Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những vần thơ của HT Thích Quảng Độ

26/02/202016:53(Xem: 9044)
Những vần thơ của HT Thích Quảng Độ

thichquangdotho tu-ht thich quang do

Những vần thơ của
HT Thích Quảng Độ

Truyện cổ tích đã giữ một chỗ đứng đặc biệt trong tuổi thơ của tôi. Nội dung các câu chuyện tôi đọc qua thường mang ngụ ý giáo dục trẻ thơ nên làm điều thiện và tránh điều ác. Hình ảnh thiện thường được thể hiện qua những nhân vật như bà tiên, ông bụt luôn ra tay giúp đỡ những người hiền lành thật thà hay bị kẻ xấu bắt nạt. Còn hình ảnh ác là những người xấu thích làm những chuyện gian ác để hại người giống như những bà phù thủy có cái mũi khoằm và đôi mắt cú vọ trông rất dữ tợn v.v...

Có lẽ trẻ thơ nào khi lớn lên cũng vẫn còn giữ trong ký ức mình một kỷ niệm thời thơ ấu qua hình ảnh ông bụt hay bà tiên nào đó . Riêng đối với tôi, nhân vật thần tiên biểu hiệu cho sự thiện mà tôi còn nhớ cho tới ngày hôm nay là hình ảnh ông Bụt trong câu chuyện cây tre trăm đốt. Với chòm râu dài và mái tóc trắng bạc phơ, trong bộ y phục trắng tay cầm chiếc đũa thần, ông hay nhoẻn miệng cười từ ái với tôi trong giấc ngủ thơ ngây.

Khi bước vào cuộc đời người lớn hình ảnh nọ bỗng phai nhạt dần trong trí óc tôi để nhường chỗ cho những chuyện thực tế hàng ngày. Bẵng đi hơn 20 năm sau, tình cờ khi được xem lần đầu tiên tấm hình Hoà Thượng Thích Quảng Độ, tôi giật bắn mình vì thấy sao mà khuôn mặt này giống ông bụt trong trí óc tưởng tượng của tôi đến thế. Một ông Bụt sống với chòm râu, tóc bạc phơ và ánh mắt nụ cười ôi phúc hậu làm sao! Càng ngắm nghiá tấm hình tôi càng cảm kích thêm về những việc làm của Ngài. Chả cần học tướng số, chỉ nội ánh mắt và nụ cười từ bi của Ngài cũng đủ nói lên một điều là Ngài đã thực sự sống và thể hiện tinh thần Bồ Tát đạo.


Cuộc đời của Hoà thượng Thích Quảng Độ đã giúp cho tôi hiểu thêm về con đường tu hành nhập thế của Phật giáoViệt Nam. Tinh thần nhập thế đó đã bàng bạc trong thơ văn của Ngài. Ngài sinh ra đời như bao nhiêu người bình thường khác. Trên bước đường tu hành Ngài cũng có những cảm xúc khổ đau buồn vui lẫn lộn và những thử thách như mọi người. Ngài cũng biết thấm nỗi đau của một người con hiếu thảo khi phải chứng kiến sự ra đi của người mẹ mà Ngài một lòng kính yêu phụng dưỡng :

Xuân này tôi mất mẹ rồi
Cũng là mất cả cuộc đời còn chi
Từ nay đoạn đường tôi đi
Qua hàng thông lạnh gió vi vu sầu
Một mình lặng lẽ cúi đầu
Quanh tôi tất cả nhuộm màu tóc tang.

Trong suốt thời gian 10 năm trường bị giam mình trong lao ngục, người tù lương tâm Thích Quảng Độ đã bao đêm nhìn trăng xuyên qua khung cửa tù nhỏ bé ngậm ngùi đếm tuổi đời tù. Nhưng sau đó tâm thức thiền soi sáng ảo mộng trần thế đã biến giai điệu buồn trong thơ thành những câu thơ dí dỏm diễu cợt cái "gia tài mất tự do" của Ngài nhiều đến nỗi không biết chứa vào đâu cho hết:

Trăng một túi gió mấy bầu
Tôi nghĩ như tôi thế cũng giầu
Năm tháng thu dùng không hết
Để dành? Chẳng biết chứa vào đâu?
Có ai mua gió trăng không?
Để tôi đem bán kiếm đồng tôi tiêu
Gió trăng tôi vốn có nhiều
Ai mua, tôi bán bao nhiêu cũng vừa.

