Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tưởng niệm HT Thích Trí Viên

21/10/201708:06(Xem: 6343)
Tưởng niệm HT Thích Trí Viên
Thành kính tưởng niệm
Hòa thượng trụ trì Kỳ Viên Trung Nghĩa
Nha trang tân viên tịch
 
Quách Giao

 

 chua ky vien 3

 

Núi Sinh Trung Nha Trang

  

 Núi Sinh Trung tuy chỉ cách nhà tôi khoảng 500 thước theo đường chim bay song trong thời ấu thơ, ngọn núi ấy đối với tôi xa xôi và huyền bí như những ngọn núi xanh thẳm nơi dãy Trường Sơn.

Mỗi buổi chiều khi đi học về, tôi ra ngõ đứng nhìn nước đầm Xương Huân lênh láng, lòng buâng khuâng theo bóng núi chập chờn trên sóng nước. Núi tuy gần song bóng núi mơ hồ như ý tưởng của tuổi thơ về lịch sử của núi. Sau này nhờ đọc sách, nhờ sự giải thích, chỉ dẫn của thân phụ và nhất là được tham dự  (ngồi lắng tai nghe) các buổi mạn đàm giữa thân phụ với các bạn thơ văn như Chế Lan Viên, Yến Lan, Bích Khê, Nguyễn Đình v.v.. về những câu chuyện liên quan đến núi mà trí tôi mới tỏ và lòng tôi thêm nhiều yêu mến ngọn núi này.

 Tôi được lên thăm núi vào năm lên chín. Từ nhà đến chân núi được ngồi trên xe ngựa. Leo núi lại được người lớn cõng trên lưng. Đường lên núi quanh co, chập chùng. Khoảng bằng phẳng thì rải đá dăm. Khúc quanh co và dốc thì lót đá tảng. Hai bên đường cây cỏ um tùm. Từng gốc cây ngọn cỏ chen lẫn cùng hang hốc đầy vẻ hoang sơ.

Ngày hôm nay đường lên chùa đã được xây đá bằng phẳng hơn thuở xưa, khách thập phương có thể ung dung lên chùa thưởng ngoạn. (Những người già cả, bệnh tật hôm nay đã có thang máy riêng)

Có một điều lý thú là sau khi leo lên gần hai phần ba bậc cấp du khách sẽ gặp một cảnh bất ngờ. Đó là tượng một con khỉ để lộ nửa mình ra khỏi vách núi đá. Du khách bắt buộc phải dừng chân ngồi nghỉ và để lòng nhớ đến câu chuyện thỉnh kinh gian khổ của Đường tăng Tam Tạng bên Trung Quốc, giải thoát con khỉ Tề Thiên ra khỏi núi để theo Đường Tăng đi Tây Phương. Và như một phép màu, du khách sau khi ngồi nghỉ chân lại vui vẻ cất bước leo lên từng bậc thang cuối cùng mà không thấy một chút mệt nhọc nào. Gió từ biển Cù Huân làm cho lòng phơi phới; cảnh vườn dừa cồn Dê xanh mát bên dòng sông Cù làm đẹp mắt viễn du. Du khách được đền bù sau những phút giây leo dốc mệt mỏi.

 

 chua ky vien 4

Khúc quanh có chú khỉ đón chào.

 

Qua khỏi cổng tam quan thì Kỳ Viên Trung Nghĩa Tự hiện ra sừng sửng:

Ngôi chánh điện mái cong trên thềm cao hiện ra trước mắt với mái ngói rêu phong, các con rồng uốn lượn trên nóc chầu pháp luân và hai tháp nhỏ thấp thoáng nhô lên hai bên nóc điểm xuyết thêm cho vẻ cổ kính thiêng liêng, khoảng giữa là tên chùa được viết bằng chữ Hán nổi bật trên nền vôi màu ngà trước chánh điện. Trước thềm chánh điện là tượng của hai con sư tử xanh thật lớn án ngữ hai góc tả hữu. Trong góc sân phía bên phải cổng tam quan, một tượng Di Lặc Tôn Phật thật lớn được sơn thếp vàng trên hòn non bộ bằng đá núi, leo trèo đu bám trên thân Ngài là sáu đồng tử ngộ nghĩnh tượng trưng cho "Lục tặc" (tức lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đã được giáo hóa giác ngộ. Đối xứng với tượng Phật Di Lặc, phía góc trái là tượng Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát cũng thật cao lớn cưỡi trên lưng thanh sư, đang trong giai đoạn tô đắp sắp hoàn chỉnh. Tường thành bao quanh cổ miếu xưa kia, nay chỉ thấy còn một đoạn lộ ra bên cạnh cây đa cổ thụ có trên vài trăm tuổi nằm bên trái chánh điện.

(Trích Báo Giác Ngộ tháng 7/2005 )

Núi Sinh Trung có truyền tích gắn liền với đầm Xương Huân nằm dưới chân. Nguyên thuở sơ khai vùng này có một con cù nằm ngủ triền miên trong lòng đất. Khi bà Thiên Y A Na giáng trần thì sấm chớp nổi lên, đất trời rung chuyển. Con cù tỉnh giấc vùng dậy bơi trở về biển Đông, để lại nơi chỗ nằm một đầm sâu rộng thông ra sông biển bên cạnh một ngọn núi đá hoa cương nổi lên đứng soi mình bên bờ đầm.Đầm có tên là Cù Đàm. Núi có tên là Cù Lĩnh và sau này lấy tên của miếu Sinh Trung, được xây cất từ thời Nguyễn Trung Hưng làm núi Sinh Trung. Khách hàn mặc gọi đó là Bạch tượng quyện hồ. (Voi trắng cuốn hồ)

Theo sách vở thì:

 “Núi Tinh Trung ở phía đông huyện Vĩnh Xương 10 dặm, trước kia tên là núi A La, hình nhỏ mà tròn. Phía đông bắc và tây đều gần sông, dân cư tụ tập, chuyên nghề làm cá. Trên đỉnh núi có đền Tinh Trung, nhân đó mà đặt tên núi nầy”

“đền Tinh Trung ở trên núi A La, thôn Mỹ Thạnh, huyện Vĩnh Xương thờ các vị Công thần  trung hưng hoặc trận vong hoặc bệnh chết 350 người. Đền này dựng năm Ất Mão lúc đầu trung hưng. Trùng tu năm Tự Đức thứ 5 (1852)”( Đại Nam Nhất Thống Chí quyển 10 & 11 )

 

Theo nhà thơ Quách Tấn thì :

NÚI SINH TRUNG

Là một hòn độc sơn toàn đá, đứng trên mé đầm Xương Huân, cạnh bến Hà Ra của con sông Cù, giữa thành phố Nha Trang.

Các thầy Địa gọi là “Bạch tượng quyện hồ”.

Núi không cao cũng không lớn. Đối với thành phố, núi chẳng khác nào một hòn non bộ đứng trong một vườn cảnh nhiều cỏ nhiều cây. Hình núi không có gì đặc biệt. Núi lại ít cây cối và không quái thạch kỳ nham.

Nhưng nếu lên đầu núi đứng trông thì phía Bắc, phía Đông, nào sông nào đầm, nào cồn nào biển..., bóng cây in nước, bóng mây trôi dòng, lầu tháp ven bờ, tàu thuyền trên sóng. Nhìn về hướng Tây, hướng Nam, thì phố xá ngựa xe, đồng ruộng mây khói, muôn màu nghìn nét, bát ngát mênh mông. Xa xa non xanh trập trùng như bức trường thành bao trùm lên ba mặt Tây Nam Bắc, còn mặt Đông, sóng bạc làm thiên binh vạn mã để hộ vệ cho non. Vọng cảnh thật bao la, ngoạn mục.

Trên đầu núi có miếu thờ các vị công thần của nhà Nguyễn đã bỏ mình lúc Trung hưng. Miếu gọi là Tinh Trung, sau đổi là Sinh Trung. Tên núi mượn tên miếu mà kêu. Người địa phương cũng thường gọi là núi Hà Ra. Hà Ra là tên khu vực. Sách Đại Nam chép là A La.

Núi Sinh Trung và đầm Xương Huân vốn có tình “cốt nhục”.

Truyền rằng: Ban sơ không có đầm cũng không có núi. Khi nữ thần Poh Naga giáng thế, sấm trời nổi dậy báo cho vạn vật biết tin, thì một con Cù sanh từ lúc khai thiên lập địa, nằm ngủ quên trong lòng đất, giật mình vùng dậy: Những lớp đá phủ trên mai Cù bị hất tung lên thành núi, và nơi Cù nằm bị hũng xuống thành đầm. Cho nên đầm có tên là Cù Đàm và núi có tên là Cù Lĩnh.

Đầm nằm ôm chân núi, núi đứng soi bóng vào lòng đầm. Nước trang điểm cho non, non trang điểm cho nước. Tương y tương ỷ, ngày nắng cũng như ngày mưa.

Những đêm gió mát trăng trong, lên núi mà xem đầm thì cực kỳ thanh thú. Mặt đầm như tờ giấy băng cơ trắng láng, và vầng trăng như quả ấn ngân châu đóng lên trên nền mờ mờ do núi non cửa nhà cây cối phác họa. Trường Xuyên có câu:

Sóng lặng tăm cù non gởi bóng,

Thu lồng gương quế nước in châu.

Đó là quang cảnh ngày trước. Ngày nay cảnh lâu đài khang trang, đèn điện trăm màu sắc, tưng bừng rực rỡ, đã lấn át cảnh thiên nhiên. Trong chánh phủ ngoài dân gian, không còn mấy ai để ý đến non nước, khiến Cù Đàm Cù Lĩnh đã bị những bàn tay đặt quyền lợi cá nhân lên trên hết, làm hư hại quá nhiều.

Muốn tìm lại phong thú của nghìn xưa, phải đợi khi lòng người biết yêu nước non trở lại.

 (Xứ Trầm Hương QT).

 

Như vậy tên núi ghi trong sách sử là A La, tên được dân chúng địa phương gọi là Hà Ra, Tinh Trung rồi Sinh Trung. Giới văn chương đặt tên là Cù Lĩnh. Tuy nhiên tên gọi thường trực mãi cho đến hôm nay là núi Sinh Trung.

Núi không cao lớn hùng vĩ, không cổ thụ xanh thẳm, không thú lạ chim rừng nhưng lại đầy huyền diệu thâm u. Thủa xưa, ngọn núi Sinh Trung lẻ loi cô quạnh, chung quanh chỉ toàn đất hoang lẫn trong màu nước. Sườn phía đông vách đá đứng thẳng đón nhận ánh triêu dương ban mai và làn gió biển buổi chiều lồng lộng. Hướng đông nam, núi lặng lẽ soi mình trên mặt đầm Xương Huân mênh mông bát ngát, thuyền bè vào ra bốn mùa. Hướng đông bắc, nổi bật bóng tháp bà Thiên Y A Na  trên dãy núi Cù Lao như cùng giải nước sông Cù nối tiếp chung lòng chị em với nước đầm Xương Huân. Hướng tây bắc, bầu trời lồng lộng ôm ấp dãy núi Trường sơn thấp thoáng ngọn núi Chúa nơi quê hương bà mẹ xứ sở Xứ Trầm hương. Hướng tây nam núi tiếp đồng bằng, bao la trùng điệp giao hợp với miền nam, nơi có thành Diên Khánh thủ phủ tỉnh Khánh Hòa trước kia.

Tuy hai mặt núi có sông có đầm, song hòn Sinh Trung không phải là một căn cứ quân sự như hòn Trại Thủy vì nước đầm và nước sông Hà Ra có thủy triều lên xuống hằng ngày nên khi nước lên thì mặt sông, mặt hố lênh láng; còn khi nước xuống thì  mặt nước quá thấp đáy đầm nhô bày những bùn cùng cát. Vì thế cho nên thuyền lớn muốn vào ra phải đợi nước triều dâng cao. Trong khi đó con sông Kim Bồng chảy dưới chân hòn Trại Thủy lúc nào nước cũng thẳm xanh, sâu nhìn không thấy đáy và nhất là nhập vào sông Cái thuyền lớn có thể lên đến thành Diên Khánh.

