Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hòa Thượng Thích Trí Giác (1915 – 2005)

31/03/201218:53(Xem: 5441)
Hòa Thượng Thích Trí Giác (1915 – 2005)

HT Thich Tri Giac


Hòa Thượng
THÍCH TRÍ GIÁC
(1915 – 2005)
Trụ Trì Chùa Tam Thai – Ngũ Hành Sơn

 

Hòa thượng thế danh Dương Đức Thanh, tự Liễu, pháp danh Như Nhàn, tự Giải Lạc, hiệu Trí Giác, nối pháp đời thứ 41 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh. Ngài sinh năm Ất Mão (1915) tại làng Cẩm Văn, huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nhiều đời kính tín Tam Bảo. Thân phụ là cụ ông Dương Đức Giới pháp danh Chương Đồ, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Phụng pháp danh Chơn Loan.

Năm lên 3 tuổi, thân phụ Ngài qua đời, thân mẫu tảo tần nuôi con và cho Ngài theo học chữ Nho với các cụ đồ trong làng, được 5 năm mới chuyển sang học Việt văn.

Năm Canh Ngọ (1930), được sự cho phép của mẫu thân, Ngài phát tâm xuất gia học đạo với Hòa thượng Tăng cang Thích Thiện Quả tại chùa Chúc Thánh, Hội An, lúc bấy giờ Ngài vừa tròn 15 tuổi. Sau một thời gian học Kinh, Luật với Bổn Sư, Ngài được Bổn Sư gởi vào tham học Phật pháp với Hòa thượng Thích Phổ Trí tại chùa Văn Thánh-Thị Nghè (nay thuộc quận Bình Thạnh-TP.Hồ Chí Minh). Trong thời gian này, Ngài phụ tá cho Hòa thượng Thích Đạo Thanh khai sơn chùa Pháp Hoa-Phú Nhuận và Hòa thượng Thích Trí Nghiêm trùng kiến chùa Bửu Đà-Hòa Hưng-Sài Gòn.

Năm Nhâm Thân (1932), Ngài sang tham học với Hòa thượng Thích Đạo Chương tại chùa Kim Quang-thủ đô Nam Vang, Campuchia và trợ giúp Hòa thượng xây dựng ngôi chùa này.

Năm Ất Hợi (1935), Ngài về Sài Gòn thì được tin thân mẫu lâm trọng bệnh nên về quê săn sóc phụng dưỡng cho tròn đạo hiếu. Được một thời gian ngắn thì thân mẫu qua đời nên Ngài về lại Chúc Thánh tu học dưới sự dạy dỗ của Hòa thượng Bổn Sư và thọ Sa Di vào năm Giáp Thân (1944).

Năm Kỷ Sửu (1949), Ngài được Bổn sư cho phép thọ Tỳ Kheo giới tại giới đàn Hộ Quốc được tổ chức tại chùa Báo Quốc-Huế do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Đàn đầu truyền giới. Cùng thọ giới với Ngài có các vị như Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Quang Thể v.v... Sau khi thọ giới về, Ngài được thỉnh cử làm trụ trì chùa Hội Phật Học Quảng Nam (nay là chùa Pháp Bảo-Hội An).

Năm Canh Dần (1950), Hòa thượng đứng ra thành lập Sơn Môn Tăng Già Quảng Nam.

Năm Tân Mẹo (1951), Hòa thượng làm trưởng đoàn Sơn Môn Tăng Già Quảng Nam tham dự Đại hội đại biểu Phật giáo Thống nhất lần thứ nhất tại chùa Từ Đàm-Huế và được bầu làm Ủy viên dự khuyết trong số 51 đại biểu.

Năm Nhâm Thìn (1952), Giáo Hội Tăng Già Quảng Nam Đà Nẵng thành lập, Hòa thượng được cử giữ chức vụ Thư ký của Giáo Hội.

Năm Giáp Ngọ (1954), Hòa thượng được cử làm trụ trì tổ đình Phước Lâm. Trong thời gian này, Hòa thượng vận động trùng tu tổ đình, đồng thời trợ duyên cho chư tôn đức trong tông môn vào theo học tại Phật học đường Ấn Quang như cố Hòa thượng Thích Như Vạn (trụ trì tổ đình Phước Lâm); Hòa thượng Thích Như Huệ (viện chủ chùa Pháp Hoa-Nam Úc); Hòa thượng Thích Chơn Phát (viện chủ chùa Long Tuyền-Hội An)...

Năm Ất Mùi (1955), Hòa thượng vận động trùng tu chùa Nghĩa Trũng, Điện Bàn và đề cử Đại Đức Thích Long Hải về trụ trì tại đây.

Năm Bính Thân (1956), Hòa thượng được cung thỉnh làm Hội trưởng Hội Phật học Quảng Nam. Trong cương vị này, Ngài đã can thiệp cho Hòa thượng Thích Pháp Nhãn khai động Quan Âm tại ngọn Kim Sơn và động Huyền Vi tại ngọn Hỏa Sơn, góp phần làm cho khu danh thắng Ngũ Hành quang rạng như ngày hôm nay.

Năm Mậu Tuất (1958), Hòa thượng được bầu làm Trị Sự trưởng Giáo hội Tăng Già Quảng Nam.

Năm Kỷ Hợi (1959), Hòa thượng được Giáo hội Tăng Già Trung Phần bổ nhiệm làm trụ trì chùa Tam Thai-Ngũ Hành Sơn. Trong thời gian này, Ngài cùng Hòa thượng Thích Trí Hữu, giám đốc Phật học viện Phổ Đà lúc bấy giờ mở thêm chi nhánh tại chùa Linh Ứng nhằm đào tạo Tăng tài cho xứ Quảng. Những Tăng sinh lúc bấy giờ hiện còn như Hòa thượng Thích Như Tín (trụ trì tổ đình Hưng Long-Sài Gòn), Hòa thượng Thích Thanh An (ở Mỹ), Hòa thượng Thích Bảo Lạc (ở Úc), Thượng tọa Thích Hoằng Khai (Quản lý tu viện Quảng Hương Già Lam-Sài Gòn), Thượng tọa Thích Thanh Thế (khai sơn chùa Thánh Đức-Lâm Đồng) v.v...

Năm Tân Sửu (1961), Ngài cùng với Hòa thượng Thích Tôn Bảo, trụ trì tổ đình Vu Lan đứng ra thành lập chùa Sư nữ Bảo Quang, Đà Nẵng.

Năm Quý Mão (1963), Phật giáo lâm vào pháp nạn, Hòa thượng cùng với chư tôn đức trong Giáo Hội.

Tăng Già Quảng Nam đồng cam cộng khổ, quyết lòng đấu tranh cho sự trường tồn của chánh pháp.

Năm Bính Ngọ (1966), một lần nữa Hòa thượng lãnh đạo Phật giáo đồ Quảng Nam đấu tranh chống hiến chương Vũng Tàu và chính sách kỳ thị tôn giáo của chế độ cũ.

Năm Đinh Mùi (1967), Hòa thượng được thỉnh làm Yết ma A-xà-lê tại giới đàn Sa Di tổ chức tại chùa Long Tuyền.

Năm Mậu Thân (1968), Hòa thượng được thỉnh cử giữ chức vụ Chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh Quảng Nam.

Năm Canh Tuất (1970), Hòa thượng được thỉnh cử làm Phó chủ đàn Đại giới đàn Vĩnh Gia, chùa Phổ Đà-Đà Nẵng.

Năm Ất Mão (1975), đất nước thống nhất, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín và thị xã Đà Nẵng sáp nhập thành tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Ban đại diện GHPGVNTN tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng hình thành, Hòa thượng được thỉnh cử giữ chức vụ Đặc Ủy Tăng sự.

Năm Canh Thân (1980), Hòa thượng Thích Như Vạn viên tịch, Hòa thượng được môn phái cung thỉnh kiêm nhiệm trụ trì tổ đình Phước Lâm-Hội An.

Năm Nhâm Tuất (1982), Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thành lập, Hòa thượng được thỉnh cử giữ chức vụ Trưởng Ban Tăng sự liên tiếp 3 nhiệm kỳ từ năm 1982 đến 1997. Cũng trong năm này, Hòa thượng được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu truyền giới Sa Di tại chùa Pháp Bảo-Hội An.

Năm Đinh Mão (1987), tại Đại hội Phật giáo toàn quốc kỳ II GHPGVN, Ngài được tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng.

Năm Nhâm Thân (1992), trong dịp lễ khánh thành bảo tháp tổ sư Minh Hải Pháp Bảo, Hòa thượng được Môn phái suy tôn lên ngôi vị Trưởng Môn phái Lâm Tế Chúc Thánh cho đến ngày Ngài viên tịch.

