Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

9. Dấu ấn Huệ Nghiêm

05/06/201112:01(Xem: 7528)
9. Dấu ấn Huệ Nghiêm

BÓNG ÁO NÂU
TẬP SÁCH VỀ CUỘC ĐỜI THƯỢNG TỌA THÍCH CHƠN THANH

Phần II: Truyện ký Bóng áo nâu
Đồng tác giả:
Thu Nguyệt - Đỗ Thiền Đăng - Thiện Bảo

Dấu ấn Huệ Nghiêm

Năm 1965, trường Trung Đẳng Phật học chuyên khoa được đổi tên thành Phật Học Viện Huệ Nghiêm và nhận thêm khoảng 300 tăng sinh nữa vào tu học. Vì vậy, khi hay tin mình trúng tuyển vào ngôi Phật học viện tuy mới thành lập nhưng có nhiều vị thầy danh tiếng, đức độ và uyên thâm giáo điển như vậy, Chơn Thanh cảm thấy rất đỗi vui mừng. Cùng trúng tuyển với chú sau khi kết thúc chương trình Sơ Đẳng tại Phổ Quang còn có huynh Thiện Tri, huynh Minh Huệ, Chơn Hòa và nhiều huynh đệ khác nữa. Mấy huynh đệ lại chuẩn bị hành trang cho một hành trình mới, khó khăn hơn và đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực hơn.

Huệ Nghiêm nằm trong khu An Dưỡng Địa rộng lớn. Xung quanh la liệt mồ mả với một cái lò thiêu cũ kỹ. Phía sau là cánh đồng trải dài. Chánh điện khá rộng. Một ngôi nhà tăng lợp tole và mấy cái cửa sổ lúc nào cũng mở. Khuôn viên rộng với những chậu hoa cảnh, mấy cây dừa, đặc biệt là dăm đụn rơm cao cao phía gần bờ rào, nơi mấy thầy, mấy chú trẻ thường hay “ẩn thân”... đọc truyện. Đó là ấn tượng đầu tiên về Phật học viện Huệ Nghiêm qua cái nhìn còn ít nhiều ngơ ngác của Chơn Thanh.

Toàn bộ học tăng trong lớp Sơ Trung 2 của Chơn Thanh được quí thầy xếp vào một chúng: Chúng Long Thọ. Bên cạnh chúng Long Thọ còn có các chúng: Mã Minh, Vô Trước, Thế Thân, Huyền Trang, Vạn Hạnh, Hư Vân.... Hơn sáu chục huynh đệ ở chung trong một căn “nhà thiếc”. Căn nhà chỉ toàn tole là tole, tole “đậy” bốn bề! Có hai cửa chính và sáu cửa sổ. Phòng lớn, sắp bốn dãy đơn dài, nhưng chỉ có ba ngọn đèn ne-on sáu tấc sáng nhờ nhờ. Mỗi đơn còn có một bóng đèn trái ớt, hai đơn đấu đầu lại một, có một cái thùng gỗ dính chung, hai nắp, ngăn làm đôi; toàn bộ “gia sản” của mỗi người đặt hết trong đó, chỉ là áo quần, sách vở. Đường đi chỉ đủ để đặt khép nép hai chân. Hơi nóng cộng với hơi người hầm hập. Cửa sổ vì vậy mở suốt cả đêm lẫn ngày.

Buổi sáng, sau giờ công phu khuya, Chơn Thanh ít khi trở lại phòng vì ngại thứ hơi nóng ngột ngạt. Chú thường cùng huynh Thiện Tri ra ngoài tập thể dục - những bài tập mà ngày trước sư phụ chú từng bắt tập sau mỗi buổi công phu. Ban đêm, nhiều khi mấy huynh đệ cùng ra khu mộ ngồi đọc sách dưới ngọn đèn mờ mờ từ cây trụ đèn hắt xuống. Đêm yên bình cho những ước mơ lang thang đây đó. Có lần Chơn Thanh hỏi huynh Thiện Tri rằng mai mốt huynh có thích trụ lại đây để hoằng pháp không? Sư huynh cười, bảo hoặc là huynh sẽ lên núi, hoặc là huynh sẽ vào chợ, không ở đây đâu! Chơn Thanh thì không nghĩ thế, chú cảm thấy ở đây có một điều gì đó rất quan trọng đối với chú. Điều gì thì chú chưa biết, nhưng chú mơ hồ cảm thấy mình rất gắn bó và thân thiết với nơi này.

