Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 452: Phẩm Tập Cận, Phẩm Tăng Thượng Mạn 01

21/07/201511:33(Xem: 14290)
Quyển 452: Phẩm Tập Cận, Phẩm Tăng Thượng Mạn 01

Tập 09

Quyển 452

Phẩm Tập Cận
Bản dịch của HT Thích Trí Nghiêm
Diễn đọc: Cư Sĩ Chánh Trí




 

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, các bậc Đại Bồ-tát phải làm sao để thân cận pháp không? Làm sao để vào không Tam-ma-địa? Làm sao để thân cận vô tướng? Làm sao để vào vô tướng Tam-ma-địa? Làm sao thân cận vô nguyện? Làm sao để vào vô nguyện Tam-ma-địa? Làm sao thân cận bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo? Làm sao tu bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo? Làm sao thân cận mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng? Làm sao tu mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, các Đại Bồ-tát nên quán sắc là không; nên quán thọ, tưởng, hành, thức là không. Nên quán nhãn xứ cho đến ý xứ là không. Nên quán sắc xứ cho đến pháp xứ là không. Nên quán nhãn giới cho đến ý giới là không. Nên quán sắc giới cho đến pháp giới là không. Nên quán nhãn thức giới cho đến ý thức giới là không. Nên quán nhãn xúc cho đến ý xúc là không. Nên quán các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra là không. Nên quán địa giới cho đến thức giới là không. Nên quán vô minh cho đến lão tử là không. Nên quán bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa là không. Nên quán pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tự tính Không là không. Nên quán chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì là không. Nên quán Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo là không. Nên quán bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc là không. Nên quán tám giải thoát cho đến mười biến xứ là không. Nên quán bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo là không. Nên quán pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện là không. Nên quán ba thừa và mười địa Bồ-tát là không. Nên quán pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa là không. Nên quán năm loại mắt, sáu phép thần thông là không. Nên quán mười lực Phật cho đến mười tám pháp Phật bất cộng là không. Nên quán ba mươi hai tướng Đại sĩ, tám mươi vẻ đẹp của Phật là không. Nên quán pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả là không. Nên quán trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng là không. Nên quán quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề là không. Nên quán tất cả hạnh Đại Bồ-tát là không. Nên quán Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật là không. Nên quán các pháp hữu lậu, vô lậu là không. Nên quán pháp thế gian, xuất thế gian là không. Nên quán pháp hữu vi, vô vi là không. Nên quán pháp quá khứ, vị lai, hiện tại là không. Nên quán pháp thiện, ác, vô ký là không. Nên quán pháp cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc là không.

Này Thiện Hiện! Lúc quán như vậy, Đại Bồ-tát đó không được để cho tâm rối loạn. Nếu tâm không rối loạn thì không thấy có pháp nào. Nếu không thấy pháp thì không có chứng đắc. Vì sao?

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này khéo học tự tướng các pháp đều là không. Không pháp nào có thể tăng, không pháp nào có thể giảm, vì vậy đối các pháp không thể thấy và chứng. Vì sao?

Này Thiện Hiện! Ở trong thắng nghĩa đế, tất cả các pháp năng chứng, sở chứng, nơi chứng, lúc chứng, nguyên nhân chứng ngộ, hoặc hợp, hoặc tan đều không thể thấy không thể được.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Như Ngài đã nói, các Đại Bồ-tát nên quán các pháp là không mà không chứng đắc. Vì sao các Đại Bồ-tát nên quán các pháp là không mà không chứng đắc?

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Khi các Đại Bồ-tát quán các pháp là không, trước tiên phải nghĩ: Ta nên quán tướng của các pháp đều là không, không nên cầu chứng đắc. Vì sự học hỏi ta quán các pháp là không. Không phải vì sự chứng ngộ mà ta quán các pháp là không. Nay là lúc học, chẳng phải lúc chứng.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này chưa vào định nên phải buộc tâm vào đối tượng, lúc đã vào định thì họ không cần buộc tâm vào cảnh nữa.

Này Thiện Hiện! Vào lúc như vậy, Đại Bồ-tát chẳng thối lui việc bố thí Ba-la-mật-đa chẳng chứng lậu tận, cho đến chẳng thối lui Bát-nhã ba-la-mật-đa chẳng chứng lậu tận. Chẳng thối lui pháp nội Không chẳng chứng lậu tận, cho đến chẳng thối lui pháp vô tính tự tính Không chẳng chứng lậu tận. Chẳng thối lui chơn như chẳng chứng lậu tận, cho đến chẳng thối lui cảnh giới bất tư nghì chẳng chứng lậu tận. Không thối lui Thánh đế khổ không chứng lậu tận; không thối lui Thánh đế tập, diệt, đạo không chứng lậu tận. Không thối lui bốn tịnh lự không chứng lậu tận; không thối lui bốn vô lượng, bốn định vô sắc không chứng lậu tận. Không thối lui tám giải thoát không chứng lậu tận; không thối lui tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ không chứng lậu tận. Không thối lui bốn niệm trụ không chứng lậu tận. Không thối lui tám chi thánh đạo chẳng chứng lậu tận. Không thối lui pháp môn giải thoát không không chứng lậu tận; không thối lui pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện không chứng lậu tận. Không thối lui ba thừa mười địa Bồ-tát không chứng lậu tận. Không thối lui pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa không chứng lậu tận. Không thối lui năm loại mắt, sáu phép thần thông không chứng lậu tận. Không thối lui mười lực Phật chẳng chứng lậu tận, cho đến chẳng thối lui mười tám pháp Phật bất cộng không chứng lậu tận. Không thối lui tướng hảo chẳng chứng lậu tận. Không thối lui pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả không chứng lậu tận; không thối lui trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng không chứng lậu tận. Không thối lui việc làm của Đại Bồ-tát không chứng lậu tận. Không thối lui Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề chẳng chứng lậu tận. Vì sao?

