Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thuyền pháp thân vượt sóng trần ai

09/04/201319:58(Xem: 7688)
Thuyền pháp thân vượt sóng trần ai

THUYỀN PHÁP THÂN VƯỢT SÓNG TRẦN AI .....

HT Thích Nguyên Hạnh

---o0o---

Thuyền Pháp Thân vượt sóng trần ai
Ba cõi ra vào không chướng ngại

Ôn Từ Đàm (Hòa thượng Thích Thiện Siêu) với tôi vốn không có duyên nghĩa thầy trò; mặc dù, vào đầu thập niên 1960, Ôn là Giáo thọ tại Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang trong khi tôi là một học tăng ở đó. Những tháng năm này, tôi là nguòi được theo học trường Võ Tánh nên thời khóa sinh hoạt của tôi không bị câu thúc chặt chẽ; và vì vậy, ít có cơ hội gần gũi với các bậc thầy lớn như Ôn. Như thế cho đến sau này, ra ở Phật Học Viện Báo Quốc Huế, đối với các bậc thầy lớn, tôi cũng chỉ biết là biết vậy, chỉ là người “kính nhi viễn chi”, không có cái cảm giác gần gũi thâm tình đã đành mà cũng không thấy có cái nhu cầu cho một sự gần gũi thâm tình nào bấy giờ.

Đến năm 1963, cuộc tranh đấu của Phật giáo chống lại những áp bức có tính cách kỳ thị của chế độ tổng thống Ngô Đình Diệm bùng dậy. Giữa những khuôn mặt lớn của cuộc đấu tranh này mà hình ảnh gây ấn tượng khá mạnh trong lớp học tăng trẻ chúng tôi, thì hình ảnh của Ôn Từ Đàm vẫn chỉ như một bóng mờ thấp thoáng. Chỉ sau khi Giảng Sư Đoàn đươc thành lập lần đầu tiên ở Huế sau 1963, một vài lời nhắn nhủ của Ôn với anh em chúng tôi trước khi lên đường về các quận huyện xã thôn để diễn giảng mới thực sự gây nên một chấn động âm thầm trong tôi bấy giờ và kéo dài đến rất nhiều năm sau. Lời nhắn nhủ đó, không có gì trịnh trọng, chỉ như một lời nửa đùa nửa thật : “Mấy anh em ra đi diễn giảng, nói hay cho người ta vỗ tay chưa phải là hay. Nói làm sao để cho người ta phát khởi tín tâm mà quy y Tam Bảo mới thật là hay”.

Trong khung cảnh của một xã hội biến động với một Phật Giáo đang mở tung cánh cửa Thiền môn trầm lặng bấy lâu để dấn bước vào hoạt trường rối rắm của thời thế với bao nhiêu những “hoan hô, đã đảo” mà dư âm 1963 mới vừa qua đi còn vang động; với hào khí của những tuyên bố, phát biểu như lúc nào cũng kéo theo những tràng pháo tay khích động bấy giờ thì những lời nhắn nhủ giản dị của Ôn đó – trong khi không đủ sức gây sự chú ý ở nhiều người nghe khác – thì với tôi, nó lại mang một sức nặng lạ thường, gây nên một chấn động âm thầm mà mãnh liệt để cho sau này, mỗi lần nghĩ về con đường mình đi, lời nhắn nhủ đó như lúc nào cũng vang vọng khiến cho tôi suy nghĩ mà quyết định cho con đương đi tới và cho mọi thái độ hành xử của tôi trong cuộc đời. Ôn Từ Đàm thật sự đến với tôi và ở lại trong tôi – nếu có thể nói như thế – là từ đó.

Với Ôn, tôi không có gì để gọi là tình thâm nghĩa trọng. Nhưng với những đệ tử của Ôn thì khác. Những thầy Huệ Minh, Hải Thanh, Hạnh Minh, Hải Tịnh, Nguyên Tịnh..... đã là những người thân thiết với tôi khi ra dạy học và làm Phật sự. Thân thiết đến như anh em ruột thịt là thầy Hạnh Minh – một tu sĩ Phật Giáo tài hoa”bất cần đời”, từng đi học tập cải tạo sau năm 1975 và có lẽ, đã hắt hiu bỏ xác đâu đó trong một cánh rừng ở miền Nam mà không một ai biết; cũng lại là người mà qua đó, tôi có nhiều cơ hội để được gặp và nhìn thấy rõ Ôn hơn.

