Cố Thượng tọa THÍCH CHÁNH LẠC, thế danh Nguyễn Ngọc Quang, Pháp danh Nguyên An, hiệu Chánh Lạc, sinh ngày 07 tháng 12 năm Canh Dần (1950) trong một gia đình có truyền thống Phật giáo, tại thôn Khái Đông, xã Hòa Hải huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng, thuộc danh lam thắng tích Ngũ Hành Sơn - Non Nước.
Thân sinh Thầy là cụ ông Nguyễn Thập, Pháp danh Như Bá. Mẹ là cụ bà Phạm Thị Thiệt, Pháp danh Thị Chấn. Cụ đã có nhiều công trong việc sáng lập chùa Quán AÂm. Gia đình thầy có 8 anh em: 4 trai và 4 gái. Thầy là người con thứ ba. Thuở thiếu thời, chú bé Ngọc Quang thường đi theo bố mẹ đến chùa lễ Phật. Nhờ túc duyên tiền định, sớm nhận ra Phật lý nên chú Quang về nhà đòi bố mẹ cho xuất gia vào năm lên 10 tuổi. Chú đầu sư với Cố Hòa thượng Thích Pháp Nhãn, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông, đời thứ 43, là vị khai sơn chùa Quán AÂm. Từ đó, chú Quang sống một cuộc đời hoàn toàn mới trong nếp sống Thiền gia: hành điệu thức khuya dậy sớm, chăm chỉ học hành, công phu bái sám không bỏ sót một thời nào. Chú được thầy Bổn sư và đại chúng quý mến yêu thương.
Đến năm 1965, Bổn sư cho Thầy tham dự khóa Sơ cấp Phật học tại Phật Học Viện Phổ Đà (Đà Nẵng), tiếp đến là Trung cấp Phật học và Thầy được thọ giới Sa-di vào năm 1967.
Năm 1970, sau khi mãn khóa Trung cấp tại Phật Học Viện Phổ Đà, nhận thấy mình có khả năng theo đuổi sự nghiệp học vấn, Thầy xin phép Bổn sư và đại chúng tạm rời bỏ quê hương, tha phương cầu đạo, vào Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) tiếp tục học Chuyên khoa Phật Học. Vấn đề được tuyển vào Học Viện Trung Phần bấy giờ là điều cực kỳ khó khăn, nhưng với ý chí cương quyết, chăm chỉ học tập nên Thầy được quý Tôn túc thương tưởng cho làm Học Tăng chính thức của Viện.
Năm 1973, Thầy tiếp tục sứ mệnh của người xuất gia, thọ giới Cụ Túc và đắc pháp tại Đại Giới Đàn Phước Huệ Nha Trang, do Hòa thượng Phúc Hộ làm Đàn đầu.
Đến năm 1975, Thầy ở lại Nha Trang tiếp tục tham gia các Phật sự khi Giáo hội cần đến và chấp nhận đời sống tự túc. Thầy lao động rất tích cực với các Xã viên Hợp Tác Xã Bồ Đề và Thầy làm Chủ nhiệm Hợp Tác Xã này một nhiệm kỳ.
Năm 1977, khi hay tin Hòa thượng Bổn sư viên tịch, sau khi về thọ tang, lẽ ra Thầy phải ở lại bản xứ để kế thừa sự nghiệp Bổn sư phó thác, nhưng vì Thầy là người đắc dụng, được Tăng Ni, Phật tử tỉnh Khánh Hòa kính mến, yêu thương, vì thế Thầy trở lại Thành phố Nha Trang tiếp tục đảm nhiệm công tác dịch thuật Kinh tạng và tham gia Đoàn Giảng sư thuộc Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa.
