Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sách: Vị Đạo Sư Trong Mắt Tôi

10/03/201506:05(Xem: 9944)
Sách: Vị Đạo Sư Trong Mắt Tôi

HT Thich Nhat Hanh


TÁC PHẨM:



VỊ ĐAO SƯ TRONG MẮT TÔI.

   Tác phẩm Vị Đạo Sư Trong Mắt Tôi, được diễn nói về Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, là vị Tăng tài của Phật Giáo Việt Nam gữa thế kỷ 20 (1950) đã làm cuộc cách mạng  văn học dân tộc tự thân rất lớn, cho nên Ngài đã gặp nhiều chướng duyên nhưng, đã vượt qua và thành tài, đỗ đạt các văn bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, Tú tài I và II ban C (văn chương), cuối cùng  là Cử nhân Văn Khoa vào năm 1952.

  Sau đó Ngài viết ra tác phẩm “Luận Lý Học Đông Phương” đầu tiên. Tác phẩm LLHĐP đã làm cho những giới trí thức văn học thế gian tại Sài Gòn nói riêng, Miền Nam nói chung lúc bấy giờ, ai cũng nghe đến rồi đi tìm để đọc. Đọc xong đều lấy làm ngạc nhiên, là bởi vì chỉ bám theo Tây học, trong đó học tiếng Pháp, biết triết lý Tây phương, sống theo văn hóa Pháp trong sự nghệp mưu sinh cho bản thân và gia đình giữa thời đại Việt Nam bị Pháp đặt nền đô hộ cả trăm năm, cho nên đã quên mất mình là người Việt, dân tộc Đông Phương có triết lý siêu việt hơn Tây phương. Vì thế khi đọc đến sách Luân Lý Học Đông Phương mới lấy làm ngạc nhiên. 

   Để thực hiện theo ước nguyện Hiện đại hóa Phật Giáo, Ngài lên Đà Lạt mở trường dạy văn hóa và Phật học cho tất cả các cấp học sinh Phật tử ngay từ niên học 1952 -1953. Trường ấy có tên Trung Học Tư Thục Tuệ Quang trong khuôn viên chùa Linh Quang. Nếu không nói rằng: Trung Học Tuệ Quang là mẹ đẻ ra các trường “Trung Tiểu Học Bồ Đề tại Miền Nâm VN trước 1975 rất sớm ngay mùa thu 1952, như Trường Tiểu học Bồ Đề Nha Trang, sau đó Trung Học vào năm 1953, do HT Thích Thiện Minh đang trụ trì chùa Sinh Trung, kiêm Trưởng Ban Quản Trị Phật Học Đường Nha Trang chỉ đạo khi nghe đến Thầy Nhất Hạnh đỗ văn bằng Văn Khoa và mở trường dạy văn hóa và Phật học cho con em của đồng bào Phật tử. Song song với sự nghiệp giáo dục, Ngài tiếp tục viết ra hằng trăm tác phẩm văn học dân tộc và Phật Giáo trong đó có Thiền học, được đi đôi với thực tập cho những hành giả chọn pháp Thiền tu tập để đạt đạo giác ngộ, từ đó(1952) cho đến nay 2015…..đã và đang có hằng triệu hành giả tu Thiền trên thế giới (Đông Tây ÂU, Mỹ) đến nghe pháp thoại và thực tập Thiền với HT Nhất Hạnh. Người Việt Nam hải ngoại trong giới văn học, ai muốn biết sự nghiệp cách mạng văn hóa và Hiện Đại Hóa Phật Giáo VN của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh như thế nào, hãy đọc đến tác phẩm Vị Đạo Sư Trong Mắt Tôi trên trang nhà  Quang Duc. Com ở

đề mục Nhân Vật Phật Giáo Việt Nam - Đức Hạnh Lê Bảo Kỳ, sẽ biết và thấy hết, nếu không nói là được ngộ lý và đạo, bởi vì lý bao giờ cũng làm sáng tỏ đạo.

 

 

                                                                                                              

 

 HT Thich Nhat Hanh

VỊ ĐẠO SƯ TRONG MẮT TÔI

Lê Bảo Kỳ

  Quý Mùi – 2003

   Duyên Khởi.

 Yếu tính của Đạo Phật, là hòa nhập bản thân mình vào dòng sinh mệnh của nhân loại một cách thường trực, như nước với sữa, nhằm vào mục đích hóa độ chúng sinh được thoát khỏi luân hồi, sinh tử khổ đau, nói như lời kinh “Phật tại thế gian thường cứu khổ” bằng hành động thực tiễn trên ba cơ sở “Ly khổ đắc lạc. Chuyển mê khai ngộ. Đoạn hoặc chứng chân”.  Nên chi bản thân đạo Phật có mặt tại thế gian, không những thường trực, mà còn bình đẳng nữa, như mặt trăng, mặt trời chiếu ánh sáng xuống mặt đất không chọn lựa đất đai, vật thể tốt, xấu.  Chỗ nào, vật nào có đủ điều kiện hiện hữu phơi bày bản thân ra giữa không gian, không dấu mình, ẩn núp trong chốn u tối, đều nhận lấy ánh sáng của mặt trăng, mặt trời.  Cũng như vậy, bản thân Đạo Phật đi vào xã hội loài người không chọn lựa xứ sở Đông, Tây, Âu, Mỹ... không bỏ người nghèo chọn kẻ giàu, không tránh né kẻ ngu, chọn người trí...  Tất cả con người trong những giai cấp ở xã hội, nếu như Phật tánh trong tâm thức được ló dạng, vươn lên, đều có thể tiếp nhận giáo pháp giải thoát từ bản thân đạo Phật ngay thực tại hiện hữu.  Nói như Kinh Hoa Nghiêm: “Khắp cả hư không, ở mỗi một chỗ bằng đầu sợi lông đều có vô lượng, vô số cõi Phật; ở mỗi cõi Phật như vậy, trong mỗi một niệm, Phật ứng hiện vô số hóa thân Phật nhiều như bụi, để chuyển Pháp luân” (Phẩm 33).

Trong Kinh Phổ Môn cũng có câu tương tự: “Vô sát bất hiện thân” (Không có chỗ nào tại thế gian mà chư Phật, Bồ Tát không hiện đến).  Nói cách khác, Phật pháp không hạn định về thời gian quá khứ, hiện tại, tương lai. Nơi nào có con người, nơi đó có bản thân Đạo Phật hiện hữu hiển bày Phật Pháp làm nhân duyên trực tiếp đối diện với con người trong nhiều giai cấp tại thế gian.  Bản thân Đạo Phật chính là chư Phật, Bồ Tát, Thánh hiền tăng, Tổ sư thị hiện thân người, gọi là Phật sanh thân, Bồ Tát sanh thân, Thánh Tăng sanh thân.  Tức là thân tướng con người, còn tâm là tâm Phật, Bồ Tát, Thánh hiền được gọi là Phật Pháp thân, Bồ Tát pháp thân, Thánh Tăng pháp thân. Pháp thân còn có nghĩa Bản Môn.  Bản môn chư Phật, bản môn chư Bồ Tát, bản môn chư Thánh Tăng.  Bản môn là mẹ đẻ ra Tích môn.  Vì vậy mà Tích môn chứa đựng hành động Bồ Tát Đạo của quý ngài làm người ở thân tướng xuất gia, cư sĩ, vua, quan, tể tướng, thứ dân và những kẻ sĩ: Bác sĩ, Dược sĩ, Văn Thi sĩ trên vận hành hóa độ chúng sanh có khác biệt nhau gọi là Tích môn Bồ Tát đạo.  Sự khác nhau về hành động Bồ Tát đạo gọi là sở trường hạnh nguyện.  Cho nên sở trường là sản phẩm của bản môn, cũng như hành động tích môn Bồ Tát đạo là sản phẩm của hạnh nguyện.  Nói rõ hơn, chư Phật, Bồ Tát, và Thánh hiền thị hiện làm thân người ở bất cứ giai cấp nào đều có cùng thể tánh bồ đề, nhưng hành động Bồ Tát khác biệt nhau, gọi là chia nhau ở phương tiện, gặp nhau ở cứu cánh là sự nghiệp giải thoát cho con người là trí tuệ (Duy Tuệ Thị Nghiệp).

Phương tiện tạo dựng trí tuệ giải thoát cho con người, ngoài vốn liếng pháp phương tiện sẵn có trong nội thức, còn là tánh tri kiến và hành Ba la mật mới làm nên sự nghiệp trí tuệ ấy.  Vì vậy mà pháp phương tiện và tri kiến đều tương quan hiện hữu.  Nếu không nói, pháp phương tiện vừa là cứu cánh vừa là tri kiến.  Vì nhờ pháp phương tiện mà có tri kiến.  Cả hai chỉ là một.  Bởi vì mối tương quan của chúng không gì khác hơn là nhân quả.  Có nhân pháp phương tiện là có quả tri kiến.  Ngược lại, do có nhân tri kiến là có quả pháp phương tiện.  Nên pháp phương tiện do tri kiến mà có ở nghĩa cách thức, phương pháp, phương thức, làm cách nào...  Nếu không nói đây là pháp tùy duyên để đưa pháp bất biến là những pháp môn có yếu tính thực chất nguyên lý giải thoát của đạo Phật vào đời, để cho đời được bắt gặp dòng suối pháp có nước mát cam lồ của Phật mà tắm gội bản thân mang tính thể hữu được trở về tánh không.  Vì vậy mà ta phải hiểu rằng bản chất toàn bộ nền đạo lý của Phật luôn biến đổi theo từng thời đại xứ sở, một khi mà đời sống xã hội nhân loại trên toàn cầu thường xuyên được thay đổi những cách sống mới bởi nền văn minh khoa học tiên tiến đem lại một cách mau lẹ qua những kỹ thuật truyền thông tinh vi.  Pháp môn của Đạo Phật không thể dừng lại muôn đời ở phương nào, xứ nào, phải thay đổi hình thái sinh động mang nguồn sống hạnh phúc chân thật của Đạo Phật mà tuôn chảy vào nếp sống văn minh khoa học kỹ thuật của nhân loại, mới gọi là pháp môn, vì nguyên lý của pháp môn là hành đạo để đạt đạo hơn là truyền đạo.  Tuy nhiên trên phương diện đem nguồn sinh lực của Đạo Phật vào cuộc đời, ngôn ngữ, kỹ thuật, lý thuyết cũng phải được nói bằng lời, viết thành sách, vì nó là phương tiện chỉ bày, hướng dẫn cho con người biết phương pháp tu tập các pháp để mà đạt đạo, nói như người xưa: “Tri đạo tức học đạo, học đạo để biết đạo mà hành, hễ hành đạo là có đạt đạo”.  Học đạo từ ngôn ngữ hay lý thuyết trong sách vở của người đạt đạo.  Và ngôn ngữ, lý thuyết cũng là phương tiện diễn giải để đáp ứng nhu cầu cho con người trong thời đại văn minh ngày nay thường ưa thắc mắc hỏi đến những nguyên lý Hoa Nghiêm, Kim Cang Bát Nhã...  Cho nên đừng lầm ngôn ngữ, lý thuyết là chơn lý cứu cánh, chỉ dựa vào ngôn ngữ, lý thuyết để khảo sát thực tại hiện hữu mà đạt đạo như nương vào ngón tay để thấy mặt trăng.  Do nghe Phật pháp bằng ngôn ngữ, lý thuyết mà đạt đạo qua quá trình khảo sát và thực tập. Như vậy có phản lại tư tưởng thiền tông chủ trương: “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” hay không?  Tư tưởng ấy chỉ được áp dụng cho con người thời cổ điển. Đối với con người trong thời đại văn minh ngày nay không thể áp dụng được, vì tư tưởng con người thời đại văn minh này có ít, nhiều tính chất khoa học phổ thông, thích tìm hiểu, ưa thắc mắc, đào sâu, muốn nhìn thấy thực tế những điều mình nghi qua bài pháp của người nói và trong kinh điển Phật một khi quay về với Đạo Phật.

Đạo Phật ngày nay cùng thời với văn minh nhân loại phải có bổn phận giải đáp những điều nghi vấn của con người về giáo lý Phật đúng theo nguyên lý Phật giáo là vì sự nghiệp sống hạnh phúc và giải thoát sinh tử cho nhân loại hơn là cho bản thân Đạo Phật.  Vì bản thân Đạo Phật được sinh ra và lớn lên từ xã hội con người, chứ không phải hóa hiện như thần linh.  Vì vậy mà bản thân Đạo Phật phải có bổn phận đáp ứng lại nhu cầu tâm linh con người ở nghĩa hóa độ và báo ân cho đời vì được đời nuôi dưỡng và trưởng thành. Thực hiện vai trò Như Lai sứ giả vào đời để hướng dẫn và giải đáp giáo lý Phật một cách hanh thông, phù hợp với căn cơ, trình độ con người trong thời đại văn minh này được hiểu và biết rõ cách thức tu tập, phải là những bậc xuất gia đạt đạo đích thực mới có đủ ngôn ngữ và lý thuyết Phật pháp được ứng dụng theo khoa học, gọi là pháp môn mới.

Vì vậy mà trong sứ mạng nối tiếp dòng sinh hoạt Phật giáo cho con người quay về Đạo Phật, giới xuất gia Tăng, Ni sống trên một đất nước của thời văn minh khoa học kỹ thuật phải có cái sở học thế gian pháp để làm tư liệu biến đổi hình tướng các pháp môn Phật mà mình đã học ra nhiều phương cách, đường lối mới phù hợp với căn cơ, hoàn cảnh con người trong thực tại qua sự hướng dẫn phương pháp tu tập Phật pháp. Chứ không phải chỉ diễn nói y theo lời kinh Phật mà người nghe có thể lãnh hội được!  Mặc dù cốt lõi của chân lý là bất biến, nhưng phương cách hướng dẫn phải đổi mới. Bởi vì nguyên lý pháp môn Phật luôn biến đổi phương thức, đường lối hướng dẫn chúng sanh trong mọi thời đại để chúng sanh dễ tiếp nhận chơn lý qua phương pháp thực tập mà đạt trí tuệ đúng theo mục đích của Đạo Phật là duy tuệ thị nghiệp.  Cho nên bản thân Đạo Phật hiện hữu vào dòng sinh mệnh của một dân tộc trong thời xưa và nay đều nhằm vào mục đích duy tuệ thị nghiệp cho đời không gì khác hơn. Vì chúng sanh trong thời đại nào - xưa và nay - vẫn là chúng sanh trong ao ngũ trược đầy dẫy các đường ác. Nói đến nghiệp ác con người, con người càng văn minh tiến bộ có nhiều tội ác to lớn hơn do mưu tìm và phát minh ra những phương tiện vật chất tinh xảo cho đời sống thực tại được sung mãn trên cơ sở hưởng thụ mà sinh ra tinh thần điên đảo bởi ý thức thường hằng tư duy kế hoạch tranh giành thị trường để được độc quyền tiêu thụ. Từ đó nhân loại gây ra chiến tranh, khủng bố các nước khác vì mình thua kém. Vì thế các bậc xuất gia Tăng, Ni phải học thêm thế gian pháp mới có thể thấy được giáo lý Phật hợp với khoa học, nhất là khoa học không gian qua Kinh Hoa Nghiêm. Hợp với những công thức hợp chất để thành hình tướng và hư hoại hình tướng của các vật thể qua định lý duyên khởi, qua chân lý vô ngã, vô thường... mà Tăng, Ni, Cư Sĩ phật tử đã học qua các thứ kinh. Nếu Tăng, Ni không có sở học thế gian pháp, khó có thể diễn nói khế lý của các pháp môn trên vận hành hướng dẫn con người về sự tu tập phật pháp.  Bởi vì tất cả các Pháp của thế gian đều là Phật pháp (Nhứt thiết thế gian pháp tức thị Phật pháp).

Với hàng xuất gia, Tăng, Ni là biểu tượng của các bậc Bồ Tát Đại Trí Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Thế Âm, Địa Tạng... không thể hiểu lầm pháp môn Phật là chỉ có quỳ trước bàn Phật trong nghĩa vụ và bổn phận tụng kinh cầu bình an cho người sống, cầu siêu độ cho người chết, chẩn tế trai đàn cho cô hồn, gọi là pháp môn! Mà còn phải mở tung hai cánh cửa từ bi và trí tuệ, bước ra giữa trường đời một cách tự tại, an nhiên thênh thang trong từng bước vững chãi như là cuộc rong chơi trên dòng sinh tử, giáp mặt với mọi gương mặt khác nhau của cuộc đời.  Dù những gương mặt đó gây cho ta những điều kiện khó khăn hay khổ đau, ta vẫn ôm nó vào lòng, nuôi dưỡng nó để làm chất liệu khai lại nguồn sống đầy sinh khí của Đạo Phật cho dân tộc, cho nhân loại. Có như thế, ta mới có thể thấy được mọi hiện tượng khổ đau, tù đày, chết chóc, bất an, nô lệ, mất hạnh phúc, sợ hãi... của con người.  Cũng từ đó, ta biết được tâm lý con người có nhu cầu gì về thể chất và tâm linh, như mong muốn bản thân không còn lo lắng, hết căng thẳng thần kinh, được an lạc trong lòng...  Và những mong muốn xa hơn là chấm dứt chiến tranh trên quê hương, trên thế giới, dân tộc đoàn kết thương nhau, chính quyền phải vì dân trên cơ sở dân chủ, nhân quyền để được có đời sống an cư lạc nghiệp...  Có những việc ác thường xảy đến cho con người mà con người không thấy được.  Chỉ có các bậc xuất gia có tình yêu xuất thế gian trí mới thấy được.  Chẳng hạn con người có thói hút xách xì ke ma túy, rượu chè, cờ bạc, yêu thương quá độ... là những mầm móng đưa đến chồng vợ mất hạnh phúc ly dị, ly thân, con cái lang thang rồi tạo bất an cho xã hội, v.v.  Người xuất gia không những chỉ thấy mà còn phải dấn thân vào đời để tìm phương cứu khổ, giải quyết cấp bách, ngăn ngừa khổ đau, hoàn cảnh bất an... cho con người bằng pháp môn Phật được biến đổi thể tướng (không biến đổi thể tánh) sau những ngày tháng lê đôi gót vào đời bằng hành động khảo sát thực tại hiện hữu, đúng nghĩa của chân như là thực tại hiện hữu, đúng với tư tưởng của đại thừa Phật giáo là niết bàn không ly với sinh tử.

Nhưng Đạo Phật trên đất nước Việt Nam sau thời Lý, Trần ở vào thời đại triều Nguyễn, bản thân đạo Phật, ngoài cùng chung số phận với dân tộc bị thực dân trắng đen của phương Tây đô hộ, thống trị, còn bị bạo quyền trắng đen đè nặng lên thân hình một màn lưới sắt Dụ số 10 ngăn cấm, bao vây và cột chặt đôi chân không cho bước ra sinh hoạt với phật tử ngoài xã hội suốt thời gian dài đằng đẵng từ các thập niên 30 đến 60 của thế kỷ 20.  Nên chi những cánh cửa thiền môn vốn có bản chất thanh tịnh yên lặng càng thêm lặng im trong khói hương, đóng chặt chốt cửa tâm hồn, an phận thầm kín, xa lánh cuộc đời, không biết, không nghe con người ngoài xã hội bị khổ đau ra sao, sống chết thế nào!  Nếu không nói là có tự giác mà không có giác tha, đích thực là hành động quay lưng phản bội chúng sanh do hiểu lầm pháp môn.  Vì vậy mà bản thân đạo Phật đã tự cởi bỏ chiếc áo Bi - Trí - Dũng, khoác lên thân hình chiếc áo ma chay, cúng tế... quên mất vai trò của mình là Như Lai sứ giả có bổn phận truyền thừa nguồn sống hạnh phúc giải thoát của đạo Phật vào đời.  Tuy nhiên, giữa khoảng hoàng hôn dài đằng đẵng trên quê hương lúc ấy, trong căn nhà lớn Phật giáo Việt Nam đã xuất hiện những bậc cao tăng mang tư tưởng Đại Trí Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Thế Âm, Địa Tạng như các ngài Phước Huệ, Mật Khê, Trí Độ đã mở cánh cửa thiền môn, đánh lên tiếng chuông khởi xướng phong trào chấn hưng Phật Giáo Việt Nam do nghe được pháp âm vi diệu của Bồ Tát Thái Hư đại sư bên Trung quốc tuyên bố hiện đại hóa Phật giáo ở ba mục tiêu cách mạng: Cách mạng giáo lý, cách mạng giáo chế, và cách mạng giáo sản vào đầu thế kỷ 20 lúc ngài 23 tuổi.  Từ đó Phật giáo Việt Nam trên vận hành chấn hưng đã thành lập Hội Phật Học vào năm 1932, và sau đó tiến đến xây dựng Phật Học Viện để đào tạo tăng tài.  Tất cả đều hướng đến mục tiêu hoằng truyền chánh pháp vào đời để cho phật tử ngoài xã hội được tiếp nhận những pháp môn mang thực chất nguyên lý giải thoát khổ đau thực tại ở bản thân và sinh tử ở kiếp sau trên bước đường tu tập.  Theo nguyên lý căn bản của pháp môn là như vậy.  Nhưng hàng phật tử ngoài xã hội lúc bấy giờ không tiếp nhận được nguồn sinh lực nào của các pháp môn, tức là nguyên lý căn bản của pháp môn mang nguồn sống đạo pháp không tuôn chảy vào tâm thức người phật tử. Mặc dù phật tử trong các giới đã vượt qua hàng rào lưỡi lê, súng đạn, và lời hăm dọa của bạo quyền tay sai của thực dân, để về với Đạo Phật của mình khi nghe, thấy những hình thức sinh hoạt Phật giáo mang sắc thái mới lạ như lớp học Phật pháp cho Phật tử, Tăng Ni tại các thành phố lớn.  Cũng như đến tham dự các buổi lễ Phật đản, thuyết pháp được tổ chức ngoài phạm vi chùa một cách trọng thể và đông đảo phật tử tham dự, mà phật tử vẫn không tiếp nhận được sức sống của đạo pháp.  Lý do dòng suối pháp không lưu nhuận được vào lòng người như thế bởi những nguyên nhân: trong những sinh hoạt chấn hưng Phật giáo, ngoài sắc thái có tính cách trưng bày bản thân Phật giáo ra xã hội qua những buổi diễn thuyết về Đạo Phật, những đại lễ Phật đản thật rộn ràng... mà từ lâu bị vắng bóng, nay để cho con người được nhìn thấy lại, còn có sự hướng dẫn cho phật tử và Tăng, Ni trẻ được học Phật tại một vài chùa lớn trong nước được gọi là phong trào Phật học. Điều đó cho ta thấy rằng quý ngài có thao thức mong muốn phát triển giáo lý phật đà vào quần chúng. Nhưng phương pháp và cách thức phát triển không được hội tụ vào thân tâm con người ở hai điểm quán lý và quán cơ, là nền tảng cơ bản mang yếu tính sở trường chuyên trách của các hành giả Bồ Tát đạo trong sự nghiệp thượng cầu phật đạo, hạ hóa chúng sanh trên cơ sở không chống trái với nguyên lý của pháp môn luôn thường hằng biến đổi để phù hợp với mọi căn tính và hoàn cảnh con người bằng sự khảo sát thực tại.  Đằng này quý ngài chẳng những không khảo sát vào môi trường thực tại con người ngoài xã hội, mà còn ôm những pháp môn vào lòng quá chặt chẽ, đến nỗi làm cho những pháp môn không thở được.  Pháp môn không thở được là pháp môn cằn cỗi đi đến chỗ khô cạn như những con suối mùa hè không có nước do không mưa từ cội nguồn.  Tức là đối với pháp môn qua nhận thức của quý ngài là bất biến, nên chi quý ngài chủ trương chỉ diễn nói lý nghĩa y như trong kinh theo lối học từ chương.  Vô tình quý Ngài đã phản bội lại tinh thần chấn hưng phật giáo của mình, và phản lại tư tưởng nhân sinh quan trong Phật giáo là hành giả Bồ Tát phải thường hằng nghe thấy bản thể của pháp giới (con người và vạn hữu) trong vũ trụ trên đà biến dịch sinh tử trong từng sát na theo định lý duyên khởi trùng trùng bất tận mà sinh khởi tâm đại bi để rồi sau đó tự trở thành người bộ hành không cô đơn khi đôi chân từ bi và trí tuệ bước vào xã hội của mình đang ở là vũ trụ bé nhỏ dù đang thịnh hay suy vẫn bước vào.  Vì một xã hội con người luôn luôn chứa đựng nhiều đường ác. Chứ không phải xã hội suy mới có đường ác, thịnh thì không.  Do vậy, tâm của hành giả xuất gia có đạt đạo luôn tư duy về nỗi khổ đau của con người trên đất nước mà mình đang hiện hữu.  Rồi từ đó mở tung đôi cánh cửa từ bi và trí tuệ trong lòng, bước ra xã hội mà tìm phương cách cứu khổ cho dân tộc mình, chính là Như Lai sứ giả đi theo dấu chân của Thái tử Tất Đạt Đa từ ngàn xưa.

Rút ra từ những nhận thức mới trên về Đạo Phật, tôi muốn nói đến cốt cách Hòa Thượng Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, biểu hiện qua nét đặc thù văn hóa phật giáo và dân tộc trong tiến trình hành động thực hiện pháp môn mới trên vận hành Hiện Đại Hóa Phật Giáo, đem Đạo Phật đi thẳng vào cuộc đời bằng ngôn ngữ thuyết giáo thầm lặng trong những tác phẩm văn, thơ dân tộc và đạo pháp, bằng ngôn ngữ pháp thoại hiện thực một cách sinh động ngay từ thuở còn là một tăng sĩ trẻ trong nước cách nay gần sáu thập niên, mà thầy đã làm mềm lên sỏi đá bằng đôi chân từ bi và lời nguyền trí tuệ của tôn giả A Nan: “Ngũ trược ác thế thề tiên nhập” trên hành trình đi tìm cho dân tộc một đời sống phật giáo là đoàn kết thương yêu, hòa bình tự do, dân chủ, nhân quyền để được có hạnh phúc, an lạc, giải thoát mọi khổ đau trong kiếp sống thực tại là nền tảng của sự tiến lên giải thoát sinh tử đúng theo tư tưởng của Đại thừa hành Bồ Tát đạo ở ba mục tiêu “Ly Khổ đắc lạc - Chuyển Mê Khai ngộ - Đoạn hoặc chứng chân” giữa xã hội Việt Nam, một xã hội bị chìm ngập trong buổi hòang hôn đầy dẫy những gót giày của bạo lực thực dân, bạo quyền trắng, đen đang giẵm lên thân xác người dân gầy còm, tiếng chuông nhà thờ thiên chúa giáo La Mã buông rơi ra rả vào không gian hoàng hôn làm giựt mình các trẻ thơ mới chào đời, nhiều xác người dân nằm chết trên những nương dâu, ruộng đồng, ngục tù và biên ải...  Chứ không phải đến hôm nay tại hải ngoại ở ngôi vị cao Tăng có tuổi hạc, thầy Nhất Hạnh mới hành động Hiện Đại Hóa Phật Giáo!

Năng lực thúc giục Thầy Nhất Hạnh tự mở tung cánh cửa thiền môn tâm thức của mình rất sớm khi còn là một sinh viên Tăng là do tâm thức Thầy có bản chất của các vị Bồ Tát Đại Trí Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Thế Âm, Địa Tạng.  Hay nói một cách khác, do học Phật và liễu ngộ Phật học trong lòng mà thấy được Phật học không phải là pháp môn chỉ để học, mà là pháp môn để sống, tức Đạo Phật là nguồn sống đầy sinh lực an lạc cho nhân loại: “Phật học không phải là môn học có thể tách rời khỏi những vấn đề của sự sống.  Trái lại ta chỉ có thể hiểu được Phật học qua những vấn đề của sự sống” (ĐPĐVCĐ Nhất Hạnh). Hay nói rõ hơn; Đạo Phật, không những chỉ là đạo để tu học, giác ngộ, mà còn là đạo để sống. Không những Thầy chỉ thấy Đạo Phật là nguồn sống của nhân loại, mà còn tìm thấy Đạo Phật đã và đang đóng góp cho nhân loại một nền văn hóa tuyệt sắc: “Học Phật là tìm biết vai trò của Đạo Phật trong suốt lịch sử của sự sống nhân loại, những đóng góp của Đạo Phật trong văn hóa nhân loại, những luồng sinh khí mà Đạo Phật đã thổi vào trong đà tiến hóa của nhân loại.  Khi có được một nhận định có tính cách sử quan như thế rồi, chúng ta mới có thể tiếp nhận được sức sống rào rạt mà Đức Phật đã trao truyền cho chúng ta qua hai mươi sáu thế kỷ sinh hoạt linh động.  Tiếp nhận được sự sống ấy, ta mới ý thức được sứ mạng của chúng ta, sứ mạng của người phật tử trong xã hội ngày nay, mới tiếp nối dòng sinh hoạt Phật giáo” (Đạo Phật Ngày Nay - Nhất Hạnh).

Vai trò của Đạo Phật đã và đang tích cực đóng góp cho nhân loại trên hai lãnh vực văn hóa và nguồn sống an lạc, hạnh phúc chân thật qua lời nhận thức trên của thiền sư Thích Nhất Hạnh bằng lời văn trong sách trước đây mấy thập niên và cũng như hiện nay bằng lời pháp thoại trước hàng ngàn cử tọa của phương Đông, Âu, Mỹ... vẫn được khẳng định rằng không phải do những hình tượng chư Phật, Bồ Tát ngồi im trên bàn, và đại tạng Kinh được để có thứ tự  trong tủ kính tại các chùa hay tại những Viện Bảo Tàng quốc gia trên thế giới.  Và cũng không phải do những buổi lễ Phật giáo được tổ chức trọng thể mang sắc thái tôn giáo,Phật giáo thật rộn ràng, đông đảo qua một thời gian ngắn ngủi để rồi sau đó trả lại cho không gian vườn chùa cái im lìm thầm kín và tiêu cực, bi quan, yếm thế trước thế sự xã hội bên ngoài đang điên đảo, bạo động, loạn lạc...  Hay là những hình ảnh Tăng, Ni trong phục sức Cà Sa vàng, đỏ hoa gấm, mão cao, dù che lọng rước, ăn trên ngồi trốc, cùng hàn huyên tâm sự đạo tình với vài chục bổn đạo có tín tâm tới lui trong cái tình thầy, nghĩa trò, đệ tử, ... mà gọi là tiếp nối nguồn sống, văn hóa của Đạo Phật!  Mà phải là do hàng Tăng bảo (xuất gia-tại gia) đạt đạo mới có thể làm nên đạo nghiệp tiếp nối nguồn sống sinh động và văn hóa vào cho đời, mà Đức Phật đã dầy công tìm ra và trao truyền lại.  Bởi vì tâm đạt đạo là tâm có tình yêu xuất thế gian, nên thường trực hằng chuyển tư duy hướng đến dòng sinh mệnh đầy khổ đau, bức bách, điên đảo... của dân tộc bản xứ và nhân loại với niềm thao thức, khát khao ra đi hành động tiếp nối và cứu bạt một cách hiện thực.  Dù cho nơi chốn của đôi chân hiện hữu đến có đầy sóng gió, bão lửa của mọi bạo quyền vô minh đến đâu, tấm thân người Tăng bảo xuất gia nói riêng, đạt đạo vốn đã kham khổ với vải bạc nâu sồng, cơm rau, dưa muối... càng tiến bước trên dòng nước ngược cuộc đời trong vai trò sứ giả của Như Lai trên vận hành khai lại nguồn sống đầy sinh lực của Đạo Phật được tuôn chảy vào bản thể con người trên hai mặt tâm linh an lạc không sợ hãi và thể chất hạnh phúc đúng vào ba mục tiêu “Ly khổ đắc lạc - Chuyển mê khai ngộ - Đoạn hoặc chứng chân” của Đạo Phật.  Tư liệu xây dựng tâm linh con người được an trú trong trạng thái tịnh lạc tỉnh thức thảnh thơi, không sợ hãi... thể chất được ấm no hạnh phúc chân thật... đều do giáo pháp.  Mà người Tăng bảo xuất gia có đạt đạo, là người bộ hành không cô đơn giữ vai trò chính trong việc sử dụng và thực hiện giáo pháp trên căn bản hòa nhập thân tâm vào mọi đối tượng xã hội một cách bình đẳng đi giữa không gian ở mọi xứ sở, không thấy thời gian có tánh cố định ngăn cách, không bị trói buộc vào một thiên kiến, một thật hữu, một sai biệt nào.  Nhưng có đứng im một cách kham nhẫn như mặt đất và di chuyển lang thang trong khoảng không mênh mông như mây trời, là lúc tình yêu xuất thế gian của người Tăng sĩ đạt đạo dừng chân ở phương này, để thực hiện giáo pháp bố thí một cách cấp bách trong việc xây dựng lại cho con người cái ngôi nhà thể chất hữu tướng của họ đã bị đổ nát, hư hại bởi chiến tranh, bão táp mưa sa, thiên tai động đất... để cho con người được trở lại cuộc sống an ổn, ấm no, hết đói rét, không còn bị nắng hạ, mưa thu vào bản thân...  Và rảo bước đến phương kia để hàn gắn, vá, lấp, tô bồi lại những hiện tượng rạn nức, lở lói, sức mẻ, hố thẳm chung quanh, trên, dưới ngôi nhà tâm linh trong không gian vô tướng của con người bằng pháp thiền định ở lý thuyết và phương pháp thực tập hành thiền tỉnh thức nghe hơi thở nhẹ ra, vào do tâm thức chủ động.  Đó là chất liệu của pháp thiền có năng lực thải hồi, xua đuổi những nỗi lo âu, buồn phiền, căng thẳng, hờn giận, sợ hãi... ra khỏi tâm thức.  Một khi tâm linh con người ở hai thái cực trên không còn bị khổ về thể chất, tinh thần nữa, được hạnh phúc, an cư lạc nghiệp là điều kiện thuận lợi của bước tiến lên nấc thang giáo pháp “Chuyển mê khai ngộ - Đoạn hoặc chứng chân” bằng pháp tu thiền quán niệm để tận diệt vô minh là nguồn gốc sinh ra mọi khổ đau.  Do vậy mà người Tăng sĩ đạt đạo ít khi an nghỉ, luôn tiếp tục làm người bộ hành cô độc, nhưng đôi chân lang thang trên mọi nẻo đường quê hương mình và nhân loại vì đi tìm cho chúng sanh một kiếp sống giải thoát khổ đau thực tại và mai sau.  Như Đức Thích Tôn đã từng rảo bước trên những dặm đường gập gềnh và sỏi đá của xứ Ấn Độ thời xưa làm mòn đôi dép cỏ sau khi đứng dậy dưới gốc cây pipala chỉ vì sự nghiệp duy nhất là giải thoát sinh tử khổ đau cho chúng sinh.

Cũng như vậy, hòa thượng Thích Nhất Hạnh mở tung hai cánh cửa ngôi nhà Như Lai Tạng của mình đi vào xã hội con người từng bước từ bi, trí tuệ từ Đông sang Tây qua Mỹ Châu (1961) bằng đôi chân thực thể của bản thân tứ đại, chỉ vì sự nghiệp duy nhất là thực hiện công cuộc hiện đại hóa Phật giáo để tiếp nối giáo lý sống đầy sinh khí của đức Phật qua 26 thế kỷ truyền thừa vào trong bản thân cuộc đời văn minh khoa học ngày nay, để cho con người tỉnh thức bắt gặp lại lối sống đúng nhân bản tính của mình là đoàn kết đại đồng, hòa bình, thương yêu, khiêm cung, hòa ái, an lạc, hạnh phúc chân thật với nhau ngay thực tại từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội, như lời Thầy đã nói:  “Tịnh độ là đây, Tịnh độ có tại thế gian không đâu xa”.  Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 cũng có lời tương tự: “Sống Hạnh Phúc, Chết Bình An”.

Cho nên sự xuất hiện của Thầy Nhất Hạnh ra giữa lòng xã hội Việt Nam đầy bóng dáng và bom đạn của các bạo lực thực dân ngoại nhập gây chiến tranh trên quê hương và các bạo quyền bản xứ đàn áp Phật giáo trong những thập niên xa xưa đó, như là “Vì Sao Hôm” xuất hiện trên bầu trời phía Tây trong buổi hoàng hôn.  Vì Sao Hôm mọc sớm nhất trên bầu trời và gần với không gian mặt đất trong chiều tà nhá nhem là tiêu điểm định hướng cho những con thuyền trên biển cả đang lênh đênh trên sóng nước đen bạc và những con thuyền bắt đầu ra đi từ bờ, sau khi mặt trời hồng yếu ớt ở cuối chân trời tây lặn vào đáy biển, để lại màn đêm mênh mông, mà phân định hướng đi đông, tây... của mình.  Còn hình bóng cô đơn của Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh xuất hiện trên những nẻo đường Việt Nam đầy bóng đen ma vương trong và ngoài dân tộc của cái thuở xa xưa ấy, chính là biểu tượng hiện thân của Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi, Đại Hạnh Phổ Hiền, Đại Bi Quán Thế Âm, Địa Tạng...  Cho nên một mình thầy, mà khi thì thầy làm công việc của Bồ Tát Đại Trí Văn Thù, khi thì thầy làm công việc của các Bồ Tát Phổ Hiền, Quán Thế Âm, Địa Tạng... đối với dân tộc và Đạo pháp.

 

I/ HÀNH ĐỘNG BỒ TÁT ĐẠO MANG TÍNH CHẤT ĐẠI TRÍ VĂN THÙ.

Nói đến Bồ Tát Đại Trí Văn Thù là nói đến con người có trí tuệ Phật gọi là trí Bát Nhã, một tuệ giác bình đẳng vô sai biệt như vàng ròng, kim cương nên nằm ở đâu; trong miếng vải xấu xí, trong bùn lầy vẫn là kim cương, vàng ròng không thay đổi hay hao mòn, nói như người xưa “Chùa rách Phật vàng”.  Câu ngạn ngữ này hàm ý rằng, một con người có thân tướng bần sĩ bên ngoài, nhưng tâm thức bên trong là một Như Lai tạng sáng rực chứa đựng sự hiểu biết bao trùm cả vũ trụ, nhân sinh, nếu không nói là một Phật Pháp Thân, Bồ Tát Pháp Thân, nên thường nghĩ đến chúng sanh bằng trí, thương chúng sanh bằng tình yêu xuất thế gian, nên trí tuệ phật không giống như trí thông minh, vì học một mà hiểu biết đến hằng trăm.  Con người có trí hiểu biết bác học này ngay từ thuở còn bé, chứ không đợi đến tuổi thiếu niên, thanh niên mới có.  Tuy nhiên sự hiểu biết càng lúc càng cao theo năm tháng của tuổi tác khôn lớn.

Thầy Nhất Hạnh chính là biểu tượng của Bồ Tát Đại Trí Văn Thù đích thực ngay từ lúc còn là một Tăng sinh, vì tâm thức thầy luôn hằng chuyển trên vòng pháp luân vô tướng về những đề tài văn hóa dân tộc và Đạo pháp.  Nếu không nói là tư tưởng hoàn toàn chứa đựng những phương án, cách thức cứu khổ, chuyển hóa tâm vô minh con người được trở thành trí tuệ là chiếc bè qua bên kia bờ giác, là công cụ phá vỡ xiềng xích cho dân tộc được thoát khỏi bàn tay của bạo quyền ngoại lai đang bó buộc dân ta làm nô lệ...   Những tư tưởng đại trí ấy được tuôn trào ra một cách hiện thực và già dặn lên trang giấy khi bàn tay non trẻ cầm bút viết ra những tác phẩm “TIẾNG ĐỊCH CHIỀU THU”, “ĐÔNG PHƯƠNG LUẬN LÝ HỌC” (Thạc Đức), “GIA ĐÌNH TIN PHẬT” (Nhất Hạnh)... giữa khoảng thời gian trước và sau 1949, thời gian đất nước Việt Nam bị xiềng xích, tù đày, chết chóc, đói lạnh... bởi ba bạo lực là Thực dân Pháp, Phát xít Nhật, và Việt Minh Cộng Sản.  Một trong những tác phẩm mà thầy đã xuất bản và trao cho dân tộc và chư Tăng, Ni, Phật tử được nói trên, tác phẩm Đông Phương Luận Lý Học chưa được nhiều trí thức thế gian và phật giáo đọc đến, vì đất nước bị chiến tranh, phật giáo Việt Nam bị kềm kẹp bởi Dụ Số 10 do bạo quyền Thực dân Pháp ban hành, vì vậy mà văn hóa Phật giáo không được lưu hành cho lắm vào xã hội thời đó.  Mặc dù những Tăng sinh trong các Phật Học Viện đa số đều tốt nghiệp Cử Nhân Phật Học, trong đó có thầy Nhất Hạnh, nhưng hình bóng Tăng, Ni vẫn không được xã hội để ý đến, chỉ có một số phật tử già nua tới lui vì nhu cầu ma chay, cúng tế.  Cho nên mãi đến khi thầy Nhất Hạnh đã đỗ đạt các văn bằng Thế Gian Pháp: Trung Học Đệ Nhất Cấp, Tú Tài I, Tú Tài II và Cử Nhân Văn Chương giữa thập niên 50, tác phẩm Đông Phương Luận Lý Học (bút hiệu Thạc Đức) mới được những nhà trí thức văn hóa thế gian Việt Nam lúc bấy giờ đang ngủ say trong căn nhà văn hóa ngoại lai đen tối đọc đến.  Chẳng những đọc, mà còn tự thức tỉnh, sửng sốt, tìm hiểu...  Sau khi trực nhận ra tác giả chính là vị tăng sĩ trẻ mà trước đây mình đã thường gặp có thân hình mảnh khảnh, hơi cao cao, phục sức chiếc áo Nhật Bình nâu sồng bạc màu trong ánh nắng nung người của Saigon.  Đầu đội nón lá rất Huế nên làm cho đôi mắt sáng vốn hằng sâu thẳm rõ nét trong bóng mát của chiếc nón lá như đang tư duy tìm phương cách cứu khổ dân tộc khi đôi chân đi guốc vông nhẹ bước vững chãi trên đường phố Saigon qua sân trường Đại Học Văn Khoa.

Những gương mặt trí thức cảm thấy ngạc nhiên, sửng sốt về tác phẩm ĐPLLH trước nhất là những giáo sư tại các trường đại học và những cậu sinh viên cùng thời với thầy tại các đại học Văn Khoa Saigon sau khi bắt gặp tác phẩm ấy được nằm im và cũ kỹ tại một, hai tiệm sách Saigon, như nhà sách Khai Trí.  Kế tiếp là những gương mặt trí thức già, trẻ trong các giai cấp xã hội, tôn giáo trên cả nước lúc bấy giờ, ở đâu người ta cũng thấy ngạc nhiên khi đọc đến quyển sách ĐPLLH.  Chẳng những ngạc nhiên, sửng sốt mà còn thức tỉnh, thấy mình đã đánh mất Đạo Lý Á Đông Việt Nam ra khỏi hành lang trí óc, tiếp nhận vào không gian tâm linh một thứ văn hóa nô dịch của chủ nghĩa thực dân phương Tây mang bản chất hữu ngã, vị kỷ, hiếu chiến, hận thù nhân loại...  Khi đã nhận ra dân tộc Việt có một nền Đạo Lý Đông Phương, mà trong đó tổng thể nền Đạo Lý Phật giáo đều cùng chứa đựng tinh thần giáo dục thiền định Phật giáo mang mầu sắc thực dụng đa diện trên cơ sở định lý duyên khởi tương quan nhân quả nhằm xây dựng cho con người có được một tâm linh an lạc, một đời sống ấm no, hạnh phúc ở thể chất, xã hội hòa bình, đích thực không còn ưu phiền, chiến tranh và áp bức vì chủ nghĩa... giải trừ nô lệ, hết ngu muội, có trí hiểu biết rộng lớn về nhân sinh, vũ trụ hiện hữu bởi quy luật nhân quả nằm trong Định luật nhân duyên, chứ không do một thượng đế mơ hồ nào sáng tạo.  Tâm thức con người được hiểu biết rộng lớn, thể xác con người được an cư lạc nghiệp như vậy là do con người tự thực tập đúng thực chất nguyên lý hữu dụng ở các pháp môn Bát Chánh Đạo, Thiền Định, Tứ Đế... chứ không có tin vào giáo điều mà được, và cũng không phải dựa theo một hệ thống triết học Siêu hình.  Mặc dù hệ thống triết học Phật giáo có một màu sắc siêu hình như Duy Thức Học, nhưng không phải là hệ thống lý luận Siêu hình, mà là hệ thống hướng dẫn Chân lý thực dụng về cách sống có tỉnh thức và biết cách kiến tạo trí tuệ cho việc giải thoát mọi khổ đau trong thực tại và không còn bị Sinh tử ở kiếp sau.

