Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

HT Thích Tuệ Sỹ: Tu Sĩ, Thi Sĩ, Nhạc Sĩ (1945-2023)

03/01/202415:50(Xem: 1537)
HT Thích Tuệ Sỹ: Tu Sĩ, Thi Sĩ, Nhạc Sĩ (1945-2023)
on tue sy-1945-2023

HT.THÍCH TUỆ SỸ : TU SỸ - THI SỸ - NHẠC SỸ
(1945-2023)

 

Montréal 1/12/2023

Từ mấy hôm nay Mộng Lệ An chìm trong tuyết trắng, mùa đông Québec đẹp lắm giống bức tranh vẽ cảnh thần tiên.

Bầu trời xanh những bình minh nắng hồng, tuyết như bông gòn ấp ủ cành thông trước nhà. Kìa chim sóc líu lo hiền hòa truyền cành tìm chút gì cho ấm bụng. Từng cụm mây xám trĩu nặng chỉ chờ trời ấm gió lặng để trút những hoa tuyết thơ mộng dễ thương.

Trong không trung tiếng nhạc Giáng Sinh đâu đây vang vọng.

Cùng khoảnh khắc đó, thời gian ngừng đọng, nửa vòng trái đất, bản Moonlight Sonata của Beethoven trổi lên, từng nốt chậm rãi trên phím đàn từ trái tim dào dạt.

 

"Ta nhận chìm thời gian trong khóe mắt

Rồi thời gian ửng đỏ đêm thiêng

Đêm chợt thành mùa đông huyễn hoặc

Cánh chim bạt ngàn từ quãng Vô biên."

(Tuệ Sỹ: Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm)

 

Hình ảnh Thầy Tuệ Sỹ ngồi đó bên đàn dương cầm piano à queue. Ánh sáng chan hòa từ cửa kính lớn suốt chiều dài phòng khách. Dáng người gầy guộc nhưng lưng ngồi thẳng, Thầy cúi đầu, chăm chú vô từng nốt nhạc của bài Moonlight Sonata (Clair de Lune), một tuyệt tác của Beethoven. Hôm đó là ngày 14/6/2022 ở tư gia của đệ tử Trần Bảo Toàn, cũng là lần cuối cùng Ôn chơi piano.

 

"Từ đó ta trở về Thiên giới,

Một màu xanh mù tỏa Vô biên.

Bóng sao đêm dài vời vợi;

Thật hay hư, chiều nhỏ ưu phiền.

 

Chiều như thế, cung trầm khắc khoải.

Rát đầu tay nốt nhạc triền miên.

Ôm dấu lặng, nhịp đàn đứt vội.

Anh ở đâu, khói lụa ngoài hiên?"

(Tuệ Sỹ: Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm)

 

Ôn lâm trọng bệnh từ nhiều năm trước đại dịch Covid 2020, nhưng Ôn ráng kéo dài thọ mạng vì GHPGVNTN, với vai trò Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống. Vì như Ôn nhắc trong bài “Gởi Tăng Sinh Thừa Thiên Huế”, GH là biểu tượng, là mạng mạch nối tiếp truyền thống PGVN, nói lên những hy sinh, công hiến của quý Ôn khi xưa và là động lực cho thế hệ sau tiếp nối công việc bảo tồn và phát huy PGVN. Thêm vào đó, với vai trò Chủ tịch Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, công trình dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam Thanh Văn Tạng chưa xong.

Thuốc điều trị làm những khớp ngón tay cứng, Ôn nói: "Bữa nay tôi chơi đàn, vấp nhiều, quên nốt, ngón tay cứng, không còn chơi mượt mà như xưa được nữa".

Những nốt nhạc mà một thời đã được Ôn nhân cách hóa tài tình, dí dỏm, linh động, vừa để trải tâm sự sâu lắng vào đó.

