Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Không

12/10/201809:28(Xem: 4309)
Không

Hoa Thuong Thich Thien Minh_1921-1978
KHÔNG !   

Thành kính tưởng niệm Hòa Thượng Thích Thiện Minh

nhân Lễ Tưởng Niệm 40 năm viên tịch của Ngài


                                       

          Những ai học thiền, nhìn thấy chữ “Không” thì đều nghĩ ngay đến công án mang cái tên ngắn ngủi, đơn sơ này. Tưởng là ngắn ngủi mà bao thiền sinh đã khóc hận vì miệt mài đi suốt cuộc đời không gặp; tưởng là đơn sơ mà bước vào như khu rừng rậm chằng chịt chẳng thấy nổi đường ra!

          Nhưng bài viết này không nói đến thiền, đến công án. Chữ “Không”. Trong bài này là âm thanh cuối cùng thốt lên từ một nhà sư bị giam cầm, tra tấn triền miên hàng chục năm trời vì tội “dám nói lên những sự thật mà nhà cầm quyền không cho phép nói!”

           Khi nói lên sự thật về việc dân tộc đang bị chà đạp nhân phẩm, bị đọa đầy trong ngu dốt và đói nghèo, bị tước đọat hết mọi quyền tự do mà tự do tôn giáo là điều thiêng liêng nhất, nhà sư đã bị ghép tội “Âm mưu lật đổ chính quyền”. Với tội danh này, nhà sư đã bị giam cầm từ nhà tù này sang nhà tù khác, nơi đâu cũng bị xiềng xích, bỏ đói, bỏ khát, thẩm cung, tra vấn, đánh đập ......

          Một nhà sư gầy ốm, tiều tụy, đôi tay gân guốc, đôi chân khẳng khiu mà sao có sức mạnh chịu đựng nổi bao dập vùi tàn độc như thế!? Sao Sư  không chấp nhận chỉ nhắm mắt tụng kinh gõ mõ, nói điều nhà nước muốn Sư nói, làm điều nhà nước muốn Sư làm, để không còn bị tra tấn dã man, để được trở về chùa, yên ổn  ngày đêm tu tập, thăng hoa trí huệ cho riêng mình?

Những ai đã từng - dù chỉ một lần - khởi lên câu hỏi đó, có từng được nghe hỏi lại: “Tinh thần Bất Nhị của quý vị ở đâu?”

          Đường đời nhiều lối, đường tu cũng nhiều ngả nên mới có Thanh-văn-thừa, Duyên-giác-thừa, Bồ-tát-thừa. Chỉ Bồ Tát mới mang đại nguyện: “Đời ác ngũ trược con nguyện xin vào trước và nhận chịu khổ lụy thay chúng sinh.” Thế nên, nơi nào tối tăm nhất, khổ nhục nhất, là nơi Bồ Tát dấn thân để thắp sáng sự sống nơi cõi chết.

          Hơn bốn thập niên trước, trên bản đồ toàn cầu, ở một tọa độ vùng Đông Nam Á, miền Nam nước Việt Nam, trong trại giam X4, Bộ Nội Vụ, những tù nhân ở phòng giam kế cận đều nghe rõ từng tiếng đấm đá, tiếng thân người rơi, va vào bàn ghế, tiếng chửi rủa tục tằn của kẻ đang tra tấn, nhưng tuyệt nhiên không có tiếng rên la của người bị tra tấn!

          Người đang bị tra tấn không rên la nhưng những tù nhân phòng bên đều như nghe thấy tiếng vọng thảm thiết tự đáy lòng mình vì họ đều biết người đang bị tra tấn là ai!!!

          Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát.

 

          Nhà sư đang bị cơn giông bão đòn thù điên cuồng giáng xuống trên thân xác tả tơi là Hòa Thượng Thích Thiện Minh, thế danh Đỗ Xuân Hàn!

          Nam Mô Dõng Mãnh Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.

