Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Khúc Ca Chứng Đạo của Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông

31/10/201906:52(Xem: 6282)
Khúc Ca Chứng Đạo của Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông
so to tran nhan tong

KHÚC CA CHỨNG ĐẠO

CỦA TỔ TRÚC LÂM TRẦN NHÂN TÔNG

Như Hùng


Trần Nhân Tông (1258 - 1308) còn có ngoại hiệu Trúc Lâm Đại Sỹ là một khuôn mặt lớn của nền văn học thi ca của Việt Nam và Phật Giáo. Một vị thiền tổ mà năng lực giác ngộ tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời dân tộc và đạo pháp. Con người đó, siêu việt trong mọi tư duy và hành động, hoàn thành sứ mạng cao cả. Nhân cách đó, làm rạng rỡ cho giống nòi và gia phong của đạo. Tư tưởng đó, nhân bản và giải thoát, chuyên chở gánh trọn nỗi niềm chung riêng của dân tộc và đạo pháp một cách toàn thiện.

Trong kho tàng thi ca thiền ngữ, thậm thâm vi diệu của dòng thơ thiền, ta còn bắt gặp dạng thơ thiền bằng chữ Nôm của tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông. Đó là bài Cư Trần Lạc Đạo Phú (Phú Ở Cõi Trần Vui Đạo) và bài Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca (Bài Ca Được Thú Lâm Tuyền Thành Đạo). Khúc ca chứng đạo viên mãn tròn đầy, tán dương xưng tụng giác ngộ, mở ra phương trời tâm linh sáng tỏ, đưa đường chỉ lối biết bao thế hệ hằng bao thế kỷ nay.

Theo những nhà nghiên cứu, chữ Nôm còn gọi là Quốc âm, là một hệ chữ ngữ tố (chữ tượng hình) từng được dùng để viết tiếng Việt. Chữ Nôm không biết có từ bao giờ và lúc nào, nó được cấu kết từ âm và nghĩa của chữ Hán.

“Chữ Nôm là cách viết biểu ý ngày xưa của tiếng Việt. Sau khi Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ của Trung Quốc vào năm 939, chữ Nôm lần đầu tiên thành chữ quốc ngữ để diễn đạt tiếng Việt qua mẫu tự biểu ý. Hơn 1.000 năm sau đó—từ thế kỷ 10 cho đến thế kỷ 20—một phần lớn các tài liệu văn học, triết học, sử học, luật pháp, y khoa, tôn giáo và hành chánh được viết bằng chữ Nôm. Dưới triều đại nhà Tây Sơn, toàn bộ các văn kiện hành chánh được viết bằng chữ Nôm trong 24 năm, từ 1788 đến 1802. Những văn bản như sổ sách, công văn, giấy tờ, thư từ, khế ước, địa bạ v.v. chỉ đôi khi có xen chữ Nôm khi không thể tìm được một chữ Hán mang nghĩa tương đương chỉ các danh từ riêng (như tên đất, tên làng, tên người), nhưng tổng thể vẫn là văn bản Hán Việt bởi quan niệm sai lầm của giới sĩ đại phu các triều đại: "nôm na là cha mách qué". Nói cách khác, chữ Nôm là công cụ thuần Việt ghi lại lịch sử văn hoá của dân tộc trong khoảng 10 thế kỷ, mặc dù đó là công cụ còn chưa chứng tỏ được tính hữu hiệu và phổ dụng của nó so với chữ Hán.
Giải thuyết có thể trong lịch sử, chữ Nôm đã tạo ra từ những năm đầu khi vó ngựa viễn chinh của phương Bắc đến Việt Nam. Những chữ Nôm đầu tiên được sử dụng để chỉ cách gọi địa danh, hoặc những khái niệm không tồn tại trong Hán văn, mặc dù điều này do những cứ liệu thành văn còn lại hết sức ít ỏi, đã không thể được kiểm chứng một cách chính xác. Phạm Huy Hổ trong Việt Nam ta biết chữ Hán từ đời nào cho rằng chữ Nôm có từ thời Hùng Vương. Văn Đa cư sĩ Nguyễn Văn San cho rằng chữ Nôm có từ thời Sĩ Nhiếp cuối đời Đông Hán thế kỷ thứ 2. Nguyễn Văn Tố dựa vào hai chữ "bố cái" trong cụm từ "Bố Cái đại vương" do nhân dân Việt Nam xưng gọi Phùng Hưng mà cho rằng chữ Nôm có từ thời Phùng Hưng thế kỷ 8. Có ý kiến khác lại dựa vào chữ "cồ" trong quốc danh "Đại Cồ Việt" để đoán định chữ Nôm có từ thời Đinh Tiên Hoàng. Trong một số nghiên cứu những năm 90 của thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu căn cứ vào đặc điểm cấu trúc nội tại của chữ Nôm, dựa vào cứ liệu ngữ âm lịch sử tiếng Hán và tiếng Việt, so sánh đối chiếu hệ thống âm tiếng Hán và tiếng Hán Việt đã đi tới khẳng định âm Hán Việt (âm của người Việt đọc chữ Hán) ngày nay bắt nguồn từ thời Đường-Tống thế kỷ 8-9. Nếu âm Hán Việt có từ thời Đường, Tống thì chữ Nôm không thể ra đời trước khi hình thành cách đọc Hán Việt (nếu xét chữ Nôm với tư cách hệ thống văn tự) mà chỉ có thể ra đời sau thế kỷ thứ 10 khi Việt Nam thoát khỏi nghìn năm Bắc thuộc với chiến thắng của Ngô Quyền vào năm 938”. Nguồn: chunom.net

Dù ở dạng ngôn ngữ nào thì thơ Thiền, nhằm mở lối khai thông những bế tắc phủ vây che mờ tâm thức, khiến ta vực dậy năng lực giác ngộ tương tác của tự thân, vượt thời không đưa ta tìm về uyên nguyên tự tánh. Thơ thiền khởi đi từ thức giác xuyên qua tầng không tịch lặng về với vô cùng, những mật ngôn thâm diệu đó, những lời thiền ngữ thi kệ đó, còn là những thôi thúc nhắn bảo nhắc nhở đánh động liên hồi vào nội tâm của ta, đêm ngày sáng soi phổ nên giai điệu hằng sa bất tuyệt, trú ngụ chốn vô cùng. Ngôn ngữ đó, lời thiền phú đó, những thinh âm vi diệu đó, mở ra phương trời thênh thanh lộng gió, vén mây vạch lối soi đường dẫn bước, đưa người vượt sông mê bể khổ, về với thường hằng tự tánh. Những lời thiền phú cứ vậy và như vậy, vang vang vô tận, thi nhau tuôn đổ, từng bước đưa ta thoát khỏi lầm than, xóa nhòa biên cương lối mộng, để ta được dịp tắm mát dòng suối thiền vi diệu, nhẹ êm lung linh tỏa sáng.

