Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trúc Lâm Sơ Tổ

09/04/201319:57(Xem: 6281)
Trúc Lâm Sơ Tổ

TRÚC LÂM SƠ TỒ
(1258 – 1308)

Thích Phước Sơn


  • Diễn tiến đầu đời

Trúc Lâm Đại sĩ là vua thứ tư nhà Trần, con của Thánh Tông, lên ngôi ngày 12 tháng 2 năm Mậu dần (1278).

Trước khi Đại sĩ ra đời, Nguyên Thánh Hoàng Thái hậu nằm mộng thấy thần nhân đưa cho hai lưỡi kiếm bảo : "Có lệnh của Thượng giới, cho phép ngươi được chọn lấy". Bỗng nhiên được kiếm, Thái hậu bất giác rất vui, nhân đó có thai. Những tháng dưỡng thai, nhà bếp dâng thức gì Thái hậu cứ dùng như thường, chẳng cần kiêng cử mà thai cũng chẳng sao.

Đến khi Đại sĩ sinh ra (1258), màu da như vàng ròng, Thánh Tông đặt tên là Kim Phật. Vai bên phải của Đại sĩ có nốt ruồi đen lớn như hạt đậu, có người biết xem tướng nói : "Đứa bé này ngày sau có thể gánh vác nỗi việc lớn".

Năm 16 tuổi (1274) được lập làm Hoàng Thái tử, mặc dù Đại sĩ từ chối đến ba phen, xin để em mình thay thế mà đều không được chấp nhận. Cũng trong năm này, Đại sĩ kết duyên với Khâm Từ Thái hậu (Trưởng nữ của Nguyên Từ Quốc mẫu). Tình cầm sắt đôi bên tuy hợp mà niềm ân ái thì lạnh nhạt nhà vàng.

Vào giờ Tý một đêm kia, Đại sĩ vượt thành ra đi, định vào thẳng núi Yên Tử, nhưng khi đến chùa Tháp núi Đông Cứu thì trời vừa sáng, lại quá mệt, nên phải nghỉ tạm tại chùa ấy. Vị sư Trụ trì thấy Đại sĩ tướng mạo khác thường, liền đem thức ăn lên dâng. Ngay hôm ấy, Thái hậu thuật lại với Thánh Tông việc Đại sĩ vượt thành xuất gia. Thánh Tông liền sai quần thần tỏa đi tìm kiếm khắp nơi, bất đắc dĩ, Đại sĩ phải trở về.

Sau khi lên ngôi (ngày 22 tháng 10 năm 1278) tuy ở chốn cửu trùng cực kỳ phú quý mà vua vẫn sống một cuộc đời thanh tịnh. Một hôm ngủ trưa tại chùa Tư Phúc trong đại nội, vua mộng thấy trên rún nở ra một hoa sen vàng lớn như bánh xe, trên hoa có một đức Phật vàng. Bên cạnh có người chỉ vua hỏi : "Biết đức Phật này không ? Đó là đức Biến Chiếu Tôn đấy". Giật mình thức dậy, vua đem giấc mộng thuật lại cho Thánh Tông nghe. Thánh Tông càng lấy làm lạ. Từ đó, vua thường dùng chay lạt, kiêng ăn thức mặn nên long nhan gầy mòn. Thánh Tông thấy thế ngạc nhiên hỏi thì vua cứ tình thực bày tỏ. Thánh Tông khóc, nói : "Ta nay đã già, trông cậy vào con, nếu con như vậy thì làm sao nối được thịnh nghiệp của Tổ tông ?". Vua cũng rơi nước mắt.

Điều Ngự Thánh tánh sáng suốt, đa tài, hiếu học, đọc khắp kinh sách, thông hiểu cả nội lẫn ngoại điển. Lúc rảnh việc, Điều Ngự thường mời các Thiền khách đến giảng cứu tâm tông, lại thâm vấn Tuệ Trung Thượng Sĩ, nhờ vậy mà đạt được cốt tủy của Thiền. Cũng vì thế, Điều Ngự tôn thờ Tuệ Trung Thượng Sĩ làm Thầy.

