Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Công án Trần Nhân Tông nhân chuyến đi Yên Tử

21/09/201214:40(Xem: 7299)
08. Công án Trần Nhân Tông nhân chuyến đi Yên Tử

Đã lâu, mỗi khi về Việt Nam, tôi thường ngỏ ý với bạn bè muốn đi thăm chùa Đồng và leo núi Yên Tử, nơi cội nguồn của dòng Thiền Trúc Lâm Việt Nam.

Cứ mỗi lần như thế, bạn bè ở Huế cũng như người quen ở Hà Nội đều gạt phăng bảo rằng khó lắm, đường đi hiểm trở và phải có thì giờ, phải mất hai ngày trời mới leo lên tới chùa Đồng nằm trên đỉnh núi Yên Tử, không đi được đâu.
Và tôi, kẻ ở xa, khi thấy nét hốt hoảng của mọi người về nỗi ngăn sông cách núi như thế, cũng đâm ra ngần ngại, lo cho thân mình, và ngoan ngoãn bỏ ý định leo núi Yên Tử.

Mùa đông vừa rồi, nhân về Hà Nội do lời mời của Viện Goethe ở Hà Nội, tôi tự nhủ lần này phải leo lên được núi Yên Tử mới cam lòng và

thaikimlan
Tiến Sĩ Thái Kim Lan

GS.TS Thái Kim Lan là một người con của xứ Huế, sang Đức từ 1965, dạy triết học tại Đại học tổng hợp Ludwig - Maximilian, thành phố Munich, Cộng hòa Liên bang Đức.

Bà là chủ tịch Trung tâm Giao lưu Đức - châu Á và là phó chủ tịch Hội Thân hữu Phật tử châu Âu.

nhất định không nghe ai can ngăn việc đường đi hiểm trở mà nản chí. Tính thì giờ, tôi chỉ có một ngày để leo núi. Cũng được thôi, ta tính chuyện đi, trong một ngày?
Suốt cả đêm vừa thấp thỏm chờ sáng lên đường, vừa thú vị vì cuộc đi sắp được thực hiện, trong đầu tôi âm vang câu châm ngôn đắc chí đã học từ hồi lớp năm trong sách Quốc văn Giáo Khoa Thư “đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”, một câu thường dùng như một loại cẩm nang thuộc lòng, dù đúng cho muôn đời và đúng trong trường hợp của chuyến đi Yên Tử này, nhưng hôm nay nghe bóng bẩy trơn tru như một sáo ngữ nhàm, chán tai quá, tôi lắc đầu, xua đuổi âm vang của câu ấy ra khỏi trí óc. Chỉ biết ngày mai sẽ lên đường đi Yên Tử… một ước ao đã nuôi dưỡng từ mấy năm sắp thành sự thật, một ước ao thật ra rất tầm thường, rất nhỏ bé, không phải loại dời núi lấp sông, nhưng một ước ao dù cho nhỏ bé, cũng có quyền đòi thành sự thật…

Không ngủ được, tôi mở cuốn sách “Trần Nhân Tôn” mới nhận được của Thầy Lê Mạnh Thát tặng và bắt gặp một cách nói khác, cũng cùng một chân lý nhưng mộc mạc hơn, Việt Nam hơn và lạ lùng hơn: “Nhân lòng ta vướng chấp khôn thông”… “Miễn cứ một lòng, thì rồi mọi hoặc”. Cách đặt câu hình như còn gai góc, khó khăn, cái câu được viết lần đầu tiên bằng tiếng Nôm trong lịch sử văn học của nước ta trong bài phú “Cư Trần Lạc Đạo” của một vị vua quyết tâm dùng tiếng Việt làm chủ ngữ trong Văn học của đất nước Việt Nam.
Đọc lên nghe vấp váp, từ cú còn thô thiển nhưng hình như ở nơi mỗi vấp ngã lại làm cho ta dừng lại để thâm nhập vào trong chiều sâu của chữ nghĩa và “Lắng lòng mình” để chiêm nghiệm “lòng người”.

