Giới Thiệu Chương Trình Lễ Tưởng Niệm và Triển Lãm 40 Năm Báo Chí Phật Giáo VN tại Hoa Kỳ và Hải Ngoại, Vào Lúc 03 giờ chiều ngày 22-11-2015 tại chùa Việt Nam, 863 South Berendo Street, Los Angeles, CA 90005
(Việt Báo - Los Angles) Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thiên Ân (1925-1980) sau khi du học tại Đại học Waseda nhận bằng tiến sĩ trở về nước làm Khoa trưởng Phân khoa Phật học đầu tiên tại Đại học Vạn Hạnh vào năm 1964 và giảng dạy Triết học, Phật học và Văn học ở các Đại học trong nước, là một vị Thầy còn là một vị giáo sư tài năng và đức độ được giới sinh viên thời bấy giờ ngưỡng phục và kính trọng. Là một vị giáo sư có tiếng trong nước cũng là vị giáo sư ngoại lệ thời bấy giờ đã được một Đại học tại Nhật bản cấp văn bằng tiến sĩ văn học cho một sinh viên ngoại quốc cho nên vào năm 1966 Hòa thượng đã được Cơ quan Văn hóa Á châu của Liên Hiệp quốc mời qua chương trình trao đổi giáo sư để dạy tại Đại học UCLA là một đại học nổi tiếng của Hoa kỳ về triết học Phật giáo và Thiền học. Nhưng sau năm học các sinh viên trường này không muốn Hòa thượng rời nước Mỹ trở về lại Việt nam khi Hòa thượng hoàn tất chương trình giảng dạy vào năm 1967. Do vậy Hòa thượng đã tùy duyên định cư ở lại Hoa kỳ để đem những tinh hoa từ bi và trí tuệ của Đạo Phật để ươm mầm Bồ đề trên vùng đất mới này.
Vào năm 1970 Hòa thượng đã thành lập Trung tâm Thiền Phật giáo quốc tế tên tiếng Mỹ là International Buddhist Meditation Center viết tắt là IBMC.
Từ nơi Thiền viện này có đông Giáo sư và sinh viên đến tham dự các khóa thiền như vị Giáo sư khoa học có tiếng tăm Dr. Ed. Wortz (1930-2004) và nhiều học trò của ông đã đến Thiền viện này. Tiến sĩ Ed. Wortz sau này trở thành Dharma Teacher đã nhiệt thành hỗ trợ cho IBMC.
Năm 1974 Hòa thượng đã lần đầu tiên khai mở giới đàn tại IBMC Hòa Thượng Thích Thiên Ân là đàn đầu Hòa thượng còn có giới sư là Hòa thượng Tuyên Hóa và HT Thích Trí Siêu Lê Mạnh Thát là giới sư kiêm dẫn thỉnh sư lúc này Thầy đã nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Wisconsin và đang giảng dạy tại đây trước khi về lại Việt nam, để độ cho khoảng 6 học trò là những người Mỹ bản xứ trở thành những Tăng sĩ Phật giáo mà những vị này đã nối tiếp tâm ấn Phật giáo Việt nam từ người Thầy của mình để truyền bá Phật Pháp cho đến tận hôm nay, truyền giới Pháp sư và cư sĩ cho một số người Mỹ.
Năm 1973 Hòa thượng khai sáng Viện Đại học Đông Phương cũng tại thành phố Los Angles. Đại học này đã mời hai vị Đại Sư của Tây tạng và Đài loan để vinh danh và trao tặng Bằng Tiến sĩ danh dự về sự cống hiến của hai ngài cho Phật giáo và dân tộc đó là Đức Đạt Lai La Ma của Tây tạng và Đại Sư Tinh Vân của Phật Quang Sơn Đài Loan. Năm 1975 khi Việt tỵ nạn định cư ở Hoa kỳ để mưu tìm tự do thì Hòa thượng khai sáng chùa Việt Nam ngôi chùa người Việt đầu tiên ở thành phố Los Angeles để cho chư Tăng và Phật tử tu tập, hoằng dương Phật Việt và truyền thống dân tộc.