Đó là những tháng ngày cực mà vui. Khó khăn là môi trường tốt nhất để người ta tự rèn luyện tâm chí. Ăn uống thiếu thốn. Tuần hai buổi, thầy Thiện Phát thường lái chiếc Lambeta chở thêm một vài chú nữa ra chợ An Đông, Cầu Muối, Bà Chiểu... xin thức ăn về, chủ yếu là những loại rau cải héo úa. Mỗi bữa cả chùa dùng hết một tạ gạo, tức mỗi ngày nhà kho phải xuất đến ba bao chỉ xanh gạo. Tăng sinh được phát cho mỗi người một cái chén, một cái muỗng và một đôi đũa, mất thì tự sắm lấy. Chúng học tăng chia nhau trị nhựt. Rửa chén phải ít nhất bốn nước, huynh đệ sắp một dãy thau dài, người này rửa xong thì chuyền cho người kia chuyền cho tới chỗ úp chén, rất nhịp nhàng, đều đặn.

Chúng trưởng Long Thọ là sư huynh Bửu Thành. Huynh hiền lắm. Chúng trưởng mà cắt việc cho huynh đệ chấp tác, mấy chú không làm thì huynh âm thầm làm lấy. Trong chúng cũng có những người rất nghịch, như Tâm Thanh, Tâm Hòa, Thiện Hữu... Đơn Tâm Thanh nằm đối đầu với đơn Chơn Thanh. Một tối, trước giờ thiền, Tâm Thanh hỏi xin Chơn Thanh một cuộn dây. Chơn Thanh hỏi: Chú làm gì vậy? Tâm Thanh cười: Bí mật!... Lát sau, đang giờ thiền, cả phòng chìm sâu vào sự yên lặng, bỗng đâu một tràng chuông reng... reng... reng... vang lên, khiến ai nấy đều giật nẩy mình. Đây đó có tiếng cười rúc rích. Chơn Thanh nhìn qua phía bên kia, thấy huynh Tâm Thanh ngồi bật dậy, khoanh chân kiết già ngay thẳng như không có việc gì xảy ra. Chơn Thanh thấy mắc cười quá. Thì ra huynh này lém! Huynh lấy một thanh thép nhỏ, nẹp vào lon sữa bò rồi quấn sợi dây thun, cột thanh thép vào sợi dây giăng ngang đường làm chuông cảnh báo, huynh Bửu Thành đi tuần chúng, vướng dây, kéo sợi thun nhả ra, quay thanh thép đập lia lịa vào hộp lon, tạo ra tiếng chuông reo. Nhờ vậy mà khi toàn thể huynh đệ đang ngồi thiền thì huynh ngon lành nằm ngủ, lúc nghe tiếng chuông reo thì mới bật dậy ngồi... trình! Đến khi xả thiền, huynh Bửu Thành đi điều tra, nhưng không ai khai báo hết. Huynh liền gọi Chơn Thanh lại - vì so với mấy huynh đệ khác, chú nhỏ hơn, lại hiền lành hơn - huynh hỏi, Chơn Thanh nói khéo: “Mấy thầy dạy ngồi thiền là phải nhất tâm, không được mở mắt láo liên dòm ngang ngó dọc, sao huynh lại hỏi em?”. Sư huynh Bửu Thành bó tay, không biết phải làm gì, tủi thân ấm ức...bỗng òa lên khóc lên ngon lành. Mấy chục huynh đệ ai nấy nhìn nhau ngơ ngác, vừa buồn cười, vừa thấy thương huynh quá.