Một ông vua nước Nam, cách đây đã 800 trăm năm đặt chữ Tâm, chữ Lòng lên hàng đầu trong mỗi công cuộc xây thành dựng nước, bảo vệ bờ cõi, thao luyện nhân cách làm người Việt Nam, một ông vua có đủ quyền lực trong tay nhưng sẵn sàng rũ bỏ hết quyền uy, giàu sang tột đỉnh để làm một vị sư “nệm cỏ giường Thiền”, “giữ giới sạch”, “giữ lòng trong”.
Giấc ngủ chập chờn đến với những ý tưởng và hình ảnh loanh quanh quay tròn theo chữ TÂM, mà thời đại Trần Nhân Tôn đã gọi rất nôm na, rất tiếng Việt “Lòng ta” như một “cách sống, cách nghĩ” của một thời, khi Việt Nam bước vào giai đoạn phát huy tự chủ tự cường sau khi đã dựng nước và giữ nước…


“Có phải Sông Nhị ngày mai mờ khói nước
Rượu đào tươi mát rửa lòng trong”
(Trần Nhân Tôn, Hoạ thơ Kiều Nguyên Lãng)


Đầy mâm bánh cuốn như hồng ngọc

Xe đi từ Hà Nội lúc 4 giờ sáng, băng qua sông Nhị, còn mờ hơi sương, đến chân núi lúc 8 giờ, ăn sáng nơi một quán gió có nồi bún riêu bốc hơi ngào ngạt, bún riêu và bánh cuốn nóng, trong một sớm mai mùa đông se lạnh ở một làng quê miền Bắc cách Hà thành 100 cây số, có một chút chi đầy cá tính Việt Nam – Việt Nam hơn Hà Nội hay Sài Gòn ồn ào náo nhiệt – trong cung cách của cô bán bánh cuốn, đôi tay thoăn thoắt cuốn bánh, không nhìn khách là ai, thỉnh thoảng ngước đôi mắt đảo nhanh một cái, đôi má hồng vì hơi nước của nồi hấp bánh toả ra, nhưng cô biết ai là người ăn bún ai là người ăn bánh, còn chi thú vị hơn?

Phong cảnh buổi sáng nơi miền quan tái hoang sơ như trong một bức tranh cổ. Tôi cúi mặt nhìn đĩa bánh cuốn, những chiếc bánh trắng tinh láng mượt mà, cho ta biết là bột vừa dẻo, óng ánh màu nước mắm ửng hồng, “bánh cuốn như hồng ngọc” là đây! Dung dị, nhưng đầy ý vị, đơn sơ nhưng đậm đà hương vị lúa gạo Việt Nam, cho nên quí giá như Hồng Ngọc.
Viên ngọc của Việt Nam tôi đó! người sứ giả phương Bắc kia!
Trong một thoáng tôi như thấy lại quang cảnh lịch sử của ngày xưa. Cũng nơi miền quan tái này, cách đây không xa mấy nơi chốn biên cương, rộn ràng ngựa xe tiễn sứ giả Bắc triều, bụi tung mờ đàng trước, nơi một doanh trại nào đó, tiệc tiễn đưa sứ giả diễn ra, với “Đầy mâm bánh cuốn như hồng ngọc” và một lời nhắn nhủ ý nhị “Phong tục từ xưa của nước Nam” của vua Trần Nhân Tôn. Lấy một món dân dã ra mà đãi quốc khách, bản lĩnh tự chủ của vị Vua này thực vững chãi có một không hai!


“Xong mùa giá chi thử áo xuân,
Hôm nay luống gặp tiết cỏ xanh
Đầy mâm bánh cuốn như hồng ngọc
Phong tục từ xưa của nước Nam”
(Trần Nhân Tôn, bài thơ tiễn sứ giả Tàu Trương Lập Đạo, bản dịch Lê Mạnh Thát)


Tự chủ với một nền văn hoá Việt Nam, mà món ăn là một nét khởi đầu của cái Đạo làm người Việt Nam “Nhu dã ẩm thực chi đạo dã!” (Kinh Dịch). Sau khi đã ổn định trời đất (chiến thắng quân Nguyên giành lại độc lập cho đất nước) thì không thể không có giáo dục và nuôi dưỡng, hai yếu tố chủ yếu của văn hoá, tạo nên bản sắc văn hoá – nếu không nói là bản sắc văn hoá dân tộc, những danh từ mà tôi bỗng e dè khi dùng tới trong cuộc hành trình này…
Mời người trước kia là địch thủ nay là sứ giả hoà bình nếm món bánh cuốn của trời Nam, để biết ăn chơi không chỉ là cao lương mỹ vị, mà là sự tinh tế tài hoa của người biết nấu và người biết ăn, phong tục của nước Nam!

