Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Minh Tuyền (1938-2017)

26/08/201706:36(Xem: 9406)
Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Minh Tuyền (1938-2017)


Chan Dung HT Thich Minh Tuyen_1938-2017-b
Sơ Lược Tiểu Sử

Hòa Thượng Thích Minh Tuyền

(1938-2017)

 


1-Thân thế: Hòa Thượng thế danh là Lê Minh Tuyền pháp danh Nguyên Pháp, hiệu Minh Tuyền dòng Lâm Tế Liễu Quán đời thứ 44, sanh ngày 8 tháng 9 năm 1938 (Mậu Dần) tại làng Bình Hội, thị trấn chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận - Việt Nam, trong gia đình chánh tín Tam Bảo, là con thứ 10 trong đại gia đình 10 anh chị em (4 trai, 6 gái). Thân phụ là cụ ông Lê Thuật, Thân mẫu là cụ bà Lê Thị Miều.

2- Xuất gia học đạo: Nhờ ảnh hưởng nếp sống đạo đức của gia đình, ngay từ khi còn nhỏ Hòa Thượng đã sớm ý thức đời là vô thường, giả tạm nên thường lui tới chùa nghe tiếng chuông ngân và lời kinh tiếng kệ. Từ đó chí xuất trần của Ngài nhen nhúm và được song thân cho vào chùa xuất gia học đạo năm lên bảy tuổi (1945) tại chùa Bửu Tích, Bắc Bình, Bình Thuận, với Hòa Thượng Thích Viên Trí và được Bổn Sư ban pháp danh Nguyên Pháp, pháp hiệu Minh Tuyền. Sống với Thầy hơn 10 năm, cho tới năm 1956, Ngài được Bổn Sư gởi vào viện Phật học Hải Đức Nha Trang, Trung Phần Việt Nam do Hòa Thượng Trí Thủ làm Giám Viện. Phật học viện Hải Đức vừa thành lập trong năm này.

Năm 1958 đúng 20 tuổi Ngài đăng đàn thọ giới Cụ túc được tổ chức tại viện Phật học Trung phần này.

3- Thời kỳ hành đạo:

Năm 1962 (24 tuổi) sau khi tốt nghiệp Trung Đẳng Phật học, Ngài vào Nam để tiếp tục con đường học vấn, nhưng lại không nơi ổn định để yên thân, Ngài thật vô cùng vất vả đi tới nhiều chùa xin tá túc, nhưng không được như ý nguyện, buộc lòng Ngài đạp xe đạp hết nơi này đến nơi nọ xin cứu giúp qua cơn cơ nhỡ.  Và đây cũng là lý do Hòa Thượng vận tâm thành đứng ra lập chùa Bửu Tạng tại ngã ba Hàng Xanh - Thủ Đức – Biên Hòa, nay là Sài Gòn gồm 2 cơ sở chùa trong và chùa ngoài mà nay vẫn còn tồn tại.

Năm 1963 Ngài 25 tuổi, nhằm lúc PG tranh đấu chống lại sự đàn áp bất công của chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, Hòa Thượng tham gia phong trào rất tích cực, nên bị mật vụ theo dõi phải lẫn tránh nhiều nơi mới khỏi bị lộ diện. Đến ngày 1 tháng 11 năm 1963, các tướng lãnh quân lực VNCH đứng lên lật đổ chế độ nhà Ngô thành công và thiết lập nền đệ nhị Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam. GHPGVNTN được thành lập vào tháng 1 năm 1964 gồm 2 viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo, với những cải tổ về tổ chức rất đáng kể như giáo dục, đào tạo cán bộ giảng sư, giáo sư, kinh tế, từ thiện xã hội và ngành Tuyên Úy Phật Giáo cũng được Giáo Hội thiết lập, đào tạo những Tăng sĩ trẻ đi sát vào đời sống để an ủi gia đình các binh sĩ mà người thân của họ đang hy sinh chiến đấu ngoài chiến trường.

Năm 1967, 29 tuổi Ngài gia nhập ngành Tuyên Úy Phật Giáo với cấp bậc Đại Úy trong 4 năm cho tới năm 1970 rồi xin giải ngũ. Năm 1970 sau khi giải ngũ, đến năm 34 tuổi, Ngài được HT Trí Dũng đỡ đầu (sponsor) làm giấy tờ cho qua Nhật học Thiền với Thiền Sư Omori thuộc tông phái Tào Động (Soto) tại Tokyo.

