Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Sư Nhất Hạnh: Bậc Thầy Tâm Linh Vĩ Đại

27/01/202207:36(Xem: 3933)
Thiền Sư Nhất Hạnh: Bậc Thầy Tâm Linh Vĩ Đại


su ong lang mai

THIỀN SƯ NHẤT HẠNH: BẬC THẦY TÂM LINH VĨ ĐẠI

Minh Hải

 

Mấy ngày qua truyền thông trong nước và quốc tế, nhiều chính khách khắp nơi trên thế giới kính thương tiếc một bậc Thầy tâm linh vĩ đại - Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Người vừa xả báo thân tại mảnh đất thần kinh – cố đô Huế. Nhiều môn sinh của Ngài khắp năm châu tưởng niệm một bậc Thầy tôn kính vừa ra đi ở tuổi đời chín mươi sáu.

Trong suốt tám mươi năm sống trong ánh đạo của đức Như Lai và hơn nữa thế kỷ truyền bá lời Phật dạy khắp nơi trên thế giới. Thiền sư Nhất Hạnh đã có nhiều đóng góp lớn lao cho nền hòa bình và hạnh phúc cộng đồng quốc tế. New York Times đã từng khẳng định: “Trong số các nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn ở Tây phương, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được xếp vào vị trí thứ hai, chỉ sau Đức Dalai Lama - Among Buddhist leaders influential in the West, Thich Nhat Hanh ranks second only to the Dalai Lama.”[1] Thích Nhất Hạnh là bậc Thầy tâm lĩnh kiệt xuất thời cận đại có sức ảnh hưởng đến chiều sâu và bề rộng trên phạm vi toàn cầu. Ở nơi con người mang chiếc áo nâu sòng mảnh khảnh đó, có gì đặc biệt mà nhiều người kính ngưỡng và tôn vinh trang trọng như thế?

Làm mới đạo Bụt

Đại Lục vào thời kỳ hậu bán thế kỷ mười chín và nửa đầu thế kỷ hai mươi, Thiền sư Thái Hư (1890-1947) được nhắc đến như người có công canh tân Phật giáo. Thì ở Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ hai mươi, người tiên phong trong quá trình làm mới đạo Bụt chính là Thiền sư Nhất Hạnh.

Tố chất thiên phú ở nơi tâm hồn của Thiền sư Nhất Hạnh ngay từ khi mới vào cửa thiền đã biểu hiện điều đó. Năm 1942 - ở tuổi đời mười sáu, sư chú Phùng Xuân đã biết làm thơ và có những tư tưởng trong sáng muốn làm mới đạo Phật. Người đã lên tiếng: “Đạo Phật ra đời vì sự sống của nhân loại nên cũng linh động như sự sống của nhân loại. Ta không thể tách rời đạo Phật ra khỏi sự sống, bởi chính đạo Phật là sự sống. Nếu ta quan niệm đạo Phật như một kho tàng tri thức và lý thuyết cứng đọng thì tức là ta đã xem đạo Phật như những chén bát cổ trưng bày ở tàng cổ viện.”[2] Sở dĩ Ngài mạnh mẽ lên tiếng như thế là bởi đạo Phật giai đoạn ấy quá cũ kỹ. Nhân sỹ trí thức đã có cái nhìn phiến diện về các tổ chức Phật giáo. Các tự viện chỉ loay hoay quanh việc cầu siêu, cầu an, và ma chay, đáp ứng cho người tuổi xế chiều. Sư chú Phùng Xuân sanh ra cõi đời với sứ mệnh làm mới tinh thần và cải cách đạo Phật. Ngài đã thổi một nguồn gió mới để đạo Phật thích ứng với xã hội, để tồn tại và phát triển bền bỉ trong lòng quần chúng.

Ngay hồi còn ngồi dưới Phật học đường Báo Quốc năm 1947, sư chú Phùng Xuân đã thành lập tạp chí Tiếng Sóng, kêu gọi các học Tăng nói lên tiếng nói đích thực bằng tuệ giác và kinh nghiệm thực tiễn. Tờ báo Phật giáo được nhiều thành phần thanh thiếu niên hưởng ứng nồng nhiệt, nhưng sau đó không lâu đã bị đình chỉ xuất bản vì tư tưởng quá cấp tiến và táo bạo. Tiếp sau đó, tờ báo Tiến Hóa, chủ trương của sư chú Phùng Xuân là phải hành động chứ đừng nói lý thuyết suông trên trời dưới biển. Tuệ giác của đạo Phật cần được hiện đại hóa, tức có sự kết hợp giữa khoa học, xã hội, minh triết để hiểu tận nguồn áp bức khổ đau, chứ không phải chỉ tụng niệm và cầu nguyện.

