ có phạm một tiểu giới mà bị tái sinh làm một con rồng. Khi chúng ta bất chấp nhiều giới trọng, giới khinh và những giới phụ thuộc, thì không biết tái sinh kế tiếp của ta sẽ như thế nào?

Mặc dù chúng ta có thể chưa học nhiều về nền diệu pháp tối thượng sâu xa, song nếu chúng ta tuân giữ giới luật sa di hay tỷ kheo một cách nghiêm chỉnh trong dòng tâm thức thì chúng ta sẽ là những phần tử tăng già, chúng ta sẽ là những người bảo trì nền giáo lý. Không riêng chỉ sa di và tỷ kheo giữ giới, mà những cư sĩ thế tục cũng có thể giữ giới một ngày. Những điều ích lợi trong việc làm này được nói rõ trong những câu chuyện trong Truyền thừa Luật Tạng: Kinh Hiền Ngu v.v…

Bạn chỉ nên thọ những giới mà bạn nghĩ là mình có thể giữ được, như giới Bát quan trai, năm giới, bốn giới, ba giới, hay chỉ một giới. Ngay cả những người đã đi tu cũng nên giữ giới đại thừa một ngày, càng thường xuyên càng tốt; đấy chỉ là những giới trong một ngày nên bạn có thể giữ được một cách trọn vẹn.

Chúng ta luôn luôn tự cho là mình học ba môn học tăng thượng, nhưng chúng ta chỉ có trong dòng tâm thức hình ảnh mờ nhạt của Định và Tuệ mà thôi. Nhưng về Giới thì chúng ta có thể thật sự giữ giới Biệt Giải thoát, hơn thế chúng ta cần nên cố gắng làm việc này. Muốn giữ giới chúng ta phải đóng các cửa dẫn đến sự phạm giới. Có bốn cánh cửa như thế.

Cửa thứ nhất đưa đên sự phạm giới là vô minh. Nếu bạn không biết điều căn bản gì bạn phải giữ thì bạn sẽ không biết là bạn có phá giới hay không. Bởi thế muốn đóng cánh cửa này, bạn cần biết rõ. Hãy tham chiếu những bản văn cổ về luật tạng, những bài kệ tóm tắt các giới luật, những lời khuyên về ba thực hành căn bản thuộc luật tạng v.v… Ít nhất bạn cũng nên biết bảng liệt kê những học giới cần phải theo.

Sự bất kính cũng là một cánh cửa khác dẫn đến phạm giới. Bạn phải kính trọng giáo thọ sư và những bạn lành có hành vi phù hợp với pháp. Hơn nữa bạn nên có thái độ rằng giới luật trong dòng tâm thức của mình thay thế cho bậc đạo sư là phải, nên cần phải được tôn trọng. Đừng thờ ơ với giới luật, vì giới cũng như một thay thế cho bậc thầy của chúng ta sau khi ngài nhập Niết bàn.

Một cánh cửa khác đưa đến sự phạm giới là Vọng Tưởng Lớn nhất. Sự phạm giới theo liền bất cứ vọng tưởng nào lớn nhất trong ba là tham sân si. Nếu đàn áp kẻ thù, trước hết bạn phải hàng phục kẻ thù mạnh nhất - một viên tướng, anh hùng v.v…, cũng tương tự, bạn phải đối trị những vọng tưởng trong dòng tâm thức của mình. Khi những vọng tưởng lớn nhất của bạn là tham ái chẳng hạn thì hãy thiền quán về sự bất tịnh của thân xác: Xem nó như một túi đựng đầy đồ dơ; và phát triển thái độ nhìn nó dưới khía cạnh đầy máu, phình trương, bị sâu ăn, nó sẽ thành một bộ xương, v.v.. Để đối trị thù hận hãy thiền quán về từ bi. Để đối trị kiêu mạn, hãy nghĩ về những nỗi khổ trong sinh tử như già chết, nỗi bất trắc, sự liên tục lên voi xuống chó hoặc nghĩ về sự phân loại đầy đủ các yếu tố trong cơ thể. Hãy quán tưởng rằng nếu có nhiều vật trong thân thể bạn mà về chính nó bạn không biết gì cả như các uẩn, các giác quan, sự tác động giữa các cơ quan năng và cơ thể của các bạn v.v… - thì có bao nhiêu điều khác nữa bạn không biết. Đối trị si ám là thiền quán về duyên sinh; thiền quán về tánh không là cách thông thường để đối trị vọng tưởng.