 

"Công Nương bỏ quên chút hờn trên dấu lặng

Chuỗi cadence ray rứt ngón tay

Ấn sâu xuống ưu phiền trên phím trắng

Nửa phím cung chõi nhịp lưu đày

 

Đôi mắt cay phím đen phím trắng

Đen trắng đuổi nhau thành ảo tượng

Trên tận cùng điểm lặng tròn xoe

Ta gửi đó ưu phiền năm tháng"

(Tuệ Sỹ: Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm)

 

Thật vậy, tâm hồn của Ôn Tuệ Sỹ luôn lai láng, nhậm vận thịnh suy như bốn mùa đến đi, buồn vui gì cũng viết thành những áng văn chương bất hủ, muôn màu sắc và âm thanh, có sơn hà đại địa, từ hạt bụi đến càn khôn vũ trụ, vượt ra khỏi mọi ràng buộc, buồn mà không buồn, trong cái gọi là buồn có niềm vui và sức sống, đầy thi vị, vì Ôn nhìn đời và mọi sự vật bằng con mắt đạo, thoát ra những đối đãi của nhị nguyên, có/không. Cho nên ai đọc thơ của Ôn, dù là thơ tù đày, không thấy nặng nề, hận thù mà không hận thù, chỉ thấy tâm hồn thoát tục như bài thơ Tôi Vẫn Đợi:

 

"Tôi vẫn đợi những đêm dài khắc khoải

Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng

Trong bóng tối hận thù, tha thiết mãi

Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng.

 

Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió

Màu đen tuyền ánh mắt tự ngàn xưa

Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử

Dài con sông tràn máu lệ quê cha.

 

Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ

Quên những người xuôi ngược Thái Bình dương

Người ở lại giữa lòng tay bạo chúa

Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương.

 

Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng

Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu

Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng

Như sương mai, như ánh chớp, mây chiều."

(Tuệ Sỹ: Tôi Vẫn Đợi – Sài Gòn 1978 - Tập thơ Giấc mơ Trường Sơn)

 

 

Hay trong bài thơ Khung Trời Cũ (Không Đề):

 

"Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ

Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang

Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ

Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

 

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở

Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan

Cười với nắng một ngày sao chóng thế

Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

 

Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ

Bụi đường dài gót mỏi đi quanh

Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rủ

Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn."

(Tuệ Sỹ: Tập thơ Giấc mơ Trường Sơn)

 

Nhẹ nhàng, ví von nhưng sâu sắc như trong bài thơ Trúc Và Nhện:

“Nắng sớm in tường bạc
Trúc gầy ngả bóng xanh
Tâm tư lắng tĩnh mặc
Tơ nhện buông xuôi cành

Trúc biếc che ngày nắng
Hương chiều đuổi mộng xa
Phương trời nhuộm ráng đỏ
Tóc trắng nhện tơ lòa

Gió khẽ lay cành trúc
Hương vàng ánh nhện tơ
Buông rời giấc tịnh tọa
Nghe động phương trời xa

Ngõ vào qua khóm trúc
Cửa khép vượt đường mây
Tá túc trăng hờn nhện
Nghiêng nghiêng áo lụa dài

Trúc già ngọn phơi phới
Trời hận tuôn mưa rào
Nặng trĩu tình tơ nước
Trúc già lặng cúi đầu”

(Tuệ Sỹ: Tập thơ Giấc mơ Trường Sơn)

 

Hè năm nay trong nhà tôi nhiều kiến bò vô trên bàn bếp, phần thấy phiền, phần không muốn giết vì thương chúng do đói mới đi tìm miếng ăn và do linh tính trời chuyển mưa to nên đàn kiến rút vô nhà trú ngụ. Lúc đó tôi lại liên tưởng đến bài thơ Mộng Ngày của Ôn. Tâm trạng ưu tư, băn khoăn, khắc khoải, Ôn đều biến thành bài thơ nhân cách hóa linh động, nhẹ nhàng, dẫu biết sâu trong tâm khảm là sương mù tăm tối.

 

"Ta cỡi kiến đi tìm tiên động

Cõi trường sinh đàn bướm dật dờ.

Cóc và nhái lang thang tìm sống,

Trong hang sâu con rắn nằm mơ.

 

Đầu cửa động đàn ong luân vũ

Chị hoa rừng son phấn lẳng lơ.

Thẹn hương sắc lau già vươn dậy;

Làm tiên ông tóc trắng phất phơ.

 

Kiến bò quanh nhọc nhằn kiếm sống

Ta trên lưng món nợ ân tình.

Cũng định mệnh lạc loài Tổ quốc,

Cũng tình chung tơ nắng mong manh.

 

Ta hỏi kiến nơi nào cõi tịnh

Ngoài hư không có dấu chim bay,

Từ tiếng gọi màu đen đất khổ,

Thắp tâm tư thay ánh mặt trời ?