Kỷ luật Phật học viện khắc khe lắm. Hễ ai bỏ thiền hay không tụng kinh một bữa là hôm sau phải lạy sám hối và quì một hương, lần thứ hai thì ba thời sám hối và quì ba hương, lần thứ ba thì cho biệt chúng - tức “được” ăn riêng, ở riêng, nhưng phải chấp hành thật tốt mọi thời khóa, bao giờ ban Lãnh chúng thấy có sự thực tâm hối cải mới cho trở lại cùng chúng sinh hoạt. Trong những ngày sống tại Huệ Nghiêm, hầu như Chơn Thanh chưa phải quì đến ba hương lần nào. Chú sống hòa mình vào đại chúng, tham gia tích cực mọi sinh hoạt của đại chúng; cũng... vi phạm nội qui nhưng chưa bao giờ đi quá đà. Nhiều khi chú cũng “có phước”, thoát khỏi bao phen bị phạt. Có lần huynh Hạnh Nghiêm mượn của ai đó về một bộ truyện kiếm hiệp, mỗi tối sau giờ thiền, mấy huynh đệ rủ nhau chui vào bụi rơm sau vườn và với một ngọn nến “tiện tay tiện tay” lấy trộm trên chánh điện, cả đám say sưa đọc. Chơn Thanh mê truyện lắm, cũng theo mọi người đọc từ đêm này sang đêm khác. Vậy mà đúng ngay cái hôm Chơn Thanh nghỉ vì bị bệnh thì mấy huynh đệ bị thầy Quản chúng phát hiện, sáng ra bị bắt quì hương, sám hối, chỉ có Chơn thanh là thoát.

Từ ngày đến Huệ Nghiêm, ngoài hai vị sư huynh Thiện Tri, Minh Huệ ra, Chơn Thanh còn thân thêm huynh Trí Hải nữa. Huynh tính tình rất dễ thương, khéo tu đến độ dường như trong chúng không ai là không quí.

Chơn Thanh quen huynh trong một dịp khá đặc biệt. Đó là lần Phật giáo xuống đường năm 1966 để yêu cầu tự do tôn giáo. Lần xuống đường này, huynh Minh Huệ bị trúng lựu đạn cay, ngất xỉu tại dinh Gia Long, được phật tử đưa về dưỡng đường Lê Văn Miên điều trị. Chơn Thanh ở chùa, hay tin liền vội vàng đến thăm. Hai mắt sư huynh vẫn còn cay xè, không mở ra được. Ngồi bên giường là huynh Trí Hải, huynh không theo đoàn xuống đường nhưng huynh thường có mặt tại những “điểm nóng” rất kịp thời để chăm sóc cho những người bị nạn. Lần này cũng vậy, chính nhờ sự săn sóc tận tình của huynh mà huynh Minh Huệ bớt khổ sở phần nào. Huynh tất bật đến từng giường bệnh, hỏi han, chăm sóc hết người này đến người khác. Chơn Thanh theo chân huynh, phụ giúp một tay. Từ đó chú trở nên gần gũi với huynh. Chú cảm thấy nể phục hạnh nguyện Dược Vương của huynh lắm, bởi không phải ai cũng thành tựu được hạnh nguyện đó.

Chúng ở đông, vì vậy không khỏi xảy ra những chuyện xích mích lặt vặt. Nhưng Chơn Thanh tính tình ôn hòa, không va chạm với huynh đệ. Vì vậy, trong chúng hầu như ai cũng mến chú, ai cũng có thể trở nên thân tình với chú. Trong số huynh đệ, Chơn Thanh gần gũi, trò chuyện nhiều nhất với ba vị sư huynh Thiện Tri, Minh Huệ và Trí Hải. Mấy vị sư huynh mỗi người một đặc điểm nổi bật, đều học giỏi, đức hạnh, tài năng...

