Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hòa thượng Thích Kế Châu (1922-1996)

21/11/201819:32(Xem: 8282)
Hòa thượng Thích Kế Châu (1922-1996)
ht thich ke chau
HÒA THƯỢNG
 

THÍCH KẾ CHÂU 
(1922 – 1996)

Hòa thượng Thích Kế Châu, pháp danh Không Tín, pháp tự Giải Thâm. Ngài họ Nguyễn, sinh năm Nhâm Tuất 1922 tại thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, trong một gia đình nho phong y học và thấm nhuần Phật giáo. Song thân Ngài là Phật tử thuần thành. Anh cả Ngài là Thiền sư Trí Diệu, học hạnh kiêm toàn, trụ trì và tịch tại chùa Phước Long, Tây Sơn, Bình Định.

Ngài tư chất thông minh, nội ngoại điển đều thông suốt, thế học; y học và võ thuật cũng đều thông suốt. Ngài sớm hiểu được lý đạo qua kinh điển, nhận chân được lẽ vô thường của cuộc đời, và phát ý chí xuất trần vững mạnh. Năm 14 tuổi (1936), được phép song đường, Ngài xin thế phát xuất gia với Quốc sư Phước Huệ tại Tổ đình Thập Tháp Di Đà, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, được Quốc sư ban pháp danh là Không Tín.

Kể từ đó, Ngài chăm lo học tập thiền môn, dốc chí tu trì Phật pháp. Vốn sẵn tính thông minh hiếm có học một hiểu mười, nên khi nghe Quốc sư lên lớp giảng dạy những bộ kinh Đại thừa, có đoạn Ngài đọc thuộc lòng không cần nhìn sách. Ngài còn trau giồi thêm Hán học : Tứ thư; Ngũ kinh; Thi văn; điển cố; thảy đều làu thông, và còn viết thạo cả bốn thư pháp: chân; thảo; lệ; triện, có thể sánh vai với các nhà bút thiếp lừng danh của Trung Quốc xưa nay.

Năm Nhâm Ngọ 1942, Ngài được phép đăng đàn thọ Đại giới tại giới đàn chùa Hưng Khánh do Hòa thượng Chí Bảo làm Đường đầu truyền giới. Ở giới đàn này, Ngài là Vĩ Sa di.

Năm Quý Mùi 1943, sau khi thọ giới, Ngài được Hòa thượng Bổn sư là Quốc sư Phước Huệ truyền pháp phái Sơn môn, Ngài đắc pháp với pháp tự Giải Thâm, hiệu là Kế Châu.

Năm Đinh Hợi 1947, với khả năng xuất chúng, Ngài được mời vào Giáo sư đoàn của Phật học đường Phật giáo Cứu quốc tỉnh Bình Định.

Năm Canh Dần 1950, Ngài được cung thỉnh trụ trì chùa Bảo Sơn, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Tại đây, Ngài kiết thất tu hành, hóa độ đông đảo quần chúng, và vận động tái thiết ngôi chùa trở nên trang nghiêm tú lệ hơn xưa.

Năm Mậu Tuất 1958, Ngài được chư tôn đức cử làm Giám đốc Phật học đường thuộc Giáo hội Tăng Già Bình Định. Cảm mến tài đức của Ngài, Hòa thượng Quy Thiện đã tặng Ngài bài thơ nhân lễ nhậm chức Giám đốc Phật học viện, trong đó có câu:

Bảo khí kết thành sơn thượng ngọc 
Kim luân tự hữu kế trung châu

Cùng thời gian này, Ngài khai sơn chùa Bảo Châu, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, sau đó Ngài giao lại cho đệ tử trụ trì.

Năm Quý Mão 1963, Ngài tham gia phong trào chống chính sách kỳ thị tôn giáo, đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm và được mời vào Ban lãnh đạo Phật giáo Bình Định.

Năm Ất Tỵ 1965, khi Hòa thượng Thích Huê Chiếu, trụ trì Tổ đình Thập Tháp – pháp huynh của Ngài viên tịch, chư tôn đức trong Sơn môn đã suy cử Ngài kế thừa trụ trì Tổ đình. Từ đấy, Ngài bắt đầu ra sức chỉnh trang mọi mặt, đưa Tổ đình trở thành một chốn thiền môn sinh hoạt có quy củ nghiêm tịnh.