Năm 1992, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc kỳ III GHPGVN, Hòa thượng được suy tôn vào Thành viên Hội Đồng Chứng Minh TW GHPGVN. Cũng trong năm này, Ngài được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu truyền giới Sa Di tại giới đàn tại tổ đình Phước Lâm-Hội An.

Năm Bính Tý (1996), Hòa thượng được Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cung thỉnh làm Chánh Chủ Đàn đại giới đàn Phước Huệ, chùa Phổ Đà-Đà Nẵng.

Năm Đinh Sửu (1997), Quảng Nam-Đà Nẵng được tách ra thành 2 đơn vị hành chính là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Hòa thượng được ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Quảng Nam cung thỉnh làm chứng minh Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh.

Năm Mậu Dần (1998), nhận thấy tuổi đã cao và sức khoẻ yếu dần nên Hòa thượng trở về lại tổ đình Tam Thai và đề cử Đại Đức Thích Hạnh Hoa kế vị trụ trì tổ đình Phước Lâm.

Năm Canh Thìn (2000), Hòa thượng lâm bệnh nên giao phó cho đệ tử là Đại Đức Thích Hạnh Mãn thay thế Ngài điều hành mọi Phật sự tại tổ đình Tam Thai.

Ngày 29 tháng 5 năm Ất Dậu (05/7/2005), Hòa thượng về chứng minh lễ đặt đá trùng tu tổ đình Chúc Thánh. Đây là lần cuối cùng Ngài về thăm chốn tổ, nơi mà Ngài sơ tâm học đạo.

Sau vài ngày thân thể khiếm an, vào tờ mờ sáng ngày 26 tháng 8 năm Ất Dậu (29/9/2005), Hòa thượng biết được sự ra đi của mình nên bảo thị giả lên mở cửa chánh điện, đốt trầm cúng Phật và cử chuông trống Bát Nhã. Đúng vào lúc 6 giờ Ngài đã xả báo an tường tại tổ đình Tam Thai trong tiếng hộ niệm của chư Tăng và môn đồ, thọ thế 91 tuổi và 57 hạ lạp. Bảo tháp Ngài được kiến lập bên phải phía trước tổ đình Tam Thai.

Với 76 năm xuất gia tu tập và hành đạo, bằng tất cả tinh thần “Thượng cầu hạ hóa” của một bậc Trưởng tử Như Lai và trách nhiệm thiêng liêng trong cương vị Trưởng một môn phái lớn, Ngài đã vận động trùng tu, sáng lập nhiều ngôi chùa tại quê hương đất Quảng, tạo thắng duyên trong việc đào tạo Tăng tài, xây dựng Tông môn ngày càng phát triển rộng khắp từ các tỉnh thành trong nước đến Hải ngoại. Ngài xứng đáng là bậc Long tượng trong chốn Tòng Lâm, là lương đống trong Phật pháp và là tấm gương rực sáng cho đàn hậu học noi theo.





