Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài Pháp cuối cùng của Hòa Thượng Thượng Minh Hạ Tâm (Khóa tu học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 25)

17/08/202319:24(Xem: 1750)
Bài Pháp cuối cùng của Hòa Thượng Thượng Minh Hạ Tâm (Khóa tu học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 25)

HT_Minh_Tam_11

Bài Pháp cuối cùng của

Hòa Thượng Thượng Minh Hạ Tâm

 (Khóa tu học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 25)

 

Nam Mô A Di Đà Phật

Trong khóa tu học, phần đầu là khai thị. Khai thị là mở hướng ra để cho mình thấy rõ hơn, thường phần này do ban tổ chức khóa học dành cho chúng tôi. Năm nay theo chương trình dự kiến thì chúng ta từ 2:30pm đến 3:30pm là phần Khai thị, từ 3:30pm tới 5:00pm: là phân ban sinh hoạt, 5:00pm trở đi, là phần tác pháp An Cư dành riêng cho Chư Tăng Ni, học viên cư sĩ không tham dự

Năm nay có thêm một phần mới, đó là Tăng Ni về đây không phải chỉ có học và khóa lễ thông thường mà vô chương trình An Cư mùa Hạ mười ngày, thành ra mười ngày của khóa học này cũng là mười ngày An Cư của Chư Tăng Ni.

 Theo trong luật mình phải làm theo phương pháp, thể thức ở trong luật, có hình thức tác pháp, tức là trình bày ra, mỗi vị phải thưa, phải gửi, phải hứa, phải hẹn gì đó cho Chư Tăng chứng minh trong suốt mười ngày, cái lễ đó là Tác bạch An Cư. Tôi nói sơ lược như vậy, thiện đạo sau này muốn xuất gia thì tham dự, còn bây giờ mình chỉ biết đại khái như vậy thôi.

Tóm lại chương trình buổi chiều, từ 5:00pm trở đi là tối rồi. Ăn cơm chiều xong là bắt đầu học.

Bây giờ xin vô phần dành cho chúng tôi là Khai Thị, năm nay Thượng Tọa Hoằng Khai vừa nói là khóa học năm thứ 25

 Hai mươi lăm năm, thường lấy đó làm mốc thời gian, coi như là phần tư thế kỷ rồi. Hai phần tư thế kỷ là bao nhiêu? – Là năm chục năm phải không?

Năm nay khóa học chúng ta là hai mươi lăm năm, vậy năm mươi năm Quý Vị biết là gì không? –Là Ngài Hòa Thượng Quảng Đức tự đã VỊ PHÁP THIÊU THÂN. Điều này trong suốt cả năm nay (2013), toàn thể Phật tử, nhất là Phật tử Việt Nam hiện nay ở Hải ngoại, đều long trọng tổ chức lễ Kỷ niệm năm mươi năm Hòa Thượng Quảng Đức tự thiêu.

Năm nay là dấu mốc 50 mươi năm vị pháp thiêu thân của Hòa Thượng Thích Quảng Đức và 25 năm khóa học Phật Pháp Âu Châu. Đây là hai biến cố mà tôi xin thưa sẽ nói trong một tiếng đồng hồ này.

 50 năm vị pháp thiêu thân của Hòa Thượng Quảng Đức và 25 năm khóa tu học Phật Pháp Âu Châu.

Xin thưa quý vị ở đây có vị nào đi dự khóa tu học suốt 15 kỳ không? – Mười thôi, mà chỉ thấy giơ tay lưa thưa, thôi hạ xuống đi, 5 cũng được, có không? Năm thì nhiều há, còn mười Thầy thấy hơi rải rác. Mười lăm thì sao? – Lên bàn hơi nhiều, hai mươi chắc là siêu cõi khác rồi.

Hai mươi lăm năm thì cũng có nhiều vị bây giờ tái sanh trở lại rồi, nếu còn muốn có duyên với cõi Ta Bà này thì tái sanh trở lại .

Nói về hai mươi lăm năm khóa học Âu Châu, thì từ ngày coi như là khóa thứ nhất cho tới bây giờ, chúng tôi xin nói một câu rằng là:Khóa học của chúng ta mà còn tới ngày nay thì quả là một sự đóng góp công sức của rất nhiều người, từ các vị Tôn túc xuất gia cho đến các vị cư sĩ lão thành." Lúc đầu gầy dựng, chịu đựng, đóng góp từ ngày đó cho còn tới bây giờ. Cái thành quả mà chúng ta có ngày nay là do công đức của bao vị đi trước đã đóng góp. Chúng tôi xin được nhắc sơ như vậy để quý vị biết, tuy là khóa học thấy như đơn giản, nhưng thực sự không đơn giản đâu.

 Nói về mặt khó khăn thì phải nói là rất nhiều. Khó khăn về hoàn cảnh, khó khăn về tài chánh, khó khăn về nhân sự, rất nhiều chứ không phải là không có. Nhưng trước tiên là nhờ sự hỗ trợ của các chư Tôn Đức, Tăng Ni và các vị bề trên, các vị hàng xuất gia, các vị giáo thọ, các vị luật sư, lúc đầu gây dựng nền tảng, cho đến ngày nay chúng ta thừa hưởng và tiếp tục. Chúng ta không bao giờ quên công đức của các vị đi trước, các vị ấy ngày nay đối với quý vị có thể là phụ huynh, có thể là chú bác, cô dì, có thể là các vị lớp trước. Điều muốn nói là hai mươi lăm năm chúng ta không thể nào quên các điều đó, và riêng cá nhân chúng tôi thì cũng khó quên lắm. Tới ngày nào không còn làm việc nữa thì cũng không bao giờ quên công đức đó của các vị.