Cùng trong năm này, Ngài được Tăng Ni, Phật tử tín nhiệm suy cử làm Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Bình Định. Và từ đây đến cuối đời, Ngài là vị lãnh đạo đứng đầu của Phật giáo Bình Định, hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà chuyên tâm tu học.

Năm Đinh Mùi 1967, Tổ đình Thập Tháp Di Đà dưới sự hướng dẫn của Ngài mỗi lúc càng thêm khởi sắc. Vì thế Ngài bắt tay xây dựng lại khu Đông đường làm nơi tiếp khách thập phương về chiêm bái Tổ đình và làm nơi giảng dạy cho Tăng chúng khắp nơi quy tụ về học tập.

Năm Mậu Thân 1968, để kế vãng khai lai, tục Phật huệ mạng, Ngài tổ chức khai Đại giới đàn tại chùa Long Khánh, thành phố Qui Nhơn. Ngài làm Chánh chủ đàn trong giới đàn này.

Năm Kỷ Dậu 1969, Ngài đứng ra trùng tu khu vườn tháp Tổ, theo thời gian và do chiến tranh đã dần bị hư hoại. Sau đó, Ngài cho xây dựng tường rào bao bọc toàn bộ khuôn viên Tổ đình cho thêm phần khang trang nghiêm tịnh.

Năm Canh Tuất 1970, Ngài thành lập Phật học viện Phước Huệ chuyên khoa Trung đẳng Phật học tại Tổ đình Thập Tháp, do Ngài làm Giám viện. Tăng chúng các nơi trong và ngoài tỉnh tựu về tu học hơn 100 vị. Ban Giáo thọ gồm chư vị : Hòa thượng Giác Tánh, Tâm Hoàn, Giác Ngộ, Bửu Quang; chư Thượng tọa : Đồng Từ; Tâm Hiện. Trường hoạt động cho đến năm 1975 thì giải tán. (xem hình bên dưới).

Năm Nhâm Tuất 1982, sau khi Phật giáo cả nước thống nhất về một mối, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngài được toàn thể Tăng Ni, Phật tử suy cử vào chức Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Nghĩa Bình.

Năm Đinh Mão 1987, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ II, Ngài được Đại hội suy cử làm Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Năm Kỷ Tỵ 1989, nhằm tục Phật huệ đăng, truyền trì chánh pháp. Ngài cùng chư tôn đức tỉnh nhà tổ chức Đại giới đàn Nguyên Thiều tại chùa Long Khánh, Qui Nhơn. Ngài được cung thỉnh làm Đàn chủ giới đàn này.

Năm Giáp Tuất 1994, Ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng trong Đại giới đàn Phước Huệ, tổ chức tại chùa Long Khánh, Qui Nhơn.

Năm Ất Hợi 1995, Ngài mở cuộc đại trùng tu Tổ đình Thập Tháp. Công việc đang tiến hành dở dang thì Ngài sau một cơn bệnh nhẹ, đã thu thần viên tịch vào ngày mùng 5 tháng Chạp năm Ất Hợi, nhằm ngày 24 tháng 1 năm 1996, trụ thế 75 năm, với 55 Hạ lạp. Trước khi viên tịch, Ngài có chấp bút đề một bài kệ phú pháp để lại cho môn đồ đệ tử như sau :

Pháp tánh bổn lai tịch 
Diệu dụng thỉ kiến công 
 Ngã kim phú pháp nhữ 
Pháp pháp tự tánh trung.

Trong suốt quảng đời hành đạo, Ngài đã có công khai sơn những ngôi chùa : Thừa Ân ở Pleiku, Viên Thông ở Tây Sơn-Bình Định; Bảo Hoa ở An Nhơn-Bình Định; Bảo Lâm, Bảo Quang, Bảo Giác ở Long Khánh-Đồng Nai.