Ở đó, còn là những hương hoa bất tuyệt, những hằng sa vô cùng, khúc ca chứng đạo vang rềnh một cõi, những thinh âm bất tận vượt ngàn khơi, ngự mãi trong vô cùng, từ vô thuỷ đến vô chung mãi còn bất tận. Không có kết cục hay mở đầu, không cần lên non dọ dẫm, chỉ có nguồn cơn rõ nét của mê ngộ. Những lỡ nhịp và thong dong, những quanh quẩn đẩy xô, trần gian lối mộng, những đắng cay ngang trái ngọt bùi, bến bờ tịch liêu hoang vắng, đêm trường mộng mị, giọt buồn giọt vơi rụng xuống nhân gian hóa thành mây ngũ sắc, còn lại cuộc lữ hành thong thả, tìm bến bờ dung thân. Một dạo một thuở, từ cái buổi lênh đênh tái tê gặm nhắm, vậy mà quay đầu đã là nghìn trùng xa cách, mất dấu bặt tăm, chạy dài mất hút. Cảnh và người lạc bước tìm nhau, trên đỉnh hoang sơ ba đào dậy sóng, hay vòng quay của số phận nghiệt ngã long đong, trần gian huyễn mộng, hay huyễn mộng trần gian, có là bao có là sao?

Từng dòng thiền phú, từng chữ từng câu, đong đầy tấm lòng tấc dạ gởi gấm trong đó, từng lời nhẹ êm dịu ngọt vỗ về soi tỏ tâm mê một cõi. Những điệp khúc thinh âm, lời ca muôn thuở, đêm ngày vang vọng, nhắc nhở chúng ta lên đường đổi mới cuộc lữ thứ truân chuyên, xóa tan mê mờ nhân ảnh, huyễn mộng ba sinh, để lối về lắng đọng, tâm hoa bừng nở, soi cuộc đăng trình. Một sự tỉnh thức lạ thường, tuyệt nhiên phổ cập, mở ra muôn lối cho từng tâm thức, những tư duy thể nghiệm, những trao gởi muôn trùng, những thong dong ẩn chứa, là cả một cõi tâm rộng mở thênh thang, trên từng dấu ấn khắc ghi, một sự sinh động hiển bày trùng khắp.

Lời thiền ca tuyệt diệu, bản thiền phú không cùng, âm thanh giai điệu thắm đượm cõi lòng làm đẹp cõi tâm, tuôn chảy về nơi có không vô tận, cứ thế thong thả vượt thời gian, vang vọng cho đến ngàn sau bất diệt. Ở đó, còn là những thôi thúc réo gọi đêm ngày, nhắc nhở chúng ta lên đường chuyển hóa về với uyên nguyên, về với bản lai thường tịch. Cuộc vượt thoát lãng quên trên từng nổi truân chuyên vướng bận, lay động tâm thức trên từng tử sinh cung bậc. Đâu là, lối về hoa nở tô thắm khung trời trinh nguyên ước nguyện, còn đâu gió cuốn mây trôi soi bóng cuộc đăng trình lữ thứ, đâu là tiếng vọng thinh âm, dội mạnh từng không một thuở?

Trên đỉnh cao cao lồng lộng, trên muôn vạn hình hài sắc không, từng nẻo đi lại dấn thân, chỉ có sự lặng lẽ trống trơn, tư duy quán chiếu tinh tường, thì mới thấy được đâu là lối vào, đâu là bến đổ vươn cao thanh thoát, đâu là tầng không bất phân biên độ, cõi tuệ hương phủ ngập tâm tư. Lối về thênh thang vô tận, lời thiền ca soi nẻo không cùng, miền tịch lặng chiếu sáng muôn phương, lời ca tỉnh thức miên trường, hương tuệ tung bay trên mọi lối, khiến người nhận chân đâu là bến giác bờ mê.

Lời nhắn bảo thức tỉnh khôn nguôi, lời dặn dò cùng nhau lên đường chuyển hóa, trở về với bản thể tịch nhiên, thường hằng tự tánh. Từng lời từng chữ từng mật ngôn, thấm vào hồn rót vào tim cứ thế miệt mài tuôn chảy, cứ thế khiến ta bật dậy năng lượng vô cùng, vượt thoát lối mê, chìm ngập mộng mị khổ đau. Bao lầm lỡ gian truân lạc bước, ngập cơn mê một thuở đi hoang, bao mộng mị ta chừ buông xuống hết, gió ngàn bay ấp ủ đóa hoa thiền.
Để đến được từng không tịch lặng đó, nơi không có mặt của đối đãi nhị nguyên, nơi không còn những ý thức tâm tư hủy diệt, chẳng còn quan niệm sai sử lập bày. Bỏ buông những xúc tác biến động, những thẩm tra biến thể, thân tâm ngôn hành không phù hợp, tất cả đều phải chuyển hóa đổi thay, xóa nhòa dứt tuyệt. Chỉ có sự mở lối nhập vào tâm năng vi diệu, của tuệ giác hiển bày, mới có thể trông thấy rõ ràng đích thực nguồn cơn, rõ biết được ngọn ngành từng hiển hiện. Cho cùng, phải là như vậy và phải như vậy, thế thôi.

Thơ thiền, còn là sự phổ cập lặng thing, lan tỏa không lời, vô ngôn thị thuyết, ẩn chứa những gì. Từ đâu đến đâu, điểm khởi thời gian, tung bay trên lối về, từ nơi cái tâm nhận biết, cái tâm giác ngộ, cái tâm lồng lộng thênh thang, cái tâm rộng mở vô cùng, cái tâm không ngần mé biên cương, không góc trời biên độ, không đối tượng nhận thức. Con người tử sinh, niết bàn chứng đắc, không nơi trụ bám, như gió thoảng mây bay, tâm lành ban trãi. Nơi cái cõi thênh thanh lồng lộng không ngăn ngại, huyền diệu và nhiệm mầu, chặng đường để đi đến giác ngộ. Sự bùng vỡ của đỉnh cao tuệ giác là một chứng tích, ước nguyện không cùng, hay đó là kết quả tất nhiên tự nhiên, do sự nổ lực dụng công đêm ngày tìm về tuệ giác uyên nguyên, nuôi sống huệ mạng? Vay mượn ngôn từ tâm ý để biểu đạt, để tạm gởi một mớ tư duy, phân tích luận bàn, đâu và đâu là đâu, thì có phải dã tràng xe cát, nước chảy mây bay, qua cầu gió thổi, âm thanh ngôn ngữ vô thường?

Tìm đến tìm về, đâu mới là thực chất nhất như, đúng như tên gọi, nếu không khéo, lắm lúc lại là trò múa rối, hý luận, chẳng đâu là đâu chẳng có gì cả. Nơi cõi lung linh diệu vợi thăm thẳm tịch chiếu ấy, có đủ bản lãnh để bước qua hiên ngang đi tới, trang bị đủ đầy kiến giải để khởi động khai thông mà không sợ rơi vào lầm lạc, có đủ tầm cở thẩm quyền cất cao ngẩng nhìn cao hứng? Nếu không, lại là một mớ mù tung rối rắm, bỏ được chổ nầy điều nầy, lại nhảy vô chổ khác, hỗn độn ngút ngàn, vòng đong đưa lẫn quẩn, có không mõi mệt bế tắc.

Khúc ca chứng đạo, giây phút huy hoàng rực rỡ của Trúc Lâm Đại Sỹ, vượt ngàn khơi soi sáng cõi trời Nam, đưa đường dẫn lối cháu con hằng bao thế kỷ nay. Cư Trần Lạc Đạo, miên man thâm diệu vang vọng khôn nguôi, lời tỏ bày soi thấu càn khôn muôn thuở, thôi thúc gõ nhịp trên bến bờ tử sinh huyễn mộng. Ở đời mà vui đạo, sống trong thế gian mà tâm vẫn thong dong vượt thoát, ở nơi cơ cực lầm than nhưng vẫn nuôi lớn chí nguyện xuất trần thượng sỹ. Từ nơi đây, chỉ có tại đây, nơi nầy chốn nầy, từ nơi ta bà đau khổ nầy, mới cần đến niết bàn tịnh lạc, chỉ khi phiền não khổ đau hành hạ, mới cần đến hạnh phúc lạc an. Cư trần lạc đạo là một chứng ngôn, lời nói rõ ràng và chính xác.