Với những người trí thức có thế gian trí đều có thể hiểu và lý luận rành mạch những pháp môn Phật học có chứa đựng tư tưởng triết học mà họ đã đọc qua.  Cho nên tâm linh những người trí thức Việt Nam trước 75 trong các giai cấp xã hội thời đó có thức tỉnh như vậy là một điều tất yếu.  Bởi vì do năng lực thế gian trí trong tâm thức của họ được nghe rõ những tiếng Sóng Đạo Lý Á Đông vang lên, dạt dào từ lòng đại dương “Đông Phương Luân Lý Học”.  Vì vậy mà họ không Tỉnh Thức, mà chỉ có Thức Tỉnh một cách thầm lặng.  Tâm linh thức tỉnh mà không tỉnh thức như thế, chẳng khác nào như những con mọt trong những cây cột gỗ ngưng tiếng cọt kẹt vì do nghe tiếng động từ bên ngoài dội vào.  Sau đó không lâu tiếng cọt kẹt được tiếp tục phát ra khi cái mồm của chúng gậm nhấm trở lại vào gỗ.  Cũng như vậy, sau những giờ phút tâm tư thức tỉnh thầm lặng do được thấy lại thật rõ nguyên lý sống có tỉnh thức và sinh động của Phật giáo qua tác phẩm ĐPLLH, những người trí thức phàm phu thế gian và ngoại đạo vẫn tiếp tục cho tâm linh của mình gậm nhấm những dòng tư tưởng triết lý Đông, Tây thành lời được lấy ra từ những trang sách triết học cổ điển và tân kỳ là cuốn ĐPLLH cho những sinh viên (văn khoa) đại học.  Cả hai, người dạy và học triết Đông (nói riêng về môn Phật học) như vậy chỉ là phương tiện sống cho riêng họ, chứ không đem lại một nguồn sống hạnh phúc chân thật nào cho con người trên quê hương, đúng như lời thầy Nhất Hạnh đã nói: “Cả đến các vị Linh mục cũng học Phật.  Các giáo phái không phải Phật giáo cũng học Phật.  Cái học Phật của họ không có một triển vọng nào khác hơn là để... nói và nói.   Họ chứa trong óc họ những cái biết rất bác học, nhưng họ không hiểu gì cả.  Họ không hiểu Đạo Phật là gì cả!” (Vấn Đề Học Phật-ĐPNN).  Tuy nhiên đa số trí thức còn nguyên cội nguồn là ông bà, cha mẹ, quyến thuộc vốn bao đời tin Tam bảo hiện còn gắn liền thân tâm với mái chùa, vị sư, lời kinh, tiếng mõ... mà riêng bản thân họ đã một thời vắng bóng chùa do sự nghiệp lính tráng, chiến tranh, bạo quyền đàn áp Phật giáo, ngôn ngữ ve vãn của tôn giáo ngoại lai... chi phối tư tưởng, thì bấy giờ đều quay về Phật giáo sau khi tâm thức họ được thâm nhập bởi những dòng tư tưởng Phật học đích thực có chứa đựng nguồn sống đầy sinh lực, tỉnh thức của Phật giáo qua tác phẩm ĐPLLH, dù chưa một lần được gặp mặt tác giả, nhưng người trí thức luôn cảm thấy mình như được tác giả tiêm vào tâm linh một thần dược tỉnh thức.  Đó là những hạng trí thức phàm phu thế gian ngoài xã hội, nên tư duy của họ về nguyên lý Phật học Phật giáo tuy có đồng, nhưng dị biệt về những hiện tượng ở bản thân; có kẻ chối bỏ, người thì chấp nhận và áp dụng sau những giờ phút nắm lấy tác phẩm ĐPLLH trong lòng bàn tay và đưa mắt nhìn vào trang sách, như đã nói ở trước.

Còn những hạng trí thức Phật giáo đích thực là những chư tôn giáo phẩm Tăng già đang lãnh đạo Giáo Hội, các Cư Sĩ Phật Tử có uyên thâm Phật pháp.  Cả hai hạng trí thức này đang nghiên cứu, dịch thuật các thứ kinh, viết giảng luận phật pháp, dạy giáo lý cho Tăng, Ni tại các Phật Học Viện đã hơn một lần tự thân nghe ngoài xã hội, ở chốn thiền môn, người ta ca ngợi, ngưỡng vọng, trầm trồ đến tác phẩm ĐPLLH và tác giả.  Nhưng bản thân từng vị đều im lặng không nói hay chưa nói ra lời, dù nhiều lần gặp nhau lúc hội họp, hàn huyên.  Thật sự trạng thái thường im lặng ở bản thân của các bậc chơn tu xuất gia và cư sĩ có uyên thâm Phật pháp đối trước mọi việc đạo, đời dù cho nguy nan, thất bại và kể cả tiếp nhận mọi khổ đau phiền não vào lòng hay là an bình, thành công của mình, của người... như vậy chính là tâm đã thấy được mọi hiện tượng khổ đau, hạnh phúc... và thể tướng các pháp giới (thân người và vạn vật) hiện hữu thực tại trên đời này đều là những sản phẩm của Định Lý Duyên Khởi, định luật nhân duyên chi phối nhân quả mà có sinh, diệt thì đâu cần gì phải bỏ công ra bàn luận đến chân lý mười như thật tướng sai biệt của các pháp (như thị tướng, thị tánh, thị thể, thị lực, thị tác, thị nhân, thị duyên, thị quả, thị báo, thị bổn mạt cứu cánh) mà thầy Thích Nhất Hạnh đã tạo cái nhân Duyên Khởi như thị tác hành động Phật pháp cho đời.  Chứ không phải trạng thái im lặng của quý ngài (chư tôn giáo phẩm) do tâm kiến chấp, cực đoan biên kiến đối với tác phẩm ĐPLLH và tác giả!  Cho nên trạng thái giữ im lặng, không bình luận của quý chư tôn đức cao niên hạ lạp lúc bấy giờ, nhất là quý ngài ở Huế, trước sự thành đạt lừng lẫy về văn hóa thế gian pháp tức thị phật pháp của thầy Nhất Hạnh là cái im lặng như Chánh pháp.  Thái độ im lặng như chánh pháp của quý ngài, riêng đối với thầy Nhất Hạnh, không những sau khi thầy được trở thành danh tăng về văn hóa dân tộc, đạo pháp và thiền học, mà trước đó quý ngài đã im lặng đối với thầy như vậy rồi.  Chính cố hòa thượng Thích Trí Thủ, giám viện phật học Viện Báo Quốc đã mấy lần im lặng trước trạng thái chấp tay cung kính lời tác bạch của thầy Nhất hạnh nhã ý xin được đi học văn hóa thế gian pháp cho mục đích được theo kịp đà văn minh tiến bộ về khoa học kỹ thuật của con người ngoài xã hội mà phát triển, ứng dụng những nguyên lý pháp môn Phật học vào đời ở các thế hệ thanh niên trẻ được hữu hiệu hợp với căn cơ, trình độ khoa học của tuổi trẻ.  Nhưng cố hòa thượng Thích Trí Thủ không trả lời, vẫn ngồi im nơi bàn tợ được đặt trên bộ ván ngựa cũ kỹ, uống từng ngụm trà thiền sau những làn khói trầm lam mỏng manh như những sợi tơ từ cái bát hương nhỏ xíu bằng nắm tay đang vươn lên, uốn mình tự tại, ngoằn ngoèo, là đà tỏa hương thơm cùng khắp chốn thiền môn trong buổi sớm bình minh ở cuối thập niên bốn mươi và đầu năm mươi của thế kỷ 20 vừa qua.  Sau hơn một lần tác bạch trình bày mục đích học hỏi văn hóa phổ thông thế gian pháp không được cố hòa thượng Thích Trí Thủ đáp lời cho hay không, thầy Thích Nhất Hạnh tự mình ra đi theo tiếng gọi của Tôn giả ANAN: “Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập”, đáp con tàu xuyên Nam một cách im lặng như chánh pháp.  Trạng thái ngồi im của cố hòa thượng Thích Trí Thủ và sự im lặng ra đi của thầy Thích Nhất Hạnh như vậy, cả hai đều cùng một thể tánh “Nhất Như”, không phải khó xử (về phía cố hòa thượng Trí Thủ) và cũng không phải phá bỏ nội quy tu viện (về phía thầy Nhất Hạnh).  Nếu không nói là tâm truyền tâm từ chân sư qua học trò.  Nói một cách khác, thầy Thích Nhất Hạnh đã được cố hòa thượng Thích Trí Thủ thấy rõ thầy là một học tăng có trí thông minh xuất chúng, có đạo nghiệp Bồ Đề rộng lớn và ý chí siêu phàm trên vận hành hoằng dương chánh pháp cho thế giới nhân loại Đông, Tây.  Nên ngài đồng ý trong thầm lặng rằng: “Chư tôn giáo phẩm trong cả nước và riêng ở Huế hiện đang chủ trương cho Tăng, Ni sinh chỉ được học Nội Điển (Kinh, Luật-Luân) mà thôi, không được học văn hóa phổ thông thế gian.  Vậy thầy muốn học văn hóa đời, thầy cứ tự động tìm đường ra đi, chứ tôi không dám cho.”  Từ đó hình ảnh của thầy Nhất Hạnh không còn hiện hữu nơi không gian tu viện Báo Quốc, nhưng thầy còn để lại trong lòng các thầy trẻ một tình thương xuất thế gian, để lại cho mặt đất Già lam những tế bào xác thân rơi rụng, cho những cây nhãn trong sân chùa sự trống vắng hình bóng thầy vào trưa hè tỏa bóng mát gốc cây...  Tất cả thực tại hiện hữu mà thầy đã bỏ lại sau lưng đều im lặng thương nhớ và ngóng đợi thầy.  Bạn hữu Tăng sinh ngóng đợi, nếu không nói là thèm thuồng được ra đi như thầy.  Chư tôn giáo phẩm Huế ngóng đợi sự thành danh của thầy.  Cho nên sự ra đi của thầy Nhất Hạnh không giống như sự ra đi của Lục Tổ Huệ Năng sau giây phút nhận lãnh Y Bát từ tay ngũ tổ Hoằng Nhẫn, tức là Lục Tổ Huệ Năng ra đi không để lại cho đại chúng tăng chùa Bửu Lâm niềm thương nhớ nào.  Trái lại còn bị săn đuổi rượt bắt, lưu lạc trong rừng, sống với những người thợ săn qua những năm tháng ăn cơm hẩm với rau rừng, uống nước suối, chịu nóng bức mùa hè, giá rét mùa đông khi bản thân ngài chỉ phục sức bộ áo quần nâu sồng cũ kỹ của thuở giã gạo, nấu cơm tại chùa Bửu Lâm.

Dù sự ra đi vì sự nghiệp Cách Mạng Hiện Đại Hóa Phật Giáo của thầy Nhất Hạnh không gặp nhiều khổ đau ở bản thân như Lục Tổ, nhưng thầy cũng gặp lắm thứ khó khăn, nghịch cảnh, thị phi, thiếu thốn vật chất cho bản thân khi an trú ở một vài ngôi chùa nghèo tại Saigon suốt thời gian học hành, thi cử...  Đó là một chân lý của khổ, nói như Khổng Tử: “Hữu thân hữu khổ” không thể tránh khỏi đối với con người, dù là một đạo sĩ đi tìm chân lý tại thế gian.  Vì có khổ ở bản thân, con người mới thành người.  Nhất là các đạo sĩ muốn đạt đạo tỉnh thức giác ngộ; không thể không tiếp nhận nhiều thứ khổ đau vào thân làm chất liệu khảo sát về hiện hữu và bản chất hiện hữu để đi sâu vào thực nghiệm tâm linh mà chứng nghiệm tỉnh thức.  Chính “Đức Phật thiết lập chánh pháp lấy khổ đau làm thuốc hay, lấy hoạn nạn làm thành công, lấy gai góc làm giải thoát, lấy ma quân làm đạo bạn, lấy khó khăn làm sự tác thành, lấy bạn tệ bạc làm người giúp đỡ, lấy kẻ phản nghịch làm người giao du, lấy sự thi ân như đôi dép bỏ, lấy xả lợi làm vinh hoa, lấy oan ức làm đà tiến thủ.  Các bậc Bồ Tát đã lấy cuộc đời khổ đau làm trường rèn luyện, đã lấy chất liệu khổ đau để nuôi dưỡng lý tưởng, đã làm nở hoa giải thoát trên miếng đất nhiễm ô.  Nhưng không phải nhìn nhận cuộc đời khổ đau si vọng để mà chán nản và buông xuôi hai tay.  Phải phát ý nguyện rộng lớn, phải có ước vọng cao cả ấy là bản thân của những cuộc đời lý tưởng Bồ Tát linh động và tích cực, nuôi dưỡng cho ý nguyện ấy và ước vọng ấy là nhận thức thường xuyên về khổ đau hiện thực của kiếp người.” (ĐPĐVCĐ trang 120-121).  Nhờ những nghịch cảnh, khổ đau, khó khăn, thiếu thốn ấy, tâm thức thầy Nhất Hạnh vốn sẵn giàu có sự hiểu biết càng thêm giàu có ở ngôi vị thượng tầng hiểu biết cao rộng như Vì Sao Hôm cô đơn của hoàng hôn lên cao và lên cao giữa bầu trời khuya khi con người và vạn vật khép cánh cửa lòng, duỗi mình ngủ say trong cõi mộng, rồi đi dần, đi dần về phía đông gọi là Vì Sao Mai.   Vì Sao Mai và Sao Hôm vẫn là một, chỉ khác về phương hướng; chiều chạng vạng mọc ở hướng tây, gần sáng mọc ở hướng đông.  Vì Sao Mai xuất hiện ở hướng đông cũng không ngoài vai trò hướng đạo, chỉ đường cho con người thấy rõ lối đi, đường về lúc không gian trong đất liền, núi non và biển cả đang đi vào bóng tối lờ mờ y như không gian của buổi hoàng hôn, là lúc muôn ngàn sao và chùm sao Bắc Đẩu trong bầu trời đều lặn mất.  Nhờ Vì Sao Mai duy nhất còn lại ở bầu trời phía đông lúc gần sáng, mà những con thuyền từ biển khơi về bến cũ nghỉ ngơi sau một đêm dài lặn lội được thấy rõ đường về, và cũng như những con thuyền từ bến bắt đầu ra khơi lúc sớm khuya thấy rõ lối ra trước khi bình minh ló dạng.

Nói rõ hơn, không gian tâm linh vô tướng thầy Nhất Hạnh vốn có Bản Môn Pháp Hoa Bồ Tát Đạo thường trực hiện hữu, lại càng hiện hữu lên cao đỉnh núi Linh Thứu trong cõi lòng thầy do qua quá trình bản thân thầy tiếp xúc thẳng với dòng đời Saigon đầy nắng lửa, mưa dầu và chật vật trên bước đường khảo sát, nhận thức và tri hành các môn học thế gian pháp để làm phương tiện hiện thực khai mở lại nguồn sống đầy sinh lực và mầu nhiệm của Đạo Phật vốn sẵn có trong cuộc đời mà Đức Phật đã tìm ra và để lại cho chúng sanh hậu thế đã bị tắc nghẽn, phải được lưu nhuận vào mọi căn tính con người thời đại thực tại.  Vì vậy mà bản thân thầy đã trở thành một hiện tượng sinh hoạt linh diệu, dòng đạo pháp được khai mở hiển lộ từ con người của thầy, làm cho hàng trăm tăng sinh tại Phật Học Đường Ấn Quang lúc bấy giờ bao chung quanh để nghe thầy nói bài pháp Sen Nở Đầu Mùa sau khi gặt hái xong đầy đủ các phẩm chất Thế Gian Pháp (ngoại điển).

Hương vị của đóa sen trắng trong bài pháp Sen Hái Đầu Mùa, không những chỉ bay quần trong tâm thức các tăng sinh Phật Học Viện Ấn Quang-Saigon, Báo Quốc-Huế, Hải Đức-Nha Trang, mà còn được lan rộng khắp chốn thiền môn trên cả nước, len nhẹ vào cái khoảng không gian tâm thức của quý chư tôn giáo phẩm cao cấp, lãnh đạo trong các giáo hội Phật giáo và các phật học viện khiến cho tâm thức quý ngài thức dậy như sự thức dậy của bản thân khi nghe tiếng chuông Bảo Chúng vang lên từng tiếng vào buổi khuya cùng với lời pháp Tỉnh Thức: “NGŨ CANH DĨ ĐÁO PHÁP MÔN KHAI - PHỔ NGUYỆN ĐỒNG ĐĂNG BÁT NHÃ ĐÀI - LIỄU TRIỆT TAM THỪA DUNG NHỊ ĐẾ - CAO HUYỀN HUỆ NHỰT TỊNH VÂN MAI -NGƯỠNG LAO ĐẠI CHÚNG CÁC CÁC TĨNH TÂM NIỆM PHẬT: Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần - đại chúng tăng ngồi trên giường niệm Phật theo sau tiếng niệm của vị thầy hô canh.  Mỗi lần sau tiếng niệm của vị thầy niệm trước được đánh lên một tiếng chuông Bảo Chúng và tiếp theo một tiếng Đại Hồng Chung trên tháp chuông.  Sau đó cả đại chúng tăng xuống giường, rửa mặt, phục sức cà sa, lên chánh điện hành lễ Công Phu Khuya).  Lời pháp trên chính là tiếng gọi những tăng thân tu sĩ Phật giáo tại chốn thiền môn hãy lên chánh điện vào thời Công Phu Khuya để nghe lời nhập thế của Tôn Giả ANAN: “... tương thử thân tâm phụng trần sát, thị tắt danh vi báo phật ân, phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh, ngũ trược ác thế thệ tiên nhập...” trước khi tụng năm Đệ Lăng Nghiêm và Thập Chú...

Có lẽ do hương vị của những đóa “Sen Hái Đầu Mùa” từ ngôn ngữ pháp thoại trước các tăng sinh, cho đến lời văn được ghi đậm lên những trang giấy của Tập San Sen Hái Đầu Mùa được xuất bản liên tục nhiều số sau đó, mà chư tôn giáo phẩm trong Ban Giám Hiệu tại các Phật Học Viện đã cho phép các Tăng sinh trẻ được đi học phổ thông tại các trường trung, tiểu học Công Lập và Bồ Đề.

Sau khi trao cho những tăng sinh tại các Phật Học Viện những đóa sen trắng hái đầu mùa, thầy Nhất Hạnh lên Đà Lạt an trú tại chùa Linh Quang như là một Linh Thứu của thuở xưa khi Phật còn tại thế, vì nơi đây thầy vừa giảng phật pháp phổ thông, viết sách phật pháp, vừa xây dựng một trường Trung Học Đệ Nhứt Cấp Tư Thục Tuệ Quang do thầy làm hiệu trưởng.  Các môn học cho học sinh, ngoài văn hóa phổ thông, còn có phật pháp (giáo lý) sơ cấp cơ bản cho học sinh mỗi lớp.  Ngôi trường Tuệ Quang này chính là bước đầu của tư tưởng và hành động đem Đạo Phật đi thẳng vào đời ở giới trẻ như đem nước vào các ao có nhiều mầm sen đang lên, nhưng bị khô nước, được tươi mát trở lại mà lên mầm, trổ hoa trên mặt nước theo kế hoạch Hiện Đại Hóa Phật Giáo.  Cho nên hình ảnh ngôi trường Tuệ Quang, nam nữ học sinh đến học văn hóa phổ thông và Phật pháp, cũng như mọi sinh hoạt thanh niên tại trường Tuệ Quang mang màu sắc Phật giáo rất linh hoạt như thực tập thiền định, bích báo chứa nội dung chuyển hóa tâm vô minh thành tâm giác ngộ... như là những đóa sen hái đầu mùa.  Phải nói rằng, trường Tuệ Quang là tiền thân, mẹ đẻ ra các trường trung, tiểu học Tư Thục Bồ Đề sau đó trên toàn quốc rất lâu trước 1975.  Vì vậy mà khi trường trung, tiểu học Bồ Đề Đà Lạt được xây dượng vào năm 57-58 là đúng theo niềm khát vọng mong muốn và nằm trong kế hoạch Hiện Đại Hóa Phật Giáo của thầy, thầy liền giao trường Tuệ Quang lại cho thầy trụ trì là Hòa Thượng Thích Minh Cảnh và chư tăng chùa Linh Quang Đà Lạt.  Nơi Già Lam Linh Quang đó, tôi vẫn còn nhớ mãi một chiều hè 1957, tại phòng học trường Tuệ Quang, đoàn học tăng Phật Học Đường Nha Trang chúng tôi gần ba mươi vị, được thầy Nhất Hạnh nói cho nghe về đề tài “Phật Giáo Dân Chủ Mới” nhân chuyến trại hè Đà Lạt do các vị thượng tọa trong Ban Giám Hiệu Phật Học Đường lúc ấy là cố hòa thượng Thích Thiện Minh, hòa thượng Thích Huyền Quang cho phép, mà vị trưởng phái đoàn là thầy Như Bửu (hiện đang là Chủ tịch Hội Đồng Chỉ Đạo Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ-2002) dẫn đoàn đến thăm hòa thượng Thích Nhất Hạnh.  Lời pháp, thầy nói với chúng tôi ở cái thuở xa xôi ấy và hôm nay năm 2002 tại hải ngoại không khác; dù lời pháp trước hàng ngàn người Âu, người Mỹ hay Việt, vẫn một âm La thứ của một khúc nhạc tình êm diệu, rõ ràng từng lời.  Làm cho thân, tâm học tăng chúng tôi, ai cũng đều an trú trong thực tại, hướng mặt lên thầy, lắng lòng nghe, lắng lòng nghe lời thầy một cách chăm chú bởi những năng lực quyến rũ của lời pháp rất mới có chứa đựng tính chất dân chủ đích thực vốn có trong nền đạo lý của Phật giáo, nhưng vì không được khai mở, nay được thầy khai mở, nên nghe như mới.  Và, cũng như do thái độ của thầy đối xử với các cử tọa bằng cái nhìn thân thương thật sâu rộng, hiền hòa bao dung bất nhị, cùng với nụ cười chân thật khi ngừng nói để làm cho tâm thức người nghe trở về thực tại trong giây lát, rồi nói tiếp hay để trả lời câu hỏi của cử tọa.  Do vậy, gần ba tiếng lắng nghe, mà bản thân chúng tôi ai cũng ngồi yên không thấy mỏi mệt, tâm được thêm niềm an lạc, được sưởi ấm bởi tình đạo thầy trao, cho nên căn phòng chúng tôi đang an trú nghe pháp, nó đang đồng tình với không gian bên ngoài ở nghĩa vụ tiếp nhận không khí lành lạnh vào phòng để làm quà cho khách phương xa mới đến Đà Lạt.  Nhưng cơ thể học tăng chúng tôi cảm thấy mát rượi vì cái khí lạnh thường lệ của chiều hè Đà Lạt trước và sau khi mưa là như vậy, tức là người già cảm thấy lành lạnh, người trẻ thấy mát rười rượi lên người.  Nhất hạng là những người ở xứ nóng như Nha Trang chúng tôi đều ưa thích cái mát rười rượi ấy của trời hè Đà Lạt mưa chiều.  Rõ thật, tôi ngồi gần bên cửa sổ, qua khoảng trống dài bằng bàn tay của cánh cửa khép hờ, tôi thấy bầu trời Đà Lạt bên ngoài đang loang lổ trắng, đen bởi những đám mây xám xịt chưa vá hết bầu trời, vì đám mây nào cũng no đầy bụng nước, nên cục mịch, lang thang thật chậm, là đà trên đỉnh núi, trên ngọn thông trước khi mưa xuống cho hoa màu, cỏ cây...  Bỗng sự yên lặng hiện hữu đánh thức đôi mắt tôi quay vào căn phòng thực tại, thì liền sau đó nghe thầy nói tiếp: “...  Kỳ thực, vấn đề đặt ra cho Đạo Phật là vấn đề hiện đại hóa (actualisation) mà không phải là vấn đề tân thời hóa.  Hiện Đại Hóa có nghĩa là một sự thoát xác, một sự cởi bỏ xiềng xích hình thức để giải phóng cho nội dung Phật chất (nội dung bản chất Phật giáo) đưa Đạo Phật vào ngự trong lòng người, đánh tan mọi nghi nan, thắc mắc, khổ đau, vượt được những tà thuyết và thái độ hiện đang dày xéo tự do, an lạc của con người.  Mà Đạo Phật không phải chỉ là giáo lý: Đạo Phật là sự thực hiện giáo lý, là kết quả của sự thực hiện giáo lý trong bản thân cuộc đời.”   Thầy ngưng trong giây lát rồi nói tiếp: “Các thầy, các chú ngày sau, khi được tốt nghiệp Cao Đẳng Phật Học và có thêm một vài văn bằng văn hóa phổ thông của đời càng tốt để được dễ dàng kiến tạo ra những phương cách thực hiện giáo lý trong bản thân cuộc đời, là phận sự gần nhất của người tăng sĩ Phật giáo, là giáo dục và vun bón niềm tin cho một xã hội thác loạn, đem giáo lý sống trong cuộc đời ta mới trực nhận được những nguyên lý linh động ấy.  Nếu ta đặt giáo lý xa lánh cuộc đời, thì chỉ là giáo lý mà không phải là sự thực hiện Đạo Phật, vì Đạo Phật ra đời là để phụng sự con người.  Rời con người, Đạo Phật mất sứ mạng.”

Buổi hàn huyên tâm sự bằng pháp thoại giữa thầy và học tăng chúng tôi được chấm dứt bằng lời thầy khuyên: “Các thầy, các chú luôn nhớ, đừng quên sứ mạng của mình đối với cuộc đời”, cũng là lúc cơn mưa chiều mùa hạ Đà Lạt tháng sáu 1957 đang bắt đầu rớt hạt lưa thưa xuống mái trường Tuệ Quang.

Giao xong trường Tuệ Quang, thầy Nhất Hạnh từ giã xứ anh đào, về sống ở Bảo Lộc, xứ có nhiều cây bơ, cà phê và vườn chè.  Nơi đây là Linh Thứu thứ hai của thầy bằng một cái am nho nhỏ có tên là Phương Bối, được phật tử Bảo Lộc xây dựng bên cạnh vườn chè sau lưng chùa Hội Phật Giáo Bảo Lộc.  Nơi am Phương Bối này, tôi đã được nghỉ lại đó hai hôm giữa khoảng tháng sáu 1963 nhân chuyến công tác tranh đấu Phật giáo tại chùa Tỉnh Hội Phật Giáo Bảo Lộc, sau đó cùng về lại Saigon với thầy Thích Giác Đức là giảng sư lúc bấy giờ.  Suốt những năm tháng an trú tại Linh Thứu Phương Bối, Bồ Tát Đạo của thầy không ngoài các việc: giảng dạy Phật pháp cho phật tử Bảo Lộc, hành thiền và viết sách Phật pháp.  Những tác phẩm nổi tiếng được nhiều người thích đọc nhất như: NÓI VỚI TUỔI HAI MƯƠI, ĐẠO PHẬT NGÀY NAY, ĐẠO PHẬT ĐI VÀO CUỘC ĐỜI, ĐẠO PHẬT HIỆN ĐẠI HÓA, NẺO VỀ CỦA Ý... được tái bản nhiều lần.  Thậm chí có một vài tác phẩm được tái bản trên mười lần, chẳng hạn “NÓI VỚI TUỔI HAI MƯƠI”.  Tất cả những tác phẩm nổi tiếng trên, hầu như được thầy viết tại Phương Bối.  Nhưng sau khi thầy rời khỏi Phương Bối 1961 và mãi đến 1963 trở đi mới được nhà xuất bản Lá Bối Saigon xuất bản, tái bản liên tục cho đến 30-4-75 thì chấm dứt vì bị CSVN tịch thu.  Nói đến tác phẩm của thầy Nhất Hạnh, phải nói rằng có đến trên 50 quyển, đủ loại: Khảo Cứu Văn Hóa, Văn Học, truyện luân lý giáo dục xã hội, truyện văn hóa Phật giáo, giảng luận Phật pháp... bằng nhiều thứ tiếng; nhiều nhất là tiếng Việt, thứ đến là Anh, Pháp và một ít tác phẩm khác được dịch ra tiếng Do Thái, Tây Ban Nha và Đức ngữ...  hiện nay tại hải ngoại.  Thậm chí có những cuốn đã được xuất bản ít nhất là trong 30 thứ tiếng trên thế giới như cuốn “Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức” (The Miracle of Mindfulness).  Số lượng trên 50 quyển như vậy, hơn một nửa được thầy viết tại hải ngoại sau khi rời khỏi Việt Nam trước 75, sang Pháp lập ra làng Hồng, làng Mai cho mục đích truyền bá “PHÉP LẠ CỦA SỰ TỈNH THỨC” bằng pháp tu thiền cho nhân dân Âu Mỹ.  Cho nên ta không nghe, thấy âm thanh sáo ngữ, cầu kỳ, tư tưởng triết lý cao siêu nào hiện hữu trên những trang sách của hằng trên 50 tác phẩm và lời pháp thoại thực tại trước hàng ngàn thính giả người Âu Mỹ, Á Châu và Việt, vẫn hiện thực một tư tưởng lớn duy nhất.

Một tư tưởng lớn đó là gì?  Tư tưởng thiết tha trao truyền cho người phật tử hay không phật tử những phương pháp, những kinh nghiệm thực tập thiền quán trực nhận nhìn thẳng vào bản thân thực tại để dập tắt mọi vọng nhiễm, phiền não ô trược ra khỏi tâm thức là hiệu quả đạt được thực chứng tự tính thanh tịnh tâm, là lúc thân tâm con người không còn khổ đau, được an lạc và hạnh phúc.   Nói như Duy Thức Học, thì đây là tính chất của a lại da thức tức là ý, tâm là luôn hằng chuyển, hoạt động không bao giờ gián đoạn gọi là đà sống của loài hữu tình chúng sinh; bởi vì nếu không có tính chất này thì sẽ không có gì cả, không có vạn pháp, không có vũ trụ, không có sự sống.  Tâm thức hằng chuyển không ngừng nghỉ trên dòng sống thanh tịnh, an lạc và hạnh phúc bất biến trong thực tại là sự sống có hiểu biết theo nghĩa của chữ budh do đó có chữ Buddha là người hiểu biết, tỉnh thức, giác ngộ.  Còn chữ Buddhism là con đường của sự hiểu biết.  Đó là tư tưởng lớn, tư tưởng Đại Thừa thành Phật mà xưa kia đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni phải trôi lăn trong cõi ta bà hằng vô lượng kiếp và sống vô lượng thời gian thực tập mới đạt được quả vị hiểu biết rộng lớn đó, rồi trao truyền lại cho chúng sanh.

Cũng như vậy, qua Tam Tạng Kinh điển Phật giáo, ngày nay, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã tốn hằng vô lượng thời gian trên quê hương trước 75 và hải ngoại để học hỏi những khế lý của các pháp môn trong công cuộc tìm kiếm những phương pháp mới được viết ra thành sách, nói ra thành lời pháp và đôi chân đi khắp đông, tây cũng chỉ vì một mục đích duy nhất là hướng dẫn, chỉ bày cho phật tử Việt Nam trong nước và hải ngoại, cũng như nhân loại trên thế giới về phương pháp thực tập nhiều pháp môn để đạt trí tuệ tỉnh thức hiểu biết mà pháp môn Thiền được thầy chọn làm chuẩn.  Nói rõ hơn, Kinh điển của Phật có vô số lượng pháp môn tu, pháp nào cũng có chứa đựng hương vị chân tâm tỉnh thức như chất ngọt có trong các cây trái, nếu con người quyết tâm chọn cho mình một pháp chính như Thiền, Tịnh, Mật... làm chuẩn và một vài pháp môn phụ đúng theo quy luật tương dung “Một pháp trong tất cả pháp - Tất cả pháp trong một pháp” sẽ bắt gặp ngay trí tuệ tỉnh thức vào lòng.  Từ đó cho ta thấy rằng thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết ra nhiều tác phẩm không mang nhãn hiệu Phật giáo và có nhãn hiệu Phật.  Nhưng tất cả đều có bản chất tỉnh thức hiểu biết trong mỗi cuốn sách, chưa nói là có các đạo lý Trung, Hiếu, Lễ, Nghĩa, Báo ân được bàng bạc trong đó là đằng khác.  Sở dĩ thầy viết ra nhiều tác phẩm, nói ra nhiều bài pháp thoại có đề tài khác nhau chỉ vì căn cơ, trình độ con người mà có.  Nhưng dù lời pháp này cho những người này, lời pháp kia cho những người kia, sách này cho giới trí thức, sách kia cho giới bình dân... chỉ là phương tiện khai quyền hiển thật khế lý cho mọi người trong nhiều giai cấp để hiểu và thực tập từng bước đi lên ngôi vị tỉnh thức, như vị bác sĩ tùy bệnh mà cho thuốc, người bệnh phải uống mới lành bệnh.  Lành bệnh mau hay chậm là do căn bệnh và người uống thuốc đúng đô, đúng lượng không quên thời gian uống.  Cũng như vậy, hiệu năng để làm cho tâm con người có trí tuệ tỉnh thức mau hay chậm do con người thường trực thực tập suốt trên vận hành sống, nên gọi “Sống có tỉnh thức” là như vậy.  Nói như lời thầy: “Rửa chén biết mình rửa chén, lái xe biết mình lái xe...”  Còn hành thiền tỉnh tọa và đi từng bước vững chãi là thời điểm đưa tâm an trú trong thực tại nhìn thẳng vào bản thân qua từng hơi thở nhẹ, ra, vào mà quán niệm về vô ngã, vô thường sinh, diệt của các pháp, đây là thời gian không có hình thái của sự hành động (hành vô hành).  Chính thời gian này, hành giả bắt gặp dòng suối an lạc và màu nhiệm tuôn chảy trong thân tâm.  Dòng suối an lạc đó do thực tập mà có, chứ không do dùng trí suy luận qua sách vở và cũng không phải do trạng thái quy phục ngưỡng vọng cúng dường lên hình tượng chư Phật mà được trí tuệ tỉnh thức hiểu biết, như lời thiền sư Nhất Hạnh đã khẳng định: “Hiểu biết ở đây không phải là cái hiểu biết sách vở kinh điển mà là bản thân của chính thực tại hiện rõ dưới khả năng trí tuệ bát nhã (prajna) chỉ có thể đạt đến do công phu tu tập thiền quán.  Người phật tử không khởi hành bằng một mớ vốn liếng kiến thức siêu hình không có nền tảng thực nghiệm, mà bằng những nhận thức được thực nghiệm bảo đảm.  Người phật tử không bắt đầu bằng một đức tin có tính cách may rủi mà bằng một sự cân nhắc cẩn thận những nguyên lý và những phương pháp do Đạo Phật đề nghị.  Đạo Phật mời con người thí nghiệm những phương pháp của nó: điều này chứng tỏ Đạo Phật khác hẳn các tôn giáo mà trong đó ý niệm về “theo thử” được xem như là bất tín và phạm thượng.

Đạo Phật không phải là một tôn giáo theo nghĩa những chân lý thần khải không thể kiểm điểm mà chỉ có thể tiếp nhận bằng đức tin.  Đạo Phật trước hết là những phương tiện chỉ dẫn thực nghiệm tâm linh để khám phá thực tại.  Kinh sách có giá trị như những đồ biểu hướng dẫn và phương pháp thiền quán có giá trị như một con tàu để đưa người hành giả tới bến bờ hiểu biết và để thực hiện sự hiểu biết ấy trong sự sống bản thân và sự sống xã hội.

Theo nguyên tắc Đạo Phật, một cá nhân nào đó khi muốn bước vào con đường thực nghiệm, phải khảo sát những nhận thức mà Đạo Phật xem như là căn bản, rồi khi đã chấp nhận những nhận thức ấy thì kiểm điểm lại những nguyên tắc thực hành rút ra từ những nhận thức kia.  Khi đã kiểm nhận kỹ lưỡng rồi, cá nhân ấy mới nên bước vào con đường thực nghiệm với thái độ cương quyết nhưng hết sức tỉnh táo, khách quan.  Nếu sự thực nghiệm không mang lại kết quả thì phải bắt đầu trở lại, và nếu quả thực phương thức đề nghị không thích hợp thì phải bỏ đi để chọn một phương thức khác.

Tuy nhiên không phải người phật tử nào cũng đi được con đường đó.  Có những người mà vì căn cơ yếu đuối hơn nên phải chọn một trong những con đường thi thiết của Đạo Phật; chữ thi thiết đây có nghĩa là những phương tiện thích hợp với căn tính của những người không đủ sức một mình một ngựa xông pha trên đường thực nghiệm.  Và cũng vì vậy trong tám vạn bốn ngàn nẻo vào chân lý, có những nẻo để dành cho Đức Tin.  Giáo Lý Tịnh Độ chẳng hạn, là một giáo lý căn cứ trên Đức Tin và thích hợp với một số người không phải nhỏ.  Và số người nhờ cửa ngõ Tịnh độ để bước lên ngưỡng cửa Thiền cũng không phải là không đáng kể.

Tuy nhiên vì Đạo Phật luôn luôn chú trọng thực nghiệm và lý trí nên Đức Tin của người phật tử không phải là một đức tin vô điều kiện.  Theo sự tiến hóa của tâm linh, đối tượng của niềm tin càng ngày càng thay đổi, biến chuyển để đi dến sáng tỏ.  Và khi đối tượng của tin tưởng trở thành sáng tỏ thì chủ thể tin tưởng cũng đã trở nên vững chãi và sáng tỏ lắm rồi.  Tin ở đây là một quá trình tiến bộ” (ĐPĐVCĐ trang 183-186).

Qua đoạn văn thầy nói về Tịnh độ ở trên cho ta thấy rằng Pháp Thiền Định của thầy đã và đang hướng dẫn mọi người tu tập như ánh trăng, mặt trời trong bầu trời chiếu xuống vạn vật trên mặt trái đất chứ không phải như ánh sáng của cây đèn pha, dù có xoay qua xoay lại bốn phương vẫn bị giới hạn như thường.  Nói khác hơn, Thiền Định có trong Tam Tạng Kinh Điển Phật dạy, tức là tám vạn bốn ngàn pháp môn đều là những nẻo đi vào ngôi nhà trí tuệ Bát nhã thanh tịnh, hiểu biết, thì hàng trăm tác phẩm, pháp thoại có đề tài khác nhau mà thầy đã viết, đã nói như người tiếp tân phục sức trang nhã với thái độ vui vẻ và nghiêm túc đứng trước cửa nhà hàng nói lời ái ngữ chào mời quan khách và hướng dẫn khách vào bên trong.  Tại đây những người khách tự do lựa chọn món ăn, thức uống để được no lòng.  Người tiếp tân mà tôi nói ở đây, chính là Hơi Thở ra, vào mà Thiền Sư Thích Nhất Hạnh luôn luôn nhắc nhở con người đừng quên hơi thở.  Hơi thở mà thầy nói là hơi thở có chánh niệm.  Tâm có chánh niệm qua hơi thở là nguồn sống có an lạc, có hiểu biết.  Cho nên thầy mượn hơi thở để đưa tâm thức con người từng bước đi lên ngôi nhà trí tuệ hiểu biết.  Bước đầu tiên là tâm chánh niệm không còn vọng động khi mọi chủng tử hữu ngã bất thiện bị tâm thanh tịnh vô ngã đè bẹp và tiêu diệt là lúc đến bước thứ hai là nghe pháp thoại hay học Phật pháp.  Vì vậy mà giữa lời pháp thoại, thỉnh thoảng thầy đánh lên một tiếng chuông ngân dài để cho tâm người nghe pháp trở về thực tại an trú trong chánh niệm qua hơi thở nhẹ ra vào.  Nhờ tâm chánh niệm thanh tịnh, con người học Phật pháp mới liễu ngộ chân lý của các pháp.  Hiểu được pháp nhiều hay ít tùy theo căn cơ và trình độ của hành giả học Phật.  Tâm có liễu ngộ khế lý của các pháp môn, tâm mới có thể tu tập được các pháp.  Nói như người xưa: “Tri đạo tức là học đạo, kiến đạo, tu đạo và chứng đạo.”  Tiếng chuông và hơi thở chánh niệm là công cụ thực tập kiến đạo.  Kiến đạo tức thấy đạo không do năm giác quan mà do tâm thức, tuy nhiên phải do năm giác quan bên ngoài (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân) đánh thức tâm thức bị thất niệm (vọng động lang thang trong không gian tâm linh) trở về chánh niệm thấy lại bản thân thực tại mình đang làm gì, tiếp tục hành động việc ấy; như thiền quán, nghe pháp, bố thí, cúng dường, tụng niệm, lợi tha, cứu khổ chúng sanh... cho đúng cách tương dung liên hệ giữa thân, khẩu, ý, giới, định, huệ trên quá trình hành đạo.  Được như vậy mới có thể đạt đạo, nhưng với điều kiện tâm thức phải thường hằng chuyển trên dòng tâm chánh niệm, do vậy thầy Nhất Hạnh hướng dẫn cho phật tử Việt Nam và Âu, Mỹ sử dụng hơi thở làm chuẩn tương quan với tâm thức trong việc thực tập để sau đó trở thành nhuần nhuyễn, lưu nhuận thường trực tỉnh thức một mình một ngựa trên vạn lý hành trình tu đạo và đạt đạo.  Cho nên, thầy đã nói: “Ăn, ngủ, nói, cười đều là đạo.”  Nguồn đạo thân tâm chánh niệm có trong tất cả các pháp môn Phật học.  Cho nên đến với Tăng Sĩ Phật Giáo là đến với pháp môn Phật học để học pháp mà đạt được đạo thanh tịnh thân tâm thường hằng hiện hữu trong đời sống.  Thanh tịnh thân tâm là nguồn hạnh phúc tuyệt vời gọi là Tịnh độ một khi người Phật tử liễu ngộ được khế lý của một pháp môn trong tám vạn bốn ngàn pháp môn mà mình đã học, đúng như lời thầy Nhất Hạnh nói: “Ta phải biết rằng mọi phương pháp tu tập chỉ là phương tiện đưa người thực hành đi tới Tịnh độ tùy theo căn cơ của mình.  Căn trí khác nhau, nên có người thì bắt đầu từ chổ này, người thì bắt đầu từ chổ kia.  Vì vậy, nhận thức của mình về sự thực tập tịnh độ phải là nhận thức rộng rãi mới được.  Đạo Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn, may mắn mình tìm ra được một trong các pháp môn ấy, và sự thực tập đem lại cho mình hạnh phúc.”

Thời Phật còn tại thế, vì căn cơ trình độ của chúng sanh khác nhau mà Phật thuyết minh vô lượng pháp môn phương tiện khác nhau.  Sau khi Phật nhập Niết Bàn, Chư Tăng bảo tài đức trong vai trò truyền thừa chánh pháp vào thế gian cho phù hợp với căn cơ trình độ con người trong xã hội mà mình có mặt, nhất là xã hội đang phát triển trí thức, nên tự lập ra một hệ thống pháp phương tiện có tính cách chủ yếu của pháp môn gọi là Tông Phái do y cứ vào một số Kinh Luận (pháp môn) mà mình đã sở đắc làm yếu nghĩa chỉ đạo cách thức tu tập cho con người quay về Đạo Phật.  Vì vậy mà trong Đạo Phật có đến mười Tông Phái: Câu Xá Tông, Thành Thật Tông, Luật Tông, Tam Luận Tông, Thiên Thai Tông, Hoa Nghiêm Tông, Pháp Tướng Tông, Mật Tông (Chân Tông), Tịnh Độ Tông, Thiền Tông.  Dù Thiền Tông, Hoa Nghiêm, Câu Xá hay Tinh Độ, v.v. cũng không ra ngoài quy luật một pháp có mặt trong tất cả pháp.  Tức là hành giả chọn cho mình một pháp tu chính như Pháp Thiền (do Đạt Ma tổ sư thành lập) hay Tịnh Độ (do Đại Sư Huệ Viễn sáng lập) đều phải học và tu tập thêm các pháp liên hệ với pháp môn chính mà mình đã chọn.  Từ chổ này chư vị Tổ, chư Tăng bảo tiền bối trong các tông phái ấy đều phải hướng dẫn và giảng dạy cho người phật tử chọn tông phái mình học Phật thật sự và thực tập thực sự bằng bài vở phật pháp và pháp thoại, kể cả có bài thi trắc nghiệm cho phật tử sau một khóa học và thực tập Phật pháp, chứ không phải nói và nói trước cử tọa là xong.  Cho nên đến với một vị tăng bảo trong các tông phái là đến với chủ đích học Phật và thực tập chứ không phải đến để nghe, nếu muốn đạt đạo giác ngộ!  Vì tông phái chỉ khác nhau về danh từ mà không khác nhau ở bản chất.  Một vị tăng sĩ đang ở tại Orange County, Cali, đó là thầy Thích Thông Triệt.  Thầy Thông Triệt chuyên về tu thiền và dạy khế lý thiền tông cho phật tử đến học thiền và thực tập thiền.  Nhưng thầy Thông Triệt đã và đang lần lượt dạy cho phật tử học những thứ Kinh như Bát Nhã, Kim Cang, Pháp Hoa,... và bài pháp mang thực chất nguyên lý Phật giáo như Tứ Đế, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên, Tứ Vô Lượng Tâm, v.v. bằng bài vở rõ ràng.  Thời gian mỗi khóa học và thực tập như vậy phải mất từ ba đến sáu tháng, như khóa Bát Nhã phải học sáu tháng.  Sau khóa học, thầy cho các thiền sinh bài thi trắc nghiệm.

