Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hòa thượng Hộ Nhẫn (Khantipala Mahathera)

19/10/201317:55(Xem: 7474)
Hòa thượng Hộ Nhẫn (Khantipala Mahathera)
HT Ho Nhan
Hòa thượng Hộ Nhẫn
(Khantipala Mahathera)

Trưởng Lão Hòa Thượng thế danh Tôn Thất Thuế, sinh năm 1924 tại thôn Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngài thuộc dòng dõi hoàng gia Đệ cửu hệ, Tứ phòng. Phụ thân là Cụ ông Tôn Thất Tích, pháp danh Nguyên Phước, mẫu thân là Cụ bà Phan Thị Cưỡng, pháp danh Nguyên Thâm, đều là những nông dân hiền lương, chất phác.

Ngài có tất cả năm anh chị em, hai trai, ba gái. Hiện tại, một gái đã mất, còn Ngài và hai em gái đều theo Phật xuất gia. Hai thân Ngài đều đã khuất núi.

I. Thuở ấu thời

Ngài có thể chất văn nhược, mảnh dẻ nhưng có ý chí, nghị lực phi thường; đặc biệt là thông minh, sáng dạ. Năm 1934, lúc 10 tuổi, Ngài đã đỗ bằng Yếu lược. Năm 1937, lúc 13 tuổi Ngài đỗ bằng Primère. Sự học đang thành đạt như vậy nhưng vì gia đình quá nghèo khổ, Ngài đành phải bỏ học để phụ giúp công việc ruộng vườn với cha mẹ.

Năm 1939, lúc 15 tuổi, mặc dù còn nhỏ nhưng do tư cách, phẩm chất đứng đắn, Ngài được cụ Tôn Thất Cổn mời làm thư ký cho Tôn Nhân Phủ ở Thành Nội Huế. Công việc của Ngài là trông coi sổ sách giấy tờ cho Thế Miếu. Ba năm làm việc ở đây, Ngài vừa có đồng lương đỡ đần gia đình vừa có thì giờ để nghiên cứu kinh sách.

II. Xuất gia tầm đạo

Hôm kia, duyên lành dẫn dắt, Ngài đọc được một quyển sách nói về cuộc đời Đức Phật Thích Ca từ Đản Sanh đến Nhập Diệt. Xúc động quá, Ngài tự nghĩ: "Cuộc đời vắn vỏi, sống chết vô thường, ta phải noi gương Đức Phật từ bỏ tất cả để tầm cầu Con Đường Vô Thượng. Đây mới là ước mơ chân chính trên thế gian này mà từ lâu ta hằng mơ hồ dự cảm".

Thế rồi, năm 1942, sau khi suy nghĩ chín chắn, Ngài rời Miếu Đường Hoàng gia trở lại quê nhà, khẩn khoản, tha thiết xin cha mẹ xuất gia làm cho hai vị rất ngạc nhiên. Con đường công danh sự nghiệp đang mở rộng, một đời sống hạnh phúc, cơm no áo ấm đầy hứa hẹn ở tương lai, sao đứa con lạ đời này lại chối từ tất cả? Dẫu thương con nhưng cũng không thể chiều theo ý con để chấp nhận ước vọng nghịch đời, cha mẹ Ngài thẳng thừng từ chối. Tuy nhiên, vừa hiếu từ, vừa ôn nhu; Ngài lấy khổ nhục để tỏ bày ý chí kiên định của mình nên cuối cùng, cha mẹ Ngài đành nuốt nước mắt cho Ngài ra đi.

Thế là vừa tròn 18 tuổi, người con trai nom vẻ khô gầy nhưng cương nghị ấy đã tự cạo đầu, khoác áo nâu sồng tìm đến chùa Cao Minh trong làng xuất gia tu học. Ở đây, Ngài phải tự mày mò tìm kiếm, tự đọc kinh sách và suy nghĩ pháp môn thích hợp cho mình. Tu khổ hạnh là con đường mà Ngài lựa chọn. Thế rồi, mỗi ngày, Ngài chỉ dùng một nắm rau sống bất kể xanh hay vàng, không có muối cùng với bát nước trong, chẳng dùng thêm bất kỳ một thứ gì khác.

