Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cảm niệm lên Ôn

17/04/201301:51(Xem: 5060)
Cảm niệm lên Ôn


HT. Thich Tri Chon

CẢM NIỆM LÊN ÔN


Thích Nữ Hạnh Thanh

       Kính Giác linh Ôn thượng Trí hạ Chơn, chứng tri,

       Con, Tỳ kheo ni Hạnh Thanh, vừa là môn phái Linh Mụ ;  nhưng thật ra, Ôn, cũng như con và cả Đại chúng Linh Mụ đều là tông môn Tây Thiên pháp phái. Vì Ôn Đệ tam Tăng thống tuy Trú trì Linh Mụ quốc tự, nhưng lại là đệ tử út của Tổ Tâm Tịnh, Khai sơn Tổ Đình Tây Thiên, được triều Nguyễn dưới thời vua Khải Định sắc phong là Tây Thiên Di Đà tự. Ôn Cố Đại lão Hòa thượng Đôn Hậu có cùng Pháp tự chữ Giác với quý Ôn là Giác Thanh, trong Sơn môn Huế thường gọi là hàng thạch trụ Cửu Giác và có thêm một hàng gọi là bậc danh tăng thạc học Cửu Trí (Chỉ cho các ngài Trí Quang, Thiện Minh, Thiện Siệu v..v...) Cố đô Huế là vậy ;  đó là chưa kể nơi phát sinh ra danh Tăng ưu tú ngũ Mật nhị Diệu (Mật Tín, Mật Khế, Mật Hiển, Mật Nguyện, Mật Thể, Diệu Huệ và Diệu Không) và cũng là nơi đào tạo tăng tài, xây dựng trường Đại học Phật giáo đầu tiên không những chỉ cho Huế mà cả miền Trung việt Nam nữa. Ở Huế thường kính trọng các bậc chơn tu thực học, đạo cao đức trọng nên thường lấy tên chùa để gọi pháp hiệu quý Ngài. Dó đó, quý Ôn Trúc Lâm (Thích Mật Hiển), Ôn Linh Quang (Thích Mật Nguyện), Ôn Từ Đàm (Thích Thiện Siêu), Ôn Giám Đốc hay Ôn Già Lam(Thích Trí Thủ), Ôn Bảo Quốc (Thích Thanh Trí), Ôn Phổ Quang (Thích Chánh Pháp), Ôn Hiếu Quang (Thích Thiện Trí), v.. v... và, còn nhiều nữa. 
       Ra hải ngoại, Ôn có hạnh nguyện và rải tâm từ để bảo trợ quý thầy đệ tử Ôn Linh Mụ ra hoằng hóa nhiều, nên quý Thầy Cô thường gọi là môn phái Linh Mụ vậy thôi. Thật tình, con ở quê nhà chỉ nghe mang máng về Ôn. Khi cra hải ngoại và được thầy con là Hòa thượng Tín Nghĩa bảo trợ từ trại tỵ nạn Hong Kong về chung lo Phật sự tại Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại, con mới chính thức được diện kiến hầu Ôn bốn lần. Và cũng từ đó, mỗi lần Ôn điện thoại qua gặp thầy con, thì con là người hầu chuyện với Ôn nhiều trước khi chuyển máy; cũng được Ôn hướng dẫn nhiều điều bổ ích cho hàng hậu học không những cho riêng con mà quý Tăng Ni cùng trang lứa với con, nhất là vấn đề thừa hành Phật sự ở xứ người. Qua hình dáng độ sanh của Ôn trên mấy chục năm tại xứ người, cũng là bài pháp không lời nhưng vô giá. Bây giờ Ôn đã quảy gót đăng trình ra về nơi cõi Phật, thì con mới thấy là mình đã đánh mất những bài pháp ngắn gọn cao quý qua điện thoại. Hồi đó con lại không ghi, ngày nay con không nhớ hết.