Thời gian chiến tranh giữa hai nhà Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn Gia Miêu, vì đứng gần hòn Trại Thủy nên tuy không phải là một điểm chiến lược nhưng lại là một điểm quan sát tiền tiêu cho tổng hành doanh Trại Thủy. Bởi thế cho nên người dân địa phương luôn luôn cho rằng núi Sinh Trung và hòn Trại Thủy có  “bà con” với nhau.

Dưới chân núi hiện tại vẫn còn các dấu tích liên quan đến núi Sinh Trung như cây cầu Hà Ra, con đường Sinh Trung, con đường Hà Ra (nay là Nguyễn Thái Học) và khu chợ Đầm.

Năm 1802 Gia Long thống nhất lãnh thổ, sai lập trên núi A La miếu thờ 350 vị tướng tử trận hoặc chết bệnh phần nhiều tại Khánh Hòa.(Nhiều sách ghi là 350 vị công thần song theo danh sách đính kèm ở phần phụ lục thì chí có 250 vị mà thôi.). (Theo lời giải thích của thân phụ tôi thì danh sách các vị công thần chỉ có 250 vị, phần đông chết tại Khánh Hòa, còn 100 vị thêm vào là các vị có công theo Gia Long tử trận trong Nam được vua muốn thờ chung với các vị công thần này, cho nên không có danh sách tại miếu) tên gọi Tinh Trung Miếu. Vì miếu gọi Tinh Trung nên núi cũng đổi tên theo từ núi A LA (còn gọi là Hà Ra) thành ra núi Tinh Trung.

Hai từ Tinh Trung lấy theo sự tích của Nhạc Phi đời Tống khi còn sơ sanh đã được người mẹ khắc trên lưng 4 từ “Tinh Trung Báo Quốc”. Lớn lên làm tướng nhà Tống đánh với quân Kim trăm trận trăm thắng. Sau chết được phong thần. Người đời sau lấy hai chữ tinh trung để gọi những người hy sinh cho tổ quốc. Tinh trung có nghĩa là “cái tốt nhất, quí nhất dốc hết lòng vì nước”.

 Rồi năm Tự Đức thứ 5 (năm 1852) miếu được trùng tu và đổi tên là Sinh Trung Miếu. Sinh trung có nghĩa là “khi còn sống dốc một lòng với nước”.  Núi lại đổi tên một lần nữa: Núi Sinh Trung. Sau lại đổi tên là Trung Nghĩa Miếu. Tuy nhiên núi vẫn giữ lại tên Sinh Trung. Người dân địa phương vẫn xem như nơi hòn núi này là nơi “sinh ra những người trung nghĩa” chớ không phải “núi thờ người trung nghĩa”. Cho nên núi Sinh Trung là núi sinh ra trung nghĩa và vẫn giữ nguyên tên Sinh Trung.

Miếu Sinh Trung nhỏ bé, đơn sơ như những ngôi miếu cổ miền thôn dã. Cảnh đầy vẻ tiêu sơ. Cây trồng chung quanh miếu tuy không phải là cổ thụ nhưng là những cây lưu niên. Sân miếu rộng và có tường bao quanh. Cổng miếu làm bằng danh mộc bền vững với thời gian. Tường xây bằng gạch ống tròn, kín một đầu trông như cái hủ. Bề dày của tường gần nửa thước. Dân địa phương thường gọi là miếu Sinh Trung. Gọi miếu thì theo thói thông thường do nhân dân địa phương thành lập để thờ người hay thú có sự tích thiên liêng đã xãy ra có liên quan đến sự tín ngưỡng của người dân. Ví dụ như miếu âm hồn, miếu cô miếu cậu, miếu cây da, miếu ông cọp v.v.. Còn đền thì do chính quyền địa phương cùng với nhân dân đứng ra thành lập để thờ một vị thần có danh tánh và thành tích hoặc một sự kiện quan trọng, có tế lễ hằng năm: Như Đền thờ đức Trần Hưng Đạo ở trên xóm Mới Nha Trang, đền Quá quan trên Diên Khánh.

 

Trong cuốn Xứ Trầm Hương, nhà thơ Quách Tấn đã viết về Đền Sinh Trung:

ĐỀN SINH TRUNG

Đền dựng trên núi Hà Ra, cạnh đầm Xương Huân về phía Tây Bắc, trong thành phố Nha Trang.

Dựng năm Đinh Mão (1807) triều Gia Long. Trùng tu năm Tự Đức thứ năm (1852).

Đền thờ 350 công thần của nhà Nguyễn đã bị tử trận hay bị mệnh vong vì bệnh trong lúc tranh hùng cùng nhà Tây Sơn. Phần đông là những người mất tại Khánh Hòa.

Tên trước kia Tinh Trung sau đổi là Sinh Trung.

Tuy là đền thờ công thần, nhưng quy mô không được rộng lớn. Cách thờ phượng ngó cũng sơ sài, đối với đền miếu của đồng bào bình dân thật không hơn không kém.

Nhưng phong cảnh rất mỹ quan [1].

Cạnh đền có cây cao. Trước đền có sân rộng.

Dưới chân núi, đầm Xương Huân láng lai và ăn thông ra sông Hà Ra, một nhánh của sông Nha Trang chảy ra biển. Bên kia đầm, khu Xương Huân và Xóm Cồn, nhà tôn chen nhà ngói. Và ngoài xa, ngó thẳng ra Bắc, núi nối liền núi, ngó xiên xiên xuống Đông, biển nối liền trời. Màu ngói sắc cây, bóng mây hơi nước..., lớp ẩn lớp hiện, nơi tỏ nơi mờ. Xa cũng như gần, một ngó đều thâu trọn vào mắt.

Ba mặt Đông, Nam, Tây thành phố Nha Trang mở rộng tận chân non, mặt biển. Cửa nhà chen chúc, đường rộn rịp xe chạy người đi. Những bồn hoa xinh xinh, những hàng cây rậm rạp. Đứng trên nhìn xuống, khách giàu tưởng tượng không khỏi ngờ rằng mình đương ngắm cảnh Hàng Châu tả trong vần thơ cổ: “Sơn ngoại thanh sơn lầu ngoại lầu”, mà Trường Xuyên phỏng dịch.

Xanh dờn non tiếp liền non,

Ngoài lầu hoa lại những còn lầu hoa.

Cảnh đã đẹp lại ở gần thành phố, cho nên khách phong lưu thường đến thưởng ngoạn.

Xúc cảnh sanh tình, người làng thơ thường lưu lại được nhiều giai tác.

Được nhiều người thuộc, có hai bài chữ Hán của cụ cử Nguyễn Tạo và nhà Nho Trần Khắc Thành:

 

DU SANH TRUNG TỪ NGẪU TÁC

Nhàn lai huề hữu thưởng xuân dương,

Lộ đáo Sinh Trung miễn lực cường.

Oanh chuyển hoa khai cung thắng khái,

Sơn triều thủy nhiễu nhập bình chương.

Lâu đài ngoại vọng văn minh hóa,

Tướng sĩ trung lưu tánh tự hương.

Tứ diện thanh quang đô khả ái,

Danh lam thiên tạo xuất tầm thường.

                            (Trần Khắc Thành)

 

Mích thắng xuân du khách tứ đồng,

Lưỡng tương huề thủ thượng Sanh Trung.

Hiến đồ nhập họa giang san sắc,

Sùng tự trường minh tướng sĩ công.

Tiếp ngạn lâu đài ba diệm giã,

Cách thôn gia liễu ấm thanh thông.

Danh đô huống thị phùng giai tiết,

Vô hạn di tình thưởng thức trung.

                        (Nguyễn Tạo)

 

Gần đây có mấy ông bạn yêu văn chương ở Bình Định và Quảng Ngãi vào Khánh Hòa, đến viếng đền Sinh Trung. Nhân cao hứng diễn hai bài thơ trên ra quốc ngữ:

 

DỊCH BÀI CỦA TRẦN TIÊN SINH

I

Mình dạo tìm xuân với bạn mình,

Sinh Trung lần bước bước thinh thinh.

Oanh ca hoa nở câu nhàn hứng,

Nước điểm non tô nét phẩm bình.

Hương khói ngạt ngào danh tướng sĩ,

Lâu đài thấp thoáng bóng văn minh.

Vời trông bốn bức phong quang trải,

Cao vút danh lam cảnh hữu tình.

                          Nguyễn Hoài Văn

II

Tầm phương mình với bạn mình,

Sinh Trung thẳng bước thỏa tình đăng cao.

Oanh hoa giúp hứng thêm hào,

Non xanh nước biếc hiện vào bình chương.

Văn minh giợn bóng phố phường,

Danh thơm tướng sĩ mùi hương đậm đà.

Tranh treo bốn bức yên hà,

Xa vời thế tục một tòa danh lam.

                                 Trần Thúc Lâm

 

DỊCH BÀI CỦA NGUYỄN TIÊN SINH

I

Tìm xuân bước khách nhẹ thinh thinh,

Viếng cảnh Sinh Trung bạn với mình.

Màu sắc nước non in nét họa,

Công lao tướng sĩ tạc đền linh.

Lâu đài tiếp biển hoa lồng thắm,

Dừa liễu kề thôn bóng rợp xanh.

Trong chốn danh đô vầy thắng cảnh,

Cảnh thêm giai tiết xiết bao tình.

                               Hồ Thăng

II

Vui xuân khách cũng đồng vui,

Sinh Trung dìu bạn lên chơi với mình.

Non sông vẽ bức tranh tình,

Hồn hương tướng sĩ đền linh ngạt ngào.

Biển lồng hoa thắm lầu cao,

Cách thôn dừa liễu dạt dào sóng xanh.

Danh lam ẩn bóng thị thành,

Gặp tuần giai tiết thỏa tình lãng du.

                            Nguyễn Đình Mẫn

(Trích Xứ Trầm Hương)

 

Năm 1945, cách mạng thành công, Nha Trang sau 100 ngày chống Pháp, chính quyền phải rút lên chiến khu. Vì tình hình chiến tranh nên miếu Sinh Trung có phần hương khói lạnh.

Năm 1949, bà Từ Cung cùng thân hào nhân sĩ Nha Trang vận động cúng miếu Sinh Trung cho tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa.

Năm 1950 chùa Long Sơn bổ nhiệm Hòa thượng Thích Thiện Minh làm trụ trì chùa. Hòa Thượng lúc ấy đang hoạt động phong trào chấn hưng Phật giáo trong vùng Nam Trung Việt  nên rất quan tâm việc tổ chức các khuôn hội tại Nha Trang.. Thời Hòa thượng Thiện Minh chùa được gọi là Khuôn hội Kỳ Viên.

- Năm 1952, Hòa Thượng được Giáo Hội thỉnh cử làm Hội Trưởng Hội Phật Học Khánh Hòa. Ngài có nhiều thời gian chăm sóc khuôn Kỳ Viên hơn.

Tuy nhiên vì phải hoạt động khắp nơi nên chức trụ trì được trao cho Hòa thượng Thích Từ Mãn.

Hòa thượng Thích Từ Mãn nhiều năm tháng đã cùng hòa thượng Thiện Minh từ Đa Lạt lên xuống thường xuyên Nha Trang để giảng dạy tại trường Sơ cấp Phật học Nha Trang. Ngôi trường này là tiền thân của Phật Học Viện Nha Trang.  Cũng như Hòa thượng Thiện Minh, hòa thương Từ Mãn cũng không túc trực thường xuyên tại chùa Kỳ Viên. Quý Hòa thượng chỉ ghé lại thăm viếng và nghỉ ngơi vài hôm rồi đi hoằng pháp nhiều nơi. Thời gian  cư trú và hoằng pháp lâu nhất của các ngài là ở Tây nguyên, Lâm Đồng.

Năm 1957 Hòa thượng  Thích Chí Tín được tôn cử trụ trì chùa Long Sơn. Hơn 50 năm tại đây ngài đã xây dựng nhiều công trình như kim thân Phật tổ trên đỉnh hòn Trại Thủy, tu bổ tôn tạo chùa Long Sơn và thành lập học viện. Ngài được hòa thượng Từ Mãn trao lại khuôn hội Kỳ Viên để ngài chăm sóc và xây dựng.