Những tư tưởng cấp tiến luôn gặp phải sự khó khăn trước quần chúng và thậm chí ngay trong giới Tăng sĩ, đôi khi họ sự phản đối là chuyện khó tránh khỏi. Bởi lẽ người bình thường thì khó nhận ra được việc làm của người cấp tiến, còn người có kinh nghiệm thâm niên thì quan ngại sự cấp tiến đó có ổn không. Do vậy, người có tư tưởng cấp tiến thường đơn thân độc mã trên mọi lộ trình, chính vì thế nên sư chú Phùng Xuân lấy bút hiệu cho mình là Nhất Hạnh - hành động duy nhất.

Một con người có ý tưởng tân tiến cũng có nghĩa nơi con người người ấy đầy ý chí phi thường và khí phách anh hùng. Thiền sư Nhất Hạnh là con người “tri hành hợp nhất - 知行合一”, tức hiểu biết và thực hành luôn đi đôi với nhau. Quá trình làm mới đạo Phật, năm 1965, Thiền sư Nhất Hạnh là một trong những người khởi xướng thành lập Viện cao đẳng Phật học nhằm đào tạo Tăng Ni có phẩm chất để dấn thân phụng sự nhân sinh tại chùa Pháp Hội, tiền thân của đại học Vạn Hạnh ngày nay.

Người đã thành lập trường Thanh niên phụng sự xã hội - the School of Youth and Social Service, mục đích huấn luyện một thế hệ người trẻ có thể sống hoà mình vào nông thôn, dấn thân chia sẻ kiến thức thế học và Phật giáo để phát triển cộng đồng nhằm thực hiện cải tiến xã hội.[3] Đó là một luồng khí mới thổi vào phong trào đưa nền văn hóa giáo dục và giáo dục Phật giáo của đất nước đi lên. Hàng ngàn cộng tác viên được đào tạo ở chương trình này góp phần to lớn trong công tác giáo dục tư thục Bồ đề.

Trong suốt chiều dài lịch sử Phật giáo Việt Nam, Thiền sư Nhất Hạnh có thể là một trong những người tiên phong tân tu giới bản. Ngài đã tân tu năm giới và thập thiện bồ tát giới thành mười bốn giới tiếp hiện – the 14-mindfulness training of Engaged Buddhism. Ngày nay dòng tu tiếp hiện (The Order of Interbeing) này có cả ngàn người khắp nơi trên thế giới thực tập. Thiền sư cũng tân tu Giới bản Pratimokṣa cho người xuất sĩ nam và nữ, được công bố lần đầu vào ngày 31.3.2003 tại Viện đại học Tăng già Trung ương ở thành phố Hán thành, Đại Hàn. Không ít người hỏi, Thích Nhất Hạnh là ai mà dám tân tu giới bản của Phật. Có thể Ngài trả lời, ‘tôi chỉ làm công việc như Thầy Ānada trùng tuyên và tân tu lại những lời Phật dạy để phù hợp với thời đại mới, thiết thực và dễ hành trì hơi.”[4] Nhiều người thấy nhưng không đủ can đảm để thực hiện và chẳng thiếu người bất đồng quan điểm làm mới đó, nhưng có thể nữa thế hệ hay đôi khi mười hoặc hai mươi năm sau, những giới bản tân tu đó trở thành thông dụng trong tự viện Phật giáo, vì nó hợp với con người và thời đại.

Đạo tràng Mai Thôn được thành lập năm 1982, kể từ đó Thiền sư Nhất Hạnh thường tổ chức các khóa tu chánh niệm cho người trẻ, doanh nhân, khoa học, và giáo chức. Những bản kinh tụng thuần Việt văn phong sáng sủa được Ngài dịch sang Việt ngữ hiện các chùa Việt khắp nơi đang hành trì. Thiền sư Nhất Hạnh cũng là người tiên phong đề xướng ngày lễ bông hồng cài áo trong mùa Vu lan.

Nếp sống can đảm và tư bi

Andria Miller, đã diễn tả về Thiền sư Nhất Hạnh: An lạc từng bước chân - nếp sống can đảm và từ bi của Thích Nhất Hạnh.[5] Miller đã kể về những cuộc dấn thân của Thiền sư cùng với các tác viên trường Thanh niên phụng sự xã hội xã thân để cứu trợ đồng bào trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam bất chấp sự nguy hiểm của bom đạn. Cứu vớt hàng ngàn người vượt biên linh đinh trên Thái bình dương.