Năm 1970, chi bộ PGVN tại Nhật Bản được thành lập, do 3 HT Thiện Minh, HT Thích Huyền Quang và HT Nhất Hạnh, hướng dẫn phái đoàn GHPGVNTN phó hội tại Tokyo về tôn giáo và hòa bình thế giới, gợi ý và chỉ đạo. Lúc bấy giờ gồm có 4 ĐĐ: Thích Minh Tâm: Chi bộ trưởng, Thích Trí Quảng: Chi bộ phó, Thích Minh Lễ: Chi bộ phó, Thích Như Tạng: Thư ký, và về sau có các Đại Đức tiếp tục điều hành chi bộ: ĐĐ Chơn Thành, Nguyên Đạt, Minh Tuyền, Chơn Minh, Trí Hiền, Giác Đạo, Giác Thiện, Như Điển, Minh Tuấn, Như Mẫn, Bảo Lạc…

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 chế độ VNCH miền Nam Việt Nam bị CS miền Bắc cưỡng chiếm. Đời sống du học Tăng tại Nhật bấy giờ không còn nhận được sự chuyển ngân như trước nữa, nên phải tìm việc làm để mưu sinh và tiếp tục học tập, tu niệm.

Từ năm 1977 – 1987 các Tăng sinh du học tại Nhật Bản hầu hết đều xin di dân qua các nước tự do, chỉ còn lại số vài ba vị, trong đó có HT Minh Tuyền ở lại cho tới ngày cuối đời. Trong thời gian đó, Ngài thường mượn Chùa Thường Viên (Joen – Ji) tại thành phố Shinju – ku tổ chức những Lễ Phật Đản, Vu Lan cho đồng bào Phật tử người Việt tỵ nạn Cộng Sản tại Tokyo.

4-  Quyết định lập chùa Việt Nam tại Nhật Bản

Năm 1997, Hòa Thượng nảy ý định mua đất lập chùa Việt Nam tại Nhật Bản. Nhưng tìm đâu ra tiền đây? Còn nhân sự nữa, nhìn trước nhìn sau có ai đâu? Còn Phật tử được bao người ủng hộ?

Thế là Hòa Thượng nhấc phone gọi HT Thích Mãn Giác lúc bấy giờ là Hội Chủ Tổng Hội PGVN tại Hoa Kỳ, nhờ làm giấy bảo lãnh qua Mỹ vận động Phật tử. Được HT Hội Chủ tán đồng, khích lệ và viết thư mời ngay. Vào giữa năm 1997, Ngài được tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Tokyo cấp visa du lịch sang Mỹ và đến ngay chùa PGVN của HT Mãn Giác đặt cứ điểm 1 tháng làm nơi phát xuất cuộc vận động xây chùa. Kết quả thật khả quan, sau vài chuyến đi vận động như vậy, gần đủ số tiền 70 ngàn Mỹ kim đem về mua lô đất lập chùa như hiện tại Chùa PGVN Nhật Bản.

Đất đã có, còn tiền xây chùa đâu? Thế rồi Ngài xin qua Mỹ lần nữa, lần này vào năm 1998, Ngài ở lại Hoa Kỳ đến 3 tháng đi khắp nhiều tiểu bang vừa vận động, vừa tổ chức cơm chay gây quỹ, kết quả thật ngoài sự dự liệu. Vì chư Tăng Ni và Phật tử nghe có ngôi chùa Việt duy nhất tại Nhật nên ai cũng hoan hỷ trợ giúp bằng tình Pháp lữ, Thầy trò thật là cao quý biết bao! Sau chuyến đi này, Ngài trở về Nhật lập họa đồ xây cất, nhưng khảo giá thành số tiền có được như vốc muối bỏ biển. Lần này Ngài nghĩ ra kế khác, nhấc phone liên lạc HT Như Điển xin giấy mời để làm thủ tục visa sang Đức vận động tiền xây chùa. Được HT Như Điển hết lòng trợ duyên, Ngài lên đường sang Đức lần đầu vào năm 2008, (lần thứ hai vào năm 2015) được sự lưu tâm đặc biệt của HT Như Điển, đưa Ngài đi tới nhiều nước bên Âu Châu vận động được một số tiền tương đối khá. Nhưng vẫn chưa đạt được mức đến, Ngài lại phải tiếp tục phone qua Úc nhờ HT Bảo Lạc bảo lãnh sang để vận động tiền xây chùa. HT Bảo Lạc rất hoan hỷ viết thư mời ngay và gởi express sang Nhật cho Ngài. Chuyến đi đầu tiên của Ngài vào năm 2009, được HT Bảo Lạc cùng Tăng Ni tại Tự Viện Pháp Bảo Sydney chia sẻ hết lòng, và HT Pháp Bảo còn góp ý rằng: Thầy nên làm lễ đặt viên đá xây chùa Việt Nam tại Nhật vào đầu năm tới (2010) khi có phái đoàn hành hương do HT Như Điển hướng dẫn gồm gần 10 Tăng Ni và 30 Phật tử. Đây là một cơ hội hiếm có Thầy nên nghe lời đề nghị của tôi. Thế là Ngài nghe hữu lý và bắt tay vào việc ngay.

