Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

45. Hương đạo bay xa (Chí Thâm)

17/06/201408:09(Xem: 20178)
45. Hương đạo bay xa (Chí Thâm)

 Khi tôi gặp Thầy lần đầu tiên, tôi thật sự là một kẻ phàm phu tục tử có đầy đủ tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, đã chẳng tu mà chỉ biết hú là giỏi.

 Mặc dù tôi được sinh ra từ một gia đình có tiếng là theo đạo Phật lâu đời, nhưng từ khi có sự hiểu biết, tôi thấy bà và mẹ chỉ đi chùa mỗi năm vài lần vào dịp lễ lớn, cũng lạy Phật, thắp hương, khấn vái sì sụp gì đó rồi… hết. Còn tôi thì sao, tôi bị sinh ra vào những năm sau cuộc chiến, tưởng là hòa bình lập lại thì dân giàu nước mạnh, tôn giáo được tự do phát triển không ngờ mọi việc hoàn toàn ngược lại, ăn còn không đủ no nói gì đến việc đi chùa nghe Pháp, đọc kinh. Tóm lại tôi hoàn toàn mù tịt về Phật Pháp.

 Sau đó thì bố mẹ tìm đủ cách cho tôi được xuất ngoại trước là tự cứu mình, sau cứu cả gia đình, may mắn là tôi thoát thật. Có điều nơi xứ lạ quê người, lăn lóc bươn chải, tứ cố vô thân, trăm ngàn gian nan khổ cực, thời gian đâu và có ai đâu chỉ bảo cho tôi con đường tu học, con đường của cả một tương lai an lạc, hạnh phúc tuyệt vời.

 Như đã nói trên, tôi hoàn toàn là một kẻ phàm phu tục tử lại “bị“ sinh ra trong một gia đình khá giả, từ nhỏ được cha mẹ chiều chuộng, anh chị em nhường nhịn, đến trường được bạn bè, thầy cô nể nang vì tôi học hành cũng không đến nỗi nào. Người đời cho đó là hồng phúc ư? Thật là một lầm lẫn to lớn, những kẻ có hoàn cảnh như tôi (không dám nói là toàn bộ mà có lẽ là đa số) đều mắc chứng bệnh cao ngạo, bản ngã rất nặng, nói theo nhà Phật là Tăng thượng mạn trầm trọng, tự cho mình là quan trọng, dễ dàng sinh lòng đố kỵ, ganh ghét khi có ai hay, giỏi hơn mình.

 

 Từ khi sống một mình ở nước ngoài, người thương chẳng còn ai che chở, bênh vực, khen ngợi, học thức trở thành vô dụng, căn bệnh tự ti mặc cảm lẫn đố kỵ của tôi có mức độ gia tăng khốc liệt.

 Tôi đi làm đủ thứ việc và chẳng bao giờ vừa lòng với bất cứ chỗ nào. Vì luôn cho mình là giỏi giang, con nhà có học thế nên có ai nói động đến một chút thôi là tôi bắt đầu khó chịu, tôi ghét người đó và muốn tất cả những người xung quanh cũng phải ghét người đó theo. Tôi bực bội vì đồng nghiệp được chủ thương mến, tin cậy, tôi bất mãn vì cho rằng đồng lương không xứng đáng với công việc mà mình đang làm.

 Cứ loanh quanh hết bất mãn lại bực tức, lại khó chịu, bất bình, ganh tị, con người như tôi thử hỏi thất nghiệp kinh niên cũng chẳng có gì là lạ. Rồi tôi gặp Thầy, đây mới là vấn đề trọng đại mấu chốt của câu chuyện chính cuộc đời còn lại của tôi.

 

 Kinh Phật có nói về năm thứ chướng ngại của một con người trên con đường tu học đi đến giác ngộ đó là: tài, sắc, danh, thực, thùy. Tôi xin được bắt đầu từ chữ đầu tiên về câu chuyện tôi và Thầy.

 ● Tài: Tôi chẳng hề có óc cầu tiến, ham học. Ra ngoại quốc, nhà nước cũng tạo điều kiện cho những thuyền nhân tội nghiệp như tôi được đi học không tốn tiền (thậm chí còn cho thêm tiền ấy chứ!) để có thể hội nhập vào xứ sở họ, dễ dàng kiếm được công ăn việc làm, ổn định đời sống. Nhưng tôi ôm tập vào lớp chỉ có mục đích hiện diện để có tiền, chữ nghĩa vào tai này ra tai kia sạch bách.

