Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hòa Thượng Thích Đạt Hảo

28/07/201107:23(Xem: 5796)
Hòa Thượng Thích Đạt Hảo


HT Thich Dat Hao
HÒA THƯỢNG THÍCH ĐẠT HẢO
 


I. THÂN THẾ


Hòa thượng Thích Đạt Hảo thế danh Lê Văn Bân, pháp danh Tánh Tướng, pháp hiệu Đạt Hảo, sanh năm Đinh Tỵ (1917), tại ấp Bình Hữu, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Gia Định (1). Sư là con út trong gia đình có 6 anh chị em, 2 người trai bốn người gái; đặc biệt cả nhà có 8 người đều lần lượt xuất gia tu hành:

-Phụ thân Lê Văn Bộn (1876- 1943), pháp danh Tánh Từ, pháp hiệu Đạt Bi.
-Mẫu thân Ngô Thị Cờ (1884-1941), pháp danh Tánh Niệm, pháp hiệu Đạt Phật.
-Chị thứ 2 Lê Thị Tình (1901-1970), pháp danh Tánh Hóa, pháp hiệu Đạt Đạo.
-Chị thứ 3 Lê Thị Ưa (1904- ?) pháp danh Tánh Viên, pháp hiệu Đạt Thông.
-Chị thứ 4: Lê Thị Luận (1907- ?), pháp danh Tánh Minh, pháp hiệu Đạt Quang.
Chị thứ 5 Lê Thị Nghị (1909- ?), pháp danh Tánh Hồng, pháp hiệu Đạt Tâm
-Anh thứ 6 Lê Văn Kỉnh (1915-1962), pháp danh Tánh Kỉnh, Pháp hiệu Đạt Xương.
-Em út là Hòa thượng Thích Đạt Hảo.

 II. THỜI KỲ HỌC ĐẠO
Hòa thượng đã nhiều đời gieo trồng đạo giải thoát, nên được sanh trong một gia đình trung nông, phúc hậu, giàu lòng từ bi vị tha, tôn kính Tam Bảo, chí xuất trần cũng thuận duyên. Năm Tân Dậu (2) (1921), Hòa thượng được phụ thân hướng dẩn tới chùa Pháp Minh, ấp Giồng Dứa, xã Đức Hòa Thượng, cầu xin tổ Liễu Lạc (1879-1937), truyền trao quy y giới, được ban cho pháp danh Tánh Tướng. Từ đó, hằng ngày đi chùa bái sám, tụng kinh. Thời  gian sau, nhân duyên hội đủ, bèn đảnh lễ Tổ cầu xuất gia, được ban pháp hiệu Đạt Hảo, thuộc thế hệ thứ 20 dòng phái Ngọ Đình, đời thứ 22 chi phái Cao Minh Tự, đời thứ 50 tông Thiên Thai Giáo Quán.

“Lòng từ bi, chí hướng xuất trần,
Chán Ta Bà, vượt bến mê tân,
Đường giải thoát lâng lâng nhẹ bước
Tầm đạo lý về chơn tự tánh”

Năm Quý Dậu (1933), Sư đã 13 tuổi, bổn sư cho thọ giới Sa Di, tại đại giới đàn chùa Pháp Hoa, xã Long Mỹ, huyện Mang Thít, Tỉnh Vĩnh Long. Khi đã lãnh thọ giới pháp xong, Sư càng thêm tinh tấn học tập kinh điển, luật Trường Hàng; miệt mài tập viết Hán Tự, do có hoa tay nên chữ Sư viết rất đẹp, mọi người đều ngợi khen. 
Ngày 19 tháng 2 năm Ất Hợi (1935), Sư đăng đàn thọ giới cụ túc, tại chùa Tôn Thạnh, Xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (3), do tổ Liễu Thiền (1885-1956) làm Đàn đầu hòa thượng.
 Sau khi thọ lãnh đầy đủ giới pháp, được phép của bổn sư, Sư bắt đầu du phương tham học. Trải qua khắp chốn tòng lâm, hể nghe đạo tràng nào có bậc cao tăng thiền đức xiển dương khai hóa, Sư đều tìm đến cầu học như: tổ Từ Phong (  ), chùa Giác Hải, Phú Lâm, quận Sáu, Sài Gòn. Tổ chùa Thiền Lâm, Gò Kén, tỉnh Tây Ninh. Rồi lại theo ba người chị là Ni trưởng Thích Nữ Đạt Đạo, Ni trưởng Thích Nữ Đạt Thông và Ni trưởng Thích Nữ Đạt Quang lên núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh, lập động Tam Cô cạnh chùa Hang, chuyên cần tu Thiền Quán. Sau khi Ni trưởng Đạt Quang viên tịch, Ni trưởng Đạt Đạo và Đạt Thông trở về quê nhà chùa Pháp Bảo. Riêng Sư tới núi Thiên Thai, tỉnh Bà Rịa tham học với tổ Huệ Đăng (4) (1873-1953).
“Bước không mỏi, trên đường học đạo;
Chân chẳng mòn, khắp dạo trần gian.
Thiền môn mở rộng thênh thang,
Đôi dép cũ, chiếc y vàng vững chí”.

