Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vì Sao Vua Trần Nhân Tông Về Yên Tử Tu Hành

08/08/201123:24(Xem: 5407)
Vì Sao Vua Trần Nhân Tông Về Yên Tử Tu Hành


VÌ SAO VUA TRẦN NHÂN TÔNG
VỀ YÊN TỬ TU HÀNH
Nguyễn Trần Trương

"Vì sao Thượng hoàng Trần Nhân Tông không ở lại Vũ lâm hay lựa chọn một nơi nào khác trên đất nước Đại Việt mà lại chọn Yên Tử để tu hành?" - Câu hỏi được phần nào lý giải trong tham luận của Nguyễn Trần Trương (Phó Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh) trong Hội thảo tưởng niệm 700 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn.

Sau hơn một năm truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông, vào tháng 7 năm Giáp Ngọ (1294), Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia tại hành cung Vũ Lâm (Ninh Hải – Hoa Lư – Ninh Bình). Sự kiện này[1] đã được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư. Nhưng đến tháng 7 năm Kỷ Hợi (1299), Thượng hoàng lại rời hành cung Vũ Lâm về Yên Tử tu hành 10 năm rồi viên tịch ở đây (1308).

Vì sao Thượng hoàng Trần Nhân Tông không ở lại Vũ Lâm hay lựa chọn một nơi nào khác trên đất nước Đại Việt mà lại chọn Yên Tử để tu hành?

Về sự kiện này, Hải Lượng Thiền sư – người tự coi mình là “đệ tứ Tổ Trúc Lâm” ở thế kỷ XVIII, cho rằng: "Người ta thấy Điều ngự Đệ nhất Tổ đến chùa Hoa Yên thì bảo Ngài xuất gia. Ta biết rằng Đức Ngài lúc bấy giờ biết xem thiên hạ là công, trong nước vô sự, nhưng ở phía Bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, sợ người ta dao động cho nên nhằm được ngọn núi Yên Tử là cao nhất, phía đông nhìn về Yên Quảng, phía bắc liếc sang hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, dựng lên ngôi chùa, thường thường dạo chơi để xem động tĩnh để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm”.

Một số học giả thời nay đã hết sức tán đồng kiến giải trên của Hải Lượng Thiền sư.

Những ai đã từng lên đỉnh núi Yên Tử (ở độ cao 1068 mét so với mặt biển), phóng tầm mắt bốn phương tám hướng, chúng ta không khỏi mỉm cười trước những võ đoán thiếu cơ sở thực tế của danh sĩ thời Lê.

Thật ra, đỉnh núi Yên Tử nơi vua Phật tu hành không đủ cao để nhìn tới tận biên cương phương Bắc, không thể nhìn xa đến biển Đông.

Hơn nữa, một ông vua biểu trưng cho quyền lực quốc gia, trong tay có hàng vạn binh mã, quốc gia lâm nguy, mỗi người dân lại có thể trở thành một chiến sĩ… sao lại tự trở thành một cái tôi hữu hạn, biến mình thành lính gác biên thùy như nhận định trên của Hải Lượng Thiền sư được?

Việc coi vua Trần Nhân Tông trở thành lính gác biên thùy có thể là ý tưởng đẹp đẽ theo kiểu tư duy thời chiến tranh, có tác dụng giáo dục bao thế hệ biết hi sinh cả cuộc sống yên bình hưởng lạc, xông pha nơi bom đạn chiến trường, song vô tình lại làm giảm đi cái đẹp lớn lao của ông vua hóa Phật.

Cách lý giải chủ quan của người đời sau như trên mà ngày nay chúng ta cứ mặc nhiên công nhận đã làm giảm sút, lệch lạc cái động cơ và mục đích tu hành rất cao cả, thiêng liêng của vua Phật Trần Nhân Tông.

Điều này dễ hiểu, vì lúc xuất gia, vua Trần chỉ “bách niên Tâm ngữ Tâm”, không nói cho ai biết vì sao mình lại đi theo gót chân Bụt và vì sao lại chọn nơi tu hành là Yên Tử để đời sau mặc sức luận bàn.

