Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kính tiễn HT Minh Tâm (Thoại Hoa)

06/09/201318:25(Xem: 14997)
Kính tiễn HT Minh Tâm (Thoại Hoa)

Tưởng niệm Giác Linh

Hòa Thượng Thích Minh Tâm

(1940-2013)

An nhiên thị tịch tại Turku, Phần Lan vào ngày 8.8.2013

Thế thọ 75 tuổi ; gồm 64 đạo lạp và 46 hạ lạp

---------------------------------

Thoại Hoa


khoatu_auchau_7

Những kỷ niệm nhớ thương về Hòa Thượng Thích Minh Tâm biết nói sao cho xiết. Tôi chỉ xin phép viết đôi lời về những ngày đầu được gặp Thầy, khoảng hơn bốn mươi năm về trước...

Vào năm 1971, tôi được Cha tôi dẫn đến thăm Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh. Lúc đó Thầy Nhất Hạnh ở Nhật vừa sang Pháp, thuê một căn nhà nhỏ, chỉ có một phòng duy nhất, bên đây gọi là studio. Căn nhà này nằm ở Paris quận 18, trên đường “ La Goutte d’Or ”. Thành phố Paris có hết thảy 20 quận, quận 18 là quận không có an ninh nhất, dễ sợ lắm. Đừng đến xóm “ La Goutte d’Or ” vào buổi sớm tinh sương hay buổi tối. Những lúc đó, trong nhiều hành lang căn hộ, đầy người, trẻ có, già có, nằm trên nền gạch, cạnh những bơm tiêm, xơ ranh và kim ống tiêm..., rải rác đó đây. Phải cẩn thận giữ chánh niệm, nhìn bước chân mình đi, tránh người nằm dưới đất, đừng đạp phải kim ống tiêm....
Lúc đó Thầy Nhất Hạnh có năm vị sư đến ở tá túc. Một trong năm vị đó là Thầy Minh Tâm. Bây giờ nhớ lại ngày đó, tôi thấy quả là trong căn phòng nhỏ này ở xóm “La Goutte d’Or”, vào năm 1971, bổng dưng xuất hiện Sáu Vị Bồ Tát !

Vì chỉ có một căn phòng duy nhất, mỗi tối sáu Thầy kéo chiếu nệm ra trên sàn nhà, nằm sắp xếp thẳng hàng. Còn vấn đề ăn uống thì chắc là vô cùng khó khăn. Đúng là giai đoạn các quý Thầy đã “ tu khổ hạnh ”.

Tôi tỏ lòng rất ngưỡng mộ quý Thầy và muốn xin đi tu, thì Thầy Nhất Hạnh và Thầy Minh Tâm giảng cho tôi về tu trong chùa và tu tại gia. Hai Thầy đều nói cách tu khó nhất là tu tại gia. Sau này càng lớn tuổi, tôi càng thấy đó là những lời chân lý vàng ngọc phải ghi nhớ và học hỏi suốt đời.
Ít lâu sau, tôi được biết Thầy Minh Tâm trở về Nhật vì một lý do riêng.