Lễ động thổ trí thạch xây chùa tiến hành một cách tốt đẹp và thành công như ý nguyện vào tháng Tư năm 2010. Chùa Việt Nam khởi công đào móng, xây cất từ sau Lễ Phật Đản PL.2533 (Phật Đản 2613) cho tới Phật Đản năm sau (2011), tiến độ công trình rất nhanh chóng. Bấy giờ nóc chùa đã lợp xong mái ngói, coi như việc xây cất đã đạt hơn hai phần ba với mái cong như rồng uốn khúc. Xem hình mái chùa vừa thành tựu ai nấy đều vui mừng, chúc nguyện rằng món tặng phẩm chùa Việt Nam mà HT Minh Tuyền vừa xây dựng tại đất Nhật biểu trưng cho nét đẹp văn hóa Việt Nam trên xứ Phù Tang.

Nhân tiện, Thầy Như Điển đề nghị: Thầy tổ chức lễ Khánh thành vào năm tới (2012) chắc là hợp thời đúng lúc đấy? Ngài Minh Tuyền nói: Tôi làm việc đầu tắt mặt tối, tiền bạc hầu cạn ráo cháy túi rồi, nợ nần tứ xứ làm sao nghĩ tới lễ Khánh thành được? HT Như Điển đốc thúc: Chùa có lực gia trì của Tam Bảo và Long Thần Hộ Pháp gia hộ, miễn Thầy đồng ý, Như Điển sẽ đắc lực góp sức. Hòa Thượng vừa cười vừa nói: Thầy nói nghe cũng có lý, và tôi tin tưởng nơi Thầy nhiều lắm đấy! Nhờ Phật tử công quả, cùng với sự tích cực cúng dường tịnh tài, cũng như việc động viên tinh thần, tài chánh của chư Pháp lữ, huynh đệ xa gần nên HT Minh Tuyền vững tin hơn vào sức mình.

Đại Lễ Khánh Thành chùa Phật Giáo Việt Nam tại Nhật Bản vào tháng 11 năm 2012, với sự tham dự của các phái đoàn từ Âu Châu gồm 80 người do HT Như Điển hướng dẫn, phái đoàn từ Úc Châu gồm 36 người do HT Bảo Lạc hướng dẫn, phái đoàn từ Hoa Kỳ do HT Thông Hải và HT Bổn Đạt hướng dẫn, phái đoàn từ Việt Nam gồm quý Hòa Thượng, Thượng Tọa, Ni trưởng, chư Đại Đức Tăng Ni trên 30 vị. Buổi lễ thật là trang nghiêm thanh tịnh với trên 500 khách tham dự với bao sự hỷ lạc hiện trên nét mặt mỗi người hướng về ngôi chùa mới, như chưa từng có từ trước đến nay đối với người Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản. Buổi chiều cùng ngày còn có lễ Chẩn tế bạt độ chư âm linh do TT Tâm Minh là Gia Trì Sư đến từ Sydney cùng ban kinh sư 6 vị tán tụng theo giọng Huế với tiếng tang, linh, chuông mõ, nhịp điệu trầm hùng đi sâu tận lòng người, hai cõi âm dương đều được lợi lạc.