Thử lý giải vì sao vua Trần Nhân Tông chọn núi Yên Tử để tu hành

Trong bài viết này, chúng tôi xin góp thêm ý kiến nhỏ thử lý giải vì sao vua Trần Nhân Tông chọn núi Yên Tử để tu hành:

Thứ nhất, Yên Tử là “linh địa”, là nơi có vị trí đặc biệt của dòng họ nhà Trần, với vua Phật Trần Nhân Tông.

Theo Đại Nam nhất thống chí, bộ quốc sử thời Nguyễn, Yên Tử là “Tổ sơn” của toàn bộ khu vực núi non vùng Hải Đông (tức toàn bộ phía Đông đồng bằng châu thổ Bắc Bộ thời Trần, trong đó có Hải Dương, Quảng Ninh ngày nay) và vùng Đông Triều thuộc khu vực sườn nam dãy núi Yên Tử là nơi phát tích của nhà Trần, không phải là vùng Tức Mặc-Long Hưng-Thiên Trường.

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng “nhà Trần là dân đánh cá, vốn là người Đãn, một cư dân sống dọc theo biển từ Phúc Kiến trở xuống, di cư đến Việt Nam và trở thành một thế lực vào lúc Lý mạt”. Đông Triều có thể là nơi định cư đầu tiên của nhà Trần sau cuộc di cư về Nam ấy. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Trước kia tổ tiên vua (Trần Cảnh – Trần Thái Tông) là người đất Mân”.

Trong phần lăng mộ của tỉnh Hải Dương, Đại Nam nhất thống chí viết: “Lăng Tư Phúc nhà Trần ở xã Yên Sinh, huyện Đông Triều. Lăng tẩm Trần Thái Tông, Thánh Tông và Giản Định đế đều ở đây. Các đời Hồng Thuận và Hoằng Định triều Lê đều có tu bổ, lâu ngày đổ nát, nền cũ vẫn còn; năm Minh Mệnh thứ 21 sửa đắp lại và dựng bia.

Xét sử chép (kỷ Trần Anh Tông) bia thần đạo ở Yên Sinh nói rằng tiên tổ nhà Trần vốn là người Yên Sinh, huyện Đông Triều, sau dời đến ở hương Tức Mặc phủ Thiên Trường cho nên các vua Trần đều táng ở Yên Sinh, mà khi nhường ngôi xuất gia cũng lấy Yên Sinh làm nơi tu ẩn" [2].

Đông Triều cũng là nơi phong thái ấp cho Trần Liễu, tước hiệu Yên Sinh vương, con cả của Trần Thừa, anh của vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh).

An Nam chí lược của phản thần Lê Tắc là một trong số những bộ sử được coi là sớm nhất ở nước ta còn lại đến ngày nay ghi chép khá rõ về Yên Tử:

“Núi Yên Tử gọi là Yên Sơn hoặc Tượng Sơn, bề cao lên quá tầng mây. Đầu niên hiệu Hoàng Hựu, nhà Tống (1049-1053), triều đình lại ban tên Tử Y Đông Uyên. Đại sư là Lý Tự Thông có dâng lên vua hải nhạc danh sơn đồ và vịnh thơ tán:

Phúc Địa thứ tư tại Giao Châu là Yên Tử sơn.
Tân kỳ chóp núi nêu vài nụ,
Yểu điệu hình khe trổ một ngành.
Tiên cỡi loan qua ngồi cảnh Tịnh,
Người xem rồng xuống giỡn đầm xanh”.

Như vậy, Yên Tử là phúc địa thứ tư trong bốn vùng đất được coi là “phúc địa của Giao Châu”. “Đã có một loại quy hoạch tâm linh” nào đó ít nhất tồn tại dưới thời Lý, thời Trần về bốn ngọn núi ở Bắc Bộ. Không phải vô cớ khi chính Trần Nhân Tông lại chọn Yên Tử làm nơi tu tập của mình, bởi vì Ngài không thể không biết đó là phúc địa (đất phúc). [3]

Yên Tử là nơi ông nội của vua Trần Nhân Tông – Trần Thái Tông thời trai trẻ (năm Thiên Ứng Chính Bình, 1236) đã tìm về đây để “cầu làm Phật”. Nhờ có lời khuyên của Trúc Lâm Đạo Viên trên núi Yên Tử cùng với thái độ kiên quyết can ngăn của thúc phụ - Thái sư Trần Thủ độ và quần thần thân tín, Trần Thái Tông mới chịu quay trở lại triều đình làm vua và trở thành một bậc minh quân mang tâm Phật.

