Tham luận Hội Thảo “Cư Sĩ tâm Minh – Lê Đình Thám và những đóng góp với
Hội An nam Phật Học” tại Chùa Từ Đàm – Huế từ ngày 10&11/4/2019 (6,7/3 Kỷ Hợi
TÂM NGUYỆN THỨC THỜI & NIỀM TIN
VÀO THẾ HỆ TRẺ CỦA CƯ SĨ
BÁC SĨ TÂM MINH LÊ ĐÌNH THÁM
Với anh em chúng tôi, những người thuộc thế hệ kế thừa, sống và dấn thân cho lý tưởng Đạo Pháp – Dân Tộc trong các đoàn thể Thanh Niên Phật giáo, đặc biệt Gia Đình Phật Tử, Bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám – 1897 - 1969( Từ đây xin tạm gọi bằng Pháp danh Tâm Minh)_là một nhân sĩ trí thức Phật giáo tiêu biểu nửa đầu thế kỷ 20, đồng thời là một cư sĩ Phật tử tiêu biểu nhất tiền chấn hưng Phật giáo và nhất là một người anh cả trong giới trẻ tu học có xu hướng tiến bộ, biết vận dụng thời cơ để tạo dựng nền tàng sinh động cho Phật giáo trước ngưỡng cửa bước vào thời đại mới.(a)
Như chúng ta được biết, bác Tâm Minh vốn xuất thân trong một gia đình khoa bảng rạng rở, được trưởng thành trong cả hai nền giáo dục Nho học lẫn Tây học, nên trong rất nhiều hoạt động chuyên môn hay xã hội Bác Tâm Minh đều đạt được thành công nhất định theo sở nguyện. Điều này thêm ứng vào lời dạy của chư tôn cổ đức xưa nay rằng những con đường đến với tinh hoa Phật học có một lối tiếp cận nhanh và chính xác hơn cả đó là bằng chính tri thức, kiến thức sẵn có của mình.Thật vậy, Bác Tâm Minh đến với Phật đạo bằng ngõ Phật học qua lăng kính sở học của chính mình, không như các trường hợp qua ngõ tang gia hay biến động cuộc sống đưa đẩy. Đó là một ấn tượng của tri thức khi lần đầu , một người từng am tường Nho học và Tây học chạm phải bốn câu kệ của Lục Tổ Huệ Năng ( 638 – 713 ):
Bồ đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhá trần ai .
Đó là “bài test” đầu tiên, và là cánh cửa Phật học có dấu ấn rất lớn, rất đậm mang tính chất khẳng định cuộc đời đạo nghiệp của Bác Tâm Minh, được hé mở từ đây trong suốt quảng đời còn lại . Đó là năm Bính Dần ( 1926) khi bác là bác sĩ có trách nhiệm điều trị cho bệnh nhân ở Bệnh Viện Hội An ( Quảng Nam ). Trong thời gian vừa tiếp tục hoàn thành sở học, vừa lui tới các chốn Già Lam để thỉnh ý chỉ Phật pháp nới các chư tôn Hòa Thượng . Đáng kể hơn là Bác Tâm Minh đã lãnh hội ý nghĩa bài kệ trên của Lục Tổ Huệ Năng qua giảng luận, triển khai cặn kẻ của Hòa Thượng Giác Tiên ( 1880 – 1936 ) tại Trúc Lâm thiền tự.
Khi Tổng Hội An Nam Phật Học ra đời và mở đại hội tại Huế ngày 14.8.1938 thì Bác Tâm Minh đã chính thức có mặt trên hếu hết các chương trình hoạt động Phật giáo, hổ trợ tích cực cho chư tôn đức lãnh đạo đạt những thành tựu đáng kể.