Tôi đã thưởng thức món bánh cuốn dưới chân núi Yên Tử không với một niềm hoài cảm mà với một sự chiêm nghiệm thích thú đã gặp được “khẩu vị” của một đấng anh hùng nước Nam, và cũng là vị sáng lập một thế đứng tư tưởng Việt Nam ngẩng mặt đối diện với phương Bắc, mà từng bước từng bước tôi đang sắp sửa đi trên một quãng đường mà Người đã để lại.


“Mình ngồi thành thị
Nết dụng sơn lâm”


Yên Tử trong mùa đông rét mướt thường vắng khách vãng lai, vả chăng Yên Tử vẫn còn là một nơi hẻo lánh khó đi, nên Yên Tử chưa bị nhiễm độc như Chùa Hương bởi những hàng quán rối rít hai bên đường.
Đường lên núi rợp bóng cây, lau lách, tre sậy và các thứ cây miền nhiệt đới um tùm hai bên đường, đường núi dốc đá quanh co, có nơi bằng phẳng nhưng cũng lắm chỗ gập ghềnh.

yentu-01

Khách leo bộ lên Yên Tử vào mùa trẩy hội. (Ảnh Wiki.)


Khí núi cùng với mùi hoa lá lạnh mát bay phả vào mặt làm cho người đi thấy lòng dịu hẳn, những bước đi trên con đường dốc thoạt chốc bớt nặng nề. Yên Tử có một không gian thanh thản thâm u nhưng không huyễn hoặc như Động Hương Tích.

Từng bước từng bước một, tôi biết mình đang dẫm chân lên những dấu vết sơn lâm lịch sử.

Yên Tử còn “lạ hơn ba mươi sáu thiền thiên”, có lẽ bởi Yên Tử không chỉ là nơi “náu ẩn” như Huyền Quang nói, mà là thánh địa của “nết dụng sơn lâm” như Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tôn đã hoạch định. Thăng Long và Yên Tử, một bên là “mình ngồi” một bên là “nết dụng”, một bên là “xác” một bên là “hồn”, Thăng Long mà không có Yên Tử thì Thăng Long rốt cùng chỉ là nơi buôn danh bán tước, một chốn thị phi tranh tài tranh sức, nhân nghĩa thực dụng để chìm đắm trong bể khổ, Thăng Long với lầu vàng điện ngọc đã bao lần dâu bể trong “cuộc mất còn” của lịch sử, Thăng Long đã bao lần đá nát vàng phai nhưng Yên Tử vẫn còn đó, vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, bởi vì Yên Tử chẳng có chi vật chất để mà “thành trụ hoại diệt”, Yên Tử vẫn là cứ địa của một nền tư tưởng, đạo đức Việt Nam, vẫn là sơn lâm sâu thẳm của “thể tính” “an nhàn” Việt Nam như một điểm tựa vững chãi cho những gì có ý nghĩa cho hiện sinh Việt Nam, cho nên là “nết dụng sơn lâm”. Sống ở thị thành là chân lý tương đối, dụng tâm ở sơn lâm là chân lý tuyệt đối, thị thành không có sơn lâm thì sẽ mất ý nghĩa và điểm tựa tinh thần.


yentu-02

Khách thập phương lên núi Yên Tử mùa lễ hội. (Ảnh Wiki.)


