Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phổ Hệ Truyền Thừa Thiền Phái Lâm Tế Tại Huế

07/11/202206:53(Xem: 3389)
Phổ Hệ Truyền Thừa Thiền Phái Lâm Tế Tại Huế

PHỔ HỆ TRUYỀN THỪA
THIỀN PHÁI LÂM TẾ TẠI HUẾ

Tác giả: ĐĐ. Thích Nhật Tấn


Dẫn nhập

Trong giai đoạn đầu thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn với quá trình mở đất xuống phương Nam, ngoài việc lưu tâm đến khai hoang, mở đất, lập làng, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng luật nghi phép tắc nhưng các vị cũng không quên xây dựng và sử dụng Phật giáo như một hệ tư tưởng chuẩn mực cho đạo đức xã hội.

Từ sự định hướng phát triển đạo đức xã hội bằng triết lý nhà Phật của các nhà lãnh đạo đất nước, Phật giáo từng bước có được vị trí đặc biệt quan trọng và ngày càng trở nên hưng thịnh. Tại Thừa Thiên Huế đương thời là mảnh đất hoằng hóa của các dòng thiền dòng thiền Tào Động[1] và dòng thiền Lâm Tế[2] được truyền từ Trung Hoa sang.

Dòng Tào Động ảnh hưởng một thời gian ngắn trong giai đoạn Hòa thượng Thạch Liêm Đại Sán sang Đại Việt [1695-1696]. Riêng thiền phái Lâm Tế truyền sang khoảng những năm cuối thế kỷ XVII. Qua những chuyển dịch của dòng chảy lịch sử, hôm nay khi nói về Phật giáo xứ Huế thì trong mỗi người đều nghĩ về thiền phái Lâm Tế. Thiền phái Lâm Tế tại Huế phát triển với năm nhánh truyền thừa, đó là là thiền phái Trí bản Đột Không, thiền phái Vạn Phong Thời Ủy, thiền phái Đạo Mân Mộc Trần, thiền phái Chúc Thánh và thiền phái Liễu Quán.

Qua sưu khảo các tư liệu liên quan, thiền phái Lâm Tế tại Huế đến nay vẫn là cánh đồng chưa được khai thác một cách hệ thống mà chỉ nghiên cứu mang chiều hướng riêng lẽ theo phạm vi một nhánh thiền như bài nghiên cứu của tác giả Thích Thiện Chánh đăng trên tạp chí Liễu Quán số 1 (2014) với tựa “Phả hệ truyền thừa của Thiền phái Liễu Quán”, hay đề tài “Ghi chú về Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế dòng Nguyên Thiều Siêu Bạch tại Đàng Trong” của tác giả Thích Đồng Dưỡng đăng trên tạp chí Liễu Quán số 8 (2016) hoặc sách Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh xuất bản năm 2009 của tác giá Thích Như Tịnh. Với đề tài Phổ hệ Truyền thừa thiền phái Lâm Tế tại Huế, ngoài tổng hợp thông tin từ việc kế thừa thành quả của các tiền bối, chúng tôi còn mở rộng thêm một số tư liệu mới mà các tác giả trước chưa đề cập. Hy vọng với bài viết này sẽ giúp người đọc có góc nhìn tổng quan hơn về dòng Lâm Tế tại Huế từ khi du nhập đến nay.

Thiền phái Lâm Tế Trí Bản Đột Không

Thiền sư Trí Bản (1381-1449) vốn người Trung Hoa, thuộc dòng Lâm Tế thế hệ thứ 25[3] xuất kệ truyền thừa:

Trí Huệ Thanh Tịnh
Đạo Đức Viên Minh
Chân Như Tánh Hải
Tịch Chiếu Phổ Thông
Tâm Nguyên Quảng Tục
Bổn Giác Xương Long
Năng Nhân Thánh Quả
Thường Diễn Khoan Hoằng
Duy Truyền Pháp Ấn
Chánh Ngộ Hội Dung
Kiên Trì Giới Định
Vĩnh Kế Tổ Tông.


Đến thế hệ 31 thì bắt đầu truyền vào Đại Việt qua bước chân hoằng hóa thiền sư Viên Văn Chuyết Chuyết hành đạo tại Quảng Nam sau phát triển ở miền Bắc, thiền sư Viên Cảnh Lục Hồ, Viên Khoan Đại Thâm khai sơn chùa Tịnh Quang (Quảng Trị). Thế hệ 32 có thiền sư Minh Châu Hương Hải[4] hành đạo tại đảo Tiêm Bút (cù lao Chàm) ngoài cửa biển Hội An những năm 1665. Tiếng lành đồn xa, chúa Nguyễn Phúc Tần cung thỉnh ngài về núi Linh Thái thuộc cửa biển Tư Dung trú trì chùa Trấn Hải. Về sau, trước sự dèm pha nghi ngờ thiền sư có âm mưu thông đồng với nhà Trịnh Đàng Ngoài, tháng 3 năm Nhâm Tuất [1682], thiền sư cùng với hơn các tử vượt biển ra Vinh.