Yên Tử cũng là nơi thường thăm viếng của Thượng hoàng Trần Thánh Tông – phụ thân vua Phật Nhân Tông. Những áng thơ hay của Trần Thánh Tông cũng được viết ra từ non thiêng Yên Tử.

Bản thân vua Trần Nhân Tông năm 16 tuổi (1274) được vua cha lập làm Hoàng thái tử nhưng ông từ chối, muốn nhường lại cho em mình là Đức Việp mà không được. Sau đó có lần Hoàng thái tử đã bỏ nhà lên núi Yên Tử định đi tu. Sự kiện này đã được ghi trong Thánh đăng ngữ lục.

Cho nên, “vùng Đông Triều – Yên Tử có một vị trí đặc biệt với dòng họ nhà Trần. Có thể gọi vùng này là linh địa của thời Trần, nên các vị vua triều Trần có chuyện thì về đấy mà khi chết thì cũng về đấy. Người ta thường muốn chết ở nơi quê hương mình”[4].

Mười năm cuối đời dành cho việc xuất gia tu hành, vua Trần Nhân Tông trở về nơi phát tích Yên Tử cũng không ngoài lệ chung gia tộc ấy.

Thứ hai, vua Trần Nhân Tông về Yên Tử bởi nơi này trước đó đã được coi là nơi tu hành đạt đạo của tiền nhân.

Trước khi vua Trần về tu hành ở đây, Yên Tử đã từng lưu danh Yên Kỳ Sinh tu tiên đắc đạo. Tuy không có bằng chứng sử liệu nhưng với một pho tượng bằng đá (không biết do thiên tạo hay nhân tạo) tương truyền là tượng Yên Kỳ Sinh gần đỉnh núi Yên Tử cũng cho thấy đây là một địa chỉ đạo giáo lâu đời và cũng là nơi con người tu luyện đạt đạo Tiên.

Cuối đời Lý, Yên Tử có tổ sư Hiện Quang, đầu thời Trần có quốc sư Đạo Viên, quốc sư Đại Đăng, Thiền sư Tiêu Dao, Thiền sư Huệ Tuệ là thầy độ của đức Điều ngự Giác hoàng, cũng đã tu hành và đắc pháp, khơi nguồn mạch cho dòng thiền Yên Tử.

Đại Nam nhất thống chí viết: “Núi Yên Tử ở cách huyện Đông Triều 35 dặm về phía đông bắc, có tên nữa là Tượng sơn… Năm Tự Đức thứ 3 liệt vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ. Xét: núi này các vua triều Trần cho là đất danh thắng nên dùng làm chỗ tham thiền…”.

Cho nên, việc Điều ngự Giác hoàng không tìm về nơi khác mà lại chọn Yên Tử làm nơi tu hành không phải là vô căn.

Thứ ba, Yên Tử có đủ những điều kiện để giúp cho những bậc tu hành đắc đạo, không kém gì xứ sở Phật-đà-già-la (NairanJana) của đức Phật Thích-ca.

Đức Phật Tổ Thích-ca-mâu-ni đắc đạo thành Phật là nhờ vào phép tu thiền định dưới gốc cây Bồ-đề. Vua Trần cũng tu thiền, lấy pháp tu thiền để đạt đạo. Người tu theo pháp môn thiền định rất cần tới một nơi yên tĩnh, thanh tịnh để ngồi thiền. Núi rừng Yên Tử cách biệt với phàm trần là một nơi lý tưởng để tu thiền.

Không bàn tới yếu tố tĩnh mịch, linh thiêng hay yếu tố phong thủy của núi này mà xét tới tính khoa học của vấn đề, các nhà nghiên cứu cho rằng: những quả núi lâu đời như Yên Tử, Hy Mã Lạp Sơn (Tây Tạng) Phú Sỹ (Nhật Bản)… đều có lực từ trường khá lớn. Những luồng điện này sẽ làm tăng thêm lực cho dòng lưu nhân điện trong thân thể những người ngồi thiền nơi núi đó.

Đức Phật Thích-ca-mâu-ni đã từng nhập định và thành đạo dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn, cạnh núi Tượng Đầu. Sau khi đắc đạo, Ngài vẫn thường cùng với các đệ tử ngồi thiền định trên non Linh Thứu.

Người ngồi thiền mặt quay về hướng nam, lưng xây về hướng bắc là tốt nhất. khi ngồi, tư thế lưng phải thật thẳng đứng để cho cho luồng hỏa hầu của cơ thể lưu chuyển dễ dàng trong cột sống. Muốn vậy, người ta phải kê gối ngồi thiền (bồ đoàn) hay tận dụng mặt bằng có độ dốc hơn nghiêng về phía trước.

Vị trí ngồi thiền phải ở nơi thanh tịnh, thoáng khí trong lành, môi trường ô nhiễm sẽ làm cho khí prana trong cơ thể (được tạo ra trong khi tọa thiền) sẽ không được tinh khiết, bất lợi cho việc tạo luồng hỏa hầu trong cơ thể.

Vạt núi sườn nam của Yên Tử hợp cách rất tự nhiên giúp cho người tu thiền có được các điều kiện ngoại cảnh đó. Núi rừng Yên Tử đã từng được coi là núi Linh Thứu bên Tây Trúc qua áng thơ của đệ tam tổ Huyền Quang:

Tây Trúc đường vào
Nam Châu có mấy.
Non Linh Thứu ai đem về đây,
Cảnh Phi Lai mặt đà thấy đáy.
Vào chung cõi thánh thênh thênh,
Thoát rẽ lòng phàm phây phấy[5].

15 năm ở ngôi Thái thượng hoàng, cũng là thời gian vua Nhân Tông tu hành và hiển Phật. “Thế Tôn bỏ ngai vàng quý báu, nửa đêm vượt thành, bỏ áo rồng cao sang, non xanh cắt tóc, mặc chim thước làm tổ trên đỉnh đầu, mặc con nhện giăng tơ trên vai cánh, tu phép tịch diệt để tỏ đại chân như, dứt cõi trần duyên mà thành bậc Chính giác. Đức Tổ ta là Điều ngự Nhân Tông hoàng đế ra khỏi cõi trần, thoát vòng tục lụy, bỏ chốn cung vua ra giữ sơn môn”[6].

Làm vua chỉ chăn dân trăm họ. Làm Phật cứu độ cả muôn loài.

Như thế, Phật hoàng Trần Nhân Tông về Yên Tử đâu chỉ “dựng lên ngôi chùa thường thường dạo chơi để xem động tĩnh cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm" như lời nhận định của Hải Lượng thiền sư? Người tu thiền thành chính quả có thể đạt được những quyền năng siêu việt mà người thường không dễ gì có được.

Nhờ phép tu thiền định, Đức Phật Thích-ca-mâu-ni có phép tha tâm thông (thấy được lòng người khác) nên từ xa đã đọc được tư tưởng của đại đệ tử Tu-bu-đề. Tôn giả A-na-luật tuy bị mù lòa vẫn có khả năng thiên nhãn thông (nhìn xa ngàn dặm). Tôn giả Xá-lợi-phất mắt có thể nhìn thấy 60 tiểu kiếp người về trước…

Phật hoàng Trần Nhân Tông tu thiền và Ngài cũng có thể đạt được những quyền năng siêu việt đó. Các nhà sư tu thiền khẳng định rằng: tuy ngồi thiền trong am cỏ Ngọa Vân trên đỉnh núi Yên Tử, đức Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông đã dùng hào quang định lực của mình mà quán chiếu trong, ngoài, trên, dưới. Mọi sự với Ngài đều thông tỏ.

Trên đỉnh Yên Sơn cách biệt với kinh kỳ, vua Phật Nhân Tông vẫn rõ được triều chính, nhiều lần về triều khuyên bảo vua Anh Tông tu dưỡng tâm tính, kìm bớt lòng dục, xa rời tửu sắc, gìn giữ chân tâm… xứng đáng trở thành bậc quân vương tôn kính.

Ngài còn biết rõ được biên cương phương Bắc, phương Tây và phương Nam, có được những quyết sách lớn lao và đúng đắn nhằm gìn giữ tình bang giao giữa các nước láng giềng và Đại Việt, giữ vững nền an ninh chính trị nước nhà. Trên non Yên Tử, Ngài hoàn thiện hệ thống tư tưởng thiền phái Trúc Lâm, trở thành nền tảng tư tưởng và đạo đức của một thời đại hoàng kim triều Trần, giai đoạn Phật giáo được coi là quốc đạo.

Vua Trần đi tu không phải là để trốn đời, yếm thế, mà đi tu để nhập thế cứu đời. Có điều, nhà vua cứu đời không phải theo kiểu của một ông vua, mà là theo kiểu của thánh nhân. Làm vua chỉ chăn dân trăm họ. Làm Phật cứu độ cả muôn loài.

Bởi vậy, tấm gương vua Phật tuy ẩn mà lại hiện, tuy mờ mà lại sáng. Ngài bứt khỏi cái bình thường để vượt lên thành cái phi thường. Bởi thế, hàng ngàn năm qua, bao triều đại thịnh suy trị vì đất nước này, bao người đã làm vua, song có ai được nhân gian ngưỡng vọng, tôn thờ như vua Phật Trần Nhân Tông?

Cuộc đời và sự nghiệp của vua Trần Nhân Tông là một biểu hiện cao đẹp, tiêu biểu nhất tinh thần nhập thế “đạo pháp gắn liền với dân tộc”. Từ chức vị cao sang của nhà vua, vua Trần trở về ngôi tôn quý nhà Phật. Nhà vua đã từ cái nhất thời hữu hạn mà trở về cái vô hạn, vĩnh hằng.

Hằng năm, mỗi độ xuân về, hàng triệu lượt cháu con của Rồng Tiên đất Việt và bạn bè bốn phương lại về Yên Sơn lễ Phật và vãng cảnh. Họ bồi hồi tưởng niệm Đức Vua Trần, một ông vua đã khước từ tước vị cao sang, giã biệt chốn phồn hoa đô hội lên non xanh Yên Tử tu hành để trở thành một Đức Phật Đại Hùng, Đại Lực, Đại Trí và Đại Bi, xứng danh là Đức Phật Thích-ca-mâu-ni của Việt Nam.

Ghi chú:
[1] Theo Khâm định Việt sử khâm giám cương mục thì sự kiện này xảy ra vào tháng 6 năm Ất Mùi (1259).

[2] Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tr.419-420
[3] Trích báo cáo tổng hợp Đề tài khoa học Nghiên cứu đạo Phật Việt Nam đời nhà Trần tại Quảng Ninh… do TS. Nguyễn Quốc Tuấn và CN. Nguyễn Trần Trương đồng chủ nhiệm đề tài.
[4] Trích báo cáo đã dẫn
[5] Theo Trần Nhân Tông – con người và tác phẩm, bản sách điện tử, website Thích Quảng Đức
[6] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí – Văn tịch chí. Đoạn văn trên của vua Trần Minh Tông viết về ông nội của mình.

Nguyễn Trần Trương
(tuanvietnam.net)