 Tôi lại lý sự rằng học làm gì ở cái xứ không biết trọng nhân tài ngoại quốc này, học cho lắm cũng thất nghiệp thôi. Thế là tôi thản nhiên sống qua ngày với đồng tiền trợ cấp. Ấy vậy mà ai thử nói cái gì đó từa tựa như là tôi bất tài hay tôi dốt nát thử xem, họ sẽ biết tay tôi ngay.

 Thế rồi một ngày mưa bão, trong số đám bạn xôi thịt của tôi có một gã hết lời ca ngợi rằng ở xứ này có một vị Sư người Việt Nam rất giỏi, có TÀI lãnh đạo đại chúng, có TÀI thuyết pháp trôi chảy, có TÀI đọc thông, viết thạo và nói lưu loát mấy thứ tiếng. Tôi nghe mà bắt đầu thấy nóng mặt, chối cả tai, con quỷ ganh tị tật đố nhảy nhót trong lòng dẫn dắt tôi vào những ý nghĩ đen tối. Đời tôi cho đến lúc đầu hai thứ tóc chưa thấy có người nào nói mà thiên hạ chịu im lặng trân trọng lắng nghe (trừ phi bị bắt buộc). Lý sự giỏi như tôi mà mỗi lần mở miệng nói chưa đến năm câu bị thiên hạ cãi hết ba rồi nữa mà. Nửa tin nửa ngờ (nhưng mà ngờ nhiều hơn), sẵn đang thất nghiệp, tôi chịu đi theo thằng bạn mà tôi cho là tâng bốc ông Thầy thái quá.

 Đó là một buổi lễ lớn, gã bạn rón rén bước vào Chánh điện, cung cung kính kính ngồi xếp bằng lắng nghe Thầy giảng Pháp. Tôi lảng vảng bên ngoài quan sát Thầy, chẳng biết ông có hay tôi đang nhìn với cả tấm lòng… ganh tị hay không? Vì gã bạn nói đúng, hàng hàng lớp lớp Phật tử ngồi kia tất cả đều yên lặng lắng nghe Thầy với sự kính trọng. Tôi thầm nghĩ: trong số mấy bà ngồi đấy, hẳn là đến một nửa thuộc loại lắm mồm ở nhà là lý sự, cãi chồng như ranh, mắng con ra rả. Ái chà chà! Đến đây thì ông Thầy này làm tiêu hết mấy cái nọc sư tử và hình như họ đều biến thành nai cả rồi hay sao ấy?

 Thầy giảng từ tốn, mạch lạc, giọng nói ấm áp, rất có sức thuyết phục đại chúng, trừ tôi. Vì tôi đâu có tâm trí lắng nghe như họ, trong lòng tôi chỉ toàn sóng gió cuồn cuộn của sự ganh tức. Sao chẳng bao giờ có ai tự nguyện nghe tôi trừ phi tôi phải làm cái gì đó có lợi cho họ? Tôi chẳng phải là người cũng có chút tài vặt như sửa bóng điện nhà, đóng giường, tủ, bàn, ghế đấy ư? Nhưng mà nghĩ đi nghĩ lại mấy cái tài của Thầy hiện hữu rõ ràng mà tôi thì hoàn toàn không có chứ đừng nói đến việc so sánh ai hơn ai.

 Tôi đang trong thời kỳ rảnh rỗi, ăn không ngồi rồi mà, thế là tôi quyết định điều tra mấy cái “tài“ khác của Thầy. Quả thật ông có dịch kinh từ chữ Hán ra Việt, ông viết sách bằng tiếng Đức, ông nói chuyện với người ngoại quốc bằng tiếng Anh, ông đã từng du học tại Nhật. Cứ thử tưởng tượng trong số các thính chúng ngồi dưới nghe Pháp, vô tình có ai đó người ngoại quốc, có ai đó gốc Trung Hoa, có ai đó tiếng Việt không phải là tiếng mẹ đẻ của họ, đột nhiên họ nghe hiểu được một câu tiếng Anh, tiếng Tàu hay tiếng Đức của Thầy chắc lòng họ vui vẻ, hân hoan lắm.

