Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Sư Nhất Hạnh đã về đã tới

24/01/202217:30(Xem: 3714)
Thiền Sư Nhất Hạnh đã về đã tới

Chan Dung Thien Su Thich Nhat Hanh

THIỀN SƯ NHẤT HẠNH

Đã về. Đã tới.

 

Người về như lá xưa về cội,

Vẫn áo nâu sòng thuở Huế xưa.

Nẻo Đạo đã về và đã tới!

Hoàn không Từ Hiếu vọng chuông chùa.

                                           (Nguyên Tâm)

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa viên tịch tại Huế lúc 00:00 giờ ngày 22- 01- 2022, ở tuổi 96 (1926-2022), tại chùa Từ Hiếu, Huế. Đây là ngôi chùa mà Thầy đã quy y thế phát xuất gia – trở về nương tựa Phật – đúng 80 năm về trước. Hình ảnh ra đi thanh tịnh nhất của một thiền sư trong truyền thống Phật giáo là: An nhiên thị tịch! (bình an ra đi trước mắt mọi người). Sư cô Chân Hiến Nghiêm, người Anh, hiện có mặt tại Pháp,thông báo rằng "lễ tang Thầy của chúng tôi sẽ được tổ chức ngay từ sáng Thứ Bảy, ở Huế và kéo dài 5 ngày”.

 

Tin Thiền sư Nhất Hạnh viên tịch đối với cộng đồng truyền thông chuyên nghiệp săn tin và đưa tin Việt Nam cũng như toàn cầu không phải là một tin thuộc hệ “giật gân” hay sốt dẻo theo cách nói thời thượng của thế hệ 5G. Nhưng tin Thầy ra đi tại chùa Từ Hiếu Huế, an lạc trở về với biển Đạo như vọng âm huyền diệu Ngôn Hoài của Thiền sư Không Lộ mà Thầy từng dịch: “… Có khi bước thẳng lên đầu núi – Hú dài một tiếng lạnh hư không.”  (Hữu thời trực thướng cô long đỉnh - Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư). Bao nhiêu năm qua, tuổi già và tuổi trẻ Việt Nam đã bước lên đầu núi thời cuộc đảo điên, đứng trên chót vót của niềm tin đang bị mây mù vây bủa. Đạo Phật thanh tịnh được ví von như mặt trời; danh tăng tròn công hạnh được quý ngưỡng như ngọn đuốc soi sáng nẻo đạo cứu khổ đời nầy và giài thoát đời sau. Những ngọn đuốc đạo pháp và nhân văn như Thích Thiên Ân, Thích Nữ Trí Hải, Thích Minh Châu, Thích Trí Quang, Thích Nhất Hạnh… lần lượt ra đi là những tiếng hú dài làm lạnh cả hư không.

 

            Trong thế hệ Chiến tranh Việt Nam (U-70 – U-100), Thiền sư Nhất Hạnh là một nhân vật tôn giáo có ảnh hưởng sâu đậm nhất về cả ba mặt: Tâm linh, tinh thần và điệu sống. Khi Thầy còn tại thế cũng như sau ngày viên tịch, môi trường truyền thông đại chúng với tốc độ ánh sáng thời hiện đại đã bao lần dậy sóng. Ba đào nông nổi nhất thời đối mặt với an nhiên tự tại sâu thẳm của hai lực tương tác cộng tồn, cộng hưởng và cộng sinh của hý trường thị phi thế sự khen chê và sự im lặng sấm sét của bản tâm thầm lặng. Những lời bình luận muôn màu, muôn vẻ về cuộc đời, hành trạng và công hạnh của Thiền sư Nhất Hạnh có thể kết tập in thành pho sách lớn. Nhưng ba đào là bản chất của nhân thế mà thái hòa an lạc là thể tánh của biển khơi. Đạo Phật là biển lớn dung hóa mọi suối nguồn thác ghềnh sông lạch. Hai mươi sáu thế kỷ – 300 thế hệ con người – giáo sử đạo Phật đã chứng minh và cũng chỉ cần chứng minh “không lại hoàn không”… thịnh suy như giọt sương mai đầu cành (Thịnh suy nhự lộ thảo đầu phô - Vạn Hạnh Thiền sư).

