Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Điếu văn Tưởng niệm của Môn đồ Đệ tử - Thích Hạnh Tuệ

28/09/201010:35(Xem: 5538)
Điếu văn Tưởng niệm của Môn đồ Đệ tử - Thích Hạnh Tuệ

HT_Thich_Quang_Tam_1

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

Hàng đệ tử chúng con cung thủ, phủ phục đê đầu đảnh lễ Giác linh Thầy,

Kính lạy Thầy,

Hôm nay, giờ đây, một nỗi đau quặn thắt đang ngự trị giữa cõi lòng của hàng thất chúng đệ tử chúng con.

Bóng thời gian xiêu đổ, mờ nhạt cuối trời xa

Thầy ung dung quay gót, nhẹ ngang chốn Ta Bà

Kể từ nay, chúng con đã vĩnh viễn mồ côi Thầy Tổ.

Kể từ nay, thất chúng sẽ mãi hoài quạnh vắng Tôn sư.

Giữa cuộc đời vô tận những trớ trêu, chúng con biết nương ai để thiện thệ qua bờ hạnh phúc:

Với đôi tay giữa hư không, cố tìm nơi bám víu, thấy mênh mong những mây xám vô tình,

Thỏng đôi chân trong dòng đời, quyết kiếm bờ neo đậu, nhìn bao la chỉ cỏ úa hững hờ.

Hạnh nguyện tiếp Tăng, đâu kể gian lao, Thầy một thân một mình ra công giáo dưỡng,

Hoài bão độ chúng, chẳng từ khó nhọc, Thầy một bóng một hình bỏ sức chăm nom.

Đau đáu nỗi niềm, dạy sớm thức khuya, còm cõi chiếc thân rệu rã,

Dáo dát ưu tư, quên cơm bỏ thuốc, mảnh khảnh chiếc bóng lẻ loi.

Nhớ ngày nào, như vừa mới đây thôi, Thầy vẫn còn chăm chút chúng con từng miếng ăn giấc ngủ: xin gạo từng cân nuôi chúng, khi chúng Tăng khắp nơi về đây lưu trú học hành; đắp lại chiếc chăn cho chúng, trong mùa mưa lạnh lẽo khi chúng con yên giấc ngủ nồng. Cơm sáng, trưa, chiều Thầy đều đi cùng đại chúng để khuyến tấn bảo ban. Nhổ cỏ, quét sân, lau phòng ở, lau nhà vệ sinh… Thầy giản đơn, mộc mạc như người mẹ tận tụy nuôi đàn con thơ trẻ. Đã không biết bao nhiêu lần Thầy đi vay tiền cho chúng con đóng tiền học phí. Không than một lời, không trách một câu, lấy sự chăm sóc – dạy dỗ đàn con làm niềm vui trong lẽ sống. Vỗ về, an ủi, nhắc nhở, rầy la, xử phạt… khi chúng con phạm phải sai lầm; khích lệ, động viên, khuyến tấn, khen thưởng… khi chúng con chuyên tâm tu học.

Thầy là mẫu người: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Thầy chỉ dạy chúng con từng li, từng tí trong cách ăn, thói ở giữa cuộc đời. Giáo dục chúng Tăng bằng những tinh hoa chắt lọc từ những Phật học đường, Phật học Viện mà Thầy đã trải qua. Thầy sửa cho chúng con từng lời xướng tụng, thưa thỉnh… để làm hành trang mai này hoằng hóa chúng nhân. Thầy lập Nội qui, lập Thanh qui để gìn giữ giềng mối thiền môn quy củ. Với tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến, Thầy thiện thệ qua bẫy đời giăng bủa chẳng nao nung. Khế lý, khế cơ nắm trong tay tùy duyên độ chúng. Tùy thời, tùy thế giữ trong lòng uyển chuyển đối nhân. Đạm bạt một đời để chăm lo cho hạnh phúc tha nhân, còn tấm thân thì gầy guột, héo mòn, bệ rạt. Thầy không ngại nắng mưa, gió sương, khuya sớm - cô thân, lẻ bóng, độc hành làm việc vì chúng con còn quá nhỏ không thể sớt chia. Đã bao lần Thầy dạy chúng con, trời đất vô cùng phải vững chải bước đi. Mỗi bước chân qua phải mang hương hoa cho cuộc sống. 20 năm, 30 năm hay 100 năm cũng trở thành vô nghĩa, nếu như cuộc đời này con chỉ sống cho con.