 

Ta gọi kiến, ngập ngừng mây bạc;

Đường ta đi, non nước bồi hồi.

Bóc quá khứ, thiên thần kinh ngạc;

Cắn vô biên trái mộng vỡ đôi.

 

Non nước ấy trầm ngâm từ độ

Lửa rừng khuya yêu xác lá khô.

Ta đi tìm trái tim đã vỡ;

Đói thời gian ta gặm hư vô."

(Tuệ Sỹ: Mộng Ngày - Sài Gòn 1984 - Tập thơ Giấc mơ Trường Sơn))        

 

Ai nói tu sỹ không biết rung động, không biết yêu, không còn tình cảm.

Nhưng yêu đâu chỉ có nghĩa là tình yêu trai gái thuần túy và đối tượng là người nữ bằng xương bằng thịt.

Khi thơ nói về người con gái, đâu có nghĩa là nói về một con người thật. Nếu Ôn Tuệ Sỹ đã khéo léo dùng nhân cách hóa khi nói về con kiến, cóc nhái, nhện, trúc, hoa rừng, nốt nhạc, thì khi thơ của Ôn nói về tình cảm tha thiết với người con gái, Ôn cũng có thể đang nhân cách hóa, lãng mạn hóa một tâm trạng, nỗi niềm u uẩn, khát khao, như trong bài thơ tù Cho Ta Chép Nốt Bài Thơ Ấy.

“Ôi nhớ làm sao, em nhỏ ơi!
Từng đêm ngục tối mộng em cười
Ta hôn tay áo thay làn tóc
Nghe đắng môi hồng lạnh tím người

Đừng ghét mùa mưa, em nhỏ ơi!
Nằm ru vách đá chuyện lưu đày
Cho ta chút nắng bên song cửa
Để vẽ hình em theo bóng mây

Cho đến bao giờ, em nhỏ ơi!
Tường rêu chi chít đọng phương trời
Là ta chép nốt bài thơ ấy
Để giết tình yêu cả mộng đời”

(Tuệ Sỹ: Tập thơ Giấc mơ Trường Sơn)

 

Lãng mạn xiết bao như trong bài thơ Nhớ Con Đường Thơm Ngọt Môi Em:

“Tóc em tung bay sương chiều khói biếc
Dệt tơ trời thành khúc hát bâng khuâng
Tình hay mộng khi Trường Sơn xa hút
Đến bao giờ mây trắng gởi tin sang

Gót chân em nắng vàng xua viễn phố
Những ngón hồng ngơ ngác giữa đường chim
Ôi ta nhớ như đêm dài thượng cổ
Sợi tóc mềm lơi nhịp hát trong tim”

(Tuệ Sỹ: Tập thơ Giấc mơ Trường Sơn)

 

Trữ tình như bài thơ Nhớ Dương Cầm:

“Tự hôm nào suối tóc ngọt lời ca
Tay em rung trên những phím lụa ngà
Thôi huyễn tượng xô người theo cát bụi
Vùng đất đỏ bàn chân ai bối rối
Đạp cung đàn sương ứa đọng vành môi
Đường xanh xanh phơn phớt nụ ai cười
Như tơ liễu ngại ngùng lay nắng nhạt
Lời tiễn biệt nói gì sau tiếng hát
Hỏi phương nào cho nguyện ước Trường Sơn
Lời em ca phong kín nhụy hoa hờn
Anh trĩu nặng núi rừng trong đáy mắt
Mờ phố thị những chiều hôn suối tóc
Bóng ai ngồi so phím lụa đàn xưa”

(Tuệ Sỹ: Tập thơ Giấc mơ Trường Sơn)

 

Ôn Tuệ Sỹ mượn thơ văn, thi phú, tiếng đàn (Ôn chơi dương cầm, vĩ cầm, tây ban cầm…) và tình cảm lai láng để phá chấp về hai quan niệm Tu-Đạo là không hết mọi thứ, dứt tình, buông xả, tĩnh tâm, không lời, ngược lại với Tình-Đời là có, là động, sở hữu, thi phú.

