VẠN HẠNH THIỀN SƯ
CON NGƯỜI ĐỘC DỊ CỦA NGÀN NĂM TRƯỚC VÀ SAU
Như Hùng
Vua Lê Đại Hành mất vào năm 1005, các hoàng tử tranh giành ngôi vua tạo nên cảnh khổ đau tràn ngập cho Dân Tộc, bên trong bị nội loạn, bên ngoài bị ngoại xâm đe dọa. Trước những thảm trạng đen tối u ám và đầy dẫy những thống hận đó, Vạn Hạnh thiền sư xuất hiện như một thứ ánh sáng phi thường quét sạch vùng trời giông tố để đưa vận nước bước vào thời đại huy hoàng thịnh trị.
Trong Thuyền Uyển Tập Anh ghi lại con người Vạn Hạnh như sau: “Sư họ Nguyễn quê ở làng Cổ Pháp, gia đình đời đời thờ Phật. Thuở nhỏ Sư đã thông minh khác thường, học khắp Tam Giáo và nghiên cứu Bách Luận, mà vẫn xem thường công danh phú quí. Năm 21 tuổi Sư theo Thiền Sư Định Tuệ xuất gia và thọ học với Thiền ông Đạo Giả ở chùa Lục Tổ làng Dịch Bảng phủ Thiên Đức. Khi việc chùa rỗi rảnh, Sư chăm chỉ học tập quên cả mỏi mệt. Sau khi Thiền ông tịch, Sư kế tiếp trụ trì chùa nầy và chuyên tập pháp “Tổng Trì Tam Ma Địa” lấy đó làm sự nghiệp. Bấy giờ Sư có nói ra lời gì dân chúng đều cho là lời sấm ký. Vua Lê Đại Hành rất tôn kính Sư.”
Qua những nét ghi lại con người Vạn Hạnh ta thấy có những điểm quan trọng, trong tiến trình tâm linh mà đã tạo dựng nên một Vạn Hạnh siêu việt, độc đáo phi thường trong lịch sử. Trước hết, là điểm thông minh khác thường mà Thuyền Uyển Tập Anh muốn đề cập tới, có phải chăng đó là ý thức về khả năng siêu hoạt siêu thức trong một tâm linh, và biến những tác động hưng khởi ở nội và ngoại tại không nghịch lý trong việc tạo nên tương quan thiết dụng cho con người? Dung hòa những phức tạp xuất hiện trong ý thức để hoán chuyển thành nguồn thực dụng nuôi dưỡng tâm linh siêu thể? Có phải chăng đó là điều mà sau này Vạn Hạnh đã phát huy cho cả cuộc đời của mình? Đồng thời Vạn Hạnh còn thông suốt tường tận ba luồng tư tưởng phổ thông của thời bấy giờ.
Ba tư tưởng đó là: Nho học, Đạo học, và Phật học. Dĩ nhiên ba luồng tư tưởng nầy vốn có những nét dung hợp và đồng thời có những điểm khác biệt trong vài khía cạnh. Về Khổng Học, chỉ dùng suy tư và học tập “có học lại những kinh nghiệm của người xưa mà không phê phán suy nghĩ thì mơ hồ, suy nghĩ phê phán mà không có tài liệu học tập thì nguy hại” Cái học nầy là giáo điều không uyển chuyển nên lắm lúc tạo những tôn thờ phi lý không dám đối nghịch lại một vài dữ kiện không thích hợp với bối cảnh và trạng huống trái ngược. Dung hòa cả ba tư tưởng ấy trong con người của Ngài hẳn chắc phải sinh ra những tương phản và mâu thuẫn, xung đột trong quan niệm, và nếu có tổng hợp thì điều này cũng trá hình của những sinh khắc, vì vậy Vạn Hạnh chưa tìm ra được tổng thể bất phân ly trong những luồng tư tưởng ấy.
Muốn truy tìm và giải quyết những nguyên lý phức tạp mâu thuẫn đổ vỡ nầy Vạn Hạnh đã phải nghiên cứu đến Bách Luận của Long Thọ Bồ Tát – dùng biện chứng trực giác về hiện tượng và phủ định sự có mặt giữa giả hợp danh sắc, quật khai thực tại tuyệt đối không bị lệ thuộc bởi những chi phối giả hợp của thời không. Cũng chính nhờ sự quật khai của Tam Luận Tông nầy Vạn Hạnh đã quân bình nội tại và để từ đó nổ tung ra trên hành trình giải phóng tâm linh và mang lại ánh sáng siêu việt cho Dân Tộc. Và cũng nhờ vào những kinh nghiệm tri thức mà Vạn Hạnh trải qua mới tạo nên luồng Văn Hóa đặc thù cho Dân Tộc mà ta có thể tìm thấy trong những phần ở sau.
Giới trí thức Việt lúc bấy giờ là những thiền sư uyên thâm bác học, tu tưởng và nội tâm sâu rộng siêu việt, có những thiền sư nổi tiếng lỗi lạc trong nước và gây chấn động đến ngoài nước. Song song trong việc nghiên cứu tu tập về Thiền để đạt được thức giác trong đời sống tâm linh, giải phóng ra khỏi triền phược hệ lụy đang đè nặng trong mỗi người. Còn có khuynh hướng nghiên cứu những Dịch lý, tướng số pháp thuật, lương dược nhằm để khai ngộ và đi vào cuộc đời để dựng xây nền thịnh vượng cho quốc gia. Khuynh hướng nầy rất mạnh trong Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi mà Thiền Sư Định Không là người đầu tiên ứng dụng điều đó.