Hai năm trôi qua.... Năm 1973, tôi được tin Thầy Minh Tâm trở lại Pháp, thuê một căn nhà ở ngoại ô Arcueil, cách Paris chừng bảy cây số về phía Nam. Căn nhà đó có hai phòng, một phòng để tiếp khách, một phòng ngủ, và một cái bếp nhỏ. Chúng tôi chỉ dưới mười Phật tử, mỗi chúa nhật đều đến thăm Thầy. Mỗi người mang một món ăn. Mọi người chia xẻ những gì Phật tử mang đến. Ở bên Tây mà không ngồi bàn ghế, chỉ ngồi bệt trên chiếu. Thầy trò đều nghèo mà! Tôi thì chuyên môn chỉ có một món ruột là món xôi, kỳ này xôi đậu xanh, kỳ tới xôi vò (cũng từ đậu xanh mà ra, nhưng làm hơi mất công một chút), rồi hôm khác thì xôi đậu đỏ, ngày nọ đậu đen, rồi có khi thì đậu trắng. Thầy Minh Tâm vui tánh, nói: “ Chà hôm nay được ăn sang đó nha, có cô Thoại Hoa mang xôi đậu đến, hôm nay xôi đậu gì đó ? Lại có Bà Trực đem đến nồi chè nữa, thế là quá đủ rồi!” Ai cũng phá lên cười! Hôm nào có ngày lễ giỗ của thân nhân trong nhóm Phật tử, thì lại có người mang đến “mắm chay”. Ăn xôi của tôi thì khỏi rửa nồi, vì thiên hạ ăn sạch. Lần nào tôi cũng đem nồi không về nhà. Ăn uống lúc đầu toàn dùng chén đĩa giấy. Sau này Phật tử mới mang đến chén đĩa thứ thiệt. Hể có chổ nào bán hạ giá, thì Phật tử mua về cho Thầy...
Chúng tôi luôn luôn nói ước mong ngày nào đó Thầy sẽ lập chùa. Mỗi khi nghe nói vậy thì Thầy cười vui vẻ, từ bi. Thầy nói: “ Chắc đến Tết Ma Rốc quá!”. Cả bọn cười vui vẻ. Đời sống ấm cúng như trong một gia đình. Thầy Minh Tâm vừa đóng vai người Cha vừa đóng vai người Mẹ! Trong tuần, chúng tôi ai cũng đi làm, chỉ chờ ngày chúa nhật về thăm “Cha Mẹ”, là Thầy Minh Tâm.

Dạo đó Thầy rất ít Phật tử. Nhiều chúa nhật cở sáu giờ chiều Phật tử về hết ráo. Một buổi chiều, tôi không có mặt, ông bà Trực mời Thầy lên xe về nhà tôi, nhà cách xa Thầy chừng năm cây số.

Buồn cười lắm, kỳ đó ông bà Trực đưa Thầy Minh Tâm đến nhà vợ chồng tôi, mà không báo trước. Hôm đó ở nhà tôi chỉ có một món ăn duy nhất là món Phở Bắc! Tôi ở ngoại ô, lúc đó tối rồi, lại là ngày chúa nhật, đâu có tiệm quán nào mở cửa mà chạy đi mua thức ăn này kia. Bà Trực nói: “ Thôi, Thầy độ buổi cơm tối này cho vợ chồng cô Thoại Hoa. Thầy ăn bún phở và dùng nước xúp thôi, “cữ cái ăn nước” nha Thầy”. Thầy hoan hỷ, cười từ bi, cầm đôi đủa ngang trán khấn rồi chỉ ăn tô bún và nước xúp thôi.

Rồi bỗng một hôm, bà Trực gọi điện thoại cho hay Thầy Minh Tâm nhập viện, sắp được giải phẫu trong vài ngày nữa. Tôi đi sanh mới về, bận bịu với con mọn, lại là con đầu lòng, nên còn lọng cọng lắm. Tôi chỉ gọi điện thoại vào bệnh viện thăm Thầy. Tôi hỏi: “Thầy là một Vị Tu sĩ, Thầy đâu có sợ giải phẫu, phải không Thầy?” Thầy trả lời bình dị: “ Có chứ, Thầy cũng sợ như mọi người, Thầy sợ chết chứ! Thoại Hoa tụng kinh cầu nguyện cho Thầy nha!” Tôi hiểu Thầy sợ chết vì còn nhiều dự định trong đầu mà chưa thực hiện được. Tôi trả lời: “Dạ, con sẽ tụng kinh cầu an cho Thầy. Ở bên đây họ giải phẫu giỏi, Thầy đừng lo.” Kết quả là họ mổ bao tử Thầy, lấy hết ba phần tư, chỉ để lại một chút nhỏ như quả quắt.
Rồi thầy cũng khỏe lại, lấy sức lại. Thầy có Chư Phật Bồ Tát gia hộ, nên chiều ngày đó, tối rồi, không hiểu tại sao có một Phật tử đến thăm, vào phòng thấy Thầy nằm bất tỉnh. Người này gọi cấp cứu, xe cứu thương đến mới cứu Thầy kịp thời.