Năm 1966, Thiền sư Nhất Hạnh sang Tây phương kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, Ngài đã đến hơn 20 quốc gia trên thế giới để kêu gọi hòa bình. Một giai đoạn nước sôi lửa bỏng trong xã hội chính trị tại Hoa kỳ, nơi đâu cũng nghe thấy sự kỳ thị sắc tộc, tôn giáo, màu da, ... Ấy vậy, Thiền sư vẫn không ngừng ngại đi khắp các thành phố, trường đại học, giáo đường nhà thờ ở Hoa kỳ truyền đi thông điệp của mình: “Kẻ thù của chúng ta không phải con người. Kẻ thù của chúng ta là sự hận thù, kỳ thị, cuồng tín và bạo động, những thứ ấy đang nằm sâu trong lòng người.”[6] Đó là tiếng nói của lương tâm, tiếng nói của nhân bản, nhân quyền, và hòa bình, bậc thượng sỹ có lòng can đảm và bất khuất mới làm được điều đó.

Ngày 11.09.2001, Hoa Kỳ đang rúng động bởi hai tòa nhà thương mại ở thành phố New York bị đánh bom bởi chủ nghĩa khủng bố. Người Mỹ đang lo lắng, sợ hãi, tức giận, và nhiều cảm xúc tiêu cực dân trào. Thiền sư Nhất Hạnh đã tới Ground Zero, nơi các nạn nhân vừa nằm xuống, và sau đó có một buổi pháp thoại cho hàng ngàn người nhằm xoa dịu sự căng thẳng và nỗi đau trong lòng. Nhiều môn sinh của Người quan ngại về sự nguy hiểm khi kêu gọi người dân Mỹ bình tĩnh, thực tập từ bi và bao dung trong lúc căng thẳng đang lên đến đỉnh điểm. Thiền sư đã nói: “Cho dù Thầy có bị bắn khi thầy lên tiếng thì Thầy sẽ vẫn còn là thầy của quí vị. Nhưng nếu vì sợ hãi mà Thầy giữ im lặng thì Thầy sẽ không còn xứng đáng là thầy của quí vị nữa, và sự mất mát ấy sẽ còn to lớn hơn nhiều”.

Giữa lúc thời cuộc diễu dương như thế, Thiền sư Nhất Hạnh đã can đảm nói lên tiếng nói của lương tâm và hành động dũng cảm kiên cường, từ đó đã làm nên một chính hiệu: Một tông đồ của hòa bình và bất bạo động - An apostle of peace and nonviolence, như Mục sư King nói về Ngài. Câu nói, ‘anh hùng tạo thời thế’, ở khía cạnh nào đó đúng với cuộc đời của Thiền sư Nhất Hạnh.

Tình hình Phật giáo trong suốt thời gian nửa đầu thế kỷ hai mươi đang ngổn ngang như thế, tư tưởng tiên phong làm mới đạo Bụt của Thiền sư Nhất Hạnh là một điểm chói sáng. Ngài đơn thân đọc mã cất lên gọi hòa bình và nhân ái, cho đất nước con người Việt Nam và người dân trên thế giới. Vì vậy, hãng truyền thông CNN kính cẩn đưa tin về ra đi của một vị Thiền sư mang dòng máu người Việt này: “Thầy [Thích Nhất Hạnh] là một vị đạo sư vĩ đại nhất, người có sự bình an nội tại, lòng trắc ẩn và trí tuệ sáng ngời đã chạm đến cuộc đời của hàng triệu người trên thế giới - Thay [Thich Nhat Hanh] has been the most extraordinary teacher, whose peace, tender compassion, and bright wisdom has touched the lives of millions.”[7]