Có nhiều vị đặt câu hỏi: Do nguyên nhân nào, do cái yếu tố nào mà thúc đẩy các quý vị trong Giáo hội Âu Châu lập ra khóa học này? Tôi hỏi ngược lại quý vị: Bây giờ chúng ta gọi khóa này là khóa Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 25 do Giáo Hội Phật Giáo Âu Châu tổ chức tại Phần Lan, vậy thì thưa quý vị lúc khóa học này bắt đầu đã có Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu chưa? – Có chưa? Có rồi hay chưa?

- Có. - Vậy là trật lất rồi!

Có người nói rằng: Như vậy là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất lập khóa học này từ khóa thứ nhứt, trên thực tế không phải, bởi vì Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu mới ra đời năm 1990. Khóa học có từ năm 1987, 1988.

Khóa học Phật Pháp Âu Châu lần thứ nhất năm 1999, và giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời năm 1990.

Quý Vị nhớ bức tường Bá Linh sụp đổ vào năm nào không? – Năm 1989 phải không? Lúc đó khóa học Giáo Lý Âu Châu có rồi, nhưng mà Giáo Hội chưa có.

Nói một cách vắn tắt là:

Giáo Hội Phật Giáo Âu Châu thành lập sau khi khóa học đã có rồi.

Mà nói là do Giáo Hội thành lập là không đúng. Bởi vì cái này có trước, cái kia có sau mà, tức là khóa học có trước rồi Giáo Hội mới có sau. Giáo Hội lập năm 1990. Mặc dầu trước đó có những nguyên nhân, có những buổi họp, có những sự gặp gỡ giữa Chư Tăng địa điểm thành lập Giáo Hội Âu Châu. Năm 1990. Giáo Hội phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở Hoa Kỳ lập năm 1992, tức là sau Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất Âu Châu hai năm, bên Hoa Kỳ mới thành lập và các Giáo Hội khác cũng thành lập sau. Có nghĩa là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất Âu Châu có trước các Giáo Hội khác, nhưng mà cái khóa học Phật Pháp Âu Châu này lại có trước tất cả.

Vậy quý vị nhớ cho rằng, không phải Giáo Hội sinh ra khóa học mà ngược lại Khóa học sinh ra Giáo Hội.

 Nhờ khóa học mà chư Tăng mới quy tụ, nhờ khóa học mà Chư Tăng mới gặp gỡ, nhờ khóa học mà chư Tăng mới ngồi lại trong vòng Âu Châu thôi. Rồi cuối cùng quý Thầy mới nghĩ rằng là: Bây giờ nên đi tới chỗ thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu. Thành ra đó là điểm cốt yếu, Quý Vị nhớ cho, nhất là quý vị lớn tuổi đã tham dự nhiều khóa rồi đó, cũng nên biết lịch sử của nó một chút.

Cái thứ hai, tính từ cái khóa học này mà có ra nhiều vị xuất gia. Trong quý vị xuất gia, có vị nào từ khóa học ra không? -  À, vậy ra trong khóa học có nhiều vị xuất gia, có nhiều cô xuất gia. Do nguyên nhân từ khóa học, do quý vị đi học đạo, do quý vị tham dự các khóa tu rồi gặp cơ duyên chín mùi, đầy đủ nhân duyên rồi các vị xin xuất gia. Tôi nhớ trong số quý vị Âu Châu này một số lớn các vị trẻ đều sau các khóa học mà xin xuất gia.

 Xin xuất gia thì còn cũng có, thí dụ như mười vị xuất gia thì còn bảy, tám, cũng có mất đi một số, nhưng mà hầu hết là từ cái khóa tu học mà ra. Tôi xin kể ngồi trước mặt tôi đây có Hạnh Định. Cũng có quý vị trong này nữa mà tôi nhớ không hết, bên Tăng cũng như bên Ni, lớp trẻ cũng như lớp lớn tuổi.

Từ những ngày học đạo trong khóa học rồi sau đó mới có nhân duyên đi xuất gia. Phải nói rằng là nhờ khóa học mà nuôi dưỡng mầm mống về tổ chức Giáo Hội cũng như về sinh hoạt Tăng Ni, còn nhiều nhiều nữa chứ không phải chừng đó đâu. Chính nhờ khóa học này như đất, ra cây, ra trái, đủ thứ hết.

Nhờ Khóa học Phật Pháp mà chúng ta mới có được cơ duyên nuôi dưỡng nhân tài của Phật giáo, cũng như cơ duyên được phát huy các sinh hoạt Phật Giáo.