“Năm Trinh Nguyên đời Đường (785) ông dựng ngôi chùa Quỳnh Lâm ở quê nhà. Khi bắt đầu đào móng xây nền, đào được một chiếc hương đề, mười chiếc khánh, sai người đem xuống nước rửa, một chiếc bị chìm xuống nước tới đất mới thôi. Nhân thế mới đổi tên làng ra Cổ Pháp. Và làm một bài tụng rằng:
Đất trình pháp khí
Phẩm chất tinh đồng
Đưa Phật giáo đến chỗ hưng long
Đặt tên làng là Cổ Pháp
Mười chiếc chuông đồng
Pháp khí xuất hiện
Mười chiếc chuông đồng
Nhà lý hưng vương
Tám phẩm thành công
Khi sắp tịch, Sư nói với đệ tử Thông Thiện rằng: “Ta muốn mở rộng làng nhà, nhưng giao thời sợ có tai vạ sắp đến, ắt có kẻ lạ lại phá hoại cảnh thổ ta (sau Cao Biền nhà Đường đến trấn yểm) Sau khi ta mất, con nên khéo giữ lấy đạo pháp truyền cho người họ Đinh ấy là lòng ta mong mỏi.” Những điều tiên đoán của Định Không sau nầy quả đúng như vậy. Khoảng 200 năm sau xuất hiện bởi nhân vật phi thường ở làng Cổ Pháp đó là Thiền Sư Vạn Hạnh, người dựng nên nhà Lý, cũng có thể Vạn Hạnh là hiện thân nào đó của Định Không? Một con người cưu mang hoài bão hưng phục cho Dân Tộc mà niềm mơ ước nầy chưa thành, thì cũng có thể vì đại nguyện cao cả ngài trở lại để làm một Vạn Hạnh độc dị, siêu nhân trong cả ngàn năm trước và sau chưa có một nhân vật tài ba nào có thể đương đầu nổi. “Trụ tích trấn vương kỳ”.
Ngoài công cuộc cách mạng nội tại để đạt đến sự quân bình giữa những dị biệt của 3 luồng tư tưởng mà Vạn Hạnh đã thống hợp làm một, đó là nghiên cứu một cách nghiêm mật về Tam Luận Tông, đả phá và không trụ vào giả tướng. Từ đó Vạn Hạnh đi vào con đường Thiền Tông qua chặng đường của Bách Luận và Tam Ma Địa. Thiền được kể như một môn học thực nghiệm siêu việt nhất trong việc hướng tri thức thoát ra ngoài những kiềm tỏa phi lý của ý thức hệ.
Qua vài nét đơn giản của Thiền Uyển Tập Anh ghi lại cuộc đời của Ngài, ta thấy không có một điểm nào kể lại là Vạn Hạnh đạt được thực chứng ở Bách Luận hay Thiền hay Tam Ma Địa? Có một điểm nhấn mạnh ở đó là Vạn Hạnh chuyên tu tập pháp “Tổng Trì Tam Ma Địa” đây là cánh tay phải chứ không hẳn là mấu chốt mà Ngài đã thành tựu. Truy tìm lại Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi ta thấy có bóng dáng của Mật Tông ở đó. Mà Vạn Hạnh thuộc hệ thứ 12 của Thiền Phái nầy. “Tam Ma Địa” theo Trí Độ Luận còn gọi là Tam Muội và Thiền Định cũng gọi là Tam Muội. Đây có thể là diệu dụng nào đó của việc đạt được thực ngộ Thiền. Chứ không hẳn Tam Ma Địa là thực thể có từ bên ngoài.
Như vậy hẳn nhiên Vạn Hạnh chứng ngộ là nhờ khai quật nội tâm bằng phương pháp Thiền định qua cửa ngõ và phương pháp hành trì của “Tam Ma Địa”
Và cuộc cách mạng mà Vạn Hạnh thực hiện là xoay chuyển vận nước và Dân tộc bước vào thời huy hoàng, và tạo dựng nền Triết lý thực dụng cho giống nòi.
II. SỰ NGHIỆP CHÍNH TRỊ TRONG CON NGƯỜI VẠN HẠNH
Ngoài sự nghiệp thực chứng Vạn Hạnh có được, ngài còn là một nhân vật mang ánh sáng tâm linh đi vào cuộc đời cứu giúp dân xây dựng một nước Việt huy hoàng rực rỡ. Nguyên tố để chuyển hoán được xã hội, không hẳn do một mình Vạn Hạnh mà thành tựu trọn vẹn được, cũng phải nhờ vào những thực lực khác, mà mấu chốt là những con người đang ở vào tư thế chính quyền cai trị, đó là những vị vua.
Cái thông minh của Vạn Hạnh là un đúc huấn luyện và có khả năng tiên đoán được vận mệnh trước sau trong con người mà Vạn Hạnh muốn nhắm đến. Ngay từ khi được sự tôn kính của vua Lê Đại Hành, Vạn Hạnh đã tỏ ra xuất sắc trong việc tiên đoán sự thắng bại của quân ta “Niên hiệu Thiên Phúc năm thứ nhất 980 tướng Tống là Hầu Nhân Bảo kéo quân sang đánh nước ta, đóng binh ở núi Cương Giáp Lãng, vua Lê Đại Hành mời Sư đến hỏi “quân ta thắng bại lẽ nào?” Sư đáp “Trong ba, bảy ngày thì giặc ắt lui”. Quả đúng như lời Sư đoán”.
Khả năng tiên đoán đó phải chăng nhờ tự nội tâm thực chứng thông suốt được quá khứ hiện tại và vị lai? Sự tương quan giữa một tâm linh với vạn vật trong vũ trụ vốn có sẵn trong mỗi tâm thức, nếu khơi dậy đúng mức thì sơn hà đại địa nằm trong lòng bàn tay không ở đâu xa. Con người vốn chứa đựng và là tiểu vũ trụ, sự quan hệ tương hợp với đại vũ trụ không phải là điều huyền ảo. Nếu quật tung những bí ẩn đang nấp kín thì có thể trông thấy được thế giới rộng lớn bao la trong đôi mắt. Những xoay vần chuyển động trong đó, như mấu gút đang tuần tự tháo gỡ ở trong ta.