Đó là khoảng những năm 1965, 1966. Thầy Hạnh Minh ở Từ Đàm, làm Hiệu Trưởng Trường Bồ Đề Đệ Nhị Cấp Hữu Ngạn. Vốn thân tình từ khi thầy còn ở Báo Quốc, tôi thường hay lên Từ Đàm chuyện trò và đôi khi ở lại dùng cơm. Chính ở những lần này mà tôi thấy cái cách “dạy chúng” của Ôn. Không nhiều lời và như bao giờ cũng nhẹ nhàng, từ tốn, Ôn thường hay mượn chuyện xưa để nói chuyện nay một cách bóng gió. Có khi là một chuyện trong Bách Dụ hay cả trong Cổ Học Tinh Hoa; lại cũng có khi là một câu chuyện do Ôn tự nghĩ ra để dạy chúng. Với đệ tử nhỏ thì Ôn kể chuyện gần gũi, ý nghĩa cụ thể dễ thấy; với đệ tử lớn thì Ôn kể chuyện thâm trầm, ý nghĩa xa xôi ẩn náu. Và ý nghĩa đó, Ôn thường không tự mình nói ra mà chỉ để cho đệ tử suy nghĩ để thấy ra cái điều Ôn muốn nói. Như có lần, sau khi Chúng dùng cơm xong, Ôn xuất hiện nhẹ nhàng và cũng rất nhẹ nhàng nói với Chúng:

Có một Thượng tọa trong Viện Hóa Đạo ra thăm chùa hỏi tôi một câu hỏi mà tôi không biết phải trả lời làm sao. Tôi xuống đây để nhờ các chú, các điệu thử trả lời giùm tôi coi...”

Trong khi cả Chúng im lặng chờ đợi Ôn đưa ra câu hỏi với hy vọng có thể giúp thầy mình một câu trả lời thỏa đáng thì Ôn tiếp:

“Vị Thượng tọa đó hỏi tôi, chúng điệu của thầy ở đây có bao nhiêu người? Thiệt là một câu hỏi khó mà tôi không biết trả lời làm sao.”

Cả chúng lại ngẩn ngơ vì điều đó ai cũng biết mà sao Thầy mình bảo là quá khó đến không trả lời được thì Ôn tiếp:

Nếu tôi trả lời nhiều thì Thượng tọa đó bảo, sao buổi khuya lên công phu, tọa thiền thấy chẳng có bao nhiêu người. Còn nói Chúng ở đây ít thì vị đó hỏi, sao khi ăn cơm thấy có nhiều người lắm. Trả lời làm sao, tôi xem ra cũng đều không được nên nhờ mấy chú mấy điệu trả lời giùm.”

Cuối cùng thì câu trả lời Ôn mong đợi được thực hiện. Ăn cơm bao nhiêu người thì những khi tụng kinh, tọa thiền cũng bấy nhiêu người.

Ôn là vị Thầy chăm sóc cho đệ tử hết lòng. Từ một chú điệu nhỏ đang tập sự xuất gia đến những đệ tử lớn đã ra làm việc đạo, Ôn như lúc nào cũng quan tâm đến. Với nhỏ thì Ôn để ý đến phẩm hạnh oai nghi, lo đến cả chuyện học hành bên ngoài. Tôi từng nghe, ngay đến những bài luận văn các chú làm ở nhà trường, Ôn cũng bảo đưa cho Ôn đọc coi thử. Có lẽ, điều Ôn muốn biết không phải là văn hay hay dở; mà là cái suy nghĩ, cảm tưởng của các chú thể hiện trong bài luận văn; và biết như thế là để thấy rõ tâm tính mà nhắc nhở, dạy dỗ các chú cho nên người. Không chỉ đọc bài các chú làm, đôi khi Ôn còn đọc cả bài các chú học. Ngày tôi ra Huế dạy, chùa Từ Đàm có chú Thiện, chú Tuyến là sinh viên ban Triết. Hai Chú cho tôi biết, Ôn hay bảo hai chú đưa mấy bài dạy của tôi cho Ôn xem. Ôn cũng thường đọc các tập san – cả đến những tập san của học sinh, sinh viên – để thấy cái gì hay, thấy đoạn văn nào có cái ý tốt về đạo đức làm người là Ôn lại bảo các chú đọc để học theo cái hay của người ta. Như tôi biết, gần như không một ngày nào Ôn không đọc Đại Tạng. Với ngàn vạn trang kinh xưa không một ngày rời bỏ mà Ôn còn để thì giờ đọc đến cả những điều nhỏ như thế cho đệ tử của mình thì quả là thế gian hiếm có.