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát đó thành tựu trí tuệ vi diệu to lớn như thế, khéo trụ vào pháp không và tất cả các pháp Bồ-đề phần, vì vậy thường nghĩ: Lúc này nên học chớ không phải lúc chứng đắc.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thường nghĩ như vầy: Đối với bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, lúc này ta nên học chớ không nên chứng đắc. Đối với pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không, lúc này ta nên học chớ không nên chứng đắc. Đối với chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì, lúc này ta nên học chớ không nên chứng đắc. Đối với Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo, lúc này ta nên học chớ không nên chứng đắc. Đối với bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, lúc này ta nên học chớ không nên chứng đắc. Đối với tám giải thoát cho đến mười biến xứ, lúc này ta nên học chớ không nên chứng đắc. Đối với bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo, lúc này ta nên học chớ không nên chứng đắc. Đối với pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện, lúc này ta nên học chớ không nên chứng đắc. Đối với ba thừa và mười địa Bồ-tát, lúc này ta nên học chớ không nên chứng đắc. Đối với pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa, lúc này ta nên học chớ không nên chứng đắc. Đối với năm loại mắt, sáu phép thần thông, lúc này ta nên học chớ không nên chứng đắc. Đối với mười lực Phật cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, lúc này ta nên học chớ không nên chứng đắc. Đối với tướng hảo lúc này ta nên học chớ không nên chứng đắc. Đối với pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, lúc này ta nên học chớ không nên chứng đắc. Đối với trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, lúc này ta nên học chớ không nên chứng đắc. Đối với tất cả các hạnh của Đại Bồ-tát, lúc này ta nên học chớ không nên chứng đắc. Đối với Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật lúc này ta nên học chớ không nên chứng đắc. Hôm nay vì học trí thất thiết trí, nên ta học quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề đều khéo léo mà không cần chứng đắc.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nên thân cận pháp không, nên an trụ ở pháp không, nên tu hành pháp không Tam-ma-địa và không chứng đắc đối với thật tế. Nên thân cận vô tướng, nên an trụ nơi vô tướng, nên tu hành vô tướng Tam-ma-địa mà chẳng nên chứng đắc đối với thật tế. Nên thân cận vô nguyện, nên an trụ vô nguyện, nên tu hành vô nguyện Tam-ma-địa mà chẳng nên chứng đắc đối với thật tế. Nên thân cận bốn niệm trụ, nên an trụ bốn niệm trụ, nên tu hành bốn niệm trụ mà chẳng nên chứng đắc đối với thật tế. Nên thân cận bốn chánh đoạn cho đến tám chi thánh đạo, nên an trụ bốn chánh đoạn cho đến tám chi thánh đạo, nên tu hành bốn chánh đoạn cho đến tám chi thánh đạo, mà chẳng nên chứng đắc đối với thật tế. Như vậy, cho đến nên thân cận mười lực Phật, nên nương tựa mười lực Phật, nên tu hành mười lực Phật, mà chẳng nên chứng đắc đối với thật tế. Nên thân cận bốn điều không sợ, cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, nên nương tựa bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, nên tu hành bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, mà chẳng nên chứng đắc đối với thật tế.

Này Thiện Hiện! Tuy thân cận không, vô tướng, vô nguyện, an trụ ở pháp không, vô tướng, vô nguyện, tu hành không, vô tướng, vô nguyện Tam-ma-địa nhưng Đại Bồ-tát này chẳng chứng đắc quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề. Dù thân cận bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo, an trụ bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo, tu hành bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo nhưng vị ấy chẳng chứng quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề. Do đó, vị ấy không rơi vào quả Thanh văn và Độc giác, mà mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Này Thiện Hiện! Như có tráng sĩ hình dáng đoan nghiêm, oai phong lẫm liệt, mạnh mẽ vô cùng, ai thấy cũng vui mừng; vị ấy có đầy đủ các việc thù thắng, quyến thuộc thanh tịnh, học thông thạo các binh pháp, cầm chắc binh khí, đứng vững không động, rành rẽ hết thảy sáu mươi bốn khả năng, mười tám loại kinh thư và tất cả các kỹ thuật, mọi người đều kính phục và ngưỡng mộ vị ấy. Vì giỏi sự nghiệp nên vị ấy bỏ công ít mà được lợi nhiều. Do đó vị ấy luôn luôn được mọi người cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen. Lúc đó vị ấy càng thêm vui mừng gấp bội và làm cho những người thân cũng vui mừng yên ổn. Vì có lý do, người đó phải dẫn cha, mẹ, vợ, con, quyến thuộc đi tới nơi khác, phải đi qua đồng trống nguy hiểm có nhiều ác thú, giặc cướp, kẻ thù rình rập, và những việc đáng sợ khác làm cho quyến thuộc của vị ấy từ lớn đến nhỏ đều kinh sợ. Dựa vào nhiều tài nghệ, oai đức, sức mạnh và thân tâm thư thới của chính mình, vị ấy an ủi cha, mẹ và quyến thuộc: Chớ có lo sợ, con sẽ không để cho ai chịu khổ cả. Lúc đó, vị ấy dùng tài nghệ khéo léo đưa quyến thuộc đến nơi an ổn, thoát khỏi tai nạn nguy hiểm và vui mừng hưởng lạc. Vì sao ở giữa đồng trống mà tráng sĩ ấy không sợ bị thú dữ và giặc thù làm hại? Bởi vì dựa vào oai đức sức mạnh và đầy đủ các tài nghệ nên vị ấy không sợ gì cả.

Này Thiện Hiện! Ông phải biết các Đại Bồ-tát cũng như vậy. Vì thương xót các hữu tình phải chịu nỗi khổ sanh tử, nên Đại Bồ-tát phát nguyện hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, kết duyên với tất cả hữu tình, phát tâm cùng họ thực hành bốn vô lượng, trụ vào bốn vô lượng, mạnh mẽ tu tập bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa làm cho mau được viên mãn. Ở vị trí chưa viên mãn đối với sáu pháp Ba-la-mật-đa này, vì muốn tu học trí nhất thiết trí Đại Bồ-tát đó không chứng lậu tận. Tuy trụ pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện nhưng vị ấy không thay đổi theo thế lực đó, cũng không bị chướng ngại đó dẫn dắt cướp đoạt. Cũng không mong chứng đắc đối với pháp môn giải thoát. Do không chứng đắc nên họ bị rơi vào quả Thanh văn, Độc giác và chắc chắn hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Này Thiện Hiện! Như chim cánh vững mạnh bay liệng trên không, tự do bay lượn thật lâu vẫn không rơi xuống. Tuy nương hư không để bay nhưng nó không chiếm lấy hư không và cũng chẳng bị hư không làm trở ngại.