Dưới thới chúa Nguyễn Phúc Khoát, năm Vĩnh Thịnh thứ 5 [1733] có hòa thượng  Bích Phong từ chùa Quang Hoa[5] ra kinh đô nhậm chức trong Nội viện phủ chúa trú tại chùa Kim Tiên trong thời gian lưu trú tại đây. Và cho đến nay vẫn  chưa tìm thấy tài liệu nào nói về việc truyền thừa của ngài tại xứ Thần kinh. Hiện tại, dòng thiền này không còn truyền thừa tại Huế mà chỉ phát triển mạnh ở phía Bắc và một số tỉnh khu vực phía Nam như Bình Thuận...và đã truyền đến chữ “Quảng”, “Tục”, “Bổn”                                                                                                                       

 Thiền phái Lâm Tế Vạn Phong Thời Ủy

Như chúng ta đều biết, Lâm Tế là một trong năm tông phái lớn của Trung Hoa và được truyền thừa xuyên suốt qua nhiều thế hệ tổ sư. Với mong ước thiền phái ngày một lớn mạnh, có một lịch sử truyền thừa xuyên suốt để thế hệ sau tiếp hương nối lửa, Lâm Tế đời thứ 21 có thiền sư đạo hiệu Vạn Phong Thời Ủy (1303-1381) biệt xuất ra kệ truyền thừa 4 câu, 20 chữ để làm pháp danh cho môn nhân sau này:

Tổ Đạo Giới Định Tông
Phương Quảng Chứng Viên Thông
  Hành Siêu Minh Thiệt Tế
Liễu Đạt Ngộ Chơn Không.  

           
Năm Đinh Tỵ [1677][6], Thiền sư Nguyên Thiều Siêu Bạch[7] nối dòng Lâm Tế thứ 33 sang xứ Đàng Trong, dừng chân tại phủ Quy Ninh (tỉnh Bình Định) lập chùa Thập Tháp Di Đà[8] tạo cơ sở vững chắc cho đạo nghiệp truyền bá Phật pháp của tông Lâm Tế tại nước ta. Theo thứ tự dòng kệ, thiền sư Nguyên Thiều có pháp danh Siêu Bạch, là chữ thứ 2 của câu thứ 3. Các đệ tử nối dòng Lâm Tế thứ 34 của ngài có pháp danh chữ “Minh” như các ngài Minh Giác Kỳ Phương, Minh Hằng Định Nhiên, Minh Lượng Nguyệt Ân, Minh Vật Nhất Tri.

          Tại tổ đình Thập tháp, đến đời hòa thượng Ngộ Thiệu Minh Lý, nhận thấy pháp kệ sắp dứt, ngài tục kệ thêm bốn câu để cho mạch truyền thừa không bị gián đoạn:

Như Nhật Quang Thường Chiếu
Phổ Châu Lợi Ích Đồng
Tín Hương Sanh Phước Huệ
Tương Kế Chấn Từ Phong.


Hiện tại, nhánh tổ đình Thập tháp đã đến đời thứ 44, tức là ngang với chữ “Quang” trong tục kệ. Năm Quý Hợi [1683], thiền sư Nguyên Thiều ra Phú Xuân trùng tu[9] chùa Vĩnh Ân, xây dựng tháp Phổ Đồng[10], chúa Nguyễn Phúc Thái kính mộ đạo hạnh của ngài, đổi tên chùa thành Quốc Ân. Năm Ất Hợi [1695], sau khi có công lớn thỉnh được hòa thượng Thạch Liêm từ Trung Hoa sang Phú Xuân, Thiền sư được chúa ban ân về trú trì chùa sắc tứ Hà Trung, và ẩn tu tại đây cho đến ngày viên tịch. Thiền sư Minh Hằng Định Nhiên kế thế trú trì chùa Quốc Ân và truyền thừa kéo dài cho đến ngày nay. Mạch pháp của tổ sư Nguyên Thiều tại Huế sẽ được trình bày ở phần thiền phái Đạo Mân Mộc Trần.

Dòng Lâm Tế Vạn Phong còn được truyền sang Đại Việt bởi dấu chân truyền bá của tổ sư Minh Hoằng Tử Dung tại chùa Ấn Tôn (chùa Từ Đàm ngày nay). Tổ Tử Dung không rõ đến Thuận Hóa khi nào, chỉ biết ngài Liễu Quán sau khi thọ cụ túc giới [1697] và y chỉ hai năm với tổ khai sơn chùa Từ Lâm, có đến Long Sơn cầu pháp với ngài. Ngoài ra tổ còn có một đệ tử khác đạo hiệu Thiệt Vinh Bửu Hạnh trú trì chùa Viên Tịnh núi Phụng Thùy (nay là chùa Vạn Thiện-Diên Khánh) về sau kế thế trú trì chùa Ấn Tôn sau khi ngài viên tịch.

Ngoài ra, còn nhánh truyền muộn từ chùa Hải Đức Nha Trang của thiền sư Đạt Khương Viên Giác ra Huế vào đầu thế kỉ XX qua bước chân của hòa thượng Ngộ Tánh Phước Huệ (1875-1963) tại tổ đình Hải Đức. Nhánh này hiện nay phát triển rất chậm với tông môn là các chùa như Hải Đức, Quy Thiện, Từ Ân và đến nay đã truyền xuống chữ “Quang”, tức là chữ thứ 3 của tục kệ. Mạch pháp nhánh Hải Đức như sau:

Đời 39: Ngộ Tánh Phước Huệ khai sơn chùa Hải Đức

Đời 40: Chơn Đạo Chánh Thống Bích Phong khai sơn chùa Quy Thiện, Chơn Huệ Chánh Trí trú trì chùa Hải Đức.

Đời 41: Không Tâm Trí Quảng Bích Đàm trú trì chùa Quy Thiện, chùa Từ Ân, Không Cẩn Trí Hải trú trì chùa Hải Đức.