Với đệ tử lớn đã ra làm việc đạo thì Ôn quan tâm đến cách hành sử công việc và ảnh hưởng của nó đối với Phật Giáo. Có một thầy đệ tử lớn của Ôn làm việc ở Cao nguyên. Một Phật tử ở đó, không biết tranh chấp thế nào với một người có thế lực mà sự việc phải đưa ra tòa án để phân xử. Vị Phật tử này đến nhờ thầy nọ giúp đỡ. Ôn biết được, gọi thầy đó về, nói một câu đủ làm kim chỉ nam cho người tu sĩ mọi thời đại khi ra làm việc đạo giữa đời: “Xưa nay, Phật Giáo cứu người ta ra khỏi tù thì có chứ chẳng bao giờ đẩy ai vào tù. Thầy có giúp ai thì cũng phải nhớ lấy điều đó.”

(Cách đây mấy năm, chính câu nói này, tôi đã có lần lập lại ở Mỹ cho một Hội Phật Giáo ở Boston khi ngôi chùa Việt Nam trên đó bị một số người vào đập phá. Số người này bị bắt rồi bị đưa ra tòa. Trước tòa, Hội Phật Giáo này đã nói lại câu trên để không những xin tòa không giam tù họ mà còn xin được chia xẻ trách nhiệm giáo dục tuổi trẻ cùng xã hội và các gia đình liên hệ. Và tiếng nói Từ Bi của Phật Giáo này đã cảm hóa được mọi người để cuối cùng, chính những người không cùng chủng tộc, tôn giáo sống chung quanh chùa đã tự động đóng góp để giúp chùa phương tiện sửa chữa!)

Có người nói với hàm ý than trách “Ôn lo cho đệ tử quá mức”. Nói như vậy, tôi nghĩ, đúng mà không đúng. Đúng là Ôn lo cho đệ tử ở cái mức có thể gọi được là “hiếm thấy” ở nơi những vị thầy bình thường khác. Mà như vậy, với tôi, có gì là không hay, không phải ! Một vị thầy khi nhận đệ tử xuất gia nào có khác gì một người cha khi sinh con ra. Cha phải thương, phải lo cho con mình nên người ở đời thế nào thì thầy cũng phải thương, phải lo, phải tài bồi làm sao cho đệ tử mình nên người trong đạo thế ấy. Còn nhận đệ tử mà không thương, không lo tài bồi, không mong cho đệ tử mình một ngày trở nên pháp khí cho đạo thì nhận để làm gì? Từ giả cha mẹ thân thuộc mà đi xuất gia, có được một vị Thầy như thế quả là cần thiết và là một diễm phúc lớn. Đạo làm Thầy, trong luật cũng đã từng nói đến. Cho nên nói “Ôn lo cho đệ tử quá mức” như một lời than trách thì quả là không phải chút nào.

Thực ra, lo cho đệ tử là việc nhỏ, vun bồi cho mối đạo được vững bền mới là việc lớn. Và có thể nói mà không sợ lầm, lo cho đệ tử chính là vun bồi cho mối đạo được vững bền đó. Và đó chính là tấm lòng của Ôn. Ôn quý mến trân trọng mọi “nhân tài” trong Phật Giáo dù người đó ở đâu. Nhân tài còn nhỏ thì Ôn khích lệ làm sao cho nẩy nở. Nhân tài đã trưởng thành thì Ôn tán dương mong sao làm cho nên việc lớn. Không chỉ khích lệ, tán dương, Ôn còn tỏ ra “biệt đãi nhân tài” mỗi khi gặp gỡ. Nói “biệt đãi” là nói vậy chứ thực ra chẳng có gì nhiều. Một trái chuối hương, một tách trà thơm. Vài miếng bánh ngọt. Một căn phòng an tịnh, thích hợp cho việc sáng tác…

Không có gì nhiều nhưng tấm lòng hoài vọng của Ôn gởi theo đó thì rất lớn. Hoài vọng nơi người đó sẽ làm nên được cái gì cho Phật Giáo. Chính ở nơi những biệt đãi này mà tôi thấy ra ở Ôn một quan niệm khá mới mẽ, hiếm có nơi thế hệ những bậc thầy lớn như Ôn. Ôn đã không nhìn Phật Giáo như con đường một chiều, sớm tối chỉ có tụng kinh niệm Phật là đủ. Trong khung cảnh của một Phật Giáo mang nặng xã hội tính mà thời đại đòi hỏi, Phật Giáo với Ôn là một cơ cấu toàn diện. Tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền chuyên tu là việc thiết yếu. Nhưng cũng là cần thiết để Phật Giáo đó nói được tiếng nói của mình trong các lãnh vực sinh hoạt văn hóa, văn học, nghệ thuật, tư tưởng, giáo dục, từ thiện… Và Ôn là người đã âm thầm hỗ trợ hết lòng để cho những tiếng nói này được cất lên.

