Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Viết về Bác Sĩ Minh Quang Nguyễn Lê Đức

16/10/201506:24(Xem: 8196)
Viết về Bác Sĩ Minh Quang Nguyễn Lê Đức

                          Bac Si Nguyen Le Duc
Viết về Bác Sĩ Minh Quang Nguyễn Lê Đức


Thích Như Điển

 

Năm 2005 chùa Viên Giác tại Hannover, Đức Quốc có tổ chức Đại Giới Đàn Vĩnh Gia để truyền trao giới pháp cho hàng tại gia cũng như xuất gia. Giới Đàn nầy có rất đông giới tử thọ Sa Di, Sa Di Ni, Thức Xoa Ma Na Ni, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni và Bồ Tát Giới xuất gia cũng như Bồ Tát Giới tại gia. Năm ấy tôi đã về ngôi Phương Trượng của chùa Viên Giác tại Hannover cũng đã được hai năm rồi. Tuy nhiên tôi vẫn giữ nhiệm vụ là Trưởng Ban Kiến Đàn của Giới Đàn này. Từ Hoa Kỳ có một giới tử Sa Di muốn cầu thọ giới Tỳ Kheo. Đó là Thầy Thích Không Viên mà không có giấy giới thiệu của Bổn Sư. Tôi vẫn nhận cho thọ giới vì có nhiều lý do tế nhị (thay vào đó là một vị Thầy khác) và sau khi Giới Đàn được tổ chức xong, Thầy ấy đảnh lễ tại Bàn Thờ Tổ chùa Viên Giác và cầu tôi làm Thầy Y Chỉ cũng như đặt cho một Pháp Hiệu. Tôi đặt cho Thầy ấy là Giác Tâm.

Thầy Giác Tâm biết tôi hay đi Hoa Kỳ và giảng pháp tại nhiều nơi, nên Thầy ấy có ý giới thiệu tôi với Bác Sĩ Nguyễn Lê Đức, Pháp danh Minh Quang đang làm Hội trưởng Hội Phật Giáo vùng Bắc Florida, nơi có chùa Hải Đức và nơi ấy chưa có Thầy nào Trụ Trì. Tôi bắt đầu liên lạc với Bác Sĩ Minh Quang từ năm 2006, nghĩa là cách nay cũng gần 10 năm rồi. Từ năm 1979 tôi đã có mặt tại Gainsville thuộc miền Bắc Florida, do đó khi xem bản đồ, thấy Jacksonville cũng không xa mấy nên tôi đã đến chùa nầy. Lần đầu tiên đến đây, phải thành thật mà nói rằng: Nơi ấy là chùa đất, nhưng Phật toàn bằng vàng, vì lẽ các Hội viên của chùa là những Bác Sĩ, Nha Sĩ và hầu như toàn là giới trí thức Phật tử quy tụ về ngôi chùa nầy, mặc dầu nơi đây chưa có Thầy nào dừng chân lại lâu năm cả. Âu đó cũng là nhân duyên mà thôi.

Chùa Hải Đức là một ngôi Thánh Đường Thiên Chúa Giáo được mua lại và sửa sang thành chùa và kể từ đó đến nay hình thức bề ngoài của ngôi chùa vẫn như vậy, không có gì thay đổi nhiều, chỉ có nội dung tu học của chùa thì có nhiều khởi sắc, nhất là từ khi Đạo hữu Hội Trưởng quy y với Cố Hòa Thượng Thích Trí Chơn được Pháp danh là Minh Quang và phu nhân có Pháp danh là Châu Ngọc. Từ những ngày đầu, chùa được sự hướng dẫn trực tiếp của Cố Hòa Thượng và có lẽ nhân duyên đã chín muồi cũng như Phật Duyên, Phật Hạnh đã được trưởng dưỡng nơi Đạo hữu Hội Trưởng, nên từ cái học của thế học, Bác Sĩ đã chuyển qua Phật Học một cách nhanh chóng cũng như khế hợp với Y Phương Minh trong Ngũ Minh của Phật Giáo rất nhanh và từ đó Đạo hữu Minh Quang tìm tòi giáo lý Đạo Phật qua những sách tiếng Anh, Pháp và các ngôn ngữ Á Châu để nghiên cứu, tu học. Nơi nào không rõ thì ghi chú lại đó để hỏi lại những vị Thầy có duyên ghé qua chùa Hải Đức giảng pháp. Điều không ai ngờ là chỉ trong một thời gian ngắn nghiên tầm giáo lý Phật Đà, Đạo hữu Minh Quang đã đăng đàn giảng bộ Phật Học Phổ Thông của Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa biên soạn, bằng tiếng Việt và cả tiếng Anh cho lớp trẻ nữa. Rồi những bộ Kinh lớn như: Pháp Hoa, Bát Nhã v.v…

