Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 6: Thế Phát Xuất Gia, Tầm Sư, Học Ðạo

25/12/201006:40(Xem: 7845)
Chương 6: Thế Phát Xuất Gia, Tầm Sư, Học Ðạo

NHƯ ÁNG MÂY BAY

Cuộc đời của Đại Lão Hòa Thượng
THÍCH ĐÔN HẬU
Đệ tử Tâm Đức phụng sọan
Thất chúng môn đồ ấn hành 2010 USA

QUYỂN HAI:
HÒA THƯỢNG ÐÔN HẬU (1905-1992)
VÀ PHONG TRÀO PHỤC HƯNG PHẬT GIÁO


Chương 6: Thế Phát Xuất Gia, Tầm Sư, Học Ðạo

Chị Bảy đột ngột qua đời. Cảnh tượng anh Bảy tay bồng đứa con sơ sinh mới mấy ngày khóc lóc tiễn đưa người quá cố. Cảnh tượng anh Bảy lủi thủi một mình mở cửa mả cho vợ. Cảnh tượng anh Bảy cúng lễ tiểu tường trước chân dung chị Bảy đẹp đẽ, thùy mị lúc thiếu thời làm cho cậu Diệp Trương Thuần thấy cuộc đời vô thường, khổ đau, còn đó, mất đó. Con người sống trong hồi hộp lo âu không có cái gì bền vững. Hình ảnh Hòa Thượng Tâm Tịnh hiện rõ trong tâm khảm, tượng trưng cho cái gì thanh cao, thoát tục, an nhiên tự tại. Cậu muốn có cuộc sống như vậy, tiêu diêu tự tại, không vướng bận vào những luyến ái, dục tình nhân thế. Cậu muốn hiến cả cuộc đời của mình cho lý tưởng cao đẹp, vừa cứu mình, vừa độ người. Một cuộc sống lấy hy sinh, phục vụ làm lý tưởng; lấy nhân ái, vị tha làm mục tiêu. Trong tâm tư của cậu ngày đêm thúc đẩy cậu phải làm một cái gì để có thể thoát khỏi cạm bẫy tử sinh, nghiệp duyên ràng buộc. Hình ảnh của cô Hạnh thỉnh thoảng cũng lởn vởn trong tâm thức cậu, nhưng không đủ sức kéo cậu vào cuộc đời nhân thế. Cậu cảm thấy có phần nào băn khoăn, như đã phụ lòng người thiếu nữ hiền thục. Cậu muốn đền đáp hạnh ngộ tương phùng bằng tình thương bao la rộng lớn hơn.

Sau bao nhiêu đêm trằn trọc, cậu quyết tâm xả bỏ cuộc đời trần thế, tầm sư học đạo. Vào ngày trăng tròn tháng 8 năm Nhâm Tuất (1922), sáng sớm cậu trịnh trọng xin phép phụ thân đi tu. Cụ Kỷ lắng nghe người con trình bày ý nguyện. Cụ có vẻ suy tư. Nửa buồn, nửa vui. Buồn vì sắp xa đứa con thân yêu, vui vì thấy con có chí lớn, muốn hiến thân phụng sự đạo pháp. Cụ lắng nghe, không nói một lời, chỉ lẳng lặng gật đầu.

Một tháng sau vào đêm 18 tháng 9 Âm Lịch, cậu ngồi vào bàn, viết một bức thư để lại cho phụ thân, rồi thu xếp một ít hành lý, vật dụng cần thiết cho chuyến đi lâu dài. Cậu muốn viết thư vì trước mặt phụ thân, cậu không thể trình bày những gì sâu kín trong lòng đối với cha già, đối với anh em, đối với cô Hạnh và gia đình cô, đặc biệt là ý nguyện xuất gia quá mạnh, dâng lên như ngọn thủy triều.

Sáng hôm sau, ngày 19 tháng 9 năm Nhâm Tuất tức là ngày 7 tháng 11, 1922, cậu thức dậy sớm, pha trà hầu phụ thân, rồi xin phép phụ thân vào Huế tìm đường xuất gia. Cụ Kỷ căn dặn:

– Thầy đã đọc kỹ bức thư của con để lại đêm hôm qua. Suốt đêm thầy không ngủ được, linh tính báo cho thầy biết có chuyện bất thường xảy ra. Thầy ngồi dậy, xuống giường lấy nước uống thì thấy bức thư của con. Thầy rất mừng thấy có người con phát tâm bồ đề, đi theo tiếng gọi xuất trần. Tuy nhiên thầy không khỏi lo ngại. Nếp sống con sắp sửa đi vào thật thiên nan vạn nan, đòi hỏi lòng kiên trì và tín tâm mạnh mẽ. Từ đây con sẽ không có người thân bên cạnh. Con tin Tam Bảo, con tin ở đức Quán Thế Âm, thầy khuyên con nếu gặp gì khó khăn trắc trở, con nên cầu nguyện ngài từ bi tế độ. Thầy quen với Hòa Thượng Tâm Tịnh, một cao tăng học hạnh vẹn toàn. Thầy sẽ không viết thư cho Hòa Thượng để gửi gắm con, vì như vậy sẽ làm động niệm chúng điệu trong chùa và giảm đi phần nào chí nguyện xuất trần của con. Tuy nhiên sau khi con được Hòa Thượng Tâm Tịnh chấp nhận, thầy sẽ vào thăm Hòa Thượng và thăm con xem đời sống mới của con như thế nào.