Sau bao năm tháng miệt mài kinh kệ, Thầy rất thành công trong việc dịch thuật và giảng dạy. Theo lời kể, Thầy dịch các Kinh đến đâu thì lấy đó làm tài liệu để diễn giảng. Khi Thầy dịch hoàn thành bộ Kinh Địa Tạng bằng chữ Hoa của Ngài Tuyên Hóa, được in ra rất nhiều để lưu hành trong và ngoài nước. Bấy giờ, Hòa thượng Trí Nghiêm còn sinh tiền, Ôn hết lời khen ngợi Thầy.
Năm 1997, với một tinh thần hăng say dịch thuật, hàng loạt các trang Kinh đang được dịch thuật, thì bỗng nhiên vô thường đến, Thầy ngã bệnh, một cơn bệnh nan y. Di chứng của “Tai biến mạch máu não” đã làm Thầy bị bại đôi chân, đi đứng rất khó khăn. Mặc dù được Tăng Ni và Phật tử tỉnh Khánh Hòa hết lòng chữa chạy, đưa Thầy đi điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa lớn từ Nha Trang đến Sài Gòn, nhưng bệnh của Thầy không thuyên giảm, cơn bệnh nan y quái ác không chịu buông tha, Thầy đành phải chấp nhận một thân phận không may của một bệnh nhân mang di chứng của tai biến. Những người thân của Thầy (mẹ, anh, em) và cả Phật tử, sau thời gian nuôi dưỡng và chữa trị cho Thầy tại Nha Trang mà bệnh tình không thuyên giảm, không sao chịu nổi cảnh đớn đau, quằn quại của vị Tỳ-kheo khả kính, nên đã đưa Thầy về lại quê hương, nơi ngôi chùa mà từ đó Thầy xuất gia từ thuở nhỏ để tiếp tục chăm sóc Thầy với tâm niệm “còn nước còn tát” và cầu nguyện cho Thầy thoát được đại bệnh để tiếp tục công việc còn dở dang.
Nhưng than ôi, cuối cùng cũng đến lúc Thầy ra đi với tâm trạng “không có gì để còn, và cũng chẳng có gì để mất” . Thầy hoan hỷ xả báo thân vào lúc 10 giờ ngày 28 tháng 11 năm Canh Thìn (nhằm ngày 23-12-2000).
Thầy trụ thế 51 tuổi đời và 27 hạ lạp.
Từ nay hình bóng Thầy không còn nữa. Hàng thính chúng Phật tử đâu còn nghe được những âm thanh vang vọng của một vị Giảng sư quen thuộc. Mẹ già vẫn còn đó, đang trong tâm trạng thương nhớ người con yêu quý. Anh em họ hàng, bà con quyến thuộc và những người thân của Thầy mất đi một người thân khả kính. Chúng tôi mất đi một Pháp hữu thân thương! Những bản Kinh của Thầy đã dịch, chúng tôi cho nhân bản lưu hành, các Kinh Thầy soạn dịch dở dang, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn tất.
Chúng tôi, toàn thể Tăng Ni và Phật tử luôn mong rằng: Thầy sẽ với thế giới Hoa Tạng và có ngày Thầy sẽ hồi nhập Ta Bà để góp phần cùng chúng tôi trong công cuộc hoằng dương chánh pháp.
Ngưỡng mong Giác linh Thầy thùy từ nhã giám.
Thành kính đảnh lễ Giác linh Thầy.
Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.
Bảo tháp của cố Thượng tọa Thích Chánh Lạc tại núi Thổ Sơn
(một ngọn thuộc cụm núi Ngũ hành Sơn) Phường Hòa hải, thành phố Đà nẵng, tỉnh Quảng nam
HỒI KÝ CẢM NIỆM THẦY CHÁNH LẠC
Thầy Chánh Lạclà người tôi quý mến
Kể từ khi Thầy đến đất Nha Trang
Phật Học Viện Hải Đức của Trung phần
Thầy nhập chúng tuy có phần chậm trễ
Nhờ đức tánh cần cù luôn mãi mãi
Thầy thành công hồ hải lớp Chuyên khoa
Trường Cao-đẳng Phật-học được mở ra
Thầy dự học thật là điều hy hữu...