Thầy ôi!

Hôm nay đây, chấp đôi tay nghĩ nhớ lại dòng thời gian qua hun hút. Tuổi trẻ của chúng con nơi Tu Viện là cả một bầu trời kỷ niệm của thân thương. Dẫu bụi thời gian có phủ mờ đi cuộc sống vốn vô thường, nhưng ký ức vẫn rạng ngời không hanh hao, tỳ vết. Chúng con thật tệ, đã có biết bao lần biếng học, mê chơi, ham ngủ, trốn tụng kinh, lười chấp tác…; để rồi qùy quả đường, lạy sám hối, phạt hành đường… cũng là chuyện đương nhiên. Ước chi giờ này nhận được từ Thầy cái tát tai, để ấm lại cõi lòng đang lạnh giá. Thầy rầy, thầy la, thầy hiện thân Đại sỹ để chúng con nên người đứng vững giữa nhơn gian. Chúng con còn nhớ như in, những tháng năm chúng Tăng Tu Viện đông đến 100 vị. Phòng ở chật chội, nên nắng nóng rồi mưa ẩm. Những con rệp được sinh sôi nẩy nở sống tự do giữa những kẻ ván của giường nằm. Chúng con còn nhớ những luống rau muống, rau dền, đậu bắp, dưa leo… cứ mơn mởn lớn lên bởi được tưới từ phân của Đại chúng; bay mùi khắp nơi, nhưng không sao, sáng tưới, tối ra hái trộm chế mì… Kính bạch Thầy, những kỷ niệm này giờ kiếm ở đâu ra. Cực khổ của bây giờ sao bằng Thầy trong những thập niên về trước. Đối nội, đối ngoại, tạm trú, tạm vắng… ôi thôi khổ tấm thân Thầy.

Còn nữa, gầy dựng nền giáo dục từ trong Tu viện. Thầy đã mở các lớp bổ túc văn hóa cho tất cả Tăng Ni sinh và bà con khắp vùng đến học. Thỉnh mời giáo sư đến đây để giảng dạy, và khi đã tốt nghiệp ở nơi đây cũng được chính thức cấp bằng, để rồi mọi người có thể tiếp tục học những chương trình giáo dục cao hơn trong các trường khác. Thầy là người tiên phong xây dựng nền móng cho lớp sơ cấp Phật học mà ngày nay mô hình này đã nhân rộng ra khắp nơi trong nước.

Cả cuộc đời Thầy là chuỗi dài của sự thầm lặng hi sinh. Giáo dục dưỡng nuôi bao lớp chúng Tăng khắp mọi niềm xứ sở. Đứa đến, đứa đi, đứa hữu duyên, đứa bạt phước… Thầy mở rộng vòng tay, không một chút nề hà.

Kính ngưỡng Thầy,

Chiếc thân gầy, nhưng sức lực oai hùng chất ngất,

Đôi mắt sâu, nhưng ý chí cao vợi ngút ngàn.

Noi gương chí nguyện của Thầy, chúng con nguyện tiếp bước Thầy để Tông môn vĩnh chấn, Tổ ấn trùng quang. Đệ tử lớn chúng con đây sẽ chăm lo cho đàn em ăn học. Giữ chí nguyện xuất gia, giữ gìn truyền thống tu – học nơi Tu viện, tận tụy cùng anh em chăm lo ngôi nhà chung Tổ đình Vĩnh Đức.