Tại sao thầy Thông Triệt dạy khế lý Thiền mà còn dạy thêm rất nhiều Kinh luận pháp môn khác?  Bởi vì chất Thiền có trong tất cả các pháp môn, hay nói cách khác, tất cả các pháp môn đều có chứa đựng chất thiền đúng như lời thầy Nhất Hạnh đã nói: “Tịnh độ có thể nói là một hình thức thực tập của Thiền.  Tịnh có thể là Thiền, mà Thiền cũng có thể là Tịnh.  Đứng về phương diện Thiền ta có thể thấy rằng Tịnh độ là một thực tại có mặt ngay trong giây phút hiện tại.  Khi mình bước đi những bước chân vững chãi, thảnh thơi, khi hơi thở của mình đem lại sự vững chãi, thảnh thơi và đem lại an lạc thì Tịnh độ hiện diện ngay trong giây phút này.  Vì vậy mình không thấy sự khác nhau giữa Thiền và Tịnh.  Như vậy Thiền và Tịnh chỉ khác nhau ở danh từ mà không khác nhau ở bản chất.”

Qua khế lý tương dung bản chất các pháp môn là một, không chống trái là quy luật sinh sản ra tâm thanh tịnh vắng lặng do chất từ bi và trí tuệ Phật chỉ đạo.  Chỉ đạo cho thân và tâm an trú trong chánh niệm nhưng vững chãi, an vui hạnh phúc sinh động có tỉnh thức, chứ không phải cứng đơ như sỏi đá, gục ngã im lìm như kẻ say rượu.  Từ đó ta thấy rằng hòa thượng Thích Nhất Hạnh có cách thức hướng dẫn phật tử và những người ngoại đạo tại các nước trên thế giới nghe, học và thực tập Phật pháp để đạt tâm tỉnh thức bằng bài “Kinh Sổ Thức Quán” gọi là Thiền quán Niệm làm đề cương quán chiếu trực nhận tiếp xúc thẳng vào bản thể hiện hữu của ta và các pháp thực tại để đi vào ba cửa KHÔNG, VÔ TƯỚNG, VÔ TÁC sau khi đã nghe và học những bài pháp thoại có đề tài khác nhau của thầy, chứ thầy không bao giờ nói lý lẽ của Thiền, vì Thiền là bất lập văn tự, thì đâu có gì để nói!  Mà chỉ nói khế lý của những pháp môn có phù hợp với căn cơ trình độ con người, nên thầy đã viết ra nhiều sách Phật pháp, pháp thoại khác nhau là như vậy, để cho con người theo đó mà thực tập để đi vào nẻo Thiền, tức tâm vượt thoát mọi ý niệm về ngã, sống thanh tịnh vắng lặng, an lạc, hạnh phúc có tỉnh thức thì đó là Niết Bàn, là Thiền, là định.

Và ta có thể nói rằng HT Nhất Hạnh là một luận sư như những luận sư Thế Thân, Long Thọ, Vô Trước... của quá khứ xa xưa đã lập ra các Tông như Câu Xá, Hoa Nghiêm, Duy Thức... nên chi thời nay, HT Nhất Hạnh là Tông chủ của TÔNG QUÁN NIỆM (Tông thứ II) một tông mới phù hợp với tâm lý và trí thức con người trong thời đại văn minh khoa học nhân loại hiện nay.  Đó là điều vui mừng và hãnh diện cho đại gia đình Phật Giáo Việt Nam.  Cho nên các dân tộc trên thế giới muốn học Phật để có một đời sống an lạc, hạnh phúc từ xác thân đến tâm linh, người ta tìm đến học đạo tỉnh thức với thầy Nhất Hạnh.  Nguồn sống an lạc, hạnh phúc của đạo tỉnh thức mà HT Thích Nhất Hạnh giảng dạy cho nhân loại hiện nay là bài Kinh Sổ Thức Quán.  Nguyên lý của Kinh là đếm hơi thở nên gọi là Thiền Quán Niệm.  Quán niệm vào các pháp để trực nhận ra các pháp là vô ngã, là lúc tâm kiểm soát hơi thở đừng cho mất lúc thực tập quán niệm hay là khi bản thân hành thiền ở những trạng thái đi, đứng, nằm, ngồi, tụng kinh và làm việc trong đời sống hằng ngày... thân tâm đều vững chãi tỉnh thức, tỉnh lự đó là định nghĩa của Thiền do bản chất Tịnh của các pháp môn tạo thành.  Vì vậy HT Thích Nhất Hạnh không bao giờ giảng nói về chữ Thiền, mà chỉ giảng nói về nguyên lý của tất cả pháp môn là Tịnh, nhưng phải nương theo Kinh Sổ Thức Quán mới đạt được Tịnh.

Kinh Sổ Thức Quán do Đức Phật tìm ra và đã thực tập mà thành Phật, được lưu lại trong Tam Tạng Kinh Điển Phật, nay HT Thích Nhất Hạnh đem ra thực hành cho mình và chỉ lại cho hàng phật tử người Việt, Âu, Mỹ và những hàng ngoại đạo quay về Đạo Phật đang đến học hỏi pháp Thiền Quán Niệm với thầy.  Một số phật tử Việt Nam ở hải ngoại thuộc hạng cao cấp, tức là có đi chùa, học Phật, có tu thiền với một vài thiền sư khác, nhưng vì do không có sở đắc học Phật, không có sở tri, sở chứng đạo nào cả, nên chi họ nói ra những lời: “Thiền của thầy Nhất Hạnh không có gì hay, chỉ có hít thở ra, vào.”  Lời nói ấy do không hiểu, không thấy giá trị của viên ngọc quý “Kinh Sổ Thức Quán”.  Tôi còn nhớ trong video thầy nói về nguồn gốc xuất phát Thiền Quán Niệm.  Thầy nói: “Khi tôi được tìm thấy Kinh Sổ Thức Quán, tôi sung sướng vui mừng hơn là được vàng.”  Thực tập Sổ Thức Quán như là một cây đèn được thắp sáng lên, dù là cây đèn được làm bằng gì, miễn là tim của nó được cháy sáng ít hay nhiều.  Ánh sáng cây đèn nhiều hay ít là biểu tượng cho căn cơ, trình độ của con người quyết tâm thực tập Thiền Quán Niệm.  Có thực tập Quán Niệm về đối tượng nào đó, tâm con người và vật đối tượng sẽ được hòa nhập làm một (bất nhị) trong giờ phút quán sát trực nhận thực tại mới có thể hiểu và thấy rõ bản tánh của đối tượng.  Cho nên học về Đức Phật ta phải sử dụng hơi thở chánh niệm trong việc Quán Niệm Phật, hay Quán Niệm Pháp, Quán Niệm Tăng v.v.  Dĩ nhiên theo quy luật phát triển sự hiểu biết từ ít đến nhiều do con người quyết tâm và biết cách thực tập ví như người có vốn ít, biết cách làm ăn theo quy luật kinh tế nên càng lúc càng được giàu có.  Tâm của thầy Nhất Hạnh được giàu có trí tuệ là do ngài luôn luôn thực tập Thiền Quán Niệm trong bất cứ một công việc gì.  Chẳng hạn ngài chuẩn bị dịch hồ sơ các em cô nhi ra các thứ tiếng, ngài phải thở ra ba bốn hơi trong chánh niệm đúng như lời ngài nói: “Thường thường cách làm việc của tôi là nâng hồ sơ cô nhi lên, nhìn vào mắt em bé và thở.  Thở được chừng ba bốn hơi rồi thì năng lượng từ bi trào lên, trái tim mình đầy sự thương cảm và mình bắt đầu dịch.  Mình dịch rất mau, rất dễ thương cũng vì đã có chất từ bi tuôn ra ngòi bút.  Vì vậy khi người ta đọc đơn xin bảo trợ, họ cho rất mau.” (Lá thư Làng Mai đặc biệt kỷ niệm năm đạo tràng Mai Thôn đầy hai mươi tuổi, trang 65).

Với phương pháp thực tập Thiền Quán Niệm Hơi Thở của Phật lưu truyền để tâm được có trí tuệ và từ bi mà thầy Nhất Hạnh đã trở thành thiền sư quốc tế, chứ không phải do thầy viết ra nhiều tác phẩm, nói nhiều bài pháp thoại, có một vài cơ sở tu tập bên Pháp, bên Mỹ mà thầy trở thành thiền sư!  Cho nên ngôn ngữ đạt đạo mới đích thực là thiền sư, nói như tư tưởng Tây phương: “VĂN LÀ NGƯỜI”.  Người thầy Nhất Hạnh là người tăng sĩ đạt đạo, vì lời thầy viết lên trang sách làm cho người đọc phát khởi lên tâm từ bi, bỏ ác làm thiện, biết cách tự chế ngự phiền não để tự an lạc... vì lời pháp thoại của thầy làm cho hàng ngàn người nghe ai cũng được hiểu rõ khế lý của bài pháp rồi thực tập qua hơi thở mà đạt được niềm an lạc, hạnh phúc thực tại vào lòng trên vận hành sống và làm việc.  Thậm chí có những nam, nữ trí thức xinh đẹp và rất trẻ đã phát nguyện xuất gia trở thành những tăng thân của Tăng đoàn Làng Mai sau một vài lần tu tập với thầy.  Họ là những người Mỹ, Âu và Việt...

Lời nói mà làm cho tâm con người quay về với Đạo Phật, bỏ ác làm thiện, giữ cho tâm hồn thanh tịnh, lời nói đó gọi là lời pháp vi diệu, vì trong lời pháp ấy có chất Phật, Bồ Tát, tức là tâm có Phật, Bồ Tát.  Nói như lời trong Quán Kinh: “Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật”.  Miệng nói ra lời pháp để chuyển hóa lòng người từ ác thành thiện, từ phiền não có niềm an lạc... lời đó do tâm có Phật, Bồ Tát.  Tâm đó làm Phật, Bồ Tát, không có tâm nào khác hơn đúng như trong kinh có câu: “Nhược nhơn chuyển vật tức đồng Như Lai”.  Câu này tạm dịch: “Nếu con người nào dùng tâm chuyển hóa được mọi loài hữu tình trở nên hiền hòa, hết hung dữ, hết tàn ác... người ấy như Đức Phật.”  Khi Phật còn tại thế trên đường hoằng pháp, có những lần Phật bị vua A Xà Thế cho bầy voi say rượu từ trong cung thành chạy ra khi Phật và Đại Thánh chúng đi ngang qua gần ngoại thành để ám hại Phật.  Nhưng khi bầy voi say rượu kia đối diện với Phật chúng đều dừng lại và quỳ rạp xuống một cách im lặng.  Sau khi Phật và Thánh chúng đi qua hết, chúng liền chạy vào lại cung thành một cách hung hăng, báng nhau và la hét ầm ỉ, làm cho vua A Xà Thế bực tức rồi lớn tiếng hỏi các quan thần: “Các khanh có biết ông Cù Đàm kia có phép lạ gì mà bầy voi của ta đã say rượu ở cao độ như vậy mà quỳ xuống một cách ngoan ngoãn không ám hại ổng?”  Cũng như nhiều lần Đức Phật bị Đề Bà Đạt Đa lăn đá từ trên đồi cao xuống đường để hại Phật khi thấy Phật đi ngang qua, nhưng những tảng đá mới lăn tới lưng chừng đồi đều nằm lại.  Trong thời gian 45 năm đi khắp đó đây để nói pháp độ sanh, thỉnh thoảng có những người ngoại đạo quyết tâm đến chỗ Phật đang thuyết pháp để chất vấn và phỉ báng.  Nhưng vừa đến nơi một vài phút, tai họ nghe qua lời pháp của Phật, tâm họ liền tan biến những ý niệm phỉ báng.  Sau đó họ xin quy y theo Phật, được Phật giáo hóa thêm mà chứng đạo quả bậc Thánh.

Những vấn đề: bầy voi say rượu của vua A Xà Thế quỳ xuống trước Phật, đá của Đề Bà Đạt Đa không thể lăn trúng chân Phật, các lãnh tụ giáo phái ngoại đạo hết ý niệm phỉ báng Phật, ngược lại quy y theo Phật, v.v. thật sự không phải do Đức Phật sử dụng những phép thần thông của ngài.  Mặc dù ngài có dư thừa để đối trị, thâu miên, chinh phục nhân tâm đối trước bất cứ đối tượng ác tâm đến đâu.  Nhưng không, mà là do năng lượng đại từ bi, đại trí tuệ từ pháp thân ngài phát ra làm chuyển hóa tâm ác của đối phương từ ác thành thiện.  Tuy nhiên, đối với các loài chúng sanh khác có tâm quá hung hãn, cao ngạo, bất trị như các Trời Phạm Thiên, Đức Phật có sử dụng thần thông.  Nhưng cũng chỉ là có tính cách đối lại cho các Trời Phạm Thiên thấy để làm phương tiện chuyển hóa tâm ngạo mạn, bất trị của các Phạm Thiên đó, chứ không phải phô trương tài năng của mình.  Điều này trong Kinh Trung Bộ ở mục “Kinh Phạm Thiên Cầu Thỉnh” có ghi lại một trường hợp đức Phật dùng thần thông biến và hóa trước mặt Phạm Thiên BaKa như sau:

Phạm Thiên BaKa nói lời trổ tài biến hóa trước mặt đức Thế Tôn:

“- Này tôn giả, nay ta sẽ biến mất trước mặt tôn giả.”

Đức Phật hỏi lại Phạm Thiên BaKa:

“- Này Phạm Thiên, hãy biến đi trước mặt ta, nếu ông có thể biến được.”

Sau lời Đức Phật, Phạm Thiên BaKa nói lời sẵn sàng:

“- Ta sẽ biến mất trước mặt Sa-môn Gotama.”

Cuối cùng Phạm Thiên BaKa không biến được, chỉ là lời nói dóc.  Đúng là các loại người Trời thường hung ác và ưa nói phét.  Sau đây là lời Đức Phật xác nhận Phạm Thiên BaKa không biến được trước mặt các vị Tỳ Kheo:

“- Nhưng Phạm Thiên BaKa không thể biến mất trước mặt ta.  Này các Tỳ Kheo, khi nghe nói như vậy, ta nói với Phạm Thiên BaKa: “Này Phạm Thiên, ta sẽ biến mất trước mặt ông.”  Phạm Thiên BaKa liền thách thức Phật: “Này Tôn giả, Tôn giả hãy biến đi trước mặt ta, nếu Tôn giả có thể biến được.”  Rồi này các Tỳ Kheo, ta thực hiện thần thông như sau: “Hãy để cho Phạm Thiên, Phạm Thiên chúng và Phạm Thiên quyến thuộc nghe tiếng ta chớ không thấy ta.  Ta biến mất và nói lên bài kệ như sau:

 

“Thấy nguy hiểm trong hữu

Từ hữu, tìm phi hữu,

Ta không tôn trọng hữu,

Không hỷ, không chấp trước.”

 

Rồi này các Tỳ Kheo, Phạm Thiên, Phạm Thiên chúng và Phạm Thiên quyến thuộc, tâm sanh vi diệu hy hữu, nói lên như sau: “Thật vi diệu thay, chư Tôn giả!  Thật hy hữu thay, chư Tôn giả!  Đại thần lực, đại uy lực của Sa-môn Gotama.  Thật sự từ trước đến nay chưa từng thấy, chưa từng nghe một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác có được đại thần lực, đại uy lực như Sa-môn Gotama, là Thích Tử, xuất gia từ giòng họ Sakya.  Đối với quần chúng ái trước hữu, lạc nhiễm, hoan hỷ đối với hữu (Sa-môn Gotama) đã nhổ hữu lên tận cả gốc rễ!”

Sau hơn một lần bị thất bại thê thảm trước uy lực thần thông của Phật ngay tại xứ sở Trời Phạm Thiên của mình, Phạm Thiên BaKa cất lời tán thán, ca ngợi về thần thông vi diệu của đức Thế Tôn và sau đó cả quyến thuộc Trời Phạm Thiên quỳ trước Phật, cầu thỉnh Phật xin Phật cho họ được quy y với Phật.

Qua hành động quy phục và lời tán thán đức Thế Tôn của Phạm Thiên BaKa, cũng như quyến thuộc Phạm Thiên xin quy y với Phật, ta thấy quả thật Đức Phật có tâm từ bi rất rộng lớn trên phương diện sử dụng thần thông của mình vì thương yêu quyến thuộc Trời Phạm Thiên là muốn hóa độ cho họ xả bỏ hết tâm hữu ngã vô minh để được tâm vô ngã, là năng lực giải thoát sinh tử sau khi hưởng hết phước sống hạnh phúc vạn năm tại cõi Trời Phạm Thiên mà được tái sinh vào cõi Phật.  Cho nên nói đến Đạo Phật là phải nói đến Tâm Từ Bi, vì đức tính từ bi là nền tảng cơ bản của bước đầu xây dựng lên ngôi nhà Trí Tuệ Bát Nhã, đúng như lời Phật dạy: “Người phật tử trong Đạo Phật làm việc từ thiện; từ việc thiện nhỏ đến việc thiện lớn đều phải xây dựng trên tinh thần vô ngã.”  Tức là xây dựng tâm từ bi trước, thứ đến xây dựng tâm trí tuệ.  Hai đức tính Từ Bi - Trí Tuệ, tuy hai là một được tương duyên với nhau.  Khi hành động một việc thiện nào: cứu đói, cứu lạnh, giải cứu khổ ách, nói pháp cho chúng sanh... tâm người hành động đều vượt thoát mọi ý niệm về ngã là lúc năng lượng trí tuệ hiện hữu trong nội thức, thì nó là động cơ cất cánh bay cao lên ngôi vị giác ngộ là con đường giải thoát.  Đôi cánh bay cao ấy chính là Phước Trí thường gọi là Lưỡng Túc Tôn.  Phước đi cùng với Trí là phước có chất liệu của Từ bi vô ngã.  Được Phước Trí như vậy, ta phải thực hành Thiền Quán Niệm Từ bi thật sâu rộng vào từng bản thể thực tại của chúng sanh trên vận hành từ thiện, cứu khổ bằng vật chất và giáo pháp.  Thì, hạnh phúc mà ta đem đến cho chúng sanh mới đích thực là hạnh phúc chơn thật.  Đức Phật trước khi thành Phật ngài là con người đã từng thực hành thiền Quán niệm Từ bi vào hình hài các chúng sanh đang cứu khổ độ tha mà đạt trí tuệ vô ngã.  Nhờ đại trí tuệ mà ngài được thành Phật và cũng nhờ đại trí hiện hữu trong tâm mà Đức Phật đã thấy suốt hết vô lượng pháp giới chúng sanh và biết hết mọi căn tính trình độ của từng cá thể chúng sanh của mọi loài trong vô số thế giới.  Vì vậy mà giáo pháp của Đức Phật cũng từ đó mà có vô lượng pháp môn tu và chuyển hóa, đối trị lại mọi căn tính của chúng sanh dù vô minh, hung hãn, tàn bạo, ác độc... đến đâu đều trở thành Bồ Đề, cho nên pháp môn của Phật là phương tiện chuyển hóa, trong đó có các phép thần thông.  Chính Đức Phật đã xác nhận với ngài Xá Lợi Phất về pháp môn của ngài là phương tiện:

- Xá Lợi Phất!  Từ ta thành Phật đến nay, các món nhơn duyên, các món thí dụ, rộng nói ngôn giáo, dùng vô số phương tiện dìu dắt chúng sanh làm cho xa lìa lòng chấp.  Vì sao?  Đức Như Lai đầy đủ phương tiện (giáo pháp và thần thông) Tri Kiến và Balamật (phẩm phương tiện).  Đó là về phía Đức Phật.  Còn đệ tử Phật, riêng ở hàng Thánh Tăng trong thời Phật còn tại thế, vấn đề thần thông chỉ có một vài vị có như Tôn giả Mục Kiền Liên, nhưng cũng giới hạn.  Còn Từ Bi và Trí Tuệ là nòng cốt đối với hàng xuất gia nên vị nào cũng có, dù cấp độ khác nhau nhưng đồng một thể tánh Phật.  Do vậy mà mỗi vị Thánh Tăng đều có thân tướng trang nghiêm, tươi mát, trạng thái đi đứng thật vững chãi từng bước trong chánh niệm tại bất cứ không gian nào; trên đường qua thôn xóm, khu phố dân cư vào mỗi buổi sớm mai đi trì bình khất thực hay trong khuôn viên Tịnh Xá, cũng như ngôn ngữ trong đối đãi luôn luôn ái ngữ, dịu dàng, thật dễ thương nên khiến cho hàng phật tử Cư Sĩ tại gia muôn người như một ai cũng hết lòng tôn kính, ngưỡng mộ lễ bái và cúng dường thức ăn khi những vị Thánh Tăng đi ngang qua trước nhà trong buổi sớm trước giờ ngọ.

Sở dĩ tất cả Thánh Tăng trong Tăng đoàn của Phật thời xưa, vị nào cũng có Tịnh độ trong lòng, trong bước đi, đứng lại, nhìn ngó, ăn uống, giặt giũ, ngủ nghỉ, đọc tụng và nghe pháp...  như vậy, là ngoài hai đức tính Từ Bi - Trí Tuệ sẵn có, còn lại là sự trao truyền từ pháp thân Đức Phật gọi là “Tinh thần giáo dục Thiền định”.  Tinh thần giáo dục này gồm có Thân giáo và Khẩu giáo.  Thân và Khẩu giáo được cắt nghĩa là hành động và lời nói của bổn sư đối với từng người đệ tử và cả đại chúng có tính cách chăm sóc về sức khỏe, đói no, ấm lạnh, tư tưởng vui buồn, tu tập học hành... ra sao được gọi là “Pháp Bảo Hộ Tăng Thân”.  Pháp Bảo Hộ này có thể không nằm trong hệ thống chuyển pháp luân vì là lời giáo dục, chăm sóc gọi là Thánh giáo, chứ không phải Thánh đạo (Tứ Đế - Bát Chánh Đạo - Thập Nhị Nhân Duyên...).  Tinh thần giáo dục thiền định Phật giáo được chứa đựng tâm từ và tâm bi trong đó một cách hiện thực trên cơ sở ban vui và cứu khổ.  Chẳng hạn bà mẹ thấy con mình đang vui hạnh phúc, luôn luôn tạo thêm niềm vui và hạnh phúc như sắm thêm áo mới, giày dép mới và đồ chơi cho chúng, đó là lòng từ.  Thấy con có hiện tượng đau ốm, liền dẫn đi bác sĩ để chữa trị, đó là lòng bi.  Trong đại tạng Kinh A Hàm nguyên thủy, ngoài những bài pháp mang thực chất nguyên lý giải thoát do Đức Phật nói gọi là Thánh đạo, còn có ghi lại một số trường hợp về thánh giáo như Đức Phật trực tiếp nói lời thăm hỏi, chăm sóc, cũng như hành động tham gia công việc sinh hoạt của đại chúng Tỳ Kheo Tăng rất là thân thương tình người.  Chẳng hạn có một trường hợp Đức Phật nhã ý với Tôn giả A Nan để ngài được tham gia góp bàn tay trong việc vá y cà sa cũ bị rách của một vị Tỳ Kheo.  Tác giả xin tóm tắt câu chuyện Phật vá y như thế này: Một hôm tại Tịnh Xá sau giờ ngọ, Đức Phật đứng nơi hành lang giữa những căn phòng ở của đại chúng Tỳ Kheo Tăng như đang xem xét sự sinh hoạt tu tập của đại chúng.  Bỗng Đức Phật nghe tiếng của Tôn giả A Nan và một vị Tỳ Kheo đang nói với nhau về việc lấy vải của chiếc y cà sa cũ đã bị rách gần hết để vá chiếc y cà sa đang bị rách ít từ căn phòng gần đó vọng ra chỗ Phật đang đứng.  Vị Tỳ Kheo nói:

- Sư huynh A Nan ơi!  Đệ có chiếc y cà sa quá rách không mặc được và một chiếc đang bị rách vài chỗ.  Đệ muốn lấy một số vải cũ còn lại nơi chiếc y đã rách để vá cho chiếc y cà sa đang bị rách ít.  Nhưng trong căn phòng ở này không có đủ chỗ để trải chiếc y ra mà vá!  Vậy sư huynh xin phép Đức Thế Tôn giùm đệ để đệ được phép đem hai y cà sa ra bãi cỏ ở ngoại ô Tịnh Xá mới có chỗ rộng để trải y ra mà cắt mà vá?

Tôn giả A Nan nở nụ cười hoan hỷ và nói:

- Chuyện nhỏ!  Được rồi để tôi tác bạch với Đức Thế Tôn, chắc là không có gì trở ngại.  Nhưng mà y cà sa thì rộng, một mình thầy làm sao có thể trải y ra rồi nâng lên tay để vá?  Cho tôi xin tham gia vá với thầy được không?

- Lời sư huynh nhã ý muốn giúp đệ, đệ xin cám ơn và ghi nhận công đức, đâu dám phụ lòng!

Sau đó Tôn giả A Nan gặp Phật và tác bạch về việc vá y cà sa của vị Tỳ Kheo lên Đức Phật.  Đức Phật chẳng những đồng ý, hoan hỷ mà còn nhã ý:

- Như Lai muốn đóng góp bàn tay vào việc vá y cà sa cho vị Tỳ Kheo, A Nan nghĩ thế nào?

- Bạch Đức Thế Tôn, ý Như Lai muốn, con không dám ngăn cản!

Đức Phật liền dặn dò A Nan:

- Này A Nan!  Khi nào hai thầy thực hiện công việc vá y, hãy lại đây để Như Lai cùng đi ra đó vá y với.

Thế là chẳng bao lâu công việc vá y được thực hiện.  Rồi một hình ảnh thật dễ thương và cảm động khi ta nhìn thấy Đức Phật cùng ngồi đối diện với A Nan, vị Tỳ Kheo ở vị trí tam giác dưới ánh nắng chiều vàng lên bãi cỏ xanh làm cho những tấm y cà sa trên cỏ, trên pháp thân Phật, A Nan, vị Tỳ Kheo vốn màu vàng thêm vàng rực thật yên lặng trong tư thế bán già.  Duy chỉ có đôi tay làm việc trong chánh niệm khi mũi kim chui xuống vải kéo theo sợi chỉ rồi lại chui lên mặt vải thật nhịp nhàng và đều đặn dưới đôi mắt nhìn xuống tựa hồ như đôi mắt thiền định.

Qua hình ảnh Đức Phật Thế Tôn vá y cho vị Tỳ Kheo, thật chẳng khác nào như hình ảnh bà mẹ Việt Nam nghèo khó ngồi vá áo cho con mình.  Đúng là lòng từ ban vui, lòng bi cứu khổ chúng sanh mà Đức Phật đã từng hành động đối với chúng sanh trong vô lượng kiếp khi còn làm người tại cõi Ta Bà và sau khi thành Phật là bậc thầy của Trời, Người, là cha mẹ của bốn loài.  Vậy mà Đức Phật không quên vẫn tiếp tục hành động từ bi phục vụ cho chúng sanh.  Cho nên đối với hàng đệ tử Phật tại gia, xuất gia trong thời Phật còn tại thế hay hiện nay trên các quốc gia có Đạo Phật hiện hữu không ai có thể đánh mất hai đức tính từ bi, và vì vậy mà không thể không thương yêu những người đồng môn, thầy tổ, bạn đạo, đồng nghiệp cùng sở, quyến thuộc dân tộc mình, và chúng sanh nhân loại.  Vì hai đức tính Từ và Bi là huyết thống trong con tim, là hơi thở trong bản thân Phật giáo.  Trong bản thân Phật Giáo Việt Nam trong quá khứ trước 75 nói riêng, hàng Tỳ Kheo Tăng từ cấp hòa thượng trở xuống thượng tọa lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đa số đều có hai đức tính Từ, Bi trong lòng nên thái độ đối xử rất là đạo tình và dễ thương từ trong tu viện, chùa chiền ra ngoài xã hội thật là từ bi ở lời nói, hành động giao tế, cứu khổ, ban vui đối với mọi người trong nhiều giai cấp.  Hai vị được điển hình rõ nét lòng Từ Bi đệ nhất; đó là cố hòa thượng Thích Trí Thủ và Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh hiện đang ở tại hải ngoại.

Cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ lúc còn sống trong vai trò Giám Viện Các Phật Học Viện Báo Quốc-Huế, Hải Đức-Nha Trang, Quảng Hương Già Lam-Saigon, ngài luôn hòa mình trong dòng sinh hoạt của tăng sinh, như cùng với tăng sinh vác củi, chuyển gạch ngói từ chân núi lên tận nhà bếp, đào hố giữa lưng núi để trồng vào đó những cây mít con, xoài con.  Về ăn uống, ngài ăn những thức ăn (cơm, tương, rau, dưa) như đại chúng.  Tuy nhiên, thỉnh thoảng nhà bếp cho ngài một món chao kho, nhưng ngài cũng chia hơn một nửa cho các thầy lớn và không quên chừa lại cho người thị giả một tý xíu bằng muỗng cà phê.  Về môn giải trí, ngài thường chơi bool, đánh bóng chuyền với các thầy, các chú vào những chiều tắt nắng và thỉnh thoảng tổ chức cho đại chúng tăng sinh đi cắm trại tại các cảnh thiên nhiên trong một ngày hoặc có khi ở lại qua đêm.  Về tình thương, ngài thương đại chúng tăng như mẹ thương các con, ngài luôn luôn nhắc nhở đại chúng tăng sinh về học hành thi cử, nhắc nhở thầy quản lý ở ba Phật Học Viện phải tích cực chăm sóc sức khỏe (khám bệnh, chữa bệnh) ăn uống, nón mũ, may thêm áo quần, cà sa, áo tràng, nhật bình cho tăng sinh.  Nhất hạng là các thầy giảng sư thường được hòa thượng thăm hỏi bằng lời lẽ rất tình cảm và vui vẻ sau khi giảng pháp ở đâu đó về.

Tôi vẫn còn nhớ mãi vào mùa hè năm xưa khi tôi vừa lên hai mươi tuổi, tôi được hòa thượng đề cử đi thuyết giảng đại lễ Phật Đản tại Khuôn Hội-Suối Dầu.  Sau hai ngày xong lễ, tôi về lại viện, vào chào hòa thượng.  Tôi vừa mới vào phòng chưa kịp xá, hòa thượng đang ngồi tại bàn làm việc liền ngưng tay, ngước lên nhìn tôi, ngài hỏi:

- Về rồi đó à!  Con thấy thế nào lần đầu tiên đi hành lễ và thuyết giảng về ý nghĩa Phật Đản Sanh?

- Bạch thượng tọa, con cảm thấy mất tự nhiên trong vài phút.

Hòa thượng cười và hỏi tiếp:

- Như vậy con giảng pháp có bị vấp không?

- Bạch thượng tọa, dạ không, vì con có thuộc bài.

Ngài cười một cách vui vẻ và đề cử tiếp:

- Ừ, Vu Lan đến ĐH sẽ đi giảng tại Chùa Hội Phật Giáo Pleiku, cao nguyên nhé.  Lo soạn bài trước đi!

Nói đến tính từ bi của Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh, thật sự trên cái nhất về cấp độ cao như ánh sáng của cây đèn pha, tức là Từ Bi có đồng tánh, nhưng cấp độ có khác theo quy luật trí tuệ càng cao Từ Bi càng lớn.  Cho nên Từ Bi lớn trong Đạo Phật là tâm thức của người Tăng sĩ hay phật tử chứa đựng niềm khát vọng mong muốn chánh pháp không ngưng đọng, phải được trường tồn vô hạn, phát triển sâu rộng vào tâm thức con người trong mọi giới để con người tự chuyển hóa vô minh, phiền não mà biến thành Bồ Đề là con đường giải thoát.  Rồi từ đó con người có niềm khát vọng được thể hiện ra ở thân cái trạng thái ưu tư do tâm thức đang hằng chuyển tư duy tìm phương thức cứu bạt chúng sanh, như Thái tử Tất Đạt Đa xưa kia lúc còn nhỏ đã có trạng thái ưu tư trầm lặng vì tâm thức ngài tư duy tìm phương cứu khổ chúng sanh.  Do vậy, ta muốn thấy được tâm Từ Bi lớn của thầy Nhất Hạnh, ta phải thấy tâm tư khát vọng muốn cứu bạt chúng sanh của thầy được chứa đựng từ trong những tác phẩm Phật pháp đến lời pháp thoại có tác dụng hiện thực, kết quả là đưa con người có liễu ngộ chơn lý giải thoát, được an lạc, hạnh phúc.  Thầy Nhất Hạnh đã có tâm từ bi lớn ngay từ lúc còn là một học tăng trẻ.  Chính một vài thầy đồng tuổi, đồng lớp với thầy gốc Phật Học Viện Báo Quốc sau vào Hải Đức-Già Lam cách nay mấy thập niên đã nói: “Công nhận Nhất Hạnh có tư tưởng bác học do quá thông minh nên sự hiểu biết của thầy rất sâu rộng, vì vậy mà học một biết mười, thi đâu đỗ đó sẽ được vào ngôi nhà văn hóa thế giới nhân loại sau này chứ không riêng gì Việt Nam.  Nhưng không vì sự hiểu biết bác học ấy mà Nhất Hạnh đánh mất tình bạn đạo.  Ngược lại Nhất Hạnh là một học tăng sống rất tình người đối với anh em học tăng lúc gần nhau hay xa nhau và tất cả trên, dưới trong đại gia đình Phật giáo.  Cũng như ngoài xã hội, Nhất Hạnh đều quan tâm đến cái khổ, nghèo đói, bất an của con người.  Sở dĩ lúc còn học tăng, Nhất Hạnh đã có dáng điệu chững chạc trong đi đứng, nói năng như người lớn nên thường ưu tư trầm lặng, là lúc Nhất hạnh đang viết trong ý tưởng những điều đáng viết, đang nói những điều cần nói, rồi sau đó viết ra trang giấy, chứ không phải lập dị gì cả.  Thỉnh thoảng Nhất Hạnh cũng cười, nói chuyện vui, hỏi thăm anh em về sức khoẻ, học hành.  Phải nói rằng Nhất Hạnh tiêu dùng thì giờ đúng vào từng việc, việc nào là có thì giờ cho việc đó từ lúc mới vào chùa làm chú điệu, chứ không phải hôm nay (1961) Nhất hạnh mới sử dụng thì giờ đúng cách.”

Vai trò của một tăng sĩ Phật giáo là đem nguồn sống Phật giáo đi vào thế gian, nên tâm tư thường thao thức, tư duy để tìm ra những phương pháp nào hữu hiệu hợp với căn cơ, trình độ con người trong xã hội là điều ắt phải đối với một đất nước hòa bình hay bị chiến tranh bởi các bạo lực gây ra.  Huống hồ đất nước Việt Nam bị các bạo lực ngoại bang gây ra chiến tranh làm cho nhân dân chết chóc, đói nghèo, ly tán, nhà tan cửa nát... nên Phật Giáo Việt Nam cùng chung số phận với dân tộc là bị các bạo lực ngoại lai, bạo quyền đàn áp, cấm đoán hành đạo, giam cầm, giết tăng ni và phật tử từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay, 2003.  Dù vậy với bản chất Bồ Tát hòa nhập vào thế gian, bản thân Phật Giáo Việt Nam cố vươn lên, nhưng thật sự yếu ớt như người sau cơn đau bại liệt tập đi nên bị nghiêng ngã vào góc độ ngồi im hưởng thụ, vào hố thẳm tư tưởng cực đoan ngã chấp biên kiến, rẽ vào những nẻo thần linh, mê tín, ma chay...  Với tăng sĩ có tâm từ bi đích thực như thầy Nhất Hạnh làm sao không thao thức, không ưu tư về đất nước, dân tộc và đạo pháp!  Ưu tư không phải là bằng trạng thái tư lự rồi bỏ qua, phó mặc cho đạo pháp ra sao thì ra.  Nếu vậy Phật giáo không còn là Phật giáo, Tăng sĩ thiếu vai trò sứ giả.  Vì vậy mà ưu tư của thầy Nhất Hạnh được trải lên trang sách có chứa đựng tư tưởng và hành động cách mạng văn hóa Phật giáo mà thầy là người chủ xướng và đứng lên hành động.  Vừa hành động, vừa cất cao lời kêu gọi, nhắn nhủ, thưa gởi.  Ta hãy nghe thầy nhắn nhủ với hàng Phật Tử Tại Gia Cư Sĩ và Gia Đình Phật Tử:

“ Người Phật tử phải tình nguyện mang Đạo Phật đi sâu vào cuộc đời để làm vơi bớt khổ đau cho cuộc đời, không có quyền tự mãn trong cuộc sống tầm thường với những tiện nghi tầm thường để rồi mắc kẹt trong những thỏa mãn tầm thường mà bỏ quên mất chí hướng.  Mọi khổ đau của đời bắt nguồn từ si mê và dục vọng; người phật tử phải can đảm nhìn nhận nơi cuộc đời và chính nơi bản thân mình những tính chất si vọng đó để cương quyết trừ diệt chúng tới tận gốc rễ.  Nhưng không phải nhìn nhận cuộc đời khổ đau si vọng để mà chán nản và buông xuôi hai tay.

Sự thật mà tôi vừa đưa ra đã có thể chứng minh rõ rệt rằng mọi hình thức và phương tiện nếu không được hướng dẫn để thực hiện đúng nguyên lý Phật học, để hợp thời cơ phục vụ cho con người, đều có thể biến thành sai lạc và phản lại đạo Phật.  Cho nên ở thế kỷ chúng ta, người phật tử không thể không thâm nhập kinh tạng, thâm nhập hành trì để thể hiện tu chứng và nắm lấy những nguyên lý căn bản của nền triết học Phật giáo; người phật tử không thể buông bỏ những hình thức mệnh danh là Đạo Phật mà kỳ thực tác hại không ít cho Đạo Phật; người phật tử không thể không xây dựng những hình thức sinh hoạt mới, tuy không quen thuộc cổ kính, nhưng có thể thể hiện được các nguyên lý Phật học, có thể ứng cơ và ứng lý để phục vụ cho đạo Phật và cho con người.  Nói tóm lại, người phật tử không thể không lột bỏ cái xác già cằn cỗi, cái Đạo Phật bi thảm phản chiếu trong các dĩa hát cải lương vọng cổ kia, cái Đạo Phật yếu đuối trốn đời phản chiếu trong các cuốn tiểu thuyết lãng mạn và vô ý thức kia, không thể không lột xác để làm sống dậy một Đạo Phật trẻ trung đầy sinh lực, tiếp nối được dòng sinh hoạt truyền thống của những thế hệ phật tử huy hoàng trong Phật giáo sử.  Phải đem Phật giáo trở về phục vụ sự sống.  Thế cho nên phật tử ở trong chướng ngại mà vượt qua được mọi chướng ngại.  Các bậc Bồ Tát đã lấy cuộc đời khổ đau làm trường rèn luyện, đã lấy chất liệu khổ đau để nuôi dưỡng lý tưởng, đã làm nở hoa giải thoát trên miếng đất tam giới nhiễm ô.

Cho nên người phật tử khi đi vào cuộc đời phải đừng nghĩ rằng: tôi làm cái này là vì Đạo Phật, tôi làm cái kia là vì Đạo Phật.  Phải “nên quên” Đạo Phật đi, quên rằng mình là “người phật tử” đi.  Có quên như thế thì mình mới là người của Đạo Phật, mình mới thực sự là người của Đạo Phật.  Hãy hành động bằng thương yêu, hỷ xả, hành động theo những nguyên lý Đạo Phật để thực hiện an lạc cho cuộc đời, mà đừng hành động vì bản ngã tôn giáo.  Cái bản ngã ấy không có trong Đạo Phật và trong bất cứ một nền đạo đức nào chân chính.”

THẦY NHẮN NHỦ NHỮNG VỊ TĂNG SINH CÙNG THẾ HỆ VÀ SAU TẠI CÁC PHẬT HỌC VIỆN SAU KHI RA TRƯỜNG: “Thế hệ chúng ta phải đảm nhiệm trọng trách hiện đại hóa Phật giáo, thổi những luồng sinh khí mới vào cho Đạo Phật để Đạo Phật còn mãi là Đạo Phật, nghĩa là còn biểu hiện được cho dòng sinh hoạt trí tuệ từ bi và đại hùng đại lực mà Đức Phật đã khơi mở hơn hai nghìn năm trăm năm về trước.  Tiếp nối thực hiện và khơi mở dòng sinh lực ấy là chúng ta thực hiện được hoài bão của chư Phật, được gần gũi với chư Phật hơn bao giờ hết và như thế chúng ta mới xứng đáng là người con của Đức Phật.

Hãy can đảm nhìn thẳng vào sự thật, can đảm nhận thức những thực trạng không tốt đẹp, can đảm phát đại nguyện ly khai danh vọng, quyền lợi, dứt bỏ thành kiến và từ chối tâm niệm cầu an, để có thể tự nhận sứ mệnh hoằng dương Phật giáo một cách hăng hái và chân thành.

Đạo Phật phải hiện hữu trong cuộc đời thực tại, để giải quyết những vấn đề hiện hữu.  Người phật tử, Tăng ni cũng như Cận sự, phải mang lý tưởng Bồ Tát, đem giáo pháp đi sâu vào cuộc đời không nại gian lao khổ nhục.  Đừng biến Đạo Phật thành một tổ chức có uy thế quyền lực, có giáo đường vàng son, có điện ngọc thâm u.  Đừng biến Tăng sĩ thành những con người sống vô tư trong sự ưu đãi của một chế độ cúng dường thiếu ý thức, quên lãng nhiệm vụ tự thực hiện giải thoát và phụng sự con người.  Đừng để người phật tử hiểu rằng Phật Pháp Tăng là những bảo vật xa vời không hiện hữu giữa cuộc đời đau khổ.  Phải thực hiện tất cả những hình thức sinh hoạt nào có thể chứng minh rằng Đạo Phật hiện hữu trong cuộc đời để giải phóng cho con người.”

THẦY TÁC BẠCH LÊN CHƯ TÔN GIÁO PHẨM LÃNH ĐẠO GIÁO HỘI VÀ TẠI CÁC HỌC PHẬT VIỆN: “Về phương diện giáo dục, Giáo hội hiện đang cần một dòng tu sĩ chuyên môn về ngành dạy dỗ. Nền giáo dục Phật giáo hướng về sự khai mở trí năng và tâm tuệ con người, không gò bó con người trong những mảnh vụn khô chết kiến thức.  Nền giáo dục Phật giáo nhắm chỉ cho con người Việt Nam thấy những trạng huống thực tại, những vấn đề cấp thiết của đời sống xã hội Việt Nam để tìm cách giải quyết, để xử dụng những kiến thức một cách linh động và hữu hiệu trong sự tiến đến sự giải quyết các vấn đề thiết thực của sự sống ấy, chứ không phải để thu lượm những kiến thức không có ăn nhập gì vào sự sống của chính bản thân mình.  Chúng ta biết rằng những trường tiểu học và trung học Phật giáo đã được thành lập rất nhiều, nhất là ở miền trung.  Chỉ trừ một số ít được chăm sóc cẩn thận, còn ngoài ra đều không phản chiếu được nền trí dục và đức dục Phật giáo.  Giáo sư không chuyên môn và đôi khi không hiểu được thế nào là tinh thần giáo dục Phật giáo.  Vì vậy sự hiện hữu của các trường ấy không có nghĩa gì ngoài cái nghĩa một danh từ trường này là trường Bồ Đề.  Cho nên cần phải có ngay các trường sư phạm Phật giáo, một mặt để đào tạo các giáo sư mới, một mặt làm nơi tu nghiệp cho những giáo sư thiếu căn bản về Phật học.  Ai cũng biết là nền giáo dục Phật giáo sẽ chú trọng đến sự khai phóng con người trên mọi mặt mà không chủ trương nhồi sọ để con người trở nên cố chấp và cuồng tín.  Biết bao nhiêu trường học cần mở thêm ở thành thị và thôn quê theo nhu cầu của quần chúng, nhất là quần chúng phật tử.  Và hiện nay trong nước có rất nhiều đoàn thể thanh niên Phật tử, sinh viên Phật tử, học sinh Phật tử, Hướng đạo Phật tử, Gia đình Phật tử, v.v.  Nhu cầu hướng dẫn tinh thần theo nền giáo dục Phật giáo đã trở nên cấp bách.  Dòng tu của những nhà giáo vì vậy cần được thành lập để đảm nhiệm tương lai của lớp hậu tiến.