Này Thiện Hiện! Ông nên biết các Đại Bồ-tát cũng như vậy. Tuy thường gần gũi an trụ, tu hành ba pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện nhưng họ không chứng đắc các pháp ấy. Do không chứng đắc, nên họ không rơi vào quả Thanh văn và Độc giác. Khi tu mười lực Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng; pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa; trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng và vô lượng, vô biên Phật pháp khác. Nếu chưa được viên mãn thì họ quyết chẳng nương vào ba Tam-ma-địa không, vô tướng, vô nguyện để chứng lậu tận.

Này Thiện Hiện! Như có tráng sĩ rất giỏi việc bắn tên, vì muốn trổ tài của mình người ấy ngước lên bắn vào hư không, để mũi tên đó ở mãi trên hư không không rơi xuống đất, người ấy lại đem mũi tên sau bắn vào đuôi mũi tên trước. Cứ như vậy sau một thời gian dài, các mũi tên nương vào nhau không bị rơi xuống đất. Nếu muốn những mũi tên ấy rơi xuống, người đó chỉ việc ngừng bắn thì các mũi tên liền lập tức rơi xuống.

Này Thiện Hiện! Ông nên biết các Đại Bồ-tát cũng giống như vậy, họ nhờ phương tiện thiện xảo hộ trì để thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, cho đến khi thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, khi thực hành căn lành chưa được thành thục thì họ quyết không chứng thật tế ở giữa đường vì chỉ cầu Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề v.v... Khi đã thành thục tất cả căn lành, bấy giờ Bồ-tát mới chứng thật tế và liền được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì thế, này Thiện Hiện! Khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa các Đại Bồ-tát nên quan sát thật kỹ thật tướng các pháp như trước đã nói.

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát thật là hiếm có, có thể làm được những việc khó nhọc. Tuy học các pháp thật tế của chơn như, pháp giới, pháp tánh; tuy học các pháp rốt ráo đều không cho đến tự tướng không; tuy học Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; tuy học bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo; tuy học pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện nhưng giữa đường họ không bị rơi vào quả Thanh văn và Độc giác, không đánh mất Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! vì đã thề không xả bỏ hữu tình nên các Đại Bồ-tát phát nguyện: Nếu các hữu tình chưa được giải thoát, ta quyết chẳng bỏ các gia hạnh đã phát khởi.

Này Thiện Hiện! Do nguyện lực thù thắng các Đại Bồ-tát thường suy nghĩ: Nếu các hữu tình chưa được giải thoát, ta quyết chẳng bỏ rơi họ. Nhờ phát sanh tâm rộng lớn như vậy, nên chắc chắn họ không bị thối lui rơi rụng ở giữa đường.

Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát thường suy nghĩ: Ta không nên xả bỏ tất cả hữu tình mà phải làm cho tất cả đều được giải thoát. Nhưng các hữu tình thực hành pháp bất chánh, để cứu độ họ ta phải thường xuyên chỉ dẫn cho họ pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện tịch tịnh và tuy nhiều lần chỉ dẫn nhưng ta không nắm giữ sự chứng đắc.

Này Thiện Hiện! Nhờ thành tựu sức phương tiện khéo léo nên tuy nhiều lần hiện ra ba môn giải thoát nhưng Đại Bồ-tát không chứng thật tế ở giữa chừng, thậm chí chưa đắc trí nhất thiết trí. Phải đắc Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì vị ấy mới nắm giữ sự chứng đắc.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Chỗ thâm sâu mà Đại Bồ-tát vui thích muốn quán sát là pháp nội Không (Không của các pháp nội tại), pháp ngoại Không (Không của các pháp ngoại tại), nội ngoại Không (Không của các pháp nội ngoại tại), Không Không (Không của Không), đại Không (Không lớn), thắng nghĩa Không (Không của chân lý cứu cánh), hữu vi không (Không của các pháp hữu vi), vô vi Không (Không của các pháp vô vi), tất cánh Không (Không tối hậu ‘rốt ráo’), vô tế Không (Không không biên tế), tán vô tán Không (Không của sự không phân tán), bản tính Không (Không của bản tính ‘tự nhiên tính’), tự cộng tướng Không (Không của tự cộng tướng), nhất thiết pháp Không (Không của vạn hữu), bất khả đắc Không (Không của cái bất khả đắc), vô tính Không (Không của vô thể ‘cái không tồn tại’), tự tính Không (Không của tự tính), vô tính tự tính Không (Không của vô thể của tự tính ‘tự tính của cái không tồn tại’). Cũng vui thích quán sát bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo, pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện và thấy tất cả đều không có tự tướng.

Này Thiện Hiện! Sau khi quán như vậy rồi Đại Bồ-tát suy nghĩ: Do sức của bạn ác, đã từ lâu các loại hữu tình phát sanh ý tưởng chấp ngã, chấp có hữu tình, cho đến chấp có người thấy, người biết. Do ý tưởng chấp trước này cho rằng việc làm có chỗ đạt được nên luân hồi sanh tử, chịu đủ loại khổ. Để đoạn trừ ý tưởng chấp trước như vậy của hữu tình, ta phải hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thuyết pháp vi diệu sâu xa cho họ nghe để giúp họ trừ bỏ ý tưởng chấp trước và thoát khỏi nỗi khổ sanh tử.

Này Thiện Hiện! Lúc ấy tuy học pháp môn giải thoát không nhưng Đại Bồ-tát này không dựa vào đó để chứng thật tế. Tuy học pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện nhưng vị ấy không dựa vào đó để chứng thật tế. Do không nắm giữ sự chứng đắc đối với thật tế nên họ không bị rơi vào quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, và Độc giác Bồ-đề.

Này Thiện Hiện! Nhờ nghĩ và thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thực hành căn lành không chứng thật tế. Tuy không lấy thật tế làm chỗ chứng đắc nhưng Đại Bồ-tát đó không thối thất bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Cũng không thối thất bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo. Cũng không thối thất tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ. Cũng không thối thất pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Cũng không thối thất pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không. Cũng không thối thất chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì. Cũng không thối thất Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Cũng không thối thất bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cũng không thối thất pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa. Cũng không thối thất năm loại mắt, sáu phép thần thông. Cũng không thối thất mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Cũng không thối thất pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Cũng không thối thất trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Cũng không thối thất vô lượng, vô biên các pháp khác của Phật.

