Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sư Bà Diệu Tâm: "Người gieo hạt Bồ Đề trên nền xi măng“

09/07/202120:20(Xem: 4251)
Sư Bà Diệu Tâm: "Người gieo hạt Bồ Đề trên nền xi măng“
su ba dieu tam-3

Sư Bà Diệu Tâm:
"Người gieo hạt Bồ Đề trên nền xi măng“

Bài viết của Nguyễn Hữu Huấn
được đăng tải trên trang nhà Quảng Đức
Do Phật tử Diệu Danh diễn đọc




 

Có lẽ ít ai biết rằng, thành phố Hamburg đã được giới truyền thông Đức coi là thành trì Phật Giáo của các quốc gia Á châu tại Âu Châu với hơn 50 trung tâm, chùa chiền và các nhóm Phật Giáo từ nhiều tông khác nhau với nhiều pháp môn khác nhau nhưng trong cùng một nỗ lực truyền bá tư tưởng và giáo lý Phật Giáo. Nổi bật nhất phải nói đến ngôi chùa nữ Bảo Quang tại Hamburg-Billbrook, thuộc Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh của Việt Nam, có nguồn gốc từ Phật Giáo Lâm Tế Bắc Tông, kết hợp thiền-tịnh song tu, đồng thời cổ súy việc dấn thân trong các công tác từ thiện xã hội và hội nhập với cuộc sống hiện tại. Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm đã kiến lập từ một „Tịnh thất Bảo Quang“ khiêm tốn vào mùa hè năm 1984 chỉ vài tháng sau khi Sư Bà đặt chân lên mảnh đất Hamburg/Đức.

Tôi được con tàu nhân đạo Cap Anamur cứu sống, sau đó định cư tại Hamburg từ năm 1980 đến nay, nên tôi đã có nhiều cơ hội trực tiếp với Sư Bà ngay từ những ngày tháng đầu tiên khi Bà còn là một Ni Sư 45 tuổi, hiền hậu, sống đạm bạc một mình trong căn phòng nhỏ của một chung cư vùng Jenfeld, Hamburg. Ban đầu, khi nghe tin có một Ni Sư từ Việt Nam sang, tôi hơi ngạc nhiên vì Ni Sư không phải thuyền nhân được con tàu Cap Anamur cứu sống như đại đa số chúng tôi, cũng không phải là người từ Đông Đức trốn sang, vì thời gian đó hầu như rất hiếm hoi. Sau này tôi mới biết Sư Bà có 2 người em trai là bác sĩ Văn Công Trâm và kỹ sư Văn Công Tuấn, cả hai đều là sinh viên du học bên Tây Đức từ trước năm 1975. Hai anh đã đứng đơn bảo lãnh chị mình theo diện đoàn tụ gia đình. Sư Bà đã nhiều lần từ chối không muốn rời quê hương Quảng Nam của mình, nhưng sau những giải thích và kêu gọi của Hòa Thượng Thích Như Điển (lúc bấy giờ là Đại Đức), cộng thêm lời chỉ dạy của Ni Trưởng Bổn Sư của Sư Bà là cố Sư Cụ Thích Nữ Đàm Minh (sáng lập chùa Sư Nữ Bảo Quang, tại quận Hải Châu, Đà Nẵng), Sư Bà (lúc này còn là Ni Sư) đã y giáo phụng hành rời quê hương đất tổ sang Đức hoằng pháp độ sanh tại Hamburg vào mùa hè năm 1984. Ngày ngậm ngùi chia tay với Sư Cụ Bổn Sư, tâm nguyện của Sư Bà là nhất tâm với sứ mệnh „tác Như Lai sứ, Hành Như Lai Sự“, nguyện làm chiếc cầu nối, làm sứ giả Như Lai đem Pháp Phật vào đời. Ngược lại, Sư Cụ Bổn Sư tại quê nhà cũng hết lòng tin tưởng và yêu thương Sư Bà, trước khi viên tịch vào năm 1992 cũng nhắc đến người đệ tử đầu tiên rằng: „… Nhân duyên chúng ta đến đây tạm mãn …Đệ tử xuất gia của tôi tuy đông, nhưng Diệu Tâm và Diệu Cảnh là lớn, nay Diệu Tâm ở xa, tôi biết rất yêu thương tôi…“

 

