Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 1: Hòa Thượng Thích Tâm Tịnh (1868-1929), Bổn Sư Của Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu

25/12/201006:35(Xem: 7880)
Chương 1: Hòa Thượng Thích Tâm Tịnh (1868-1929), Bổn Sư Của Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu

NHƯ ÁNG MÂY BAY

Cuộc đời của Đại Lão Hòa Thượng
THÍCH ĐÔN HẬU
Đệ tử Tâm Đức phụng sọan
Thất chúng môn đồ ấn hành 2010 USA

QUYỂN MỘT:
HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM TỊNH (1868-1928)
VÀ PHẬT GIÁO CUỐI THẾ KỶ 19, ÐẦU THẾ KỶ 20


Chương 1: Hòa Thượng Thích Tâm Tịnh (1868-1929),
Bổn Sư Của Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu


Hòa Thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh là một trong 9 đệ tử xuất sắc, có tên là Cửu Tâm, của Ðại Lão Hòa Thượng Hải Thuận Lương Duyên, người đắc pháp với tổ Tánh Thiên Nhất Ðịnh, khai sơn chùa Từ Hiếu.

Hòa Thượng Tánh Thiên Nhất Ðịnh (1784-1847) người họ Nguyễn, sinh năm Giáp Thìn, 1784 tại làng Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Ðăng Xương, tỉnh Quảng Trị, đồng niên xuất gia, theo học với Hòa Thượng Phổ Tịnh, thọ giới với Hòa Thượng Mật Hoằng chùa Thiên Mụ. Năm 1816 bổn sư viên tịch, ngài kế thừa chùa Báo Quốc. Năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) ngài được mời làm Trú Trì chùa Linh Hựu. Năm Minh Mệnh thứ 20 ngài lại được sắc phong làm Tăng Cang chùa Giác Hoàng. Ðến năm Thiệu Trị thứ ba (1843) ngài xin về hưu, lập Am An Dưỡng để chuyên tâm hành trì pháp môn niệm Phật. Ngài viên tịch ngày 7-10 năm Ðinh Mùi (1847), thọ 64 tuổi đời, 46 hạ lạp, đời 39 dòng Lâm Tế, đời thứ 5 của dòng Thiền Liễu Quán. Tháp 7 từng của ngài được xây tại chùa Từ Hiếu, gọi là An Dưỡng Tháp.

Am An Dưỡng sau khi ngài viên tịch được Thái Giám Viện kiến thiết thành chùa Từ Hiếu. Ngài có 41 vị đệ tử, trong đó có 8 vị xuất sắc:

1. Hải Thuận Lương Duyên, trú trì chùa Diệu Ðế, chùa Báo Quốc.

2. Hải Thiệu Cương Kỷ, kế thế trú trì chùa Từ Hiếu.

3. Hải Toàn Linh Cơ, trú trì chùa Tường Vân.

4. Hải Nhu Tín Nhậm, (sau cải thành Hải Nhu Tín, tại vì cữ húy Dục Tông Anh Hoàng Ðế) trú trì chùa Quảng Tế.

5. Hải Trường Pháp Lữ, trú trì chùa Túy Vân, Linh Hựu.

6. Hải Hoa Phát Ðạt, trú trì chùa Tịnh Quang, Quảng Trị.

7. Hải Trạch Thiền Hoa.

8. Hải Phong Vĩnh Mậu.

Hòa Thượng Hải Thuận Lương Duyên (1806-1892), trú trì chùa Báo Quốc, người đời thường gọi ngài là Diệu Giác Thiền Sư, người họ Ðỗ, sinh quán xã Bích Khê, tổng Bích La, huyện Thuận Xương, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ngài sinh năm Bính Dần (1806), đời Gia Long. Xuất gia năm 13 tuổi tại chùa Báo Quốc. Năm Minh Mạng thứ 11 (1840) ngài thọ cụ túc giới tại giới đàn Báo Quốc lúc ngài 34 tuổi, đời 40 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 6 dòng Liễu Quán, với Pháp danh là Hải Thuận, tự Lương Duyên, hiệu Diệu Giác. Năm 1849 ngài được cử làm trú trì chùa Diệu Ðế, năm 1859 được cử làm trú trì chùa Báo Quốc. Ngài đã trùng tu chùa Báo Quốc thành chốn tự vũ nghiêm trang, đồng thời ngài còn tham gia trùng tu chùa Kim Tiên, chùa Huệ Lâm. Năm 1886 ngài được nhà vua ân tứ một y cà sa vàng ngũ thể bá nạp. Ngài là vị sao sáng trong rừng Thiền, làm tỏa rạng dòng Thiền Liễu Quán. Năm Thành Thái thứ 6, 1891 mặc dầu đã 89 tuổi, ngài vẫn ra sức mở đại giới đàn tại chùa Báo Quốc. Ngài viên tịch năm 1892, hưởng thọ 90 tuổi, 52 hạ lạp. Tháp của ngài gọi là Diệu Quang Tháp được xây cất bên cạnh tháp của bổn sư. Ngài đã thế độ cho 40 vị đệ tử trong đó có 9 cao đồ, Pháp danh hàng chữ Thanh, Pháp tự chữ Tâm, trong Sơn Môn Huế gọi là Cửu Tâm:

1. Hải Hoạt Tâm Quảng (y chỉ pháp huynh), trú trì chùa Báo Quốc.

2. Thanh Minh Tâm Truyền, trú trì chúa Báo Quốc.

3. Thanh Tịnh Tâm Thể.

4. Thanh Phước Tâm An, tăng cang chùa Diệu Ðế, khai sơn chùa Thọ Ðức.

5. Thanh Ninh Tâm Tịnh, trú trí chùa Từ Hiếu, khai sơn chùa Tây Thiên.

6. Thanh Vân Tâm Thành, khai sơn chùa Từ Quang.

7. Thanh Liên Tâm Thiền, trú trì chùa Thuyền Tôn.

8. Như Thuật Tâm Minh (y chỉ sư Diệu Giác), trú trì chùa Kim Sơn.

9. Thanh Ðức Tâm Khoan, trú trì chùa Báo Quốc, chùa Thuyền Tôn.

Chín vị Tổ này được truyền tụng với danh hiệu Cửu Tâm theo cách xưng hô tôn kính của nhân dân xứ Huế và được Hàm Long Sơn Chí gọi là Cửu Diệp, nghĩa là Cành Lam Chín Lá hoặc Thiền Tông Chín Ngọn.

Hòa Thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh thế danh là Hồ Hữu Vĩnh, sinh ngày 18-5-1868 (Năm Mậu Thìn, Tự Ðức năm 21), ở làng Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 13 tuổi xuất gia tại chùa Báo Quốc, thờ ngài Hải Thuận, tự Lương Duyên, hiệu Diệu Giác làm thầy. Năm 1887 (Ðinh Hợi, triều Ðồng Khánh) thọ Sa Di, năm 1894 (Giáp Ngọ, Thành Thái thứ 6) thọ cụ túc giới, được bổn sư ban cho pháp danh Thanh Ninh, hiệu Tâm Tịnh và bài kệ:

Hà thanh ninh mật tứ phương an

Hữu vĩnh tâm tâm đạo tức nhàn

Tâm tợ bồ đề khai tuệ nhật

Bao hàm thế giới như thị quan

(Sông xanh tĩnh mịch bốn bề

Phẳng lặng tâm thường đạo tịch khê

Tâm tựa bồ đề soi tuệ nhãn

Bao trùm thế giới vượt sông mê)

Sau đó Hòa Thượng được bổn sư gửi đến chùa Từ Hiếu theo sư thúc Hải Thiệu Cương Kỷ học đạo. Khi ngài Hải Thiệu Cương Kỷ viên tịch, Hòa Thượng được bảo cử làm trú trì chùa Từ Hiếu và được ban chức Tăng Cang chùa Diệu Ðế. Năm 1902, để có nhiều thì giờ tu tập, Hòa Thượng nhường chức vị trú trì chùa Từ Hiếu cho Hòa Thượng Thanh Thái Huệ Minh, đến thôn Dương Xuân Thượng, Xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy cất am Thiếu Lâm, gọi là Thiếu Lâm Trượng Thất, để chuyên tu pháp môn tịnh độ. Năm 1911, Duy Tân năm thứ 5, Thiếu Lâm Trượng Thất đổi thành Tây Thiên Phật Cung, năm 1933 triều Bảo Ðại, Tây Thiên Phật Cung được ban Sắc Tứ trở thành Tây Thiên Di Ðà Tự.