 

Nói đến Ôn thì không thể không nhắc đến tác phẩm Tô Đông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng của Ôn, mở đầu bằng:

“Khuyết nguyệt; đó là mảnh trăng non, là con trăng sơ huyền. Trăng của thời kỳ vừa chớm, và thơ cũng sẽ bắt đầu từ một cõi mộng đơn sơ. Những cái u sầu hay hoan lạc trong mỗi cuộc giao tình, phảng phất một ẩn ngữ cao kỳ. Ân tình cùng giao thoa trong tương ứng, nó đơn giản như hai với hai là một. Rồi từ đó sẽ mở ra một phương trời đọa đày viễn mộng. Cuộc tình tan rã, thì cuộc chơi đột ngột phơi bày trong tuế nguyệt. Bấy giờ là mùa thu; và tóc trắng tung bay trong cõi mộng kiêu hùng….

Thế thì, trong cõi thơ, trăng cũng kiêu hùng như gió ngàn bạt đỉnh. Từ đó, nhìn lại con trăng như sợi lông mày vắt ngang trên con mắt sầu mộng đăm chiêu; mảnh trăng non trơ vơ trên ngọn ngô đồng thưa lá: thơ là ẩn ngữ hay không là ẩn ngữ? Vừa ẩn ngữ, vừa không là ẩn ngữ: Trời viễn mộng đọa đày đi mấy thuở; Mộng kiêu hùng hay muối mặn giữa mù khơi?

Thơ không là ẩn ngữ. Trong cuộc giao tình vừa khởi sự, cuộc thơ cũng phơi bày lồ lộ những nét thanh kỳ tú lệ; cũng lãng đãng như màn trăng trong những giọt sương lóng lánh; cũng tươi như nụ hồng vừa chớm nở; cũng trong ngọc trắng ngà như băng tuyết; và cũng trơ vơ như chiếc sao Hôm trong buổi hoàng hôn, tư lự như sao Mai giữa trời khuya ngất tạnh. Vậy, những cái đó không là ẩn ước hay ẩn mật; mà chính là những tâm tình được thổ lộ phơi trần, hoặc bằng lân la nay khóm trúc mai chồi lan; hoặc đột ngột như gió dục mây Tần. Tâm tình đã thổ lộ, thì cuộc giao tình thắm thiết mở ra. Bấy giờ mới là lúc:

 

Vén thanh sắc đổ mù khơi về đối diện

Cuộc ân tình lơi lả vội chia phôi

Trăng nằm xuống ruỗi dài hai bến hẹn

Một dòng sông vồn vã động chân trời »

 

Trong tác phẩm đó Ôn Tuệ Sỹ nói về Lô Sơn Chân Diện Mục để xóa tan chân lý Dị (khác) Đồng (giống) qua phần giới thiệu :

«Lô sơn là một danh thắng kỳ tuyệt. Núi non hùng vĩ, cảnh trí u trầm, mây

trắng và sương mù quanh năm bao phủ, từ bao nhiêu đời, nơi đó ẩn tích những

cao nhân đắc đạo. Tìm đến đó, để nhìn thẳng vào chân diện mục của Lô sơn,

là đã quyết tâm đoạn tuyệt với những vương vấn, buông lơi và thắt chặt,

từ mấy vạn đời trước. Thấy chỗ đó, là thấy Tâm Thiền. Nhưng Tâm Thiền thì

tịch mặc không nói. Một khi đưa lưỡi dao lên cắt đứt mớ tóc, đoạn tuyệt

hồng trần, thì cõi thơ sẽ mất một ngọn sao trời rọi sáng, cho khách tục tử

đang còn cặm cụi làm thơ. Nhà thơ phát tâm đại nguyện thượng thừa vác lên

vai vô số khổ lụy đoạn trường. Đại nguyện đó sẽ làm sáng lên cái chân lý Dị

và Đồng. Dị biệt và Đồng nhất là những con đường chia rẽ phân đôi; nhưng

đạt tới công án hiểm hóc của tử sinh, thì đã xóa tan chân lý Dị Đồng. Đó là

chỗ ta và người, tình và cảnh, đều trở thành tịch mặc Không Không. Từ đó,

nhà Thơ hẹn với nhà Thiền, mở ra cánh cửa bắc, cất đầu nhìn lên 36 ngọn núi

xanh kia»

 

Ôn Tuệ Sỹ nhắc đến bài thơ tứ tuyệt Thi hào Tô Đông Pha đề lên vách khi 

viếng Chùa Đông Lâm:

« Hoành khan thành lãnh trắc thành phong

Viễn cận cao đê các bất đồng

Bất thức Lô sơn chân diện mục

Chỉ duyên thân tại thử sơn trung

橫看成嶺惻成峰

遠近膏低各不同

不識盧山真面目

緣身在此山中

Lô sơn, được nhìn ngang, nó như một dải núi dài; nhìn nghiêng, lại thấy nó

là một ngọn núi cao. Nhìn thấy gần, hay xa, thấy núi cao hay núi thấp. Lô

sơn ẩn hiện thiên hình vạn trạng. Vậy thì, chân diện mục của Lô sơn làm sao

mà biết cho nổi? Cứ vào trong núi thì biết.