Cậu Diệp Trương Thuần khắc cốt ghi tâm những lời dăn dò của thân phụ. Cậu lạy thân phụ hai lạy tỏ lòng biết ơn công lao dưỡng dục. Sau khi từ giã anh chị em, cậu vội vàng đi bộ đến ga xe lửa, mua vé tàu đi Huế. Cậu mua vé hạng ba của chuyến tàu hàng. Tàu chạy rất chậm, dừng lại nhiều trạm: Hải Lăng, Diên Sanh, Mỹ Chánh, Phò Trạch, Ga Cây Số 10, ga Văn Xá, cuối cùng đến ga Huế. Toa tàu đầy nghẹt người, phần nhiều là người làm ăn buôn bán, thúng rổ, gà vịt ngổn ngang. Ghế ngồi bằng gỗ không đủ chỗ, nhiều người ngồi trên sàn tàu. Ðoạn đường từ Quảng Trị vào Huế không quá 60km mà mất hết hơn hai giờ. Ðoạn đường khá quen thuộc vì đã hai ba lần cậu theo thân phụ vào Huế, nhưng lần này cậu thấy đoạn đường này như muốn trải dài ra trước mắt. Con tàu thì như vô tình, ầm ĩ lao về phía trước không đoái hoài gì đến nỗi lòng nao nao của cậu với bao nhiêu kỷ niệm lui dần về phía sau.

Trong khi cậu Diệp Trương Thuần ngồi trên xe lửa trên đường đến Huế, cụ Kỷ lấy bức thư đọc lại một lần nữa:

Thưa Thầy:

Trước hết con xin lạy Thầy hai lạy gọi là một chút đền đáp công lao nuôi dạy như trời biển của Thầy. Khi mẹ con mất đi, để chúng con lại, Thầy đã gánh vác cả hai vai, nuôi nấng dạy dỗ anh em chúng con khôn lớn đến ngày hôm nay.

Riêng con, Thầy lại sắp tác thành đôi lứa, song giờ đây khi Thầy đọc bức thư này, con biết Thầy sẽ đau buồn lắm, nhưng biết làm sao khi lòng con không muốn vướng vào khổ lụy.

Thưa Thầy,

Chính cái chết đau thương của chị Bảy để lại một đàn con thơ nheo nhóc là một tiếng sét đánh ngang tai con, đã làm cho con tỉnh ngộ.

Nay con xin phép được kể lại với Thầy để Thầy thấy rõ tâm tư của con, là khi ở nhà bác Yến về, con đang vạch một chương trình cho việc xây dựng hạnh phúc sau ngày cưới vợ. Con xin thưa thật với Thầy, là con rất bằng lòng cô Hạnh khi thấy cô ta mặt mày hiền lành, phúc hậu, lại có tư chất đứng đắn như con đã gặp tại nhà bà Yến trong dịp đi theo hầu thầy.

Nhưng than ôi chương trình xây dựng hạnh phúc con vạch chưa xong, bước đi chưa được một đoạn đường ngắn ngủi, thì cái chết bất thần của chị Bảy đã là một hồi chuông cảnh tỉnh cho con thấy rõ được hai chữ vô thường. Vì lẽ đó, con tin rằng số con được đi tu, nên hồi chuông cảnh tỉnh ấy đã điểm vào đúng lúc.

Thưa Thầy,

Chắc Thầy còn nhớ hôm mồng một Tết, vợ chồng anh Bảy đến chúc Tết nhà ta, vợ chồng con cái ríu rít bên nhau trông thật là hạnh phúc. Thế nà chưa đầy một tháng sau thì chị Bảy đã ra người thiên cổ, tang tóc trùm trọn cả gia đình. Thật có ai ngờ!

Chỉ Bảy giờ đây đã được mồ yên, mả đẹp, nhưng còn anh Bảy thì nay một tay phải nuôi dưỡng bốn đứa con thơ thật là tội nghiệp. Cảnh tang thương của gia đình anh Bảy như vận vào đời con. Bỗng nhiên con nghĩ, rồi cũng một ngày nào đó, gia đình con cũng sẽ như gia đình anh Bảy, nếu một trong hai đứa chúng con chết đi, cũng để lại cho nhau một đàn con thơ lúc nhúc như vậy, thì khổ biết nhường nào. Và không đâu xa, nhớ lại ngày mẹ con mất, cũng đã để lại cho Thầy bao nỗi buồn vui với một đàn bốn đứa con thơ dại.

Chính vì những lý do thực tế ấy mà con đã nghĩ nhiều về đời con, nên con xin phép Thầy hiểu cho con và cho con được đi tu theo chí nguyện.

Con biết rằng hiện giờ thì bác Yến mà nhất là cô Hạnh sẽ là người buồn khổ hơn ai hết. Nhưng con tin tưởng thời gian là phương tiện sẽ giúp cho cô Hạnh khuây khỏa dần dần Nếu có dịp nào thuận tiện Thầy an ủi cô Hạnh giùm con. Cô nên hy sinh cho con được tu hành đến nơi đến chốn, thì cái ơn ấy con sẽ ghi nhớ và nếu có dịp may nào đó con sẽ xin đền đáp xứng đáng. Nhân đây con cũng xin Thầy nói lại với bác Yến giúp cho con rằng rồi đây khi thời gian phai lạt nhó nhung, nếu có nơi nào xứng đáng, xin bác tác thành đôi lứa cho cô Hạnh để cho con được an tâm mà tu hành thì công ơn của bác con xin ghi lòng tạc dạ.