Gặp được một tập thơ hay, thể hiện được tinh thần Phật Giáo là Ôn hết lời tán dương. Đọc được một bài luận thuyết vững vàng, lên tiếng nói được cho Đạo lý chân thật giữa những trá ngụy của thế giới tri thức sách vở là Ôn hết lòng cổ võ, thậm chí còn làm mọi cách để quãng bá rộng rãi, sao cho đến tay được nhiều người… và tác giả của những bài thơ, bài văn đó, với Ôn bao giờ cũng là những viên ngọc quý. Ôn từng có lần viết thư than thở: “Nhân tài Phật Giáo như lá mùa thu. Có bao nhiêu việc đáng làm mà không người làm. Gặp được mãnh đất tốt (quần chúng có sẳn niềm tin mà không ai gieo hạt, thiệt là uổng…”. Lời than cho thấy tấm lòng hoài vọng của Ôn thi thiết đến thế nào! Tấm lòng hoài vọng đó có thực hiện được hay không, cái đó còn tùy. Nhưng có được một tấm lòng như thế ở thời buổi ngổn ngang này của thế đạo nhân tâm quả là đáng quý và cần thiết biết bao cho cơ đồ của Phật Giáo hôm nay và ngày mai!

Ôn vốn không thích dính dáng đến chuyện thế sự và chính trị. Trong cuộc đấu tranh 1963 cũng như trong những năm xáo trộn sau đó, mặc dù như lúc nào Ôn cũng có mặt nhưng trước sau, Ôn vẫn chỉ là một bóng mờ. Tấm lòng và con đường Ôn đi vốn đặt vào việc giáo dục đào tạo Tăng Ni và xây dựng một sự nghiệp trí tuệ cho Phật Giáo Việt Nam. Việc mở trường Cơ Bản Phật Học, Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Huế; việc hình thành một Đại Tạng Kinh Việt Nam cũng như một số lượng lớn những tác phẩm, dịch phẩm mà Ôn đã miệt mài làm việc ngay cả khi mắt đã mờ và thân bệnh đã đến hồi trầm trọng là những thể hiện quá rõ, hoài bảo và con đường Ôn đi đó. Ôn đã chỉ sợ “không còn đủ thời gian” để hoàn tất được các công trình đóng góp vào sự nghiệp trí tuệ này. Cuối cùng thì Ôn đã hoàn tất được những gì hoài bảo. Và những gì đó, chắc chắn là những đóng góp quý báu cho sự nghiệp trí tuệ của Phật Giáo Việt Nam hôm nay.

Vốn không thích dính dáng đến chuyện chính trị thế sự, nhưng sau 1975 và trong những bất hạnh sau này của Phật Giáo Huế, Ôn như ở vào một tình cảnh “chẳng đặng đừng” để không thích mà vẫn phải dính dáng. Cũng như với Ôn Linh Mụ, Ôn Thiện Minh hay như với Ôn Già Lam, Ôn Trúc Lâm và bao nhiêu vị Thầy khác nữa mà tôi biết, thật không đơn giản tí nào để có thể, đứng trên những quan điểm chính trị bên này và bên kia mà nhìn vào hành trạng của quý Ôn trong một hoàn cảnh phức tạp, tế nhị như của đất nước và Phật Giáo Việt Nam sau 1975. Đứng trên những quan điểm nhị biên như vậy, hẳn nhiên người ta dễ dàng phê phán, đồng ý hay chỉ trích; và điều này đã xảy ra nhiều. Nhưng một quan điểm như vậy có thật là thích đáng, cả trên bình diện lý luận và thực tế? Ngay như với Ôn Huyền Quang, Ôn Quảng Độ, với những gì mà chúng ta đã thấy, nếu đứng trên những quan điểm nhị biên như vậy mà nhìn và có ca ngợi, tán thán đi nữa thì tôi nghĩ, cũng là một điều oan uổng cho quý Ôn và cho con đường hành động của Phật Giáo Việt Nam mà thôi. Bởi vì, tâm hồn của người tu sĩ Phật Giáo đúng nghĩa thì chỉ có thể là tâm hồn “vô nhị”, không ở bên này hay bên kia mà chỉ ở cái khổ của con người và ở con đường giải khổ cho con người.

