Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Trí Thủ (1909-1984)

19/04/202305:22(Xem: 2510)
Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Trí Thủ (1909-1984)

ht thich tri thu

LƯỢC SỬ

HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ THỦ
(1909-1984)




Hòa Thượng húy Văn Kính, pháp danh Tâm Như, tự Đạo Giám, hiệu Trí Thủ. Hòa Thượng sinh giờ Hợi ngày 19 tháng 9 năm Kỷ Dậu tức ngày 1 tháng 11 năm 1909. Xuất thân từ một dòng tộc nối đời sùng mộ Phật pháp. Hòa Thượng thuộc thế hệ thứ tám của họ Nguyễn, họ khai canh và khai khẩn làng Trung Kiên, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Dòng tộc này từ thế hệ thứ ba có Thiền Sư Đạo Minh – Phổ Tịnh trụ trì kế tổ Tổ đình Báo Quốc – Huế, kiến lập Sắc Tứ Linh Quang Tự tại thôn nhà (làng Trung Kiên, Triệu Phong, Quảng Trị) vào năm Gia Long nguyên niên (1802). Đời thứ tư có Hòa Thượng Nhất Định – Tánh Thiên khai sơn Tổ đình Từ Hiếu. Thế hệ thứ sáu Hòa Thượng Trừng Nhã, tự Chí Thanh khai sơn chùa Giác Lâm. Thế hệ thứ bảy Hòa Thượng Ngộ Tánh, tự Hưng Long, hiệu Phước Huệ khai sơn chùa Hải Đức. Đồng hàng thứ tám có Hòa Thượng Tâm Lượng, hiệu Diệu Hoằng trùng hưng Diệu Đế quốc tự.

Thân phụ ngài húy Văn Minh, pháp danh Trừng Khiết, tự Diệu Quang, hiệu Hưng Nghĩa. Thừa tiếp gia phong, theo hạnh tu bán thế tục gia, lập am thất Phổ Tế tại vùng đồi phía Nam kinh thành Huế, quy ngưỡng Phật pháp. Thân mẫu tục danh Lê Thị Nậy, tự Chiểu, người làng Cu Hoan, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ngài là con trai trưởng, gia đình có hai em, một trai là Nguyễn Văn Khâm và một gái là Nguyễn Thị Vân.

Từ tấm bé, ngài đã theo đòi nghiên bút với Hán tự, chữ viết văn học thời này. Lên chín là khá làu thông việc đọc và viết các bài kinh nhật tụng. Ảnh hưởng đạo phong của các bậc tôn túc thân tộc, vốn ươm sẵn cốt tủy bồ đề và túc duyên với Phật pháp, mười bốn tuổi ngài theo bác ruột học kinh ở chùa Hải Đức – Huế. Dòng tộc vốn kính ngưỡng cao danh và đạo vị của Thiền Sư Viên Thành nên năm mười bảy tuổi ngài được cho đầu sư thọ học với Thiền Sư tại chùa Tra Am (Trà Am), Huế. Ngài được Bổn Sư Viên Thành nhận làm đệ tử thứ tư, ban pháp danh Tâm Như, pháp tự Đạo Giám và giáo huấn nghiêm ngặt. Ba đại sư huynh ngộ pháp nổi danh của ngài là Trí Uyên, Trí Hiển và Trí Giải.

Đủ hai mươi tuổi, Bổn Sư cho vào giới đàn chùa Từ Vân ở Đà Nẵng thọ Cụ Túc giới, Hòa Thượng trúng tuyển Thủ Sa Di trong số 300 Giới Tử tại giới đàn này. Do đó, Bổn Sư Viên Thành đã cho pháp hiệu là Thích Trí Thủ với ý khen tặng chữ Thủ là đứng đầu.

Sau hai năm cư tang Bổn Sư tại chùa Tra Am, ngài cùng các pháp lữ vào chùa Thập Tháp, Bình Định tham học với Hòa Thượng Phước Huệ vào năm 23 tuổi.