 Khổ nỗi tôi đang không ưa Thầy nên một hai quả quyết là ông khoe tài chứ chẳng có gì khác. Thay vì nghĩ rằng ông mến trọng người có tài để họ có thể giúp ích gánh vác được trách nhiệm cứu nhân độ thế, tôi lại khăng khăng đổ riệt cho ông thích bằng cấp, khinh thường người ít học. Tôi quên mất là bia đá Văn Miếu ở Hà Nội ghi tên ai, phải chăng là toàn các ông tiến sĩ? Tôi không nhìn thấy công việc hoằng pháp của Thầy, tài học của Thầy được đem ra để phục vụ cho tất cả các tầng lớp chúng sinh chứ nào đâu có riêng các vị có bằng tiến sĩ?

 ● Sắc: Chẳng ai đi bảo đàn ông phải cần có sắc đẹp bao giờ, nhưng ngoại hình đôi khi cũng không phải là không quan trọng đâu đấy. Hai người cùng có năng lực như nhau xin vào cùng một công ty, chắc chắn họ sẽ tìm người nào dễ nhìn, dung mạo tươi tắn hơn là kẻ mặt khó đăm đăm, vừa xấu, vừa có vẻ cau có dễ ghét. Ngày xửa ngày xưa, tuổi thanh xuân tôi chẳng thuộc loại xấu tuy không thể nói là đẹp như minh tinh màn bạc được. Tôi lại chụp hình khá ăn ảnh đấy nhé! Thế mà bây giờ tuổi tôi đâu kém gì ông thầy kia nhưng Thầy thì đi đến chỗ nào, người ta xúm lại đòi chụp chung với Thầy một tấm ảnh làm kỷ niệm, cứ y như là họ đang đứng cạnh tài tử Thành Long hay Tom Cruise không bằng, hay là chụp xong rồi đi mua vé số trúng ngay độc đắc? Nhìn thấy tôi đã xốn ngay cả mắt rồi. Thì cũng công nhận là Thầy cũng “có nét“, phong thái uy nghi đạo mạo, khuôn mặt phúc hậu, sáng rỡ, tươi nhuận, có vẻ dễ gần, thân thiện. Ông đi đến đâu cũng có người ủng hộ, còn tôi đi đến đâu chẳng biết ma nó có thấy tôi không chứ người thì lờ tăng tít, bảo sao tôi không tức phát điên lên được.

 Tôi rình rập xem ông có nói chuyện lâu thân tình với một cô gái trẻ đẹp nào không? Tôi bươi móc ra mấy tấm ảnh ông chụp chung với mấy bà từ hàng… U6 trở lên để công kích ông, thâm tâm lấy làm hả dạ lắm.

 Chẳng hiểu tại sao mặc dù không thích tiếp xúc, gần gũi với Thầy, tôi vẫn có cảm xúc lạ lùng rằng mỗi lần nhìn thấy ông, một sự an lành, thanh thản từ ông tỏa ra lan rộng xung quanh. Nhưng con quỷ tật đố ganh ghét trong tôi một hai tìm đủ cách phá vỡ đi sự an lạc ấy, để rồi tôi lại trở về với bản tính cố hữu: nhỏ mọn và đầy ác ý, tìm mọi sơ hở của Thầy để rêu rao, tôi kéo đồng minh, đồng chí, đồng rận cùng lên án ông thầy.

 

 ● Danh: Cái này thì thật sự từ ngày xuất ngoại, tôi chẳng có “danh gì với núi sông“. Học không hay, cày lại dở, thêm chứng bệnh gàn kinh niên thế thì còn nước nôi gì nữa. May mà bố mẹ tôi có đông con chứ trông chờ hết ở nơi tôi thì chắc thất vọng mà chết. Tôi dở nhưng luôn chuẩn bị cả một kho tàng tốt đẹp vinh quang của quá khứ của thời trai trẻ để hù thiên hạ. Ai khoe họ có cái gì, quá khứ tôi nhất định cũng có. Họ khoe con cái, tôi lôi cháu chắt của dòng họ phi thuyền đi mãi không đến để huyênh hoang.

