Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 546: Phẩm Tổng Trì 02, Phẩm Ma Sự 01

21/07/201516:36(Xem: 14993)
Quyển 546: Phẩm Tổng Trì 02, Phẩm Ma Sự 01

Tập 10

 Quyển 546

 Phẩm Tổng Trì 02

Bản dịch của HT Thích Trí Nghiêm
Diễn đọc: Cư Sĩ Chánh Trí

 

  

Lại nữa, Thiện Hiện! Giả sử có ác ma đi đến chỗ của tất cả Đại Bồ-tát Bất thối chuyển muốn làm cho họ nhàm chán quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nói như vầy:

“Trí nhất thiết trí cùng với hư không bằng nhau, vô tánh làm tánh, tự tướng vốn Không. Các pháp cũng vậy, ngang bằng với hư không, vô tánh làm tánh. Trong tự tướng Không ấy, không có pháp nào có thể gọi là năng chứng, không có một pháp nào có thể gọi là sở chứng, chỗ chứng, thời chứng và do đây mà chứng cũng bất khả đắc. Tất cả pháp đã ngang bằng với hư không, vô tánh làm tánh, tự tướng vốn Không, vì sao các ông phải luống chịu khổ cực để cầu chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề? Trước đây ông đã nghe, các chúng Bồ-tát nên cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, đó đều là ma thuyết, chẳng phải lời dạy chơn chánh của Phật. Các ông nên bỏ tâm cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, đừng vì lợi lạc cho tất cả hữu tình, tự chuốc lấy khổ cực suốt thời gian dài. Tuy hành các loại khổ hạnh khó làm để mong cầu Bồ-đề nhưng rốt cuộc không thể được.”

 

 

 

 

 

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Hi hữu thay, đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác khéo phân tích giảng nói những sự việc của Bồ-tát.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Vì sao? Vì các Đại Bồ-tát muốn đem lại nhiều lợi ích an vui cho các chúng sanh. Vì thương xót chúng sanh trong thế gian và thương tưởng trời, người muốn làm cho họ đạt được nhiều lợi ích an vui nên cầu chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì các hữu tình mà thuyết pháp vô thượng.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Các Đại Bồ-tát thành tựu nhiều công đức lớn vô biên, vì muốn làm nhiều lợi ích cho các hữu tình mà thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Đại Bồ-tát làm thế nào để tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa chóng được viên mãn?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, không thấy sắc tăng mà hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không thấy thọ, tưởng, hành, thức tăng mà hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không thấy sắc giảm mà hành Bát-nhã ba-la-mật-đa; không thấy thọ, tưởng, hành, thức giảm mà hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không thấy đúng pháp mà hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không thấy phi pháp mà hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy mới chóng đạt viên mãn.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Lời dạy của đức Như Lai không thể nghĩ bàn?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Sắc không thể nghĩ bàn, nên lời dạy của Như Lai không thể nghĩ bàn. Thọ, tưởng, hành, thức không thể nghĩ bàn, nên lời dạy của Như Lai không thể nghĩ bàn.

Đại Bồ-tát nào thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, mặc dù như thật biết sắc không thể nghĩ bàn nhưng không sanh tưởng không thể nghĩ bàn để tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tuy như thật biết thọ, tưởng, hành, thức không thể nghĩ bàn nhưng không sanh vọng tưởng không thể nghĩ bàn để tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy mới chóng đạt viên mãn.

Khi ấy, Xá-lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nghĩa lý của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy thì ai có khả năng tin hiểu?

Phật dạy:

- Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát nào từ lâu đã tu hạnh lớn đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa mới có thể sanh lòng tin hiểu.

Tôn giả Xá-lợi Tử bạch Phật:

- Đến mức độ nào mới biết Đại Bồ-tát ấy đã tu hạnh lớn lâu dài và được danh hiệu là tu hạnh lớn lâu dài?

Phật dạy Xá-lợi Tử:

- Đại Bồ-tát nào khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa mà chẳng phân biệt mười lực của Như Lai, chẳng phân biệt bốn điều không sợ, chẳng phân biệt mười tám pháp Phật bất cộng, chẳng phân biệt trí nhất thiết, chẳng phân biệt trí nhất thiết tướng. Vì sao? Vì mười lực Như Lai, bốn điều không sợ, mười tám pháp Phật bất cộng, trí nhất thiết, trí nhất thiết tướng đều không thể nghĩ bàn. Tất cả pháp cũng không thể nghĩ bàn.

Này Xá-lợi Tử! Nếu Đại Bồ-tát thực hành như vậy, hoàn toàn không có chỗ hành, đó là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Này Xá-lợi Tử! Đến mức độ này, nên biết Đại Bồ-tát này đã tu hạnh lớn lâu dài và được danh hiệu là tu hạnh lớn lâu dài.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa này rất là thâm sâu. Bát-nhã ba-la-mật-đa này là những trân bảo vĩ đại. Bát-nhã ba-la-mật-đa này là khối thanh tịnh, như hư không bao la vô cùng thanh tịnh vậy.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy!

Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thật hi hữu thay! Bát-nhã ba-la-mật-đa này rất thâm sâu nên có sự trở ngại, nay nên giảng rộng để sự trở ngại không sanh.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Nhờ thần lực của Phật nên không xảy ra những sự trở ngại. Thế nên, các thiện nam tử v.v… Đại thừa đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nếu muốn biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng dạy cho người khác thì hãy nên gấp biên chép cho đến giảng nói. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có nhiều những sự trở ngại, chớ để cho sự biên chép cho đến giảng nói chẳng được rốt ráo.

Thiện Hiện nên biết! Các thiện nam tử v.v… Đại thừa này nếu muốn biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa rốt ráo trong thời gian một tháng cho đến một năm, hãy nên siêng năng tinh tấn, chánh niệm biên chép cho đến giảng nói, trải qua thời gian như vậy làm cho được rốt ráo. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là ngọc thần Đại bảo nên bị nhiều sự trở ngại.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Hi hữu thay! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là viên ngọc thần Đại bảo có nhiều sự trở ngại, nhưng nếu có người biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói cho người khác thì ác ma sẽ làm trở ngại người đó, khiến cho không biên chép cho đến giảng dạy được.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Ác ma đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, tuy luôn rình tìm muốn làm cho trở ngại để không biên chép cho đến giảng nói. Nhưng sức của ác ma không thể làm chướng ngại việc làm của Bồ-tát đó được.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nhờ thần lực của ai làm cho ác ma kia không thể gây trở ngại những việc biên chép của các Bồ-tát?

