Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiểu sử HT. Thích Tâm Thanh

09/04/201318:52(Xem: 15499)
Tiểu sử HT. Thích Tâm Thanh

htthichtamthanh


Tiểu Sử
Cố Hòa Thượng
THÍCH TÂM THANH

ViệnChủ Vĩnh Minh Tự Viện

I. Thân Thế:

Hòa thượng pháp danh thượng Tâmhạ Thanhtự Giải Tịnhhiệu ChơnNghiêm, thế danh Lê Thanh Hảisinh năm Tân Mùi ( 1932 ) tại xứ Mã Châu, xã Duy An, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Thân phụ là cụ ông Bồ Tát giới, húy Dương Cần tự Lê Nghiêm hiệu Viên Minh pháp danh Thị Tịnh. Thân mẫu là cụ bà Trần Thị Qua.

Xuất thân trong một gia đình gia giáo có thân phụ là Chánh Tổng nên Hòa Thượng đã sớm hấp thụ Nho học và Tây học từ thuở ấu niên. Vì thế, Hòa Thượng đã thông thạo cả Hán văn lẫn Pháp văn, kết hợp và dung hòa được cả hai truyền thống văn hóa Đông – Tây. Hòa Thượng đã lớn lên với rất nhiều hoài bão cùng tài năng bẩm sinh. Chính Hòa Thượng đã từng được cử thay mặt học sinh đồng ấu đọc một bài diễn văn bằng tiếng Pháp để đón vua Bảo Đại khi vua vào thăm Quảng Nam, khi ấy Ngài mới lên 10 tuổi. Ở tuổi vị thành niên, Hòa Thượng đã trở thành một họa sĩ nổi tiếng, đặc biệt là tài viết chữ. Bằng trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ, Hòa Thượng đã tham gia các phong trào đấu tranh giành độc lập tự do cho quê hương đất nước. Nhờ nghiên cứu Phật học từ rất sớm nên Hoà Thượng đã chọn tổ chức Gia Đình Phật Tử để tham gia sinh hoạt và đấu tranh cho chính nghĩa chống chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo Ngô Đình Diệm. Hòa Thượng đã đến xin quy y thọ 5 giới với Hòa Thượng Phổ Thiên húy thượng Trừng hạ Kệ tự Như Nhu hiệu Tôn Thắng và được Hòa Thượng ban cho pháp danh là Tâm Thanh.

Là một thành viên nòng cốt của tổ chức Gia Đình Phật Tử Quảng Nam, Hoà Thượng đã cống hiến hết mình cho tổ chức và trong mùa pháp nạn 1963, Hoà thượng đã đồng lao cộng khổ cùng chư tôn đức cũng như Gia Đình Phật Tử Quảng Nam đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo. Trong mùa pháp nạn này, Hòa Thượng bị chính quyền Ngô Đình Diệm đánh đập dã man và vào tù ra khám không biết bao nhiêu lần cũng chỉ vì bảo vệ Đạo Pháp và sự tự do bình đẳng của Dân Tộc.

II. Xuất Gia Học Đạo:

Chính sự hăng say công tác và nhận thức đúng đắn đã thúc đẩy Hòa Thượng xuất gia tu học. Năm 1963, Hòa Thượng được Hòa Thượng thượng Chơn hạ Ngọc hiệu Long Trí thế phát trước sự chứng minh của chư tôn đức tại Quảng Nam và sự tham dự của toàn thể Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Quảng Nam. Sau đó Hoà Thượng Long Trí đã gởi Ngài ra học tại Phật Học Viện Phổ Đà-thành phố Đà Nẵng. Nhận thấy Ngài có tài năng xuất chúng, Hòa Thượng Phổ Thiên cùng Hòa Thượng Long Trí đã đưa Ngài vào Sài Gòn tu học.

Năm 1964 Hòa thượng thọ giới Sa Di, được Hoà Thượng Long Trí ban pháp tự là Giải Tịnh và cho theo học lớp Cao Đẳng Phật Học tại Phật Học Viện Huệ Nghiêm. Năm 1966, Hoà thượng thọ Tỳ kheo giới tại giới đàn Quảng Đức do Hoà Thượng Thích Thanh Thạnh làm đàn đầu và được Hòa Thượng Phổ Thiên cho hiệu là Chơn Nghiêm. Trong thời gian này Hòa Thượng cũng theo học tại Đại học Vạn Hạnh.