Phái đoàn Hoằng Pháp của chúng tôi đã đến chùa Hải Đức từ năm 2006 đến nay và mỗi lần như thế độ 8 đến 10 Thầy Cô về đây cùng giảng. Mới đầu, Đạo hữu Minh Quang và Đạo hữu Châu Ngọc bố trí cho Phái đoàn của chúng tôi ở khách sạn gần đó, vì sợ rằng cơ sở chùa Hải Đức không đầy đủ phương tiện, nhưng đến lần thứ hai trở về sau nầy chúng tôi quyết định ở lại chùa, chứ không nghỉ ở khách sạn nữa. Đi cùng đoàn với tôi đã có những vị như sau: Hòa Thượng Thích Kiến Tánh, Hòa Thượng Thích Thái Siêu, Thượng Tọa Thích Hạnh Tuấn, Thượng Tọa Thích Đồng Văn, Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, Thượng Tọa Thích Đồng Mẫn, Thượng Tọa Thích Thông Triết, Thượng Tọa Thích Hạnh Đức, Thượng Tọa Thích Giác Trí, Đại Đức Thích Như Tịnh, Đại Đức Thích Thiện Đạo, Đại Đức Thích Thánh Trí, Đại Đức Thích Viên Giác, Đại Đức Thích Pháp Trú, Đại Đức Thích Hạnh Tuệ, Đại Đức Thích Giác Tâm, Ni Sư Thích Nữ Minh Huệ v.v… Mỗi lần đến như thế, Khóa tu học thường bắt đầu vào tối thứ Ba cho đến hết ngày Chủ nhật. Cuối Khóa tu thường hay tổ chức lễ Quy Y Tam Bảo cho những Phật tử hữu duyên và lễ truyền trao Bồ Tát Giới tại gia cho những vị đã hội đủ nhân duyên, trong đó kể cả Đạo hữu Minh Quang, Đạo hữu Châu Ngọc và hằng trăm Bác Sĩ Phật tử khác. Đây là một đạo tràng tu học đặc biệt vô cùng.