Đời 42: Như Chánh Quán Chơn trú trì chùa Quy Thiện

Đời 43: Nhật Thành Hiền Tịnh trú trì chùa Quy Thiện

 Thiền phái Lâm Tế Đạo Mân Mộc Trần

          Từ nhánh thiền phái Vạn Phong đến thế hệ thứ 31 có quốc sư Thông Thiên hiệu Hoằng Giác (1596-1674) biệt xuất ra kệ phái mới:

Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên
Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Thiên
Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ
Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ Truyền.

Thiền phái Đạo Mân Mộc Trần và Vạn Phong Thời Ủy tuy hai nhưng thật là một, bởi thiền sư Nguyên Thiều thừa đương cả hai kệ phái nên có hai pháp danh. Nguyên do là bởi sư ông ngài là thiền sư Đạo Mân Mộc Trần chính là thiền sư Thông Thiên Hoằng giác, bổn sư của ngài ngoài pháp danh Bổn Quả còn có pháp danh là Hành Quả theo dòng kệ Vạn Phong Thời Ủy và Thiền sư Nguyên Thiều còn một pháp danh khác là Siêu Bạch như đã trình bày phần trên. Khi sang Đại Việt truyền đạo sử dụng một lúc hai pháp danh và truyền xuống cho các đệ tử của ngài cũng như thế: thiền sư Minh Giác Kỳ Phương trú trì chùa Thập Tháp còn có pháp danh là Thành Đạo, thiền sư Minh Lượng Nguyệt Ân trú Trì Chùa Phổ Bảo có pháp danh là Thành Đẳng, thiền sư Minh Dung Pháp Thông có pháp danh là Thành Chí…

Thuở trước, hai tổ đình Quốc Ân và Thập Tháp truyền thừa hai kệ phái đến thế hệ thứ tư nhưng sau biến cố Tây Sơn, một số chi phái không có người kế thừa, các đệ tử đời sau lại đặt pháp danh theo một kệ phái. Tổ đình Thập Tháp truyền thừa theo kệ Vạn Phong Thời Ủy và là tổ đình có sự truyền thừa xuyên suốt không bị gián đoạn từ chữ “Minh” đến chứ “Như”. Riêng chùa Quốc Ân tại Huế truyền thừa theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần và đến ngày nay đã truyền đến chữ “Lệ”. Mạch pháp của tổ sư Nguyên Thiều tại tổ đình Quốc Ân như sau:

Đời 34: Minh Hằng Định Nhiên (?-1693)

Đời 35: Phật Thuận Quảng Đức, Thiệt Tánh Trí Hải (?-1805)

Đời 36: Tế Lịch Chánh Văn (?-1817),Tổ Ấn Mật Hoằng (1754-1825), Tế Chánh Bổn Giác (?-1851)

Đời 37:Liễu Thông Huệ Giám (?-1844), Liễu Kiến Từ Hòa (?-1863), Liễu Triệt Từ Minh (?-1882), Liễu Chơn Từ Hiếu (1814-1890)

Đời 38: Minh Đức Bửu Tích (?-1908)

Đời 39: Như Hán Nguyên Cát (?-1914), Như Thông Đắc Ân (1873-1935), Như Đông Đắc Quang (?-1947)

Đời 40: Hồng Nam Huyền Không (1906-1983)

Đời 41: Nhật Minh Diệu Tánh (1921-2020)

Đời 42: Lệ Thành Minh Chơn từ 2020 đến nay

 Thiền phái Lâm Tế Liễu Quán

Thiền phái Lâm Tế truyền vào Đàng Trong nửa cuối thế kỷ XVII qua bước chân hoằng hóa của chư tổ sư người Hán. Từ đó, Phật giáo nước ta bắt đầu phủ lên mình lớp phù sa văn hóa Trung Hoa. Kế thừa truyền thống chư tổ sư thiền phái Trúc Lâm, sau khi được tổ sư Tử Dung khả chứng[11], thiền sư Liễu Quán đã khai sáng dòng thiền mới mang sắc thái riêng của người Việt, phái thiền này về sau thường được gọi là Liễu Quán với kệ truyền thừa:

Thiệt Tế Đại Đạo  

Tánh Hải Thanh Trừng

Tâm Nguyên Quảng Nhuận

Đức Bổn Từ Phong

Giới Định Phước Huệ     

Thể Dụng Viên Thông

Vĩnh Siêu Trí Quả          

Mật Khế Thành Công

Truyền Trì Diệu Lý                   

Diễn Sướng Chánh Tông          

Hành Giải Tương Ưng    

Đạt Ngộ Chân Không.


Căn cứ theo nội dung văn bia tại tháp, thiền sư Liễu Quán có 49 vị đệ tử. Trong số đó có các vị nổi bật như Tế Nhơn Hữu Phỉ (kế thế tổ Liễu Quán trú trì chùa Thuyền Tôn, chùa Báo Quốc), Tế Hiệp Hải Điện (kế thế tổ Tế Nhơn trú trì chùa Thuyền Tôn), Tế Mẫn Tổ Huấn (kế thế tổ Tế Hiệp trú trì chùa Thuyền Tôn),Tế Vỹ Trường Chiếu (khai Sơn chùa Đông Thuyền), Tế Ân Lưu Quang (trú trì chùa Báo Quốc), Tế Phổ Viên Trì (trú trì chùa Viên Thông), Tế Ngữ Chánh Dũng (trú trì chùa Từ Lâm), Tế Huy Quảng Tánh (trú trì chùa Khánh Vân), Tế Quảng Phổ Chấn (khai sơn chùa Bảo Phước, trùng hưng chùa Kim Tiên), Tế Hiển Trạm Quang, Tế Lập Ứng Am (hoằng pháp Bình Định), Tế Hiển Bửu Dương (khai sơn chùa Thiên Bửu thượng, Khánh Hòa),…