Giáo lý nhà Phật thấm trong tâm cũng đã khiến cho Ngài coi cái chết nhẹ tựa hồng mao để rồi thú vị cười diễu cợt với tử thần :


Xà lim trông hệt cái nhà mồ
Mỗi lần mở cửa tôi ra vô
Thấy như chôn rồi mà vẫn sống
Tử thần tôi sợ con cóc khô
Tử thần nghe vậy bèn sửng cồ
Nửa đêm đập cửa tôi mời : dô
Sẵn có thuốc lào phèo mấy khói
Tử thần khoái trá cười hô hô!

Trong cảnh cô đơn tù tội, bị cô lập với thế giới bên ngoài, Ngài chỉ còn biết chia sẻ tâm sự vui buồn với người bạn tri kỷ là ánh trăng :

Buồn vui ta vốn có nhau
Giờ đây trăng ốm ta đau buồn nhiều
Cùng mang cái kiếp cô liêu
Giữa khung trời lạnh bao nhiêu đêm rồi
Đêm nay tâm sự bồi hồi
Thâu canh không ngủ ta ngồi với trăng

Tuy nhiên nỗi u phiền riêng tư kia vẫn chỉ là hạt bụi so với niềm xót xa thương cảm mà Ngài dành cho dân tộc bị đọa đày:

Bên cửa sắt xà lim tăm tối
Tôi đứng nhìn những giọt mưa rơi
Từ mái nhà đổ xuống
Lênh láng chan hòa
Trông như những dòng nước mắt của muôn vạn người dân vô tội
Đã chảy ra
Khi trải qua 1 cuộc đổi đời

Trước biển khổ của dân tộc và đạo pháp bị trù rập, những giọt nước mắt từ bi của vị sa môn Thích Quảng Độ đã nhỏ xuống đời và hòa tan trong lòng biển nước mắt dân tộc:

Rộn ràng tiếng én báo xuân sang
Lòng tôi nguội lạnh nắm tro tàn
Đạo pháp bao trùm màn ảm đạm
Giang sơn phủ kín lớp màu tang
Áp bức đoạ đày đời khổ nhục
Đói nghèo rách nát kiếp lầm than
Thẫn thờ đứng tựa khung cửa ngục
Nhìn bóng xuân sang mắt lệ tràn.

Đối với Hòa thượng Thích Quảng Độ , mùa xuân không khoe sắc hoa tươi thắm mà ảm đạm màu tang thê lương. Màu tang này đã phủ kín giang sơn kể từ hơn nửa thế kỷ qua. Cái chết của trên nửa triệu người dân trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất mà trong đó Ngài là một nhân chứng sống của lịch sử đã khiến chàng thanh niên 18 tuổi đời Thích Quảng Độ rơi lụy khi phải chứng kiến cảnh sư bá mình Hoà thượng Thích Đại Hải và sư phụ mình Hoà thượng Thích Đức Hải bị đấu tố dã man và bị bắn chết tại tòa án nhân dân vào đúng ngày Cách Mạng Muà Thu 19/8/1945.

Phải chăng những hình ảnh đau thương của dân tộc mà Ngài được chứng kiến và nhất là hình ảnh một dòng máu đỏ tươi phun lên thẳng tắp của cha Ngài bị đấu tố và bắn chết dã man ở trước đình mà Ngài vẫn còn nhớ như in cho tới ngày hôm đã trở thành tiếng gọi của lương tâm nhắc nhở vị sa môn Thích Quảng Độ đừng khép chặt trái tim từ ái đi tìm niết bàn cho riêng mình trong khi máu và nước mắt dân tộc vẫn còn nhỏ dài trên quê hương?

Trong đời người tu hành, có lẽ một trong những thử thách lớn lao nhất mà một hành giả phải vượt qua là sự chọn lựa một trong hai con đường: con đường nhập thế đầy gian truân để cứu khổ chúng sinh hay là con đường xuất thế xa lánh cõi đời để đi tìm Niết bàn cho riêng mình. Dĩ nhiên Hoà thượng Thích Quảng Độ cũng phải đối đầu với cuộc chiến nội tâm đó. Không những thế, thử thách mà Ngài phải vượt qua lớn gấp trăm lần so với những vị sa môn khác sống ở những quốc gia an lành không bị lương tâm dằn vặt về thảm nạn của dân tộc bị dày xéo dưới gọng kìm của bạo quyền.