 

            Cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, loài người tăng nhanh hơn bảy tỷ nhưng bỗng thấy cô đơn! Trong khi những phương tiện khoa học kỹ thuật và cuộc cách mạng đầy vũ bão của giao thông vận tải và truyền thông đại chúng trên đà thần tốc toàn cầu hóa (miracle of globalization) thì hạnh phúc thật sự của con người đang bị thực tế chứng minh ngược lại “nhanh quá hoá cuồng”. Bởi phương tiện thần tốc (từ 1G tới 5G, 6G… trong vòng vài thập niên) giúp con người phản ứng nhanh như điện ngỡ tưởng đâu sẽ hoá giải dị biệt để hòa hợp sự phân hóa quốc gia và quốc tế nhanh chóng; nhưng thiên lương và phẩm hạnh con người không tác tạo bằng phương tiện kỹ thuật nên tình trạng phân cực (polarization) trong gia đình, nội bộ tổ chức, hệ thống xã hội, chính trị… trong phạm vi quốc gia và cộng đồng quốc tế ngày càng suy đồi nghiêm trọng. Ngược lại, sự cách ly cần thiết thì càng bị phản tác dụng như đại dịch Covid-19 đã lây lan khắp 200 quốc gia và vùng miền trên thế giới theo tốc độ… “sátna@com”!  Vai trò tôn giáo trong cuộc khủng hoảng thiên lương và niềm tin đó chỉ còn là dốc tâm cầu nguyện thôi chăng? Muốn đem tôn giáo vào cứu rỗi thực tế thì phải cần có sự phân định giữa thánh và phàm, hiện thực và mê tín, thanh lương và tạp loạn, cổ sơ và văn minh… Tam tạng kinh điển Phật giáo trùng trùng như núi, nhưng đó là ngọn núi Linh Sơn. Nơi đó, từ người mù chữ đến bậc đại trí đều hiểu được lẽ vô thường khổ nạn của cuộc sống để an tâm hành giả. Và, nơi đó không còn phân biệt phàm trí vì không còn chút tơ hào của tự tánh tồn tại nên ba nghìn thế giới cũng bằng không.

 

            Sự khác biệt lớn nhất giữa Thiền sư Nhất Hạnh và các Thiền sư, tu sĩ, học giả, trí thức Phật giáo đương thời là sự dấn thân hiện đại hóa Phật giáo. Đối ứng với sự phát triển nâng tầm cao, tầm rộng và sự gia tăng tốc độ của các ngành khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nhân văn, tôn giáo, giới nghiên cứu và học sĩ cũng tiến sâu, tiến xa vạn dặm để lý giải, suy diễn và sáng tạo những lý thuyết quá bí hiểm, khó hiểu và xa rời đường tu học. Tác phẩm Việt Nam: Hoa Sen Trong Biển Lửa (Vietnam: Lotus in a Sea of Fire) xuất bản năm 1967, Thầy Nhất Hạnh đã đưa ra khái niệm Đạo Phật dấn thân (Engaged Buddhism). Dấn thân để hiện đại hoá Phật giáo. Dấn thân để nhà tu, hành giả và học giả không tách xa quần chúng, không ngủ quên trong tháp ngà của ngã mạn, tu viện và học viện viễn mơ mà đến với cuộc đời hiện thực.

 

           Mỗi thời đều có những bậc luận sư, danh tăng và thiện chúng nói nghĩa chân thật, xưng tụng lời kinh và con người cùng tạo vật ái hòa đến độ: “Thỏ thẻ rừng Mai chim cúng trái; lững lờ khe Yến cá nghe kinh…” ( Chu Mạnh Trinh – Hương Sơn Tức Cảnh). Giữa biển lửa của Chiến tranh Việt Nam, Thầy Nhất Hạnh đã ra đi đem tiếng gào Sư Tử Hống để nói tới cùng trời cuối đất: “Kẻ thù ta đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai. Kẻ thù ta tên nó là gian ác. Kẻ thù ta tên nó là vô lương… (Phạm Duy – Tâm Ca 7). Tiếng kêu ái hòa giữa cuộc chém giết máu sông, xương núi của hai phía anh em thù địch đã biến Thầy Nhất Hạnh thành nghịch thế, thành kẻ phản kháng của cả hai phe lâm chiến.