Năm 1945, do chiến tranh bom rơi đạn lạc, Ngài cùng với số người thân cận tìm cách tản cư. Trên đường về Huế, gặp chùa Vô Vi, Ngài xin ở lại đây để tu tập. Pháp môn khổ hạnh Ngài vẫn duy trì, đồng thời Ngài vẫn lấy hơi thở làm đề mục thiền định.

Thời gian trôi qua, tính đến hôm ấy thì Ngài ăn rau sống, uống nước lã đã ba năm; thân thể Ngài chỉ còn xương và da, cơ thể quá suy nhược, đã chết đi sống lại mấy lần nhưng Ngài vẫn kiên định, không thối chí, ngả lòng mặc dầu các thân nhân bên cạnh khóc ngày, khóc đêm.

Hôm kia, do quá suy kiệt, máu huyết khô cạn, sự sống chỉ còn thoi thóp, mong manh; từ tư thế tọa thiền, Ngài bất tỉnh, mê lả đi. Trong mơ màng, Ngài thấy có người đến lay gọi rồi nói vào tai với đại ý rằng: "Bồ tát sáu năm khổ hạnh sai lầm, còn Thầy cũng đã hơn ba năm khổ hạnh sai lầm. Khổ hạnh chỉ đưa đến cái chết chứ không thể đưa đến giác ngộ, giải thoát đâu". Tỉnh lại, thấy xung quanh cửa đóng then cài, biết là chư thiên hộ pháp kinh cảm nhắc nhở, Ngài vô cùng tri ân. Bắt đầu từ đây, Ngài ngọ trai bằng hai chén cơm lửng, muối dưa chay đạm với một bát nước trong.

Năm 1947, lúc Ngài 23 tuổi, nghe tiếng tu hành của Ôn Châu Lâm; Ngài từ giã chùa Vô Vi tìm đến Ôn để xin thụ giáo. Ở đây được hai năm rưỡi, Ngài được Ôn Châu Lâm tận tình hướng dẫn Kinh, Luật và chữ Hán, sau đó cho thọ Sa di giới. Nhờ khiêm nhu, đức hạnh, tu hành tinh tấn nên Ngài được Thầy thương, bạn mến, gần xa người người kỉnh mộ.

III. Thọ Đại Giới và dự Hội nghị kết tập Tam Tạng

Vào đầu thập niên 50, Phật giáo Nguyên Thủy đã có mặt ở miền Trung, Ngài được thấy, được gặp Hòa Thượng Giới Nghiêm. Do tăng tướng phẩm mạo và hình ảnh tam y, nhất bát, đầu trần, chân đất của vị sư nguyên thủy mà làm cho Ngài xúc động mạnh. Ngài tự nghĩ: "Đúng rồi! Đây chính là hình ảnh của Đức Phật và Chư Tăng thuở xa xưa nào ở kinh thành Xá Vệ. Con đường này hợp với chí nguyện và sở thích của ta". Thế rồi, từ giã ngôi chùa Châu Lâm thân yêu, Ngài tìm đến Chùa Tam Bảo, Đà Nẵng và được Hòa Thượng Giới Nghiêm hướng dẫn Kinh, Luật Pàli.

Năm 1952, Ngài được Hòa Thượng Thiện Luật cho xuất gia Sadi, mang y bát; ngày ngày khất thực, thiền định vô cùng tinh tấn.

Cũng trong năm này, Ngài được tháp tùng Hòa Thượng Bửu Chơn đi Miến Điện dự Hội nghị Phật giáo lần thứ 3; sau đó được ở lại để dự Đại Hội kết tập Tam Tạng Thánh Điển Pàli lần thứ 6 tại Rangoon.