III. Thời Kỳ Hành Đạo:

Sau khi tốt nghiệp lớp Cao Đẳng Phật Học Huệ Nghiêm khoá đầu tiên, Hòa Thượng đã trở thành một vị giảng sư nổi tiếng của Giảng Sư Đoàn Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và được cố Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hoá Đạo Thích Thiện Hoa mời về chùa Ấn Quang để đi giảng dạy khắp các tỉnh thành. Đầu tiên, Hòa Thượng được Hòa thượng Thích Trí Hữu - người khai sơn Tổ đình Ấn Quang mời về quê hương Quảng NamĐà Nẵng thuyết pháp. Những pháp âm đầy đạo vị bắt đầu vang vọng từ quê hương lan đến khắp các tỉnh thành từ Quảng Trị vào đến Cà Mau.

Năm 1970, Hòa Thượng về nhận chức Chánh đại diện GHPGVNTN khu Bảy Hiền – Gia Định, nơi các đồng bào Quảng Namvào an cư lạc nghiệp. Nhờ đức độ tài năng và sự làm việc không mỏi mệt, Hoà Thượng đã trùng tu chùa Phổ Hiền, thành lập Gia Đình Phật Tử Đức Trung, vận động làm đường Hồ Tấn Đức (tức đường Võ Thành Trang ngày nay), xây dựng trường Bồ Đề Hạnh Đức (tức trường Võ Văn Tần ngày nay)và giữ chức Giám đốc điều hành toàn bộ trường học này. Vừa làm Chánh Đại Diện khu Bảy Hiền vừa làm Giám đốc trường Bồ Đề, Hòa Thượng vẫn luôn luôn đi giảng dạy các Phật Học Viện Dược Sư, Từ Nghiêm v.v… tại Sài Gòn và đi thuyết pháp các tỉnh. Hòa Thượng còn giữ quyền Giám đốc ký nhi viện Quách Thị Trang trong những lúc Thượng Tọa Giám đốc Thích Nhật Thiện đi vắng.

Năm 1971, Hòa Thượng lên Đại Ninh thăm Hòa Thượng thượng Thiền hạ Tâm - giáo thọ trưởng trường Phật Học Huệ Nghiêm đang nhập thất tại trú xứ Hương Nghiêm. Hòa Thượng được Hoà Thượng Thiền Tâm giới thiệu và nhận một quả đồi phía trên tu viện Hương Nghiêm do phật tử Mười hiến cúng. Hòa Thượng bắt đầu xây dựng một thạch thất nơi núi rừng hoang vắng này để về tịnh dưỡng sau những ngày đi thuyết pháp và làm Phật sự khắp nơi. Sau lễ Phật đản 1973, Hòa Thượng đã về Đại Ninh nhập thất tu tập thiền định và một mình lặng lẽ với công án tử sinh.

Đầu năm 1975, tình hình chính sự đất nước có sự biến đổi, Hòa Thượng đã quyết định rời thất một thời gian về lại Phổ Hiền cùng với đồng bào Quảng Nam đồng cam cộng khổ vượt qua cơn lửa binh ly loạn. Hòa thượng tổ chức chuẩn bị lương thực y tế và đặc biệt cố vấn tinh thần cho đồng bao Phật tử ở khu Bảy Hiền trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng này. Chiến tranh chấm dứt hòa bình lập lại, Hòa Thượng trở lại núi rừng Đại Ninh vui với cỏ cây muôn thú gác ngoài tai mọi chuyện thế sự.

Năm 1976 , Hòa Thượng lại trở về vận động tổ chức trùng tu chùa Phổ Hiền thành ngôi chùa khang trang tráng lệ. Xong việc lại về Đại Ninh tỉnh tu.

Năm 1978, Hòa Thượng về trùng tu chùa Ba Phong và từ đó về sau Ngài góp phần trùng tu rất nhiều ngôi chùa tại quê hương Duy Xuyên - Quảng Nam.