Trong thời gian khai sơn Thiếu Lâm Trượng Thất, Hòa Thượng truyền thụ tâm ấn cho hàng đệ tử, trong đó có 9 vị mang danh chữ Giác thành Cửu Giác, kế thừa truyền thống Cửu Tâm của Bổn sư Hải Thuận Lương Duyên. Chín vị đệ tử mang danh chữ Giác thành Cửu Giác là:

– Giác Nguyên, kế thừa chùa Tây Thiên.

– Giác Tiên, khai sơn chùa Trúc Lâm.

– Giác Nhiên, tọa chủ tổ đình Thuyền Tôn, Ðệ Nhị Tăng Thống, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

– Giác Viên, khai sơn chùa Hồng Ân.

– Giác Hải, khai sơn chùa Giác Lâm.

– Giác Bổn, trú trì chùa Từ Quang.

– Giác Ngạn, trú trì chùa Kim Ðài.

– Giác Thanh, hiệu Ðôn Hậu, trú trì chùa Diệu Ðế, chùa Linh Mụ, Ðệ Tam Tăng Thống, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Hòa Thượng Tâm Tịnh rất có uy tín ở kinh đô. Vua Khải Ðịnh

Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh (1868-1929)

(Thích Ðồng Bổn: Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam, tr. 61)

thường hay để xe cộ, thị vệ, đi bộ một mình lên chùa Thiếu Lâm thăm Hòa Thượng. Nhân đại lễ Phật Ðản năm Giáp Tý (1924), Hòa Thượng đứng ra tổ chức đại giới đàn Từ Hiếu, được sự bảo trợ của vua Khải Ðịnh. Trong đại giới đàn này ngài là Ðàn Ðầu Hòa Thượng, với 450 giới tử, trong đó có 300 tăng ni thọ đại giới.

Mùa xuân năm Mậu Thìn (1928) ngày 6 tháng 4 Bảo Ðại năm thứ 3, nhằm ngày 25-4-1928, Hòa Thượng thị tịch, trụ thế 60 tuổi, 32 hạ lạp. Hòa Thượng ra đi, nhưng hình ảnh của ngài còn mãi trong lòng Phật tử Việt, nhất là Phật tử Huế. Thiền sư Viên Thành, trú trì chùa Tra Am, một thi sĩ tài ba đương thời đã sáng tác hai câu đối nói về đời ngài và sự mất mát không lường của chốn thiền môn:

Tứ thập nhất đại Lâm Tế chấn thiền phong,

đào chú công thâm, thùy thọ đương đầu hát bổng,

Ngũ thập cửu niên Diêm Phù thùy hóa tích,

trí bi nguyên mãn, nhi kim toát thủ hoàn gia.

(Lâm Tế đời bốn mươi mốt, chấn chỉnh thiền tông,

nung đúc công sâu, còn ai trao truyền đánh hét.

Diêm Phù thọ năm mươi chín, rõ lòng giáo huấn,

trí bi nguyện đủ, chừ đây buông thõng về nhà.)

Dòng Lâm Tế là một trong ba phái thiền chính, đó là Lâm Tế, Tào Ðộng và Hoàng Bá. Từ lục tổ Huệ Năng chùa Tào Khê qua Nam Nhạc, Mã Tổ, Bách Trượng, Hoàng Bá đến Lâm Tế Nghĩa Huyền tức thế hệ thứ sáu của tổ Huệ Năng.

Ngài Lâm Tế người Nam Hoa, Tào Châu, Hà Nam, họ Hình, xuất gia, hâm mộ thiền đời Ðường. Lúc đầu ngài đến Giang Tây tham học với ngài Hoàng Bá Hy Vân, sau theo học các ngài Cao An Ðại Ngu, Qui Sơn Linh Hựu, cuối cùng trở về thụ ấn với ngài Hoàng Bá năm Ðại Trung thứ 8, đời vua Tuyên Tông.

Sau đó ngài đến làm trú trì chùa Lâm Tế, Trấn Châu, Hà Bắc, thiết lập cơ pháp tâm huyền, tâm yếu, làm Lâm Tế Tông. Ðời có câu “Ðức Sơn Ðánh Gậy, Lâm Tế Quát Hét ”, dùng phương thức thoại đầu và tích trượng trong thiền tập. Ngài viên tịch tháng 4 năm Hàm Thống thứ 8, được ban thụy là Tuệ Chiếu Thiền Sư. Ngữ lục của ngài do môn nhân Tuệ Nhiên biên tập gọi là Trấn Châu Lâm Tế Tuệ Chiếu Thiền Sư Ngữ Lục.