Khả năng nầy Vạn Hạnh còn xử dụng tuyệt diệu hơn trong việc tạo dựng nên một Lý Công Uẩn, sau nầy trở thành một vị minh quân, một vĩ nhân của Dân Tộc.
Vạn Hạnh chuẩn bị khai thị nhân tâm, vận động lòng dân bằng sấm truyền một cách siêu dị. Sách Đại Việt Sử Ký ghi lại rằng: Trong thời Lê Phong Đỉnh sét đã đánh lên cây gạo ở chùa Minh Châu, làng Cổ Pháp (do Thiền Sư La Quí An trồng năm 936) in thành chữ như sau:
Thọ căn diễu diễu – Mộc biểu thanh thanh
Hoa đào mộc lạc – Thập bát tử thành
Đông A nhập địa – Dị mộc tái sanh
Chấn cung kiến nhật – Đoài cung ẩn tinh
Lục thất niên gian – Thiên hạ thái bình
(Gốc cây thăm thẳm – Ngọn cây xanh xanh
Cây hoa đào rụng – Mười tám hạt thành
Cành đông xuống đất – Cành khác lại sanh
Đông mặt trời mọc – Tây sao ẩn hình
Sáu bảy năm nữa – Thiên hạ thái bình).
Sách Đại Việt Sử Ký viết tiếp rằng: “Nhà sư Vạn Hạnh tự đoán riêng rằng, trong câu (thọ căn diễu diễu) chữ căn là gốc, gốc tức là vua, chữ diễu đồng âm với chữ yểu, thế là nhà vua (Lê Long Đỉnh) chết yểu. Trong câu (mộc biểu thanh thanh) chữ biểu là ngọn, ngọn là bầy tôi, chữ thanh đồng âm với chữ thịnh, thế là một người trong số quần thần (Lý Công Uẩn) sẽ lên nắm chính quyền. Ba chữ (hoa đào) góp lại (theo Hán tự) là chữ Lê, lạc là rớt, tức là nhà Lê rớt. Ba chữ (thập bát tử) góp lại là chữ Lý, thập bát tử thành tức là nhà Lý lên. Câu (đông A nhập địa) chữ đông và chữ a họp lại là chữ Trần, nhập địa là người phương Bắc vào cướp. Câu (dị mộc tái sanh) tức là họ Lê khác (Lê Lợi) lại nổi lên. Trong câu (chấn cung kiến nhật) thì chấn là phương Đông, kiến là mọc ra, nhật là thiên tử, thiên tử xuất hiện ở phương Đông. Trong câu (đoài cung ẩn tinh) thì đoài là phương Tây, ẩn là lặn tinh là người tầm thường, người tầm thường mai một ở phương Tây. Mấy câu này có ý nói vua thì non yểu tôi thì cường thịnh, họ Lê mất, họ Lý nổi lên, thiên tử ở phương Đông mọc ra thì thứ nhân ở phương Tây lặn mất, trong vòng sáu bảy năm nữa thì thiên hạ thái bình.”
Qua lời sấm nầy, không những Vạn Hạnh tiên đoán ở thời kỳ nầy mà còn suốt cả sinh mệnh của Dân Tộc từ thời Tiền Lê ở thế kỷ thứ 11, đến nhà Lý ở thế kỷ 11, 12, đến nhà Trần ở thế kỷ 13, 14 và cuối là nhà Hậu Lê ở thế kỷ 15 và 16. Quả thật con người Vạn Hạnh quá vĩ đại thông suốt sự thành hợp, tan hoại, cả mấy thế kỷ. Thời Tiền Lê vị anh hùng cứu quốc Lê Hoàn và là minh quân Lê Đại Hành đã từng đánh tan quân xâm lăng nhà Tống vào năm 980. Ông mất vào năm 1005. Khi vừa nằm xuống các con tranh giành ngôi vua Lê Phong Việt mới làm vua được 3 ngày thì bị em là Lê Long Đỉnh giết chết. Lê Long Đỉnh còn gọi là Lê Ngọa Triều, một ông vua tàn ác hoang dâm vô độ. Khiến cho nhân dân ly tán, lòng người phẫn nộ căm hờn, cơ hội cho sự xâm lăng của quân Tàu, có thể đưa dân tộc rơi vào kiếp nô lệ.
Trước những biến động nguy ngập của thời đại, sự xuất hiện của Vạn Hạnh như một vị cứu tinh vĩ đại cho Dân Tộc, Vạn Hạnh là linh hồn của công cuộc cách mạng đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Ngài đã đào tạo Lý Công Uẩn ngay từ lúc còn làm chú tiểu ở chùa làng Cổ Pháp, để sau nầy trở thành một vị vua anh minh làm tròn sứ mạng cao cả cho Dân Tộc. Nhờ sự giáo dục tài tình của Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn đã huân tập được tinh thần Từ Bi, Trí Tuệ trong Phật Giáo, đặt sự tồn tại của Dân Tộc lên trên, xây dựng một xã hội nhân bản, hưng thịnh, an lạc. Sử gia Hoàng Xuân Hãn viết “Triều đại nhà Lý là Triều đại thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Đó là nhờ ảnh hưởng của Phật giáo”. Điều nầy cũng đủ cho ta thấy rằng đóng góp của Vạn Hạnh vô cùng vĩ đại, sự nghiệp phi thường nầy chắc hẳn chúng ta không bao giờ quên được.