Mặc dầu đến đây là hai mươi lăm kỳ, nhưng so với các châu khác, như bên Úc Châu, bên Mỹ Châu thì Âu Châu vẫn là đi trước. Cũng nhờ nhân duyên bên Âu Châu mà bên Úc Châu bây giờ cũng mở khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu, đã lên tới khóa thứ mười mấy rồi. Còn bên Mỹ Châu rất đông người Việt, rất đông Tăng Ni, nhưng mà mở khóa Tu Học Bắc Mỹ kỳ này mới tới khóa thứ ba, Bắc Mỹ Châu gồm có Hoa Kỳ và Canada. Các Tôn túc, các chư Vị qua đây để tham dự, như là giảng dạy, ví dụ như Hòa Thượng Thắng Hoan; Hòa Thượng Nguyên Siêu, các vị Hòa Thượng, các Ngài qua bên này thấy sinh hoạt của Âu Châu, nhất là các khóa học, các Ngài về mới mô phỏng theo hình thức này mà tạo ra các sinh hoạt. Khóa học này không phải chỉ ảnh hưởng ở Âu Châu mà còn ảnh hưởng tới các châu khác, trong đó chúng ta thấy có Úc Châu và bây giờ tới Mỹ Châu

Quý vị thấy các lợi ích như tôi vừa kể đó, cái điều này cũng là cái điều chúng ta cũng nên nhớ, không phải nói để mà mình khoe khoang gì, nhưng mà nói có nhân, có quả, mình biết ích lợi của nó như thế nào. Đó là khóa học Phật Pháp Âu Châu.

Nhưng mà quý vị nhớ là lúc khởi đầu không phải cái tên Khóa Học Phật Pháp Âu Châu, mà nó có cái tên khác. Quý Vị nào biết tên gì? Hỏi như vậy hơi là lạ há, tức là mình không tham dự ngay từ đầu mình không nhớ. Tại vì hai mươi lăm năm rồi, các vị nào ít ra cũng khoảng bốn mấy, năm mươi tuổi, còn ba chục tuổi trở lại, chắc lúc đó còn đánh vòng, đánh đáo nên chưa tham dự, mà nếu có tham dự thì còn nhỏ quá cũng không nhớ. Lúc đầu tiên cái Khóa học Pháp Âu Châu như chúng tôi vừa kể, ảnh hưởng thế này, thế khác đó thì nó bắt đầu không phải tên khóa học Âu Châu mà cái tên của nó khác. Bây giờ Quý Vị kêu là Khóa tu học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 25 phải không? Lúc đầu tiên gọi  Khóa học Phật Pháp. Sau này quý Thầy một số không chịu. Không chịu vì sao, thiếu chữ gì? Thiếu chữ TU, có học mà không tu không được.

 Phải có học, rồi có tu nữa cho nên thêm chữ tu vô: "KHÓA TU HỌC PHẬT PHÁP". Rồi quý Thầy ngồi nghĩ sao đó và thêm vào thành tên rất có ý nghĩa là "KHÓA TU HỌC PHẬT PHÁP ÂU CHÂU", kỳ này là kỳ thứ hai mươi lăm.

Xin thưa với quý vị, khóa tu học này bắt đầu từ năm 1984 thì phải, theo tôi nghĩ, lúc đó mới mở ra khóa đầu tiên có khoảng ba chục, bốn chục người trong chùa Khánh Anh, mà quý Thầy đặt tên là Khóa học Phật Pháp Khánh Anh 1. Từ chùa Khánh Anh bên Pháp khởi lên năm thứ nhứt 1984, rồi tới năm 1988, là mấy năm quý vị? – 4 năm há, mà năm đó là tới khóa Khánh Anh thứ năm. Một, Hai, Ba, Bốn, Năm. Tới năm thứ năm thì cái số học viên lại lên nhiều quá, chắc chùa Khánh Anh to quá nên chứa không hết, mỗi lần tổ chức như vậy là trưng dụng hết: ngủ ngoài hè có, ngủ trong bếp, Ngủ chánh điện, vậy mà cũng không đủ chỗ. Cho nên bấy giờ chúng tôi mới nghĩ, chắc có lẽ mình phải đi kiếm địa điểm khác mới dung chứa nổi. Bấy giờ mới nhờ một số Phật tử ở bên Thụy Sỹ đi tìm dùm một cái địa điểm, mà hầu hết các địa điểm ở bên Thụy Sỹ là địa điểm đi cắm trại trên rừng, trên núi. Khi chọn được địa điểm, khóa tu học Khánh Anh dời qua Thụy Sỹ, khóa đó cũng kêu gọi được một số đông các Phật tử về học. Rồi cũng nhờ qua bên Thụy Sỹ đó, rộng rãi lúc bấy giờ chúng tôi mới mời một số quý Thầy nói chung bên Âu Châu về dạy, hướng dẫn tu học, cái chương trình cũng giống như bây giờ nhưng mà ít hơn. Mỗi ngày cũng có giờ tụng kinh, ngồi thiền, cũng có giờ giáo lý, nhưng mà ít hơn so với các khóa bây giờ.

Sau khóa thứ năm của Phật Pháp Khánh Anh, được chư Tăng chiếu cố, thành ra lúc bấy giờ quý Thầy mới phát huy, mở rộng. Nói rằng được như vầy rồi thì năm tới mình sẽ tiếp tục mở luân phiên ở các nước Âu Châu. Mỗi nước mỗi năm một lần. Năm kế tiếp là năm 1989 quý Thầy mới đổi là khóa Phật Pháp Khánh Anh thành ra khóa của Âu Châu.

 Tại địa phương nước Anh, năm rồi có 881 học viên tham dự khóa 24, trừ 313 học viên tại địa phương ra thì số học viên ở xa tới nước Anh hơn 500 người.