Vào ngày 29-12-1955, Ngài được duyên lành tối thắng thọ Cụ Túc Giới tại thạch động Pirimangalà; Thầy Tế độ là Đại Hòa Thượng Thánh Tăng Pokokku Sayadaw; đương nhiệm Pháp Chủ chứng minh tối cao Đại Hội kết tập Thánh Điển Tam Tạng. Cũng là kỳ duyên hy hữu nữa, hai bậc cao đức tôn giả vấn đáp trong Đại hội kết tập Tam Tạng là Pháp Sư Nandàvamsa tinh thông Tam Tạng Pháp Học; và Thiền Sư Mahàsì Sayadaw, tinh thông Pháp Hành - là hai vị thầy Yết-ma và Giáo Thọ A-xà-lê của Ngài. Tăng Hội chứng minh hôm đó gồm 300 vị cao Tăng của thế giới. Ngoài ra, trong thời gian này, Ngài còn được học Thiền Vipassanà với Thiền Sư Mahàsì Sayadaw nổi danh đương đại.

Sau Đại Hội kết tập Tam Tạng, Ngài thỉnh được Xá lợi Phật, Xá lợi Chư Thánh Tăng và Tam Tạng Pàli Miến về nước. Hiện nay, Xá lợi Phật, Xá lợi Chư Thánh Tăng được tôn thờ ở Thiền Lâm Thánh Tháp và Tam Tạng Pàli Miến còn bảo lưu ở Chùa Tam Bảo - Đà Nẵng.

IV. Sự nghiệp hoằng pháp

Năm 1958, vì nhu cầu của Giáo Hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Ngài rời Tam Bảo tự về trụ trì Chùa Tăng Quang, Gia Hội, Huế; và vẫn giữ hạnh trì bát đầu đà, tùy duyên hóa độ chúng sanh.

Năm 1960, Ngài xin phép Giáo Hội rời Tăng Quang lên thôn Thượng II, xã Thủy Xuân dựng cốc lá giữa tha ma mộ địa vắng người để tu hành. Và chính ở đây, hạnh độc cư thiền định và trì bát đầu đà của Ngài đã xúc động tín tâm và lòng kỉnh mộ của nhiều người.

Năm 1966, Thiền Lâm Thánh Tháp được hình thành và lần hồi, nhờ phước đức thanh tịnh của Ngài, qua vài đợt tu sửa, ngôi chùa mới có tầm vóc như hiện nay.

Tháng 11/1997, Ngài được cung cử vào Thành viên Hội đồng Chứng Minh GHPGVN và Phó Chủ Tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.

Năm 1998, Ngài được toàn thể Chư Tăng và Phật Tử PGNT suy tôn lên ngôi vị Tăng Trưởng do đạo hạnh thanh cao, pháp lực nghiêm minh và giới luật tinh khiết của Ngài.

Suốt mấy năm trường, vì công việc của Giáo hội, nhu cầu của hệ phái, Ngài ra Bắc, vào Nam dự Đại hội hoặc đi thăm thú các chùa đó đây luôn luôn với nụ cười hoan hỷ. Gặp Chư Tăng hay Phật Tử, bao giờ Ngài cũng sách tấn việc tu hành với lời lẽ giản dị, từ hòa. Và điều đặc biệt nhất, tối thắng và ưu việt nhất là nhờ "thân giáo vô ngôn" từ nơi Ngài mà uy đức của Ngài ngày thêm sáng rỡ. Chư vị Tôn Đức, các bậc chức sắc Giáo Hội và Chính quyền dường như ai cũng cảm mến Ngài. Chư Tăng và Phật tử không kể Nam Bắc Tông, ai ai cũng kỉnh mộ và mến thương Ngài.

V. Năm tháng và trước giờ thị tịch

Chư Tăng và Phật Tử thân tín, ai cũng biết là năm 2002 Ngài sẽ xả báo thân. Do đức khiêm tốn, Ngài thường nói rằng: "Có sinh ắt có tử. Đức Phật, Niết Bàn năm 80 tuổi - nên Sư muốn ra đi với tuổi thọ sau Đức Phật chút ít." Biết lời nguyện của Ngài nên đầu xuân 2002, một số Phật Tử đứng ra tổ chức lễ mừng thọ Ngài. Dịp này, Chư Tăng và Phật tử đồng quỳ xin Ngài xả bỏ lời nguyện, trụ thế một thời gian nữa để cho chúng đồ có nơi nương tựa. Ngài chẳng gật đầu, chẳng lắc đầu, chỉ mỉm cười nói: "Thôi, thì cứ để tùy duyên".