Khi nói đến “phiền não tức Bồ Đề” các vị cao tăng ngày xưa đã nhận thức rằng chính trong khổ đau con người mới tìm ra an lạc.  Nói thế không có nghĩa là để bản thân trôi nổi trong biển khổ đau rồi một ngày kia sẽ được an lạc hạnh phúc đâu.  Nói thế có nghĩa là phải can đảm nhìn nhận đau khổ, giải quyết vấn đề đau khổ, không trốn tránh khổ đau của cuộc đời một cách hèn nhát.  Chán nản cuộc đời, vào cửa Phật để tìm chốn an thân, điều đó không hẳn là đáng trách; nhưng bản hoài của đức Thế Tôn khi lập giáo không chỉ hướng đến một mục đích tầm thường và hẹp hòi như thế.  Sống cuộc đời người xuất gia không phải là để trốn tránh đau khổ mà lại là để chiến thắng khổ đau.  Mà muốn chiến thắng khổ đau thì phải đương đầu với khổ đau, đừng sợ hãi khổ đau, bởi vì không có ai sợ địch mà thắng được địch bao giờ.  Ở đây, khổ đau lại là nhân duyên tạo nên an lạc và giải thoát, cũng như hoa sen thơm ngát và tinh khiết đã mọc lên từ bùn lầy tanh hôi.  Lý tưởng đẹp nhất là giải trừ khổ đau cho mọi người, mọi loài, giải phóng họ ra khỏi tình trạng bi thảm đau thương trong đó họ đang sống.  Nhưng một lý tưởng như thế chỉ có thể nuôi dưỡng và thực hiện bằng một lòng thương.  Mà chỉ khi nào con người biết khổ đau thì con người mới thành thực yêu thương nhau để cứu giúp nhau ra khỏi tình trạng đau khổ.  Ca tụng khổ đau không phải là ca tụng cuộc đời trầm luân khổ hải mà là xác nhận tính cách cần thiết của những chất liệu lý tưởng.  Phải gần gũi khổ đau để được tiếp xúc thường xuyên với “đệ nhất khổ đế”, chân lý căn bản của tứ diệu đế.  Có như thế ta mới hiểu được đoạn văn này trong Luận Bảo Vương Tam Muội: “Đức Phật thiết lập Chánh pháp lấy khổ đau làm thuốc hay, lấy hoạn nạn làm thành công, lấy gai góc làm giải thoát, lấy ma quân làm bạn đạo, lấy khó khăn làm sự tác thành, lấy bạn tệ bạc làm người giúp đỡ, lấy kẻ phản nghịch làm người giao du, lấy sự thi ân như đôi dép bỏ, lấy xả lợi làm vinh hoa, lấy oan ức làm đà tiến thủ.”

 

II/ HÀNH ĐỘNG BỒ TÁT ĐẠO MANG TÍNH CHẤT QUÁN THẾ ÂM - PHỔ HIỀN - ĐỊA TẠNG

Nói đến tâm Từ Bi trong Đạo Phật là ta thấy ngay trong không gian tâm thức của ta mười hạnh nguyện của Đức Phổ Hiền Bồ Tát, mười hai hạnh nguyện của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, mười hai hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư và những lời phát nguyện vào địa ngục của Địa Tạng Bồ Tát lần lượt hiện ra cùng với hình ảnh cứu bạt chúng sanh của quý ngài qua hiện hữu ở những nơi có chúng sanh bị khổ ách, khổ nạn một cách hiện thực bằng vô số phương thức được theo cùng với vô số hành động cứu khổ khác nhau đối với vô số lượng chúng sanh có cái khổ khác nhau.  Hành động đến tận nơi có chúng sanh bị khổ để cứu khổ của quý ngài như vậy là do quý ngài thường trực sử dụng tâm Từ Bi - Trí Tuệ của mình để nghe và thấy nơi nào có chúng sanh bị khổ ách liền hiện hữu đến và hành động ngay.  Vì vậy mà Từ Bi trong Đạo Phật chính là tâm vô ngã có chứa đựng tính chất tình yêu xuất thế gian, nên hành giả nào có tâm từ bi đích thực đều thường trực nghĩ đến chúng sanh bằng trí, yêu chúng sanh bằng hành động hòa nhập vào biển sắc thế gian sẵn sàng quên mình, hy sinh thân mạng để cứu khổ vị tha một cách hiện thực, đúng như lời Kinh Phổ Môn: “Quan Âm diệu trí lực năng cứu thế gian khổ”.

Qua những hạnh nguyện cứu khổ chúng sanh một cách hiện thực rõ ràng của Chư Bồ Tát trong Đạo Phật, thì vai trò của người Tăng Sĩ Phật Giáo từ sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn cho đến nay khắp trên thế giới cũng không ngoài mục tiêu cứu khổ, ban vui cho chúng sanh.  Mà trước hết là thường trực cứu khổ Đạo pháp trên đất nước mình đang sống nếu Đạo pháp bị mất chánh đạo lại càng ra sức hành động phục hưng cải tổ, vì đó là đầu não vừa chỉ đạo vừa dấn thân cho việc cứu khổ ban vui cho chúng sanh trên quê hương mình về mọi mặt, chưa nói là kêu gọi hòa bình cho nhân loại.  Đạo pháp được mang sắc thái chánh đạo để làm động cơ trên vận hành cứu khổ ban vui cho dân tộc chính là những Tăng sĩ có tình yêu xuất thế gian bởi năng lượng Từ Bi đích thực trong nội thức mới có ý chí và khả năng làm cho Đạo pháp trên đất nước được trở lại vị trí chánh đạo.  Nhất là đất nước mà trong đó Đạo pháp bị suy vong, người dân bị bất an, mất hạnh phúc, nô lệ, kềm kẹp, tù đày, chết chóc, chiến tranh, ... bởi các bạo lực thực dân, chủ nghĩa đen, đỏ gây ra như đất nước Việt Nam trước 75 và hiện nay, thì người Tăng sĩ Phật giáo Việt Nam không thể không nghe, không thấy Đạo pháp và dân tộc trên đất nước mình đang bị lâm vào những cảnh khổ đau mà dấn thân, ra tay cứu khổ?  Hòa thượng Nhất Hạnh đã thấy rõ Đạo pháp trên quê hương mình vẫn tiếp tục ngồi yên trong núi nhìn Đức Phật, mặc dù đã có tiếp nhận hương vị SEN HÁI ĐẦU MÙA của thầy gởi đến, nhưng chưa bước ra được ao ngũ trược trên quê hương đang bị hết nước khô cằn và khói lửa để mà khai lại nguồn nước mát vào đó làm tắt đi ngọn lửa.  Vì vậy mà thầy Nhất Hạnh đã tự mình ra đi du học Hoa Kỳ vào năm 1960.  Nhờ vậy mà bản thân Phật Giáo Việt Nam được lột bỏ xác cũ và trở thành thân tướng Đại Trí Văn Thù mà hành trang là những nguyên lý Phật học có sinh động, nên vận hành cứu khổ chúng sanh là hành động của Chư Bồ Tát Quán Thế Âm, Phổ Hiền, Địa Tạng.  Đúng như lời thầy Thích Tuệ Sĩ: “Nói về văn hóa Phật giáo trước 75, tính từ khi ông Diệm sụp, thì Phật giáo mới bắt đầu có cơ chế đào tạo Cao đẳng và Đại học.  Như vậy chỉ trong khoảng 10 năm thôi, Phật giáo đã có những cơ sở giáo dục và văn hóa bắt kịp thời đại.”  Sự học thêm văn hóa hải ngoại của thầy Nhất Hạnh là phương tiện hiện đại hóa Đạo pháp tại bản xứ mình, nếu không nói là sự ra đi du học của thầy giống như Trần Thái Tông xuống núi cầm quân đánh bại quân Mông Cổ xâm lược (1257) sau khi ngộ được lời của Thiền Sư Trúc Mộc: “Phật không có trong núi”.  Vua Trần Thái Tông xuống núi đã đem lại thanh bình cho đất nước, thịnh vượng, an vui cho dân tộc sau khi đánh đuổi quân Mông Cổ ra khỏi bờ cõi.  Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh ra đi du học đã đem lại cho bản thân Phật Giáo Việt Nam một nguồn sống Đạo pháp đầy sinh khí mới, đó là Trường Cao Đẳng Phật Học, rồi tiến lên là Trường Đại Học Vạn Hạnh, và cho người dân Việt có thêm một chút no ấm bằng ngôi trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội.  Hai cơ sở Từ Bi, Trí Tuệ đó được thầy sáng lập vào các năm 1964-1965 sau khi thầy từ Hoa Kỳ trở về là thời điểm không còn bóng dáng bạo quyền Ngô Đình Diệm vì đã bị quân đội và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa lật đổ gần cuối năm 1963.  Và cũng là lúc Chư Tôn Giáo Phẩm trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã thấy rõ tài đức và hạnh Bồ Tát dấn thân cho Đạo pháp và dân tộc của thầy nên đã mời và giao cho thầy công tác điều hành giáo vụ Đại Học Vạn Hạnh.  Sau khi trường đại học này đã đi vào nề nếp giáo vụ, thầy thành lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội để cứu khổ, ban vui cho người Việt đang bị chiến tranh gây ra khổ đau, đói lạnh đúng như lời thầy đã nói: “Tôi như một miếng sắt được rèn luyện trong ngọn lửa chiến tranh, nên đã thành lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội một cách nhanh chóng, một tổ chức mà sau mười năm hoạt động đã có đến hàng ngàn người tự nguyện làm việc không lương trước khi bị cấm đoán bởi chính quyền Cộng Sản năm 1975, sau khi chính quyền Saigon sụp đổ.”

Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội trên quê hương Việt Nam giữa thập niên 60 (thời điểm chiến tranh tàn khốc nhất) là hình ảnh Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời để cứu khổ người dân.  Nói như lời thầy: “Đạo Phật không dạy ta chỉ ngồi thiền dưới gốc cây mà thôi.  Khi bom đạn rơi xuống tơi bời thì không thể nào ngồi yên dưới gốc cây để thiền quán mà phải đi băng bó người bị thương và cho các cháu đói ăn cơm.”  Cho nên nam, nữ sinh viên trường TNPSXH thường trực có mặt tại các làng xã, thôn xóm nghèo trên khắp đất nước, kể cả hiện hữu những nơi có bạo lực cộng sản, không cộng sản, vì là sự hiện thân của Quán Thế Âm Bồ Tát: “Vô sát bất hiện thân” để cứu khổ người dân.  Mỗi nơi như vậy có ít nhất năm sinh viên trường TNPSXH.  Việc làm cứu khổ của họ là: cất nhà lại, khám bệnh cho thuốc, băng bó vết thương, ủy lạo lương thực, cơm áo và dạy học, hớt tóc cho các trẻ em, cung cấp Kinh, sách Phật pháp, hình tượng Phật bằng giấy, chuông mõ cho những gia đình nghèo theo Đạo Phật, cũng như làm vui cho đồng bào sau khi được an cư trở lại bằng tiếng nhạc, lời ca.

Còn việc làm của hàng trăm sinh viên trường TNPSXH-Trung Ương Saigon là: theo dõi và đọc báo cáo công tác của các toán sinh viên từ các nơi gởi về hay là trực tiếp bàn thảo những công tác khó khăn với các anh chị từ làng xã ở xa về, soạn thảo kế hoạch hành động mới, kế hoạch phát triển kinh tế để có tài chánh cho việc sinh hoạt cứu khổ và điều hành, cũng như tích cực học và tu tập Phật pháp v.v.

Tất cả hành động hộ dân của hàng ngàn nam, nữ sinh viên trường TNPSXH tại các làng xã khi cơn bão lụt đang hoành hành và chiến cuộc tạm ngưng được biểu tượng của hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm khi đôi tay trét vách, lợp nhà, phát áo quần, lương thực, ... và biểu tượng hình ảnh của Bồ Tát Phổ Hiền ở hành động thỉnh Phật trụ thế khi đôi tay trao cho đồng bào Phật tử những tượng Phật, Kinh nhật tụng, chuông mõ, v.v.  Cũng như biểu tượng hình ảnh Bồ Tát Địa Tạng trong buổi lễ cầu siêu cho đồng bào bị chết bởi bão lụt và chiến tranh.  Hình ảnh những nam, nữ sinh viên trường THPSXH hòa nhập vào dòng sinh mệnh của dân tộc đang bị khổ đau, đói lạnh, chết chóc... một cách hăng say, vui vẻ, nhiệt tình và hy sinh cái hạnh phúc riêng tư của mình để hành động cứu khổ, ban vui cho người dân bị khổ nạn như thế, là do động cơ nào thúc đẩy?  Chính do hai năng lượng Từ Bi-Trí Tuệ từ nơi pháp thân thầy Nhất Hạnh thúc đẩy.  Nếu không nói là do từng cá nhân thanh niên, sinh viên tại các trường đại học lúc bấy giờ tự mình tiếp nhận vào lòng tính chất tình yêu xuất thế gian qua những tác phẩm văn, thơ và Phật pháp của thầy, rồi gia nhập đoàn thể TNPSXH mà lên đường hành động cứu khổ cho dân tộc mình.  Đích thực, với một tăng sĩ Phật giáo có trong lòng hai cấp từ bi tối thượng là “Chúng Sanh Đồng Thể Đại Bi” “Vô Duyên Đại Từ Bi” (lòng từ bi không dựa vào một lý lẽ nào để phát khởi – không đợi chờ đối tượng – vô điều kiện như mặt trời, mặt trăng chiếu ánh sáng xuống mặt đất một cách bình đẳng không lựa chọn nơi chốn) như Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh, không thể làm ngơ, ngồi yên mà hỷ lạc chức tước danh vị và hưởng thụ mọi thứ cúng dường... khi một đất nước mà trên đó người dân bị đau khổ, nhà tan cửa nát, chia ly, chết chóc, thương tật... bởi bom đạn của chiến tranh do các bạo lực ngoại bang gây nên, như đất nước Việt Nam vào giữa thập niên 60.  Vì vậy mà thầy Nhất Hạnh cấp tốc thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội để kịp thời đáp ứng phục vụ cho hàng trăm ngàn đồng bào nạn nhân chiến cuộc miền Nam Việt Nam sau khi giao trường Đại Học Vạn Hạnh cho Tổng Vụ Văn Hóa Giáo Dục - thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Với thầy Nhất Hạnh, người có đầy đủ chất liệu văn học thế giới, là giáo sư đại học Columbia New York-Hoa Kỳ, nhưng sau khi về nước đầu năm 1964, thầy chỉ lo phục hưng Đạo Pháp Việt Nam trên cơ sở văn hóa giáo dục tại Đại Học Vạn Hạnh, nhà xuất bản Lá Bối, tuần báo Thiện Mỹ, cũng như trường TNPSXH là những cơ sở đem nguồn sống Đạo pháp đầy sinh lực của Đức Phật vào tận tâm thức của hàng triệu người phật tử sau bao nhiêu năm bị tắc nghẽn.  Chứ thầy không màn đến chức vị giáo sư đại học tại miền Nam Việt Nam.  Trong khi đó, một vài Tăng sĩ lớn tuổi du học ở hải ngoại về nước, lúc bấy giờ ai cũng dạy tại các trường Đại Học Văn Khoa Huế - Saigon với sự nhiệt tình, năng nỗ và đắc ý vì có lương bổng cũng như chức vị, nhưng ít được các sinh viên tại các trường đó ngưỡng mộ vì họ đã đánh mất vai trò người tăng sĩ của Đạo Phật là cứu khổ dân tộc và cứu nguy Đạo pháp.  Chẳng những không cứu khổ, cứu nguy mà họ còn gây thiệt hại cho Đạo pháp.  Chẳng hạn một vị thượng tọa (nay là hòa thượng) trong chức vụ hiệu trưởng trường Trung Học Bồ Đề (Nguyễn Văn Khuê) Saigon đã tước đoạt ngôi trường Bồ Đề là tài sản của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất làm của riêng.  Vì vậy mà sau 30-4-75, hòa thượng nguyên là hiệu trưởng, đã xây lên ngôi chùa đồ sộ ở Thủ Đức giữa lúc toàn dân miền Nam Việt Nam sống trong khố rách, áo ôm, không đủ sắn khoai để no lòng, huống là được nhìn thấy hạt gạo dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam.

Trở lại thập niên 60, thầy Nhất Hạnh không dựa vào bất cứ nguồn ngoại viện tài chánh nào ngoài số tiền có được do từ nhà xuất bản Lá Bối, tuần báo Thiện Mỹ và bán sách cho việc khởi công đầu tiên xây dựng trường TNPSXH.  Cho nên từ đó ngôi trường này được toàn dân miền Nam Việt Nam biết đến công hạnh Bồ Tát xả thân cứu đời của hàng ngàn nam, nữ thanh niên, sinh viên phật tử và không phật tử do thầy Nhất Hạnh lãnh đạo và trao truyền cho hạt giống Từ Bi Quán Thế Âm. Chẳng những người dân biết đến mà còn mến thương, kính phục, tán dương tinh thần vô ngã vị tha của tập thể trường TNPSXH.  Do vậy chế độ Cộng Sản Hà Nội có mặt tại miền Nam trong cái gọi là giải phóng cứu nước cũng như chế độ Việt Nam Cộng Hòa Saigon, cả hai đều ghét bỏ trường TNPSXH, xem Phật giáo và thầy Nhất Hạnh là kẻ thù.  Tại sao hai chính quyền Hà Nội và Saigon xem chư Tăng, Ni và Phật tử thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là kẻ thù, nhất là HT Nhất Hạnh?  Tại vì chủ trương của Phật giáo là cứu khổ chúng sanh trên cả hai mặt vật chất ở thể xác bị khổ ách, khổ nạn, đàn áp... và tinh thần là chuyển hóa vô minh được có trí tuệ giác ngộ giải thoát.  Còn chính quyền Cộng Sản Hà Nội chủ trương vì quyền lợi sống còn, bảo vệ và phát triển Đảng Cộng Sản cho vững mạnh, chứ không vì quyền lợi sống còn cho dân tộc.  Cũng như vậy, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa–Saigon từ Đệ Nhất đến Đệ Nhị (1954-1975) trên danh nghĩa là chế độ tự do, dân chủ theo hệ thống chủ nghĩa tư bản của Hoa Kỳ là bình đẳng tôn giáo, tự do nhân quyền cho người dân.  Nhưng kỳ thực hai chính quyền Đệ Nhất và Đệ Nhị này hoàn toàn không vì quyền lợi an sinh, hạnh phúc, nhân quyền, tự do tôn giáo cho nhân dân miền Nam mà chỉ vì quyền lợi sống còn riêng tư cho Đảng Cần Lao và sự phát triển Đạo Thiên Chúa Giáo La Mã trên cơ sở độc tôn tại miền Nam.  Nói như Linh Mục Hoàng Quỳnh: “Thà mất nước, không thà mất Chúa”, nên chi mặc dù ông Ngô Đình Diệm đã chết, nhưng Đảng Cần Lao Thiên Chúa Giáo vẫn còn trong chính phủ của ông Nguyễn Văn Thiệu.  Vì vậy mà họ tiếp tục tiêu diệt Phật giáo bằng nhiều cách từ đầu năm 1964-1975.

Nói tóm lại, Phật Giáo Việt Nam bị giữa hai lằn đạn Cộng Sản Việt Nam và Đảng Cần Lao Nguyễn Văn Thiệu tại Việt Nam, cho nên trường TNPSXH bị một trong hai bạo lực đen, đỏ ấy ném lựu đạn vào lớp học của trường vào buổi tối lúc khoảng 8giờ30 của đầu năm 1967, làm chết tại chỗ một giáo sư, một sinh viên và 21 sinh viên khác bị thương.  Từ đó, trường TNPSXH bắt đầu bị sút giảm sự phát triển, ngưng lại sự sinh hoạt cứu khổ người dân.  Tuy nhiên, với tinh thần Bồ Tát Hạnh trong Đạo Phật đi vào đời không bao giờ ngừng lại, trường vẫn tiếp tục sinh hoạt cứu đời, nhất là sau cuộc chiến Tết Mậu Thân, các sinh viên trường làm việc cứu trợ nạn nhân chiến cuộc rất là tích cực (thời gian này thầy Nhất Hạnh đang ở Pháp cho việc vận động nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới lên tiếng yêu cầu các phe lâm chiến ở Việt Nam tại hòa đàm Balê hãy để cho Việt Nam được hòa bình).  Người thay thế thầy điều hành cơ sở và sinh hoạt của sinh viên là thầy Thích Thanh Văn.  Sau đó không lâu thầy Thanh Văn bị chết trên xa lộ Biên Hòa-Saigon bởi chiếc xe nhà binh húc vào bên hông xe thầy làm xe thầy bị lật, còn chiếc xe nhà binh không hề bị gì vẫn chạy boong boong trên đường vào khoảng mặt trời xế bóng khi thầy lái xe từ Biên Hòa về Saigon. Thầy Thích Châu Toàn lên thay, nhưng không lâu cũng bị chết một cách đột ngột trong giờ điều hành công việc trường sở.  Rồi tiếp theo sinh viên đang công tác hộ dân tại các làng xã bị khủng bố bằng nhiều cách; như năm sinh viên đang ngủ giữa đêm bị bắt đem ra giết chết tại bờ sông, trong đó có hai tăng sĩ Phật giáo và một toán tám sinh viên tại một hiện trường khác bị lùa đi vào giữa đêm và mất tích, cũng như sinh viên tại trường bị chánh phủ ông Thiệu bắt đi lính rồi đày ra chiến trường ở biên giới xa xôi, dù những sinh viên của trường một số có giấy hoãn dịch vì lý do gia cảnh hay học vấn ở cấp đại học, vẫn không được hưởng quyền lợi đó.

Qua những vụ sinh viên trường TNPSXH bị chết, bắt cóc mất tích và hai cái chết đột ngột của hai thầy Thanh Văn, Châu Toàn đã làm cho đồng bào miền nam phẫn nộ và cho rằng thủ phạm sát nhân và bắt cóc không ai khác hơn là bàn tay đen Đảng Cần Lao của ông Thiệu.  Bởi vì đồng bào Saigon đã thấy rõ sau những cái chết đó, sinh viên trường TNPSXH bị chính phủ ông Thiệu bắt đi lính và cho ra chiến trường.  Đúng là khôn mà không ngoan ở chỗ bắt lính nên bị lộ tẩy cái mặt nạ sát nhân rồi lên tiếng đổ thừa cho Cộng Sản.  Còn đài phát thanh Giải Phóng Miền Nam là cái loa tuyên truyền của Cộng Sản Bắc Việt tại miền Nam thì đổ hô cho chính quyền ông Thiệu âm mưu sát hại sinh viên trường TNPSXH.  Dĩ nhiên Tăng sĩ Phật giáo luôn bị Cộng Sản giết chết rất nhiều.  Điển hình rõ nét là Thượng Tọa Thích Quảng Tấn chánh đại diện tại chùa tỉnh hội Long Khánh bị Cộng sản bắt cóc rồi hành quyết tại bìa rừng Định Quán vào giữa năm 1967.  Trước khi xử bắn, Cộng Sản đọc bản kết tội thầy Quảng Tấn với hai tội danh: cựu tuyên úy Phật giáo tình báo CIA Mỹ và có những hành động chống phá cách mạng của họ.  Tin tức đó được đồng bào phật tử tại Định Quán báo cáo về Viện Hóa Đạo và chùa tỉnh hội Long Khánh sau khi biết được và lén vào bìa rừng chôn cất thầy.

Là người công dân Việt Nam ở lứa tuổi từ 60-70-80 hiện nay 2003, là người miền Bắc, cũng như miền Nam, ai cũng biết rõ cuộc chiến Việt Nam vừa qua ác liệt nhất, tàn bạo và bất nhân, nhất là từ 1965-1975 tại miền Nam Việt Nam nói riêng và nói chung là cả hai miền Nam Bắc Việt Nam, mà hầu hết là do Cộng Sản Miền Bắc gây ra đến 80 phần trăm sự thiệt hại về nhân mạng và tài sản cho đồng bào miền Nam do cố tình đánh chiếm miền Nam.  Còn lại 20 phần trăm thiệt hại do quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ gây ra, ắt phải chẳng đặng đừng trong vai trò đánh trả Cộng quân để bảo vệ miền Nam tự do theo chủ trương của chính phủ Hoa Kỳ là giúp đỡ các nước đồng minh của mình trên cơ sở chống cộng sản trong đó có nước Việt Nam Cộng Hòa tại miền nam Việt Nam.

Trước hàng nghìn cảnh tượng đạn rơi, nhà cháy khói lửa mịt mù, xác chết của người lính hai miền và người dân miền Nam nằm la liệt trên các nẻo đường quê hương, trong xóm, trên các cánh đồng, nơi rừng núi, đồng bào bồng bế nhau chạy trốn Cộng quân, tránh bom đạn, khát nước, đói cơm, lạnh lẽo, tật nguyền... như vậy, nhưng những người ở thượng tầng cầm quyền Cộng Sản Hà Nội, và những người chóp bu lãnh đạo quốc gia Việt Nam Cộng Hòa Saigon, cả hai không ai nghe, thấy những cảnh tượng đổ nát, ly tán, chết chóc, tiếng than khóc khổ đau của người dân ở hai miền Nam, Bắc bởi cái tâm của họ đầy vô minh, tham vọng là lá chắn tâm trí của họ.  Do vậy hai tập đoàn cầm quyền Hà Nội và Saigon tiếp tục leo thang chiến tranh tại miền Nam suốt thời gian từ 1954-1975 chỉ vì quyền lợi riêng tư của mình.  Về phía chính phủ Cộng Sản miền Bắc, quyền lợi riêng tư của họ là sự sống còn và phát triển Đảng Cộng Sản Việt Nam và quốc tế.  Về phía hai chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ông Diệm và ông Thiệu tại miền Nam Việt Nam từ 1954-1975, quyền lợi riêng tư của họ là sự sống còn và phát triển Đạo Kitô Giáo La Mã của họ phải được lên hàng quốc giáo.  Do vậy mà hai bạo quyền Cộng Sản Hà Nội và Việt Nam Cộng Hòa Saigon đều ra tay tiêu diệt tất cả lực lượng quốc gia dân tộc yêu nước, trong đó Phật giáo (truyền thống và Hòa Hảo) đứng hàng đầu trong danh sách bị tiêu diệt, bởi vì Phật giáo đứng về phía dân tộc, bênh vực cho toàn dân được mọi quyền tự do nhân quyền, nhân sinh, dân chủ đúng với vai trò và mục tiêu của Đạo Phật là cứu chúng sanh được thoát khỏi mọi thứ khổ đau, khổ nạn, khổ ách dù cho bản thân mình có bị các bạo quyền đàn áp đến mức độ nào đi nữa, không thể bị khuất phục, ngồi yên nhìn những cảnh tượng người dân trong nước mình và nhân loại trên thế giới bị khủng bố, đàn áp mất mọi quyền tự do, dân chủ, bị chiến tranh gây nhiều thương tật, chết chóc, chia ly... phải ra đi tìm phương cứu chữa.  Chư, Tăng Ni xuất gia và đồng bào Phật tử Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam đã từng đứng lên và đối đầu với các bạo quyền Đen, Đỏ để tranh đấu đòi họ hãy để cho dân tộc Việt Nam phải được tự do, dân chủ, sống trong hòa bình, Đạo Phật được bình đẳng với Đạo Thiên Chúa tại Việt Nam... ngay từ lúc bản thân của Phật Giáo Việt Nam còn là “TỔNG HỘI PHẬT GIÁO” bởi Dụ Số 10 do thực dân Pháp và Ngô Đình Diệm ban hành, cho đến khi “GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT” được thành lập sau khi ông Diệm bị Hội Đồng Quân Nhân lật đổ (1-11-1963), Dụ Số 10 không còn hiệu lực nữa.  GIÁO HỘI PGVNTN tiếp tục tranh đấu cho dân tộc thời gian 1965-1975 là thời điểm bạo quyền Cần Lao Vatican Nguyễn Văn Thiệu và hai bạo quyền Đỏ Cộng Sản Bắc và Nam gây chiến tranh với nhau để giành quyền lợi riêng tư đã đem khói lửa bom đạn trên quê hương miền Nam Việt Nam, làm cho hàng triệu người dân bị chết oan, tật nguyền, tan nát cửa nhà, trắng tay nghèo đói, ly tán quyến thuộc, và đem hàng triệu thanh niên hai miền Nam-Bắc vô tội cùng chết tức tưởi trên mảnh đất miền Nam.  Và sau 30-4-75 chư tôn giáo phẩm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn tiếp tục tranh đấu với bạo quyền Đỏ Cộng Sản Việt Nam cho đến nay 2003... cho đến khi nào Cộng Sản Việt Nam bị tan rã mới thôi.  Do vậy, trước 1975, giữa thời điểm 1965-1966, hòa thượng Thích Nhất Hạnh đã lên tiếng kêu gọi các phe Đen, Đỏ trên quê hương Việt Nam đang gây ra chiến tranh tàn bạo, đẫm máu tại miền Nam Việt Nam nên chấm dứt cuộc chiến tàn ác chưa từng thấy đó để cho dân tộc sớm được sống trong hòa bình, tự do, an cư lạc nghiệp và hạnh phúc.  Được như vậy chỉ có lấy tình thương và sự hiểu biết đối đãi với nhau, con đường hòa bình mới hiện thực cho dân tộc sau khi tâm thương yêu được thể hiện ra hành động hòa giải, tâm hận thù sẽ bị tiêu diệt bởi năng lượng tình thương.  Nhưng hai phe Đen, Đỏ vẫn tiến hành chiến tranh có tính cách hủy diệt vì quyền lợi riêng cho mình nên họ chẳng bao giờ nghe đến lời kêu gọi thiết tha của chư tôn đức trong Phật giáo xin họ hãy để cho Việt Nam có hòa bình, tự do, dân chủ và bình đẳng tôn giáo.  Lời kêu gọi ấy được đi cùng với thời gian gần thế kỷ, từ lúc hai phe Đen, Đỏ hiện hữu trên đất nước Việt Nam gây chiến trong việc dành quyền lợi ở ngôi vị cai trị.

Thấy và biết vậy, thầy Nhất Hạnh đã sử dụng năng lượng tâm từ bi và sự hiểu biết rộng lớn của mình qua khả năng văn hóa trong việc kế thừa truyền thống HỘ DÂN, HỘ QUỐC, HỘ ĐẠO của hàng Tăng Sĩ Phật Giáo Việt Nam trong quá khứ là luôn luôn hòa nhập bản thân mình vào dòng sinh mệnh của dân tộc trên cơ sở hàng đầu là Hộ Dân.  Trong việc Hộ Dân có hành động và lời nói tranh đấu cho dân tộc nếu bị bạo quyền đàn áp, bóc lột, chà đạp nhân phẩm...  Vai trò của hàng Tăng Sĩ là phải dấn thân tranh đấu cho dân.  Tranh đấu tại quốc nội không được thì ra hải ngoại tranh đấu.  Từ đó 1966, thầy Nhất Hạnh rời Việt Nam ra hải ngoại để gặp các giới yêu chuộng hòa bình, các bậc lãnh đạo tôn giáo có tấm lòng bác ái đích thực, các tổ chức từ thiện xã hội, những nhà chính trị ôn hòa... để vận động họ nói lên tiếng nói: “Xin các phe lâm chiến tại nam Việt Nam hãy ngưng chiến tranh, để cho dân tộc Việt Nam có hòa bình.”  Bước chân vận động hòa bình cho Việt Nam của thầy khắp các nước Âu Châu đến Mỹ Châu.  Những lời kêu gọi hòa bình của thầy và các giới mà thầy đã gặp đều lên tiếng hòa bình cho Việt Nam đã làm cho bạo quyền Đỏ Hà Nội và bạo quyền Đen Cần Lao Nguyễn Văn Thiệu Saigon bực tức và oán ghét thầy rồi cấm đoán thầy về nước; từ đó cho đến nay, nếu không nói là thầy bị lưu đày.  Đúng như lời thầy đã nói:

“Tôi rời đất nước năm 1966, vào tháng năm.  Lúc đó chiến tranh Việt Nam đã đi tới mức khủng khiếp.  Tôi nghĩ rằng mình phải ra đi để cất lên tiếng kêu gọi hòa bình.  Tôi chỉ muốn đi vài tháng thôi rồi về.  Lúc đó trường đại học Cornell ở Ithaca mời tôi qua để giảng một loạt bài về tình hình Đông Nam Á.  Người đứng ra mời là George Kahin, giáo sư chính trị học ở tại trường Cornell.  Tôi đi ra để nói rõ là dân Việt Nam không muốn đánh nhau nữa, chỉ muốn ngồi xuống để thương thuyết với nhau để đi tới một giải pháp hòa bình và các cường quốc trên thế giới đừng dùng Việt Nam làm một chỗ để tranh giành ảnh hưởng nữa, đừng sử dụng ý thức hệ cũng như bom đạn trên đất nước nhỏ bé đó.  Trong chuyến đi này, tôi có nhờ một tổ chức hòa bình là Fellowship of Reconciliation, gọi là Hội Thân Hữu Hòa Giải sắp đặt.  Đó là một tổ chức có tính cách tôn giáo và tâm linh, không phải là một tổ chức chính trị.  Họ bảo trợ cho tôi để tôi có thể đi khắp nơi trên nước Mỹ và các nước Âu châu và Úc châu để nói lên tiếng nói của những người khao khát hòa bình.  Trong chuyến đi đó tôi đã đi Mỹ, đã đi hầu hết các nước Âu châu và sau đó tôi đi Úc, đi Tân Tây Lan, đi Phi Luật Tân và đi Nhật.  Trong quá trình vận động hòa bình này, tôi được báo tin rằng chính quyền Việt Nam không muốn cho tôi về nữa.  Vì vậy tôi đã bị lưu đày từ tháng 5 năm 1966 cho đến bây giờ.  Hồi đó, gần như mỗi đêm tôi đều có nằm mơ về nhà.  Tất cả bạn bè, học trò và công việc lý tưởng của mình đều ở Việt Nam.  Nào là Viện Cao Đẳng Phật Học, Viện Đại Học Vạn Hạnh, tuần báo Hải Triều Âm, trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, nhà xuất bản Lá Bối, tất cả công việc đó, tất cả học tăng nam và nữ đều ở Việt Nam.  Vì vậy không về được Việt Nam tôi rất buồn.  Tôi bị  lưu đày vì đã dám lên tiếng kêu gọi hòa bình.  Trong những giấc mơ tôi thấy tôi đang leo lên một ngọn đồi xanh, có những cây rất đẹp và có những căn nhà rất xinh xắn.  Thường thường leo tới lưng chừng đồi thì tôi tỉnh dậy và nhớ rằng mình đang bị lưu đày.  Giấc mơ này cứ lập đi lập lại nhiều lần.  Tôi đi làm việc rất hăng hái.  Có khi chỉ ngủ một đêm ở một thành phố, và khi làm việc tại thành phố đó xong thì phải bay đi thành phố khác.  Thời gian ngồi trên máy bay là lúc nghỉ ngơi vì khi xuống máy bay, vào đến phi trường là phải họp báo, phải nói chuyện.  Tôi đã đi tới rất nhiều thành phố lớn ở Âu châu, Mỹ châu, Úc châu.  Có lúc thức dậy ở khách sạn, tôi không biết là tôi đang ở đâu.  Hồi đó các thành phố ở Âu châu chưa có chùa.  Tổ chức bảo trợ cho tôi là một tổ chức có khuynh hướng tôn giáo mà trụ sở đặt tại Newark, New York.  Họ lo cho tôi về vấn đề di chuyển và cư trú, và họ cử một vị phụ tá đi theo.  Hồi đó làm gì có phụ tá người Việt, nên mỗi khi bị cảm tôi phải nhờ phụ tá người Mỹ cạo gió.  Mà phụ tá người Mỹ làm sao mà biết cạo gió, nên tôi phải huấn luyện cho người đó để anh ta có thể cạo gió được.  Lúc đó tôi đã biết tu tập chánh niệm, biết cố gắng an trú bây giờ và ở đây, cho nên trong mỗi hơi thở, trong mỗi bước chân tôi đều có thực tập làm quen với cảnh vật và con người ở tại Âu châu.  Cây cối ở đây khác, chim chóc khác, hoa cỏ cũng khác và con người cũng khác.  Tôi phải tập làm quen và chơi với trẻ em Âu châu: trẻ em Đức, trẻ em Pháp, trẻ em Ý; làm bạn không phải với những ông thầy tu đạo Bụt mà làm bạn với những ông mục sư Tin Lành, những ông linh mục Công Giáo, và thực tập nhận diện những cái mầu nhiệm của hiện hữu đang có mặt xung quanh mình.  Tôi thực tập rất đàng hoàng, và sau đó vào khoảng một năm hay một năm mấy thì giấc mơ kia không trở về nữa.  Tôi đã chấp nhận cả trái đất là quê hương của mình.  Từ năm 1968 đến 1975, tôi thành lập và hướng dẫn một phái đoàn hòa bình của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Paris.  Cuối năm 68, đầu 69 đã có hội nghị hòa bình tại Paris và khi thăm dò thì biết bộ ngoại giao chính phủ Pháp đồng ý cho mình mở một trụ sở của Phật giáo tại Paris.  Nhưng khi mình triệu tập hội nghị Phật Giáo Việt Nam tại Paris, mời tất cả đại diện Phật Giáo Việt Nam tại các nước về họp ở Paris thì bộ ngoại giao lại không cho, ép mình phải đem cái hội nghị đó về Fontaienbleau dưới áp lực của phái đoàn Hà Nội, Sài Gòn và Mỹ.  Ban đầu trụ sở của phái đoàn Phật giáo Việt Nam là ở tại Maisons Alfort, ngoại ô Paris.  Sau đó, vào tháng 5, 1970 thì mới dời trụ sở đó về Paris, đó là số 11 đường La Gtoutte d’Or ở Paris 18 è.  Trước đó tôi đã sáng tác được cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa (Lotus in the Sea of Fire), được xuất bản bằng tiếng Anh, rồi bằng tiếng Đức, và một số các thứ tiếng khác trong đó có tiếng Nhật.  Cuốn này cũng được in chui ở Việt Nam nhiều lần.” (Lá thư Làng Mai trang 58-59).

Tác phẩm “HOA SEN TRONG BIỂN LỬA” như là một cuốn ALBUM dầy cộm với vô số tấm ảnh của hằng triệu người dân, người lính hai miền, gia súc, hoa mầu, cây trái, ruộng đồng bị cháy như than, phỏng nửa thân hình, tật nguyền đang bồng bế các trẻ thơ chạy ra từ ngôi nhà Việt Nam bị cháy bởi những người Việt gian lãnh đạo ở hai miền Bắc, Nam đồng lõa với hai bạo lực ngọai nhân Đen, Đỏ cầm lửa đốt ngôi nhà Việt Nam để tranh giành quyền lợi với nhau suốt gần nửa thế kỷ (1945-1975), mà ngôi nhà Việt Nam vẫn còn bị cháy không ai dám bước vào để chữa cháy, lên tiếng yêu cầu những người đốt nhà hãy dừng cánh tay lửa đỏ, đánh lên tiếng chuông cấp cứu cho thế giới được nghe vào cứu giúp.  Duy chỉ có những vị Tăng Sĩ Phật Giáo Việt Nam mới ra tay cứu chữa bằng bình nước Từ Bi Cam Lồ và hành động bất bạo động.  Do vậy một phần tư cuốn ALBUM “HOA SEN TRONG BIỂN LỬA” là những tấm ảnh thầy Nhất Hạnh đứng lên giữa khói lửa quê hương kêu gọi các phe lâm chiến nên ngưng nổ súng, bom rơi để cho dân tộc Việt Nam được thấy hòa bình vì chiến tranh quá lâu.  Rồi những tấm ảnh thầy và các sinh viên trường TNPSXH đi băng bó vết thương rỉ máu ở bản thân người dân, cùng với cơm áo, thuốc men cho người dân vừa thoát khỏi những cơn lửa đạn.  Cũng như những tấm ảnh thầy đang hiện hữu giữa đô thị ánh sáng Paris đầu năm 1969, hiện hữu của hình ảnh “Quán Âm Diệu Trí Lực Năng Cứu Thế Gian Khổ”, tức là thầy đang tận lực sử dụng trí hiểu biết, lòng từ bi, khả năng văn hóa và Bồ Tát đạo của mình trong việc kêu gọi các phe lâm chiến ở Việt Nam đang có mặt đầy đủ tại Hòa Đàm BaLê hãy mau chấm dứt chiến tranh vì người dân hai miền Nam, Bắc mong muốn hòa bình.  Lời kêu gọi đó bằng họp báo, bằng những bức thông điệp gởi cho các phe giữa lúc hòa đàm.

Cuốn Album “Hoa Sen Trong Biển Lửa” được dịch ra nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật... như là một bức thông điệp lớn gởi cho nhân dân các nước trên thế giới.  Vì vậy mà nhân dân trên thế giới lúc bấy giờ được thấy rõ những hình ảnh người dân Việt Nam, những người lính Việt hai miền đang bị khổ ách, khổ nạn trong biển lửa chiến tranh... mà ông thầy tu Phật giáo Thích Nhất Hạnh đã đưa những hình ảnh chiến tranh đó ra trong cuốn Album “Hoa Sen Trong Biển Lửa” này đích thực không khác với những hình ảnh mà họ đã nhìn thấy trên truyền hình, qua báo chí và truyền thanh tại xứ sở của họ.  Từ đó, nhân dân ở các nước tự do dân chủ trên thế giới đều đồng tình với thầy, đứng lên kêu gọi các phe lâm chiến tại Việt Nam hãy để cho Việt Nam được hòa bình.

Tất cả những lời họp báo vận động hòa bình cho Việt Nam, những tư tưởng chống chiến tranh, kêu gọi hòa bình của thầy Nhất Hạnh trong những bức thông điệp gởi cho các phe gây chiến, gởi cho nhân dân thế giới được viết tại Paris bên cạnh vị trí hòa đàm đã được làm thành một tập Khảo Luận với nhan đề “Đối Thoại Với Cánh Cửa Hòa Bình”, đối thoại giữa những người Quốc gia và Cộng sản (Dialogue, the Key to Vienam Peace).

Nói đến cánh cửa là nói đến ngôi nhà, vì ngôi nhà dù to hay nhỏ đều có cánh cửa ra vào.  Cánh cửa mà thầy Nhất Hạnh đối thoại chính là cánh cửa của ngôi nhà Việt Nam.  Trong ngôi nhà Việt Nam nghèo khổ mà có đến hai ông chủ ở hai phần nam, bắc cách nhau bởi cái vách vĩ tuyến 17°.  Thông thường một ngôi nhà không có hai người làm chủ.  Nhưng ngôi nhà (đất nước) Việt Nam sở dĩ có hai ông chủ ở hai phần nam, bắc là do thế lực ngoại nhân đứng ra phân xử chia đôi (1954) cho hai anh em cùng một mẹ Việt Nam mỗi người được làm chủ mỗi miền nam, bắc.  Mẹ Việt Nam có đến mấy chục triệu người con, nhưng có hai người con có tánh tình rất hung bạo do cuồng tín chủ nghĩa và cuồng tín tôn giáo Vatican.  Người cuồng tín chủ nghĩa Cộng sản ở phần đất miền Bắc, người cuồng tín tôn giáo Vatican ở phần đất miền Nam.  Đã bị cuồng tín ở tâm thức, hai ông chủ không ai chủ trương đem lại quyền lợi cho dân tộc được ấm no, hạnh phúc mà họ chỉ vì quyền lợi riêng tư cho họ được ấm no, hạnh phúc và thống trị.  Ông chủ miền Nam muốn tôn giáo Vatican của mình phải được thống trị toàn dân để lên hàng quốc giáo.  Ông chủ miền Bắc muốn thống trị luôn cả miền nam để làm chủ một mình trong ngôi nhà Việt Nam, nên đem quân đánh ông chủ miền Nam.  Cuộc chiến huynh đệ tương tàn và đẫm máu suốt hơn một phần tư thế kỷ mà chưa dứt, cứ tiến tới càng lúc càng khốc liệt.  Hai ông chủ của hai miền Bắc, Nam lúc bấy giờ không thấy năng lực chiến tranh trên đất nước đang hủy diệt tất cả văn hóa, đạo đức mà dân tộc ở hai miền vốn có sẽ bị mất hết, bị thay vào đó bần cùng và dốt nát.  Điển hình rõ nét là ngày nay Cộng Sản Việt Nam đang tiếp tục đưa dân tộc Việt Nam xuống hố thẳm dốt nát, mất đạo đức nhân bản và bần cùng...

Là người của Đạo Phật, đạo của tình thương và sự hiểu biết rộng lớn là năng lực thường trực trên vận hành hòa nhập vào dòng đời trực diện trước mọi hiện tượng khổ ách, nạn của chúng sanh mà ứng thân cứu khổ, trong đó có cơ chế xây dựng hòa bình cho nhân loại, cho dân tộc mình từ khi Đạo Phật có mặt trên trái đất này đến nay suốt gần ba nghìn năm qua, nay vẫn tiếp tục, hòa thượng Thích Nhất Hạnh là con dân Việt Nam, là giáo phẩm của Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thuộc Tổng Vụ Văn Hóa Giáo Dục - Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.  Ngài đã thấy được bản thân người dân Việt hai miền nam, bắc đang quằn quại trong cơn sắp chết, thương tật do bom đạn của hai quyền lực quốc gia và cộng sản đánh nhau gây nên rõ thực qua những hình ảnh các anh lính chiến Việt Nam Cộng Hòa trở về trong tay nạn gỗ bên người vợ hiền thư sinh mái tóc còn xanh, hình ảnh những bà mẹ hiền miền nam tóc bạc như sương ôm xác con trong túi vải bông-sô từ trực thăng đưa xuống, hình ảnh những xác chết của Cộng quân Bắc Việt bị vùi dập nơi gốc cây, suối cạn miền nam dưới bầu trời lãng quên.  Và ngài cũng nghe rõ tiếng bom rơi, đạn pháo hằng đêm từ xa vọng về có mang theo tiếng kêu cứu của người dân trong căn nhà Việt Nam đang bốc lửa chiến tranh.  Với vai trò Tăng bảo tại thế gian thường cứu khổ chúng sanh không phân biệt người quốc gia hay cộng sản bởi năng lượng từ bi, trí tuệ của Bồ Tát Quán Thế Âm luôn hiện hữu trong lòng nên thầy phải ra đi kêu gọi hòa bình cho Việt Nam như lời thầy đã nói: “Tôi rời đất nước năm 1966 vào tháng năm.  Lúc đó chiến tranh Việt Nam đã đi đến mức khủng khiếp.  Tôi nghĩ mình phải ra đi để cất lên tiếng kêu gọi hòa bình.”