Huynh Thiện Tri nổi tiếng là người nghiêm trì giới luật - đặc biệt là sau khi huynh thọ giới tỳ kheo. Huynh sống khắt khe và cẩn mật, đến mấy thầy lớn cũng có phần “cả nể”. Huynh Minh Huệ thì nhanh nhạy và có phần... hào hoa. Huynh Trí Hải hiền lành, vị tha và điềm đạm. Huynh là mẫu người mà quý thầy lớn vẫn thường ngợi khen trước chúng. Đặc biệt, cả ba sư huynh đều học giỏi và thương quí Chơn Thanh. Bốn huynh đệ đều cảm thấy gần gũi, cảm thông và sẻ chia những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống cũng như những kiến giải trong tu học. Không nói ra nhưng cả nhóm mặc nhiên xem nhau như anh em ruột thịt. Thiện Tri thường được gọi thân thiện là “anh hai”, Minh Huệ là “anh ba”, Trí Hải là “anh tư” và Chơn Thanh là “chú út”. Đời sống tu tập hẳn nhiên là có nhiều khó khăn và cũng thật nhiều cám dỗ, không ai có thể tự phụ cho rằng lúc nào mình cũng xử sự đúng đắn. Một lời góp ý đúng của chư huynh đệ, đôi khi có giá trị chuyển hướng cả một bước đường tu hành.

Huệ Nghiêm như một mảnh đất thân yêu, từng ngày từng ngày nuôi dưỡng những mầm xanh vươn lên, cứng cáp và trưởng thành. Chơn Thanh cũng tự thấy mình học hỏi được rất nhiều điều từ những sư huynh, những vị thầy nổi tiếng, đặc biệt là quí ngài: Thiện Hoa, Thiện Hòa, Bửu Huệ, Thiền Tâm, Thanh Từ, Trí Tịnh, Hoàn Quan, Từ Thông, Huyền Vi, Quảng Độ...

An cư kiết hạ

nguồn sinh lực của tăng già

An cư kiết hạ là một thông lệ từ lâu của các đạo sĩ Ấn Độ khi tăng đoàn Phật giáo hãy còn chưa xuất hiện. Thời tiết Ấn Độ có vẻ khác hơn Việt Nam hay Trung Quốc cũng như các quốc gia khác: Từ tháng một đến tháng tư là mùa xuân, từ tháng chín đến tháng mười hai là mùa đông. Ấn Độ không có mùa thu. Một năm chia làm ba mùa rõ rệt như thế, nên các đạo sĩ qui định vào những tháng mưa gió nên an trú một nơi nhất định để bảo tồn sức khoẻ và tăng cường đạo lực. Giáo đoàn Phật giáo hợp thức hoá thông lệ này bắt đầu từ Lục quần Tỳ kheo (sáu thầy tỳ kheo chuyên gia khai duyên cho Phật chế giới). Suốt mấy tháng mùa mưa, nhóm sáu thầy tỳ kheo này lang thang du hoá khắp nơi không kể gì mưa gió, đạp dẫm lên hoa cỏ mùa màng mới đâm chồi hay những loài côn trùng vừa sanh nở. Cư sĩ chê trách hàng sa môn Thích tử thật quá đáng, các đạo sĩ khác vẫn có những tháng sống cố định, ngay đến loài cầm thú vẫn có mùa trú ẩn của nó, còn các vị hành đạo này thì luông tuồng không biết nghỉ chân vào mùa nào cả. Lúc ấy, đức Phật ở tại nước Xá Vệ, trong thành Cấp Cô Độc, biết được sự việc xảy ra liền ban hành quyết định cấm túc an cư cho toàn thể tăng đoàn trong các tháng đầu mùa mưa, tức từ mồng một trăng tròn của tháng A-sa-đà đến hết trăng tròn của tháng A-thấp-phược-đê-xà (Theo ngài Huyền Trang là nhằm 16 tháng 5 của Trung Quốc, sau vì muốn lấy ngày rằm tháng bảy Vu Lan làm ngày Tự tứ nên chọn ngày An cư là 16 tháng 4). Phật giáo Việt Nam cũng tuân theo nguyên tắc này nhưng thời gian có khác một chút. Nghĩa là thời tiết Việt Nam tuy thể hiện rõ rệt chỉ có hai mùa nắng và mùa mưa, nhưng vẫn qui định theo bốn mùa như Trung Quốc: xuân, hạ, thu, đông. Như vậy thời điểm để tu sĩ Phật giáo Việt Nam an cư là bắt đầu từ ngày rằm tháng 4 đến rằm tháng 7 (mùa hạ), đó gọi là tiền an cư. Hậu an cư là dành cho trường hợp đặc biệt, có duyên sự khẩn thiết thì có thể bắt đầu an cư từ 17 - 4 cho đến 17 - 5, và kết thúc dĩ nhiên cũng phải đủ 90 ngày như tiền an cư (cùng làm lễ Tự tứ, nhưng phải ở lại cho đủ số ngày). Riêng hệ phái Nguyên Thuỷ chọn thời điểm kiết hạ vào ngày rằm tháng 6 cho đến ngày rằm tháng 9. Tuỳ theo quốc độ, địa phương mà có những mùa an cư không hoàn toàn giống nhau, ở Việt Nam, một vài nơi còn có thêm kiết đông bắt đầu từ rằm tháng 9 đến rằm tháng 12 là dựa theo tinh thần của Luật Bồ Tát.