Tôi là một tín đồ Thiên Chúa Giáo, đã có thời gian đi tu để mong có ngày trở thành một Linh Mục Công Giáo nhưng „Chúa không gọi“ nên không thành „ông Cha nhà thờ“, đành ra đời lấy vợ rồi trở thành „ông cha bầy trẻ“, có con có cháu nội ngoại đầy đàn. Ấy thế mà cuộc đời đẩy đưa sao lại có nhiều „nhân duyên“ với Phật Giáo. Vợ tôi là tín đồ Phật Giáo nhưng chưa „quy y“, cũng chẳng có Pháp danh, nên khi lấy tôi thì theo đạo chồng, đúng theo quy luật của đạo Công Giáo thời đó (bây giờ thì đạo ai nấy giữ). Bà mẹ vợ thì ăn chay trường cho đến mãn đời, một bà chị em bạn dì của vợ tôi lại là một vị Sư trong một ngôi Chùa nữ bên Pháp. Ấy là chưa kể đến bà nội vợ tôi trước đây đã hơn một lần phát tâm „cúng dường Tam Bảo“ hiến đất cất Chùa mà mãi đến nay Chùa vẫn còn sinh hoạt.

Riêng tôi lại rất có „duyên“ với các tín đồ Phật Giáo, đặc biệt là với các vị tu sĩ. Có một lần gia đình tôi xuống Koblenz, tiện dịp ghé thăm chùa Bảo Thành, lúc đó đang được tu sửa. Cậu con rể vào ngay chánh điện lạy Phật, còn tôi đi vòng vòng viếng cảnh bên ngoài chùa. Tôi biết Ni Sư Minh Hiếu đang trụ trì ngôi chùa này. Sư là đệ tử của Sư Bà Bảo Quang, mà Sư cũng biết tôi. Không hiểu tại sao khi đứng trước một vị nữ tu, lòng tôi luôn có cái gì e dè, ngại ngùng trong cách xưng hô. Lần đầu gặp Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm, lúc đó còn là một Ni Sư 45 tuổi, tôi chẳng biết thưa gởi ra sao. Gặp các Thầy, dù nhỏ tuổi hơn, tôi cũng đều xưng „con“ một cách tự nhiên. Bây giờ đối diện với một Ni Sư chỉ hơn tôi 9 tuổi, mà lại xưng „con“, nghe nó sao sao ấy! Nhưng chẳng nhẽ lại xưng „chị chị em em“? Ban đầu tôi cố gắng xưng hô…“chung chung“ rồi miễn cưỡng xưng „tôi“ cho phải phép. Về nhà, sực nhớ mình đã đọc một bài viết của Hòa Thượng Thích Như Điển từ lâu lắm rồi, trong đó Hòa Thượng tự đặt câu hỏi rằng: „Tại sao có nhiều Phật tử gặp quý Thầy, quý Cô xưng bằng cháu hoặc em?“ -  Vì họ nghĩ rằng mình đáng vai cháu hoặc em của các vị Thầy này. Nghĩ như thế là nghĩ theo „thế gian pháp“ mà „Phật pháp“ không như „thế gian pháp“ được. Một thí chủ nam, nếu xưng „em“ với một Tăng sĩ thì nghe còn tạm được, mặc dù hơi chướng tai. Nhưng nếu một thí chủ nữ mà xưng „em“ với một vị Thầy thì nên coi chừng sẽ bị tai tiếng hoặc sự dòm ngó bên ngoài. Nhiều bà xưng với Sư Cô hoặc Sư Bà bằng „em“, điều này cũng có thể tạm được. Nhưng nếu một thí chủ nam không lẽ lại xưng với Sư Cô nhỏ tuổi hơn mình bằng „anh“ hay „bác“ sao? Và để kết luận, Hòa Thượng ghi rằng: „Do đó, xưng „con“ vẫn là hay hơn cả.“ Từ đó về sau, tôi luôn xưng „con“ với Sư Bà, không cư xử theo „thế gian pháp“, mà làm theo đúng „Phật pháp“ như Hòa Thượng đã viết.