Năm bảy lăm (1975) chuyển sang ngành lao động
Thầy tham gia cùng sống với Tăng Ni
Vai Chủ nhiệm Hợp Tác Xã Bồ Đề
Thầy đảm trách ngành nghề đều hoan hỷ
Năm chín lăm (1995) bước sang môn phiên dịch
Thầy bắt tay với tất cả nhiệt tình
Bộ Địa TạngThầy dịch được nổi danh
Được Hòa thượng Trí Ngiêmngười khen ngợi
CôTrí Hảitrân trọng lời giới thiệu
Đã lưu hành thế giới khắp Đông Tây
Những kinh khác Thầy dịch hãy còn đây
Chúng tôi sẽ tuần tự xin ấn tống
Thầy giảng pháp với tâm hồn thanh thoát
Khiến người nghe vơi bớt nỗi khổ đau
Tăng Ni sinh lãnh hội được pháp mầu
Đức hỷ xả của Thầy ai cũng mến
Thầy nghỉ dạy, không ai không hỏi đến
Kể từ ngày Thầy thọ bệnh nan y
Nỗi khổ đau trải qua bao tháng ngày
Thuốc Tây, Bắc, ngoại khoa đều thúc thủ
Nay Thầy tịch thật là điều mất mát
Cho Tăng tín đồ Phật giáo Nha Trang
Tôi được tin, xúc động và bàng hoàng
Nhưng lại nghĩ: “Vô thường là thế đó!”
Ôi thôi!
Hương lòng một nén đốt lên
Nguyện cầu Phật Tổ đón nghinh Thầy về...
Nam mô Tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật
Pháp huynh: THÍCH ĐỔNG MINH
Nha Trang, ngày 28 tháng 11 năm Canh Thìn (2000).
KỶ NIỆM NHỎ CỦA CHÚNG MÌNH
(Thầy TRÍ VIÊN viết nhân ngày Chung thất Cố TT THÍCH CHÁNH LẠC)
********
Kính Giác linh Thầy,
Sau khi tiễn Thầy lần cuối, Hòa thượng Thích Đổng Minh về lại Nha Trang, Ôn dạy mấy huynh đệ chúng tôi - những người cùng ở, cùng học với Thầy năm xưa tại Cao-đẳng Chuyên khoa Phật Học Viện Hải Đức - góp nhau cùng phụ lo xây bảo tháp cho Thầy.
Thật cảm động! Không phải quý ôn, quý thầy của chúng mình chỉ lo việc ăn, việc học cho đàn hậu tấn ; khi ốm đau hay mỗi đứa lần lượt ra đi (như thầy Thiện Tu, thầy Huệ An, rồi đến Thầy) quý Ngài đều quan tâm. Dù chúng ta có Bổn sư, nhưng lúc chung sống cùng một mái trường, chia bùi sẻ ngọt với nhau, được vượt qua mọi khó khăn dưới bóng mát của những cây đại thọ tỏa ngát tình thương này, có lẽ Bổn sư của chúng ta khó thấy, khó biết.
Nghĩ lại thời gian qua, mỗi đứa chúng ta đóng một vai tuồng: kẻ đến Nhiễu Giang, người đi Đồng Rọ, người về Đồng Trăng... dồn biết bao kỷ niệm mến thương không sao nói hết!
Nhân ngày Chung thất của Thầy, tôi xin nhắc lại một vài kỷ niệm gọi là tâm sự, cũng xem như đây là quả phẩm hiến cúng Giác linh Thầy. Kính mong Thầy chứng tri và hộ niệm cho chúng tôi, là những người còn lại, được “chân cứng đá mềm” , gắng sức đi trọn con đường mà chúng mình đã chọn, dù có trải qua gập gềnh, chông gai, nhưng quyết chí đi tới, để một ngày nào đó về quê cũ sẽ gặp lại Thầy. Lý tưởng của chúng ta rất rõ, cho nên huynh đệ chúng mình dù không là bà con ruột thịt, máu mủ, nhưng Thầy và tôi cũng như bao huynh đệ khác đã cùng chọn con đường trưởng dưỡng đức hạnh giải thoát. Do vậy, dù gặp bao nhiêu khó khăn, thử thách là bấy nhiêu chất liệu giúp chúng ta xây dựng đức tin vững mạnh hơn đối với lý tưởng.