       Kính Giác Linh Ôn,
       Nỗi buồn trong con chưa nguôi là Sư phụ của con, Ni trưởng Thích nữ Bảo Nguyệt, Viện trưởng Ni viện Diệu Giác, quận Thủ Thiêm - Sài Gòn và cũng là sư đệ của Ôn, vừa xả báo thân chưa đầy 4 tuần, thì nay Ôn lại tiếp tục ra đi và đi xa mãi.
       Trước khi về chịu tang Sư phụ, con được đọc văn thư do Hòa thượng Phó chủ tịch Nội vụ Điều hành ký là xin quý tự viện trong Giáo hội thường xuyên dâng lễ cầu an cho quý ngài: Trí Chơn, Hạnh Đạo và Nguyên Lai.
       Sau khi vừa cúng tuần thứ ba của Sư Phụ con xong, Thầy con gọi về hỏi :
       - Con làm gì đó ?  Khỏe không ?
       Con thưa :
       - Chúng con vừa tụng kinh Dược Sư để cầu an cho Ôn Trí Chơn.
       Thầy con bảo :
       - Thôi con, đổi vé gấp để qua chịu tang Ôn Trí Chơn. Ôn mới thuận tịch lúc 6 giờ chiều, thứ Hai, ngày 14 tháng 3 tại chùa Bát Nhã. 
       Con vội vàng đổi vé gấp và qua ngay để kịp chịu tang Ôn. Cũng may là còn chỗ trống và con cũng qua kịp để hầu Ôn trong những ngày nhục thân của Ôn quàn tại chùa Bát Nhã. Bây giờ con ôn lại những gì con học được ở Ôn mà đặc biệt là bốn lần ở Từ Đàm.
       1.- Ôn về dự Đại lễ Khánh thành Tân chánh điện Từ Đàm và cũng là Đại hội Thường niên lần thứ hai, nhiệm kỳ 2 của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ, Văn phòng II Viện Hóa Đạo :
       Trong hàng Giáo phẩm cao cấp của Giáo hội, Ôn và Ôn Đức Niệm là hai ngài đầy ân tình và nhiệt huyết với Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại. Hai Ôn về sớm nhất mà từ giã để về lại trú xứ lại là trễ nhất. Trong những ngày hai Ôn đến sớm, con có phước báo hầu hạ và được hai Ôn ân cần dạy bảo tận tình như những vị cha săn sóc và giáo huấn con cái. Ôn Đức Niệm thì con được phước duyên hầu cận hoài. Ít nhất là một năm một hoặc hai lần qua những ngày lễ lớn. Riêng Ôn, tuy chỉ gặp bốn lần, nhưng ngược lại hầu chuyện với Ôn qua điện thoại lại nhiều hơn mỗi khi Ôn nói chuyện với Thầy con.
       Con nhớ nhất là khi Ôn ở lại hai hôm sau khi Đại lễ được chu tất ;  ngồi ăn bánh bột lọc do con cúng dường lên quý Ôn dưới giàn khổ qua sai trái sát cạnh chùa :  Ôn Thuyền Ấn, Ôn Đức Niệm, Ôn (Trí Chơn), Ôn Thiện Trì (lúc này ngài phải ngồi xe lăn) và Thầy con. Chúng con, một số Phật tử của chùa đứng vòng tay chung quanh quý ngài để được nghe quý ngài hàn huyên Phật sự.
       Ôn Đức Niệm dạy :
       - Tui qua Từ Đàm, lúc nào ăn cũng ngon miệng mà không sợ gì cả. Thầy Tín Nghĩa có phước được sư cô lo lắng kỹ càng về ăn uống. Cho nên, tui qua đây ăn cơm được hai chén mà lại có chao Huế kho với trái bùi, làm tui nhớ tới kỷ niệm trên 40 năm về trước, khi tui đứng hầu quý Ôn Thiện Hòa, Ôn Trí Quang, Ôn Thiện Minh ở Ấn Quang.