         
Thiền phái Lâm Tế Liễu Quán tuy ra đời muộn so với các thiền phái khác tại Huế nhưng đã nhanh chóng trở thành thiền phái lớn mạnh nhờ sự hộ trì của các vua chúa, hoàng tộc cùng quan lại đương thời. Trải qua gần 300 năm hình thành và phát triển, Huế ngày này được xem là thủ phủ của thiền phái Liễu Quán với hệ thống hệ thống nhiều ngôi tổ đình lớn như Thuyền Tôn, Báo Quốc, Tây Thiên, Từ Hiếu, Tường Vân…Mạch pháp của tổ sư Liễu Quán tại Huế như sau:


Đời 36: Tế Nhơn Hữu Phỉ (?-1753) kế thế trú trì chùa Thuyền Tôn, chùa Báo Quốc, Tế Hiệp Hải Điện (?-1775) trú trì chùa Thuyền Tôn, Tế Mẫn Tổ Huấn (?-1778) trú trì chùa Thuyền Tôn, Tế Ân Lưu Quang trú trì chùa Báo Quốc, Tế Vỹ Trường Chiếu trú trì chùa Đông Thuyền, Tế Phổ Trí Thông Viên Trì trú trì chùa Viên Thông, Tế Ngữ Chánh Dũng trú trì chùa Từ Lâm, Tế Huy Quảng Tánh trú trì chùa Khánh Vân, Tế Cảo (1751-1782) ẩn tu lưu tháp tại thôn Kim Sơn, Hương Thủy.

Đời 37: Đại Nghĩa Trí Hạo trú trì chùa Báo Quốc, Đại Huệ Chiếu Nhiên trú trì chùa Thuyền Tôn, Đại Hiển Pháp Quang Minh Huyền trú trì chùa Viên Giác, Đại Nguyện Vĩnh Thành Viên Đoan trú trì chùa Viên Thông, Đại Quang Huệ Chiếu trú trì chùa Đông Thuyền, Đại Sâm chùa Kim Đài.

Đời 38: Đạo Minh Phổ Tịnh (?-1816) trú trì chùa Báo Quốc, Đạo Tâm Trung Hậu (?-1834) trú trì chùa Thuyền Tôn, Đạo Minh Huệ Tịnh trú trì chùa Viên Giác, Đạo Thiện Quang Tuấn trú trì chùa Viên Thông.

Đời 39: Tánh Thiên Nhất Định khai sơn chùa Từ Hiếu, Tánh Trạm Quảng Phong trú trì chùa Viên Thông, Tánh Khoát[12] Huệ Cảnh khai sơn chùa Tường Vân, Tánh Huệ Nhất Nguyên khai sơn chùa Huệ Lâm, Tánh Chiêu Nhất Niệm trú trì chùa Báo Quốc, Tánh Khai Nhất Đắc trú trì chùa Thiên Hưng, Tánh Huệ Nhất Chân trú trì chùa Từ Quang (sau khi chuyển sang chùa Tường Vân), Tánh Thông Nhất Trí trú trì chùa Kim Tiên, Tánh Toàn Nhất Thể trú trì chùa Bảo Lâm, Tánh Tịnh Nhất Xương trú trì Thiên Hòa, Tánh Thiện An Cư (?-1862) trú trì chùa Thuyền Tôn, Tánh Thông Long Hưng trú trì chùa Viên Giác.


Đời 40: Hải Nhuận Phước Thiêm (?-1899) trú trì Thuyền Tôn, Hải Thuận Lương Duyên trú trì chùa Báo Quốc, Hải Thiệu Cương Kỷ trú trì Từ Hiếu, Hải Toàn Linh Cơ trú trì Tường Vân, Hải Nhu Tín Nhiệm trú trì chùa Quảng Tế, Hải Trường Pháp Lữ trú trì chùa Thánh Duyên.


Đời 41: Thanh Minh Tâm truyền trú trì chùa Báo Quốc, Thanh Tâm Phước An khai sơn chùa Thọ Đức, Thanh Ninh Tâm Tịnh khai sơn chùa Tây Thiên, Thanh Vân Tâm Thành khai sơn chùa Từ Quang (hiện nay), Thanh Liêm Tâm Thiền trú trì Thuyền Tôn, Thanh Thuật Tâm Minh trú trì chùa Ngọc Sơn, Thanh Đức Tâm Khoan (1874-1938) trú trì Báo Quốc, Thanh Chân Viên Giác khai Sơn chùa Ba La Mật, Thanh Thái Huệ Minh trú trì chùa Từ Hiếu, Thanh Đức Huệ Nghiêm tăng cang Thiên Mụ, Thanh Tánh Huệ Điểm trú trì chùa Long Quang, Thanh Huy Nguyên Cát trú trì Linh Quang, Thanh Trừng Huệ Đạt trú trì chùa Nam Sơn, Thanh Giáo Huệ Quang trú trì chùa Quang Đức, Thanh Tú Huệ Pháp trú trì chùa Thiên Hưng, Thanh Xán Huệ Khánh trú trì Từ Vân, Thanh Bổn Huệ Lăng trú trì chùa Đức Sơn, Thanh Trí Huệ Giác trú trì chùa Quảng Tế, Thanh Thái Phước Chỉ trú trì chùa Tường Vân.

