Tôi không có duyên may thân cận Sư. Chỉ qua những phật sự chung của giáo hội, được diện kiến Sư trong các buổi họp, hoặc đại hội. Cảm nhận sự hiện diện của Sư nơi đám đông, là người lặng lẽ nhất trong những người lặng lẽ. Ngồi nơi ghế cao mà thu mình lại như chưa hề ngồi đó. Đôi lần phát biểu thì ngôn ngữ cô đọng, kiệm lời, như chưa hề lên tiếng.
Một đôi lần ở bưu điện tại thành phố North Hills, thấy Sư ăn mặc đơn sơ, bộ vạt khách màu lam, lùi xùi, nhăn nhúm, quần ống cao ống thấp, như một thầy tu chùa làng. Người Sư nhỏ nhắn, nước da đen đủi, thấp thoáng hình ảnh của Thánh Cam-địa ở xứ Ấn. Chắp tay chào thì được đáp lại bằng đôi mắt tinh anh và nụ cười chân tình rạng rỡ. Ở đó, tôi mở hộp thư của tôi, Sư mở hộp thư của Sư. Thư từ mới nhận, bỏ vào đãy; rồi lôi ra một túi ni-lông đầy những phong bì lớn gửi sách. Sư đứng xếp hàng chờ tới phiên. Thấp người nhất trong số những người xếp hàng. Nét mặt an nhẫn, hiền hòa. Gửi sách đi đâu nhiều thế, mà tuần nào cũng thấy có mặt tại bưu điện! Sau đó mới biết Sư gửi kinh sách cho những ngôi chùa, hoặc tư gia phật-tử ở các tiểu bang xa. Công việc cũng âm thầm lặng lẽ như việc dịch thuật, trước tác nơi thư phòng nhỏ của Sư tại Phật học viện. Công việc ấy, không khác việc kết kén nhả tơ, không ồn ào phô trương, của một nhà văn hóa. Một nhà văn hóa trong nhân dáng của một thầy tu; một thầy tu đơn giản, đạm bạc nhất trong số các nhà sư hành đạo lâu năm tại hải ngoại.
Con người văn hóa ấy, âm thầm lui tới mấy mươi tiểu bang bằng phương tiện xe buýt, thành lập trên năm mươi tự viện, đạo tràng, tổ chức Phật giáo. Không một người nào trước Sư và sau Sư có thể làm được việc này. Đây quả là một kỳ tích. Không chỉ là kỳ tích của văn hóa, mà còn là kỳ tích của hoằng pháp giáo dục.
Những năm gần đây, biết tôi đơn độc chủ trương một tờ báo Phật giáo, Sư tận tình chia sẻ, khích lệ, đóng góp từ bài vở đến tài chánh. Khi báo bị đình bản, Sư gọi điện an ủi và thảo luận tìm cách tục bản. Tình cảm và sự ân cần ấy, Sư không nói hết bằng lời nhưng tôi có thể cảm nhận được bằng tâm ý. Tôi cũng chưa hề bày tỏ được với Sư niềm tri ân của tôi. Thầy-trò chỉ âm thầm hiệp ý, cùng nhìn về hướng tương lai dài lâu…
Đến khi có biến động, lủng củng trong giáo hội, Sư tuyên bố với các đồng đạo là muốn qui ẩn, chỉ lo việc văn hóa, dịch thuật, giảng dạy. Cũng phải. Con người khiêm nhã, lặng lẽ ấy, làm sao mà thích hợp với những chấp tranh, thị phi, mâu thuẫn và thủ thuật cơ tâm xảy ra nơi những đồng đạo mà Sư từng tin tưởng, cộng sự! Những ngày ấy thật là buồn. Tôi biết Sư cũng buồn. Buồn cho sự suy vi của Phật giáo. Sư gọi điện thoại trao đổi, chia sẻ với tôi nhiều lần. Vẫn luôn nhắc nhở con đường văn hóa, giáo dục mà người con Phật phải làm, bất kể là xuất gia hay tại gia. Thế rồi, cái thế và cái duyên bảo vệ ngôi nhà của thầy-tổ đương kỳ mục rữa, đã đẩy đưa Sư trở thành đầu tàu của tổ chức giáo hội dù Sư đã năm lần bảy lượt từ chối. Trong cung cách mà Sư từ chối địa vị lãnh đạo hàng đầu của tổ chức giáo hội, ai cũng nhìn ra đạo hạnh cao vời của một bậc chân tu thời đại.