 

Khi Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm bắt đầu định cư tại Hamburg vào năm 1984, thì người Việt tại đây đã có một „Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam“ được thành lập vào tháng 12 năm 1980 và một „Hội người Việt tỵ nạn CS“ được thành lập vào tháng 8 năm 1981 và do ông H.T. vừa là “Cộng đoàn trưởng“, vừa là „Chủ tịch Hội“. Đây là „Hội người Việt tỵ nạn CS“ đầu tiên trên nước Đức được thành lập và có ghi danh hoạt động với tòa án Hamburg. Qua năm 1982, Ban Liên Lạc Phật Giáo đã nhờ Hội Người Việt tỵ nạn CS Hamburg sắp xếp phòng ốc và viết thư kêu gọi các Phật tử tham dự „Lễ cầu an, cầu siêu và thuyết pháp“ do Hòa Thượng Thích Như Điển (hồi đó còn là Đại Đức) đến giảng pháp trong một hội trường lớn của giáo hội Tin Lành của Đức vào ngày 07 tháng 8 năm 1982 với đề tài „Bổn phận người Phật tử đối với Đạo Pháp“. Chính trong dịp này, Ban Liên Lạc Phật Giáo chính thức được đổi thành Chi Hội Phật Tử Việt Nam tại Hamburg dưới sự chứng minh của Đại Đức Thích Như Điển. Điều thú vị là…“một ông cộng đoàn trưởng Công Giáo đi kêu gọi một ông Mục sư Tin Lành cho mượn hội trường của nhà thờ, để một ông Đại Đức thuyết pháp về Phật Giáo!“ Một hình ảnh rất đẹp và hiếm có, vẫn còn giữ được cho đến ngày nay. Hamburg vẫn luôn là mảnh „đất lành chim đậu“, ít nhất đối với người Việt tỵ nạn tại đây. Chính vì thế, khi Sư Bà đến Hamburg đã được Chi Hội Phật Tử và toàn thể người Việt tỵ nạn tại đây hân hoan đón tiếp rất nồng hậu.

 

Thuở ban đầu năm 1984, Sư Bà cư ngụ trong một chung cư 4 tầng nằm trên đường Kreusburger Str. tại khu phố Jenfeld, vỏn vẹn 77 thước vuông gồm 1 phòng ngủ và 1 phòng khách. Phòng khách trở thành chánh điện của Tịnh Thất Bảo Quang- là chỗ dựa tinh thần rất đơn sơ cho các Phật tử và cũng là nơi Sư Bà tổ chức những buổi lễ Phật định kỳ cho Phật tử tại Hamburg. Nơi đây cũng là khổi điểm cho ngôi Chùa Bảo Quang nguy nga to lớn đầy nét quê hương nằm bên bờ sông nên thơ yên bình sau này. Những ngày ấy, Sư Bà đã lặn lội đeo theo từng chặng xe buýt đi thăm hỏi, làm quen từng gia đình tại Hamburg, khuyến khích và cổ võ Phật sự, không phân biệt tôn giáo hay chính kiến và luôn nhận được lòng mến mộ kính trọng của mọi người, kể cả các tín đồ Công Giáo. Người hàng xóm thân thiện nhất của Sư Bà lúc đó lại là một bà Công Giáo Bắc Kỳ di cư năm 1954. Người tầng 2 kẻ tầng 1, hàng ngày đi lên đi xuống quấn quýt thăm hỏi nhau. Thoạt đầu, bà Công Giáo Bắc kỳ cứ than phiền là… “Cái bà Sư sao nói thứ tiếng gì mà câu hiểu câu không?“. Vài tuần sau bà vừa cười vừa nói: „Thế mà nghe mãi bây giờ cũng hiểu hết đấy chứ!“. Một bà „Công Giáo Bắc kỳ di cư“, một bà „Ni Sư con dân xứ Quảng“ lại là một cặp bài trùng thân thiện cho tận đến ngày bà Bắc Kỳ Công Giáo di cư „về với nước Chúa“. Bây giờ đây, một bà đã „lên Thiên Đàng hưởng dung nhan Thánh Chúa“, một bà đã đã „về cõi Niệt Bàn cao đăng Phật Quốc“. Hai bà còn có cơ hội gặp lại nhau chăng???

 