Đời 42: Trừng Thông Viên Thành (1879-1928) khai sơn chùa Tra Am, Trừng Văn Giác Nguyên (1877-1980) trú trì chùa Tây thiên, Trừng Thành Giác Tiên (1877-1980) trú trì chùa Trúc Lâm, Trừng Huệ Giác Viên (?-1942) khai sơn chùa Thệ Đà Lâm (chùa Hồng Khê), Trừng Thủy Giác Nhiên (1878-1979) trú trì chùa Thuyền Tôn, Trừng Nhã Giác Hải (1882-1938) khai sơn chùa Giác Lâm,Trừng Thanh Giác Bổn (?-1949) trú trì chùa Từ Đàm, Trừng Ba Giác Ngạn khai sơn chùa Kim Đài, Trừng Nguyên Giác Thanh Đôn Hậu (1905-1992) chùa Thiên Mụ.

Đời 43: Tâm Cảnh Giác Hạnh (1880-1981) khai sơn chùa Vạn Phước, Tâm Địa Mật Khế (1904-1935) chùa Trúc Lâm, Tâm Nhất Mật Thế (1912-1961) trú trì chùa Phổ Quang, Tâm Hương Mật Hiển (1907-1992) trú trì chùa Trúc Lâm, Tâm Như Trí Thủ khai sơn tu viện Quảng Hương Già Lam, Tâm Như Mật Nguyện (1911-1972) trú trì chùa Linh Quang, Tâm Phật Thiện Siêu (1921-2001) trú trì chùa Từ Đàm, Tâm Ngộ Chơn Thiện trú trì (1942-2016) trú trì chùa Tường Vân.

 Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh

Năm Ất Hợi [1695], theo lời thỉnh nguyện của chúa Nguyễn Phúc Chu, thiền sư Minh Hải Đắc Trí tháp tùng với hòa thượng Thạch Liêm sang Đàng Trong chứng minh đại giới đàn truyền giới chùa Thiền Lâm. Sau khi hoàn mãn, thiền sư cùng hòa thượng Thạch Liêm về Hội An để kịp xuống tàu về nước tại cù lao Chàm. Tại Hội An, ngài cảm mến vùng đất này và nhận thấy có thể hoằng pháp nơi đây, từ đó, ngài lập am tranh nhỏ quán chiếu tự tâm. Không bao lâu giới đức của thiền sư đã lan rộng khắp vùng, nhiều người tìm đến quy ngưỡng. Nhận thấy nhân duyên hoằng hóa đã đến, ngài chính thức mở đàn giảng pháp, chốn thảo am nhỏ năm nào được ngài xây dựng thành ngôi phạm vũ Chúc Thánh. Đương thời với ngài có hòa thượng Minh Hoằng Tử Dung khai sơn chùa Ấn Tôn-Từ Đàm truyền thừa theo kệ phái Vạn Phong Thời Ủy, riêng ngài vốn gốc từ nhánh này nhưng lại biệt xuất dòng kệ mới đế phát triển theo tông chỉ tu hành mà ngài đã sở đắc. Ngài xuất kệ 8 câu, 4 câu đầu lấy làm pháp danh, 4 câu sau lấy làm pháp tự:

Minh Thiệt Pháp Toàn Chương  

n Chơn Như Thị Đồng 
Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu 
Kỳ Quốc Tộ Địa Trường
Đắc Chánh Luật Vi Tông 
Tổ Đạo Giải Hạnh Thông
Giác Hoa Bồ Đề Thọ
Sung Mãn Nhân Thiên Trung.


Ngài dùng Chữ đầu bài kệ là chữ “Minh” ứng với pháp danh, chữ đầu câu thứ 5 là chữ “Đắc” ứng với pháp tự của ngài. Và như thế các thế hệ môn đồ về sau theo kệ mà đặt tên như Thiệt Dinh Chánh Hiển, Pháp Chuyên Luật Truyền, Toàn Thể Vi Lương, Chương Như Tông Chí, Ấn Chánh Tổ Tông,…

Thiền phái Chúc Thánh tuy xuất hiện sớm hơn Liễu Quán nhưng chỉ phát triển ở Quảng Nam và một số tỉnh thành phía Nam. Tại Huế, dòng Chúc Thánh xuất hiện vào thời vua Thành Thái từ hòa thượng Chơn Tâm tự Đạo Tánh hiệu Pháp Thân[13] dòng dõi Tuy Lý Vương khai sơn chùa Phước Sơn thôn Vĩ Dạ; hòa thượng Chơn Pháp tự Đạo Diệu hiệu Phước Trí khai sơn chùa An Hội tại Gia Hội. Đến năm Kỷ Sửu [1889], thiền sư Chơn Kim tự Pháp Lâm từ chùa Châu Lâm tỉnh Phú Yên ra kinh đô trùng hưng tổ đình Viên Thông núi Bân.

Như vậy, đến cuối thế kỷ XIX, tại Thừa Thiên Huế có 3 ngôi chùa truyền thừa theo kệ phái Lâm Tế Chúc Thánh. Tuy nhiên, hiện nay chùa Phước Huệ và An Hội không còn truyền thừa theo dòng Chúc Thánh. Duy chỉ còn chùa Viên Thông là vẫn còn kế thừa xuyên suốt, trù trì hiện tại là hòa thượng Đồng Huy hiệu Quảng Tú.