Lâm Tế Lục, Hội Nguyên, quyển 11 chép: “Lâm Tế đến học đạo với ngài Hoàng Bá. Ba lần hỏi ngài Hoàng Bá thế nào là yếu nghĩa Phật Pháp, ba lần bị ngài Hoàng Bá lấy gậy gõ vào đầu. Lâm Tế giã từ ngài Hoàng Bá đến gặp ngài Ðại Ngu. Ðại Ngu hỏi Hoàng Bá dạy dỗ như thế nào. Lâm Tế thuật lại ba lần hỏi yếu nghĩa của Phật Pháp, ba lần bị ăn gậy mà không biết phạm lỗi lầm gì. Ðại Ngu bảo: Hoàng Bá đã có cách chỉ dạy, vậy đến ta làm gì. Nghe câu nói đó, Lâm Tế thoạt nhiên đốn ngộ.”

NAMB-ctqcth

Cổng Tam Quan chùa Từ Hiếu

(Võ Văn Tường: Việt Nam Danh Lam Cổ Tự, tr. 122)

Hòa thượng Thích Tâm Tịnh, bổn sư của Hòa Thượng Ðôn Hậu, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 41, lớn lên trong thời kỳ triều đình nhà Nguyễn đang dần dần suy yếu, là đệ tử nối pháp thứ năm của Hòa Thượng Diệu Giác Hải Thuận, trú trì chùa Báo Quốc. Sau khi đắc pháp, Hòa Thượng Tâm Tịnh kế vị Hòa Thượng Huệ Ðăng làm trú trì chùa Từ Hiếu trong nhiều năm. Tại đây Hòa Thượng một mặt trau dồi Tam Học, một mặt hoằng dương đạo pháp, trùng hưng ngôi Tam Bảo Từ Hiếu trở thành một tổ đình uy nghi, sầm uất.

Chùa Từ Hiếu tọa lạc tại thôn Dương Xuân Hạ, xã Thủy Xuân, Huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, cách thành phố Huế 5 km về phía tây nam, lúc đầu chỉ là một cái am nhỏ có tên là An Dưỡng Am do Hòa Thượng Tánh Thiên Nhất Ðịnh (1784-

NAMB-chuatuhieu

Chùa Từ Hiếu

(Võ Văn Tường: Việt Nam Danh Lam Cổ Tự, tr. 123)

1847), tổ thứ năm, thiền phái Liễu Quán xây dựng năm 1843. Cuối thời Thiệu Trị (1847) sau khi Hòa Thượng Tánh Thiên Nhất Ðịnh viên tịch một năm, tức vào năm 1848, các vị thái giám, cung giám đứng ra mua ruộng đất tái thiết chùa rộng lớn, trang nghiêm hơn, được vua Tự Ðức sắc ban Sắc Tứ Từ Hiếu Tự vì Hòa Thượng Nhất Ðịnh rất có hiếu với mẹ. Chùa được trùng tu nhiều lần năm 1865, 1894, 1931, 1962, 1971. Chùa Từ Hiếu hiện nay có một Phật Học Viện, được sự giúp đỡ của Thiền sư Nhất Hạnh, một danh tăng Việt Nam, xuất thân từ ngôi chùa này.