Sau nầy tôi có giới thiệu cho Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Phương Trượng chùa Pháp Bảo tại Sydney, Australia đến đây gặp gỡ quý Phật tử và cũng đã có lần giảng pháp tại chùa Hải Đức nầy. Bác Sĩ Minh Quang khi gặp Hòa Thượng Bảo Lạc và tôi, Bác Sĩ rất quý và đã có lần Bác Sĩ Minh Quang cũng đã tâm sự với tôi rằng: “Chúng con thấy đời sống phạm hạnh của người xuất gia rất là cao cả tuyệt vời, mong Quý Thầy hãy cố gắng giữ gìn. Riêng chúng con cũng muốn thoát nợ trần để đi xa hơn nữa, nhưng vì thê nhi, áo cơm ràng buộc, nên chẳng biết đến bao giờ….”. Đây cũng là những lời động viên cho chính tôi cũng như những Thầy, Cô khác trong Phái Đoàn Hoằng Pháp.  Bác Sĩ vốn là người ít nói và rất đúng giờ, không khác người Nhật là bao nhiêu và có lẽ đây là lý do mà những ai đã ở Nhật rồi thì không thể không chấp nhận. Hòa Thượng Bảo Lạc chỉ đến Hải Đức có một lần thôi, nhưng với Thầy ấy có lẽ đây là điều mà Thầy ưng  ý nhất chăng?  Chúng tôi chỉ nhớ vài kỷ niệm đáng nhớ trong mỗi khóa tu là ít khi nào Đạo hữu muốn chụp hình chung, mà chỉ muốn chụp cho mọi người và lần nào cũng bảo mọi người phải sửa mái tóc lại cũng như trải vạt áo tràng cho ngay ngắn rồi…CƯỜI…………….thật tươi để cho Bác Sĩ bấm máy. Lúc nào cũng như lúc nào, những động tác như thế cứ lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen bao giờ chẳng hay biết, nên ai ai cũng chỉ nhớ đến chữ CƯỜI của Đạo hữu Minh Quang là đủ rồi. Vì vậy vào  ngày 21 tháng 9 năm 2015 vừa qua, Đạo hữu Minh Quang khám cho bịnh nhân cuối cùng rồi tự vào bên trong nằm nghỉ ngơi, và đã trút hơi thở cuối cùng nơi trần thế, hưởng thọ 69 tuổi ta với cái mỉm cười an lạc khi ra đi trong công việc nghề nghiệp của mình.

Mới đây tôi được Đạo hữu Châu Ngọc viết thư cho biết rằng: Có lần Đạo hữu Minh Quang cho hay nhân một lần thiền định, Đạo hữu ấy đã thấy ra được trong một kiếp quá khứ ở tại Nhật vào thời các Sứ Quân đàn áp Phật Giáo; thế là Bác Sĩ, Hòa Thượng Bảo Lạc và tôi, cả ba người cùng tu thuở ấy đều bị chém đầu và bây giờ khi Hòa Thượng Bảo Lạc, Bác Sĩ Minh Quang và chúng tôi gặp lại nhau, dường như là những người bạn đồng tu tự thuở nào rồi, nên rất thân thiện và quý kính nhau. Việc nầy hư thật ra sao để thời gian hạ hồi phân giải. Nhưng ở đây có thể nghiệm ra được một số sự việc như sau:

-        Đạo hữu Minh Quang rất trọng chữ tín và hầu như không bao giờ thất hứa với ai cả.

-        Đúng giờ như người Nhật, mặc dầu Đạo hữu ấy có bịnh hoạn hành hạ đến thân thể mình, nhưng thời gian là thời gian, việc làm là việc làm, không bao giờ bội ước với công việc của mình đã đề ra.

-        Nếu kiếp trước đã không có nhân duyên với Phật Pháp, thì kiếp nầy khi còn là một Cư Sĩ mà sao có thể đăng đàn giảng pháp cho thính chúng nghe?

-        Rất ưa nghiên cứu về chữ Hán và Nhật ngữ v.v...

Có thể còn nhiều lý do khác nữa, nhưng tôi chỉ xin đơn cử bấy nhiêu việc mà thôi, để biết đâu từ những dữ kiện như vậy, người ta có thể truy tìm về quá khứ của một người. Ngày nay việc nầy không còn mới nữa với Hoa Kỳ và các nước Tây Âu, họ đã bắt đầu nghiên cứu về những hiện tượng tái sinh nầy một cách rất nghiêm túc và đi đến nhiều kết luận thật là khả quan.