Trần Nhân Tôn đã không lên Yên Tử để trốn đời. Trần Nhân Tôn lên Yên Tử để làm “tròn” cuộc đời của một con người Việt Nam. Cả một cơ nghiệp đời Trần, như ai cũng thừa nhận đã là giai đoạn lịch sử vàng son nhất của Việt Nam, nếu không có “nết dụng sơn lâm” của Yên Tử thì Trần Cảnh đã không thể đứng vững trên mặt đạo lý để là một vị vua cho quần thần mến phục. Có thể nói Yên Tử đã cứu Trần Cảnh ra khỏi phong ba bão táp loạn luân của Trần Thủ Độ và Yên Tử từ đó là cơ sở đạo đức thiết lập niềm tin cho một bản sắc Việt Nam:



Mình ngồi thành thị
Nết dụng sơn lâm
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm
Tham ái nguồn dừng chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quí
Thị phi tiếng lặng được đầu nghe yến thốt oanh ngâm…


Trên ngọn núi Yên Tử tùng trúc rào rạt trong gió, ngẩng mặt lên nhìn mảnh trời xanh lạ lùng của ngày mùa đông hôm ấy đã thành những bông hoa xanh biếc được những lá tùng nhọn như những mũi kim thêu lốm đốm. Một câu hỏi chợt đến trong đầu, sau ba tiếng đồng hồ leo núi:

Trần Nhân Tôn, người là ai?


Câu hỏi có vẻ lẩn thẩn, bởi lẽ từ khi cắp sách đến trường, bắt đầu học lịch sử dân tộc, ai là người Việt Nam mà chẳng biết qua hơn một lần trang sử đời Trần và trang sử Trần Nhân Tôn?

Ai là người Việt Nam đã không tự hào về những chiến thắng quân Nguyên vẻ vang của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài ba của vị vua anh minh lỗi lạc Trần Nhân Tôn? Không những là một vị vua anh dũng nơi các chiến công oanh liệt Hàm Tử, Chương Dương, Bạch Đằng, Tây Kết của Việt Nam vào thế kỷ 13, vị hoàng đế “Kim Phật” này lại là một nhà lãnh đạo tư tưởng văn hoá tôn giáo ưu việt đã đem lại cho thời đại của mình và cho đời sau một niềm tự tin vững chắc và sâu đậm “Nam quốc sơn hà nam đế cư” hơn tất cả những vị anh quân của lịch sử Việt Nam, không những võ công mà chính là văn trị đã đưa Trần Nhân Tôn thành một nhà lãnh đạo tư tưởng Việt Nam đầy nhân ái và sáng tạo: với Trần Nhân Tôn tiếng Việt được đưa vào văn học chính qui và với Trần Nhân Tôn tư duy triết lý và đạo đức Việt Nam trên cơ sở Thiền học được thành lập.

Từ lớp tiểu học cho đến đại học, qua nhiều lần thi cử, chính tôi đã thuộc nằm lòng những trang sử sáng ngời Trần Nhân Tôn như thế, cho đến khi xuất ngoại du học, những năm tháng xa quê hương sống nơi đất khách, mỗi khi trình bày về lịch sử và văn hoá Việt Nam, mỗi khi lý luận về bản sắc dân tộc về văn hoá dân tộc, những trang sử Trần Nhân Tôn luôn luôn là bằng chứng hùng hồn của ý thức độc lập thực sự Việt Nam và là điểm tựa cho niềm tự hào và nỗi hãnh diện của tôi về văn hoá ưu việt của đất nước đối với người ngoại quốc.

Nhưng thực tình và thực sự mà nói, thì hình như trải qua mấy mươi năm đọc, học, nghe, và lặp lại những điều sử sách viết về Trần Nhân Tôn, Trần Nhân Tôn đối với tôi chỉ là một trang sử mở sẵn hay gấp lại để trên bàn hay trong tủ không hơn không kém, tôi chưa hề biết Trần Nhân Tôn là ai?



Hoa Yên Tự – Trần Nhân Tôn: “Ta (thật tận tình) là Ta”



yentu-03
Chùa Hoa Yên - Núi Yên Tử. (Ảnh Wiki.)