Những phương pháp vận động hòa bình cho Việt Nam, ngoài sự gặp gỡ các giới yêu chuộng hòa bình tại một số quốc gia hải ngoại, còn có lời đối thoại thẳng với hai phe chính thức trong ngôi nhà Việt Nam; đó là những người quốc gia và cộng sản để hy vọng họ mở cửa nhà, bước ra nghe lời đối thoại hòa bình của thầy mà ngưng cuộc chiến.

Làm sao hai phe Cộng Sản Hà Nội và MTGP có thể nghe theo lời thầy mà ngưng chiến được!  Vì họ là cộng sản đúng nghĩa gian ác, xảo quyệt, khát máu đầy tham vọng bành trướng chủ nghĩa Lenin nên Cộng Sản Hà Nội quyết tâm xua quân xâm lăng miền Nam dù đã bị thương vong gần cả triệu quân, nhưng chúng vẫn vơ vét thanh niên miền Bắc tuổi chưa trưởng thành bắt ép vào nam xông vào trận chiến như bầy lang sói đói thịt nhào đến những con nai, như những tên cướp đang vào mỏ kim cương hành hung các thợ mỏ để đoạt lấy của quý bởi bản chất cộng sản.

Làm sao những người lính quốc gia VNCH có thể ngưng chiến được!  Bởi vì là người quốc gia đúng nghĩa thương yêu nòi giống, chống ngoại xâm bảo vệ quê hương nên phải đem hết sức mình hành quân chiến đấu với cộng quân bảo vệ mảnh đất tự do, giống như những người trong ngôi nhà giàu đánh trả với bọn cướp khi chúng xâm nhập đánh cướp.  Nếu buông tay ra ắt sẽ bị nguy hại đến tính mạng cho cả nhà, nên cứ đánh đến đâu thì đến dù bị đổ máu, ngã gục mà lấy lại được quê hương cho dân tộc cũng xin nguyện được đổ máu, như tướng Hưng đã tử thủ Bình Long, như lực lượng Thủy Quân Lục Chiến, Dù đã lấy lại Cổ Thành Quảng Trị bằng máu qua những đêm đen hực lửa đầu súng mà lòng không nghe đói, thấy mệt... cũng vì tinh thần quốc gia.

Làm sao Hoa Kỳ có thể làm chủ ngưng chiến được!  Bởi vì Hoa Kỳ giúp VNCH chẳng khác nào như người hàng xóm nghe, thấy nhà bên cạnh có tiếng gây gỗ, đánh nhau nên tưởng rằng có kẻ cướp hành hung lấy của mà nhảy vào tiếp sức.  Nhưng cuối cùng phát hiện ra hai bên quyến thuộc dòng họ hành hung đánh nhau vì tranh giành quyền lợi về của cải, nên rút lui.  Trước khi rút lui, Hoa Kỳ cũng nói lý do mình rút lui và khuyên hai bên quyến thuộc trong ngôi nhà Việt Nam nên hòa bình với nhau.  Nhưng không chịu hòa mà cứ chiến.  Phe chủ chiến chính là hai tên Cộng sản Bắc Nam làm cho phe Quốc Gia VNCH buộc lòng phải đơn phương một mình đánh trả tức là một chọi với hai trong thời gian Hoa Kỳ rút quân bỏ rơi VNCH.  Nhưng Hoa Kỳ cũng phải có mặt tại hội nghị Balê để khuyên hai bên quốc gia và cộng sản nên ngưng chiến, cho nên tại hội nghị Balê gồm có bốn bên Hoa Kỳ - Việt Nam Cộng Hòa - Cộng Sản Hà Nội - Cộng Sản Miền Nam (MTGP).  Nhưng kỳ thực chỉ có hai phe Quốc gia và Cộng sản trong cuộc chiến, vì vậy hòa thượng Thích Nhất Hạnh chỉ đối thoại với hai phe đó, chứ không đối thoại với Hoa Kỳ.

Tại đất mẹ Việt Nam lúc bấy giờ đang bị phủ lên đầy khói lửa bom đạn, còn tại thành phố Paris hoa lệ hai bên bàn thảo chuyện hòa bình thật là trớ trêu, tức là có đàm luận bằng ngôn ngữ, nhưng tâm không muốn hòa. Đó là chủ trương của Cộng Sản Hà Nội trong cái gọi là “vừa đánh vừa đàm” suốt bốn năm.  Hòa thượng Nhất Hạnh càng thêm ráo riết vận động các giới yêu chuộng hòa bình tại hải ngoại hãy mau lên tiếng kêu gọi hai bên chánh phủ Hà Nội, Saigon ngưng ngay cuộc chiến để cho dân hai miền được thấy hòa bình một khi hòa thượng được nghe đến và thấy rõ trên báo chí, truyền hình quốc tế về những hình ảnh: Đại Lộ Kinh Hoàng-Komtum di tản trong mùa hè đỏ lửa 1972, Bình Long khói đạn ngập trời... trong nhiều tháng 1973.

Cuộc chiến nào của loài người trong thời cổ và trung đại xa xưa dù đánh nhau bằng gươm dao hay súng đạn cũng được chấm dứt bởi bạo lực này thua kém bạo lực kia.  Còn những cuộc chiến của nhân loại trong thời đại văn minh khoa học ngày nay đa số đều do ý thức hệ nên cuộc chiến lâu, mau được chấm dứt bởi các thế lực cường quốc chỉ đạo dù cho cuộc chiến bằng vũ khí quy ước tối tân.  Do vậy, cuộc chiến Việt Nam giữa hai phe Cộng Sản miền Bắc và Quốc Gia miền Nam suốt hơn một phần tư thế kỷ được chấm dứt bằng một Hiệp Định Đình Chiến vào ngày 27 tháng giêng năm 1973 do bốn bên Hoa Kỳ - Việt Nam Cộng Hòa - Cộng Sản hà Nội - Cộng Sản Miền Nam (MTGP) cùng ký vào và có Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc giám sát.

Hòa thượng Nhất Hạnh lấy làm vui mừng khi được nghe bốn bên Hòa Đàm Paris đã ký kết với nhau một HIỆP ĐỊNH ĐÌNH CHIẾN Hòa Bình cho Việt Nam.  Và ngài đặt niềm tin vào thiện chí hai bên Quốc gia và Cộng sản là hai đứa con cùng mẹ Việt Nam có cội gốc tổ tiên Hùng Vương, con cháu Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Quang Trung, Hai Bà Trưng... được tràn đầy bản chất yêu nước, thương nòi, chống ngoại xâm và đức tính kiên cường chơn chất bất vụ lợi, vì sự tồn tại và sống còn của toàn dân hai miền mà thực thi nghiêm chỉnh những điều cùng nhau đề ra và đồng ý ghi vào hiệp định để giữ vững hòa bình và tiến tới thống nhất đất nước.

Niềm vui của thầy thấy Việt Nam có đình chiến hòa bình đang trong hơi thở vô và bắt đầu thở ra, thì quân đội Cộng Sản tại quê nhà miền nam Việt Nam đã xé bản hiệp định chưa ráo mực trên đường tiến quân đánh chiếm những đồn bót do Địa Phương Quân- QLVNCH trấn giữ tại các làng, xã trong sáng ngày 28-1-1973 trên toàn miền nam Việt Nam để cắm cờ, giành dân.  Chính tác giả trên đường công tác giáo vụ cho phật tử tại Khuôn Hội Phật Giáo Lệ Chí, xã Lệ Chí cách thành phố Pleiku 12 cây số về phía đông, phải quay xe trở về vì giao thông bị ngăn chận do Địa Phương Quân tỉnh đang đến Lệ Chí để tiếp viện cho Địa Phương Quân Lệ Chí đang bị Cộng quân tấn công sáng ngày 28-1-1973.  Cùng buổi sáng hôm ấy, tại một số thôn ấp thuộc các quận Thanh An, Phú Nhơn cũng bị Cộng quân xâm nhập cắm cờ.  Từ đó bản thân toàn dân miền Nam Việt Nam không những chưa được một phút hưởng lấy không khí hòa bình, mà trái lại còn bị đổ máu, thịt rơi, nhà tan, cửa nát, mất hết của cải, ly tán gia đình bởi Cộng Sản Hà Nội tham vọng bá quyền dân tộc mà xé hiệp định chủ chiến gây nên.  Được nhìn thấy rõ nét những cảnh tượng máu lửa thịt rơi ấy là giữa mùa xuân 1975 trên đường chạy trốn cộng sản một cách vô định hướng của hàng triệu người dân quốc gia Việt Nam Cộng Hòa từ Cao nguyên Trung phần xuống đến duyên hải Quảng Trị ... Cà Mau trong cuộc tổng tấn công của Cộng Sản Hà Nội từ dạo đó cho đến ngày hôm nay năm 2003 tiếp tục chạy trốn Cộng Sản bằng tâm hồn một khi đôi chân bị bí đường, hết lối nên phải đành sống trong bóng tối địa ngục cộng sản.  Không biết đến bao giờ dân tộc Việt Nam mới được thoát ra khỏi địa ngục cộng sản!

Sau khi Cộng Sản Hà Nội chiếm trọn miền nam Việt Nam vào năm 1975 và thống trị toàn dân cả hai miền nam, bắc bằng chủ nghĩa cộng sản, hòa thượng Nhất Hạnh và Chư tăng trong phái đoàn Phật giáo chấm dứt nghĩa vụ vận động hòa bình, rút về am Phương Vân, một nơi ở ngoại ô Paris cách một giờ ba mươi phút lái xe.  Suốt thời gian an trú tại Phương Vân Am, HT Nhất Hạnh đã sáng tác nhiều tác phẩm như “Bưởi”, “Trái Tim Mặt Trời”, “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận II và III”.  Cũng trong thời gian 1975-1982, hòa thượng Nhất Hạnh và một số thầy và sư cô trong phái đoàn Phật giáo Việt Nam lại tiếp tục hành đạo giáo pháp Ly Khổ Đắc Lạc cho người dân Việt tại quê nhà, đó là tổ chức đi cứu vớt người dân vượt biên dọc theo bờ biển Việt Nam từ Quảng Trị đến Cà Mau, đúng như lời hòa thượng Nhất Hạnh nói: “Tôi và một số các vị khác trong tăng thân đã tổ chức cứu trợ thuyền nhân, đã thuê ba chiếc tàu, một chiếc tên là Leapdal, một chiếc tên là Roland, và một chiếc tên là Saigon 200 để đi cứu thuyền nhân trên biển.  Mục đích của mình là vớt người trên biển để chở họ một cách bí mật đến các nước như Úc...  Lúc ấy trên thuyền của mình đã có 550 thuyền nhân, nhưng sau đó công tác bị lộ, tôi cũng như sư cô Chân Không bị dẫn độ, tức là bị đuổi ra khỏi Tân Gia Ba, vì văn phòng của mình hoạt động bí mật ở đó.  Tân Gia Ba có một chính sách rất không nhân từ đối với thuyền nhân.  Mình bị lộ vì các nhà báo đi săn tin, nếu không thì mình đã có thể chở các thuyền nhân đó sang Úc và họ đã được định cư rất sớm.  Vì bị phát giác nên các thuyền nhân đó bị giao cho Ủy Ban Tị Nạn của Liên Hiệp Quốc và phải ở trong các trại tị nạn ba năm, bốn năm, hoặc năm năm mới có thể đi dịnh cư.  Rất tiếc!” (Lá thư Làng Mai số 25 ra ngày 12-2-2002, trang 39).

Về chuyện Hòa thượng Nhất Hạnh tổ chức đi cứu vớt thuyền nhân trên biển ngoài khơi Việt Nam đã bị Cộng Sản Hà Nội lên án, nguyền rủa không ngớt lời trên đài phát thanh Hà Nội và trên tờ báo Nhân Dân.  Chính tác giả đã được nghe rõ lời lẽ của Cộng Sản Hà Nội nguyền rủa HT Nhất Hạnh nào là nhà sư nguy hiểm cho Cách mạng, CIA đắc lực của đế quốc Mỹ... được phát ra rả nơi cái loa trên nóc cổng ra vào của trại cải tạo Thanh Phong vào một chiều chủ nhật mùa xuân năm 1981.  Lời lẽ nguyền rủa ấy cũng được đăng trong tờ nhật báo Nhân Dân được anh em tù nhân chính trị nghe rõ vào một ngày khác lúc tối do cựu đại tá Tôn Thất Hùng nằm tầng trên là chuyên viên đọc báo, đọc lớn ở đoạn Cộng sản nguyền rủa HT Nhất Hạnh đang dùng Thuyền Từ cứu vớt thuyền nhân Việt Nam.

Xong công việc cứu vớt thuyền nhân trên biển như hòa thượng đã trình bày lý do chấm dứt, sau đó hòa thượng bước qua công việc cứu người bị đói trong đất liền. Những đối tượng bị đói được hòa thượng cứu, đó là Tăng, Ni sinh tại các tu viện Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trên toàn miền nam sau 30-4-75 vốn là sinh viên đã từng học với hòa thượng.  Những Tăng, Ni ra khỏi tu viện, một số về gia đình còn giữ đầu tròn áo vuông, một số ra đời làm cư sĩ tu niệm tại gia, một số không còn cha mẹ, chỉ còn anh chị em, nhưng anh chị em cũng gặp phải khó khăn nghèo đói, nên phải đành ngậm đắng nuốt cay mà vào một số chùa, tu viện cũ hạ mình quỳ xuống lạy lục cúc bái các vị hòa thượng già còn ở lại xin mở lòng từ bi dung nạp cho ở.  Nhưng các vị hòa thượng ấy cũng không có quyền cho, nên trình báo lên ban tôn giáo nhà nước cộng sản.  Sau đó ban tôn giáo bắt các hòa thượng phải đi làm giấy bảo đảm và cam đoan với lời lẽ tuyên thệ vững chắc và ký tên.  Thế là các Tăng, Ni mồ côi đó được ở.  Tất cả Tăng, Ni sinh bị ra khỏi chùa, tu viện, đang ở với cha mẹ, quyến thuộc và đang lang thang giữa lòng xã hội đỏ kiếm sống bằng mua chui bán nhủi củ khoai, trái ớt, gói trà, cà phê...  Nếu lọt qua lưới công an được no lòng một bữa, bằng không bị vào tù ra khám với bản án có ghi tội trạng “phá hoại và làm lũng đoạn nền kinh tế xã hội chủ nghĩa”.  Và những Tăng, Ni trở lại chốn cũ chùa xưa đang ngồi im trong chốn thiền môn ở trạng thái an phận thủ thường như kẻ nín thở qua sông.  Tất cả đều được hòa thượng Nhất Hạnh gởi cho lon gạo, chai tương, mảnh vải làm áo, làm y.

Một vài chuyện sau đây trong vô số chuyện thương tâm có thật cho số phận Tăng, Ni trở lại chùa cũ thầy xưa sau 30-4-75 bị khổ nhục hình bởi công an cộng sản kiểm tra hộ khẩu.  Tại Đà Lạt, sau khi tác giả ở tù về năm 1987, được hàn huyên với một số phật tử thuở xưa và vài vị Tăng thân quen ở chùa Linh Sơn, Đà Lạt.  Trong câu chuyện hàn huyên về chùa cũ thầy xưa, tác giả được quý vị trên kể cho nghe về chuyện Chư Tăng chùa Linh Sơn kiết hạ chui.  Bởi vì họ thường bị công an đến kiểm tra hộ khẩu bất chợt lúc tối, sáng, trưa và chiều nên có lúc được cúng Quá Đường, có khi đang dọn lên phải bưng cất vì công an đến.  Một số thầy ngoài chùa Linh Sơn có đến an cư kiết hạ chung với các thầy Linh Sơn, nhưng ăn xong bữa cơm Quá Đường là phải lo về chùa mình nếu hôm đó may mắn không có công an đến.  Có khi đang ngủ giữa khuya bị công an đến đánh thức để kiểm tra hộ khẩu.  Có vài lần vào buổi trưa giờ ngọ, Chư Tăng đang bưng bình bát lên trước trán cùng với bắt ấn Cam lồ, đang tụng bài Cúng đường: Nam Mô Thanh Tịnh Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na Phật, Nam Mô Viên Mãn... thì bị công an đột nhập và nói lớn: “Này các anh sư hãy ngưng đọc kinh, tất cả đứng dậy, bước ra khỏi bàn, ngồi xuống đất theo hàng dọc.  Anh nào được gọi tên thì đứng dậy và đứng riêng ra.”  Trong khi hai tên công an kiểm tra hộ khẩu, những tên khác đi lục soát khắp nơi trong chùa.  Sau đó một vài thầy ở chùa khác đến an cư kiết hạ chui bị công an bắt đi, có thầy trở lại Linh Sơn sáng hôm sau, có thầy lặn mất luôn do bị công an cấm.

Đối tượng thứ hai được HT Nhất Hạnh cứu đói, đó là các thầy Tuyên úy trong các trại cải tạo của Cộng sản sau 30-4-75.  Tôi vẫn còn nhớ, vào một sáng chủ nhật, trời miền Bắc, vùng núi Ba Sao - Nam Hà thật chói chang và oi ả.  Vài ba người chúng tôi quây quần nơi góc sân của ngôi nhà tù số một trại Nam Hà, dưới bóng cây phượng tuổi lên tám đang ra nhiều lá xanh mơn mởn và những chùm hoa đỏ thắm giữa mùa hạ tháng sáu 1984 để nhâm nhi từng hớp trà thiu mà nghe thầy Bình kể chuyện ngày qua trên đường đi kiếm rau rừng bị công an tuần tra bắt đem về giao nạp cho công an trực trại.  Đang nói thì thầy Bình ngưng lại khi đôi mắt thầy hướng vào cửa nhà ăn như có ai ra hiệu bảo nín.  Chúng tôi quay lui thấy thầy Kỉnh.  Thầy nhìn chúng tôi nở nụ cười híp mắt được hiện rõ nét trên gương mặt có nước da nâu sồng, gầy guộc.  Thầy nói: “Chuẩn bị lãnh quà nha!  Thầy Kỳ qua mấy nhà tám, năm, bốn mời hết các thầy đến đây để nhận quà!”

Tôi buột miệng:

“- Hôm nay thầy cho anh em bí đỏ nữa phải không?”

Tôi không chờ đợi thầy Kỉnh trả lời, chân tôi bương bương nhanh qua mấy nhà bên kia, mời hết các thầy.  Riêng hòa thượng Thích Thanh Long, ngài nói: “Quà gì đó, anh em cứ chia nhau, tôi khỏi có phần.”

Sau khi mọi người tập họp đông đủ, tôi lại chọc quê thầy Kỉnh lần nữa:

“- Hôm nay thầy Kỉnh phát cho tụi mình bí đỏ.  Mùa hè ăn bí đỏ đỡ đau đầu.”

Thầy Kỉnh liền nói khẽ:

“- Đỏ gì nữa mà đỏ!  Đỏ gần chết bao năm nay rồi mà cứ ham đỏ.  Quà thật đấy!  Quà “Phóp” chứ không phải là chuyện chơi đâu à!”

Nói xong thầy đứng lên, đi vào nhà ăn, bưng ra cái thùng thiếc được lưng thùng những gói mì ăn liền.  Rồi thầy vào ôm tiếp một bao gạo mười ký (loại bao cát ni lông xanh).  Trước khi thầy Kỉnh chia quà, thầy nhìn chúng tôi, nói một cách trịnh trọng:

“- Đây là món quà tình thương đích thực do Thượng tọa Nhất Hạnh từ bên Pháp gởi về qua những cựu sinh viên trường TNPSXH phật tử Saigon chuyển đến cho nhiều đối tượng mà Thượng tọa Nhất Hạnh quan tâm đến, trong đó có chúng ta.  Do đó, quà được hiện hữu hôm nay là do cô em gái của cựu trung tá Q bên nhà hai là sinh viên TNPSXH ra thăm nuôi ông Q hôm qua mang ra cho chúng ta sau khi biết chúng ta ở đây.  Vậy các thầy hãy tịnh tâm, lắng lòng niệm tưởng hồi hướng công đức của người có công mang quà đến.  Và chúng ta cũng không quên ân đức sâu dầy của thầy xưa kia đã trao cho chúng ta một khối lượng hiểu biết lớn lao về văn hóa và Phật học, thì nay trong thời buổi đói cơm, rách áo này, thầy lại gởi cho chúng ta một món quà vật chất và tinh thần từ bi chứa đầy tình người, tình đạo.  Đích thực thầy Nhất Hạnh là vị tăng sĩ đã đạt đạo Từ Bi, Trí Tuệ trong lòng, vì thầy đã nghe, thấy được nỗi khổ của chúng sanh là nỗi khổ của mình nên thầy hằng quan tâm cứu khổ...”

Sau khi nhận lãnh những lon gạo, mấy gói mì ăn liền, tôi bày chúng ra trên sàn nằm.  Tôi nhìn thật sâu vào đó, tôi thấy từng bản thân hạt gạo trắng, long lanh như ánh mắt từ bi của thầy đang hiện hữu trong tôi.  Những sợi mì vàng đậm khắng khít, nối kết nhau như lòng thầy đang gắn liền với dòng sinh mệnh của dân tộc và Đạo pháp.  Đang xếp lại món quà tình thương ấy để bỏ vào cái bị vải trên đầu nằm, bỗng dưng tôi cảm thấy ngậm ngùi trong lòng, rồi đôi mắt tôi hơi rớm lệ.  Tôi liền ngăn chận dòng tâm thức ướt át ấy bằng hơi thở thật sâu vào lòng rồi thở nhẹ ra, nhưng tâm tư của tôi cứ liên tục thấy lại hình ảnh thầy thật nghiêm, nhưng cũng thật vui và tình người mỗi lần tiếp xúc và giảng dạy Duy Thức Học cho hàng Tăng sinh chúng tôi ở chùa Pháp Hội là Viện Cao Đẳng Phật Học đầu tiên sau khi chánh phủ Ngô Đình Diệm hết lý do tồn tại trên đất Việt miền Nam gần cuối năm 1963.

Đối tượng thứ ba được Hòa thượng Nhất Hạnh cứu đói, đó là các em mẫu giáo nghèo khổ tại các vùng kinh tế mới xa xôi nơi núi rừng hẻo lánh, những làng quê, xã, quận mà cha mẹ các em bị lâm vào cảnh túng thiếu, cũng như Bộ Giáo Dục Cộng Sản Việt Nam không quan tâm đến việc giáo dục công dân nên không xây cất trường học cho thanh thiếu nhi tại địa phương sau 30-4-75 cho đến nay suốt gần 30 năm. Chương trình cứu đói, cứu dốt vẫn tiếp tục tăng lên số lượng đối tượng được cứu và ngân quỹ lên đến 50 ngàn Mỹ kim mỗi tháng để giúp gần 1.100 lớp mẫu giáo tại các nơi như đã kể ở trên.  Nguồn tài chánh để cứu trợ cho các sư cô, các thầy nói chung lang thang ngoài xã hội, vô lại chùa, bị cải tạo trong lao tù Cộng sản, cũng như riêng cho hàng ngàn thiếu nhi mẫu giáo một cách bình đẳng không phân biệt tôn giáo sau 30-4-75 cho đến nay là do từ cá nhân thầy đi xin ở các Hội Từ Thiện Âu Mỹ như lời thầy đã kể rằng mỗi lần thầy cầm hồ sơ mỗi em mẫu giáo lên, thầy ngồi im, nhìn thật sâu vào tên tuổi và hình ảnh bé bỏng đầy nét đói khát trong giây lát, rồi thầy hít vào thật sâu, thở ra thật nhẹ là lúc năng lượng từ bi của thầy được hòa nhập vào đó, cho nên khi đem hồ sơ các em đến bất cứ hội từ thiện nào cũng đều được họ cho rất nhanh.  Viết đến đây, tâm thức tác giả liền cảm thấy niềm xúc động đang dâng trào lên tận khối óc.  Tác giả phải dừng bút, hít thở sâu vào lòng và thở nhẹ ra, niềm xúc động liền nguôi dần, trở lại quân bình.

Bản tính Hòa thượng Nhất Hạnh rất thương các em thiếu nhi mẫu giáo Việt Nam nghèo khổ.  Thương cho đến nỗi ngoài việc xin tiền ở các hội từ thiện ra, thầy còn trồng 1250 cây mận (con số của Tăng Đoàn Nguyên Thủy của Phật) để gây quỹ cứu giúp trẻ em nghèo bên Việt Nam và các nước nghèo khác đúng như lời thầy đã nói về 1250 cây mận tại Làng Mai sau đây:

Chúng ta bắt đầu trồng mận ngay vào năm đầu của Làng mở cửa, tức là năm 1983.  Và trong số những cây mận được trồng đó có những cây được trồng bằng tiền túi của các thiếu nhi về Làng.  Các em nghe rằng mận này trong 7 năm sẽ có trái, trái đó sẽ được phơi khô, bán và lấy tiền gởi về cho trẻ em đói ở Việt Nam và những nước nghèo đói.  Vì vậy nhiều thiếu nhi đã để dành tiền túi mà trồng cây mận.  Hồi đó mỗi cây mận mang tên một em bé Việt Nam hay một em bé ngoại quốc nhưng số lượng các em bé Việt Nam đông hơn.  Mỗi em phải có 35 quan Pháp thì mới có thể trồng được một cây mận.  Còn nếu không có đủ 35 quan Pháp thì em phải chung vốn với một em khác mới có thể trồng được một cây mận ở Làng Mai, nghĩ rằng cây mận đó là để nuôi trẻ em đói.  Và chúng ta đã cố gắng để trồng đủ số 1250 cây mận.  Đó là con số của tăng đoàn nguyên thủy của Bụt.” (Lá thư Làng Mai số 25, ra ngày 12-2-2002, trang 56).

Tất cả những đối tượng trên được nhận quà tình thương của thầy từ Pháp gởi về sau 30-4-1975 cho đến nay đều do một số cựu sinh viên trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội còn ở lại quê hương miền nam bởi nhiều lý do: không điều kiện di tản trước ngày 30-4-75 và sau 30-4-75 (vượt biên).  Cái lý do đáng tán thán, tôn vinh lên hàng Bồ Tát là lòng phát nguyện ở lại chính là năng lượng Bồ Tát Đạo, là động cơ đưa đẩy đôi chân người THPSXH dừng lại giữa cõi đời dân tộc Việt đầy khổ đau để tiếp tục sự nghiệp mà xưa kia đã từng dấn thân hòa nhập vào dòng sinh mệnh đau khổ của dân tộc, đi giữa vùng xôi đậu, đối diện trước khói lửa, nghe bên tai hai lằn đạn của hai bạo lực đang tranh giành quyền thống trị trên xương máu và xác chết của người dân vô tội, mà những TNPSXH vẫn tiến bước không sợ hãi để băng bó, sửa lại những ngôi nhà đổ nát sau tiếng bom nổ, phát cơm, áo, thuốc men,... cho đồng bào.  Huống là đất nước Việt Nam ngày nay không còn đạn rơi, bom nổ nhưng vẫn còn tồn tại cái đói rét, dốt nát, bạo hành, si mê cuồng tín... là gốc của mọi tội lỗi, là căn bản luân hồi, sinh tử của con người là điều mà Đạo Phật chủ trương là phải cứu là mục đích chính của Đạo Phật được đặt lên hàng đầu trên vận hành Bồ Tát Đạo.  Nếu không nói là Niết Bàn không ly khai với sinh tử, rong chơi trong sinh tử để thấy được Niết Bàn, cũng như thấy biết khổ đau, phiền não đang đến với mình theo định lý duyên khởi một khi bản thân hàng Bồ Tát hòa nhập vào dòng đời, trực nhận với thực tại hiện hữu khổ đau rồi ôm nó vào lòng, nuôi dưỡng nó làm lý tưởng giác ngộ, giải thoát.  Do vậy những sinh viên trường TNPSXH phát nguyện ở lại quê hương sau 30-4-75 chính là sứ mạng của bậc Bồ Tát khước từ Niết Bàn để ở lại cùng khổ với dân tộc để cứu khổ dân tộc đúng như lời hòa thượng Nhất Hạnh đã nói là hòa thượng thành lập trường TNPSXH một cách nhanh chóng, một tổ chức mà sau mười năm hoạt động đã có đến hàng ngàn người tự nguyện làm việc không lương trước khi bị cấm đoán bởi chính quyền cộng sản năm 1975 sau khi chính quyền Saigon sụp đổ.  Hoạt động cứu khổ này vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay.

Đích thực qua lời thầy xác định “Hoạt động cứu khổ này vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay” chính là những đôi chân thực tại hiện hữu của hằng chục cựu sinh viên TNPSXH đã lên đường đến những trại cải tạo để trao cho các thầy Tuyên úy Phật giáo những lon gạo, gói mì ân tình... đến những làng xã xa xôi, các con hẻm ở thành phố để tìm gặp các Tăng, Ni sinh mà trao cho các gói quà tình thương, ... đến những vùng kinh tế mới, các cô nhi viện ở các thành phố như Triệu Phong-Quảng Trị, Huế... để trao cho hằng trăm trẻ em mẫu giáo mỗi em một ly sữa đậu nành có năng lượng từ bi của thầy gởi vào trong đó để các em được tạm no lòng trong buổi sáng đến lớp học.

Sở dĩ những anh chị em cựu sinh viên TNPSXH đã và đang hành động Bồ Tát Đạo vào đời cứu khổ như vậy sau 30-4-75 cho đến nay là do qua quá trình vừa học giáo lý, thực tập thiền quán với thầy, lại vừa hành động pháp “Ly Khổ Đắc Lạc” cho xã hội, đúng như lời người xưa: Tri đạo tức học đạo, học đạo biết đạo để hành, có hành đạo ắt sẽ đạt đạo.  Do vậy, ĐẠO, mà những cựu sinh viên TNPSXH đã và đang hành là giới pháp Nhiêu Ích Hữu Tình vào dòng sinh mệnh dân tộc đầy khổ đau, áp bức để cứu bạt dân tộc được vơi đi phần nào khổ đau, một chút hạnh phúc vật chất tối thiểu qua manh áo, chén cơm...  Đặc sắc và thực chất nguyện lực ấy bằng ý chí rộng lớn có chứa đầy bốn đức tính Từ, Bi, Hỷ, Xả cùng hành động nhiếp thọ bốn pháp: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự từ thuở xưa đất trời Việt Nam nổi cơn bão lửa hận thù, nay vẫn hành bốn pháp ấy vào đời giữa cơn bão lửa hận thù chưa dứt.  Nói khác hơn, hạt giống Bồ Đề trên mảnh đất tâm linh của mỗi tăng thân TNPSXH đã nảy mầm lên cây non trên mặt đất mẹ Việt Nam bị gặp phải một trận nắng lửa hận thù cộng sản phủ xuống trong mùa xuân 75 nên bị héo hon một thời gian khá dài, tưởng chừng như sẽ bị chết khô.  Nhưng sau đó được những trận mưa rào Pháp Vũ từ Làng Mai đưa Pháp Vân (mây Pháp) về làm mưa trên quê hương, làm cho những cây Bồ Đề TNPSXH non trẻ được tắm mát, rồi vươn lên, ra lá, trổ cành, đơm hoa, kết quả Bồ Đề.  Tức là sau năm 1975 những người sinh viên TNPSXH còn lại trên quê hương đau khổ đã thu mình trong vỏ ốc, nằm im qua những năm dài, tháng rộng, đúng là Như Lai Tạng bị bao phủ bởi phiền não cuộc đời.  Sau đó nhận được những bài pháp thoại từ Làng Mai thầy gởi về qua băng cassette, video, cũng như những lời thăm hỏi qua thư từ và điện thoại như hơi ấm của gà mẹ ấp trứng.  Từ đó tâm thức các anh em TNPSXH được bừng dậy, thấy an lạc, hạnh phúc chính là lòng đỏ được thành hình gà con rồi tự mổ vỏ trứng bước ra.  Cũng vậy, các anh em TNPSXH được tiếp tục trưởng thành Bồ Tát Tiếp Hiện bởi năng lượng Từ Bi Trí Tuệ của Tăng Đoàn Làng Mai trao truyền nên đã tiếp tục bước ra trường đời để khai lại nguồn sống Phật pháp là Ly Khổ Đắc Lạc cho dân tộc mà người sinh viên TNPSXH trong vai trò truyền thừa tư tưởng Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời của thầy Nhất Hạnh đã khai nguồn từ xưa.  Do vậy, dù bão lửa cộng sản vẫn hiện hữu khắp đó đây trên quê hương đau khổ, nhưng những TNPSXH không hãi hùng trước bạo quyền, vẫn chân cứng đá mềm, chững chạc trên vận hành cứu khổ người dân, đó là yếu tố đạt đạo quả vị tỉnh thức giác ngộ, Phật thừa được nói theo công thức định lý duyên khởi: Thử hữu cố bỉ hữu (cái này có cái kia có) và yếu tính của Đạo Phật là hòa nhập bản thân mình vào dòng sinh mệnh của dân tộc, chúng sanh mà mình có mặt trong vai trò vừa cứu khổ, vừa tiếp nhận mọi khổ đau, ách nạn của chúng sanh, dân tộc vào lòng rồi nuôi dưỡng nó để làm lý tưởng giải thoát cho chúng sanh và cho mình trên vận hành có thực tập Phật pháp bằng ý chí tinh tấn, nhẫn nhục một cách thường hằng giáp mặt với cuộc đời để trực nhận, khảo sát vào bản thể vạn hữu chúng sanh trong thực tại hiện hữu qua nhận thức nhất như (thấy như thật), nếu không nói là có chứng nghiệm vì phát hiện hai hình thái phân đoạn sanh tử và biến dịch sinh tử theo Định lý Duyên Khởi của các hàng Bồ Tát vào đời để hành Bồ Tát Đạo để vào Niết Bàn Phật Quả.  Chứ tác giả không khẳng định những cựu sinh viên TNPSXH trước năm 75 đi vào giữa hai lằn đạn Cộng sản và Quốc gia đang đánh nhau để cứu khổ người dân và hiện nay đang đi vào gông cùm xiềng xích Cộng sản Việt Nam mà cứu đói cho đồng bào, cho các em thiếu nhi tại các vùng kinh tế mới, các làng quê nghèo khổ, ... là đã thành Phật.  Tuy nhiên, theo chân lý VÔ NGÃ là Niết Bàn trong Đạo Phật thì con người nào dù bất luận nam, nữ, già, trẻ, tu sĩ hay người đời bất chợt thấy có người bị lâm nạn như rơi vào hố sâu, bị kẻ cướp hành hung, hãm hiếp, trong lửa cháy, ... liền tức khắc nhảy vào tiếp cứu để rồi bị vong thân, người ấy đã vào Niết Bàn vì quên mình (vô ngã) mà hy sinh cho người khác.  Hoặc bị thương, đổ máu sau khi tiếp cứu, Phật tánh (Như Lai Tạng) của người ấy vùng dậy vì tâm thức không sợ hãi, không nghĩ về mình, xem thường cái chết tức là vượt thoát mọi ý niệm về ngã.  Huống hồ những cựu sinh viên TNPSXH có phát Bồ Đề tâm vào đời hành Bồ Tát Đạo cứu khổ dân tộc là con đường tối thượng, tối đại để đạt trí tuệ bình đẳng vô sai biệt, thì quả thật đáng tôn vinh lên hàng thánh quả A La Hán.  Vì những dặm đường Việt Nam trước 75 đầy khói lửa đạn bom, hận thù, áp bức sát hại đến với Phật giáo nói riêng từ hai bạo quyền vô minh Bắc, Nam, và nay Phật giáo và dân tộc Việt Nam vẫn còn bị áp bức, sát hại bởi những người Cộng Sản Việt Nam.  Vậy mà những cựu sinh viên TNPSXH không sợ hãi, vẫn dấn thân tiếp tục hành Bồ Tát Đạo làm nhân duyên đem đến cái quả hạnh phúc vật chất cùng niềm an lạc tinh thần cho người dân Việt tại các làng xã nghèo đói thuộc một số giai cấp chế độ cũ VNCH trên quê hương đang bị CSVN áp bức, nhất hạng là những cựu quân nhân, cán chính.  Những cựu TNPSXH duy trì chí nguyện cao cả Bồ Tát Đạo cứu khổ chúng sanh như vậy, không phải ai cũng có thể làm được, mặc dù con người ai cũng có Phật tánh trong lòng.  Nhưng Phật tánh trong lòng phải được vươn lên, vùng dậy và phát triển, con người mới có thể tự tại lê gót vào đời hành Bồ Tát Đạo.  Phật tánh được khơi dậy vùng lên không phải tự nhiên mà có được.  Con người phải quay về nương tựa tăng đích thực từ một cá nhân tăng cho đến một tập thể tăng đoàn có học và thực hành Phật pháp nên được uyên thâm khế lý mỗi pháp môn tu.  Mà đã có tu hành, đã có uyên thâm kinh điển, tâm thức tràn đầy lòng từ bi bao la, trạng thái đôn hậu, ái ngữ, khiêm cung, nguyện sống cuộc đời tỉnh thức, cùng chí nguyện cứu khổ, giác tha chúng sanh bằng hành động và ngôn ngữ từ bi luận lý pháp môn trong việc hướng dẫn con người trong mọi giai cấp trên bước đường học Phật và thực tập tỉnh thức giác ngộ trên cơ sở tổng thể của tinh thần giáo dục thiền định Phật giáo để đạt lấy niềm an lạc, hạnh phúc chơn thật giữa cuộc đời.  Tư tưởng tổng thể tinh thần giáo dục Thiền định Phật giáo được HT Nhất Hạnh nói rõ: “Thiền học là một đóa hoa tuyệt vời nở trên nhận thức luận Phật giáo, tổng hợp được tất cả tinh hoa của hệ thống giáo lý khác biệt.  Cho nên, những kinh sách nào, những giáo lý nào không chuyên chở được nhận thức luận duyên sinh và viên giác của Đạo Phật thì có thể xem như là không phải của Phật giáo, và ít ra không phải của Phật giáo chính thống.  Giáo lý mênh mông và rất thiên sai vạn biến nhưng đồng nhất vị chính là ý ấy.”

Nhất vị mà HT Nhất Hạnh nói chính là vị giải thoát do tâm có tỉnh thức, trí tuệ Phật, nhứt thừa, tánh không, chơn như và cũng là nguồn sống cho nhân loại, cho nên Đạo Phật không phải là cái đạo chỉ có để học mà là cái đạo để sống.  Sống, đức Phật đã dạy cho con người cần phải có đó là tâm trí tuệ sáng suốt, tỉnh thức hiểu biết, tức là cái biết của tâm ý.  Nó phải thường trực, hiện hữu trong nội thức của bản thân con người suốt trên vận hành của cuộc sống để tự tạo cho mình một lối sống có nhận thức rõ những điều nào xấu ác, trái với lẽ phải không nên hành động, nếu hành động ắt sẽ gây tác hại cho mình, cho người.  Ngược lại nhận thấy những điều nào nếu hành động sẽ đem lại an vui, hạnh phúc, lợi lạc cho người, nên làm, duy trì và phát triển (Duy Tuệ Thị Nghiệp).  Do vậy, cái biết của Đạo Phật là sống.  Sống của Đạo Phật là biết.  Biết mình đi, biết mình đứng, biết mình rửa chén, quét nhà, đóng cửa, tụng kinh, v.v.  Nếu không biết mình đang làm gì, tất cả việc mà thân mình đang hành động sẽ không chính xác, không hội đủ phẩm chất, chống trái với nguyên lý của các pháp, dù là các pháp thuộc thế gian như luật pháp giao thông bắt buộc người lái xe phải ngừng xe lại nơi có bản hiệu dừng lại (stop sign) để khỏi xảy ra tai nạn.  Đó là thế gian pháp.  Nhưng lại là Phật pháp.  Phật pháp ở đây là tâm tỉnh thức.  Tâm tỉnh thức là mẹ đẻ ra nhiều đứa con: nghiêm trang, chững chạc, khiêm cung, từ tốn, ái ngữ, lịch thiệp, hiền hòa, độ lượng, bao dung, từ bi, hùng lực, buông xả, tha thứ, quân tử, thượng nhân, biết lắng nghe lời chỉ giáo của các bậc minh sư, nói năng như chánh pháp, im lặng như chánh pháp...  Do vậy, người lái xe nếu tâm không tỉnh thức biết mình lái xe, xe có thể vượt qua đèn đỏ, lướt qua bảng hiệu dừng lại (stop sign) sẽ gây ra tai nạn chết người, đó không phải là lối sống của Đạo Phật, nếu không nói là tâm không tỉnh thức, thiếu hiểu biết, thiếu nhận thức, si mê, cuồng tín, không trí tuệ... là tâm chết.  Cho nên, tâm tỉnh thức là cái Đạo, nói như HT Nhất Hạnh: “Ăn, uống, nói, cười tất cả là Đạo.”  Đạo ở đây là Đạo Tỉnh Thức, đạo sống, có thể gọi Đạo Tỉnh Thức là Đạo Đức Phật giáo, một lối sống có nghệ thuật suốt trên vận hành sống có đạo đức chân thật trong đối đãi trước các giai tầng xã hội con người, vạn hữu và muôn loài chúng sanh mà thân, tâm luôn an trú trong trạng thái vững chãi từng bước đi, khiêm cung ở bản thân, lời nói chánh trực tuyệt hảo, an nhiên tự tại, không sợ hãi, thường an lạc, hạnh phúc, có tấm lòng biết thương yêu muôn loài và đồng loại, không hận thù oán ghét, không tranh chấp chiến tranh sát hại, luôn tôn trọng nhân phẩm con người, không dùng quyền hành khống chế, áp bức tước đoạt mọi tự do, dân chủ, nhân quyền con người trên đất nước.  Luôn nghĩ nhớ đến đồng loại để thấy biết đồng loại đang bị khổ đau, ách nạn mà ra tay cứu khổ để cho mọi người hết khổ được vui, hạnh phúc như mình.  Đó là cách diệt khổ để sống ngay trong đời sống hiện tại của Đạo Phật có nghệ thuật.  Diệt khổ cho mình, diệt khổ cho người ở lĩnh vực thân tâm của thể xác hiện hữu.  Khi thân tâm con người thực tại không còn âu lo, sợ hãi, phiền muộn chính là Tịnh Độ có ngay trong thân tâm con người, nói như ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14: “Sống hạnh phúc, chết bình an”.  Tâm được bình an, hạnh phúc là sản phẩm của tâm tỉnh thức và cũng là hành trang giải thoát, là sản phẩm của nghiệp quả thiện.  Bởi vì nghiệp là một thói quen do tâm sinh khởi rồi thân tạo tác hành động có chủ lực định hướng theo mục tiêu mà tâm là chủ nhân thiết lập bối cảnh, do vậy quả của thực tại như thế nào, nó vẫn giữ nguyên hình hiện hữu và tồn tại ở bản thân của kiếp kế tiếp.  Vì vậy mà tại Làng Mai ở Pháp, tu viện Rừng Phong tại Vermont, Lộc Uyển tại San Diego, ở Hoa Kỳ, ta thấy trên đường đi có những tấm bản nho nhỏ được gắn nơi các thân cây, vách tường trên đó có hàng chữ bằng tiếng anh breathe you are alive (thở là sự sống), bằng tiếng Việt: Tịnh Độ là đây, đây là Tịnh Độ.  Những câu như vậy do HT Nhất Hạnh đề ra để nhắc nhở khuyến cáo cho tất cả mọi người trên bước đường tu tập Phật pháp trong hiện tại cho mục đích tìm cầu cho mình con đường giải thoát ở mai sau, thì ngay thực tại này mỗi người phải tự mình thiết lập Tịnh Độ trong tâm, đó là tâm thường tỉnh lặng trong hơi thở vào, ra ở mọi động tác của thân trong cuộc sống.  Những lời pháp ngắn gọn của thầy Nhất Hạnh nhắc nhở mọi người đừng quên tỉnh thức để thiết lập Tịnh Độ, nếu không nói là sự hiện hữu của ngôn ngữ đạo đức Phật giáo, một thứ ngôn ngữ mang đầy sinh lực, chứ không phải ngôn ngữ của suy luận, giả thiết, huyền đàm, siêu hình mà người Tăng sĩ đạt đạo đều thường sử dụng làm phương tiện hướng dẫn, diễn đạt khế lý cho sự thực hiện giác ngộ cho mọi người một cách bình dị, đơn giản đúng như chư Phật đã từng dạy cho con người ở ba đề mục ngắn gọn: “Không làm các điều ác - Nguyện làm các việc lành - Và luôn giữ tâm ý cho thanh tịnh - Đó là lời chư Phật dạy.” (Chư ác mạc tác -Chúng thiện phụng hành - Tự tịnh kỳ ý - Thị chư Phật giáo).