 Sau này ngài đề cử Hòa thượng Thích Trí Viên thay ngài lên trụ trì Sinh Trung vào năm 1977 . Lần đầu tiên chùa có một vị sư trụ trì thật sự và từ đây việc trùng tu cải tạo được thực hiện nhiều năm. Đại trùng tu vào năm 1990. Đến năm 1992 công tác tôn tạo được hoàn thành và được mang tên mới là chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa.

 

Kỳ Viên Trung Nghĩa Tự là sự kết hợp giao hòa giữa Phật giáo và Khổng giáo. Kỳ Viên là sự khai nở toàn chân từ một khuông hội lên thành chùa. Trung Nghĩa là một đền thờ các vị tướng sĩ thời Nguyễn Trung hưng đã phôi phai cùng với thời đại nay trở thành điểm hội tụ người dân Nha Thành.. Trước đây chỉ hằng năm có nhị kỳ xuân thu cúng tế mà nay  ngày sóc ngày rằm các Phật tử cùng đồng bào trong phường, trong thành phố hội về để nhớ đến những kỷ niệm, thành tích xưa. Còn thêm những gia đình đã gởi tro tàn, hài cốt của thân nhân nơi khu Ô Linh Cốt cũng về lễ bái thường niên.

 

 

Bên ngoài, là hình dáng một ngôi chùa trang nghiêm.  Bên trong sắp xếp, trang trí rất hài hòa: Chánh điện thờ Phật đơn giản nhưng trang nghiêm

 

 Hậu điện, chính giữa thờ bà Đoan Trang Hoàng Thái hậu và các vị tướng sĩ nhà Nguyễn, bên phải thờ nam Phật tử, bên trái thờ nữ Phật tử.

 

 

Phía sau chùa, ngoài các bức tường bên phải và phía sau chùa còn có những bảo tháp phần lớn là nơi đặt các hộp tro tàn hài cốt ký gởi. Đây là nơi hội tụ của các thế hệ tiền nhân và hiện đại trên một đỉnh núi tuy không cao lắm nhưng cũng đủ tầm ngắm trời biển, thành phố Nha Trang. Trên đồi Trại Thủy, nơi dưới chân tượng trắng Thích Ca Mâu Ni, các tro tàn hài cốt của phật tử cũng được ký gởi, không gian bao la rộng rãi hơn nhưng thiếu đi bầu không gian ấm cúng giữa các bức tường có bề dày thời gian. Mùa đông cũng như mùa hè, đêm đêm tiếng chuông tiếng mõ hòa lẫn cùng tiếng tụng kinh nơi đại điện như ban phát ân tình trong lời tụng niệm cho những vong linh về tụ họp nơi đỉnh Sinh Trung. Như vậy đặc điểm của Kỳ Viên Trung Nghĩa Tự là sự hòa đồng giữa chùa, miếu và âm hồn. (chùa thờ Phật, miếu thờ kẻ có công với nước và âm hồn là kẻ không nơi nương tựa)

Trước đây có một số Phật tử, người dân trong thành phố  sau khi được chùa chấp thuận đem tro tàn hài cốt cải táng lên đặt vào các hộc nhỏ thành hàng có thứ tự hai bên thành chùa lối đi vào. Về sau theo lời chỉ giáo của đại lão Hòa thượng Thích Trí Nghiêm các tro tàn, hài cốt được di dời ra phía sau.

Đặc biệt, vào năm 1986 đáp ứng sự di dời nghĩa trang của thành phố, và nguyện vọng gởi cốt về chùa của Phật tử xa gần, chùa Kỳ Viên đã xây dựng nhà linh cốt trong phạm vi sau khuôn viên chùa tạo thành một hành lang khép kín thật trang trọng và uy nghiêm. Nơi đây các hương linh người quá cố được nghe kinh hằng đêm, tâm hồn người sống ấm cúng với hạnh hiếu vào những ngày húy kỵ, năm mới, thanh minh, Vu Lan, rằm tháng bảy và đặc biệt là lễ Hiệp Kỵ chư Hương Linh ký cốt tại chùa vào 19 tháng 06 âm lịch hằng năm . Khu này gọi là khu Ô Linh Cốt.

Theo văn bia tại chùa thì Kỳ Viên Trung Nghĩa Tự:

 Nguyên là miếu thờ Thần xây dựng từ năm 1802 - 1852. Triều Nguyễn đổi tên là Trung Nghĩa miếu. Năm 1948 - 1950 đức bà Từ Cung và một số hào lão phường Vạn Thạnh vận động hiến cúng cho Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa. Vị trụ trì đầu tiên là hòa thượng Thích Thiện Minh đặt tên Khuôn hội Kỳ Viên. Kế thừa là hòa thượng Thích Từ Mãn, hòa thượng Thích Chí Tín,. Năm 1990, thầy trụ trì Thích Trí Viên, ban đại diện cùng phật tử phát nguyện đại trùng tu: Chính điện, nhà Tổ và những công trình phụ lấy tên: Kỳ Viên Trung Nghĩa Tự. Tháng 2-1992 khánh thành. Năm 1995 xây dựng giảng đường nhà Tăng.

Phụ trách chuyên môn: đạo hữu Hồ Tấn Út pháp danh Nguyên Thi, đạo hữu Nguyễn Văn Thảo pháp danh Quảng Đàm.

 

Phật lịch 2540 năm Bính Tý - 1996.

 

 

*

*          *

 

 

CÁC VỊ HÒA THƯỢNG TRỤ TRÌ

HT. Thich Thien Minh

 

 

1- HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN MINH

 Hòa Thượng, thế danh là Đỗ Xuân Hàn, húy Thượng Tâm Hạ Thị hiệu Thiện Minh, tự Trí Nghiễm. Sinh năm 1921 tại làng Bích Khê, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thuở nhỏ Hòa Thượng quy y với Đại lão Hòa Thượng Thuyền Tôn, Thích Giác Nhiên – Đức Đệ Nhị Tăng Thống GHPGVNTN.

- Năm 1936 - 1939 theo học lớp Sơ đẳng Phật học tại chùa Trúc Lâm - Huế.

- Năm 1939 - 1944 theo học lớp Trung đẳng tại Phật học đường Báo Quốc - Huế.

- Năm 1944 - 1947 theo học chương trình Đại học Phật giáo cũng tại Phật đường Báo Quốc - Huế.

 

 

- Năm 1948, Hòa Thượng thọ đại giới Tỳ Kheo tại giới đàn Báo Quốc do Đức Đại lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết – Đức Đệ Nhất Tăng Thống GHPGVNTN làm đàn đầu Hòa Thượng. Cuối năm ấy, Hòa Thượng được công cử làm Hội trưởng Hội Phật học Đà Lạt kiêm giảng sư của Giáo Hội tại Lâm Đồng.

- Năm 1948 - 1952, Hòa Thượng lần lượt tổ chức những chi hội Phật giáo tại Cầu Đất, Sông Hinh - Blao, Di Linh, Đơn Dương, La Ba.

Song song việc điều hành Phật sự tại đây, Hòa Thượng đã thành lập các đơn vị GĐPT Lâm Nguyên, Cầu Đất, Trại Mát, Trạm Hành… Tổ chức những trại huấn luyện Đội Chúng Trưởng, Huynh Trưởng Sơ Cấp và Cấp 1.

- Năm 1952, Hòa Thượng được Giáo Hội thỉnh cử làm Hội Trưởng Hội Phật Học Khánh Hòa.

Hòa Thượng đã đóng góp rất nhiều công sức cho việc xây dựng và phát triển Phật giáo tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, chương trình này gồm có 4 mục đích chính yếu:

1. Kiện toàn các cơ sở hạ tầng của Giáo Hội và thành lập Ban trị sự toàn miền.

2. Thành lập Phật học viện Nha Trang.

3. Thành lập trường Bồ đề.

4. Thành lập những GĐPT đầu tiên.

- Năm 1956, Hòa Thượng đã vận động thành lập Ban tổ chức Đại hội Tổng hội Phật giáo Việt Nam lần thứ 2 tại Chùa Ấn Quang, Sài Gòn.

- Năm 1957 - 1960, Hòa Thượng điều hành Phật sự tại các tỉnh miền Trung nhiều nhất là Thừa Thiên - Huế, cùng tổ chức các trại họp bạn ngành Thiếu GĐPT toàn quốc.

 

- Năm 1963, Hòa Thượng cùng các bậc tôn túc lãnh đạo ủy ban liên phái Bảo vệ Phật giáo đòi hỏi chế độ TT Ngô Đình Diệm thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo và công bằng xã hội.

- Năm 1964, Đại hội Thống nhất Phật giáo, GHPGVNTN ra đời, Hòa Thượng được thỉnh cử làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh Niên.

- Năm 1970, Hòa Thượng tham dự Hội nghị Tôn giáo và Hòa bình tại Tokyo, Nhật Bản.

- Năm 1973, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa viên tịch, Hòa Thượng đảm nhiệm chức vụ quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.

Hòa thượng viên tịch năm 1978

 

2- HÒA THƯỢNG  THÍCH TỪ MÃN

 

 Trưởng lão Hòa Thượng thượng TRỪNG hạ CHIẾU, tự GIÁC HẠNH, hiệu HƯNG PHƯỚC, đạo hiệu TỪ MÃN:

• Thành Viên Hội Đồng Chứng Minh GHPGVN

• Ủy Viên Hội Đồng Trị Sự Trung Ương GHPGVN

• Trưởng Ban Trị Sự Tỉnh Hội PG Lâm Đồng

• Hiệu Trưởng Trường Trung Cấp PH Lâm Đồng

• Trú Trì chùa Linh Sơn Thành phố Đà Lạt

• Viện chủ Tịnh Viện Từ Phong

THÂN THẾ

Hoà Thượng, họ Hoàng huý Ngọc Chân, pháp danh Trừng Chiếu, tự Giác

 

 

htthichtuman
Hòa thượng Thích Từ Mãn

 

Hạnh, hiệu Hưng Phước, đạo Hiệu Từ Mãn, sinh ngày 20 tháng 4 năm 1918 (nhằm năm Mậu Ngọ) tại làng Đại Lộc, xã Điền Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ là cụ ông Hoàng ngọc Cử và thân mẫu là cụ bà Trần thị Thừa. Hòa Thượng là con thứ 5 trong một gia đình gồm 6 anh em 4 trai 2 gái.

 

THỜI  KỲ  HỌC ĐẠO

Hoàng tộc vốn là một gia đình nhiều đời tin Phật, đặc biệt đã hơn bốn thế hệ luôn có người xuất gia tu hành, trở thành những Tỷ-kheo trong đoàn thể Tăng già Phật Giáo. Tiếp nối truyền thống cao đẹp ấy, vào năm 12 tuổi (1930), khi túc duyên hội đủ, Hoà Thượng được phép của song thân xuất gia tu học với đức Cố Đại lão Hòa Thượng thượng Tâm hạ Khoan, đương thời là Tăng Cang chùa Sắc Tứ Báo Quốc – Cố Đô Huế .

 • Năm 16 tuổi (1934) Hoà Thượng được Bổn Sư cho thọ giới Sa Di với pháp danh Trừng Chiếu.

 • Năm 18 tuổi (1936), sau khi bổn sư của Hoà thượng viên tịch, Hoà thượng cầu Y Chỉ với đức Đại lão Hòa Thượng Tịnh Khiết, Tăng Thống Giáo Hội Phật Gíao Việt Nam Thống Nhất.

 • Năm 21 tuổi (1939) Hòa Thượng theo học trường Trung Đẳng Phật Học tại chùa Tây Thiên Huế do Sơn Môn tổ chức. Trong thời gian này cũng có một trường khác tại chùa Báo Quốc do phong trào chấn hưng Phật Giáo thành lập.

 • Năm 23 tuổi (1941) Hoà Thượng được phép thọ Tỷ-kheo giới tại Đại Giới Đàn Thuyền Tôn do chính Hoà Thượng Y Chỉ của ngài, tức Đức Đại Lão Hoà Thượng Thích Tịnh Khiết, làm Đường Đầu Hoà Thượng. 