su ong lang mai


Đạo Bụt ứng dụng

Người Mỹ nói riêng và Tây phương nói chung họ biết về thiền Phật giáo qua những tác phẩm của Daisetz Teitaro Suzuki (1870 – 1966). Những cuốn sách của Suzuki mang tính nghiên cứu hàn lâm triết học sâu sắc về Thiền đại thừa Phật giáo đã thu hút mạnh mẽ tín đồ trí thức và học giả Tây phương vào nửa đầu thế kỷ hai mươi. Hay vị đạo sư Phật giáo Tây Tạng có ảnh hưởng bậc nhất đương đại đến giới trí thức khoa học gia Tây phương là His Holiness The Dalai Lama với thông điệp lòng trắc ẩn và thiền và não bộ. Thiền sư Nhất Hạnh hấp dẫn quần chúng bởi thông điệp Đạo Bụt dấn thân – Engaged Buddhism hay đạo Bụt ứng dụng – Applied Buddhism. Trung tâm tu học Làng Mai ở miền nam nước Pháp mỗi năm có trên mười ngàn thiền sinh trên năm mươi quốc gia khắp thế giới về tham dự. Các khóa tu ở nhiều trung tâm thực tập chánh niệm tại Hoa Kỳ mỗi khi có Thiền sư Nhất Hạnh và Tăng đoàn Làng Mai hướng dẫn luôn trên cả ngàn người, thiền sinh phải cắm lều ngủ ngoài trời. Pháp thoại công cộng cả mấy ngàn người đến tham dự.

Thiền sư Nhất Hạnh đã dạy những gì mà có sức thu hút mãnh liệt đối với các người trẻ, doanh nhân, giáo chức, giới văn nghệ sĩ Tây phương như vậy? Những cuốn sách như The Miracle of Mindfulness, Peace is every step, Transformation & Healing... xuất bản nhiều thứ tiếng, không ngừng tái bản từ nhiều năm qua, và nó trở thành những cuốn sách kim chỉ nam cho người muốn thực tập chánh niệm. Cho đến thời điểm hiện tại, Thiền sư Nhất Hạnh là người Việt có nhiều sách viết bằng tiếng Anh và cũng là người có sách được xếp vào hạng mục sách bán nhiều nhất (#1 best sellers). Ngài dạy họ sống tỉnh thức trong từng hơi thở, mỗi bước chân, đưa tâm trở về với thân để tiếp xúc với thực tại, thưởng thức sự sống có mặt bây giờ và ở đây. Chỉ giản đơn như thế nhưng rất sâu sắc và chứa đựng một triết lý nhận thức luận mạnh mẽ.

Ngôn từ trong lời dạy của Thiền sư Nhất Hạnh và ngay cả trong tác phẩm của Ngài khá bình dị, nhưng chứa đựng tuệ giác sâu sắc, dễ thực tập, đọc tới đâu thì hiểu tới đó, thấm vào lòng người. Ngài thường đưa ra phương pháp thực tập rất cụ thể qua các bài thực tập chánh niệm thực tiễn. Cách giải quyết nỗi khổ niềm đau nơi thân tâm, hóa giải các cảm xúc tiêu cực. Ngài dạy chúng ta trở về thực tập chánh niệm để cảm nhận được bình an và hạnh phúc đích thực ngay trong giờ phút hiện tại. Khi có đời sống tỉnh thức thì dễ dàng chăm sóc mình, giữ các mối quan hệ tốt đẹp và biết thương yêu hành tinh này.

Hạnh phúc có được bằng cách nhận diện và gọi tên được khổ đau, khổ đau là chất liệu làm nên hạnh phúc. Nếu chạy trốn khổ đau thì làm sao có hạnh phúc. Ngài dạy: không đau khổ lấy chi làm chất liệu, không buồn thương sao biết chuyện con người, không nghèo đói làm sao thi vị hóa, không lang thang sao biết gió mưa nhiều. Không hổ thẹn sao biết đời vinh nhục, không đau buồn sao biết nghĩa gian nan, không yêu thương sao biết sầu ly biệt, không hiếu thảo sao biết đạo làm người.” Giáo lý duyên khởi (interdependence, co-production): “Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không. Cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt. Cái này như thế này vì cái kia như thế kia.” Thiền sư Nhất Hạnh dùng danh từ mới cho người học Phật dễ hiểu là ‘tương tức – interbeing’. Vì có mặt trái cho nên có mặt phải, vì có mặt phải cho nên có trái trái, cả hai nương vào nhau mà hiện hữu. Nếu lấy một cái đi thì cái kia mất luôn. Rất giản đơn mà có tinh thần khoa học. Giáo lý này được chiếu rọi lên nhân sinh, thì thoát khỏi sự sống chết. Ngài nói: “Tôi là sự tiếp nối, giống như mưa là sự tiếp nối của đám mây.” Sanh tử chỉ là ý niệm.