Hòa Thượng Bảo Lạc và tôi vốn xuất thân từ chỗ nông dân, còn Bác Sĩ Minh Quang vốn là dòng dõi danh gia vọng tộc, nhưng biết đâu, chuyện luân hồi sanh tử của chúng sanh lâu nay qua lời Phật dạy đã chứng minh rằng, không có gì là không thể cả. Chỉ vì mắt trần của chúng ta không thấy hết thời gian hằng trăm, hằng ngàn, hằng vạn năm nên không nhớ biết hết được, chỉ có những bậc Thánh mới có thể xác chứng cho chúng ta về việc nầy mà thôi. Bây giờ, dẫu nói thế nào đi chăng nữa thì Đạo hữu Minh Quang cũng đã trở về với Phật rồi, chúng ta cũng không cần minh thị làm gì. Tuy nhiên chúng ta những người còn ở lại nên niệm ân Bác Sĩ Minh Quang, vì chính tự thân nơi Bác Sĩ đã là tấm gương sáng cho gia đình và bằng hữu, những người Hữu Học và Bình Dân cũng đều được đượm nhuần ân pháp vũ của Đức Từ Phụ Thích Ca Như Lai. Chỉ ngần ấy thôi cũng đã minh chứng được rằng: Phép Phật thật là nhiệm mầu rồi.

Bây giờ chùa Hải Đức tại Jacksonville đã vắng bóng hình ảnh của Bác Sĩ Minh Quang Nguyễn Lê Đức, nhưng vẫn còn lại những giá trị về tâm linh. Bác Sĩ đã hướng dẫn không biết bao nhiêu là bạn đồng nghiệp của mình trở về với ánh sáng chân lý của Đạo Phật, để rồi người chưa tin tưởng nơi Tam Bảo, trở nên tin tưởng hơn; người chưa Quy Y Tam Bảo lại quyết tâm nương tựa vào Tam Bảo; người chưa biết ăn chay niệm Phật, qua lời khuyên của Đạo hữu Minh Quang, nhiều người đã biết lánh dữ làm lành, để từ đó tiến xa hơn nữa là tham gia những khóa tu học dài hạn và ghi tên Thọ Bồ Tát Giới Tại Gia. Đây là những hình ảnh đẹp tuyệt vời mà Bác Sĩ Minh Quang đã để lại cho đời thật là mầu nhiệm và với Phái Đoàn Hoằng Pháp của chúng tôi những kỷ niệm không bao giờ có thể phai nhòa trong tâm tưởng.

Bây giờ Đạo hữu Châu Ngọc thay thế chồng mình để làm Hội Trưởng Hội Phật Giáo tại đây cũng như chăm lo cho Phật sự tại chùa Hải Đức nầy. Thiết nghĩ việc nầy không khó lắm đối với Đạo hữu Châu Ngọc, vì Đạo hữu đã quen phụ tá cho chồng mình trong những năm tháng xa xưa rồi và chúng tôi cũng xin cầu nguyện chư Phật, chư Bồ Tát thùy từ gia hộ cho những Phật sự tại Hải Đức luôn được như xưa và Phái Đoàn Hoằng Pháp Âu Mỹ của chúng tôi vẫn sẽ còn đến Hải Đức, dầu cho tiếng….CƯỜI ….khi hô chụp hình chung với Đạo hữu Minh Quang không còn nữa.

 

Bây giờ là mùa Thu của các xứ Bắc Âu, lá vàng thật đẹp, nhưng cũng để báo hiệu cho một mùa Đông dài sắp đến ngự trị trên những dãi bình nguyên đầy cỏ dại nầy và tuyết sẽ phủ kín lên những cây thông xanh ngút ngàn đây đó, nhằm để chứng minh cho vạn vật biết rằng: Dẫu thế nào đi chăng nữa thì ta vẫn còn đây, vẫn thi gan cùng tuế nguyệt và một niệm vươn lên bao giờ cũng chờ sẵn nơi những cảnh vật và con người khi trong ta còn có lối đi đến cũng như lối  trở về.

 

Mong rằng Đạo hữu Minh Quang sẽ thanh thản nơi cõi Tịnh. Nơi ấy không còn tiếng thị-phi, nhơn-ngã nữa, mà toàn là âm thanh của Thánh Chúng dịu dàng cũng như những Pháp Âm vi diệu của Chư Phật và chư Bồ Tát sẽ giúp Đạo hữu lặng sâu vào cõi Diệt Tận Định, để cho tâm thức của mình luôn gần gũi với những bậc Thánh Nhân mà Đạo hữu đã bao lần mong mỏi, khi còn đang sinh sống nơi cõi hồng trần nầy.