Mãn học, ngài ngồi ghế Giáo Thọ, dạy trường Phật Học Phổ Thiên ở Đà nẵng. Vì chưa thỏa lòng cầu pháp, ngài trở ra Huế, cùng các vị đồng học ở Thập Tháp ngày trước, tổ chức Trường Phật Học tại chùa Tây Thiên, cung thỉnh Tăng Cang Giác Nhiên chùa Thiền Tôn làm Giám Đốc, Hòa Thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp làm Đốc Giáo dạy nội điển, đồng thời mời các Cư Sĩ như bác sĩ Lê Đình Thám dạy luận học, các cụ Nguyễn Khoa Toàn, Cao Xuân Huy… dạy các môn về văn hóa theo trình độ đại học. Ở trường này, ngài đã chính thức học chương trình đại học Phật Giáo cũng như văn hóa. Trong thời gian này, ngài đồng thời làm Giảng Sư cho Hội Phật Học Huế và dạy lớp trung đẳng Phật học cũng mở tại chùa Tây Thiên. Lúc này, ngài được hai mươi bảy tuổi. Khi Hội Phật Học mở trường tiểu học Phật Giáo tại chùa Báo Quốc, ngài đã kiêm dạy chúng Tăng Sinh ở đây.

Sau khi tốt nghiệp Trường Phật Học Tây Thiên, năm 29 tuổi (1938), ngài về trụ trì chùa tổ Ba La Mật, nhưng vẫn tiếp tục công việc giảng dạy cho Hội và các trường Phật học. Năm 1939, Ni Trường thành lập tại chùa Từ Đàm, Sơn Môn và Hội Phật Học giao ngài đặc trách việc đào tạo và điều hành Ni Trường này. Đây là cơ sở Ni Bộ đầu tiên được hình thành. Năm 1940, ngài trùng tu chùa tổ Ba La Mật. Năm 1941 mở Trường Sơn Môn Phật Học tại chùa Linh Quang Huế, chủ trương xây dựng kinh tế tự túc cho học chúng làm phương tiện tu trì trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng thời bấy giờ. Ngài cũng chủ trương cho Học Tăng học văn hóa. Chính ngài đích thân dẫn Tăng Sinh đi thi tiểu học. Việc Tăng Sinh học văn hóa và thi lấy bằng cấp ngoài đời đã gây chấn động không ít trong số người chủ trương đào tạo Tăng Sinh theo nề nếp cũ.

Cách mạng tháng 8 dấy khởi, với cương vị Trị Sự Sơn Môn Thừa Thiên, ngài đã cùng nhiều vị lập Hội Phật Giáo Cứu Quốc Trung Bộ, chủ trương tờ nguyệt san Giải Thoát làm cơ quan tuyên truyền. Ngài đắc cử Đại Biểu Hội Đồng Nhân Dân Thừa Thiên và được chính quyền mời đến Trung Bộ Phủ giao quyền sắp đặt lại chùa chiền, hủy bỏ chế độ chùa vua trước đó.

Năm 1948, ngài mở giới đàn tại chùa Báo Quốc, thân làm chủ đàn. Tại giới đàn này, ngài đã phục hồi ý nghĩa của Thất Chứng mà các giới trường xưa nay ít coi trọng. Trong ý nghĩa đó, ngài đã cung thỉnh các vị tôn túc giới đức cao dày làm Tôn Chứng để chứng minh cho sự truyền giới. Ngài cũng phân chia riêng Tăng, Ni hai bộ, Tăng độ cho Tăng, Ni độ cho Ni.

Năm 1951, với chức vụ Hội Trưởng Hội Việt Nam Phật Học Trung Phần, nằm trong hệ thống Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam có sáu tập đoàn Phật Giáo Bắc, Trung, Nam, đứng đầu là Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội Chủ, ngài đặt viên đá đầu tiên xây dựng Trường Tiểu Học Tư Thục Bồ Đề tại thành nội Huế. Đây là điểm mở đầu mạng lưới giáo dục Phật Giáo, đóng góp vào sự nghiệp hoạt động xã hội nhân sinh, xây dựng đất nước theo tinh thần nhập thế vốn có ở đạo Phật tự ngàn xưa. Mạng lưới giáo dục này từ đó liên tục phát triển với nhiều tỉnh thành khắp nước, ở cả ba cấp học. Đến năm 1975, đất nước hòa bình, mạng lưới lại hoàn toàn bị giải thể.

Năm 1952, ngài tạm nghỉ việc Hội, chuyên tâm giáo dục Học Tăng tại Phật Học Đường Báo Quốc. Cuối năm 1956, Phật Học Viện Trung Phần thành lập tại Nha Trang, ngài thân làm Giám Viện. Năm 1957, thấy đa số Tăng Ni của Phật Học Viện đã đến tuổi thọ giới, ngài cho mở giới đàn và thân làm đàn chủ.