• Vào năm 1945, tình hình chính trị trong nước hết sức phức tạp, xã hội loạn ly, các trường Phật Học ở Huế đều tạm nghỉ; Hoà Thượng trở về tu học tại chùa Kim Tiên. Sau đó, vì hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, Hòa Thượng cùng với chư tăng vân tập về Tổ Đình Thuyền Tôn, Huế, để lao động sản xuất, thực hiện phương châm Bất tác bất thực.

 

THỜI KỲ HÀNH ĐẠO và KIẾN LẬP ĐẠO TRÀNG

• Năm 1947, lúc ngài 29 tuổi, Hoà Thượng được Tổng Hội Phật Giáo Trung Việt bổ nhiệm làm Trú Trì Chùa Linh Sơn Đà Lạt -Tỉnh Lâm Viên và Hòa Thượng Thích Thiện Minh làm giảng sư, đồng thời là Đại Diện Tổng hội lãnh đạo các tỉnh miền Nam Trung Việt và 3 tỉnh Cao Nguyên .

 • Năm 1950, Hội Phật Học Trung Phần đã tổ chức Khoá Hạ An Cư tập trung tại chùa Linh Phong Đà Lạt do Hoà Thượng Thích Bích Nguyên sáng lập. Khoá Hạ gồm các Hòa Thượng Thích Quảng Nhuận, Thích Minh Cảnh, Thích Bích Nguyên, Thích Từ Mãn, Thích Thiện Minh, Thích Hoa Sơn ở chùa Giác Hoàng, Đơn Dương - thầy Đăng (Am bà Cai Thỏ). Sau mùa An cư, với sự đề nghị của chư Tôn đức, Hoà thượng Bích Nguyên đã hỷ cúng chùa Linh Phong để làm cơ sở cho Ni Bộ tại Tỉnh Tuyên Đức, và ngôi Tam Bảo này chính thức trở thành trụ sở của Ni Bộ Bắc Tôn vào năm 1952. Trong khoảng thời gian này, Ngài thường lên xuống Nha Trang để giảng dạy Trường Sơ Cấp Phật Học tại chùa tỉnh Hội Long Sơn. Ngôi trường này là tiền thân của Phật Học Viện Nha Trang.  

• Năm 1952, Ngài cung thỉnh Đại Lão Hòa Thượng Hội Thích Tịnh Khiết, Hội Chủ Giáo Hội Trung Phần vào Đà Lạt để chứng minh lễ đúc Tượng Phật và Đại Hồng Chung chùa Linh Sơn. 

• Cũng vào năm 1952, thể theo lời mời của Thái Hậu Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại, Ngài được Hội Phật Học Trung Phần bổ nhiệm làm Trú Trì Chùa Sắc Tứ Khải Đoan, thành phố Buôn Mê Thuột. Tại đây, Ngài đã lãnh đạo Tăng Ni Phật Tử chống lại chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Trong thời gian làm Phật sự tại Buôn - Mê-Thuột, Hoà Thượng đã đặt đá xây dựng các chùa Hoa Nghiêm, Huyện CưMgar, Dăklăk (1958), chùa An Lạc, Buôn Hồ, Dăklăk, chùa Nam Thiên, Xã Hoà Thuận, Dăklăk (1958).

 • Năm 1964 sau khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập, Hoà Thượng được Viện Hóa Đạo tái bổ nhiệm làm Trú Trì chùa Linh Sơn Đà Lạt, kiêm Trưởng Ban Quản Trị trường Bồ Đề Đà Lạt.

• Năm 1966, Hoà Thượng đã cùng Ban Đại Diện Tỉnh Hội xây dựng Giảng đường chùa Linh Sơn Đà Lạt, nay là Trường Trung Cấp Phật Học Lâm Đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục của Tỉnh nhà đồng thời làm Hội Trường cho Đại Hội Phật Giáo Toàn Quốc. Trong khoảng thời gian từ 1964 - 1974, Hoà Thượng đã cùng với Giáo Hội địa phương thành lập và xây dựng một hệ thống các Chi, Khuôn Giáo Hội, Ký Nhi Viện Nhị Trưng, Kiều Đàm, Thái Phiên và Chẩn Y Viện Phật Giáo. 

• Năm 1973, Hoà Thượng được cung thỉnh làm Phó Chủ Đàn Giới Đàn Phước Huệ do Viện Hoá Đạo tổ chức tại chùa Tỉnh Hội Long Sơn, Nha Trang. Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ là Chánh Chủ Đàn và Đại Lão Hoà Thượng Thích Phúc Hộ là Đàn Đầu Hoà Thượng. 

• Từ năm 1974-1980, Hoà Thượng được cung cử làm Chánh Đại Diện tỉnh Tuyên Đức, kiêm Trú Trù Chùa Linh Sơn Đà Lạt.

 • Năm 1980 Ngài được Viện Hoá Đạo mời làm Phó Ban Kiến Đàn Đại Giới Đàn Thiện Hoa tại Tổ Đình Ấn Quang – TPHCM.

 • Năm 1981, sau khi GHPGVN được thành lập tại Hà Nội, Ngài được suy cử vào Uỷ viên Hội Đồng Trị Sự TWGHPGVN nhiệm kỳ I.

 • Từ năm 1982-2007, tại các Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Tỉnh Lâm Đồng lần thứ I đến lần thứ VI, Hoà Thượng liên tiếp được Giáo Hội, Tăng Ni và Phật tử tỉnh suy cử làm Trưởng Ban Trị Sự Phật Giáo Lâm Đồng suốt sáu nhiệm kỳ.

 • Năm 1991, Trường Cơ Bản, nay là Trung cấp Phật Học Lâm Đồng, được thành lập; Hoà thượng được cung thỉnh làm Hiệu Trưởng .

 • Năm 1993, để hỗ trợ cho việc xiển dương thiền học, đặc biệt là Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam, Ngài đã vận động chính quyền Tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt cấp đất tại Hồ Tuyền Lâm, sau đó chuyển giao cho Hoà Thượng Thanh Từ xây dựng nên Thiền Viện Trúc Lâm ngày nay.

 • Năm 1994, Ngài được Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Lâm Đồng cung thỉnh làm Đàn Đầu Hoà Thượng cho Đại Giới Đàn Nhơn Thứ, tổ chức tại chùa Linh Sơn Đà Lạt.

 • Năm 1997, Ngài đã được Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Toàn Quốc Nhiệm Kỳ IV (1997-2002) suy tôn làm Thành Viên Hội Đồng Chứng Minh TWGHPGVN.

 • Năm 1998, Ngài được Giáo Hội Tỉnh cung thỉnh làm Đàn Đầu Hòa Thượng cho Giới Đàn Trí Thủ, tổ chức tại chùa Linh Sơn Đà Lạt.

 • Năm 2002, Ngài chứng minh và đặt đá xây dựng Thích Ca Phật Đài, Niêm Hoa Vi Tiếu, tạc theo truyền thuyết của Thiền Tông, cao 24mét, tại Thiền Viện Vạn Hạnh, Phường VIII, Đà Lạt.  

• Năm 2003, lại một lần nữa Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Lâm Đồng cung thỉnh Hòa Thượng làm Đàn Đầu Hoà Thượng cho Đại Giới Đàn Diệu Hoằng tại chùa Linh Sơn, Đà Lạt. 

Có thể thấy rằng Hoà Thượng đã đem hết tâm tư và khả năng để phụng sự chúng sanh nhằm báo đáp ân Phật. Để tán thán công đức của Hoà Thượng, Hội Đồng Trị Sự Trung Ương GHPhGVN đã trao bằng Tuyên Dương Công Đức. Tỉnh Uỷ, Ủy Ban Nhân Dân, Uỷ Ban Mặt Trận Tổ Quốc Tỉnh Lâm Đồng cũng đã nhiều lần tặng Bằng Khen cho Hoà Thượng để ghi nhận sự đóng góp to lớn của Ngài cho Đạo Pháp và Dân Tộc.

 

NHỮNG NGÀY THÁNG CUỐI CÙNG

Với sự vô tình của thời gian, như một chiếc xe cũ đã đến hồi mục nát, thân tứ đại của Ngài mỗi ngày mỗi suy yếu. Biết được sự giới hạn của tự thân, nhiều lần Ngài đã ngõ ý trao lại mọi trọng trách của Giáo Hội lại cho Tăng-già để tập trung vào con đường giải thoát tâm linh. Tuy nhiên, bao nhiêu lần xin từ chức, bấy nhiêu lần Giáo Hội địa phương cũng như Trung Ương yêu cầu lưu nhiệm. Bởi vì, trong hoàn cảnh lịch sử đặc thù của địa phương, Phật Giáo Lâm Đồng không những cần một bậc lãnh đạo sáng suốt, sắc bén, trầm tĩnh để giải quyết những công tác Phật sự vô cùng nóng bỏng và tế nhị; Tăng Ni, tín đồ Đà Lạt không những cần một bức bình phong vững chắc, “Sơn Môn Bảo Chướng”, để ngăn che chướng khí khi trời đất không giao hoà, mà nhân tâm ở đây còn cần một tấm lòng bao dung, độ lượng, từ bi hỷ xả để hoá giải những bất đồng nếu có, những xung đột nếu xảy ra, và những ngộ nhận vốn hữu trong cuộc sống. 

Quả thật, ở đâu mà bước chân của Ngài đặt đến, ở đó, đất nở hoa hoan hỷ. Dù hoàn cảnh ví như dầu sôi lửa bỏng, hình bóng Hoà Thượng xuất hiện như là đám mây “Biến Phú Từ Vân” làm mát diệu nhân tâm cũng như môi trường ở đó. Cũng vì lẽ ấy, dù đã ở tuổi 90, Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Tỉnh Lâm Đồng một lần nữa cầu thỉnh Ngài tiếp tục lưu nhiệm chức vụ Trưởng Ban. Và lần này, Ngài cũng không thể chối từ dù chỉ giữ vai trò chứng minh cố vấn

Nhưng sức người không thể cưỡng lại quy luật vô thường, thân ngũ uẩn của Ngài đã đến lúc phải trả hoàn về cát bụi. Vào tháng 11-2007, Hoà thượng lâm trọng bệnh. Môn đồ, Phật tử đã thỉnh Ngài vào Bịnh Viện Lâm Đồng và Bịnh Viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh để chữa trị. Mặc dầu đã được các giáo sư, bác sĩ của các bịnh viện, đặc biệt là Ban Giám Đốc, các Bác Sĩ, Điều Dưỡng, Y Tá Bịnh Viện Tỉnh Lâm Đồng không kể ngày đêm, chẳng quản mưa nắng, dồn hết tâm sức, tận tình cứu chữa, nhưng do tuổi già sức yếu, Hoà thượng an nhiên thị tịch vào lúc 01.15 phút sáng, ngày 30 tháng 11 năm 2007 (nhằm ngày 21 tháng 10 năm Đinh Hợi); hưởng thọ 90 tuổi đời, 67 hạ lạp.
Lúc sinh thời Hoà Thượng luôn sách tấn hàng Phật tử tại gia hãy tinh tấn hành trì lời Phật dạy để lợi mình lợi người. Riêng đối với hàng Tăng Ni trẻ, Ngài thường dạy rằng “các con là những hoa sen mọc lên từ chông gai sỏi đá. Các con cố gắng nỗ lực vươn lên khỏi chông gai sỏi đá để trở thành đoá sen làm thơm đẹp cuộc đời ”. Hôm nay Hoà Thượng đã xã báo an tường, đi vào cõi tịnh, nhưng hạnh nguyện độ sinh, lòng từ vô lượng của Hoà thượng và những lời dạy của Ngài sẽ mãi song hành với Tăng Ni, Phật tử Lâm Đồng thành phố ĐaLạt. 

(trích bài của Tỳ Kheo Thích Viên Trí )

 

3- HÒA THƯỢNG THÍCH CHÍ TÍN

Trưởng lão Hòa thượng Thích Chí Tín họ Lê, húy Văn Dụ, sinh ngày 16-2-Nhâm Tuất (1922), tại làng Trâm Bái, thôn Dương Xuân Thượng, xã Xuân Thủy, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.

Ngài xuất thân trong một gia đình nhiều đời thâm tín Tam bảo, thân phụ là cụ ông Lê Văn Trác, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Sâu. Gia đình Hòa thượng có năm anh chị em, ngài là người con thứ 4 trong gia đình.