 

Một bài thơ khác, được truyền tụng thịnh hành trong giới Thiền tông, nói là

của ông. Nhưng không rõ ông làm lúc nào. Trong các tập thi văn của ông,

không thấy có. Bài thơ nói khá tinh tế về đạo Thiền, cũng khó biết rõ chân

diện mục như Lô sơn.

Lô sơn yên tỏa Triết giang triều

Vị đáo sinh bình hận bất tiêu

Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự

Lô sơn yên tỏa Triết giang triều

盧山湮鎖浙江潮

未到生平 恨不逍

到得還來無別事

盧山湮鎖浙江潮

Bài dịch thơ bằng tiếng Việt hay nhất (không nhớ dịch giả):

Mù tỏa Lô sơn sóng Triết giang.

Khi chưa đến đó hận muôn vàn.

Đến rồi về lại không gì lạ.

Mù tỏa Lô sơn sóng Triết giang. »

 

Ôn kết thúc bằng đoạn văn như sau khi nói về Thi hào Tô Đông Pha:

“Tâm thiền không lời, cái đó ông hâm mộ rồi. Nó cũng trong phương trời viễn mộng của ông. Nhưng Đạo Thơ có lời, cũng là phương trời viễn mộng của ông. Không phải ông bị đày đọa vì bị ray rứt giữa hai đường. Cái đó dành cho tục tử, chứ không hề có nơi cốt cách cao kỳ tuyệt diệu như ông. Nhưng cả hai cái đó, thắt chặt rồi buông lơi, như một cuộc giao tình đến để rồi đi; cả hai đưa nhau, đẩy nhau, đưa đẩy mãi lên mấy từng trời cao diệu, trên những phương trời viễn mộng; đưa đẩy nhau cho đến cùng tuyệt càn khôn, trong bất động, trong vô ngôn; trong phương trời đọa đày viễn mộng. Thế thì, cái chỗ đọa đày viễn mộng đó cũng đơn sơ như cõi mộng ban đầu; ban đầu từ một gương mặt trong ngọc trắng ngà không son phấn, rã cánh hồng mà nụ vẫn còn tươi, cho tình lên cao vút với mây trời trong nắng sớm.

 

Tố diện thường hiềm phấn uyển

Tẩy trang bất thốn tàn hồng

Cao tình dĩ trục hiểu vân không

Bất dữ lê hoa đồng mộng

 

Sau hết, và như là bắt đầu, thấy lại nó đơn sơ như mảnh trăng non và như cây ngô đồng thưa lá. Cõi thơ, có đến và có đi, nhưng không hề có dấu vết. Một cánh chim nhạn, một cánh chim hồng ngoài ven trời vạn dặm”

 

Trong Kinh Pháp Hoa, Đức Phật Thích Ca ví những điều Như Lai dạy như mưa rơi, mỗi cây cỏ cao thấp hấp thụ thấm nhuần khác nhau. Tôi cũng vậy, đọc thơ văn của Ôn Tuệ Sỹ mà khẳng định là mình hiểu thâm ý của Ôn thì chẳng khác nào người mù sờ voi, mải mê khư khư với ngón tay chỉ trăng mà quên vầng nguyệt vằng vặc tròn sáng.

Đọc những áng thơ văn của Ôn, tôi cảm thấy vừa quyến rũ, sâu lắng, an vui lạ thường, đó là điều tôi như cỏ non hấp thụ, tiếp nhận được từ những giọt mưa pháp mà thơ của Ôn luôn ấp ủ.

 

Con người mở mắt chào đời là em bé khóc oa oa, khóc vì sợ hãi, bỡ ngỡ và xa lạ, khóc vì tiềm thức nói đời là bể khổ. Nhưng liền sau đó mở to mắt hồn nhiên nhìn ánh mắt trìu mến và cảm được tình thương yêu trong vòng tay ấm áp của cha mẹ.