Phật dạy:

- Xá-lợi Tử! Nhờ thần lực của Phật làm cho bọn ác ma kia không thể gây trở ngại những việc biên chép của các Bồ-tát.

Này Xá-lợi Tử! Đó cũng là thần lực của chư Phật trong tất cả thế giới mười phương làm cho ác ma không thể gây trở ngại những việc biên chép của các Bồ-tát.

Này Xá-lợi Tử! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều cùng hộ niệm các Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, làm cho ác ma kia không thể gây trở ngại. Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì chư Phật Thế Tôn đều cùng hộ niệm các chúng Bồ-tát đã làm nghiệp lành, thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, làm cho ác ma không thể gây sự trở ngại.

Này Xá-lợi Tử! Nếu các Bồ-tát nào đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy giảng nói, đáng được mười phương thế giới tất cả đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiện đang thuyết pháp hộ niệm. Nếu được nhờ chư Phật hộ niệm thì ác ma cũng không thể gây trở ngại.

Này Xá-lợi Tử! Nếu có các thiện nam tử v.v… có lòng tin sâu xa thanh tịnh, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy giảng nói, phải suy nghĩ: Ta nay biên chép cho đến giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đều là thần lực của chư Phật Thế Tôn nơi tất cả mười phương thế giới hộ niệm.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy giảng nói, đều là nhờ thần lực của chư Phật Thế Tôn khắp mười phương từ bi hộ niệm, làm cho người đó tạo tác nghiệp lành thù thắng, nên ác ma và quyến thuộc của chúng không thể gây trở ngại.

Khi ấy, Phật dạy Xá-lợi Tử!

- Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy giảng nói, chư Phật Thế Tôn nơi thế giới mười phương đều cùng nhận biết, vui mừng hộ niệm. Chư Phật Thế Tôn thế giới mười phương thường dùng Phật nhãn cùng quán, thấy rồi từ bi hộ niệm làm cho sự tu tập của các Bồ-tát được thành tựu.

Phật dạy:

- Này Xá-lợi Tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Nếu các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy giảng nói, thường được chư Phật Thế Tôn khắp mười phương tất cả thế giới dùng Phật nhãn quán thấy, biết rõ và hộ niệm, làm cho các ác ma không thể quấy rối, sự tạo tác nghiệp lành đều chóng thành tựu.

Này Xá-lợi Tử! Các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa nếu có thể đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy giảng nói, nên biết các thiện nam đó đã gần Vô thượng Bồ-đề, các ác ma oán giận không thể làm trở ngại được.

Này Xá-lợi Tử! Các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa nếu có thể biên chép Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, trang nghiêm nhiều loại, thọ trì, đọc tụng, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, người ấy thường được Phật nhãn Như Lai quán chiếu, nhận biết và hộ niệm. Nhờ nhân duyên này chắc chắn sẽ đạt được đại tài, đại lợi, đại quả, đại báo cho đến sẽ được bậc Bất thối chuyển, thường không xa lìa chư Phật và Bồ-tát, thường nghe Chánh pháp và chẳng rơi vào cõi ác, được sanh vào chốn trời, người hưởng vui tuyệt diệu. Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa làm cho các hữu tình như thật thông suốt các pháp nghĩa thù thắng, đời này và đời sau phát khởi những việc lợi ích an vui.

Xá-lợi Tử! Kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, sau khi Ta nhập Niết-bàn đến phương Đông nam dần dần sẽ được hưng thịnh. Vì phương đó có nhiều thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa có thể đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, có lòng tin sâu xa và thích biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy giảng nói, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen.

Kinh điển như vậy, sau khi Ta nhập Niết-bàn, từ phương Đông nam chuyển đến phương Nam, dần dần được hưng thịnh. Vì phương ấy có nhiều thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa có thể đối với kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này hết lòng tin, muốn biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy giảng nói, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen.

Kinh điển như vậy, sau khi Ta nhập Niết-bàn, từ phương Nam đến phương Tây nam dần dần được hưng thịnh. Vì phương ấy có nhiều thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa có thể đối với kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này hết lòng tin, muốn biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy giảng nói, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen.

Kinh điển như vậy, sau khi Ta nhập Niết-bàn, từ phương Tây nam đến phương Tây bắc, dần dần được hưng thịnh. Vì phương ấy có nhiều thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa có thể đối với kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này hết lòng tin, muốn biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy giảng nói, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen.

Kinh điển như vậy, sau khi Ta nhập Niết-bàn, từ phương Tây bắc chuyển đến phương Bắc, dần dần được hưng thịnh. Vì phương ấy có nhiều thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa có thể đối với kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này hết lòng tin, muốn biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy giảng nói, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen.

Kinh điển như vậy, sau khi Ta nhập Niết-bàn, lại từ phương Bắc đến phương Đông bắc dần dần được hưng thịnh. Vì phương ấy có nhiều thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa có thể đối với kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này hết lòng tin, muốn biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy giảng nói, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen.

Này Xá-lợi Tử! Sau khi Ta nhập Niết-bàn, sau đó năm trăm năm, kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa ở phương Đông bắc làm Phật sự lớn. Vì sao? Xá-lợi Tử! Kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, được tất cả Như Lai tôn trọng, được tất cả Như Lai cùng hộ niệm, làm cho kinh điển ở phương đó tồn tại lâu dài không hoại diệt.

Này Xá-lợi Tử! Chẳng phải chánh pháp vô thượng, pháp Tỳ-nại-da mà Phật chứng đắc có tướng bị tiêu diệt mà quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật chứng đắc như pháp và Tỳ-nại-da là Bát-nhã ba-la-mật-đa tương ưng với kinh điển.