Vì sao lại phát sinnh thêm kiết đông thay vì chỉ có kiết hạ? Có phải an cư là thời gian để tăng già tích luỹ nguốn sinh lực hay không?

Hàng xuất gia trong giáo đoàn Phật giáo bao giờ cũng tâm niệm hai nhiệm vụ cần phải sớm thành tựu: thượng cầu Phật đạo và hạ hóa chúng sanh. Song lộ trình tiến đến quả vị Phật hay Thánh quả thật gian truân cách trở, không phải là vấn đề một sớm một chiều hay một kiếp. Vì vậy việc tự lợi là một nhu cầu cần thiết cho bất cứ một hành giả nào còn vương mang pháp hữu lậu, chưa có phần dự vào dòng Thánh. Nếu như thời gian dành cho việc đi lại bên ngoài quá nhiều, mà căn bản phiền não vẫn còn sâu kín bên trong thì kết quả hoàn toàn sai với tinh thần hóa độ của đức Phật. Người bị trói tất nhiên không bao giờ cởi trói được cho người khác. Người có thật nhiều hạnh phúc, vượt lên trên những khổ đau triền phược mới có thể đưa người ra khỏi dòng tục bến mê. Hóa độ thì xem như chia phần, bớt đi. Mặc dù một ngọn đèn có thể thắp sáng hàng trăm nghìn ngọn đèn khác. Song một khi ngọn đèn ra trước gió, thì sự an nguy cũng giống như một người hành đạo chưa liễu đạo mà phải đương đầu với ngũ dục trần lao. Thế mới biết, an cư là thời gian quý báu để người tu hành có điều kiện nhìn lại chính mình, soi thấu bệnh tật phiền não hoặc mới huân tập hoặc lâu đời mà đoạn trừ, trị liệu. Ngoài ra việc tránh ngộ sát côn trùng hay không ảnh hưởng mùa màng của người thế tục cũng là một duyên cớ để trưởng dưỡng lòng từ bi. Song lý do trước mới là tinh thần chính yếu của việc cấm túc an cư.