Em bé lớn lên trong tình gia đình và rồi sớm rời xa cha mẹ để đi tìm câu trả lời cho "mình là ai, hiện hữu để làm gì, tương lai ra sao, sao lại có sướng khổ, những cái nhị nguyên đối đãi, chết đi về đâu...".

Bên cạnh những nghi vấn, những khắc khoải, những hoài bão là thực tế của cuộc sống và nghiệp lực mà mình dù muốn hay không, bị cuốn hút vô, khi thì thuận buồm khi ngược sóng, lúc tấp bờ này lạc bến kia, và có những người nửa đường gãy cánh, ôm mối hoài nghi, hoài bão, sự nghiệp dang dở, hạnh phúc hay hận thù, ác mộng hoặc mộng đẹp xuống tuyền đài để rồi tiếp tục đi trong sanh tử tử sanh sáu nẻo luân hồi.

 

Ôn Tuệ Sỹ đến với thế gian này cũng vậy, chỉ khác là Ôn đến vì nguyện chứ không vì nghiệp cho nên khi cảm thấy sứ mạng đã hoàn thành thì Ôn ra đi nhẹ nhàng.

Cuộc đời của Ôn từ lúc sinh ra tại Paksé xứ Lào năm Ất Dậu 1945 đến lúc viên tịch ngày 24 tháng 11 năm 2023 tại Việt Nam, trải qua bao thăng trầm, thử thách, ngục tù, Ôn đã hiên ngang bất khuất trong tinh thần bất bạo động, thế hận thù bằng lòng từ bi hỷ xả, dốc lòng xả thân vì Đạo để hoằng dương Phật pháp qua dịch Kinh sách, mượn thơ văn và âm nhạc để tải đạo. Ôn là ngọn đuốc tuệ để soi đường cho Phật tử ra khỏi rừng u minh tà đạo, là hải đăng để hậu bối vượt biển mê về bờ giác, là tấm gương sáng ngời để chúng con noi theo và hết sức ngưỡng mộ.

 

Đức Phật Thích Ca nói: "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành". Điều đó thể hiện trong nụ cười của Ôn Tuệ Sỹ luôn rạng rỡ trên đôi môi, trong ánh mắt và trái tim những năm tháng cuối đời, dù là trên giường bệnh, nụ cười ánh mắt hồn nhiên như trẻ thơ, cho đến hơi thở cuối cùng khi Ngài thâu thần thị tịch.

"Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng

Như sương mai, như ánh chớp, mây chiều."

(Tuệ Sỹ: Tôi Vẫn Đợi)

Đời người từ lúc sanh ra cho đến khi lìa trần chẳng khác chi giấc mộng, có không, được mất chỉ như sương mai, ánh chớp, mây chiều.

Nhân kỷ niệm một tháng ngày Ôn Tuệ Sỹ về cõi Phật, tôi có hai bài thơ kính cúng dường lên Ngài.

 

TÔI VẪN ĐỢI

(Kính họa bài thơ cùng tên của Ôn Tuệ Sỹ)

Tôi vẫn đợi những đêm dài nhung nhớ

Bầu trời xanh mở mắt khóc chào đời

Trong bóng tối mẹ ru vào giấc ngủ

Trăng êm ả bé há miệng mỉm cười

 

Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió

Màu đen tuyền của mắt huệ sâu xa

Nhìn trở lại tự tánh của muôn thuở

Ngược giòng sông chở tôi về quê Nhà

 

Tôi vẫn đợi suốt đời nhớ sóng cả

Nhớ những người đã xuôi ngược năm châu

Vì môi trường, cỏ cây và hoa lá

Vì tự do, dân chủ, ánh Đạo mầu

 

Rồi nhắm mắt ôm vào cả vũ trụ

Ngón tay lần chuỗi hạt nhớ A Di

Rồi mở mắt Ta dạo cõi Tịnh Độ

Như cam lồ, quang minh tỏa, tức thì.

2020-04-29 (Mộng Lệ An)

Dương Nghiệp Huân

 

TỈNH THỨC

Mở mắt chào đời bé khóc oa oa

Thâu thần thị tịch thốt ra "Thế à!"

mờ lũy kiếp luân hồi sanh tử

Tỉnh thức tức thì, Tịnh Độ liên hoa

Tuệ vốn sáng soi viên ngọc chéo áo

Sỹ phu vì Đạo nguyện há phai nhòa

Nguyên sơ diện mục bản lai là Phật

Chứng đắc nào giờ vốn dĩ hôm qua.