Sự buông lung là một cánh cửa đưa đến phạm giới: bạn cần phải có chánh niệm không quên điều chỉnh lối hành xử vào một thời khắc trong ngày khi đi, ngồi, ngủ, ăn uống v.v… Thỉnh thoảng hãy kiểm lại xem thân lời ý của mình có bị hoen ố vì tà hạnh, có phạm giới hay không.

Bạn cần phải đóng những cánh cửa đưa đến tà hạnh hoặc đưa đến sự phạm giới: hãy làm điều này nhờ chánh niệm, tinh tấn, tàm quý. Nhưng thỉnh thoảng bạn vẫn có sự hoen ố vì những vi phạm, bởi vậy phải tham dự những lễ tịnh hóa v.v… thường xuyên để sám hối. Văn học cổ về luật tạng nói rằng bạn phải sám hối những tội nhỏ bằng ba việc: Ngồi ở chỗ sau cùng trong lễ tịnh hóa, tỏ sự kính trọng đối với những thành phần khác trong tăng đoàn, và tạm thời bị trục xuất khỏi nơi hành lễ. Tuy nhiên Ensapa và những đệ tử nói rằng người ta có thể tịnh hóa sự vi phạm những giới phụ và các tiểu giới nếu đủ sự hối hận và thực hành đầy đủ sự tự chế.

Những bậc thầy của chúng ta như Atìsha và Tsongkapa hiện thân của Đức Văn Thù và những đệ tử của các ngài đã từng đề phòng không để cho bất cứ giới nào mình đã thọ bị ô nhiễm vì tà hạnh. Chúng ta không thể giữ giới nghiêm túc đến mức ấy, và cũng không thể thực hành sự tự chế đến mức ấy, nhưng chúng ta có thể giữ bốn giới căn bản của cư sĩ, đồng thời từ bỏ rượu và giữ gìn những giới ấy như giữ chính tròng con mắt của mình.

Vì bạn thọ giới Biệt giải thoát trước hòa thượng, thầy truyền giới và tăng già nên bạn phải sám hối bất cứ sự vi phạm nào của bạn trước mặt chúng tăng.

Đây là lý do tại sao, khi bạn sám hối một mình thì bạn chỉ có thể sám hối tội lõi mà không thể tịnh hóa sự phạm giới, nên không lợi lạc bao nhiêu. Đừng coi thường những tiểu giới: nếu bạn không thể súc miệng sau bữa ăn, hoặc mang giày lúc không nên mang, hoặc đắp thượng y không đúng cách, thì làm sao bạn có thể giữ những giới khác? Những người tu sống thiếu uy nghi thì dù không phạm giới trọng hoặc vài giới phụ, họ vẫn làm hại cho tín tâm của người đời đối với Phật pháp. Bạn nên làm những lễ sám càng thường xuyên càng tốt, để sám hối các sự vi phạm những tiểu giới của bạn.

Khi bạn sửa soạn một bữa ăn trưa, hay pha trà, vân vân, bạn cần có sẵn một số vật dụng như bơ, muối, thịt, vân vân. Cũng vậy, muốn thành tựu sự tái sinh mà ta khát khao nhất trong những đời sau, thì thật không phải bạn chỉ cần thực hành một vài điều như giữ giới, bố thí mà đủ. Ngay cả những người đã xuất gia cũng cần thực hành bố thí, vân vân, ngoài sự giữ giới cho thanh tịnh.

Một số người tuyên bố: “Những kỷ luật của giới Biệt giải thoát thuộc về những người hạ căn: bởi thế những người thượng căn hoặc có căn cơ sắt bén thì không cần bị trói buộc vì những giới điều như vậy. Con đường mật tông là con đường nhanh và đã đủ cho những người này, vì con đường ấy xem ba độc như một phần của đạo lộ.” Họ không cho giới luật có giá trị gì, và hành động một cách liều lĩnh. Nhưng dù bạn theo mật tông và đã thọ giới Biệt giải thoát, thì bạn cần phải giữ giới thanh tịnh. Kinh Subahu thỉnh vấn về mật điển có nói:

Ta đấng Chiến thắng, đã dạy giới Biệt Giải thoát

Đừng bỏ thanh tịnh giới ấy.

Hỡi các cư sĩ mật tông, hãy bỏ tướng và nghi lễ (của tăng)

Nhưng hãy thực hành tất cả những gì còn lại…

Mật điển gốc của Văn Thù nói:

Đức Thích Ca Mâu Ni không dạy rằng

Những kẻ giới luật lỏng lẻo

Sẽ thành công về mật điển.