Bộ Luật Tư Trì Ký định nghĩa: Lập tâm một chỗ gọi là Kiết; bộ Nghiệp Sớ định nghĩa: Thu thúc thân vào chỗ tịch tĩnh gọi là An. Như vậy dù kiết hạ hay kiết đông an cư thì mục đích chính vẫn là thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức. Tỳ kheo hay tỳ kheo ni nào không quan tâm đến việc tu tập thiền định để bồi dưỡng trí tuệ thì thật không xứng đáng là bậc mô phạm tỉnh thức. Sự khắc khe này cũng chỉ vì đức Phật muốn bảo hộ sức sống của tăng-già bằng việc triển khai năng lực tu tập của mỗi cá nhân. Nếu ai trong hàng xuất gia đệ tử Phật không tôn kính vâng giữ lời huấn thị của đức Phật, xem an cư là một điều bó buộc, một phương tiện nhỏ nhặt thì quả thật người ấy không những tự chối bỏ phần tự lợi mà gây ảnh hưởng không tốt cho tăng đoàn. Cũng như bác nông phu mỗi năm phải làm ruộng, nếu năm nào bỏ bê không chăm lo đến mùa màng thì bác sẽ bị nghèo nàn đói thiếu. Hàng Bí Sô nếu không có những ngày tháng cùng sinh hoạt cộng trú để sách tấn lẫn nhau thì làm sao có điều kiện để tạo thành năng lực hoà hợp và kiểm chứng giá trị thanh tịnh? Kết thúc khoá an cư là Tự Tứ, một hình thức tối quan trọng để tổng kết quá trình tu tập tiến triển hay lui sụt của từng cá nhân qua ba tiêu chuẩn: thấy, nghe, nghi. Những ai vượt ra khỏi phạm vi giới luật, buông lung theo ba nghiệp, hành động theo bản năng cố hữu thì sẽ bị cử tội giữa đại chúng để bổ khuyết sửa chữa.

Một lần, sau mùa an cư các thầy tỳ kheo lần lượt về vấn an đức Phật và trình bày công phu tu tập của mình. Đức Phật hỏi:

- Vừa qua các ông có được an lạc không?

- Thưa an lạc lắm ạ!

- Thế trong ba tháng ấy các ông tu tập pháp gì?

Các thầy tỳ kheo vui vẻ trả lời:

- Bạch Thế Tôn, chúng con thực hành pháp tịnh khẩu, tự mỗi người giữ im lặng tuyệt đối.

- Đức Phật quở trách:

- Các ông thật vô trí, được sống chung sao không chịu trao đổi hay nhắc nhở nhau tu tập mà lại thực hiện pháp câm như thế, vậy an cư được lợi ích gì chứ? Các ông phải luôn sinh hoạt trong niệm đoàn kết, trên dưới thuận hoà, cùng thống nhất ý kiến, cùng bàn bạc trao đổi và học hỏi lẫn nhau, lẽ nào không thấy được giá trị của thấy, nghe và nghi làm tiêu chuẩn để thanh lọc mỗi người. Các ông đã bỏ phí một mùa an cư. Các ông đã hành động phi pháp.

Năng lực của đại chúng quả thật như biển (Đức chúng như hải) sẽ nâng đỡ những con thuyền lành tốt, khôn khéo chiều theo từng đợt sóng, và sẽ đào thải tất cả những con thuyền hư thủng ra khỏi lòng đại dương. Tăng đoàn muốn hòa hợp theo đúng bản chất của nó như nước với sữa thì buộc mỗi cá nhân phải tự nỗ lực, trang nghiêm chính mình. Ngày nay, những người trí thức ở phương Tây luôn tranh thủ cho mình một khoảng thời gian một tháng hay nhiều hơn trong năm để tu nghiệp, tức là bồi dưỡng thêm nghề nghiệp. Người tu sĩ Phật giáo lấy trí tuệ làm sự nghiệp lẽ nào không đầu tư vào công phu thiền định. Không có thời gian để cùng nhau nhắc nhở giới luật. Tứ niệm xứ, Tứ thánh chủng… Một mình một cõi du hóa lơ lỏng trong nhân gian thì rất khó cho việc thành tựu tuệ giác, hóa độ viên mãn.

Cũng như những giáo hội khác, ngày nay ở Việt Nam không còn giống như thời Phật ở Ấn Độ là hàng xuất gia không phải mỗi người du hóa một phương, mang theo ba y một bình bát và ngủ dưới gốc cây, nhưng lối sống theo từng tông phái, chùa riêng, tổ đình riêng, thầy riêng đệ tử riêng thì cũng xem như rời rạc, chưa đoàn kết hoà hợp. Vì lẽ chưa dung hoà đó mà Kiết hạ an cư đã trở thành qui luật rất cần thiết để làm phương thuốc hồi sinh, làm sống lại tình Linh Sơn cốt nhục mà lắm lúc vì những nguyên do gì đó, vì bệnh nghiệp cá biệt nào đó đã làm cho anh em cùng nhà phải bút chiến, khẩu chiến phân tranh cao hạ, làm cho sư tử phải trọng thương chỉ vì loài trùng ăn gặm trong thân sư tử. Hơn nữa, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hôm nay nhắm vào tinh thần thống nhất về tổ chức (thống nhất ý chí và hành động) thì Kiết hạ an cư là một phương tiện thuận lợi cho giáo hội xây dựng tăng đoàn đoàn kết hòa hợp và thống nhất mọi mặt theo phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - chủ nghĩa xã hội”.