Chùa Hoa Yên, nơi thờ vị tổ sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm vua Trần Nhân Tôn, mở ra từ những bậc đá từ dưới nhìn lên thoạt tiên quen

thuộc như… “vườn nhà” với các bụi chuối hai bên lối đi, sau khi đã quanh co với những cây cổ thụ, bạch tùng, xích tùng lạ kỳ hiếm có, bỗng nhiên gặp lại vườn chuối tiêu điều, như ngõ sau quê mẹ…thế này?

Khác với Hoa Yên của tam tổ Huyền Quang (sách đã dẫn):


Hồ sen trương tán lục
Suối trúc phiếm đàn tranh…


Nhưng rồi vượt hết các bực đá, Hoa Yên bỗng chơi vơi trên không với một tầm nhìn sơn hà bao quát lồng lộng, núi non rừng cây trùng điệp mấy tầng nâng Yên Hoa lên trong thế rồng ngồi với một kiến trúc vườn cây lăng miếu hài hoà thuần tuý Việt Nam.

Tôi đứng trên bậc cấp cuối cùng giữa hai cây “trượng phu tùng” (Huyền Quang, sách đã dẫn), gió lộng bốn bề trước cảnh non nước gấm vóc, rồi quay mặt trực diện với bệ thờ Điều Ngự Giác Hoàng, trong một giây cảm xúc tôi có cảm tưởng thấy được chân dung thực sự của Trần Nhân Tôn.
Như chia với nhau cùng một ấn tượng, chúng tôi ba người đều thấy cùng một lúc chưa có nơi nào trên đất nước Việt Nam “Việt Nam” hơn Yên Hoa của Yên Tử với lối kiến trúc khiêm tốn nhưng thâm u, thiên nhiên thô sơ nhưng không thô kệch, tinh vi nhưng không phù phiếm.

Trần Nhân Tôn đó, có thể ngẩng mặt nhìn sang Bắc để nói “Ta cũng như người”, để hướng về phương Đông mà nói “Ta khác với người”, nhìn về Tây mà nói “Ta không thua người”, nhìn về Nam mà nói “Ta cùng với người”. Đã thấy lăng tẩm các vị vua chúa triều Nguyễn, mới thấy Trần Nhân Tôn “Việt Nam” ngay từ từng viên đá, không một chút ảnh hưởng của Trung Hoa trong sự khiêm tốn nhân ái ngược với kiến trúc tráng lệ đến vô nhân, Hoa Yên lại khác với Nhật trong chất đá thiên nhiên, với Nam Dương trong nghệ thuật tinh vi.

Tôi bỗng hiểu được tại sao người Nhật mê và tìm học kỹ thuật đồ gốm đời Trần. Chén gốm đời Trần có một sắc thái tinh vi trong chất đá thô kệch, không hào nhoáng bóng bẩy như của Tàu, cho biết nghệ nhân có một bản lĩnh cao cường trong lúc sáng tạo, vừa thấu hiểu bản chất sự vật để gìn giữ bản chất ấy đồng thời nâng sự vật lên thành tác phẩm nghệ thuật. Chẳng khác chi bản sắc của một dân tộc mà Trần Thái Tôn trong trách nhiệm cầm cân nảy mực phải dùi mài trau chuốt, vừa gìn giữ để không bị đồng hoá vừa phát huy để đừng bị thoái hoá.

Và trong trăm ngàn trách nhiệm, chưa thấy vị vua nào như những vị vua đời Trần đã miệt mài nói về chữ Tâm Việt Nam như một lời tuyên ngôn làm kim chỉ nam để phát huy bản chất Việt Nam như thế, nói về chữ Tâm Việt Nam bằng ngôn ngữ Việt Nam, cho nên không ngại đi ngược lại với thời thượng và mặc cảm của sĩ phu Việt Nam sau một ngàn năm đô hộ của Tàu.
Cần phải đi ngược để khẳng định cho được phong cách con người Việt Nam với giá trị văn hoá đạo đức phương Nam.

Từ Trần Thái Tôn trở về sau, chữ Tâm đã được thay thế bằng chữ Lòng trong những tác phẩm văn chương đời Trần viết bằng chữ Nôm. “Thay đổi cách hành văn là thay đổi tư duy, thay đổi tư duy là thay đổi cách hiện hữu, cách sống”, Nietzsche đã có lý khi nói như thế.