Sau khi nhường ngôi cho Anh Tông (ngày 9 tháng 3 năm 1298) chừng hơn một năm, Điều Ngự quyết định xuất gia. Tháng 10 năm Kỷ hợi, niên hiệu Hưng Long thứ 7 (1299), Điều Ngự vào thẳng núi Yên Tử tinh cần tu 12 hạnh đầu đà, và tự xưng hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà.

Để xiển dương Thiền học, Điều Ngự lập ra tịnh xá Chi Đề giảng pháp độ Tăng. Những người hâm mộ tu học quy tụ về đây rất đông. Sau đó, Điều Ngự mời các bậc danh Tăng về chùa Phổ Minh phủ Thiên Trường, mở ra khóa giảng. Trải qua mấy năm, Điều Ngự vân du đây đó, rồi đến trại Bố Chính, lập ra am Tri Kiến.

Năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304), Điều Ngự đi khắp chôn quê, khuyên dân chúng phá bỏ các dâm từ (những nơi thờ tự các tượng thần lõa thể và sinh lực khí), và thực hành giáo lý Thập thiện. Cũng trong chuyến đi này, khi đến thôn Nam Sách, Điều Ngự gặp một người trai trẻ tên là Đồng Kiên Cương đến xin xuất gia. Trông thấy tướng mạo người ấy khác thường, Điều Ngự thầm nhủ : "Người thanh niên này có đạo nhân, sau này chắc sẽ trở thành pháp khí". Vui vì sự gặp gỡ bất ngờ, nên Điều Ngự đặt tên là Thiện Lai, về sau đổi đạo hiệu là Pháp Loa, làm Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm.

Mùa Đông năm nầy, vua Anh Tông dâng biểu cung thỉnh Điều Ngự vào đại nội truyền giới tại gia Bồ-tát. Ngày vào thỉnh, vương công bá quan chuẩn bị xa giá đón rước Điều Ngự rất long trọng, rồi cùng vua thụ giới.

Sau đó, Điều Ngự trác tích tại chùa Sùng Nghiêm, núi Chí Linh, xiển dương Thiền chỉ.

    1. Tư tưởng Thiền học

Trước một buổi lễ khai đường, Điều Ngự niệm hương bạch Phật; lễ Phật xong, bước lên pháp tòa, bạch chùy, nói; "Đức Điều Ngự Thích-ca-văn Phật vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trong đời, 49 năm chưa từng nói một lời. Ta nay vì các ông lên ngồi tòa này, sẽ nói những gì đây ?". Rồi ngồi sang giường Thiền một bên, đánh một tiếng chùy nói :

"Thân như hơi thở luồng qua mũi,

Kiếp tợ mây lồng đỉnh núi xa.

Chim quyên kêu rã bao ngày tháng,

Đâu phải ngày xuân để luống qua".

Lại đánh một tiếng chùy nữa tiếp : "Chẳng có ai cả sao ? Hãy ra đây ! Hãy ra đây !"

Một vị Tăng bước ra đảnh lễ, nói : "Thế nào là Phật ?".

Điều Ngự đáp : Chấp y lối cũ là sai lạc.

Lại hỏi : Thế nào là Pháp ?

Đáp : Chấp y lối cũ là sai lạc.

Hỏi : Rốt cuộc là thế nào ?

Đáp : Tám chữ tháo tung giao phó hết,

Còn chi đâu nữa nói cùng ông ?

Hỏi : Thế nào là việc hướng thượng ?

Đáp : Gánh nhật nguyệt trên đầu gậy.

Hỏi : Dùng công án cũ mà làm gì ?

Đáp : Mỗi lần dùng đến lại thành mới tinh.

Một vị Tăng khác hỏi : "Đại đức cần khổ tu hành trải nhiều năm tháng, thế thì đối với lục thông của Phật, nay được mấy thông rồi ?"

Đáp : Cũng được lục thông.

Hỏi : Ngũ thông tạm gác lại, còn tha tâm thông như thế nào ?

Đáp : Quốc độ của ngươi có mấy thứ tâm,

Như Lai thấy hết, Như Lai biết hết.

Vị Tăng đưa nắm tay lên hỏi : Nếu đã thấy hết, biết hết, thì có biết được trong đây có vật gì không ?

Đáp : Dường như có, dường như không,

Chẳng phải không, chẳng phải sắc.