Khía cạnh tâm lý nào đã tạo nên những Thiền Sư dấn thân vào công nghiệp chính trị. Trước hết những vị là người có học thức, uyên bác, có ý thức vì sự hưng vi của quốc gia, là những người sống trực tiếp với quần chúng nên hiểu rõ về đời sống cũng như khía cạnh tâm lý trong mỗi người. Nên những Thiền Sư đem khả năng của mình để phục vụ cho nhân dân bằng cách biến những ưu tư của họ trở nên niềm vui an lạc. Dấn thân vào chính sự là cách hay nhất để có thể cải tổ và xoay chuyển được vận mạng của dân tộc hữu hiệu. Cần nhất, tạo được ý thức Dân Tộc tính trong sự trị vì của Vua hay những người trực tiếp cai trị dân từ đó mới đem lại sự thanh bình cho người dân. Đồng thời những Thiền Sư coi thường công danh phú quí lợi lộc, nên không bao giờ tranh giành quyền lợi, các vị chỉ đứng trên cương vị cố vấn tham dự vào chính sự, chứ không dính đến chính quyền, nên ngôi chùa là nơi cư trú, cơm rau đạm bạc vẫn là thức ăn hàng ngày.
Quí vị đi vào cuộc đời, tham dự chính sự trong cương vị xuất thế của mình, không muốn hòa mình trong vòng ràng buộc danh lợi, hành nhưng vô hành.
Ngày mà Lý Công Uẩn lên ngôi vua, Vạn Hạnh ung dung ngồi ở Chùa Lục Tổ, bên cạnh chén trà, mỉm cười với chính mình, một nụ cười chìm lặng trong hư vô, chỉ có hư không mới cảm nhận thâm sâu được nụ cười nầy. Vạn Hạnh đâu cần thiên hạ tung hô, dù rằng Vạn Hạnh lãnh đạo và phát huy kế hoạch vi diệu trong việc tạo dựng nên nhà Lý. Cái ung dung thanh thoát của những con người không hề vướng bận, làm thì có làm, vì chúng sanh nên phải dấn thân, nhưng không vì thế hoen ố được tâm linh của mình. Chúng ta phải cúi đầu qui ngưỡng trước những con người siêu dị nầy.
III. VẠN HẠNH NGƯỜI TẠO DỰNG
NỀN TRIẾT LÝ ĐẶC THÙ CHO DÂN TỘC
Đứng trước vực thẳm của Dân Tộc đang bị lôi cuốn vào những trào lưu văn hóa của ngoại lai, phi dân tộc, do sự đồng hóa thống trị đô hộ của đế quốc Trung Hoa biến Dân Tộc rơi vào sự khống chế, khắc nghiệt, tàn bạo về mọi phương diện. Và thâm độc hơn để đồng hóa người dân đến tận gốc rễ. Trung Hoa đã ồ ạt chuyên chở hệ thống tư tưởng của họ, để áp đảo, phủ lên đầu dân, biến dân tộc ta mất gốc trở thành kẻ nô lệ, tôn thờ họ như một thứ thần thánh. Chúng ta không thèm đề cập đến những tay ngoại lai, những kẻ mất gốc, nô lệ văn hóa Tàu, Đế quốc đã đô hộ, đày đọa dân ta cả ngàn năm qua, để rồi có một số tay sai văn hóa trở lại tôn thờ. Một đế quốc đã tàn phá tất cả những di sản của Dân Tộc thay vào đó một trào lưu văn hóa xâm lăng tiêu diệt, có một số người trở lại lạy lục cho là độc đáo.
Đứng trước thảm trạng bi hùng đó, Vạn Hạnh ý thức mãnh liệt về Dân Tộc tính, tạo dựng nên một nền tâm linh đặc thù cho Dân Tộc, tổng hợp những trào lưu văn hóa, thay vào đó mang một đặc thể hoàn toàn Dân Tộc. Nước Việt ở vào thời bấy giờ là nơi gặp gỡ nhiều trào lưu văn hóa và tín ngưỡng khác nhau. Nào văn hóa “Động Cổ” (Đông Sơn) Văn Hóa Cổ Mộ (Lạch Trường) văn hóa Hán nho, Phật học v.v… Trước những dị biệt đó, muốn trưởng thành chắc chắn phải hóa giải những mâu thuẫn, thanh lọc lại và tạo nên một trào lưu văn hóa khác không chấp nhận lệ thuộc hẳn vào một văn hóa nào cả.
Vạn Hạnh vốn đã trải qua những xung đột trong nội tại, vì thế Ngài đã phải dùng đến phủ định (không) của Bách Luận để hóa giải những khúc mắc quan trọng nơi tâm thức. Dĩ nhiên không, lại không có nghĩa phủ nhận hoàn toàn sự có mặt của danh sắc, mà phải hiểu rằng, sự có mặt ấy chỉ là một giả thể, huyễn hóa không thật. Hẳn nhiên có thể mặt trái của phủ định vẫn là khẳng định, bởi lẽ khi phủ định một định nghĩa tức là phải thành lập một định nghĩa khác, dù không rõ nét lắm vẫn có sự trá hình nào đó, để từ đó mới có thể lật đổ được điều ấy. Dùng một lập luận nầy để phá đi một lập luận khác. Trên bình diện tương đối thì vấn đề nầy không phức tạp như vậy.
Nguyên tố cơ bản mà Vạn Hạnh đã dùng là phủ định mọi tư tưởng, cũng có thể ngay cả cái tư tưởng mà Vạn Hạnh đang dùng để phá đó nữa. Sau khi đạt được sự vắng lặng hoàn toàn cho tâm thức ngài mới bắt đầu đặt lại sự có mặt của nó. Thực hiện điều này, trước hết ta thấy ngài trung thực và không lệ thuộc vào một khuynh hướng nào trong việc đặt lại, như vậy cái nhìn mới không bị kéo lệch về một điểm. Một khi Vạn Hạnh đã đạp tung thì tất cả đều phải đổ ào, dù cái đó điều mà ngài phải nương vào mới đạt được. Tinh thần không trụ chấp vào danh tướng giả sắc trong Bách Luận, cũng có nghĩa là ngay cả Bách Luận cũng không được trụ. Cái phóng khoáng và tự do tuyệt đối trong Phật giáo là ở chỗ đó, thong dong tự tại trên mọi đỉnh đồi, nở những nụ cười chấn động làm lạnh cả hư không, không gò ép ở mọi định thước nào.