Tiếng gọi của Bồ tát đạo đã không cho phép Ngài cúi đầu im lặng khuất phục bạo lực, an phận tu hành trong ngôi chùa nguy nga đồ sộ có hàng ngàn đệ tử xì sụp lạy.Vì tình yêu quê hương dân tộc nên Ngài đã chọn con đường nhập thế cứu độ chúng sanh. Một sự chọn lựa nghiệt ngã đòi hỏi tinh thần vô úy thí, chấp nhận tù tội lẫn cái chết để cứu khổ dân tộc và đạo pháp đang bị bóp chết trên mảnh đất ngày càng khô héo tình người.


Thật vậy, chính ngay trong bối cảnh đen tối nơi lao tù, qua những giây phút thiền định, ánh sáng của hạnh Bồ tát đã thức tỉnh vị sa môn Thích Quảng Độ ngộ được chân lý :

Ánh đạo vàng bừng lên chói lọi
Đốt tiêu tan màn hắc ám vô minh
Những khổ đau thù hận ngục hình
Đã vây hãm chúng sinh từ muôn thuở

Tất cả
Tất cả trong tôi đang thiêu hủy
Với tham sân và cuồng vọng si mê
Ánh sáng chan hòa trên nẻo đường về

Suốt cuộc đời
Hôm nay tôi thấy sao mai đẹp nhất
Xin cảm tạ hồng ân đức Phật
Đã cho con giờ phút hôm nay
Giờ phút thiêng liêng thành đạo của Ngài
Con tin tưởng sẽ đi vào giòng thời gian bất tận
Bao sự nghiệp huy hoàng xây trên thù hận
Từ ngàn xưa dấu vết phủ rêu xanh...

Những lúc trầm tư nếm vị thiền,
Lâng lâng không bợn chút ưu phiền,
Ngục thất dầu sôi thành cam lộ
Lao tù lửa bỏng hóa hồng liên.


Hạnh Bồ tát đã giúp Ngài chiến thắng bản ngã thấp hèn, dìu Ngài bước trên con đường nhập thế cứu khổ chúng sinh, mà Phật Giáo Việt Nam đã thể hiện từ ngàn xưa. Với hành trang tu hành là hạnh bồ tát, vị sa môn Thích Quảng Độ đã bình thản lên đường :

Giờ phút này đây đánh dấu cuộc đăng trình
Về miền Bắc
Tôi nguyện sẽ không bao giờ khuất phục
Những kẻ chỉ biết tin nơi bạo lực
Nuôi hận thù và giết chết tình thương
Đường tôi đi- buổi sáng nay
Tràn ngập ánh thái dương
Và cảnh vật reo vui chào tiễn biệt
Miền Nam ôi
Niềm nhớ thuơng nói sao cho xiết
Thôi xin tạm biệt người
Và hẹn hội mùa xuân

Bình thản nhưng rất cương quyết:

Tôi đã không chịu sống nhục đầu hàng
Nên vận dụng giành tự do tín ngưỡng

Sự quyết tâm đó đã khiến cho bạo quyền Cộng sản Việt Nam đành phải bó tay. Họ chỉ bỏ tù được thân xác Ngài nhưng không lay chuyển được tâm Ngài:


Thân ta trong chốn lao tù
Tâm ta vằng vặc trăng thu mặt hồ
Bao trùm khắp cõi hư vô
Lao tù đâu thể nhiễm ô tâm này
Mặc cho thế sự vần xoay
Tâm ta vẫn chẳng chuyển lay được nào

Sống trong một xã hội gian dối bủa vây bởi bạo lực thì sự thể hiện tinh thần như thị thấy sao nói vậy không phải là dễ. Thế nhưng Hòa thượng Thích Quảng Độ vẫn quyết tâm sống với Sự Thật:

Qua bao chế độ lưng vươn thẳng
Trải mấy phen tù lưỡi chẳng cong

Đây không phải là hai câu thơ viển vông khách sáo. Tinh thần Vô úy thí đã giúp Ngài vượt qua sự sợ hãi để thể hiện tinh thần như thị, thấy sao nói vậy được tìm thấy trong bài viết "Nhận định những sai lầm tai hại của đảng Cộng sản Việt Nam đối với dân tộc và Phật giáo" gửi chính quyền Cộng sản Việt Nam: "Tôi chắc rằng, khu đảng Cộng sản Việt Nam đọc bản nhận định này, sẽ cho tôi là chống Đảng tức là chống tổ quốc. Hơn thế nữa là chống trời, thì chắc chắn sẽ bị đấu tố đến chết rồi. Tôi đã ý thức rõ điều đó, nhưng tôi sẵn sàng đón nhận, bởi vì những điều tôi nói trong bản nhận định này đều là sự thật, vậy nếu phải chết cho sự thật thì cũng chẳng có gì đáng ân hận nối tiếc cả".