Hỏi : Gia phong của Phật quá khứ thế nào ?

Đáp : Hoa viên vắng bóng người chăm sóc

Lý trắng đào hồng tự nở hoa.

Hỏi : Gia phong của Phật hiện tại thế nào ?

Đáp : Én sớm lạc trên hồ nước bạc,

Gió xuân say giữa khóm đào hồng.

Hỏi : Gia phong của Phật vị lai thế nào ?

Đáp : Bãi biển đợi triều, trời hé nguyệt,

Thôn chài nghe sáo khách trông nhà.

Hỏi : Còn gia phong của Hòa thượng thì sao ?

Đáp : Áo rách đùm mây đun cháo sớm,

Bình xưa rót nguyệt nấu trà khuya.

Hỏi : Những bậc đại tu hành còn rơi vào vòng nhân quả nữa không ?

Đáp :Miệng tợ huyết hồng phun Phật, Tổ,

Răng như gươm bén đốn Thiền lâm.

Mai kia thác xuống A-tỳ ngục

Vội niệm Nam-mô Quan Thế Âm.

Một vị Tăng khác hỏi : Đàm huyền, thuyết diệu, bàn cổ, luận kim, đều là lời nói suông, thế thì một câu nói không mắc kẹt làm sao nói được ?

Đáp : Gió Đông hây hẩy nghìn hoa nở,

Lách cách xe đưa tiếng rộn ràng.

Vị Tăng toan mở miệng, Điều Ngự lại tiếp :

Chim hót máu rơi vô dụng cả,

Non chiều mây phủ vẫn như xưa.

Hỏi : Nghìn dặm mây tan thì sao ?

Đáp : Mưa lâm râm.

Hỏi : Nghìn dặm mây phủ thì sao ?

Đáp : Trăng vằng vặc.

Hỏi : Rốt cuộc như thế nào ?

Đáp : Chớ bám vào đó, bám vào đó sẽ ăn ba mươi gậy.

Một vị Tăng khác hỏi : Thế nào là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp?

Đáp : Nếu lấy sắc thấy ta,

Lấy âm thanh cầu ta.

Người ấy làm việc tà,

Không thể thấy Như Lai.

Hỏi : Tổ sư từ Ấn Độ sang với dụng ý gì ?

Đáp : Cùng một hầm đất không khác.

Hỏi : Thuở xưa có vị Tăng hỏi Triệu Châu :

"Con chó có Phật tánh không ?

Triệu Châu đáp : Không",

Ý chỉ ấy thế nào ?

Đáp : Trong nước hòa muối mặn,

Nơi mày rặt sơn xanh.

Hỏi : Câu có câu không như dây leo cây là gì ?

Đáp : … Câu có câu không,

Từ xưa tới nay,

Quên nguyệt nhìn tay,

Đất bằng chết đuối.

… Câu có câu không,

Rầu rầu rĩ rĩ,

Cắt đứt sắn bìm,

Đó đây hoan hỷ.

Giảng xong, Điều Ngự xuống tòa. Những lời trên đây chép đầy đủ trong Ngữ Lục.

Tư tưởng Thiền học của Trúc Lâm còn được trình bày ở nhiều chỗ khác. Trong bài Cư trần lạc đạo phú ông viết :

"Vô minh hết Bồ-đề thêm sáng,

Phiền não rồi, đạo đức càng say".

Qua đó, ông đã khẳng định trạng thái thức tỉnh của mình. Do thức tỉnh mà cõi lòng trở nên sáng tỏ. Khi đã sáng tỏ thì dễ dàng loại bỏ tất cả mọi cố chấp lệch lạc và những vọng tưởng điên đảo của quá khứ, giống như một nhát gươm bén, vung ra liền cắt đứt cuộn tơ rối trong chớp nhoáng :

"Buông lửa giác ngộ đốt hoại thảy rừng tà ngày trước,

Cầm kiếm trí tuệ quét cho xong tánh thức thuở nay".

Ở ngôi vị một bậc Đế vương phú quý tột cùng, từng trải cả cuộc đời vì dân vì nước, ngọt bùi cay đắng nếm đủ, vì vậy ông có đủ dữ kiện và thẩm quyền để xác định cái giá trị chân thật của cuộc đời là gì :

"Chuộng công danh, lòng nhân ngã, thực ấy phàm phu,

Say đạo đức, đời thân tâm, định nên Thánh trí".