Rồi một tờ báo khác của Phật giáo lại được khai sinh trong thời buổi nhiễu loạn nhất của nền Phật giáo hải ngoại. Sư tận tình góp sức, thường xuyên khích lệ tôi và nhắc nhở mọi người yểm trợ, xem như đây là tiếng nói của tổ chức, cũng là biểu hiện tối thiểu mà người con Phật có thể làm để góp phần hoằng dương Chánh Pháp qua con đường của văn hóa, nghệ thuật. Báo ra được hơn hai năm thì Sư ngã bệnh. Tôi được thăm Sư nơi giường bệnh tại chùa lúc Sư đã rời bệnh viện. Những lời cuối cùng mà Sư nói với tôi lúc đó cũng chỉ tập trung vào tờ báo. Sư bảo tôi yên tâm, tờ báo rồi cũng sẽ được tiến hành thuận lợi, sẽ có nhiều người hiểu được công việc của chúng ta, và họ sẽ ủng hộ.
Một tuần sau ngày đến thăm Sư nơi giường bệnh, tôi nghe tin Sư viên tịch. Sự viên tịch của Sư lại cũng là một kỳ tích. Khổ bệnh không lay động thân tâm. Điềm nhiên sắp xếp dặn dò các thứ. Đưa tay vẫy chào với đồng đạo lần cuối trong tiếng niệm Phật hộ niệm của đại chúng. Thở hơi cuối cùng thật nhẹ, rồi đi. Phong thái tự tại này, nếu không phải bậc thiền sư đạt đạo, không dễ gì có được.
Tang lễ Sư diễn ra trọng thể. Tăng Ni và phật tử kính viếng rất đông đảo. Tôi đến đảnh lễ Sư mà bỗng thấy đời mình sao trống rỗng, hụt hẫng chi lạ. Tôi muốn nói, muốn viết chi đó về Sư mà không viết được. Suốt gần một năm trời, bây giờ đã giáp năm, sắp đến lễ tiểu tường, tôi mới viết được những giòng này.
Có lẽ không cần phải tán thán ca tụng đường bay của hạc trắng ngang qua từng không. Có lẽ cũng không cần ghi lại dấu tích của một thiền sư, vì tất cả dấu tích đều huyễn mộng. Tôi chỉ muốn nói một điều thật chân tình: đã lâu rồi từ khi rời nước hơn hai mươi năm trước, tôi không còn cơ hội đảnh lễ một vị tăng mà lòng dấy lên sự tôn kính như đảnh lễ Phật. Nhưng trong tang lễ năm rồi, tôi đã được đảnh lễ kim quan của Sư trong sự tôn kính đó.
Kính dâng Thiền Sư Thích Trí Chơn nhân Lễ Tiểu Tường, những ngày cuối năm Tân Mão.
Vĩnh Hảo
TIỂU SỬ VÀ CÔNG HẠNH
CỐ TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ CHƠN (1933-2011)
Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn, thế danh Trương Xuân Bình, sinh ngày 20 tháng 11 năm 1933 (Quý Dậu) tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam, là con thứ sáu trong một gia đình mười hai anh chị em.