Cư Trần Lạc Đạo Phú, gồm có 10 hội, dưới đây là hội thứ 6
Hội Thứ Sáu

Thực thế! Hãy sá vô tâm, tự nhiên hợp đạo. Dừng tam nghiệp mới lặng thân tâm; đạt một lòng thì thông tổ giáo.
Nhận văn giải nghĩa, lạc lài nên thiền khách bơ vơ; chứng lý tri cơ, cứng cát phải nạp tăng khôn khéo.
Han hữu lậu han vô lậu, bảo cho hay the lọt duộc thưng; hỏi đại thừa hỏi tiểu thừa, thưa thẳng tắt lòi tiền tơ gáo.
Nhận biết làu làu lòng vốn, chẳng ngại hề thời tiết nhân duyên; chùi cho vặc vặc tính gương, nào có nhuốm căn trần huyên náo.
Vàng chưa hết quặng, sá tua chín phen đúc chín phen rèn; lộc chẳng còn tham, miễn được một thì chay một thì cháo.
Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm; ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu.
Tham thiền kén bạn, nát thân mình mới khá hồi ân; học đạo thợ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch

Ta có thể tạm diễn dịch theo ngôn ngữ bây giờ như thế này:
Thực tế, hãy để cho được vô tâm, thì tự nhiên mới hợp với lẽ đạo. Ba nghiệp (thân khẩu ý) tạm dừng, thì thân tâm mới vắng lặng, một lòng hiểu biết thì mới rõ những lời dạy bảo của chư tổ.
Căn cứ vào chữ nghĩa để giải thích, đôi khi sai lầm khiến cho khách thiền bơ vơ lạc lối, hiểu biết trực tiếp, nghiên cứu tìm tòi phải rõ ràng mới là người khôn khéo.
Khi thưa hỏi dù là hữu lậu hay vô lậu, lọt ra ngoài và không lọt ra ngoài được, chữ lậu là còn trong vòng luân hồi sanh tử, vô lậu: thoát được ra ngoài ba cõi, thì nên biết rằng chỉ có những gì bền chắc, mới còn đọng lại trên sàn, cột lại với nhau giữ gìn cho nhau, không phân biệt chê bai phiền trách, cổ xe nhỏ hay lớn cũng phải trân trọng, chỉ là phương tiện đưa người qua bến giác.

Nhận diện và biết được mặt mũi đích thực xưa nay của mình, bản tâm thường xuyên tinh tường sáng rõ. Không ngại chướng duyên không nề khó nhọc một lòng quyết chí, chùi cho sạch tấm gương tâm thức, sáu căn tiếp xúc với sáu trần đừng để sinh ra ô nhiễm, bám bụi phiền não trần lao.
Vàng thau lẫn lộn, phải gặng đục lắng trong, dụng công mài dũa đêm ngày, chỉ còn lại vàng ròng không tạp chất, không tham đắm tiền tài danh vọng, chỉ cần biết đủ biết vừa thảnh thơi.

Giới lòng (tánh giới) tướng giới, trong ngoài đều phải thường xuyên lau chùi quét dọn sạch sẽ, thực tập hạnh nguyện bồ tát cao cả dấn thân cứu độ, lòng ngay tâm thẳng, mới là bậc hiền nhân quân tử, kính hiếu mẹ cha trung nghĩa vẹn toàn.
Tham cứu thiền học, tìm bạn hiền giao tiếp, thịt nát xương tan may ra mới đáp đền ân đức muôn một, tinh chuyên nghiền ngẫm học đạo, cho dù xương óc tấm thân nầy, có tiêu tan cũng vẫn chưa đủ để đền đáp ơn Phật, ơn thầy tổ bạn hiền, đã chỉ bảo cho ta con đường giải thoát cao đẹp.


Bài kệ kết thúc:
Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.

Dịch nghĩa:
“Sống giữa phàm trần, hãy tuỳ duyên mà vui với đạo
Đói thì ăn, mệt thì ngủ
Trong nhà sẵn của báu đừng tìm đâu khác,
Đối diện với cảnh mà vô tâm, thì không cần hỏi Thiền nữa”.

Dịch thơ:
Cõi trần vui đạo, hãy tuỳ duyên
Đói cứ ăn no, mệt ngủ yên,
Báu sẵn trong nhà, thôi khỏi kiếm
Vô tâm trước cảnh, hỏi gì Thiền.
Huệ Chi dịch
Thơ Văn Lý Trần tập 2 Quyển Thương trang 510



BÌNH GIẢNG

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
“Nếu muốn thực tập theo tinh thần Cư Trần Lạc Đạo, tức là ở trong chốn bụi bặm mà có hạnh phúc với chánh pháp thì phải biết áp dụng nguyên tắc tùy duyên. Tùy duyên tức là ta phải hội nhập vào hoàn cảnh đó mà đừng có đòi hỏi điều kiện này hay điều kiện khác. Tùy duyên là tùy theo những điều kiện đang có đó, đừng có nói rằng: “Nếu không có những điều kiện này thì tôi sẽ không ở đây! Tôi sẽ không có hạnh phúc.” Nói như vậy là không có tùy duyên. Phải biết chấp nhận và hạnh phúc với những điều kiện sẵn có, gọi là tùy duyên. Chỉ cần biết chấp nhận là thấy khoẻ liền, là lạc đạo liền. Nếu không biết chấp nhận thì đi đâu ta cũng không có hạnh phúc. Đó là nguyên tắc đầu của Cư Trần Lạc Đạo.

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Đây là nguyên tắc thứ hai: Đói thì ăn, khát thì uống. Cái chữ đói ăn khát uống trong thiền môn không có nghĩa là mình sống theo cái bản năng của mình đâu. Nếu ai hiểu như vậy là chết thiền! Đói ăn khát uống tức tức là ta phải thật sự ăn, ta phải thật sự uống. Tại vì đã có những người chết khát ở bên bờ sông. Chúng ta mỗi người đều có những nhu yếu đích thực, và tu tập trước hết là tìm ra được những nhu yếu nào là những nhu yếu đích thực của mình, như là đói thì phải ăn, khát thì phải uống. Tại vì có những nhu yếu không đích thực, ta có thỏa mãn nó hay không thỏa mãn nó cũng không có quan trọng. Mà đôi khi chạy theo những nhu yếu không đích thực này, chúng ta còn làm tan nát cuộc đời của chúng ta. Những cái không cần mà chúng ta cứ tưởng là cần rồi chạy theo chúng thì mất hết đời của chúng ta, mà nắm được chúng trong tay thì chúng làm bỏng tay ta, phá tan cơ thể và tâm hồn của chúng ta. Đó là những nhu yếu không đích thực.