Hỡi ôi! Hóa ra "tùy duyên" là vậy. Hóa ra, tùy duyên là đúng như câu kệ của Ngài Sariputta:


"Sự sống chẳng đeo níu!
Sự chết có lo chi!
Còn duyên, thời thì ở
Hết duyên, thời thì đi
Chẳng hy cầu, tham luyến
Tùy hữu vi, vô vi!"

Thế cho nên, gần 80 tuổi, sức khỏe Ngài vẫn tốt, nắng mưa sương tuyết, Ngài vẫn đều đặn khất thực trong xóm làng, hang cùng ngõ hẹp, không bỏ một buổi nào. Ngài ra đi không cảm mạo, không một giờ nằm bệnh, như ngọn đèn, gió thổi qua là tắt. Có lẽ nào lời nguyện xưa của Ngài, Ngài chẳng cần dụng tâm hóa giải làm gì, cứ tùy duyên thôi sao?

Vào lúc 8 giờ sáng, ngày 7 tháng 9 năm Nhâm Ngọ (12-10-2002), Ngài thâu thần thị tịch như đi vào giấc ngủ vĩnh hằng, thần sắc an nhiên, tươi tỉnh. Vài phút trước khi đi, Ngài còn tỉnh giác, chánh niệm nghiêng người lại, tay phải gối đầu giống y tư thế Đức Phật Đại Bát Niết Bàn.

Ôi! Một ngọn núi vô danh nhưng có một nhân cách tu hành kiệt xuất đến ở thì ngọn núi kia cũng trở nên hữu danh! Một miền rừng cây cỏ bình thường nhưng nếu có một loài hoa kỳ lạ xuất sinh thì cả không gian ấy đều được thơm hương! Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam sau khi các bậc thạc đức, cao tăng ra đi, tòng bách thiền lâm lần hồi thưa bóng; nhưng cuộc đời và hành trạng của Đức Tăng Trưởng quả là tàn xanh đại thụ tỏa bóng mát sau cùng cho tất thảy Tăng tín đồ hậu tấn.

Trời đất không nói gì mà trời thì cao, đất thì rộng. Hư không không nói gì mà hư không che chở dung bao vạn loài! Năm mươi năm qua đi, Ngài chỉ im lặng trì bình, im lặng thiền định mà đã để lại một vầng trăng sáng dịu giữa cuộc đời và giữa lòng người.

Ôi! Thiếu vắng Ngài thì Phật Giáo Việt Nam thưa thớt một tàn cổ thụ, PGNTVN mất đi một người cha lành không ai thay thế nổi; và tín đồ Phật tử mất đi một bậc chân tu sáng ngời đạo hạnh mà người người hằng kỉnh mộ, tôn thờ.

Ngưỡng nguyện thập độ Ba-la-mật của Ngài sớm toàn thiện và viên thành.

(Trích tài liệu của Ban Tổ Chức Tang Lễ Cố Trưởng Lão Hộ Nhẫn,
Thừa Thiên Huế, 20-10-2002)



