Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Như tiếng thông reo

11/08/201321:55(Xem: 9540)
Như tiếng thông reo

HT_Tu_Man


NHƯ TIẾNG THÔNG REO

(Cẩn niệm Đại lão Hòa thượng Thích Từ Mãn)

1. Lặng ngắm dung quang

Được tin Ôn Từ Mãn viên tịch, tôi giật mình, định lên Đà Lạt đảnh lễã kim quan Ôn lần cuối, nhưng vì bận việc kết thúc năm học, tôi không đi được, lòng áy náy hoài. Sáng sớm hôm sau, tôi mở computer, bỗng dưng truy cập Trang Nhà Quảng Đức của thầy Nguyên Tạng bên Úc, thấy hình Ôn hiện trên trang web trong bộ y hậu vàng tươi, mũ Quan Âm thẳng tắp với khuôn mặt hồng hào, tươi đẹp như đang ngồi truyền giới cho bốn chúng quy y. Tôi vừa xúc động vừa sung sướng, ngắm Ôn chăm chăm một hồi, chắp tay xá Ôn ba xá, rồi đi công phu.

2. Ánh mắt cảm thông

Tôi được thiện duyên thân cận với Ôn Từ Mãn non ba tháng. Vốn là thế này:

Khoảng đầu tháng 6 năm 1975, tôi được Viện Hóa Đạo, chủ yếu là Ôn Già Lam, phái lên ở hẳn chùa Linh Sơn Đà Lạt, thay thầy Minh Tuệ, giúp Ôn Từ Mãn về mặt hành chánh. Tôi lễ Phật, lễ Tổ, lễ Thầy, khoác áo lên đường thi hành Phật sự. Khi lên tới Bảo Lộc, xe dừng lại cho hành khách ăn trưa, có hai thầy đến khuyên tôi nên trở về, kẻo phải ngồi co ro trong rừng một đêm lạnh cóng! Chính phủ cách mạng không cho phép tu sĩ thuộc bất cứ tôn giáo nào lên Đà Lạt trong giai đoạn này. Tôi đứng chần chừ một lát, rồi ngỏ lời cảm ơn và tạm biệt hai thầy, dứt khoát lên xe, mặc cho nghịch duyên phía trước. Xe chạy đến trạm gác Nguyễn Tri Phương, gần hồ Xuân Hương, khoảng 5 giờ, thì bị chận lại, kiểm soát, và tất nhiên là tôi buộc phải trở lại Sài Gòn. Tôi xin gặp ban chỉ huy. Anh cán bộ kiểm soát quát: “Lệnh là lệnh!” Tôi lặp lại lời yêu cầu hai, ba lần, và lạ thay, anh ấy dẫn tôi đến gặp vị chỉ huy trưởng tại một chòi lá nơi bìa núi, cách xa chỗ xe đậu khoảng một trăm thước. Thoáng thấy anh chỉ huy trạc tuổi bốn mươi, ngồi sau chiếc bàn gỗ được chắp nối nhiều mảnh trong bộ quân phục sờn rách với khuôn mặt vàng vọt, hơi phù, đượm vẻ lạnh lùng, được bảo vệ bởi hai anh bộ đội cầm súng đứng hai bên, tôi nhìn anh ấy bằng cõi lòng cảm mến chân thành. Hai bên đối thoại hết lý tới tình gần một giờ, khiến tài xế và hai phụ xe cũng phải chạy vô xem sao mà tôi lâu ra thế. Cuối cùng anh ấy đòi xem và giữ giấy tùy thân. Sợ mất thẻ căn cước, tôi đưa thẻ Giảng viên Phật Khoa Viện Đại Học Vạn Hạnh do Hòa thượng, lúc đó là Thượng tọa, Thích Minh Châu ấn ký. Anh ấy xem qua xem lại hình ảnh trong thẻ, đối chiếu với mặt mũi tôi một hồi, rồi nhắc điện thoại gọi ai đó một lát và cho tôi lên Đà Lạt.

3. Thanh sắc quê hương

Tôi bước vào chùa Linh Sơn khoảng hơn 7 giờ tối. Nghe báo tin, Ôn Linh Sơn vội ra phòng khách, vui mừng quýnh quáng, nắm hai tay tôi dặt dặt và nói như mếu: “Răng mà thầy lên đ-ư-ợ-c! Ban đại diện và Phật tử chờ thầy suốt ngày nay. Họ mới về lúc năm giờ đó!” Ôn vừa dứt lời thì có một cán bộ mặc quân phục, đầu đội mũ tai bèo, lưng đeo súng lục, chân đi hơi cà nhắc bước vào vái chào Ôn và tôi. Ôn đứng lên mỉm cười, quay sang tôi giới thiệu: “ Đây là... (xin lỗi quên tên), Phật tử trung kiên của chùa Linh Sơn đó! Nay là cán bộ cao cập đó! Này, Ôn vỗ vai anh ấy, Phật tử trung kiên thì phải giúp thầy Tịnh Minh đây hoàn thành Phật sự nghe!” Tôi chắp tay mỉm cười và rất yên tâm với cách giới thiệu lịch duyệt, thâm thúy của Ôn.

Trong lúc tiếp chuyện, nghe anh ấy nói giọng Bình Định, tôi hỏi:

- Hình như anh là... người Bình Định?

- Con là dân Bình Định, quê ở Đập Đá. Năm 1955, công an cảnh sát chính quyền Ngô Đình Diệm đánh con gãy một giò. Thoát chết, con trốn lên Đà Lạt, và trở thành Phật tử chùa Linh Sơn.

- Thế là chúng ta cùng chung xứ sở. Tôi ở Phù Cát, Cát Tường, cách quê anh khoảng bảy cây số.

- Hân hạnh gặp thầy. Thưa thầy... anh nghiêm giọng, tình hình căng thẳng lắm. Thầy không nên ra khỏi chùa! Thầy nghe rõ?

- A Di Đà Phật. Tôi chắp tay.

Anh ấy đứng lên cúi chào tạm biệt. Tôi và Ôn Linh Sơn tiễn anh ra sân. Khi quay vào, Ôn mỉm cười, nói: “Rứa là Tịnh Minh có tình đồng hương, đồng chí rồi! Yên tâm mà thường trú nghe!” Tôi xoa xoa lưng Ôn, thầm nghĩ: “Địa phương tính (locality) bao giờ cũng chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng người xa xứ.”

4. Năng lực chiêu cảm

Và rồi từ đó, cứ vài ba đêm, sau thời công phu sáng, Ôn Linh Sơn đến cửa phòng tôi, bên cạnh phòng Ôn, gõ nhẹ ba tiếng với giọng nói đầy truyền cảm: “Tịnh Minh ơi, qua phòng uống chút trà cho ấm bụng hè!” Trong lúc uống trà, Ôn thường nhìn tôi một lát rồi dịu giọng tâm sự. Tôi biết đó là những lời khuyên dạy chân tình, thống thiết nhưng vì bản tính khiêm tốn, Ôn hành xử từ ái, trịnh trọng như vậy đó. Trong thâm tâm, Ôn sợ tôi còn trẻ, dể bốc đồng trong lúc đối thoại, hay gặp phải chướng duyên. Có lần Ôn xuống giọng buồn buồn, nói:

- “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy” Tịnh Minh hỷ! Mình phải bình tĩnh và sáng suốt trong mọi tình huống giao tiếp, nhất là phải thể hiện cho được bốn tâm vô lượng: Từ-Bi-Hỷ-Xả. Người tu hành mà chưa phát huy được khả năng ban vui, cứu khổ, tùy thuận và rỗng rang với chúng sanh thì khó mà dung thông hòa hợp với cộng đồng xã hội.

- Bạch Ôn, tôi nói, có lẽ do ánh mắt cảm thông thương mến của con đối với anh chỉ huy trưởng bủng beo gầy gò vì dãi dầu mưa nắng mà con được phép lên đây chăng?

- Có thể lắm! Hy hữu đấy! Hễ mình thương người, thì người thương mình; mình ghét người, thì người ghét mình. “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn” kia mà!

5. Vòng tay rộng mở

Mỗi khi gặp Ôn Từ Mãn, ai ai cũng thấy nụ cười hiền hòa, ánh mắt khiêm ái và cung cách giao tiếp tế nhị của Ôn. Phật tử đến thăm chùa, thăm Ôn, khi ra về, thế nào họ cũng có một món quà nho nhỏ như một trái cam, một quả táo chẳng hạn cho con cháu họ, hoặc cho chính họ. Một hôm, tôi với Ôn vào phòng phát hành, thấy vài ba Phật tử đang mua sách, Ôn hỏi họ thích cuốn nào là Ôn cho cuốn đó với lời khuyên: Văn-Tư-Tu nghe! Rồi Ôn giảng: Đọc kỹ, suy nghĩ, thực hành. Cô bán sách chỉ biết lắc đầu và cười! Khi ra khỏi phòng tôi hỏi:

- Ôn cho sách như vậy thì cô phụ trách làm sao ghi chép?

- Ghi chép chi!... Ôn cười nói. Mình cho họ một cuốn, họ sẽ cho mình năm, mười cuốn.

Còn một đặc điểm hiếm có nữa là hình như Ôn không giữ tiền. Ai cúng đồng nào là Ôn bảo thị giả trao ngay cho Ôn Tánh Hải, phó trụ trì, để lo việc tu bổ chùa chiền và dưỡng dục Tăng chúng. Ôi, vĩ đại thay cho ai thấy tiền không ham! Vì tiền là thứ nhạy cảm nhất trên đời. (Money is the root of all evil). Khái niệm: “Thập phương tăng vật trọng như sơn, bách kiếp thiên sanh miễn bất hoàn(Lễ vật mười phương tợ núi cao, trăm đời ngàn kiếp trả được nào!) xem ra vẫn còn hiệu lực trong dòng ngũ trược ác thế này. Quý thay!

6. Xưng tán Như Lai

Có gần gũi với các bậc tôn túc, đặc biệt là Ôn Từ Mãn, mới thấy được tính nghệ sĩ dễ thương và khôi hài vi tế của các ngài. Lần đầu tiên tôi tham dự khóa lễ với Phật tử, khoảng 9 giờ sáng, tại chánh điện chùa Linh Sơn. Bác Chuy, tuy hình thức cư sĩ, nhưng là chuyên gia đánh mõ trong các thời công phu, lễ lạt. Tôi đứng cạnh Ôn Tánh Hải bên chuông, nhưng Ôn Từ Mãn cứ kéo tôi vào đứng giữa, cạnh Ôn. Khi tôi vừa bước vào thì Ôn vói tay lấy cái tang và dùi tang đưa cho tôi. Sau đó Ôn bắt giọng tán bài “Tâm nhiên...”. Trong lúc tán, tôi vẫn giữ nhịp chân phương. Không ngờ bác Chuy cao hứng hay thúc tôi linh hoạt lên đôi chút, chõi mấy nhịp lắc léo, nhưng tôi vẫn thản nhiên. Để đáp lại thịnh tình, tôi nhồi lên vài bận, và thấy bác lựng khựng ngay: tay mõ vừa thả xuống thì phải giật lên liền, không gõ được, vì nhịp tang tài tử, phá cách. Ôn cười chúm chím theo giai điệu ngân nga, và cũng may là các thầy đều nhắm mắt chứ thấy những cú giật nảy người của bác Chuy thì khó mà nhịn cười. Khóa lễ kết thúc, bác Chuy cứ theo vuốt lưng tôi, nói: “Chao ui... hay chi mà hay dữ vậy thầy!” Còn Ôn thì nhìn bác cười chúm chím, nói: “Chích chòe mà ghẹo bồ nông”. Bác Chuy giờ này có lẽ đang cùng với “chư thượng thiện nhơn câu hội nhất xứ.”

7. Phút giây tạ từ

Khoảng cuối tháng 8 năm 1975, được giấy mời triệu tập giáo viên của Trường Trung Học Bồ Đề Huệ Quang nhằm chuẩn bị cho năm học mới, nếu ai vắng mặt thì coi như tự ý bỏ việc. Sáng sớm hôm đó, tôi vào phòng gặp Ôn, trình bày lý do xin về Sài Gòn. Ôn ngồi im lặng khá lâu, một sự im lặng sâu lắng đến cùng tột. Đoạn Ôn nhìn tôi một lát rồi cất giọng buồn buồn: “Khi nghe Tịnh Minh lên đây, thầy mừng lắm, vì Tịnh Minh là đệ tử của HT. Viên Giác, mà HT. Viên Giác là đệ tử của ngài Bích Không, người đã có công lớn trong việc tôn tạo cảnh quang và lưu tồn bút tích tại ngôi chùa này. Bây chừ ... các thầy trẻ trung minh mẫn lần lượt đi hết, còn mấy ông già lụ khụ ngồi đây biết làm chi!” Ôn đưa tay lau nước mắt, còn tôi thì quỳ mọp dưới chân Ôn khóc sướt mướt, chỉ biết khấu đầu sám hối. Đoạn Ôn đỡ tôi đứng lên, nhẹ nhàng an ủi: “Thôi, làm thầy giáo hay thầy tu cũng là thầy. Khi mô ngán dạy học thì lên đây, thầy vẫn giữ căn phòng giữa đó cho Tịnh Minh.” Trời ơi!... Ôn thương con như vậy đó, còn con, dù chưa giúp được gì nhiều cho Ôn, nhưng ít ra, có con bên cạnh trong thời gian đó, Ôn cũng cảm thấy đỡ đi phần nào lẻ loi trống vắng, Ôn hỷ!



Sài Gòn, ngày 24/2/2008
Tịnh Minh
khấp bái

(Đã đăng trong Tưởng Niệm Trưởng Lão Hòa thượng Thích Từ Mãn – NXB Phương Đông, 2008)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/05/2012(Xem: 18580)
Tác phẩm Trí Quang Tự Truyện bản pdf và bài viết "Đọc “Trí Quang Tự Truyện” của Thầy Thích Trí Quang" của Trần Bình Nam
15/05/2012(Xem: 5265)
Trong đạo lập thân của người xưa – lập công, lập đức, lập ngôn– thì lập ngôn thường được cho là quan trọng nhất, vì đó là phần “hình nhi thượng”, là tinh hoa tư tưởng cá biệt của một dòng đời mang tính truyền thừa lâu dài và sâu xa cho hậu thế. Người đem hết năng lực tinh thần và tri thức của đời mình để lập ngôn thì thành nhà tư tưởng, triết gia. Người đem chất liệu đời mình để viết lại thì thành tác giả tự truyện, hồi ký.
09/05/2012(Xem: 7293)
Sự xuất hiện của Tổ sư Liễu Quán (1667-1742) như là một Bồ tát bổ xứ, thực hiện sứ mệnh lịch sử: Không chỉ duy trì và phát triển mạch sống Phật giáo Việt Nam giữa bối cảnh xã hội tối tăm, Phật pháp suy đồi mà còn thể hiện sự xả thân vì đạo; lập thảo am, ăn rong, uống nước suối, hơn mười năm tham cứu công án, tu hành đắc đạo.
28/04/2012(Xem: 4363)
Nhà văn cư sĩ Huỳnh Trung Chánh, còn có bút hiệu Hư Thân, sanh năm 1939 tại Trà Vinh, quê nội của ông. Suốt quảng đời niên thiếu ông sống nơi quê ngoại tại Cao Lãnh, tỉnh Sa-Đéc, Nam Việt Nam. - Tốt nghiệp Cử nhân Luật Khoa( 1961 ), Đại Học Luật Khoa Saigon. - Tốt nghiệp Cử nhân Phật Học (1967), Phân Khoa Phật Học và Triết Học Đông Phương, Viện Đại Học Vạn Hạnh, Saigon. Là một công chức dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, ông đã nổi tiếng thanh liêm, chánh trực và hết lòng dấn thân để phục vụ đại đa số dân chúng Việt Nam theo hạnh Bồ Tát của Phật giáo. Ông đã từng giữ các chức vụ sau đây: - Lục sự tại Toà Án Saigon và Long An (1960 – 1962). - Chuyên viên nghiên cứu tại Phủ Tổng Thống (1962 – 1964). - Thanh Tra Lao Động tại Bộ Lao Động (1964 – 1965). - Dự Thẩm tại Toà Sơ Thẩm An Giang (1965 - 1966). - Chánh Án tại Toà Sơ Thẩm Kiên Giang (1966 – 1969) và Toà Án Long An (1969 – 1971). - Dân Biểu Quốc Hội VNCH tại Thị Xả Rạch Giá (1
26/04/2012(Xem: 17169)
Mùa Phật Đản 1963, có máu, lửa, nước mắt và xương thịt của vô số người con Phật ngã xuống. Nhưng từ trong đó lại bùng lên ngọn lửa Bi Hùng Lực của Bồ Tát Thích Quảng Đức
20/04/2012(Xem: 8185)
Hòa thượng Thích Thiên Ân, thế danh Đoàn Văn An, sinh ngày 22 tháng 9 năm Ất Sửu 1925, tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ của Ngài là Đoàn Mễ, sau xuất gia là Thượng tọa Thích Tiêu Diêu một bậc tử đạo Vị pháp thiêu thân, thân mẫu là một tín nữ chuyên lo công quả ở chùa Báo Quốc và tu viện Quảng Hương Già Lam, Ngài là con trai thứ trong một gia đình có 4 anh em. Ngài xuất thân trong một gia đình thế gia vọng tộc, có truyền thống kính tin Phật pháp lâu đời. Nhờ duyên gần gũi Tam bảo từ thuở nhỏ, Ngài đã sớm mến cảnh thiền môn với tiếng kệ câu kinh, nên năm lên 10 tuổi (1935), Ngài theo bước phụ thân xin xuất gia đầu Phật tại chùa Báo Quốc, làm đệ tử của Hòa thượng Phước Hậu, được Bổn sư ban pháp danh là Thiên Ân, Ngài tinh tấn chấp tác, học tập thiền môn qui tắc, hầu cận sư trưởng. Năm Tân Tỵ 1941, khi được 16 tuổi, Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa di tại giới đàn chùa Quốc Ân – Huế, do Hòa thượng Đắc Quang làm Đường đầu truyền giới.
08/04/2012(Xem: 4638)
Hòa thượng thế danh Đoàn Thảo, sinh ngày 10 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1909), niên hiệu Duy Tân năm thứ 3 trong một gia đình nhiều đời theo Phật tại xứ Đồng Nà, tổng Phú Triêm Hạ, xã Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (Nay là thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam). Thân phụ là cụ ông Đoàn Văn Nhơn pháp danh Chơn Quang, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Có. Gia đình Ngài gần chùa Vạn Đức, lại thêm cụ thân sinh là tín đồ thuần thành của chùa, nên từ thuở nhỏ, Ngài thường theo cha đến chùa hàng đêm tụng kinh niệm Phật. Từ đó, chủng tử Bồ Đề lớn dần trong tâm và Ngài tỏ ra những biểu hiện rất có căn duyên với cửa Không môn của nhà Phật.
31/03/2012(Xem: 5413)
Hòa thượng thế danh Dương Đức Thanh, tự Liễu, pháp danh Như Nhàn, tự Giải Lạc, hiệu Trí Giác, nối pháp đời thứ 41 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh. Ngài sinh năm Ất Mão (1915) tại làng Cẩm Văn, huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nhiều đời kính tín Tam Bảo. Thân phụ là cụ ông Dương Đức Giới pháp danh Chương Đồ, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Phụng pháp danh Chơn Loan. Năm lên 3 tuổi, thân phụ Ngài qua đời, thân mẫu tảo tần nuôi con và cho Ngài theo học chữ Nho với các cụ đồ trong làng, được 5 năm mới chuyển sang học Việt văn.
23/03/2012(Xem: 5076)
Đức Đại Lão Hòa Thượng Chánh Thư Ký Xử Lý Viện Tăng Thống GHPGVNTN là thế hệ thứ 8 của phái Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán, Pháp danh Trừng Nguyên, Hiệu Đôn Hậu. Xuất gia và thọ cụ túc với Hòa Thượng Bổn sư là Tổ Tâm Tịnh, khai sơn chùa Tây Thiên Huế, sau các Pháp huynh là quý Hòa Thượng Giác Nguyên, Giác Viên, Giác Tiên, Giác Nhiên...
21/03/2012(Xem: 5473)
Hòa Thượng Thích Trí Thủ là vị Thầy của nhiều thế hệ học tăng của các Phật học viện Báo Quốc Huế, Phổ Đà - Đà Nẵng, Hải Đức - Nha Trang, Quảng Hương Già Lam - Sài Gòn. Cuộc đời của Ngài phần nhiều cống hiến cho việc đào tạo tăng tài và sự nghiệp hoằng pháp cho Đạo Phật Việt Nam hơn là những lãnh vực phật sự khác.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567