Thân sinh của Cố Trưởng Lão Hoà Thượng là cụ Trương Xuân Quảng, mất năm 1945, nguyên quán làng Kim Thành, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, làm quan dưới thời Pháp thuộc, được bổ nhậm chức Kiểm Học (tương đương với Trưởng Ty Nha Học Chánh dưới thời các chính phủ quốc gia sau này) tỉnh Bình Thuận năm 1933 – 1939, và Đốc Học tỉnh Quảng Ngãi năm 1940 – 1945.
Nhờ túc duyên với Phật Pháp, nên đến năm 1950, Cố Trưởng Lão Hoà Thượng đến Chùa Linh Mụ, thành phố Huế (Thừa Thiên), xin xuất gia làm đệ tử Cố Đại Lão Hoà Thượng Thích Đôn Hậu, Đệ tam Tăng Thống Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, và được Hòa Thượng Bổn Sư cho pháp danh là Tâm Chánh, pháp hiệu là Trí Chơn.
Sau mấy năm hầu Thầy, học đạo và trao dồi giới hạnh đến năm 1956, Ngài được Bổn Sư cho thọ giới Sa Di tại Chùa Linh Mụ.
Sau khi tốt nghiệp Cử Nhân, Ngài được mời làm Hiệu Trưởng trường Trung Học Bồ Đề tại thị xã Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), cao nguyên Trung Phần, từ năm 1958 tới 1959.
Từ năm 1961 đến năm 1965, Ngài làm giáo sư môn văn chương và Phật Pháp tại các trường Trung Học Bồ Đề tại Huế, giảng sư Tỉnh Hội Phật giáo Thừa Thiên miền Vạn Hạnh (Trung Việt) và biên tập viên các tạp chí Phật giáo như Nguyệt san Liên Hoa ấn hành tại Huế, và Từ Quang tại Sài gòn.
Nhận thấy có đủ nhân duyên để thọ nhận đại giới và được Hòa Thượng Bổn Sư khả chứng, năm 1965 Ngài thọ Cụ Túc giới (Tỳ Kheo) tại Đại giới Đàn Vạn Hạnh, chùa Từ Hiếu, (Huế).
Từ năm 1965 đến 1966, Ngài được Ban Đại Diện Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Miền Vạn Hạnh đề cử qua nghiên cứu Phật giáo tại Thái Lan. Từ năm 1966 đến năm 1977, Ngài sang du học tại Ấn Độ gần 12 năm, và đã tốt nghiệp các văn bằng sau đây:
- Văn bằng Palyacharya (Giáo thọ Pali), tương đương Cử Nhân Cổ ngữ Pali tại Đại học Sanskrit Vishvavidyalaya ở Darbhanga, (tiểu bang Bihar), năm 1968.
- Cử nhân đặc biệt Anh ngữ tại Đại Học Magadha (Ma Kiệt Đà) ở Bodh Gaya (tiểu bang Bihar), năm 1969.
- Thạc Sĩ chuyên về các môn Kinh, Luật, Luận, văn Học Sử Pali và Khảo cổ Phật giáo tại Đại Học Nalanda (Bihar), năm 1971.
- Tiến sĩ (Ph. D) Triết Học Phật giáo tại Đại Học Magadha (Bihar), năm 1976.
Năm 1977, Ngài được Cố Hoà Thượng Thích Thiên Ân bảo lãnh sang Hoa Kỳ hoằng pháp, làm giảng sư Giáo Hội Liên Hữu (Tổng Hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ), Chùa Việt Nam (Los Angeles) và chủ bút Nguyệt san Long Hoa.
Một năm sau khi đến Hoa Kỳ, Ngài bắt đầu công tác kiến lập cơ sở để hoằng pháp. Vì vậy, năm 1978 Ngài khai sơn Chùa Vạn Hạnh tại San Diego, California, và làm Lãnh Đạo Tinh Thần cho Hội Phật Giáo Việt Nam tại đây đến năm 1984.