Bây giờ khóa của Phần Lan, quý vị đoán được bao nhiêu? – Mình xổ lô tô đi há. Coi từ đây tới cuối khóa ai trúng được. Ai nói gần đúng nè, 800 há, chà ngon lành! 700, lên chứ sao xuống? 700 con số có thể gọi là tương đối, cụ thể đó, nhưng mà cũng có thể lên tới 800. Tại sao tôi nói như vậy? Bởi vì hiện giờ con số mà tôi biết được là dựa theo con số mua vé máy bay hay vé đi phà mà họ báo thì đã 500 hơn rồi. Vậy thì nếu cộng ở Phần Lan này tệ lắm cũng được 100 nữa, thì được bao nhiêu? 600 như vậy cũng không đến nỗi tệ đâu, thôi thì cho thêm một chút từ 150 đến 200 như vậy cũng khoảng chừng 700, nói chắc như vậy đi, nhưng mà cũng đâu biết chừng giờ chót họ kéo qua đùng đùng thì sao? Cái đó mình không biết được. Căn bản mình cũng có thể có 700.

Vậy thì một khóa học mà quý vị nghĩ rằng đi máy bay mà qua đây không phải dễ, coi như là một sự hy sinh, một sự vận động hết sức là khó khăn, ngay tổ chức trong nước của mình cũng kêu là khó rồi, huống chi là tổ chức một nước xa như Phần Lan, mà tôi biết có nhiều vị đi phải đổi tàu hai, ba lần. Trong số 500 vị mà tôi vừa nói khi nãy, tôi biết không phải tới một lượt, ngày hôm qua, tức là ngày 25, hôm nay 26 là khai giảng, thì con số đến đông nhứt, nhưng mà chưa phải là hết, vẫn còn tiếp tục ngày nay, và còn tiếp tục ngày mai, cho tới cuối khóa, thành ra con số còn tiếp tục đến nhiều. Vậy tôi đoán là 700 có thể thêm chút đỉnh.

Thế thì khóa học chúng ta số học viên trung bình từ 700, 600 hay từ 500 cho đến 1000 tại Khóa học ở Ý, hay khóa học bên Anh năm rồi có 881 học viên.

 Nói về số lượng thì một ngày một tăng. Quý vị có nghĩ rằng, nếu khóa học này  duy trì đến năm khóa thứ 30 có thể lên tới 1500 không? – Không ai dám nghĩ đâu, nhưng mà biết chừng đâu, do nhân duyên. Mà nhân duyên này không phải do các vị Giảng sư, Giáo thọ, mà nhân duyên này do các vị học viên. Nếu học viên biết cách mở rộng, biết cách vận động, biết cách kêu gọi thì con số nó sẽ tăng lên. Thành ra cái chuyện số học viên tăng lên nhiều hay ít, thì cũng do một phần nào ngoài ảnh hưởng của ban giáo thọ, của ban tổ chức và cũng là ảnh hưởng của học viên đi học về. Học về mà thực hiện theo những điều của mình đã học, cũng như mình hoạt động thi thố những điều gì mình đã học, thì tạo ra cái ảnh hưởng tốt. Mà khi được như vậy, mình kêu gọi thì mọi người dễ tin tưởng, còn ngược lại mình không làm gì hết, không có uy tín, không tạo được ảnh hưởng thì mình nói cũng như không mà thôi. Điều này trong tương lai thì chưa biết thế nào. Chúng tôi đã hướng dẫn khóa học, hay là chịu trách nhiệm khóa học trong 25 năm, biết chừng đâu 26, 27, 28 thuộc loại phế nhân rồi! Tới lúc phải nghỉ rồi thì các vị khác sẽ tiếp, các Chư Tôn Đức khác sẽ tiếp, các học viên khác sẽ tiếp.

 Tôi nghĩ nếu mà chúng ta theo cái đà như lâu nay, thì mình có thể phát triển về mặt số lượng. Ngoài mặt số lượng ra chúng ta còn kể cái gì nữa? - Cái nội dung. Mà chữ ngày nay thường nói là chất lượng, mặc dù chữ chất lượng đó nó không đúng, nhưng mà nói riết thành ra quen.

Vậy chất lượng là cái gì? – Chất lượng là nội dung tu học, là khả năng tu học, sau khi tu học mình đã làm được việc gì? Trình độ tu tập cỡ nào? Cái đó thường thường ngày nay chữ dùng là chất lượng. Lúc trước tôi không dùng được, bây giờ mình nói quen rồi tôi cũng dùng theo. Hễ nó quen rồi, cái gì sai nói riết cũng thành đúng à. Thành ra bây giờ mình muốn đi theo quần chúng đó thì cũng phải dùng theo chữ đó thôi. Thí dụ như quý vị có bệnh đi bác sĩ. Bác sĩ khám hay khám bác sĩ? – Mình mang cái bệnh mình tới cho bác sĩ khám chứ, nhưng mà khi về tới nhà mình nói là: Tôi đi khám bác sĩ mới về. Rõ ràng là bác sĩ khám mình, nhưng mà mình cứ nói là đi khám bác sĩ, riết rồi chữ đó thành ra quen. Giờ mình muốn nói đi bác sĩ khám, không ai nghe hết, rồi mình cũng nói là đi khám bác sĩ luôn, mặc dù mình biết là sai, nhưng mà người ta lại hiểu, mình nói đúng không ai hiểu hết, dùng chữ chất lượng cũng vậy, nó không đúng, chữ nghĩa nó không đúng, nhưng mà mình dùng quá nhiều đi rồi, thành ra tôi xin tạm thời dùng chữ chất lượng. Người tu có chất lượng, mà người tu học không có chất lượng. Nói chỗ đó mình hiểu không? Ta đi học năm khóa, mười khóa mà không có chất lượng gì hết. Một người đi học một khóa, hai khóa mà có chất lượng, nói như vậy có thể hiểu sơ sơ được, tức là người học mà có hành, học ít mà làm nhiều, học ít mà có hạnh tu thì người ta gọi người đó có chất lượng.

