- Tiểu Sử Cố Ni Trưởng Thích Nữ Như Tuấn (1932-2021)
- Ban Tổ Chức Tang Lễ Ni Trưởng Thích Nữ Như Tuấn (1933-2021)
- Một cánh hoa Ưu Đàm vừa mới rụng (Cung Tiễn Sư Bà thượng Như hạ Tuấn Cao Đăng Phật Quốc)
- Quả Mãn Nguyện Thành (Thành tâm tưởng niệm Sư Bà Như Tuấn, Viện Chủ Chùa Phổ Hiền Strasbourg Pháp quốc, tân viên tịch, cầu nguyện Giác Linh Sư Bà, Cao Đăng Phật Quốc, sớm hồi nhập Ta Bà để tiếp tục hạnh nguyện độ sanh và duy trì, phát triển Môn Phái Lâm Tế Chúc Thánh tại trời Tây
- Điện Thư Phân Ưu kính gởi Ban Tang Lễ và Môn Đồ Pháp Quyến Ni Trưởng Thích Nư Như Tuấn
- Nhớ Phổ Đà Xưa (thành kính tưởng niệm Sư Bà Như Tuấn, Khai Sơn Phổ Đà Ni Tự, nơi có nhiều kỷ niệm học làm nông)
- Lễ Tưởng Niệm Ni Trưởng Thích Nữ Như Tuấn (1932-2021)
- Thành Kính Tưởng Niệm Giác Linh Sư Bà Thích Nữ Như Tuấn
- Hình ảnh Lễ Tang Ni Trưởng Thích Nữ Như Tuấn (1932-2021)
- Hình ảnh Lễ Di Quan Trà Tỳ Ni Trưởng Thích Nữ Như Tuấn (1932-2021)
- Thư Niệm Ân và Cảm Tạ (Sau Tang lễ của Ni Trưởng Thích Nữ Như Tuấn)
- Âm Thầm Tưởng Niệm (Thành kính dâng lên giác linh Sư Bà của con Ni trưởngThích Nữ Như Tuấn viện chủ Phổ Hiền tự - Strasbourg/Pháp)
- Giây Phút Chạnh Lòng (Kính dâng Sư Bà Như Tuấn và Sư Cô Phó Trụ Trì Chùa Phổ Hiền)
THÀNH KÍNH TƯỞNG NIỆM SƯ BÀ THƯỢNG NHƯ HẠ TUẤN,
KHAI SƠN PHỔ ĐÀ NI TỰ- NƠI CÓ NHIỀU KỸ NIỆM HỌC LÀM NÔNG
Mùa hè 1975, sau khi cọng sản chiếm lấy miền Nam Việt Nam, tất cả trường Cao Cấp, Trung Cấp, và Sơ Cấp Phật học đều nghỉ học. Tăng Ni phải lao động để góp phần xây dựng đất nước trong buổi giao thời. Chúng con, ni chúng trường Trung Cấp Phật Học Từ Nghiêm, ở đường Bà Hạt, Quận 10, lao động chân tay với nhiều nghành nghề như đan rỗ tre, chằm nón lá, đơm nút áo, và luân phiên làm rẫy. Lao động chân tay để nhà nước cọng sản khỏi nói, “Tu sĩ ngồi mát ăn bát vàng,” chứ thực ra làm không đủ sống.
Giữa năm 1976, chúng con được gọi đi Bình Tuy làm rẫy. Chúng con nghe rằng, Ni Sư Diệu Tuấn cúng đất và chùa Phổ Đà cho chùa Từ Nghiêm để Ni chúng có cơ sở làm kinh tế tự túc. Chúng con luân phiên, mỗi nhóm năm người đi làm rẫy, con phát tâm đi nhóm đầu tiên. Lúc ấy xe cộ hiếm hoi, mua được vé xe đi Bình Tuy cũng như xin được Visa đi Mỹ bây giờ. Chúng con đi từ 6 giờ sáng, xe chạy tới trưa mới đến ngã ba Bình Tuy. Từ ngã ba, xách bao bị đi bộ đến chùa hơn nửa tiếng.