Mười năm sau Thầy dọn nhà, đến Bagneux, cách chổ ở trước chừng năm cây số. Đây là một ngôi biệt thự nhỏ. Thầy cho sửa chữa lại khá nhiều, không bỏ phí một chổ nào. Thầy cho đào móng, ở phía dưới hầm làm phòng ăn cho khách thập phương, và nhà bếp, một phòng nhỏ ở phía trong để một cái bàn ăn cho Chư Tăng Ni. Thầy bình dân lắm, vẫn luôn luôn ngồi ăn cùng bàn với Phật tử. Thầy xem ai cũng như người nhà vậy. Ngôi nhà này Thầy làm chùa và đặt tên là Khánh Anh, tên của một vị Sư Tổ. Lúc đó thì Thầy cũng chưa có Phật tử nhiều, cho nên Thầy chia ra mỗi ngày một người nấu ăn, một người chùi lau bụi bặm trên bàn thờ Phật, bàn ghế kệ tủ đựng kinh sách. Mỗi ngày cũng có người chùi cầu tiêu. Thầy rất công bằng, trong tuần chia việc ra đều và Thầy cũng có phần làm việc như mọi người. Một hôm đến phiên Thầy chùi lau, mấy đứa trẻ vào chùa, thấy Sư Ông đang cầm cái chổi lông gà phất phất, có đứa hô to lên: “ Thầy để lại một chút bụi trần gian cho tụi con với!” Thầy lắc đầu mĩm cười.

Một hôm khác tôi đang ngồi giúp Thầy làm giấy tờ, thì có mấy chú em Phật tử bước vào chùa. Đứa này hỏi đứa kia: “ Hôm nay là tới phiên ai nấu cơm vậy? ” Một em trả lời: “ Hôm nay là đến phiên của Sư Ông !” Chú kia nói: “ Thôi tôi đi về bạn ơi, vì Sư Ông sẽ cho ăn mì gói!”. Sư Ông nghe phá lên cười...Sư Ông là vậy đó, lúc nào cũng giản dị hiền lành.

Sau đó, chúng tôi dọn nhà ở xa, ít có dịp đến gặp Thầy, nhưng vẫn luôn liên lạc qua e-mail và thư từ, đóng góp vào các công việc Phật sự của chùa Khánh Anh. Phật sự của Thầy càng ngày càng mở rộng, Phật tử càng ngày càng đông. Trong các buổi lễ lớn đông người chúng tôi cũng ngại, chỉ đứng xa, không dám đến chào làm phiền Thầy.

Đến hồi tháng 5/2013, vợ chồng tôi gặp lại Thầy nhơn dịp Thầy đến làm chủ lễ đám tang của một anh bạn chúng tôi. Hai vợ chồng đến chào. Thầy mừng rở, hỏi: “ Châu có mạnh khỏe không, lâu quá Thầy không gặp hai vị ! ”. Thầy xoay qua phía tôi : “ Thoại Hoa sao nay tóc bạc quá vậy?” Tôi trả lời: “Thưa Thầy, con biết Thầy cũng được hơn bốn chục năm rồi, con đâu còn được tóc xanh mãi, tuổi của con cũng đã gần đất xa trời rồi đó !”

Tôi hỏi thăm Sư Ông: “ Dạo này sức khỏe Thầy ra sao?” Thầy chỉ nhìn tôi, cười mà không trả lời !

