HÒA THƯỢNG
THÍCH KẾ CHÂU
(1922 – 1996)
Hòa thượng Thích Kế Châu, pháp danh Không Tín, pháp tự Giải Thâm. Ngài họ Nguyễn, sinh năm Nhâm Tuất 1922 tại thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, trong một gia đình nho phong y học và thấm nhuần Phật giáo. Song thân Ngài là Phật tử thuần thành. Anh cả Ngài là Thiền sư Trí Diệu, học hạnh kiêm toàn, trụ trì và tịch tại chùa Phước Long, Tây Sơn, Bình Định.
Ngài tư chất thông minh, nội ngoại điển đều thông suốt, thế học; y học và võ thuật cũng đều thông suốt. Ngài sớm hiểu được lý đạo qua kinh điển, nhận chân được lẽ vô thường của cuộc đời, và phát ý chí xuất trần vững mạnh. Năm 14 tuổi (1936), được phép song đường, Ngài xin thế phát xuất gia với Quốc sư Phước Huệ tại Tổ đình Thập Tháp Di Đà, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, được Quốc sư ban pháp danh là Không Tín.
Kể từ đó, Ngài chăm lo học tập thiền môn, dốc chí tu trì Phật pháp. Vốn sẵn tính thông minh hiếm có học một hiểu mười, nên khi nghe Quốc sư lên lớp giảng dạy những bộ kinh Đại thừa, có đoạn Ngài đọc thuộc lòng không cần nhìn sách. Ngài còn trau giồi thêm Hán học : Tứ thư; Ngũ kinh; Thi văn; điển cố; thảy đều làu thông, và còn viết thạo cả bốn thư pháp: chân; thảo; lệ; triện, có thể sánh vai với các nhà bút thiếp lừng danh của Trung Quốc xưa nay.
Năm Nhâm Ngọ 1942, Ngài được phép đăng đàn thọ Đại giới tại giới đàn chùa Hưng Khánh do Hòa thượng Chí Bảo làm Đường đầu truyền giới. Ở giới đàn này, Ngài là Vĩ Sa di.
Năm Quý Mùi 1943, sau khi thọ giới, Ngài được Hòa thượng Bổn sư là Quốc sư Phước Huệ truyền pháp phái Sơn môn, Ngài đắc pháp với pháp tự Giải Thâm, hiệu là Kế Châu.
Năm Đinh Hợi 1947, với khả năng xuất chúng, Ngài được mời vào Giáo sư đoàn của Phật học đường Phật giáo Cứu quốc tỉnh Bình Định.
Năm Canh Dần 1950, Ngài được cung thỉnh trụ trì chùa Bảo Sơn, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Tại đây, Ngài kiết thất tu hành, hóa độ đông đảo quần chúng, và vận động tái thiết ngôi chùa trở nên trang nghiêm tú lệ hơn xưa.
Năm Mậu Tuất 1958, Ngài được chư tôn đức cử làm Giám đốc Phật học đường thuộc Giáo hội Tăng Già Bình Định. Cảm mến tài đức của Ngài, Hòa thượng Quy Thiện đã tặng Ngài bài thơ nhân lễ nhậm chức Giám đốc Phật học viện, trong đó có câu:
Bảo khí kết thành sơn thượng ngọc
Kim luân tự hữu kế trung châu
Cùng thời gian này, Ngài khai sơn chùa Bảo Châu, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, sau đó Ngài giao lại cho đệ tử trụ trì.
Năm Quý Mão 1963, Ngài tham gia phong trào chống chính sách kỳ thị tôn giáo, đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm và được mời vào Ban lãnh đạo Phật giáo Bình Định.
Năm Ất Tỵ 1965, khi Hòa thượng Thích Huê Chiếu, trụ trì Tổ đình Thập Tháp – pháp huynh của Ngài viên tịch, chư tôn đức trong Sơn môn đã suy cử Ngài kế thừa trụ trì Tổ đình. Từ đấy, Ngài bắt đầu ra sức chỉnh trang mọi mặt, đưa Tổ đình trở thành một chốn thiền môn sinh hoạt có quy củ nghiêm tịnh.