Tôi nghĩ là nếu mà người đi tu học nhiều khóa hay ít khóa không thành vấn đề, nhưng mà cần phải có gì? – Chất lượng.

 Quý vị vỗ tay ngon lành lắm nha, Thầy mong rằng khi mình học ít, học nhiều nhưng phải làm cho có chất lượng, tức là về nội dung, mình có thể phát huy được con số từ một trăm bây giờ tăng lên tới một ngàn hay là bảy tám trăm là điều đáng mừng.

Các Châu khác mà nghe học viên đi dự khóa Âu Châu bảy tám trăm một ngàn là họ ngán lắm, nhưng mà không có chất lượng kèm theo thì rất uổng, cho nên chúng ta cũng nên khuyên rằng là quý vị mà đi học một hai khóa rồi nên lưu tâm cái gọi là chất lượng, là nội dung. Quý vị học lớp một, lớp hai hay là thọ Bồ Tát giới thì cũng nên để tâm một chút về vấn đề chất lượng. Cái chất lượng đó nó giúp cho mình, cũng như tổ chức cho mình, người ta biết cái khóa học này như thế nào, người ta biết cái con người từ khóa học này ra thế nào là nhờ cái chất lượng tu học, chứ không phải do cái chìa khóa mà người ta lấy đâu, có người nói: Dạ, con đi tới mười lăm khóa nhưng mà có người không tin, không tin vì cái việc làm của mình đó, không tin mấy. Còn người chỉ có một hai khóa thôi mà nói ai cũng nghe, làm cái gì thiên hạ cũng chịu, cái đó tùy theo mình chứ không phải là đi dự nhiều khóa, cũng nên hiểu cái chỗ đó. Người mà đi tu học nhiều khóa rồi cũng nên lưu tâm cái chất lượng một chút.

 Tôi biết có nhiều vị sau này đi xuất gia, có nhiều vị thọ Bồ Tát giới, có nhiều vị ra làm Trụ trì, có nhiều vị ra làm giảng sư, có nhiều vị ra làm Sư cô, có nhiều vị sau này ra Sư bà nữa chứ đâu phải ít. Cũng nhờ chất lượng tu học của mình, nói chung là cái căn bản khi mình có ở trong khóa học, cho nên chúng tôi hay nói, quý Thầy ăn thua là cũng từ cái ngày còn nhỏ học ở trong nhà trường, trong tu viện, từ đó ung đúc mới thành nên, mới có một số căn bản nào đó, chứ không phải tự nhiên mà có, không phải đương nhiên mà thành, thì cái đầu tiên chúng ta muốn nói là khóa tu học chúng ta phải lưu tâm cái điểm đó, ví dụ câu chuyện vui như thế này, có người đi vô chùa một thời gian rồi có người hỏi tôi: Bữa nay Thầy rảnh không Thầy? – Có, rảnh rồi làm gì? – Cho con thọ Bồ Tát giới, nói tỉnh queo à! Thọ Bồ Tát giới mà hỏi Thầy có rảnh không, giống như uống nước đá, uống cà phê sữa vậy. Tôi hỏi: Ủa lý do sao mà con muốn thọ Bồ Tát giới? Người đó nói: Dạ, con muốn thọ Bồ Tát giới để con làm công quả. Tôi mới lấy làm lạ, sao thọ Bồ Tát giới mà làm công quả? Mọi người làm công quả thì làm công quả, thọ Bồ Tát giới có dính gì đâu mà tại sao thọ Bồ Tát giới để làm công quả? Lúc đó cô ấy mới thú thật và nói: Dạ, con đi làm công quả trong này, con thấy người nào cũng thọ Bồ Tát giới hết. - Có mình con chưa thọ à, làm như mình đi làm công quả nó không đúng mức vậy, cho nên Thầy rảnh, Thầy thọ cho con đi.

Đó, như vậy là hiểu đúng hay sai chữ Bồ Tát giới? Quý vị biết là hiểu sai đó, Bồ Tát giới đâu phải là thọ để làm công quả đâu, phải không? Còn cái người này họ nói thật, tại họ vô họ thấy người nào làm công quả cũng thọ Bồ Tát giới hết, đến giờ tụng giới Bồ Tát, Bố tát thấy lên hết, còn mình một mình thấy bơ vơ nên muốn Thầy cho thọ Bồ Tát giới để làm công quả.

Tôi nói: Ủa, tôi cắt nghĩa cho một hồi, làm công quả thì làm công quả chứ thọ Bồ Tát giới hai cái nó không dính nhau, con muốn thọ Bồ Tát giới thì con đi khóa học Âu Châu thì sẽ thọ thôi, đi khóa học Âu Châu có tổ chức giới đàn thọ Bồ Tát giới thì thọ, chứ đâu có thể bây giờ rảnh Thầy thọ Bồ Tát giới cho con một mình, rồi tưởng làm cái gì để đi làm công quả, nó cũng không có ý nghĩa gì hết.