Có thể nói Trần Nhân Tôn đã tiếp tục sứ mạng “làm người Việt Nam” toàn vẹn nhất, tận tình nhất, hùng hồn và sâu thẳm, sáng tạo và đôn hậu trong sự nhất quán, trong sự thấu suốt cuộc đời bên ngoài, cuộc đời thành thị và cuộc sống nội tâm, cuộc sống tinh thần nơi chốn sơn lâm. Nghĩa hãy nhớ đạo chẳng quên…


“Hãy xá vô tâm tự nhiên hợp đạo
Sạch giới lòng, dồi giới tướng nội ngoại nên Bồ Tát Trang Nghiêm
Ngay thờ chúa thảo thờ cha Đi đỗ mới trượng phu trung hiếu”
(Trần Nhân Tôn, Cư Trần Lạc Đạo)

Tôi lùi lại phía sau, đến cạnh bệ thờ có tượng Trần Nhân Tôn, nhìn ra phía trước.

Tôi muốn biết Trần Nhân Tôn từ chỗ ngồi này đã nhìn gì, thấy gì khi người còn sống “am mây một sập Thiền”, khi người đã chết, từ hơn 800 năm trước cho đến bây giờ… Có phải “Ta nay: ngồi đỉnh Vân Tiêu, cỡi chơi Cánh Diều” “Coi Đông Sơn tựa hòn kim lục/Xem Nam Hải tựa miệng con ngao” như Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang ngày trước đã tả không, thì thấy rừng cây trùng điệp mà chúng tôi đã đi qua như những cánh phượng hoàng phấp phới trong gió, núi mờ núi đậm tiếp vai nhau ở chân trời xa thẳm, làng mạc nằm chơi vơi trong màu nắng thanh lam như trôi lững lờ vào trong màu xanh vô tận của bầu trời, khói nước từ biển khơi lung linh giữa thinh không mờ ảo,như thật như hư, con đường ngoằn ngoèo dưới chân núi như một vệt sáng lấp lánh xuyên hút qua lòng núi…

Phong ba hay thái bình, Trần Nhân Tôn “ngồi” đây với “non nước… nghìn thu” ấy như một chiêm nghiệm sâu thẳm về hiện hữu vật chất và tinh thần, ngoại tâm và nội tâm của một con người Việt Nam. Tuy “ngồi” nhưng đã “đi” thẳng vào đạo tâm của cả non sông, dân tộc.

“Dựng cầu đò, dồi chiền tháp ngoại trang nghiêm tự tướng hãy tu;
Săn hỷ xả, nhuyển từ bi nội tự tại Kinh Lòng hằng đọc”
(Trần Nhân Tôn, Cư Trần Lạc Đạo)


Đứng trên đỉnh núi với ngôi Chùa Đồng bé tí như một món đồ chơi – khác hẳn một ngôi Chùa Đồng vĩ đại trong tưởng tượng khi nghe bạn bè nói về Chùa Đồng Yên Tử – đỉnh núi cheo leo, lởm chởm đá, những tảng đá thi gan, khổ hạnh, đã mấy trăm hay mấy ngàn năm, như một bình phong tròn đứng chắn gió cho bốn phương cảnh vật nhu hoà, nhân ái quyện dưới chân núi. Bỗng thấy núi Yên tử như một thiền sư, Trần Nhân Tôn là núi Yên Tử, thân tâm vững như núi:


Nhìn lên càng cao
Dùi càng bền cứng
Chợt ở phía sau
Thấy liền trước đứng…
(Trần Nhân Tôn, Ca ngợi Tuệ Trung Thượng Sĩ)


Buổi xế trưa gió núi vun vút không ngừng bay về trời trên đỉnh Yên Tử nghe trong gió tiếng núi vang vọng câu trả lời: “Hiểu theo lối trước lại chẳng phải”.
(Trần Nhân Tôn, Tại sao về núi giới lòng? Đáp: ”Hiểu theo… “Bài giảng tại chùa Sùng Nghiêm, sách đã dẫn).