Đấy không phải con đường

Dẫn đến thành Niết bàn.

Làm sao những kẻ phàm phu xấu xa ấy

Thành công được về mật điển?

Làm sao những kẻ thiếu đạo đức

Có thể lên thượng giới?

Chúng sẽ không có hạnh phúc tối thượng.

Vậy làm sao người ta có thể nói

Chúng thành công về mật điển do Phật nói ra?

Có một số người hoàn toàn không có sự từ bỏ nào cả, cũng không có tâm bồ đề hay chánh kiến nào; vậy mà họ trải qua suốt đời thiền quán về sự vận hành có ý thức của tâm (xem Ngày Hai Mươi Hai). Điều này là một nỗ lực vô ích; may phước lắm thì nó cũng chỉ có thể thành bất động nghiệp.

(Khi ấy Rinpoche ôn lại những đề tài trên)

--- o0o ---

Vi tính: Nguyên Trang. Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/01/2012(Xem: 7529)
Trong sự phát triển quá nhanh chóng của xã hội ngày nay, phật tử khắp nơi trên thế giới trở nên linh hoạt hơn trong việc bảo vệ lẫn truyền bá tư tưởng đạo Phật của họ. Với con số khoảng 500 triệu phật tử, đạo Phật được xem là tôn giáo lớn nhất thứ tư của hành tinh này. Đạo Phật có hai tông phái chính: Theravada (Phật giáo Nguyên thủy) và Mahayana (Phật giáo Đại thừa) cùng nhiều môn phái khác, trong đó gồm có môn Thiền quen thuộc cùng những bản kinh dịch khác nhau của người Tây Tạng...
07/01/2012(Xem: 10636)
Trong giới biên khảo, sử gia giữ một địa vị đặc biệt, vì sức làm việc phi thường của họ. Họ kiên nhẫn, cặm cụi hơn hết thảy các nhà khác, hi sinh suốt đời cho văn hóa...
04/01/2012(Xem: 9902)
Sự khai triển của Phật giáo Đại thừa kết hợp với các dân tộc có nền văn hóa khác nhau đưa đến sự xuất hiện nhiều trình độ hiểu biết Phật giáo rất đặc sắc.
16/09/2011(Xem: 6099)
Cần nói đôi lời về nguồn gốc của hai dòng dõi tulkou nổi tiếng nhất: dòng dõi Đạt lai Lạt ma - hóa thân của Bồ tát Quan Âm, và dòng dõi của Ban Thiền Lạt ma...
11/08/2011(Xem: 4443)
Hệ thống đẳng cấp đã tồn tại ở Ấn hàng nghìn năm trước và vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc vào nhiều mặt đời sống của người dân Ấn hiện nay. Hệ thống đẳng cấp, như thường được biết, có nguồn gốc từ Bà La Môn giáo, hay nói khác đi là một sản phẩm của Bà La Môn giáo. Nhưng về sau, hệ thống đẳng cấp đã vượt ra khỏi Bà La Môn giáo và xâm nhập vào những tôn giáo khác nhau, bao gồm cả những tôn giáo có nguồn gốc bên ngoài Ấn Độ. Bài viết này tìm hiểu một vài khía cạnh về hệ thống đẳng cấp trong các tôn giáo ở Ấn Độ.
07/07/2011(Xem: 30717)
Lời Ban Biên Tập: Nhằm mục đích góp phần giúp thế hệ trẻ Việt Nam ở trong nước cũng như ở hải ngoại biết rõ lịch sử Việt Nam trong năm 1963 xảy ra như thế nào và nhất là để có nhận thức sâu sắc hơn về điều mà dân tộc đã khẳng định: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một”. Cho nên chúng tôi lưu trữ vào Thư Viện Hoa Sen CÁC BẢN DỊCH TỪ KHO DỮ LIỆU BỘ NGOẠI GIAO, BỘ QUỐC PHÒNG, CƠ QUAN TÌNH BÁO TRUNG ƯƠNG & CÁC NGUỒN KHÁC đã giải mật. Các tư liệu này có liên quan đến sự kiện lớn trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Sự việc này chắc chắn sẽ có những ý kiến ủng hộ và chống đối, nhưng lịch sử vẫn là lịch sử. Ban biên tập website Thư Viện Hoa Sen chân thành cảm tạ nhà văn Cư sĩ Nguyên Giác, Cư sĩ Nguyễn Kha, và Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức Publications đã gửi tặng các phiên bản vi tính điện tử và trân trong giới thiệu đến toàn thể quý độc gỉa trong và ngoài nước.
06/07/2011(Xem: 6659)