Mạch pháp truyền thừa tại chùa Viên Thông:

Đời 40: Chơn Kim Pháp Lâm

Đời 41: Như Thừa Giải Trí Hoằng Nguyện (1896-19924)

Đời 42: Thị Bình Diệu Khai

Đời 43: Đồng Huy Quảng Tú

LỜI KẾT

Sự phát triển sâu rộng dòng thiền Lâm Tế xứ Thuận Hóa có công lao không nhỏ của các vua chúa thời Triều Nguyễn. Trải qua hơn 400 năm với biết bao biến cố thăng trầm, thịnh suy của dòng lịch sử Phật giáo xứ Huế. Truyền thừa thiền phái Lâm Tế xứ Huế tuy có giai đoạn chìm trong khoản lặng, nhưng đến nay không những được bảo lưu mà ngày càng phát triển rộng ra nhiều vùng miền trên cả nước.

Cũng như Lâm Tế tại một số tỉnh thành khác, thiền phái Lâm Tế tại Huế đến nay cũng đã truyền đến thế hệ thứ 45, 46. Tuy Phật giáo Huế có nhiều biến động theo thời cuộc nhưng danh tăng chấn hưng đạo pháp đời nào cũng có như chư vị hòa thượng: Minh Hằng Định Nhiên tổ đình Quốc Ân, Tổ Ấn Mật Hoằng tổ đình Quốc Ân, Tế Chánh Bổn Giác tổ đình Quốc Ân, Tế Nhơn Hữu Phỉ tổ đình Thuyền Tôn, Đại Huệ Chiếu Nhiên tổ đình Thuyền Tôn, Tiên Ngộ Minh Giác chùa Thiền Lâm, Đạo Minh Phổ Tịnh tổ đình Báo Quốc, Như Thông Đắc Ân tổ đình Quốc Ân, Tánh Thiên Nhất Định tổ đình Từ Hiếu, Tánh Hoạt Huệ Cảnh tổ đình Tường Vân, Hải Thiệu Cương Kỷ tổ đình Từ Hiếu, Hải Thượng Lương Duyên tổ đình Báo Quốc, Thanh Ninh Tâm Tịnh tổ đình Tây Thiên, Trừng Thành Giác Tiên tổ đình Trúc Lâm, Trừng Thủy Giác Nhiên tổ đình Thuyền Tôn, Tâm Phật Thiện Siêu tổ đình Từ Đàm, Tâm Ngộ Chơn Thiện tổ đình Tường Vân…

 


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật Giáo xứ Huế, NXB Thuận Hóa, Huế.

[2] Thích Thiện Chánh (2014), “Phả hệ truyền thừa của Thiền phái Liễu Quán”,Tạp chí Liễu Quán, số 01, tr 44-48.

[3] Thích Đồng Dưỡng (2016), “Ghi chú về Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế dòng Nguyên Thiều Siêu Bạch tại Đàng Trong” , Tạp chí Liễu Quán số 08, tr 99-104

[4] Thích Trung Hậu,Thích Hải Ấn (2016), Chư tôn thiền đức và cư sĩ hữu hông Phật giáo Thuận Hóa. NXB Hồng Đức, Hà Nội.

[5] Hà Xuân Liêm (2014), “Tổ sư Liễu Quán qua khảo cứu của các học giả B.A.V.H”, Tạp chí Liễu Quán, số 01, tr 36-39.

[6] Thích Không Nhiên (2014), “Từ dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đến Thiền phái Liễu Quán,” tạp chí Liễu Quán,số 01, tr 62-67.

[7] Trần Đình Sơn (2014), “Những ngôi chùa do Tổ sư Liễu Quán khai sơn,” Tạp chí Liễu Quán, số 01,tr 40-43.

[8] Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, Tp.Hồ Chí Minh.

[9] Thích Như Tịnh (2021), Tìm lại dấu xưa, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng.

[10] Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam(2014),Phật giáo thời Hậu Lê, NXB Tôn giáo,Hà Nội.


 

to lieu quan (1)

Tổ đình Thuyền Tôn (ảnh: Thích Nhật Tấn)

 

 to lieu quan (2)

Bia ký tổ đình Thuyền Tôn (ảnh: Thích Nhật Tấn)

 

to lieu quan (3)

Tổ đình Từ Đàm (ảnh: Thích Nhật Tấn)

 

 

to lieu quan (4)

Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang (ảnh: Thích Nhật Tấn) 
to lieu quan (5)
 Tổ đình Tường Vân (ảnh: ST)

to lieu quan (6)
Tổ đình Từ Hiếu (ảnh: ST)

to lieu quan (7)

  Tổ đình Quốc Ân (ảnh: ST)





[1] Dòng thiền Tào Động do thiền sư Động Sơn Lương Giới (807 869) sáng lập tại Trung Hoa vào đời Đường. Dưới thời các chúa Nguyễn, dòng thiền này được các du tăng Trung Hoa truyền sang Đàng Trong nước ta, tuy nhiên chỉ truyền xuống theo pháp kệ của ngài Vô Minh Huệ Kinh (1548-1618) mà sử Phật giáo gọi là chi phái Tào Động Thọ Xương

[2] Thiền phái Lâm Tế xuất phát từ nhánh của thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng. Tổ Lâm Tế Nghĩa Huyền người Hoa Nam, xứ Tào Châu (tỉnh Hà Nam), nhà Đường. Ngài tham học với thiền sư Hy Vận núi Hoàng Bá, sau được ấn chứng và sáng lập ra tông Lâm tế. Tổ tịch những năm 866-867.

[3] Căn cứ vào sách Phật Tổ Tâm Đăng

[4] Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715) vốn là người Áng Độ, Nghi Lộc, Nghệ An. Tổ tiên theo chúa Nguyễn Hoàng vào xứ Quảng Nam tại làng Bình An thượng, phủ Thăng Hoa. Năm 18 tuổi đỗ Hương cống và được bổ làm tri phủ Triệu Phong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Lan. Năm Nhâm Thìn [1652] ngài tìm đến thiền sư Viên Cảnh Lục Hồ tại chùa Tịnh Quang học Phật và được ban Pháp danh Minh Châu. Ba năm sau, ngài từ quan xin xuất gia.