Để ổn định kinh tế tự túc ở Phật Học Viện, ngài cho một số Tăng theo học cách thức chế biến và mở hãng sản xuất xì dầu (nước tương), hương đèn, dấm ăn, xà phòng, sử dụng sức lao động của nội chúng và Phật Tử chưa có việc làm gần chùa. Hầu hết Học Tăng của Phật Học Viện đều được ngài cho học cả hai chương trình nội điển và thế tục. Nhờ hướng đào tạo đó mà nơi đây đã là nguồn cung cấp liên tiếp những Chánh Đại Diện Giáo Hội các tỉnh, quận, hoặc giảng sư, trụ trì, hiệu trưởng, giám học các trường Bồ Đề, quản lý nhà in, nhà phát hành kinh sách… khắp miền Trung. Về sau, một số đã trở thành giảng sư, giáo sư đại học trong ngành văn hóa giáo dục phục vụ đạo và đời.

Năm 1960, ngài tạo mãi miếng vườn ở quận Gò Vấp, Sài Gòn, khai kiến tu viện Quảng Hương Già Lam. Năm 1962, ngài dẫn đầu phái đoàn Phật Giáo Việt Nam tại miền Nam tham dự đại lễ thế giới kỷ niệm năm 2500 đức Phật nhập Niết Bàn, tại vương quốc Lào.

Phật Đản năm 1963 khởi đầu thời pháp nạn, ngài về Huế cùng các vị lãnh đạo Phật Giáo hướng dẫn phong trào tranh đấu bảo vệ đạo pháp và dân tộc cho đến khi bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam giữ. Ngày 1.11.1963, chế độ bạo quyền sụp đổ. Qua cơn pháp nạn, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, được thành lập với 11 tập đoàn các hệ phái Phật Giáo toàn miền Nam và miền Bắc Việt Nam di cư, ngài được bổ nhiệm vào Ban Dự Thảo Hiến Chương Giáo Hội. Trong nhiệm kỳ đầu, ngài đảm nhiệm Tổng Vụ Hoằng Pháp. Công việc hoằng pháp và giáo dục Tăng Ni là mối quan tâm hàng đầu của ngài. Ở nhiệm vụ và vai trò này, ngài đã mở ba Đại Hội Hoằng Pháp: một tại Phật Học Viện Nha Trang, một tại chùa Xá Lợi, Sài gòn và một tại chùa Ấn Quang, (Chợ Lớn). Hoạt động và thành tích hoằng pháp đều tổng kết ghi lại trong ba tập kỷ yếu Đại Hội. Ngài còn thành lập Giảng Sư Đoàn và cắt cử mỗi vị phụ trách một tỉnh để diễn giảng Phật pháp cho tín đồ. Về sau, ngài còn thành lập Phật Học Viện Phổ Đà ở Đà Nẵng.

Năm 1964, ngài thân làm Viện Trưởng Viện Cao Đẳng Phật Giáo thành lập tại chùa Pháp Hội, Sài Gòn. Đây là tiền thân của Viện Đại Học Vạn Hạnh. Ngài còn chủ trương các tập san Tin Phật, Bát Nhã để gióng tiếng pháp cho đời. Năm 1965, sau khi ổn định mọi Phật sự, ngài hành hương chiêm bái các danh lam Phật tích ở Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Hồng Kông, Đài Loan, giao thiệp với nhiều danh tăng các nước.

Sau thời làm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp, ngài lại được Giáo Hội trao giữ nhiệm vụ Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tài chánh. Năm 1968, ngài được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chính thức cử hành lễ tấn phong Hòa Thượng. Cùng năm này, Hòa Thượng khai giới đàn tại Phật Học Viện Nha Trang. Năm 1969, ngài đại trùng tu Tổ đình Báo Quốc.

Từ Đại Hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất kỳ 5 và 6, Hòa Thượng giữ chức vụ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, đến năm 1975 kiêm Phụ Tá Đức Tăng Thống cho đến khi đất nước và đạo pháp chuyển qua giai đoạn lịch sử mới.

Năm 1976, Hòa Thượng lại tổ chức đại giới đàn Quảng Đức tại Tổ đình Ấn Quang, Chợ Lớn.