Này Thiện Hiện! Lúc ấy, Đại Bồ-tát đó thành tựu tất cả các pháp Bồ-đề phần, cho đến chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề đối với các công đức hoàn toàn không bị suy giảm.

Này Thiện Hiện! Khi Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa nhờ được phương tiện thiện xảo hộ trì nên pháp lành tăng thêm trong từng niệm, các căn bén nhạy hơn hẳn tất cả Thanh văn, Độc giác.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thường nghĩ: Đã từ lâu do bị lệ thuộc vào bạn ác, các loài hữu tình thường làm theo ba cách với bốn loại điên đảo, đó là: Tâm điên đảo, thấy điên đảo, tưởng điên đảo về thường; hoặc là tâm điên đảo, thấy điên đảo, tưởng điên đảo về vui (lạc); hoặc là tâm điên đảo, thấy điên đảo, tưởng điên đảo về ta (ngã); hoặc là tâm điên đảo, thấy điên đảo, tưởng điên đảo về sạch (tịnh). Vì các hữu tình này ta nên hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tu các hạnh của Đại Bồ-tát. Khi đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề ta sẽ thuyết pháp không điên đảo cho các hữu tình nghe như là: Thuyết pháp sanh tử, vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh; chỉ có Niết-bàn vi diệu, vắng lặng là đầy đủ các công đức chơn thật thường, lạc, ngã, tịnh.

Này Thiện Hiện! Nhờ thành tựu ý nghĩ đó, lại được phương tiện thiện xảo hộ trì trong khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nếu đối với mười lực Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng và vô lượng, vô biên Phật pháp khác mà chưa được viên mãn hoàn toàn thì Đại Bồ-tát đó không thể chứng nhập vào thắng định của Như Lai.

Này Thiện Hiện! Lúc ấy tuy học và tự tại ra vào pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện nhưng Đại Bồ-tát đó chưa chứng đắc ngay đối với thật tế, cho đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Bởi vì thực hành công đức ấy chưa khéo viên mãn hoàn toàn nên vị ấy không chứng đắc thật tế và các công đức khác. Đến khi đắc được Vô thượng Chánh đẳng giác thì vị ấy mới có thể chứng đắc thật tế này v.v…

Này Thiện Hiện! Lúc ấy tuy tu hành chưa viên mãn các công đức khác nhưng Đại Bồ-tát đó đã tu tập viên mãn pháp môn Tam-ma-địa vô nguyện.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát nào thường nghĩ: Suốt thời gian dài, vì bị lệ thuộc vào bạn ác nên các loại hữu tình làm việc có sở đắc, chấp có ngã, hoặc có hữu tình cho đến chấp có người thấy, người biết. Hoặc chấp có sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Hoặc chấp có nhãn xứ cho đến ý xứ. Hoặc chấp có sắc xứ cho đến pháp xứ. Hoặc chấp có nhãn giới cho đến ý giới. Hoặc chấp có Sắc giới cho đến pháp giới. Hoặc chấp có nhãn thức giới cho đến ý thức giới. Hoặc chấp có nhãn xúc có đến ý xúc. Hoặc chấp có các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra. Hoặc chấp có địa giới cho đến thức giới. Hoặc chấp có vô minh cho đến lão tử. Hoặc chấp có mười thiện nghiệp đạo. Hoặc chấp có bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, bốn nhiếp sự. Vì các hữu tình này ta sẽ hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tu các hạnh của Đại Bồ-tát. Khi chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác, ta sẽ làm cho các loài hữu tình vĩnh viễn trừ bỏ các việc chấp trước đó.

Này Thiện Hiện! Nhờ thành tựu ý nghĩ này lại được phương tiện thiện xảo hộ trì khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nếu đối với mười lực Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng và vô lượng, vô biên Phật pháp khác mà chưa được viên mãn hoàn toàn thì  Đại Bồ-tát đó không thể chứng nhập vào thắng định của Như Lai.

Này Thiện Hiện! Lúc ấy tuy học và ra vào tự do đối với pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện nhưng Đại Bồ-tát đó chưa vội chứng đắc thật tế, cho đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Bởi vì thực hành công đức đó chưa được viên mãn nên vị ấy không chứng đắc thật tế và các công đức khác. Đến khi đắc được Vô thượng Chánh đẳng giác thì vị ấy mới có thể chứng đắc thật tế này v.v...

Này Thiện Hiện! Lúc ấy tuy tu tập các công đức khác chưa được viên mãn nhưng Đại Bồ-tát này đã tu tập viên mãn đối với pháp môn không Tam-ma-địa.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thường nghĩ: Suốt thời gian dài vì bị lệ thuộc vào bạn ác nên các loại hữu tình thường hành các tướng, nghĩa là chấp tướng nam, tướng nữ, hoặc chấp tướng sắc, hoặc chấp tướng âm thanh, hoặc chấp tướng hương, tướng vị, hoặc chấp tướng xúc chạm, hoặc chấp tướng pháp, hoặc chấp các tướng khác ở trong đó. Vì các loại hữu tình này ta sẽ hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tu các hạnh Đại Bồ-tát. Lúc chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác, ta sẽ làm cho các loài hữu tình vĩnh viễn đoạn trừ sự chấp trước các tướng như vậy.

Này Thiện Hiện! Nhờ thành tựu ý nghĩ này lại được phương tiện thiện xảo hộ trì khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nếu đối với mười lực Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng và vô lượng, vô biên Phật pháp khác, mà chưa được viên mãn hoàn toàn thì Đại Bồ-tát đó không thể chứng nhập vào thắng định của Như Lai.

