TIỂU SỬ
CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH QUANG THỂ
(1922-2005)
Khai sơn chùa Thọ Quang – Thành phố Đà Nẵng
I. GIA THẾ:
Cố Hòa Thượng thế danh Đặng Hữu Tường, pháp húy Nguyên Phước, tự Quang Thể, hiệu Đạt Minh; nối pháp đời 44 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 10 pháp phái Liễu Quán.
Ngài lâm thế ngày 19 tháng 9 năm Nhâm Tuất (1922) tại làng An Hải, quận III (nay là phường An Hải, quận Sơn Trà), thành phố Đà Nẵng; chánh quán làng Quảng Lăng, xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ Ngài là cụ ông Đặng Văn Vịnh (tức Nuôi) và thân mẫu là cụ bà Lê Thị Ớt. Ngài là trưởng nam trong một gia đình có năm anh em gồm ba trai và hai gái.
Năm lên 9 tuổi, thân phụ qua đời, từ đó mẫu thân một mình tần tảo nuôi con. Trong thời gian này, Ngài được mẫu thân gởi đến Thầy Tư Tri (Như Tín) – trụ trì chùa An Hải lúc bấy giờ – nhận cho nhập Chúng tu học.
II. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC:
Năm Nhâm Thân (1932), nhân duyên hội ngộ, Ngài chính thức xuất gia với Hòa Thượng Thiện Trí – giám tự chùa Linh Quang tại cố đô Huế và được Bổn Sư cho pháp danh là Nguyên Phước. Lúc bấy giờ Ngài vừa tròn 11 tuổi. Từ đó, dưới sự dẫn dắt của Bổn Sư, đạo phong của Ngài ngày càng tăng trưởng, được Chư Tôn Đức thương mến, pháp lữ đồng học nể vì.
Năm Đinh Sửu (1937), Ngài được Bổn Sư cho theo học lớp Phật học tại Phật Học Đường Báo Quốc – Huế. Đồng khóa với Ngài gồm có các vị đã trở thành các bậc tôn túc sau này như Hòa Thượng Thiên Ân; Hòa Thượng Đức Tâm; Hòa Thượng Thiện Châu; Hòa Thượng Minh Tánh v.v…
Năm Kỷ Mão (1939), Hòa Thượng Bổn Sư ra khai sơn chùa Hiếu Quang nên Ngài theo thầy vừa gánh vác việc kiến tạo ngôi Tam Bảo, vừa tiếp tục theo học ở Phật Học Đường.
III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO:
Năm Giáp Thân (1944), chiến tranh Pháp-Việt lan rộng, Ngài tản cư vào lại Quảng Nam. Tại đây, Ngài vận động thành lập Chi Hội Phật Học Nồi Rang, nay thuộc xã Xuyên Thọ, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Năm Kỷ Sửu (1949), Ngài được Bổn Sư cho thọ Cụ-túc giới tại Đại Giới Đàn Hộ Quốc tổ chức tại Tổ Đình Báo Quốc – Huế do Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết – Hội Chủ Hội Phật Giáo Việt Nam làm Đàn Đầu truyền giới. Cùng thọ giới với Ngài trong giới đàn này có các vị tôn túc sau này như: Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Hòa Thượng Thích Thiện Minh, Hòa Thượng Thích Trí Giác v.v…
Sau khi thọ đại giới, Ngài được Bổn Sư trạch cử làm Trưởng Pháp Tử, ban pháp hiệu Đạt Minh với bài kệ phú pháp:
Nguyên Phước tương thừa liễu đạo tông
Thiện lai Quang Thể khế tâm dung
Đạt Minh diệu chỉ siêu chơn tế
Tục diệm truyền đăng phổ chiếu đồng.
Nghĩa:
Nguyên Phước nối dòng rõ tâm tôn
Lành thay Quang Thể hợp tông môn
Đạt Minh diệu chỉ, siêu chân vọng
Truyền đăng diệu pháp chiếu càn khôn.
Năm Tân Mão (1951), Ngài được Giáo Hội Tăng Già Trung Phần cử trụ trì chùa Pháp Lâm – Đà Nẵng, đến năm Quý Tỵ (1953) Ngài trở ra lại Huế nhập Chúng, an cư tại chùa Báo Quốc.
Năm Giáp Ngọ (1954), Ngài được Bổn Sư cho phép trở vào Quảng Nam trụ tại chùa Linh Ứng – Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng cùng Chư Tăng tổ chức an cư kiết hạ cho Chư Tôn Đức ở Huế và Đà Nẵng. Đồng thời, hưởng ứng phong trào Chấn Hưng Phật Giáo, Ngài tổ chức các khóa học giáo lý tại gia và thành lập các Khuôn Hội Phật Giáo tại các vùng phụ cận. Cũng trong năm này, Ngài được mời làm thành viên Ban Hoằng Pháp của Hội Phật Học Trung Phần, đi thuyết giảng tại Trung Việt. Từ đó, dấu chân Ngài đi khắp các tỉnh miền Trung, tiếng pháp âm của Ngài lan tỏa đến mọi nơi trên quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng.