 

          Những tù nhân phòng bên đều ôm đầu, nhắm mắt, co rút thân mình như chính họ đang bị tra tấn. Rồi những tiếng quát tháo vọng sang:

          - Sao? Ăn đòn đủ chưa? Có ký vào giấy nhận tội không?

          Người phòng bên đều nín thở. Và nghe một tiếng thều thào:

          - K...h...ô...n..g...

          Lập tức, tiếng roi da vút trong gió tới tấp, tiếng đấm, đá bạo cuồng, điên dại....5 phút......10 phút...... 20......30 phút... hay thiên thu!!!???

          - Sao, ký giấy nhận tội hay còn cứng đầu?

          Bao nhiêu trái tim ở phòng bên như đều ngừng đập. Không ai bảo ai, mọi người đều chắp tay, nước mắt chan hòa khi vị Bồ Tát dùng tàn lực thắp bừng lên ánh hào quang Vô Úy qua âm thanh của tiếng sét ngang trời:

          - KHÔNG!

          Địa ngục sôi sục máu lửa vô minh.....

          Sống hay chết? Người hay vật? Mặt trăng hay mặt trời đều trộn vào máu thịt tả tơi .......

          Một sát na hay một kiếp đang trôi qua?

          Rồi im lắng ......

          Chỉ còn dư âm tiếng “KHÔNG” rơi vào đất trời mênh mang vô tận.

          Tiếng “Không” này không còn đơn giản là lời phủ nhận một câu hỏi nữa. Tiếng “Không” trước khi vị Bồ Tát rời cõi Ta-bà là Cửa Không vừa mở ra, là tiếng “Không” trong Bát Nhã, là tiếng “Không” trong Tam-Giải-Thoát-Môn, là tiếng “Không “ của Vô Ngã, là tiếng “Không” của 49-năm-ta-chưa-nói-lời nào .....

          Đó là buổi sáng ngày 17 tháng 10 năm 1978 tại trại giam X4, Bộ Nội Vụ (hay trại tù Hàm Tân?) tỉnh Saigon, ngày Hòa Thượng Thích Thiện Minh xả bỏ báo thân trong quằn quại, đau đớn tột cùng dưới tay chân thô bạo của những kẻ cùng mầu da, cùng sắc máu; ngày Phật tử Việt Nam nghe trên thinh không có nhạc trời đón Bồ Tát về miền Tịnh Độ…

          Hôm sau, trước sân chùa Quảng Hương Già Lam ở Gò Vấp, đại lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ cầm tờ giấy báo tử trên tay, đôi giòng lệ lăn dài rơi trên mảnh giấy vô tri, nhòa nhạt tên người vừa về đất Phật. Trong thẳm sâu cõi lòng đau đớn, hẳn vị sư già đang liên tưởng tới cái chết quằn quại nhục thân của Đại Đức Mục Kiền Liên hơn 2600 năm trước.

          Trong những đại đệ tử của Đức Thế Tôn, Đại Đức Mục Kiền Liên nổi tiếng là người dũng mãnh về thể chất lẫn tinh thần. Đại Đức luôn làm đúng, nói thẳng, nói thật dù điều đó gây nên bao tỵ hiềm, oán ghét với các giáo phái khác.

Một sáng sớm, Đại Đức ra khỏi thiền viện với hai đệ tử thì bị một nhóm người của giáo phái đối nghịch rình chờ sẵn. Họ tấn công ba thầy trò bằng dao găm, mã tấu, gậy gộc. Khi tiếng kêu cứu của hai đệ tử vọng vào thiền viện cũng là lúc Đại Đức Mục Kiền Liên thét lên tiếng gầm của Sư Tử, rung chuyển đại địa, nghiêng ngả rừng cây khi bọn sát nhân cắm phập nhát dao cuối cùng trên tấm thân bê bết máu .

Sự việc này xẩy ra khi Đức Thế Tôn đang hoằng pháp ở miền Nam Ấn, lúc trở về thì nhục thân Đại Đức đã được làm lễ trà tỳ, tro xương được gom trong bình cốt nhỏ.