[5] Chùa Quang Hoa là một ngôi quan tự lớn thuộc thôn Luật Bình (Gò Bồi), xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Năm Bính Tý [1696] chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển “ Sắc Tứ Quang Minh tự”, đời chúa Nguyễn Phúc Chú cải thành “ Sắc tứ Quang Hoa Tự” , đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát đổi thành “ Sắc tứ Quang Hoa Hộ Quốc Trường An Tự.

[6] Căn cứ theo nội dung trên văn bia “sắc tứ Hà Trung”, chúa Nguyễn Phúc Chú cho rằng ngài đến Quy Ninh vào năm Ất Tỵ [1665], khi ấy ngài 18 tuổi. Cứ liệu này hoàn toàn là sự nhầm lẫn vì năm 19 tuổi ngài mới xuất gia và đến năm 30 tuổi mới sang Đại Việt, tức năm Đinh Tỵ [1677].

[7] Thiền sư Nguyên Thiều là người Trung Hoa, quê huyện Trình Hương, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Ngài sinh năm Mậu Tý [1648], xuất gia năm 19 tuổi, sang hành đạo Đàng Trong năm Đinh Tỵ [1677], viên tịch vào ngày 19 tháng 10 năm Mậu Thân [1728].

[8] Chùa được hoàn thành năm 1680

[9] Theo thông tin từ trước đến nay, thiền sư Nguyên Thiều khai sơn chùa Quốc Ân nhưng thông tin này không chính xác. Bởi trong chùa VĨnh Ân (tiền thân chùa Quốc Ân) đã có từ trước và thiền sư chỉ là người trùng tu như lời chúa Nguyễn Phúc Chú đã đề cập trong bia ký tại tháp của ngài.

[10] Tháp Phổ Đồng là tháp thờ tập thể các vị tăng trong chùa không phải là trú trì.

[11] Năm 1712, tổ Minh Hoằng Tử Dung ấn chứng cho thiền sư Liễu Quán

[12] Trong nhiều tại liệu hiện nay đều cho rằng ngài Huệ Cảnh pháp danh Tánh Hoạt nhưng căn cứ vào Chánh pháp nhãn tạng của ngài truyền cho đệ tử Hải Toàn Linh Cơ ngày mồng 1 tháng giêng năm Giáp Ngọ [1894] lưu tại tổ đình Tường Vân thì lại chép Tánh Khoát (性闊)