Tưởng niệm và truy tán công hạnh của một vị Thầy là Tổ khai sáng Phật giáo Việt nam tại Hoa kỳ để chư Tăng và Phật tử nối tiếp con đường Phật giáo của người Việt ngày thêm sáng lạng huy hoàng để đem lại hòa bình hạnh phúc và lợi lạc cho mọi người. Trãi qua 40 năm bể dâu, Phật giáo Việt nam tại Hoa kỳ đã song hành vui buồn vinh quang cùng những người Phật tử Việt nam tại Hoa kỳ suốt bốn thập kỷ đó đã có nhiều thành tựu đáng kể để lại dấu ấn cho những thế hệ Phật tử mai sau. Một trong những thành tựu đó là con đường hoằng Pháp qua phương tiện thông tin và báo chí đặc thù của Phật giáo. Để ôn lại chặng đường dài đó, chùa Việt nam cũng tổ chức một cuộc triễn lãm chưng bày khiêm tốn những tờ báo chính chư Tăng và Phật tử của các khắp tiểu bang Hoa kỳ và một số ít báo ở Hải ngoại đã ấn hành mà chùa Việt nam sưu tập và hiện có. Dù rằng lượng báo rời rạc không trọn bộ nhưng đây chúng ta xem như là một nỗ lực của chùa Việt nam Los Angeles nhằm để giới thiệu một cách khiêm tốn những gian nan khổ cực của số đông người từng có mặt đi trước cho một Phật giáo Việt nam được phát triển ở Hoa kỳ vào những ngày đầu tiên nhận lấy Hoa kỳ như là Quê hương thứ hai của mình qua đó một thông điệp Hạnh phúc và chuyển hóa tâm được gửi đến cho những Phật tử Việt nam tại Hoa kỳ là những người luôn luôn xem Chánh pháp của Đức Phật là cao thượng hơn hết và một lòng phụng hiến.
Buổi lễ dưới sự chứng minh của chư Hòa Thượng giáo phẩm và chư tôn Thiền Đức Tăng Ni và sự điều hợp của quí Thầy. MC Hoa hậu Bích Trâm và Ca sĩ Nguyên Lê chương trình được biết như sau:
Phần một lễ Tưởng niệm: MC quí Thầy.
3:00 pm: Giới thiệu chư tôn Hòa thượng giáo phẩm, chư tôn đức và quan khách
3:05 pm: Dâng hoa tưởng niệm Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thiên Ân
3:10 pm: Cung tuyên tiểu sử
3:20 pm: Đạo từ
3:30 pm: Nghi lễ tưởng niệm
3:55 pm: Lời cảm tạ
Phần hai khai mạc triễn lãm Báo chí Phật giáo: MC Hoa hậu Bích Trâm và Ca sĩ Nguyên Lê
4:00 pm: Nghi thức khai mạc
4:15 pm: Đạo ca
4:30 pm: Diễn văn chào mừng
4:35 pm: Phát biểu của quí Thiện tri thức Giáo sư
5:15 pm: Pháp từ của Hòa thượng chứng minh
5:25 pm: Cắt băng khai mạc phòng triễn lãm
5:30 pm: Giới thiệu phòng triễn lãm
6:00 pm: tiệc chay và văn nghệ
8:00 pm: Tiễn đưa quan khách và Phật tử ra về.
Chùa Việt nam Los Angles trân trọng kính chào mừng quí Đồng Hương và Phật tử cùng về tham dự lễ.
***
HÒA THƯỢNG THÍCH THIÊN ÂN (1925 – 1980)
Hòa thượng Thích Thiên Ân, thế danh Đoàn Văn An, sinh ngày 22 tháng 9 năm Ất Sửu 1925, tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.
Thân phụ của Ngài là Đoàn Mễ, sau xuất gia là Thượng tọa Thích Tiêu Diêu một bậc tử đạo Vị pháp thiêu thân, thân mẫu là một tín nữ chuyên lo công quả ở chùa Báo Quốc và tu viện Quảng Hương Già Lam, Ngài là con trai thứ trong một gia đình có 4 anh em.