Giáo sư Jeff Wilson đã mô tả Thiền sư Nhất Hạnh: “Nhân vật quan trọng bậc nhất trong đạo Phật ở Tây phương, xét từ phương diện số lượng thiền sinh mà Thiền sư có ảnh hưởng trực tiếp, cũng như mức độ ảnh hưởng phương pháp Ngài đã giảng dạy. Giáo sư ấn tượng với các từ ‘đạo Bụt dấn thân - engaged Buddhism’; tương tức – interbeing; hay ‘chánh niệm tỉnh thức – mindfulness’. Những ngôn ngữ ấy có sức ảnh hưởng đến người Tây phương.[8]

Giáo lý của đức Phật dạy rất phong phú và đa dạng, việc Thiền sư Nhất Hạnh thành công trong việc truyền giáo lý cho người Tây phương là vì Ngài hiểu được đời sống văn hóa của họ và chất lộc những điều thiết yếu cần trao truyền. Một xã hội tất bật, con người rất căng thẳng bởi nhịp sống vội vã, nhu yếu cấp thiết là giải quyết cho họ những khó khăn mà họ đối diện thường nhật. Thiền sư Nhất Hạnh đã dạy cho họ những giáo lý mà có thể áp dụng thực tiễn vào đời sống để giải quyết các vấn đề xung quanh cá nhân, công việc, gia đình, và cộng đồng xã hội.

Trường đại học Columbia đã xây dựng chương trình: The Thích Nhất Hạnh Program for Engaged Buddhism (TNHEB),[9] đào tạo văn bằng cử nhân và thạc sỹ về đạo Bụt dấn thân như để vinh danh Thiền sư Nhất Hạnh – một cựu sinh viên của trường, cũng như truyền bá chánh niệm vào xã hội Tây phương.

Thắp đuốc tỉnh thức

Ký giả Sylvia Thompson, đã diễn tả Thiền sư Nhất Hạnh là người cha của chánh niệm – the father of mindfulness.[10] Sống tỉnh thức sẽ giúp chúng ta chuyển hóa thân tâm, làm đẹp đời sống của chính mình bằng những phương pháp đơn giản có thể thực hành được trong đời sống hằng ngày. Ngài dạy chúng ta sử dụng tuệ giác nhìn sâu để thấy thật rõ mọi việc để áp dụng đời sống hằng ngày và làm vơi bớt nỗi khổ niềm đau. Thiền sư là người tỉnh thức và có thao thức rất sâu sắc để giúp đời vơi bớt niềm đau.

Hạt giống sống tỉnh thức đã được Thiền sư Nhất Hạnh chỉ dạy được chất lọc tinh hoa từ bản kinh Niệm xứ (Satipaṭṭhāna sutta - the foundations of mindfulness) và kinh Quán niệm hơi thở (Ānāpānasati sutta- Mindfulness of breathing). Kinh Ānāpānasati, đã được Thiền sư Khương Tăng Hội, vị sơ tổ của thiền tông Việt Nam dịch sang quốc ngữ, và đem ra giảng dạy cho quần chúng vào hạ cuốn thế kỷ thứ hai. Sự kết hợp tài tình trong khi giảng dạy về chánh niệm là Thiền sư dạy cho môn sinh thực tập chánh niệm trong đời sống hàng chứ không phải chỉ ngồi trên bồ đoàn ở thiền đường. Khi biết nắm lấy hơi thở, thì chúng ta có thể chế tác năng lượng tỉnh trong các sinh hoạt thường nhật một cách rõ ràng, uống trà trong chánh niệm, biết nói năng cho từ ái và biết lắng nghe nhau.

Một trong những nhân vật nổi tiếng, đem chánh niệm vào xã hội Mỹ ở lĩnh vực y khoa, giáo dục, và thần kinh não bộ, có ảnh hưởng bậc nhất hiện nay là Jon Kabat- Zinn, một giáo sư tiến sỹ đã từng học thiền với Thiền sư Nhất Hạnh từ 1987. Sau đó, Kabat-Zinn đã phát triển chương trình tám tuần giảm căn thẳng dựa vào sự thực tập chánh niệm - eight-week mindfulness-based stress reduction. Hiện nay, chương trình này lan truyền khắp nơi trên thế giới, có cả hàng ngàn bệnh viện, trường học áp dụng cách trị liệu bằng chánh niệm này. Phương pháp thực tập chánh niệm được Thiền sư Nhất Hạnh hướng dẫn thiền sinh sống tỉnh thức ít mang màu sắc tôn giáo – spirituality without religion, dù thiền chánh niệm có gốc rễ từ đạo Phật. Đều này đã khá thích hợp đối với người Tây phương và dễ dàng chấp nhận vào môi trường giáo dục và nhiều lĩnh vực khác.