Này Thiện Hiện! Lúc ấy tuy học và ra vào tự tại đối với pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện, nhưng Đại Bồ-tát đó chưa vội chứng đắc thật tế, cho đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Bởi vì thực hành công đức đó chưa được viên mãn nên vị ấy không chứng đắc thật tế và các công đức khác. Đến khi đắc được Vô thượng Chánh đẳng giác thì vị ấy mới chứng đắc thật tế này v.v…

Này Thiện Hiện! Lúc ấy tuy tu tập các công đức khác chưa được viên mãn nhưng Đại Bồ-tát này đã tu tập viên mãn đối với pháp môn vô tướng Tam-ma-địa.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát đã khéo tu học bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Đã khéo an trụ pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không. Đã khéo an trụ chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì. Đã khéo an trụ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Đã khéo tu học bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo. Đã khéo tu học pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Đã khéo tu học bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Đã khéo tu học tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ. Đã khéo tu học hạnh của mười địa. Đã khéo tu học pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa. Đã khéo tu học năm loại mắt, sáu phép thần thông. Đã khéo tu học mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Đã khéo tu học pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Đã khéo tu học trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Đã khéo tu học tất cả hạnh Đại Bồ-tát. Đã khéo tu học Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật. Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này thành tựu công đức trí tuệ như thế. Nếu phát sanh ý tưởng vui thích đối với sanh tử, hoặc nói có vui, hoặc là an trụ chấp trước đối với ba cõi thì điều ấy không có.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào đã khéo tu hành pháp Bồ-đề phần, tất cả các pháp của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các Đại Bồ-tát thì nên hỏi thử vị ấy: Nếu muốn chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì Đại Bồ-tát phải làm sao để tu học pháp Bồ-đề phần mà không chứng đắc thật tế của không, vô tướng, vô nguyện, vô sanh, vô diệt, vô tác, vô vi, vô tánh, nhờ không chứng pháp ấy nên không đắc quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác Bồ-đề mà siêng năng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thường không chấp trước điều gì?

Này Thiện Hiện! Khi được hỏi như vậy, nếu Đại Bồ-tát ấy đáp: Nếu muốn chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, các bậc Đại Bồ-tát chỉ cần tư duy về thật tế của không, vô tướng, vô nguyện, vô sanh, vô diệt, vô tác, vô vi, vô tánh và tất cả các pháp Bồ-đề phần khác không cần tu học. Thiện Hiện! Ông nên biết Đại Bồ-tát đó chưa được Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thọ ký Bất thối chuyển Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Này Thiện Hiện! Bởi vì Đại Bồ-tát này chưa được khai thị, thọ ký, hiểu rõ pháp tướng tu học của Đại Bồ-tát đang trụ ở địa vị Bất thối chuyển.

Này Thiện Hiện! Khi được hỏi như vậy, nếu Đại Bồ-tát ấy đáp: Nếu muốn chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì Đại Bồ-tát phải tư duy chân chánh về thật tế của không, vô tướng, vô nguyện, vô sanh, vô diệt, vô tác, vô vi, vô tánh và tất cả các pháp Bồ-đề phần khác, và cũng nên phương tiện khéo léo tu học mà không chứng đắc như đã nói ở trước, thì này Thiện Hiện! Ông nên biết Đại Bồ-tát này đã được Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thọ ký Bất thối chuyển Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Này Thiện Hiện! Vì Đại Bồ-tát này đã được khai thị thọ ký, hiểu rõ, trụ ở địa vị Bất thối chuyển và tu học pháp tướng của Đại Bồ-tát .

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát chưa được khai thị, thọ ký, hiểu rõ chưa trụ ở địa vị Bất thối chuyển tu học pháp tướng của Đại Bồ-tát thì nên biết Đại Bồ-tát ấy chưa khéo tu học sáu pháp Ba-la-mật-đa và tất cả các pháp Bồ-đề phần khác đã ở địa vị Bất thối chuyển, những vị đã được khai thị, thọ ký hiểu rõ và an trụ vào tướng Bất thối chuyển.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào đã được khai thị, thọ ký, hiểu rõ trụ ở địa vị Bất thối chuyển và tu học pháp tướng của Đại Bồ-tát thì nên biết Đại Bồ-tát ấy đã khéo tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa và tất cả các pháp Bồ-đề phần khác, đã nhập vào Bạc địa, đã giống như các bậc Đại Bồ-tát trụ ở địa vị Bất thối chuyển, những vị đã được khai thị, thọ ký, hiểu rõ và an trụ vào tướng Bất thối chuyển.

Khi ấy, Thiện Hiện thưa:

- Bạch Thế Tôn! Vả lại có Đại Bồ-tát chưa được Bất thối chuyển mà có thể đáp như thật như vậy không?

Đức Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Có Đại Bồ-tát tuy chưa được Bất thối chuyển, nhưng có thể đáp như thật về việc đó. Này Thiện Hiện! Tuy chưa được Bất thối chuyển nhưng Đại Bồ-tát này có thể tu học sáu pháp Ba-la-mật-đa và tất cả các pháp Bồ-đề phần khác. Vị ấy đã thành thục tuệ giác bén nhạy, hoặc được nghe hoặc không được nghe nhưng có thể đáp đúng như thật như bậc Đại Bồ-tát ở địa vị Bất thối chuyển.

Lúc đó, Thiện Hiện lại thưa:

Bạch Thế Tôn! Có nhiều Đại Bồ-tát tu hành Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nhưng họ chưa khéo tu tập mà đã an trụ nên ít có thể đáp như thật như bậc Đại Bồ-tát ở địa vị Bất thối chuyển, là bậc đã khéo tu tập?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Như ông đã nói. Vì sao? Này Thiện Hiện! Ít có Đại Bồ-tát được thọ ký Bất thối chuyển và có trí tuệ vi diệu như vậy. Nếu có người nào được thọ ký như vậy thì đều có thể đáp như thật về việc này. Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát có thể đáp như thật về việc đó thì nên biết vị ấy có căn lành sáng suốt, trí tuệ sâu rộng, trời, người, A-tu-la v.v... không thể sai khiến.