Trước chiều hướng mới và cũng thể theo ý hướng thống nhất mà xưa nay Phật Giáo Việt Nam vẫn thường ấp ủ. Sau hòa bình, trong cương vị Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Hòa Thượng đã liên lạc chư tôn túc lãnh đạo các hệ phái và các tổ chức Phật Giáo khác trong cả nước, bàn bạc việc thống nhất Phật Giáo Việt Nam. Chính đây là nguyện vọng chung của toàn thể Tăng Ni và Phật Tử. Nguyện vọng này đã thể hiện cụ thể tại Đại Hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất kỳ 7 họp tại chùa Ấn Quang, Chợ Lớn, ngày 23.1.1977 gồm 160 đại biểu của 54 đơn vị trong Giáo Hội mà Hòa Thượng nhân danh Viện Trưởng tân nhiệm đã ký thông bạch 7 điểm trong đó có điểm thứ sáu nguyên văn như sau: “Đại Hội cẩn ủy Giáo Hội Trung Ương tiếp tục vận động thống nhất Phật Giáo cả nước trong tinh thần đạo pháp và truyền thống dân tộc”.

Sau khi Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo thành hình, Hòa Thượng được bầu làm Trưởng Ban Vận Động và khi Hội Nghị Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 7.11.1981, Hòa Thượng đắc cử Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nhiệm kỳ đầu tiên.

Những năm cuối của báo thân, tuy tuổi già sức yếu, Hòa Thượng vẫn không xao lãng việc đạo, việc đời. Năm 1979 và 1982, dẫn đầu đoàn đại biểu Phật Giáo Việt Nam dự Đại Hội thứ 5 và thứ 6 của tổ chức Phật Giáo Châu Á Vì Hòa Bình tại Mông Cổ. Năm 1980 làm trưởng đoàn đại biểu tôn giáo Việt Nam dự hội nghị các nhà hoạt động tôn giáo thế giới vì hòa bình và giải trừ quân bị, chống chiến tranh hạt nhân tổ chức tại Nhật Bản. Năm 1981 làm trưởng đoàn đại biểu Phật Giáo Việt Nam dự hội nghị các nhà hoạt động tôn giáo thế giới vì hòa bình và sự sống, chống chiến tranh hạt nhân, tổ chức tại Liên Xô, cũng năm này kiến tạo thêm chánh điện tu viện Quảng Hương Già Lam. Năm 1983 dự hội nghị các vị đứng đầu Phật Giáo năm nước Châu Á, tổ chức tại Lào.

Dù bận rộn Phật sự suốt con đường hành đạo, Hòa Thượng vẫn dành thì giờ phiên dịch kinh, biên soạn sách để hoằng dương giáo hóa. Các tác phẩm chính gồm:

-Kinh Phổ Môn;
-Kinh Phổ Hiền;
-Mẹ Hiền Quán Âm;
-Kinh Vô Thường;
-Kinh A Di Đà;
-Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo;
-Kinh Đại Phương Đẳng Như Lai Tạng;
-Kinh Bất Tăng Bất Giảm,
-Pháp Môn Tịnh Độ;
-Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa;
-Luật Tỳ kheo;
-Luật Bồ Tát;
-Luật Tứ Phần;
-Luận Khuyến Phát Bồ Đề Tâm;
-Nghi Thức Truyền Giới Bồ Tát Tại Gia và Thập Thiện;
-Nghi Thức Phật Đản;
-Nghi Thức Lễ Sám Buổi Khuya và các tác phẩm khác đã in hoặc chưa in.
 

Thâm hiểu và cảm thông nghiệp lực nhân sinh, lân mẫn chúng Tăng Ni không giữ trọn nguyện ước thanh quy giới luật phải hoàn tục sống đời thế gia, Hòa Thượng lập Chúng Dược Vương để quy tụ và sinh hoạt với số đông Phật Tử vốn đã có thời gian ươm mầm hộ trì chánh pháp này.

Mãn báo thân 76 tuổi đời, 56 hạ lạp. Vào lúc 21 giờ 30 ngày 2 tháng 4 năm 1984 (nhằm ngày 2 tháng 3 năm Giáp Tý) Hòa Thượng thị tịch tại Quảng Hương Già Lam, quàn tháp tại đây chờ di quan phụng Tổ tại tổ đình Báo Quốc theo nguyện ước lúc sinh tiền.