Sau khi Vạn Hạnh đã thẩm định lại một cách rõ ràng bằng con đường trực giác kiến tánh, siêu việt lên trên mọi hiện tượng, thực nghiệm những tương quan bằng con mắt trí tuệ sáng soi. Chỉ có điều nầy mới không tạo nên những xung khắc trong việc quân bình, bởi vì nó hình thành từ một siêu thể, siêu thức, vượt ra ngoài tri thức bình thường, làm sao có thể ngăn ngại được hướng đi của nó.
Những tổng hợp tư tưởng của Vạn Hạnh còn đi xa hơn Khổng Tử tìm ra cái “Đạo Nhất Quán” vì Khổng Tử chỉ dùng có suy tư và học tập – mà không qua chặng đường thực nghiệm – siêu thể như Vạn Hạnh. Và chặng đường để Vạn Hạnh thực hiện được còn gay cấn và độc đáo hơn nhiều. Không những không bị đồng hóa lệ thuộc, mà còn vượt lên trên rực rỡ nữa. Vạn Hạnh người đã dựng nên một nền Minh Triết Việt Đạo độc đáo cho Dân Việt, đánh tan đi ảnh hưởng của ngoại lai.
Theo sử gia Lê Văn Siêu, thiền sư Vạn Hạnh người đã sáng tạo ra và cho lưu truyền trong nhân gian huyền thoại rồng tiên và nguồn gốc họ Hồng Bàng, còn là Việt Đạo. sử gia Lê Văn Siêu viết “Qua câu chuyện huyền thoại về nguồn gốc Dân Tộc, ta thấy ở đấy cũng một mùi đạo hạnh uyên thâm cũng một giọng kín đáo mà thuần phác, cũng một ý răn dậy luân lý để nghiền ngẫm cho từ vua quan đến thứ dân, cũng một tinh thần xây dựng về lâu đài cho muôn thuở, cũng một trình độ lĩnh hội và tổng hợp của cả ba đạo Nho, Phật, Lão, và cũng một ý thức sáng tạo lớn là để phụng sự cho tiến phát của mối đạo và của Dân Tộc. Còn ai có thể ngờ được rằng tác giả thành Thăng Long lại không phải là tác giả của nguồn gốc họ Hồng Bàng ?
Tuy nhiên trong quan niệm nguồn gốc họ Hồng Bàng ta còn nhận thấy một dụng ý chính trị cao siêu là gây cho Dân Tộc niềm kiêu hãnh về nguồn gốc của mình, phá bỏ mặc cảm tự ti đối với Trung Hoa. Người Tàu nói có nguồn gốc từ Tam Hoàng, Ngũ Đế thì đây ta cũng có gốc gác từ vua Thần Nông, cha đẻ của nền văn minh nông nghiệp. Người Tàu nói giòng dõi của họ là con rồng (thuần dương) thì ta giòng dõi Rồng Tiên (vừa âm vừa dương) chẳng cao siêu hơn và tròn đầy hơn sao? Họ khoe bà Nữ Oa của họ đội đá vá trời và Bàn Cổ sinh ra từ khai thiên lập địa, thế họ không biết rằng ý thức của ta đã có như con chim bay giữa không gian (là cái nhà lớn) và thời gian (là con sông) chiết tự ở hai chữ Hồng Bàng ra hay sao ?
Thiền Sư Vạn Hạnh, Thiền Sư Vạn Hạnh ! Người ấy thì phải có công nghiệp nầy, mà công nghiệp này thì nhất định là chỉ có người ấy mới làm nổi.
Trận đánh quân Nam Hán của Ngô Quyền ở Bạch Đằng giang chỉ là một chiến công gieo ảnh hưởng trong một thời gian ngắn để sau phải có những trận đánh khác của Trần Quốc Tuấn, của Lê Lợi và của Nguyễn Huệ. Nhưng trận đánh về văn hóa của Sư Vạn Hạnh thì đã là một trận đại thắng gieo ảnh hưởng cho muôn đời về sau nầy của con cháu rồng tiên.
Sư Vạn Hạnh đã dàn một mặt trận văn hóa bao la trong cả không gian lẫn thời gian, khiến cho không một tư trào văn hóa ngoại lai nào có thể làm cho dân Việt quên quay đầu trở về gốc tổ.
Huyền thoại Hồng Bàng chỉ là một câu chuyện tưởng tượng để diễn đạt và truyền đi cái đạo sống Việt Nam. Cái đạo ấy tuy thoát thai ở Nho, Phật, Lão… Nó đã nhuốm một màu sắc Việt Nam. Nó đã được un đúc nên qua một cuộc thử thách lịch sử dài tới hơn một ngàn năm. Nó có một nội dung tròn đầy, phóng khoáng và siêu thoát nhưng cũng thiết thực, cụ thể, bình dân. Nó khoác một hình thái biến hóa khôn lường, hư hư, thực thực. Nó vô vi mà là hữu vi, hữu vi mà là vô vi, tranh đấu tích cực mà như là tiêu cực, tiêu cực mà thật là tích cực. Không phải là chiến để thắng mà là hòa để thắng, không phải thắng trong một ngày, một buổi, mà là thắng cho muôn đời về sau.
Đạo ấy đã ăn sâu, đã thấm nhuần trong lòng người lòng sông núi, trong tâm thức và phong thái Việt Nam và chính trong những lúc nguy ngập, trong những cơn quốc nạn, trong những giai đoạn máu lửa, trong những cuộc thử thách mất còn mà cái đạo nhiệm mầu, siêu việt, tròn đầy ấy lại hiện ra sáng đẹp như chưa bao giờ sáng đẹp hơn và linh diệu không thể nào lường được. Cái đạo ấy thể hiện gói trọn trong huyền thoại Tiên Rồng và huyền thoại Hồng Bàng xứng đáng được gọi là đạo Tiên Rồng đạo Hồng Bàng hay Việt Đạo.”