2023-12-25 (Mộng Lệ An)

Niệm Đức

 

Nhất tâm đảnh lễ tam bái:

Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Húy thượng NGUYÊN hạ CHỨNG, Hiệu TUỆ SỸ, đời thứ 44 Dòng Lâm Tế Chánh Tông và đời thứ 10 Thiền Phái Liễu Quán, Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN, Chủ tịch Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, Cố vấn Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN, đã viên tịch đúng 16 giờ chiều ngày 24-11-2023 (12-10-Quý Mão) tại Chùa Phật Ân Long Thành Đồng Nai, 46 Giới Lạp, trụ thế 79 năm.

"Hư Không Hữu Tận. Ngã Nguyện Vô Cùng"

 

Nguyện Giác Linh Ngài cao đăng Phật Quốc, hội nhập Ta Bà phổ độ chúng sanh, viên thành Phật đạo.

 

Nguyện cho thế giới hòa bình, ấm no, chấm dứt chiến tranh hận thù cùng bệnh tật, muôn loại sống trong tình thương yêu hài hòa, tâm từ bi hỷ xả, biến cõi Ta bà này thành Tịnh Độ Nhân Gian.

Kính chúc tất cả một năm mới 2024 và Xuân Di Lặc năm Giáp Thìn thân tâm an lạc, Bồ đề tâm bất thối và vạn sự cát tường như ý.

 

2023-12-28 (Mộng Lệ An)