Xã hội Tây phương đang đối diện sự khủng hoảng trầm trọng về tinh thần. Hàng năm có cả hàng triệu trẻ em bỏ học vì rối loạn cảm xúc, nhiều người trẻ tự tử vì không thể làm chủ cảm xúc tiêu cực. Bệnh trầm cảm đang gia tăng mỗi ngày, và trở thành căn bệnh quan ngại thứ nhì trong xã hội Tây phương. Bởi do căng thẳng từ công việc, quan hệ tình cảm, và đại dịch Covid-19 làm thêm gia tăng. Chánh niệm đã trở thành một công cụ hữu ích giúp cho người Tây phương thực tập để giảm căng thẳng và lấy lại thăng bằng cuộc sống.

Đối với người Tây phương khi nhắc đến Thích Nhất Hạnh, thì họ nghĩ tới sự tỉnh thức – mindfulness. Ngày nay, mindfulness đã thành một trào lưu thời thượng, cứ mười người trẻ ở Mỹ thì có tới sáu người thực tập chánh niệm mỗi ngày. Chánh niệm đã tràn qua các sinh hoạt thường nhật đi vào các lĩnh vực y khoa, giáo dục, văn hóa, xã hội, cho tới trong nhà tù, kinh doanh, và quân sự bởi sự lợi ích thiết thực của nó.

Di sản để lại

Những đóng góp không biết mệt mỏi của Thiền sư Nhất Hạnh về hạnh phúc, tỉnh thức, hòa bình và bất bạo động cho nhân loại rất vĩ đại, đã được thế giới ghi nhận một cách trân trọng. Tạp chí Time ở châu Á đã vinh Thiền sư Nhất Hạnh là một trong những vị anh hùng lỗi lạc trong thế kỷ hai mươi. Thiền sư Nhất Hạnh có tên trong hai mươi lăm người được vinh danh đấu tranh cho hòa bình, tự do và nhân bản trên thế giới - Remember Them: Champions for Humanity.” Tượng đài các nhân vật nổi tiếng này được xây lên ở Fox Square Park tại thành phố Oakland, California – Hoa Kỳ.

Thiền sư Nhất Hạnh để lại một di sản quí giá là gầy dựng nền tảng Phật giáo cho người Tây phương. Trong số hơn một ngàn vị đệ tử xuất sỹ có gần một phần năm là người Tây phương, dù họ còn ở trong Làng Mai hay rời khỏi lập trung tâm thiền tập mới, dù biểu hiện một xuất sỹ hay cư sỹ thì họ vẫn dạy cho người bản xứ về cách thực tập chánh niệm, sống tỉnh thức, và hòa bình an lạc. Nhiều môn sinh tiếp hiện đã trở thành giáo thọ cư sỹ ở các Sangha khắp năm châu, họ đã đem chánh niệm vào trường học, bệnh viện, nhà tù, và nhiều lĩnh vực khác trong xã hội.

Có lẽ di sản vĩ đại nhất mà Thiền sư Nhất Hạnh để lại cho tư tưởng, văn hóa giáo dục là những tác phẩm của Ngài. Chúng ta sẽ bắt gặp đâu đó ở Central Park, một người thưởng lãm từng trang sách Peace is every step. Hay một vị giáo chức sẽ cầm cuốn Happy Teachers Change the World. Sinh viên ngành Tâm lý học sẽ nghiên cứu Understanding Our Mind. Khắp nhà sách trên nước Mỹ, thư viện công cộng – public library, hay thư viện ở các trường đại học, đều thấy sách tác giả Thích Nhất Hạnh. Độc giả hâm mộ sách của Thích Nhật Hạnh bởi vì ở trong từng trang sách tác giả khơi dậy năng lượng tỉnh thức nơi chính họ, bằng chính ngôn ngữ giản đơn nhưng chứa đựng triết lý thâm sâu, bằng câu chuyện mộc mạc nhưng thấm nhuần chất liệu thi ca đạo vị giải thoát. Tất cả điều nhắc nhở người độc hãy trở về sống cho sâu sắc trong từng giây phút, đừng lỡ hẹn với sự sống. Khi đó bạn sẽ thấy được di sản chánh niệm của Thiền sư Nhất Hạnh đã gieo rắc quan trọng như thế nào. Rồi bạn sẽ bừng tỉnh tại sao nhân sỹ trí thức Tây phương kính cẩn đón nhận Thích Nhất Hạnh bằng cả trái tim nồng ấm.