Có thể khẳng định, sự tu học của Bác Tâm Minh là một sự tu học của dấn thân , mang nhiều hơi thở của thời thế. Dễ dàng nhận ra điểu này tại Đại Hội Tổng Hội An Nam Phật Học - Huế vừa nêu, Bác Tâm Minh đã có một đề xuất mạnh mẽ khi nghỉ đến con đường phát triển đạo mạch trong lâu dài bằng lực lượng kế thừa còn chưa được định hướng ở phía ngoài bốn tường rào trang nghiêm của các chốn Già Lam cổ kính.Đó là thế hệ trẻ. Bác nói “Không có sự thành tựu bền vững nào lại không nhắm tới hàng ngũ thanh thiếu niên. Họ là những người nối tiếp chúng ta trong ngày mai…”. Tinh thần này đã được thể hiện từ trong gia đình của mình mới chỉ sau 4 năm tiếp cận với Phật pháp; năm Canh Ngọ ( 1930 ) Bác Tâm Minh đã tổ chức làm lễ cưới cho con gái là bà Lê Thị Hoàng sánh duyên cùng ông Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm, Thừa Thiên- Huế. Đây là lễ cưới được tổ chức tại chùa đầu tiên của lịch sử Phật giáo Việt Nam chúng ta. Được biết từ trước đó cũng có nhiều mong muốn được làm như vậy với gia đình, cháu con mình của các bậc cư sĩ thiết tha với đạo pháp, nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại nơi ước muốn, có lẽ do còn nhiều e ngại từ nghi thức này bởi âm mưu đồng hóa Phật giáo với các hình thức mê tín dị đoan của các thế lực xấu còn chưa được xóa tan định kiến.(b). Trong một thời gian khá dài, sự kiện này chưa được các trang sử liệu Phật giáo chúng ta ghi nhận xứng đáng, mãi cho đến những năm gần đây mới lại tiếp tục được nhân rộng khắp nơi, khiến đã có lời ra tiếng vào bảo rằng Phật giáo chúng ta bắt chước (?) hết sức thiển cận ! Với cơ chế Giáo Hội hiện hành, lỗi này có lẽ phần lớn ở bộ phận thông tin truyền thông và Hoằng Pháp?
Nhưng lời tâm huyết và ước muốn sử dụng lớp trẻ vào trong khung cảnh tu học hay tạo lực lượng kế thửa của Bác Tâm Minh thể hiện rõ nhất , thành công nhất qua việc mạnh dạng đứng ra, trực tiếp chịu trách nhiệm với chư tôn lãnh đạo, thành lập Gia Đình Phật Hóa Phổ, tiền thân của Gia Đình Phật Tửngày nay. Đó là ngày Phật Đản mùng 8 tháng 4 năm Giáp Thân ( 30.04.1944 ) (c).Cũng là ngày Đại Hội TNPG tại rừng Quảng Tế - Huế. Những người tích cực hưởng ứng mong mỏi chính đáng của Bác Tâm Minh đầu tiên có các vị Phạm Hữu Bình, Đinh Văn Nam (d), Ngô Điền, Ngô Thừa , Võ Đình Cường, Đinh Văn Vinh, Nguyễn Hữu Quán, Nguyễn Khải, Lê Kiểm, Phạm Quy, Hoàng Ngọc Phu, Lê Đình Duy. Sau còn có thêm Ưng Hội, Trần Thông, Lâm Công Định.v…v…
Các Gia Đình Phật Hóa Phổ đầu tiên được thành lập là Gia Đình Tâm Minh ( do Bác Tâm Minh làm Phổ trưởng),Gia Đình Thanh Tịnh ( do Bác sĩ Tôn Thất Tùng là Phổ trưởng ), Gia Đình Tâm Lạc ( Do Phạm Quang làm Phổ trưởng), Gia Đình Sum Đoàn ( do Nguyễn Hữu Thiện là phổ trưởng)...
Cho đến năm Tân Mão ( 1951), Đại Hội Gia Đình Phật Hóa Phổtại chùa Từ Đàm, đã quyết định chính thức đổi tên thành Gia Đình Phật Tử Việt Namcho đến ngày nay.