Đến chùa Phổ Đà, Ngôi nhà tranh lợp bằng lá dừa nước, vách bằng tre đan, kết thêm lá dừa cho đỡ nóng. Chính giữa ngôi nhà, Tôn Tượng Đức Bổn Sư được tôn trí trên bục gỗ cao hơn một thước, không sơn phết, nhìn vào thấy thô sơ, mộc mạc nhưng vô cùng thanh thoát. Chỉ một bàn thờ Phật thôi. Bên phải là tư thất của Sư Bà, bên trái là dãy bàn để dùng cơm. Chư Ni chúng con nghỉ sau lưng tôn tượng Đức Phật.
Sư bà mua đất rẫy từ hồi nào chúng con không thưa hỏi, nhưng đến nơi đã thấy sư bà trồng khoai mì, khoai lang, đậu phụng, và các thứ rau củ quả. Sư Bà vui vẻ đón tiếp chúng con, kể chuyện khai đất lập chùa vô cùng gian khổ. Thân nữ nhi yếu đuối, một thân một mình, lái xe cày xới đất, làm vồng trồng khoai. Sư bà đào một giếng nước trong vườn chùa để xử dụng ăn uống. Dù đất rẫy, nhưng tiện nghi tối thiểu cho đời sống hàng ngày cũng tạm ổn. Sư bà ở với chúng con một tuần, chỉ dẫn đất chùa bao nhiêu, từ đâu đến đâu, bao nhiêu mảnh đất đã trồng trọt, còn lại những mảnh chưa làm, chúng con tiếp tục khai khẩn đất hoang.
Trong một tuần sống chung với Sư Bà, mỗi ngày Sư Bà dậy sớm lúc 3 giờ sáng, tụng kinh Lăng Nghiêm, chúng con chưa quen đời sống ruộng vườn, nhưng phải dậy sớm tụng kinh với Sư Bà. Sư Bà dạy rằng, đất rẫy không cây cối, 10 giờ sáng nóng như giữa trưa, nên mấy huynh đệ cố gắng dậy sớm tụng kinh, tụng xong điểm tâm (cơm với rau luộc), rồi vác cuốc ra đồng.
Con rất khâm phục khi thấy phụ nữ lái xe. Điểm tâm xong, Sư Bà lái xe cày xới đất , con vô cùng ngưỡng mộ, chiếc xe cày cồng kềnh, nhưng một phụ nữ lái cày chẳng thua gì các cậu thanh niên. Sư bà xới đất trước, chúng con theo sau lượm những chùm rễ cỏ cứng như rễ tre. Làm tới 10 giờ sáng, chúng con vào nhà nghỉ ngơi và dùng trưa.
Sau một tuần chỉ dẫn chúng con làm rẫy trồng khoai, Sư Bà đi Sài Gòn. Thỉnh thoảng Sư Bà về Phổ Đà nghỉ ngơi và thăm viếng chúng con. Mỗi lần Sư Bà trở lại Phổ Đà, chúng con được ăn tàu hủ, bánh ướt, bánh mì vì ở rẫy xa xôi, chúng con không có khả năng để mua các thức ăn đặc biệt đó. Sau hai lần Sư Bà ghé thăm, một hôm chúng con được tin Sư Bà đã đến bến bờ tự do.
Mãi đến năm 2018, trong dịp lễ Về Nguồn tại chùa Khánh Anh, Pháp Quốc, Con gặp lại Sư Bà, lần này Sư Bà yếu nhưng rất minh mẫn. Con nhắc lại chuyện làm rẫy ở chùa Phổ Đà, Bình Tuy. Sư Bà dạy, “Bây giờ có thầy trú trì, làm chùa lớn đẹp lắm.” Sư Bà không nói nhiều, nhưng con cảm nhận được niềm vui trong đôi mắt tràn đầy hoan hỷ khi ngôi chùa Sư Bà khởi công xây dựng nay đã được trùng tu trang nghiêm thanh tịnh.
Nam Mô Ni Trưởng thượng Như hạ Tuấn Hoà Thượng Ni Giác Linh
Con thành Kính Đảnh Lễ
Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Giới Châu