Trình bày và nhuận sắc từ TÂM NHƯ TRÍ THỦ






HT_Tri_Thu_6
KHƠI MỞ LỐI VỀ TÂM SỰ
VƠI ĐẦY NHỚ KẺ TRỒNG CÂY


Thời gian trôi nhanh, thật như bóng câu qua cửa sổ! Mới hôm nào Hòa thượng Thích Trí Thủ tiễn chân tôi ra sân bay đi Hà Nội để lo việc giảng dạy tại Trường Cao Cấp Phật học Cơ sở I tại chùa Quán Sứ, mà bây giờ đã gần đến ngay giỗ đầu của Hòa thượng.

Những ba năm, mỗi trang lịch dần dần đi vào dĩ vãng, nhưng lại vương đọng trong lòng nỗi ngậm ngùi, tiếc thương về một bóng hình, một bóng hình in đậm vào tâm hồn tôi và chắc chắn cũng khắc sâu vào tâm hồn của Tăng Ni Phật tử, cho dù trước giờ phút giã biệt thân tứ đại, trở về cõi an nhiên tự tại, Hòa thượng đã không để lại một lời.

Tôi nhớ rõ và thực sự xúc động cái sáng sớm mồng 3 tháng 3 năm Giáp Tý ấy lúc tôi đang ở tại chùa Quán Sứ, bỗng nhận được tin Hòa thượng đã vĩnh viễn ra đi xa, và xa tất cả chúng ta.

Từ đó đến giờ vẫn trong hình ảnh “nhạn quá trường giang, ảnh trầm hàn thủy, nhạn vô lưu tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm. Nhưng thực ra, bóng nhạn vẫn chập chờn với dòng sông và dòng sông đang gợn sóng theo bóng nhạn. Cảnh sắc sắc không không, tháng ngày vẫn vơi đầy nhớ kẻ trồng cây.

Tuần qua, tôi lại nhận được thư của anh em ở các Phật học viện và pháp tử của Hòa thượng, ngỏ ý cùng nhau ghi lại một số tâm tình về Hòa thượng và đề nghị tôi cho lời mở đầu để gọi là chút truy niệm ngày giỗ đầu của Người đã khuất.

Thấy tinh thần của anh em tôi hết sức mừng, đây là điều đáng duy trì và phát huy. Tục ngữ ta có câu “ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn. Nhớ ơn và đền đáp công ơn đó cũng là quy luật đạo đức và đó cũng là hạnh nguyện lớn của hành giả, trên bước đường tu học.

Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một trong muôn ngàn cách biểu lộ lòng biết ơn đối với những vị dày công đóng góp cho Đạo pháp, cho Dân tộc và ngay cả cho mỗi người chúng ta. Ta thường nghe: “ngôn ngữ đạo đoạn.” Lời sẽ hạn chế đạo, hình thức lắm khi cũng làm giảm thiểu ý nghĩa. Cảm quan ta, ngôn từ ta, sẽ lúng túng, vụng về trước tác phẩm của vạn vật, trước những công đức “hành vô hành hành”. Nhưng có điều tôi cũng đồng ý với anh em “bất ngôn , thùy tri kỷ chi”. Vì thế càng viết càng thấm, càng thấm càng cảm, càng cảm càng thương, mối giao cảm sẽ tỏa ngời ánh sáng, tương quan liên hệ mật thiết nước với nguồn, nguồn với nước, kẻ ăn trái, người trồng cây có thể tiệm cận nhau, gặp gỡ nhau trong không gian đích thực của dòng sinh diệt, diệt sinh vẫn chung về một nẻo.

Có điều đang làm tôi lo lắng, lễ giỗ đầu của Hòa thượng cũng đã gần kề, liệu chúng ta có thực hiện đuọc như ý nguyện? Dù sao những cánh chim nơi mọi phương trời vẫn nhớ về tổ ấm, ta đã, đang và sẽ mãi không quên một bóng hình đáng kính, đáng yêu.

Nhớ và tưởng niệm Hòa thượng trong niệm chân thành, với nén hương, với bình hoa đơn giản của nhà thiền dâng cúng Hòa thượng, ta mong ước như Hòa thượng từng ước mong: “sanh sanh dự Phật vi quyến thuộc , xứ xứ bồ đề kết thiện duyên”.