       Ôn Thuyền Ấn nói :
       - Tui nhớ món chao Huế khi thầy Trí Quang cho ăn cũng như ri. Ngon ơi là ngon.
       Ôn Thiện Trì vừa cười vừa nói rất cảm động :
       - Có lẽ đây là bữa ăn đầu tiên với Từ Đàm cùng chư Tôn đức mà cũng là lần cuối. Rồi đây, không biết có còn được gặp lại nhau nữa không ?
       Ôn Trí Chơn vừa cười vừa nói :
       - Thầy nói vậy, chứ phước báo thì chưa biết ai đã đi trước. Thầy tuy đau thật, nhưng biết đâu thầy lại trụ thế hơn tụi tui không chừng.
       Quý Ôn vừa nói, vừa ăn bánh bột lọc, vừa uống trà thật tự nhiên. Chiều lại, chúng con đưa quý ngài ra phi trường.
       2.- Lần thư hai, Ôn qua Từ Đàm thuyết pháp và chiếu phim lịch sử Thánh tích Phật giáo qua hình thức slideshow. 
       Chiếu đến Thánh tích nào, Ôn giải thích đến đó rất minh bạch, ngoạn mục. Tối chiếu phim ấy có khoảng ba trăm Phật tử tham dự. Không khí im lặng và chăm chú nghe Ôn giải thích, bên cạnh đó, Ôn cho biết là những nơi này Ôn đã từng ở lại có khi cả tuần lễ để nghiên cứu. Ôn còn cho biết thêm là sau khi xong chương trình Tiến sĩ, được Hòa thượng Thiên Ân mời qua Mỹ cọng tác, Ôn cũng còn qua Ấn Độ một lần nữa. Lần này Ôn ở Ấn Độ khá lâu và đi đến những nơi hang cùng ngõ hẻm, nơi nào có dấu tích đức Phật đến là Ôn cũng cố gắng tìm đến. Ôn bảo, tuy ở học Ấn độ lâu, nhưng không có thì giờ đi nhiều như lần đi tìm hiểu này. Ôn cũng cho hay là sẽ thu tóm những chuyến nghiên cứu như thế qua những quốc gia Phật giáo thành một tập sách vừa ảnh, vừa dẫn giải trong nay mai. Có lẽ, ý nguyện này đang ở trong bản thảo, không biết quý Thầy Cô trong Linh Mụ có tập hợp cho ra đời để cống hiến cho lớp hậu học biết về Thánh tích Phật giáo khắp đó đây hay không ?  Đang chờ.
       3.- Lần thư ba, Ôn qua dự Đại hội Cư sĩ do Hòa thượng Tín Nghĩa tổ chức vào các ngày 25, 26 và 27 tháng 04 năm 2003.
       Kể từ khi thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ, khi Thầy con làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Cư sĩ mới có được một Đại hội cho hàng cư sĩ có tầm cỡ. Ngoài chư Tôn đức Giáo phẩm và quý Thành viên Cư sĩ trí thức của giáo hội như giáo sư Trần Quang Thuận, Giáo sư Bùi Ngọc Đường, lại còn có thêm những vị tên tuổi như Trung tướng Quảng Uy Tôn Thất Đính, Giáo sư Tiến sĩ Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn, vợ chồng nhà báo Trần Nghi Hoàng và Hoàng Bích Ti về từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn và quý Thiện tri thức Phật giáo khắp đó đây về dự Đại hội. Đại hội gồm 107 vị. Có những phái đoàn như chùa Từ Ân, Louisville trên sáu vị.
       Lần này, Ôn cũng về sớm và về bằng tuyến đường xe bus. Con còn nhớ rất rõ là Ôn gọi phone về (lúc này chưa có phone di động nhiều), Thầy con đi đón ở trạm xe Bus, downtown Dallas. Thầy con lên tìm gần cả tiếng đồng hồ mà vẫn không gặp được Ôn.
       Thầy con gọi về hỏi :
       - Ôn Trí Chơn có gọi điện thoại về không ?