 Nhưng mà nói thì nói chứ cô đó không hiểu nổi, cô thắc mắc quá y như là Thầy hà tiện vậy, keo kiết không bố thí Bồ Tát giới.

 Một hồi tôi mới hỏi cô đó: Nhưng mà Thầy hỏi con,  con có quy y chưa? – Cô hỏi lại tôi: Quy y là làm sao?

 Mà hỏi như vậy là có quy chưa? - Hỏi lại như vậy mới biết là cô chưa quy y. Tôi nói: Muốn thọ Bồ Tát giới thì phải quy y, quy y xong rồi mới thọ Bồ Tát giới, chứ chưa quy y mà muốn thọ Bồ Tát giới chẳng khác gì con muốn đi học đại học mà con không cần trung học, không cần tiểu học, bay lên đại học liền thì đâu được, như vậy trường nào mà nhận cho con? Con thử nghĩ xem, phải đi có lớp, có lang chứ. Mặc dầu thọ ngũ giới và thọ Bồ Tát giới hai cái có khác, nhưng mà cũng phải tuần tự đi theo thứ tự.

 Bây giờ một số quý Thầy còn đòi trước khi thọ Bồ Tát giới còn thọ thập thiện nữa, và vừa rồi tôi đi chỗ nào đâu đây trong Âu Châu này tôi được yêu cầu truyền thập thiện cho các vị trước khi thọ Bồ Tát giới, tôi cũng có làm chuyện đó. Nhưng mà theo chúng tôi cũng như một số quý Thầy thì thấy rằng cái đó cần nhưng không phải là thiết lắm, nếu theo xưa nay thì nó cũng có thứ tự thật, từ ngũ giới, tới thập thiện rồi Bồ Tát giới. Đối với hải ngoại chúng ta ngày nay Âu Châu và các nước khác, nhất là Âu Châu. Âu Châu được cái tiếng: Bồ Tát sinh lẹ, Bồ Tát sinh nhiều, phải vậy không? Đi qua khóa Phần Lan, quý vị đoán coi bao nhiêu Bồ Tát. Mấy năm trước tôi có đưa ra một con số, nếu mà giới tử tối thiểu khoảng chừng ba mươi người, thì có giới đàn thọ Bồ Tát giới, nhưng mà không có năm nào bỏ hết. Năm nào mọi người cũng đi vận động làm sao trên số ba mươi. Năm vừa rồi ở bên Anh tới bảy tám mươi gì đó. Thành ra tôi mới nói một câu Bồ Tát sinh nhiều, Bồ Tát sinh lẹ, cứ một mùa như vậy là sinh ra bảy, tám chục Bồ Tát. Đó là chưa kể chùa này, chùa kia chùa nọ nữa. Cứ thỉnh về rồi cho thọ Bồ Tát giới, nhiều lắm, thì chuyện thọ Bồ Tát giới không có phải là khó lắm, nhưng mà thọ rồi, cái ít nhất là hình thức Bố tát, cũng không biết Bố tát là sao nữa. Tôi hỏi các vị thọ Bồ Tát giới năm năm bảy năm rồi họ có làm lễ Bố tát lần nào chưa? Họ trả lời sao? – Họ hỏi ngược lại tôi: Dạ thưa Thầy, Bố tát là gì vậy Thầy? Con từ trước tới giờ nghe Bồ Tát chứ chưa nghe Bố tát. Nói vậy là tôi biết họ Bố tát nhiều rồi! Là chưa lần nào. Hai chữ đó khác hay giống quý vị? - Khác xa lắm: Bồ Tát khác, Bố tát khác. Hai chữ khác xa lắm. Người này hỏi tỉnh queo hà. Bố tát là sao Thầy? Như vậy là Bồ Tát này chưa từng Bố tát, mà đó chỉ là hình thức thôi, đó là tụng giới thôi mà người này không làm được. Không làm được không phải là người này không muốn, mà vì địa phương người này sinh sống không có nhiều, có một mình mình hà, rồi cũng đâu có ai tổ chức, mà cũng không liên kết với ai, cho nên thọ thì có mà tụng giới thì không, Bố tát thì không, chưa kể đến chuyện thực hành nữa, cái thực hành còn thưa thớt lắm.

Thành ra tôi cũng xin nhắc chữ chất lượng khi nãy đó. Các vị mà thọ Bồ Tát giới muốn lắm, thích lắm, mà quý Thầy cũng không tiếc gì cái chuyện đó quý vị, muốn thọ Bồ Tát giới thì tổ chức giới đàn thọ Bồ Tát giới, nhưng mà cái điều quan trọng là phải làm cái gì thuộc một phần nào đó của hạnh Bồ Tát, bởi vì thọ Bồ Tát giới để thực hành hạnh Bồ Tát mà, tu hạnh Bồ Tát mà, chứ đâu phải để chơi đâu. Hay nói rõ hơn thế này: Giới Bồ Tát là giới làm. Còn giới mà chúng ta thọ Tam Quy Ngũ Giới là giới ngăn ngừa, giới chỉ, ngăn ngừa là gì? Là không được, không được, gọi là ngăn ngừa.