Thầy đã được sinh ra và lớn lên trên vùng đất miền Trung, gian nan, khốn khó, Thầy đã hiểu, đã thương cho xứ sở của quê mình. Mờ xa đằng kia là núi Ấn, núi Bút, sông Trà, sông Vệ… yêu thương, nơi đã từng ung đúc cho sự trưởng thành của biết bao bậc danh Tăng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam và là nơi lưu xuất của bao bậc hiền tài, hào kiệt… Mảnh đất miền Trung quanh năm với nắng quái, mưa thù, lụt hờn, lũ oán; thiên nhiên càng khắc nghiệt bao nhiêu, con người càng có ý chí vươn dậy bấy nhiêu. Từ cái khổ, cái khó đã cho Thầy đức tính hy sinh, kham nhẫn; từ cái nghèo, cái lo đã cho Thầy tấm lòng độ lượng, bao dung.

Ngày trước, nơi Cổ lũy cô thôn heo hút, một ngôi làng nhỏ ven sông, chùa Từ Lâm mộc mạc, đơn sơ nằm sâu trong những tán cây trên triền đồi Phú Thọ. Những nền cũ mục đổ trên đỉnh đồi là dấu tích một thời huy hoàng mà đã được vua Bảo Đại sắc phong “Sắc Tứ Tổ Đình Từ Lâm”. Trải qua bao cuộc thăng trầm dâu bể nắng sớm, mưa chiều, gió tạt, sương pha, những phế tích hoang tàn đã bạt thết rong rêu, không kẻ trông nom, thiếu người lui tới. Thầy đã về đây cùng chư huynh đệ trong Môn phong gầy dựng lại từ cái không còn gì để mất. Cho đến nay, Tổ đình Từ Lâm đã ngự trị ở trong lòng của hầu hết Chư Tôn Đức Tăng Ni và Phật tử khắp vùng Quảng Ngãi.

Kính bạch Thầy,

Mai đây, cuộc hành trình của những đứa con Thầy sẽ bủa ra trăm hướng, và sẽ chẳng còn khó khăn nào nữa có thể làm nhục ý chí trượng phu mà Thầy đã ung đúc, tác tạo cho đâu. Thầy đã từng nhắn gởi chúng con rằng: “Bỉ ký trượng phu ngã diệc dĩ”(Kia trượng phu ta cũng trượng phu). Ý chí, nghị lực ấy đã tiếp cho chúng con sức mạnh để vượt qua những cơn bĩ cực của thế thái nhân tình.

Giờ đây,

Thầy đi rồi, Trượng thất đìu hiu, gió lộng vầng trăng tê tái,

Thầy đi rồi, Thiền đường quạnh vắng, lá rơi mặt đất não nùng.

Thầy đi rồi ! Giảng đường bặt tiếng phạm âm, Thích chúng gục đầu buồn tủi,

Thầy đi rồi ! Chánh điện lặng lời phục nguyện, Môn đồ nuốt lệ sót xa.

Chúng con,

Đôi mắt rưng rưng, quỳ thấp đôi chân kính lạy, Giác linh Thầy Phật quốc cao đăng,

Đôi mắt rưng rưng, chấp cao đôi tay khấn nguyện, Giác linh Thầy trực vãng Lạc bang.

Kính thương Thầy vô hạn,

Chúng con cung kính đảnh lễ kính Thầy.

Kính nguyện giác linh Hòa thượng thùy từ nhả giám.

Nam Mô Tự Lâm Tế Chúc Thánh Tông Tứ Thập Nhất Thế, Sắc Tứ Từ Lâm Tổ Đình Phú Pháp, Khai Sơn Vĩnh Đức Tu Viện Đường Thượng, Pháp Húy NHƯ HẢO, Tự Thượng GIẢI Hạ TÂM, Hiệu AN ĐỨC, Đạo Hiệu QUẢNG TÂM, LÊ CÔNG Hòa Thượng Giác Linh.