[13] Hòa thượng xuất gia với Đại sư Ấn Thiên Huệ Nhãn tại chùa Phước Sơn huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/03/2022(Xem: 3479)
Tôi là học sinh duy nhất ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam đậu vào lớp đệ thất Trường Trung học Công lập Trần Quý Cáp Hội An, niên khóa 1957-1958. Cha tôi rất vui mừng nên đã thành tâm cúng tạ Tổ tiên, ông bà. Ông vui mừng vì nếu tôi không đậu thì tôi sẽ thất học do không có tiền đóng học phí khi học trường tư thục. Tôi học ở trường Trần Quý Cáp cho đến cuối năm đệ nhị, sau con bão lụt khủng khiếp năm Thìn (1964) tôi phải nghỉ học, vào Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Là con trai trưởng tôi phải lo cho 2 đứa em ăn học nữa.
13/03/2022(Xem: 4230)
Bài viết này để ghi ơn Thầy Thích Minh Châu. Những gì Thầy dịch nhiều hơn những gì tôi có thể đọc, những gì Thầy viết phức tạp hơn những gì tôi có thể hiểu, và công trình hoằng pháp của Thầy vĩ đại hơn những gì tôi có thể đo lường. Bài viết, do vậy, chỉ là một phần những gì có thể nhìn về Thầy Thích Minh Châu, từ một người, tuy chưa bao giờ gặp Thầy trực tiếp, nhưng luôn luôn tự xem như học trò của Thầy. Và nơi đây sẽ tập trung về cách Thầy Thích Minh Châu lý giải về cửa pháp Bất Lập Văn Tự (không dựng lập chữ nghĩa, ngôn ngữ, biểu tượng, ký hiệu…). Sai sót tất nhiên sẽ có, người viết xin được thành tâm sám hối.
05/03/2022(Xem: 4146)
Hòa thượng Thích Nguyên Phước, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN huyện Diên Khánh, trú trì chùa Phước Long, thôn Trung 3, xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Theo cáo phó, do niên cao lạp trưởng, Hòa thượng đã thuận thế vô thường, thu thần thị tịch vào lúc 4 giờ 30 phút ngày 4-3-2022 (nhằm ngày 2-2-Nhâm Dần) tại chùa Phước Long; Trụ thế: 72 năm, 49 Hạ lạp. Lễ thỉnh nhục thân nhập Kim quan lúc 21 giờ ngày 4-3-2022 (nhằm ngày 2-2-Nhâm Dần). Kim quan được an trí tại Giác linh đường chùa Phước Long, thôn Trung 3, xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh. Lễ viếng bắt đầu từ lúc 7 giờ ngày 5-3-2022 (nhằm ngày 3-2-Nhâm Dần). Lễ phụng tống kim quan trà-tỳ tại Đài hỏa táng phía Bắc TP.Nha Trang được cử hành vào lúc 8 giờ ngày 7-3-2022 (nhằm ngày 5-2-Nhâm Dần).
04/03/2022(Xem: 4131)
Hòa thượng Thích Ngộ Khải, Chứng minh Ban Trị Sự GHPGVN thị xã An Nhơn, Viện chủ chùa Thiên An, thị xã An Nhơn Do niên cao lạp trưởng, Hoà thượng đã thuận thế vô thường, thâu thần thị tịch vào lúc 07 giờ 30 phút ngày 03 tháng 3 năm 2022 (nhằm mùng 01 tháng 02 năm Nhâm Dần) tại chùa Thiên An, số 35 đường Lê Hồng Phong, phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
21/02/2022(Xem: 4955)
Di sản mà Đức Đệ Ngũ Tăng Thống để lại cho môn nhân, chúng đệ tử hậu thế, là phẩm chất trong sáng của đệ tử Phật, không khiếp nhược để khuất thân làm công cụ cho các thế lực tham vọng, không si mê để bị quyến rũ bởi hư danh, lợi dưỡng mà thế tục ban tặng. Di sản ấy là sự kế thừa công hạnh hoằng hóa của Chư Thánh Đệ tử, của Lịch đại Tổ Sư, đạo lý vi diệu dẫn đường chúng sinh tầm cầu an lạc, được công bố rộng rãi bởi Đức Thích Tôn, được kết tập thành Tam Tạng Thánh giáo, hoằng truyền trên 25 thế kỷ. Để hộ trì di sản tối thắng này, dù trải qua năm tháng đọa đày trong vòng lao lý, Ngài vẫn kiên trì sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, không xao lãng sự nghiệp phiên dịch Thánh điển làm sở y cho chánh tín khỏi bị dao động, mê hoặc bởi các ý thức tà kiến, bởi các thuyết lý điên đảo.
10/02/2022(Xem: 11197)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, bậc đạo sư kính yêu, vị cao tăng thạc đức Phật giáo Việt Nam với tầm nhìn xa trông rộng đã an nhiên viên tịch, trụ thế 97 xuân. Ngài đã và đang là một trong những bậc thầy vĩ đại nhất của thời đại chúng ta. Mặc dù phải nhẫn nhịn cả đau khổ và số phận lưu đày bao thập kỷ, Ngài vẫn liên tục tuôn trào suối nguồn từ bi tâm, luôn thắp sáng ánh dương quang trí tuệ cho thế giới nhân loại được tươi mát và ấm áp.
05/02/2022(Xem: 6871)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh vĩ đại, vị đạo sư siêu tuyệt. Ngài kết hợp một cách sáng tạo và cơ chế bản địa hóa Phật giáo vào chủ lưu văn hóa chính thống phương Tây một cách tự nhiên. Đặc biệt, Ngài khéo dùng phương tiện thiện xảo trong việc chia sẻ Từ bi tâm và Trí tuệ Phật pháp với công chúng thông qua việc sử dụng ngôn ngữ văn tự địa phương, thi ca và âm nhạc. Ngài đã khéo vận dụng giáo lý Phật đà để người dân các quốc gia khác nhau trên thế giới, tắm mát trong suối nguồn từ bi và ấm áp dưới ánh dương quang Trí tuệ Phật pháp mà không chướng ngại, siêu việt tất cả cương giới.
04/02/2022(Xem: 4131)
Ban TTTT Phật Giáo Tỉnh Khánh Hòa, nhận được tin: THƯỢNG TỌA THÍCH CHƠN THÀNH - TRÚ TRÌ CHÙA DIÊN THỌ Viên Tịch vào lúc 04giờ 45 phút ngày 02/02/2022 (Nhằm ngày 02/01 năm Nhâm Dần) tại Chùa Diên Thọ, TT Diên Khánh, Tỉnh Khánh Hòa. Trụ thế: 69 năm Hạ lạp: 28 năm - Lễ thỉnh Nhục thân nhập Kim quan lúc 18h00p ngày 02/02/2022 (nhằm ngày 02/01 năm Nhâm Dần). - Kim quan được an trí tại Giác Linh đường Chùa Diên Thọ, số 226 đường Lạc Long Quân, Thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh. - Lễ viếng bắt đầu từ lúc 20h00 cùng ngày. - Lễ cung thỉnh Kim quan Đăng đàn Trà tỳ chính thức được cử hành vào lúc 08h00p ngày 05/02/2022 (Nhằm ngày 05/01 năm Nhâm Dần).
22/01/2022(Xem: 9654)
Sau những năm tháng an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu, vào lúc 00:00 ngày 22 tháng 01 năm 2022 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu), Thiền sư pháp hiệu trước Nhất sau Hạnh, Niên Trưởng Trú trì Tổ đình Từ Hiếu đã thâu thần thị tịch tại Tổ đình, nơi Người đã xuất gia cách đây tám mươi năm.
18/01/2022(Xem: 9802)
Cố trưởng lão Tịnh Đức thế danh Tôn Thất Toản, sinh ngày 01/08/1944 tuổi Giáp Thân tại Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Gia đình dòng tộc Hoàng gia, thuộc Đệ bát hệ, Đệ nhị phòng, dòng dõi Chúa Nguyễn Phúc Thụ (Túc Tông Hiếu Đinh Hoàng Đế). Thân phụ là ông Tôn Thất Nhường, sinh năm 1897, mất năm 1982, thọ 85 tuổi. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Bàng, sinh năm 1903, mất năm 1963, thọ 61 tuổi. Gia đình có 5 anh em, Ngài là người con út. Xưa, gia đình ngụ tại Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Sau vào ở tại phường Thạc Gián, Đà nẵng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]