Năm 1988, nhận thấy duyên hoá độ có nhiều thuận lợi, Hoà Thượng quyết định xây chùa ngay phía trên tịnh thất Chơn Nghiêm lấy hiệu là Vĩnh Minh Tự Viện với ý xiển dương giáo pháp Tịnh Độ của ngài Vĩnh Minh Diên Thọ - tổ thứ 6 của Tịnh Độ tông, một phần lấy ý ghép tên tổ Vĩnh Gia - một vị tổ sư cận đại tại Quảng Nam và tổ Minh Hải - tổ sư khai sơn môn phái chúc Thánh. Ngôi chùa nhỏ nhắn nơi núi đồi Đại Ninh thơ mộng đã trở thành điểm tựa tinh thần cho dân chúng khắp các làng quê Đức Trọng-Lâm Đồng. Pháp âm Tịnh Độ được vang vọng mỗi chiều cho Tăng Ni và Phật tử tại trú xứ về nghe, giới hạnh và lòng vị tha cứ mãi lan tỏa từ địa phương đến các tỉnh thành và hải ngoại.

Năm 1995, Hòa Thượng lại vận động đại trùng tu Vĩnh Minh Tự Viện, từ đó về sau cứ mỗi năm Hòa thượng lại khánh thành một công trình nhân ngày kỵ tổ Phổ Thiên: Giảng đường, Khánh đường, Tăng xá, Pháp bảo, các tượng đài, Bảo tháp v.v… khiến Vĩnh Minh Tự Viện trở thành một Tòng lâm nổi tiếng với cảnh trí hài hoà u nhã. Đồng thời, Hòa Thượng cũng vận động tráng nhựa hương lộ Phú An, làm cầu treo qua sông Thiện Chí v.v….

Từ đó, pháp âm từ núi rừng Đại Ninh vang vọng nên chư Tăng Ni và Phật tử khắp mọi nơi về thọ giáo quy y. Hòa Thượng cũng từng ra đảm nhiệm chức vụ Phó Ban Trị Sự kiêm Trưởng Ban Hoằng Pháp Gíáo Hội tỉnh Lâm Đồng, Hiệu Phó kiêm Giám Luật trường Cơ Bản Phật Học Lâm Đồng khóa I và II. Đồng thời đi giảng dạy truyền đạt kinh nghiệm giảng sư cho Tăng Ni sinh khắp nơi.

Đầu năm 2003, Hòa thượng cảm thấy tuổi già sức yếu, nhân ngày kỵ tổ Phổ Thiên, Hoà Thượng tổ chức khánh thành bảo tháp xá lợi Minh Tích Ấn, công trình cuối cùng của đời Ngài. Trước sự chứng minh của Hòa Thượng Thích Từ Mãn –Thành viên Hội Đồng Chứng Minh TW, Trưởng Ban Trị Sự Giáo HộI tỉnh Lâm Đồng và chư tôn đức trong môn phái, Hòa Thượng đã phó chúc cho Đại Đức Thích Nguyên Hiền kế vị trú trì Vĩnh Minh Tự Viện và phát nguyện nhập thất tĩnh tu quyết liễu sanh thoát tử. Lễ nhập thất của Hòa Thượng được long trọng tổ chức vào ngày 20 tháng 4 năm Quý Mùi dướI sự chứng minh của Hòa Thượng Thích Pháp Chiếu – thành viên Hội Đồng Trị Sự TW-phó ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Lâm Đồng.