Này Xá-lợi Tử! Các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa ở phương Đông bắc kia, có thể đối với kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này hết lòng tin và thích biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen. Chư Phật chúng ta thường dùng Phật nhãn quán sát hộ niệm để cho họ không bị tổn não, hiện tại và vị lai thân tâm an lạc.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này khoảng năm trăm năm sau khi Phật nhập Niết-bàn ở phương Đông bắc có truyền bá rộng rãi không?

Phật dạy:

- Xá-lợi Tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Này Xá-lợi Tử! Sau năm trăm năm Ta nhập Niết-bàn, các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa ở phương Đông bắc nếu được nghe kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này hết lòng tin và thích biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen. Nên biết người đó từ lâu đã phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, từ lâu đã tu hạnh Đại Bồ-tát, cúng dường nhiều đức Phật, phụng sự nhiều bạn lành, từ lâu đã tu tập nhiều thân giới tâm tuệ, căn lành đã trồng hoàn toàn thành thục. Nhờ phước lực này nên được nghe kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, hết lòng tin ưa và có thể biên chép, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy đúng lý, khai thị phân biệt cho các hữu tình.

Khi ấy, Xá-lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Sau khi Phật nhập Niết-bàn năm trăm năm, lúc Chánh pháp sắp diệt, ở phương Đông bắc sẽ có bao nhiêu thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa được nghe kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này hết lòng tin và có thể biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói cho người khác, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen?

Phật dạy:

- Xá-lợi Tử! Sau khi Ta nhập Niết-bàn năm trăm năm, lúc Chánh pháp sắp diệt, ở phương Đông bắc tuy có vô lượng các thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa, nhưng ít có người được nghe kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa hết lòng tin và có thể biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói cho người khác, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen.

Này Xá-lợi Tử! Các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa nghe nói kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, tâm không mê muội, không kinh không sợ mà sanh niềm tin sâu xa, thích biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen. Phải biết người này đã từng gần gũi cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen vô lượng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các Bồ-tát, thỉnh hỏi nghĩa lý sâu xa Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Này Xá-lợi Tử! Đó là các thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa, chẳng bao lâu nhất định sẽ viên mãn đạo Đại Bồ-tát, cho nên được tất cả Như Lai hộ niệm và vô lượng bạn lành giúp đỡ, được ở trong căn lành thù thắng. Vì muốn đem lại nhiều lợi ích cho chúng sanh cho nên chóng chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì Ta thường vì các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa đó nói pháp tương ưng trí nhất thiết. Như Lai ở quá khứ cũng thường vì những người đó nói pháp tương ưng trí nhất thiết. Nhờ nhân duyên này, vào đời sau người đó thường được tu tập chánh hạnh tương ưng với trí nhất thiết trí, chóng đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Cũng thường vì người khác tương ưng, làm cho họ đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Thân tâm luôn luôn được an định, các ác ma vương và bè lũ của chúng chẳng thể phá hoại, tâm mong cầu tiến đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, huống gì những kẻ ưa làm việc ác, hủy báng Bát-nhã ba-la-mật-đa, làm trở ngại tâm kia để khỏi tinh tấn cầu đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Vì người đó đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề bằng tâm dõng mãnh tinh tấn, rất kiên trì.

Xá-lợi Tử! Các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này tâm được cởi mở, thanh tịnh vui mừng, cũng có thể an lập vô lượng hữu tình nơi thiện pháp thù thắng, giúp họ tiến đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa đã phát nguyện rộng lớn với Ta: “Con sẽ an lập vô lượng trăm ngàn các loài hữu tình, làm cho họ phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tu các hạnh Đại Bồ-tát, chỉ bày, khuyến khích, hướng dẫn, khen ngợi, vui mừng, để họ đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, cho đến được thọ ký Bất thối chuyển. Con đối với họ, nguyện sanh tâm hoan hỉ.”

Vì sao? Xá-lợi Tử! Ta quán thấy người đó đã phát tâm nguyện rộng lớn tương ưng với lời nói. Tương lai, người đó nhất định có thể an lập vô lượng trăm ngàn các loài hữu tình, làm cho họ phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tu các hạnh Đại Bồ-tát, thị hiện, khuyến khích, hướng dẫn, khen ngợi, tiến đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, cho đến được thọ ký Bất thối chuyển.

Các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa này vào thời quá khứ cũng đã ở trước vô lượng Phật phát nguyện rộng lớn: “Con sẽ an lập vô lượng trăm ngàn các loài hữu tình, làm cho họ phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tu các hạnh Đại Bồ-tát, thị hiện, khuyến khích, hướng dẫn, khen ngợi, để đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, cho đến được thọ ký Bất thối chuyển.”

Thời quá khứ, đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cũng sanh tâm tùy hỷ đối với nguyện rộng lớn đó. Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì chư Phật quá khứ cũng quán thấy các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa đã phát tâm nguyện rộng lớn tương ưng với lời nói. Tương lai, người đó nhất định có thể an lập vô lượng trăm ngàn các loài hữu tình, làm cho họ phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tu các hạnh Đại Bồ-tát, thị hiện, khuyến khích, hướng dẫn, khen ngợi, tiến đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, cho đến được thọ ký Bất thối chuyển.

Các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa này tin hiểu rộng lớn, nguyện sanh vào cõi nước chư Phật ở phương khác, đều có đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đang giảng nói pháp Vô thượng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Sau khi người đó được nghe pháp vô thượng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này rồi, có thể an lập vô lượng trăm ngàn các loài hữu tình trong cõi Phật kia, làm cho họ phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tu các hạnh Đại Bồ-tát, thị hiện, khuyến khích, hướng dẫn, khen ngợi, vui mừng, làm cho họ đắc Bất thối chuyển đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Hi hữu thay! Tất cả các pháp quá khứ, hiện tại, và vị lai không có pháp nào mà đức Phật không chứng biết, không có pháp nào mà không hiểu rõ. Đối với những hữu tình có tâm hành khác nhau, đức Phật đều hoàn toàn chứng biết và hiểu rõ. Đối với ba đời chư Phật, Bồ-tát, Thanh văn và các cõi Phật Thế Tôn đều chứng biết và hiểu rõ.

Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát nào có thể đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh tấn tu học, tư duy đúng lý, biên chép, thuyết giảng, truyền bá rộng rãi thì Đại Bồ-tát này vào thời tương lai đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, dõng mãnh tinh tấn thường cầu không ngưng nghỉ, như vậy người đó đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa luôn luôn được chứng đắc phải không?

Phật dạy:

- Này Xá-lợi Tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Phật đối với tất cả pháp đều hoàn toàn chứng biết và hiểu rõ. Đại Bồ-tát này thường đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa dõng mãnh tinh tấn, vui thích mong cầu không ngưng nghỉ nên chứng đắc bất lỳ lúc nào, không kể thời gian. Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì khi Đại Bồ-tát thường đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa với tâm vui thích mong cầu không ngưng nghỉ thì được chư Phật và Bồ-tát thường hộ niệm.

Xá-lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát này đối với kinh điển tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa dõng mãnh tinh tấn, vui thích mong cầu không ngưng nghỉ mà chứng đắc bất kỳ lúc nào, hay đối với những kinh điển khác cũng thường được như vậy?

Phật dạy:

- Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát nào thường đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa dõng mãnh, tinh tấn, tin tưởng, mong cầu chẳng đoái nghĩ đến thân mạng, có lúc không được các kinh điển khác, điều này không bao giờ có. Vì sao? Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát này vì cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề nên thị hiện, khuyến khích, hướng dẫn, khen ngợi, vui vẻ với các hữu tình, làm cho họ đối với kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa và kinh điển khác thọ trì, đọc tụng, tư duy tu học. Do căn lành này mà sanh ở nơi nào thường được kinh tương ưng pháp Không Bát-nhã ba-la-mật-đa và được thọ trì, đọc tụng kinh điển khác nữa.

 

Tập 10

 Quyển 546

 Phẩm Ma Sự 01

 

 

 

 

Khi ấy, Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Ngài nói các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa, khi tu công đức hay gặp nhiều việc trở ngại. Những gì gọi là các việc trở ngại?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Việc trở ngại đó là các việc ma.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là việc ma của Bồ-tát?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào khi muốn giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa, có lúc nói pháp chính yếu, có biện tài mà lâu mới phát sanh, hoặc nói pháp chính yếu có biện tài vội vàng phát khởi, hoặc nói pháp chính yếu có biện tài phát sanh quá lượng, hoặc điều muốn nói chưa xong liền ngưng, hoặc nói pháp chính yếu ngôn từ lộn xộn, hoặc nói pháp chính yếu ngôn từ gián đoạn, hoặc khi nói pháp khởi lên những điều không tốt, làm cho những điều muốn nói không được tùy tâm. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào khi biên chép kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, ợ ngáp uể oải, cùng nhau cười giỡn, khinh lấn lẫn nhau, thân tâm dao động, rối loạn mất chánh niệm, văn cú lộn xộn, mê mờ về nghĩa lý, chẳng được thấm nhuần pháp vị, sanh tâm nhàm chán, bỏ tắt ngang, tranh cãi chống báng lẫn nhau. Vì những sự kiện này nên biên chép không xong. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Nếu lúc Đại Bồ-tát thọ trì, đọc tụng, tư duy tu tập, nói và nghe kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, hoặc ợ ngáp uể oải, cùng nhau cười giỡn, khinh lấn lẫn nhau, thân tâm dao động, rối loạn mất chánh niệm, văn cú lộn xộn, mê mờ về nghĩa lý, chẳng được thấm nhuần pháp vị, sanh tâm chán bỏ, bỏ tắt ngang, tranh cãi chống báng lẫn nhau. Do những sự kiện này nên việc làm không thành tựu. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào khi nghe thuyết kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa mà suy nghĩ thế này: Ta ở trong đây không được thọ ký nên nghe làm gì? Hoặc suy nghĩ: Trong đây chẳng nói tên ta thì nghe làm gì. Hoặc suy nghĩ: Trong đây chẳng nói đến thành ấp, xóm làng, nơi sanh của ta thì nghe làm gì. Vì những lý do này nên tâm chẳng thanh tịnh, tâm không đoái hoài, từ chỗ ngồi chán nản bỏ đi. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ-tát nào khi nghe thuyết kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tâm chẳng thanh tịnh, chán bỏ đi, tùy theo tâm chẳng thanh tịnh của vị kia khởi lên chán bỏ kinh này mà bước đi bao nhiêu bước thì giảm bấy nhiêu kiếp số công đức như vậy, và chuốc lấy bấy nhiêu tội ngăn sự giác ngộ. Người đó đã chịu tội rồi, trải qua thời gian cũng như vậy, phát tâm siêng năng tinh tấn tu các hạnh khổ khó làm của Bồ-tát mới có thể trở lại như cũ. Vì thế gọi là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào buông bỏ kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, dẫn đến trí nhất thiết trí mà học các kinh điển khác, tùy thuận Nhị thừa, không thể dẫn đến trí nhất thiết trí, rời bỏ cội rễ mà vin vào cành lá. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Vì sao? Vì kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể sanh các công đức thù thắng thế gian và xuất thế gian của Đại Bồ-tát. Do đó có thể dẫn đến trí nhất thiết trí, có công dụng và thế lực lớn, ví như gốc cây. Các kinh điển khác không có công dụng như vậy, ví như công năng của cành lá, không thể vượt hơn được.

Nếu các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa tu học kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy tức là tu học các công đức thù thắng thế gian và xuất thế gian của tất cả chúng Đại Bồ-tát, chóng tiến đến trí nhất thiết trí.

Nếu các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa buông bỏ kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa để cầu học kinh điển tương ưng Nhị thừa, tức là buông bỏ tất cả các công đức thù thắng thế gian và xuất thế gian của chúng Đại Bồ-tát, không bao giờ đạt đến trí nhất thiết trí. Các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa này phước tuệ ít ỏi, bỏ gốc tìm ngọn. Thế nên gọi là việc ma của Bồ-tát.