 

            Đạo Phật đến với thế giới phương Tây thật muộn màng. Hiện tượng nầy có thể lý giải qua tinh thần lịch sử luận lý học phương Tây. Đạo Thiên Chúa nói chung về các đại môn phái đều có một đấng Thượng Đế để tôn thờ. Hệ thống cấu trúc tâm linh của giáo quyền rất phù hợp và đi song song với hệ thống chính trị thế quyền; bởi vậy, tôn giáo đã tồn tại, phát triển và vinh danh qua những triều đại bá quyền thế giới. Trong lúc đó, đạo Phật xuất hiện như một khuynh hướng nghịch lý với thế quyền bởi áo nghĩa của nội thư không thừa nhận một Thượng Đế chí tôn và chủ trương “vạn pháp bình đẳng”, xóa bỏ giai cấp. Đạo Phật ở Ấn Độ và Âu Mỹ không có lý do nẩy mầm và phát triển trong một thế giới say sưa với tinh thần chinh phục, ngự trị và đấu tranh giai cấp. Mãi cho đến khi gần cuối mùa của giấc mơ chinh phục và ngự trị khoa học kỹ thuật đang già nua và ngấm ngầm nỗi loạn thì con người mới sáng mắt nhận ra đâu là giá trị của chân hạnh phúc đích thực. Đạo Phật đến với phương Tây tự nhiên và an hòa bởi tinh thần Từ bi và Trí tuệ. Chính bằng tấm lòng “lấy mắt thương nhìn cuộc đời”, bằng trí tuệ “tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất” và bằng thực tập chánh niệm cùng tỉnh thức để về sống với chính mình trong hiện tại và có cơ duyên khám phá Phật Tánh của một đức Phật tương lai đang chờ đợi và đã trải qua qua bao tiểu, trung, đại kiếp trong ta… đã là những nhân tố thuyết phục và chinh phục của đạo Phật đối với các nước Âu Mỹ. Thiền sư Nhất Hạnh được thế giới phương Tây ưu ái vinh danh là “Cha Đẻ của Chánh Niệm” (Father of Mindfulness): Bước như hôn quả đất thân yêu dưới gót chân mình (walk as if you are kissing the Earth with your feet) là một “triết lý hiện sinh nhân bản” mà thế giới phương Tây vẫn thường nhắc đến khi nói về tinh thần Chánh Niệm qua lời Thầy Nhất Hạnh.

Su Ong Lang Mai-10

 

 

            Đã bao nhiêu năm, tôn giáo thường sống thuần trong lễ nghi và cầu nguyện siêu nhiên. Những nhà lý thuyết nhân văn thế giới đang tỉnh thức và muốn xắn tay áo rời xa tháp ngà kinh điển để nhập thế. Tuy đạo Phật từ thuở xa xưa đã có bao nhiêu bậc tôn giả, danh tăng thiền đức chủ trương “Bồ tát thỏng tay vào chợ…” để cứu khổ cho đời; thế nhưng đạo vẫn xa đời vì sợ vướng vào vòng tục lụy. Thầy Nhất Hạnh là một trong những hành giả xuất gia đầu tiên trong thế hệ Chiến tranh Việt Nam chủ trương đem đạo vào đời mà không vướng mùi tục lụy. Từ những ngày rất sớm trong cuộc đời tu hành 80 năm, Thầy Nhất Hạnh đã tìm đến với Tình Người (Thi phẩm Tâm Quán), cùng hướng nhìn đầy kỳ vọng với thế hệ trẻ qua nỗ lực chung tay xây dựng Gia Đình Phật Tử, thành lập viện Đại học Vạn Hạnh, dựng Phương Bối Am, thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội; viết Nói Với Tuổi Hai Mươi, Nẻo Về của Ý…, vẽ ra những con đường nhập cuộc và ứng dụng lý thuyết, ước mơ vào hiện thực đời sống thời 1960 cho tuổi trẻ đã được (hay bị) xem là theo khuynh hướng “cách mạng Kibbutz kiểu tuổi trẻ Do Thái” mà cả hai phía đang tham chiến đều dị ứng. Quê hương yêu dấu không có đất dung thân cho một tiến trình bứt phá vươn lên thì phải ra đi theo bước đạo hành của tiền nhân đi trước : Nhất bát thiên gia phạn- Cô thân vạn lý du (Bát cơm nghìn nhà hiến - Một mình đi muôn phương) và Thầy đã rời xa quê hương Việt Nam từ năm 1961, tới Mỹ và 18 xứ khác để kêu gọi hòa bình. Lời nguyện hòa bình của một tu sĩ Phật giáo trong chiến tranh cũng như đặt hoa sen trong biển lửa; nhưng dẫu cho đốm lửa nhỏ bị khước từ hay lụi tàn vẫn còn hơn đồng lõa với bóng tối đêm đen.    