Ba điều chư Phật dạy: Bỏ các điều ác, làm các điều thiện, giữ tâm thanh tịnh chính là năm cây cầu giải thoát từng phần (Nhân Thừa - Thiên Thừa, Thanh Văn Thừa - Duyên Giác Thừa - Bồ Tát Thừa) cho những hành giả nào muốn qua bên kia bờ giác Phật thừa, đều tự xây dựng cho mình từng cây cầu một qua con sông mê của mình.  Con sông mê trong không gian tâm linh con người phàm tục Phật tánh chưa phát triển, giống như con sông hữu thể trên trái đất có dòng nước xoáy đục ngầu, chảy xiết không soi được bóng trăng.  Do vậy cây cầu Nhân Thừa, Thiên Thừa, thanh Văn hay Duyên Giác, Bồ Tát bắc qua sông mê, nó phải được xây dựng vững chắc ở ba nền tảng cơ bản, đó là nhịp cầu - sàn cầu và thành cầu ở hai bên mép sàn cầu.  Nếu cây cầu bằng gỗ, những dụng cụ và chất liệu của nó là gỗ, các loại đinh lớn, nhỏ, những nẹp sắt, bù lon, kềm, búa, cưa, đục, dây chạc, người làm...  Nếu cây cầu bằng xi măng, dụng cụ và chất liệu của nó là gỗ ván để làm sàn đúc, xi măng, các loại sắt, đá, sỏi, nước, cát, cần trục, máy trộn và người làm.  Một cây cầu bằng gỗ hay xi măng được hình thành và được vững chắc ở ba điều cơ bản nói trên đúng kỹ thuật, là phải do người đã đậu bằng kỹ sư chỉ đạo, hướng dẫn cho các nhân công về kỹ thuật và cách thức từ lúc khởi công tại bờ bên này, tới mép nước, giữa dòng sông, qua đến bờ bên kia phải xây dựng ba nền tảng cơ bản (nhịp cầu - sàn cầu - thành cầu) như thế nào cho đúng kỹ thuật để thích hợp với môi trường không gian khác nhau ở từng chặng của con sông.  Chẳng hạn giữa dòng sông có nước xoáy, móng của nhịp cầu phải sâu hơn các nhịp ở trong bờ.  Tại hiện trường, những công nhân và người kỹ sư, cả hai đều hòa hợp tương quan trên cơ sở diễn nói hướng dẫn kỹ thuật là bổn phận của người kỹ sư và lắng nghe lời hướng dẫn của người kỹ sư để làm cho đúng phẩm lượng là bổn phận của công nhân.  Sau khi diễn nói cách làm và kỹ thuật cho công nhân, người kỹ sư không thể lơ là hiện trường, phó mặc cho công nhân, phải luôn thường trực nhắc nhở công nhân làm đúng kỹ thuật để khỏi bị đổ vỡ sau này bằng lời lẽ chân thành và trạng thái tôn trọng, đó là người kỹ sư có đạo đức, có lương tâm nghề nghiệp.

Đã là cây cầu, nó là phương tiện giao thông cho con người đi lại từ nơi này đến nơi khác không bị trắc trở đò sông khi nước lớn, lũ lụt, không cầu nào hơn cầu nào, dù bằng xi măng hay gỗ, miển là nhịp cầu, sàn cầu và thành cầu được vững chắc không bị lỏng lẻo là được.

Nói rõ hơn, giáo pháp của Phật là những phương tiện đưa con người ra khỏi sanh tử gọi là con đường giải thoát.  Vì là phương tiện, nên con số tám vạn bốn ngàn pháp môn chỉ là biểu tượng cho năng lực của toàn bộ nền đạo lý của Phật có thể đối trị, phù hợp với mọi căn tính của từng giai cấp chúng sanh đều có thể tu tập được liễu ngộ giáo pháp và đạt đạo giác ngộ.  Vì vậy mà con đường giải thoát cũng được chia ra từng phần, gọi là giải thoát từng phần.  Từng phần giải thoát ở đây chính là Năm Thừa.  Năm Thừa chính là năm cây cầu Phật pháp.  Con người quay về Đạo Phật thực sự mong muốn tìm cầu cho mình con đường giải thoát sinh tử đều phải lần lượt tự xây dựng cho mình cây cầu Nhân Thừa, Thiên Thừa, Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát.  Tất cả những cây cầu này đều bắt qua con sông mê của mình.  Cây cầu Nhân Thừa bắt qua con sông mê của mình, con sông có thể nước đục ngầu và chảy xiết và mang theo nhiều chất dơ bẩn.  Cây cầu Thiên Thừa bắt qua con sông mê của mình, con sông có thể nước đục vừa và ít chất dơ bẩn hơn.  Cả hai con sông mê này, lòng nước của chúng không tiếp nhận bóng trăng từ bầu trời rọi xuống.  Hai cây cầu Thanh Văn, Duyên Giác bắc qua hai con sông tỉnh nhiều mê ít, nên dòng nước của chúng lững lờ và trong có tiếp nhận ánh trăng vào lòng nước.  Cây cầu Bồ Tát Thừa bắc qua con sông hoàn toàn tĩnh lặng nên dòng nước của nó trong vắt như gương, chảy chầm chậm, do vậy bóng trăng trong lòng nước của nó y hệt như mặt trăng trên bầu trời không khác.  Nước trong năm con sông có năm cây cầu bắc ngang qua đều chảy ra biển cả và cùng mặn với nước biển, cho nên nước biển được biểu tượng cho vị giải thoát của Đạo Phật.  Do vậy pháp âm của Phật là hải triều âm.  Còn biển cả được biểu tượng cho chánh pháp, chánh đạo.  Cho nên mặc dù mặt biển rộng bao la nhưng không dung chứa bất cứ một xác chết của con người, con cá, và các loài vật khác.  Tất cả đều bị sóng biển đưa vào bờ hết.  Cũng như vậy, trong Đạo Phật không có tà đạo, không có phiền não, vô minh...  Vì vậy, một cá nhân, tập thể trong Phật giáo hành tà đạo, sai chánh pháp chỉ là xác chết ắt sẽ bị hải triều âm trong biển Đạo Pháp đưa đẩy vào bờ.

Năm cây cầu ngũ thừa, cây cầu nào cũng đều được xây dựng vững chắc ở ba nền tảng cơ bản, đó là nhịp cầu - sàn cầu - thành cầu. Nhịp cầu được biểu tượng không làm các điều ác. Sàn cầu được biểu tượng nguyện làm các việc lành.  Thành cầu được biểu tượng cho giữ tâm luôn thanh tịnh.  Dụng cụ và chất liệu xây dựng từ cây cầu Nhân Thừa là bước đầu tiên sau khi quy y Tam bảo cho đến cây cầu thứ năm Bồ Tát thừa để vào Phật đạo, hành giả phải học Phật và thực tập giáo lý của mỗi thừa một cách tổng thể đúng theo tinh thần giáo dục thiền định của Phật giáo.  Tinh thần giáo dục thiền định tổng thể được cắt nghĩa một pháp có mặt trong tất cả pháp, tất cả pháp có mặt trong một pháp.  Chẳng hạn, năm giới là pháp tu nhân thừa, nhưng hành giả phải học và tu tập thêm một số giáo pháp liên hệ là ăn chay, niệm phật, tụng kinh, thiền quán, bố thí, cúng dường, việc từ thiện, v.v. như cây cầu gỗ (xi măng) kia không phải chỉ có gỗ (xi măng) mà thành cây cầu, đều có nhiều vật liệu khác hòa hợp vào mới thành.  Hành giả học Phật và thực tập pháp môn chính (thiền, tịnh độ, mật tông...) và nhiều giáo pháp (pháp môn) liên hệ, chính là lúc hành giả đang bỏ những điều ác, làm các việc lành, làm các việc lành là đang bỏ các điều ác, từ đó tâm hành giả được đó dần đi vào trạng thái thanh tịnh.  Những pháp môn để học mà biết cách tu tập của mỗi thừa đều tựu trung ở ba việc bỏ ác, làm thiện, giữ tâm thanh tịnh.  Chứ không dành riêng cho thừa nào mới được bỏ ác, làm thiện, giữ tâm thanh tịnh.  Bởi vì ác, có hàng vạn điều ác như tâm thức khởi lên ý niệm chấp ngã, tự mãn, vị kỷ, vọng niệm về một điều gì làm cho tâm cảm thấy khoái lạc... chứ không phải hành động giết người cướp của mới gọi là ác.  Và điều thiện không phải chỉ bố thí cho người ăn xin bát gạo, chén cơm mà có hằng vạn điều thiện như tâm không giận hờn, lời nói ái ngữ, biết thương yêu muôn loài, tư duy về nỗi khổ của chúng sanh rồi tìm phương cứu khổ, nhặt gai giữa đường, khuyên người đừng uống rượu, nói lời trấn an cho người đang buồn được vui, v.v.  Điều ác ở cấp độ cao ngất là tâm hữu ngã, từ đó điều thiện cao ngất là tâm vô ngã, đúng như lời Đức Thích Tôn nói cho người Bà-la-môn rằng: “Việc làm từ thiện trong Đạo Phật chúng tôi; từ một việc thiện rất nhỏ đến một việc từ thiện lớn được xây dựng trên tinh thần vô ngã”, sau khi người Bà-la-môn cho rằng việc từ thiện của Đạo Phật giống như của họ là tinh thần hữu ngã.  Qua sự trả lời của Đức Phật với người Bà-la-môn, cho ta hiểu thêm nghĩa làm các việc lành trong Đạo Phật là: nhân cách con người có đạo đức Phật giáo trong mọi hành động trên vận hành hộ dân, hộ quốc, hộ đạo... tâm luôn xa lìa mọi khuynh hướng bảo thủ cực đoan, không làm thân chúng sanh bị đổ máu, không gây phương hại nhân phẩm kẻ khác, không sa vào hý luận, huyền đàm... như lời thế gian nói: “Nhàn cư vi bất thiện”.

Năm cây cầu Ngũ Thừa là phương tiện đi đến ngũ thừa của hành giả đều phải được xây dựng trên ba nền tảng cơ bản: bỏ ác, làm thiện, giữ tâm thanh tịnh đúng kỹ thuật và nguyên lý của các pháp môn.  Được như vậy con người phải quay về nương tựa tăng đích thực từ một cá nhân hay tập thể tăng đoàn có học Phật pháp, thực hành Phật pháp nên đã biểu lộ khế lý các pháp môn và đã chứng đạo (giác ngộ chân lý vô ngã các pháp) diễn nói, hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp xây dựng ba nền tảng cơ bản ấy ở năm cây cầu ngũ thừa.  Kỹ thuật và phương pháp xây dựng ba nền tảng cơ bản bỏ ác, làm thiện, giữ tâm thanh tịnh từ thấp đến cao ở năm thừa được hữu hiệu như vậy, nếu không nói là do tinh thần giáo dục thiền định Phật giáo.  Từ đó ta có thể phát biểu rằng: thiền có mặt trong tất cả nền đạo lý Phật giáo.  Hay nói khác: mỗi pháp môn trong tam tạng kinh điển Phật giáo đều có chất vị thiền.  Nói theo Hoa Nghiêm một pháp có mặt trong tất các pháp, tất cả pháp có mặt trong một pháp.  Cho nên thiền là ánh nắng, không khí cho sự sống của con người và như là chất ngọt có trong tất cả cây trái như mía, cam, cà rốt, củ cải... Do vậy bản thân của chữ thiền không có thật, nó không phải là pháp môn mà chỉ là cách thiết lập tịnh độ (tâm thanh tịnh, tỉnh thức) ở tâm và thân trong cuộc sống. Cho nên thiền không có ngôn ngữ luận lý, chỉ có ngôn ngữ luận lý ở từng pháp môn để đưa tâm vào chánh niệm tỉnh thức như thực hành Tứ Vô Lượng Tâm, Bát Chánh Đạo, Lục Độ... một cách Balamật thường trực trên vận hành đối đãi với cuộc đời.  Cho nên mỗi pháp môn được lập văn tự để thấy rõ khế lý của nó mà thực tập như ba pháp: Tam Độc (tham, sân, si), Ba Tự Tính (Biến Kế Sở Chấp, Y Tha Khởi, Viên Thành Thật), v.v.  Do vậy hành thiền không những chỉ có ngồi hít thở trong căn phòng yên lặng mà còn hít thở trên vận hành mưu sinh cho mình và hành động cứu khổ chúng sanh giữa xã hội.  Nếu không nói tâm thanh tịnh tỉnh thức giác ngộ được xây dựng trên tinh thần Nhị Đế vào xã hội chúng sanh qua nền tảng giáo dục thiền định tổng hợp tinh hoa của tất cả hệ thống giáo lý khác biệt mà con số tám vạn bốn ngàn pháp môn là biểu tượng.

Vị tăng bảo đã và đang áp dụng nguyên lý Nhị Đế để đưa tâm con người an trú vào chánh niệm được có niềm an vui, hạnh phúc ngay thực tại đời sống hằng ngày và sau đó tiến đến có tâm tỉnh thức trí tuệ giác ngộ giải thoát, đó là HT Thích Nhất Hạnh.  Một nhà văn hóa quốc tế, vị thầy dạy thiền cho hằng triệu người trên thế giới của nhiều chủng tộc, màu da, giai cấp từ thượng tầng nguyên thủ quốc gia, bác học, khoa học, triết gia, minh tinh, tài tử, văn nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng và thứ đến những giáo sư, thương gia, sinh viên, học sinh, thanh niên cũng như các tín hữu Phật giáo Đông, Tây và những người thuộc các tôn giáo thờ Chúa Trời từ châu Á, Phi, Âu, Mỹ đều đến học và thực tập hành thiền chánh niệm tỉnh thức với thầy.  Sau thời gian học và thực tập thiền chỉ vài hôm với thầy, mọi người cảm thấy tâm thức mình không còn lo âu, phiền muộn, hết sợ hãi, được an lạc, thảnh thơi.  Được như vậy là do năng lượng tỉnh thức được có trong nội thức là chất liệu có năng lực giải phóng toàn bộ khối vô minh triền phược ra khỏi tâm thức.  Vì vậy sau một lần nghe pháp thoại và thực tập, họ đến ghi danh tiếp tục tham dự những khóa tu tập kế tiếp vì họ cảm thấy bản thân họ có thay đổi về trạng thái: đi đứng vững chãi, khiêm cung, chính xác trong công việc hằng ngày, nói năng từ tốn, ái ngữ, vui tươi hòa nhã... do tâm có tỉnh thức đúng như lời pháp thoại của thầy giảng về thiền.

Thiền:

Thiền, nói cho đủ là thiền na (tiếng phạn là dhyana), là phần thực tập nòng cốt của đạo Bụt.  Thiền có mục đích giúp người hành giả đạt tới một cái thấy sâu sắc về thực tại, cái thấy này có khả năng giải phóng cho mình ra khỏi sợ hãi, lo âu, phiền muộn, chế tác chất liệu trí tuệ và từ bi, nâng cao phẩm chất của sự sống, đem lại cho mình và cho kẻ khác nhiều thảnh thơi và an lạc.  Bản chất của thiền là niệm, định và tuệ, ba nguồn năng lượng được chế tác trong khi thực tập.  Ta thực tập thiền không phải chỉ trong tư thế ngồi (thiền ngồi, tiếng Hán Việt: tọa thiền) mà còn trong các tư thế khác như tư thế đi (thiền đi, tiếng Hán Việt: hành thiền), tư thế đứng, tư thế nằm, trong những lúc làm việc như giặt áo, bổ củi, gánh nước, tưới rau hoặc lái xe.  Bất cứ trong tư thế nào, bất cứ khi đang làm gì và ở đâu mà trong thân tâm mình có được ba loại năng lượng ấy là mình đang thực tập thiền.  Sự thực tập này, nếu được chỉ dẫn đúng mức, có thể đem lại sự thoải mái và an lạc ngay trong lúc thực tập.  Thực tập thiền có tác dụng nuôi dưỡng và trị liệu cho cả thân và tâm, đem lại nguồn vui sống cho người thực tập và những người xung quanh.  Không phải chỉ đi vào chùa và thiền viện mới thực tập được thiền.  Sống trong xã hội, đi làm, chăm sóc gia đình, ta cũng có thể tập thiền được.

Niệm:

Niệm là nguồn năng lượng giúp ta ý thức được những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, trong thân, tâm ta và trong hoàn cảnh.  Tiếng phạn là smrti.  Nói cho đầy đủ là chánh niệm (samyaksmrti).  Những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại trong lĩnh vực thân, tâm và hoàn cảnh thì nhiều lắm.  Ta không thể nhận diện được tất cả một lượt.  Nhưng ta có thể nhận diện những gì nổi bật nhất, hoặc nhận diện những gì mà ta cần nhận diện nhất.  Nếu ta để ý tới hơi thở vào và hơi thở ra và nhận diện được đấy là hơi thở vào và hơi thở ra, đó là phép niệm hơi thở.  Nếu ta để ý tới bước chân và nhận diện được từng bước chân ta đặt lên sàn nhà hoặc mặt đất, đó là phép niệm bước chân.  Ta có thể gọi đó là chánh niệm về hơi thở hoặc chánh niệm về bước chân.  Niệm bao giờ cũng là niệm một cái gì, nghĩa là niệm luôn luôn có đối tượng của niệm.  Nếu ta đang giận mà ta có ý thức được là ta đang giận, đó gọi là niệm cơn giận.  Trong lúc ta thực tập như thế, có hai loại năng lượng đang biểu hiện trong ta: năng lượng đầu là cái giận, năng lượng thứ hai là chánh niệm do ta chế tác bằng bước chân hoặc bằng hơi thở chánh niệm.  Năng lượng thứ hai nhận diện và ôm ấp năng lượng thứ nhất.  Nếu sự thực tập kéo dài năm bảy phút thì năng lượng chánh niệm sẽ đi vào trong năng lượng giận hờn và sẽ có sự thuyên giảm và chuyển hóa.  Năng lượng niệm mang theo nó năng lượng định (chú tâm) và năng lượng này có thể làm phát sinh năng lượng tuệ (tuệ giác) có thể chuyển hóa được cơn giận thành năng lượng của hiểu biết, chấp nhận, xót thương và hòa giải.

Trong đời sống hằng ngày tâm ta thường có khuynh hướng nhớ tưởng về quá khứ hoặc lo lắng cho tương lai.  Thân ta có mặt nhưng tâm ta không có mặt.  Chánh niệm là năng lượng giúp ta đưa tâm về lại với thân để ta có mặt đích thực trong giờ phút hiện tại.  Có mặt như thế để có thể tiếp xúc với những nhiệm màu của sự sống trong ta và chung quanh ta.  Theo tinh thần thiền, sự sống chỉ có mặt đích thực trong giây phút hiện tại.  Bụt dạy: “Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, sự sống chỉ có thể được tiếp xúc trong giây phút hiện tại” (Kinh Bhaddekaratta, Trung Bộ 131).  Tiếp xúc được với những gì nhiệm mầu có được trong giây phút hiện tại là để được nuôi dưỡng và trị liệu.  Nếu năng lượng chánh niệm đã trở nên vững vàng, ta có thể xử dụng nó để nhận diện và ôm ấp những nỗi khổ niềm đau của ta (như giận thù, tuyệt vọng, tham đắm, bạo động, ghen tuông...) để có thể chuyển hóa chúng từ từ.  An trú được trong hiện tại có thể đưa đến sự trị liệu mầu nhiệm: một phen an trú được trong hiện tại là ta có thể vượt thoát ra ngoài những nanh vuốt của sự tiếc thương và vương vấn về quá khứ hoặc những lo lắng và sợ hãi về tương lai, những năng lượng tiêu cực thường đưa đến các chứng bệnh tâm thần.

Có bốn lĩnh vực làm đối tượng cho sự tu tập chánh niệm: thân thể, cảm thọ, tâm ý và đối tượng tâm ý (danh từ chuyên môn là thân, thọ, tâm, pháp, tứ niệm xứ) (Kinh Niệm Xứ, Trung A Hàm 98).

Năng lượng chánh niệm khi nhận diện thân thể (body) giúp ta trở về thân thể với niềm ưu ái: trong khi theo dõi phép quán niệm hơi thở ta chiếu cố tới thân thể ta, giúp cho thân thể được buông thư (danh từ chuyên môn an tịnh thân hành), phép thực tập này rất hữu hiệu để đối phó với sự căng thẳng của thần kinh và của cơ thể (stress).  Ta có thể thực tập phép an tịnh thân hành trong tư thế nằm cũng như tư thế ngồi.  Sự thực tập này giúp cho cơ thể tự trị liệu lấy một cách tự nhiên (Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Trung Bộ 118).  Trong trường hợp ta đang chữa trị bằng thuốc men thì phép an tịnh thân hành này có thể giúp cho ta bình phục mau chóng hơn, ít nhất là ba lần.

Thực tập phép niệm thân ta cũng có thể biết ăn uống và tiêu thụ trong chánh niệm để đừng đưa vào cơ thể những thức ăn thức uống có độc tố gây nên tật bệnh.  Thực tập niệm thân còn giúp ta đi, đứng, hành xử và làm việc một cách thảnh thơi và nâng cao phẩm chất của sự sống hằng ngày.

Sự thực tập chánh niệm hướng về cảm thọ (feelings) giúp ta nhận diện những cảm thọ đang có mặt: cảm thọ dễ chịu (lạc thọ), cảm thọ khó chịu (khổ thọ) và cảm thọ trung tính (xả thọ).  Nếu đó là một cảm thọ dễ chịu, ta biết được là cảm thọ đó phát xuất từ đâu và sẽ có tác dụng lâu dài như thế nào vào thân tâm, tác dụng nuôi dưỡng hoặc tàn phá.  Nếu đó là một cảm thọ khó chịu, ta cũng biết được là nó đã xuất phát từ đâu, và năng lượng chánh niệm sẽ làm dịu lại cảm thọ đó và cuối cùng với năng lượng định và tuệ ta có thể chuyển hóa nó.  Nếu cảm thọ đó là trung tính thì với chánh niệm nó sẽ trở thành một cảm thọ dễ chịu.  Ví dụ: khi nhức răng, ta có khổ thọ.  Ta nghĩ nếu hết nhức răng ta sẽ có lạc thọ.  Nhưng thường thường trong giờ phút không nhức răng thì ta chỉ có xả thọ.  Ý thức về điều này, sẽ giúp ta chuyển xả thọ thành lạc thọ (sensation du biên-être, the feeling of well-being).

Thực tập chánh niệm hướng về tâm ý giúp ta nhận diện được tất cả các hiện tượng tâm ý thường phát hiện trong tâm thức như vui, buồn, thương, ghét... Theo tâm lý học đạo Bụt, ta có 51 loại hiện tượng tâm ý (gọi là tâm hành, cittasamskara), gồm có những tâm ý tích cực như thương mến, bao dung, những tâm ý tiêu cực như giận hờn, tuyệt vọng, và những tâm ý bất định như tư duy, hối tiếc.

Nhận diện là để tìm tới cội nguồn những tâm hành ấy để biết rõ bản chất chúng và để chuyển hóa chúng.  Ví dụ: chứng trầm cảm (depression).  Nhận diện trầm cảm với năng lượng chánh niệm ta có cơ hội nhìn thấu bản chất và cội nguồn của nó để biết được những nguyên do xa gần đã làm cho nó có mặt.  Với năng lượng của niệm, định và tuệ ta có thể khám phá ra được bản chất của khối trầm cảm.  Dùng chánh niệm để chăm sóc trầm cảm, để đưa tâm ý tiếp xúc với những hiện tượng tươi mát có hiệu năng nuôi dưỡng và trị liệu, ta có thể làm thư nhẹ chứng trầm cảm.  Dùng chánh niệm để đừng xử dụng, tiếp xúc và tiêu thụ những hình ảnh, âm thanh và ý tưởng có công dụng đưa tới những sự căng thẳng, lo lắng và buồn phiền, không cho chứng trầm cảm được tiếp tục nuôi dưỡng bởi những độc tố đó, ta có thể chuyển hóa được trầm cảm.  Hiện trên thế giới, nhất là ở tây phương, đã có nhiều nơi áp dụng phép thực tập chánh niệm để đối trị các chứng đau nhức, trầm cảm và giải tỏa tình trạng căng thẳng trong thân tâm.  Tại trung tâm y học trường đại học Massachusetts, chẳng hạn, có giáo sư John Kabat-Zinn, một giáo sư y khoa giỏi về thiền chánh niệm, đang điều khiển một chương trình trị liệu gọi là The Program of the Stress Reduction Clinic, chữa trị cho các chứng đau nhức, stress và tật bệnh khá hữu hiệu.  Chương trình này xử dụng phép thiền chánh niệm.  Tại các phân khoa Y Học các trường đại học lớn như Harvard, UCLA... cũng có những cơ sở nghiên cứu và áp dụng thiền tập vào sự chữa trị tâm bệnh và thân bệnh.

Tại trường đại học Y Khoa Havard có Viện Tâm-Thân Y Khoa (Mind-Body Medical Institute) do giáo sư Herbert Benson sáng lập và điều hành, cũng đang nghiên cứu, truyền dạy và áp dụng thiền trong việc chữa trị.  Viện này đã liên tục hoạt động từ 35 năm nay.  Giáo sư Ben-son báo cáo: “Trong viện chúng tôi có nhiều nhà khoa học, y học, tâm lý học, giáo dục học và y tá đã từng được đào tạo tới mức khá cao: các vị ấy sau khi hướng dẫn những cuộc nghiên cứu tìm tòi và thực nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã công nhận rằng thiền tập có thể đem lại rất nhiều mặt trị liệu.  Chúng tôi đã phát triển được những chương trình y tế có thể đem tới những phương thức chữa trị có hiệu năng làm thuyên giảm những triệu chứng bệnh hoạn do sự căng thẳng tâm trí tạo ra.  Trên 30 năm qua, các phòng thí nghiệm của trường đại học y khoa Harvard đã nghiên cứu một cách có hệ thống những lợi ích của sự hổ tương ảnh hưởng giữa thân và tâm.  Những cuộc nghiên cứu ấy đã chứng nghiệm rằng mỗi khi ta lập lại liên tiếp nhiều lần một câu kinh, một câu thiền ngữ hay một âm thanh (linh chú, dharani) để cho trạng thái tán loạn của tâm ý không thể xâm nhập thì trong những lúc ấy sẽ có những biến chuyển sinh lý thuận lợi xảy ra: Những biến chuyển này đi ngược nhiều với những biến chuyển đã từng mang lại sự căng thẳng tâm trí.  Những cuộc nghiên cứu ấy đã chứng minh rằng các biến chuyển do thiền tập đem lại rất có lợi lạc bởi vì chúng có hiệu năng giúp cho sự chữa trị những triệu chứng như huyết áp cao, nhịp đập tim không đều, các chứng đau nhức kinh niên, chứng mất ngủ, chứng đánh mất khả năng sinh dục, những triệu chứng của bệnh ung thư, và còn nhiều triệu chứng của các bệnh khác nữa.”

Thực tập chánh niệm hướng về đối tượng tâm ý (đối tượng tâm ý: object of mind) nghĩa là tất cả những đối tượng của tri giác ta: núi, sông, cây, cỏ, người, vật, xã hội...) ta có cơ hội nhìn sâu để thấy được tự tính vô thường và liên hệ sinh khởi và tồn tại của mọi hiện tượng.  Khi năng lượng của niệm, định và tuệ đã hùng hậu, ta đạt tới một cái thấy sâu sắc về thực tại và ta đạt tới tự do lớn, không còn vướng mắc vào sự sợ hãi, thèm khát, hận thù và tuyệt vọng.  Bụt và các vị hiền thánh đã đạt tới cái thấy ấy cho nên họ có tự do lớn, gọi là giải thoát.  Thực tập thiền, chúng ta cũng đạt tới tự do, và dù tự do của ta tuy chưa lớn, nhưng chúng ta đã tháo gở được rất nhiều tri giác sai lầm và thành kiến, do đó ta không còn đau khổ nhiều như trước mà lại có thể có nhiều an lạc trong sự sống hiện tại.

Niệm (smrti), Định (samadhi) và Tuệ (prajna) là những năng lượng chế tác ra do sự thực tập thiền.  Thiền học đã có mặt tại Việt Nam từ đầu thế kỷ thứ ba với thiền sư Tăng Hội (thân phụ thầy là người nước Khương Cư (Sogdiane, ở Bắc Ấn Độ) qua Giao Châu buôn bán, và thân mẫu thầy là người Việt).  Thiền sư Tăng Hội được đào tạo tại Giao Châu và đến năm 255 đã sang Bành Thành (Nam Kinh-Trung Quốc), kinh đô nước Đông Ngô để truyền bá thiền học.  Ông đến nước Ngô trước ngày thầy Bồ Đề Đạt Ma tới nước Lương gần 300 năm.  Nước ta từ xưa đến nay đã từng có nhiều vị thiền sư nổi tiếng (xem sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang, nhà xuất bản Văn Học Hà Nội).  Ngoài những thiền sư xuất gia ta cũng có những thiền sư cư sĩ cự phách như Trần Cảnh (Trần Thái Tông, tác giả sách Khóa Hư Lục) và Tuệ Trung Thượng Sĩ (Trần Quốc Tung anh cả của tướng Trần Hưng Đạo) v.v.  Thiền đã là một viên đá nền tảng cho nền văn minh Việt Nam.  Văn chương, triết lý và nếp sống đạo đức tâm linh người Việt chứa đựng rất nhiều yếu tố thiền.  Thực tập thiền giúp ta xóa bỏ thái độ cố chấp, giáo điều, trở nên bao dung, độ lượng, hiểu biết, biết thương yêu sâu sắc hơn và chuyển hóa được nhiều đau khổ trong tâm như thèm khát, vướng mắc, kỳ thị, hận thù, nhỏ nhen, ích kỷ, sợ hãi, tuyệt vọng...  Người Tây phương từ cuối thế kỷ 20 đã bắt đầu chú ý tới thiền và rất đông người, nhất là giới trẻ và giới trí thức, đã tìm tới để học hỏi và thực tập thiền.  Những tiện nghi vật chất không đủ để làm ra hạnh phúc.  Những sầu khổ ưu tư và thắc mắc của ta chỉ có thể được giải đáp bằng một đời sống tâm linh.  Đạo Bụt và sự thực tập thiền hiện đang đáp ứng cho đông đảo quần chúng về những nhu yếu đó.  Đạo Bụt có khả năng đi đôi với tinh thần khoa học, hợp tác với khoa học trong những lĩnh vực khám phá những sự thật tâm linh, sinh học và vật lý học.  Đạo Bụt rất chuộng thực nghiệm và Bụt Thích Ca thường khuyên dạy đệ tử không nên mất thì giờ luận thuyết về những chuyện siêu hình. (Thiền, chất liệu nuôi dưỡng, trị liệu và chuyển hóa.  Thầy Nhất Hạnh.  Lá thư Làng Mai - Số 25 ra ngày 12-2-2002, trang 21-23).

Qua đề tài “Thiền là chất liệu nuôi dưỡng, trị liệu và chuyển hóa”, ta có thể nói rằng Thiền là trạng thái tĩnh lự, tỉnh thức do qua quá trình thực tập nhiều giáo pháp Phật mà có.  Hay nói cách khác Thiền là cách thức thực tập các pháp để đưa tâm vào tĩnh lặng, nên Thiền không phải là Pháp môn, nó chỉ là một chìa khóa để mở cánh cửa ngôi nhà tỉnh thức.  Chiếc chìa khóa đó nằm trong bài pháp “Tứ Niệm Xứ” (danh từ Phật học Hán Việt gọi lĩnh vực quán niệm - còn có tên Kinh Niệm Xứ) mà năng lực trợ giúp cho tâm ý đi vào tĩnh thức, đó là Kinh Sổ Thức Quán.  Cả hai bài kinh Sổ Thức Quán – Kinh Niệm Xứ được chan hòa với nhau bằng hơi thở vào, ra nên gọi là Thiền Quán Niệm.  Vì vậy mà HT Nhất Hạnh mới giảng về Thiền, Niệm.  Có trạng thái thường luôn tỉnh thức (thiền) theo dòng tâm thức hằng chuyển trong chánh niệm không bao giờ dừng lại nên gọi nó là đà sống.  Sống có Niệm Tĩnh, từ đó mới có Định, do Định mà có Tuệ.  Tuệ giác là một bông hoa tuyệt diệu.  Muốn biết và thấy sự tuyệt diệu của bông hoa tuệ giác do tâm tỉnh thức thường hằng thực tại mà có, ta hãy đọc tác phẩm Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức – HT Nhất Hạnh.  Cho nên nuôi dưỡng, trị liệuchuyển hóa là ba hành động cứu khổ chúng sanh ở hai mặt vật chất và tinh thần mà nguyên nhân chỉ đạo ba hành động nuôi dưỡng, trị liệu và chuyển hóa là tâm tỉnh thức có tính chất từ bi trí tuệ, đó là cốt lõi của ba pháp: “LY KHỔ ĐẮC LẠC – CHUYỂN MÊ KHAI NGỘ – ĐOẠN HOẶC – CHỨNG CHÂN”, mà HT Nhất Hạnh đã thực hiện trong công cuộc Hiện Đại Hóa Phật Giáo đem Đạo Phật vào đời để cứu khổ dân tộc Việt Nam nói riêng, chúng sanh nói chung về mặt vật chất và trí tuệ suốt hằng nửa thế kỷ qua nay còn tiếp tục.

Với các hàng Bồ Tát xuất gia có đạt tuệ giác như HT Nhất Hạnh mới có thể thấy ba pháp Ly Khổ Đắc Lạc – Chuyển Mê Khai Ngộ – Đoạn Hoặc Chứng Chân là mục tiêu của Đạo Phật, là chơn ngôn của chư Phật khuyến cáo các Bồ Tát xuất gia và cư sĩ tại gia phải thực hiện trên vận hành đem Đạo Phật vào đời để thành tựu các công đức vô lậu trước khi vào Niết Bàn Phật quả là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.  Cốt lõi và ba pháp nói trên đang có mặt trong toàn bộ sách văn hóa Phật giáo và vô số lượng bài pháp thoại của HT Nhất Hạnh từ thuở xa xưa trước 75 cho đến nay trên con đường Hiện Đại Hóa Phật Giáo, đem Đạo Phật vào đời của ngài.  Nếu không nói là “Thượng Cầu Phật Đạo, Hạ Hóa Chúng Sanh” mà các hàng Bồ Tát trước khi vào Niết Bàn Phật Thừa cũng phải hành Bồ Tát đạo vào đời, bởi vì tuệ giác đạt tánh không của hàng Bồ Tát chưa phải là quả vị chứng đắc “Vô Thượng Bồ Đề”.  Bồ Tát Đạo của hàng Bồ Tát vào đời cứu khổ chúng sanh không khác với chư Phật là mấy, ở ba yếu tính cơ bản: Pháp phương tiện – Tri kiến – Hành Balamật.  Pháp Phật là phương tiện chuyển hóa tâm vô minh, phiền não, ô nhiễm thành Bồ Đề trí tuệ thanh tịnh, nên nguyên lý của nó linh động có năng lực đối trị, thích ứng với mọi căn tính của chúng sanh khi quay về Đạo Phật cho mục đích giải thoát đều có giáo pháp tu tập phù hợp với căn cơ, trình độ và hoàn cảnh của chúng sanh đó.

Tri kiến là sự thấy, biết của tâm đối trước mọi vật và con người.  Thấy biết như thật gọi là Chân như khi năm thức trước (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân) tiếp xúc với trần cảnh thực tại mà tâm không định danh đối tượng, không nói thầm, tư duy, nhận thức, khái niệm nào cả, vì tâm đã rõ mọi hiện tượng pháp giới chỉ là hiện hữu của tương quan theo định lý duyên khởi.  Tuy nhiên, trên phương diện nỗ lực công phu thực hành sáu phép qua bờ (Lục độ) mà trong đó nhiếp thọ luật nghi giới, thiện pháp giớinhiêu ích hữu tình giới của hành trình hạ hóa chúng sanh để tận diệt các vi tế phiền não trụ địa trong nội thức không còn một bợn nào, thật trống rỗng.  Đó là một thứ tự giác cao tột có tính chất thể ngộ là năng lực để nhập vào địa vị Phật Đà, các hàng Bồ Tát đều có cùng một cách.  Đó là sử dụng vô phân biệt trí của mình để thấy thực tại tự thân của chúng sanh trong mỗi xứ có khác biệt về căn cơ, trình độ, hoàn cảnh mà áp dụng các pháp phương tiện nào cho thích hợp và được đi cùng với ngôn ngữ thông tục duy nhất để hướng dẫn phương cách thực tập giáo pháp nhiều hơn là ngôn ngữ diễn giảng khế lý.  Với thế giới thực tại, căn tính chúng sanh rất phức tạp, nên ngôn ngữ thông tục là khí cụ hướng dẫn con người tu tập Phật pháp để chuyển thức (mê) thành trí qua từng thừa một.  Vì vậy mà ngôn ngữ chư Phật, chư Bồ Tát là phương tiện trình bày thật tướng các pháp (khai quyền hiển thật) qua phân tích bằng khái niệm về vô thường, vô ngã, duyên sinh...  Từ đó con người học và thực tập Phật pháp mới có thể nhận biết rõ về vô thường, vô ngã, duyên sinh.  Cho nên trong Phật giáo vai trò của ngôn ngữ là biểu tượng của Tánh Không, Nhị Đế và Trung Đạo.  Bởi vì do có vạn hữu mà lý tánh không được thành lập, lý tánh không được thành là do có vạn hữu.  Nói cách khác, vì có vạn hữu, lý Nhị Đế được thành lập để đạt Chân Như, tức Tánh Không.  Vì vậy mà Trung Luận nói rằng: “Phật thuyết pháp bằng phương thức Nhị Đế.”  Nhị Đế gồm có Tục Đế và Chơn Đế.  Hai thứ này luôn luôn tương quan liên hệ nhau theo luật đồng quy nhất, như sóng có trong nước, Bồ Đề có trong phiền não.  Khi nước lặng không có sóng, tâm hết ô nhiễm, thanh tịnh là Bồ Đề xuất hiện, tức là tâm ô nhiễm là chúng sanh, tâm thanh tịnh vắng lặng là Phật.  Khi phiền não trong tâm được nuôi dưỡng, trị liệu bởi giáo pháp Phật, nó được chuyển hóa thành Bồ Đề, tuệ giác.  Ta nên biết rằng Phật pháp thật thậm thâm vi diệu khó hiểu khó tu như các loại dược thảo có vị đắng khó uống.  Do vậy mà các nhà bào chế thuốc đã chế tác thành viên có bọc đường, thuốc nước cũng có pha vào một ít đường hơi lờ lợ để cho tất cả mọi người từ già đến trẻ con khi có bệnh dễ uống.  Cũng như vậy, đức Phật, các hàng Bồ Tát, các thánh tăng thời xưa, chư Bồ Tát, các vị tổ, các hàng tăng sĩ đạt đạo ở thời nay, dù ở đâu, đến xứ đông, xứ tây cho công việc hoằng hóa độ chúng sanh, quý ngài đều áp dụng pháp phương tiện thiện xảo, tuỳ duyên bất biến.  Tức là các pháp môn phải được biến đổi thành diệu dụng đúng theo nguyên lý của pháp môn là biến đổi linh hoạt trong việc diễn đạt và hướng dẫn con người học và tu tập Phật pháp đúng theo lối sống và hoàn cảnh của con người trong thực tại, nên con người từ mọi giới, già và trẻ sau khi nghe lời pháp thoại, ai cũng hiểu rõ khế lý từng bài pháp, biết cách thực tập, thấy học Phật và thực hành Phật pháp là điều thiết yếu ở tiêu điểm giải thoát sanh tử mai sau, thực tại được niềm an lạc, hạnh phúc, hết mọi ưu phiền.

Động cơ làm biến đổi các pháp phương tiện thành diệu dụng mà các đạo sư đã từng hành động cứu bạt chúng sanh, đó là sự vận dụng năng lượng tuệ giác trong tâm thức, rồi tự trôi lăn ra giữa biển trần ô trược mà không sợ các sắc trần dính vào thân, tâm như hoa sen kia đang vươn lên giữa lòng nước của ao, hồ mà không bị dính bùn, và như người lực sĩ bơi lội đã biết những cách bơi nên không e ngại nơi sâu, cạn trong biển cả, không sợ bị vướn, cuốn trôi trong lòng của những con sóng dù chúng có vươn cao, uốn mình trên mặt nước đến đâu, cũng không sợ, đều vươn vai, đôi tay bơi lội giữa dòng nước mà cứu vớt kẻ bị trầm mình.  Tư tưởng trên được thấy trong Kinh Phổ Môn: “Quán Âm Diệu Trí Lực Năng Cứu Thế Gian Khổ.”  Đích thực Đạo Phật là đạo cứu khổ, cho nên người tu theo Đạo Phật (Tăng sĩ và Cư sĩ) một khi tâm thức có trí tuệ từ bi nên thường hằng nghĩ đến chúng sanh bằng trí vì thấy biết chúng sanh bị đói, khổ, bệnh tật liền xông pha hành động cứu khổ, bịnh tật.  Thường thương yêu chúng sanh bằng tuệ giác vì thấy chúng sanh bị vô minh, si mê, ngu muội đọa lạc... liền tìm đến nói pháp chuyển hóa, đoạn hoặc.  Cả hai cái khổ về vật chất và khổ về tâm linh si mê của chúng sanh, Bồ Tát đều phải cứu khổ một cách thường xuyên, tường tận, không hời hợt, không dở dang, nửa chặng, đầy đủ không thiếu sót, hết lòng ban vui cứu khổ thật tròn đầy, viên mãn, thông suốt, đến nơi đến chốn, đưa qua tận bờ không bỏ giữa dòng... luôn luôn nhẫn nại chịu đựng, không than van, bị hàm oan cũng chẳng thèm biện bạch.  Bị kẻ ngoại đạo khủng bố, đánh phá bằng nhiều mặt vẫn một lòng tha thứ và cầu nguyện ở từng bước chánh niệm tỉnh thức trên những dặm đường hành pháp rất tích cực, không hề chán nản hay mệt mỏi trong việc đưa chúng sanh qua tận bờ giác.  Đó là ý nghĩa của cụm từ hành Balamật.  Vì có hành, nên Balamật là một pháp trong vô số pháp.  Có thể gọi nó là một pháp lớn, vì nó có mặt, bao trùm, chi phối vô số lượng pháp khác khi ta hành động vô số công việc trong đời sống tại xã hội, cũng như trong việc tu tập phật pháp, công việc phật sự và giác tha hóa độ chúng sanh, mỗi việc phải được chính xác, có phẩm, có lượng, tròn đầy, viên mãn... nhờ pháp Balamật trợ duyên cho tâm thức chỉ đạo hành động.  Đó mới thật đúng nghĩa “một pháp có mặt trong tất cả pháp, tất cả pháp có mặt trong một pháp” theo Kinh Hoa Nghiêm.

Vị tăng sĩ Phật giáo Việt Nam đã và đang thực hành pháp Balamật một cách thường hằng và tương dung với tất cả pháp trong đời sống thiền môn và hành đạo độ sanh, đó là HT Nhất Hạnh.  Balamật thường hằng mà HT Nhất Hạnh luôn luôn sử dụng khi làm các công việc thường nhật như viết sách, đánh máy, ăn uống, rửa tay... và những việc thiền tọa, thiền hành, tụng kinh, trì chú, nghe pháp, nói pháp...  Đó là tâm an trú trong chánh niệm có tỉnh thức, là động cơ, kỹ thuật làm cho mọi việc được thành tựu chính xác, có phẩm, có lượng...  Khi thầy còn là một chú tiểu cho đến hôm nay ở tuổi đời, tuổi đạo hạ lạp cao niên, hành pháp Bala mật của thầy vẫn không ngừng nghỉ.  Vì đó là con thuyền Bát Nhã có chuyên chở tám món giải thoát: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.  Và cũng là chất dinh dưỡng cho tâm linh của hàng xuất gia và cho những ai muốn qua bờ giải thoát đều phải dính vào thân pháp Balamật như thể bản thân là phải mặc áo quần, mặc áo tràng lúc tu tập nghe pháp, đắp y khi lễ bái sám hối.  Nói rõ hơn, pháp Balamật không nhất thiết chỉ có thực hành với các pháp như Thiền định, Bố thí, Trì giới... mà bất cứ hành động ở pháp nào cũng có nó, chẳng hạn như các pháp: đóng cửa chùa, đánh chuông gia trì, đánh mõ, cột dây chân đi lên chánh điện, thức dậy bước xuống giường, đi Kinh hành, lạy Phật, v.v.  Những pháp này xem ra có vẻ tầm thường, nhưng kỳ thực chúng là những pháp tùy thân, quan trọng của những người xuất gia, nhất là những vị mới xuất gia nhập vào tu viện đều phải thực hành chín chắn thì mới được làm Thầy Tỳ Kheo sau đó.  Do vậy HT Nhất Hạnh thường nhắc nhở đại chúng tăng trước đây và hiện nay về cách đóng cửa chùa là phải biết mình đang đóng cửa.  Như thế những cánh cửa mới được khít khao với nhau chắc chắn, thì những cái chốt mới được lắp vào các vị trí an toàn.  Về đánh chuông gia trì, thầy cũng hướng dẫn đại chúng là phải đánh trong chánh niệm.  Có chánh niệm mới đánh đúng cách.  Đúng cách là cầm dùi chuông thẳng đứng, nhưng hơi nghiêng một chút vào thành chuông, rồi đánh vào dù nhẹ hay hơi nặng, tiếng chuông được phát ra tròn đầy, ngân dài êm dịu.