Thiện Hiện nên biết! Như chó đói ngu si, bỏ chủ cho ăn, trở lại theo tôi tớ cầu xin miếng ăn. Vào thời tương lai, có các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa, bỏ kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, căn bản của trí nhất thiết trí, để cầu học kinh điển tương ưng Nhị thừa cũng lại như vậy. Vì sao? Vì các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa này trí tuệ hiểu biết ám độm, nên bỏ kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể dẫn trí nhất thiết trí mà cầu học kinh điển dẫn đến công đức Thanh văn, Độc giác. Chắc chắn không thể đạt được trí nhất thiết trí. Vì sao? Vì kinh điển tương ưng Thanh văn, Độc giác chỉ là điều phục tự thân được vắng lặng để ra khỏi khổ sanh tử, đạt đến Niết-bàn an lạc, tinh tấn tu học kinh điển như vậy, dẫn đến căn lành, cứu cánh chỉ được trụ địa Nhị thừa, tự lợi viên mãn. Kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cứu giúp khắp tất cả hữu tình ra khỏi sự khổ sanh tử, được Niết-bàn an lạc, tinh tấn tu học kinh điển này dẫn đến căn lành cứu cánh đạt đến trí nhất thiết trí, đem lại lợi ích an vui cho tất cả hữu tình.

Này Thiện Hiện! Ví như có người muốn xem voi chúa thân hình lớn hay nhỏ, thuộc loại mạnh mẽ hay yếu đuối, được thấy voi mà người ấy không xem, lại đi tìm dấu chân của nó. Ý ông thế nào? Người đó có thông minh không?

Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Không.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Vào thời tương lai có các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa, bỏ kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, cội rễ của trí nhất thiết trí để cầu học kinh điển tương ưng Nhị thừa và trong đó mong cầu được trí nhất thiết trí cũng lại như vậy.

Này Thiện Hiện! Ví như có người vì tìm trân bảo nên đến biển lớn. Đã đến bờ biển, người ấy không vào biển lớn mà trở lại xem nước nơi dấu chân trâu, rồi suy nghĩ: Nước trong biển lớn lượng sâu rộng của nó có bằng đây không? Trong đó có lẽ cũng có các trân bảo. Ý ông thế nào? Người đó có khôn không?

Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Người đó không khôn.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Vào thời tương lai có các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa, bỏ kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cội rễ của trí nhất thiết trí để cầu học kinh điển tương ưng Nhị thừa, và trong đó mong cầu được trí nhất thiết trí cũng lại như vậy. Vì sao? Vì người đó tinh tấn tu học kinh điển Nhị thừa, cuối cùng chỉ có thể đắc quả Dự lưu, tuần tự cho đến Độc giác Bồ-đề, tất nhiên không thể được trí nhất thiết trí.

Thế nên các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa muốn mau chứng đắc trí nhất thiết trí, nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa, không nên cầu học kinh điển Nhị thừa. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chắc chắn là cội rễ của trí nhất thiết trí, còn kinh điển Nhị thừa như là cành lá.

Này Thiện Hiện! Như có thợ hoặc học trò của ông ta, muốn làm cung điện lớn, cao rộng tốt đẹp như cung điện trời Đế Thích. Sau khi thấy cung điện đó, người kia lại làm cung điện kiểu như cung điện Nhật Nguyệt. Ý ông thế nào? Người thợ hoặc học trò của ông ta có thể làm cung điện rộng lớn, tốt đẹp như cung điện trời Đế Thích không?

Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Không được.

Phật dạy:

- Người ấy có thông minh không?

Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Người ấy chẳng thông minh.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Vào thời tương lai có các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa được Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, lại bỏ để cầu học kinh điển Nhị thừa và muốn chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, làm lợi ích an lạc hữu tình cũng lại như vậy. Nên biết đó là loại người ngu si.

Này Thiện Hiện! Như có người muốn thấy Chuyển luân thánh vương, thấy rồi chẳng nhận biết, bỏ đến nơi khác, thấy vua nước nhỏ, quán sát hình tướng của ông ta và suy nghĩ: Hình tướng của Chuyển luân thánh vương oai đức đâu có hơn người này. Ý ông thế nào? Người đó có thông minh không?

Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Người đó không thông minh.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Vào thời tương lai có các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa muốn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chuyển pháp luân vi diệu, độ thoát các hữu tình, bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, cầu học kinh điển tương ưng Nhị thừa và nói kinh điển kia cùng đây đâu có gì khác nhau, vì sao phải dùng kinh đó!? Vì nhân duyên này chắc chắn không thể đạt trí nhất thiết trí. Vì sao? Vì kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có nhiều phương tiện thị hiện, khuyến khích, dẫn dắt, khen ngợi, vui mừng. Các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa, đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề được Bất thối chuyển mà bỏ để cầu học kinh điển Nhị thừa, nên biết người kia cũng lại như vậy. Vì sao? Vì người tinh tấn tu học kinh điển Nhị thừa chắc chắn không thể chứng được quả vị Phật.

Này Thiện Hiện! Như có người đói được thức ăn trăm vị mà bỏ để cầu ăn cơm để lâu hai tháng. Ý ông thế nào? Người đó có thông minh không?

Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Người đó không thông minh.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Cũng vậy, vào thời tương lai, có các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa, cầu hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mà bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, để cầu học kinh điển tương ưng Nhị thừa, với ý muốn tìm trí nhất thiết trí trong kinh Nhị thừa ấy, hoài công nhọc nhằn, cuối cùng họ chẳng được gì.

Này Thiện Hiện! Như có người nghèo được ngọc vô giá, mà bỏ để đổi lấy đá Ca-già-mạc-ni (thuỷ tinh). Ý ông thế nào? Người đó có thông minh không?

Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Người đó không thông minh.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Cũng vậy, vào thời tương lai có các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa, cầu hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mà bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, để cầu học kinh điển tương ưng Nhị thừa, với ý muốn tìm trí nhất thiết trí trong kinh Nhị thừa ấy, hoài công nhọc nhằn cuối cùng họ chẳng được gì.