Ngoài việc hoằng dương Phật pháp, đào tạo Tăng tài. Ngài còn là một thi nhân, một văn sĩ được nhiều người mến mộ. Thi pháp, liễn đối của Ngài hiện diện khắp nơi tại các tự viện trong và ngoài tỉnh. Các văn nhân, thi sĩ nổi danh đều tìm đến luận bàn văn chương thi phú với Ngài.

Ngài còn để lại cho cuộc những tác phẩm :

- Bách Thành Yên Thủy của Phật Quốc Thiền sư (dịch và tác thơ) 
- Thập Mục Ngưu Đồ Tụng (dịch và tác thơ) 
- Long Bích thi tập I và II 
- Kim Cang Nghĩa Mạch (dịch) 
- Kim Cang Trực Sớ (dịch) 
- Di Đà Giảng Thoại (dịch)

Vài hình ảnh 
lễ Khai giảng Phật Học Viện Phước Huệ tại Tổ Đình Thập Tháp
ngày 20-2-1970





Phat hoc vien Phuoc Hue tai Binh Dinh_20_2_1970 (1)Phat hoc vien Phuoc Hue tai Binh Dinh_20_2_1970 (2)Phat hoc vien Phuoc Hue tai Binh Dinh_20_2_1970 (3)Phat hoc vien Phuoc Hue tai Binh Dinh_20_2_1970 (4)Phat hoc vien Phuoc Hue tai Binh Dinh_20_2_1970 (5)Phat hoc vien Phuoc Hue tai Binh Dinh_20_2_1970 (6)Phat hoc vien Phuoc Hue tai Binh Dinh_20_2_1970 (7)Phat hoc vien Phuoc Hue tai Binh Dinh_20_2_1970 (8)Phat hoc vien Phuoc Hue tai Binh Dinh_20_2_1970 (9)Phat hoc vien Phuoc Hue tai Binh Dinh_20_2_1970 (10)

Photo Sources: Tổ Đình Long Khánh, Quy Nhơn &  FB Truong Phuc Nguyen 


ht thich ke chau 2Chân dung cố Hòa thượng Thích Kế Châu


Hoa sen trong lửa

Tác giả : HT. Thích Kế Châu

Chân dung cố Hòa thượng Thích Kế Châu, ảnh TT Chân dung cố Hòa thượng Thích Kế Châu, ảnh TT
Nhân loại ơi !

Suốt đau khổ trong những mùa ly loạn,
Thịt xương người chồng chất bấy nhiêu rồi.
Dân tộc ơi !
Và đây hố hầm kỳ thị,
Đã lấp vùi bao máu chảy đầu rơi !
Gớm ghê thay những bàn tay ác quỷ,
Mượn bạo tàn mà giết chết giống nòi !
Người Phật giáo,
Chẳng động chẳng bạo.
Tín đồ và tăng sĩ,
Dù có chết cũng vì yêu chân lý,
Vùng đứng lên tự nguyện giết mình thôi.
Hỡi Quảng Đức !
Ngài là hiện thân cao cả,
Từ – Bi – Hỷ – Xả…
Thương nhân loại quần sanh.
Khởi Trí, Dũng, hy sinh,
Bảo tồn chánh pháp,
Phụng sự hòa bình.
Ngài bước đi lời thệ nguyện vang rền.
Sáu nẽo luân hồi,
Ba nghìn thế giới,
Đều nghiêng mình nức nở.
Ngài nhập định cho cõi lòng kiên cố,
Cho lửa định bừng đỏ,
Để hòa quang cùng ngọn lửa ngoài mình,
Đốt, đốt cho tan nhục thể
Kết một khối tâm linh.
Từ đây khắp nẻo vô minh
Bừng cơn ác mộng, đượm tình thân yêu
Huyền diệu thay !
Bậc “xuất trần thượng sĩ”
Với đời tội ác
Hiện thân Bồ tát
Như hoa sen trong ngọn lửa đào.
Lửa dữ hóa thành Tam muội.
Trong lửa mà mát
Dù hình hài cháy nát
Còn qua tim bất diệt nhiệm mầu.
Một hòn “như ý Bảo-châu”
Thế nhân tăm tối ngàn thu chói ngời !
Ôi ! thế gian cũng là ngôi nhà lửa
Lửa sân si ngụt ngụt tận cung trời,
Lửa dục, lửa tham và nhiều nữa,
Tất cả đều lửa, lửa…
Đốt “thế gian ba cõi” cháy tơi bời !
Có hay chăng ai ơi !
Đang khi mở mắt lửa thui ngang mày.
Lửa Tam muội lại chuyền nhau thêm cháy
Loài ma vương đổ gãy lâu đài,
Càng bùng lên càng rực trời đạo lý
Thành những đèn “vô tận” chiếu đêm dài.
Ôi ! Hào quang linh thiêng.
Tất cả chúng con,
Xa gần đây đó,
Với nỗi oan khiên,
Tâm hồn sáng tỏ,
Và cầu nguyện cho người người sáng tỏ.
Thấy đời khổ,
Mà lăn vào cứu khổ,
Độ người và tự độ khỏi trầm luân.
Như hoa sen trong lửa,
Cháy rần rần…
Bát ngát tỏa :
Mùi hương giải thoát
Nam mô Đại hùng, đại lực
Quảng Đức Bồ Tát
Xin chứng giám lòng thành:
Nguyện cùng pháp giới chúng sanh
Đời đời gội ánh quang minh Đạo vàng.
(Mùa pháp nạn 1963)