Khi thấy được những nhu yếu nào là đích thực và những nhu yếu nào là không đích thực thì ta đã đi một bước khá lớn ở trên con đường tu học rồi. Phải quán chiếu để thấy cho rõ những nhu yếu đích thực của mình. Và khi quán chiếu thấy được đó là nhu yếu cần thiết để có được vững chãi, có thảnh thơi, có an lạc, thì tự nhiên ta sẽ thực tập theo nguyên tắc đói ăn khát uống. Tức là hằng ngày ta chỉ ăn và uống cái đó thôi, còn thì ta từ chối tất cả những cái khác. Ta cần vững chãi, ta cần thảnh thơi, ta cần an lạc, thì ta phải biết bản chất và phương pháp để làm thỏa mãn những nhu yếu đó của ta. Khi nào buồn thì ta biết làm thế nào để cho bớt buồn, khi nào giận thì ta biết làm thế nào để cho bớt giận, khi nào cô đơn thì ta biết làm thế nào để cho hết cô đơn, khi nào thiếu vững chãi thì ta biết làm thế nào để đem vào tâm hồn mình những chất liệu vững chãi… Đó là đói ăn khát uống. Nếu không có đói thì đừng có ăn, ăn vào là chết đó! Nếu không khát thì đừng có uống, uống những cái đó vào là chết!

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đây là nguyên tắc thứ ba: Trong nhà chúng ta đã sẵn có châu báu, đừng có đi tìm ở đâu xa nữa. Gia trung là trong nhà. Hữu bảo là có châu báu. Hưu là ngưng lại. Tầm mịch là tìm tòi, tìm kiếm. Đừng có chạy đi đâu để tìm kiếm nữa hết vì những cái ta cần đã có sẵn ở trong ta rồi.

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
Đối cảnh vô tâm là nguyên tắc thứ tư. Cảnh là những cái gì đang xảy ra ở trước mặt ta. Những gì xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của ta thì ta phải biết đáp ứng lại với những sự kiện đó bằng thái độ vô tâm. Vô tâm không có nghĩa là không có chánh niệm. Theo phương pháp tu chánh niệm là cái gì đang xảy ra thì ta biết là cái gì đang xảy ra, đang xảy ra trong lòng ta hay đang xảy ra xung quanh ta, và ta phải ý thức được nó với phương pháp vô tâm. Vô tâm ở đây có nghĩa là không vướng mắc cũng không chán ghét. Tức là ta không bị vướng vào trong hai cực: tham đắm và chán ghét. Chán ghét là một thái cực và tham đắm là một thái cực khác. Một bên là dính như múi mít, một bên là sợ bỏ chạy, thoát ra khỏi cả hai cực này thì tự nhiên ta sẽ có an, có lạc. Cái đó gọi là xả. Đó là chất liệu của tự do. Nếu ta muốn thật sự có hạnh phúc, có tự do thì ta phải có thái độ vô tâm. Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền: nếu ta có thể đối cảnh vô tâm thì đừng có hỏi tới thiền làm gì nữa! Ta đã nắm thiền quá vững rồi. Mạc vấn thiền là đừng có hỏi về thiền nữa.
Nếu chúng ta có thể làm được bốn nguyên tắc trên thì hỏi về thiền làm gì nữa!”

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh bình giảng, sách Trái Tim Của Trúc Lâm Đại Sĩ


Cư Trần Lạc Đạo, là một bài phú do chính Tổ ghi lại phương pháp tu tập cùng năng lực chứng đắc giác ngộ. Nội dung chứa đựng cả một triết lý thực dụng, còn là một bản tuyên ngôn, một thông điệp mở đường khai lối, dẫn dắt chúng ta theo đó tìm tới đỉnh cao của an lạc giải thoát. Những lời chứng ngôn từ nơi tuệ giác rộng sâu tròn đầy, chứa đựng nội tâm siêu thoát viên mãn, tư tưởng ngôn hành tỏa sáng lồng lộng rực rỡ, trên bầu trời quê hương dân tộc. Đêm ngày nhắc nhở nhắn bảo con cháu chúng ta, cùng nhau tìm tới sự an lạc hanh phúc đích thực ở ngay trong cuộc đời nầy. Tổ trao cho chúng ta lời kinh tuệ giác, một báu vật quí giá vô cùng, giải phóng con người ra khỏi khổ đau về với tánh giác thường hằng. Tổ gởi đến cho chúng ta chiếc la bàn định hướng, vô cùng thiết yếu, giữa cuộc thương đau mờ mịt, chìm đắm trong thế giới thống khổ, của hôm nay và ngày mai. Khiến cho ta nhận chân ra được con đường mình phải đi phải bước tới, thức tỉnh trên mọi trôi nổi nhọc nhằn ràng buộc phủ vây, với sự quyết lòng dấn thân ra tay cứu độ chính mình và tha nhân, tâm từ ban trãi khắp chốn mọi nơi cùng hưởng lợi lạc.

Lòng nguyện với lòng, tâm quyết cùng tâm, phải ra công gắng sức hoàn thành sứ mạng giải thoát cao cả, bởi lẽ những gì chúng ta đang trực diện đang cưu mang, đầy dẫy sự đau khổ bất an ngày đêm nung nấu. Nó hiện hữu thường xuyên ở đó, nó nằm chình ình ngay đó, ngay trong tâm thức mỗi một chúng ta, không cách gì trốn chạy được, nên phải mạnh dạn hiên ngang đối diện giải quyết.

Vì vậy, dù có được hạnh phúc hay khổ đau, niết bàn hay sanh tử, mê mờ hay tỉnh thức, tất cả điều đó dù thế nào chăng nữa, thì cuộc sống nầy, cuộc đời nầy đều phải được vận hành, dù ta có đồng ý hay không cũng phải mặc nhiên chấp nhận. Khi ta hoán chuyển đổi thay làm một cái gì mới khác, thì cũng phải tác động ở ngay cái phút giây hiện tại bây giờ, ở tại đây, nơi trần gian và con người nầy.

Như vậy ngoài cuộc đời nầy, còn nơi đâu chốn nào để ta giải quyết một cách rốt ráo những vấn đề buồn vui đau khổ hạnh phúc của chúng ta, những chuyện của riêng ta, thuộc về ta, do chính ta tác tạo. Ngoài trần gian nầy cõi đời nầy, ở tại đây nơi chốn nầy, thì còn có nơi nào chốn nào hợp lý, hơn thích hợp hơn, để ta có thể giải quyết một cách trọn vẹn và rốt ráo?

Chờ đợi ngày mai ngóng trông ngày mốt, mới chịu thực hiện, nhiều khi cũng đã trở thành quá khứ ray rức tiếc nuối rồi vậy. Có ai đủ thẩm quyền để bảo đảm cho một ngày mai, không có điều gì chuyện gì sẽ phải xảy ra? Vô thường chưa lấn bước, sự nghiệp vẫn huy hoàng, thân tâm chưa suy giảm sức mẻ, gia đình vẫn yên vui an ổn, hạnh phúc vẫn thăng hoa? Cũng chỉ là một sự đánh lừa của ý thức, một cú chơi đẹp của ảo tưởng mà thôi. Sự thật là tất cả đều có mầm mống bóng dáng của vô thường khổ đau, lúc ẩn lúc hiện, bao giờ và lúc nào cũng có mặt, chỉ tại ta chưa chịu hay không dám nhìn. Chỉ một hơi thở vào mà không có ra thì đã khác rồi, thuộc về quá khứ về với cái dĩ vãng đau khổ tiếc nuối rồi, nghìn trùng xa cách, mấy độ quan san, người đã đi rồi. Nhưng hầu hết chúng ta lại xem thường lơ đễnh bỏ qua, việc lớn của vô thường sống chết chưa cho là quan trọng, chưa chịu quay đầu là bờ, chưa chịu buông xuống những gì mình đang cố cầm nắm giữ. Dù biết đó là hư ảo huyễn mộng không thật, không có gì chắc chắn nhưng vẫn không chịu buông là tại làm sao?