Chiều thứ Năm 08/08/13, đang ngồi làm việc, lúc 17 giờ, tôi nhận được tin từ Thầy Hạnh Thức báo rằng Hòa Thượng Minh Tâm đã viên tịch. Tôi không thể ngờ được. Tôi chạy vào phòng làm việc của nhà tôi để báo tin. Nhà tôi cũng không chịu tin, liền quay số điện thoại hỏi vài người quen, thì quả thật Thầy Minh Tâm đã ra đi. Lần này Thầy thật sự ra đi, vì đã bao lần Thầy cũng bệnh nặng lắm mà đều qua khỏi hết!

Người hiền lành như Sư Ông, suốt đời không làm buồn phiền ai, cho nên Sư Ông ra đi nhẹ nhàng tự tại, về cõi Niết Bàn.

Sư Ông đã gây dựng một công trình vĩ đại. Mọi Phật tử Âu Châu và thế giới đều biết. Các vị đã viết rất nhiều. Mấy dòng này tôi chỉ xin đóng góp một vài kỷ niệm riêng, nhất là những chuyện vui buồn mấy chục năm về trước...

Sự viên tịch của Hòa Thượng Thích Minh Tâm là một đại tang và một sự mất mát lớn không chỉ riêng cho môn đồ pháp quyến Khánh Anh mà chung cho Phật Giáo Việt Nam. Chúng ta đã mất đi một bậc Minh Sư khả kính,Thạch Trụ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại. Ngài đã cống hiến trọn đời mình để phụng sự Đạo Pháp và Dân Tộc.


Con thành kính hồi tưởng công hạnh tu tập và hoằng pháp lợi sinh của Ngài.

Con xin kính cẩn đê đầu đảnh lễ trước Giác Linh của Hòa Thượng và ngưỡng nguyện cho Giác Linh Ngài cao đăng Phật quốc, sớm hồi nhập Ta Bà, phân thân vô số, hoằng dương Chánh Pháp, hóa độ chúng sanh.

Nam Mô tiếp dẫn ĐẠO SƯ A DI ĐÀ PHẬT

Kính bái,

Thoại Hoa

htminhtam

Kính tiễn
Hòa Thượng Thích Minh Tâm
Thầy !
Nhẹ nhàng
Tự tại bước đi
Chuông chùa đổ vang!
Thầy vượt khỏi trần gian
Thầy đi, biết bao thương nhớ
Cây đứng trơ, cành quấn khăn tang
Đã bốn chục năm,Thầy biệt xứ!
Con xin lạy Đấng Giác Linh
Khói quyện quanh hình
Dâng hương kinh
Lời kính
Tiễn!