Này Thiện Hiện! Các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa, nếu đang lúc biên chép, thọ trì, đọc tụng, tư duy tu tập kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, mà có những sự biện luận phức tạp nổi lên và muốn nói về những pháp môn khác nhau, làm cho những việc biên chép v.v... chẳng được hoàn tất. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Có thể biên chép Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được không?

Phật bảo:

- Thiện Hiện! Không được. Nếu các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa khi biên chép kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa mà nghĩ: Ta dùng văn tự biên chép Bát-nhã ba-la-mật-đa, như vậy văn tự tức là Bát-nhã ba-la-mật-đa, hoặc nương vào văn tự chấp trước Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy giảng nói kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa mà nghĩ đến đất nước, thành ấp, kinh đô, nơi chốn, thầy bạn, cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, bà con, bè bạn, vua quan, trộm cướp, thú dữ, người ác, quỉ ác, đám đông, dạo chơi, âm nhạc, báo oán, báo ơn, thực phẩm, y phục, giường nằm, hoặc nghĩ đến các vật dụng khác cho thân, hoặc nghĩ đến sự sáng tác văn tụng, sách vở, thời tiết lạnh, nóng, ấm, mát, những việc voi ngựa nước lửa, hoặc nghĩ đến những sự nghiệp khác đã xa lìa. Nên biết đều là việc ma Bồ-tát.

Ma dùng những việc ấy làm khuấy động Bồ-tát, làm cho những việc biên chép đều chẳng được thành tựu, Bồ-tát biết rõ hãy nên xa lìa.

Này Thiện Hiện! Các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa, khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, được sự cung kính cúng dường, được nhiều lợi ích, tiếng khen. Vì lý do này mà người đó bỏ bê sự nghiệp đã làm, nên biết đó cũng là việc ma của Bồ-tát. Bồ-tát biết rõ hãy nên xả bỏ.

Này Thiện Hiện! Các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa, khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, ác ma hóa ra những hình tượng Bí-sô cầm các loại sách thế tục, hoặc kinh điển tương ưng Nhị thừa, giả hiện bạn thân trao cho Bồ-tát và bảo Bồ-tát: “Kinh điển này ý nghĩa sâu xa, uyên áo, nên siêng năng tu học; bỏ kinh đã học kia đi.” Các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa này phương tiện thiện xảo không nên chấp nhận sách luận thế tục của ác ma trao cho, hoặc kinh điển tương ưng Nhị thừa. Vì sao? Vì sách luận của thế tục và kinh điển Nhị thừa không thể dẫn phát được trí nhất thiết trí, không thể hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, không phải thuận duyên hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề mà nó vô cùng chướng ngại.