 

Thời kỳ xuất gia học đạo và thọ giới

Vốn sẵn có túc duyên với Phật pháp, năm 14 tuổi, chí xuất trần đủ mạnh, ngài được song thân cho đầu sư học đạo với Hòa thượng Thích Chánh Hóa tại tổ đình Từ Hiếu, được Hòa thượng ban cho Pháp danh Tâm Nhẫn, tự


HT Thich Chi Tinh_6


Hành Từ. Hai năm sau, Hòa thượng bổn sư nhận lời thỉnh cầu của Hội Phật học Khánh hòa làm trú trì chùa Long Sơn đời thứ 2; từ đó, ngài được theo hầu bổn sư về nơi đây tu học.

Năm 26 tuổi (1947), ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại Giới đàn chùa Thiên Bửu Hạ, huyện Ninh Hòa, do Hòa thượng Phước Huệ chùa Hải Đức Nha Trang làm Đàn đầu và ngài được Hòa thượng bổn sư phó pháp với pháp hiệu Chí Tín, nối dòng Lâm tế pháp phái Liễu Quán đời thứ 43.

 

Thời kỳ hành đạo

Năm 36 tuổi (1957 - Đinh Dậu), Hòa thượng bổn sư viên tịch, ngài được Hội Phật học tỉnh Khánh Hòa cung thỉnh kế thế trụ trì chùa Long Sơn đời thứ 3.

Trải qua hơn nửa thế kỷ trụ trì chùa Long Sơn, qua các thời kỳ ngài đã cùng chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội duy trì cơ sở, phát triển đạo tâm, gieo trồng hạt giống Bồ-đề cho Tăng Ni, Phật tử.

Năm 1952, hưởng ứng lời kêu gọi của chư tôn túc Hòa thượng trong Giáo hội Tăng già Trung Việt, Trưởng lão Hòa thượng Thích Chí Tín đã cùng chư tôn Hòa thượng vận động Tăng tín đồ xây dựng Tăng học đường Trung Việt trong khuôn viên chùa Long Sơn - Nha Trang, là một trong những cơ sở đào tạo Tăng tài cho Phật giáo, tạo tiền đề cho cuộc vận động thành lập Phật học viện Trung phần Hải Đức Nha Trang, sau trở thành Trường Trung học tư thục Bồ Đề, nay là Trường Trung học cơ sở Phan Sào Nam. Đây là cơ sở giáo dục của Phật giáo đầu tiên ra đời nhằm đáp ứng việc giáo dục, nâng cao dân trí và đạo tâm của tín đồ. Đồng thời, ngài cũng là người cùng với Trưởng lão Hòa thượng Thiện Minh thành lập các Khuôn hội tại tỉnh Khánh Hòa.

Năm 1956, Phật học viện Trung phần Hải Đức Nha Trang ra đời trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước, Hòa thượng cùng với Hòa thượng Đỗng Minh thừa hành các bậc tôn túc Trưởng lão như Trưởng lão Hòa thượng Giác Nhiên, Trưởng lão Hòa Thượng Trí Quang, Trưởng lão Hòa thượng Huyền Quang, Trưởng lão Hòa thượng Huyền Tân, Trưởng lão Hòa thượng Thiện Minh, Trưởng lão Hòa thượng Trí Nghiêm… chăm lo giáo dục và đời sống cho Tăng chúng. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều bậc kỳ túc cho Đạo pháp.

Năm 1963, phong trào tranh đấu đòi hỏi quyền bình đẳng tôn giáo của Phật giáo đối với chế độ độc tài Ngô Đình trị, ngài là một trong những bậc tôn túc nhiệt tâm tham gia.

Năm 1964, với ý nguyện cầu thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc, ngài cùng Thượng tọa Thích Đức Minh, Chánh Đại diện Phật giáo Khánh Hòa xây dựng tượng Kim thân Phật tổ tại đỉnh đồi Trại Thủy. Và cũng trong năm này, ngài đã cho xây dựng Hội trường văn phòng Tỉnh Giáo hội bên cạnh chánh điện của chùa.

Với tâm nguyện hoằng truyền Phật pháp, để có nơi cho Tăng Ni, Phật tử sinh hoạt tu tập, năm 1970, ngài cùng Hòa thượng Thích Thiện Bình phát tâm đại nguyện trùng tu ngôi chánh điện chùa Long Sơn trang nghiêm và quy mô như ngày hôm nay.

Năm 1982, sau khi thống nhất các hệ phái Phật giáo, thành lập BTS Phật giáo Khánh Hòa, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Phú Khánh, ngài được cung thỉnh làm Ủy viên Nghi lễ của Tỉnh Giáo hội.

Năm 1990, Trường Cơ bản Phật học Khánh Hòa ra đời, sau đó được sự hoan hỷ của Hòa thượng, trường được xây dựng trong khuôn viên chùa Long Sơn với sự đóng góp rất lớn về tinh thần và vật chất của Hòa thượng, bây giờ là Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa. Đặc biệt, Hòa thượng là người luôn lân mẫn, chăm sóc sự tu học và đời sống cho học Tăng, ngài là chỗ dựa vững chắc cho đàn hậu bối.

Trong công tác hoằng truyền Phật pháp, từ khi kế vị trụ trì chùa Long Sơn đến nay, ngài đã quy y cho hàng ngàn Phật tử tại TP.Nha Trang và kiều bào Phật tử khi có duyên về nước. Bên cạnh đó, ngài thường xuyên ấn tống kinh sách để biếu tặng và sách tấn Tăng Ni, Phật tử tìm cầu học hỏi giáo lý Phật-đà.

Năm 2003, với tâm nguyện tạo nên cảnh quang tâm linh, làm nơi chiêm bái cho du khách khắp nơi khi đến viếng cảnh chùa Long Sơn, ngài đã khởi công kiến tạo tôn tượng Thích Ca nhập Niết-bàn dài 17m trên đồi sau chánh điện chùa Long Sơn. Ngoài ra, ngài đã không ngừng sửa sang, tu bổ quần thể của chùa càng thêm trang nghiêm như ngày hôm nay.

Với đức tánh khiêm cung, từ hòa, ngài luôn được chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử khắp nơi kính trọng. Ngài đã từng gần gũi hầu cận chư tôn Trưởng lão Hòa thượng, như Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Hòa thượng Thích Thiện Minh… và nhất là ngài đã đồng hành tùy duyên Phật sự cùng với Hòa thượng Thích Đỗng Minh hơn 50 năm tại chùa Long Sơn này.

Vào thời Pháp thuộc khi đất nước bị đô hộ, ngài đã cống hiến không ít tâm huyết sức lực cho công cuộc bảo vệ quê hương đất nước trong mạch sống trường tồn của Đạo pháp và Dân tộc.

Một đời giản dị “khắc kỷ vị tha” và ẩn nhẫn, ngài luôn ban rải tâm từ đến tất cả mọi người, đến những loài vật bé nhỏ như con sâu con kiến.

Ngài đã quên mình là bậc tôn túc trụ trì ngôi chùa trung tâm của tỉnh, cả đời ngài chưa sử dụng đến cái giường hay chiếc mùng.

Trong những năm đất nước đang còn khó khăn, với tinh thần vô ngã vị tha, “thương người như thể thương thân”, mặc dù lúc này tuổi đã cao, nhưng ngài vẫn đích thân thường xuyên đến thăm các bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, trao tặng từng hộp sữa, trái cam cho bệnh nhân ngay giường bệnh.

Suốt cuộc đời tận tụy hy sinh vì mọi người nhưng luôn chuyên tâm tu niệm, ngài đã dâng hết tấm lòng cho sự phát triển Đạo pháp của Giáo hội tỉnh nhà nói riêng và cho Phật giáo Việt Nam nói chung, nên vào tháng 11-1997, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần IV (nhiệm kỳ 1997-2002), ngài được Đại hội tấn phong giáo phẩm Hòa thượng và được suy tôn vào ngôi vị Thành viên Hội đồng Chứng minh T.Ư GHPGVN cho đến ngày viên tịch.

Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ IV, ngài được Đại hội cung thỉnh với ngôi vị Chứng minh Ban Trị sự, qua các nhiệm kỳ IV, V, VI.

 

Viên tịch

Rằm Trung thu Quý Tỵ - 2013, buổi sáng chư Tăng về bố-tát, ngài vẫn an nhiên ngồi trên chiếc xích đu hoan hỷ thăm hỏi sách tấn Tăng tín đồ và ngài thường dạy câu: “Trẻ không chủ quan, già không buồn chán, phải nghĩ đến vô thường, để sống được an lac và chết được tự tại”.

Đến chiều tối, thân thể ngài khiếm an, thị giả đến chăm sóc và mời các bác sĩ đến khám, ngài đã từ chối không đi bệnh viện, ít phút sau sức khỏe ngài dần ổn định.

Đến 21giờ 45 phút ngày Rằm tháng 8 năm Quý Tỵ, ngài an nhiên xả báo thân trong tư thế ngồi, trụ thế 92 năm, 67 Hạ lạp.

 

Than ôi! Dép cỏ lối về còn lưu dấu,

Hoa đàm tuy rụng vẫn ngát hương.

Một mai thân xác tiêu tan,

Danh thơm vẫn ở thế gian muôn đời.

Pháp thân lồng lộng sáng ngời,

Chiếu soi pháp giới rạng ngời chân như.

 

Hoá duyên đã mãn, Hoà thượng đã trở về thế giới Vô tung bất diệt, nhưng gương sáng về đời sống phạm hạnh, khiêm cung, giản dị của Hoà thượng vẫn còn mãi với Đạo pháp, với Tăng Ni và Phật tử tỉnh Khánh Hòa.

Nam mô tân viên tịch Từ Lâm Tế Chánh Tôn, tứ thập tam thế, Việt Nam Phật giáo Giáo hội, Hội đồng Chứng minh Thành viên, Khánh Hòa tỉnh, Trị sự Ban Chứng minh, trùng kiến Sắc tứ Long Sơn tự, Húy thượng Tâm hạ Nhẫn, tự Hành Từ, hiệu Chí Tín Giác linh Trưởng lão Hòa thượng Liên đài chứng giám.

(Theo Giác Ngộ online )

 

4- HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ VIÊN

Hòa thượng thể danh Dương Minh Hồng sinh năm 1947, Lộc An Lộc Hạ xã Phước Thuận huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định xuất gia năm 10 tuổi, tốt nghiệp trường Cao Đẳng Học viện Khánh Hòa..

Đất nước thống nhất, năm 1977 Thượng tọa Thích Trí Viên nhận Trụ trì chùa Kỳ Viên do Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức Nha Trang đề cử, Ban Đại Diện Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa bổ nhiệm. Sau khi nhận nhiệm vụ trụ trì Giáo hội giao, năm 1986 Thượng tọa Thích Trí Viên bắt đầu tu sửa

những công trình phụ. Đến năm 1990, Thượng Tọa trụ trì họp Ban Hộ Tự, Ban Nghi Lễ và Phật tử phát tâm Đại trùng tu ngôi Chánh điện, Hậu Tổ và những công trinh phụ khác…

Nhờ Tam Bảo gia hộ, chư Tôn đức Tăng Ni trợ niệm, nam nữ phật tử phát tâm cúng dường, sau hơn 10 tháng xây dựng ngôi Chánh điện, Hậu Tổ... đã hoàn tất.

Đến ngày 19 tháng 2 năm 1992, Đại lễ Khánh thành được tổ chức và chùa được đổi tên là KỲ VIÊN TRUNG NGHĨA TỰ.

 


ht thich tri vien -2b
Hòa thượng Thích Trí Viên

 

Kể từ khi Kỳ Viên Trung Nghĩa phạm vũ huy hoàng, trang nghiêm tú lệ, chùa là địa điểm  dừng chân của chư tăng Phật tử vào những ngày lễ lớn. Năm 1993, Giới tử của Đại Giới Đàn Trí Thủ, Long Sơn quy tụ nơi đây.

Năm 1995, Thượng tọa trụ trì và Ban Hộ tự đã xây dựng Tổ đường thờ Tổ Khai sơn Hòa thượng Thích Thiện Minh, và giảng đường để có nơi Tăng chúng học và Phật tử sinh hoạt.