Cùng trong năm này, Ngài được Tăng Ni, Phật tử tín nhiệm suy cử làm Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Bình Định. Và từ đây đến cuối đời, Ngài là vị lãnh đạo đứng đầu của Phật giáo Bình Định, hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà chuyên tâm tu học.
Năm Đinh Mùi 1967, Tổ đình Thập Tháp Di Đà dưới sự hướng dẫn của Ngài mỗi lúc càng thêm khởi sắc. Vì thế Ngài bắt tay xây dựng lại khu Đông đường làm nơi tiếp khách thập phương về chiêm bái Tổ đình và làm nơi giảng dạy cho Tăng chúng khắp nơi quy tụ về học tập.
Năm Mậu Thân 1968, để kế vãng khai lai, tục Phật huệ mạng, Ngài tổ chức khai Đại giới đàn tại chùa Long Khánh, thành phố Qui Nhơn. Ngài làm Chánh chủ đàn trong giới đàn này.
Năm Kỷ Dậu 1969, Ngài đứng ra trùng tu khu vườn tháp Tổ, theo thời gian và do chiến tranh đã dần bị hư hoại. Sau đó, Ngài cho xây dựng tường rào bao bọc toàn bộ khuôn viên Tổ đình cho thêm phần khang trang nghiêm tịnh.
Năm Canh Tuất 1970, Ngài thành lập Phật học viện Phước Huệ chuyên khoa Trung đẳng Phật học tại Tổ đình Thập Tháp, do Ngài làm Giám viện. Tăng chúng các nơi trong và ngoài tỉnh tựu về tu học hơn 100 vị. Ban Giáo thọ gồm chư vị : Hòa thượng Giác Tánh, Tâm Hoàn, Giác Ngộ, Bửu Quang; chư Thượng tọa : Đồng Từ; Tâm Hiện. Trường hoạt động cho đến năm 1975 thì giải tán. (xem hình bên dưới).
Năm Nhâm Tuất 1982, sau khi Phật giáo cả nước thống nhất về một mối, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngài được toàn thể Tăng Ni, Phật tử suy cử vào chức Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Nghĩa Bình.
Năm Đinh Mão 1987, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ II, Ngài được Đại hội suy cử làm Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm Kỷ Tỵ 1989, nhằm tục Phật huệ đăng, truyền trì chánh pháp. Ngài cùng chư tôn đức tỉnh nhà tổ chức Đại giới đàn Nguyên Thiều tại chùa Long Khánh, Qui Nhơn. Ngài được cung thỉnh làm Đàn chủ giới đàn này.
Năm Giáp Tuất 1994, Ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng trong Đại giới đàn Phước Huệ, tổ chức tại chùa Long Khánh, Qui Nhơn.
Năm Ất Hợi 1995, Ngài mở cuộc đại trùng tu Tổ đình Thập Tháp. Công việc đang tiến hành dở dang thì Ngài sau một cơn bệnh nhẹ, đã thu thần viên tịch vào ngày mùng 5 tháng Chạp năm Ất Hợi, nhằm ngày 24 tháng 1 năm 1996, trụ thế 75 năm, với 55 Hạ lạp. Trước khi viên tịch, Ngài có chấp bút đề một bài kệ phú pháp để lại cho môn đồ đệ tử như sau :
Pháp tánh bổn lai tịch
Diệu dụng thỉ kiến công
Ngã kim phú pháp nhữ
Pháp pháp tự tánh trung.
Trong suốt quảng đời hành đạo, Ngài đã có công khai sơn những ngôi chùa : Thừa Ân ở Pleiku, Viên Thông ở Tây Sơn-Bình Định; Bảo Hoa ở An Nhơn-Bình Định; Bảo Lâm, Bảo Quang, Bảo Giác ở Long Khánh-Đồng Nai.
Ngoài việc hoằng dương Phật pháp, đào tạo Tăng tài. Ngài còn là một thi nhân, một văn sĩ được nhiều người mến mộ. Thi pháp, liễn đối của Ngài hiện diện khắp nơi tại các tự viện trong và ngoài tỉnh. Các văn nhân, thi sĩ nổi danh đều tìm đến luận bàn văn chương thi phú với Ngài.