 

Tập 09

Quyển 452

Phẩm Tăng Thượng Mạn 01

Phẩm này trang nhà lấy từ ấn bản năm 1999

Bấy giờ, Phật bảo cụ thọ Thiện Hiện: Nếu Bồ Tát Ma ha tát, cho đến trong mộng cũng chẳng ưa muốn ngợi khen Thanh Văn và bậc Độc giác. Đối pháp tam giới cũng chẳng khởi tâm ưa muốn ngợi khen. Thường quán các pháp như mộng, như vang, như tượng, như huyễn, như ánh nắng, như bóng sáng, như việc biến hóa, như thành tầm hương; dù quán sát như thế mà chẳng chứng thật tế. Phải biết Bồ Tát này có tướng Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Bồ Tát Ma ha tát mộng thấy Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có vô lượng trăm ngàn trăm ức muôn ức chúng cung kính vây quanh mà vì thuyết pháp. Đã nghe pháp rồi, khéo hiểu nghĩa thú. Đã hiểu nghĩa thú rồi, tinh tiến tu hành pháp tùy, pháp hành và hòa kính hành cùng tùy pháp hành. Phải biết Bồ Tát này có tướng Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Bồ Tát Ma ha tát mộng thấy Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đủ ba mươi hai tướng Đại trượng phu, tám mươi tùy hảo viên mãn trang nghiêm, thường quang một tầm soi sáng chung quanh; cùng vô lượng chúng bay vọt hư không, hiện đại thần thông, thuyết Chánh pháp yếu; hóa làm hóa sự khiến qua phương khác vô biên cõi Phật thi các Phật sự. Phải biết Bồ Tát Ma Ha Tát này có tướng Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Bồ Tát Ma ha tát mộng thấy cuồng tặc phá hoại thôn thành; hoặc thấy lửa khởi đốt cháy xóm làng, hoặc thấy sư tử hổ lang thú dữ, rắn độc rít ác muốn đến hại thân; hoặc thấy oan gia muốn chém nơi đầu, hoặc thấy cha mẹ anh em chị em vợ con bạn thân sắp đến mạng chung; hoặc thấy tự thân lạnh nóng, đói khát và những việc khổ khác làm bức não. Thấy việc đáng sợ hãi như thế thảy, chẳng kinh chẳng sợ cũng chẳng buồn rầu. Từ mộng tỉnh rồi, tác suy nghĩ được: Tam giới phi nhơn đều như mộng thấy. Khi ta chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, sẽ vì hữu tình thuyết pháp tam giới tất cả hư dối đều như cảnh mộng, khiến các hữu tình chẳng sanh chấp trước. Phải biết Bồ Tát này có tướng Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Bồ Tát Ma ha tát cho đến trong mộng thấy có địa ngục, bàng sanh, quỷ giới các loại hữu tình, bèn khởi nghĩ này: Ta phải tinh siêng tu hạnh Bồ Tát mau tới Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề. Trong cõi Phật ta không có danh địa ngục, bàng sanh, quỷ giới ác thú. Từ mộng tỉnh rồi, cũng khởi nghĩ đây.

Thiện Hiện! Phải biết Bồ Tát Ma Ha Tát này khi sẽ làm Phật, trong cõi Phật kia định không ác thú. Sở dĩ vì sao? Hoặc mộng, hoặc giác, các pháp không hai, không hai phần vậy. Phải biết Bồ Tát này có tướng Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Bồ Tát Ma ha tát trong mộng thấy cháy thành ấp xóm làng, bèn phát thệ nguyện: Nếu ta đã nhận ký Bất thối chuyển sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, nguyện lửa dữ đây tức thì tắt gấp, biến thành mát mẻ.

Nếu Bồ Tát này tác nguyện đây rồi, lửa thấy trong mộng tức thì tắt lẹ. Phải biết đã được ký Bất thối chuyển. Nếu Bồ Tát này tác nguyện đây rồi mà lửa trong mộng chẳng tắt gấp, phải biết chưa được ký Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Bồ Tát Ma ha tát khi giác hiện thấy lửa dữ bỗng khởi đốt các thành ấp hoặc đốt xóm làng, bèn khởi nghĩ này: Ta ở trong mộng hoặc ở lúc tỉnh, từng thấy tự có tướng Bất thối chuyển, chưa sát thật hư. Nếu ta đã thấy là thật có ấy, nguyện lửa dữ đây tức thì tắt gấp, biến thành mát mẻ.

Nếu Bồ Tát đây tác thệ nguyện này phát lời chắc thật, lửa dữ bấy giờ tức thì tắt lẹ, phải biết đã được ký Bất thối chuyển. Nếu Bồ Tát đây tác thệ nguyện này phát lời chắc thật, lửa chẳng tắt liền, phải biết chưa được ký Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Bồ Tát Ma ha tát khi giác thấy lửa cháy các thành ấp hoặc cháy xóm làng, bèn khởi nghĩ này: Ta ở trong mộng hoặc ở lúc tỉnh, từng thấy tự có tướng Bất thối chuyển. Nếu ta đã định là thật có, tất được Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, nguyện lửa dữ đây tức thì tắt gấp, biến thành mát mẻ. Bồ Tát Ma Ha Tát này phát lời thệ nguyện đây chắc thật rồi, bấy giờ lửa dữ chẳng vì tắt lẹ, đốt cháy một nhà, vượt bỏ một xóm, lại đốt xóm nữa. Lần lữa như thế lửa ấy mới tắt.

Bồ Tát Ma Ha Tát này nên tự biết rõ quyết định đã được ký Bất thối chuyển. Nhưng những thứ bị cháy ấy, bởi hữu tình kia đã tạo tác tăng trưởng nghiệp phá hoại Chánh pháp. Kia khởi nghiệp đây, trước đọa ác thú trong vô lượng kiếp chịu quả khổ chính, nay sanh nhân thú chịu dư ương kia. Hoặc do nghiệp đây sẽ đọa ác thú trải vô lượng kiếp chịu quả khổ chính, nay ở nhân thú trước hiện chính tai ương.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nương trước đã nói các thứ nhân duyên biết là Bồ Tát Ma Ha Tát Bất thối chuyển, còn có trọn nên các hành trạng tướng khác biết là Bồ Tát Ma Ha Tát Bất thối chuyển. Ta sẽ vì ngươi phân biệt giải nói, ngươi nên lóng nghe rất khéo suy nghĩ.

Thiện Hiện thưa rằng: Cúi xin vì nói.