IV. THÀNH THĂNG LONG,
CÔNG TRÌNH SUY TƯ VÀ KIẾN TRÚC CỦA VẠN HẠNH.
Kinh thành Thăng Long là một tác phẩm vĩ đại dung chứa và biểu tượng của một tổng hợp Triết Lý độc đáo mà Thiền Sư Vạn Hạnh đã suy tư và dựng nên. Nó đặc trưng, thể hiện mọi phương diện từ Văn Hóa, Nghệ Thuật, Triết Lý, Chính Trị v.v… đâu đó đều in bóng dáng hùng vĩ của Vạn Hạnh, dù thời gian đã rêu phong, nhưng dấu chân người đã in đậm trên từng đường nét.
Vạn Hạnh thuyết phục vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La (sau đổi là Thăng Long) với mục đích bảo vệ nền độc lập lâu dài cho Dân Tộc. Vạn Hạnh thảo ra lời chiếu dời đô, theo lời chiếu, đất Hoa Lư là nơi “thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, vạn vật không nên”. Trong khi đó đất Đại La “ở giữa khu vực trời đất, có địa thế rồng quấn hổ phục, ở giữa Nam, Bắc, Đông, Tây, tiện hình thể núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật rất thịnh và phồn vinh !”
Bằng vào những tiên đoán và nhận định một cách siêu việt, ta thấy Vạn Hạnh ý thức mãnh liệt về sự hưng thịnh lâu bền của Dân Tộc. Ta có thể thấy được nền tảng vững chải từ những biểu tượng, đặc trưng, thể hiện về mọi lãnh vực Văn Học, Chính Trị, An Ninh, quốc phòng, thương mãi, đô thị, với lối suy tư độc dị của Vạn Hạnh áp dụng trong kiến trúc, không ai dám phủ nhận công nghiệp vĩ đại nầy, nếu không phải cúi đầu trước những mênh mang kỳ vĩ của sự hợp nhất trong ngoài.
Trong Nguồn Gốc Văn Hóa Việt Nam, tác giả Lê Văn Siêu đề cập đến công trình kiến trúc thành Thăng Long của Vạn Hạnh như sau: “Ta hãy xem cái đường vòng chạy chung quanh nội thành biểu tượng cho thái cực, hai nhánh sông Tô Lịch bên hữu có hồ Lãng Bạc là úng thủy, bên tả thông ra đường Lưu Thủy là sông Nhị Hà, đó là biểu tượng cho Lưỡng Nghi. Cung điện của vua ở giữa có bốn mặt đều nhau ấy là tứ tượng. Thêm bốn kiến trúc bốn cổng ấy là bát quái. Tất cả các đường đều bắt đầu từ vòng thái cực mà đi chi chít không biết bao nhiêu, ấy là biến hóa vô cùng vậy. Nhìn vào thế địa lý của Thành Thăng Long thì ta thấy cách sắp đặt qui mô của người xưa rộng rãi và sáng suốt không thể nào tưởng tượng nổi.
Nội thành đặt đúng trên núi Nùng, sau lưng là cái não thủy Tây Hồ, bên tả là Tam Đảo, bên hữu là Ba Vì, Tây Hồ (bên hữu) thuộc âm, bắt đầu bằng chùa Bát Mẫu chạy vòng tới dãy núi Ninh Bình, Thanh Hóa và ra đến cửa bể Thần Phù. Tây Long (bên tả) thuộc dương, bắt đầu bằng cửa ô Tam Phù (Yên Phụ) để chạy tới dãy núi Yên Tử – Đông Triều và Hương Hải (tức Hòn Gay bây giờ).
Trong nội thành cung điện sắp đặt theo đúng tám hướng: kiền, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài, ấy là cái thể dữ tứ thời hợp kỳ tự (cùng bốn mùa giao hợp mà sắp đặt trật tự) dữ quỷ thần hợp kỳ linh (cùng quỉ thần giao hợp mà linh thiêng). Chấn và Đoài (nghĩa là Đông và Tây) là dữ nhật nguyệt hợp kỳ minh (cùng với mặt trời mặt trăng hòa hợp mà cùng sáng). Khôn và Kiền (Tây Nam và Tây Bắc) là dữ thiên địa hợp kỳ đức (cùng với trời đất hợp cái đức của mình)
Mỗi hướng có một ý nghĩa và ở mỗi hướng lại có một sự xây dựng theo ý nghĩa đó.
Kiền ở (Tây Bắc) dĩ quân chi (chú vào việc quân) phải cứng rắn cương quyết thì có Giảng Võ Đường, có chùa Trấn Bắc, chùa Trấn Vũ có miếu Thành Hoàng, làng Hữu Tiệp (có tin thắng trận thì về báo).
Đối với Kiền và Tốn (ở Đông Nam) Tốn dĩ thuận chi (chủ vào việc Thuận Hảo) phải mềm dẻo thì có Văn Miếu, Trường Thi, Quốc Tử Giám, làng Văn Chương, chùa Long Hoa.
Khảm (ở chính Bắc) dĩ hãm chi, chủ dùng mưu mẹo thì có não thủy Tây Hồ.
Đối với Khảm là Ly (ở chính Nam) ly dĩ lệ chi, chủ sự sáng suốt, đẹp đẽ thì có Ô Kim Liên, làng Kim Liên (bông sen vàng rực rỡ).
Khôn (ở Tây Nam) dĩ tái chi, chủ lấy sự chịu đựng kiên nhẫn để thủ thắng thì có làng Thịnh Hào.
Đối với Khôn là Cấn (ở Đông Bắc) Cấn dĩ chỉ chi là việc nên ngưng thì phải ngưng lại ngay chớ tham thì có làng Nhật Tảo, Quảng Bá.