 Anh em bà con có gì tốt mới nói, xấu xa thì tôi giấu biệt đi. Ấy thế mà ai thử động đến gia đình dòng họ tôi thử xem, tôi sẽ biến ngay thành một “ông kẹ“ chồm lên cho họ một bài học thất kinh hồn vía ngay. Còn những đồng hương thành danh ở nước ngoài ư? Tôi chẳng có chút nào hãnh diện lây mà toàn tìm những lỗi lầm, sơ sót của họ để hạ danh dự xuống hoặc cho rằng sự thành công ấy là do may mắn mà thôi. Chưa kể cái tật lâu lâu lại dè bĩu người Việt Nam nào là bê bối, mất trật tự, ăn cắp vặt làm mất mặt quốc gia. Tôi thản nhiên “vơ cả nắm đũa“ mà quên bẵng mất mình là người gì, được sinh ra và lớn lên ở đâu?

 Trong tình cảnh ấy, ông thầy cũng chẳng được tôi xem là ngoại lệ mặc dù tư cách của ông chẳng có điểm nào để phê phán. Ông là người có học, có học hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thầy rất tự trọng trong mọi hoàn cảnh dù là ở thời sinh viên nghèo mạt hay lúc ban sơ gầy dựng ngôi chùa thuộc hàng lớn nhất nhì Châu Âu, gặp bao nhiêu gian nan trắc trở đến não lòng. Ấy thế mà tôi một hai vẫn khăng khăng cho là ông may mắn mà thôi. Nếu có ai vặn lại rằng đổi tôi là Thầy, tôi có làm được như vậy không? Tôi mắc bệnh gàn và cố chấp sẵn mà đương nhiên là sẽ trả lời: Cũng “có thể“ được. Tôi quên rằng nội cái chuyện cạo đầu, ăn chay, rời bỏ gia đình đến chết tôi cũng chẳng làm được chứ đừng nói đến những cái to tát khác.

 Thật ra tâm tôi cũng có phục chút chút cái danh có thực (chứ không phải “hữu danh vô thực“) của Thầy. Ông phát triển nền Phật giáo Việt Nam tại xứ người, gầy dựng, giúp đỡ những đạo tràng non yếu, đào tạo Tăng tài. Tiền vào tay ông chẳng bao lâu lại vào những việc Phật sự to tát, những việc từ thiện, những việc phát triển văn hóa. Ông cũng chỉ có mấy bộ nâu sòng, ngày ăn hai bữa cơm rau đạm bạc. Những việc bình thường, giản dị và cao quý của Thầy tôi chẳng thèm để ý mà chỉ rình mò những dịp lễ lạc thấy Thầy dù ăn chay nhưng “có vẻ“ yến tiệc linh đình, quần áo sang trọng, mũ mão tích trượng, Phật tử lăng xăng phục vụ, chụp hình, chụp ảnh, bao nhiêu đó làm tôi sôi gan lộn tiết lên rồi. Ma vương Ba Tuần giao cho tôi nhiệm vụ quan trọng làm điệp viên “không không thấy“ tìm mọi cách để công kích, hạ bệ cái danh của Thầy.

 Than ôi! Nếu Thầy chỉ là một vị Sư bình thường nơi một ngôi chùa hẻo lánh lèo tèo vài ba Phật tử thì chắc tôi thành công lâu rồi. Đằng này số người kính trọng, ủng hộ Thầy lên đến mấy ngàn người, chẳng lẽ tất cả bọn họ đều u mê tăm tối bị mua chuộc hết cả hay sao? Bàn tay đen tối của tôi làm sao che được cả mặt trời chói lọi trên kia?

 Gã bạn có lần khuyên tôi: “Người nào coi cái ngã của mình quá nặng thì thường tự hại mình và dễ bị người làm hại. Bậc chân tu diệt được ngã thì càng tấn công họ càng được phúc, kẻ hãm hại họ như gió đánh vào nhà trống mà thôi“.

 

 ● Thực: Đến vấn đề này mới là sự khác biệt lớn giữa tôi và Thầy. Tôi chưa bao giờ chứng kiến những ngày cơm rau đạm bạc của Thầy mà chỉ chằm chằm chú ý vào những dịp Phật tử trịnh trọng bày ra hết món này đến món nọ để dâng Thầy. Còn tôi thì lủi thủi cô quạnh, tự lo lấy miếng ăn, nấu một bữa ăn làm ba bốn bữa. Chẳng biết có ma nào ngó ngàng đến không chứ người hả? Hãy đợi đấy! Có tiền họa may có người phục vụ. Sự chênh lệch ấy làm tôi tức tối không yên, tôi không hề nghĩ đến việc Thầy đã làm được gì cho đại chúng, còn tôi làm được gì?