Những pháp trên, nếu hành động không chánh niệm, pháp Balamật không hiện hữu.  Không hiện hữu, pháp đang hành sẽ không thành tựu trọn vẹn.  Chẳng hạn như trường hợp một thầy Tỳ Kheo tại Phật Học Viện Nha Trang năm xưa, lúc hành pháp “Cột dây chân lên chánh điện” không có pháp Balamật hiện hữu do không chánh niệm, nên sợi dây chân bên chân phải bị xổ ra, rồi rơi xuống, làm cho ống quần bị lòng thòng, phết gót khi thầy ấy đi kinh hành trước mặt Hòa Thượng Thích Trí Thủ trong chánh điện sau giờ Quá Đường xong.  Mấy ngày sau nhân buổi họp đại chúng, HT Thích Trí Thủ đưa vụ việc thầy Tỳ Kheo TH cột dây chân lỏng lẻo, ba chú Sadi đánh mõ, chuông chát chúa ra giữa đại chúng và nhắc nhở các thầy Tỳ Kheo, các chú Sadi phải thực hành lại những pháp cơ bản tùy thân của người xuất gia cho thật chín chắn, đừng lỏng lẻo mà khó đạt đạo.

Balamật đọc cho đủ là Balamậtđa, theo âm tiếng Phạn pàramità, một thuật ngữ của người Ấn Độ, có nghĩa là trọn vẹn, thông suốt, tiến tới không lui, qua tới bờ, đến tới đích.  Thuật ngữ Pàrimità được người dân Ấn Độ thường sử dụng qua ngôn ngữ đối đãi trong mọi sinh hoạt hằng ngày trên các lãnh vực: xã hội, giáo dục, học hành, văn hóa, kinh tế, lao động, và tôn giáo.  Cho nên chữ Pàramità trong Kinh Phật nguyên gốc Pali, được người Trung Hoa chuyển âm Balamậtđa và dịch nghĩa cứu cánh, đáo bỉ ngạn tức là qua tới bờ.  Bờ ở đây là bờ giác ngộ, được gọi tắt là Độ, để chỉ cho hạnh nguyện của Bồ Tát vào đời hoằng hóa độ sanh trên hai mặt vật chất và tinh thần (trí tuệ) là thời điểm của hành giả Bồ Tát vừa tự tu tập giáo pháp “Lục Độ Balamật” (Sáu phép qua bờ).  Để tự độ lại vừa độ tha cho chúng sanh cũng bằng giáo pháp Lục Độ này là pháp môn chính yếu của các hàng Bồ Tát mới chỉ đạt các quả vị A La Hán và Bích Chi Phật, cũng là địa vị giác ngộ, nhưng chưa phải là giác ngộ trọn vẹn, nên phải tu tập sáu phép qua bờ (lục độ) bằng con đường vào đời độ sinh thì mới có thể đạt quả vị giác ngộ Phật.  Mà năng lực trợ duyên cho pháp Lục Độ để đạt tuệ giác Phật là Thiền Quán Niệm, là động cơ chỉ đạo tâm thức tri hành pháp Tứ Niệm Xứ khi bản thân tọa thiền, hành thiền và tiếp xúc với vạn hữu chúng sanh khi hành động của thân thực hiện ba pháp bố thí tài thí, pháp thí vô úy thí cho chúng sanh tâm vẫn luôn an trú trong chánh niệm tỉnh thức.  Tâm có tỉnh thức, hành động hành pháp ở ba tiêu đề: Tài thí, Pháp thí, Vô úy thí thì mới có thể có trạng thái Balamật (vượt qua, thông suốt, viên mãn) trên nhiều dặm đường chông gai, khó khăn, trắc trở và bất cứ mọi căn tính, trình độ, hoàn cảnh nào đi nữa của chúng sanh, hành giả đều cứu bạt được hết.

Nhân duyên trợ đạo cho hành giả thực hiện pháp Bố thí ở ba tiêu đề trên được thành tựu viên mãn trên bước đường hạ hóa chúng sanh là năm pháp theo sau pháp Bố thí: trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định (tỉnh thức, tĩnh lự), trí tuệ và bốn pháp liên hệ khác: phương tiện thiện xảo (cách thức - phương pháp), hạnh nguyện, hùng lực (dũng cảm) và tri kiến (trí).  Sáu pháp Lục độ và bốn pháp liên hệ được gọi là Mười Pháp Thù Thắng.  Mười Pháp Thù Thắng này như là những toa của một con tàu, mà đầu tàu của con tàu là pháp Bố Thí có chứa đựng ba thứ nhiên liệu Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí trên vận hành cứu khổ chúng sanh.  Năng lực làm cho ba thứ nhiên liệu Tài, Pháp và Vô úy trong đầu máy pháp Bố thí của con tàu được bốc cháy tỏa ra ánh sáng hải đăng đến biên giới vô tận, khai lại nguồn suối pháp có dòng nước mát chảy khắp trong không gian tâm linh chúng sanh, kiến tạo ra nguồn sống an lạc, hạnh phúc... cho chúng sanh.  Đó là năm pháp theo sau pháp Bố thí của lục độ và bốn pháp liên hệ.  Chúng là những dụng cụ, kỹ thuật làm cho ba thứ nhiên liệu (tài, pháp và vô úy) trong đầu máy (pháp Bố thí) con tàu được nhuần nhuyễn, biến đổi, sanh ra năng lượng nhiệm mầu thực dụng cho chúng sanh.  Người tài xế vừa lái đầu máy (pháp Bố thí) con tàu vừa xử dụng Chín Pháp Kỹ Thuật trên trong mười hạnh thù thắng làm cho con tàu đạo pháp được chạy suốt trên con đường hoằng hóa độ sanh phải là hành giả đạt đạo.  Qua tư tưởng trên, ta thấy HT Nhất Hạnh là vị tăng sĩ đã đạt đạo rất sớm từ xa xưa khi còn là một học tăng tại các Phật Học Viện Việt Nam trước 75 trong việc tu tập và hành đạo qua nhiều chặng đường gian khổ, nhưng thầy vẫn tinh tấn, nhẫn nhục tiến bước trong công cuộc Hiện Đại Hóa Phật Giáo của mình.  Cho nên đạo mà thầy đã đạt được ngay trong thời ấy, đó là tâm thanh tịnh bình đẳng với giáo pháp Phật ở quá khứ, hiện tại, vị lai, cũng như thanh tịnh bình đẳng về tâm, giới pháp, thanh tịnh bình đẳng diệt trừ các quan điểm nghi ngờ và do dự, thanh tịnh bình đẳng về nhận thức đạo và phi đạo, thanh tịnh bình đẳng về tu hành trí và kiến.  Từ chỗ này ta có thể nói rằng mười trạng thái tâm bình đẳng trên là tuệ giác tánh không của hàng Bồ Tát ở bậc thứ ba Bát Nhẫn Địa trong mười địa.

Bát Nhẫn Địa có nghĩa là tâm thức của Bồ Tát luôn an trú nơi tám sự quán ngộ một cách tinh tấn và nhẫn nhục nên chữ nhẫn là chịu đựng; và chịu đựng ở đây có nghĩa là an trú vững chắc nơi thật tướng của vạn pháp mà lòng không bị giao động, chán nản.  Ở địa vị này Bồ Tát luôn vận dụng trí tuệ quán chiếu thật tướng của vạn pháp và nhận chân (ngộ) được chân lý BỐN SỰ THẬT, lần lượt trải qua tám trình độ quán ngộ (bát nhẫn) như sau:

1/ Quán ngộ về Khổ đế ở cõi Dục

2/ Quán ngộ về tập đế ở cõi Dục

3/ Quán ngộ về diệt đế ở cõi Dục

4/ Quán ngộ về đạo đế ở cõi Dục

5/ Quán ngộ về Khổ đế ở hai cõi Sắc và Vô Sắc

6/ Quán ngộ về tập đế ở hai cõi Sắc và Vô Sắc

7/ Quán ngộ về diệt đế ở hai cõi Sắc và Vô Sắc

8/ Quán ngộ về đạo đế ở hai cõi Sắc và Vô Sắc

(Pháp Số Căn Bản trang 189 - HẠNH CƠ)

 

Bậc thứ ba Bát Nhẫn Địa trong mười địa của hàng Bồ Tát nói trên được xem như là mục tiêu chính yếu của Đại Thừa Phật Giáo.  Đó là việc cứu khổ chúng sanh, do nhận chân được BỐN SỰ THẬT bởi trí tuệ quán chiếu, nên các hàng Bồ Tát luôn luôn đặt pháp Bố Thí lên hàng đầu trong vai trò cứu khổ chúng sanh ở ba tiêu đề:  Tài – Pháp – Vô Úy và chín pháp kỹ thuật nói trên trong 10 hạnh thù thắng một cách không ngừng nghỉ từ địa thứ ba này cho đến Địa Thứ Mười.  Vì vậy mà bản chất Bát Nhẫn Địa là tuệ giác có cảm xúc vào tận đáy lòng mọi thống khổ của chúng sanh khi đôi chân từ bi, đôi mắt trí tuệ Bồ Tát tiếp xúc và hành động cứu bạt chúng sanh tại trường đời ác trược.  Do những nhân duyên này, tuệ giác trên cũng là một thứ tuệ giác thấy, biết mọi hiện tượng tại trường đời thế gian chỉ là sự hiện hữu tương quan, nên chúng không tự tính.  Tuy vậy, vạn hữu vẫn tồn tại theo định lý Duyên Khởi, vì thế sau tồn tại thì hoại diệt, hoại diệt lại tồn tại.  Người Bồ Tát thấy được định lý Duyên Khởi này, càng tiến tới và hòa nhập vào những hiện tượng khổ đau của chúng sanh mà cứu bạt.  Nói như Luận Đại Trượng Phu: “Năng lượng từ bi và trí tuệ hiện hữu trong lòng người, đó là người bộ hành không cô đơn.”

Người có tâm Đại Trượng Phu, chỉ có những hàng Bồ Tát (xuất gia, tại gia) ở vào bậc thứ ba Bát Nhẫn Địa trong 10 Địa.  Bởi vì bản chất Đại Trượng Phu là thường tinh tấn, kham nhẫn, nhẫn nhục, chịu đựng như sự chịu đựng của mặt đất, bao dung, tha thứ, hỷ xả, sống vị tha vì người hơn vì mình, tích cực giác tha sau khi được tự giác, trầm tĩnh, chững chạc, an nhiên...  Tất cả những trạng thái trên được hiển lộ ra ngoài thân, rõ nét nhất là ở đôi mắt thường nhìn xuống về phía trước khi đi, khi đứng, khi ngồi giữa trường đời thế gian lúc an nghỉ, lúc pháp thoại và sinh hoạt, tư duy điều nghiên kế hoạch cứu khổ độ sanh. Có thể nói đó là những trạng thái chánh niệm, tỉnh thức có đủ cùng một lúc bốn thứ: Bát Nhã Balamật, tinh tấn Balamật, nhẫn nhục Balamật, thiền định Balamật. Bốn thứ Balamật này được chỉ đạo bởi trí tuệ (có luôn từ bi) khi bản thân hành động độ sanh bằng pháp Bố Thí ở ba tiêu đề: Tài – Pháp – Vô Úy chính là sáu phép qua bờ, gồm có: 1.Bố thí  - 2.Trì giới - 3.Tinh tấn - 4.Nhẫn nhục - 5.Thiền định - 6.Trí tuệ.  Trí tuệ ở bậc chót, nhưng nó là chóp bu chỉ đạo cho thân hành động pháp bố thí có kỹ thuật.  Tuy vậy, trí tuệ và bốn thứ: bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục là con cái, sản phẩm của tâm tỉnh thức.  Tỉnh thức gọi theo thuật ngữ của Phật học là định, tĩnh lự, tam muội.  Cho nên hai giới Tăng sĩ và Cư sĩ trong đạo Phật ai cũng phải có tâm tỉnh thức, vì nó là chìa khóa để mở cánh cửa Niết Bàn và hằng vạn sự thành công khác cho con người trong cuộc sống tại thế gian.  Hoà thượng Thích Nhất Hạnh là vị tăng sĩ Đệ Nhất Tỉnh Thức hiện nay.  Tâm tỉnh thức của thầy ở cao độ vì có đủ bốn tính chất Bát nhã, Tinh tấn, Nhẫn nhục và Thiền định một cách Balamật suốt trên vận hành Hiện Đại Hóa Phật Giáo đem Đạo Phật vào đời bằng pháp Bố thí ở ba mục tiêu: Tài - Pháp - Vô úy trước 75 tại quê nhà và hiện nay tại hải ngoại hơn nửa thế kỷ nay.  Tâm tỉnh thức của thầy vẫn hiện hữu rõ nét ở bản thân thầy càng lúc càng cao dần đến từng cấp độ ở bốn ngôi vị trí tuệ: Thành Sở Tác Trí, Diệu Quang Sát Trí, Bình Đẳng Tánh Trí Đại Viên Cảnh Trí là ngôi vị Phật Đà theo nguyên lý tâm tỉnh thức là năng lực tiến đến bốn ngôi vị trí tuệ chứ không lùi.  Đó là quy luật: Thử hữu cố bỉ hữu, thử sanh cố bỉ sanh (Cái này có, cái kia có. Cái này sanh, cái kia sanh) theo định luật nhân quả, hay nói cách khác, định luật nhân quả nằm trong định luật nhân duyên.

Theo quy luật: thử hữu cố bỉ hữu, thử sanh cố bỉ sanh, ta thấy rằng HT Nhất Hạnh có một trong bốn trí tuệ.  Có thể là Thành Sở, Diệu Quang, Bình Đẳng hay là Đại Viên.  Bởi vì trong bốn trí, trí nào cũng có năng lượng Phật làm cho con người trong mọi giai tầng xã hội trên thế gian này đều có thể tiếp nhận vào lòng niềm an lạc, hạnh phúc, giải thoát, không còn ưu phiền, an nhiên, tự tại, không còn sợ hãi... qua nhân duyên Phật pháp mà có những quả ấy.  Hòa thượng Nhất Hạnh là nhân duyên Phật pháp có năng lượng Pháp, năng lượng tăng đích thực.  Thế nên thầy đã và đang đáp ứng cho mọi người ở mọi thành phần xã hội, tôn giáo trên thế giới hiện nay đạt được những nhu cầu trên về tâm linh sau khi một lần, hai ba lần đến học Phật, nghe pháp thoại và phương pháp hướng dẫn thực tập thiền quán với thầy tại Làng Mai (Pháp), tu viện Rừng Phong (New York), Lộc Uyển (San Diego) - Hoa Kỳ và những nơi thầy đã đến.

Cho nên đã và đang có hàng vạn người trong nhiều giai cấp, màu da, chủng tộc khác nhau trên thế giới và kể cả các chức sắc ngoại đạo cực đoan hung hãn sau khi tu tập thiền quán với thầy, tất cả ai cũng cảm thấy tâm ý mình được thức dậy một cách tỉnh táo diệu vợi, rồi dần dần được chuyển đổi qua từng trạng thái an lạc, chững chạc, an nhiên, thư thái tâm hồn, bản thân nhẹ nhàng vì hết căng thẳng thần kinh, không còn ưu phiền, sợ hãi nữa.  Nếu không nói là mọi người được thỏa mãn những nhu cầu về tâm linh, trong đó có sự việc không còn thắc mắc về tánh không, duyên khởi, vô ngã, vô thường, tam pháp ấn, v.v. vì đã được nghe thầy giảng và hướng dẫn thiền quán niệm mà được thấy, được ngộ tánh không.  Ngộ một cách thường trực trong lòng, nên thường hiện hữu ra hành động buông xả, chững chạc, khiêm cung, ái ngữ và nhân cách trong đối đãi với con người và kể cả cây, cỏ, hoa lá, súc vật, côn trùng; tức là có tôn trọng, bảo hộ bản thể của tất cả mọi loài chúng sanh.  Từ chỗ này, ta có thể nói rằng mọi người sau khi được nghe pháp thoại của HT Nhất Hạnh ai cũng trở thành tăng thân của Làng Mai, Rừng Phong, Lộc Uyển.  Trở thành ở đây không có nghĩa là họ phải thường trực hiện hữu tại các tu viện trên.  Ngoại trừ một số người xin xuất gia được thường trú tại các tu viện; còn lại, họ thường đến tham dự những khóa tu với thời gian một tuần, vài tuần trở lên.  Sau đó, họ trở về chốn cũ của họ.  Dù họ không thường trực hiện hữu tại Làng Mai, Lộc Uyển, Rừng Phong, nhưng họ vẫn trở thành tăng thân của ba cơ sở trên.  Bởi vì đó là những con người (xuất gia, tại gia) tỉnh thức có sự hiểu biết rộng lớn, nên bản thân họ luôn tỉnh lặng, chững chạc ở bước đi, khiêm cung, ái ngữ trong đối đãi tại trường đời thế gian.  Nói như lời Kinh: thân tâm con người có tỉnh thức, thanh tịnh, vắng lặng là một cõi ở đó trống không, không còn ý tưởng tranh chấp, phiền não... dù đối diện với biển trần đầy muôn sắc, âm thanh, mùi vị mà lòng vẫn an bình, tỉnh lặng.  Đó là tâm Tịnh Độ, như lời thầy Nhất Hạnh xác định Tịnh Độ là đây, Đây là Tịnh Độ được hiện hữu nơi Làng Mai, Rừng Phong, Lộc Uyển trên những thân cây, vách đá.  Nhưng hai câu Tịnh Độ là đây, đây là Tịnh Độ, không những chỉ hiện hữu nơi vách đá, thân cây tại ba tu viện trên, mà còn hiện hữu trong lòng con người mỗi khi đến tu tập thiền quán, nghe pháp thoại, thiền hành với thầy ai cũng cảm thấy mình có Tịnh Độ trong lòng một cách thường trực sau khóa tu.  Đúng như lời thầy Nhất Hạnh nói: “DẤU ẤN CỦA LÀNG MAI là “ĐÃ VỀ, ĐÃ TỚI.”  Đã về, có nghĩa là mọi người về Làng Mai, về với thầy, với các sư chú, sư cô cho mục đích học Phật, nghe pháp thoại của thầy và được thầy hướng dẫn cách thức tu tập thiền quán.  Đó là VỀ.  Đã tới, nghĩa là tâm thức mọi người đạt được trạng thái tỉnh thức hiện hữu trong tâm linh.  Đó là Tịnh Độ sau nhiều lần nghe pháp thoại, thực tập thiền quán tại Làng Mai hay bất cứ nơi nào do thầy nói pháp thoại và hướng dẫn phương pháp tu tập.  Những bài pháp thoại, phương pháp thực tập thiền quán mà thầy đã nói, đã hướng dẫn, chính là chất liệu, dụng cụ kiến tạo Tịnh Độ, Tỉnh Thức cho mọi người, thì đó cũng chính nguyên lý, là Hạt Giống Bồ Đề của Làng Mai.  Vì vậy mọi người rời khỏi Làng Mai sau những khóa tu để trở về lại quê quán, ai cũng mang theo ngoài tâm tỉnh thức, tịnh độ còn có hạt giống Làng Mai.  Tại nơi quê quán ấy, không ai bảo ai, từng tăng thân đồng khởi lên ý niệm trao truyền cho bà con xa gần, bạn hữu cái Hạt Giống Bồ Đề Làng Mai, đó là giác tha sau khi được tự giác.  Cho nên thầy Nhất Hạnh mới nói: “Hạt Giống Đi Xa”, “Sen Búp Từng Cánh Hé” là như vậy.

Dấu ấn ĐÃ VỀ, ĐÃ TỚI của Làng Mai được tương đương, đồng nghĩa với bốn câu thơ của Hòa thượng Thích Phúc Hậu sau đây:

 

“Kinh điển lưu truyền tám vạn tư

Học hành không thiếu, cũng không dư

Năm nay tính lại chừng quên hết

Chỉ nhớ trên đầu một chữ “Như””.

 

Hai câu đầu giống vế đầu “Đã Về”, được cắt nghĩa là con người quay về Tam Bảo không ngoài mục đích tìm cầu cho mình con đường giải thoát bằng tâm thanh tịnh có trí tuệ giác ngộ.  Được tâm thanh tịnh có trí tuệ giác ngộ như vậy là do nghe pháp thoại (học pháp) và sự hướng dẫn thực tập Phật pháp (hành đạo) của các bậc tăng sĩ đạt đạo.  Chân sư dạy đạo (kinh điển), người học đạo, cũng như hướng dẫn phương pháp tu tập (hành đạo), không phải một pháp môn, mà phải nhiều pháp đúng với câu “Kinh điển lưu truyền tám vạn tư”.  Đó là thái độ học, gọi là học đủ và đúng khế lý, quy trình, kỹ thuật kiến tạo trí tuệ như câu “Học hành không thiếu, cũng không dư”.  Bởi vì khế lý của mỗi pháp môn đúng lượng đúng căn của chúng sanh, nên không bao giờ dư, thiếu.

Hai câu sau giống vế hai “ĐÃ TỚI”, được cắt nghĩa là qua quá trình tích cực tinh tấn học Phật, lắng nghe pháp thoại từ chân sư nên có liễu ngộ khế lý của từng pháp môn.  Được liễu ngộ là năng lực khiến cho tâm thức nhẫn nhục chuyên cần thực tập Phật pháp một cách Balamật tức thường xuyên không ngừng nghỉ.  Chính thời gian thường xuyên công phu tu tập này là lúc tất cả các pháp được học, được tu đang chín mùi, tiêu hóa, biến thành chất liệu đang nuôi dưỡng tâm linh đúng với câu “năm nay tính lại chừng quên hết”.  Tức là tâm thức không có trụ vào tướng các pháp, mà thể nhập vào các pháp, nên nhìn vào vạn hữu thực tại, tâm thấy liền thực tướng các pháp là vô ngã, tánh không gọi là thấy như thật khi tâm ý không suy luận, khái niệm nhị nguyên, đúng với câu “Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ”.  Như ở đây là chứng ngộ tánh không khi thức được chuyển thành trí.  Chỉ có trí mới thấy được tánh không của vạn pháp, cho nên thức là mê, ngộ là trí.

Để biết rõ thêm chi tiết hai pháp tướng Hạt Giống Bồ Đề Làng Mai đi xa tận nơi đâu và nở Hoa Sen từng cánh như thế nào, ta hãy nghe thầy nói:

“Hạt Giống Đi Xa

Ngày xưa tôi cũng đã từng dạy và đào tạo nhiều lớp tăng sinh, ni sinh nhưng chưa bao giờ tôi có hạnh phúc nhiều như vậy.  Vì thầy trò sống với nhau, thực tập với nhau nên mỗi ngày tôi đều kiếm cách để trao truyền tất cả những gì tôi đang có; giống như chiếc lá chuối đầu trao truyền lại cho chiếc lá chuối thứ hai, thứ ba...  Tôi rất muốn ở trong các chùa của mình có một số các vị cư sĩ cùng thực tập chung với các sư cô sư chú để trở thành một cái cầu bắc ngang giữa những người xuất gia và những người tại gia bên ngoài.  Những người đó thực sự đáng gọi là cận sự: rất gần gũi, rất hiểu biết thì mới chuyển được tuệ giác, hạnh phúc của tăng đoàn xuất gia tới tập đoàn của người cư sĩ.  Và đó là một trong những lý do khiến cho mình đi tới trên sự phát triển dòng tu Tiếp Hiện.  Trong dòng Tiếp Hiện có rất nhiều cư sĩ, họ là cư sĩ nhưng không phải như những cư sĩ khác, họ có 14 giới và 14 giới của họ là một cái cầu nối liền tăng đoàn những người xuất gia với đoàn thể những người cư sĩ. Hiện bây giờ chúng ta đang có những cố gắng thành lập những cộng đồng những người tại gia do những người tại gia hướng dẫn như cộng đồng InterSein bên Đức do ba vị giáo thọ Đức hướng dẫn, cộng đồng Clear View ở Santa Barbara-Mỹ cũng do hai vị giáo thọ Mỹ hướng dẫn.  Chúng ta mong rằng trong những năm tới của thế kỷ 21 sẽ có nhiều tăng thân tại gia như vậy được thành lập khắp nơi trên thế giới do những người Tiếp Hiện tại gia lãnh đạo.  Chúng ta cũng hy vọng rằng có rất nhiều cơ sở, trung tâm thực tập chánh niệm không có màu sắc tôn giáo, gọi là Mindfulness Practice Center, được thiết lập ở mỗi thành phố để cho mọi người bất luận tôn giáo nào, chủng tộc nào đều có thể đến để thực tập, cảm thấy thoải mái, cảm thấy mình không cần phải bỏ đạo gốc mà theo một đạo mới.

Thực tập của Làng Mai bây giờ phải vượt khỏi ranh giới của tôn giáo.  Điều này tôi thấy thật rõ.  Trong chuyến đi Trung Quốc vừa rồi, khi gặp Ủy Ban Tôn Giáo Nhà Nước tăng đoàn của mình có tặng cho họ một bức bút pháp có chữ “The Spiritual Dimension” (Chiều Hướng Tâm Linh). Ý của mình muốn nói là Trung Quốc đang phát triển về mọi mặt: kinh tế, giáo dục, nghệ thuật, chính trị nhưng mà người ta vẫn khổ nếu người ta không có yếu tố tâm linh trong đời sống và hoạt động của mình.  Vì vậy yểm trợ cho đạo Bụt để đạo Bụt có thể đóng góp cho phần tâm linh ấy thì sẽ giúp người ta bớt khổ.

Cách đây độ chừng mấy tuần trường Đại Học Y Khoa Genève có mời tôi qua giảng một bài về bộ óc của con người.  Họ tổ chức một tuần lễ gọi là Semaine du Cerveau (tuần lễ về bộ óc) và họ quy tụ những nhà khoa học thần kinh, những nhà khoa học về não bộ để chiếu thêm ánh sáng vào lĩnh vực đó.  Tôi đâu phải là một chuyên gia về óc mà họ vẫn mời.  Là tại vì người ta muốn có một cái thấy về phương diện tâm linh. Rồi Davos, tức là hội nghị quốc tế của những nhà doanh thương lớn cũng mời tôi. Tôi đâu phải là một nhà doanh thương, vậy mà họ cũng mời?  Là vì họ thấy giới doanh thương và chính trị cũng có những đau khổ, lo lắng, sợ hãi và họ cần tới một chiều hướng tâm linh.  Rồi trường Đại Học Y Khoa Havard cũng mời tôi cho một ngày quán niệm cho các bác sĩ, cho các nhà khảo cứu y khoa.  Trong khắp các lãnh vực người ta đang cần cái chiều tâm linh để bớt lo lắng, khổ đau, sợ hãi.  Vì vậy đạo Bụt phải vượt khỏi cái giới hạn tôn giáo của mình để đi tới như một nguồn tuệ giác không có màu sắc tôn giáo.  Điều này mình thấy rất rõ và đó là sứ mạng của Đạo Tràng Mai Thôn.  Các thầy, các sư cô, các Phật tử cư sĩ biết rằng mình phải đem đạo Bụt ra phụng sự cho đời không phải tính cách một tôn giáo mà với tính cách một nguồn tuệ giác, một truyền thống thực tập.  Mình phải đem đạo Bụt vào trong tù, mình phải đem đạo Bụt vào trong trường học, trong bệnh viện, trong nha cảnh sát.  Làm thế nào để cho những người đó sống đời sống của họ một cách thoải mái, giảm bớt khổ đau.  Vì vậy chúng ta rất cần học hỏi cống hiến phương pháp thực tập chánh niệm như thế nào để có thể áp dụng được cho mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mà không bị hạn hẹp bởi hình thức tôn giáo.

Đứng về phương diện hoạt động của Làng Mai, chúng ta đã mở những khóa tu không những chỉ ở Làng Mai mà ở khắp các nước Âu châu, Mỹ châu và Á châu.  Chúng ta đã mở các khóa tu cho sự thực tập trong các gia đình.  Chúng ta đã mở các khóa tu cho các em thiếu nhi (chỉ cho các em thiếu nhi thôi) nhiều lần ở Mỹ, ở Úc và tại Âu châu.  Chúng ta đã mở các khóa tu cho các nhà tâm lý trị liệu tại Mỹ châu và Âu châu.  Chúng ta đã mở các khóa tu cho các cựu chiến binh, cho các nhà hoạt động môi sinh, cho các bác sĩ và y tá, cho những nhà hoạt động hòa bình.  Chúng ta đã đem đạo Bụt vào trong tù.  Mỗi năm chúng ta đều có những khóa tu như vậy, do các vị giáo thọ của Làng Mai tổ chức hoặc do tăng đoàn ở Làng Mai đi tổ chức.  Và năm nay, trường Đại Học Y Khoa Harvard muốn tôi qua Mỹ để nhận một giải thưởng của họ.  Họ nói các khóa tu đó đã giúp người ta trị liệu và bớt khổ rất nhiều.  Chúng ta không phải là bác sĩ, không phải là những nhà tâm lý trị liệu nhưng những khóa tu đó đã đem lại sức khỏe, niềm vui và hy vọng cho hàng ngàn người mỗi năm.  Vì vậy họ muốn công nhận sự thật đó bằng một giải thưởng.  Nói như vậy có nghĩa là chúng ta đã vượt được cái ranh giới về tôn giáo và đi vào cuộc đời.

Trong quá trình lớn lên của Làng Mai, chúng ta đã hiện đại hóa được sự học hỏi và thực tập của đạo Bụt.  Giáo lý của chúng ta được quần chúng tiếp nhận một cách rất hồ hởi và hoan hỷ.  Mỗi khi chúng ta tổ chức một khóa tu thì Phật tử từ các truyền thống khác nhau đều tới tu tập, không kỳ thị.  Dù theo truyền thống thiền Nhật Bổn hay thiền Cao Ly, thiền Vipassana hay là thiền Miến Điện, họ đều tới tu học và cảm thấy rất thoải mái trong các khóa tu của chúng ta.  Pháp môn và sự thực tập của chúng ta giống như mẫu số chung cho các hệ phái Phật giáo.  Chúng ta đã cống hiến sự học hỏi đó, sự thực tập đó cho tất cả các giới trong xã hội: giới tâm lý trị liệu, giới bảo vệ môi sinh, giới bác sĩ, giới doanh thương v.v. đủ hết.  Có những nhà doanh thương sau khi đã dự khóa tu tổ chức tại Làng Mai nói rằng hai, ba tháng sau mà họ vẫn tiếp tục có thêm tuệ giác.  Những hạt giống được gieo trong khóa tu từ từ nảy sinh và cho họ thêm tuệ giác, cho họ biết nên đi con đường nào và không nên đi con đường nào.  Chúng ta đã trình bày được giáo lý và những pháp môn tu tập mà người trẻ và người trí thức Tây phương có thể hiểu được, chấp nhận được và áp dụng được.  Đó là một thành công lớn của Làng Mai nhưng không phải là công trình của một người hay công trình của một vài năm.  Đây là công trình của ba mươi năm trong đó có hai mươi năm của Làng Mai và của cả tăng thân.  Chúng ta đã trình bày được Năm Giới với ngôn ngữ không Phật giáo.  Năm Giới là sự biểu hiện rất trung thực, rất sâu sắc không những giáo lý của đạo Bụt mà cả sự hành trì của đạo Bụt.  Và Năm Giới được trình bày như là Chánh Niệm, là sự thực tập cụ thể của Chánh Niệm chứ không phải là những cấm cản.  Chúng ta cũng đã trình bày được 14 giới Tiếp Hiện như là tinh ba giáo lý và sự thực tập của đạo Bụt.  Cho đến nỗi những người không thuộc về Phật giáo cũng muốn tụng giới Tiếp Hiện.  Chúng ta đã thành lập trên dưới 800 tăng thân ở khắp nơi trên thế giới. Tại những thành phố lớn như Luân Đôn cũng đã có gần mười tăng thân, vì thành phố quá lớn.  Tại những thành phố nhỏ cũng có những tăng thân.  Ngay cả bên Do Thái cũng có những tăng thân của Làng Mai.  Ở Việt Nam có hàng chục ngôi chùa và những tăng thân khác đang thực tập theo pháp môn của Làng Mai.  Nếu chúng ta chưa thấy được trên dưới 800 tăng thân đó thì chúng ta chưa thấy được Làng Mai.  Bên Úc, bên Đức cũng vậy, có rất nhiều tăng thân.

Năm ngoái ngồi ở Luân Đôn trong khóa tu tôi rất cảm động khi các thiền sinh ở Edinburgh viết thư cho tôi.  Có mười mấy lá thư từ Edinburgh.  Edinburgh ở miền bắc Anh quốc, thuộc Tô Cách Lan (Scotland).  Tôi chưa bao giờ bước chân đến thành phố Edinburgh, vậy mà thiền sinh ở đó viết thư cho tôi rất tha thiết.  Họ nói về sự thực tập của họ, hạnh phúc của họ và về tăng thân được thành lập ở thành phố đó.  Tại sao tôi chú ý đến Edinburgh?  Tại vì hồi xưa tôi có một người bạn đồng tu xuất gia đã từng đi du học ở Edinburgh.  Vị đó đã được gởi đi Colombo để học Phật giáo, nhưng học được vài năm thì hơi chán nên đã xin qua Anh để học và đã được gởi tới Edinburgh.  Vị đó đã học nhân chủng học nhiều năm và đã về Việt Nam nhưng không để lại dấu vết nào cả.  Còn tôi chưa bao giờ bước chân tới đó, vậy mà những hạt giống của Làng Mai đã đi tới và mọc lên từ vùng đất đó.  Đó là điều làm tôi rất ngạc nhiên và rất vui.  Có những vùng đất mình chưa bao giờ bước tới, nhưng những hạt giống đã bay tới.  Chúng ta biết rằng ở Pháp có một loại cây cỏ nhỏ gọi là bồ công anh (pissenlit, tiếng Anh là dandelion), khi hoa chín rồi thì trở thành màu trắng và mỗi hạt có những cái cánh bay đi rất xa.  Gió có thể đưa những hạt bồ công anh này bay xa hàng chục cây số.  Những hạt giống mà tăng thân Làng Mai gieo cũng đi xa lắm.  Nó đi vào trong nhà tù, nó đi vào các tu viện kín của người công giáo.

Hôm chúng tôi kết thúc khóa tu ở Phổ Đà Sơn, trú xứ của Bồ Tát Quán Thế Âm ở Trung Quốc, thầy trò đang chuẩn bị hành lý để đi ra bến tàu thì có một thiếu nữ chạy vào.  Thiếu nữ Trung Hoa đó từ Thượng Hải tới.  Cô ta đã được đọc một cuốn sách của tôi bằng tiếng Hoa, không phải là cuốn Đường Xưa Mây Trắng.  Khi tới Phổ Đà Sơn nghe nói có thầy Nhất Hạnh đang giảng dạy ở chùa Phổ Tế, cô ta rất ngạc nhiên.  Cố nhiên là cô đã được đọc rất nhiều sách Phật rồi, nhưng khi được đọc tới cuốn sách ấy thì cảm thấy rằng mình tìm ra được con đường, tìm ra được lý tưởng của mình.  Đang đi trên cầu thang từ nhà bước xuống sân thì tôi thấy cô ta bước tới và lạy xuống.  Sư cô Chân Không đã hướng dẫn cô ta đến.  Cô ta vừa lạy vừa khóc, tại vì không ngờ lại được gặp tác giả cuốn sách mà mình hâm mộ ngay trên đất nước Trung Quốc của cô ta.  Điều này chứng tỏ rằng những hạt giống mà tăng thân gieo trồng đi rất xa, xa lắm và mình không thể tưởng tượng được.  Nó đi xa trong không gian và nó sẽ đi xa trong thời gian.  Vì vậy nên mình không thể biết Làng Mai nằm ở đâu.  Không phải tới Meyrac hay Loubès-Bernac hay Dieulivol thì thấy được Làng Mai đâu.

 

Sen Búp Từng Cánh Hé

Tôi xuất gia ở Việt Nam, lớn lên ở Việt Nam, học Phật ở Việt Nam, tu tập ở Việt Nam nhưng có chứng đắc ở Tây phương.  Trước đó tôi đã từng dạy nhiều thế hệ học tăng rồi.  Chính năm 1962 tại trường đại học Princeton nơi tôi cư trú, tôi bắt đầu có những cái thấy rất sâu sắc, hoa trái của sự thực tập.  Nếu đọc Nẻo Về Của Ý thì quý vị sẽ thấy chuyện tôi đi qua Princeton cũng giống như chuyện tôi đi tu vậy.  Vì hoàn cảnh Việt Nam lúc đó rất căng thẳng, và khi qua tới Princeton tôi thấy trường đại học này giống như một cái tu viện, xa hẳn những đòi hỏi cấp bách của thời thế.  Tôi có thì giờ rất nhiều để đi thiền hành, để làm chín những cái thiền quán chưa được chín lúc đó.  Mùa hè năm 1962 tôi viết cuốn Bông Hồng Cài Áo.  Đó là một tập văn rất đơn sơ, nhưng đó thực sự là hoa trái của tuệ giác.  Đó là lần đầu giáo pháp “Hiện pháp lạc trú” được diễn tả.  Tất cả chúng ta đều có một bà mẹ.  Mẹ thơm như chuối ba hương, ngon như xôi nếp mật và ngọt như mía lau.  Vì vậy ta đừng sống hờ hững mà phải sống cho có ý thức.  Đó là cái thấy hiện pháp lạc trú.  Mình sống như thế nào để những cái mầu nhiệm của cuộc sống đừng vuột khỏi tầm tay mình, mình phải sống sâu sắc với mỗi giây phút trong hiện tại.  Vì vậy cho nên có thể coi Bông Hồng Cài Áo là cái hoa đầu tiên nở trên sự giác ngộ của tôi.  Và từ đó trở đi thì cái thấy ấy cứ một con đường đó mà đi tới.  Bài thuyết pháp hay nhất và ngắn nhất của tôi là “Đã về, đã tới.”  Chỉ có bốn chữ thôi.  Và sáng nay tôi có nói với sư em Châu Nghiêm rằng bốn chữ “đã về, đã tới” có thể coi là pháp ấn của Làng Mai.  Bất cứ một bài thuyết pháp nào, bất cứ một giáo lý nào mà đi ngược lại tinh thần “đã về, đã tới” thì đó không phải đích thực là giáo lý và sự thực tập của Làng Mai.  Dấu ấn “đã về, đã tới” đã phát hiện ngay từ đầu năm 1962 trong tác phẩm rất nhỏ bé là Bông Hồng Cài Áo.  Và trong thời gian hoạt động cho hòa bình ở ngay tại Paris thì tôi cũng đã sáng tác tác phẩm Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức.  Sách này được viết vào năm 1974.  Tôi đã viết cuốn đó vì thương các bạn xuất gia và tại gia đang phục vụ tại trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội trong một hoàn cảnh lửa đạn rất nguy hiểm.  Cuốn đó viết xong thì được gởi về Việt Nam in.  Bên này tôi nghĩ rằng các bạn Tây phương của mình đang yểm trợ công cuộc vận động hòa bình cũng có thể thừa hưởng giáo lý đó cho nên Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức đã được dịch sang tiếng Anh, The Miracle of Mindfulness.  Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức là một cuốn sách dạy mình an trú trong hiện tại, sống chánh niệm, biết cái gì xảy ra trong giờ phút hiện tại.  Giữa Bông Hồng Cài Áo năm 1962 và Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức năm 1974 là mười hai năm, tôi đã sáng tác rất nhiều.  Quý vị có thể thấy trong những sáng tác đó diễn biến của cái thấy của tôi.  Đó là quá trình sen búp từng cánh hé.  Một điều có thể ghi nhận là trong cuộc đời mình, tôi đã có cơ hội mang đạo Bụt Đại Thừa về tắm lại trong dòng suối Nguyên Thủy.  Trước khi về lại với dòng suối Nguyên Thủy thì tôi đã có cái thấy, đã có sự chứng đắc về Hiện Pháp Lạc Trú.  Về lại với nguồn suối Nguyên Thủy thì cái thấy đó lại được chứng nghiệm rõ ràng hơn.  Cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức đã được nhà xuất bản Beacon ấn hành, và cho tới nay, sau mấy chục năm, cuốn sách vẫn tiếp tục bán được như thường.  Bán dài dài.  Vì vậy quý vị có thể nói là Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức là một cuốn sổ tay, là một thiền phổ mà quý vị có thể chia sẻ cho những người muốn thực tập pháp môn của Làng Mai.  Người nào chưa đọc Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức thì nên tìm mà đọc.  Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức đã xuất bản ít nhất là trong ba mươi thứ tiếng.  Thiền chánh niệm là phép thực tập căn bản ở Làng Mai, và chánh niệm có nghĩa là an trú trong hiện tại, thấy được cái gì đang xảy ra, tích cực cũng như tiêu cực.  Những cái tích cực để nuôi dưỡng, những cái tiêu cực để chuyển hóa.  Hai mươi năm của Làng Mai đã giúp tôi học hỏi được rất nhiều, đã giúp cho tăng thân Làng Mai lớn lên rất nhiều.”

Hạt giống Bồ Đề Làng Mai chính là ba nền tảng Giáo Dục Thiền Định của Làng Mai, tức là pháp tướng thân của HT Nhất Hạnh có đủ ba năng lượng Khẩu giáo, Thân giáo Ý giáo, còn được gọi là ba lực Phật, Pháp, Tăng.  Nhưng đồng quy nhất, tức là chỉ có một.  Một đây là một Tăng, một Phật, một Pháp.  Nói rõ hơn, có Tăng thì cùng lúc có Phật và có Pháp.  Có Pháp tức có Phật, có Tăng.  Có Phật tức là có Pháp và Tăng.  Phật, Pháp, Tăng gọi là Tam bảo, được dịch ra tiếng Việt là ba ngôi báu.  Ba ngôi báu trong Đạo Phật hiện nay được gọi là Hiện Tiền Tam Bảo.  Tức là Hiện tiền Phật, Hiện tiền Pháp và Hiện tiền Tăng.  Hiện tiền Phật là những hình tượng Phật bằng đồng, gỗ, giấy mà ta đang thờ phượng hiện nay.  Hiện tiền Pháp là Tam Tạng Kinh Điển Phật hiện nay gồm có Kinh, Luật, Luận.  Hiện tiền Tăng là đoàn thể Tăng già (Tăng, ni) hiện nay trên thế giới ở các quốc gia có Đạo Phật, họ đang tự tu tập Phật pháp với nhau và cũng đang hướng dẫn hàng cư sĩ tu học và thực tập Phật pháp bằng phương pháp Giáo Dục Thiền Định Phật giáo được kinh qua ba năng lượng Khẩu giáo, Thân giáo và Ý giáo là yếu chỉ của Đức Phật để lại.

Khẩu giáo là giáo dục bằng ngôn ngữ được nói ra bằng lời từ miệng.  Lời giáo dục con người trong Đạo Phật được xây dựng trên hai nền tảng: một, thuyết lại khế lý (pháp thoại của tất cả pháp môn mà Đức Phật đã nói ra sau khi thành đạo trên đường hoằng hóa độ sanh, được kết tập thành Tam Tạng Kinh Điển để hướng dẫn mọi căn cơ, trình độ con người qua từng thời đại được hiểu, được biết cách tu tập mà chuyển tâm vô minh thành trí tuệ.  Cho nên giáo pháp Phật gọi là CHUYỂN PHÁP LUÂN, là Thánh Đạo, Xuất Thế Gian Đạo; hai, những lời giáo huấn, chỉ giáo, chăm sóc, hỏi thăm.  Chẳng hạn, Đức Phật thường hỏi thăm các thầy Tỳ Kheo: “Các thầy khất thực có được dễ dàng và an ổn không?”  Có lần Đức Phật giáo huấn tôn giả La Hầu La là đừng nên nói dối, vì nói dối sẽ giảm bớt dần số người cảm mến mình, do mình tự đánh mất uy tín, nên không dám nhìn mặt thiên hạ, là tự mình tạo nên nỗi khổ trong lòng.  Người nói dối như là một cái thau dơ, sẽ không được dùng để đựng các thứ vào đó, chỉ có úp lại mà thôi, nếu không biết hối cải, và biết hối cải ăn năn sám hối như chậu dơ được rửa sạch, sẽ được dùng lại đựng đồ; do Đức Phật biết được tôn giả La Hầu La hai lần phạm lỗi nói dối với mọi người là Phật ở Kỳ Viên, thật sự trong khi đó Phật ở Lộc Uyển.  Những lời giáo huấn như vậy được gọi là Thánh giáo, không phải Chánh Pháp Luân.