Người ta thường nói: „Ba lần dọn nhà bằng một lần cháy nhà“, điều này không ngoa. Thế nhưng Sư Bà đã „Ba lần dọn Chùa“ nhưng mỗi lần „dọn Chùa“ thì Chùa lại càng khang trang, rộng rãi, bề thế hơn. Lần thứ nhất vào năm 1988, từ ngôi „Tịnh Thất Bảo Quang“ nhỏ bé, Sư Bà dọn đến một căn nhà riêng rộng gấp 2 gấp 3 lần, lại có thêm mảnh vườn nho nhỏ tại vùng Wandsbek Markt. Tại đây „Tịnh Thất Bảo Quang“ đã trở thành „Chùa Bảo Quang“ với số Phật tử ngày càng tăng. Sư Bà dần dần tạo được rất nhiều uy tín và lòng ngưỡng mộ không những từ các Phật tử Hamburg mà còn từ các vùng phụ cận, và cùng với sự đóng góp rất tích cực của các Phật tử. Lần thứ hai vào năm 1991, do các Phật tử đóng góp, Sư Bà đã mua được một ngôi nhà riêng, rộng lớn hơn nữa, có vườn cỏ, đất đai trồng hoa trái, có sân đậu xe hơi, có hàng rào sắt bao quanh với hai mặt tiền ngay ngã tư đường Schiffsbeker Weg và Manshardt Str. vùng Bildstedt. Và lần thứ ba vào năm 2008, Chùa Bảo Quang chính thức chuyển đến khu công nghiệp Billwerder tại Hamburg. Đây là một xưởng sửa chữa ghe tàu nhỏ được tu sửa thành một ngôi Chùa lớn, nằm bên nhánh sông nhỏ chảy vào sông Elbe nổi tiếng tại Hamburg. Chùa có cổng Tam Quan theo lối kiến trúc Phật Giáo Bắc Tông. Và mới đây, Chùa lại được nới rộng thêm nữa với một tòa nhà lớn nằm sát bên cạnh. Công đức và sự khôn ngoan khéo léo của Sư Bà cộng với thiện tâm đóng góp nhân lực, tài lực và trí tuệ lớn lao của các Phật tử đã tạo nên ngôi Chùa Bảo Quang, Hamburg nổi tiếng ngày nay. Ở đây không quên nhắc đến công lao rất lớn của các vị Ni Sư, Sư Cô đệ tử của Sư Bà cũng như hai người em trai của Sư Bà là bác sĩ Thị Minh Văn Công Trâm, kỹ sư Nguyên Đạo Văn Công Tuấn và cư sĩ Phù Vân Nguyễn Hòa, chủ bút báo Viên Giác tại Đức, cùng với một số đạo hữu khác đã luôn cận kề sát cánh bên Sư Bà ngay từ những tháng ngày đầu tiên cho đến nay.

 

Những ngày còn tại thế, Sư Bà đã từng tâm nguyện xây dựng được một ngôi già lam rộng rãi khang trang cho các Phật tử gần xa ngày càng đông đảo tìm đến lễ bái và tu học. Với 83 năm tuổi đời, 57 năm tuổi đạo và gần 40 năm trời trôi qua từ ngày đặt chân đến Hamburg, với biết bao khó khăn gian truân và thử thách như Sư Bà thường nói: “Khó khăn như kẻ đi gieo hạt bồ đề trên nền xi-măng“. Sư Bà đã toại nguyện để tận mắt thấy được thành quả của mình. Sư Bà đã làm trọn sứ mạng „tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự“ của mình. Sư Bà đã đạt được mục đích tối thượng của một Ni Trưởng là „thượng cầu Phật Đạo, hạ hóa chúng sinh“, khiến chúng sinh quý trọng, thân cận, tin tưởng và học hỏi. Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm, thế danh Văn Thị Mai, đã thực sự thanh thản an nhiên thị tịch về với chư Phật lúc 18,59 phút, ngày 12.6.2021 trong ngôi già lam Bảo Quang tại Hamburg nước Đức, do chính Sư Bà kiến tạo.

 

Sư Bà sinh năm Kỷ Mão 1939, tuổi con Mèo. Vợ tôi sinh năm Tân Mão 1951, cũng là con mèo, sau Sư Bà đúng một con Giáp. Chẳng biết có phải hai con mèo hội ngộ nên hợp nhau hay không, mà sau lần đầu gặp gỡ Sư Bà, vợ tôi về nhà cứ khen Sư Bà hiền từ nhưng thẳng thắn, phúc hậu nhưng cương nghị, mà càng lớn tuổi lại càng thêm phúc hậu. Vợ tôi nhận xét không sai, Sư Bà đã „hạ hóa chúng sinh“ qua những cử chỉ gần gũi, khoan thai với giọng nói miền quê hương xứ Quảng, tạo nên cái đẹp hiền hòa của một vị Ni Trưởng đáng kính. Tôi đã tiếp xúc nhiều với các nữ tu Công Giáo và sau này với các nữ tu Phật Giáo. Tất cả các vị nữ tu chân chính, Ma Sơ hay Ni Cô, Ni Sư đều trong sáng, hiền lành và dịu dàng đáng mến, trong đó còn tiềm ẩn những nét thông minh. Cũng vì „cái hiền“, „cái dịu dàng đáng mến“ ấy mà ông thi sĩ Nguyễn Tất Nhên đã sáng tác bài thơ „Em hiền như Ma Sơ“ và sau đó được ông nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Dịu hiền như các Ni Cô/Ni Sư thì hai ông chẳng nhắc đến. Có phải là một thiếu sót chăng??