Không được gì?

-Không được sát sanh

- Không được trộm cắp.

- Không được tà dâm

- Không được nói dối

- Không được uống rượu

Phải không? Giới đó cũng trong Tỳ Kheo giới:

- Không được giữ tiền, giữ bạc, không được sở hữu trong một ngày

- Không được giữ châu báu

Nhưng bây giờ Thầy nào trong túi cũng phải có tiền. Có nhiều Thầy nói đùa thôi: Dạ, con đâu có giữ tiền đâu, con giữ máy cái thẻ nhà băng thôi. Đúng rồi trong luật nói không giữ tiền, chứ đâu nói giữ credit card đâu. Thật sự đời xưa, đời của Đức Phật đâu có credit card đâu, đời nay chẳng những credit card mà nhiều thứ credit card nữa phải không? Thứ xanh, thứ vàng, thứ đỏ, đủ thứ, mà bây giờ Thầy nào cũng ít nhất một card, có nhiều Thầy ba bốn card, chứ không phải ít, đó là sự thật.

 Nhưng mà nếu không thọ Bồ Tát giới là quý Thầy đó sẽ phạm hết. Tại sao vậy? luật không cho, là tư hữu, là có tài sản riêng. Điều đó không được, nhưng mà nếu đi tới chỗ Bồ Tát giới thì có chỗ mở rộng ra không được giữ tiền, giữ bạc cho cá nhân sở hữu, nhưng có quyền giữ tiền giữ bạc cho cá nhân, tập thể, cho Tăng đoàn để mà phát huy, để mà phát triển thì được, có nghĩa là vì lợi ích của Tăng đoàn, của tổ chức mà vị này được cử làm thủ quỹ, hay vị này làm thủ bổn, thì vị đó có quyền được giữ tiền bạc, thì điều đó không phạm, còn nếu mà giữ cá nhân là phạm. Thành ra các vị cũng nên biết những cái đó để sau này có nhiều người, người ta bắt bẻ mình, nhiều khi mình không biết.

 Người ta phân biệt ra hai cái truyền thống Nam Tông và Bắc Tông có khác, giữa Bồ Tát giới tại gia và Bồ Tát giới xuất gia cũng có khác, và giữa Thanh Văn giới và Bồ Tát giới có khác, mà Bồ Tát giới còn một chữ đặc biệt nữa là tầm giới, chứ không phải là những giới bình thường đâu. Thành ra nói về Bồ Tát giới có những cái đặc biệt lắm, mà cái đặc biệt đó đòi hỏi cái sự tu chứng của mỗi vị, đòi hỏi cái hạnh Bồ Tát của mỗi vị, vì lẽ đó mà trường hợp năm mươi năm của Ngài Thích Quảng Đức, chúng ta gọi mà không sợ phạm lỗi gì hết, gọi Bồ Tát Thích Quảng Đức là vì việc làm của Ngài Quảng Đức không có gì để chúng ta nghi ngờ, mà chúng ta còn phải học nữa, chúng ta phải tôn kính nữa, nghĩa là vì đạo mà hy sinh, vì mọi người mà xả thân, vì hoàn cảnh khó khăn của pháp nạn mà đứng ra để giải quyết bằng sự đốt thân của mình, cái hành động đó là hành động của một vị Bồ Tát, cho nên chúng ta gọi Bồ Tát Thích Quảng Đức mà không sợ sai.

Tôi thấy bây giờ ở Việt Nam hay cả các nơi khác đều gọi Bồ Tát Thích Quảng Đức, mặc dầu Ngài Quảng Đức không phải là một vị Tiến sĩ, không phải là một vị học cao, nhưng mà cái hạnh đó có thể nói là cao nhất.

Năm nay là kỷ niệm năm mươi năm của Ngài Quảng Đức, thì có lẽ quý Thầy sẽ nói nhiều về hạnh của Ngài Quảng Đức, các nơi khác và trong khóa học này vào trưa Chủ Nhật sẽ có làm lễ tưởng niệm năm mươi năm của Bồ Tát Quảng Đức.

 

Chúng tôi xin nhắc lại, lời khai thị của chúng tôi chỉ nhấn mạnh là làm thế nào để chúng ta đi dự khóa học để mà phát huy cái hạnh Bồ Tát, gọi là cái chất lượng của các vị tham dự khóa học để mà phụng sự cho Đạo Pháp, nhất là những trường hợp Đạo pháp bị lâm nguy, bị những cái khó khăn thì chỉ có một cái hạnh Bồ Tát để mà có thể giải quyết những khó khăn đó, và muốn làm những cái hạnh Bồ Tát, thì người học Phật phải biết được cái tinh túy của giáo lý của các vị Bồ Tát, của Lịch Đại Tổ Sư thì chúng ta mới có thể hành cái hạnh đó một cách  tự nhiên, một cách gọi là tự nguyện, chứ bằng không những người xung quanh nói thế này, thế khác rồi cho rằng cái việc làm đúng, sai.

Thí dụ như sự hy sinh của Ngài Quảng Đức, cho tới giờ đã năm mươi năm mà họ còn nói thế  này, thế kia, thế nọ, tạo những cái hiểu lầm.