IV. Những Ngày Cuối Cùng:

Tịnh thất Chơn Nghiêm tọa lạc sau khu pháp bảo yên tỉnh, Hòa Thượng bắt đầu hạ thủ công phu. Mỗi ngày dành thời gian tụng lại toàn bộ các kinh điển Đại Thừa và Nikaya. Trong lúc trì tụng, Hòa Thượng thấy có quá nhiều chi tiết đặc biệt mà hàng hậu thế khó lòng kham đọc hết nếu không có thời gian yên tỉnh. Với tâm lượng vị tha, vì lợi lạc quần sanh nên Hòa Thượng đã rút tỉa các ý chính trong kinh điển và ghi chú từng phẩm mục, từng chi tiết và soạn thành tác phẩm: Những Đề Mục Quan Yếu Trong Kinh Điển Đại Thừa (bao gồm kinh Bảo Tích, Hoa Nghiêm, Đại Bát Niết Bàn, Bát Nhã)và tác phẩm Những Đề Mục Thiết Cận trong các kinh Nikaya ( bao gồm kinh Tăng Nhất A Hàm, Tạp A Hàm, Tương Ưng Bộ). Suốt gần 1 năm trời hoàn tất hai tạng kinh Đại Thừa và Nikaya. Hòa Thượng lại gia hạnh công phu niệm Phật. Tiếng niệm Phật vang vọng trong tịnh thất suốt ngày đêm. Sau lễ kỵ tổ rằm tháng 2 năm Giáp Thân, Hoà Thượng thường xuyên kể lại cho đệ tử nghe những giấc mơ thấy chư thiên thỉnh lên trời Đao Lợi thuyết pháp hoặc gặp Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền giao phó Phật sự độ sanh.

Sáng ngày 30/2/Giáp Thân, Hoà Thượng cảm thấy tứ đại bất an và sức khỏe dần suy yếu. Biết cơ duyên hóa độ của mình đã mãn nên ngày mồng 5 tháng 2 nhuận năm Giáp Thân, Hòa Thượng cho gọi Đại Đức Nguyên Hiền - trụ trì Vĩnh Minh Tự Viện cũng như hàng môn đồ vào tịnh thất dặn dò mọi việc, khuyến tấn tu hành cũng như hướng dẫn Phật tử tu học. Dặn dò xong Hòa Thượng đã chắp tay niệm to danh hiệu A Di Đà Phật như một cách Yết Ma và Ngài đã an nhiên xả báo thân vào lúc 6 giờ 15 phút sáng ngày 13 tháng 2 nhuần năm Giáp Thân nhằm ngày 2 tháng 4 năm 2004 thọ 72 thế tuế và trảI qua 40 mùa kiết hạ An Cư.

Với hơn 40 năm tu học và hoằng pháp, Hòa thượng đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp. Hòa Thượng đã đảm nhận nhiều chức vụ Giáo Thọ, Yết Ma trong các giới đàn để truyền trao giới pháp cho Tăng Ni Phật tử tu học. Các băng giảng Pháp Hoa, Duy Thức v.v.. của Ngài là một kho báu cho những ai khát khao tìm cầu sự giải thoát. Hòa thượng không chủ trương viết sách nhưng với những kinh nghiệm tu học, hoằng pháp cũng như khảo cứu của mình, Hòa thượng đã để lại những tác phẩm như: Danh Từ Phật Học, Nghệ Thuật Diễn Giảng, Những Đề Mục Quan Yếu Trong Kinh Điển Đại Thừa, Những Phẩm Mục Thiết Cận Trong Các Kinh Nikaya và nhiều bài viết trong các tập san Phật giáo cùng nhiều tài liệu giảng dạy khác.

Xuất thân từ tổ chức Gia Đình Phật Tử và nhận thấy tổ chức này là một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên rất lợi lạc cho đạo đức và văn hoá Phật giáo cũng như Dân tộc nên Hòa Thượng luôn quan tâm và gắn bó với GĐPT. Như một tấm gương sáng về giới hạnh và đức độ, như một bóng cây đại thọ ấp ủ, chở che, Hòa Thượng đã được suy tôn là Cố Vấn Giáo Hạnh Trung Ương Gia đình Phật Tử Việt Nam trong nhiều thập niên và cho đến ngày viên tịch.

Chốn Huyễn Hoá Tám Vạn Khói Sương, Ly Hợp Sắc Danh, Chiếc Áo Nâu Sồng, Cửa Không Hương Điểm Hạnh.

Cõi Mộng Trần Ba Nghìn Bóng Bọt, Tụ Tan Thân Thế, Một Đài Sen Trắng, Cõi Tịnh Nguyệt Cài Thơ.