Thiện Hiện nên biết! Trong kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, giảng rộng phương tiện thiện xảo đạo Đại Bồ-tát. Nếu ai đối với kinh này tinh tấn tu học, rất mau chứng đắc trí nhất thiết trí. Nếu các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa không có phương tiện thiện xảo, sẽ gần gũi bạn ác, bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thọ học sách luận thế tục của ác ma và kinh điển tương ưng Nhị thừa. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người nghe pháp, thích pháp, thích hỏi pháp, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Người thuyết pháp lại rơi vào giải đãi, chẳng muốn thuyết pháp cho ai, cũng chẳng ban bố cho ai Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người thuyết pháp tâm không tham đắm dục lạc, cũng không có giải đãi, ưa giảng và ưa ban bố Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, phương tiện khuyến khích, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập. Người nghe pháp lại giải đãi, ham vui, chẳng muốn lãnh thọ cho đến tu tập. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người nghe pháp đầy đủ sức trí tuệ, nhớ nghĩ, thích nghe, thích hỏi, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Người thuyết pháp lại muốn đi đến phương khác, không thể dạy bảo, truyền trao. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người thuyết pháp ưa thuyết, ưa ban bố Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, dùng phương tiện khuyến khích, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập. Người nghe pháp muốn qua phương khác, không muốn nghe thọ. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người thuyết pháp thường đủ thứ ác dục lớn, yêu chuộng danh lợi, y phục, ăn uống, giường nằm, thuốc thang và bao nhiêu vật dụng, của cải khác, thích sự cung kính, cúng dường, tâm không nhàm chán. Người nghe pháp thiểu dục tri túc, tu hạnh viễn ly, dõng mãnh tinh tấn, đầy đủ niệm định tuệ, chán sợ sự lợi dưỡng, cung kính và tiếng khen, hoặc có đủ tật đố xan tham, không thể xả thí. Cả hai không hòa hợp, không tiếp nhận thọ trì, biên chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người thuyết pháp thiểu dục tri túc, tu hạnh viễn ly, dõng mãnh tinh tấn, đầy đủ niệm định tuệ, chán sự lợi dưỡng, cung kính và tiếng khen, hoặc có đủ tham lam, ganh ghét, không thể xả thí. Người nghe pháp có đủ ác dục lớn, yêu chuộng danh lợi, y phục, ăn uống, giường nằm, thuốc thang và vật dụng, của cải, đối với sự cúng dường, cung kính tâm không nhàm đủ. Cả hai không hòa hợp, không thể tiếp nhận thọ trì, biên chép, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người thuyết pháp có tín, có giới, thọ trì mười hai công đức hạnh đầu-đà, thích thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cho người khác, dùng phương tiện khuyến khích, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập. Người nghe pháp không tín, không giới, cũng không có mười hai công đức hạnh đầu-đà. Cả hai không hòa hợp, không thể dạy bảo, trao truyền, tiếp nhận, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người nghe pháp có tín, có giới, thọ trì mười hai công đức hạnh đầu-đà, ưa nghe, hỏi, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Người thuyết pháp không tín, không giới, cũng không có mười hai công đức hạnh đầu-đà. Cả hai không hòa hợp, nên không đạt được kết quả nói hay nghe, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người thuyết pháp không có tâm tham lam, bỏn xẻn mà có thể bố thí tất cả. Người nghe pháp có tâm tham lam, bỏn xẻn và không thể xả thí, hoặc trái ngược trường hợp trên. Cả hai không hòa hợp nên không đạt được sự dạy bảo, trao truyền, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người nghe pháp muốn cầu cúng dường người thuyết pháp y phục, ăn uống, giường nằm, thuốc thang và vật dụng khác, nhưng người thuyết pháp chẳng muốn thọ dụng, hoặc trái với trường hợp trên. Cả hai không hòa hợp nên không đạt được sự dạy bảo, trao truyền, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người thuyết pháp thành tựu khai trí, không muốn truyền bá. Người nghe pháp thành tựu diễn trí, chẳng muốn nói tóm tắt, hoặc trái với trường hợp trên. Cả hai không hòa hợp nên không đạt được sự dạy bảo, trao truyền, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người thuyết pháp chuyên ưa muốn biết rộng trình tự pháp nghĩa mười hai phần giáo. Người nghe pháp chẳng muốn biết rộng trình tự pháp nghĩa mười hai phần giáo, hoặc trái với trường hợp trên. Cả hai không hòa hợp nên không đạt được sự dạy bảo, trao truyền, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người thuyết pháp thành tựu sáu pháp Ba-la-mật-đa, dùng phương tiện thiện xảo đạt được Đà-la-ni. Người nghe pháp không được công đức như vậy, hoặc trái với trường hợp trên. Cả hai không hòa hợp nên không đạt được sự dạy bảo, trao truyền, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người thuyết pháp muốn làm cho người nghe pháp cung kính biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Người nghe pháp chẳng tùy thuận ý của người thuyết pháp, hoặc trái với trường hợp trên. Cả hai không hòa hợp nên không đạt được sự dạy bảo, trao truyền, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người thuyết pháp đã xa lìa trần cấu xan tham, đã xa lìa năm triền cái. Người nghe pháp chưa lìa xan tham, chưa xa lìa năm triền cái, hoặc trái với trường hợp trên. Cả hai không hòa hợp nên không đạt được sự dạy bảo, trao truyền, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người nghe pháp có tâm tin yêu, muốn hiểu rõ nghĩa lý sâu xa, nhưng người thuyết pháp đối với kinh này chưa được thuần thục sâu xa nên không thể xác quyết rõ ràng, làm cho người nghe pháp không muốn nghe. Do nhân duyên này nên không được biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người thuyết pháp tâm thích nói pháp, nhưng người nghe pháp lại không muốn nghe, hoặc trái với trường hợp trên. Cả hai không hòa hợp nên không đạt được sự dạy bảo, trao truyền, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người thuyết pháp tuy muốn nói pháp nhưng các căn trên thân bệnh nặng ràng buộc nên không thể thuyết pháp được. Người nghe pháp tuy muốn nghe pháp nhưng các căn trên thân bệnh nặng ràng buộc nên không thể nghe pháp được. Cả hai không hòa hợp nên không đạt được sự dạy bảo, trao truyền, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Có các thiện nam tử v.v... trụ Bồ-tát thừa khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tư duy, giảng nói kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, có người đến nói về những cảnh giới ác và những việc khổ, nhân đó lại bảo: “Ngươi đối với thân này nên siêng năng tinh tấn sẽ mau chấm dứt hết khổ, vào Bát Niết-bàn. Cần gì phải dừng lại biển cả sanh tử, nhẫn chịu trăm ngàn sự đau khổ khó nhẫn, để cầu hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.” Do những lời nói ấy mà sự biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này chẳng được trọn vẹn. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Có các thiện nam tử v.v… trụ Bồ-tát thừa, khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói kinh điển tương ưng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, có người đến khen ngợi những sự thù thắng ở cõi người, và khen ngợi sự trường thọ, an vui của cõi trời, rồi người đó nói: Tuy ở cõi Dục thọ những dục lạc, ở trong cõi Sắc hưởng vui tịnh lự, ở cõi Vô sắc hưởng vui đẳng chí (định), nhưng đó đều là những pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh, biến hoại, pháp tàn tạ, pháp xa lìa, pháp chấm dứt, pháp hoại diệt. Vì sao ngươi đối với thân này chẳng tinh tấn để chứng quả Dự lưu, tuần tự cho đến Độc giác Bồ-đề, vào Bát Niết-bàn cứu cánh an vui. Sao lại ở lâu nơi luân hồi sanh tử, vô cớ vì người khác chịu những khổ nhọc để cầu hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Do những lời nói ấy mà sự biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này không được trọn vẹn. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người thuyết pháp sống một mình, không bị ràng buộc, chuyên tu việc mình chứ chẳng lo việc người khác. Người nghe pháp thích lãnh đồ chúng, thích lo việc người khác nhưng chẳng lo việc mình, hoặc trái với trường hợp trên. Cả hai không hòa hợp nên không đạt được sự dạy bảo, trao truyền, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người thuyết pháp chẳng ưa ồn ào xen tạp. Người nghe pháp thích chỗ ồn ào xen tạp, hoặc trái với trường hợp trên. Cả hai không hòa hợp nên không đạt được sự dạy bảo, trao truyền, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người thuyết pháp muốn người nghe hoàn toàn tùy thuận và hỗ trợ những điều mình nói. Người nghe pháp chẳng tùy thuận ý muốn của người nói, hoặc trái với trường hợp trên. Cả hai không hòa hợp nên không đạt được sự dạy bảo, trao truyền, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người thuyết pháp vì danh lợi nên muốn thuyết pháp cho người khác, và muốn những người nghe đó biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Người nghe pháp biết những điều như vậy, nhưng không muốn tùy thuận chấp nhận. Hoặc người nghe vì danh lợi cho nên muốn thỉnh người thuyết pháp và muốn phương tiện biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Người thuyết pháp biết những điều như vậy nhưng không chấp nhận lời thỉnh kia. Cả hai không hòa hợp nên không đạt được sự dạy bảo, trao truyền, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người thuyết pháp muốn đến phương khác, nơi có thể nguy hiểm đến thân mạng. Người nghe pháp sợ mất thân mạng, nên chẳng muốn đi theo. Hoặc người nghe muốn qua phương khác, nơi có thể nguy hiểm đến thân mạng. Người thuyết pháp sợ mất thân mạng, chẳng muốn cùng đi. Cả hai không hòa hợp nên không đạt được sự dạy bảo, trao truyền, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

Này Thiện Hiện! Người thuyết pháp muốn qua phương khác, cõi nước có nhiều giặc cướp, tật dịch, đói khát. Người nghe pháp lo sợ nơi ấy gian khổ nên chẳng chịu đi theo. Hoặc người nghe muốn qua phương khác, cõi nước có nhiều giặc cướp, tật dịch, đói khát, nhưng người thuyết pháp lo sợ nơi ấy gian khổ nên chẳng chịu cùng đi. Cả hai không hòa hợp nên không thể đạt được sự dạy bảo, trao truyền nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa được. Nên biết đó là việc ma của Bồ-tát.

