TRẦN NHÂN TÔNG
NGÔI SAO RỰC SÁNG TRONG LỊCH SỬ PHẬT GIÁO TRỜI NAM
Huệ minh
Cuộc đời xuất gia của Tổ Trúc Lâm là một cuộc đời hoạt động sôi nổi, tích cực. Ngoài các mùa kết hạ tại các am núi hay các chùa, thời gian còn lại Ngài thường đi vân du hoằng hoá đây đó. Năm 1304, “Điều Ngự đi khắp mọi nẻo thôn quê, khuyên dân phá bỏ các dâm từ [đền miếu thờ các thần sằng bậy] và thực hành giáo lý Thập thiện”. Ngài muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng luân lý đạo Phật, góp phần củng cố triều đại thời hoàng kim của mình.
Đức Điều Ngự Giác Hoàng Đệ nhất Tổ Trúc Lâm Yên Tử Trần Nhân Tông sinh ngày 11 tháng Mười một năm Mậu Ngọ (tức 7 – XII - 1258). Năm 21 tuổi (1279), Ngài lên ngôi vua, trải qua hai niên hiệu là Thái Bảo và Trùng Hưng.
Ngài là một vị vua anh minh, yêu nước và anh hùng bất tử trong lịch sử Dân tộc Việt Nam, đã chủ trì hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên, giành thắng lợi rực rỡ (1285, 1288).
Ngài là một nhà Văn hoá lớn, một Thi sĩ xuất sắc ở thế kỷ XIII. Ngài đã trước tác: Thiền lâm thiết chuỷ ngữ lục, Trúc Lâm hậu lục, Đại Hương Hải ấn thi tập, Tăng già toái sự, Thạch thất mỵ ngữ. Tuy nhiên hiện nay chỉ còn lại 31 bài thơ phú (cả Hán và Nôm), (trong đó có Cư trần lạc đạo phú và Đắc phú lâm tuyền thành đạo ca), hai cặp câu thơ lẻ, một bài minh và một bài tán. Ngoài ra, Ngài còn viết Thượng sĩ hành trạng về lai lịch và một số kỷ niệm của Ngài với Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung.
Và nổi bật hơn cả, Ngài là Đệ nhất Tổ, sáng lập ra dòng Thiền Trúc lâm Yên Tử ở Việt Nam thế kỷ XIII - XIV. Năm 36 tuổi (1293), Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, đi sâu vào nghiền ngẫm Phật học. Sáu năm sau, khi 41 tuổi, Ngài xuất gia, khoác áo Tăng sĩ, đi chu du khắp nước, vào đến tận kinh đô Chiêm Thành rồi mới về tu ở Yên Tử, lấy Pháp hiệu là Hương Vân Đại đầu đà, còn gọi là Trúc Lâm Đại đầu đà.
Ngài thị tịch ngày 3 tháng Mười một năm Mậu Thân (tức 16 – XI – 1308), trụ thế 51 năm, ở ngôi vua 15 năm, là Thái Thượng hoàng 5 năm, xuất gia 10 năm.
Nhà vua đi tu
Vua Trần Nhân Tông là con đầu của Trần Thánh Tông, khi sinh ra màu như vàng ròng, được vua cha đặt tên cho là Phật Kim, về sau còn có tên là Nhật Tôn, Trần Khâm. Năm 16 tuổi, Ngài cố từ chối đến ba lần mà không được, bất đắc dĩ phải lên ngôi Thái tử. Sau khi kết hôn, tuy sắt cầm hoà hợp mà trong lòng Vua luôn thấy lạt lẽo. Trước khi lên ngôi vua, Ngài đã từng trốn đi tu mà không được. Khi lên ngôi Vua, ngài sống thanh tĩnh, thường ở chùa Tư Phúc trong nội điện, thường ăn chay nhạt mà không dùng đồ mặn. Ngài bản tính thông minh, nhiều khả năng, ham học, đọc hết các sách, thông hiểu nội, ngoại điển; thường mời các thiền gia đến giảng về Tâm tông, được Tuệ Trung Thượng sĩ tận tâm chỉ bảo, thờ Thượng sĩ làm thầy.