Đức Thế Tôn lặng lẽ nâng bình tro cốt người đệ tử thân yêu bằng hai tay và cảm nhận được bao tiếng nấc nghẹn bi thương của tăng đoàn đang quỳ mọp xung quanh. Lắng sâu quán niệm trong giây lát, xong, Đức Thế Tôn nhìn một lượt khắp tăng đoàn và chậm rãi nói:

          - Này các vị Tỳ-kheo, được làm người rất khó mà đời người lại quá mong manh. Các vị hãy tinh tấn tận dụng kiếp huyễn giả này, lấy việc làm lợi ích chúng sinh là hành trang trên đường nỗ lực tìm giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Các vị sẽ thanh thản trước lẽ hợp tan khi các vị biết dũng mãnh nhìn sinh tử như hoa đốm giữa hư không.

          Cả tăng đoàn chắp tay, cúi đầu lãnh ý.

 

          Vì ganh ghét, Đại Đức Mục Kiền Liên đã bị thảm sát! Nhưng đó chỉ là sự ganh ghét từ một giáo phái.

          Vì nói lời chân thật bảo vệ Đạo Pháp và dân tộc, Hòa thượng Thích Thiện Minh đã bị cả một tập đoàn nhà nước liên tục hành hình cho tới chết!!! Cả một tập đoàn với đầy đủ quyền uy, dư thừa khí giới đã thẳng tay sát hại một người tu hành gầy ốm không tấc sắt trong tay!

          Chỉ hình ảnh tương phản này thôi, đủ nói lên nỗi sợ hãi tột cùng của bạo quyền trước hạnh-vô-úy của vị Bồ Tát vào đời độ sinh, sống vì Đạo, chết vì Đời, trong sinh tử không nhiễm ô, nơi Niết Bàn không diệt độ.

 

          Bao năm tháng đã qua, ngọn đuốc Thiện Minh vẫn rực sáng vì đuốc đó được đốt lên bằng Lửa Bản Thể của người quyết đi trên con đường Trung Đạo. Những ai tự nguyện tuân lời Phật dạy: “Hãy tự đốt đuốc lên mà đi” phải nghĩ gì, làm gì, để ngọn đuốc của mình không tàn lụi trước khi qua được Bờ Bên Kia? 

          “Gate! Gate! Paragate! Parasamgate! Bodhi Savaha!”

 

TN Huệ Trân

(Năm vóc sát đất, một nén trầm hương kính dâng Bồ Tát)

 

              

         

                       