Thông thường khi có trái duyên nghịch cảnh bất như ý không vừa lòng, ta sẵn sàng kéo hai chữ vô minh để thế vào, ta lý luận vì vô minh nên che mờ tâm trí, vì vô minh dẫn lối đưa đường, nên mới bị lầm lạc mới khổ mới đau. Đồng ý và rõ ràng là do vô minh, nhưng vấn đề nằm ở chổ, đó là tính cách suy nghĩ và nhận diện mọi vấn đề của chúng ta cần phải điều chỉnh lại, đây là điều cần phải thẩm định suy xét lại một cách rõ ràng và dứt khoát.

Có thật sự là ta biết mình đang sống với vô minh, tự nguyện để cho vô minh đêm ngày chi phối lũng đoạn? Để cho tham sân si được dịp rủ rê lôi cuốn xúi dục tác yêu tác quái? Hay ta sử dụng hai chữ vô minh ấy như một sự thế vào, do vì tại vì, nghĩa là có muôn ngàn lý do, và lý do cũng nghiêng phần hơn về mình, đổ lỗi chạy quanh chối tội đổ thừa, hay đó thuộc về cái tính cách sống, bản năng bản tánh sẵn có ở trong ta và vốn dĩ như thế?

Đấng giác ngộ, bậc cổ đức, đã từng dạy bảo nhắc nhở, đã từng vì ta mà hy sinh gian khổ, nhưng chúng ta có chịu làm theo nghe theo, hay cứ mãi miết tìm cầu hướng vọng, thật giả khó phân, chấp ngã chấp pháp, chạy theo huyễn tướng hư danh. Đêm ngày chỉ lo tích chứa phiền não khổ đau, thân tâm đong đầy những thói hư tật xấu, sống với bản tính bản năng bất thiện, cung phụng cho bản ngã đủ đầy, sống với ảo tưởng hoang tưởng, đổ thừa, than thở trách móc trở thành một thứ tâm bệnh, trở thành một thứ cá tính bản năng, hết đẩy cho vô minh thì lại đổ thừa tại nghiệp, và đây chính là cái bản lĩnh và sở trường của ta, và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn ta chìm dài chìm mãi trong ngút ngàn biến động khổ đau triền miên chưa có lối thoát không thấy lối ra chưa cam lòng dứt được.

Vậy thì, do ta hay do hoàn cảnh, bên trong ta hay bên ngoài sai khiến đẩy xô, thuộc về nội tính hay ngoại tính, y báo chánh báo? Cho cùng những điều đó lại là vấn đề của chính ta riêng ta cho ta và thuộc về ta, vì tâm ta làm chủ tâm ta tác tạo nên ta phải nhận lãnh hậu quả những gì mình tạo nên, vì đây là định luật nhân quả bình đẳng và công bình nhất.

Ở nơi trần gian quán trọ nầy, có cái gì để cho ta vui thú, có điều gì để cho an lạc thảnh thơi, có gì để ta phải lưu luyến đêm ngày, có thứ gì để cho ta cứ mãi miết hy vọng? Có cuộc vui nào không tàn, có hạnh phúc nào không chia ly, có sự hiện hữu nào mà không bị biến dạng, biến chất. Vậy thì rốt cuộc Tổ Trúc Lâm bảo ta “cư trần lạc đạo” là làm sao? Tại sao Tổ không dạy “quên trần lạc đạo”? Tại ngôn ngữ chữ Nôm như thế, hay cư trần lạc đạo, mới là tâm ý của Tổ? Cho cùng, cư trần hay quên trần cũng đều nói lên một điều, là cái hiện tại và bây giờ ở đây, mới là điều đáng nói đáng được giải quyết trân trọng.

Nhưng bằng cách nào và bao giờ ta mới thật sự nhận biết một cách tinh tường rằng cần phải thực nghiệm như thế vì không còn cách gì hơn. Chạy trốn tìm cầu không dễ, nhắm mắt bịt tai cũng khó, kêu gào than khóc đổ thừa rốt cuộc cũng chẳng làm được gì. Vậy thì, ý thức một cách minh mẫn trọn vẹn rằng, sự hiện hữu của ta ở cuộc đời nầy, trần gian nầy là điều hẳn nhiên, do vì nghiệp lực chiêu cảm dẫn đưa.

Những gì do ta tạo tác từ trước đến nay, đều huân tập và tích luỹ dẫn đến kết quả tất nhiên như thế, vì đây là định luật nhân quả sòng phẳng và công bình. Phương pháp tuyệt vời nhất là phải đương đầu đối diện một cách dứt khoát rõ ràng và thấu hiểu, chuyển hóa đổi thay bằng sự chiêm nghiệm minh mẫn sáng suốt, dụng công một cách chuyên cần, tác tạo một cách chân thành viên mãn.

Ngoài những bậc tuệ giác, những hành giả có được năng lực giác ngộ, còn chúng ta phần nhiều tích chứa phiền muộn khổ đau, tâm tư đong đầy bất an biến động, chạy nhảy lăn xăn, nên khi chúng ta tìm hiểu và phân tích điều gì đều xử dụng đến tri thức, ngôn ngữ thông tục để biểu đạt. Trong sự chừng mực nào đó, thì tri thức của ta lại là nơi đong đầy vọng động não phiền, khổ đau thường xuyên gặm nhắm, tâm cảnh tích chứa những nổi trôi bất an dày xéo. Vì vốn dĩ như thế, nên chưa tìm thấy được giá trị đích thật của những mật ngôn thiền ngữ, chưa chịu ngồi yên lắng đọng để cho thân tâm đón nhận những năng lượng nhiệm mầu cao cả, chưa tạo cho mình cơ hội để được nuôi dưỡng thể nghiệm những hưng khởi từ nơi chân lý như thật lan tỏa.

Nếu chúng ta không chịu ngộ ra, bỏ buông, ngã chấp pháp chấp, không triệt tiêu xóa bỏ những mê mờ lầm than, không giải phóng ra ngoài mọi triền phược hệ lụy khổ đau. Không đẩy lùi những tiêu cực ngăn ngại, không chịu khai nguồn dòng chảy tự nhiên nơi suối nguồn vi diệu của tuệ giác, không tìm phương cách trở về với bản thể chân tâm, tự tánh giác ngộ thường hằng.

Nếu ta cứ mãi sống theo bản năng, chơi cùng với tập quán bản ngã, không một lòng chuyển hóa không chịu thay đổi, không tạo cơ hội để cho trí tuệ siêu việt bật dậy. Muôn kiếp ta vẫn phải nổi chìm, xuống lên trong ba cõi sáu đường, khổ đau từng phút từng giây, sống mãi trong đêm dài tăm tối của vô minh, cứ mãi miết bám víu những phù phiếm giả tạm, tham sân si tha hồ chi phối lũng đoạn.

Đã đến lúc ta phải tìm về sống với tự tánh, sự trãi nghịêm đúng nghĩa, sự nhận biết đích thực, cái bản thể sâu lắng huyền diệu của tâm, nơi nguồn cội của sự giác ngộ viên mãn. Trở về với tự tánh, là trở về với chơn tánh thường hằng, không bị chi phối bởi sanh diệt đang sẵn có trong ta, đang chờ ta đợi ta trở về, không bị ngăn ngại che mờ bởi vô minh, tuệ giác đong đầy soi sáng. Được như thế, thì lúc nào ta cũng được hạnh phúc an lạc, dù ở nơi đâu tâm cảnh nào, cũng đều được tự tại thảnh thơi, nhẹ gót phiêu bồng. Không cần phải đi đâu xa, kiếm tìm hướng vọng làm gì cho tâm tư mõi mệt, ở tại đây mà lòng vẫn vui với đạo.