 Tôi mà giúp ai chuyện rất nhỏ thôi cũng nhớ rất dai, người “bị“ tôi giúp không tỏ thái độ, hành động đáp lễ thì tôi bực lắm, kết án ngay đó là kẻ vô ơn bạc nghĩa, thế nào cũng chẳng có hậu vận tốt đâu. Còn ai mà nhờ tôi chuyện gì ấy hả? Phải xem có ảnh hưởng đến tiền bạc hay sức khỏe của tôi không cái đã. Chưa kể là khi tôi nấu món gì đó đãi ai mà thâm tâm mong họ khen gãy lưỡi mới chịu, họ mà có ý kiến ý cò là tôi bực mình lắm chẳng cần tìm hiểu xem họ khen thật hay chê thật mà làm gì. Còn tôi mà đi ăn ấy hả? Phải là đúng cái này với cái kia, không hợp “gu“ của tôi thì đừng hòng tôi ăn, chưa kể là tôi góp ý chê người ta thẳng tay chẳng để ý gì đến tấm lòng hay công nấu ăn vất vả của người ta.

 “Nghe đồn“ Thầy thích nhất là ăn cơm rau luộc nhưng ai nấu gì mời Thầy vẫn hoan hỷ dù biết rằng nhìn món đó có vẻ đẹp mắt nhưng gia vị toàn những thứ có hại cho tim, gan, phèo, phổi nghiêm trọng, Thầy cũng không phụ lòng người nấu. Bao nhiêu đó tôi đã khác ông quá nhiều rồi, hình như chuyện này tôi “thông minh“ hơn ông thì phải?

 

 ● Thùy: Vấn đề cuối cùng này đã chắc chắn hơn Thầy rồi. Bởi vì tôi muốn ngủ và thức bất kỳ lúc nào mà tôi… có thể. Mấy chục năm thất nghiệp dài dài, thời gian ngủ và nghỉ hình như hơi nhiều. Tôi đâu có cực khổ, ngày ngày phải dậy từ bốn năm giờ sáng niệm Phật, đọc chú như Thầy. Tôi cũng chẳng phải gian nan đi sớm đến muộn hết đạo tràng này đến Niệm Phật đường nọ từ Âu sang Á, sang Mỹ, qua Úc để làm Phật sự, hoằng pháp lợi sanh như Thầy. Ấy vậy mà tôi vẫn ganh tị, hậm hực cho rằng Thầy “thích du lịch“ cơ đấy. Còn tôi thì vì ăn tiền xã hội chẳng dám đi đâu.

 Gã bạn có lần cũng đăng ký đi “hành hương“ trong phái đoàn của Thầy, hắn kể về những gian nan trèo non lội suối thăm các điển tích Phật giáo, Thầy đã giảng giải tỉ mỉ để các Phật tử có thêm hiểu biết, có tín tâm tu học để có một hậu vận an lành.

 Thầy đi đến đâu nếu có người cúng dường Thầy thì Thầy lại cúng dường những nơi nào cần thiết khác. Tôi nghe nhưng vẫn thờ ơ, tâm, khẩu, ý của tôi dành hết thì giờ để tìm cách công kích, phá đám, hạ bệ ông thầy này bằng được mà thôi. Thầy không ngủ và nghỉ nhiều như tôi nhưng lạ thay ông chẳng có bệnh hoạn gì, còn tôi thì thường xuyên đau đầu, mất ngủ, ác mộng, bệnh gì hình như cũng có.

 Có lẽ đó là “thành quả“ mà tôi đạt được sau bao năm ra sức rình rập, châm biếm, phá phách Thầy thì phải.

 Một sự hoảng sợ vu vơ, một khoảng không đen tối mênh mông tràn ngập tâm hồn, tôi cố chống cự, cố né tránh, cố tìm đủ mọi lý lẽ biện hộ cho các việc làm mà tôi cho là chính đáng nhưng tâm tôi vẫn không bình thản được, đời tôi chẳng khá hơn ai. Những cơn ác mộng thì cứ lặp đi lặp lại và có mức độ gia tăng chứ không giảm bớt. Thầy thì lúc nào cũng an nhiên tự tại, vui tươi, còn tôi thỉnh thoảng nhìn mình trong gương thấy thần sắc đen tối lạ thường.