Năm 1996, tu sửa lại tượng đài Quan Thế Âm lộ thiên.

Năm 1997, xây dựng tượng Đức Di Lặc lộ thiên và bậc cấp. Năm 2000, tu sửa cổng Tam quan. Năm 2002, tu sửa gác Đại Hồng Chung.

Năm 2004, xây dựng tượng Đức Văn Thù Bồ Tát lộ thiên. Từ ấy đến nay, mỗi năm đều có xây dựng kiến tạo thêm Lộc Uyển, phương trượng Trụ trì, nhà khách, tượng đài Địa Tạng, Tháp ô linh cốt… Và đặc biệt đã lắp cầu thang máy để chư Tôn đức Tăng Ni cao niên và phật tử lớn tuổi lên chùa thuận tiện. Kỳ Viên Trung Nghĩa là ngôi chùa đẹp, hiện là trụ sở của Ban Hoằng Pháp GHPGVN  tỉnh Khánh Hòa, là nơi tổ chức các khóa tu mùa hè cho thanh thiếu niên và các khóa thi Phật pháp cho cư sĩ phật tử.

Hòa thượng viên tịch vào lúc 20 giờ ngày 16  tháng  10 năm 2017.

 

5 - BÀ TỪ CUNG

Tuy không tu ở chùa song có công cúng hiến chùa cho Giáo Hội Phật giáo Khánh Hòa nên được thờ nơi nhà hậu điện.

Bà Từ Cung danh tính Hoàng Thị Cúc người làng Mỹ Lộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế con ông Hoàng Trọng Tích nguyên Tri huyện Hòa Đa (Bình Định) vợ ông Nguyễn Phúc Bửu Đảo, mẹ ông Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy tức vua Bảo Đại. Năm 1926 bà được phong Đoan Huy Hoàng Thái Hậu người đời gọi là Đức Từ Cung.

Năm 1939, Bảo Đại xây ngôi chùa đầu tiên trên đất Buôn Mê Thuột, lấy hai chữ đầu trong hiệu của phụ mẫu ông đặt tên cho ngôi chùa là Chùa Khải Đoan, vì lẽ bà rất sùng đạo Phật. Tháng nào, đức Từ Cung cũng dành ra 10 ngày ăn chay, mỗi ngày lại dành ra vài tiếng đọc Kinh, niệm Phật, ăn uống rất đơn giản. Ngoài 10 ngày ăn chay trong tháng, bữa ăn của bà cũng không bao giờ bày sơn hào, hải vị, mà chỉ bày những món ăn được chế biến đơn giản, bình dân.

Năm 1945, Bảo Đại giao ấn kiếm cho chính quyền Cách mạng, tuyên bố thoái vị, bà Từ Cung cùng bà Nam Phương hoàng hậu và con cháu hoàng thất dọn ra cung An Định ở. Khi cựu hoàng Bảo Đại ra Hà Nội làm cố vấn cho ông Hồ Chí Minh, bà Từ Cung và bà Nam Phương cùng các hoàng nam, hoàng nữ vẫn ở tại cung An Định.

 

Doan Hy Hoang Thai Hau

Đoan Huy Hoàng Thái Hậu

 

Những năm 1949 - 1954, khi Bảo Đại trở về làm Quốc trưởng bà Từ Cung trở lại Hoàng cung, ở tại cung Diên Thọ. Năm 1954, khi Bảo Đại qua Pháp lưu vong bà lại phải ra khỏi Hoàng thành về sống ở cung An Định.

Năm 1955, khi Quốc trưởng Bảo Đại bị lật đổ, ông Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng thì chính quyền miền Nam Việt Nam không cho phép bà Từ Cung ở lại trong cung An Định. Trong tình cảnh này bà đã mua lại ngôi nhà của bà Ân phi Hồ Thị Chỉ, là nhà 79 phố Phan Đình Phùng và ở đây cho đến ngày cuối đời. Trong thời gian chiến tranh loạn lạc, mọi hoạt động cúng bái các bậc tiên tổ, hội họp Nguyễn Phước Tộc đều diễn ra tại căn nhà này. Cũng trong thời gian này bà hoàn toàn mất liên lạc với ông hoàng Bảo Đại.

Năm 1980, Từ Cung thái hậu qua đời, bà được an táng gần Ứng Lăng tại xã Hương ChữHương ThuỷThừa Thiên-Huế. Căn nhà 79 Phan Đình Phùng mà bà đã ở những ngày cuối đời hiện nay được tu bổ trở thành điểm tham quan cho khách du lịch.

Ở Huế không có ai đủ tư cách thừa kế gia sản cho nên ngôi nhà của bà và các hiện vật bên trong được giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý.

Từ Cung Hoàng Thái hậu rất trọng đạo Phật và chú tâm đến việc thờ cúng các vị vua triều Nguyễn. bà được coi là người có công lớn trong việc chấn hưng Phật giáo thời nhà Nguyễn. Chính bà đã khuyên vua Bảo Đại dành nhiều tiền đóng góp cho An nam Phật giáo Hội, vận động Bảo Đại góp tiền xây chùa và phát triển Phật giáo.

Bà chưa khi nào rời khỏi Kinh thành Huế ngay cả khi con trai và con dâu bà sang Pháp sống lưu vong. Bà nguyện sống cả đời ở đây để giữ gìn nơi thờ phụng các bậc tiên đế, các bảo vật của triều Nguyễn. Bà nói: Ta sinh ra ở đâu thì sẽ chết ở đó. Tổ tiên nhà Nguyễn còn ở Huế thì ta còn phải ở lại lo chuyện thờ cúng, chăm sóc lăng mộ các bậc tiền nhân. Nhà Nguyễn đã cho ta hưởng lộc cả đời. Ta có chết cũng chưa báo đáp hết được. Bà chưa bỏ một lễ giỗ nào, kể cả khi tiền bạc gần như đã suy kiệt hoàn toàn.

Khi ra khỏi cung Diên Thọ về sống ở cung An Định, hay là khi bị Ngô Đình Diệm đuổi khỏi cung An Định, Từ Cung Thái hậu vẫn luôn mang theo bên mình tất cả những bảo vật của triều Nguyễn và cả những bộ y phục mà nhà vua đã từng mặc trước đây. Để có thể duy trì cuộc sống, bà đã phải bán dần từng món đồ trang sức mà mình có. Phần lớn tài sản mà Từ Cung Thái hậu mang ra khỏi cung Diên Thọ bà dùng để phục vụ cho việc thờ cúng,. Theo một tài liệu Cao Đài, cuối năm 1971, bà nhập đạo và được cơ bút phong chức Phối sư THÁNH DANH hương cúc.

Lúc còn sống trong cung, Từ Cung Thái hậu đã ăn uống rất đơn giản, bà ăn chay 10 ngày mỗi tháng và hiếm khi dùng sơn hào hải vị. Sau khi nhà Nguyễn mất, càng về già, Từ Cung Thái hậu càng ăn uống đơn giản hơn bao giờ hết. Y phục bà mặc và những thứ đồ dùng của bà cũng hết sức giản dị.

Từ Cung Thái hậu là một người rất khó tính nhưng lại khoan dung, độ lượng.

Theo (Truyện kể về các Vương phi, Hoàng hậu nhà Nguyễn - Thi Long, NXB Đà Nẵng.)

 

Bên dưới là hình vua Bảo Đại trong bộ hoàng bào uy nghi. Kế bên dưới là một vài hình ảnh của các vị tôn thất nhà Nguyễn, và danh sách 250 vị công thần nhà Nguyễn. Bên hữu là nơi thờ các vị thần linh.

Các công tác thường xuyên cho các tăng ni như các khóa tu Một Ngày Tinh Lạc cho trên 200 hành giả Phật tử (trên 15 khóa). Hằng đêm có khóa Tu Học cho các Phật tử. Thỉnh thoảng lại có các cuộc đi thăm viếng các ngôi chùa nước ngoài như Miến Điện, Thái Lan…

Ngoài những sinh hoạt thường niên như tổ chức Phật Đản, Vu Lan, bạt độ vong linh tại bệnh viện Khánh Hòa, dâng cúng dường trai tăng v.v..

Còn các sinh hoạt đặc biệt :

 

Ngoài các lễ thường xuyên dành cho các Phật Tử, nhà chùa rất chú trọng đến các buổi lễ dành riêng cho các con em gia đình Phật Tử và trẻ nghèo khó trong khu vực quanh vùng Sinh Trung như Tết Trung Thu, khóa tu dành cho các em Thanh Thiếu Niên ( lớp học chung cho tất cả các thiếu niên trong khu vực). Nơi đây có một lớp dạy vi tính cho các em thiếu niên. Nhiều em đã trở thành chuyên viên kỷ thuật có nghề ngiệp việc làm.

 

Núi Sinh Trung tuy không cao lớn, không cây rừng suối đá nhưng vì đứng bên đầm Xương Huân cùng với sông Hà Ra chung bóng  nên nổi danh là một thắng cảnh. Trên núi lại có danh lam, có nhiều vị đại lão hòa thượng trụ trì và là nơi thờ phượng các bậc danh tướng đã bỏ mình trên mảnh đất Xứ Trầm Hương.

 Núi Sinh Trung đã được ghi vào sử sách như Đại Nam Nhất Thống Chí, Xứ Trầm Hương.

Ngoài ra còn là nguồn thơ của nhà thơ Quách Tấn, người đã nhận Nha Trang làm quê hương thứ hai của đời mình.

Đó là câu chuyện nhờ có tiếng vọng của núi Sinh Trung đã khơi đậy cảm hứng để sáng tác bài thơ “Đêm Thu Nghe Qua Kêu” và cũng là nơi khơi nguồn cho bài thơ “Búng Chân”:

(xem nơi mục phần phụ lục)

Nhà thơ đã sống cùng đầm Xương Huân trước ngõ và núi Sinh Trung trước nhà cho nên cảnh và người như đã tương tri. Năm  đầm Xương Huân bị lấp để xây chợ Đầm tròn. Thi sĩ đã gởi lòng vào bài thơ Tương Quan có 4 câu đầu:

Đầm Xương Huân bị lấp

Mắt mình mờ một con

Đời văn chương chích mác

Đền Sinh Trung chon von

 

Đầm bị lấp, mắt theo đó mà mờ, đời văn chương trở ngại và đền xưa cô quạnh tịch liêu. Trong sự tương quan của vạn vật cái lẽ vô thường ẩn hiện đó đây. Trăm năm sau thấy núi mà không thấy đầm, du khách cứ ngỡ rằng câu chuyện đầm Xương Huân chỉ là duyên trong mộng văn chương. Vườn mai Phước Hải, xóm Cồn bên sông cùng bầy đom đóm trong đêm khuya đi tháp Bà dự lễ đầu năm, chỉ còn thấp thoáng ẩn hiện trong  cuốn Xứ Trầm Hương.

 

*   *   *

 

 

NHỮNG NGUỒN THƠ VĂN LIÊN QUAN ĐẾN NÚI SINH TRUNG

 

 

1-    Chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa

Sinh Trung là tên của một ngọn núi nằm trong lòng thành phố biển Nha Trang, bên cạnh Quốc lộ 1. Trên ngọn núi này, từ xưa đã có một ngôi miếu thờ thần tọa lạc, được thiết lập vào năm Ất Mão (1795), sau khi Nguyễn Ánh chiếm lại vùng đất Nha Trang và thành Diên Khánh. Ngôi miếu được dựng lên để thờ những vị công thần và chiến sĩ trận vong đã có công với nhà Nguyễn. Năm Tự Đức thứ V (1852), triều Nguyễn cho trùng tu lại và đặt tên là Trung Nghĩa miếu. Từ năm 1948 đến năm 1950, Đoan Huy hoàng thái hậu, thứ phi của vua Khải Định, sinh mẫu của vua Bảo Đại, thường được gọi là Đức Từ Cung, đích thân nhiều lần đến viếng miếu, tổ chức những buổi tế lễ lớn và sau đó đã cùng với một số hào lão của làng Vạn Thạnh vận động hiến cúng ngôi Trung Nghĩa miếu cho Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa. Hòa thượng Thích Thiện Minh về làm trụ trì đầu tiên đã đổi tên miếu thành khuôn hội Kỳ Viên. Cho đến năm 1990, trụ trì đời thứ 5 là Thượng tọa Thích Trí Viên đã cùng với đông đảo Phật tử đại trùng tu khuôn hội Kỳ Viên, đến tháng 2 năm 1992 thì hoàn thành, chính thức lấy tên Kỳ Viên Trung Nghĩa tự, dân địa phương thường gọi là chùa Núi.