11-30-2008 09:23:13

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/08/2011(Xem: 4873)
Lễ húy nhật cố Hòa thượng Thích Phước Huệ (1875 - 1963) - chùa Hải Đức
07/08/2011(Xem: 12823)
Nói đến tinh thần "Hòa quang đồng trần" tức là nói đến tinh thần nhập thế của đạo Phật, lấy ánh sáng của đức Phật để thắp sáng trần gian, “sống trong lòng thế tục, hòa ánh sáng của mình trong cuộc đời bụi bặm”, và biết cách biến sứ mệnh đạo Phật thành lý tưởng phụng sự cho đời, giải thoát khổ đau cho cá nhân và xã hội. Thời đại nhà Trần và đặc biệt vua Trần Nhân Tông (1258-1308) đã làm được điều này thành công rực rỡ, mở ra trang sử huy hoàng cho dân tộc.
04/08/2011(Xem: 5197)
Hòa thượng Thích Bích Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hoằng đạo, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam; nguyên Chánh Đại Diện GHPGCT Trung phần, Tổ thứ 3 Tổ đình Nghĩa Phương, Tổ Khai sơn các chùa thuộc Tông phong Tổ đình Nghĩa Phương, Tông trưởng Tông phong Tổ đình Nghĩa Phương (1921 - 1972).
30/07/2011(Xem: 7009)
Thế danh: Nguyễn Đình Mân, Pháp danh: Thị Uẩn, Pháp tự: Hạnh Đạo, Pháp hiệu: Thuần Phong, Đời thứ 42 thuộc dòng Thiền Lâm Tế.
28/07/2011(Xem: 5692)
Hòa Thượng Thích Đạt Hảo, Hòa thượng Thích Đạt Hảo thế danh Lê Văn Bân, pháp danh Tánh Tướng, pháp hiệu Đạt Hảo, sanh năm Đinh Tỵ (1917), tại ấp Bình Hữu, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Gia Định (1). Sư là con út trong gia đình có 6 anh chị em, 2 người trai bốn người gái; đặc biệt cả nhà có 8 người đều lần lượt xuất gia tu hành: -Phụ thân Lê Văn Bộn (1876- 1943), pháp danh Tánh Từ, pháp hiệu Đạt Bi. -Mẫu thân Ngô Thị Cờ (1884-1941), pháp danh Tánh Niệm, pháp hiệu Đạt Phật. -Chị thứ 2 Lê Thị Tình (1901-1970), pháp danh Tánh Hóa, pháp hiệu Đạt Đạo. -Chị thứ 3 Lê Thị Ưa (1904- ?) pháp danh Tánh Viên, pháp hiệu Đạt Thông. -Chị thứ 4: Lê Thị Luận (1907- ?), pháp danh Tánh Minh, pháp hiệu Đạt Quang. Chị thứ 5 Lê Thị Nghị (1909- ?), pháp danh Tánh Hồng, pháp hiệu Đạt Tâm -Anh thứ 6 Lê Văn Kỉnh (1915-1962), pháp danh Tánh Kỉnh, Pháp hiệu Đạt Xương. -Em út là Hòa thượng Thích Đạt Hảo.
15/07/2011(Xem: 6867)
Thiền sư húy thượng NGUYÊN hạ BÀNG - ĐẠI NGUYỆN tự CHÍ NĂNG hiệu GIÁC HOÀNG , thế danh LÊ BẢN, sinh năm Canh Dần 1950, tại thôn An Ngãi, xã Nhơn An huyện An Nhơn tỉnh Bình Định. Ngài sinh trong một gia đình nhiều đời sùng kính Tam Bảo. Thân phụ: Cụ ông LÊ TRÀ, thân mẫu: Cụ Bà TRẦN THỊ TÁM. Ngài là anh cả trong gia đình gồm có năm người con.
24/06/2011(Xem: 5844)
Vua Lê Đại Hành mất vào năm 1005, các hoàng tử tranh giành ngôi vua tạo nên cảnh khổ đau tràn ngập cho Dân Tộc, bên trong bị nội loạn, bên ngoài bị ngoại xâm đe dọa. Trước những thảm trạng đen tối u ám và đầy dẫy những thống hận đó, Vạn Hạnh thiền sư xuất hiện như một thứ ánh sáng phi thường quét sạch vùng trời giông tố để đưa vận nước bước vào thời đại huy hoàng thịnh trị.
24/06/2011(Xem: 5843)
Trận chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Vương Quyền năm 939 là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử dựng nước của Việt Nam. Ngọn sóng Bạch Đằng Giang đã cuốn trôi đi nỗi đau nhục của người dân nô lệ, nhận chìm tham vọng của nòi Hán áp đặt lên đất nước ta trong suốt một ngàn năm. Từ đây Việt Nam không còn là một huyện lỵ của người Hán, từ đây một quốc gia đúng nghĩa đã xuất hiện dưới vòm trời Đông Á.
24/06/2011(Xem: 8281)
Ngài họ Nguyễn húy là Hữu Kê, dòng họ của Đại thần Nguyễn Trãi. Nguyên quán thuộc Tông sơn Gia miêu Ngoại trang, tỉnh Thanh Hóa. Ngài thọ sanh năm Nhâm Tý (1912), tại làng Nguyệt Biều, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Vốn thọ sanh trong gia đình vọng tộc, quý phái, thích lý luận Nguyễn Hữu Độ.
24/06/2011(Xem: 5263)
Ngài Mật Thể, pháp danh Tâm Nhất, pháp tự Mật Thể, tên thật là Nguyễn Hữu Kê, sinh năm 1912 ở làng Nguyệt Biều, quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Chánh quán huyện Tống Sơn, Gia Miêu ngoại trang, tỉnh Thanh Hóa, thuộc dòng Thích Lý của Cụ Nguyễn Hữu Độ. Gia đình Ngài qui hướng đạo Phật, cụ thân sinh và người anh ruột đều xuất gia.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com