Ngài xuất thân trong một gia đình thế gia vọng tộc, có truyền thống kính tin Phật pháp lâu đời. Nhờ duyên gần gũi Tam bảo từ thuở nhỏ, Ngài đã sớm mến cảnh thiền môn với tiếng kệ câu kinh, nên năm lên 10 tuổi (1935), Ngài theo bước phụ thân xin xuất gia đầu Phật tại chùa Báo Quốc, làm đệ tử của Hòa thượng Phước Hậu, được Bổn sư ban pháp danh là Thiên Ân, Ngài tinh tấn chấp tác, học tập thiền môn qui tắc, hầu cận sư trưởng.
Năm Tân Tỵ 1941, khi được 16 tuổi, Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa di tại giới đàn chùa Quốc Ân – Huế, do Hòa thượng Đắc Quang làm Đường đầu truyền giới.
Năm Mậu Tý 1948, Ngài thọ Cụ túc giới tại giới đàn Hộ Quốc Đàn, tổ chức tại Tổ đình Báo Quốc, do Hòa thượng Tịnh Khiết làm Đường đầu truyền giới. Đồng khóa với Ngài, còn có các vị Minh Châu; Đức Tâm; Minh Tánh...
Năm Giáp Ngọ 1954, với khả năng Phật học và thế học xuất chúng, Ngài được chư tôn đức cho xuất dương du học tại Nhật Bản. Đến nước Nhật, Ngài vào học ở Đại học đường Waseda, là một trường đại học nổi tiếng. Trải qua 6 năm miệt mài đèn sách, Ngài đậu Tiến sĩ Văn Chương vào năm 1960, sau đó Ngài về nước, trong khi chờ Giáo hội bố trí công tác, Ngài nhận lời thỉnh giảng ở các trường đại học.
Năm Tân Sửu 1961, với mơ ước thành lập một viện đại học riêng của Phật giáo. Ngài được lời khuyên của các vị tôn túc lãnh đạo Giáo hội, cần phải trau giồi thêm kinh nghiệm, phương pháp quản lý một đại học Phật giáo có tầm cỡ quốc tế. Vì thế Ngài lại xuất dương để tu nghiệp. Đến Nhật Bản lần này, Ngài đã tìm học pháp môn Thiền Rinzai (Lâm Tế) chính thống của các thiền sư Nhật Bản và thành tựu được sở nguyện này.
Năm Quý Mão 1963, thời cuộc chính trị trong nước đã không thuận lợi như ý định, do sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, dẫn đến cuộc đấu tranh của Phật giáo đồ trên toàn miền Nam Việt Nam. Nặng lòng vì đạo pháp, Ngài bèn trở về nước cùng chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội và Tăng Ni Phật tử tham gia công cuộc đấu tranh. Ngài bị chính quyền Diệm bắt giam chung với chư tôn đức lãnh đạo trong cuộc tổng tấn công các chùa vào ngày 20 tháng 8 năm 1963, đòn cuối cùng báo hiệu trước sự sụp đổ của một chính quyền bạo tàn.
Năm Giáp Thìn 1964, sau pháp nạn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập. Ngài được cử làm Ủy viên Phật học vụ thuộc Tổng vụ Tăng sự. Ngày 13 tháng 3 cùng năm, Viện Cao đẳng Phật học được thành lập do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Viện trưởng, Hòa thượng Thích Minh Châu làm Phó Viện trưởng, Ngài làm Giáo Thọ trưởng. Thời gian đầu tiên, Viện Cao đẳng Phật học đặt tại chùa Pháp Hội ở đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn, có hai lớp học giảng dạy tại chùa Xá Lợi, quận Ba – Sài Gòn.
Năm Bính Ngọ 1966, Ngài được Cơ quan Văn hóa Á Châu của Liên hiệp quốc mời hợp tác giảng dạy trong chương trình trao đổi giáo sư. Mùa hè năm ấy, Ngài lên đường sang Mỹ quốc, giảng dạy tại Đại học đường Nam California ở thành phố Los Angeles, với tư cách là Giáo sư thỉnh giảng về ngôn ngữ và triết học. Tại đây, Ngài được sinh viên yêu cầu dạy phương pháp thực hành thiền định và sau đó lập nên nhóm nghiên cứu Phật học đầu tiên.