Cuối thơ, con xin kính lạy Thầy và chào tất ca anh chị em trong gia đình.

Thư bất tận ngôn.

Con: Diệp Trương Thuần

Cậu Diệp Trương Thuần đến Huế vào lúc 11 giờ 20 trưa. Sân ga Huế hiện ra trong một không gian mênh mông xa lạ. Không có một người thân, không có ai quen biết. Cậu theo đoàn hành khách xuống tàu, tay xách chiếc vali mây đựng một ít áo quần và vật dụng, vừa háo hức vừa lo toan, không biết ý nguyện xuất gia có được thầy, ôn chấp nhận hay không. Cậu đi ra khỏi ga, rẽ phía tay phải, đi dọc theo bờ sông An Cựu đến cầu Nam Giao, quẹo phải, lần mò trên con đường dốc Nam Giao, đi ngang qua chùa Báo Quốc, Thiên Minh, Từ Ðàm cuối cùng đến đền Nam Giao. Cậu rẽ sang tay trái đi xuống dốc đến Tây Thiên Di Ðà Tự, cách nhà Ga Huế trên 4km.

Ngôi chùa uy nghi trong rừng cây xanh tốt giữa một bầu không gian tĩnh mịch tỏa ngát hương ngọc lan, tường vi. Tiết trời cuối thu của xứ Huế nhiều mưa nên màu xanh của lá cây càng xanh tươi và thắm sắc hơn. Cậu Diệp Trương Thuần bước vào sân chùa như bị thôi miên bởi cánh trí quá u nhàn, thanh tịnh. Cậu dừng lại ngắm cảnh chùa. Thình lình ba hồi chuông trống bát nhã dóng lên, chùa cử hành lễ vía đức Quán Thế Âm. Sau vài giây phút ngỡ ngàng, cậu mạnh dạn tiến đến nhà khách, thì gặp thầy Thủ Tọa mà sau này cậu mới biết là thầy Giác Nguyên, đệ tử đầu tay của Hòa Thượng Tâm Tịnh.

Thầy Giác Nguyên (1877-1980) về sau Phật Tử gọi là Ôn Tây Thiên, thế danh là Ðặng Ngộ, sinh năm Ðinh Sửu (1877) tại Phủ Trung, Tuy Phước, Bình Ðịnh, thân phụ là cụ Ðặng văn Gần, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Tộ.

Năm lên 6 tuổi, ngài mồ côi cha mẹ nên được bà cô chăm sóc, rồi sau được thái giám Nguyễn đình Huề (hay Hữu) đem về

21Sắc Tứ Tây Thiên Di Ðà Tự (Võ Văn Tường: Việt Nam Danh Lam Cổ Tự, tr. 130)

Huế nuôi dưỡng, vì vậy ngài còn có tên là Nguyễn đình Ngộ, về sau được đi theo dưỡng phụ lên chùa Từ Hiếu. Nhờ cơ duyên ấy ngài xin xuất gia tại chùa Từ Hiếu, thờ tổ Tâm Tịnh làm thầy, lúc đó là mùa xuân năm Tân Mão (1891), ngài vừa đúng 15 tuổi.

Năm Bính Thân (1896) ngài được thọ Sa Di giới, được pháp danh là Trừng Văn, tự là Chí Ngộ. Năm Quí Mão (1903) ngài theo bổn sư ra lập thảo am ở ấp Thuận Hòa, thôn Dương Xuân Thượng, xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy, gọi là Thiếu Lâm Am. Năm Canh Tuất (1910) ngài được thọ Cụ Túc giới tại giới đàn Phước Lâm, Hội An. Cũng năm này ngài được đắc pháp với pháp hiệu Giác Nguyên. Năm Bính Dần (1926) vua Khải Ðịnh ban Sắc Tứ chùa Tây Thiên và cúng pho tượng Phật A Di Ðà. Sau khi bổn sư viên tịch năm 1928, ngài được kế thừa làm trú trì Tây Thiên Di Ðà Tự.

Năm Canh Ngọ (1930) ngài cùng với chư vị tôn túc mở Cao Ðẳng Phật Học Ðường Tây Thiên, thỉnh Hòa Thượng Phước Huệ ở chùa Thập Tháp, Bình Ðịnh ra làm chủ giảng. Từ năm 1949 đến năm 1954, ngài phát nguyện trì tụng lễ sám Hồng Danh Vạn Phật và Tam Bảo Kinh. Từ năm 1963 đến năm 1966, mặc dầu tuổi cao, ngài vẫn nhiều lần chống gậy xuống đường tham gia công cuộc vận động bảo vệ Phật Pháp.

Năm Ðinh Mùi (1967) ngài cho thành lập Tịnh Nghiệp Ðạo Tràng Tây Thiên, đến nay vẫn còn sinh hoạt. Ðầu năm Canh Thân, đúng ngày mồng một Tết (16-2-1980) ngài viên tịch, thọ 104 tuổi, 80 hạ lạp. Ngài thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 42 tức đời thứ 8 pháp phái Liễu Quán, Nam Hà.