Lối hành Thiền của ông hết sức sinh động, không câu nệ vào hình thức, có thể thực hiện trong bất cứ tình huống nào, dù đó là lúc ngắm hoa, hay khi tiếp khách :

"Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,

Cùng tựa lan can ngắm núi mây".

Nếu xem những việc thị phi như cánh hoa rụng ban mai, và xem lợi danh như đêm đông sương lạnh, thì còn có gì trói buộc được mình :

"Phải trái rụng theo hoa buổi sớm,

Lợi danh lạnh với trận mưa đêm".

Danh lợi chẳng tham cầu, thị phi không cần biết, tất nhiên tâm hồn sẽ tự tại an vui, đó là chân giải thoát rồi, còn phải tìm giải thoát làm gì. Thế nên, dù sống ngay trong lòng cuộc đời, hòa nhập với cộng đồng xã hội, bằng một đời sống dung dị, bình thường mà vẫn mang tính chất phi thường, với tư cách của một bậc thần tiên siêu thoát :

"Ai trói buộc mà tìm giải thoát,

Chẳng phàm tình chi đoái thần tiên".

  • Những ngày cuối cùng

Ngày mồng một tháng giêng năm Mậu thân (1308), Điều Ngự sai Pháp Loa giữ chức Trụ trì chùa Báo Ân tại Siêu Loại. Tháng tư, Điều Ngự đến kiết hạ tại chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang, giảng Truyền Đăng Lục cho các đệ tử, bảo Đạo Nhất giảng kinh Pháp Hoa cho đại chúng. Sau khi giải hạ, Điều Ngự vào thẳng núi Yên Tử cho phép các tịnh nhân và những kẻ theo hầu trở về, chỉ giữ lại 10 đệ tử thân cận. Điều Ngự lên ở am Tử Tiêu, giảng Truyền Đăng Lục cho Pháp Loa, thị giả dần dần xuống núi gần hết, chỉ còn một đệ tử thượng túc là Bảo Sát ở lại bên mình. Từ đó Điều Ngự đi lại khắp núi non. Bảo Sát bạch : "Tôn đức xuân thu đã cao mà xông pha sương tuyết như vậy, thì mạng mạch Phật pháp rồi sẽ ra sao ?". Điều Ngự dạy : "Thời tiết đã đến, ta tính đi luôn rồi đó".

Ngày mồng năm tháng mười, gia đồng của Thiên Thụy công chúa lên núi thưa : "Thiên Thụy bệnh nặng, mong gặp Tôn đức rồi mất". Điều Ngự bùi ngùi bảo : "Thời tiết đó thôi !", liền cầm gậy xuống núi, chỉ có một thị giả đi theo. Mồng mười đến kinh thành, dặn dò xong các việc, ngày 15, Điều Ngự lại trở về núi. Trên đường về, Điều Ngự nghỉ đêm tại chùa Siêu Loại, sáng sớm hôm sau lại tiếp tục lên đường. Đến một ngôi chùa làng tại Cổ Châu, Điều Ngự viết trên vách chùa ấy bài kệ :

"Số đời thật ảm đạm,

Tình người đôi mắt trong.

Cung ma lộn xộn lắm,

Cõi Phật xuân khôn cùng".

Ngày 17, Điều Ngự đang ở chùa Sùng Nghiêm núi Linh Sơn thì Tuyên Từ Hoàng Thái hậu mời về am Bình Dương cúng dường trai tăng. Điều Ngự vui vẻ nói : "Đây là lần cúng dường cuối cùng".

Ngày 18, Điều Ngự lại đi bộ đến chùa Tú Lâm núi Kỳ Đặc ở Yên Sinh, cảm thấy đau đầu, bèn nói với hai Tỳ-kheo Tử Doanh và Hoàn Trung : "Ta muốn lên Ngọa Vân mà sức chân không thể đi được nữa, biết làm sao đây ?". Hai Tỳ-kheo thưa : "Hai chúng con có thể giúp Thầy tới đó". Khi lên tới Ngọa Vân, Điều Ngự cảm ơn hai Tỳ-kheo và dạy : "Xuống núi gắng lo tu hành, đừng xem sinh tử là việc nhàn hạ".