Năm Giáp Thìn 1904, sau 10 năm làm trú trì tổ đình Từ Hiếu, Hòa Thượng truyền giao lại cho Hòa Thượng Huệ Minh, để có thì giờ hành trì theo sở nguyện: Hòa Thượng thích chốn u nhàn, tịch mặc để tư duy kiến tánh và giáo hóa đệ tử kế thừa. Ngài đến làng Dương Xuân Thượng, cất một thảo am đặt tên là Am Thiếu Lâm, tiền thân của chùa Tây Thiên, một tổ đình nổi tiếng của đất thần kinh và của cả miền Trung nước Việt.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/10/2011(Xem: 5579)
Thế giới, với người ngộ đạo, đã được lộn trái trở lại: sanh tử lộn ngược thành Niết Bàn. Đời sống có ý nghĩa là không tịch. Đời sống là sự biểu hiện của tính sáng.
10/10/2011(Xem: 4992)
Chúc Mừng Hòa Thượng Minh Dung
09/10/2011(Xem: 4590)
“ Lúc này ngài lại đi khắp các ngọn núi. Bảo Sát thưa rằng, ‘Tôn đức tuổi đã cao mà cứ xông pha sương tuyết thì mạng mạch Phật giáo sẽ thế nào ?’ Thượng hoàng đáp : ‘Thời ta đã đến, vì thế ta muốn làm kế lâu dài mà thôi’.
15/09/2011(Xem: 7022)
Hòa thượng Thích Trí Minh thế danh Đinh Văn Nhiên sinh năm Giáp Thìn (1904) tại xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ Ngài là cụ ông Đinh Văn Siêu, pháp danh Ấn Lộc; thân mẫu là cụ bà Hồ Thị Hành. Năm Nhâm Ngọ (1906), khi vừa tròn 3 tuổi thì mẫu thân qua đời, Ngài được người dì chăm lo nuôi dưỡng.
15/09/2011(Xem: 5996)
HT.Thích Trí Quang là một bậc danh tăng Việt Nam thời hiện đại. Ngài sinh năm Quý Hợi (1923), tại làng Diêm Điền, tỉnh Quảng Bình - ngôi làng có mối liên hệ chặt chẽ với Phong trào Văn Thân của chí sĩ Phan Đình Phùng - trong một gia đình gồm sáu anh em trai. Gia đình HT đều theo Phật lâu đời; thân phụ sau này xuất gia, làm đệ tử của ngài Đắc Quang - Tăng cang chùa Linh Mụ.
12/08/2011(Xem: 6842)
Ở miền Trung, có cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là trụ cột của công cuộc chấn hưng Phật giáo, thì ở miền Nam có cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, một khuôn mặt Phật tử lớn đã cống hiến nhiều công lao trong việc chấn hưng và xây dựng Phật giáo phương Nam.
12/08/2011(Xem: 7094)
Sáng ngày 27-11-08 (nhằm mùng 1-11-Mậu Tý), lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, khoảng 40.000 Tăng Ni cả nước đã có mặt tại núi rừng Yên Tử, mảnh đất thiêng liêng đã khai sinh thiền phái Trúc Lâm, đậm đà bản sắc Việt, để dự quốc lễ Phật giáo, tưởng niệm 700 năm ngày mất của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị vua anh minh và thiền sư lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam.
11/08/2011(Xem: 5195)
Suốt hai thế kỷ XVII-XVIII, đạo Phật gặp nhiều thuận duyên, phát triển nhanh chóng từ vùng đất Thuận Quảng đến khắp đồng bằng Nam Bộ. Sở dĩ được thế là nhờ trong chốn thiền môn nối nhau xuất hiện các bậc cao tăng như Viên Cảnh, Viên Khoan, Minh Châu, Nguyên Thiều, Liễu Quán... Ngoài xã hội thì các chúa Nguyễn và triều thần hết lòng hộ trì Tam bảo. Trong số các vị cư sĩ hộ pháp mà danh tiếng còn lưu truyền đến nay có Trần Đình Ân.
11/08/2011(Xem: 8473)
Tôi với Ni Sư không cùng chung một lớp nhưng lại chung một trường. Thành phố Huế chỉ lớn bằng bàn tay nên dù không quen cũng thành quen, chuyện lớn chuyện nhỏ gì của nhau rồi dần dà cũng biết cả, nhất là Ni Sư lại là một người học trò giỏi nữa. Thuở ấy Ni Sư là một nữ sinh Đồng Khánh áo trắng tóc thề, mắt sáng, da đã trắng mà má lại luôn luôn ửng hồng xinh xắn vô cùng, nên Tôn Nữ Hỷ Khương đã làm tặng Ni Sư mấy câu thơ như sau:
10/08/2011(Xem: 5347)
Câu hỏi có vẻ lẩn thẩn, bởi lẽ từ khi cắp sách đến trường, bắt đầu học lịch sử dân tộc, ai là người Việt Nam mà chẳng biết qua hơn một lần trang sử đời Trần và trang sử Trần Nhân Tông? Ai là người Việt Nam đã không tự hào về những chiến thắng quân Nguyên vẻ vang của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài ba của vị vua anh minh lỗi lạc Trần Nhân Tông?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]