 

Viết xong vào ngày 15 tháng 10 năm 2015 tại chùa Liễu Quán tại Thủ Đô Copenhagen, Đan Mạch nhân chuyến Hoằng Pháp của Phái Đoàn tại đây.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/10/2010(Xem: 7595)
Truyện của tôi không đáng gì mà phải ghi. Chỉ vì truyện ấy, hơn vài thập kỷ trước thập kỷ 2530 (1975-1985), có liên quan đến Phật giáo VN, lại bị hư cấu truyện và phim sai quá nên phải ghi. Nhưng ghi như dưới đây thì chỉ là có còn hơn không mà thôi. Sinh chính quán của tôi là làng Diêm Điền, thuộc khu vực phía tây sông Nhật Lệ, nằm phía Bắc con đường cái quan nối liền cổng Quảng Bình, trung tâm thành phố Đồng Hới, đến tận của Vũ Thắng, ven chân dãy núi Hoành Sơn.
03/10/2010(Xem: 6567)
Đức Phật dạy: Ai muốn tin Ta, làm đệ tử Ta, cần phải đủ trí quán sát, mới tin; không rõ nguyên nhân Ta, mà tin Ta ấy là phỉ báng Ta. Ý câu này, Ngài bảo đệ tử của Ngài, ai muốn tu, muốn hành theo hạnh Ngài thì phải rõ các hành vi của ngài. Nghĩa là: xét rõ nguyên nhân của Ngài, sẽ tin và làm theo, chớ đừng làm càn, tin bướng thì khác nào không phải lương y mà giả xưng là lương y, cách đó rất tai hại. Chúng ta nên biết: "Bồ Tát thị hiện phàm phu, chính phàm phú đó là hóa thân Bồ tát; còn phàm phu giả xưng Bồ tát thì Bồ tát ấy là Bồ tát của phàm phu". Nếu đem tâm phàm phu đó hành xử thì chỉ chuốc lấy phiền não khổ đau.
03/10/2010(Xem: 9709)
HT Minh Tâm (Khinh Anh) , 50 năm một đời người - Một đời đạo Pháp - phần 1 - Ngày Vía Quan Âm sắp đến.. 19 tháng 2 năm Giáp Ngọ . Chùa Phật Ân Tổ chức lễ Hoàn Nguyện , sau hai năm trùng kiến Ngôi Chánh Điện lần cuối và một số hạng mục khác. Vì nhân duyên đó , xin giới thiệu đến với quý thiện nam tín nữ , Phật tử gần xa , các Bậc Thiện Tri Thức . Một chuỗi hình ảnh của thầy Minh Tâm đã chuyển thể qua video , từ năm 1963 - 2014 . với nhan đề : THẦY MINH TÂM , 50 NĂM MỘT ĐỜI NGƯỜI - MỘT ĐỜI VÌ ĐẠO PHÁP . Trong quá trình sưu tầm , dàn dựng . Sai sót là điều khó tránh khỏi , kính mong quý vị hoan hỷ . NAM MÔ HOANG HỶ TẠNG BỒ TÁT .
29/09/2010(Xem: 10099)
Tác-phẩm của Trần-Thái-Tông còn lưu truyền đến nay chỉ gồm có Bộ-Khóa-Hư-Lục và hai bài thơ sót lại của quyển Trần-Thái-Tông ngự-tập đã thất-lạc.
28/09/2010(Xem: 7923)
Hòa Thượng THÍCH QUẢNG TÂM (1947 - 2010), húy Như Hảo, thế danh Lê Tấn Quang, sinh ngày 12 tháng 8 năm Đinh Hợi (1947) tại làng Thạch Trụ huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi trong một gia đình nhiều đời thâm tín Tam Bảo và có truyền thống xuất gia tu học.
23/09/2010(Xem: 6773)