Ngày 19, Điều Ngự sai thị giả Pháp Không lên am Tử Tiêu gọi Bảo Sát về gấp. Ngày 20, Bảo Sát vội vàng xuống núi, khi tới Doanh Tuyền thấy một đám mây đen từ Ngọa Vân kéo đến Lôi Sơn. Nước suối Doanh Tuyền dâng cao đến mấy trượng, giây lát mực nước trở lại bình thường. Bảo Sát thấy hai đầu rồng lớn như đầu ngựa, ngẩng cao hơn một trượng, hai mắt như sao, trong phút chốc lại biến mất. Đêm ấy Bảo Sát ngủ trọ trong sơn điếm, thấy một điềm mộng bất tường.

Ngày 21, Bảo Sát đến Ngọa Vân, Điều Ngự thấy ông về hoan hỷ bảo : "Ta sắp đi rồi, sao ông về muộn vậy ? Trong Phật pháp có điều gì chưa rõ nên hỏi gấp đi". Bảo Sát thưa : "Khi Mã đại sư bất an, viện chủ hỏi : "Gần đây Tôn đức thế nào?", Mã Tổ đáp : "Ngày chầu Phật, tháng chầu Phật", ý chỉ ấy thế nào ?".

Điều Ngự lớn tiếng nói : "Tam Hoàng Ngũ Đế là cái gì ?"

Bảo Sát lại hỏi :

"Hoa sum sê chừ, gấm sum sê,

Tre đất Nam chừ, cây đất Bắc".

là muốn nói gì ?

Điều Ngự nói : "Mắt ông mù rồi".

Bảo Sát thôi không hỏi nữa.

Từ hôm đó trở đi, bốn ngày liền trời đất u ám, gió trốt thổi mạnh, mưa tuyết phủ đầy cây cỏ, vượn khỉ vây am gào khóc, chim rừng kêu thương bi thảm. Đến nửa đêm 1 tháng 11, sao trời tỏ rạng, Điều Ngự hỏi : "Bây giờ là giờ gì ?". Bảo Sát đáp : "Giờ Tý". Điều Ngự đưa tay mở cửa sổ, trông ra bầu trời, nói : "Đây là lúc ta đi". Bảo Sát hỏi : "Tôn đức đi đâu ?".

Điều Ngự đáp :

"Tất cả pháp không sinh,

Tất cả pháp không diệt,

Nếu hiểu được như vậy,

Chư Phật thường hiện tiền,

Có gì đâu đi lại".

Hỏi :

"Nếu như không sinh không diệt thì sao ?"

Điều Ngự đưa tay bụm miệng Bảo Sát, nói : "Chớ nói mê". Nói xong, liền nằm theo thế sư tử, an nhiên viên tịch. Đến đêm thứ hai, Bảo Sát phụng di chúc, dùng am ấy hỏa thiêu Điều Ngự. Trong lúc hỏa thiêu, hương lạ bay xa, nhạc trời vang lừng, mây năm sắc phủ lên giàn hỏa.

Bốn hôm sau, Tôn giả Phổ Huệ (Pháp Loa) từ Yên Tử vội vả trở về, dùng nước thơm rưới lên hỏa đàn. Khi lễ xong, Phổ Huệ thu lượm ngọc cốt, được Xá-lợi năm màu, cỡ lớn hơn 500 viên, cỡ nhỏ như hạt cải, hạt mè, nhiều vô số.

Được tin Điều Ngự viên tịch, Anh Tông, Quốc phụ Thượng tể cùng triều đình đi thuyền đến chân núi Ngọa Vân, đảnh lễ, than khóc rồi nghinh đón ngọc cốt và Xá-lợi xuống thuyền, rước về kinh thành. Hôm ấy, triều đình và thôn dã, người người đều thương tiếc, khóc than vang động đất trời.