Du khách vãn cảnh chùa, bước lên những bậc tam cấp rộng và dài, hai bên có bờ thành được trang trí thêm những bức tranh bằng đá mài, xen kẽ với những bệ trụ có chóp hình búp sen thật trang nhã... Du khách có thể dừng chân đọc và nghiền ngẫm những câu kinh Pháp Cú tuyệt diệu mà thật gần gũi được khắc trên những tấm đá mài... Ngôi chánh điện mái cong trên thềm cao hiện ra trước mắt với mái ngói rêu phong, các con rồng uốn lượn trên nóc chầu pháp luân và hai tháp nhỏ thấp thoáng nhô lên hai bên nóc điểm xuyết thêm cho vẻ cổ kính thiêng liêng, khoảng giữa là tên chùa được viết bằng chữ Hán nổi bật trên nền vôi màu ngà trước chánh điện. Trước thềm chánh điện là tượng của hai con sư tử xanh thật lớn án ngữ hai góc tả hữu. Trong góc sân phía bên phải cổng tam quan, một tượng Di Lặc Tôn Phật thật lớn được sơn thếp vàng trên hòn non bộ bằng đá núi, leo trèo đu bám trên thân Ngài là sáu đồng tử ngộ nghĩnh tượng trưng cho "Lục tặc" (tức lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đã được giáo hóa giác ngộ. Đối xứng với tượng Phật Di Lặc, phía góc trái là tượng Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát cũng thật cao lớn cưỡi trên lưng thanh sư, đang trong giai đoạn tô đắp sắp hoàn chỉnh. Tường thành bao quanh cổ miếu xưa kia, nay chỉ thấy còn một đoạn lộ ra bên cạnh cây đa cổ thụ có trên vài trăm tuổi nằm bên trái chánh điện.

Vòng ra phía sau lưng chánh điện, bước qua cây cầu nhỏ bằng xi-măng bắc qua một hồ cá tai tượng có bố trí các hòn non bộ xinh xắn, sẽ thấy gác nhà chuông sáu trụ nằm giữa những chậu cây cảnh được bài trí hài hòa chen lẫn với những cây Bồ-đề xanh rì lá, phượng vĩ đỏ lòe hoa... Tiếp tục dạo bước vào sâu phía sau chùa, được chiêm bái tượng Bạch Y Quan Âm lộ thiên với dáng vẻ thanh thoát dịu hiền đứng trên một đài cao hướng nhìn về biển Đông... Tận cùng sân sau của chùa, trên triền dốc xổ bằng những bậc tầng cấp, chợt hiện lên một khu Ô Linh Cốt được thiết kế như những dãy nhà chung cư thu nhỏ, có mái che lớp ngói hồng, bao bọc chung quanh một điện nhỏ thờ tượng Địa Tạng Vương Bồ-tát, tạo nên một không khí trang nghiêm và ấm áp. Bên trong chánh điện, các tượng Phật và Bồ-tát đều vàng rực lên giữa những tràng phan, bảo cái, phướn lọng, đèn hoa... Đặc biệt ở phía sau nhà hậu Tổ, nằm bên một góc im ắng là một bàn thờ đầy linh vị và di ảnh của chư hương linh ký thác, trên đó có di ảnh của Đức Từ Cung và con trai của bà là vua Bảo Đại cùng nằm ở vị trí trung tâm. Bên cạnh bàn thờ này, trên tường bên trái có treo hai khung kính lớn lồng bên trong là các thư tịch văn bản cổ giấy đã ố vàng, nhưng Hán tự vẫn còn rõ từng nét: "Đại Namquốc - Trung hưng công thần linh vị". Đó chính là bài vị liệt kê danh tánh của 350 vị công thần có công với triều đại nhà Nguyễn.

Từng bước chậm vãn cảnh Kỳ Viên Trung Nghĩa tự, ngắm từng vết tích xưa cũ, trông từng cảnh sắc tân kỳ, mới thấy được rằng ngôi chùa này đúng là một "khu vườn kỳ lạ khác thường", xứng đáng khi đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử - văn hóa của xứ Trầm hương. 

 Nguồn Báo Giác Ngộ (tháng 07/ 2005).

 

2-   Núi Sinh Trung trong nguồn thơ Quách Tấn:

Bài thơ Đêm Thu Nghe quạ kêu:

Nguồn cảm xúc bài thơ ấy nằm trong người tôi ngót 12 năm trời.

Nguyên một buổi chiều cuối thu năm Đinh Mão (1927), tôi ở Trường Định xuống An Thái hốt thuốc cho bà thân tôi. Lúc trở về thì trời đã tối. Theo con đường gần và dễ đi nhất, tôi qua bến đò An Thái, sang An Vinh, rồi theo con đường ven bờ sông Côn đi thẳng lên. (1)

Đêm hôm ấy có trăng, nhưng không được sáng, vì trời nhiều sương. Tôi vừa đi vừa nghỉ vơ vẩn.  Chợt đến một khúc đường che khuất cả bóng trăng, và mo nang rụng đầy mặt đất. Tôi dậm phải những mo khô mới rụng, tiếng kêu sột sạt làm bầy quạ đương ngủ trên cây, giựt mình chớp cánh kêu vang dậy. Tiếng kêu thình lình giữa đêm vắng, nghe vừa rùng rợn vừa lạnh lùng. Cả mình tôi rởn ốc !

Từ ấy tiếng quạ ám ảnh tôi luôn.

Cách ba tháng sau, bà thân tôi mất. Tiếng quạ vẫn cứ theo tôi, nhưng giọng rùng rợn lạnh lùng đổi thành giọng não nùng héo hắt. Qua một thời gian khá lâu, tiếng nghe thưa dần và nhạt dần, rồi lịm mất.

Mùa hạ năm Kỷ Mão (1939), một đêm trăng tôi ngồi hóng mát cùng nhà tôi và anh Nguyễn Đình, trên bờ đầm Nha Trang ở trước mặt nhà. Lúc ấy đã khuya. Nghe tiếng phở rao, nhà tôi gọi. Không thấy trả lời, anh Nguyễn Đình gọi tiếp. Tiếng gọi bị núi Sinh Trung bên kia đầm dội lại, ngân dài trong đêm khuya.. Tiếng quạ năm xưa ở trong tâm hồn tôi vụt thức dậy rộn ràng.. Rộn ràng nhưng dịu dàng chớ không rùng rợn, cũng không não nùng như ngày trước.

--------

(1)   An Thái thuộc quận An Nhơn,  ở Nam ngạn sông Côn.

An Vinh thuộc quận Bình Khê (nay là Tây Sơn), ở Bắc ngạn sông Côn.

Làng tôi cũng thuộc Bình Khê, cách An Vinh chừng 7 cây số, ở phía tây.

-----

Trở vô nhà suốt đêm tôi không ngủ được. Tiếng quạ vang vọng bên tai, và gợi lên không biết bao nhiêu là ký ức. Phần thì nhớ mẹ già xưa, phần thì thương cảnh làng cũ, bồi hồi ảo não.., tôi nằm im lìm để cho nước mắt tuôn.. Niềm nhớ thương vơi dần theo nước mắt và lòng tôi êm dịu dần dần.

Toan ngồi dậy ghi lại mối cảm xúc, song thắp đèn sợ quấy rầy giấc ngủ của vợ con, tôi đành nằm im đợi sáng.

Sáng hôm sau nhằm ngày chúa nhật, được nghỉ tôi toan lấy giấy bút để làm thơ thì khách đến ! Thế là mất hết buổi sáng. Chiều đến đóng kín cửa phòng, một mình ngồi lập ý.

Vừa nghĩ đến chữ QUẠ thì liên tưởng ngay đến màu đen, đến chữ Ô. Chữ Ô làm nhớ đến bài Ô Y HẠNG của Lưu Vũ Tích :

Chu Tước kiều biên đã thảo hoa

Ô Y hạng khậu tịch dương tà

Cựu thời Vương Tạ đình tiền yến

Phi nhập tầm thường bách tánh gia.

 

Những cảnh trong thơ hiện ra mơ màng trước mắt.

Tôi để bút xuống bàn, ngồi nhắm mắt lại để cho lòng vui theo cảnh… bầy yến dễ thương bỗng bay tản mác rồi nhập lại nơi một lùm tre cao…

Tre che khuất bóng bầy chim én, nhưng lại đưa ra mấy tiếng quạ rộn ràng.. Liền đó như một cuốn phim, những cảnh bến đò An Thái, con đường ven sông Côn dần dần diễn trải dưới bóng nguyệt mờ sương… Rồi tiếng quạ ngân lên, và theo dư âm, bến đò An Thái biến thành bến Phong Kiều của Trương Kể với quang cảnh.

 

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hoả đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn sơn tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

 

Và con sông Côn biến thành dòng sông Xích Bích, với con thuyền của Tô Đông Pha trôi chầm chậm dưới bóng trăng thu.. Tôi tưởng tôi là họ Tô đương ngồi vuốt chòm râu rậm bay phất phơ trước gió và gõ mạn thuyền ngâm bài phú Xích Bích có nhắc đến họ Tào. Tôi lại trông thấy rõ dáng đắc ý của Tào Mạnh Đức đứng trên đoàn thuyền kết dài trên mặt sông, quay ngang ngọn dáo ngâm bài:

Nguyệt minh tinh hi

Ô thước Nam phi

Nhiễu thọ tam táp

Vô chi khả y !

 

Rồi hết diễn này đến diễn khác nối nhau đưa tôi vào sâu trong cõi mộng.. Tôi ngồi ngủ say cho đến lúc người nhà lay dậy ăn cơm tối !

Cơm xong tôi ngồi lại bàn giấy làm việc. Tôi nhất định ghi tất cả những gì đã đến cùng tôi. Nhưng không thể được, vì tôi không thích lối thơ trường thiên. Tôi bèn chọn lọc những nét rung cảm đậm nhất, nên thơ nhất, dồn vào trong 8 câu :

Từ  Ô Y hạng rủ rê sang

Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng

Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng

Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng.

Bồn chồn thương kẻ nương sông bạc

Thắc thỏm chăng ai quả ấn vàng !

Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi

Tình lang mang gợi tứ lang mang.

 

Tôi rất lấy làm thích, và lấy đầu đề ‘ Đêm nghe quạ kêu’.

Năm 1941, nhân các bạn ở toà soạn tạp chí BẠN ĐƯỜNG mới xuất bản, gởi thư xin bài, tôi gởi đăng bài ấy.

Cách đó ít lâu xem xét lại các thơ đã làm để in vào tập Mùa Cổ Điển, tôi nhận thấy bài ‘Nghe quạ kêu’, câu luận chưa sướng.

Câu trạng do những cảnh cũ gợi điển.

Câu luận bị thời cuộc lúc bấy giờ ảnh hưởng:

Lúc bấy giờ quân Nhật đóng ở Việt Nam, nhiều người đi lính để lập công danh, nhiều bà vợ bị chiếc bóng. Do đó mà mượn đến Sông Ngân, mượn đến tích Trương Hạo lượm được một viên đá tròn do con sơn thước hoá ra, đem đập vỡ thì thấy một quả ấn vàng có mấy chữ ‘ Trung hiếu hầu ấn’, sau làm tướng được phong đến tước hầu.

Chưa lấy làm sướng nhưng sửa mãi chưa được.