Như vậy, từ đoàn thanh niên Phật giáo đức dục, chuyên quy tụ giới trẻ đến chủa tụng kinh đơn thuần đến Gia Đình Phật Hóa Phổ mang hơi hướng sinh hoạt năng nổ bên cạnh việc tu học cần thiết và khi đã phát triển thành tổ chức lớn Gia Đình Phật Tử, mang chút dáng vẻ của sinh hoạt hướng đạo sinh năng nổ, sinh động , từng giai đọan chuyển hóa không xa lắm chứng tỏ tính phổ cập xã hội trong tầm nhìn xa của Bác Tâm Minh rất kịp thời và luôn được các đạo hữu chung quanh hết lòng ủng hộ tiếp sức. Sự tin tưởng và tiếp sức này từng được diễn ra trong quá trình dấn thân phụng sự ngay từ lúc ban đầu, dùng tờ báo Viên Âm làm tiếng nói tri thức Phật học , hỗ trợ con đường hoằng hóa, canh tân Phật giáo. Số đầu tiên ra ngày 1/3/1933 cho đến 9 năm sau, tháng 5. 1944 đã chuyển giao cho đoàn Thanh Niên Phật Hóa Đức Dục quản lý và điều hành, bắt đầu từ số 48.
Với những đầu sách Bác Tâm Minh để lại cho chúng ta, đó không chỉ là những công trình nghiên cứu, dịch thuật mà còn là cả một gia tài theo từng bước đăng trình trong nẻo đạo, để lại cho đời. Ở đó còn nói lên được nhiều tâm tư , khúc nôi có khi chưa bày giải được cùng ai. Thí dụ bộ kinh Lăng Nghiêm.Đây là một công trình BácTâm Minh đã dày công dịch thuật và chú giải trong thờigian dài, được đăng tuần tự trên báo Viên Âm. Mãi đến năm 1961, khi Bác đang ở Hà Nội, đã chỉnhsửa hoàn tất và cho xuất bản tại chùa Quán Sứ. Gia đình bác đã cho tái bản và lưu hành rộng rãi ởmiền Nam(e).Ngoài bộ Kinh Lăng Nghiêm ra còn có các sách “Luật Nhơn Minh”, “Phật Học thường thức”, “ Bát Nhã tâm Kinh”, “Bát Thúc Qui Cú Tụng”, “Lịch Sử Phật giáo Việt Nam và Phật Tổ Thích Ca”, “Đại Thừa Khởi Tín Luận”.v…v…
Bên cạnh những công trình, hạnh nguyện to lớn dành cho đạo pháp, Bác Tâm Minh cũng không quên đặt nặng trách nhiệm của mình đới với quê hương đất nước, cụm từ mà xưa nay Bác Tâm Minh thường được nghe giáo huấn từ các chư tôn ân sư khả kính qua nền tảng Tứ Ân cao vọi của Phật giáo. Ngay khi khi chế tác đồng phục cho tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ - Gia Đình Phật Tử cụm từ này còn được thể hiện trên hai vai chiếc áo lam, với ý nghĩa người con Phật gánh vác trách nhiệm Đạo Pháp và Dân Tộc trên đôi vai của mình ( cầu vai ).Ngay cả chiếc nón của ngành Thiếu Nam đội trên đầu cũng gọi là “Nón Tứ Ân” với bốn múi nhọn được chỉnh đều xoay ngang phía trước ( gọi là” Mái Chùa “). Qua nghiên cứu lịch sử, chúng ta biết năm Bính Tuất ( 1946), khi cuộc cuộc chiến tranh của nhân dân ta chống thực Pháp vào giai đoạn quyết liệt, Bác Tâm Minh cùng người dân Huế tạm thời xuôi Nam, di tản về Quảng Nam, để chì một năm sau đó cho đến năm Kỷ Sửu ( 1949 ) làm chủ tịch Uỷ Ban Hành Chánh Kháng Chiến Miền Nam TrungBộ. Dù đang trong hoàn cảnh thuận nghịch thế nào, tư chất con nhà Phật trong Bác Tâm Minh vẫn luôn luân chảy trong huyết quản, luôn thể hiện và kế thừa tinh thần chấn hưng Phật giáo mạnh mẻ. Điển hình khi trong thời gian hoạt động vùng kháng chiến Liên Khu 5, Bác Tâm Minh tập họp một số đoàn viên của đòan Phật Học Đức Dục có mặt trong vùng, thành lập tổ chức “Phật giáo và Dân chủ mới” tại Bồng Sơn, Bình Định (e).