 Có lần tôi đọc ở đâu đó trên mạng, mang máng có ai viết cái gì đó đại loại như là: “Người mà mang trong lòng nhiều ưu sầu, lo lắng, ganh ghét, tật đố, soi mói, tự cao, tự đại, không bao giờ biết tự nhận lỗi mình, kẻ đó lúc nào trên khuôn mặt cũng có sắc hắc ám, đen tối làm chó mèo cũng sợ không dám đến gần chứ đừng nói là con người. Tôi chẳng nuôi nổi bản thân tôi chứ đừng nói đến nuôi… mèo. Nhưng tôi cảm thấy đôi lúc người ta cũng có lý bởi vì cho đến bây giờ nói thật tình tôi chẳng có lấy một người bạn tri kỷ.

 

 Sau một lần ốm nặng mê man mất cả tuần, một lần đủ cho tôi có thời gian bình tĩnh suy nghĩ lại cẩn thận tất cả những gì mình đã xử sự trong đời với người thân, kẻ sơ và nhất là đối với Thầy. Tôi nghĩ rằng nếu ông là tôi chắc sẽ oán hận, ghét bỏ kẻ mà chống phá mình dai dẳng như thế lắm. Thế rồi, trời xui đất khiến gã bạn ngày xưa chuyên môn ủng hộ Thầy lại đến thăm đúng lúc tôi đang sống dở, chết dở. Sau dăm ba câu thăm hỏi xã giao thường tình, tôi buột miệng hỏi gã:

 - Tôi công kích ông thầy đó bao lâu nay chắc là ông ta ghét tôi lắm?

 Hắn nhìn tôi từ tốn nói:

 - Tôi có gặp Thầy, chuyện về anh, Thầy biết tất cả, bao năm qua anh làm gì với Thầy, hẳn anh tự mình cũng biết rõ hơn ai cả. Nhưng mà…

 - Sao hả? Tôi hồi hộp hỏi tới.

 - Thầy nói rằng ông không phải là thánh cũng vẫn là phàm nhân mới đang trên đường diệt ngã, đi học đạo của thánh nên đương nhiên cũng có lỗi lầm.

 - Hả? Tôi ngơ ngác tưởng mình nghe lầm - Ông ta tự nhận thế à?

 Gã bạn nhìn tôi thương hại:

 - Dĩ nhiên rồi! Tôi là Phật tử quyết không nói lời thêu dệt. Thầy còn nói nếu ai “có thiện tâm“ góp ý, Thầy nhất định nhìn nhận, sửa chữa và còn cảm ơn họ nữa kìa.

 Tôi thở dài:

 - Nhưng tôi thì có ác tâm, ác ý, ác khẩu với Thầy, nếu tôi có mệnh hệ gì chắc Thầy không đến cúng cho tôi đâu.

 Gã bạn an ủi:

 - Đừng lo! Thầy có nói chuyện với tôi về anh. Thầy bảo là rất tội nghiệp, thương xót anh. Chỉ vì anh không biết nên mới làm những việc như vậy, chứ biết rồi còn nói làm gì nữa. Thật ra bao năm nay, cơn bão giận dữ, phá phách của anh như đi vào khoảng không bao la rộng rãi. Tâm Thầy là như vậy, có chứa gì đâu mà giận anh?

 

 Tôi quay mặt đi giả vờ lục lọi tìm cái gì đó trong tủ để gã bạn đừng nhìn thấy là tôi đang rơi nước mắt.

 