       - Dạ có, Ôn dạy là Ôn ngồi nơi ghế điện thoại và đang dịch bài.
       Thầy con nghe vậy, chạy đi tìm và gặp Ôn. Về chùa thầy con kể cho mọi người nghe, mọi người cười vang và Ôn cũng cười chúm chím.
       Ôn bảo :
       - Tui xuống đó, lấy cái xách hành lý nhỏ, có anh chàng Mỹ đen đi theo, tui vừa lủi thủi đi, vừa quay đầu ngó lại nó. Nó cười và tách qua phía khác. Tui yên tâm, tìm điện thoại gọi về chùa. Người tui vốn nhỏ, nên Phật tử chưa lần nào gặp mà đi đón cũng hỏi hoài mấy người ở nhà là thầy có gọi điện về không ?
       Ôn vừa nói, vừa cười làm bữa cơm chiều hôm đó cũng mang bầu không khí thiền vị. 
       Ôn Đức Niệm thêm vào :
       - Thầy Trí Chơn người nhỏ con vậy mà không bệnh hoạn gì cả, sống lâu lắm.
       Ôn cười và nói tiếp :
       - Tui, chắc không cao hơn Đại lão Hòa thượng Tây Thiên (tức Ôn Giác Nguyên, đệ nhị Trú trì Tây Thiên Di Đà tự).
       Thầy con bảo : 
       - Ôn Tây Thiên không cao lắm. Hồi Mậu Thân chúng tôi ra đưa hai Ôn Tây Thiên và Thuyền Tôn từ Tổ Đình Linh Quang về lại Tây Thiên. Ôn Thuyền Tôn (tức Đệ nhị Tăng Thống) chịu ngồi xe để chạy cho nhanh ;  còn Ôn Tây Thiên bảo, tui lùn đạn bắn không trúng. Cứ thế Ôn chạy lúc thúc làm chúng tôi sợ muốn chết. Tụi Mỹ thấy cũng nực cười. 
       Thầy con kể đến đây, cả chùa phá lên cười. Thế nhưng, Ôn Tây Thiên hầu Phật 107 tuổi, Ôn thì vừa đúng 79 tuổi. Và, hành hoạt tại Hoa Kỳ cũng như hải ngoại 40 năm dư.
       Bốn mươi năm hành hoạt ở xứ người, riêng tại Hoa Kỳ trên 40 cơ sở. Cũng đã có khoảng một nửa đầy đủ quý Thầy Cô đứng ra cáng đáng Phật sự, trên 15 dịch phẩm và một số bài rải rác trên các tờ báo hoặc đặc san Phật giáo trên khắp thế giới. Đó là chưa kể những dịch phẩm còn tồn đọng mà Ôn chưa có cơ duyên để cho hiện diện với đời.
       4.- Lần thứ tư, Ôn qua thắp nến cầu nguyện cho Hòa bình thế giới.
       Lần này Ôn qua vừa đúng lễ và Ôn về sớm cho nên cũng không có những kỷ niệm đáng nhớ. Một bữa cơm trưa đạm bạc với quý thầy trong Hội đồng Điều hành của Giáo hội, cọng thêm một số chư tôn đức địa phương với trên một trăm năm mươi Phật tử và Gia đình Phật tử Từ Đàm cùng sự phối hợp với hai Cộng Đồng Người Việt Quốc gia Dallas và Fort Worth.
       Buổi lễ thắp nến cầu nguyện kéo dài gần hai tiếng rưỡi đồng hồ. Sau đó, Ôn lại phải nghỉ sớm để sáng sớm Ôn phải lên xe bus đến thuyết giảng cho một Hội Phật giáo khác.
       Con viết gì lên đây, khi Ôn là một bầu trời bao la mà con chỉ là hạt cát nhỏ nhoi. Giờ nầy con chỉ biết cúi đầu bái niệm và ghi lại đôi dòng hoài niệm về Ôn gọi là bậc Tôn sư khả kính đối với con nói riêng và hàng hậu học nói chung.