Ngàn xưa và ngàn sau trăng vẫn sáng, có câu “trăng lặn về non không trở lại”. Đường về xứ Phật vẫn tỏa ngát mùi sen. Xuất phát từ ý thức này , nơi cõi Lạc bang , Hòa thượng cũng nở nụ cười hoan hỷ chứng cho lòng thành của tất cả chúng ta.

NAM MÔ LẠC BANG GIÁO CHỦ TIẾP DẪN ĐẠO SƯ A DI ĐÀ PHẬT.

Huế , ngày Rằm thàng giêng năm Đinh Mão

Cảm niệm ,

Pháp lữ : Hòa thượng THÍCH THIỆN SIÊU





HT. Thich Tri Thu
Nhớ Thầy
Kính viếng cố Hòa thượng THÍCH TRÍ THỦ


THANH TỊNH

Cho dù Thầy đã đi xa
Quê hương xin giữ bao la bóng Thầy,
Sông Hương thấm mát bờ cây
Ba-la [1](1) rực chiếu áng mây tỏa hồng
Thầy ơi , Thầy có biết không ?
Đài sen lớn mãi giữ lòng nhân dân
Nhớ Thầy đã mở mùa xuân
Ngay trong mưa gió mùa đông tơi bời ,
Nhớ Thầy xưa cảnh chơi vơi
Gắn lòng đất nước với đời Từ bi
Nhớ thương Thầy đã ra đi
Rất xa mà lại sử thi rất gần
Sớm chiều còn vọng chuông ngân
Còn nghe tiếng nói vì dân của Thầy
12.11.1984

[1] Chùa Ba-la ở Huế , nơi Hòa thượng Thích Trí Thủ bước vào cuộc đời tu hành .