Nhân đây trong cái giờ khai thị ngắn ngủi này, tuy ngăn ngủi nhưng mà chúng tôi có nhấn mạnh, trước tiên là sự hy sinh của Chư Tôn Đức Tăng Ni về đây tham dự, thứ hai nữa là học viên các nơi khác cũng hy sinh gọi là tịnh tài, để mà mua vé máy bay, có người mua sau cùng hết sức đắt mà cũng đi, và cũng một phần nào đó vì khóa học. Mà nếu chúng ta không nắm vững được cái yếu tố căn bản của Phật Pháp thì rất uổng.

 Mong rằng tất cả quý vị đi một khóa học rồi thì cũng có cái gì đó để mà bỏ túi được, để làm hành trang chắc chắn sau này có lợi cho Đạo pháp, có lợi cho tổ chức của mình, trong cái địa phương của mình.

Một lần nữa xin cầu chúc cho khóa học hôm nay sẽ đạt được nhiều kết quả viên mãn.

Nam Mô A Di Đà Phật.

 

(ghi lại theo tài liệu Audio của trang nhà Quảng Đức, từ Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ 25, ngày 27.7.2013 do Tỳ Kheo Thích Giác Thảo đưa lên)

Đức Quốc, ngày 11.8.2023

 Đệ tử Diệu Danh

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/04/2011(Xem: 6049)
Từ vùng đất địa linh nhân kiệt, chúa Nguyễn Hoàng lập nghiệp đầu tiên, Hòa thượng đã thác tích hiện thân đại sĩ, nương thuyền từ độ kẻ trong mê. Duyên lành sẵn có, tâm Bồ đề sớm phát, tuổi ấu thơ đã thắm nhuần đạo vị, chùa Hải Đức trưởng dưỡng chí xuất trần. Rồi đến độ tâm hoa khai phát, lúc tuổi thanh xuân, nơi chốn Tổ Tra Am, Hòa thượng quyết chí tu hành, cắt ái từ thân, thế phát bẩm sư với Tổ Viên Thành.
04/04/2011(Xem: 9201)
BBC Giới thiệu Đôi nét về Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thích Thích Nhất Hạnh là một thiền sư nổi danh trên thế giới, là một văn nhân, một thi nhân, một học giả, mà cũng là một người đấu tranh cho hòa bình. Bên cạnh đức Đạt Lai Lạt Ma thì Thầy là bậc đạo sư nổi tiếng nhất trên thế giới hiện nay. Ngoài ra Thầy còn là tác giả của trên một trăm cuốn sách, trong đó gồm có những "xếp hạng bán chạy nhất“ (bestsellers) như những cuốn Hòa Bình Từng Bước Chân (Peace is Every Step), Phép lạ của sự Tỉnh thức (The Miracle of Mindulness), Chúa nghìn đời, Bụt nghìn đời (Living Buddha Living Christ) và Giận (Anger)
28/03/2011(Xem: 8565)
Giáo sư Trần Phương Lan – Pháp danh Nguyên Tâm - nguyên Phó trưởng khoa Phật Pháp Anh Ngữ tại Học Viện Phật giáo Việt Nam
25/03/2011(Xem: 7628)
Không biết anh thâm nhập Phật giáo từ lúc nào, nhưng lúc còn là Oanh vũ, năm 1945 anh đã tham gia sinh hoạt đoàn thể tiền thân của Gia đình phật tử hiện nay. Anh sáng tác nhạc rất sớm, và cũng giữ trường trai rất sớm. Thập niên 1955 của thế kỷ XX, cộng đồng Phật giáo đã biết và nghe tên anh qua nhiều nhạc phẩm mang đậm tư tưởng Phật giáo. Hiện nay số lượng tác phẩm do anh sáng tác và phổ thơ đã trên 500 bản. Anh và nhạc sĩ Lê Cao Phan là hai cội sen già trong vườn hoa đạo Phật.
25/03/2011(Xem: 7525)
Hòa Thượng Thích Phước Huệ (1875-1963)
25/03/2011(Xem: 8079)
ĐPNN: Là một trong những nhạc sĩ PG đầu tiên được ghi nhận công lao đóng góp cho văn hóa PG trong quyển 50 Năm Chấn Hưng Phật Giáo của cố HT.Thích Thiện Hoa, NS Hằng Vang từng đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác Phật nhạc do GHPGVNTN tổ chức, trao giải thưởng ngày 25-2-1965 tại nhà hát lớn Sài Gòn. Các trung tâm văn hóa PG trong và ngoài nước đã xuất bản hơn 20 album của NS Hằng Vang theo các hình thức cassettes-CD-VCD ca nhạc, kinh nhạc và 20 album cassettes-video-CD-VCD-DVD cũng như 8 tuyển tập ca nhạc đứng chung với nhiều tác giả khác.
24/03/2011(Xem: 7185)
Hòa Thượng Thích Trí Chơn, thế danh Trương Xuân Bình, sinh ngày 20 tháng 11 năm 1933 (Quý Dậu) tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận (Trung Việt)
21/03/2011(Xem: 5799)
Tôi đã sống với một con người với tất cả ý nghĩa của Người trong một thời gian tương đối dài giữa một giai kỳ buồn vui pha trộn. Có thể nói Gs Phạm Công Thiện là người có một cách sống giản dị, không kiểu cách, cầu kỳ, ngược lại rất khiêm cung và nhẫn nại, nhẫn nại ngay cả trong hoàn cảnh rất khó nhẫn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]