Thoại Hoa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/02/2015(Xem: 30386)
Ước vọng của con người luôn là những gì tốt đẹp, sung túc và dài lâu, cần phải đạt được trong một tương lai gần nhất. Nói cách thực tế theo quán tính của người bình phàm, thì đó là hạnh phúc (phước), thịnh vượng (lộc), sống lâu (thọ). Với các chính trị gia, và những nhà đấu tranh cho dân tộc, cho đất nước, thì đó là tự do, dân chủ, nhân quyền. Với đạo gia thì đó là giải thoát, giác ngộ, và niết-bàn.
01/02/2015(Xem: 11920)
Chân dung Chư Tôn Đức Giác Linh thờ tại Tu Viện Quảng Đức
23/01/2015(Xem: 12898)
Trang Nhà Quảng Đức vừa nhận được tin : Hòa Thượng Thích Tuệ Chiếu vừa viên tịch tại Hoa Kỳ Sẽ cập nhật thông tin tang lễ sớm nhất ngay khi có thể
22/01/2015(Xem: 8271)
Phật giáo Việt Nam vào cuối thế kỷ 20, Thiền sư Duy Lực đã thắp sáng lại ngọn đèn thiền, tô đậm nét Tông chỉ Tổ Đạt Ma, khôi phục Tổ sư thiền Việt Nam, trải qua hơn 20 năm chuyên hoằng dương Tổ Sư Thiền (dạy tham thiền thoại đầu) ở Việt Nam và các nước trên thế giới. Ngài xuất gia tại Từ Ân Thiền Tự, Chợ Lớn, Sài Gòn, thọ giới Tam Đàn Cụ Túc tại Chùa Cực Lạc Malaysia vào Tháng 05 năm 1974. Từ đó Ngài chuyên tham câu thoại đầu “Khi chưa có trời đất ta là cái gì?” trải qua nhiều năm, một hôm do đọc quyển Trung Quán Luận đến câu: “Do có nghĩa Không nên thành tựu tất cả pháp” đốn ngộ ý chỉ “Từ Không Hiển Dụng”.
13/12/2014(Xem: 12089)
HT Thích Thanh An vừa viên tịch
11/12/2014(Xem: 11137)
Video: Lễ tưởng niệm Cố HT Thích Tâm Thanh
12/11/2014(Xem: 9363)
Một thi hài được chôn dưới đất đã 30 năm, nhưng khi được khai quật và di dời thì hài cốt cũng như bộ cà sa và y phục vẫn còn nguyên vẹn. Những khớp xương chân tay vẫn dính chặt nhau và cứng như đá, đặc biệt hộp sọ có màu vàng. Câu chuyện đầy bí ẩn này xuất hiện tại chùa Long Bửu (thôn Xuân Vinh, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi), khi chùa khai quật di cốt cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Đức để đặt vào bảo tháp.
07/11/2014(Xem: 32010)
Nói "Chùa Khánh Anh sau 30 năm" có nghĩa là đã bắt đầu bước sang năm thứ 30+1... Thật vậy, chùa Khánh Anh bắt đầu sinh hoạt từ Lễ Phật Đản 1974, tức 1 năm trước biến cố lịch sử 30/4/1975. Tại sao lại không phải là sau ngày 30/4/75 như nhiều nơi khác, và nhiều chùa khác ở hải ngoại? Thưa quý vị và bà con cô bác, đó mới là có chuyện để kể lại. Và cái đoạn này có nhiều chuyện để kể lắm. Nghĩa là nguyên nhân do đâu, và từ bao giờ đưa đến việc thành lập chùa Khánh Anh trước năm 75 và sinh hoạt cho đến ngày hôm nay?
03/11/2014(Xem: 53069)
Theo truyền thống Tăng Già, hằng năm chư Tăng Ni đều tụ về nhóm họp một nơi kiết giới an cư, hầu thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới, Định, Tuệ là ba môn vô lậu học, tăng trưởng đạo lực sau những tháng ngày bận rộn hoằng pháp lợi sanh. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Úc Đại Lợi –Tân Tây Lan được thành lập năm 1999, mỗi năm đều qui tụ tại một trú xứ được chọn trước để an cư tu tập trong mười ngày. Năm nay Đạo tràng Tu Viện Quảng Đức chúng con được Hội Đồng Điều Hành và Tổng Vụ Tăng Sự giao phó trách nhiệm tổ chức Mùa An Cư lần thứ 15 của Giáo Hội. Đạo Tràng chúng con đã thỉnh ý Chư Tôn Giáo Phẩm trong Giáo Hội và quý Ngài đã đồng thuận tổ chức kỳ An Cư Kiết Đông năm nay tại Tu Viện Quảng Đức theo ngày giờ như sau:
01/11/2014(Xem: 6109)
Hòa Thượng Thích Tâm Hướng (1923 – 1997) Hoà thượng Tâm Hướng Pháp danh Nguyên Nguyện, hiệu Huyền Luận, thế danh Dương Xuân Đệ, đời thứ 44 dòng thiền Lâm Tế. Ngài sinh ngày 24 tháng 11 năm Quý Hợi (31/12/1923), tại làng Hương Cần, xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế trong một gia đình thâm tín Tam Bảo. Thân phụ là cụ Dương Xuân Ngô và thân mẫu là cụ bà Trần Thị Đặng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com