Chí Thâm

2014.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/10/2014(Xem: 8431)
Pháp danh : Trừng Thành Pháp tự : Chí Thông, Pháp hiệu : Thích Giác Tiên. Thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 42 Thế danh : Ngài họ Nguyễn Duy húy là Quyển. Thọ sanh năm Canh thìn, niên hiệu Tự Đức đời thứ 33 (1879). Chánh quán làng Giạ Lệ Thượng, xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Năm 1883, lên bốn tuổi thì song thân đều mất. Ngài được ông bà bác đồng tộc đem về nuôi dưỡng. Nhờ bẩm chất thông minh nên thân thuộc cho theo Nho học một thời gian. Nhận thấy giáo lý Phật đà mới là con đường hướng đến cảnh giải thoát ; từ đó, ngài xin với thân thuộc xuất gia đầu Phật. Năm 1890, được 11 tuổi, ngài cầu thọ giáo với tổ Tâm Tịnh.
01/10/2014(Xem: 8507)
Phật Giáo Việt Nam thời cận đại đã viết lên trang lịch sử bằng máu, xương của Chư Tôn Đức Tăng Ni và Phật tử. Dòng lịch sử ấy đã nêu cao tấm gương hy sinh bất khuất trước những đàn áp, bạo lực, súng đạn, nhà tù và lựu đạn. Phải chăng đây là một chặng đường lịch sử oai hùng mà Phật Giáo Việt Nam đã biểu tỏ tinh thần Đại hùng, Đại lực, Đại Từ Bi để vực dậy một nền văn hóa đã bị sụp đổ bởi một chế độ tha hóa, ngoại lai xâm nhập vào quê hương Việt Nam.
01/10/2014(Xem: 10192)
Trên dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam thời cận đại của những thập niên 30-40 có bậc Tôn túc của Ni giới xuất hiện, đồng hành với chư Tăng để xiển dương Phật pháp, đào tạo Tăng tài, xây dựng tự viện, giữ gìn giềng mối đạo pháp được bền vững. Bậc Tôn túc của Ni giới ấy là SB Diệu Không, người đã hy hiến cả đời mình cho đời lẫn đạo, SB đã lưu lại cho hậu thế một hành trạng sáng ngời cho đàn hậu học noi gương.
09/09/2014(Xem: 14107)
Hòa Thượng Thích Giác Thông, tục danh Đổ Văn Bé, sinh ngày 18 tháng 2 năm 1939 tại Mỹ Hòa Hưng, Huyện Châu Thành, An Giang, Long Xuyên. Trong một gia đình thâm tín Phật Giáo. Thân Phụ là Cụ Ông Đổ Nhựt Thăng, Thân Mẫu là Cụ Bà Nguyễn Thị Khiên, Hòa Thuợng là người anh cả trong số 6 anh em ( 3 trai, 3 gái ), được nuôi dưỡng trong một gia đình nông dân hiền lành, có truyền thống đạo đức, nên từ nhỏ Hòa Thượng đã là người sớm có tư chất hiền lương, có tâm thương người mến vật, là con có hiếu với ông bà cha mẹ.
06/09/2014(Xem: 8265)
Không biết đây là lá thư thứ mấy con đã viết mà không bao giờ gởi đi, bởi vì con biết thư có vượt ngàn dặm trùng dương bay về thì Thầy cũng vẫn không cầm đọc được, chứng bịnh Parkinson đã làm cho hai tay Thầy run nhiều quá nhưng nhân mùa Phật Đản nhớ đến Thầy, con lại muốn viết. Thời gian sau này, con vẫn theo dõi thường xuyên sức khỏe của Thầy, con buồn vô cùng, Thầy đã bị bịnh, không thoát khỏi qui luật sinh, lão, bịnh mà con thì ở xa quá, không thăm viếng cận kề Thầy được như ngày xưa nữa !
05/09/2014(Xem: 16889)
Còn đây của báu trong nhà Không là ngọc bảo, không là hoàng kim Bình thường chiếc áo tràng lam Mà sao quý vượt muôn ngàn ngọc châu! Những năm cầu thực dãi dầu Sớm mai tụng niệm, đêm thâu mật trì Dòng đời mãi cuốn con đi Về nương chốn tịnh có Thầy, có Ôn… Kinh truyền ban phát khuyên lơn
02/09/2014(Xem: 11890)