Kính Giác linh Thầy,
Bây giờ, tôi gợi lên việc này để Giác linh Thầy mỉm cười với chúng tôi. Có lẽ Thầy không quên hình ảnh Hòa thượng Từ Quang (Hòa thượng Đàn đầu) của chúng ta:
Giữa những năm đất nước biến chuyển, nhóm Học Tăng Hải Đức - gồm 15 huynh đệ - đi làm nghĩa vụ lao động tại vùng kinh tế mới Nhiễu Giang, trong đó có Thầy, có tôi. Sau khi hoàn tất nghĩa vụ 15 ngày, rời Nhiễu Giang, anh em chúng ta kéo nhau về chùa Bảo Tịnh (Tuy Hòa) hầu thăm Hòa thượng Phúc Hộ. Sau một thời gian khá lâu, ngài không vào Nha Trang được, vì lúc ấy ngài đã tuổi cao sức yếu, xe cộ đi lại khó khăn, còn huynh đệ mình vắng ngài như thiếu thốn điều gì trong nếp sống của những người tu sĩ trẻ. Trước đó, năm nào cũng vậy, cứ vào 3 tháng kiết hạ an cư, chúng ta đều được trú mát dưới những bóng cây đại thọ của quý ngài. Sau mấy năm liền không gặp được Hòa thượng, ai cũng thấy nhớ nên rất muốn ghé thăm.
Trời chạng vạng tối, chú thị giả thưa: “Bạch Ôn, có quý thầy ở Nha Trang ra” .
Hòa thượng mừng quá, bước thật nhanh xuống cầu thang, đến bậc cuối, nhìn thấy hình ảnh lam lũ, lôi thôi... của chúng tôi trông thật thảm hại, ngài ôm vai từng đứa, giọng ngạc nhiên thốt lên: “Sao lại vầy ?!”
Những giọt nước mắt thương yêu lăn dài theo hai cánh tay yếu ớt của ngài vuốt vai từng người Học Tăng năm cũ, niềm kỳ vọng của người. Lúc ấy, huynh đệ mình ai cũng im lặng cúi đầu... Chợt tôi ngẩng lên, thấy Hòa thượng ôm trọn anh chàng Chơn Trí cao khều, đầu đội chiếc nón lá rách bươm, tay đang cầm cây gậy rừng Nhiễu Giang, quần áo thì chỗ lành chỗ thủng (thấm mồ hôi của nhiều ngày, đang bốc mùi khó chịu). Hòa thượng Phúc Hộ người không cao mấy, nên khi ôm anh chàng Mã Cao (biệt hiệu của Chơn Trí), đầu “hắn” cao hơn đầu Hòa thượng, cao như hòn đá Vọng phu chót vót trên đỉnh đèo Cả, chúng tôi bật cười trong nước mắt. Lúc ấy Chánh Lạc cũng chống gậy Nhiễu Giang, quần ống thấp ống cao, thưa với Hòa thượng:
“Bạch Ôn, Học Tăng là chiến sĩ trên nhiều mặt trận, tụi con không sao đâu! Xin Ôn chớ lo!” .
Tôi bèn xích lại gần Thầy, nói nhỏ: “Vậy mà có những mặt trậnmình chui vào thì rất nguy hiểm đó!”
Thầy cười và nói liền: “Mình tu mà anh, đừng sợ!”
Bản tính vô tư của Thầy lúc nào cũng vậy.
Khi Thầy về Quảng Nam để trị bệnh, tôi không gặp được Thầy cho mãi đến hôm nay.