       Kính bạch Giác linh Ôn, nội trong năm này mà đệ tử của Đức Đệ tam Tăng Thống đã có đến ba vị viên tịch (Ôn, Sư phụ của con và Ni trưởng Diệu Tràng). Tuy tất cả cũng đều khá trọng tuổi, nhưng cũng lấy làm buồn. Chỉ biết niệm Phật, biết nói sao bây giờ, hỡi Ôn !
       Con xin đê đầu bái biệt Ôn.

       Nam mô Từ Lâm tế Chánh tôn, Tứ thập tam thế, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, Khai sơn Linh Mụ Hải Ngoại tự húy thượng Tâm hạ Chánh, tự Trí Chơn Trưởng lão Hòa thượng Giác linh chứng giám.

       Khể thủ,
       Mùa Phật Đản 2555 - Kỷ mão Trọng hạ.
       Hậu duệ Thích Nữ Hạnh Thanh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/06/2012(Xem: 13573)
Hòa thượng Thích Quảng Đức, Pháp danh Thị Thủy, Pháp tự Hành Pháp và thế danh là Lâm văn Tức, sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa...
30/05/2012(Xem: 7743)
Tín Nghĩa tôi đến định cư Hoa Kỳ vào ngày 19 tháng 09 năm 1979, do nhị vị Hòa thượng Thích Thiên Ân và Hòa thượng Thích Mãn Giác bảo lãnh từ trại tỵ nạn Hongkong. Ngồi tính sổ thời gian thì cũng đã gỡ gần ba chục cuốn lịch. Giá như thời gian này mà ở trong tù thì cũng mục xương và chẳng bao giờ được thấy ánh sáng của thiên nhiên.
27/05/2012(Xem: 18680)
Tác phẩm Trí Quang Tự Truyện bản pdf và bài viết "Đọc “Trí Quang Tự Truyện” của Thầy Thích Trí Quang" của Trần Bình Nam
15/05/2012(Xem: 5290)
Trong đạo lập thân của người xưa – lập công, lập đức, lập ngôn– thì lập ngôn thường được cho là quan trọng nhất, vì đó là phần “hình nhi thượng”, là tinh hoa tư tưởng cá biệt của một dòng đời mang tính truyền thừa lâu dài và sâu xa cho hậu thế. Người đem hết năng lực tinh thần và tri thức của đời mình để lập ngôn thì thành nhà tư tưởng, triết gia. Người đem chất liệu đời mình để viết lại thì thành tác giả tự truyện, hồi ký.
09/05/2012(Xem: 7387)
Sự xuất hiện của Tổ sư Liễu Quán (1667-1742) như là một Bồ tát bổ xứ, thực hiện sứ mệnh lịch sử: Không chỉ duy trì và phát triển mạch sống Phật giáo Việt Nam giữa bối cảnh xã hội tối tăm, Phật pháp suy đồi mà còn thể hiện sự xả thân vì đạo; lập thảo am, ăn rong, uống nước suối, hơn mười năm tham cứu công án, tu hành đắc đạo.