Rõ ràng, ba tháng an cư, cửu tuần tu học đích thực là nguồn năng lực quí báu làm nóng lại và bền vững hơn tinh thần thanh tịnh hòa hợp của tăng-già. Chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy sự hưng thịnh của Phật pháp khi chốn tòng lâm ngày ngày giới luật nghiêm minh, đêm đêm toạ thiền niệm Phật, trên dưới hoà hợp, tu tập trong niệm đoàn kết an hoà.

Mùa An Cư - PL 2544

Thích Chơn Thanh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/03/2011(Xem: 7139)
Tôi biết tin GS Phạm Công Thiện mất qua trang web viet-studies của GS Trần Hữu Dũng post ngày 10-3. Dòng thông tin được dẫn từ báo Người Việt ở Houston, bang Tesas cho biết theo gia đình và Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất ở Mỹ xác nhận ông mất ngày 9-3-2011, thọ 71 tuổi. Trước khi mất dường như ông đã biết trước cuộc vĩnh ly này nên nhập định rồi ra đi nhẹ nhàng. Ngoài dòng báo tin của báo Người Việt còn bài viết cho người đã mất của nhà văn Viên Linh với tư cách bạn bè.
12/03/2011(Xem: 7313)
Phạm Công thiện, ông là ai? Có nhiều người đã hỏi như thế. Triết gia? Thiền sư? Thi sĩ? Văn sĩ? Hay là một người lang thang rong chơi trong cuộc đời ? Hay là nghệ sĩ với ước vọng thành một tài năng lớn của thế giới? Hoặc là một người đang trong cơn mộng du suốt cả đời? Trần Tuấn Kiệt trong một bài viết trong “Tác Giả Tác Phẩm“, xuất bản cách nay gần bốn chục năm, cũng nói về chân dung người thi sĩ rất mực nghệ sĩ này:
25/02/2011(Xem: 6921)
Lễ huý nhật Ôn Trí Thủ năm 2005 tại Quảng Hương Già Lam
19/02/2011(Xem: 5816)
Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Huyền Tôn, đệ tử của Đệ Lục Tổ Sư Thiên Ấn Tự, Hòa Thượng Tăng Cang Thích Chơn Trung, thế danh Nguyễn Thái Long, pháp danh Như Kế, pháp tự Giải Tích, pháp hiệu Huyền Tôn. Ngài sinh năm Mậu Thìn (1928.Việt lịch: 4807) tại làng Châu Nhai, Huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam. Thân phụ, bán thế xuất gia là Đại Sư thượng Như hạ Quý (1874-1942), Thân mẫu là Cụ bà Thái Thị Túc, pháp danh Như Chỉnh, tự Giải Lý (1891-1945).
13/02/2011(Xem: 19567)
Ca Sĩ Gia Huy, Tên thật của Gia Huy là Đặng Quốc Hung. Anh đến Montreal, Canada vào năm 1991 để cùng đoàn tụ với gia đình. Anh hát lần đầu tiên tại vũ trường Chateau Du Parc tại Montreal. Lúc đó, anh hát với ban nhạc Phạm Mạnh Cường để trình bày những tác phẩm như "Máu Nhuộm Bãi Thượng Hải", "Mười Năm Tình Cũ" và "Lambada". Ngay sau lần trình diễn đầu tiên, Gia Huy trở thành một ấn tượng của dân chúng tại Montreal. Anh bắt đầu hát cho một số vũ trường tại địa phương như Bistro Dore, Miss Sai Gòn, và Đêm Sai Gòn. Tuy nhiên, mục đích của Gia Huy là nổi danh ngoài Canada và khuếch trương số khán thính giả đi khắp thế giới.
30/01/2011(Xem: 6075)