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/09/2011(Xem: 4941)
HT.Thích Trí Quang là một bậc danh tăng Việt Nam thời hiện đại. Ngài sinh năm Quý Hợi (1923), tại làng Diêm Điền, tỉnh Quảng Bình - ngôi làng có mối liên hệ chặt chẽ với Phong trào Văn Thân của chí sĩ Phan Đình Phùng - trong một gia đình gồm sáu anh em trai. Gia đình HT đều theo Phật lâu đời; thân phụ sau này xuất gia, làm đệ tử của ngài Đắc Quang - Tăng cang chùa Linh Mụ.
12/08/2011(Xem: 5841)
Ở miền Trung, có cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là trụ cột của công cuộc chấn hưng Phật giáo, thì ở miền Nam có cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, một khuôn mặt Phật tử lớn đã cống hiến nhiều công lao trong việc chấn hưng và xây dựng Phật giáo phương Nam.
12/08/2011(Xem: 5822)
Sáng ngày 27-11-08 (nhằm mùng 1-11-Mậu Tý), lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, khoảng 40.000 Tăng Ni cả nước đã có mặt tại núi rừng Yên Tử, mảnh đất thiêng liêng đã khai sinh thiền phái Trúc Lâm, đậm đà bản sắc Việt, để dự quốc lễ Phật giáo, tưởng niệm 700 năm ngày mất của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị vua anh minh và thiền sư lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam.
11/08/2011(Xem: 4152)
Suốt hai thế kỷ XVII-XVIII, đạo Phật gặp nhiều thuận duyên, phát triển nhanh chóng từ vùng đất Thuận Quảng đến khắp đồng bằng Nam Bộ. Sở dĩ được thế là nhờ trong chốn thiền môn nối nhau xuất hiện các bậc cao tăng như Viên Cảnh, Viên Khoan, Minh Châu, Nguyên Thiều, Liễu Quán... Ngoài xã hội thì các chúa Nguyễn và triều thần hết lòng hộ trì Tam bảo. Trong số các vị cư sĩ hộ pháp mà danh tiếng còn lưu truyền đến nay có Trần Đình Ân.
11/08/2011(Xem: 7670)
Tôi với Ni Sư không cùng chung một lớp nhưng lại chung một trường. Thành phố Huế chỉ lớn bằng bàn tay nên dù không quen cũng thành quen, chuyện lớn chuyện nhỏ gì của nhau rồi dần dà cũng biết cả, nhất là Ni Sư lại là một người học trò giỏi nữa. Thuở ấy Ni Sư là một nữ sinh Đồng Khánh áo trắng tóc thề, mắt sáng, da đã trắng mà má lại luôn luôn ửng hồng xinh xắn vô cùng, nên Tôn Nữ Hỷ Khương đã làm tặng Ni Sư mấy câu thơ như sau:
10/08/2011(Xem: 4272)
Câu hỏi có vẻ lẩn thẩn, bởi lẽ từ khi cắp sách đến trường, bắt đầu học lịch sử dân tộc, ai là người Việt Nam mà chẳng biết qua hơn một lần trang sử đời Trần và trang sử Trần Nhân Tông? Ai là người Việt Nam đã không tự hào về những chiến thắng quân Nguyên vẻ vang của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài ba của vị vua anh minh lỗi lạc Trần Nhân Tông?
10/08/2011(Xem: 4960)
Nhân dịp Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, một số website có đăng tin về việc phát hiện “nếp áo Tiểu thừa” trên tượng vua Trần Nhân Tông tại tháp tổ Huệ Quang của tác giả Trần Khánh Linh. Tôi quan tâm đến những chi tiết đã được trình bày sau đây:
10/08/2011(Xem: 5309)
Xuyên suốt lịch sử dân tộc, đã có biết bao nhiêu nhân vật với tư cách là người đứng đầu đất nước đã có những kỳ tích lẫm liệt đối với đất nước. Có nhân vật nổi bật lên trong sự nghiệp giữ nước, có nhân vật nổi lên trong sự nghiệp dựng nước, lại có nhân vật nổi lên trong sự nghiệp mở nước, hoặc có một số nhân vật có cả hai hoặc ba lãnh vực đó.
10/08/2011(Xem: 3811)
Cuộc đời xuất gia của Tổ Trúc Lâm là một cuộc đời hoạt động sôi nổi, tích cực. Ngoài các mùa kết hạ tại các am núi hay các chùa, thời gian còn lại Ngài thường đi vân du hoằng hoá đây đó. Năm 1304, “Điều Ngự đi khắp mọi nẻo thôn quê, khuyên dân phá bỏ các dâm từ [đền miếu thờ các thần sằng bậy] và thực hành giáo lý Thập thiện”. Ngài muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng luân lý đạo Phật, góp phần củng cố triều đại thời hoàng kim của mình. Đức Điều Ngự Giác Hoàng Đệ nhất Tổ Trúc Lâm Yên Tử Trần Nhân Tông sinh ngày 11 tháng Mười một năm Mậu Ngọ (tức 7 – XII - 1258). Năm 21 tuổi (1279), Ngài lên ngôi vua, trải qua hai niên hiệu là Thái Bảo và Trùng Hưng.
10/08/2011(Xem: 4931)
Đại lễ tưởng niệm 700 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn diễn ra từ 25 đến 27.11.2008 tại Quảng Ninh. Trong dịp này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh sẽ tiến tới đề nghị hàng năm tổ chức tưởng niệm ngày mất của ngài (1.11.1308) như Quốc giỗ của Phật giáo và trình lên UNESCO công nhận Trần Nhân Tông là Danh nhân Văn hóa Thế giới.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567