“Đầu lông trùm cả càn khôn thảy Hạt cải bao gồm nhật nguyệt trong” Thiền sư Khánh Hỷ (1067–1142) thuộc dòng thứ 14, thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Sư họ Nguyễn, quê ở Cổ Giao, huyện Long Biên, thuộc dòng tịnh hạnh, từng được vua Lý Thần Tông phong chức Tăng Thống. Sách Thiền Uyển Tập Anh (Anh Tú Vườn Thiền) ghi lại cuộc đối thoại giữa ngài với Thiền Sư Bản Tịch ở chùa Chúc Thánh, nhân dịp ngài cùng với thiền sư đến nhà đàn việt để thọ trai, trên đường đi sư hỏi: Thế nào là ý chỉ của Tổ Sư? Sao thầy lại nghe theo nhân gian làm những chuyện đồng cốt mê hoặc? Bản Tịch đáp: Lời nói ấy đâu phải là không do đồng cốt giáng thần? Sư thưa: Chẳng phải là Hòa Thượng đùa bỡn con hay sao? Bản Tịch đáp: Ta chẳng hề đùa bỡn tí nào! Sư không nắm được ý chỉ của thầy bèn cáo biệt ra đi.
12/08/2014(Xem: 16607)
Cô là 1 nữ sinh trẻ nhất của Sài Gòn đã anh dũng ngã xuống trước họng súng của quân thù tàn bạo trong 1 buổi sáng mùa thu năm 1963 trước cửa chợ Bến Thành, với hàng ngàn sinh viên, học sinh và nhân dân phật tử trước cửa chợ Bến Thành. Và ngay sau đó, Thành hội sinh viên học sinh Sài Gòn đã quyên góp vận động ủng hộ xây bức tượng thờ người nữ học sinh anh hùng tuổi 15 đặt ngay công trường Diên Hồng trước cửa chính chợ Bến Thành ngày nay với sự chứng kiến của hàng ngàn người dân, phật tử thành phố và sinh viên, học sinh.
09/08/2014(Xem: 12749)
Hòa thượng Họ Đinh, húy Văn Nam, là đệ tử của cố Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Đệ nhất Tăng thống GHPGVNTN, pháp danh Tâm Trí, tự Minh Châu, pháp hiệu Viên Dung, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1918 (Mậu Ngọ) tại làng Kim Thành (Quảng Nam); nguyên quán làng Kim Khê, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là cụ ông Đinh Văn Chấp và thân mẫu là cụ bà Lê Thị Đạt. Gia đình Hòa thượng có 11 người anh em, Hòa thượng là con trai thứ tư trong gia đình. Vốn sinh trưởng trong gia đình vọng tộc Nho gia, thân sinh của Hòa thượng đỗ tiến sĩ Hoàng giáp năm 21 tuổi (khoa Quý Sửu 1913, niên hiệu Duy Tân thứ 7). Nhờ ảnh hưởng sâu đậm nền giáo dục của cụ ông từ bé, vì vậy Hòa thượng rất cần mẫn đèn sách, chăm chỉ học hành, trí tuệ phát triển sớm. Năm 1939, Hòa thượng đỗ bằng cao đẳng tiểu học Đông Dương; năm 1940 Hòa thượng đỗ tú tài toàn phần tại Trường Khải Định - Huế (nay là Trường Quốc Học); và cùng thời gian này, Ngài được bổ làm Thư ký Tòa Khâm sứ tỉnh Thừa Thiên. Sau một năm
03/08/2014(Xem: 6836)
Lễ nhập quan được cử hành tại Bình Quang Ni tự vào lúc 18g00 cùng ngày. Lễ phúng viếng bắt đầu từ 8g00 ngày 9-7 Giáp Ngọ (4-8-2014). Lễ truy niệm được cử hành vào lúc 4g00 sáng nay, 12-7 Giáp Ngọ (7-8-2014); lễ phụng tống kim quan vào lúc 6g00 sáng cùng ngày. Nhục thân cố Ni trưởng tới đài hỏa táng núi Dinh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm lễ trà-tỳ. Tro cốt của Ni trưởng sẽ được nhập bảo tháp tại Bình Quang Ni tự. Được biết, cố NT.Thích nữ Huyền Tông thế danh Dương Thị Ngọc Cúc, sinh năm 1918 tại P.Đức Thắng, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Vì sớm giác ngộ lý vô thường, nên năm 17 tuổi (1936), Ni trưởng cùng người cô của mình là cố Ni trưởng Huyền Học quyết tâm vào Sài Gòn xuất gia với cố Ni trưởng Diệu Tịnh tại chùa Hải Ấn. Đến năm 1940, Ni trưởng được thọ giới Cụ túc tại Giới đàn chùa Vạn An (tỉnh Sa Đéc). Suốt hơn 2/3 thế kỷ tu học và hành đạo, Ni trưởng đã tham gia vào phong trào đấu tranh yêu nước trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1945, đấu tranh đòi quyền bình đẳng tô
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]