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/06/2021(Xem: 9283)
Mười tuổi không may mất mẹ cha Cư tang hiếu kính vẹn tình nhà Ân sâu dốc trả tâm quy đạo Nghĩa nặng mong đền chí xuất gia Phật Pháp tinh thông an lạc hiện Thiền Kinh quảng lãm não phiền xa An Ban Thủ Ý vui nguồn sống Lục Độ Tập Kinh toả đức hoà.
15/06/2021(Xem: 4455)
Tán Thán Công Hạnh Tôn Sư Thành Kính Tưởng Niệm Cố Thượng Toạ thượng Chơn hạ Kiến. Kính nguyện Giác Linh Thượng Toạ Cao Đăng Phật Quốc. Vạn Đức già lam nhập đạo thiền Tinh cần sớm tối học kinh thiêng Đèn tâm chiếu sáng thơm hương giới Đuốc tuệ ngời soi toả đức nguyền Chơn Kiến suy tầm chân diện mục Ẩn Minh hiển thị diệu tâm nguyên Hoằng dương giáo pháp noi gương tổ Hoá độ sinh linh, độ chúng duyên.
14/06/2021(Xem: 8186)
Điện Thư Phân Ưu Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật Thay mặt Tu Viện Quảng Đức & Trang Nhà Quảng Đức chúng con thành tâm phân ưu: Hòa Thượng Thích Bổn Đạt (Bổn Sư của TT Nguyên Mãn) Giáo Hội Canada cùng môn nhơn pháp quyến Chùa Long Hoa, Toronto, Canada. Nhất tâm cầu nguyện Giác Linh Thượng Tọa Thích Nguyên Mãn Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Kinh Tế-Tài Chánh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Canada Trụ Trì Chùa Long Hoa, Toronto, Canada Thuận thế vô thường viên tịch vào ngày 5/6/2021 (25/4/Tân Sửu) tại Canada Trụ thế : 75 năm ; 25 Hạ lạp CAO ĐĂNG PHẬT QUỐC *** Nay Thành kính Phân Ưu Thượng Tọa Thích Tâm Phương Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức Đại Đức Thích Đăng Từ Tri Sự Tu Viện Quảng Đức Nguyên Dũng Phạm Thanh Hùng Gia Trưởng Gia Đình Phật Tử Quảng Đức Quảng Tịnh Nguyễn Kim Phương Ban Quảng Đức Đạo Ca
14/06/2021(Xem: 9828)
Cáo Bạch Tang Lễ Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Tâm (vừa viên tịch tại Chùa Bảo Quang, Hamburg, Đức Quốc)
12/06/2021(Xem: 15345)
Viết về lịch sử của một Dân Tộc hay của các Tôn Giáo là cả một vấn đề khó khăn, đòi hỏi ở người viết phải am tường mọi dữ kiện, tham cứu nhiều sách vở hay là chứng nhân của lịch sử, mới mong khỏi có điều sai lệch, nên trước khi đặt bút viết quyển “Lịch sử Phật Giáo Việt Nam tại Hải Ngoại trước và sau năm 1975” chúng tôi đắn đo suy nghĩ rất nhiều...
05/06/2021(Xem: 4849)
Tôi gặp Đệ Quang Sơn lúc đang còn là chú Sa Di, nhân duyên ấy là từ nguồn Facebook, nên Huynh đệ có những lần đàm thoại. Xa vắng một khoảng thời gian Đệ Quang Sơn phải chuyên tâm Ôn Luật, để xứng danh là Hàng thích tử của Như Lai, dự vào ngôi nhà Tăng Bảo. Mãi đến năm 2018, tôi tình cờ gặp lại trong tang lễ của bố chị Thanh Lan ở phố cổ Hà Nội, lúc bấy giờ Huynh đệ thêm nhiều câu chuyện. Hôm ấy, vào mùa Hạ tháng nhuận năm Kỷ Hợi, huynh đệ về thăm chùa Kim Lôi- Thôn An Tiến,Xã An Ninh, Huyện Bình Lục- Tỉnh Hà Nam. Tôi lưu trú một đêm, nên huynh đệ đã tâm sự. Đệ bảo rằng:
29/05/2021(Xem: 4049)