Bên này và bên kia, cái đó là gì ở nơi những tâm hồn vô nhị mà đem nó trói buộc nhãn quan của mình khi nhìn vào những con người mang lấy cái tâm hồn đó?

Cho nên, với Ôn Từ Đàm - trong những dính dáng với thế sự như đã có mà nói - thì tôi chỉ xin được nói rằng, cái thân đã ở chốn thế sự ngổn ngang thì như cũng đành, vì cái tâm cho nên phải lụy cái hình. Hình đã không còn kéo theo tất cả những cơn sóng trần ai liên lụy với nó - ít ra là với Ôn lúc này – thì còn chi để nói. Cái còn lại và là cái đáng nói hơn hết là cái Tâm – cái tấm lòng hoài vọng thiết tha của Ôn cho một Phật Giáo Việt Nam hôm nay và ngày mai, cái tấm lòng đã trải ra trong suốt cuộc đời của Ôn, ở tất cả những gì Ôn đã làm thì tôi tin, sẽ còn lại đó cho muôn đời.

Trong ánh trăng Lăng Già vằng vặc giữa đêm thâu, tôi chỉ là một học trò chưa nên nghĩa, cũng xin đem một chút lòng ghi lại mấy lời này để gọi là hiến cúng một bậc Thầy đã cỡi thuyền Pháp Thân vượt sóng ra đi.