Suốt đời ngài luôn luôn thọ trì pháp môn Tịnh Ðộ. Ngài thường căn dặn đệ tử xuất gia cũng như tại gia: Niệm Phật là pháp môn tối diệu, tối huyền, chẳng có thuốc gì hay hơn thuốc Phật, chữa lành muôn bệnh, nghiệp chướng lâu đời... Niệm Phật phải chuyên cần, mỗi bước mỗi niệm Phật, đi xe cũng niệm Phật, đi bộ cũng niệm Phật, có như thế mới đạt được nhất tâm.

Ngài thường khuyên các Phật tử đến thăm viếng chùa:

Niệm Phật sen nở đợi chờ

Nhân nào quả nấy sờ sờ không sai.

Thiền sư Bích Phong đã tặng ngài bài thơ:

Xu bồi trượng tân kỷ kinh niên

Y bát gia phong khế diệu truyền

Ối vũ ninh tri tâm lạc dã,

Phao chuyên đốn liễu tánh thường viên,

Tang thương kiếp hậu thành như thị

Vinh nhục trường trung thính tự nhiên.

Hồi thủ lao đao tam giới mộng

Thủy chung nhất niệm hướng Tây Thiên

Từ Phương dịch:

Tham thiền học đạo trải bao năm,

Y bát truyền gia khéo lựa tầm.

Khoai nướng thỏa lòng vui lẽ đạo,

Gạch vơi sáng dạ rõ thâm tâm.

Biển dâu sau cuộc cờ sinh tử,

Quí tiện trong đời chuyện thế nhân.

Ngoảnh lại rồi thôi ba cõi mộng,

Tây Thiên chung thủy bạn tri âm.

(Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm: Lịch Sử Phật Giáo xứ Huế, tr. 582-584).

Hòa Thượng Giác Nguyên lúc bấy giờ là Thủ Tọa chùa Tây Thiên, gặp cậu Diệp Trương Thuần niềm nở, từ hòa, ân cần hỏi:

– Anh đi lễ Phật à? Ở mô mà ngó quen quen rứa?

Diệp Trương Thuần chấp tay cung kính vái chào.

Thầy hỏi tiếp:

– Anh có phải từ Quảng Trị mới vô không?

Diệp Trương Thuần hơi ngạc nhiên, tự hỏi tại sao thầy lại biết mình ở Quảng Trị mới vào. Cậu sửa lại thế đứng ngay thẳng rồi thưa:

– Dạ thưa Thầy: Ðúng, con từ Quảng Trị mới vào. Con vào đây để xin phép quí Ôn, quí Thầy cho con đi tu.

Nghe vậy Thầy nhìn cậu với cặp mắt cưu mang:

– Tốt lắm! Ðương còn trẻ tuổi mà cũng ưa đi tu à? Tu cực khổ lắm, con có biết vậy không? Thôi được để ta dẫn con lên gặp Ôn.

Theo sự hướng dẫn của thầy Thủ Tọa, cậu Diệp Trương Thuần đi qua sân sau đến ngoài cửa phương trượng, nơi Hòa thượng Tâm Tịnh mà cậu còn nhớ rõ dung mạo, đang ngồi trên chiếc sập nhìn ra. Thầy Thủ Tọa chấp tay vái rồi thưa:

– Bạch Thầy, có anh này ở Quảng Trị mới vô xin đi tu.

Hòa Thượng hỏi thầy Thủ Tọa:

– Tôi thấy cậu này quen quen. Cậu có phải con cụ Diệp thầy thuốc ở Quảng Trị mà tôi thường hay nhắc đến đó không? Hòa Thượng vừa hỏi vừa nhìn kỹ người thanh niên trẻ tuổi đứng trước mặt từ đầu đến chân.

Thầy Thủ Tọa trả lời:

– Bạch Thầy chính cậu này, người mà Thầy thường nhắc hoài nên khi mới gặp con đã đoán cậu từ Quảng Trị vào. Bạch Thầy cho phép cậu đảnh lễ.

Diệp Trương Thuần đảnh lễ Hòa Thượng ba lạy.

Hòa Thượng vui vẻ hỏi tiếp:

– Cậu có phải là chú học trò học chữ Nho con cụ Phước Ðiền độ nào ta gặp khi ta đến thăm nhà? Chà, mau lớn quá! Tại sao con lại thích đi tu?

Cậu chưa kịp trả lời thì có nhiều Phật Tử đến thăm Hòa Thượng, nên Hòa Thượng giao cậu cho Thầy Thủ Tọa dẫn xuống liêu chúng. Cậu đã được Hòa Thượng chấp nhận cho xuất gia!

Thầy Thủ Tọa dẫn xuống Tăng Phòng để giới thiệu với các sư huynh đệ. Cậu thấy vị nào cũng uy nghi đạo mạo, trang nghiêm mà thanh thoát, bình dị mà thân tình: Thầy Giác Nhiên cao và gầy, khác hẳn thầy Thủ Tọa Giác Nguyên thấp và mập. Thầy Giác Tiên trán cao, thông minh; thầy Giác Viên thâm trầm, đoan nghiêm; thầy Giác Hải từ hòa dung dị; thầy Giác Hạnh, thanh lịch cao sang. Thầy Thủ Tọa cho biết ngày hôm ấy hai thầy Giác Bổn và Giác Ngạn vì công việc Phật sự nên vắng mặt.