Một đêm ngồi tựa lan can, trầm ngâm ngẫm nghĩ… Ngoài trời trăng sáng vằng vặc. Những cách cửa sổ mở hé được ánh trăng chói vào trông như xuy bạc, và thềm giếng mới rửa loang loáng sắc hoàng kim. Trí tôi và mắt tôi dồn vào sắc vàng sắc trắng của cảnh vật và của câu thơ.. Chợt một vật gì rơi vào lòng giếng tạo thành một tiếng ‘chũm’ lạnh lùng. Tôi cảm xúc sửa ngay được câu thơ:

Bồn chồn thương kẻ nương song bạc

Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng

 

Sửa được câu này tôi khoái hơn khi làm xong 8 câu trước. Nhưng ngâm đi ngâm lại, lại thấy câu kết chưa nói đúng nỗi lòng. Một lần nữa tôi phải lo sửa lại:

Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi

Tình hoang mang gợi tứ  hoang mang.

Như thế là ổn. Thích chí ngâm vang cả trời khuya.

Chế Lan Viên cũng cho câu sửa hơn hẳn nguyên tác, nhưng còn chê đề bài chưa được nên thơ, mới thêm vào chữ ‘thu’ thành ‘Đêm thu nghe quạ kêu’.

Đó là ‘tiểu sử’ bài ‘Đêm thu nghe quạ kêu’, một bài thơ thai nghén một giáp tròn, thành hình trong nửa đêm, rồi đến hơn hai năm sau mới được sửa chữa lại. Và lúc nhuận sắc cũng như lúc sáng tác, tôi hưởng được nhiều hứng thú.

Vì thế mà lâu nay tôi thích bài ấy hơn các bài khác.

Hôm nay tôi lại hưởng thêm một thích thú nữa là vừa tìm thấy một sự ngẫu nhiên lạ lùng:

-                     Bị tiếng quạ xúc động năm Đinh Mão

-                     Làm bài ‘Đêm thu nghe quạ kêu" năm Kỷ Mão.

-                     Viết lại sự tích bài thơ năm Quí Mão.

Trước anh đã có Bích Khuê hỏi về trường hợp sáng tác. Tôi kể cho Bích Khê nghe, Bích Khê bảo tôi viết lại, nhưng từ ấy đến nay tính đã trên 20 năm rồi, tôi cứ định viết mãi, mà mãi vẫn không muốn viết. Nay nếu không có anh hỏi nữa, mà bức thư anh nếu không tới nhằm ngày chúa nhật, là hôm nay, thì e còn lâu lắm tôi mới viết.

Âu cũng là thiện duyên.

(Trích hồi ký của Quách Tấn)

 

BÚNG CHÂN

 

Thường ngày tôi bỏ ít nhất cũng vài mươi phút để tập thiền định. Tôi hay tìm những nơi thanh vắng, nhất là những bờ suối, bờ hồ…để khỏi bị tiếng động quấy rầy.

Một chiều nọ - tôi không nhớ rõ ngày nào, năm nào, chỉ nhớ là sau ngày chia đôi Nam Bắc, tôi đã trở lại Nha Trang – tôi ngồi trên núi Sinh Trung nhìn xuống đầm Hà Ra lắng lòng cho yên tỉnh…Tư bề im phăng phắc..Những tiếng ồn ào của thành phố không lên thấu đầu non, nhất là khi tâm thần đã tịnh…Bổng một con cào cào (hay châu chấu) bay vù qua mặt khiến tôi giật mình! Đầu óc tôi tự nhiên choáng váng…cảnh vật tứ bề đều rung rinh…nhưng chỉ trong tích tắc là hết ngay..lòng tôi yên tỉnh trở lại. Song từ ấy mỗi lần tôi ngồi thiền, tôi thường bị con cào cào ám ảnh và một tiếng lá rơi nhẹ, một tiếng chim kêu khẽ cũng làm cho tôi có cảm giác là mây nước rung rinh.

…Rồi đêm 17 tháng 9 năm 1963 – thời kỳ Phật giáo đồ đương bị nạn, lòng người bị giao động triệt để - nằm trằn trọc không ngủ được, tôi ngồi dậy vặn đèn lên xem sách. Đèn vừa sáng thì chợt thấy một con cào cào xanh đương đậu im lìm trên chồng sách để trên đầu giường.

Thoáng ánh đèn con cào cào búng chân nhảy. Cảnh hồ chao mây ráng chiều năm xưa vụt hiện trước mắt tôi. Tôi cao hứng viết 4 câu:

Bờ cao búng chân nhảy

Con cào cào áo xanh

Bóng chao hồ nước nhẫy

Ráng chiều thu long lanh.

Tự thấy làm vừa ý. Tắt đèn ngủ một giấc ngon.

Sáng hôm sau ngâm lại thấy mạch văn chưa thông và cảm xúc chưa diễn đúng, bèn sửa lại:

Nước ngấm trời trong lặng

Con cào cào áo xanh

Bờ cao búng chân nhảy

Mây chiều thu rung rinh

Tự cho là ổn!

Nhưng hai tháng sau đem ra xem lại, lại tiếc cảnh “ráng chiều thu long lanh” vì cảnh đẹp quá! Bỏ thì uổng mà để thì không nói lên được trạng thái của tâm hồn và của cảnh vật khi con cào cào búng chân, vì một bên tịnh, một bên động. Tôi bèn đưa cảnh ấy lên câu đầu:

Nước ngậm trời long lanh

Con cào cào áo xanh

Bờ cao búng chân nhảy

Mây chiều thu rung rinh.

Bài thơ có thể gọi là hoàn hảo.

(Trích Trường Xuyên Thi Thoại của Quách Tấn)

 

Nha Trang ngày Hòa thượng trụ trì Kỳ Viên Trung Nghĩa Tự viên tịch.

 (16 tháng 10 năm 2017)

 QUÁCH GIAO


 

[1] Xem thêm phần “Địa lý” mục Núi Sinh Trung ở trước.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/03/2011(Xem: 7157)
Tôi biết tin GS Phạm Công Thiện mất qua trang web viet-studies của GS Trần Hữu Dũng post ngày 10-3. Dòng thông tin được dẫn từ báo Người Việt ở Houston, bang Tesas cho biết theo gia đình và Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất ở Mỹ xác nhận ông mất ngày 9-3-2011, thọ 71 tuổi. Trước khi mất dường như ông đã biết trước cuộc vĩnh ly này nên nhập định rồi ra đi nhẹ nhàng. Ngoài dòng báo tin của báo Người Việt còn bài viết cho người đã mất của nhà văn Viên Linh với tư cách bạn bè.
12/03/2011(Xem: 7327)
Phạm Công thiện, ông là ai? Có nhiều người đã hỏi như thế. Triết gia? Thiền sư? Thi sĩ? Văn sĩ? Hay là một người lang thang rong chơi trong cuộc đời ? Hay là nghệ sĩ với ước vọng thành một tài năng lớn của thế giới? Hoặc là một người đang trong cơn mộng du suốt cả đời? Trần Tuấn Kiệt trong một bài viết trong “Tác Giả Tác Phẩm“, xuất bản cách nay gần bốn chục năm, cũng nói về chân dung người thi sĩ rất mực nghệ sĩ này:
25/02/2011(Xem: 6930)
Lễ huý nhật Ôn Trí Thủ năm 2005 tại Quảng Hương Già Lam
19/02/2011(Xem: 5826)
Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Huyền Tôn, đệ tử của Đệ Lục Tổ Sư Thiên Ấn Tự, Hòa Thượng Tăng Cang Thích Chơn Trung, thế danh Nguyễn Thái Long, pháp danh Như Kế, pháp tự Giải Tích, pháp hiệu Huyền Tôn. Ngài sinh năm Mậu Thìn (1928.Việt lịch: 4807) tại làng Châu Nhai, Huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam. Thân phụ, bán thế xuất gia là Đại Sư thượng Như hạ Quý (1874-1942), Thân mẫu là Cụ bà Thái Thị Túc, pháp danh Như Chỉnh, tự Giải Lý (1891-1945).
13/02/2011(Xem: 19603)
Ca Sĩ Gia Huy, Tên thật của Gia Huy là Đặng Quốc Hung. Anh đến Montreal, Canada vào năm 1991 để cùng đoàn tụ với gia đình. Anh hát lần đầu tiên tại vũ trường Chateau Du Parc tại Montreal. Lúc đó, anh hát với ban nhạc Phạm Mạnh Cường để trình bày những tác phẩm như "Máu Nhuộm Bãi Thượng Hải", "Mười Năm Tình Cũ" và "Lambada". Ngay sau lần trình diễn đầu tiên, Gia Huy trở thành một ấn tượng của dân chúng tại Montreal. Anh bắt đầu hát cho một số vũ trường tại địa phương như Bistro Dore, Miss Sai Gòn, và Đêm Sai Gòn. Tuy nhiên, mục đích của Gia Huy là nổi danh ngoài Canada và khuếch trương số khán thính giả đi khắp thế giới.
30/01/2011(Xem: 6087)
Hòa Thượng Thích Như Điển - Đệ Nhị Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Âu Châu - Phương Trượng Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc
14/01/2011(Xem: 6205)
Hòa thượng họ Hồ Đắc, tên Cư, Pháp danh Tâm Thật, Pháp hiệu Thiện Châu, sinh ngày 23 tháng 2 năm 1931 tức ngày 7 tháng 1 năm Tân Mùi tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ Thầy là Cụ Hồ Đắc Phách, thân mẫu là Cụ Nguyễn Thị Cần. Thầy xuất gia năm 16 tuổi (1947) và thọ giới tỳ kheo năm 1952. Bổn sư của Thầy là Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Giác Nguyên, Viện chủ Tổ Đình Tây Thiên (Huế).
07/01/2011(Xem: 7057)
Ông vua đầu tiên của nhà Trần và cũng là một thiền sư cư sỹ, Trần Cảnh (Trần Thái Tông) (1218-1277) đã để lại một sự nghiệp chính trị, một dòng văn học bất hủ, đến bây giờ vẫn mãi là kim chỉ nam, ngọn đuốc soi đường trong đêm dài tăm tối, cho những ai tìm phương vượt thoát, lộ trình cho những ai muốn đưa dân tộc tìm tới đỉnh cao của nhân bản và an lạc.
05/01/2011(Xem: 5873)
Về việc Hòa Thượng Đôn Hậu lên núi, ra Bắc trong vụ Tết Mậu Thân được thầy Trí Tựu, Trú Trì chùa Linh Mụ thuật lại như sau: (lúc 12:00 giờ trưa, ngày 12-3-2009 tại chùa Linh Mụ) Vào khoảng quá nửa đêm tối Mồng một Tết Mậu Thân, có một phái đoàn gồm quân nhân và người mặc thường phục đến thăm Ôn. Ôn đang bị bệnh, bệnh suyễn và xuất huyết dạ dày. Thầy ngồi đàng xa. Thầy Trí Lưu, thân phụ của thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát, lúc đó là Tri Sự chùa Linh Mụ, ngồi gần Ôn. Họ mời Ôn về Huế họp. Ôn từ chối nói đau không đi được. Họ nói có người đưa Ôn đi. Sau đó người ta gánh Ôn đi trên một chiếc võng, từ chùa Linh Mụ, không về Huế mà rẽ về Chợ Thông thuộc làng An Ninh Hạ, đến La Chữ. Ban ngày núp, nghỉ, ban đêm đi. Sau một tháng đến Seopon giáp giới Lào. Máy bay trực thăng bay trên đầu mà không bắn. Trên đường đi, thiếu lương thực, bị hạm đội Mỹ pháo kích. Nhiều người bị chết vì đói và sốt rét. (Được kể lại sau 1975). Rồi sau đó từ Huế ra Hà Nội mất hết 4 tháng, đi theo đường Mòn Hồ Chí Minh đến
30/12/2010(Xem: 5814)
Nguyễn Du (1765-1820) tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn Liệp Hộ, Nam Hải Điếu Đồ, sinh trưởng trong gia đình phong kiến quý tộc có nhiều danh vọng, quê gốc ở làng Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Cha và anh của ông giữ những chức vụ quan trọng trong phủ chúa Trịnh. Thời trẻ ông tập ấm một chức quan võ nhỏ của cha nuôi họ Hà ở Thái Nguyên. Năm 1787, Tây Sơn ra Bắc diệt Trịnh, ông bắt đầu thời kỳ “Thập tải phong trần” (Mười năm gió bụi). Sau ông phục vụ nhà Nguyễn, làm đến Hữu Tham tri Bộ Lễ, từng được cử làm chánh sứ đi sứ Trung Quốc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]