Ngài còn để lại cho cuộc những tác phẩm :
- Thập Mục Ngưu Đồ Tụng (dịch và tác thơ)
- Long Bích thi tập I và II
- Kim Cang Nghĩa Mạch (dịch)
- Kim Cang Trực Sớ (dịch)
- Di Đà Giảng Thoại (dịch)
Vài hình ảnh lễ Khai giảng Phật Học Viện Phước Huệ tại Tổ Đình Thập Tháp
Photo Sources: Tổ Đình Long Khánh, Quy Nhơn & FB Truong Phuc Nguyen
Chân dung cố Hòa thượng Thích Kế Châu
Hoa sen trong lửa
Tác giả : HT. Thích Kế Châu
Chân dung cố Hòa thượng Thích Kế Châu, ảnh TT Chân dung cố Hòa thượng Thích Kế Châu, ảnh TT
Nhân loại ơi !
Chùa Thập Tháp Di Đà-Bình Định
Chùa Thập Tháp Di Đà tọa lạc ở thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Theo quốc lộ I từ Quy Nhơn ra Quảng Ngãi, qua khỏi thị trấn Đập Đá, đến cầu Vạn Thuận, có con đường bên trái khoảng 200m dẫn vào chùa.
Tên chùa “Thập Tháp” là nguyên trước đây trên khu đồi này có 10 ngôi tháp Chăm, sau bị sụp đổ. Tên “Di Đà” là danh hiệu đức Phật giáo chủ cõi Cực lạc. Di Đà cũng có nghĩa là lý tánh, bản giác của chúng sinh. Tập hợp các ý nghĩa trên, tổ đình mang tên Thập Tháp Di Đà Tự.
Chùa tổ đình Thập Tháp Di Đà gắn với tên tuổi vị khai sơn là Thiền sư Nguyên Thiều. Nhiều tư liệu ngày nay cho biết Ngài họ Tạ, tự là Hoán Bích, người huyện Trình Hương, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ngài sinh năm Mậu Tý (1648), năm 19 tuổi xuất gia ỏ chùa Báo Tự. Năm 1677, Ngài theo thuyền buôn của người Trung Quốc đến phủ Quy Ninh, nay thuộc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 28 km, dựng thảo am thờ Phật A Di Đà. Năm 1683, chùa đã dùng gạch đá của 10 ngôi tháp đổ dựng lên ngôi chùa.
Chùa đã trải qua 16 đời truyền thừa với nhiều vị thiền sư danh tiếng như: Thiền sư Liễu Triệt, Thiền sư Minh Lý, Thiền sư Phước Huệ … Thiền sư Phước Huệ đã được tôn làm Quốc sư. Ngài đã được mời vào giảng kinh trong hoàng cung nhà Nguyễn từ đời vua Thành Thái đến vua Bảo Đại, và giảng dạy Phật pháp ở Phật học đường Trúc Lâm và Tây Thiên (Huế) từ năm 1935.
Từ ngoài vào, đi dọc theo hồ sen đến cổng chùa, đó là hai trụ biểu vuông cao, trên đặt hai tượng sư tử ngồi uy nghi, nối một vòng cung, phía trên có gắn hai chữ "Thập Tháp". Sau cổng là tấm bình phong, mặt đắp nổi long mã phù đồ đặt trên bệ chân quỳ.
Chùa kiến trúc theo kiểu chữ “Khẩu”; gồm ngôi chánh điện, đông đường (giảng đường), tây đường (nhà Tổ) và nhà phương trượng.
Ngôi chánh điện do Thiền sư Liễu Triệt cho trùng kiến vào năm 1749. Ngôi chánh điện ngày nay mái thẳng, lợp ngói âm dương, trên nóc có lưỡng long tranh châu. Phật điện được bài trí tôn nghiêm, chính giữa thờ tượng Tam Thế Phật, Chuẩn Đề, Ca Diếp, A Nan; khám thờ Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng đặt hai gian hai bên điện Phật; hai vách tả hữu đặt tượng Thập Bát La Lán, tượng Thập Điện Minh Vương, Hộ Pháp, Tổ sư Đạt Ma và Tổ sư Tì Ni Đa Lưu Chi. Hầu hết các tượng thờ đều được tạc vào thời Thiền sư Minh Lý trụ trì (1871-1889).