28/04/2012(Xem: 4410)
Nhà văn cư sĩ Huỳnh Trung Chánh, còn có bút hiệu Hư Thân, sanh năm 1939 tại Trà Vinh, quê nội của ông. Suốt quảng đời niên thiếu ông sống nơi quê ngoại tại Cao Lãnh, tỉnh Sa-Đéc, Nam Việt Nam. - Tốt nghiệp Cử nhân Luật Khoa( 1961 ), Đại Học Luật Khoa Saigon. - Tốt nghiệp Cử nhân Phật Học (1967), Phân Khoa Phật Học và Triết Học Đông Phương, Viện Đại Học Vạn Hạnh, Saigon. Là một công chức dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, ông đã nổi tiếng thanh liêm, chánh trực và hết lòng dấn thân để phục vụ đại đa số dân chúng Việt Nam theo hạnh Bồ Tát của Phật giáo. Ông đã từng giữ các chức vụ sau đây: - Lục sự tại Toà Án Saigon và Long An (1960 – 1962). - Chuyên viên nghiên cứu tại Phủ Tổng Thống (1962 – 1964). - Thanh Tra Lao Động tại Bộ Lao Động (1964 – 1965). - Dự Thẩm tại Toà Sơ Thẩm An Giang (1965 - 1966). - Chánh Án tại Toà Sơ Thẩm Kiên Giang (1966 – 1969) và Toà Án Long An (1969 – 1971). - Dân Biểu Quốc Hội VNCH tại Thị Xả Rạch Giá (1
26/04/2012(Xem: 17283)
Mùa Phật Đản 1963, có máu, lửa, nước mắt và xương thịt của vô số người con Phật ngã xuống. Nhưng từ trong đó lại bùng lên ngọn lửa Bi Hùng Lực của Bồ Tát Thích Quảng Đức
20/04/2012(Xem: 8214)
Hòa thượng Thích Thiên Ân, thế danh Đoàn Văn An, sinh ngày 22 tháng 9 năm Ất Sửu 1925, tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ của Ngài là Đoàn Mễ, sau xuất gia là Thượng tọa Thích Tiêu Diêu một bậc tử đạo Vị pháp thiêu thân, thân mẫu là một tín nữ chuyên lo công quả ở chùa Báo Quốc và tu viện Quảng Hương Già Lam, Ngài là con trai thứ trong một gia đình có 4 anh em. Ngài xuất thân trong một gia đình thế gia vọng tộc, có truyền thống kính tin Phật pháp lâu đời. Nhờ duyên gần gũi Tam bảo từ thuở nhỏ, Ngài đã sớm mến cảnh thiền môn với tiếng kệ câu kinh, nên năm lên 10 tuổi (1935), Ngài theo bước phụ thân xin xuất gia đầu Phật tại chùa Báo Quốc, làm đệ tử của Hòa thượng Phước Hậu, được Bổn sư ban pháp danh là Thiên Ân, Ngài tinh tấn chấp tác, học tập thiền môn qui tắc, hầu cận sư trưởng. Năm Tân Tỵ 1941, khi được 16 tuổi, Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa di tại giới đàn chùa Quốc Ân – Huế, do Hòa thượng Đắc Quang làm Đường đầu truyền giới.
08/04/2012(Xem: 4700)
Hòa thượng thế danh Đoàn Thảo, sinh ngày 10 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1909), niên hiệu Duy Tân năm thứ 3 trong một gia đình nhiều đời theo Phật tại xứ Đồng Nà, tổng Phú Triêm Hạ, xã Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (Nay là thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam). Thân phụ là cụ ông Đoàn Văn Nhơn pháp danh Chơn Quang, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Có. Gia đình Ngài gần chùa Vạn Đức, lại thêm cụ thân sinh là tín đồ thuần thành của chùa, nên từ thuở nhỏ, Ngài thường theo cha đến chùa hàng đêm tụng kinh niệm Phật. Từ đó, chủng tử Bồ Đề lớn dần trong tâm và Ngài tỏ ra những biểu hiện rất có căn duyên với cửa Không môn của nhà Phật.
31/03/2012(Xem: 5461)
Hòa thượng thế danh Dương Đức Thanh, tự Liễu, pháp danh Như Nhàn, tự Giải Lạc, hiệu Trí Giác, nối pháp đời thứ 41 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh. Ngài sinh năm Ất Mão (1915) tại làng Cẩm Văn, huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nhiều đời kính tín Tam Bảo. Thân phụ là cụ ông Dương Đức Giới pháp danh Chương Đồ, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Phụng pháp danh Chơn Loan. Năm lên 3 tuổi, thân phụ Ngài qua đời, thân mẫu tảo tần nuôi con và cho Ngài theo học chữ Nho với các cụ đồ trong làng, được 5 năm mới chuyển sang học Việt văn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567