Năm 1299, khi 41 tuổi, sau một thời gian dài ăn chay và học Phật một cách kính cẩn, chuẩn bị kỹ lưỡng, Vua xuất gia tại chùa Hoa Yên, núi Yên Tử. Ngài được nhận là người truyền thừa chính thức của phái Yên Tử, thế hệ thứ 6, kế tục Tổ thứ 5 là Huệ Tuệ thiền sư, và là Tổ thứ nhất của phái Trúc Lâm do chính Ngài sáng lập.
Nhà tổ chức Giáo hội
Cuộc đời xuất gia của Tổ Trúc Lâm là một cuộc đời hoạt động sôi nổi, tích cực. Ngoài các mùa kết hạ tại các am núi hay các chùa, thời gian còn lại Ngài thường đi vân du hoằng hoá đây đó. Năm 1304, “Điều Ngự đi khắp mọi nẻo thôn quê, khuyên dân phá bỏ các dâm từ [đền miếu thờ các thần sằng bậy] và thực hành giáo lý Thập thiện”. Ngài muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng luân lý đạo Phật, góp phần củng cố triều đại thời hoàng kim của mình.
Tổ chức Giáo hội Phật giáo Trúc lâm do Ngài sáng lập và lãnh đạo là một nền Phật giáo nhập thế, liên hệ mật thiết với chính trị, phong hoá và xã hội. Ngài có phong cách của một Tăng thống lãnh đạo Giáo hội, cố nhiên còn âm hưởng sự nghiệp của một ông vua xuất chúng.
Trong thời gian tổ chúc và lãnh đạo các hoạt động của giáo hội, Ngài luôn để tâm tìm kiếm, gây dựng người kế thừa, nối tiếp sự nghiệp hoằng pháp nhập thế của mình. Năm 1304, khi tìm thấy Đồng Kiên Cương khi ấy 21 tuổi, sau này là đệ nhị Tổ Pháp Loa, ở Nam Sách (Hải Dương?), Ngài đã tích cực, xúc tiến đào tạo: Đặt tên là Thiện Lai, cho thọ giới Sa di ngay, gửi đi tham học với Hoà thượng Tính Giác. Năm 1305, cho thọ giới Tỷ kheo và Bồ tát. Năm 1306 cho làm giảng sư ở chùa Siêu Loại. Tự thân Ngài dạy Phật pháp cho Pháp Loa. Năm 1306, Pháp Loa mới 24 tuổi, đã được Trúc Lâm viết Tâm kệ và trao y bát. Mùng một Tết Mậu Thân (1308), Ngài chính thức uỷ thác cho Pháp Loa kế thế trụ trì chùa Siêu Loại, làm đệ nhị Tổ của Phật giáo Trúc Lâm. Sự kiện đó được ghi lại trong “Tam Tổ thực lục”:
“[Mùng một Tết Mậu Thân (1308)], Pháp Loa phụng mệnh làm người nối pháp trụ trì chùa Siêu Loại ở giảng đường Cam Lộ. Ban đầu mọi người làm lễ ở Tổ đường; đại nhạc được tấu lên, các loại hương quý được xông đốt…
Điều Ngự đưa Pháp Loa vào lạy ở Tổ đường xong, cho cùng xuống thực đường ăn cháo sáng. Sau bữa sáng, nhạc tấu lên, trống lớn nổi dậy, đại chúng chư Tăng được triệu tập cùng lên Pháp đường. Lúc đó vua Anh Tông đã ngự giá tới chùa, đóng vai một vị đàn việt lớn của Phật pháp, ngồi ghế khách ở Pháp đường. Quốc phụ thượng tể [chức vị tương đương thủ tướng, lúc đó là Huệ Võ Đại vương Trần Quốc Chẩn] và các quan đúng cả dưới sân.
Điều Ngự thăng đường thuyết pháp. Thuyết pháp xong, rời pháp toà, dắt Pháp Loa đưa lên ngồi trên pháp toà ấy, rồi đứng chắp tay đối diện làm lễ thăm hỏi. Sau khi Pháp Loa đáp lời, bèn trao áo Pháp cho Pháp Loa khoác vào.
Bấy giờ Điều Ngự ngồi xuống ghế khúc lục một bên để nghe Pháp Loa thuyết pháp.
Xong rồi, Điều Ngự đem Sơn môn [Giáo hội] và chùa Siêu Loại uỷ cho Pháp Loa kế thế trụ trì, làm vị Tổ thứ hai phái Trúc Lâm.”
Ngài đã sắp đặt mọi việc khéo léo và đúng lúc. Vị trí lãnh đạo Giáo hội của Pháp Loa như vậy là không thể bị phủ nhận, đặt cơ sở vững chãi cho một nền Phật giáo thống nhất và nhập thế ở nước ta thế kỷ XIV.
Và lịch sử cho thấy Tổ Trúc Lâm đã không chọn lầm người. Đệ nhị Tổ Pháp Loa tuy chỉ trụ thế 47 năm ( Ngài tịch năm 1330), xuất gia 26 năm, 23 năm lãnh đạo Giáo hội, đã hành Đạo, kế tục xứng đáng sự nghiệp của Đệ nhất Tổ, trong đó đáng kể hơn cả là việc ấn hành Đại Tạng Kinh.
Thiền sư
Để tìm hiểu về Trần Nhân Tông với tư cách là một Thiền sư là điều không đơn giản. Điều đó đòi hỏi một công phu lớn và lâu dài. Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ dừng lại ở việc điểm, dẫn một số ý mà tác giả cho là quan trọng.
- Trúc Lâm cho rằng thể tính giác ngộ vốn sẵn có ở mọi người, “trong tự tính thì tội phúc vốn không, nhân quả chẳng thật. Ai ai cũng có đủ thể tính ấy, người người đều đã viên thành. Phật tính và pháp thân như hình như bóng, tuỳ lúc chìm, tuỳ lúc hiện, không phải một cũng không phải hai, ở ngay dưới mũi ta, trước mặt ta vậy mà dương mắt nhìn không dễ gì trông thấy: bởi đã có ý đi tìm thì sẽ không bao giờ thấy đạo…” (Thiền đạo yếu học). Như vậy để thực hiện “tự tính giác ngộ” phải theo phương pháp “không truy tìm”, tức là không đối tượng hoá “tự tính giác ngộ” để rồi chạy theo đuổi bắt. Cuối bài phú Cư trần lạc đạo, Ngài cũng có viết một bài kệ nhắc lại nguyên tắc này:
Cư trần lạc đạo hãy tuỳ duyên
Hễ đói thì ăn, mệt nghỉ liền
Châu báu đầy nhà đừng chạy kiếm
Vô tâm đối cảnh, hỏi chi thiền.
- Trúc Lâm ý thức một cách sâu sắc về tính vô thường của cuộc sống và thao thức thực hiện sự giải thoát đạt đạo. Ngài tham quán thiền đạo trong từng hành vi nhỏ nhặt nhất. Ngài thuyết: “ Này! thời gian qua đi mau chóng, mạng sống con người trôi chảy không ngừng, tại sao hàng ngày biết ăn cháo ăn cơm mà lại không biết tham khảo ngay về vấn đề cái bát, đôi đũa?”. Hơn nữa, theo Ngài, sự giác ngộ đạt đạo phải được thực hiện ngay ở kiếp này. Đời người như một mùa xuân sẽ qua, tiếng kêu thảm thiết của con chim đỗ quyên nhắc nhở người ta, đã được Ngài thể hiện qua bài kệ:
Thân như hơi thở qua buồng phổi
Kiếp tựa mây luồn đỉnh núi xa
Chim quyên kêu rã bao ngày tháng
Đâu phải mùa xuân dễ luống qua?
- Trúc Lâm chỉ rõ bí quyết đạt đạo là làm cho tâm hồn không vướng bận, không bị dàng buộc bởi thành bại, được mất. Tâm trạng tự do ấy tạo nên sự an ổn đích thực. Khi ngoại cảnh, tham sân si không còn lay động được tự thân thì thực tính Kim cương sẽ hiển lộ. Ngài gọi tâm hồn không vướng bận này là “lòng rỗi”:
Miễn được lòng rỗi
Chẳng còn phép khác
Rèn tính, lặng tính mới hầu an
Dứt niệm, vọng niệm đình chẳng thác
Trừ sạch nhân ngã, thì ra tướng thực Kim cương
Dừng hết tham sân, mới hay lòng màu Viên giác
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi Tây phương
Di Đà là tính lặng soi, khỏi cần nhọc tìm Cực lạc.
- Trúc Lâm không để cho tư tưởng vướng mắc vào các ý niệm Phật, Pháp, Tăng. Ngài khuyên người tu hành không chạy theo các khái niệm giáo lý: “nhóm mây trên đỉnh núi không làm tiêu tan được cảnh nuốt viên đồng đỏ đang cháy dưới địa ngục”.
Khi có người hỏi: “ Bậc tu hành lớn còn có thể rơi vào vòng tròn nhân quả nữa chăng? Ngài đáp:
Miệng tựa huyết hồng phun Phật tổ
Răng như gươm bén đốn Thiền lâm
Sáng kia chết xuống A tỳ ngục
Vội niệm Nam Mô Quan Thế Âm.
Thị tịch bi tráng
Ngày 3 - XI âm lịch năm nay (2006), chúng ta kỷ niệm 699 năm ngày thị tịch của Ngài. Dưới đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu, ôn lại hành trạng của Tổ Trúc Lâm ở những ngày này của gần 700 năm trước.
Sách “Tam Tổ hành trạng” chép rằng:
(…..) “Pháp Loa tiếp thu được tâm ấn, vua [Trần Nhân Tông] bèn sai dựng Phật đường và cho làm trụ trì, rồi giảng “Truyền đăng lục” cho nghe. Sau đó Vua xua hết người ngoài và Tam bảo nô, chỉ dắt Pháp Loa cùng lên am Tử Tiêu [trên Yên Tử], xây một ngôi nhà đá gọi là Ngộ Ngữ Viện ở cạnh am. Bấy giờ chỉ còn có đệ tử cao nhất là Bảo Sái ở lại hầu hạ. Vua đi khắp các ngọn núi, Bảo Sái bạch rằng:
- Đức Ngài tuổi cao như vậy mà dầu dãi tuyết sương thì mạng mạch của Phật pháp sẽ ra sao?
Vua đáp:
- Thời vị lai đã đến, ta đang tính việc đi lâu dài đây!
Năm Hưng Long thứ 16 (1308), ngày mùng 5 tháng 10, Công chúa Thiên Thụy [chị gái của Vua] sai người lên núi tâu với Vua rằng:
- Công chúa bệnh tình nguy kịch, muốn được trông thấy Điều Ngự.
Vua bùi ngùi nói:
- Đây chẳng qua là thời tiết mà thôi!
Vua liền chống gậy xuống núi, chỉ mang theo mỗi một người hầu. Mùng 10 tới kinh đô. Ngày 15 dặn dò xong, Vua lại trở về núi và nghỉ đêm ở chùa Siêu Loại. Sáng hôm sau, Ngài dậy rất sớm, đi bộ lên chùa làng Cổ Pháp và tự tay đề thơ rằng:
Thế số nhất tức mặc,
Thời tình lưỡng hải ngân,
Ma cung hồn quản thậm,
Phật quốc bất thăng xuân.
Dịch nghĩa là:
Số trời một hơi thở,
Tình đời hai con mắt,
Cung ma không đáng kể,
Cõi Phật xuân đời đời.
Ngày 17, Vua nghỉ đêm ở chùa Sùng Nghiêm. Tuyên Từ Hoàng thái hậu mời Ngài đến am Bình Dương dùng cỗ chay, Vua hớn hở nói:
- Đây là cúng dàng lần cuối cùng đây!
Vua nhận lời đi ngay. Qua ngày 18, Vua lại đi bộ lên chùa Tú Lâm ở trên ngọn núi An Sinh Kỳ Đặc. Thấy mình đau đầu, Vua bảo hai nhà sư Tử Man và Hoàn Trung rằng:
- Ta muốn lên ngọn núi Ngọa Vân, nhưng chân không bước nổi, biết làm sao đây?
Hai nhà sư nói:
- Đệ tử xin hết sức giúp đỡ.
Vừa lên đến núi Ngọa Vân, Vua cảm tạ hai nhà sư và bảo:
- Thôi, xuống núi ngay đi, chăm chỉ tu hành, chớ coi sinh tử là việc chơi!
Ngày 19, Vua sai người hầu là Pháp Không lên núi Tử Tiêu gọi ngay Bảo Sái đến. (…..)
Ngày 21 Bảo Sái đến Ngọa Vân. Vua thấy đến bèn cười hỏi:
- Ta sắp đi đây, sao ngươi tới muộn thế? Trong Phật pháp có chỗ nào chưa hiểu thì hỏi ngay đi!
Bảo Sái thưa:
- Phật mặt trời, Phật mặt trăng [nhật diện Phật, nguyệt diện Phật] ý nghĩa như thế nào?
Vua lớn tiếng bảo:
- Tam Hoàng Ngũ Đế là gì?
Đáp:
- Chỉ là những rừng hoa chói lọi, những cuộn gấm rỡ ràng, những khóm trúc ở miền Nam, những cây gỗ ở đất Bắc, chứ còn là gì?
Vua bảo:
- Chọc mù mắt của ngươi, giết chết mới xong!
Mấy ngày liền, trời đất tối om, gió giật dữ dội, mưa tuyết phủ kín cây cối, khỉ vượn chạy quanh am, chim chóc hót thê thảm, Đêm mùng ba tháng Mười một [bỗng nhiên] sao sáng đầy trời, Vua hỏi:
- Giờ này là giờ gì?
Bảo Sái thưa:
- Bây giờ là giờ Tý.
Vua lấy tay đẩy cánh cửa sổ, trông ra ngoài mà nói:
- Đây là giờ của ta đó!
Bảo Sái hỏi:
- Vua đi đâu bây giờ?
Vua nói:
- Hết thảy pháp không sinh, hết thảy pháp không diệt. Hiểu được thế thì chư Phật thường hiện ra trước mắt, còn gì là đi, còn gì là đến!
Nói xong, Vua liền nằm như sư tử và tịch ở am trên núi.
Pháp Loa theo lời di chúc, hoả thiêu thi hài, nhặt được một nghìn viên xá lợi đem về. Vua Anh Tông đem một phần xá lợi táng ở Đức lăng, một phần thì để ở Kim tháp trong núi [Yên Tử] và cho sửa chữa lại tất cả các chùa trên núi ấy, đặt tượng vàng để thờ phụng.” (…..)./.
Biên soạn tại Chùa Giáng- Hà Tây, Mạnh đông Giáp Tuất, 2006
Huệ Minh
(Đại Tạng Kinh Việt Nam)
Tài liệu tham khảo1. Ngô Sỹ Liên: Đại Việt Sử ký Toàn thư, NXB KHXH, H. 2. Lê Tắc: An Nam chí lược. 2001, NXB Thuận Hoá- Trung tâm VHNNĐT. 3. Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử. 1978, NXB KHXH, H. 4. Phan Huy Chú: Lịch Triều hiến chương loại chí, tập IV. 1961, NXB Sử Học, H. 5. Tam tổ hành trạng. (Trần Tuấn Khải dịch), 1971, Sài Gòn. 6. UBKHXH VN - Viện Văn học: Thơ văn Lý – Trần, tập II, NXB KHXH, H.. 7. Thơ văn Ngô Thì Nhậm. 1978, NXB KHXH, H. 8. Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I. 1994, NXB Văn học, H. 9. Nguyễn Tài Thư (chủ biên): Lịch sử tư tưởng Việt Nam (T1).1993, NXB KHXH, 10. Thích Thanh Từ: Ba vấn đề trọng đại trong đời tu của tôi. 1997, NXB HN.
11-30-2008 09:23:13