Con đệ tử Thích Hạnh Tuệ cúi xin chấp bút.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/07/2024(Xem: 1839)
Giáo sư Cao Huy Thuần - tác giả nhiều sách như "Thấy Phật", "Nắng và hoa", "Khi tựa gối khi cúi đầu" - mất ở tuổi 87, tại Paris, Pháp. Ông Cao Huy Hóa, em trai Giáo sư Cao Huy Thuần, thông báo ông mất lúc 5h ngày 8/7 (giờ Hà Nội). Hòa thượng Thích Hải Ấn - Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế - cho biết chờ thông tin từ gia đình, sau đó sẽ tổ chức buổi tưởng niệm giáo sư. Ông từng thỉnh giảng một số chuyên đề tại học viện.
28/06/2024(Xem: 1184)
Cung trời cũ, Thầy ung dung dạo bước, Chốn Hồng Trần, xin tạm gác niềm thương. Như Huyền nhiệm, đến đi trong tự tại. Diệt tang bồng, soi ảnh độ Tây phương. Thầy lặng lẽ, như hành thâm đại nguyện. Pháp Đại Bi, mật trú dạ Huân tu. Trong thiền thất, Thầy an nhiên thiền tọa. Thở và cười, chốn Bát Nhã Chơn như.
24/06/2024(Xem: 1462)
Đúng vậy! Tôn Sư Trưởng lão Hòa Thượng thượng NHƯ hạ HUỆ, Nguyên Hội Chủ và Chứng Minh Đạo Sư GHPGVNTNHN UDL-TTL, Phương trượng Chùa Pháp Hoa SA. Với 70 năm tu tập, 60 phục vụ PGVNTN tại quê nhà và hải ngoại, đã giáo dục, đạo tạo nên nhiều Tăng Ni và Phật tử tài giỏi, biết hy sinh bản thân để cống hiến cho đạo Pháp và dân tộc cũng như hết lòng phụng sự chúng sanh. Nhờ tấm lòng từ bi, với đức tánh hài hòa, nhẫn nại, bao dung rồi thâm nhập Phật Pháp. Từ nền móng đó, Phật giáo đồ và Giáo hội ở Úc đã nhiều nhiệm kỳ cung thỉnh Ngài làm Hội Chủ, đã giáo dưỡng nên nhiều đệ tử biết rõ cuộc đời là vô thường, khổ, để không chạy theo sự sanh diệt của thế gian, lánh xa ngũ dục, tìm cách diệt khổ vươn lên và phụng sự đắc lực cho cuộc đời, tạo vô vàn Phước Đức.
22/06/2024(Xem: 1296)
Có người, khi thấy tôi thường nhắc nhở, ca ngợi Hoà Thượng Thích Như Điển, cho rằng, tôi…nịnh Hoà Thượng. Trời, nếu hiểu theo nghĩa “nịnh” thì mục đích để cầu danh hay lợi gì đó. Muốn có danh đâu phải dễ. Giữa hai hạt, kim cương và hòn sỏi đặt dưới bóng đèn sẽ soi rõ bản chất của nó, không thể nhờ chiếu sáng mà sỏi thành ra kim cương được. Con người cũng thế thôi, bản thân chẳng ra gì có đứng bên người tỏa hào quang thì vẫn thấy cái dở của người đó. Còn lợi thì càng buồn cười hơn. Người tu vốn vào cửa...không, Phật tử phải đắp cho...có. Ở đó mà cầu lợi.
01/06/2024(Xem: 1804)
Từ khi mở đất, khai hoang, lập ấp vùng đất mới, Doãn Quốc Công Nguyễn Hoàng (1558-1613) đã để ý đến việc lập chùa và lấy Phật giáo làm nơi nương tựa tinh thần cho việc lập quốc của dòng họ Nguyễn. Theo truyền thống đó, các chúa Nguyễn đều sùng thượng đạo Phật và mời các vị danh tăng Trung Quốc đến Đàng Trong hay vùng Nam Bộ ngày nay để hoằng hóa. Thế kỷ XVII ghi nhận có mặt của các Thiền sư Trung Hoa (Nguyễn Lang 2008):