Đối với tôi, Hòa thượng Thích Quảng Độ không làm chính trị. Ngài chỉ là một vị Sứ giả của Như Thị. Thể hiện hạnh Bồ tát, Ngài lên tiếng dùm cho những người dân thấp cổ bé họng bị bóc lột đàn áp và đòi dùm cho họ những gì mà những kẻ cầm quyền tước đoạt của họ. Ngài đang làm việc của một vị sa môn Việt Nam tiếp nối con đường tu hành nhập thế mà Phật giáo Việt Nam đã thể hiện từ ngàn xưa: "Lịch sử Phật giáo Việt, lồng trong lịch sử dân tộc trên hai nghìn năm qua, đã bao lần minh chứng rằng Hộ Dân, Hộ Quốc và Hộ Pháp hòa quyện trong nhau làm kim chỉ nam cho nếp sống và hành động của người Phật tử Việt Nam. Một trong những bộ kinh của Phật giáo do vị cao tăng Việt Nam Khương Tăng Hội phiên dịch rất sớm, là Lục độ tập kinh, xuất hiện vào thế kỷ II Tây lịch, có những câu viết thể hiện tinh thần này: "Bồ tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ xông vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than" (Lời kêu gọi cho dân chủ Việt Nam".


Quả đúng như thế, Hòa thượng Thích Quảng Độ chỉ đi theo con đường của Bồ tát. Vì thấy quê hương dân tộc bị thảm họa, nên Ngài đã gạt lệ lên tiếng đòi hỏi công bằng và lẽ phải để cứu dân khỏi nạn lầm than và cũng là để cứu đạo pháp khỏi bị tiêu diệt. Thừa lệnh Hội đồng Lưỡng Viện Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Ngài ra tuyên cáo "Lời kêu gọi cho dân chủ Việt Nam". Nội dung bản tuyên cáo nêu lên 3 sự trạng đưa đến thảm họa dân tộc mà thủ phạm chính không ai khác hơn là chính quyền độc tài độc đảng Cộng sản Việt Nam. Ngài cũng đưa ra sách lược 8 điểm cứu nguy đất nước. Cái giá rất đắt mà Hòa thượng Thích Quảng Độ phải trả cho "Lời kêu gọi cho dân chủ Việt Nam" là kiếp sống tù giam lỏng cho tới ngày hôm nay. Và cũng gần đây nhất chỉ vì đi cứu trợ ủy lạo tinh thần dân oan khiếu kiện mất đất mà Ngài đã bị nhà nước Cộng sản Việt Nam vu khống bôi nhọ đủ điều. Cho "dù ai nói ngả nói nghiêng, thân Ngài vẫn vững như kiềng ba chân".

Gần 200 bài thơ trong tập "Thơ tù" và tập "Thơ lưu đày" của sa môn Thích Quảng Độ đã ghi lại khá đầy đủ những cảm xúc và trăn trở nội tâm của tác giả. Dẫu có những giây phút vui buồn, cô đơn, thèm khát tự do, và khổ đau như bao nhiêu người khác, nhưng những dòng thơ Thích Quảng Độ không hề bộc lộ tình cảm oán hận hay có ác tâm muốn trả thù những kẻ đã đày đọa mình. Trong những đêm trường cô đơn nhìn trăng khao khát thân mình được bay bổng ra khỏi khung cửa sắt tù đầy, đã có những lúc cái phàm ngã ích kỷ rỉ tai người tù lương tâm Thích Quảng Độ rằng thôi thì cứ nhắm mắt bịt tai trước mọi sai quấy ở đời để đổi lấy tự do và cuộc đời tu hành an nhàn cho sướng thân mình:

Đêm ngày tôi dạy cái thằng tôi
Đạo pháp suy vi bởi lẽ trời
Thấy kẻ phá chùa: khoanh tay đứng
Nhìn người đập tượng: mắt nhắm ngồi
Bắt bớ tăng ni: thây mẹ nó
Giam cầm phật tử: mặc cha đời
Miễn được yên thân là khôn đấy
Can chi ậm ọe để thiệt thòi.