Yên Tử mà tôi đã đi qua, Yên Hoa mà tôi đã dừng lại, Chùa Đồng mà tôi đã đứng cheo leo, Vân Tiêu, Cánh Diều mà tôi đã chắp cánh bay theo, nếu hiểu như tôi đã hiểu theo sách vở lại là CHẲNG PHẢI! Vậy thì “Dùng công án cũ để làm gì? Đáp: Mỗi lần nêu ra một lần mới”. (Trần Nhân Tôn, bài giảng cuối đông năm Giáp Thìn 1304 tại chùa Sùng Nghiêm, sách đã dẫn)

Trần Nhân Tôn là một công án cho tôi!


Đường về “Cư Trần Lạc Đạo”

Xuống núi thật nhanh. Trời mới xế chiều. Lên xe. Nằm dài trên ghế. Chúng tôi chỉ ba người, xe rộng thênh thang. Tôi đã ngủ một giấc ngủ “cư trần lạc đạo”: mệt ngủ liền!


Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên
Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
(Trần Nhân Tôn, Cư Trần Lạc Đạo phú, sách đã dẫn)

Nguồn: http://phatphap.wordpress.com

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/07/2010(Xem: 7538)
Kính bạch Sư Tổ! Chúng con đang tập tiếp xúc với Người qua hình ảnh một bậc thầy già chốn núi rừng Dương Xuân. Một túp liều tranh, một bà mẹ già và với ba người đệ tử. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của Sư Tổ. Người có thời gian chăm sóc mẹ già và trao truyền những hoa trái tu học cho những người học trò yêu quý. Xuất thân từ làng Trung Kiên – một vùng đất Phật giáo ở Quảng Trị, Sư Tổ đã đến chùa Thiên Thọ (Báo Quốc) núi Hàm Long – Huế, để xuất gia học đạo với Thiền sư Phổ Tịnh, lúc đó Người chỉ mới lên bảy tuổi. Đến năm 30 tuổi, nhận thấy nơi Sư Tổ có chí khí của một bậc Xuất trần nên Sư Tổ được Bổn sư phú pháp truyền đăng với bài kệ: Nhất Định chiếu quang minh Hư không nguyệt mãn viên Tổ tổ truyền phú chúc Đạo Minh kế Tánh Thiên.
04/07/2010(Xem: 11025)
-Người đi tiên phong và nỗ lực không mệt mỏi cho sự nghiệp phát triển trí tuệ, từ bi và hòa bình- -Nhà lãnh đạo toàn cầu trong phong trào vì hòa bình, nhân quyền và sức khỏe cộng đồng-
14/06/2010(Xem: 5899)
Hòa Thượng Thích Bích Nguyên là một trong những bậc cao Tăng thạc đức của Phật giáo Lâm Đồng. Ngài họ Nguyễn, húy là Tùng, sinh năm 1898 tại làng Duy Hòa, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thuở nhỏ, bẩm chất thông minh, đĩnh ngộ. Thời tráng niên, lập nghiệp ở Lào, Hòa Thượng nhân đọc báo Từ Bi Âm mà ngộ đạo, thấy rõ cuộc đời vô thường, nuôi chí xuất gia. Đến năm 29 tuổi (1927), Hòa Thượng mới có đủ nhân duyên đầu sư thọ giáo với Hòa Thượng PHƯỚC HUỆ, Trú trì chùa Hải Đức, Huế và đắc giới Sa di năm 1934. Năm 1936, ngài thọ Cụ túc giới với pháp hiệu BÍCH NGUYÊN, rồi theo học ở các lớp Phật học tại các Phật học viện Hải Đức, Bảo Quốc và Ấn Quang.
15/05/2010(Xem: 5402)
Thiền sư Khánh Hòa sinh năm 1877 tại làng Phú Lễ tỉnh bến Tre, xuất gia năm 19 tuổi tại chùa Khải Tường. Chí nguyện chấn hưng Phật giáo của ông phát sinh vào khoảng năm ông được bốn mươi tuổi. Ông du hành khắp các tổ đình và Nam Kỳ để gây ý thức chấn hưng và kêu gọi sự hợp tác của các bậc tôn túc.