Khi xong tang lễ, Anh Tông dâng tôn hiệu là "Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật". Rồi đem ngọc cốt tôn trí tại lăng Quy Đức, phủ Hưng Long, chia Xá-lợi làm hai phần, đựng vào bình thất bảo. Một phần đặt vào bảo tháp tại làng Quy Đức, một phần tôn trí tại Huệ Quang kim tháp chùa Vân Yên, núi Yên Tử. Vua lại đúc hai tượng Điều Ngự bằng vàng, một thờ ở chùa Báo Ân tại Siêu Loại, và một thờ ở chùa Vân Yên núi Yên Tử.

    1. Tác phẩm của Điều Ngự gồm có :
      1. Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục.
      2. Hậu Lục.
      3. Đại Hương Hải Ấn Thi Tập.
      4. Tăng-già Toái Sự.
      5. Thạch Thất Mị Ngữ.


Bốn tác phẩm đầu được ấn hành rộng rãi, còn tác phẩm thứ năm thì Anh Tông cho chép vào Đại Tạng.

Những tác phẩm trên đây mất mát gần hết, ngày nay chúng ta chỉ còn tìm lại được 28 bài thơ chữ Hán, và một bài ký về cuộc đời của Tuệ Trung Thượng Sĩ, và hai bài văn Nôm là Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú Lâm Tuyền thành đạo ca.

    1. Các đệ tử nối dòng pháp của Điều Ngự :

Pháp Loa, Pháp Không, Pháp Cổ, Pháp Đăng, Bảo Sát, Tông Cảnh và Huệ Nghiêm. Đó là những danh Tăng có tiếng tăm đương thời. Ngoài ra những người được Điều Ngự dẫn dắt, âm thầm khế hợp với tôn chỉ thì không kể đến.

Trúc Lâm ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, vua cùng Thượng hoàng Thánh Tông đã cố kết được lòng dân, lãnh đạo tài tình hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược đạt đến thắng lợi vô cùng oanh liệt, viết nên trang sử huy hoàng cho dân tộc ta. Vua vốn do anh hoa của sông núi kết tinh, lại kế thừa truyền thống yêu nước và một nền văn hóa nhân bản Việt Nam. Đại sĩ đã thâu hóa được căn bản đạo đức của Nho giáo, vốn có tác dụng thiết lập một xã hội ổn định, lại thâm nhập được tinh thần vô ngã vị tha, quên mình phụng sự chúng sinh của Phật giáo. Vì vậy Đại sĩ đã thực hiện hoàn hảo cả hai sứ mệnh; phụng sự cuộc đời và xiển dương Chánh pháp. Đại sĩ không những là một vị vua anh minh, nhân hậu, mà còn là một Thiền sư năng động, có tinh thần sáng tạo độc đáo. Tuy vậy, có một số nhà Nho viết sử, vì mang sẵn định kiến trọng Nho khinh Phật, đã đánh giá chưa đúng, thậm chí có đôi chỗ còn nhận định lệch lạc. Thế nhưng, Tổ quốc và nhân dân Việt Nam sẽ rất công minh, cho nên sự nghiệp và nhân cách của Đại sĩ vẫn là một bài học ngàn vàng, mà bất cứ người Việt Nam nào có lương tri mỗi khi nhắc đến cũng đều phải nghiêng mình cảm phục và thành kính ngưỡng mộ.