Bài Đắc Phú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca, còn là khúc thinh âm vô tận lan tỏa, một sự đánh động càn khôn mở ra chân trời trinh nguyên lắng đọng. Từ trên đỉnh thâm uyên bỗng trở về lồng lộng, phổ nên giai điệu thường hằng, soi sáng bến bờ tử sinh mê vọng. Một sự chuyển tải trao truyền thể tánh giác ngộ, nhắc nhở chúng ta thường xuyên quán chiếu, thể nghiệm tư duy chính mình.

Từng lời từng chữ, từng âm ba giai điệu, sáng soi cuộc mộng phù du hư huyễn, từng mật ngôn hiển nở trên lối về trăng sao lấp lánh, đẩy lùi thói hư tật xấu văng xa. Từng lời ca điệp khúc, đánh động vào lòng người nốt nhạc vô thường có không tan hợp. Đâu đó, vẫn còn là một bí mật, một dấu hỏi to lớn chưa có lời giải đáp, ngoài cuộc mộng lữ thứ, những trôi nổi lầm than, trong ta có gì được gì? Cho cùng, chỉ có chính ta mới đủ thẩm quyền điểm mặt chỉ tên, chỉ có chính ta mới đủ năng lực giải quyết một cách thỏa đáng. Chỉ có chính ta mới có câu trả lời đúng nghĩa nhất, và chỉ có chính ta mới đủ công năng hóa giải thay đổi, vượt ra ngoài hệ lụy khổ đau, tìm tới bến giác.

Đắc Phú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca
(Bài Ca Được Thú Lâm Tuyền Thành Đạo)

Sinh có nhân thân
Ấy là họa cả
Ai hay cốc được
Mới ốc là đã
Tuần này mà ngẫm
Ta lại xá ta
Đắc ý cong lòng
Cười riêng ha hả
Công danh chẳng trọng
Phú quý chẳng màng
Tần Hán xưa kia
Xem đà nhèn hạ
Yên bề phận khó
Kiếm chốn dưỡng thân
Khuất tịch non cao
Náu mình sơn dã
Vượn mừng hủ hỷ
Làm bạn cùng ta
Vắng vẻ ngàn kia
Thân lòng hỷ xả
Thanh nhàn vô sự
Quét tước đài hoa
Thờ phụng bụt trời
Đêm ngày hương hỏa
Tụng kinh niệm bụt
Chúc thánh khẩn cầu
Tam hữu tứ ân
Ta nguyền được hả
Niềm lòng vằng vặc
Giác tính quang quang
Chẳng còn bỉ thử
Tranh nhân chấp ngã
Trần duyên rũ hết
Thị phi chẳng hề
Rèn một tấm lòng
Đêm ngày đon đả
Ngồi cong trần thế
Chẳng quản sự thay
Vẳng vẳng ngàn kia
Dầu lòng thong thả
Học đòi chư Phật
Cho được viên thành
Xướng khúc vô sinh
Am thiền tiêu sá
Ai ai xả cốc
Bằng huyễn chiêm bao
Xẩy tỉnh giấc hòe
Châu rơi lã chã
Cốc hay thân huyễn
Chẳng khác phù vân
Vạn sự gai không
Tựa dường bọt bể
Đem mình náu tới
Cảnh vắng ngàn kia
Dốc chí tu hành
Giấy sồi vó vá
Lành người chăng chớ
Dữ người chăng hay
Ngậm miệng đắp tai
Hề chi họa cả
An thân lập mệnh
Thời tiết nhân duyên
Cắt thịt phân cho
Dầu là chim cá
Thân này chẳng quản
Bửa đói bửa no
Điạ thủy hỏa phong
Dầu là biến hóa
Pháp thân thường trụ
Phổ mãn thái hư
Hiển hách mục tiền
Viên dung lõa lõa
Thiền tông chỉ thị
Mục kích đạo tồn
Không cốc truyền thanh
Âm hưởng ứng dã
Phô người học đạo
Vô số nhiều hay
Trúc hóa nên rồng
Một hai là họa
Bởi lòng vờ vịt
Trổ Bắc làm Nam
Nhất chỉ đầu thiền
Sát na hết cả.

Kệ rằng:

Cảnh tịch an cư tự tại tâm
Lương phong xuy đệ nhập tùng âm
Thiền sàng thu dạ nhất kinh quyển
Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn câm.

Dịch nghĩa:
Cảnh lặng, sống yên, lòng tự tại
Gió mát thổi đến dưới bóng cây thông
Giường thiền ở dưới gốc cây, kinh một quyển,
Hai chử thanh nhàn quý hơn vạn nén vàng.
Dịch thơ:
“Sống yên giữa cảnh lặng lòng không
Gió mát hiu hiu lọt bóng thông
Dưới gốc, giờng thiền, kinh một quyển
Thanh nhàn hai chữ đáng muôn đồng”.
Huệ Chi dịch
Thơ văn Lý Trần tập 2 quyển Thượng trang 532-535

Bài Đắc Phú Lâm Truyền Thành Đạo Ca vô cùng tuyệt vời, ta có thể tạm diễn đạt theo ngôn ngữ bây giờ như sau:

Làm kiếp con người, luân hồi trôi nỗi, phiền não sông mê, chìm trôi biển khổ, có thân lại khổ vì thân.
Là họa hay phúc, do mình quyết định, khổ đau muôn mặt cuộc đời, lầm than lạc lối, tự làm tự chịu.
Ai mà biết được, mình sẽ ra sao, sống chết thế nào, họa làm tự chịu.
Hiểu được như thế, sống trọn làm sao, mới là giác ngộ,
Suy đi nghĩ lại, thấy biết thế nào, chấm dứt niềm đau, xã ly tham dục,
Ấy là trọn nên đạo quả, ta lại xá ta, đồng đẳng giác ngộ.
Đạt ý hết lòng, trọn nên thành quả, riêng mình một cõi, tự tại gió mây
Đắc chí cười vang, thênh thang muôn lối, dạo bước ta bà, thảm hoa trãi lối, cha chả là vui, tự mình hoan hỷ, tự mình thêm vui.
Công danh phú quý, bèo bọt mây trôi, sớm còn tối mất, có có không không, vướng lòng chi mệt.
Giàu sang cũng mặc, bệnh hoạn khổ đau, không chừa một ai, sao bằng nhẹ bước thong dong, chỉ cần biết đủ, từ bi ban trãi, xài mãi không hao.
Tần Hán quyền uy một thuở, tranh dành cướp đoạt, rồi cũng tan hoang, vô thường bước tới, thành trụ hoại không, có ai nghịch lại?
Chỉ cần vượt qua, mới là thông tuệ, mới là tròn đầy, mới là cao thâm, mới là tự tại.
Bằng lòng chấp nhận, nghiệp quả cưu mang, than thở làm chi, mệt tâm hao trí, đừng tạo đừng tác, mới là đích thị, hết khổ lại vui.
Tìm nơi ẩn trú, an thân lập mạng, huệ phước đong đầy, nơi nơi chốn chốn, mặc sức dọc ngang
Vắng lặng non cao, thâm sơn cùng cốc, giữ tâm bình lặng, đến chổ rốt ráo, cho dù sấm nổ, cho dù đất nghiêng, có gì mà sợ.
Nương mình cư ngụ, tự tánh thường hằng, bản thể tịch nhiên, tỏa hương lộng gió.
Tâm chủ tràn đầy, khách trần tự diệt, thẳng tiến non cao, nương nhờ tự thân hải đảo.
Chuyển đổi đồng hành, làm bạn với ta, phiền não bồ đề, không một chẳng hai, đồng hành cư độ.
Gió mây sưởi ấm, trăng tỏ ngàn sao, vằng vặc lung linh, soi đường dẫn lối, bạn bè thắm thiết, cùng nhau vượt qua, bờ mê bến giác, nẻo về thân thương.
Vui mừng hoan hỷ, mĩm cười đắc ý, vô cùng hỷ hỷ, lòng vui như hội, mở lối ngàn hoa, hoan hỷ cái mà hỷ hoan.
Vô sự thánh nhân, ở đời vui đạo, con người giải thoát, rong chơi mấy độ, luân hồi an nhiên, thảnh thơi nhẹ bước.
Dọn sạch thân tâm, trang nghiêm kính cẩn, báo đáp thâm ân, đền ơn Phật tổ
Đêm ngày phụng hiến, hương hoa tâm thành, lễ bái kính dâng.
Dốc lòng ngồi thiền, tụng kinh niệm Phật, tội từ vô thủy, đến tận hôm nay, thành tâm sám hối.
Cầu cho đất nước an yên, mưa thuận gió hòa, thánh quân an ổn.
Ba cõi luân hồi, (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) tới lui lẫn lộn, hết xuống lại lên, qua lại chưa dứt. Đáp đền bốn ơn, cha mẹ thầy tổ, bạn hiền hiểu biết, quốc gia xã hội, muôn loài chúng sanh.
Cúi xin nương nhờ, thân tâm an ổn, trãi lòng từ bi, phụng sự chúng sinh, dâng hiến cho đời, đóa hoa giác ngộ.
Cõi lòng trong sáng, tuệ giác hoa khai, tâm đăng thường chiếu, tỏ rõ muôn nơi.
Tánh giác viên thành, trí tuệ tỏa sáng, soi thấu nhân gian, đưa người bến giác.
Bặt hết âu lo, não phiền tắt lịm, không khởi phân biệt, lòng hết đắn đo.
Tranh dành chấp chặt, giành giựt hơn thua, khổ đau tìm tới.
Trần duyên buông bỏ, xả ly thảnh thơi, lòng nhẹ thân an.
Hơn thua chẳng màng, vứt bỏ thị phi, đêm ngày ngơi nghĩ.
Lòng sáng tâm an, thảnh thơi nhẹ gót.
Đêm ngày gọi mời, tuệ giác bừng lên, hào quang chiếu diệu, rạng tỏ muôn phương.
Thế sự thăng trầm, lòng không vương vấn, quẳng gánh lo xa, thường tại một cõi.
Chẳng bận đổi thay, vô thường biến diệt, đến đi chẳng màng, vốn dĩ như thế, có gì lo toan, thảnh thơi chân thường.
Lắng nghe thong thả, chân tâm tỏ bày, ngàn hoa khoe sắc, tha hồ thư thái, thần trí lung linh, ngàn sao lấp lánh.
Học hạnh chư Phật, bỏ tham sân si, quét sạch vô minh.
Niết bàn tịnh lạc, giác ngộ viên thành, cứu độ muôn loài.
Hát khúc vô sinh, không đến không đi, không còn không mất, chân thường vắng lặng, chẳng đến chẳng đi, bài ca giác ngộ, lối về muôn thuở, bất biến thường hằng.
Thảo am vắng lặng, cởi gió gọi mây, lòng trong tâm sáng.
Ai ai buông bỏ, giũ sạch trần lao, lòng như hư vô, thênh thang rộng mở.
Có không huyễn mộng, đến đi còn mất, tựa giấc chiêm bao.
Tỉnh giấc nam kha, vỡ mộng ta bà, tiếc thương rơi lệ.
Hiểu rõ thân nầy, như huyễn như sương, bọt bèo trôi nỗi.
Sớm còn tối mất, vô thường réo gọi, như mây tan hợp.
Tất cả đều không, có gì nắm bắt, đạt nghĩa giai không.
Lúc ẩn lúc hiện, giống như bọt nước, tan biến tức thì.
Tới lui an nghĩ, về với chân tâm, thường hằng tự tánh
Chọn nơi vô sự, gởi gấm tấm thân, nhẹ lòng không vướng,
Hết lòng trọn dạ, quyết chí tu mau, chấm dứt khổ đau, trăng thu vằng vặc.
Ăn mặc sơ sài, chỉ cần biết đủ, tha hồ hỷ hả.
Lành người cũng mặc, chẳng màng chẳng bận, lòng càng thảnh thơi, gót hài không vướng.
Xấu người chẳng hay, thị phi không biết.
Khóa miệng bịt tai, thấy nghe không tưởng.
Họa nào đến được, từ miệng hại thân, muôn sự do miệng, dệt thêu lắm chuyện.
Thân an mệnh vững, mới là biết tu, thoát khổ trầm luân.
Bốn mùa hoa lá, duyên tụ duyên đi, hết duyên hết nợ, có gì lo sợ.
Xẻ thịt cắt da, biếu cho muôn loài, tâm từ ban trãi.
Dù là chim cá, thí không thương tiếc, khởi niệm lạc an.
Lòng không o bế, tấm thân tứ đại, trả về với nó, chẳng tiếc chẳng vương.
Bửa đói bửa no, cũng xong một bửa, có gì tham đắm.
Đất nước gió lửa, kết hợp mà thành.
Biến hiện đổi thay, về với bốn thứ, là lẽ tự nhiên.
Chỉ khi nhận biết, pháp thân thường trụ, chấm dứt khổ đau, về miền tịch lặng.
Đầy khắp hư không, hằng sa phổ cập, thường tại như nhiên, an thân lập mạng.
Rõ bày trước mắt, thực tại nhiệm mầu, lồng lộng chân nguyên.
Tròn đầy viên mãn, phủ khắp càn khôn, soi tỏ muôn phương.
Ý chỉ thiền tông, rốt ráo chuyên cần, tâm linh chiếu diệu, khắp cùng hư không.
Nháy mắt đạo còn, truyền tâm ấn chứng, đạt ngộ tức thì.
Âm vang thông thoáng, tuệ giác tròn đầy, diệu âm vang vọng, dứt tuyệt càn khôn.
Học đạo đầy khắp, chạy theo phong trào, đánh trống khua chiêng, hét la ầm ỷ.
Vượt sóng vũ môn, cá chép hóa rồng, hạt gạo trên sàng, một lòng cầu đạo.
Tính tới tính lui, nắm được yếu chỉ, chẳng có là bao.
Bởi lòng còn vướng, mê muội chưa thông, nên mãi lông bông.
Chỉ Bắc trông Nam, tâm không ngừng lặng, trông chờ ngóng đợi.
Nhất chỉ đầu thiền, hết lòng thiền quán, hạnh nguyện tinh chuyên.
Sát na mất hết, vô thường cướp sạch, lại hoàn trắng tay.

Để cất lên được lời ca tiếng cười thanh thoát, hóa thành năng lực bi mẫn dưỡng nuôi thân tâm, thấy được sắc màu trần gian chỉ là huyễn mộng, trong ta phải có định lực vô cùng, sự trãi nghiệm thâm sâu nhập vào tánh giác thường tại. Để có được cuộc đời đáng yêu đáng sống, không lo sợ vô thường tước đoạt, không bị não phiền quấy nhiễu, đòi hỏi năng lực tu tập trong ta đủ đầy trọn vẹn, hạnh nguyện sâu dày tinh chuyên. Nhờ sự nhận biết rõ ràng, bản chất đích thật thường tại của các pháp, nên mới tự tại thong dong, sống giữa đời vui với đạo.