Đệ Tử chúng con, hàng hậu học Tỳ Kheo Thích Minh Thế- Huế thuộc Môn Phong Tổ Đình Từ Hiếu, được nhân duyên diện kiến Ngài 3 lần, một lần Chùa Bát Nhã, Lúc ở Chùa Hải Quang, trong mùa Huý Kỵ Ngài Nhật Lệ. Năm 2007-2008,2009,2010. Hay tại Chùa Quảng Hương Già Lam, nhân Huý kỵ Tôn Sư Thượng Trí Hạ Thủ- 2012-2014, tất cả đều ở Sài Gòn. Diện kiến Ngài là một lần học được tâm hạnh Khiêm cung, luôn lấy pháp Mật chú mà gia trì. Lấy giới luật mà dụng tu, lấy công phu trì niệm Pháp Hoa, Sám Lễ, Trì Chú Niệm Phật A Di Đà, để Huân nhiên chủng tánh. Diện kiến Ngài lúc nào cũng có chiếc gậy bên mình, vì đôi chân có phần chưa tốt, nên từ đó Diện kiến Ngài là đều hi hữu. Ngài từng dạy tại Trường Bồ Đề, nơi trú xứ Buôn Ma Thuột, giữ những lời dạy sâu sắc, tiếp nối truyền thừa lưu lại đàn hậu tấn về sau, các vị được thọ ân từ Ngài, giờ này cũng chấp cánh bay xa bên xứ ngoài, hay trong xứ, làm niềm vui an tịnh cho chính mình ở Bồ đề Tại xứ Buôn Mê. Ngài từng ngồi hành pháp
25/05/2021(Xem: 9271)
Đã nhiều năm rồi, Phật Tử Việt Nam cử hành đại lễ trong niềm hân hoan tự hào về một ngày lễ Vesak trọng đại được xưng danh một cách trang trọng là "Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc." Phật giáo là một trong bốn tôn giáo lớn của nhân loại. Con số Phật Tử dù vậy cũng chỉ khoảng 400-600 triệu. Với con số khiêm nhường đó, tiếng nói của Phật giáo không có ảnh hưởng gì đáng kể trong các quyết định của Liên Hiệp Quốc về vận mạng của các dân tộc trên thế giới. Phật Tử Việt Nam chính thức đón nhận "Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc" từ năm 2008. Từ đó đến nay, những phát biểu bởi các đại biểu từ nhiều nước tán dương Đức Phật quả là quá nhiều, nhưng chưa có bất cứ đóng góp thiết thực đáng kể nào cho khát vọng hòa bình của nhiều dân tộc bị áp bức, bóc lột bởi chính quyền của nước mình; bị đe dọa bởi tham vọng bá quyền của nước lớn.
22/05/2021(Xem: 6480)
Trưởng lão Hòa thượng tân viên tịch thế danh Nguyễn Thanh Bình, sinh năm Tân Mùi (1931) tại thôn Mỹ Duyệt Hạ, xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Như Hưng, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Huấn, Trưởng lão Hòa thượng là con thứ hai trong bốn anh em (hai trai hai gái). Lúc lên 11 tuổi (1942), được sự cho phép của song thân, Hòa thượng đến chùa Đặng Lộc đảnh lễ ngài Hòa thượng Thích Định Tuệ xin được xuất gia và được bổn sư ban cho pháp danh Lệ Chân, pháp tự Thiện Hạnh.
16/05/2021(Xem: 12450)
Nhận xét rằng, Chúng ta đang đứng trước một khúc quanh gấp của lịch sử nhân loại. Đại dịch Covid-19 đã khép kín mỗi cá nhân trong một không gian chật hẹp, cách ly xã hội, cô lập cá nhân, cách ly cả những người thân yêu. Nó đã tạo ra những khủng hoảng tâm lý trầm trọng trong nhiều thành phần xã hội. Một số đông bị quẫn bức, không thể tự kềm chế, bỗng chốc trở thành con người bạo lực, gieo kinh hoàng cho xã hội. Một số khác, có lẽ là số ít, mà phần lớn trong đó là thanh thiếu niên, khởi đầu cũng chất đầy oán hận trong lòng, nhưng rồi trước ngưỡng sinh tử sự đại, tự mình phấn đấu tự kềm chế, cuối cùng đã khám phá chính mình, trong trình độ nào đó, với những giá trị nhân sinh chỉ có thể tìm thấy trong những cơn tư duy thầm lặng. Giá trị nhân sinh không thể tìm thấy bằng những cao trào kích động của tuổi trẻ. Thế hệ ấy sẽ làm thay đổi hướng đi của lịch sử Đông Tây qua hai nghìn năm kỷ nguyên văn minh Cơ-đốc, khi mà tín đồ có thể liên hệ trực tiếp với đấng Chí Tôn của mình qua mạng truyền
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]