5- Lễ hoàn nguyện chưa thành và những ngày cuối cùng

Vào dịp Tết Đinh Dậu (2017) vừa qua HT Minh Tuyền phone qua HT Phương Trượng Pháp Bảo rằng, Ngài muốn đi Úc chuyến nữa để vận động tài chánh làm cho xong các hạng mục còn lại chuẩn bị cho lễ tạ ân Tam Bảo và hoàn nguyện vào tháng 4 năm tới (2018). Thư mời gởi express sang Tokyo và Hòa Thượng đã lấy được visa nhập cảnh vào Úc sáng thứ Bảy 13 tháng 5 năm 2017, và Chủ Nhật (14-5-17) là Đại lễ Phật Đản tại Chùa Pháp Bảo – Sydney. Trong buổi lễ, HT Bảo Lạc có mời Ngài Minh Tuyền lên chào mừng chư Tôn đức Tăng Ni và đồng hương Phật tử. Ngài phát biểu: Thưa quý vị tôi vừa mới tới Sydney sáng hôm qua, để kịp dự lễ Phật Đản sáng nay với Thầy Bảo Lạc và quý vị. Tôi xin kính chào mừng chư Tôn đức Tăng Ni, cùng quý quan khách, và rất cảm ơn tình Pháp lữ của HT Bảo Lạc đối với tôi. Kính chúc quý vị mùa Phật Đản an lạc và thành tựu mọi sở nguyện đều được viên mãn. Sau lễ Phật Đản ở Pháp Bảo, Ngài sang dự lễ Phật Đản chùa Thiên Ấn của TT Như Định vào Chủ Nhật ngày 21/5/17. Chủ Nhật 28/5/17 tại chùa Pháp Bảo dành đặc biệt cho vị khách Tăng đến từ xứ Phù Tang, nhưng không là hậu duệ của Thái Dương Thần Nữ, như lời mở đầu giới thiệu của HT Pháp Bảo, cũng như cho hay rằng HT Minh Tuyền muốn nhận sự ủng hộ của quý Phật tử cho việc hoàn tất giai đoạn chót ngôi chùa VN tại Nhật Bản. Bà con Phật tử nhiệt tình cúng dường số tịnh tài cũng tương đối khả quan. Sáng thứ Hai ngày 29/5/17 Ngài đi Adelaide để kính viếng Giác linh HT Như Huệ, chiều ngày 30/5/17 Ngài đi Melbourne về Tu Viện Quảng Đức thăm TT Tâm Phương và TT Nguyên Tạng. Ngày 31/5 và ngày 1/6/2017, Hòa Thượng  cùng TT Tâm Phương đi thăm viếng tiểu bang Tasmania, thành phố Hobart. Chủ Nhật 4/6/2017 có buổi nói chuyện của Ngài tại Tu Viện Quảng Đức để kêu gọi Phật tử ủng hộ việc xây chùa tại Tokyo (xem hình).

Sau khi đi một vòng thăm các nơi, Ngài trở lại Sydney để Chủ Nhật ngày 11/6/17 về lại Nhật như chương trình đã dự định trong gần 1 tháng tại Úc.

Ngày 15/8/17, Ngài có phone nói chuyện với HT Như Điển kể lại chuyến đi Úc 2 tháng trước với sự hoan hỷ trân quí, mối đạo tình cao đẹp của chư Tôn Đức tại Úc Châu nói riêng, và khắp nơi nói chung đối với Hòa Thượng trong nhiều năm qua.

Hôm sau, 16/8 nghe hung tin Hòa Thượng bị té ngã và bị stroke rất nặng khó có cơ hội hồi phục. Tin này báo đi, quý Thầy quen thân, ai cũng rất bàng hoàng xúc động, cầu cho Ngài tai qua nạn khỏi. Mãi cho tới ngày 21/8/17, bịnh tình Ngài mỗi ngày tệ hơn, và cuối cùng Ngài đã an nhiên xả báo thân tứ đại lúc 3 giờ 35 phút sáng ngày 22/8/2017 (mồng 1 tháng 7 năm Đinh Dậu), tại Tokyo Nhật Bản, thọ thế 80, 60 hạ lạp. Mạng người chỉ trong hơi thở như lời Phật dạy, chúng ta nên học kỹ bài học vô thường hơn!


Nam mô Từ Lâm Tế Liễu Quán pháp phái, đời thứ 44, Khai sơn Trú Trì Chùa Việt Nam, húy Lê Công, tự Nguyên Pháp, hiệu Minh Tuyền Giác Linh Hòa Thượng.