Ða số các thầy đều xuất thân từ Quảng Trị như thầy Giác Nhiên người làng Ái Tử, Phủ Triệu Phong về sau là Ðệ Nhị Tăng Thống, Giáo Hội PGVNTN; thầy Giác Viên, người làng Bích Khê (Hồng Khê), phủ Triệu Phong, khai sơn chùa đặt tên là Hồng Khê để kỷ niệm sinh quán, một nhà sư uyên thâm giáo điển; thầy Giác Hải, người làng Trung Kiên, khai sơn chùa Giác Lâm; thầy Giác Hạnh, người làng Ái Tử, phủ Triệu Phong. Tất cả đều là người Quảng Trị, chỉ trừ thầy Thủ Tọa người Bình Ðịnh và thầy Giác Tiên người làng Dạ Lê Thượng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, người có công lớn trong công cuộc chấn hưng Phật Giáo miền Trung.

Thầy Thủ Tọa cho biết Hòa Thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh là đệ tử của Hòa Thượng Hải Thuận Lương Duyên. Hòa Thượng Hải Thuận Lương Duyên là đệ tử của đại lão Hòa Thượng Tánh Thiên Nhất Ðịnh, khai sơn An Dưỡng Am, tiền thân Sắc Tứ Từ Hiếu Tự.

Ðại Lão Hòa Thượng Tánh Thiên Nhất Ðịnh có 41 vị đại đệ tử, trong đó có những vị tiêu biểu như ngài:

– Hải Thuận Lương Duyên (Diệu Giác thiền sư, trú trì chùa Diệu Ðế, Báo Quốc).

– Hải Thiệu Cương Kỷ, kế thế trú trì chùa Từ Hiếu.

– Hải Toàn Linh Cơ, trú trì chùa Tường Vân.

– Hải Nhu Tín Nhậm, trú trì chùa Quảng Tế.

– Hải Trường Pháp Lữ, trú trì chùa Túy Vân, Linh Hựu.

– Hải Hoa Phát Ðạt, trú trì chùa Tịnh Quang, Quảng Trị.

– Hải Trạch Thiên Hoa.

– Hải Phong Vĩnh Mậu.

Ngài Hải Thuận Lương Duyên, bổn sư của Hòa Thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh, có nhiều đệ tử, đặc biệt có Cửu Tâm, chín người đệ tử với pháp hiệu có chữ Tâm đứng đầu, đó là:

– Tâm Quảng, trú trì chùa Báo Quốc nhận HT Lương Duyên làm y chỉ sư.

– Tâm Truyền, trú trì chùa Báo Quốc.

– Tâm Thể.

– Tâm An, tăng cang chùa Diệu Ðế, khai sơn chùa Thọ Ðức (Châu Lâm ngày nay).

– Tâm Thành, khai sơn chùa Từ Quang.

– Tâm Thiền, trú trì chùa Thuyền Tôn.

– Tâm Minh, trú trì chùa Ngọc Sơn (Y chỉ sư Diệu Giác, chùa Kim Sơn).

– Tâm Khoan, trú trì chùa Báo Quốc, Thuyền Tôn.

– Tâm Tịnh, khai sơn chùa Tây Thiên.

Hòa Thượng Tâm Tịnh, theo gương Thầy, thâu nhận 9 đệ tử với pháp hiệu có chữ Giác đứng đầu, gọi là Cửu Giác, đó là:

– Giác Nguyên (1877-1980) kế thừa Trú Trì chùa Tây Thiên.

– Giác Tiên (1880-1936) chùa Trúc Lâm.

– Giác Viên (1883-1942) chùa Hồng Khê.

– Giác Nhiên (1878-1979) chùa Thuyền Tôn, Ðệ Nhị Tăng Thống, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

– Giác Hải (1882-1938).

– Giác Bổn, chùa Từ Quang.

– Giác Ngạn.

– Giác Hạnh (1880-1981) chùa Vạn Phước.

– Giác Thanh, hiệu Ðôn Hậu (1905-1992) chùa Linh Mụ, Ðệ Tam Tăng Thống, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Sau khi chào hỏi xong các vị sư huynh, cậu Diệp Trương Thuần được thầy Thủ Tọa dẫn đến cái giường nhỏ dành cho cậu trong Tăng Phòng chùa Tây Thiên, dặn dò đôi lời về nếp sống trong chùa.

Một tháng sau Hòa Thượng Tâm Tịnh chính thức thâu nhận cậu Diệp Trương Thuần xuất gia. Lễ thế phát được tổ chức một cách đơn giản nhưng không kém phần trang nghiêm. Sau khi xuống tóc, theo lời dặn của Hòa Thượng Bổn Sư, chú tiểu Diệp Trương Thuần được giao phó trách nhiệm làm hương đăng, đồng thời dạy chữ Hán cho các điệu trong chùa, làm thị giả Hòa Thượng và giúp các Chú quét dọn sân vườn.