thapthap-1.gif

Chùa Thập Tháp Di Đà-Bình Định



Chùa Thập Tháp Di Đà tọa lạc ở thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Theo quốc lộ I từ Quy Nhơn ra Quảng Ngãi, qua khỏi thị trấn Đập Đá, đến cầu Vạn Thuận, có con đường bên trái khoảng 200m dẫn vào chùa.  

 Tên chùa “Thập Tháp” là nguyên trước đây trên khu đồi này có 10 ngôi tháp Chăm, sau bị sụp đổ. Tên “Di Đà” là danh hiệu đức Phật giáo chủ cõi Cực lạc. Di Đà cũng có nghĩa là lý tánh, bản giác của chúng sinh. Tập hợp các ý nghĩa trên, tổ đình mang tên Thập Tháp Di Đà Tự.

 Chùa tổ đình Thập Tháp Di Đà gắn với tên tuổi vị khai sơn là Thiền sư Nguyên Thiều. Nhiều tư liệu ngày nay cho biết Ngài họ Tạ, tự là Hoán Bích, người huyện Trình Hương, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ngài sinh năm Mậu Tý (1648), năm 19 tuổi xuất gia ỏ chùa Báo Tự. Năm 1677, Ngài theo thuyền buôn của người Trung Quốc đến phủ Quy Ninh, nay thuộc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 28 km, dựng thảo am thờ Phật A Di Đà. Năm 1683, chùa đã dùng gạch đá của 10 ngôi tháp đổ dựng lên ngôi chùa.

 Chùa đã trải qua 16 đời truyền thừa với nhiều vị thiền sư danh tiếng như:  Thiền sư Liễu Triệt, Thiền sư Minh Lý, Thiền sư Phước Huệ … Thiền sư Phước Huệ đã được tôn làm Quốc sư. Ngài đã được mời vào giảng kinh trong hoàng cung nhà Nguyễn từ đời vua Thành Thái đến vua Bảo Đại, và giảng dạy Phật pháp ở Phật học đường Trúc Lâm và Tây Thiên (Huế) từ năm 1935.

 Từ ngoài vào, đi dọc theo hồ sen đến cổng chùa, đó là hai trụ biểu vuông cao, trên đặt hai tượng sư tử ngồi uy nghi, nối một vòng cung, phía trên có gắn hai chữ "Thập Tháp". Sau cổng là tấm bình phong, mặt đắp nổi long mã phù đồ đặt trên bệ chân quỳ.

 Chùa kiến trúc theo kiểu chữ “Khẩu”; gồm ngôi chánh điện, đông đường (giảng đường), tây đường (nhà Tổ) và nhà phương trượng.