Thiền sư Nhất Hạnh là một đóa hoa vươn mình nở hoa trong biển lửa. Biển lửa của chiến tranh bom đại; biển lửa của chiến tranh ý thức hệ; biển lửa của cả thị phi. Ở trong vũng bùn đen tối đó Ngài vươn vai đứng dậy bằng hành động nhân văn và lòng bi mẫn bất khuất để trở thành một nhân vật kỳ vĩ của nhân loại. Ngôn ngữ trần trụi của nhân thế làm sao mà diễn tả được một con người có khối óc xuất chúng và lòng dũng cảm phi thường như Thiền sư Nhất Hạnh. Người đã vượt lên ngôn ngữ và trên mọi biên giới. Người Việt Nam tự hào và hãnh diện về Thiền sư Nhất Hạnh, một người cả hàng thế kỷ mới xuất hiện một lần.

Bùi ngùi, xúc động và thương nhớ quạnh lòng đau, bởi từ đây chúng con và cả dân tộc mất đi một thiên tài kiệt xuất. Nhưng hãy thưởng lãm hoa và trái mà Thiền sư Nhất Hạnh đã trao truyền, sống và thực tập những gì Người đã làm và đã dậy, thì Thầy đang biểu hiện trong con.

23.01.22



[1] Niebuhr, Gustav, (1999). A Monk in Exile Dreams of Return to Vietnam. Retrieved from: https://www.nytimes.com/1999/10/16/us/a-monk-in-exile-dreams-of-return-to-vietnam.html

[2] Nhất Hạnh, đạo Phật ngày nay, Lá bối. 1964. tr. 1.

[3] Nhất Hạnh, Hoa sen trong biển lửa, Lá bối, 1967. tr. 43.

[4] Thích Nhất Hạnh, Giới bản Khất sỹ Tân tu, Lá bối, 2014. tr. 9.

[5] Miller, Andrea, (2020). Peace in Every Step, Thich Nhat Hanh’s life of courage and compassion. Retrieved from: https://www.lionsroar.com/headline-july-2010/

[6] Thích Nhất Hạnh, Hoa sen trong biển lửa, Lá bối, 1967. tr. 125

[7] Wang, Philip, (2022). Thich Nhat Hanh, Buddhist monk and peace activist, dies at 95. Retrieved from: https://www.cnn.com/2022/01/21/asia/thich-nhat-hanh-death-intl/index.html

[8] Wilson, J. (2014). Mindful America: Meditation and the mutual transformation of Buddhism and American culture. Oxford University Press. P. 34.

[9] The Thích Nhất Hạnh Program for Engaged Buddhism (TNHEB). Xem https://utsnyc.edu/life/institutes/buddhism-program/.