Sáng sớm 4 giờ chú tiểu Diệp Trương Thuần đã phải dậy nấu nước pha trà cho bổn sư khi tiếng chuông sáng bắt đầu. Hòa Thượng bổn sư thích uống nước trà với hoa tường vi, nên chú để sẵn trong túi những đóa tường vi hái từ chiều hôm qua dành để pha trà cho thầy. Bình trà của thầy quá nhỏ nên lúc đầu chưa quen, chú rót nước chảy ra ngoài. Thầy nhỏ nhẹ dạy cách pha trà như thế nào cho nước khỏi chảy ra dĩa. Chùa không có bàn ủi, nhưng áo quần của thầy luôn luôn thẳng thớm. Thầy chỉ cách sau khi phơi áo một vài giờ, ra vuốt cho thẳng. Khi xếp áo quần để dưới mền dằn cho tươm tất. Từng li từng tí thầy hướng dẫn cho chú. Ðây là phương thức huấn luyện chú đi dần vào khuôn khổ thiền môn. Lúc đầu chú hơi khó chịu thấy thầy quá tỉ mỉ, nhưng dần dần chú thấy sự dụng ý của thầy. Thầy còn dạy cách đi, đứng, nằm ngồi. Không được đi quá nhanh, không được vừa đi vừa chạy, trừ lúc gánh nước, chạy đàn. Nằm ngủ không được nằm ngửa, hay nằm sấp mà phải nằm nghiêng phía tay phải. Ngồi không được ngồi chò hỏ, ngồi vách đốc. Ðứng không được nghiêng ngửa... Oai nghi tế hạnh của một nhà tu nhờ những phương thức này mà được duy trì và truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác... Thầy Thủ Tọa, thầy Giác Viên, Giác Nhiên thích uống trà pha hoa soái, nên chú cũng góp hoa soái đưa cho quí thầy.

Sau thời chuông sáng là buổi công phu. Chú theo các Chú các Thầy tụng công phu sáng. Lúc đầu chú chưa thuộc kinh nên chỉ phụ theo, nhưng sau vài tháng chú đã thuộc Lăng Nghiêm, Thập Chú cho thời công phu sáng, Di Ðà Hồng Danh cho thời công phu chiều. Tụng kinh xong chú lo phần hương đăng và giúp các chú quét dọn sân vườn chùa.

Cơm sáng vào lúc 7 giờ. Thường thường là cơm nguội được chiên lại làm cơm sáng. Gọi là chiên nhưng không có dầu, chỉ có một ít tương, nhưng với tuổi của chú, cơm chiên như vậy cũng rất ngon. Dùng cơm xong, chú đi dọn dẹp phòng xá của bổn sư, giặt áo quần cho thầy nếu có. Ðến 9 giờ 30 chú được phép học kinh, luật. Lúc đầu là kinh chú cho hai thời công phu sáng chiều, tiếp đến là kinh Thủy Sám, Ðịa Tạng và Luật Sa Di.

Sau chín tháng đến ngày 10 tháng 6 năm Quí Hợi (ngày 23-7-1923) nhân đại giới đàn Thuyền Tôn, Thừa Thiên Huế, chú được thầy cho thọ giới Sa Di với pháp danh Trừng Nguyên, pháp tự Giác Thanh. Thọ Sa Di được một năm, bổn sư cho phép chú thọ Cụ Túc Giới (Tỳ Kheo Giới) tại đại giới đàn Từ Hiếu, Thừa Thiên Huế, được tổ chức ngày 15 tháng 6 năm Nhâm Tý (ngày 16-7-1924) với pháp hiệu Ðôn Hậu.

Trong đại giới đàn Từ Hiếu Hòa Thượng Bổn Sư làm Ðường

Ðầu Hòa Thượng, Hòa Thượng Thanh Trí chùa Quảng Tế làm Yết Ma, Hòa Thượng Tuệ Pháp trú trì chùa Thiên Hưng làm Giáo Thọ. Quí thầy Giác Tiên, Giác Nhiên, Tịnh Hạnh, Tịnh Khiết làm Kiến Ðàn. Thầy Tịnh Khiết về sau là Ðại Lão Hòa Thượng Ðệ Nhất Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, thầy Giác Nhiên về sau là Ðại Lão Hòa Thượng Ðệ Nhị Tăng Thống Giáo Hội PGVNTN là hai trong bốn vị dẫn thỉnh đại giới đàn Từ Hiếu lúc bấy giờ.

Từ ngày vào chùa cho đến khi thọ Cụ Túc Giới, Tỳ Kheo Thích Ðôn Hậu đã ghi lại những cảm tưởng, tâm tình, kỷ niệm của mình trong cuốn Hồi Ký “Trên Những Chặng Ðường” do chúng tăng chùa Linh Mụ sưu tập cho ấn hành năm 2000:

Vào chùa được hơn một tháng, tôi thấy không khí sinh hoạt trong chùa sao nó đầm ấm quá, nó yên lành và thanh tịnh quá. Tiếng tụng kinh của quí Thầy vào mỗi buổi sáng mai hay vào lúc xế chiều, hòa trong tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng tang nghe thật trầm hùng, thanh thoát. Ðôi khi tôi thấy như mình đang được sống trong một không gian xa lạ nào. Tôi cảm thấy sung sướng, sực nhớ đến khi tôi vừa bước chân vào sân chùa thì nghe ba hồi chuông trống Bát Nhã, tuy là chuông trống cử hành lễ vía đức Quán Thế Âm Bồ Tát, nhưng sự ngẫu nhiên mà được gặp như vậy cũng là một điều hiếm có, vì Hòa Thượng và thầy Thủ Tọa thường nói cho tôi nghe rằng nếu ai gặp như vậy là một điềm tốt lành. Riêng tôi Hòa Thượng dạy chắc chắn tương lai sẽ được thành đạt như ý nguyện. Mà thật vậy. Ở đây tôi thấy có một điều trùng hợp rất kỳ diệu, tưởng chỉ có người trong cuộc mới thấy rõ. Chính tôi đã nhờ đức Quán Thế Âm Bồ Tát cứu tử khi bị mắc bệnh đậu mùa thập tử nhất sinh và chính nhờ quyển Quan Âm Cao Vương Truyện mà tôi phát nguyện tầm sư học đạo. Nay đến ngày tôi vào chùa xin đi tu thì lại gặp ngày Vía của Ngài...