Công Trình Xây Dựng Tượng Di Lặc Tại Ấn Độ, Đức Phật Di lặc (Maitreya, The Future Buddha) sẽ giáng trần và truyền Pháp độ sanh sau khi chánh Pháp của Đức Phật Thích Ca không còn trên thế gian này. Trong Khế Kinh ghi rằng đức Phật Di lặc sẽ giáng sanh và chứng đạo tại thánh địa Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng), Ấn Độ nơi đức Thích Ca Mưu ni đã chứng quả hơn 2500 năm về trước. Hàng năm cứ hàng ngàn khách hành hương trên khắp thế giới về thăm Thánh tích này. Để cho mọi Phật tử trong mười phương "Gieo duyên" với đức Phật Di lặc, cách đây khoảng 10 năm, cố Đại sư Thubten Yeshe, sáng lập viên "Hội Bảo Vệ Truyền Thống Phật Giáo Đại Thừa" (FPMT) thuộc Phật giáo Tây Tạng đã phác thảo một kế hoạch xây dựng tượng Di lặc tại Bodhgaya. Kế hoạch đó nay sắp trở thành hiện thực. Vào ngày 20, 21 và 23 tháng 3 năm 1996 tại Bodhgaya, (về sau công trình này đã dời về địa điểm Kushinagar, Uttar Pradesh), Giới Phật giáo Tây Tạng và Ấn Độ đã long trọng tổ chức lễ đặt đá và khởi công xây dựng tượng Di lặ
02/07/2011(Xem: 9570)
Trải qua hơn 25 thế kỷ, đạo Phật tồn tại đến ngày nay là do sự truyền thừa từ đức Phật đến chư tổ. Tổ lại truyền cho tổ, ‘Tổ tổ tương truyền’ tiếp diễn từ đời nầy sang đời khác. Sự truyền thừa được thể hiện qua hai phương diện giáo lý và thật hành. Về phần giáo lý thì mỗi tông phái đều sáng lập giáo nghĩa, tông chỉ riêng biệt và đều lấy kinh điển của Phật làm nền tảng. Về phần thật hành hay phần sự có khác biệt là tùy theo giáo nghĩa và tư tưởng của mỗi tông. Mỗi tông phái đều truyền bá và xiển dương pháp môn của mình trong tông môn và quần chúng Phật tử. Mỗi tông phái của đạo Phật được ví như mỗi loại hoa của vườn hoa Phật pháp. Mỗi loại hoa có nét đẹp và hương thơm riêng biệt, để khoe sắc hương, nhưng tất cả đều ở trong vườn tịnh của Phật pháp. Cũng như vậy, mỗi tông phái đều là của đạo Phật và đều cùng mang một vị, đó là vị ‘giải thoát’. Trong phần sưu tập về tông phái Thiên thai, chúng tôi chia thành hai giai đoạn chính. Đó là sự sáng lập tông phái ở Trung Quốc, sau nhiều thế kỷ
23/06/2011(Xem: 5628)
Một sự trình bày rõ ràng và trung thực về Phật giáo Tây Tạng, quyển sách này trình bày căn bản của Phật pháp theo một đường lối mà mọi người đều có thể hiểu được khi đọc và dễ dàng tu tập trong cuộc sống hàng ngày. Được soạn thảo riêng cho những người mới tìm hiểu vấn đề này lần đầu tiên, quyển sách này cũng còn cung cấp những kiến thức quý báu cho những đệ tử đã thông hiểu Phật giáo Tây Tạng.
22/06/2011(Xem: 4194)
Cách đây không lâu, cả thế giới đã lên tiếng phản đối hành động điên cuồng phá hủy hai tôn tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới tại Bamiyan (Afghanistan) của chính quyền Taliban cực đoan. Sau hành động phá hoại đó, không ít người ngỡ rằng những di tích nền văn minh cổ xưa của Phật giáo tại nơi đây đã bị hủy diệt hoàn toàn; tuy nhiên, điều đó thực tế đã không phải như vậy. Cách đây gần một thập niên, giới khảo cổ học đã khai quật và phát hiện ở Bamiyan những di liệu văn học Phật giáo hết sức kỳ diệu, những minh chứng hùng hồn cho một giai đoạn phát triền rực rỡ của Phật giáo tại nơi này một trung tâm Phật giáo quan trọng ngoài Ấn Độ. Sự phát triển đó đá tạo nên một nền văn minh riêng biệt, gọi là nền văn minh Phật giáo Gandhàra.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]