 

            Vào những năm đầu 1970, thế giới phương Tây vẫn còn xa lạ với Phật giáo. Đạo Phật được truyền vào Âu Mỹ như một triết lý chứ chưa hẳn là một tôn giáo. Riêng Phật giáo Việt Nam thì đến năm 1962 mới có Thầy Thích Nhất Hạnh theo học ở đại học Princeton, ngành Tôn Giáo Tỷ Giảo (Comparative Religion) và đến năm 1966, Thầy là giảng viên ở đại học Cornell. Đây cũng là năm Thầy Thích Thiên Ân dạy tại Đại học UCLA và truyền bá đạo Phật. Đồng thời, có Thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát và Thích Thuyền Ấn học Triết học ở Đại học Wisconsin. Từ năm 1975, cùng với đoàn người Việt di dân - tỵ nạn ở Mỹ cùng khắp năm châu, đạo Phật Việt Nam từng bước có mặt khắp nơi với sự xây dựng chùa viện và phát triển đạo tràng tu học. Trong số mười vị tu sĩ Phật giáo thế giới được xem là có ảnh hưởng trực tiếp lớn nhất đối với sự phát triển đạo Phật tại phương Tây trong vòng 50 năm qua đặc biệt là trong môi trường trí thức và thế hệ trẻ, Thiền sư Nhất Hạnh được xem là người có ảnh hưởng lớn thứ hai sau đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng. Riêng với cộng đồng Phật giáo người Mỹ và tuổi trẻ hiếu kỳ với tôn giáo (nói chung) thì với hơn 50 quyển sách bằng tiếng Anh được viết ra hoặc dịch lại của Thầy cũng tạm đủ thay Thầy nói lên điều muốn nói về đạo Phật và quan điểm của một tu sĩ Phật giáo “nương theo lối xưa bằng bước chân khai phóng”.  Đạo Phật Ứng Dụng (Applied Buddhism) là bước tiếp nối của Đạo Phật Dấn Thân.  Đạo tràng Làng Mai với đường tu Tiếp Hiện là sự thể hiện tinh thần dấn thân và ứng dụng đạo Phật vào hiện thực cuộc đời. Đó là một đạo Phật hiện tiền sinh động cho người đang sống và cho thế hệ đàn em tương lai để xây dựng một Niết Bàn Tại Thế, mở then gài cửa ngõ tự do đi vào đường Đạo: Nơi có cả hạnh phúc trong tầm tay và thế giới Cực Lạc cho cả đời nầy và lẫn kiếp lai sinh.