Từ ngày tôi xuất gia cho đến ngày được bổn sư cho phép thọ đại giới tính tròn hai năm mười một tháng. Với một thời gian ngắn ngủi mà tôi đã được Hòa Thượng Bổn Sư cũng như quí Thầy đã dày công dạy dỗ cho tôi được trưởng thành, thật là một nỗi vui mừng không thể nào tả xiết.”

Sau khi thọ đại giới chưa được hai năm thì Hòa Thượng Bổn Sư viên tịch ngày mồng 6 tháng 3 năm Bính Dần tức ngày 7-4-1926. Tỳ Kheo Thích Ðôn Hậu đã ghi lại cảm xúc của mình:

“Ðến đây không ngờ tôi lại phải chứng kiến thêm một cảnh vô thường nữa. Thật là một nỗi đau buồn thấm thía. Bổn sư là vị thầy làm duyên khởi cho mình xuất gia, ơn sâu nghĩa nặng của bổn sư mà mình chưa được hầu hạ mấy cả. Tuổi đời, tuổi đạo còn non nớt mà bổn sư đã vội vã ra đi... Thế là từ đây trong đời sống tu học hàng ngày, dù có quí thầy, quí huynh đệ quấn quýt bên nhau, nhưng tôi vẫn thấy bơ bơ, hiu quạnh!”

Sau lễ Chung Thất của Hòa Thượng Tâm Tịnh vào ngày 25 tháng 5 năm Bính Dần tức ngày 3-7-1926, thầy Thủ Tọa, tức

22Chùa Hồng Khê tại Cầu Lim Xã Thủy Xuân, Huế

Hòa Thượng Giác Nguyên kế thừa trú trì chùa Tây Thiên bàn bạc cùng thầy Giác Tiên, Giác Nhiên gửi pháp đệ Ðôn Hậu sang chùa Thệ Ða Lâm (chùa Hồng Khê ngày nay) do sư huynh Giác Viên vừa xây dựng để học hỏi.

Hòa Thượng Giác Viên là một danh tăng thời bấy giờ, đa văn bác học, thông suốt cả Phật Học và Nho Học. Tại chùa Thệ Ða Lâm thầy Thích Ðôn Hậu kết hạ an cư năm 1926, tình cờ gặp lại bà Yến, người mẹ vợ hụt, đến chùa lễ Phật, cúng dường trai soạn. Cuộc gặp gỡ tình cờ ấy được Hòa Thượng ghi lại như sau:

“Năm ấy tôi được an cư tại chùa Hồng Khê. Trong mùa an cư này tôi phải đối diện với một chuyên hết sức thương tâm. Một hôm giữa thời “quá đường” (thời cúng dường và ngọ trai) thì bà Y và ba bốn đạo hữu từ Quảng Trị vào lạy “quá đường”. Khi chấp tay lạy trước bàn thờ Phật, bà thấy tôi cùng ngồi an cư với chư Tăng, thì nước mắt bà ràn rụa, bà vừa lạy vừa khóc. Mấy đạo hữu cùng đi không hiểu vì lý do gì mà bà khóc và bà cũng không nói gì cho các đạo hữu ấy hay.

“Thời “quá đường” xong, bà theo các đạo hữu ngồi ăn trưa, vừa ăn vừa khóc. Khi thấy tôi đi xuống, bà bỏ đũa chén đứng dậy, đến gần tôi. Lúc ấy tôi bình tĩnh tiếp bà... Bà chưa nói gì mà đã khóc tức tưởi. Các đạo hữu nghĩ bà là người thân của tôi có điều tâm sự muốn nói với tôi nên tránh đi nơi khác. Người thì đi ra vườn xem hoa, người thì lên hầu thăm Hòa Thượng trú trì, bà thì cứ tức tưởi khóc.

“Tôi nghĩ nếu lúc này mà tôi nói ra lời nào chắc bà sẽ khóc to, nên tôi ngồi lặng thinh. Một hồi lâu bà ngẩng mặt lên nhìn tôi, nói một câu ngắn gọn: Tu là cõi phúc. Bác cầu nguyện cho con, à cho Thầy tu hành đến nơi đến chốn, như con, à như thầy ước nguyện. Bác xin lỗi... hu, hu!.”

Sau khi qua học đạo với sư huynh hơn một năm, vào năm Ðinh Mão (1927) nhận thấy pháp đệ tư chất thông minh lại cần mẫn hiếu học, sư huynh Giác Viên bàn với các huynh đệ cho pháp đệ vào tổ đình Thập Tháp, nơi Hòa Thượng Phước Huệ (1867-1945) vừa mới mở Phật Học Viện để đào tạo Tăng tài.