Hòa Thượng Thích Phước Huệ sanh năm 1922, tại ấp Mỹ Thủy, xã Thạnh Mỹ Lợi, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định, miền Nam Việt Nam. Thân phụ là cụ ông Trần Văn Hoạch, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Ngọc.
19/09/2010(Xem: 8321)
Ngay từ hồi nhỏ tâm hồn tôi đã hướng về đạo Phật. Tôi it nói, sống trong trầm lặng, ham đọc sách, nhất là những sách về đạo Phật viết cho trẻ em. Tôi chỉ có vài đứa bạn cũng giống tính tôi, gặp nhau thì vào buồng thủ thỉ thù thì nói chuyện với nhau. Cha tôi buôn bán lớn, giao thiệp nhiều, và cũng như phần đông các nhà kinh doanh hồi đó, đều quen biết các vị sư và đóng góp nhiều cho chùa chiền. Khi các thầy đến thăm cha tôi, lúc nào tôi cũng đứng gần nghe ngóng say sưa và dâng trà cho các thầy.
04/09/2010(Xem: 6051)
"Cây héo vào xuân hoa nỡ rộ Gió đưa nghìn dặm nức hương thần." Thiền Uyển Tập Anh ( Anh Tú Vườn Thiền) ghi về sư như sau: " Thiền Sư Viên Chiếu (999-1090) thuộc thế hệ thứ bảy dòng Vô Ngôn Thông.Thiền Sư họ Mai, tên Trực người huyện Long Đàm châu Phúc Điền, là con người anh thái hậu Linh Cảm đời Lý. Thuở nhỏ ông thông minh mẫn tuệ, hiếu học. Nghe tiếng trưỡng lão ở chùa Mật Nghiêm giỏi xem tướng, ông bèn đến nhờ xem hộ.
21/08/2010(Xem: 10680)
Tại một ngôi chùa Việt ở Bangkok (Thái Lan), nhục thân của Hòa thượng Thích Phổ Sái vẫn còn nguyên vẹn hình hài sau hơn 50 năm kể từ khi ngài viên tịch. Tọa lạc tại khu Yaowarat (khu phố Tàu) ở Bangkok, ngôi chùa mang tên rất Việt Nam là Khánh Vân có một lịch sử lâu đời do các Hòa thượng người Việt thành lập. Đây là một trong những ngôi chùa Việt thuộc hệ Annamnikaya hay còn gọi là An Nam Tông ở Bangkok. Chính tại chùa Khánh Vân này, nhục thân của Hòa thượng Thích Phổ Sái (pháp danh Giác Lượng), một nhà tu hành gốc Việt, được lưu giữ và thờ cúng.
18/07/2010(Xem: 7650)
Kính bạch Sư Tổ! Chúng con đang tập tiếp xúc với Người qua hình ảnh một bậc thầy già chốn núi rừng Dương Xuân. Một túp liều tranh, một bà mẹ già và với ba người đệ tử. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của Sư Tổ. Người có thời gian chăm sóc mẹ già và trao truyền những hoa trái tu học cho những người học trò yêu quý. Xuất thân từ làng Trung Kiên – một vùng đất Phật giáo ở Quảng Trị, Sư Tổ đã đến chùa Thiên Thọ (Báo Quốc) núi Hàm Long – Huế, để xuất gia học đạo với Thiền sư Phổ Tịnh, lúc đó Người chỉ mới lên bảy tuổi. Đến năm 30 tuổi, nhận thấy nơi Sư Tổ có chí khí của một bậc Xuất trần nên Sư Tổ được Bổn sư phú pháp truyền đăng với bài kệ: Nhất Định chiếu quang minh Hư không nguyệt mãn viên Tổ tổ truyền phú chúc Đạo Minh kế Tánh Thiên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]