Năm Mậu Tuất (1958), Ngài cùng Chư Tôn Đức thành lập Phật Học Viện Phổ Đà. Đây là cơ sở đào tạo Tăng tài, cũng là trú xứ an cư, bố tát của Chư Tăng thành phố Đà Nẵng từ trước đến hiện nay.
Năm Kỷ Hợi (1959), Ngài khai sơn chùa Thọ Quang tại xã Hòa Thọ, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thành phố Đà Nẵng). Sau 3 năm kiến thiết thì chùa hoàn tất và lễ khánh thành được tổ chức vào năm Nhâm Dần (1962). Sau lễ khánh thành, do nhu cầu Phật sự, Ngài được Giáo Hội Tăng Già Trung Phần cử đi trụ trì chùa tỉnh hội Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Năm Quý Mão (1963), nhằm phản đối chính sánh kỳ thị, đàn áp Phật Giáo của nhà đương cuộc; hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, Ngài lãnh đạo và hướng dẫn Tăng Ni, Tín Đồ Phật Giáo tỉnh Bình Thuận tham gia cuộc vận động cho 5 Nguyện Vọng của Phật Giáo Đồ; đòi hỏi tự do tín ngưỡng – bình đẳng tôn giáo trong tinh thần bất bạo động. Tại Phan Thiết, Ngài là vị lãnh đạo tinh thần tối cao, dấn thân cùng chư Tăng Ni, Phật Tử đấu tranh cho đến khi Pháp Nạn kết thúc vào ngày 1 tháng 11 năm 1963.
Từ năm 1966 đến năm 1975, Ngài được thỉnh cử làm Chánh Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thị xã Đà Nẵng (trong đó bao gồm các vùng thuộc địa dư hành chánh quận Hòa Vang của tỉnh Quảng Nam, phạm vi phụ cận thị xã Đà Nẵng).
Năm Đinh Mùi (1967), Ngài được cung thỉnh làm Giáo Thọ A-xà-lê tại Giới Đàn Sa Si, chùa Long Tuyền – Hội An.
Từ năm Mậu Thân (1968) đến năm Ất Mão (1975), chiến tranh leo thang cao độ, đồng bào từ các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi cùng đổ về Đà Nẵng tỵ nạn rất đông. Ngài đã cùng Chư Tôn Đức Tăng Ni hướng dẫn các tổ chức, hội đoàn Phật Giáo bằng mọi phương tiện tổ chức tiếp cư, tạm cư, cứu trợ vật chất cho đồng bào trong cơn khốn khó; Ngài cùng Chư Tôn Đức cũng thường xuyên thăm viếng, ủy lạo, an ủi để đồng bào được phần nào an ổn đời sống tinh thần.
Năm Canh Tuất (1970), Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất miền Vạn Hạnh tổ chức Đại Giới Đàn Vĩnh Gia tại chùa Phổ Đà – Đà Nẵng, Ngài được cung thỉnh làm Phó Chủ Đàn, Hòa Thượng Thích Tôn Thắng làm Chánh Chủ Đàn. Đây là một Đại Giới Đàn được tổ chức hết sức quy mô với sự hiện diện của các bậc cao tăng lãnh đạo Giáo Hội và sự tham dự của hàng ngàn Giới Tử xuất gia, tại gia toàn quốc.
Năm Ất Mão (1975), sau ngày hòa bình, Hòa Thượng vẫn tiếp tục sứ mệnh lãnh đạo Giáo Hội, hướng dẫn tín đồ tu học.
Năm Bính Thìn (1976), do sự hợp nhất địa lý hành chánh, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín và thị xã Đà Nẵng sáp nhập lại lấy tên là tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng nên hệ thống Giáo Hội 3 tỉnh cũng hợp lại với tên gọi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng; Hòa Thượng được Tăng Ni, Phật Tử tín nhiệm cung thỉnh đảm nhiệm trọng trách Chánh Đại Diện Phật Giáo tỉnh.
Năm Canh Thân (1980), Ngài được cung thỉnh làm Đệ Thất Tôn Chứng của Đại Giới Đàn Thiện Hòa tổ chức tại chùa Ấn Quang – Sài Gòn.
Năm Tân Dậu (1981), Giáo Hội mới (Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam) thành lập tại Hà Nội. Đến tháng 5 năm Nhâm Tuất (1982) Đại Hội Phật Giáo tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng cung thỉnh Hòa Thượng làm Trưởng Ban Trị Sự tỉnh và Ngài giữ chức vụ này liên tiếp 3 nhiệm kỳ: 1982-1987, 1987-1992, 1992-1997; đồng thời là Ủy Viên Hội Đồng Trị Sự Trung Ương GHPGVN.