Phật bảo: Thiện Hiện! Nếu Bồ Tát Ma ha tát thấy có nam tử hoặc có nữ nhân hiện bị phi nhân ám bắt chịu các khổ não, chẳng nới khỏi được, bèn khởi nghĩ này: “Nếu các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết tôi đã được ý muốn thanh tịnh, trao tôi ký Bất thối chuyển Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề. Nếu tôi lâu phát tác ý thanh tịnh cầu chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, xa lìa tác ý Thanh Văn Độc giác, chẳng đem tác ý Thanh Văn Độc giác cầu chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề. Nếu đời sau tôi chắc được Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, cùng đời vị lai lợi ích an vui các loại hữu tình. Nếu mười phương cõi hiện tại thật có vô lượng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thuyết vi diệu pháp lợi ích hữu tình, các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác kia không chỗ chẳng thấy, không chỗ chẳng biết, không chỗ chẳng hiểu, không chỗ chẳng chứng, hiện biết thấy giác tất cả hữu tình ý muốn sai khác; xin đủ soi xét chỗ nghĩ tâm tôi là lời chắc thật. Nếu tôi thật năng tu hạnh Bồ Tát, chắc được Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, cứu vớt hữu tình khổ sanh tử ấy, nguyện nam tử này hoặc nữ nhân đây chẳng bị phi nhân làm rối khổ, kia theo lời tôi tức tốc bỏ đi”.

Bồ Tát Ma Ha Tát này khi khởi lời đây, nếu phi nhân kia chẳng vì bỏ đi, phải biết chưa được ký Bất thối chuyển. Bồ Tát Ma Ha Tát này khi khởi lời đây, nếu phi nhân kia tức tốc bỏ đi, phải biết đã được ký Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Có Bồ Tát Ma Ha Tát chưa khéo tu học bố thí Ba la mật đa cho đến Bát Nhã Ba la mật đa. Chưa khéo an trụ nội không cho đến vô tánh tự tánh không. Chưa khéo an trụ chơn như cho đến bất tư nghì giới. Chưa khéo an trụ khổ tập diệt đạo thánh đế. Chưa khéo tu học bốn niệm trụ cho đến tám thánh đạo chi. Chưa khéo tu học bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định. Chưa khéo tu học tám giải thoát, tám thắng xứ, chín thứ đệ định, mười biến xứ. Chưa khéo tu học không, vô tướng, vô nguyện giải thoát môn. Chưa khéo tu học đà la ni môn tam ma địa môn. Chưa vào Bồ Tát chánh tánh ly sanh. Chưa đủ tu tập tất cả Phật pháp, xa lìa Bồ Tát phương tiện khéo léo. Chưa khỏi bị ác ma làm rối loạn, đối các ma chưa năng giác biết. Chẳng tự độ lượng căn lành nhiều ít học cá Bồ Tát phát lời chắc thật, bèn bị ác ma dối gạt.

Bồ Tát Ma Ha Tát này thấy có nam tử hoặc có nữ nhân bị phi nhân ám bắt chịu các khổ não, chẳng xa khỏi được, liền bèn khinh vội phát lời thành thật rằng: Nếu tôi đã từ quá khứ chư Phật được nhận ký Bất thối chuyển Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, thời cho nam tử này hoặc nữ nhân đây chẳng bị phi nhân làm rối hại. Kia theo lời tôi phải mau bỏ đi.

Bồ Tát Ma Ha Tát này khởi lời đây rồi, bấy giờ ác ma muốn dối gạt, nên liền bèn xua đuổi phi nhân khiến đi. Sở dĩ vì sao? Vì thế lực ác ma thắng hơn phi nhân kia. Vậy nên phi nhân chịu ma giáo sắc tức tốc bỏ đi.

Bồ Tát Ma Ha Tát thấy việc đây rồi, vui mừng nhảy nhót, khởi nghĩ này rằng: Phi nhân nay bỏ là oai lực ta. Sở dĩ vì sao? Phi nhân theo ta đã phát thệ nguyện, tức tốc buông thảy nam tử nữ nhân đây, không duyên cớ nào khác.

Bồ Tát Ma Ha Tát này chẳng năng giác biết ác am đã làm, bảo là sức mình, vọng sanh vui mừng. Cậy đây coi nhẹ các Bồ Tát khác, nói: Ta đã từ quá khứ chư Phật được nhận ký Bất thối chuyển Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, sở phát thệ nguyện đều chẳng luống uổng. Các ngươi chưa nhờ chư Phật trao ký, chẳng nên học ta phát lời thành thật, giả sử có cầu mong tất luống không kết quả.

Bồ Tát Ma Ha Tát này khinh chê mắng hủy các Bồ Tát, nên vọng ỷ chút giỏi dối các công đức sanh trưởng lắm nhiều thứ tăng thượng mạn, nên xa lìa Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, chẳng năng chứng được Nhất thiết trí trí.

Bồ Tát Ma Ha Tát này vì không sức phương tiện khéo léo, nên sanh trưởng nhiều loại tăng thượng mạn, nên khinh dễ hủy mắng các Bồ Tát vậy, dù siêng tinh tiến mà rơi Thanh Văn hoặc bậc Độc giác.

Bồ Tát Ma Ha Tát này vì bạc phước đức, nên sở tác thiện nghiệp, phát lời thành thật đều khởi ma sự. Bồ Tát Ma Ha Tát này chẳng năng gần gũi cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen các thiện tri thức, chẳng năng thỉnh hỏi các Bồ Tát được tướng Bất thối chuyển, chẳng năng chịu hỏi sở tác sự nghiệp của các ác ma quân. Do đấy bị ma buộc lại càng bền chắc hơn. Sở dĩ vì sao? Bồ Tát Ma Ha Tát này chưa lâu tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự, Bát Nhã Ba la mật đa. Cho đến vì xa lìa phương tiện khéo léo, nên bị ác ma làm dối gạt.

Vậy nên, Thiện Hiện! Các Bồ Tát Ma Ha Tát cần khéo giác biết việc các ác ma, chẳng nên vọng khởi tâm tăng thượng mạn, lui mất sở cầu Vô thượng Phật quả.