Thành Kính

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/03/2017(Xem: 10093)
Xuất gia là một đại nguyện. Giữ được Tâm trong không thối chuyển là một đại duyên. Tại Việt Nam hôm nay, nếu lấy tròn số sẽ có 45.000 tu sĩ Phật giáo với dân số 100.000.000 người thì trung bình cứ 2.200 người mới có một người đi tu theo đạo Phật. Tại Hoa Kỳ hôm nay, ước lượng có 1.200 tu sĩ Phật giáo trên tổng số 2.000.000 người Việt thì trung bình cứ 1.600 người có một tu sĩ Phật giáo. Con số tự nó không đánh giá chân xác được tình trạng tôn giáo và chiều sâu hành đạo của các tu sĩ thuộc tôn giáo đó. Nhưng ít nhiều phản ánh được những nét tổng thể của mối quan hệ giữa quần chúng và tổ chức tôn giáo.
15/02/2017(Xem: 6502)
Đời thường trong các kiểu ăn cắp thì ăn cắp sách báo (hay cầm nhầm, hay mượn quên trả cũng vậy) có lẽ là loại ăn cắp dễ tha thứ nhất. Người ta tự cho là khi mượn tạm „chút kiến thức nhân loại“ thì không tội tình lớn như ăn cắp trái xoài trái ổi, ăn cắp con gà con vịt, cho đến ăn cắp tiền hay đồ dùng… Kể cả ăn cắp trái ớt cũng trầm trọng hơn là cầm nhầm một cuốn sách rồi… quên trả. Thú thật, trong đời tôi cũng từng đã có vài lần đến nhà bạn chơi, xem một cuốn sách thấy hay và đọc thích thú không dừng được. Bạn nói, thôi mang về nhà đọc tiếp. Vậy mà mấy năm sau sách vẫn cứ ung dung cắm rễ ở tủ sách nhà (!).
07/02/2017(Xem: 14658)
Bộ phim điện ảnh Phật giáo về cuộc đời và đạo nghiệp của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh do Hãng phim Sen Việt và chùa Vạn Đức phối hợp sản xuất.
01/02/2017(Xem: 6463)
Tiến sĩ Y Khoa Phan Giang Trí, 46 tuổi, trong vai trò đồng-trưởng-toán nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Cancer Garvan ở Sydney, Australia, đang tìm phương cách chữa trị bệnh ung thư. Định cư tại Australia lúc 7 tuổi trong một gia đình mà cha mẹ và anh chị em đều là bác sĩ, dược sĩ và nghiên cứu y học, Tiến sĩ Phan Giang Trí đã tốt nghiệp bác sĩ Y Khoa hạng danh dự với Huy Chương Viện Đại Học Sydney, sau đó đạt học vị tiến sĩ và đến Hoa Kỳ để tiếp tục nghiên cứu hậu-tiến-sĩ trong lãnh vực microscopy. Ông đã phục vụ tại Viện Nghiên Cứu Ung Thư Garvan ở Sydney nhiều năm nay và cũng đã đạt được Giải Thưởng danh tiếng khoa học gọi là Eureka của The Australian Museum.
17/01/2017(Xem: 10213)
Hoa Kỳ thành kính cáo bạch: Sư Bà Thích Nữ Như Nguyện, thế danh Nguyễn Ngọc Hiếu, sinh năm Đinh Hợi, 1947, thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Ni Bộ Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHK, Trú Trì Chùa Xá Lợi, Thành Phố Rosemead, California, đã viên tịch vào lúc 5 giờ chiều ngày 15 tháng 1 năm 2017, nhằm ngày 18 tháng Chạp năm Bính Thân tại Bệnh Viện Beverly Hospital, Thành Phố Montebello, Miền Nam California, Hoa Kỳ, thế thọ 70, lạp thọ 48. - Lễ Nhập Kim Quan sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ sáng, Chủ Nhật, ngày 22 tháng 01 năm 2017 (nhằm ngày 25 tháng Chạp năm Bính Thân); - Lễ Trà Tỳ được cử hành vào lúc 3 giờ chiều Thứ Hai, ngày 23 tháng 01 năm 2017 (nhằm ngày 26 tháng Chạp năm Bính Thân), tại Peek Feneral Home, Westminster, California. Ngưỡng mong chư tôn Thiền Đức trong mười phương nhất tâm hộ niệm cho Giác Linh Sư Bà Thích Nữ Như Nguyện Cao Đăng Phật Quốc. Thành tâm khuyến thỉnh chư tôn đức Tăng, Ni, quý Cư Sĩ, các Chùa, Tự Viện, Niệm Phật Đường là thành viên của GHPGVNTNHK
01/01/2017(Xem: 8827)
Ni sư Thích Nữ Giới Hương, thế danh Śūnyatā Phạm, sinh năm 1963 tại Bình Tuy, xuất gia năm 15 tuổi. Năm 1994, Ni sư tốt nghiệp Cử nhân Văn tại Sài Gòn. Ni sư du học tại Ấn Độ 10 năm, tốt nghiệp Tiến sĩ Phật học tại Đại học Delhi năm 2003. Năm 2005, Ni sư định cư tại Hoa Kỳ. Năm 2015, Ni sư tốt nghiệp Cử nhân Văn tại Đại học Riverside, California và đang theo học chương trình Cao học Văn tại trường cũng như đang là giảng viên của Học Viện Phật Giáo Việt Nam, Sài gòn. Ni sư lập tủ sách Bảo Anh Lạc, đã viết và chuyển ngữ hơn 20 tác phẩm Anh và Việt, 8 đĩa ca nhạc Phật giáo được xuất bản, phát hành từ năm 2004 đến nay. Năm 2000, sư đã thành lập chùa Hương Sen, Bình Chánh, Sài Gòn (Việt Nam) và năm 2010 - đến nay, sư đã khai sơn thành lập và là trụ trì chùa Hương Sen, thành phố Perris, tiểu bang California (Hoa Kỳ).
24/12/2016(Xem: 15219)
Thành Kính Tưởng Niệm Thượng Tọa Thích Đức Trí Trụ Trì Chùa Tam Bảo, Oklahoma, Hoa Kỳ
18/11/2016(Xem: 22354)
Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Bình, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa đã thu thần viên tịch tối nay, 17-11-2016 (18-10-Bính Thân), tại chùa Long Sơn (22 đường 23 tháng 10, phường Phương Sơn, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), thọ 84 tuổi.
08/11/2016(Xem: 16093)
Trang Nhà Quảng Đức vừa nhận được tin viên tịch: Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế vừa viên tịch trưa nay, 8-11-2016 (9-10-Bính Thân) tại tổ đình Tường Vân (phường Thủy Xuân, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Hòa thượng Thích Chơn Thiện sinh năm 1942, đồng chơn xuất gia với Trưởng lão HT.Thích Tịnh Khiết tại tổ đình Tường Vân, từng du học Hoa Kỳ và tốt nghiệp Cao học về ngành Tâm lý giáo dục, tốt nghiệp Tiến sĩ Phật học tại Đại học New Delhi, Ấn Độ. Hòa Thượng cũng là Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Phật giáo, Viện chủ thiền viện Vạn Hạnh (Q.Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh), Trụ trì tổ đình Tường Vân (P.Thủy Xuân, TP.Huế)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]