Tuy ngôn ngữ trầm phù của thế gian không chuyển tải hết được công hạnh của Ngài nhưng chúng con cung kính ghi lại vài dòng lược sử của Hòa Thượng như một nén nhang đảnh lễ thâm ân của một bậc lương đống trong ngôi nhà Phật pháp. Ngưỡng nguyện giác linh Hòa Thượng cao đăng Thượng Phẩm và hồi nhập Ta Bà tiếp tục sứ mệnh cao cả thiêng liêng: hóa độ chúng sanh đồng về bến giác.

Nam Mô Tân Viên Tịch Tự Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Tam Thế, Khai Kiến Vĩnh Minh Tự Viện, húy thượng Tâm hạ Thanh tự Giải Tịnh hiệu Chơn Nghiêm Lê Công Hòa Thượng Giác Linh Thùy Từ Chứng Giám.

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/03/2017(Xem: 10089)
Xuất gia là một đại nguyện. Giữ được Tâm trong không thối chuyển là một đại duyên. Tại Việt Nam hôm nay, nếu lấy tròn số sẽ có 45.000 tu sĩ Phật giáo với dân số 100.000.000 người thì trung bình cứ 2.200 người mới có một người đi tu theo đạo Phật. Tại Hoa Kỳ hôm nay, ước lượng có 1.200 tu sĩ Phật giáo trên tổng số 2.000.000 người Việt thì trung bình cứ 1.600 người có một tu sĩ Phật giáo. Con số tự nó không đánh giá chân xác được tình trạng tôn giáo và chiều sâu hành đạo của các tu sĩ thuộc tôn giáo đó. Nhưng ít nhiều phản ánh được những nét tổng thể của mối quan hệ giữa quần chúng và tổ chức tôn giáo.
15/02/2017(Xem: 6502)
Đời thường trong các kiểu ăn cắp thì ăn cắp sách báo (hay cầm nhầm, hay mượn quên trả cũng vậy) có lẽ là loại ăn cắp dễ tha thứ nhất. Người ta tự cho là khi mượn tạm „chút kiến thức nhân loại“ thì không tội tình lớn như ăn cắp trái xoài trái ổi, ăn cắp con gà con vịt, cho đến ăn cắp tiền hay đồ dùng… Kể cả ăn cắp trái ớt cũng trầm trọng hơn là cầm nhầm một cuốn sách rồi… quên trả. Thú thật, trong đời tôi cũng từng đã có vài lần đến nhà bạn chơi, xem một cuốn sách thấy hay và đọc thích thú không dừng được. Bạn nói, thôi mang về nhà đọc tiếp. Vậy mà mấy năm sau sách vẫn cứ ung dung cắm rễ ở tủ sách nhà (!).
07/02/2017(Xem: 14532)
Bộ phim điện ảnh Phật giáo về cuộc đời và đạo nghiệp của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh do Hãng phim Sen Việt và chùa Vạn Đức phối hợp sản xuất.
01/02/2017(Xem: 6462)
Tiến sĩ Y Khoa Phan Giang Trí, 46 tuổi, trong vai trò đồng-trưởng-toán nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Cancer Garvan ở Sydney, Australia, đang tìm phương cách chữa trị bệnh ung thư. Định cư tại Australia lúc 7 tuổi trong một gia đình mà cha mẹ và anh chị em đều là bác sĩ, dược sĩ và nghiên cứu y học, Tiến sĩ Phan Giang Trí đã tốt nghiệp bác sĩ Y Khoa hạng danh dự với Huy Chương Viện Đại Học Sydney, sau đó đạt học vị tiến sĩ và đến Hoa Kỳ để tiếp tục nghiên cứu hậu-tiến-sĩ trong lãnh vực microscopy. Ông đã phục vụ tại Viện Nghiên Cứu Ung Thư Garvan ở Sydney nhiều năm nay và cũng đã đạt được Giải Thưởng danh tiếng khoa học gọi là Eureka của The Australian Museum.
17/01/2017(Xem: 10213)