 

(Chư pháp hữu hợp soạn).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/10/2011(Xem: 5635)
Thế giới, với người ngộ đạo, đã được lộn trái trở lại: sanh tử lộn ngược thành Niết Bàn. Đời sống có ý nghĩa là không tịch. Đời sống là sự biểu hiện của tính sáng.
10/10/2011(Xem: 5063)
Chúc Mừng Hòa Thượng Minh Dung
09/10/2011(Xem: 4672)
“ Lúc này ngài lại đi khắp các ngọn núi. Bảo Sát thưa rằng, ‘Tôn đức tuổi đã cao mà cứ xông pha sương tuyết thì mạng mạch Phật giáo sẽ thế nào ?’ Thượng hoàng đáp : ‘Thời ta đã đến, vì thế ta muốn làm kế lâu dài mà thôi’.
15/09/2011(Xem: 7080)
Hòa thượng Thích Trí Minh thế danh Đinh Văn Nhiên sinh năm Giáp Thìn (1904) tại xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ Ngài là cụ ông Đinh Văn Siêu, pháp danh Ấn Lộc; thân mẫu là cụ bà Hồ Thị Hành. Năm Nhâm Ngọ (1906), khi vừa tròn 3 tuổi thì mẫu thân qua đời, Ngài được người dì chăm lo nuôi dưỡng.
15/09/2011(Xem: 6068)
HT.Thích Trí Quang là một bậc danh tăng Việt Nam thời hiện đại. Ngài sinh năm Quý Hợi (1923), tại làng Diêm Điền, tỉnh Quảng Bình - ngôi làng có mối liên hệ chặt chẽ với Phong trào Văn Thân của chí sĩ Phan Đình Phùng - trong một gia đình gồm sáu anh em trai. Gia đình HT đều theo Phật lâu đời; thân phụ sau này xuất gia, làm đệ tử của ngài Đắc Quang - Tăng cang chùa Linh Mụ.
12/08/2011(Xem: 6926)
Ở miền Trung, có cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là trụ cột của công cuộc chấn hưng Phật giáo, thì ở miền Nam có cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, một khuôn mặt Phật tử lớn đã cống hiến nhiều công lao trong việc chấn hưng và xây dựng Phật giáo phương Nam.
12/08/2011(Xem: 7178)
Sáng ngày 27-11-08 (nhằm mùng 1-11-Mậu Tý), lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, khoảng 40.000 Tăng Ni cả nước đã có mặt tại núi rừng Yên Tử, mảnh đất thiêng liêng đã khai sinh thiền phái Trúc Lâm, đậm đà bản sắc Việt, để dự quốc lễ Phật giáo, tưởng niệm 700 năm ngày mất của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị vua anh minh và thiền sư lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam.
11/08/2011(Xem: 5275)
Suốt hai thế kỷ XVII-XVIII, đạo Phật gặp nhiều thuận duyên, phát triển nhanh chóng từ vùng đất Thuận Quảng đến khắp đồng bằng Nam Bộ. Sở dĩ được thế là nhờ trong chốn thiền môn nối nhau xuất hiện các bậc cao tăng như Viên Cảnh, Viên Khoan, Minh Châu, Nguyên Thiều, Liễu Quán... Ngoài xã hội thì các chúa Nguyễn và triều thần hết lòng hộ trì Tam bảo. Trong số các vị cư sĩ hộ pháp mà danh tiếng còn lưu truyền đến nay có Trần Đình Ân.
11/08/2011(Xem: 8546)
Tôi với Ni Sư không cùng chung một lớp nhưng lại chung một trường. Thành phố Huế chỉ lớn bằng bàn tay nên dù không quen cũng thành quen, chuyện lớn chuyện nhỏ gì của nhau rồi dần dà cũng biết cả, nhất là Ni Sư lại là một người học trò giỏi nữa. Thuở ấy Ni Sư là một nữ sinh Đồng Khánh áo trắng tóc thề, mắt sáng, da đã trắng mà má lại luôn luôn ửng hồng xinh xắn vô cùng, nên Tôn Nữ Hỷ Khương đã làm tặng Ni Sư mấy câu thơ như sau:
10/08/2011(Xem: 5515)
Câu hỏi có vẻ lẩn thẩn, bởi lẽ từ khi cắp sách đến trường, bắt đầu học lịch sử dân tộc, ai là người Việt Nam mà chẳng biết qua hơn một lần trang sử đời Trần và trang sử Trần Nhân Tông? Ai là người Việt Nam đã không tự hào về những chiến thắng quân Nguyên vẻ vang của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài ba của vị vua anh minh lỗi lạc Trần Nhân Tông?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]