 

            Ngày nay, tới những thành phố lớn trên thế giới, ghé vào thư viện hay những nhà sách lớn, tìm đến quầy sách chuyên đề tôn giáo, triết học… xuất bản bằng những ngôn ngữ thông dụng hàng đầu như Anh, Pháp, Hoa, Tây Ban Nha… người tìm sách sẽ ngỡ ngàng vì số lượng sách quá nhiều của một tác giả Việt Nam: Thích Nhất Hạnh. Số lượng sách cùng hạng mục của một tác giả nổi tiếng hàng đầu như Đạt Lai Lạt Ma cũng chỉ bằng một phần ba Thích Nhất Hạnh. Vài ba hôm nay, chưa có tin qua đời của một danh nhân, nghệ sĩ nào lại được thông tin ồ ạt và rộng rãi trên môi trường truyền thông đại chúng toàn thế giới như tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch. Đặc biệt nhất là thế hệ trẻ nói chung và thế hệ thứ ba con em người Việt Nam ở nước ngoài phải lấy tiếng bản địa thay cho tiếng Việt mẹ đẻ nói riêng, đã thể hiện nhiệt tình và tâm cảm của lòng biết ơn, sự luyến tiếc và niềm xúc động sâu xa để thông báo cho nhau về tin Thầy Nhất Hạnh qua đời. Thích Nhất Hạnh trong tâm hồn tuổi trẻ là hình ảnh tiếng chuông thanh và nụ cười thiền tập, là giá trị quý báu của sự sống trong giây phút hiện tại, là cách hóa giải niềm đau nỗi khổ bằng phương pháp tự chuyển hóa tâm mình, là lấy mắt thương nhìn cuộc đời để biến thù hận thành thương yêu, là hạnh phúc thiện lành của người biết chia sẽ và đem cho hạnh phúc.

 

            Và, lắng lòng cung tiễn Thầy không với nụ cười, cũng chẳng qua tiếng khóc mà bằng Tâm Tang như một sự hoàn không rỗng lặng, tự tại như như… như Thầy đã nói khi còn tại thế: “Tôi đã đến Cực Lạc (Pure Land), một ngôi nhà thực sự, nơi tôi có thể… chạm vào thiên đường của tuổi thơ mình và tất cả những điều kỳ diệu của cuộc sống. Tôi không còn quan tâm đến hiện hữu và không tồn tại, đến và đi, sinh ra hay chết đi. Trong ngôi nhà đích thực của mình, tôi không sợ hãi, không lo lắng. Tôi có an lạc và giải thoát. Ngôi nhà thực sự của tôi là ở đây và bây giờ. Tôi đã tìm thấy hạnh phúc thực sự ”. - Thích Nhất Hạnh, Tôi Đã Đến, Tôi Đã Về (I Have Arrived, I am Home).

 

Sacramento, 22-1-2022

Trần Kiêm Đoàn [**]

 

 

  



[**] NHỮNG BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cùng một tác giả (TKĐ) đã viết trong vòng 20 năm qua:

 

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh – Hành giả bắc nhịp cầu Đông Tây

https://www.trankiemdoan.net/butluan/tongiao-phatgiao/thiensuthichnhathanh.html

 

Hạt giống Làng Mai

https://www.trankiemdoan.net/butluan/tongiao-phatgiao/hatgionglangmai.html

 

Biển lửa giữa hoa sen

https://www.trankiemdoan.net/butluan/tongiao-phatgiao/bienluagiuahoasen.html

 