Sống với nhau nơi Học viện Hải Đức thân thương, hơn 25 năm qua, chúng ta chưa làm được gì đối với sự nghiệp nối gót quý Ôn quý thầy, rồi tự mỗi người rời tổ ấm mà bao kỳ vọng, bao lao nhọc của quý ngài giờ đây như một Na-Lan-Đà thứ hai.
Tôi không đủ duyên để về Quảng Nam tiễn Thầy lần cuối, nhưng thay tôi có thầy Thiện Tu, thầy Huệ An... mãi mãi trong bóng hình của Học viện Hải Đức ngày nào.
Xin Giác linh Thầy hoan hỷ bỏ lỗi cho tôi.
Kính bái Thầy
Thích Trí Viên
THẦY BỆNH, ĐI THĂM
Ngày hai mươi tháng sáu
Thầy phát ra chứng bệnh
Ốm mất gần mười cân
Tinh thần Thầy bị xuống
Phật tử thấy... xôn xao
Hỏi Thầy sao ốm thế
Thầy cười, nói “không sao”
Tâm đạo Thầy giữ bền
Đi giảng pháp mọi nơi
Qua rồi ba tháng hạ
Về quê Thầy thăm mẹ
Sẵn dịp chữa bệnh luôn
Hành trang xuống phi trường
Tiễn Thầy có năm đứa
Trông Thầy thảm làm sao!
Quần xắn lên ống quyển
Lững thững ra phi trường...
***
Mười lăm ngày xa cách
Thầy trò không gặp nhau
Nghĩ ra một diệu kế
Tổ chức đi thăm Thầy
Thiên Phú thầy Chơn Kiến
Kim Sơn thầy Nguyên Minh
Hợp cùng các Phật tử
Tất cả mười lăm người
Bốn giờ ngày mồng mười
Xe chạy trong đêm tối
Giấc ngủ không được yên
Xe dừng lại bên đường
Trạm xăng có mái hiên
Thầy trò vào đó nghỉ
Một giấc thật ngon lành
Tiếp tục lại lên đường
Bảy giờ đã đến nơi
Thầy trông mong chi lạ
Đứng ngồi không được yên
Gặp nhau tình huynh đệ
Cùng với tình thầy trò
Thật thắm thiết làm sao
Thầy nhìn qua Phật tử
Nước mắt ứa tràn mi
Cả nhà Thầy săn đón
Đoàn đến cũng yên vui.
***
Về quê Thầy chữa bệnh
Phật tử lòng nôn nao
Đạo tình tâm ghi tạc
Hướng về tỉnh Quảng Nam
Hành hương chuyến thăm thầy
Đường xa tuy trắc trở
Gặp gỡ được bao ngày
Bùi ngùi trong tấc dạ
Bất giác giọt lệ rơi
Thầy cười trong nước mắt
Nhìn Phật tử Thầy vui
Mong cho Thầy chóng mạnh
Trở về với chúng con.
***
Ở lại nghỉ một đêm
Thầy trò cùng ra biển
Hàng dương che khuất bóng
Tiếng sóng vỗ rì rào
Ánh trăng treo lơ lững
Chiếu xuống tấm lụa đào
Cát trắng đẹp làm sao
Chứng tỏ lòng cao cả
Thầy ban một thời pháp
Diệu âm Quán Thế AÂm
Phạm âm, Hải triều âm
Thắng bỉ thế gian âm
Thị cố tu thường niệm
Niệm niệm vật sanh nghi...
Giảng qua chú Lăng Nghiêm
Tiếng Thầy nghe thanh thoát.
***
Sớm mai khi thức dậy
Đoàn từ giã lên đường
Thầy ngồi bên cửa sổ
Vẫy tay chào người đi
Ngập ngừng xe lăn bánh
“Mô Phật Thầy, con đi”
Vội vàng ra bên cửa
Ứa lệ Thầy trông theo
Cả đoàn ai cũng khóc
Thương Thầy quá, Thầy ơi!