Năm Giáp Tuất (1994), Ngài được cung thỉnh làm Giáo Thọ A-xà-lê tại Giới Đàn chùa Báo Quốc – Huế.
Năm Bính Tý (1996), Ngài được cung thỉnh làm Đàn Đầu cho Đại Giới Đàn Phước Huệ tại chùa Phổ Đà – Đà Nẵng.
Năm Đinh Sửu (1997), tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng lại tách rời ra hai đơn vị hành chánh: thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Đại Hội Phật Giáo thành phố Đà Nẵng ngày 20 tháng 4 năm 1997 suy cử Ngài làm Trưởng Ban Trị Sự thành phố Đà Nẵng. Ngài đảm nhiệm chức vụ này 2 nhiệm kỳ liền, từ 1997 đến 2007 và đồng thời là thành viên Hội Đồng Chứng Minh, Hội Đồng Trị Sự Trung Ương GHPGVN.
Năm Canh Ngọ (2000), Hòa Thượng Bổn Sư viên tịch, Ngài trở về Huế lo tang lễ báo đáp ơn giáo dưỡng của Ân Sư.
IV. NHỮNG NĂM THÁNG CUỐI ĐỜI HÀNH HOẠT:
Từ năm Nhâm Ngọ (2002), sức khỏe của Hòa Thượng yếu dần nhưng Ngài vẫn gắng sức lo toan mọi Phật sự. Ưu tư lớn nhất của Ngài là ngôi chùa Tỉnh Hội (chùa Pháp Lâm) đang ngày càng xuống cấp mà chưa có điều kiện để trùng tu.
Đầu năm Ất Dậu (2005), biết trước sức khỏe không còn nhiều, Hòa Thượng trở về Huế lần cuối cùng nhân dịp húy kỵ Tổ Phước Hậu và húy kỵ Cố Hòa Thượng Trí Thủ; Ngài đi đảnh lễ, thăm viếng các Tổ đình, bảo tháp và Chư Tôn Thiền Đức Tăng-già.
Sau khi trở về Đà Nẵng, ngày 30 tháng 3 năm Ất Dậu (2005), Ngài lại trở bệnh nặng. Thời gian dần trôi, thân tứ đại của Hòa Thượng cũng phải theo năm tháng thuận theo luật vô thường, Ngài đã xả ly trần thế vào lúc 8 giờ ngày mùng 3 tháng 6 năm Ất Dậu (nhằm ngày 8 tháng 7 năm 2005 DL) tại chùa Thọ Quang – Đà Nẵng, trụ thế 84 năm với 57 hạ lạp.
Hòa Thượng là một trong những vị cao tăng của Phật Giáo Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng nói riêng trong thời hiện tại. Suốt cả cuộc đời hoằng pháp lợi sanh, phục vụ dân tộc và đạo pháp, Ngài luôn tận tụy với việc hoằng dương Chánh Pháp và đào tạo Tăng tài. Trong tất cả mọi Phật sự, Ngài không hề từ nan bất cứ việc nào, dù là trong những giai đoạn cam go, khó khăn nhất của đất nước và của Phật Giáo.
Ngoài ngôi chùa Thọ Quang do Ngài khai sơn, phần lớn các tự viện, các ngôi chùa cơ sở, các niệm Phật đường trong thành phố Đà Nẵng đều được kiến tạo dưới sự chứng minh của Ngài; các Phật sự tạo tượng, đúc chuông… từ thành thị đến thôn quê Ngài đều đến chú nguyện, khuyến tấn, khích lệ.
Hòa Thượng đã dày công xây dựng Phật Giáo tại Đà Nẵng và Quảng Nam ngày càng xương thịnh. Trên 50 năm hành đạo, mà trong đó có đến 30 năm đứng vào cương vị lãnh đạo Tăng Ni, Tín Đồ toàn tỉnh, tuy công việc đa đoan nhưng việc tiếp dẫn hậu côn vẫn luôn được Ngài ưu tiên xem trọng. Vì vậy, hàng đệ tử xuất gia của Ngài đến hiện nay có trên 30 vị Tăng, Ni tiếp bước Bổn Sư, theo chí nguyện của Ngài hành đạo khắp mọi tỉnh, thành. Cuộc đời tu học và hành đạo của Ngài sẽ mãi rạng ngời trong những trang Phật sử Quảng Nam – Đà Nẵng./.
Bảo tháp Cố Hòa Thượng Thích Quang Thể tại chùa Thọ Quang – Đà Nẵng.
NGUỒN GỐC & XUẤT XỨ TÀI LIỆU:
– Kỷ yếu Tưởng Niệm Đại Lão Hòa Thượng Thích Quang Thể.
– Thư Viện Điện Tử Kinh Sách Phật Giáo (VNBET).
(Tại gia đệ tử Quảng Mẫn sưu tập và tổng hợp).
***