31/05/2024(Xem: 2437)
Sa môn Endo Mitsunaga (Giáo thọ A-xà-lê Quang Vĩnh Viên Đạo, 光永圓道阿闍梨), sinh năm năm Ất Mão (1975) tại Kyoto. Năm Canh Ngọ (1990), thiếu niên tuổi 15, Ngài xuất gia thụ giới Sa di tại Myoo-do Hall ở Mudojidani, Mt. Hiei. Năm 1997 Ngài tốt nghiệp chuyên khoa Phật học tại Đại học Hanazono (花園大学).
28/05/2024(Xem: 2869)
Huế thường được mệnh danh là “Kinh đô Phật giáo” chẳng phải vì cảm hứng nghệ thuật hay cường điệu vẽ vời mà chính vì Huế có tới 332 ngôi chùa và niệm phật đường lớn nhỏ, trong đó có khoảng 100 ngôi cổ tự. Các ngôi chùa ngày nay hầu như đều được trùng tu nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính, căn bản mang đậm màu sắc văn hóa Phật giáo. Dẫu là dấu tích truyền thống của tôn giáo nhưng những ngôi chùa cổ của Huế vẫn tiềm tàng những giá trị tâm linh, văn hóa, lịch sử của vùng đất cố đô.
09/05/2024(Xem: 2540)
Nhị vị canh cánh bên nhau suốt cả cuộc đời. Nhị vị cùng tòng học với Ngài BÍCH LIÊN ( Bình Định) rồi nhị vị dấn thân ĐEM ĐẠO VÀO ĐỜI , mỗi vị mỗi phong cách, mỗi vị một vị thế khác nhau, nhưng mỗi vị đều trung trinh lý tưởng : Coi việc phụng sự Phật pháp như là việc Nhà ( Hoằng Pháp vi gia vụ ) Nhị vị trọn đời trung trinh “ Thượng cầu Phật Đạo, hạ hóa chúng sanh.
07/05/2024(Xem: 2545)
Hòa Thượng thế danh NGUYỄN HƯỚNG, pháp danh TÂM HOÀN tự GIẢI QUY, hiệu HUỆ LONG, thuộc dòng thiền phái Lâm Tế đời thứ 43. Hòa Thượng sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tý (1924) trong một gia đình môn phong Nho giáo tại làng Phú Thành, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Giòng họ Nguyễn Phúc định cư dưới chân đồi Phốc Lốc tính đến đời Ngài đã trải qua 7 đời.Thân phụ là cụ ông Nguyễn Phúc Trì tự Tung pháp danh Không Đảnh, đích mẫu là cụ bà Trần Thị Kiện mất sớm, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Chiếu pháp danh Không Chiêu, ông bà đều là đệ tử quy y với Quốc Sư Phước Huệ trú trì Tổ Đình Thập Tháp Di Đà. Thân phụ Ngài là một Hương chức trong làng, một vị đồ Nho giỏi văn chương thi phú, tín ngưỡng tôn sùng Phật giáo, ông bà sống rất phúc đức nhân hậu với mọi người. Gia đình Hòa Thượng có mười anh em(5 anh em trai, 5 chị em gái) Ngài là con thứ tám. Người anh cả của Hòa Thượng tục danh Nguyễn Cao theo Pháp Sư Phổ Huệ vào Nam, sau đó ở lại định cư lập nghiệp tại Vĩnh Long, người anh th
13/04/2024(Xem: 1399)
Trang nghiêm Đức Trí châu viên Thậm thâm Bát Nhã bên triền KHỔ KHÔNG Hành vô hành hạnh quán thông LỜI VÀNG KINH PHẬT trãi dòng Chân Như Niết bàn tịnh cảnh vô dư Nhập Như lai tạng như NHƯ LAI về Nhân gian mát bóng Bồ Đề Ma ha Bát Nhã quy về diệu âm.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]