Giã từ Huế, bái biệt huynh đệ đồng môn, rời những ngôi chùa thân thuộc, Tăng sinh Ðôn Hậu cùng quí thầy Vĩnh Thừa, sau này là Hòa Thượng Châu Lâm, bổn sư của Hòa Thượng Thiên Ân (1925-1980), người sáng lập Ðại Học Ðông Phương và chùa Phật Giáo Việt Nam tại Los Angeles, của Hòa Thượng Tiêu Diêu (1892-1963), người tự thiêu cúng dường sắc thân cho Phật Giáo được trường tồn trong mùa Pháp nạn 1963, Thầy Mật Khế, đệ tử của Hòa Thượng Giác Tiên, khai sơn chùa Trúc Lâm, bậc lương đống trong phong trào chấn hưng Phật Giáo Huế, Thầy Chánh Thống, nhà Phật học Nho học nổi tiếng, khai sơn chùa Qui Thiện và thầy Chánh Huy vào mùa Thu năm Ðinh Mão, 1927 lên đường vào Thập Tháp. Hòa Thượng Ðôn Hậu trong Trên Những Chặng Ðường thuật lại: “Ðược vào học ở chùa Thập Tháp, tôi nghĩ đây là một dịp may hiếm có. Có thể nói cả sự nghiệp tu hành của đời tôi đều được mở đầu trong chuyến đi cầu học rất có triển vọng này.”


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/10/2011(Xem: 5581)
Thế giới, với người ngộ đạo, đã được lộn trái trở lại: sanh tử lộn ngược thành Niết Bàn. Đời sống có ý nghĩa là không tịch. Đời sống là sự biểu hiện của tính sáng.
10/10/2011(Xem: 4994)
Chúc Mừng Hòa Thượng Minh Dung
09/10/2011(Xem: 4590)
“ Lúc này ngài lại đi khắp các ngọn núi. Bảo Sát thưa rằng, ‘Tôn đức tuổi đã cao mà cứ xông pha sương tuyết thì mạng mạch Phật giáo sẽ thế nào ?’ Thượng hoàng đáp : ‘Thời ta đã đến, vì thế ta muốn làm kế lâu dài mà thôi’.
15/09/2011(Xem: 7023)
Hòa thượng Thích Trí Minh thế danh Đinh Văn Nhiên sinh năm Giáp Thìn (1904) tại xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ Ngài là cụ ông Đinh Văn Siêu, pháp danh Ấn Lộc; thân mẫu là cụ bà Hồ Thị Hành. Năm Nhâm Ngọ (1906), khi vừa tròn 3 tuổi thì mẫu thân qua đời, Ngài được người dì chăm lo nuôi dưỡng.
15/09/2011(Xem: 5996)
HT.Thích Trí Quang là một bậc danh tăng Việt Nam thời hiện đại. Ngài sinh năm Quý Hợi (1923), tại làng Diêm Điền, tỉnh Quảng Bình - ngôi làng có mối liên hệ chặt chẽ với Phong trào Văn Thân của chí sĩ Phan Đình Phùng - trong một gia đình gồm sáu anh em trai. Gia đình HT đều theo Phật lâu đời; thân phụ sau này xuất gia, làm đệ tử của ngài Đắc Quang - Tăng cang chùa Linh Mụ.
12/08/2011(Xem: 6842)
Ở miền Trung, có cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là trụ cột của công cuộc chấn hưng Phật giáo, thì ở miền Nam có cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, một khuôn mặt Phật tử lớn đã cống hiến nhiều công lao trong việc chấn hưng và xây dựng Phật giáo phương Nam.
12/08/2011(Xem: 7094)
Sáng ngày 27-11-08 (nhằm mùng 1-11-Mậu Tý), lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, khoảng 40.000 Tăng Ni cả nước đã có mặt tại núi rừng Yên Tử, mảnh đất thiêng liêng đã khai sinh thiền phái Trúc Lâm, đậm đà bản sắc Việt, để dự quốc lễ Phật giáo, tưởng niệm 700 năm ngày mất của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị vua anh minh và thiền sư lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam.
11/08/2011(Xem: 5195)
Suốt hai thế kỷ XVII-XVIII, đạo Phật gặp nhiều thuận duyên, phát triển nhanh chóng từ vùng đất Thuận Quảng đến khắp đồng bằng Nam Bộ. Sở dĩ được thế là nhờ trong chốn thiền môn nối nhau xuất hiện các bậc cao tăng như Viên Cảnh, Viên Khoan, Minh Châu, Nguyên Thiều, Liễu Quán... Ngoài xã hội thì các chúa Nguyễn và triều thần hết lòng hộ trì Tam bảo. Trong số các vị cư sĩ hộ pháp mà danh tiếng còn lưu truyền đến nay có Trần Đình Ân.
11/08/2011(Xem: 8473)
Tôi với Ni Sư không cùng chung một lớp nhưng lại chung một trường. Thành phố Huế chỉ lớn bằng bàn tay nên dù không quen cũng thành quen, chuyện lớn chuyện nhỏ gì của nhau rồi dần dà cũng biết cả, nhất là Ni Sư lại là một người học trò giỏi nữa. Thuở ấy Ni Sư là một nữ sinh Đồng Khánh áo trắng tóc thề, mắt sáng, da đã trắng mà má lại luôn luôn ửng hồng xinh xắn vô cùng, nên Tôn Nữ Hỷ Khương đã làm tặng Ni Sư mấy câu thơ như sau:
10/08/2011(Xem: 5347)
Câu hỏi có vẻ lẩn thẩn, bởi lẽ từ khi cắp sách đến trường, bắt đầu học lịch sử dân tộc, ai là người Việt Nam mà chẳng biết qua hơn một lần trang sử đời Trần và trang sử Trần Nhân Tông? Ai là người Việt Nam đã không tự hào về những chiến thắng quân Nguyên vẻ vang của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài ba của vị vua anh minh lỗi lạc Trần Nhân Tông?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]