 

Có điều lạ là hình như đa số các Tăng Ni trong hàng giáo phẩm tại Đức đều có cội nguồn cùng một quê hương xứ Quảng. Người ta gọi mảnh đất nghèo nàn này là „địa linh nhân kiệt“ cũng không phải là quá đáng, vì chính nơi xứ Quảng đã sinh ra lắm danh nhân, người tài như: Phan Chu Trinh, Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Trần cao vân, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Phú Thứ… Có nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, nhạc sĩ Trần Quảng Nam… Có thi sĩ Hà Nguyên Thạch, thi sĩ Đinh Trầm Ca… mà cũng không ít các vị Cao Tăng nổi tiếng như quý Hòa Thượng Thích Như Vạn, HT Thích Long Trí, HT Thích Chân Phát, HT Thích Như Huệ, HT Thích Bảo Lạc… Tại nước Đức, Hòa Thượng Thích Như Điển và Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm cũng đều có cùng một quê hương xứ Quảng. Điều làm tôi ngưỡng mộ Hòa Thượng Thích Như Điển với chủ trương Tăng Ni dù có đức hạnh vẫn chưa đủ, mà cần phải đi đôi với trí tuệ và học lực. Tôi nhớ mãi một lần trò chuyện trong thư phòng, Hòa Thượng chân tình nói với tôi rằng: „Các Linh Mục Công Giáo bên anh, ai ai cũng có trình độ học vấn rất cao, thấp nhất phải có trình độ đại học. Phật Giáo trước đây lại không mấy quan tâm đến việc này, đây là điều rất thiếu sót. Do đó tôi buộc các đệ tử của tôi phải cố gắng học hành, mà phải đỗ đạt điểm cao mới được…“

Tính đến nay Hòa Thượng có trên dưới hơn 50 đệ tử xuất gia, đại đa số tốt nghiệp Cử nhân, Cao học, Thạc sĩ, Tiến sĩ tại các đại học danh tiếng Âu châu, Mỹ châu và Á châu với trên 20 ngôi chùa tại nước Đức. Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm cũng cùng một đường lối với Hòa Thượng Thích Như Điển: Ngoài việc giáo dục đồ chúng, giảng dạy Phật pháp cho Phật tử, Sư Bà đã đào tạo được 10 đệ tử, đa số đều có học vị bằng cấp cao và đang trụ trì những ngôi già lam nữ như Chùa Bảo Quang (Hamburg), Chùa Bảo Đức (Oberhausen), Chùa Bảo Thành (Koblenz), Chùa Bảo Vân tại Việt Nam, Chùa Bảo Liên tại Đan Mạch và thậm chí tại Nga với Chùa Thảo Đường.

 

Sau 83 năm tuổi đời trong đó là 57 năm tuổi đạo với đức tính „Tứ Vô Lượng Tâm“, Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm đã ra đi thanh thản vào ngày 12.6.2021, sau mấy năm bệnh duyên, nhưng những công hạnh và gương sáng của Sư Bà vẫn còn miên viễn. Sự ra đi của Sư Bà- một bậc Ni Trưởng từ hòa đức độ, là một mất mát lớn cho Giáo Hội PGVNTN Châu Âu. Phật tử thương tiếc Sư Bà vì mất đi chỗ dựa tâm linh vững chắc và đáng tin cậy, người VIệt Nam trong và ngoài nước xúc động sâu xa vì mất đi một tấm gương sáng và mẫu mực.

Riêng tôi và gia đình cũng xin kính gởi đến quý Ni Sư, Sư Cô TN Tuệ Đàm Nghiêm và quý Phật tử Chùa Bảo Quang, Hamburg lời chia buồn sâu sắc nhất trước sự mất mát lớn lao này.