Năm Đinh Mùi 1967, sau khi kết thúc chương trình giảng dạy Đại học đường, Ngài dự định sẽ về Việt Nam, nhưng thiền sinh, sinh viên Mỹ thỉnh cầu Ngài ở lại để hướng dẫn tu học. Ngài được xem là vị Tăng sĩ Việt Nam đầu tiên hoằng pháp tại nước Mỹ. Khởi đầu, Ngài thuê một căn hộ ở phía nam đại lộ Vermont – Los Angeles để hướng dẫn sinh viên Mỹ học thiền theo truyền thống Nhật Bản. Do ngày càng đông giới thanh niên Mỹ theo học, Ngài thành lập Trung tâm Thiền học Quốc tế (International Buddhist Meditation Center) tọa lạc tại South New Hampshire – Los Angeles. Ngay từ những ngày đầu thành lập, đã có nhiều sinh viên Mỹ xin xuất gia tu học; nổi bật trong số đó có Sư cô Karuna Dharma, là một Tiến sĩ Phật học, người kế tiếp sự nghiệp của Ngài sau này.
Kế tiếp ba năm sau đó, Ngài xây dựng một ngôi chùa lấy tên là chùa Phật Giáo Việt Nam, ngôi chùa Việt đầu tiên trên đất Mỹ cho cộng đồng người Việt ở California có nơi quy tụ chiêm bái và tu học.
Tháng 10 năm 1973, Ngài kết hợp với các nhà giáo dục Mỹ, Nhật, Triều Tiên, Tây Tạng, Tích Lan để sáng lập trường Đại học Đông Phương (University of Oriental Studies), một nơi thu hút đông đảo sinh viên Mỹ ghi danh học Phật học, ngôn ngữ và triết học phương Đông.
Năm Giáp Dần 1974, Ngài tổ chức Đại giới đàn để truyền giới Tỳ kheo, Tỳ kheo ni và Pháp sư (Nhà truyền giáo cư sĩ 25 giới) cho người Mỹ đến tu học với Ngài. Trong quá trình hoằng pháp ở Mỹ, Ngài quan tâm đến việc đào tạo thêm nhiều Pháp sư cư sĩ, người có thể đi vào mọi tầng lớp xã hội phương Tây để truyền dạy chân lý nhà Phật.
Đầu tháng 9 năm 1980, Ngài cảm thấy pháp thể khiếm an, bác sĩ cho biết Ngài mắc phải bệnh nan y do u não và ung thư gan, nhưng Ngài vẫn tiếp tục miệt mài với công tác hoằng pháp. Trong những tháng cuối cùng của cuộc đời, người ta thường nhìn thấy Ngài ngồi một cách thanh thản trên các bậc thang của tháp chuông, họ cảm phục năng lực tinh thần của Ngài kiên định vượt qua sự cam chịu của tật bệnh.
Ngày 23 tháng 11 năm Canh Thân 1980, Ngài đã viên tịch ở tuổi 75, với 52 Hạ lạp. Ngài ra đi trong sự tiếc thương đưa tiễn của hàng trăm ngàn người Việt tại Mỹ và hàng ngàn thiền sinh người Mỹ học trò của Ngài. Một Thiền sinh người Mỹ nói : “Ngài là sức mạnh, là chỗ dựa trong đời sống tu tập của chúng tôi. Ngài đã dạy chúng tôi biết thế nào là sự vô thường, biến loạn của vạn vật, nhưng chúng tôi không nghĩ là mất Ngài sớm như vậy”.
Trong cuộc đời hoằng pháp lợi sanh, Ngài đã để lại dấu ấn cho đời qua các tác phẩm:
- Phật Pháp (viết chung với 3 tác giả)
- Trao đổi văn hóa Việt – Nhật
- Buddhism and Zen in Vietnam.
Sự nghiệp hoằng pháp của Hòa thượng Thích Thiên Ân được các đệ tử của Ngài kế thừa và phát triển mạnh mẽ trên đất Mỹ. Ngài xứng đáng là một Tăng sĩ Việt Nam tiêu biểu trong số các nhà Sư châu Á đầu tiên hoằng pháp trên đất Mỹ. (xem bài)
https://vietbao.com/a245347/gioi-thieu-chuong-trinh-le-tuong-niem-va-trien-lam-40-nam-bao-chi-phat-giao-vn-tai-hoa-ky-va-hai-ngoai-vao-luc-03-gio-chieu-ngay
Gửi ý kiến của bạn