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 11430)
Hoà thượng Thượng HOÀN Hạ QUAN, thế danh Phạm Ngọc Thơ. Pháp danh NHƯ CỤ THIỆN. Pháp tự GIẢI TOÀN NĂNG. Pháp hiệu THÍCH HOÀN QUAN. Sinh ngày 16-09-1928 (Năm Mậu Thìn) tại làng Phước Long, nay là thôn Hoà Bình xã Nghĩa Hoà huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
10/04/2013(Xem: 5603)
Hòa thượng Thích Thiên Ân, thế danh Đoàn Văn An, sinh ngày 22 tháng 9 năm Ất Sửu 1925, tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ của Ngài là Đoàn Mễ, sau xuất gia là Thượng tọa Thích Tiêu Diêu một bậc tử đạo Vị pháp thiêu thân, thân mẫu là một tín nữ chuyên lo công quả ở chùa Báo Quốc và tu viện Quảng Hương Già Lam, Ngài là con trai thứ trong một gia đình có 4 anh em.
10/04/2013(Xem: 8979)
Hòa thượng thế danh là Nguyễn Hữu Độ, sinh ngày 01 tháng 11 năm Nhâm Thân (nhằm ngày 28/11/1932) tại thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, huyện Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Hữu Oai, thân mẫu là cụ bà Đặng Thị Kiếm. Hòa Thượng là người con thứ 5 trong gia đình có 6 anh em.
10/04/2013(Xem: 7324)
Vào lúc 14 giờ ngày 20-10-2011, Thiền viện Vạn Hạnh, TP. Sài Gòn đã tổ chức Lễ Khánh tuế lần thứ 94 của Trưởng lão Hòa thượng Viện chủ và công chiếu bộ phim “Cuộc đời và Đạo nghiệp Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu” do Thiền viện phối hợp cùng Công ty Phim - Ảnh và Tư liệu Sen Việt thực hiện.
10/04/2013(Xem: 9219)
Đại đức thế danh Ngô Văn Quý, pháp danh Trừng Thông, pháp tự Giác Tấn, pháp hiệu Chơn Khánh. Sinh ngày 02/01/1953 (Nhâm Thìn) tại thôn Phú Vinh – Vĩnh Thạnh – Tp Nha Trang, trong một gia đình có truyền thống kính tin tu Phật. Thân phụ tên Ngô Văn Hường pháp danh Thanh Ân thân mẫu tên Nguyễn Thị Môn pháp danh Trừng Xuân.
10/04/2013(Xem: 6525)
Ni Trưởng Thích Nữ Hạnh Viên Tọa Chủ Chùa Linh Sơn, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ni Trưởng, thế danh BÙI THỊ HẢI, húy thượng TÂM hạ ĐĂNG. Tự HẠNH VIÊN, hiệu CHƠN NHƯ, đời thứ 43 dòng Lâm Tế.
10/04/2013(Xem: 7844)
Ni Trưởng họ Hứa húy Thị Hai, sinh ngày 07 / 07 năm Ất Sửu (1925 ), tại làng Tân Nhựt, tỉnh Chợ Lớn – Sài Gòn. Thân phụ là ông Hứa Khắc Lợi; Thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Năng; Gia đình có 02 người con, Ni Trưởng là chị cả và người em trai là Hứa Khắc Tuấn.
10/04/2013(Xem: 6857)
Ni trưởng huý thượng Thị hạ Mậu, tự Thông Huyền, thế danh Đào Thông Thoại, sinh ngày 17 tháng 11 năm Ất Sửu (1925). Tại thôn Xuân Quang, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Sinh trưởng trong một gia đình trí thức Nho giáo nhiều đời thâm tín đạo Phật, thân phụ là cụ ông Đào Đãi, pháp danh Thị Thiện, tự Giản; thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Chư, pháp danh Thị Hiền. Hai cụ đều là Phật tử thuần thành, hết lòng tôn kính và hộ trì Phật pháp. Ni trưởng là con thứ 6 trong gia đình có mười anh chị em. Vốn sẵn có thiện duyên từ bao đời với Phật pháp, nên từ thời thơ ấu đã chuyên tâm học đạo và sớm quy y Tam Bảo với bổn sư huý thượng Như hạ Từ, pháp hiệu Tâm Đạt tại chùa Thiên Bình, thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong , huyện An Nhơn , tỉnh Bình Định.
10/04/2013(Xem: 6117)
Sư Cô Thích Nữ Liên Thi, tên đời Hồ Thị Kim Cúc, sinh ngày 20 tháng 6 năm 1969 tại Cam Ranh, Khánh Hòa, xuất gia ngày 18 tháng 5 năm 1990 tại Tịnh Xá Vân Sơn thuộc Xã Lương Sơn, Tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Sư Cô đến Hoa kỳ ngày 26 tháng 5 năm 2008, mất tích ngày 23 tháng 4 năm 2010 và Phật tử đã tìm ra thi thể của Sư Cô năm tháng sau khi mất tích, ở sân sau của Tịnh Xá Từ Quang thành phố Midway City, tiểu bang California vào ngày thứ năm 23 tháng 9 năm 2010, nơi mà Sư Cô đã sinh hoạt trong suốt thời gian từ ngày đến Hoa Kỳ cho đến ngày mất tích. Sư Cô hưởng dương 42 tuổi đời, 20 tuổi đạo.
10/04/2013(Xem: 8117)
GS Phạm Công Thiện: Ra đi An Lạc Trong Thiền Định; Lễ Cầu Siêu Tại Chùa Viên Thông, Bellflower, Vào Chủ Nhật, 13-3 Nhà Thơ, Giáo Sư Phạm Công Thiện tại Tòa Soạn Việt Báo. (Hình Việt Báo, chụp vào tháng 11 năm 2009.)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567