   Ngôi chánh điện do Thiền sư Liễu Triệt cho trùng kiến vào năm 1749. Ngôi chánh điện ngày nay mái thẳng, lợp ngói âm dương, trên nóc có lưỡng long tranh châu. Phật điện được bài trí tôn nghiêm, chính giữa thờ tượng Tam Thế Phật, Chuẩn Đề, Ca Diếp, A Nan; khám thờ Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng đặt hai gian hai bên điện Phật; hai vách tả hữu đặt tượng Thập Bát La Lán, tượng Thập Điện Minh Vương, Hộ Pháp, Tổ sư Đạt Ma và Tổ sư Tì Ni Đa Lưu Chi. Hầu hết các tượng thờ đều được tạc vào thời Thiền sư Minh Lý trụ trì (1871-1889).

Chùa đã được chúa Nguyễn Phúc Chu ban tấm biển "Sắc Tứ Thập Tháp Di Đà Tự" treo giữa cửa chính ngôi chánh điện, Hòa thượng Mật Hoằng trùng khắc lại năm 1821. Đại hồng chung (đúc năm 1893) và trống lớn được đặt ở hai đầu hành lang.

Phía sau chánh điện có tấm bia ghi bài minh Sắc tứ Thập Tháp Di Đà Tự bi minh do cư sĩ Dương Thanh Tu biên soạn, Hòa thượng Minh Lý lập năm 1876.

Nhà phương trượng nằm sau ngôi chánh điện do Quốc sư Phước Huệ cho xây vào năm 1924. Nhà Tổ ở phía Nam, nối ngôi chánh điện và nhà phương trượng, thờ Tổ khai sơn Nguyên Thiều và chư vị trụ trì, chư Tăng quá cố và chư Phật tử quá vãng. Đối diện nhà Tổ là giảng đường, ở đây có bảng gỗ ghi bài "Thập Tháp Tự Chí" do Thị giảng Học sĩ phủ An Nhơn Võ Khắc Triển soạn năm 1928, ghi lại lịch sử khai sáng, quá trình xây dựng và truyền thừa của ngôi tổ đình Thập Tháp.

Đặc biệt, Báo Bình Định cho biết, chùa còn lưu giữ 2.000 bản khắc gỗ dùng in kinh Di Đà sớ sao, Kim Cang trực sớ, Pháp Hoa khóa chú ... Bộ Đại Tạng Kinh do Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ cúng dường còn 1.200 quyển kinh, luật, luận và ngữ lục. Chùa còn lưu giữ  bộ Đại Tạng Kinh Cao Ly và bộ Đại Tạng Kinh Đài Loan.

Vườn tháp Tổ nằm ở phía Bắc với 20 ngôi tháp cổ kính an trí nhục thân của các vị trụ trì và chư tôn túc trong chùa. Sau chùa, còn có tháp Bạch Hổ và tháp Hội Đồng

Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.  Chùa Thập Tháp Di Đà là ngôi tổ đình danh tiếng vào bậc nhất ở miền Trung.

thapthap-1.gif

Toàn cảnh chùa

thapthap-2.gif

Cổng chùa

thapthap-3.gif

Mặt tiền chùa (xưa)

thapthap-4.gif

Mặt tiền chùa

thapthap-6.gif

Điện Phật

thapthap-7.gif

 Tượng Hộ Pháp

thapthap-8.gif

Bộ tượng Thập Bát La Hán thế kỷ XIX

thapthap-9.gif

Vườn tháp



Bài và ảnh : Võ Văn Tường



 