[10] Thompson, Sylvia, (2022). The father of mindfulness. Retrieved from:  https://www.irishtimes.com/news/health/the-father-of-mindfulness-1.498724.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/10/2010(Xem: 11842)
Nhiều thế kỷ trước, một vị vua đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam hai lần đẩy lui quân Mông Cổ xâm lăng. Một hôm, vào năm 1293, vị vua anh hùng này đã rời ngôi vua, và vài năm sau trở thành một nhà sư và đã để lại một di sản Thiền Tông bây giờ vẫn còn phát triển để trở thành dòng Thiền lớn nhất tại Việt Nam. Ngài tên là Trần Nhân Tông, vị vua thứ ba của Nhà Trần và là vị sáng lập Dòng Thiền Trúc Lâm.
22/10/2010(Xem: 15023)
Vào khoảng các năm 1972–1974, Cố Hòa thượng Thích Trí Thủ, thường được Tăng Ni-Phật tử gọi cung kính gần gũi là “Ôn Già Lam”, đang trong thời gian dài hoằng pháp tại Nha Trang và các tỉnh miền Trung, Ôn tạm an trú trên chùa Hải Đức, nơi có Phật học viện Trung Phần, trên ngọn đồi Trại Thủy. Khoảnh vườn và thềm hiên phía trước tịnh thất của Ôn dần dà trở thành một hoa viên nho nhỏ với nhiều cây cảnh hoa lá đẹp lạ, là nhờ ở bàn tay chăm sóc thương yêu của một vị cao tăng đức độ nhân từ.
22/10/2010(Xem: 6720)
Chuông ngân chùa xẩm nắng Hương quyện áo tràng bay Trăm tám vì sao rạng Xoay tròn đôi 1óng tay Mười phương cây lặng gió Năm sắc hồ trôi mây Làn nước lên đầu núi Ánh vàng tràn đó đây.
21/10/2010(Xem: 7935)
Trong cõi nhân gian mịt mù tăm tối vì vô minh và phiền não, sự xuất hiện của một bậc chân tu đạo hạnh để dìu dắt con người trên đường tìm về giác ngộ và giải thoát, quả thật không khác gì một vì sao sáng trên bầu trời làm định hướng cho lữ hành trong đêm tối. Trong ý nghĩa này, Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn là một vì tinh tú sáng rực.
20/10/2010(Xem: 5820)
Hòa thượng Thích Trừng San, pháp tự Minh Hiền, hiệu Hải Tuệ, thế danh Nguyễn San sau đổi là Trần Văn Lâu, nối pháp đời thứ 42 dòng Lâm Tế Liễu Quán. Ngài sinh năm Nhâm Tuất (1922), tại thôn Phú Khánh, xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
19/10/2010(Xem: 12249)
Sáng ngày 22.01 Quý Tỵ (03.03.2013) tại Tổ đình Tường Vân, tổ 16, khu vực 5, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, Chư Tôn đức Tăng Ni trong sơn môn pháp phái Tường Vân đã đã trang nghiêm trọng thể tổ chức Lễ Tưởng niệm 40 năm ngày Đức Trưởng lão Đệ Nhất Tăng thống Thích Tịnh Khiết viên tịch.
16/10/2010(Xem: 8367)
Ấn tượng khó quên mà lần đầu tiên tôi gặp Thầy Phạm Công Thiện là Thầy đã khuyên tôi nên tinh tấn tu tập, thực hành lời Phật dạy và niệm Phật. Lần đó là vào giữa năm 1991, nửa năm sau khi tôi từ New York dời về Cali để sống, tại Chùa Diệu Pháp, thành phố Monterey Park, Los Angeles. Trong đầu tôi, trước khi gặp Thầy, mường tượng ra một Phạm Công Thiện hiên ngang và nói thao thao bất tuyệt về triết học Tây Phương, về Trung Quán, về Bát Nhã, v.v... Nhưng không, tất cả những suy nghĩ viễn vông và mộng tưởng đó đều bị sụp đổ tan tành khi tôi ngồi đối diện với Thầy Phạm Công Thiện trong một căn phòng nhỏ ở Chùa Diệu Pháp. Thầy Phạm Công Thiện, với dáng điệu từ tốn, khiêm cung, trầm lặng, chỉ nói những điều hết sức bình thường, chỉ khuyên những điều hết sức phổ thông mà người Phật tử nào cũng thường nghe quý Thầy khuyên bảo như thế.
13/10/2010(Xem: 5221)
Bữa tôi ra mắt sách tại Orlando, cựu Đại Tá Nguyễn Quốc Quỳnh, Hội Trưởng Hội Cao Niên Orlando và Vùng Phụ Cận, có nhắc tôi là bài "Nhà Sư Của Tôi" (NSCT) trong cuốn tạp văn "Viên Đạn Cuối Cùng" còn thiếu nhiều chi tiết. Tôi cảm ơn cụ Quỳnh và hứa là nhân dịp Tân Niên Canh Thìn (y2k) tức Năm Rồng đầu thiên niên kỷ mới, tôi sẽ kể thêm về những câu chuyện tại Trại "cải tạo" Thanh Phong, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
12/10/2010(Xem: 8109)
Chân Nguyên chủ trương then chốt của việc đạt được giác ngộ là thắp sáng liên tục ý thức của mình về sự hiện hữu của tự tính “trạm viên” đó là nguồn gốc chân thật của mình.
11/10/2010(Xem: 6487)
Thượng tọa Thích Thông Huệ, thế danh Bùi Hữu Hòa, sinh năm Tân Sửu (1961) tại Phan Rang - Ninh Thuận. Năm 20 tuổi (Canh Thân - 1980) xuất gia với Hòa thượng Thích Đỗng Hải, trụ trì Tổ đình Sắc tứ Thiền lâm tự - Phan Rang, Ninh Thuận. Năm 1982 Hòa thượng Bổn sư viên tịch, Thượng tọa đã đãnh lễ Hòa thượng Thích Đỗng Minh, cũng là vị Sư Bá trong tông môn, để được làm đệ tử Y chỉ sư.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]