Cũng cần nên thẳng thắn nhìn nhận rằng, kể từ mùa hè năm Kỷ Sửu ( 1949), Bác Tâm Minh tạm biệt tất cả để cất bước lên đường ra đất Bắc. Hoàn cảnh chiến tranh , cách trở quan san, cách trở thông tin, Bác Tâm Minh trước hết dành phần lớn thời gia lưu trú tại đây , đem hết sức lực và trí tuệ của mình, hòa vào nhiệm vụ chung với đồng bào đất Bắc vừa lo xây dựng, vừa lo chống chọi với ngoại xâm, nên các mặt hoạt động dành cho đạo pháp rất ít. Tuy nhiên Bác Tâm Minh vẫn được nhà nước quan tâm và trọng thị. Trong đó đáng kể vào năm Bính Thân ( 1956 ) Nhà Nước đề cử Bác và H. T Thích Trí Độ ( 1894 – 1979 ) tham dự phái đoàn sang dự Đại Hội Phật Giáo Buddha Jayanti tại Ấn Độ.
Ngày Bác Tâm Minh nằm xuôi tay thuận thế vô thường cũng tại đất Bắc xôi này nhưng rất ấm lòng khi phước báu tích tụ, được chính H.T Thích Đôn Hậu ( 1905 – 1992 ) cận kề , trợ niệm rất chân thành và cảm động.Thọ 73 tuổi, 42 năm hết lòng phụng sự đạo pháp.
Tinh thần dấn thân nhiều mặt, phụng sự đạo pháp của Bác Tâm Minh, luôn được những thế hệ trẻ nối tiếp nhau bày tỏ lòng ngưỡng mộ , lấy làm bài học chung phấn đấu vươn lên , nên dưới con mắt các bạn Bác Tâm Minh luôn tươi trẻ nhiều mặt, luôn như người bạn đồng hành. Trong sinh hoạt, trong tu học, cái tên Tâm Minh Lê Đình Thám luôn sáng chói ở một góc trái tim . Cho nên danh xưng các kỳ trại, các khóa huấn luyện hay họp bạn quan trọng tên của Bác Tâm Minh luôn là chọn lựa hàng đầu đầy trân trọng.
Phật giáo Việt Nam chúng ta quả đã rất tự hào và hãnh diện khi còn có các bậc Cư Sĩ uyên thâm, thục hành pháp Phật chuyên cần, trong đó có một Bác Tâm Minh Lê Đình Thám mà hôm nay chúng ta đang cùng hội ngộ nơi đây nói lên tiếng nói tri ân và ngưỡng mộ tinh thần dấn thân phụng sự. Chúng ta tuy chưa dám ví các vị như một Duy Ma Cật thời đại nhưng trong chừng mực của sự cống hiến, thành tựu cũng như hành trì Phật pháp thì ý nghĩa đã gần như tương đồng một sự tôn vinh xứng đáng, muôn đời sau các thế hệ kế thừa hãy còn nhắc nhớ.
Thay Lời Kết
Bác Tâm Minh Lê Đình Thám để cho hàng hậu học chúng ta nhiều giá trị tinh thần to lớn, nhưng có lẽ hiện hữu, sinh động nhất, còn lại với Phật giáo Việt Nam hiện thời là một đoàn thể Gia Đình Phật Tử hùng mạnh , có đủ đầy giá trị lịch sử, điều lệ, nội quy tồn tải rất chặt chẽ. Đã có một thời gian dài, mỗi ngôi chùa đều có một đơn vị GĐPT, vì với nhận định ban đầu , nhìn vào ai cũng biết ngôi chùa đó có tinh thần Tâm Minh Lê Đình Thám, cầu tiến và tuân thủ giáo lệnh, dễ tạo ra thiện cảm với chung quanh. Đó là hình bóng của một người Phật tử - cư sĩ tiêu biểu đáng hãnh diện nhất của PGVN của thế kỷ 20. Những tưởng GĐPT – Giá trị tinh thần tiêu biểu của Bác Tâm Minh cũng đã đến hồi cáo chung với cụm từ rất đẹp hoàn thành nhiệm vụ khi sau năm 1975 tất cả đều gần như tê liệt hoàn toàn. May mắn sao,từ phước lực tự thân của tổ chức này, tại Đại Hội GHPGVN lần III ( Hà Nội 1992 ) GĐPT được đưa vào chương trình nghị sự . Không lâu sau đó, tháng 12 năm 1995 (Ất Hợi) Ban Tôn Giáo Chính Phủ ra thông tư số 01, chấp thuận cho GĐPT tái sinh hoạt trong nền tàng chung của GHPTVN. Được chấp thêm đôi cánh GĐPT từ đó đến nay phát triển không ngừng từ Bắc vào Nam.