Trong thời gian đó Ngài vẫn đảm nhận các Phật sự của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Cụ thể là từ năm 1982 đến năm 1984, Ngài được suy cử vào chức vụ Phó Hội Chủ Kiêm Ủy Viên Tổng Vụ Tăng Sự, Tổng Hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Năm 1983, Ngài được cung thỉnh làm Đệ tứ Tôn chứng trong Đại giới Đàn Thiện Hoà tổ chức tại Phật Học Viện Quốc Tế, North Hills (California).
Tháng 9 năm 1992, trong Đại Hội Thành Lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ được tổ chức tại thành phố San Jose, California, Hoa Kỳ, Ngài được cung thỉnh vào Thành Viên Hội Đồng Giám Phẩm GHPGVNTNHN/HK, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa, và sau đó là Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ Hội Đồng Điều Hành của GHPGVNTNHN/HK.
Khi công cuộc vận động cho tự do tôn giáo và phục hoạt GHPGVNTN trong nước được GHPGVNTNHN/HK khởi xướng, Ngài được mời giữ chức vụ Cố Vấn Ủy Ban Bảo Vệ Phật giáo và Nhân Quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ vào năm 1992.
Cùng trong năm 1992, Ngài được GHPGVNTNHN/HK tấn phong lên phẩm vị Hòa Thượng vào sáng Chủ Nhật ngày 06/12/1992 tại Phật Học Viện Quốc Tế, North Hills trong phiên họp đầu tiên của năm Hội Đồng thuộc GHPGVNTNHN/HK.
Khi Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN phục hoạt lại sinh hoạt qua Đại Hội Bất Thường tại Tu Viện Nguyên Thiều vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 năm 2003, Ngài đã được suy cử vào Thành Viên Trưởng Lão Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Tháng 9 năm 2008, trong Đại Hội Thành Lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, Ngài được cung thỉnh vào Thành Viên Hội Đồng Giáo Phẩm và được suy tôn lên ngôi vị Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành cho đến ngày viên tịch.
Ngoài ra, Ngài còn giữ chức vụ Lãnh Đạo Tinh thần, chứng Minh Đạo Sư cho khoảng gần 30 Hội Phật giáo và hơn 20 ngôi chùa, Niệm Phật Đường mà phần lớn do Hòa Thượng sáng lập ở khắp 15 tiểu bang tại Hoa Kỳ.
Ngài cũng đã khai sơn và trú trì Chùa Linh Mụ Hải Ngoại.
Dù công việc Phật sự đa đoan, Ngài vẫn không quên góp phần xứng đáng vào công tác văn hóa, văn học qua việc thành lập và cộng tác bài vở với nhiều tạp chí Phật Giáo cũng như bên ngoài ơ khắp các châu lục trên thế giới. Trong đó có các tạp chí như:
- Đặc san “Hoá Đạo”, Chùa Tam Bảo, Montreal (Canada);
- Đặc san “Chánh giác”, Chùa Hoa Nghiêm, Toronto (Canada);
- Đặc san “Phật Học”, Phật Học Viện Quốc Tế, North Hills (California), ấn hành vào những năm 1985 – 1988;
- Chủ bút tập san “Phật giáo Thống Nhất”, Phật Học Viện Quốc Tế ấn hành năm 1988 – 1992;
- Tạp chí “Phật giáo Hải Ngoại”, cơ quan ngôn luận chính thức của GHPGVNTNHN – HK. Văn Phòng II Viện Hoá Đạo, phát hành năm 1994 – 2000;
- Tạp chí “Đất Lành”, phát hành tại San Diego (California);
- Tập san “Phật Việt”, Chùa Phật Đà, San Diego;
- Tạp chí “Hoa Sen”, Chùa Việt Nam, Garden Grove (CA);
- Tạp chí “Nguồn Đạo”, Chùa Giác Hoàng, Washington D.C.;
- Đặc san “Chùa Hải Đức”, Jacksonville (Florida);
- Nguyệt san “Phật Học”, Louisville (Kentucky);
- Đặc san “Từ Ân”, Chùa Từ Ân, Louisville (KY);
- Đặc san “Gia Đình Phật Tử Thiện Tài”, Chùa An Lạc, High Point (North Carolina);
- Tạp chí “Viên Giác”, Chùa Viên Giác, Hannover (Đức quốc);
- Đặc san “Pháp Bảo”, Chùa Pháp Bảo, Sydney (Úc Đại Lợi);
- Bản tin “Khánh Anh”, Chùa Khánh Anh, Bagneux (Pháp quốc);
- Tạp chí “Phương Trời Cao Rộng”, Midway City (CA);
- Nguyệt báo “Chánh Pháp”, Santa Ana (CA);
- Nguyệt san “Người Đẹp Magazine”, Elmhurst, New York;
- Tạp chí “Hồn Việt”, Midway City (CA);
- Nhật Báo Việt Báo, Westminster, CA.
Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn còn là người tinh tấn từng ngày từng giờ trong việc sáng tác và dịch thuật kinh sách Phật Giáo. Trong các chuyến hoằng pháp ở nhiều tiểu bang, Ngài tranh thủ thời gian trên máy bay, trên xe buýt để sáng tác và dịch thuật. Những sáng tác phẩm và dịch phẩm của Ngài đã được ấn hành gồm có:
1 - Phật giáo Vấn Đáp (The Buddhist Catechism), nguyên tác của Henry Steel Olcott, in song ngữ Anh - Việt, Phật Học Viện Quốc Tế (Hoa Kỳ), xuất bản năm 1987, tái bản năm 1990 và Nhà Xuất bản Phương Đông in lại phát hành vào tháng 10 năm 2006 tại Sài gòn (Việt Nam).
2 - Phật giáo Hoà Bình Thế giới và Chiến Tranh Nguyên Tử (Buddhism, World Peace and Nuclear War), nguyên tác của Ven. Sangharakshita, Tổng Vụ Văn Hoá (GHPGVNTN – HK) xuất bản năm 1990.
3 – Con Đường Dẫn Đến Chân Hạnh Phúc (The Blueprint of Happiness), nguyên tác của Ven. Anoma Mahinda, Anh - Việt, Tổng Vụ Văn Hoá phát hành năm 1991.
4 - Một Vài Kiến Thức Về Phật giáo (Some Knowledge About Buddhism), nguyên tác của Dr. C.T. Shen và “Trách Nhiệm Thuộc về Bạn” (You are Responsible), nguyên tác của Ven. Dr. K. Dhammananda, Anh - Việt, Tổng Vụ Văn Hoá, ấn hành năm 1991.
5 - Phật giáo Yếu Lược (Buddhism in a. Nutshell), nguyên tác của Ven. Narada Thera, Anh - Việt, Vụ Văn Hoá (GHPGVNTNHN – HK) xuất bản năm 1992.
6 - Những Mẫu Chuyện Tiền Thân Đức Phật (The Stories of Buddha’s Former Births), nguyên tác của nữ ký giả Ấn Độ, Anjali Pal, Anh - Việt, Vụ Văn Hoá, ấn hành năm 1993.
7 - Cuộc Đời Đức Phật (The Story of Buddha), nguyên tác của Jonathan Landaw, Anh - Việt, Vụ Văn Hoá xuất bản năm 1994.Nhà xuất bản Tôn Giáo tái bản ấn hành tại Saigòn năm 2006
8 - Những Đóng Góp To Lớn Của Các Học Giả Anh Quốc Cho Nền Phật Giáo Âu Mỹ, Chùa Phổ Môn, Sioux City (Iowa), ấn hành năm 1996.
9 – Lòng Thương Yêu Sự Sống (The Love of Life), nguyên tác của G. B. Talovich, Anh - Việt:
- Tập 1: Chùa Lục Hoà, Dorchester (Massachusetts), ấn hành năm 2001.
- Tập 2: Chùa Tây Phương, Gainesville (Georgia), xuất bản năm 2002.
- Tập 3: Chùa Tịnh Tâm, Nashville (Tennessee), phát hành năm 2005.
Nhà Xuất Bản Phương Đông xin tái bản in chung thành một cuốn (bản tiếng Việt) “Lòng Thương Yêu Sự Sống”, ấn hành tại Saigòn vào tháng 8 năm 2006.
Ngoài ra, nhằm mục đích giúp cho những Phật tử, nhất là lớp người trẻ nam nữ học sinh, sinh viên Việt Nam sinh tại Mỹ đang theo học các trường Trung, Đại Học tại Hoa Kỳ, không rành tiếng Việt, có thể học hỏi Phật Pháp bằng Anh ngữ, Hòa Thượng đã mở trang mạng toàn cầu: www.chualinhmu.com, để phổ biến, cung cấp những tài liệu và sách báo Phật giáo in bằng song ngữ Anh - Việt đến toàn thể độc giả Phật tử Việt Nam ở quốc nội cũng như hải ngoại khắp nơi trên thế giới.
Trong vài tháng đầu năm 2011, khi thân bệnh ngày càng trầm trọng, như biết trước ngày sắp ra đi, Ngài đã ân cần khuyến tấn Tăng, Ni và Phật tử nỗ lực trên con đường tu học để đóng góp cho sự phát triển nền Phật Giáo Việt Nam trong và ngoài nước. Khi được các bác sĩ cho biết thân bệnh đã đến thời kỳ nguy ngập, tánh mạng mong manh, và đề nghị giải phẫu, hoặc nhân hóa trị, Cố Trưởng Lão Hoà Thượng Thích Trí Chơn từ chối và dạy rằng không cần nữa, thọ mạng của Ngài sắp tận, đừng tốn phí vô ích, và Ngài yêu cầu đưa về Chùa Bát Nhã tịnh dưỡng. Trước vài phút xả báo thân, Ngài vẫn còn tỉnh giác, sáng suốt, minh mẫn,và tinh tấn lạ thường, nhớ và biết rõ mọi người, mọi chuyện từ nhỏ đến lớn.
Ngài đã an nhiên xả bỏ báo thân vào lúc 06 giờ chiều ngày 14 tháng 3 năm 2011 (nhằm ngày mùng 10 tháng 2 năm Tân Mão) trong tiếng niệm Phật trang nghiêm của chư Tăng, Ni Chùa Bát Nhã và môn đồ pháp quyến.
Vẫn biết thế gian như mộng, sanh tử như không hoa, niết bàn vẫn thường tại, đối với bậc cao tăng như Ngài thì việc khứ lai là tự tại. Nhưng, làm sao Tăng Ni và Phật Giáo đồ chúng ta có thể tránh được niềm xúc động, bùi ngùi, thương tiếc khi hình ảnh từ bi đức độ và hy sinh của Ngài từ nay vắng bóng trên cõi nhân gian.
Bảy mươi chín năm thị hiện, hơn nửa thế kỷ tận tụy cống hiến đời mình cho sự nghiệp hoằng pháp độ sinh, Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn quả đã để lại trong tâm khảm của người con Phật Việt Nam chúng ta tấm gương trong sáng của bậc xuất trần thượng sĩ.
Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Tam Thế, Linh Mụ Hải Ngoại Đường Thượng, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội Ư Hoa Kỳ, Hội Đồng Điều Hành Chủ Tịch, Húy thượng Tâm hạ Chánh, Hiệu Trí Chơn Trưởng Lão Hòa Thượng Liên Tòa Chứng Giám.
(Văn Phòng Thường Trực Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHK và Môn Đồ Pháp Quyến của Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn hợp soạn, ngày 16 tháng 3 năm 2011 tại Hoa Kỳ.)