Đoài (ở chính Tây) dĩ nguyệt chi, lấy mềm dẻo làm cho bằng lòng và chịu theo thì có chùa Nhật Trụ (bông sen trong đạo Phật)
Đối với Đoài là Chấn (ở chính Đông) Chấn dĩ cổ chi, lo việc cổ động thì có chùa Thạch Cổ (cái trống bằng đá)
Kiến trúc sư Vạn Hạnh lấy đạo lý làm nguyên tắc xây dựng kinh thành đã nhìn bao quát được đến thế thì ta phải công nhận công việc kiến thiết của người là một tác phẩm vĩ đại. Tác giả cụ thể hóa Triết Lý Tam Giáo Nho, Phật, Lão và kiến trúc kinh thành để nhắc nhở nhà cầm quyền hãy lấy đạo trời mà trị nước và quyết định tất cả hành động của vua quân từ tiềm thức.”
Tổng quát cơ cấu kiến trúc kinh thành Thăng Long đã làm nổi bật lên lối kiến trúc tài tình siêu độc, một người kiến trúc sư dù tài ba cũng không làm nổi như Vạn Hạnh, ở đó chứa đựng cả nền triết lý tổng hợp đặc thù của Việt Nam mà Vạn Hạnh khai sinh và huân dưỡng cho hậu thế. Ta thấy Vạn Hạnh xử dụng Dịch lý của Nho giáo như là một kỹ thuật để phát huy và làm rõ nét, thể hiện giá trị siêu thể đặc thù của một chủ lực, đó là ý lực của nền Minh Triết Việt Phật.
Sự có mặt của những ngôi chùa trong đồ án kinh thành nầy, thể hiện mặt tư tưởng, nghệ thuật, như là một biểu hiện sáng ngời của Dân Việt, dùng ánh sáng tuyệt luân của Phật giáo hành hoạt cho mỗi tâm thức. Cái đa dạng và siêu thể trong tư tưởng Phật giáo, nổi bật hơn hết trong toàn bộ hệ thống tư tưởng của nhân loại. Và càng đa dạng hơn nữa khi Vạn Hạnh xử dụng trong lãnh vực chuyển hóa thực tại bằng phương thức nhập thế, cải tổ con người, tạo dựng một xã hội huy hoàng bằng chính cái tâm.
Nếu chúng ta ngồi ngắm nhìn thật sự công trình vĩ đại của Vạn Hạnh, không ai trong chúng ta là không khiếp đảm cúi đầu trước một con người quá hùng vĩ. Chỉ một Thiền Sư mà đã có được công nghiệp lẫy lừng giá trị cho muôn đời, nhờ thông đạt cái linh năng kỳ bí trong mỗi con người, hiển rõ lên cái tâm tương quan giữa đất trời, thâm sâu và mênh mang như hư không lồng lộng, rực rỡ như ánh sáng phi thường chiếu thẳng xuống vực sâu ngàn năm phong kín bởi bóng tối dày đặc. Vạn Hạnh con người vĩ đại, tuyệt luân, cả ngàn năm trước và sau chưa một ai có thể sánh bằng, giá trị tuyệt vời mà ngài đã để lại muôn đời tồn tại với núi sông, như lòng ngài đã gởi gấm từ thuở ban đầu với thủy chung vô tận.
V. TƯ TƯỞNG THIỀN CỦA VẠN HẠNH
Vạn Hạnh khơi dậy chặng đường giác ngộ thực chứng qua cửa ngõ của Bách Luận và Tam Ma Địa. Bách Luận chứa đựng toàn bộ tư tưởng thâm sâu của đại thừa, đó là một thứ khí giới sắc bén và vô cùng tối hậu trong việc đạp đổ những thành trì suy luận của trí thức, đập phá đến tận cùng những gì ngăn ngại, để làm hiển lộ nên cái tánh không tròn đầy.
Cả cuộc đời của Vạn Hạnh ta thấy phảng phất phong thái của Thiền Sư vượt thoát ra ngoài tử sinh, điểm nổi bật nhất là Vạn Hạnh ứng dụng thiền trong những công cuộc hưng phục giá trị văn học và nghệ thuật cũng như trị quốc một cách siêu việt. Ảnh hưởng nầy không những chỉ có giá trị ở một thời điểm mà còn mãi mãi cho cả một sinh mệnh của Dân Tộc. Dù rằng Vạn Hạnh không đăng đài thuyết pháp độ sinh, nhưng cuộc đời của Ngài đã là một bài thuyết pháp sống động và hiệu năng thâm sâu nhất. Chỉ có những cung cách nầy mới chuyển hoán lâu đời và chỉ có những cung bậc tương xứng mới bắt gặp ngôn ngữ im lặng nầy. Nó có giá trị ở những tâm linh có được sự thường nghiệm tra vấn với tự tâm may ra mới thấu hiểu được ngữ ngôn vô hành nầy.
Tư tưởng Thiền của Vạn Hạnh không thể dùng suy đoán của tri thức mà có thể vén mở được, bởi lẽ ngài chưa một lần hé mở cánh cửa tâm linh, đâu đó được bao bọc bên ngoài bằng những hoạt động tích cực trong mọi lãnh vực, mà chỉ có khả năng của một Thiền Sư trác việt mới làm nổi. Đến với ngài là phải đến với những thành quả như là một biểu tượng không lời mà Vạn Hạnh đã dựng nên. Thường nghiệm mãnh liệt thì cánh cửa nầy sẽ mở tung, như bầu trời cao in đậm hình hài của Vạn Hạnh.
Niên hiệu Thuận Thiên thứ 9 (1018) ngày rằm tháng 5 Sư viên tịch đi vào nơi vĩnh cửu. Vạn Hạnh đến đi trong cuộc đời, như một thăm hỏi, dừng lại để chuẩn bị cho một hành trình phụng sự chúng sanh khác.