Quyển thứ 452

Hết

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/11/2017(Xem: 6696)
Tổ Khánh Hòa và Thành Quả Chấn Hưng PGVN - - bài viết của HT Thích Thiện Nhơn
10/11/2017(Xem: 9732)
Malcolm Browne & bộ ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu-Trong ba biến cố cao điểm của phong trào tranh đấu Phật Giáo năm 1963—cái chết của tám Phật tử đêm 8/5/1963 tại đài phát thanh Huế, cuộc tự thiêu của HT. Quảng Đức ngày 11/6/1963 tại Sài Gòn và chiến dịch “nước lũ” tổng tấn công chùa chiền toàn quốc đêm 20 rạng ngày 21/ 8/1963—là ba biến cố lịch sửquan trọng của phong trào Phật Giáo tranh đấu. Dưới đây là một số ảnh do phóng viên Malcome Browne, trường văn phòng đại diện AP tại Việt Nam chụp diễn tiến cuộc tự thiêu lịch sử của Hòa Thượng Thích Quảng Đức vào 10 giờ sáng ngày Chủ Nhật 11 tháng 6 năm 1963. Cùng có mặt tại hiện trường với Browne là David Halberstam lúc đó là phóng viên trẻ của báo The New York Times. Halberstam cùng nhận giải thưởng Pulitzer năm 1964 với Browne nhờ bài báo nói về sự kiện này.
08/11/2017(Xem: 6417)
Do niên cao lạp trưởng, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Sanh đã thuận thế vô thường, thu thần viên tịch vào lúc 17 giờ 40 phút, ngày 07 tháng 11 năm 2017 (nhằm ngày 19 tháng 09 năm Đinh Dậu) tại chùa Khánh Sơn, 30 Ngô Gia Tự, phường 6, Tp. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Trụ thế: 82 năm, Hạ lạp: 56 năm
07/11/2017(Xem: 7555)
Đêm 18/9/ Đinh Dậu, anh em tập san Vô Ưu từ Daklak xuống cùng vài anh em từ TP ra, đã chung vui đêm thơ ca, dĩ nhiên chàng Dương và Sơn Daklak không thiếu vị cay bia bọt tại tu viện Phước Hoa -Long Thành- Đồng Nai. Sáng hôm sau, 19/9/ cũng là ngày vía đức Quán Thế Âm, ngày lễ chính thức của đại tường cố HT thượng Thông hạ Quả, lễ tạ tháp do môn đồ pháp quyến thành kính tổ chức. Chư tôn nhị bộ Tăng ni, quý Phật tử thập phương, anh em văn nghệ sĩ và chính quyền tham dự trên ngàn người.
04/11/2017(Xem: 6094)
Ngày 29 tháng 8 năm 2017, tại khách sạn MG Mansion ở Băng cốc, Thái Lan, Giáo sư Lee Chi-Kin, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục Hồng Kông đã trao tặng bằng Tiến sĩ danh dự về Nhân văn cho Sư Ông Làng Mai. Lẽ ra buổi lễ được tổ chức tại Trung tâm Làng Mai Thái Lan ở Pak Chong vào ngày 30 tháng 8, nhưng vì chương trình Sư Ông đi Việt Nam được thực hiện vào ngay ngày 29 tháng 8, cho nên buổi lễ được tổ chức tại nơi Sư Ông đang nghỉ dưỡng trước khi đi Việt Nam.
29/10/2017(Xem: 6638)
Giữa cuộc hồng trần đầy lo toan khổ nhọc, ngày tháng qua dần theo định luật thế gian. Biết bao nhiêu biến động buồn vui, nhưng trong dòng chảy đó , lòng vẫn bùi ngùi nhớ ân sư da diết ! Với người viết bài này, nói sẽ khó có ai tin, rằng năm tháng trôi qua ấy vẫn có bóng dáng Thầy theo bên dặm trường gót nhọc. Làm Phật sự giữa trăm bề thương-ghét, cần mẩn với tâm thành chỉ để đóng góp chút phước duyên, cho Phật đạo trường tồn, cho Giáo Hội hanh thông. Có lẻ vì thế nên Giác linh Thầy luôn theo hộ trì và che chở. Con không biết rằng chư Tăng-Ni thiền viện có còn ai bi lụy lắm không, với con khi nhắc đến Thầy lòng không khỏi bùi ngùi xúc động. Mới hay xưa nay những lời ai điếu dành cho chư tôn thạc đức ra đi đều có sức mạnh của nền tảng Tứ Ân Phật dạy, nào phải lời ai oán cõi trần gian, giờ xin được lập lại để nương thừa ý nghĩa đó, như một tất lòng thành tưởng nhớ đến Hòa Thượng nhân lễ Đại Tường .
26/10/2017(Xem: 10109)
Hơn chục năm trước, khi tôi mang cuốn hồi ký của chị tôi là Nguyễn Thị Thiếu Anh sang tặng người bạn cũ Đồng Khánh năm xưa là chị Cao Xuân Nữ Oanh, tôi đã nghe chị nhắc đến Sư bà Diệu Không đang ở trong chùa Kiều Đàm ngay bên cạnh.
25/10/2017(Xem: 12499)
Đại lão Hoà thượng Thích Tắc An Thành viên HĐCM GHPGVN Chứng minh BTS GHPGVN TP.HCM Chứng minh BTS GHPGVN liên quận 2, 9, Thủ Đức Tông trưởng Thiên Thai Giáo Quán tông Viện chủ chùa Thiền Tôn 2, phường Cát Lái, quận 2, TP.HCM Do niên cao lạp trưởng, Đại lão Hòa thượng đã thuận thế vô thường, thu thần viên tịch vào lúc 12 giờ, 23-10-2017 (nhằm 4-9-Đinh Dậu) tại chùa Thiền Tôn 2, số 264 đường 30, phường Cát Lái, quận 2, TP.HCM. Trụ thế: 91 năm; Hạ lạp: 71 năm. Lễ nhập kim quan vào lúc 11 giờ, ngày 24-10-2017 (5-9-Đinh Dậu). Kim quan Hòa thượng được an trí tại chùa Thiền Tôn 2, phường Cát Lái, quận 2. Lễ viếng bắt đầu từ lúc 14 giờ ngày 24-10-2017 đến hết ngày 27-10-2017 (từ 5 đến 8-10-Đinh Dậu). Lễ truy niệm vào lúc 8 giờ ngày 28-10-2017 (9-9-Đinh Dậu). Sau đó, cung tống kim quan Đại lão Hòa thượng nhập bảo tháp trong khuôn viên chùa Thiền Tôn 2, phường Cát Lái, quận 2, TP.HCM.
20/10/2017(Xem: 5847)
Sáng 19/10/2017 nhằm 30/8 Đinh Dậu, viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, kết hợp với Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, đã tổ chức cuộc Hội thảo chuyên sâu về HT Khánh Hòa, người có công khởi xướng công cuộc chấn hưng PGVN vào thập niên 30 của thế kỷ XX, tại chùa Viên Minh, v/p BTS PG tỉnh Bến Tre.'
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]