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/03/2011(Xem: 7304)
Tôi biết tin GS Phạm Công Thiện mất qua trang web viet-studies của GS Trần Hữu Dũng post ngày 10-3. Dòng thông tin được dẫn từ báo Người Việt ở Houston, bang Tesas cho biết theo gia đình và Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất ở Mỹ xác nhận ông mất ngày 9-3-2011, thọ 71 tuổi. Trước khi mất dường như ông đã biết trước cuộc vĩnh ly này nên nhập định rồi ra đi nhẹ nhàng. Ngoài dòng báo tin của báo Người Việt còn bài viết cho người đã mất của nhà văn Viên Linh với tư cách bạn bè.
12/03/2011(Xem: 7410)
Phạm Công thiện, ông là ai? Có nhiều người đã hỏi như thế. Triết gia? Thiền sư? Thi sĩ? Văn sĩ? Hay là một người lang thang rong chơi trong cuộc đời ? Hay là nghệ sĩ với ước vọng thành một tài năng lớn của thế giới? Hoặc là một người đang trong cơn mộng du suốt cả đời? Trần Tuấn Kiệt trong một bài viết trong “Tác Giả Tác Phẩm“, xuất bản cách nay gần bốn chục năm, cũng nói về chân dung người thi sĩ rất mực nghệ sĩ này:
25/02/2011(Xem: 7009)
Lễ huý nhật Ôn Trí Thủ năm 2005 tại Quảng Hương Già Lam
19/02/2011(Xem: 5982)
Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Huyền Tôn, đệ tử của Đệ Lục Tổ Sư Thiên Ấn Tự, Hòa Thượng Tăng Cang Thích Chơn Trung, thế danh Nguyễn Thái Long, pháp danh Như Kế, pháp tự Giải Tích, pháp hiệu Huyền Tôn. Ngài sinh năm Mậu Thìn (1928.Việt lịch: 4807) tại làng Châu Nhai, Huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam. Thân phụ, bán thế xuất gia là Đại Sư thượng Như hạ Quý (1874-1942), Thân mẫu là Cụ bà Thái Thị Túc, pháp danh Như Chỉnh, tự Giải Lý (1891-1945).
13/02/2011(Xem: 19750)
Ca Sĩ Gia Huy, Tên thật của Gia Huy là Đặng Quốc Hung. Anh đến Montreal, Canada vào năm 1991 để cùng đoàn tụ với gia đình. Anh hát lần đầu tiên tại vũ trường Chateau Du Parc tại Montreal. Lúc đó, anh hát với ban nhạc Phạm Mạnh Cường để trình bày những tác phẩm như "Máu Nhuộm Bãi Thượng Hải", "Mười Năm Tình Cũ" và "Lambada". Ngay sau lần trình diễn đầu tiên, Gia Huy trở thành một ấn tượng của dân chúng tại Montreal. Anh bắt đầu hát cho một số vũ trường tại địa phương như Bistro Dore, Miss Sai Gòn, và Đêm Sai Gòn. Tuy nhiên, mục đích của Gia Huy là nổi danh ngoài Canada và khuếch trương số khán thính giả đi khắp thế giới.
30/01/2011(Xem: 6238)
Hòa Thượng Thích Như Điển - Đệ Nhị Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Âu Châu - Phương Trượng Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc
14/01/2011(Xem: 6364)
Hòa thượng họ Hồ Đắc, tên Cư, Pháp danh Tâm Thật, Pháp hiệu Thiện Châu, sinh ngày 23 tháng 2 năm 1931 tức ngày 7 tháng 1 năm Tân Mùi tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ Thầy là Cụ Hồ Đắc Phách, thân mẫu là Cụ Nguyễn Thị Cần. Thầy xuất gia năm 16 tuổi (1947) và thọ giới tỳ kheo năm 1952. Bổn sư của Thầy là Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Giác Nguyên, Viện chủ Tổ Đình Tây Thiên (Huế).
07/01/2011(Xem: 7203)
Ông vua đầu tiên của nhà Trần và cũng là một thiền sư cư sỹ, Trần Cảnh (Trần Thái Tông) (1218-1277) đã để lại một sự nghiệp chính trị, một dòng văn học bất hủ, đến bây giờ vẫn mãi là kim chỉ nam, ngọn đuốc soi đường trong đêm dài tăm tối, cho những ai tìm phương vượt thoát, lộ trình cho những ai muốn đưa dân tộc tìm tới đỉnh cao của nhân bản và an lạc.
05/01/2011(Xem: 5941)
Về việc Hòa Thượng Đôn Hậu lên núi, ra Bắc trong vụ Tết Mậu Thân được thầy Trí Tựu, Trú Trì chùa Linh Mụ thuật lại như sau: (lúc 12:00 giờ trưa, ngày 12-3-2009 tại chùa Linh Mụ) Vào khoảng quá nửa đêm tối Mồng một Tết Mậu Thân, có một phái đoàn gồm quân nhân và người mặc thường phục đến thăm Ôn. Ôn đang bị bệnh, bệnh suyễn và xuất huyết dạ dày. Thầy ngồi đàng xa. Thầy Trí Lưu, thân phụ của thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát, lúc đó là Tri Sự chùa Linh Mụ, ngồi gần Ôn. Họ mời Ôn về Huế họp. Ôn từ chối nói đau không đi được. Họ nói có người đưa Ôn đi. Sau đó người ta gánh Ôn đi trên một chiếc võng, từ chùa Linh Mụ, không về Huế mà rẽ về Chợ Thông thuộc làng An Ninh Hạ, đến La Chữ. Ban ngày núp, nghỉ, ban đêm đi. Sau một tháng đến Seopon giáp giới Lào. Máy bay trực thăng bay trên đầu mà không bắn. Trên đường đi, thiếu lương thực, bị hạm đội Mỹ pháo kích. Nhiều người bị chết vì đói và sốt rét. (Được kể lại sau 1975). Rồi sau đó từ Huế ra Hà Nội mất hết 4 tháng, đi theo đường Mòn Hồ Chí Minh đến
30/12/2010(Xem: 5896)
Nguyễn Du (1765-1820) tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn Liệp Hộ, Nam Hải Điếu Đồ, sinh trưởng trong gia đình phong kiến quý tộc có nhiều danh vọng, quê gốc ở làng Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Cha và anh của ông giữ những chức vụ quan trọng trong phủ chúa Trịnh. Thời trẻ ông tập ấm một chức quan võ nhỏ của cha nuôi họ Hà ở Thái Nguyên. Năm 1787, Tây Sơn ra Bắc diệt Trịnh, ông bắt đầu thời kỳ “Thập tải phong trần” (Mười năm gió bụi). Sau ông phục vụ nhà Nguyễn, làm đến Hữu Tham tri Bộ Lễ, từng được cử làm chánh sứ đi sứ Trung Quốc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]