Vắng lặng lòng không tâm tự tại, “cảnh lặng, sống yên, lòng tự tại”.Còn đâu bờ mê lối mộng, não phiền đêm ngày gặm nhắm, đâu là tử sinh ảo ảnh, đâu là công danh phú quý, tranh dành tước đoạt, lên thác xuống ghềnh, chạy nhảy lăng xăng, vô thường lấn lướt? Tất cả khắc ghi trong lòng, chôn dấu vào tim, tìm phương vượt thoát, hay chỉ là hoa lá rụng bay, chợt đến chợt đi, tàn dư rơi rụng ngày về trú ngụ, giọt buồn giọt đắng thấm vào hồn rót vào tim.

Được và mất, có và không, đến và đi là những gọi mời hay là niềm khắc khoải âu lo, là những trôi nổi vô vàn hay chỉ là điểm dừng thoáng chốc. Tình cờ ghé thăm rồi lại rủ bỏ ra đi, tìm cách trốn chạy, đêm ngày trăn trở đau khổ lãng quên? Đâu đó, như những tắc ngang chết lịm chấm hết, như những vì sao rơi rụng, nhịp đập của thời không trên lối mòn tâm thức. Một chốc một dạo, đôi khi đã là nghìn trùng xa cách, mấy độ luân hồi, mấy dịp lạc loài, đầu sông cuối phố. Đâu đó, cơ cực lầm than khóc cười trên vạn nẻo. Làm sao để được thân an tâm ổn, cõi lòng vắng lặng nhẹ tênh, mới là ý đạo, mới là lối về, mới là lạc an hạnh phúc đích thực.

Khúc ca chứng đạo, vẫn miên man tuôn đổ, vẫn bàng bạc hương xưa, vẫn đưa người vượt sông mê bể khổ, vẫn nhắc nhở gởi trao lối về chốn cũ, tắm mát dòng nước thanh lương, dập tắc bao lửa phiền đốt cháy, thức tỉnh bao mộng mị, hằng mấy thế kỷ nay. Lời ca đong đầy trí tuệ ấy, đêm ngày dẫn đường soi lối cho ta, thoát khỏi màn đêm tăm tối, về với ánh sáng giác ngộ thường hằng. Khúc cùng tuyệt chứng đạo ấy, mở ra phương trời thong dọng tự tại, khiến cho ta cùng sánh bước hiên ngang lên đường chuyển hóa, đổi mới cuộc lữ.

Cùng nhau gõ nhịp hát khúc thinh âm, cùng nhau tiến bước xóa nhòa mê lộ ngăn chia. Cùng nhau thắp sáng tâm tư đẩy lùi vô minh, cùng nhau đi vào biển tuệ sống đời an nhiên. Cùng nhau trổi nhịp cất lời diệu âm, lên đường sáng soi bờ mê lối mộng. Cùng nhau hướng thiện đổi mới thăng hoa tìm về giải thoát, cùng nhau nối kết vòng tay thân thương, mở hội lên đường. Cùng nhau phá dẹp phiền não si mê, lầm than lạc lối, cùng nhau trở về tự tánh quang minh, thường hằng muôn thuở.

Hai câu cuối của bài thi kệ, ôi! tuyệt vời làm sao, thảnh thơi tự tại an lạc làm sao. Độc đáo nhất là thanh nhàn, chẳng vương vấn, chẳng bận lòng, chấm dứt mọi lo toan suy nghĩ, lặng yên bình thản, giữa biển đời trôi nỗi “Dưới gốc, giường thiền, kinh một quyển. Thanh nhàn hai chữ, đáng muôn đồng”.

Chừng đó cũng đủ, chỉ cần kinh một quyển, đêm ngày dụng công ra sức tu tập, cứ thế tự tại an lành, cứ thế mặc nhiên đất trời ấm lạnh, cứ thế bốn mùa hoa nở, cứ thế vô tung vô ảnh, nhẹ bước thong dong, về cõi chân thường vô sanh bất diệt.

Như Hùng




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/11/2023(Xem: 1076)
Đức Phật dạy trong Phật giáo có bốn hội chúng là chúng xuất gia (Tỳ kheo và Tỳ-kheo-ni) và chúng tại gia (nam nữ cư sĩ). Chúng xuất gia là trưởng tử của Như Lai, sống phạm hạnh nơi chốn thiền môn, bậc thầy mô phạm thay Như Lai giữ gìn và hoằng truyền giáo Pháp. Chúng tại gia tu tập ở nhà, làm lành tránh ác, bồi công tạo phước, hộ trì ngôi Tam bảo. Nhờ hai hội chúng này mà giáo pháp của Đức Thế Tôn xuất hiện cách đây hơn 2600 năm, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
06/11/2023(Xem: 2340)
Cáo Phó Tang Lễ Hòa Thượng Thích Thiện Huệ vừa viên tịch tại Chùa Long Thọ, Long Khánh, Đồng Nai
27/10/2023(Xem: 1306)
Hòa thượng pháp danh Trí Độ, hiệu Hồng Chân, thế danh Lê Kim Ba, sinh ngày 15 tháng 12 năm 1894 tại thôn Phổ Trạch, xã Kỳ Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Sinh ra trong một gia đình Nho học, lúc thiếu thời Ngài học chữ Nho và năm 18 tuổi học trường Sư phạm. Với sở học rất uyên thâm, và lòng mến mộ đạo Phật, Ngài đi sâu vào nghiên cứu giáo lý và trở thành một vị học Phật lỗi lạc. Năm 1920, Ngài bắt đầu giảng dạy Phật pháp tại Bình Định và là một trong những bậc đống lương cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại tỉnh nhà.
12/10/2023(Xem: 1350)
Sinh thời, Thầy có chí nguyện chuyên tu thiền định. Khởi đầu là phát tâm nhập thất tịnh tu tại núi rừng Vạn Giã, Khánh Hòa vào năm 1972. Những năm về sau, dù bộn bề Phật sự nhưng Thầy vẫn an nhiên với pháp hành thiền và các pháp tu tương hỗ khác. Trong phương châm giáo dục mà Thầy đã đề xuất, gồm Học lý – Quán chiếu – Tổ chức cũng phần nào biểu lộ chủ trương cân đối giữa pháp học và pháp hành. Thân mang bệnh duyên, sở tật thường đeo đẳng, nhưng nhờ tu tập tinh cần, Thầy đã vượt lên nỗi đau thân thể để chu toàn Phật sự.
18/09/2023(Xem: 1792)
Niềm vui sống đời dâng hiến (vần thơ kính mừng khánh tuế lần thứ 69 Hòa Thượng Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức Thích Thông Mẫn, 18/9/2023), Có thể… chính lối sống mình, làm thức tỉnh ? Bao người thoát ra giấc ngủ mê lầm Tự tin độc lập hơn với bản thân Vì cuộc đời không hề có những định luật, Cũng như giá trị một người không đo lường bằng tiêu chuẩn thiết lập !
04/08/2023(Xem: 2485)
Giáo lý Thượng Thừa (bài giảng của HT Thích Thanh Từ)
04/08/2023(Xem: 3636)
36- Tiểu Sử Ni Trưởng Thích Nữ Như Thanh (1911-1999)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567