Thế nhưng cái "thằng tôi" vị kỷ đó đã biến thành tro bụi dưới sức nóng mầu nhiệm của ngọn lửa Bồ tát. Còn cuộc chiến thắng nào vĩ đại cho bằng cuộc chiến thắng cái tôi vị kỷ! Còn hình ảnh nào cao thượng và đẹp cho bằng hình ảnh vị lái đò tóc bạc phơ cô độc trên dòng thác bạo lực, bình thản lặng lẽ cố lèo lái con thuyền chánh pháp mỏng manh vượt qua cơn lốc lịch sử đen tối.

Trên hành trình nhập thế cứu đời và cứu đạo pháp, hành trang mà Ngài mang trên vai chỉ vỏn vẹn có hạnh Bồ Tát và tinh thần Vô úy thí - là hai đức tính cần thiết đã giúp cho Phật Giáo Việt Nam vượt qua mọi khó khăn của mọi thời đại để tồn tại cho tới ngày hôm nay.

Ngày nào trên quê hương Việt Nam vẫn còn những vị sa môn Thích Quảng Độ can đảm tiếp nối và gìn giữ con đường nhập thế cứu đời thì ngày đó không một bạo lực nào có thể tiêu diệt được Phật giáo Việt Nam.

Kính Bạch Hoà thượng Thích Quảng Độ,

Dù bị cô lập nơi Thanh Minh thiền viện xa xôi, nhưng Ngài không cô đơn đâu, bởi vì vẫn có hàng nhiều triệu trái tim Việt Nam trong đó có con, ngày đêm kính cẩn hướng về Ngài, niệm Phật qùy xin Đức Phật Tổ độ trì cho Ngài, cho Đức Tăng thống Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, và qúi tăng ni phật tử Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sớm vượt qua giòng thác bạo lực hầu đến được bờ giác ngộ an toàn cùng với toàn dân trong ngày vui lớn của dân tộc.

Thanh Minh thiền viện rồi sẽ có

Tiếng chuông chùa vang dội khắp muôn nơi
Trong ngày vui dân tộc mỉm nụ cười
Mừng đạo pháp hồi sinh trên đất nước.

Nam Dao (Adelaide)

_________________________________________________

(xem tiếp những bài thơ khác của Ôn Quảng Độ)