Hoa Kỳ thành kính cáo bạch: Sư Bà Thích Nữ Như Nguyện, thế danh Nguyễn Ngọc Hiếu, sinh năm Đinh Hợi, 1947, thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Ni Bộ Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHK, Trú Trì Chùa Xá Lợi, Thành Phố Rosemead, California, đã viên tịch vào lúc 5 giờ chiều ngày 15 tháng 1 năm 2017, nhằm ngày 18 tháng Chạp năm Bính Thân tại Bệnh Viện Beverly Hospital, Thành Phố Montebello, Miền Nam California, Hoa Kỳ, thế thọ 70, lạp thọ 48. - Lễ Nhập Kim Quan sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ sáng, Chủ Nhật, ngày 22 tháng 01 năm 2017 (nhằm ngày 25 tháng Chạp năm Bính Thân); - Lễ Trà Tỳ được cử hành vào lúc 3 giờ chiều Thứ Hai, ngày 23 tháng 01 năm 2017 (nhằm ngày 26 tháng Chạp năm Bính Thân), tại Peek Feneral Home, Westminster, California. Ngưỡng mong chư tôn Thiền Đức trong mười phương nhất tâm hộ niệm cho Giác Linh Sư Bà Thích Nữ Như Nguyện Cao Đăng Phật Quốc. Thành tâm khuyến thỉnh chư tôn đức Tăng, Ni, quý Cư Sĩ, các Chùa, Tự Viện, Niệm Phật Đường là thành viên của GHPGVNTNHK
01/01/2017(Xem: 8825)
Ni sư Thích Nữ Giới Hương, thế danh Śūnyatā Phạm, sinh năm 1963 tại Bình Tuy, xuất gia năm 15 tuổi. Năm 1994, Ni sư tốt nghiệp Cử nhân Văn tại Sài Gòn. Ni sư du học tại Ấn Độ 10 năm, tốt nghiệp Tiến sĩ Phật học tại Đại học Delhi năm 2003. Năm 2005, Ni sư định cư tại Hoa Kỳ. Năm 2015, Ni sư tốt nghiệp Cử nhân Văn tại Đại học Riverside, California và đang theo học chương trình Cao học Văn tại trường cũng như đang là giảng viên của Học Viện Phật Giáo Việt Nam, Sài gòn. Ni sư lập tủ sách Bảo Anh Lạc, đã viết và chuyển ngữ hơn 20 tác phẩm Anh và Việt, 8 đĩa ca nhạc Phật giáo được xuất bản, phát hành từ năm 2004 đến nay. Năm 2000, sư đã thành lập chùa Hương Sen, Bình Chánh, Sài Gòn (Việt Nam) và năm 2010 - đến nay, sư đã khai sơn thành lập và là trụ trì chùa Hương Sen, thành phố Perris, tiểu bang California (Hoa Kỳ).
24/12/2016(Xem: 15217)
Thành Kính Tưởng Niệm Thượng Tọa Thích Đức Trí Trụ Trì Chùa Tam Bảo, Oklahoma, Hoa Kỳ
18/11/2016(Xem: 22353)
Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Bình, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa đã thu thần viên tịch tối nay, 17-11-2016 (18-10-Bính Thân), tại chùa Long Sơn (22 đường 23 tháng 10, phường Phương Sơn, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), thọ 84 tuổi.
08/11/2016(Xem: 16090)
Trang Nhà Quảng Đức vừa nhận được tin viên tịch: Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế vừa viên tịch trưa nay, 8-11-2016 (9-10-Bính Thân) tại tổ đình Tường Vân (phường Thủy Xuân, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Hòa thượng Thích Chơn Thiện sinh năm 1942, đồng chơn xuất gia với Trưởng lão HT.Thích Tịnh Khiết tại tổ đình Tường Vân, từng du học Hoa Kỳ và tốt nghiệp Cao học về ngành Tâm lý giáo dục, tốt nghiệp Tiến sĩ Phật học tại Đại học New Delhi, Ấn Độ. Hòa Thượng cũng là Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Phật giáo, Viện chủ thiền viện Vạn Hạnh (Q.Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh), Trụ trì tổ đình Tường Vân (P.Thủy Xuân, TP.Huế)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]