Ý kiến bạn đọc
22/11/201806:49
Khách
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
Kính gởi Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng chủ nhiệm trang quangduc.com.
Con rất vui mừng và hân hạnh khi Thượng Tọa đăng tiểu sử của nhị vị Hòa Thượng Thích Tâm Hoàn và Thích Kế Châu dưới tiểu sử đính kèm hình ảnh ngày khai giảng Phật học viện Phước Huệ trên trang nhà quangduc, một trang website Phật Giáo đem lại nguồn tinh thần rất lớn cho đại chúng, trong đó có con cũng thường cập nhật.
Kính thưa Thượng Tọa sở dĩ có được những hình ảnh ngày khai giảng đó là xuất xứ từ FB Truong Phuc Nguyen. Trên nick FB Truong Phuc Nguyen con có lời ngỏ những hình ảnh này là từ nơi lưu trử lưu niệm của Hòa Thượng Thích Tâm Hoàn, vì con có lời phát nguyện làm video phim tư liệu về Ngài nên được Hòa Thượng Thích Nguyên Phước đương kim Viện chủ Tổ Đình và Thầy Thích Quảng Dũng trao cho tư liệu để scan sao chụp lại bảng gốc hiện giờ con đang giữ. Trong lời ngỏ đó con cũng mạn phép chư Tôn Đức vì hình ảnh có tính đại chún nên con chia sẻ lên để mọi người cùng chiêm ngưỡng.
Nay con vào trang quangduc thì thấy những hình ảnh trên do nguồn từ TT Nhuận Chơn cung cấp là không đúng mong Thượng Tọa đính chính lại cho. Sở dĩ con có lời thưa cùng Thượng Tọa là vì từ nơi Tổ Đình Long khánh tin tưởng giao cho con mà giờ nguồn tư liệu xuất xứ không đúng nên con cũng ngại là có sự phiền trong đó không. Mong Thượng Tọa hoan hỷ chỉnh sửa lại cho là Nguồn tư liệu xuất xứ từ Tổ Đình Long Khánh Quy Nhơn. Nếu thêm nữa do FB Truong Phuc Nguyen chia sẻ không để cũng được vì tâm nguyện con là tập hợp hình ảnh để làm phim tư liệu và chia sẻ cho mọi người cùng chiêm ngưỡng chứ không vì mục đích gì khác. Xin cảm ơn Thượng Tọa.
NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/03/2013(Xem: 5798)
Nói đến thơ và nền Triết Học lưu xuất từ Tư Tưởng Phật học Tánh Không hay một Triết lý phiêu bồng từ Đông sang Tây của thế tục đế, hầu như đã được tồn đọng trong con người gầy guộc, nhỏ nhắn, dáng dấp phiêu diêu, lãng đãng như sương sớm, mây chiều.
29/03/2013(Xem: 5590)
Những năm tháng dùi mài kinh điển trong các tự viện để thể nhập Phật học huyền vi, u hiển, một thời nào đó đã lầu thông giáo lý cao siêu giải thoát, hướng thân lập mệnh trên con đường giác ngộ, để rồi hôm nay là thành quả hiển nhiên có được tận cùng tâm hồn sâu thẳm mà Thầy đang phô diễn như ý nghĩa cao siêu của Đại Bi Tâm.
29/03/2013(Xem: 5866)
Đây là chủ đề bài thuyết trình của diễn giả Nguyên Siêu, tác giả 650 trang sách trong tác phẩm “Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ, Và Phương Trời Mộng” tập 1 và tập 2 vừa hoàn thành và được chính thức ra mắt tại hội trường của Hiệp Hội Người Việt tại San Diego, miền Nam California.
29/03/2013(Xem: 12065)
Tôi người Quảng Bình, 1 trong 3 nơi mà Huyền Trân công chúa mới đáng là thành hoàng. Tổ tiên gốc người Hải dương, 4 cha con cùng có mặt trong đạo quân tiếp quản Quảng Bình, rồi định cư ở 3 làng. Thuận Lý là con trưởng, kế đó, Phương Xuân là con thứ 2. Diêm điền, làng tôi, là nơi Tổ của làng tôi cùng con út định cư.Làng tôi cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng bình chỉ có chừng 600 mét đường chim bay.
27/03/2013(Xem: 12030)
Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư, Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 01 (2007, Canada) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 02 (2008, Hoa Kỳ) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 03 (2019, Hoa Kỳ) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 04 (2010, Đức) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 05 (2011, Pháp) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 06 (2012, Úc) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 07 (2013, Hoa Kỳ) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 08 (2014, Úc) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 09 (2015, Pháp) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 10 (2016, Canada) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 11 (2018, Pháp) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 12 (2020, Úc)