 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/03/2018(Xem: 12557)
Thay mặt Hội Đồng Điều Hành Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại và Môn Đồ Pháp Quyến, chúng con/tôi cúng kính Cáo Bạch: Hòa thượng húy thượng Như hạ Thức, tự Viên Thành, hiệu Thích Hải Trung, sinh ngày 16 tháng 11 năm 1943 (Quý Mùi) tại thôn Hóa Hội, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, Việt Nam, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 42, nguyên Thủ Chúng Tổ đình Thập Tháp, Bình Định; Phó tổng Thư ký Phật Học Viện Phước Huệ, Trụ trì chùa Bửu Quang tại An Thái, Bình Định; Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Phẩm, kiêm Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Nghi Lễ của Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại, Viện chủ Chùa Diệu Pháp và Phương trượng Chùa Điều Ngự, California, Hoa Kỳ, đã thuận thế vô thường, an nhiên thâu thần thị tịch lúc 4:30 chiều thứ Ba, ngày 20 tháng 3 năm 2018, nhằm ngày mùng 4 tháng 2 năm Mậu Tuật, thế thọ 76, hạ lạp 56.
18/03/2018(Xem: 58326)
Ni Trưởng Thích Nữ Như Thủy Pháp Hiệu Huệ Hạnh Thế Danh Nguyễn Xuân Yến Sanh ngày 12 tháng 04 năm 1950 (Canh Dần) đã viên tịch lúc 8:15 sáng ngày 17 tháng 03 năm 2018 tại Chùa Phổ Hiền Thành Phố Worcester, Tiểu Bang Massachussets, Hoa Kỳ.
13/03/2018(Xem: 11257)
Hoá thân giữa chốn bụi hồng, Thênh thang một cõi, sắc không mùi thiền. Bắc Ninh nuôi hạt ươm niềm, Hạo nhiên đại khí, như nhiên thanh bần.
09/03/2018(Xem: 9243)
Ai trong chúng ta cũng có nhiều khúc quanh quan trọng trong cuộc đời. Ít ai sinh ra mà được suông sẻ,kể từ khi lọt lòng Mẹ cho đến khi hơi thở cuối cùng đến báo cho ta biết rằng: Ở trần gian nầy vẫn tồn tại, nhưng ta lại phải ra đi để tiếp tục một chuyến đăng trình khác. Có người đi lên, có người đi xuống, có người đi ra, có người đi vào; nhưng cũng có lắm người chẳng biết đi mô cả. Điều nầy liên hệ gì với cuộc sống của chúng ta trong hiện tại hay trong quá khứ và dẫn đến vị lai thì thế nào nữa đây? Đố ai biếtđược một quá khứ dài đăng đẳng, một tương lai mịt mù và một hiện tại không định hướng như vậy?
07/03/2018(Xem: 18740)
Vua Quang Trung, Vị Anh Hùng Dân Tộc, Người Pháp tự hào về Napoléon Bonaparte. Ông là một thiên tài quân sự, đã chinh phục một phần lớn lãnh thổ Âu Châu, nhưng cuối cùng thất bại trận Waterloo tại nước Bỉ. Dân tộc Pháp luôn luôn tôn kính ông. Du khách đến Paris thấy ở đầu đại lộ Champs Elisée, Khải Hoàn Môn được xây dựng, một công trình kiến trúc Văn Hóa Hùng Sử Pháp, để tưởng nhớ Napoléon Bonaparte, với những chiến thắng vẻ vang liên tiếp đã làm rạng danh trang sử Pháp. Vào thời gian này, tại Mỹ Quốc cũng có cuộc cách mạng Hoa Kỳ. Chính George Washington, một chính trị gia lỗi lạc, một anh hùng dân tộc, đã đưa đất nước Hoa Kỳ đến chỗ vinh quang.
27/02/2018(Xem: 8154)
CÁO BẠCH Khánh Hòa: Đại Đức Thích Thiện Chánh - Tân viên tịch Môn phong Tổ đình Nghĩa Phương – Môn đồ pháp quyến chùa Phước Duyên kính báo tin: Đại đức THÍCH NHƯ CHUẨN tự Thiện Chánh, hiệu Tâm Trí - Ủy viên BTS GHPGVN huyện Diên Khánh - Trú trì chùa Phước Duyên, thôn Phò Thiện, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. - Vì bệnh duyên, nên đã an tường xã bỏ báo thân vào lúc 12 giờ, ngày 25/02/2018 (10/01/Mậu Tuất) tại chùa Phước Duyên, thôn Phò Thiện, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh. - Trụ thế 44 năm. - Lễ nhập kim quan lúc 10 giờ ngày 26/02/2018 (11/01/Mậu Tuất). Kim quan an trí tại chùa Phước Duyên. - Lễ viếng bắt đầu váo lúc 12 giờ ngày 26/02/2018 (11/01/Mậu Tuất). - Lễ động quan an táng cử hành lúc 10 giờ ngày 28/02/2018 (13/01/Mậu Tuất) trong khuôn viên chùa Phước Duyên. - Kính thông tri và kính mời Chư Tôn đức Tăng Ni cùng toàn thể Phật tử hoan hỷ quan lâm nộ niệm ch
20/02/2018(Xem: 11462)
Hôm nay mùng 5 Tết Mậu Tuất (20-02-2018), Phật lịch 2562, Việt lịch 4897, hàng đệ tử Tăng Ni chúng con tại tiểu bang Victoria tề tựu về Lăng Nghiêm Bảo Vương Tự này để hầu thăm, đảnh lễ và mừng Khánh tuế đại thọ 91 tuổi đời, 84 đạo lạp và 70 hạ lạp của Ngài. Đệ tử chúng con cầu Phật từ bi gia hộ Đức Trưởng Lão Hòa Thượng pháp thể khinh an và pháp duyên vô ngại để hộ trì Phật Pháp, phổ độ quần sanh và dìu dắt hàng đệ tử xuất gia chúng con trên bước đường tu tập và hành đạo.
12/02/2018(Xem: 7629)
Thong dong mây trắng giữa trời, Thênh thang hạnh nguyện, hát lời thi ca. Yên Cát Thiền Tự chang hoà, Khơi nguồn đạo mạch, bảo toà Như Lai.
28/01/2018(Xem: 5291)
Chuyến Đò Bến Giác. Chân tu phạm hạnh trang nghiêm, An nhàn tự thị, điềm nhiên thanh bần. Bậc tài Ni chúng xuất trần, Tinh chuyên học pháp, phạm âm thông lầu. Từ quê Xứ Quảng in sâu, Nuôi tâm dưỡng trí, pháp mầu khai hoa. Vuông tròn hạt Ngọc trong ta, Tìm ra tánh Phật, thoát xa dục tình.
25/01/2018(Xem: 15261)
Khấp Báo Huynh Trưởng Cấp Dũng Tâm Nghĩa vừa qua đời tại Cali, Hoa Kỳ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]