  

 

 

 

   Quyển thứ 546

Hết

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/09/2012(Xem: 10804)
Phật hoàng Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh ngày 07/12/1258 (11/11/Mậu Ngọ), con trưởng của Vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh. Thân hình Ngài có những đặc điểm khác thường, nhất là có màu vàng, nên được vua cha đặt cho biệt hiệu là Phật kim.
20/09/2012(Xem: 5651)
Sáng nay con về lại Vạn Hạnh, không phải đi học, không phải nộp bài thi, không phải đi đảnh lễ,... mà để đi tiễn Ôn về với Phật. Con hòa mình vào dòng người tấp nập trên giao lộ Nguyễn Kiệm trong buổi sớm bình minh. Một ngày như mọi ngày nhưng cảnh vật hôm nay không còn bình yên nữa. Cây cỏ úa màu, hoa buồn ủ rũ. Mọi người tất bật, nôn nao bước nhanh về cổng chùa Vạn Hạnh, như sợ chậm chân sẽ không còn chỗ cho mình cung tiễn Thầy đi.
08/09/2012(Xem: 8184)
Với Hòa thượng Minh Châu, một đại sư đã ra đi. Một đại sư cỡ ấy, thế hệ chúng ta chỉ có vài vị. Vài vị, nhưng là những ngọn đuốc soi sáng đường đi cho cả một nửa thế kỷ. Hôm nay, ngọn đuốc gần như là cuối cùng ấy đã tắt. Đã tắt, để nói với chúng ta, như Phật đã nói khi nhập diệt: Hãy tự thắp đuốc lên mà đi.
08/09/2012(Xem: 6141)
Tin Sư Ông ra-đi-về cõi bất sinh đã dệt nên những cơn bồi hồi, xúc động. Biết nói cái gì, và sẽ nói cái gì về một vầng ánh sáng chói lọi vừa lịm tắt? Càng cố nói về cái “rạng rỡ” thì càng trở nên vụng về! Nhưng vượt lên trên tất cả và vẫn còn hiện hữu nơi đây là tấm lòng tri ân sâu sắc đối với công trình dịch thuật Kinh tạng của Người. Lòng tri ân sâu thẳm đó vẫn âm ỉ trong tâm thức của những người từng có cơ duyên được học hỏi “triết lý giác ngộ”- một thứ triết lý nguyên thủyhàm chứa những kinh nghiệm chứng ngộ rất ngườicủa Đức Thế Tôn.
07/09/2012(Xem: 5897)
Các bạn thân mến, Tôi lớn lên trong cảnh bất công và quê hương nhuộm đầy máu lửa. Trái tim tôi đã dược nuôi dưỡng bằng tình yêu quê hương qua những tấm gương của các vị anh hùng yêu nuớc. Tôi yêu lí‎ tưởng Từ Bi của Đức Phật qua tinh thần bất bạo động, tôi không thích tham gia vào các tổ chức và các cuộc đấu tranh. Tôi đã đi dự những khóa tu của thầy Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai tổ chức trong một số chùa lớn của ba miền đất nuớc, trong thời gian Thầy về Việt Nam.
07/09/2012(Xem: 6447)
Trước tin Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu viên tịch, tôi xin thành kính có bài ghi lại kỷ niệm phước duyên được nghe ngài thuyết pháp. Đó là thời điểm những năm 1978, 1979… Vào lúc ấy, Tổng vụ Hoằng Pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức thuyết pháp hàng tuần vào lúc 15h chiều chủ nhật tại trụ sở của Giáo hội là chùa Ấn Quang.
02/09/2012(Xem: 10302)
Hòa Thượng Thích Minh Châu sinh năm 1918 tại Quảng Nam. Xuất gia năm 1946 với Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết tại chùa Tường Vân, Huế...
29/08/2012(Xem: 5569)
Tôi muốn nói đến Sư Huynh Phổ Hòa, người anh lớn trong Gia Đình Phật Tử Việt Nam tức Huynh Trưởng HỒNG LIÊN Phan Cảnh Tuân khả kính của chúng ta.
23/08/2012(Xem: 8218)
Kính bạch Sắc tứ Thập Tháp Tổ đình, Tân tịch trụ trì Thích Kế Châu, Đại lão Hòa thượng giác linh, tác đại chứng minh. Hôm nay, chúng tôi là những Pháp huynh, Pháp đệ thuộc dòng pháp Chúc Thánh, Tổ đình thứ hai Quảng Nam, và dòng pháp Thiền Tôn, Tổ đình thứ ba – Huế, tại Bình Định, và cũng là con cháu tám, chín đời dòng pháp Thập Tháp – Tổ đình thứ nhất, thuộc dòng pháp Thiên đồng Trung quốc tại Việt nam. Giờ này, tất cả chúng tôi đã vân tập đông đủ trước linh đài trang nghiêm, đau buồn này để làm lễ tiễn đưa kim quan Cố Đại lão Hòa thượng vào “BẢO THÁP MẬT TÀNG”, nghìn thu an nghỉ. Kính bạch Tân tịch Đại lão Hòa thượng giác linh! Trước hết, tại nơi đây, tất cả chúng tôi: Chí thành đến trước linh tòa, Cung kính dâng lên pháp cúng Kinh diên tán tụng,
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]