Chùa đã được chúa Nguyễn Phúc Chu ban tấm biển "Sắc Tứ Thập Tháp Di Đà Tự" treo giữa cửa chính ngôi chánh điện, Hòa thượng Mật Hoằng trùng khắc lại năm 1821. Đại hồng chung (đúc năm 1893) và trống lớn được đặt ở hai đầu hành lang.
Phía sau chánh điện có tấm bia ghi bài minh Sắc tứ Thập Tháp Di Đà Tự bi minh do cư sĩ Dương Thanh Tu biên soạn, Hòa thượng Minh Lý lập năm 1876.
Nhà phương trượng nằm sau ngôi chánh điện do Quốc sư Phước Huệ cho xây vào năm 1924. Nhà Tổ ở phía
Đặc biệt, Báo Bình Định cho biết, chùa còn lưu giữ 2.000 bản khắc gỗ dùng in kinh Di Đà sớ sao, Kim Cang trực sớ, Pháp Hoa khóa chú ... Bộ Đại Tạng Kinh do Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ cúng dường còn 1.200 quyển kinh, luật, luận và ngữ lục. Chùa còn lưu giữ bộ Đại Tạng Kinh Cao Ly và bộ Đại Tạng Kinh Đài Loan.
Vườn tháp Tổ nằm ở phía Bắc với 20 ngôi tháp cổ kính an trí nhục thân của các vị trụ trì và chư tôn túc trong chùa. Sau chùa, còn có tháp Bạch Hổ và tháp Hội Đồng
Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Chùa Thập Tháp Di Đà là ngôi tổ đình danh tiếng vào bậc nhất ở miền Trung.
Toàn cảnh chùa
Cổng chùa
Mặt tiền chùa (xưa)
Mặt tiền chùa
Điện Phật
Tượng Hộ Pháp
Bộ tượng Thập Bát La Hán thế kỷ XIX
Vườn tháp
Bài và ảnh : Võ Văn Tường
Kính gởi Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng chủ nhiệm trang quangduc.com.
Con rất vui mừng và hân hạnh khi Thượng Tọa đăng tiểu sử của nhị vị Hòa Thượng Thích Tâm Hoàn và Thích Kế Châu dưới tiểu sử đính kèm hình ảnh ngày khai giảng Phật học viện Phước Huệ trên trang nhà quangduc, một trang website Phật Giáo đem lại nguồn tinh thần rất lớn cho đại chúng, trong đó có con cũng thường cập nhật.
Kính thưa Thượng Tọa sở dĩ có được những hình ảnh ngày khai giảng đó là xuất xứ từ FB Truong Phuc Nguyen. Trên nick FB Truong Phuc Nguyen con có lời ngỏ những hình ảnh này là từ nơi lưu trử lưu niệm của Hòa Thượng Thích Tâm Hoàn, vì con có lời phát nguyện làm video phim tư liệu về Ngài nên được Hòa Thượng Thích Nguyên Phước đương kim Viện chủ Tổ Đình và Thầy Thích Quảng Dũng trao cho tư liệu để scan sao chụp lại bảng gốc hiện giờ con đang giữ. Trong lời ngỏ đó con cũng mạn phép chư Tôn Đức vì hình ảnh có tính đại chún nên con chia sẻ lên để mọi người cùng chiêm ngưỡng.
Nay con vào trang quangduc thì thấy những hình ảnh trên do nguồn từ TT Nhuận Chơn cung cấp là không đúng mong Thượng Tọa đính chính lại cho. Sở dĩ con có lời thưa cùng Thượng Tọa là vì từ nơi Tổ Đình Long khánh tin tưởng giao cho con mà giờ nguồn tư liệu xuất xứ không đúng nên con cũng ngại là có sự phiền trong đó không. Mong Thượng Tọa hoan hỷ chỉnh sửa lại cho là Nguồn tư liệu xuất xứ từ Tổ Đình Long Khánh Quy Nhơn. Nếu thêm nữa do FB Truong Phuc Nguyen chia sẻ không để cũng được vì tâm nguyện con là tập hợp hình ảnh để làm phim tư liệu và chia sẻ cho mọi người cùng chiêm ngưỡng chứ không vì mục đích gì khác. Xin cảm ơn Thượng Tọa.
NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT.