Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Di chúc của Sư Bà Hải Triều Âm

02/08/201315:55(Xem: 16823)
Di chúc của Sư Bà Hải Triều Âm


Le_Nhap_Kim_Quan (0)
Di chúc của Sư Bà Hải Triều Âm

Linh Quang ngày Tự Tứ năm con rồng 1988

Đông Tây Nam Bắc chị em nhắc nhở “Thầy đã 70 tuổi rồi, cho chúng con tiểu sử, để lúc Thầy lâm chung, chúng con có tiểu sử của Thầy, chúng con đọc như đám các Hoà-thượng”.

Đời Thầy có chi đáng kể mà nói tiểu sử. Chỉ có mấy điều đáng ghi là Hoà-thượng Bổn Sư trao cho Thầy năm chữ “VÔ NGÃ, VÔ NGÃ SỞ”. Thượng tọa Thanh Từ khi lên thăm Phú An dạy Thầy lưu tâm đến “NGHIỆP THỨC”. Hoà-thượng Bửu Lai khi từ biệt, nói không có quà gì hơn là cho Thầy hai chữ “NHẤT TÂM”.

Vậy nay Thầy nói đường lối tu hành Thầy đã tự đi và đang dẫn các con đi : Dĩ nhiên giới luật là căn bản. Còn Định và Tuệ thì vì Thầy thuộc căn cơ hạ hạ, nội phận chúng sanh quá nặng nề. Ngoại phận Thánh Hiền gần như chỉ được học trên Kinh điển, chính bản thân chẳng có chút giác tỉnh nào. Vì thế Thầy cần học TỨ NIỆM XỨ. Quán bất tịnh miên mật năm này qua năm khác. Không phải chỉ tưởng, chỉ suy ngẫm mà phải tập thấy cho bằng được sự thật. Những người chung quanh mình, cũng như bản thân mình, bắt đầu là giọt máu, hoá miếng bầy nhầy, thành một thai bào, rồi một đứa trẻ, một cô gái, một bà già. Cuối cùng là một thây ma, một đống thịt nứt loét. Nếu để trong không khí sẽ hoá dòi, xú khí lừng trời, một bộ xương, một nắm bụi, trả về đất…

Chúng ta bị nghiệp lực cuốn phăng phăng trong biến hoá, không một sức tự tại. Ngu si mê muội nhận nghiệp là mình. Không một chút nghi ngờ huống chi còn biết để ý :

1. Thần thức bị nghiệp dẫn vào tử cung mẹ. Ta lấy máu kinh nguyệt của mẹ làm chỗ ở và thức ăn. Các cụ thường nói : “Khi quỷ sứ đưa đi đầu thai, nó cho ăn cháo lú”. Nay học Kinh mới biết : Quỷ sứ là nghiệp dâm dục, cháo lú chính là thứ máu này. Đã chịu thân cách ấm thì Bồ-tát còn quên hết chỗ tu kiếp trước huống kẻ phàm tình. Tử cung mẹ toàn máu tanh. Quanh tử cung là những vòng ruột toàn phân thối. Một bọng nước tiểu khai. Tất cả các bộ phận này ở trong nước nhớp khắm. Chúng ta thành hình ở trong đó, từ nhơ bẩn mà ra. Ấy thế mà lớn lên trợn mắt cãi mẹ, tự cho mình là kẻ khôn giỏi tài hoa!

2. Cả 7 năm đầu công mẹ phù trì nuôi nấng, nói sao cho hết những nhọc nhằn.

3. Cho đến 21 tuổi, sáu căn bỡ ngỡ tập làm quen với sáu trần, trong cuốn phim đời chúng ta tự đóng trò và tự nếm ý vị.

4. Tuổi thành niên là tuổi năm ấm xí thịnh. Kinh Lăng Nghiêm nói : “Con mắt lưu dật bôn sắc”. Dùng ba danh từ liên tiếp để nói sức mạnh của vô minh chạy theo trần cảnh. Lưu là nước chảy xuôi dòng. Dật là lửa bén rừng hoang. Bôn là vó ngựa tung trong cánh đồng. Ý nói những sức mạnh này, không phải là không ngăn cản được, nhưng đã tập quá quen từ vô thuỷ, ít ai để ý kìm hãm. Thế là rông rỡ tham sân si… Thế là buông lung sát đạo dâm vọng…

5. Từ trẻ đến già, thân là cái máy đòi ăn uống, áo quần, nhà ở v.v… trăm thứ cần dùng. Ta đã đem hết tinh thần cung phụng. Nó chuyên sản suất phân tiểu, mồ hôi, cáu ghét. Mắt ra ghèn, tai ra ráy, mũi miệng ra đờm dãi. Ngày này qua ngày khác, trọn đời lo tắm rửa.

Tới khi tất cả gió trong người đồng dứt, cười, nói, cử động, nhất tề lạnh ngắt. Thây ma nằm im. Người ngoài tưởng thế là an nghỉ. Nhưng theo Kinh dạy thì khi hơi thở ngừng, tinh thần bức ngộp khổ vô cùng. Ta cứ thử lấy tay bịt mũi vài phút, sẽ biết chút ít sự khổ của người không được thở. Thiếu dưỡng khí, máu lạnh dần. Từng tế bào, từng thớ thịt, xương tuỷ như bị dao cắt kim châm. Khổ muốn phát điên mà thân không cử động được một tơ hào. Cứ thế cho tới lúc toàn thân lạnh ngắt, thần thức mới không hiện hành, tinh thần chìm trong mờ mịt… để sửa soạn một cuốn phim khác, bước sang đời sau.

6. Từ trong bào thai đến khi vào quan tài, các thứ bệnh hoạn : Đậu mùa, ho lao, thương hàn, sốt rét, hủi cùi, ung thư v.v… lặng lẽ bất chợt đem đau đớn cho người ta như rắn bò dưới cỏ. Nó đến lúc nào không ai biết. Chợt nó phát ra thì già trẻ sang hèn đều bị nó ngự trị hoàn toàn. Da thịt xương tuỷ đau nhức kiệt quệ. Còn bao nhiêu tai nạn khác như hóc xương, trượt chân, ngã gẫy tay vỡ sọ, một viên ngói rơi trúng đầu, một luồng gió độc thoáng qua…

Đời người là một chuỗi lo âu sợ hãi nhưng trí nhớ con người như dao chém nước, vừa nhấc lên đã mất vết. Không ai dám tự hào ngày mai tôi vẫn còn mạnh khoẻ. Ai cũng biết cuộc đời có lắm bất ngờ, hoạn nạn này, khốn khổ khác. Vậy mà thế gian vẫn vui cười, uống rượu, mê sắc, các thứ ngông nghênh kiêu căng đáo để, hành hạ lẫn nhau, xoay sở tàn hại nhau. Chỉ vì không thể nhớ rằng mình đã và sẽ khổ.

7. Mục đích cốt làm thế nào thấy rõ sự thật ở mỗi con người, mỗi con chim, con cá… là vô thường, vô ngã, khổ và không. Thấy rõ để giải thoát ba độc tham sân si, xót thương thành thật vạn loài, vui vẻ ở với ai cũng được và ở cảnh nào cũng được.
Đức Bổn-sư vừa giáng sanh đã nói ngay : “Thiên thượng, thiên hạ duy ngã độc tôn”. Thầy hiểu câu ấy nghĩa thế này : ”Trên trời dưới đất chỉ có cái TA chân thật mới đáng tôn quý”. Vì muôn loài sống mê muội. Thân, tâm, cảnh đều hư vọng. Từ vô thuỷ lẩn quẩn mãi trong vòng Hoặc Nghiệp Khổ. Phật giáng sanh để khai mở cho nhân loại thấy và trở về sống với cái TA chân thật.

Chúng ta học Kinh Lăng Nghiêm :

1. Kiến tinh là tâm linh giác :

Người mù tối tăm nhờ Bác sĩ chữa khỏi, thấy được sự vật, nói rằng : ”Mắt thấy”. Người lành trong đêm tối, nhờ ánh đèn thấy được sự vật, đáng lẽ phải nói rằng “đèn thấy”. Nên biết đèn là vật để hiển sắc còn Thấy là do mắt chứ không phải đèn. Mắt là vật để hiển sắc còn Thấy là do Tâm chứ không phải mắt. Hữu tình nào cũng có Chân tâm. Chân tâm là tánh Phật, tánh tri giác ở sáu căn chúng ta.

2. Kiến tinh bất động :

Kiều Trần Như trình bày hai nghĩa KHÁCH-TRẦN : Trong quán trọ hành khách ăn nghỉ rồi lại lên đường. Thật chủ nhân không có tới lui.
Ánh nắng mặt trời rọi qua khe cửa, bụi trần giao động lăng xăng còn hư không vẫn tịch lặng.
Phật dạy : ”Chúng sanh lấy nghĩa giao động gọi là TRẦN, bất trụ gọi là KHÁCH. Nay các ông xem đầu Anan giao động, tánh thấy không giao động. Tay ta có nắm có mở, tánh thấy không hề co duỗi. Tại sao các ông cứ lấy động làm thân, lấy động làm cảnh. Từ sanh đến tử, cứ nhận vọng tưởng niệm niệm sanh diệt làm tâm. Quên mất tánh chân thật, điên đảo hành sự, nhận vật là mình, tự chuốc lấy luân hồi lưu chuyển”. Thân chúng ta sanh để diệt. Sắc thanh v.v… 6 trần theo duyên hiện ra rồi tắt. Tâm yêu ghét cũng tới rồi đi. Toàn là khách trần, chỉ có tánh Phật chủ nhân ông vẫn thấy nghe hay biết, bất động.

3. Kiến tinh bất diệt :

Vua Ba Tư Nặc bạch Phật : Thân con vô thường biến hoại, niệm niệm không dừng, âm thầm dời đổi lúc nào không biết. Năm 20 tuổi, tuy nói là trẻ mà thật đã già hơn năm lên 10. Năm 30 lại già hơn khi 20. Bây giờ 62 tuổi so với ngày 50, thật kém phần cường tráng. Xét kỹ hàng năm, hàng tháng, hàng ngày, niệm niệm đổi dời. Nên biết thân này chắc chắn hoại diệt.

Phật dạy : Đại vương tự tủi thân già tóc bạc da nhăn. Tánh thấy của Đại vương không già không nhăn. Có già có nhăn là có biến hoại. Không già không nhăn là không biến hoại. Kiến tinh đã chẳng theo thân ông có trẻ có già thì biết kiến tinh vốn vẫn không sanh không diệt.

Mắt già đeo kính lại thấy tỏ. Đủ biết con mắt có trẻ có già, kiến tinh không trẻ không già. Từ vô thuỷ ta đã thấy. Đến ngày thành Phật ta vẫn thấy.

4. Kiến tinh viên mãn :

Anan thưa : “Tánh thấy bất diệt, sao Phật bảo chúng con đánh mất chân tánh, điên đảo hành sự ?”

Phật hỏi : Người thế gian cho cánh tay giơ lên là chánh, rủ đầu ngón tay chúc xuống là đảo. Điên đảo chỉ ở chỗ đầu đuôi để lộn chớ cánh tay vẫn y nhiên, không thêm bớt. Vậy ông hãy xét vì sao thân Như Lai gọi là chánh biến tri mà thân các ông gọi là điên đảo tánh ?

Anan và cả đại chúng cùng ngẩn ngơ, không biết thân tâm mình điên đảo ở chỗ nào.

Phật thương xót chỉ dạy : “Mê muội thành hư không. Trong tăm tối kết ám thành sắc. Sắc tạp với vọng tưởng, tướng của vọng tưởng là thân. Tụ duyên giao động bên trong, rong ruổi theo cảnh bên ngoài. Một khi đã nhận cái mịt mờ rối loạn ấy làm tâm tánh thì quyết phải lầm tâm ở trong thân. Đâu có biết rằng cả thân lẫn núi sông thế giới đều là vật hiện trong diệu minh chân tâm. Thí như bỏ cả trăm ngàn biển cả. Chỉ nhận một mảnh bọt nổi. Rồi trở lại cho mảnh bọt là tất cả. Ông là người trong mấy tầng mê, thật đáng thương xót.”

Triệt Ngộ đại sư dạy : “Khởi niệm bỏn sẻn, tâm biến thành pháp giới quỷ. Khởi niệm sân ác, tâm biến thành pháp giới địa ngục. Cứ thế 10 phương chánh báo y báo, 4 Thánh 6 phàm đều từ chân tâm mà có. Nên biết vạn pháp duy Tâm”.

Pháp giới lấy Chân tâm ta làm thể. Nơi nào có pháp là có tâm ta. Tâm ta rộng khắp pháp giới (Đại); đủ hình tướng của muôn loài (Phương); đủ hết công dụng Thánh phàm (Quảng); Tánh là giác (Phật). Ai sống với chân tâm sẽ có những công hạnh rực rỡ tốt tươi (Hoa) để trang nghiêm (Nghiêm) cho mình và vạn loài chung hưởng. Sự nghiệp Hoa Nghiêm đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã thành công.

5. Kiến tinh vô sanh :

Anan thưa : Con tuy đã hiểu diệu minh tâm địa viên mãn thường trụ. Nhưng hiểu đây là dùng tâm phan duyên chiêm ngưỡng suông chân tâm mà thôi, chớ thật chưa dám nhận là bổn tâm của mình.

Phật dạy : Còn dùng duyên tâm nghe pháp thì chỉ được pháp duyên chớ chưa được pháp tánh. Pháp như ngón tay chỉ mặt trăng. Người nghe nên nhân ngón tay mà nhìn thẳng mặt trăng.

Nếu phải có âm thanh làm duyên mới nghe thì khi pháp duyên diệt rồi, tâm phan duyên như lữ khách cũng phải theo duyên mà diệt.

Nay ta chỉ cho ông diệu tịnh minh tâm thường trụ. Ông hãy xem các tướng sanh diệt đều có chỗ trả về : Sáng trả về cho mặt trời, tối trả về cho ban đêm, thông trả về cho cửa mở, bít trả về cho tường vách… còn kiến tinh ông định trả về đâu ? Những vật có chỗ trả về dĩ nhiên chẳng phải là ông. Thứ không chỗ trả về, nếu không phải của ông thì của ai ? Nên biết tâm ông vốn diệu minh tịnh, ông tự mê muội, bỏ chủ theo khách, để chịu trôi dạt trong biển sanh tử, thật là đáng thương.

Sắc thân nhân duyên sanh nên theo duyên mà diệt. Ngoại sắc 6 trần cũng vậy.

Thọ tưởng hành thức là vọng tâm, đều cùng nhân duyên sanh diệt. Kiến tinh không do nhân duyên mà có nên không sanh không diệt; không có quá khứ hiện tại vị lai. Bài trên đã nói kiến tinh ở khắp mười phương. Bài này dạy kiến tinh vô sanh bất diệt nghĩa là thường trụ.

6. Kiến tinh chân ngã :

Thưa : Làm sao biết được kiến tánh thật là chân tánh của con ?
- Anan có tuệ nhãn thấy tới sơ thiền. A Na Luật Đà có thiên nhãn thấy khắp Diêm Phù Đề. Pháp nhãn Bồ-tát thấy biến mãn mười phương. Phật nhãn thấy cả pháp giới. Nhục nhãn chúng sanh chỉ thấy trong gang tấc.

Năm lượng thấy khác nhau nhưng đều là tánh thấy. Vạn vật muôn hình ngàn sắc biến hoá sanh diệt. Tánh thấy chủ nhân ông đứng nhìn vạn vật, tự nó không thay đổi, không xen tạp. Chẳng những không xen lộn với vạn vật mà công dụng của nó cũng không tạp loạn với tánh thấy của người khác. Ông thấy là ông thấy chứ không phải tôi thấy. Tánh thấy chu biến chẳng ông còn ai ? Sao ông cứ tự nghi, không tự nhận lấy chân tánh mà cứ theo tôi cầu tâm chân thật.

Kinh Pháp Hoa phẩm Pháp Sư Công Đức dạy : Sáu căn thanh tịnh sẽ có những công dụng siêu phàm. Tánh Phật ở nơi 6 căn, tuỳ thoát hoặc nghiệp đến đâu, sẽ hiển lực dụng thần thông tới đó. Vậy thì 10 thân, 4 trí, thập lực, vô biên quang minh, đâu có phải chỉ riêng phần đức Thích Ca. Chúng sanh nào có khả năng trở về với chân tâm bổn tánh của mình sẽ tự thấy đầy đủ trí tuệ đức tướng Như Lai.

Địa vị của chúng ta, chúng ta không tự nhận. Cứ cam phận luân hồi, nay nhận ta là người, mai nhận ta là trâu, là gà… Cầu Phật cứu khổ trong khi cứ tự mình dấn bước vào đường khổ.

7. Kiến tinh tuỳ duyên bất biến :

Anan thưa : Nếu tánh thấy chu biến viên mãn ấy thật là con, thì sao khi con ở ngoài con thấy khắp bầu trời, vào trong nhà con chỉ thấy tường vách. Hay là tánh thấy có co duỗi đứt nối ?
- Lớn nhỏ trong ngoài đều là tướng của tiền trần. Ví như trong hộp vuông tựa hồ có hư không vuông. Trong hộp tròn tựa hồ có hư không tròn. Muốn vào cảnh giới không vuông tròn chỉ cần vứt những hộp đi. Không nên nói phải trừ tướng vuông tròn của hư không. Hết thảy chúng sanh từ vô thuỷ tới nay mê mình làm vật, quên mất bổn tâm, bị vật lưu chuyển. Nên ở trong đây thấy lớn nhỏ trong ngoài. Nếu chuyển được vật ắt đồng Như Lai, thân tâm viên minh, không động đạo tràng, nơi một đầu lông ngậm khắp 10 phương quốc độ.

Thấy là do ánh sáng mặt trời từ ngoại vật phản chiếu vào mắt. Đứng ở ngoài sân mắt lãnh ánh sáng khác. Vào trong nhà ánh sáng khác nên thấy cảnh khác. Vậy cảnh theo duyên mà biến chớ kiến tinh bất động. Tâm theo cảnh mà biến thành khổ vui yêu ghét chớ kiến tinh bất động. Thân cũng theo nghiệp mà có lớn như voi, nhỏ như vi trùng chớ kiến tinh bất động. Kiến tinh như hư không. Nghiệp ví như những hộp vuông tròn. Tánh Phật ở mắt gọi là thấy, ở tai gọi là nghe, ở sáu căn thành ra sáu dụng. Tánh Phật vô biên diệu dụng chớ đâu phải chỉ có sáu.

8. Kiến tinh bất nhị :

Anan thưa : Nếu kiến tinh vô phân biệt thật là diệu tánh của con, vậy thì thân tâm con hiện tại đang biết phân biệt đây là cái gì ?
- Ông hãy nhìn khắp trên trời dưới đất rồi đích chỉ xem trong vạn vật cái nào là kiến tinh.
- Từ giảng đường con nhìn ra thấy sông Hằng, ngửa lên thấy mặt trời. Lấy tay chỉ được, từ mắt xem được, toàn là vật chẳng phải kiến tinh.
- Đúng vậy.
Phật lại bảo : Ông nhìn khắp vạn vật rồi đích chỉ cái nào chẳng phải kiến tinh.
- Nếu cây chẳng phải kiến tinh làm sao thấy được cái cây? Nay con nhìn khắp, suy ngẫm kỹ càng, tất cả vạn vật chẳng thứ nào không phải kiến tinh.
- Đúng vậy.

Rồi Phật giảng : “Kiến tinh diệu minh cùng với hư không và trần cảnh vốn là vô thượng bồ đề tịnh viên chân tâm, hư vọng mà thành sắc không cùng văn kiến. Như mặt trăng thứ 2 là mặt trăng thật hay không phải mặt trăng? Chỉ có một mặt trăng chân thật.

Trung gian không có cái gì phải mặt trăng hay không phải mặt trăng. Vì thế nay ông quan sát kiến văn và không sắc, phát minh ra đủ thứ, đều là vọng tưởng. Chẳng thể vượt khỏi những nghị luận vu vơ “phải hay không phải”. Nếu ông biết tất cả đều là chân tịnh diệu giác thì ông liền ra khỏi những rắc rối “chỉ được hay không chỉ được”.

Thế gian gọi là tinh thần và vật chất. Nhà chùa gọi là danh và sắc. Trong Kinh A-va-đà-na, Phật dạy vẽ danh sắc, một người lái thuyền chở đồ vật trên chiếc đò để tượng trưng tư tưởng sai sử cơ thể. Nếu cơ thể không đồng loại với tư tưởng, làm sao hiểu để tuỳ thuận tư tưởng. Các nhà khoa học ngày nay đã công nhận nước, gỗ, đồng… không có thật thể, đều là nguyên tử, vật chất không phải là vật chất. Đây là nói nghĩa không 2 giữa vật chất và tinh thần. Còn chánh văn Kinh nghiêng về nghĩa không 2 giữa chân và vọng. Ông Anan ở vào thế khó, muốn xả vọng mà từ xưa tới nay vẫn nhận vọng là mình, đã là mình thì làm sao xả. Muốn cầu chân mà chân tâm không hình khô;ng tướng, ở khắp 10 phương, mang mác bơ vơ làm sao nắm bắt. Đức Phật dạy toàn vọng tức chân. Như cánh tay chỉ lên là chính, chúc xuống là tà.

Chính hay tà toàn do công dụng chớ cánh tay vẫn là cánh tay. Tâm chính gọi là chân. Tâm tà gọi là vọng. “Hồi đầu thị ngạn”. Hiện tiền tâm niệm hễ cứ tỉnh ra là chân tâm ngay đấy. Kiến tinh bất nhị, không vọng cũng không chân, mà là bản thể của cả chân lẫn vọng.

9. Kiến tinh siêu tình (vượt ngoài tình chấp):

Thưa : Phật ở núi Lăng Già vì các ông Đại Tuệ nói : “Ngoại đạo chủ trương tự nhiên. Ta nói vạn vật do nhân duyên sanh”. Làm sao ngày nay Phật dạy : “Tánh giác trạm nhiên thường trụ”. Con thấy tựa như không phải nhân duyên. Làm thế nào để chúng sanh hiểu rõ, khỏi lạc về tà thuyết tự nhiên của ngoại đạo ?
- Tánh giác diệu minh phi nhân, phi duyên, phi tự nhiên, phi bất tự nhiên, không phi bất phi, không thị phi thị, ly nhất thiết tướng, tức nhất thiết pháp. Sao ông cứ đem những danh tướng hí luận thế gian mà phân biệt. Như người lấy tay nắm bắt hư không, chỉ tự mệt nhọc chớ hư không có bao giờ để ông nắm bắt.

Muốn đo lường trước hết phải có một thước đo chính xác. Muốn biết tánh Phật, trước hết phải y chánh nhân Phật tánh, tu cho tỉnh ra. Tỉnh đến đâu, biết đúng đến đấy. Như người trong mộng phải tỉnh mộng mới biết được thật tại. Không thể đem thân tâm đang mộng suy tìm cảnh thật. Càng suy tìm càng thêm mộng. Như người đau mắt nhìn thấy hoa đốm ở hư không. Càng để ý, càng phân tách, càng thấy thêm hoa đốm.

10. Kiến tinh chưa phải kiến tánh :

Kiến tinh còn đeo hai vọng kiến phát sanh hoặc nghiệp, khiến nghiệp thức luân chuyển thọ báo :

a/. Biệt nghiệp vọng kiến :

Ví như người mắt nhặm thấy quanh đèn có vòng năm sắc. Mắt nhặm và vòng năm sắc đều là bệnh. Thật thể tịnh minh là kiến tánh, tự nó không bệnh.

b/. Đồng nghiệp vọng kiến :

Hai nước ở bên cạnh nhau. Tất cả nhân dân nước bên này đều thấy sao chổi. Người nước bên kia không thấy gì cả. Phật kết luận : “Ông nay thấy tôi cùng mười loại chúng sanh đều là do mắt bệnh. Kiến văn giác tri cùng với trần cảnh đều là bệnh. Kiến tánh thấy được bệnh mê vọng này, tự nó không bệnh. Mười phương quốc độ cùng các chúng sanh đều là giác minh vô lậu diệu tâm, kiến văn giác tri hư vọng bệnh duyên hoà hợp vọng sanh, hoà hợp vọng tử. Nếu có thể xa lìa các duyên hoà hợp cùng bất hoà hợp thì liền có thể diệt trừ các nhân sanh tử mà viên mãn Bồ-đề bất sanh diệt tánh.

Người mắt nhặm ví với thức tâm đeo nghiệp. Vòng năm sắc ví với năm ấm. Tất cả chúng sanh đồng nghiệp vọng thấy luân hồi sanh tử vì cùng nhau sống với nghiệp thức là căn bản sanh tử. Biệt nghiệp là kẻ nặng về sát, người thiên về dâm. Mỗi người đi một ngả, kẻ làm ngạ quỷ người làm bàng sanh.

Đại lão hoà thượng Viên Anh giảng hoà hợp duyên tức là biệt nghiệp thuộc sự thức, là nhân của phận đoạn. Bất hoà hợp duyên tức là đồng nghiệp thuộc nghiệp thức, là nhân của biến dịch sanh tử.

Hoà hợp duyên nghĩa là không những Hoặc hiện mà còn có nghiệp hoà hợp để thành. Như thân chúng sanh phải có nghiệp ái dục mới thành.

Bất hoà hợp duyên tức là nghiệp thức. Tuy còn trần sa hoặc và vô minh hoặc nhưng đã hết kiến hoặc và tư hoặc, không còn những nghiệp để có thể hoà hợp hiện tướng 12 loại sanh.
VẠN PHÁP QUY VỀ NHƯ LAI TẠNG

Anan, bởi vì ông còn chưa biết hết thảy các tướng huyễn hoá phù trần, đương xứ xuất sanh, tuỳ xứ diệt tận, huyễn vọng gọi là tướng. Tánh chân thật của nó là diệu giác minh thể. Như vậy có tới năm ấm, sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới đều là do nhân duyên hư vọng hoà hợp có sanh, nhân duyên biệt ly hư vọng gọi là diệt. Đâu có biết rằng sanh diệt đi lại vốn là Như Lai tạng thường trụ diệu minh bất động chu viên diệu chân như tánh. Trong tánh chân thường cầu các pháp khứ lai, mê ngộ, sanh tử rốt ráo chẳng thể được.

Nhưng Thầy trò ta không thể chỉ nghe chỉ học mà phải tập luyện hàng ngày miên mật, thấy các điểm trên ở thân mình, ở thân mỗi vật. Tập thấy tánh thể bình đẳng. Nhận biết cái Thấy ở mắt con gà cũng đang thường trụ ở khắp mười phương như cái Thấy của ta không khác. Nghe, ngửi, nếm, xúc, biết cũng thường trụ ở khắp mười phương.

Ta, Phật và chúng sanh đồng thể không sai biệt. Miên mật tập học như vậy, tập tin mỗi vật quanh ta, đều là vị lai Phật. Như vậy dù không đại ngộ, tiểu ngộ hay tí ti ngộ nhưng tầm tri kiến cũng có phần nào được “Hương quang trang nghiêm”. Chúng ta hy vọng tiến vào pháp Vi mật quán chiếu (Samatha). Đời sống của Thầy mới tới đây đã sắp dứt. Ước mong con hơn cha, nhà ta có phước. Các con đủ sức tiến hơn cho tới phần Tam-ma là pháp Phản-văn, phần chánh yếu của Kinh Lăng Nghiêm, nối nghiệp Hoà Thượng pháp chủ Thích Đức Nhuận, tổ sư của chúng ta.
Kinh Lăng Nghiêm dạy ba tiệm thứ. Chúng ta phải thiện hiện từ lúc phát tâm đến ngày thành Phật :

1. Trừ trợ nhân sanh tử ( năm thứ rau cay).

2. Khoét bỏ tánh chúng sanh (trì giới).

3. Sáu căn sống trái với nghiệp hiện tiền (xả thọ).

Trợ nhân sanh tử nếu chỉ có 5 thứ rau cay thì chúng ta chắc đã thành Phật cả rồi. Trợ nhân mạnh nhất chính là gia đình, xã hội, cả trái địa cầu đang sống trong HOẶC NGHIỆP KHỔ. Cho nên chúng ta phải xuất gia, tìm nơi có quy củ đúng chánh pháp, để mong ở bầu được tròn, để tránh ở ống hoá dài.

Kiếp sống phù du, cảnh vốn mây bèo, trí tuệ non cạn, tâm phàm khó gột. Giơ tay cất bước tội đã ngập đầu, ác đạo trầm luân dễ vào mà khó ra. Cho nên ta phải dự chọn một nơi có đủ minh sư thiện hữu để rời thân ngũ ấm này, chúng ta đủ duyên tiếp nối công phu.

Đức Thích ca dạy : “ Về phương tây cách đây 10 vạn ức cõi Phật , có một thế giới gọi là An lạc, có đức Phật A Di Đà hiện đang thuyết pháp.

Đức Phật vì sao hiệu là A Di Đà ?

Xá Lợi Phất này, Phật A Di Đà quang sáng vô cùng vô lượng, soi khắp các nước suốt cả 10 phương không đâu chướng ngại. Phật A Di Đà cùng với nhân dân của Ngài sống lâu vô cùng đến bao nhiêu kiếp không thể kể xiết. Phật A Di Đà thành Phật đến nay mới có 10 kiếp. Đệ tử Thanh văn toàn A-la-hán hằng sa vô số. Các vị Bồ-tát cũng đông như thế. Mười phương chúng sanh sanh về An lạc đều là những bậc một đời không thoái. Trong có rất nhiều nhất sanh bổ xứ. Số sanh sang đấy nhiều lắm không thể đếm mà biết được. Chỉ có thể nói là nhiều vô số vô lượng vô biên. Chúng sanh nghe rồi thì nên phát nguyện, nguyện sanh sang đấy để được cùng các bậc thượng thiện như thế cùng nhóm họp một nơi”.
TÍN NGUYỆN HÀNH

Chúng ta cần học tập để ra khỏi ba cõi, tiến tu sự nghiệp, trên cầu Phật đạo dưới giác tỉnh chúng sanh, ngõ hầu đền đáp bốn ân, cứu khổ muôn loài.
Như trên là đường đi do quý Hoà Thượng, liệt vị thiện tri thức đã dắt dẫn. Thầy đã được một đời sống bình an vui vẻ trong hiện tại. Và tương lai hé mở một khung trời đầy ánh sáng hy vọng.
Nam mô tánh tướng bất nhị, minh hợp vô vi, nhất thiết tối thượng Tăng già gia chúng.

Nam mô thập địa, tam hiền, ngũ quả, tứ hướng, nhất thiết xuất thế Tăng già gia chúng.

Nam mô Tỳ kheo ngũ chúng, hoà hợp vô tranh, nhất thiết trụ trì Tăng già gia chúng.

Tái Bút : Thầy để lại cho các con một hướng phương cất bước, để đỡ bơ vơ trong biển Phật pháp mênh mông. Nhưng trên con đường mòn này, tuỳ sở thích các con muốn trì kinh nào cũng quý, Pháp Hoa, Hoa nghiêm, Bát Nhã, cho tới Di Đà, Phổ Môn, A Hàm… Muôn hoa, hoa nào cũng tươi, cũng đẹp, cũng thơm.
Nguyện cầu :
Tông phong vĩnh chấn,
Tổ Ấn trùng quang,
Giác hoa hương biến khắp rừng thiền.
Mưa pháp tưới nhuần người sơ học.
Cành cành lá lá tiếp nối không ngừng,
Tổ đường rực rỡ, chánh pháp xương minh.
Nam mô Độ Nhân Sư Bồ-tát ma ha tát (3 lần).
Đây là nguyên văn Di Chúc, Thầy đã để lại cho hàng đệ tử chúng tôi. Ngưỡng mong ai đọc văn này, hiểu được đường lối tu hành chánh pháp, sẽ lợi ích trong hiện đời và cả mai sau.

Source: nguoiaolam.net

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 7993)
Đại lão hòa thượng Thích Trí Nhãn thế danh là Đoàn Thảo, pháp danh Như Truyện, tự Giải Lệ, hiệu Thích Trí Nhãn. Ngài sinh ngày 10 tháng giêng năm Kỷ Dậu tức vào năm 1909 dương lịch, tại xứ Đồng Nà, tổng Phú Triêm Hạ, Xã Thanh Hà, nay thuộc thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, Thị Xã Hội An.
09/04/2013(Xem: 15542)
Xuất thân trong một gia đình gia giáo có thân phụ là Chánh Tổng nên Hòa Thượng đã sớm hấp thụ Nho học và Tây học từ thuở ấu niên. Vì thế, Hòa Thượng đã thông thạo cả Hán văn lẫn Pháp văn, kết hợp và dung hòa được cả hai truyền thống văn hóa Đông – Tây.
09/04/2013(Xem: 12722)
Hòa Thượng thượng Tâm hạ Thành. Thế danh là Nguyễn Ðức Huân sinh năm 1930 tại làng Trà Bắc, Phủ Xuân Trường, Tỉnh Nam Ðịnh, Miền Bắc Việt Nam. Năm 1942 khi vừa tròn 12 tuổi, Ngài ngộ lý vô thường và xuất gia học đạo với Sư Tổ Thượng Chính Hạ Ðĩnh tại chùa Yên Cư, Phủ Xuân Trường, Thuc Sơn Môn Trà Bắc. (Sơn môn Trà Bắc, Trà Trung và Trà Ðông thuc Tổng Trà Lũ, là hậu thân của Sơn môn Yên Tử). Ngài được Bổn Sư ban Pháp danh là Ngọc Tiểu Pháp hiệu Tâm Thành.
09/04/2013(Xem: 9675)
Mỗi lần đi Huế lòng tôi lại nao nao khôn tả. Huế là đạo, là thơ, là nghĩa tình ý vị, là tinh hoa văn hóa của ba miền đất Việt, nhưng cũng là mảnh đất khô cằn của đói nghèo khốn khổ “mùa đông thiếu áo mùa hè thiếu cơm” đã hứng chịu nhiều thiên tai nhân họa. Huế được phong phú về mặt văn hóa, tâm linh là nhờ hình ảnh những vị đại lão hòa thượng nơi đây đã sống, hành đạo và xả báo thân. Dù đã viên tịch, dư hương các ngài vẫn như còn phảng phất nơi các ngôi tổ đình tĩnh lặng và những rừng thông bạt ngàn.
09/04/2013(Xem: 7046)
Giờ phút Thầy an nhiên xả báo thân, thì bên này hơn nữa đêm. Một Phật tử của Thầy ở miền Đông nước Mỹ, giọng đầm đìa nước mắt, khấp báo cho tôi tin Thầy đã từ biệt, lệ tiếc thương như tràn ngập, khắp đó khấp đây. Rồi Tuệ Sỹ, một hậu tấn, kẻ đồng tâm dễ thương của Thầy, mà tôi thường ví như một hạt kim cương hiếm hoi lẫn trong đá sỏi của Phật Giáo Việt Nam ngày nay, trong nổi cô quạnh bao la vừa sau một mất mát lớn lao đã ai tín cho tôi bằng lá thư không niêm mà tôi biết mỗi chữ cũng trĩu nặng nổi lòng.
09/04/2013(Xem: 4046)
Cho phép con thành tâm kính cẩn chia buồn với quí ngài về nỗi mất mát lớn lao không sao tìm lại được. Ðối với kẻ hậu học, làm sao con không khỏi bồi hồi, luyến tiếc khi hay tin sự ra đi của cố Hoà thượng Thích Ðức Nhuận, người đã hiến trọn đời mình cho đạo pháp và dân tộc. Trong giờ phút này, nơi phương xa, một người đệ tử đã có nhân duyên muộn hầu cận, học hỏi nơi cố Hoà thượng khi còn ở Việt Nam, xin đảnh lễ chư tôn đức trong Tổ đình và xin quí ngài cho con có đôi lời bộc bạch với giác linh của cố Hoà thượng. Ngưỡng bạch giác linh Hoà thượng chứng giám.
09/04/2013(Xem: 6999)
Hòa Thượng Thích Thiện Trì thế danh Nguyễn Văn Hiến, Pháp danh Như Phụng, Pháp tự Thiện Trì, Pháp hiệu Ấn Ðạo thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ bốn mươi hai, Ngài sanh ngày 19 tháng 02 năm 1934 tại xã Nhơn Khánh, quận An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh. Ngài xuất thân từ một gia đình thuần túy Phật Giáo, thân phụ của Ngài là cụ ông Nguyễn Hàn, Pháp danh Như Ðà. Thân mẫu của Ngài là cụ bà Bùi Thị Thiệp, Pháp danh Như Cảnh. Ngài có tất cả 10 anh em, 5 trai và năm gái.
09/04/2013(Xem: 19436)
Để ghi lại những công –tác Hoằng-pháp và Giáo-dục trong niên-khóa vừa qua, chúng tôi đã thuyết-pháp và giảng-giải các lớp ở Ấn-Quang cho hàng Phật-Tử tại gia, cũng như tại Viện Đại Học Vạn-Hạnh cho sinh-viên Phật-khoa năm thứ IV (73-74) về môn các tác phẩm Trung-Hoa. Và cũng thể theo lời yêu cầu của đa-số Phật-tử muốn có tài-liệu để học-tập và nghiên-cứu, nên chúng tôi gom góp các bài đã biên-soạn, đúc kết thành một tập sách với nhan đề: “GƯƠNG SÁNG NGƯỜI XƯA”.
09/04/2013(Xem: 10630)
hế danh của Sư Bà cũng chính là Ðạo Hiệu hiện tại. Song Thân khó nuôi con, nên lúc 2 tuổi hai Cụ đã đem vào chùa cúng cho Sư Bà Ðàm Soạn, Trú trì chùa Cự Ðà và được Sư Cụ đặt tên là Ðàm Lựu. Phụ thân của Sư Bà là Cụ Ông Ðặng Văn Cán và Mẫu thân là Cụ Bà Nguyễn Thị Cả. Sư Bà sanh vào ngày 13 tháng 6 năm Quý Dậu, 4.811 Quốc Lịch; nhằm ngày 04 tháng 08 năm 1933 Tây lịch; tại làng Tam Xá, xã Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Ðông, Bắc Việt Nam.
09/04/2013(Xem: 5881)
Hòa Thượng Thích Như Điển, thế danh Lê Cường, Pháp tự: Giải Minh, Pháp hiệu: Trí Tâm, sinh ngày 28 tháng 6 năm 1949 tại xã Xuyên Mỹ, quận Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Học lực: Cử nhân giáo dục và Cao học Phật giáo tại Nhật Bản. Gia cảnh: Con út trong số 8 người con gồm 5 trai và 3 gái; Thân phụ: Ông Lê Quyên, pd: Thị Tế, Thân mẫu: Bà Hồ thị Khéo, pd: Thị Sắc. Người anh thứ bảy đã xuất gia đầu Phật năm 1958 tại chùa Non Nước, Đà Nẵng. Hiện là Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Hội Chủ Giáo Hội PGVNTN Hải Ngoại tại UĐL-TTL, Phương Trượng Tự Viện Pháp Bảo tại Sydney, Úc Đại Lợi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]