Đôi lời cùng bạn khác hướng

https://www.trankiemdoan.net/butluan/tongiao-phatgiao/doiloivoichienhuu.html

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/05/2020(Xem: 11480)
Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang thế danh là Lê Đình Nhàn, sinh năm Canh Thân, ngày 19-9-1920 (tức ngày mồng 8 tháng 8 năm Canh Thân), quê thôn Háo Đức, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Lê Vỵ pháp danh Như Hương, thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Tư pháp danh Như Tâm cùng ở làng Háo Đức.
01/05/2020(Xem: 9872)
Trang Nhà Quảng Đức vừa hay tin Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Chiếu Thượng Thủ Hội Đồng Tăng Già Bản Thệ Tác giả, Soạn giả của nhiều bộ truyện cổ Phật Giáo vừa viên tịch tại Chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai lúc 14 giờ 50 phút chiều ngày Rằm Tháng Tư Âm lịch Canh Tý (07/05/2020) Trụ Thế : 89 năm và 69 hạ lạp
01/05/2020(Xem: 8661)
Cáo Phó Tang Lễ Thượng Tọa Thích Kiến Như vừa viên tịch tại Hoa Kỳ
25/04/2020(Xem: 8988)
Cáo Bạch Tang Lễ Hòa Thượng Thích Giác Huệ vừa viên tịch tại Paris, Pháp Quốc
14/04/2020(Xem: 4526)
Hiện thân đại sỹ giữa đời, Nâng vàng pháp học, hiện lời danh ngôn. Sài Thành Đức tịnh hương thơm, Nhã âm bang Phước, dung tâm trải lòng.
09/04/2020(Xem: 6414)
Đôi dòng suy nghĩ về việc nữ Phật tử Mai Phương “cải đạo” lúc cuối đời Người xưa bảo: Mỹ nhân tự cổ như danh tướng Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu! Dịch: Giai nhân, danh tướng xưa nay Không cho đời thấy tóc phai bạc màu! Vâng, Mai Phương, một nghệ sĩ Việt Nam xinh đẹp và hiền lành vừa mới ra đi khi mái tóc còn xanh, để lại biết bao tiếc thương cho đồng nghiệp, người hâm mộ, và rất nhiều tăng ni, Phật tử. Trong sự tiếc thương mất mát này, còn có sự tiếc nuối, xót xa trước hoàn cảnh của Mai Phương lúc cuối đời. Ngoài ra, dư luận còn bức xúc trước sự cuồng tín mà mẹ của Mai Phương đã áp đặt lên một thân thể đang bị bệnh tật dày vò và một tinh thần rã rượi lúc sắp lâm chung của con mình. Mai Phương ra đi, như một tảng đá nặng đã rơi vào lòng đại dương mênh mông không còn dấu vết, nhưng những gợn sóng biển mà nó tạo ra vẫn còn lan tỏa, ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận xã hội, trong đó có giới Phật giáo.
08/04/2020(Xem: 7481)
Chúa - Bồ Tát Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu là bậc hiền tài. Ngoài lập công lớn trong việc mở mang bờ cõi, Ngài còn có công lao lớn trong việc xây dựng và phát triển Phật giáo xứ Đàng Trong. Ngài đem đạo và đời một cách sáng tạo như biết dung hóa Phật - Nho để áp dụng vào việc ích nước, lợi dân. Chúng ta tìm hiểu về cuộc đời của Ngài cũng là để làm sáng tỏ công nghiệp trên.
29/03/2020(Xem: 8220)
Hòa thượng Thích Đồng Chơn thế danh là Bùi Văn Bảy, sanh năm Đinh Hợi (1947), nguyên quán thôn Trung Tín, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định - nay là thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước. Thân phụ của Ngài là Bùi Tân, Pháp danh Đồng Niên, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Hội, Pháp danh Đồng Hiệp
22/03/2020(Xem: 8291)
Hòa Thương Thích Như Điển đã làm lễ khánh thọ lần thứ 70 trong năm qua. Thầy đã mang truyền thống dòng Thiền Lâm Tế Việt Nam sang nước Đức và là người truyền thừa có ảnh hưởng sâu rộng của Phật Giáo tại đây. Đồng thời, Thầy đã đóng góp triệt để cho sự hội nhập của người Việt trong nước Đức – và do đó cũng là một đoạn đường quan trọng cho tính đa dạng của Phật Giáo trong đất nước này. Trong bài tiểu luận này, ông Olaf Beuchling đã vinh danh cuộc sống và những Phật sự của vị Pháp Sư đồng thời giới thiệu tổng quan dòng Thiền Lâm Tế Việt Nam.] Người ta đứng chen chúc trong khuôn viên an bình của ngôi Chùa Viên Giác tại Hannover: Có hàng ngàn người khách hiện diện trong những ngày hè của tháng sáu năm 2019. Họ đến hỷ chúc 70 năm khánh thọ của Hòa Thượng Phương Trượng Chùa Viên Giác – Thầy Thích Như Điển, vị Tỳ Kheo người Đức gốc Việt.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]