Như chúng ta đã biết, phát triển từ tâm nguyện khi xưa của Bác Tâm Minh và những bậc cao tăng thức giã, Tổng Vụ Thanh Niên trước kia đã cho thành lập 7 Vụ chuyên ngành . Đứng đầu là GĐPT Vụ, Thanh Niên Phật Tử Vụ, Sinh Viên Phật Tử Vụ, Học Sinh Phật Tử Vụ, Thanh Niên Thiện Chí Phật Giáo Vụ và Hướng Đạo Phật giáo Vụ, rất đa dạng và phong phú về hình thái sinh hoạt, đáp ứng cho lựa chọn tu học của nhiều tầng lớp thanh niên. Ngày nay do điều kiện khách quan chỉ còn tồn tại mỗi tổ chức GĐPT, là hình ảnh, niềm tin cho các thế hệ trước kia gởi gấm sự tin tưởng của mình cho tiền đồ tươi trẻ của PGVN mai hậu. Và GĐPT phải chứng tỏ vai trò của mình, xứng đáng là hình ảnh đại diện cho 6 Vụ còn lại. Vậy nên nếu có sự bạc đãi hay hất hủi tổ chức còn lại này khác chi muốn xóa sạch công lao khó nhọc của Bác Tâm Minh và các bậc thức giã cùng thời , đã khổ công gầy dựng mới có ?
Ngay tại nơi đây, mái chùa Từ Đàm , nơi lưu giữ nhiều dấu ấn, bước chân của Bác Tâm Minh Lê Đình Thám, và là trái tim của cuộc đấu tranh trong tinh thần Bi- Trí- Dũng bất bạo động của PGVN năm 1963, lòng chúng tôi dâng lên niềm bồi hời, xúc động vô biên . Xin nguyện cầu Tam Bảo hằng thường gia hộ và hương linh Bác Tâm Minh Lê Đình Thám chứng minh khi tất cả đang hướng về những thành quả dành cho đạo pháp của Bác còn để lại hôm nay.
Dương Kinh Thành
( Trung Tâm Nghiên Cứu Phật Giáo Việt Nam )
Chú thích :
a) Bài tham luận được cố gắng thực hiện trên các nguồn sử liệu chắp vá từ nhiều nguồn khác nhau. Đặc biệt các nguồn từ tổ chức Gia Đình Phật tử.
b) Năm Tân Hợi ( 1973) Cố Hòa Thượng Viện Trưởng Thích Thiện Hoa ( 1918 – 1973) chính thức đặt tên cho lễ cưới ở chùa với tên gọi “Lễ Hằng Thuận”.
c) Lúc này khi chưa có Nghị Quyết của Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới vào năm Nhâm Thìn ( 1952) thống nhất tổ chức Lễ Phật Đản vào ngày rằm tháng tư hằng năm. PGVN là một thành viên của tổ chức này nên cũng thực hiện theo đúng tinh thần nghị Quyết đó. Do truyền thống từ xưa nên mỗi năm lễ Phật Đản ở VN được tính từ mùng 8 cho đến rằm tháng tư, được gọi là “tuần lễ Phật Đản”.
d) Tức cố H.T Thích Minh Châu ( 1918 – 2012 ), người đã trực tiếp soạn thảo ra các điều luật của GĐPT, được tuyên đọc trong các klhóa lễ thường kỳ sinh hoạt.
e) Theo Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX- tập I- Thích Đồng Bổn chủ biên , NXB Tôn Giáo 2017.