Thân giáo là sự giáo dục bằng thân tướng qua những trạng thái uy nghiêm, thanh tịnh, khiêm cung, chững chạc, tự tại, ung dung, hồn nhiên, thảnh thơi trong mọi sinh hoạt của đời sống ở từng bước đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, nói...  và trong đối đãi với nhiều giai tầng xã hội có nhân cách, hiền hòa, đức độ, đôn hậu, sẵn sàng vị tha, bao dung, tha thứ cho mọi người.  Tướng trạng được hiện rõ nét thân giáo, nhất là gương mặt rực sáng, luôn nghiêm nghị và trầm lặng, nhưng rất tình cảm qua nụ cười trên môi trong cư xử, đối đãi.  Cho nên khi nói, nói năng như Chánh Pháp.  Khi im lặng, im lặng như Chánh Pháp một cách tự nhiên.  Do hai lực: Phật lực và Pháp lực bên trong nội thức mà có ra Tăng lực như vậy.  Chứ không phải do cố sức tạo ra thân tướng uy nghi như vậy, thì đó là giả tướng.  Như Phật thường dạy các thầy Tỳ kheo rằng: “Đừng giả trang thiền tướng, cầu bỉ cung kính.

Trước trạng thái uy nghiêm, đức độ, hiền hòa của một con người như vậy khiến cho mọi người ở xa, ở gần sống chung đều luôn sanh khởi ý niệm tuân phục, tôn thờ, kính trọng, thường hằng noi theo đức tính cao thượng của người ấy trong việc tự tu tập có tính cách ngăn ngừa phạm lỗi hơn là phạm mà bị nghe lời giáo huấn.  Nghĩa của Thân giáo là như vậy.

Ý giáo là tâm thức có sở học, sở tu, sở chứng có trí tuệ nên thông suốt khế lý của đa số giáo pháp Phật trong Tam Tạng Kinh Điển mang thực chất nguyên lý giải thoát cơ bản là đầu tàu của vô số các pháp khác.  Chẳng hạn như một số pháp sau đây: Tam Pháp Ấn: Không - Vô tướng - Vô tác.  Năm pháp: Vô thường – Khổ – Không - Vô ngã - Niết Bàn Tịch Mịch.  Tứ Đế, Tám món giải thoát (Bát Chánh Đạo), Mười hai nhân duyên, v.v. được gọi là Thánh Đạo, Xuất thế gian đạo, do qua quá trình học Phật, tu tập giáo pháp có chứng nghiệm.  Với vai trò của hàng tăng sĩ Phật giáo là hoằng hóa độ sanh không thể không sử dụng Ý giáo.  Bởi vì Ý giáo là tuệ giác do học Phật và tu tập mà có, nên nó là chủ tể cho Khẩu giáo Thân giáo.

Qua ý nghĩa và vai trò của Ý giáo là trí tuệ thông suốt Tam Tạng Kinh Điển, là chỉ đạo cho Khẩu giáo về pháp thoại và hướng dẫn phương pháp thực tập thiền quán niệm của HT Nhất Hạnh nói cho hàng vạn người nghe có năng lượng từ bi, trí tuệ trong khẩu giáo, nên lời nói của thầy có chánh niệm, có tỉnh thức chỉ đạo cho âm thanh pháp thoại chậm vừa, rõ ràng câu kinh, từng khế lý một cách chắc thực, sinh động, không dư, không thiếu làm cho hàng vạn người nghe ngồi im trong chánh niệm, vì pháp âm thầy nói nghe tươi mát dễ chịu như làn nước mát chảy thấm qua tâm can trong lòng.  Ở đây pháp âm chảy qua từng hơi thở, huyết mạch con tim rồi đọng lại ở tâm thức.  Nơi đó những chủng tử ô nhiễm bị pháp âm chuyển hóa tận gốc rễ thành nguồn sống đạo, Bồ Đề là năng lượng làm cho người tu tập cảm thấy mình có an lạc, hạnh phúc, hết ưu phiền, thư thái, thảnh thơi... trong đời sống gọi là đời sống có tỉnh thức.

Hàng vạn người có đời sống tỉnh thức ở tâm linh, trong đó có nhiều người từ giã Thượng đế của họ.  Có nhiều người quay về cha mẹ sau những ngày tháng xa cách bởi những lý do chạy theo dục lạc ở trường đời và giận hờn.  Có một số người quay về nền đạo lý văn hóa dân tộc mình sau bao năm quên lãng, mất gốc.  Có số người tự phát nguyện làm tăng thân xuất gia tại Làng Mai.

Qua ý nghĩa của Thân giáo, ta thấy bản thân HT Nhất Hạnh và hằng trăm tăng thân sư thầy, sư chú, sư cô, vị nào cũng đều có tấm thân cây sen nên thường hằng vững chãi, im lặng trong mọi môi trường, dù đang hiện hữu tại Làng Mai, Rừng Phong, Lộc Uyển là chốn thiền môn vốn thanh tịnh hay hiện hữu giữa trường đời có sắc thái rộn ràng như trên đường phố, náo nhiệt ở phi trường New York, Luân Đôn, Paris, Bắc Kinh... và giữa cảnh đông đúc của người đến tu tập thiền quán tại các trường đại học, chùa chiền, nhà thờ ở xứ Tây, Tàu, Anh, Mỹ,... trên vận hành hoằng hóa độ sanh.  Nơi đâu cũng đều là đạo tràng thanh tịnh của Tăng đoàn Làng Mai được hiển lộ rõ nét nơi từng bản thân HT Nhất Hạnh, sư thầy, sư chú, sư cô ở những bước đi thong thả, thanh thơi từng bước có oai nghi vững chãi, ở lời nói ái ngữ lịch thiệp có nụ cười trên môi cùng với trạng thái khiêm cung trong đối đãi với tất cả mọi người một cách bình đẳng.

Với thân tướng trang nghiêm, thanh tịnh cùng với đức tính từ bi, đôn hậu, vị tha, biết thương chúng sanh của HT Nhất Hạnh, và các tăng thân xuất gia trong Tăng đoàn Làng Mai thường hiện hữu trên mọi nẻo đường hoằng hóa như vậy, đều làm cho hàng nghìn người bên cạnh có cùng một không gian, thời gian với Tăng đoàn, ai cũng khởi lên ý niệm tôn kính, lễ bái và làm theo Tăng đoàn ở trạng thái đi chậm thảnh thơi trên các đường phố của các nước mà Tăng đoàn đi qua.  Chẳng hạn tại New York hàng nghìn người đang trong trạng thái hấp tấp bước nhanh, bỗng nhiên tất cả đều chậm bước thảnh thơi theo sau Tăng đoàn Làng Mai tạo thành một đoàn thiền hành dài hằng cây số trên đường phố với thái độ vui tươi và cung kính, chứ không có ai cắt góc bước nhanh trước mặt HT Nhất Hạnh.  Cũng như tại phòng đợi ở các phi trường, người ta đang cười, nói, tới lui, ngồi, đứng lăng xăng, ồn ào thì bỗng nhiên tất cả mọi người đều ngồi im, không ai nói lớn, nếu có đi, đứng lên cũng thật nhẹ nhàng và chậm rãi khi họ nhìn thấy mỗi tăng thân Làng Mai ngồi im lặng trong chánh niệm như những pho tượng Bồ Tát.

Pháp tướng thân của HT Nhất Hạnh và các sư thầy, sư chú, sư cô Làng Mai thường hằng im lặng như chánh pháp đã và đang được nhân dân ở các nước theo Phật giáo hiện nay biết đến rất phổ biến qua một lần, hai ba lần được thấy, được gặp Tăng đoàn trên báo chí, truyền hình, video.  Cho nên khi họ được nghe các cơ quan truyền thông nào đó phỏng vấn, loan tin HT Nhất Hạnh về chuyến công du hoằng hóa của ngài đang ở đâu và sẽ đến đâu, thì tâm tư của mọi người liền thấy rõ hình ảnh thầy và tăng đoàn đi thật khoan thai, thảnh thơi một cách rõ nét trong dòng tâm thức của mình.  Đó là một dấu ấn đã và đang in đậm trong tâm tư của hàng Phật tử Việt Nam và thế giới.  Do vậy chư Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đều có cùng một nhận định: “Cách thuyết pháp, di chuyển, sinh hoạt Tăng đoàn, cư xử trong đối đãi với mọi người ở nhiều giai cấp của HT Nhất Hạnh, được so ra rất giống như Đức Phật thời xưa còn tại thế ở một phần trăm.”  Có số Tăng, Ni, Cư sĩ Phật tử thuộc hàng trí thức Phật giáo tối thượng (tu tập các pháp môn khác nhau có chứng nghiệm tâm linh) trong các Tông Phái Phật Giáo Việt Nam tại quốc nội và hải ngoại thì lại nói hơn một phần trăm trên tổng thể (84 ngàn) pháp phương tiện mang thực chất nguyên lý Nhị Đế.  Nói giống như Đức Phật, dù một phần trăm hay hơn một không phải theo huyết thống, truyền thống mà là Ý Giáo.  Nói rõ hơn, HT Nhất Hạnh có quá trình học và tu tập trên tổng thể pháp môn của Phật đúng theo nghĩa học là bắt chước làm theo.  Học Phật là bắt chước làm theo cho giống Phật.  Bắt chước làm theo là sự thực tập lời Phật dạy (giáo lý) để được thành Phật.  Tại trường đời cũng thế, người ta muốn có một nghề nghiệp trong tay để sinh sống đều phải qua quy luật có học và thực tập nghiệp vụ thì mới thành nghề.  Trong Đạo Phật, con người quay về với Đạo Phật cho mục đích giải thoát là phải học Phật và thực tập Phật pháp thì mới có trí tuệ là con đường giải thoát.  Trí tuệ là tuệ giác có tỉnh thức, là tâm thanh tịnh thật trong sáng và yên lặng tuyệt đối, đó là Phật, người tỉnh thức, giác ngộ.  Với một con người tỉnh thức, giác ngộ dù là hàng Tăng sĩ hay Cư Sĩ Phật tử tại các nước ở xứ đông, xứ tây trong quá khứ xa xưa hay hiện nay không ai bảo ai, ai cũng tự mình phát hạnh nguyện độ tha, giác tha cho chúng bằng hành động Bồ Tát Đạo cao cả được kinh qua khế lý của các pháp phương tiện mà mình đã chứng nghiệm đạt tuệ giác đúng theo quy luật là hể có tuệ giác là có giác tha (tự giác đi với giác tha) như những vị tổ sư trong quá khứ từ xứ sở mình đi qua xứ sở khác hành Bồ Tát Đạo giác tha, được điển hình rõ nét là Đạt Ma Tổ Sư là người Ấn Độ qua Trung Quốc hành đạo giác tha cho nhân dân Trung Quốc dưới thời vua Lương Võ Đế.  Tại đất nước Việt Nam có HT Nhất Hạnh, vị Tăng sĩ Phật giáo Việt Nam duy nhất đem nguồn sống của Đạo Phật vào châu Âu, châu Mỹ gần nửa thế kỷ nay sau các vị tăng sĩ Nhật Bổn, Tây Tạng, trung Quốc.  Tất cả những vị tăng sĩ từ các quốc gia được kể trên đã đem Đạo Phật vào Âu Mỹ có thời gian trước và sau khác nhau. Nhưng cách hành pháp giác tha cho nhân dân Âu Mỹ quay về với Đạo Phật của từng vị đều giống nhau ở ba yếu tố căn bản Pháp Phương Tiện – Tri Kiến– Hành Balamật.  Chính Đức Phật đã sử dụng ba yếu tố căn bản này suốt 45 năm thuyết pháp độ sanh đúng như lời Đức Phật đã nói với Tôn giả Xá Lợi Phất: “Này Xá Lợi Phất! Từ lúc ta thành Phật đến nay, các pháp nhân duyên, các món thí dụ rộng nói lời giáo hóa, dùng vô số phương tiện dìu dắt chúng sanh, làm cho họ xa lìa lòng chấp.  Vì sao?  Vì Như Lai đã có đầy đủ Pháp Phương Tiện – Tri Kiến– Hành Balamật.”  (Pháp Hoa - Phẩm phương tiện).  Hành theo ba yếu tố căn bản trên là giống Đức Phật.  Nhưng được giống hoàn toàn, nhiều, ít, mấy phần trăm đều tùy thuộc vào Ý Giáo (sở học, tu và chứng).  Ý Giáo của bậc Bồ Tát chắc chắn không thể giống hoàn toàn như Đức Phật.  Ngay cả các hàng Bồ Tát trong 10 Địa cũng khác nhau; sơ địa khác với địa hai, hai khác ba, ba khác bốn...  Cho nên sắc thái sinh hoạt ba yếu tố: Pháp Phương Tiện - Tri Kiến - Hành Balamật cho nhân dân Âu Mỹ và người Việt tại hải ngoại của HT Nhất Hạnh được trội hơn tất cả các vị Tăng sĩ Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Tạng, Đại Hàn... tại Âu Mỹ.  Trội hơn không phải như các vị Tăng sĩ Trung Quốc có chùa to, Phật lớn, nguy nga, tấp nập người hành hương lễ bái cầu phước, hay sừng sững oai nghiêm giữa không gian yên lặng, nhưng bên trong có âm thanh Đà La Ni vang dội như các chùa Tây Tạng, và cô đơn đến rêu phong làm nên lạnh lùng như các chùa Nhật Bản.  Mà sự trội hơn ở đây là những giáo vụ độc đáo như:

1. Xây dựng tu viện mang sắc thái văn hóa dân tộc và Phật giáo Việt Nam, nên chi hình tượng tu viện thật đơn giản trông có vẻ một ngôi làng nghèo Việt Nam, trong đó hàng dậu, bụi trúc, ao sen, lu nước, đường đất cong cong, cây cầu nho nhỏ bắt ngang con mương,... nhưng rất giàu tình thương.  Đúng như lời thầy nói: “Mình không hề có ý muốn xây dựng một cái chùa rất đẹp ở đây.  Khi bán được bản quyền một cuốn sách thì tiền đó mình thường dùng để cứu trợ trẻ em đói, cứu trợ nạn nhân bão lụt.  Trong thời gian làm việc tại Paris, phái đoàn Phật Giáo Việt Nam đã vận động bảo trợ được thêm 9.000 cô nhi do chiến tranh Việt Nam tạo ra.  Mình không yểm trợ việc thành lập những cô nhi viện mà chỉ đi kiếm những gia đình của các ông chú, bà thím, ông nội, bà ngoại của em bé để gởi em bé vào.  Mình gởi về cho mỗi gia đình ấy mỗi tháng 25 quan Pháp để cho em bé đó có đủ cơm ăn và giấy bút đi học.”

Những tu viện (Làng Mai, Rừng Phong, Lộc Uyển) như vậy chính là một trường đại học Phật giáo chuyên trách về Phật học.  Vì tăng đoàn xuất gia nội trú trong đó được đào tạo thành tăng tài (giáo thọ) với thời gian bốn năm qua chương trình học nhiều thứ kinh: Duy Ma, Bát Nhã, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm... Luận Duy Thức Tam Thập Tụng, Duy Biểu 50 bài tụng, Nhiếp Đại Thừa, và những pháp số luận: Tứ Đế, Tam Pháp Ấn, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên, Tứ Niệm Xứ, v.v.  Sau bốn năm học, những thầy, những sư cô đều có khả năng hướng dẫn những khóa tu, những ngày quán niệm cho hàng cư sĩ.   Ngoài tăng xuất gia nội trú, còn có mở ra những khóa học Phật pháp và thực tập thiền quán cho phật tử tại các tu viện.

2. Trội hơn ở đây là Ý Giáo, nên cách thuyết pháp (khẩu giáo) diễn giảng khế lý và hướng dẫn mọi người về cách thức tu tập của HT Nhất Hạnh được xây dựng trên Nhị Đế qua các pháp phương tiện thuộc Xuất Thế Gian Đạo (Thánh Đạo) mang thực chất nguyên lý giải thoát như một số pháp được tiêu biểu ở trên.  Trong Trung Luận, Bồ Tát Long Thọ nói rằng Đức Phật thuyết pháp bằng Nhị Đế.  Thì ở đây tác giả cũng xin mạo muội nói rằng HT Thích Nhất Hạnh thuyết pháp bằng Nhị Đế.  Nhị Đế gồm có Tục Đế và Chân Đế.  Tục Đế không phải là hành động công việc từ thiện xã hội, bố thí, cúng dường, ... mà gọi là Tục đế.  Tất cả giáo pháp Phật đều nằm trong khung Nhị Đế.  Trên phương diện nhận thức, Tục đế ở đây là ngôn ngữ, luận lý, diễn đạt, phân tích khế lý các pháp để hướng dẫn tâm ý con người học Phật và thực tập Phật pháp được thấy rõ các pháp hiện hữu đều không tự tánh (không tánh) nên hữu tướng của chúng chỉ là hiện hữu tương quan qua những khái niệm duyên khởi, vô thường, vô ngã, nhân quả là những pháp phương tiện của Phật mới thấy được Chân Đế.  Khi tâm thức thấy được Chân đế có trong các pháp là lúc thấy luôn Tục đế trong đó.  Cả hai Tục đế và Chân đế đều hòa hợp chung làm một.  Khi sử dụng ngôn ngữ để luận lý về tâm vọng thức ham muốn phước báo hữu lậu ở việc bố thí có trụ tướng, gọi là phúc chướng, là cội gốc của sanh tử, đó là Tục đế.  Nhưng khi nhận thức tâm vô trụ vào việc bố thí, tức vượt thoát mọi ý niệm về ngã, thì phước báo hữu lậu vốn có được chuyển thành vô lậu.  Nói như Kinh Bát Nhã: “Không trụ vào tất cả pháp, tức trụ vào Bát Nhã.”  Bát Nhã ở đây chỉ cho trí tuệ bình đẳng vô sai biệt.  Đó là Chân đế sau khi chuyển thức thành trí.  Nói đến Tục đế, ngài Khuy Cơ cho rằng Tục đế là Hiển Ẩn Đế, tức thế tục đế, vừa là tấm chắn ngăn che Chân đế, và cũng là công dụng hiển liễu Chân đế khi có ngôn ngữ, luận lý diễn đạt.  Do vậy nếu học Phật mà hời hợt Nhị Đế thì khó mà tri nhận được ý nghĩa chân thật vi diệu sâu xa giáo pháp Phật.  Nhờ Tục đế mới đạt được đệ nhất nghĩa đế.  Không đạt được đệ nhất nghĩa đế không thể vào Niết Bàn.  Đức Phật, Chư Thánh Tăng, Chư tổ, các vị tăng sĩ trên vận hành hoằng hóa độ sanh đều phải sử dụng ngôn ngữ, luận lý; tức Tục đế để khai quyền hiển thật khế lý các pháp để đưa tâm thức chúng sanh được ngộ nhập tri kiến Phật.  Từ đó chúng sanh được tỏ ngộ lý tánh không của các pháp là nhờ nghe ngôn ngữ luận lý của Phật, của chư tổ, các vị tăng sĩ về các pháp.  Trung Luận đã nói rõ: “Nếu không y Tục đế sẽ không hiểu được ý nghĩa sâu xa vi diệu của Phật pháp.”

Tục đế được áp dụng cho tất cả pháp môn Phật học, dù khó như Duy Thức Học, một luận thuyết về tam tính, càng khó thì cần sử dụng Tục đế để quán tưởng là ngôn ngữ luận lý thầm lặng mà thấy được vạn hữu thực tại là sản phẩm của duyên khởi, tức là y tha khởi là thực tính của vạn hữu.  Nếu không nói đây là chiếc bè thức bắt đầu rời bến biến kế sở chấp, quay hướng đi về phía bờ viên thành thật trí, gọi là hậu đắc trí do sau khi sử dụng vô phân biệt trí thường nghiệm mà thấu triệt tính y tha khởi, tức thấy bản thể vạn hữu như thật, không còn suy tư, khái niệm, tầm, tứ.  Điều thấy như thật này được ngài Thiên Hoàng Đạo Ngộ nói với Long Đàm Tín rằng: “Hễ thấy là thấy liền, còn suy nghĩ tức sai.”

3. Trội hơn ở đây với nghĩa nói năng như chánh pháp, nên lời pháp thoại, lời hướng dẫn phương pháp thực tập thiền quán và luận giảng giáo pháp cao siêu của HT Nhất Hạnh bằng ngôn thuyết, là ngôn ngữ bằng kinh nghiệm chứng đắc thường nghiệm ở nội tại, chứ không phải do tư duy, suy lý, nên lời pháp của thầy là pháp âm vi diệu, thanh thoát, nhẹ nhàng từ những bài pháp có khế lý cho người mới học Phật, đến những bài pháp có khế lý hơi triết như Duy Thức, Bát Nhã, Tam Pháp Ấn... cho những người đã có quá trình học Phật.  Lời pháp thoại của thầy không thay đổi, dù đã trải qua hằng chục năm nay trong vai trò giảng dạy Phật pháp cho tăng, ni sinh, Phật tử tại Việt Nam trước 75 và hiện nay ở hải ngoại, vẫn bình thường thanh thoát, mạch lạc, rõ ràng từng khế lý một.  Làm cho vài trăm người nghe, đến hằng vạn người nghe đều ngồi im trong chánh niệm, không ai uể oải, mệt mỏi.  Lời pháp thoại của thầy nói trước quần chúng và ngay cả trên những trang sách Phật pháp dù sáng tác, giảng luận hay dịch giải các kinh đều đồng một thể “thanh dịu.”  Chẳng hạn bài Kinh Pháp Ấn có khế lý triết về tánh không, nhưng lời giảng và dịch giải của thầy rất là thanh thoát, nhẹ nhàng.  Thầy nói: “Như vậy, Tha Tính Không là tự tính của Không, của vạn pháp và của nhận thức.  Không ở đây không còn là khái niệm “không” đối chiếu với khái niệm “có” mà là thực tại của vạn hữu vượt lên trên hết thảy khái niệm của nhận thức thông tục.  Tri thức thường nghiệm là cái thấy qua khuôn khổ ý niệm nên không thể nào nắm bắt được Tha Tính Không, bởi vì “tự tính của Không” không nằm trên bình diện có không, không nằm trong khuôn khổ các vọng tưởng, không có tướng sinh, không có tướng diệt, và vượt thoát mọi tri kiến.  Tại sao thế?  Vì tự tính của Không không có vị trí trong không gian, không có hình tướng, không thể khái niệm được, chưa bao giờ từng sinh khởi, tri kiến không nắm bắt được, và thoát ly mọi sự nắm bắt.  Vì thoát ly mọi sự nắm bắt nên nó bao hàm được tất cả các pháp và an trú nơi cái thấy bình đẳng không phân biệt.”

4. Trội hơn ở đây về ngôn ngữ Thánh giáo (khác với Thánh đạo).  Nghĩa Thánh giáo như đã nói ở trang trước.  Tuy nhiên xin nói lại chi tiết hơn.  Thánh giáo và Thánh đạo, cả hai đều thuộc về Khẩu giáo.  Nhưng ngôn ngữ của Khẩu giáo ở Thánh đạo thuộc xuất thế gian đạo.  Còn ngôn ngữ của Khẩu giáo ở Thánh giáo thuộc thế gian đạo.  Ngôn ngữ của xuất thế gian đạo và thế gian đạo đều mang bản chất đạo thánh.  Đạo của xuất thế gian (Thánh đạo) là con đường tiến tới trí tuệ giác ngộ.  Đạo của thế gian (Thánh giáo) là con đường tiến tới nhân cách, nhân bản, chơn-thiện-mỹ.  Con người đạt được hai mục tiêu trí tuệ và chơn thiện mỹ đều do tiếp nhận và lắng nghe ngôn ngữ giáo dục từ các bậc đạo sư, sư trưởng.  Danh từ giáo dục là dạy dỗ và nuôi dưỡng.  Sự dạy dỗ và nuôi dưỡng (giáo dục) ở lãnh vực Thánh đạo thuộc trí tuệ giác ngộ.  Ở lãnh vực này lấy Phật pháp làm phương tiện dạy dỗ và nuôi dưỡng tâm linh (thức) con người bỏ ác, làm thiện, xa lìa mê, chấp, xả bỏ tham vọng mà được có trí tuệ, tức chuyển thức thành trí.  Cho nên giáo dục của Thánh đạo được gọi là “Giáo Dục Thiền Định”.  Sự dạy dỗ và nuôi dưỡng ở lãnh vực Thánh giáo thuộc về tinh thần và vật chất song hành.  Ở lãnh vực này lấy tâm từ bi và vật chất làm phương tiện nuôi dưỡng thể xác và dạy dỗ tâm linh.  Lời dạy dỗ và hành động nuôi dưỡng ở lãnh vực Thánh giáo (Thế gian đạo) được dành riêng cho các bậc trên cao đối với người dưới là một quy luật tự nhiên và thiêng liêng được xuất phát từ tâm thức chứa đầy tình thương bao la mà có, nếu không nói là tâm từ, tâm bi.  Tâm từ bi là năng lực thường khởi lên ý niệm ban vui, cứu khổ cho chúng sanh ở diện hẹp và rộng bằng hành động hiện thực sau ý niệm.  Chúng sanh trong diện rộng là dân tộc tại quốc gia xã hội và thế giới nhân loại.  Chúng sanh trong diện hẹp là những con người trong gia đình quyến thuộc, chùa chiền, tu viện.  Tất cả chúng sanh ở hai diện rộng, hẹp được các bậc trên cao nhìn xuống mà ban vui, cứu khổ một cách thường trực cho đến khi nào nhắm mắt giã từ thế gian mới hết.  Các bậc trên cao ở diện hẹp là ông bà, cha mẹ, chư vị trụ trì, sư trưởng, viện trưởng, giám viện.  Hành động ban vui cứu khổ chúng sanh của các bậc trên cao này như cha mẹ thường xuyên duy trì và phát triển niềm vui hạnh phúc cho con cái vốn sẵn có được tiếp nối tô bồi thêm bằng hành động mua sắm thêm áo quần, nón mũ, giày dép và các món vui chơi.  Đó là tâm từ qua hình tướng vật chất, nhưng có tinh thần trong đó, vì tâm trạng cảm thấy có hạnh phúc.  Khi thấy con cái bị bệnh tật, bị khổ ách nạn, cha mẹ liền lo toan tìm phương cứu chữa bệnh tật, tìm đủ cách cứu khổ cứu nạn cho con cái, đó là tâm bi.  Cũng như vậy, trong chùa chiền và tu viện, vị trụ trì, giám viện, viện trưởng với vai trò giáo dục, tức nuôi dưỡng bản thân và tâm linh các tăng thân xuất gia cho mục tiêu đào tạo tăng tài để truyền thừa đạo pháp vào thế gian, nên tâm thức các vị trên cao này thường quan tâm, chăm sóc sức khỏe, sự ấm no cho tăng chúng về vật chất; như sắm thêm áo cà sa, quần áo, thuốc men chữa bệnh, gạo thóc, tương chao, dưa muối... phải thường đầy đủ không thiếu; đó là tâm từ.  Cũng như cứu khổ cho về bệnh tật, ốm đau, tìm phương cách cứu nạn cho một tăng thân nào đó bị lâm vào sự đàn áp của các bạo lực thế gian, đó là tâm bi.  Chẳng hạn HT Thích Trí Thủ xưa kia trong vai trò giám viện Phật Học Viện Báo Quốc, Hải Đức, Già Lam, ngài hết lòng chăm lo đầy đủ các món vật chất kể trên và các thứ khác như sắm xe hơi (van) để di chuyển tăng đoàn đi tắm biển, thăm viếng các thắng cảnh văn hóa, cắm trại mùa hè, cấp cứu tăng sinh đến bệnh viện, cùng các món thể thao như bóng chyền, bóng bàn, đánh bun, xem phim Phật giáo để tạo niềm vui trong sinh hoạt tăng đoàn, đó là tâm từ.  Bên cạnh hành động ban vui vật chất còn có hành động cứu khổ tinh thần nữa.  Như những trường hợp một số thầy Tỳ Kheo của ba Phật Học Viện trên đang làm công tác hoằng hóa chánh pháp tại các tỉnh miền Trung Việt Nam (1959-1963) bị công an của chế độ Ngô Đình Diệm bắt giam vào ngục tối và đánh đập tra tấn.  Chẳng hạn thầy Thích Huệ Minh bị công an của Ngô Đình Cẩn bắt giam vào Chín Hầm tại Huế gần hai năm, và thầy Thích Liễu Không bị công an Phú Yên bắt giam và tra tấn bằng điện và nước xà bông vào miệng vào bao tử rồi kéo lên cao, cho đầu xuống đất bằng nhiều cú đấm vào bụng làm cho nước xà bông chảy ra lỗ mũi, lỗ miệng; vì vậy sau khi được thả về đầu thầy bị rụng gần hết tóc.  Nguyên nhân bị bắt là có lời chỉ trích chính phủ Diệm đàn áp Phật giáo không cho Phật giáo phát triển vào xã hội.  Nhất hạng suốt sáu tháng Phật giáo tranh đấu đòi chính phủ Diệm hãy để cho Phật giáo được tự do hành đạo như Thiên Chúa giáo, nhiều tăng sinh tại ba tu viện trên bị công an bắt nhốt và tra tấn.  Trước mỗi tình huống tăng sinh bị khổ nạn như vậy, HT Thích Trí Thủ đều bôn ba đó đây tìm gặp các cấp lãnh đạo chính quyền, hành chánh và cảnh sát để xin thả tự do cho các tăng sinh.  Nhưng, thật khó khăn, nên mười lần chỉ được một.  Đến thời Cộng Sản sau 30-4-75 việc cứu khổ cho các tăng sinh bị cộng sản bắt vào xà lim như các thầy Tuệ Sĩ, Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), Sư cô Trí Hải... và trong trại cải tạo là các thầy tuyên úy, các thầy vượt biên.  HT Trí Thủ đều đứng ra làm giấy tờ bảo lãnh gởi lên các cấp chính quyền Cộng Sản Việt Nam.  Nhưng hoàn toàn đều bị cộng sản bác bỏ, khước từ giấy xin bảo lãnh của ngài.  Chẳng những khước từ mà sau đó Cộng Sản còn làm cho HT Trí Thủ bị bức tử một cách mờ ám.

Với HT Nhất Hạnh, tâm từ, tâm bi ban vui cứu khổ chúng sanh của ngài luôn luôn được trải rộng ra song hành cùng lúc ở cả hai diện chúng sanh rộng, hẹp trên hai mặt vật chất và trí tuệ; tức là ban vui cứu khổ ở Thánh giáo và ban vui cứu khổ ở Thánh đạo cùng lúc ngay khi ngài còn là một thầy tỳ kheo trẻ ở chùa Từ Hiếu, tu viện Báo Quốc-Huế, Ấn Quang, trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội Saigon... cho đến nay ở ngôi vị Hạ Lạp cao tăng tại hải ngoại vẫn không ngớt hạnh nguyện ban vui, cứu khổ chúng sanh ở hai mặt Thánh giáo Thánh đạo.  Cho nên, người viết đã nhìn thấy ngài một bậc Bồ Tát thị hiện cùng lúc khi thì Bồ Tát Quán Thế Âm, Đại Trí Văn Thù, khi thì Bồ Tát Phổ Hiền, Địa Tạng là như vậy.

Hành động và ngôn ngữ pháp âm ban vui cứu khổ chúng sanh diện hẹp gần nhất là các tăng thân tăng sinh tại tu viện Ấn Quang, sinh viên trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội trước 1975, các thầy, các sư cô thực tại ở Làng Mai, Rừng Phong, Lộc Uyển; đó là lời của thầy trực tiếp thường thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe, đói, no, bệnh tật...  Về tinh thần, thầy luôn khuyên nhủ và tạo ra các sinh hoạt có sắc thái an vui, thảnh thơi, hạnh phúc cho mọi người trong thực tại; cho nên thầy đã tìm ra pháp “BẢO HỘ THÂN THỨ HAI”, đó là pháp thuộc Thánh giáo.  Pháp Thánh giáo không những được thầy áp dụng đối với các tăng thân tại các tu viện mà còn được thầy áp dụng cho giới phật tử đến tu học tại các tu viện, và tại các đạo tràng ở xa ngoài các tu viện.  Đó là lời pháp khuyên nhủ mọi người xả bỏ phiền não, ý tưởng giận hờn, oán hận để lấy lại niềm an vui, hạnh phúc.

Tâm từ, tâm bi của HT Nhất Hạnh ban vui, cứu khổ chúng sanh ở diện rộng xa xôi bằng Thánh giáo; đó là ngôn ngữ thầm lặng được trang trải trên những trang giấy của các Đề Án, kế hoạch giúp người Việt trên quê hương đang bị thương, bệnh tật, nghèo đói, vô gia cư, dốt nát do chiến tranh gây ra trước 1975 khi thầy còn tại trường TNPSXH.  Và sau 30-4-75 cho đến nay, ngôn ngữ ban vui, cứu khổ thầm lặng của thầy vẫn còn hiện hữu trên những trang giấy của những tờ đơn có kèm theo tên tuổi và hình ảnh các em cô nhi, mẫu giáo Việt Nam đang lâm vào cảnh nghèo đói, thiếu cơm, áo, trường học... được thầy dịch ra nhiều thứ tiếng, rồi gửi đến các hội từ thiện Âu Mỹ để nhờ họ giúp đỡ các em về ngân quỹ.  Nhờ đó mà hàng nghìn trẻ em mẫu giáo ở những làng nghèo khổ trong các vùng kinh tế mới xa xôi và các miền núi được có thêm một ít vật chất và lớp học (1.100 lớp) đúng như lời thầy nói: “Sau khi chánh quyền Sài gòn sụp đổ, hoạt động cứu khổ này vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay.”  Mặc dầu ngôn ngữ ban vui cứu khổ chúng sanh ở xa của thầy là vô tướng, thầm lặng trên trang giấy, nhưng sẽ được thể hiện ra rõ nét trạng thái hạnh phúc ở từng bản thân các em mẫu giáo khi được nhận quà của thầy và được ngồi trong lớp học không bị gió, mưa đúng theo quy luật: “Thử sanh cố bỉ sanh”; tức là tâm từ bi của thầy sanh khởi ý niệm ban vui cứu khổ chúng sanh, tức thì chúng sanh được tiếp nhận niềm vui, hạnh phúc một cách hiện thực qua hình ảnh vật chất từ nơi thầy gởi đến.

Về tâm từ, tâm bi ban vui cứu khổ chúng sanh ở hai diện gần, xa bằng những bài Phật Học Giáo Khoa gọi là Thánh đạo qua ngôn thuyết pháp thoại và sách vở của HT Nhất Hạnh như đã được nói ở phần trước số 3 là “Nói Năng Như Chánh Pháp.”

Nói về HT Nhất Hạnh, trên phương diện nhận thức của đại đa số trí thức người Việt trong qua khứ trước 1975 và hôm nay có khoa bảng còn giữ được bản chất văn hóa cổ truyền dân tộc, HT Nhất Hạnh là một nhà văn hóa lớn có một không hai của dân tộc Việt trong thế kỷ 20 và 21 này qua nhiều công trình xây dựng văn hoá ở các mặt giáo dục, trường sở, hình thái sinh hoạt và nhiều tác phẩm biên khảo, sáng tác.  Còn trong Phật Giáo Việt Nam và quốc tế, các hàng Tăng, Ni và Cư Sĩ Phật tử có học Phật và tu tập Phật pháp chín chắn đều quy ngưỡng, tôn kính, tán dương đạo hạnh và công đức Bồ Tát Đạo cứu đời của ngài bởi tâm có liễu ngộ chân lý qua nhận thức mà thấy được.  Thấy được ngài là bậc Đạo Sư Tỉnh Thức của Phật tử Việt Nam và thế giới do qua quá trình có sở học Phật, sở tu và hành đạo nên có chứng Đắc Tỉnh Thức; tức một thứ Tuệ giác của hàng Bồ Tát trong mười địa.  Bởi năng lượng Tuệ Giác Bồ Tát, ngài đã trở nên người tăng sĩ có nhân cách, nhân bản và nhân tính.  Chỉ có bậc Bồ Tát đúng nghĩa Hữu tình giác (tự giác), Giác Hữu Tình (giác tha) mới có đủ ba yếu tố trên về con người.  Cho nên ngài đã thấy biết (tri kiến) tâm lý, căn tính khác nhau của mọi người khi quay về học Phật với ngài là nhu cầu cho tâm linh mình được dứt sạch phiền não, khổ đau để được an vui, hạnh phúc trong thực tại khi tâm hồn an trú trong chánh niệm tỉnh thức qua những giờ phút thực tập thiền quán niệm.  Thầy Nhất Hạnh đã và đang đáp ứng cho con người những nhu cầu tâm linh ấy, bởi vì ngài thấy rõ bản chất thế gian là vô minh, khổ đau, phiền não.  Cho nên thầy đã phát hạnh nguyện lớn.  Đó là Hiện Đại Hóa Phật Giáo, tức đem Đạo Phật vào cuộc đời bằng những pháp môn sinh động và hiện thực để bản thân Đạo Phật phải hòa nhập vào dòng sinh mệnh của nhân loại trên cơ sở vượt thoát giới hạn tôn giáo của mình để đi đến nguồn tuệ giác không có màu sắc tôn giáo giữa xã hội loài người mà không bị hạn hẹp bởi hình thức tôn giáo, mới có thể đóng góp cho nhân loại phần tâm linh bớt khổ, được an vui, hạnh phúc chân thật.  Vì vậy mà hành trình đem Đạo Phật đi vào xã hội Âu Mỹ của HT Nhất Hạnh cho mục đích là dạy cho nhân dân ở hai xứ Âu, Mỹ cái pháp Thiền Quán Niệm (Kinh Quán Niệm) để thành người tỉnh thức mà bắt gặp tuệ giác để xả ly mọi thứ phiền não, vô minh, khổ đau...  được an vui, thảnh thơi, hạnh phúc...  Được thấy qua hình ảnh thầy và tăng đoàn của thầy đang hiện hữu giữa dòng đời xã hội khắp đó đây trong trạng thái thường hằng trang nghiêm tỉnh thức do thực hành đúng pháp, luật nghi trong chiếc áo tràng nâu sòng và cà sa vàng nhạt.  Chứ bản thân thầy và tăng đoàn không đội mão cao Hiệp Chưởng, mão thấp Tỳ Lư, không chuông trống vang dội, không dù che, lộng rước trong phục sức cà sa đỏ chói bệ vệ ngồi trên...

Kết luận.  Nói về Bồ Tát Đạo cứu khổ ban vui cho chúng sanh của HT Nhất Hạnh, một người viết mười cuốn kỷ yếu, một trăm người viết một trăm cuốn kỷ yếu về thầy, cũng không thể nói hết Bồ Tát Hạnh, Bồ Tát Đạo của thầy trong công cuộc hoằng hóa độ sanh suốt gần nửa thế kỷ nay.  Do vậy, người viết xin mạo muội nói rằng, HT Nhất Hạnh là Bồ tát bổ xứ qua Âu Mỹ đang đi giữa dòng đời (nhập pháp giới) đầy âm thanh và màu sắc thế gian, nhưng thân tâm ngài đã vượt thoát trên cao như hoa sen lên khỏi mặt nước trong vai trò là thuyền trưởng đưa người vượt qua sóng gió, là hướng đạo đưa đoàn lữ hành qua sa mạc, đó là yếu tố đi đến Phật Thừa y như Thiện Tài Đồng Tử xưa kia đã đạt được Phật Thừa sau khi đã học hỏi đạo lý ở 51 nơi trong trần gian và hành đạo bằng sự trực nhận vào thực tại hiện hữu nên đã thấy rõ bản chất thế gian và tận biết sâu xa Phật pháp, nên được Bồ Tát Di Lặc tán thán: “Với những kẻ trôi nổi trong bốn dòng nước xoáy, con người chân thật này muốn làm con thuyền đại pháp đưa chúng sanh vượt qua đại dương.  Với những kẻ chìm ngập trong bùn lầy của Kiến Chấp, người này muốn làm chiếc cầu đại pháp.  Với những kẻ tối tăm ngu dốt, người này làm cây đèn đại trí.  Với những kẻ lạc lối trong sa mạc sanh tử, người này muốn làm kẻ chỉ bày lối đi của bậc thánh...  Thiện Tài sau khi nghe những lời tán thán ấy, hoan hỷ, chấp tay cung kính hướng về Bồ Tát Di Lặc, bất giác nhìn lại bàn tay của mình thấy đầy những hoa thơm đang nở rộ.”  (Lời giảng của TT Tuệ Sĩ về nghĩa Bồ Tát Nguyện -Thắng Man Giảng Luận Trang 68).

Người này trong đoạn văn trên được Bồ Tát Di Lặc tán thán chính là Thiện Tài Đồng Tử và cũng chính là HT Thích Nhất Hạnh.  Vì ở bản thân của thầy từ lúc xuất gia cho đến nay ở ngôi vị cao tăng, hoa tỉnh thức đang nở và hiện hữu rõ nét trên đôi mắt từ bi, trong lời nói trí tuệ và đôi chân thảnh thơi từng bước đi của Thầy.  Cho nên Thầy đã dạy con người biến rác thành hoa.  Rác ở đây chính là phiền não được biến thành Bồ Đề, đó là hoa tỉnh thức, đúng là trong phiền não có Bồ Đề, trong sanh tử có Niết Bàn.  Được hoa Bồ Đề Tỉnh Thức, Trí Tuệ Niết Bàn, con người phải tinh tấn, nhẫn nhục, tích cực công phu tu tập thiền quán thường hằng trong đời sống hằng ngày; đó là lời Thầy thường nhắc nhở các tăng thân xuất gia và cư sĩ suốt mấy thập niên qua, nay vẫn còn nhắc nhở mỗi khi Thầy nói qua nhiều đề tài Phật pháp và hướng dẫn cách thức thực tập thiền quán.

Sơn Am Đường Chiều

Mùa Thu Quý Mùi

2003 - Hoa Kỳ

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/04/2023(Xem: 2647)
Tiểu Sử Hoà Thượng Thích Chí Mãn (1942-2017)
05/04/2023(Xem: 2252)
Tiểu Sử Hoà Thượng Thích Phước Đường (1932 - 2017)
04/04/2023(Xem: 2286)
Hòa thượng Thích Đắc Pháp, thế danh Thái Hồng Điệp, sinh năm 1938, tại xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Thân phụ là ông Thái Văn Hai và thân mẫu là bà Bùi Kim Loan. Năm 1947, thân phụ Hòa thượng hy sinh trong khi bị giam cầm tại nhà lao Côn Đảo. Những tưởng được nương bóng mẹ hiền đến lúc lớn khôn, nhưng thật không may, hai năm sau, lúc Hòa thượng 12 tuổi, mẫu thân lại quy tiên. Mặc dù không còn cha mẹ cận kề dạy bảo, nhưng với nghị lực cùng tinh thần hiếu học và nền nếp đạo đức gia đình từ xưa, Hòa thượng đã tự rèn luyện bản thân về cả tri thức và đạo đức cho đến lúc trưởng thành.
04/04/2023(Xem: 2524)
Hòa thượng Thích Liễu Lạc, thế danh Trương Văn Trình, sinh năm 1878 (Kỷ Mẹo), vốn là bậc đại điền chủ, nổi tiếng nhân hậu, đạo đức khắp vùng. Phụ thân là cụ ông Trương Văn Thêm, mẫu thân là cụ bà Nguyễn Thị Em. Hòa thượng là người con út trong gia đình có bốn anh chị em. Năm 1910, Hòa thựơng tu theo đạo Minh Sư và được gọi là Ông lão Năm. Đạo Minh Sư chủ trương “Thờ cúng Phật, tu theo Lão giáo, sống theo Nho gia’’, nên Hòa thượng có điều kiện so sánh, nhận thấy Phật đạo cao siêu hơn.
02/04/2023(Xem: 2054)
Từ phương xa, chúng con xin chấp tay cúi đầu đảnh lễ Tiễn đưa Thầy về cảnh giới Tây Phương Tám mươi năm trụ đời, Thầy đã sống chung cùng nỗi khổ của Quê Hương Ánh đạo vàng loan tỏa khắp muôn phương. Thầy dạy chúng con, lấy từ bi trí tuệ làm đầu. Trong Pháp Phật có tứ trọng ân Ân Tổ Quốc là ân cao nhất, phải giữ gìn mảnh đất tiền nhân. Vận nước nổi trôi!
01/04/2023(Xem: 1838)
Huế lưu ảnh, dòng Hương Giang thơ mộng. Vọng chuông ngân, chùa Thiêng Mụ Thơm trong. Thơm mùi đạo, áo tràng lam trượng thất. Mõ nhịp đều, sương mờ ảnh sắc không. Mây phủ kính, dòng tâm tang tiễn góc. Dấu phong Trần, năm ấm vội tang thông. Mượn huyễn thân, khoác lên áo nâu sòng. Tu tinh tấn, tâm Phật ngộ bên trong.
28/03/2023(Xem: 2531)
Tiểu Sử Hoà Thượng Thích Huệ Đăng (1873-1953)
27/03/2023(Xem: 3397)
Từ Quảng Trị, quê xưa nuôi dưỡng. Chốn Thiền gia, quy ngưỡng Phật Tâm. Xuất Trần quyết chí dấn thân. Nuôi Bồ đề nguyện, độ nhân qua đò.
25/03/2023(Xem: 2561)
Điện Thư Phân Ưu kính gởi Môn Đồ Pháp Quyến của Ni Trưởng Thích Nữ Chơn Hiền (1930-2023)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]