Sự có mặt của Vạn Hạnh là làm sống lại sinh mệnh của dân tộc, và tiếp nối để đạt được thành công, những hoài bão của lớp Thiền Sư trước chưa thực hiện được. Vạn Hạnh đã tổng hợp và thắp sáng ngọn đuốc bùng tỏa ánh lửa soi sáng cho non sông trong suốt lịch trình tiến hóa. Dù rằng Ngài đã vào nơi yên nghỉ, nhưng đâu đó vẫn còn những lời nhắn nhủ chứa đựng trong hư không, âm ỉ trong lòng người, và thấp thoáng đâu đây bước chân của người đi theo với vận mạng muôn đời của đất nước. Ngài đã từng đưa dân tộc thoát ra khỏi một khúc quanh vĩ đại, lẽ nào bây giờ không một lần vì đại nguyện ngài không nỡ dấn thân nữa sao? Đất nước bây giờ đang ở trong hoàn cảnh bị thương, tương tợ như 1000 năm Bắc Thuộc bị đô hộ bởi người Tàu. Vận nước nghiêng ngửa, điêu linh, dân tộc khốn cùng. Dấu chân của ngài vẫn còn phảng phất đâu đây xin một lần ngài lộ diện cứu nguy dân tộc.
Bài kệ của Vạn Hạnh để lại:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thạnh suy vô bố uy
Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.
Dịch:
Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời
Sá chi suy thạnh việc đời
Thạnh suy như hạt sương sa đầu cành.
Nói xong, Sư lại bảo chúng “Các người cần trụ chỗ nào?” Ta chẳng lấy chỗ trụ mà trụ, chẳng y không trụ mà trụ.”
Qua bài kệ trên ta thấy được cái thực chứng siêu nghiệm về cuộc đời, trong đó mọi vật đều biến đổi, thân phận con người tựa như bóng chớp có đó rồi không, chỉ là giả hợp vay mượn tứ đại mà hình thành, một giờ khắc đi qua là cũ, sự tàn tạ đang quấy động. Những gì được gọi là thạnh hay suy cũng vô nghĩa như thân phận con người vô nghĩa trước ngưỡng cửa tử sinh. Sự hưng thạnh vốn đã ngầm chứa và ẩn bóng dáng suy vi trong đó, bởi lẽ đó không phải là thực thể thoát ra ngoài chi phối của thời không.
Vạn Hạnh cho chúng ta thấy rằng phải đối diện với nó trong nụ cười hùng tráng đừng bao giờ sợ hãi. Vì tự nó vốn là giọt sương ở đầu cành, chỉ cần cơn gió nhẹ thoáng qua sẽ vỡ ngay như thân phận ngàn đời mà nó đã khoác vào. Đối diện và không sợ hãi là cương lĩnh tối hậu trong việc quật tung để khám phá bóng dáng thật của tương quan. Một Vạn Hạnh độc nhất trong lịch sử Dân Tộc cũng từ những nguyên tố đối diện và không sợ hãi nầy mà thành tựu được sự nghiệp. Nếu sự trực diện và vô úy đó phù hợp với chân lý, không trở ngại cho hạnh nguyện độ sanh, thì chắc hẳn không màng đến sự dấn thân dù phải hy sinh tánh mạng cho đại cuộc. Vạn Hạnh đã vượt ra và đi trên cõi sống chết như là chặng đường đến đi không vướng gót.
Ngài thể nhập thâm sâu tinh yếu của Thiền, không trụ vào bất cứ ở đâu, trong hay ngoài, niết bàn hay tử sinh, nơi nào cũng phớt qua, như gió thoảng mây bay. Chẳng những Vạn Hạnh không trụ vào đâu cả mà ngay cái không đó cũng không bao giờ ta thấy có bóng dáng của Ngài, tất cả cũng chỉ là diệu dụng linh hoạt, hành nhưng vô hành, tâm không y trước vào huyễn tướng, không đắm chìm trong danh sắc, nên cuộc đời của những con người siêu dị nầy thong dong tự tại. Nơi nào lại không phải là quốc độ của các ngài? Không trụ vào bất cứ nơi đâu, bởi lẽ không có chỗ nào cần thiết để trụ, ngay cả cái không đó nữa. Nếu không khéo xử dụng cửa ngõ nầy ta lại rơi vào cái không khác bao bọc. Nó là vậy đó, sự có mặt nào nếu đặt lại cũng đều trở nên phức tạp và nghịch lý, nhưng phức tạp và nghịch lý cũng chưa hẳn là then chốt cột chặt ta trong ấy. Cần nhất là vượt lên trên những mâu thuẫn không bám vào đâu.
Vạn Hạnh thoát ly ra khỏi triều chính cũng từ những nguyên lý này, sự có mặt của ngài trong công cuộc xây dựng dân tộc, đâu đó được thịnh vượng ngài lại trở về với cái ban đầu mà ngài đã đến là cái không trụ. Vạn Hạnh thanh thoát và rỗng không như một lần cuối cùng trong cuộc đời bình thản với những vần kệ giá trị cho muôn đời.
Vua Lý Nhân Tông kết luận cuộc đời của Vạn Hạnh như sau:
Vạn Hạnh dung tam tuế
Chân phù cổ sấm thi
Hương quan danh cổ pháp
Trụ tích chấn vương kỳ
Nghĩa là:
Thiền Sư Vạn Hạnh hợp nhất được ba cõi, quá khứ, hiện tại, vị lai
Đúng với tinh thần tiên tri thời cổ xưa
Quê hương danh tiếng là Cổ Pháp (kinh đô Phật giáo Việt Nam tối xưa)
Thiền Sư đem gậy Thiền Học bảo vệ cho lãnh thổ quốc gia.
Lời thơ truy tán của vua Lý Nhân Tông cũng đủ để kết luận một con người phi thường nhất trong lịch sử Dân Tộc.
Như Hùng
Trích từ tác phẩm Thiền Sư và Tư Tưởng Giác Ngộ , xuất bản 1987
01-12-2010 04:23:15