19/03/2010(Xem: 7452)
Một cặp kính trắng với sợi dây vòng ra sau cổ, năm ba con khỉ nhảy tung tăng trên vai, trên đầu, tóc tai rối rắm, áo quần cái dài, cái ngắn, kiểu đàn ông, đàn bà, đầy màu sắc sặc sỡ …đây là dáng người anh Bùi Giáng chúng ta thường gặp trên những nẽo đường Sài Gòn năm 1975 … Sau năm 1975 , anh Bùi Giáng về ở chung với chúng tôi trong nội xá viện Đại học Vạn Hạnh cũ (222 Trương Minh Giảng, nay là Lê Văn Sĩ). Vào thời điểm này, Đại học Vạn Hạnh không còn hoạt động, nên nội xá chỉ còn một số ít người ở lại với Hòa thượng Viện trưởng Thích Minh Châu. Chúng tôi quản lý chung, chú Chơn Thuần đi chợ và thị giả cho Hòa thượng Viện trưởng, anh Trần Châu phụ trách an ninh, anh Bùi Giáng thì nhận nhiệm vụ đi mua lương thực.
10/03/2010(Xem: 6201)
Bản thân tôi (Tín Nghĩa), rất ít có dịp thân cận với Ôn Già Lam. Điều dễ hiểu, vì tôi không xuất thân từ Phật Học Viện. Vả lại, mỗi lần Ôn về Huế (Bảo Quốc), thường vào dịp đầu xuân, thì đa phần Ôn hay đàm luận Phật sự với quý Ôn lớn như Ôn Linh Mụ, Ôn Trúc Lâm, Ôn Linh Quang, Ôn Từ Đàm và Ôn Bảo Quốc, . . . Đầu năm, Ôn thường hay nghe Đại luật (tức là dạy luật Tứ phần) cho hai chúng Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, thì tôi đạp xe ra học rồi về lại chùa. Vả lại, bổn phận của tôi ở chúng Trúc Lâm cũng tương đối bề bộn. Tuy thế, chính tôi lại có với Ôn ba kỷ niệm khó quên.
10/03/2010(Xem: 8962)
Bây giờ là những ngày cuối năm âm lịch. Thiên hạ cùng viết về Xuân, Tết. Tôi muốn viết về Ôn Già Lam và Tu viện Quảng Hương Già Lam. Ôn Già Lam là cách gọi tôn kính của những môn đệ và phật-tử hướng về Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, vị viện chủ sáng lập tu viện. Trong tu viện, tăng chúng khi nói về ngài thì chỉ dùng chữ “Ôn” một cách gần gũi. Còn tu viện Quảng Hương Già Lam thì vẫn thường được gọi với cái tên thật ngắn: chùa Già Lam.
10/03/2010(Xem: 7285)
Ôn Già Lam, chỉ ba tiếng ấy thôi cũng đủ làm ấm lòng bao lớp Tăng sinh của các Phật Học Viện: Báo Quốc - Huế, Phổ Đà - Đà Nẵng, Hải Đức - Nha Trang, Già Lam - Sài Gòn. Ba tiếng nói ấy như trái tim của Mẹ ấp ủ đàn con qua suốt quãng đời dãi dầu mưa nắng. Ôn Già Lam, người đã hy sinh suốt đời mình để phụng sự cho Phật pháp, đào tạo Tăng tài qua nhiều thế hệ. Ôn đã khai phóng tinh thần thế học cho Tăng sinh các Phật Học Viện.
10/03/2010(Xem: 13912)
Sau năm 75 các Phật Học Viện đều đóng cửa. Các tăng sinh tại các Phật Học Viện đều trở về chùa cũ của Thầy Tổ để sinh sống và tu học. Thật tế, tu thì có mà học thì hầu như không. Có chăng là Thầy dạy đệ tử trong chùa. Những chùa có ruộng đất thì thầy trò tự túc canh tác để sinh sống. Sinh hoạt giáo dục và đào tạo tăng ni trẻ đã không còn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]