-- o0o --

| Mục lục tác gia?/a>|


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 12645)
Có lần trong tù, đói quá, Thầy Quảng Độ nằm mơ thấy được nhà bếp cho một cái bánh bao. Ăn xong thấy bụng căng thẳng, no nê, rất hạnh phúc. Sự thật là đêm ấy, trước khi đi ngủ, vì đói quá nên thấy uống nước cho đầy bụng dễ ngủ. Và Thầy đã đái dầm ra quần. Sáng hôm đó Thầy có làm một bài thơ.
09/04/2013(Xem: 6250)
Đức Đại Lão Hòa Thượng Chánh Thư Ký Xử Lý Viện Tăng Thống GHPGVNTN là thế hệ thứ 8 của phái Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán, Pháp danh Trừng Nguyên, Hiệu Đôn Hậu. Xuất gia và thọ cụ túc với Hòa Thượng Bổn sư là Tổ Tâm Tịnh, khai sơn chùa Tây Thiên Huế, sau các Pháp huynh là quý Hòa Thượng Giác Nguyên, Giác Viên, Giác Tiên, Giác Nhiên...
09/04/2013(Xem: 7325)
Từ ngày 18-23/5/1996 HT.Thích Minh Châu, Phó CT kiêm Tổng thư ký GHPGVN, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Hiệu trưởng trường CCPHVN... đã lên đường đến Thái Lan để nhận bằng Tiến Sĩ Phật Học Danh Dự (Honarary Doctorate Degree in Buddhist studies) tại Đại Học Phật Giáo Mahachulalongkornrajvidyalaya, Thủ đô Bangkok, Thái lan.
09/04/2013(Xem: 9604)
Thiền sư THÍCH ĐỨC NHUẬN, pháp hiệu Trí Tạng, thế danh Đồng Văn Kha, sinh ngày 14 tháng Chạp năm Quí hợi (thứ bảy, ngày 19 tháng giêng, 1924). Chính quán : làng Lạc Chính, xã Duyên Bình, huyện Trực Ninh, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Thân phụ là Đồng Văn Trung và thân mẫu là bà chính thất Hà Thị Thìn hiệu Trinh Thục (cả hai vị đều đã mãn phần). Là con thứ tư trong một gia đình thanh bần - dòng quí tộc. Ngài có 2 anh, 1 chị và 3 người em dì bào (2 trai, 1 gái).
09/04/2013(Xem: 4807)
Hòa thượng Thích Quảng Đức, thế danh là Lâm Văn Tuất sinh năm 1897 (Đinh Dậu) tại thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Thân sinh là cụ Lâm Hũu Ứng và bà Nguyễn Thị Nương.
09/04/2013(Xem: 6950)
Hòa Thượng Bửu Chơn thế danh là Phạm Văn Thông, sinh năm Tân Hợi (1911) tại Sa Đéc – Đồng Tháp. Thuở thiếu thời Ngài sinh sống tại đất nước Chùa Tháp Campuchia, do đó Ngài thấm nhuần Phật Giáo Nam Tông vốn là quốc giáo của Vương quốc này. Sẵn có túc duyên Phật pháp nên vào năm 1940, Ngài xuất gia thuộc hệ phái Nam Tông. Sau đó Ngài vào rừng chấp trì hạnh đầu đà (Dhatanga) suốt mười hai năm. Năm 1951 Ngài được Phật tử Việt Nam cung thỉnh về Sài Gòn để truyền bá giáo pháp Nguyên Thủy
09/04/2013(Xem: 6066)
Hòa thượng thế danh là Võ Hóa, pháp danh Chơn Húy, pháp hiệu Khánh Anh, Ngài sinh năm Ất Mùi (1895) tại xã Phổ Nhì, tổng Lại Đức, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Khi nhỏ, Ngài theo học Nho, luôn tỏ ra là một Nho sinh xuất sắc.
09/04/2013(Xem: 7982)
Hòa thượng Khánh Hòa thế danh Lê Khánh Hòa, Pháp danh Như Trí, pháp hiệu Khánh Hòa, sinh năm Mậu Thân (1877) tại làng Phú Lễ, tổng Bảo Trị, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
09/04/2013(Xem: 6518)
Hòa thượng Thích Hưng Từ, thế danh Bùi Vạn Anh, sinh ngày mùng 1 tháng 8 năm Tân Hợi ( 1911 ) tại làng Bình Hòa, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngài sinh trong một gia đình có truyền thống đạo Phật. Thân phụ là cụ Bùi Thế Vĩ, pháp danh Như chơn, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Biểu, pháp danh là Thị Bửu. Từ nhỏ Ngài được song thân giáo dục trong tinh thần từ bi và chan chứa đức hỷ xả của Phật, nên Ngài sớm mộ cửa Thiền.
09/04/2013(Xem: 5998)
Hòa thượng Huệ Quang, thế danh Nguyễn Văn Ân sing năm 1888 tại Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, sau theo mẹ về Trà Vinh. Năm 1902,Ngài xin xuất gia vào chùa Long Thành ở Trà Cú được Hòa thượng Thiện Trí mến thương đặt danh pháp là Thiện Hải. Ngoài giờ học Phật pháp, Ngài lại được Hòa thượng cho học thêm y học.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567