18/03/2013(Xem: 6386)
Viện Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn, thủ đô miền Nam Việt Nam, trước năm 1975 là một trung tâm văn hóa Phật giáo nổi tiếng lừng lẫy. Nơi đây đã quy tụ biết bao hào kiệt trượng phu, biết bao tao nhân mặc khách, biết bao giáo sư, triết gia cự phách thượng đẳng. Đặc biệt là các thiên tài xuất chúng siêu việt như Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, nổi bật nhất là Bùi Giáng, một thi sĩ kỳ dị, xưa nay chưa từng thấy xuất hiện trên bầu trời văn nghệ Việt Nam và thế giới.
11/03/2013(Xem: 7072)
Lê Quý Đôn (1726-1784) là một danh sĩ, nhà văn hóa, sử gia, sống vào đời Hậu Lê. Ông không những ba lần thi đều đỗ đầu, kinh qua nhiều chức quan, đã từng đi sứ sang Trung Quốc, mà còn là một nhà bác học, đã để lại một gia tài đồ sộ bao gồm khoảng 16 tác phẩm và nhiều thơ, phú bằng chữ Nôm khác. [1] Trong số những tác phẩm ấy, có Kiến văn tiểu lục, [2] là một tác phẩm dành riêng quyển 9 – thiên Thiền dật, để viết về Phật giáo và Thiền tông Phật giáo Việt Nam, chủ yếu là những vị Tổ thuộc Thiền phái Trúc lâm. Trong bài viết ngắn này, chúng ta thử chỉ tìm hiểu quan điểm của Lê Quý Đôn về Phật giáo, mà không bàn sâu đến phần Thiền tông Việt Nam mà ông đã chép.
21/02/2013(Xem: 7640)
Hòa thượng Thích Tâm Giác, thế danh là Trần Văn Mỹ, sinh năm 1917 tại tỉnh Nam Định, thân phụ là cụ ông Trần Văn Quý, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Suôi. Ngài là con trai thứ hai trong gia đình gồm hai trai một gái. Ngài sinh trưởng trong một gia đình Nho phong. Thân phụ Ngài tinh thông Hán học. Cả hai ông bà lại rất thâm tín Phật pháp. Do đó, Ngài được hấp thụ ngay từ thuở ấu thơ hai nền văn hóa cổ truyền của dân tộc là Khổng giáo và Phật giáo.
19/02/2013(Xem: 9069)
Mới đây các nhà khảo cổ Mỹ và Canada đưa ra chứng cứ cho rằng Phật giáo đã được truyền vào Mỹ trước khi ông Columbus tìm ra châu Mỹ. Tuy nhiên, theo các tài liệu có được hiện nay thì Phật giáo chỉ thật sự có mặt tại Mỹ sau kỳ Đại hội Tôn giáo Thế giới tổ chức tại bang Chicago vào năm 1893. Nhưng ai là người có công truyền bá và làm lớn mạnh "hạt giống Bồ đề" trên đất Mỹ? Trong bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu một số nhà sư cư sĩ người châu Á, những người tiên phong có công đặt nền móng xây dựng ngôi nhà chánh pháp trên đất Mỹ.
10/02/2013(Xem: 10398)
Từ những con người bình thường, không được sinh ra ở cung vàng điện ngọc, nhưng rồi trở thành những vị vua anh minh tài kiêm văn võ, tư tưởng và nhân cách cao siêu, mãi còn đọng lại với thời gian. Dù sống ở hoàng cung nhưng tâm lúc nào cũng vượt thoát, làm bậc đế vương nhưng hạnh vẫn là một sơn Tăng, ưa vui với gió nội mây ngàn, thở nhịp cùng đất trời nhân gian cây cỏ. Để rồi trở thành những người con Phật vĩ đại, trí tuệ và công hạnh thắm đượm cả không gian, thức tỉnh chúng ta trên bến bờ sinh tử của mê ngộ, đậm nét trong lòng người đến tận hôm nay. Bồ Tát Lương Võ Đế ( 463-549 ) của Trung Hoa và Trần Thái Tông ( 1218-1277) của Việt Nam, dù ở hai phương trời xa cách, sinh ra ở hai thời điểm khác nhau, nhưng cùng chung một tấm lòng, mang an lạc thịnh vượng đến cho nhân dân, và một hạnh nguyện chuyển hoá cứu độ quần sanh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]