Hòa Thượng Thích Như Điển - Đệ Nhị Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Âu Châu - Phương Trượng Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc
14/01/2011(Xem: 6189)
Hòa thượng họ Hồ Đắc, tên Cư, Pháp danh Tâm Thật, Pháp hiệu Thiện Châu, sinh ngày 23 tháng 2 năm 1931 tức ngày 7 tháng 1 năm Tân Mùi tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ Thầy là Cụ Hồ Đắc Phách, thân mẫu là Cụ Nguyễn Thị Cần. Thầy xuất gia năm 16 tuổi (1947) và thọ giới tỳ kheo năm 1952. Bổn sư của Thầy là Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Giác Nguyên, Viện chủ Tổ Đình Tây Thiên (Huế).
07/01/2011(Xem: 7037)
Ông vua đầu tiên của nhà Trần và cũng là một thiền sư cư sỹ, Trần Cảnh (Trần Thái Tông) (1218-1277) đã để lại một sự nghiệp chính trị, một dòng văn học bất hủ, đến bây giờ vẫn mãi là kim chỉ nam, ngọn đuốc soi đường trong đêm dài tăm tối, cho những ai tìm phương vượt thoát, lộ trình cho những ai muốn đưa dân tộc tìm tới đỉnh cao của nhân bản và an lạc.
05/01/2011(Xem: 5865)
Về việc Hòa Thượng Đôn Hậu lên núi, ra Bắc trong vụ Tết Mậu Thân được thầy Trí Tựu, Trú Trì chùa Linh Mụ thuật lại như sau: (lúc 12:00 giờ trưa, ngày 12-3-2009 tại chùa Linh Mụ) Vào khoảng quá nửa đêm tối Mồng một Tết Mậu Thân, có một phái đoàn gồm quân nhân và người mặc thường phục đến thăm Ôn. Ôn đang bị bệnh, bệnh suyễn và xuất huyết dạ dày. Thầy ngồi đàng xa. Thầy Trí Lưu, thân phụ của thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát, lúc đó là Tri Sự chùa Linh Mụ, ngồi gần Ôn. Họ mời Ôn về Huế họp. Ôn từ chối nói đau không đi được. Họ nói có người đưa Ôn đi. Sau đó người ta gánh Ôn đi trên một chiếc võng, từ chùa Linh Mụ, không về Huế mà rẽ về Chợ Thông thuộc làng An Ninh Hạ, đến La Chữ. Ban ngày núp, nghỉ, ban đêm đi. Sau một tháng đến Seopon giáp giới Lào. Máy bay trực thăng bay trên đầu mà không bắn. Trên đường đi, thiếu lương thực, bị hạm đội Mỹ pháo kích. Nhiều người bị chết vì đói và sốt rét. (Được kể lại sau 1975). Rồi sau đó từ Huế ra Hà Nội mất hết 4 tháng, đi theo đường Mòn Hồ Chí Minh đến
30/12/2010(Xem: 5797)
Nguyễn Du (1765-1820) tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn Liệp Hộ, Nam Hải Điếu Đồ, sinh trưởng trong gia đình phong kiến quý tộc có nhiều danh vọng, quê gốc ở làng Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Cha và anh của ông giữ những chức vụ quan trọng trong phủ chúa Trịnh. Thời trẻ ông tập ấm một chức quan võ nhỏ của cha nuôi họ Hà ở Thái Nguyên. Năm 1787, Tây Sơn ra Bắc diệt Trịnh, ông bắt đầu thời kỳ “Thập tải phong trần” (Mười năm gió bụi). Sau ông phục vụ nhà Nguyễn, làm đến Hữu Tham tri Bộ Lễ, từng được cử làm chánh sứ đi sứ Trung Quốc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]