 

Nguyễn Hữu Huấn

Tháng 7 năm 2021

facebook-1


***
youtube

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/08/2011(Xem: 6598)
Nhân dịp Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, một số website có đăng tin về việc phát hiện “nếp áo Tiểu thừa” trên tượng vua Trần Nhân Tông tại tháp tổ Huệ Quang của tác giả Trần Khánh Linh. Tôi quan tâm đến những chi tiết đã được trình bày sau đây:
10/08/2011(Xem: 6699)
Xuyên suốt lịch sử dân tộc, đã có biết bao nhiêu nhân vật với tư cách là người đứng đầu đất nước đã có những kỳ tích lẫm liệt đối với đất nước. Có nhân vật nổi bật lên trong sự nghiệp giữ nước, có nhân vật nổi lên trong sự nghiệp dựng nước, lại có nhân vật nổi lên trong sự nghiệp mở nước, hoặc có một số nhân vật có cả hai hoặc ba lãnh vực đó.
10/08/2011(Xem: 5056)
Cuộc đời xuất gia của Tổ Trúc Lâm là một cuộc đời hoạt động sôi nổi, tích cực. Ngoài các mùa kết hạ tại các am núi hay các chùa, thời gian còn lại Ngài thường đi vân du hoằng hoá đây đó. Năm 1304, “Điều Ngự đi khắp mọi nẻo thôn quê, khuyên dân phá bỏ các dâm từ [đền miếu thờ các thần sằng bậy] và thực hành giáo lý Thập thiện”. Ngài muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng luân lý đạo Phật, góp phần củng cố triều đại thời hoàng kim của mình. Đức Điều Ngự Giác Hoàng Đệ nhất Tổ Trúc Lâm Yên Tử Trần Nhân Tông sinh ngày 11 tháng Mười một năm Mậu Ngọ (tức 7 – XII - 1258). Năm 21 tuổi (1279), Ngài lên ngôi vua, trải qua hai niên hiệu là Thái Bảo và Trùng Hưng.
10/08/2011(Xem: 6361)
Đại lễ tưởng niệm 700 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn diễn ra từ 25 đến 27.11.2008 tại Quảng Ninh. Trong dịp này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh sẽ tiến tới đề nghị hàng năm tổ chức tưởng niệm ngày mất của ngài (1.11.1308) như Quốc giỗ của Phật giáo và trình lên UNESCO công nhận Trần Nhân Tông là Danh nhân Văn hóa Thế giới.
10/08/2011(Xem: 5822)
Đã có 92 tham luận của chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước gửi đến cuộc hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông hôm qua 26-11, tại thị xã Uông Bí (Quảng Ninh).
10/08/2011(Xem: 5128)
Trần Nhân Tông phải được coi là nhân vật kiệt xuất nhất trong lịch trình phong kiến Việt Nam và cũng là nhân vật kiệt xuất nhất trong sơ đồ Phật giáo Việt Nam, một trong những niềm tự hào lớn lao nhất của dân ta.
10/08/2011(Xem: 6074)
Về cuộc đời và sự nghiệp lịch sử, giải thoát của vua Trần Nhân Tông, đã có nhiều công trình biên khảo: Trần Nhân Tông, thiền sư Việt Nam; Trần Nhân Tông, nhà văn hóa; Trần Nhân Tông, nhà thơ; Trần Nhân Tông, nhà quân sự; Trần Nhân Tông, nhà lãnh đạo lỗi lạc; Trần Nhân Tông, nhà tư tưởng... Trong bài khảo luận ngắn này, người viết chỉ đề cập đến một số nét tiêu biểu về Tiểu sử, sở đắc giải thoát và Tư tưởng Phật học của Người.
10/08/2011(Xem: 5578)
Lịch sử dân tộc VN không có nhiều vị vua có được sự ghi chép đầy đủ về sự mến mộ của người dân sau khi đã mất như Vua Trần Nhân Tông. 50 năm cuộc đời, nhà vua để lại bao lưu luyến cho những người đương thời và hậu thế... - nhận định của GS-TS Lê Mạnh Thát - Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo VN tại TPHCM.
09/08/2011(Xem: 5397)
Gần đến kỷ niệm 700 năm ngày mất của vua Trần Nhân Tông, chúng ta vẫn phải đặt những câu hỏi về tuổi tác, về trách nhiệm, về kế lâu dài, về sự tự do và tự trọng của các cá nhân trong xã hội…
09/08/2011(Xem: 4935)
Nghiệm sinh nửa thế kỷ trên cõi đời, Trần Nhân Tông (1258-1308) đã có những đóng góp xuất sắc vào lịch sử chống ngoại xâm, xây dựng đất nước, phát triển tư tưởng Phật giáo dân tộc và là một trong những tác giả đi đầu trong việc sáng tác thơ phú bằng chữ Hán và chữ Nôm.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]