Dương Nghiệp Huân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/01/2020(Xem: 5740)
Vào ngày 28 tháng 12 năm 2019, chùa An Lạc tọa lạc tại số 1647 E. San Fernando Street, thành phố San Jose đã trang nghiêm tổ chức Lễ Chung thất Trai tuần đức cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang. Tham dự buổi lễ, có Hòa thượng Thích Thông Đạt, viện chủ chùa Đại Nhật Như Lai; Thượng tọa Thích Thiện Long, trụ trì chùa Thiên Trúc, Thượng tọa Thích Từ Đức, Tu viện Kim Sơn; Ni trưởng Thích Nữ Nguyên Thanh, trụ trì chùa An Lạc; Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Thường, trụ trì chùa Thường Quang; Ni trưởng Thích Nữ Như Tịnh, Đạo tràng Từ Bi; cùng chư Tôn đức Tăng, Ni, Huynh trưởng GĐPT và đông đảo Phật tử đến từ nhiều tự viện Phật giáo ở miền Bắc và miền Nam California.
24/12/2019(Xem: 9786)
Hòa Thượng Thích Quảng Bình (1948-2019) vừa viên tịch tại Quy Nhơn, Bình Định
19/12/2019(Xem: 6891)
Tôi biết đến Ni Sư Giới Hương 22 năm về trước, khi tôi du học đến Delhi, Ấn Độ. Đó là lúc Hội Lưu Học Sinh Việt Nam họp bàn kế hoạch tham quan Taj Mahal và danh lam thắng cảnh ở Delhi trước khi vào khóa học Mùa Thu, 08/1997. Vì NS Giới Hương đã du học Ấn Độ trước chúng tôi 2 năm và học ở Cử Nhân Phật Học, Đại Học Vạn Hạnh trước chúng tôi 1 Khóa ( NS học Khóa II, còn tôi Khóa III), nhưng những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi lúc đó đối với Ni Sư là : gần gũi, thân thiện, hay giúp đỡ người khác, khiêm tốn, Anh Văn khá lưu loát, trân trọng những người xung quanh, vâng giữ Bát Kỉnh Pháp (thể hiện sự tôn Kính đối với những vị Tỳ Kheo cho dù nhỏ tuổi Đời và Đạo hơn mình). Chắc hẳn nhiều Ni Sinh trong Khóa chúng tôi mơ ước và thầm hỏi : không biết đến khi nào biết rành Anh Ngữ và Delhi như Ni Sư dạo ấy. Chuyến tham quan đó có nhiều kỷ niệm vui và diễn ra tốt đẹp. Mới đó mà đã hơn 20 năm trôi qua, cho đến nay, tôi nhận được lời mời viết bài đóng góp cho Kỷ Yếu : “Tuyển Tập 40 Năm Tu Học và Hoằ
18/12/2019(Xem: 15159)
Năm 2010: Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Như Ý chứng minh Đại Lễ Mừng Chu Niên 20 năm (1990-2010) Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu
17/12/2019(Xem: 5732)
Do niên cao lạp trưởng, Ni trưởng đã thuận thế vô thường, thuận tịch vào lúc 16 giờ 15 phút ngày 19-11-Kỷ Hợi (nhằm ngày 14-12-2019), tại trú xứ Ni viện Diệu Đức; Trụ thế 94 năm, 66 hạ lạp. Ni trưởng thế danh Tôn Nữ Hồng Tường, pháp danh Tâm Từ, pháp hiệu Trí Viên, sinh năm Bính Dần (1926), tại phường Thuận Thành, cố đô Huế. Năm 1948, Ni trưởng được Đức Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết thế độ và cho thọ Sa-di-ni, ban pháp tự Diệu Tấn. Sau đó, Ngài gửi Ni trưởng y chỉ với cố Ni trưởng Thích Nữ Diệu Hương, tu học tại Ni viện Diệu Đức. Năm 1953, Ni trưởng được Bổn sư cho thọ giới Cụ túc.
14/12/2019(Xem: 6720)
Tú Quỳ là nhà thơ hiện thực trào phúng xuất sắc của Quảng Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đồng thời với Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở miền Bắc, Học Lạc, Nhiêu Tâm ở miền Nam, thơ văn của ông từ nội dung đến ngôn ngữ đều thể hiện một tính cách đặc biệt – tính cách Tú Quỳ Quảng Nam.
13/12/2019(Xem: 9831)
Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam tập 3_Thích Đồng Bổn_2015, Phật giáo Việt Nam cùng với vận mệnh đất nước đã trải qua bao hưng suy thăng trầm của lịch sử. Nếu như nước nhà thời nào cũng có anh hùng thì Phật giáo giai đoạn nào cũng có danh Tăng dựng đạo giúp nước. Đó là những tấm gương sáng giá góp phần tạo nên lịch sử, đặc biệt là trong giai đoạn cận và hiện đại với công cuộc chấn hưng và phát triển Phật giáo song song với sự vươn lên của dân tộc.
27/11/2019(Xem: 10882)
Do niên cao lạp trưởng, Trưởng lão Hòa thượng đã thuận thế vô thường, thu thần viên tịch vào lúc 6 giờ 45 phút sáng nay, 27-11 (2-11-Kỷ Hợi) tại chùa Phước Thiện, phường B’Lao, TP.Bảo Lộc - trụ thế 96 năm, 73 hạ lạp. Trưởng lão HT.Thích Tánh Hải là Uỷ viên Thường trực HĐCM, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng, viện chủ chùa Phước Thiện (TP.Bảo Lộc).
27/11/2019(Xem: 7311)
Nhận thấy nhu cầu tìm hiểu những nhân vật, con người, đã và đang đóng góp công sức cho Phật giáo Việt Nam ngày nay, dù chỉ một thoáng để lại dấu ấn trên cuộc đời rồi đi vào quên lãng, ít ai còn nhắc tới. Chúng tôi, những người viết lại lịch sử Phật giáo cảm thấy áy náy khi chưa nêu được những danh tính nhân vật tiền nhân và đương đại, để những nhà nghiên cứu tìm biết về sự góp mặt của họ trong dòng chảy lịch sử Phật giáo, để lớp bụi thời gian đừng xóa nhòa đi tất cả.
26/11/2019(Xem: 5891)
Tổ Huệ Quang (Pháp Chủ Giáo Hội Tăng Già Nam Việt Phó Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam), Thiền Sư Huệ Quang húy Thiện Hải, thế danh Nguyễn Văn Ân, sinh năm 1888 tại quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Sau đó Ngài theo thân mẫu về sống tại Trà Vinh. Năm 19 tuổi Ngài xuất gia tại chùa Long Thành ở quận Trà Cú và theo học với Thiền Sư Thiện Trí. Gần Thiền Sư Thiện Trí, ngoài kiến thức Phật học, Ngài còn được trao truyền kiến thức y học Đông Phương nữa. Tên Thiện Hải là do Thiền Sư Thiện Trí đặt cho Ngài.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]