III.  THỜI KỲ HÓA ĐẠO
Năm Giáp Tuất (1934), Sư vâng lời dạy bổn sư, về xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An xây dựng và trụ trì chùa Pháp Vân.
Năm Canh Thìn (1940), Sư trở về quê hương, cải gia vi tự lập thành chùa Pháp Bảo hiện nay.
Năm Nhâm Ngọ (1942), Sư hiệp cùng Ni trưởng Đạt Đạo khởi công xây dựng chùa Pháp Quang tại số 71, liên tỉnh lộ 5, phường Năm, quận Tám, Sài Gòn. Ngày 2 tháng 5 năm Ất Mùi (1955), chiến tranh giữa chánh phủ Ngô Đình Diệm và quân Bình Xuyên, chùa bị binh lửa tàn phá nặng nề. 
Năm Đinh Dậu (1957), Sư cùng các pháp lữ: Hòa thượng Đạt Hương, Hòa thượng Đạt Đồng, Hòa thượng Đạt Pháp tham dự khóa đào tạo trụ trì Như Lai Sứ Giả do Giáo Hội Tăng Già Nam Việt tổ chức tại chùa Pháp Hội, quận Mười, thành phố Sài Gòn.
Năm Quý Mẹo (1963), chánh quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, Sư hướng dẫn tăng ni, Phật tử quận Tám và giáo phái Thiên Thai tích cực tham gia đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, công bằng xã hội. Sư hợp cùng Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tiếp tục đấu tranh đối với chánh quyền Nguyễn Văn Thiệu, đòi dân chủ dân sinh và hòa bình độc lập cho dân tộc.
Năm Giáp Thìn (1964), Sư khởi công tái thiết lại chùa Pháp Quang. Đến năm Bính Ngọ (1966), làm lễ lạc thành vô cùng trọng thể, dưới sự chúng minh của Hòa thượng Thích Hành Trụ (5) (1903-1984) và Hòa thượng Thích Thiện Hoa (6)(1918-1973).
 Năm Đinh Mùi (1967), theo sự thỉnh cầu của Phật tử địa phương, Sư  đảm nhận công tác trùng tu chùa Châu Hưng tại xã Tam Phú, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định. Sau đó, Sư giao lại cho Hòa thượng Thích Đạt Đồng trụ trì, kế đến là đệ tử Thích Tắc Lãnh cư trụ cho đến ngày nay. Ngoài ra, từ năm 1966 đến 1996, Sư còn trùng tu, xây dựng thêm nhiều chùa khác như: chùa Quảng Tế tại Long Xuyên, chùa Pháp Hưng ở huyện Long Thành, chùa Pháp Thạnh ở huyện Đức Hòa, chùa Linh Phước ở quận Tám...
Năm Mậu Thân (1968), Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Viện trưởng viện Hóa Đạo trao quyết định cử Sư giữ chức Chánh đại diện Phật Giáo quận Tám, thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Năm Canh Tuất (1970), Sư tái thiết chùa Pháp Giới, tại phường Hai Mươi, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định. Năm Nhâm Tý (1972), Sư đề cử đệ tử Thích Huệ Văn giữ chức trụ trì; đồng thời khai mở Phật học viện Pháp Giới, thâu nhận 70 tăng sinh, trong tông phái Thiên Thai Giáo Quán. Sư giữ chức Giám viện, Thượng tọa Thích Tắc Trụ làm Phó Giám viện, Đại đức Thích Huệ Văn làm Thơ ký kiêm Chúng trưởng. Chương trình học tập do Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Thiên Thai Giáo Quán Tông giảng dạy.
Năm Tân Hợi (1971), Đại Hội Khoáng Đại Kỳ I tại chùa Pháp Hội, bầu ra Ban Trị Sự Giáo Hội Thiên Thai Giáo Quán Tông, Sư được suy cử chức Trị sự phó thường trực, Hòa thượng Thích Tắc Nghi làm Trị sự trưởng, trụ sở trung ương tại chùa Pháp Hội, quận Mười, Sài Gòn.
Từ năm 1973-1975, trong phong trào xây dựng Phật Giáo Đô Thành Miền Quảng Đức Sài Gòn, Ban Đại Diện Phật Giáo 11 quận nội thành hợp tại chùa Pháp Quang, thành lập Giáo Hội Liên Quận Đô Thành, suy cử Sư giữ chức Chủ tịch, Thượng tọa Thích Tắc Thành (7) làm Phó chủ tịch, Thượng tọa Thích Hiển Pháp (8) làm Tổng thơ ký, Thượng tọa Thích Thiện Tánh và các vị Chánh đại diện các quận làm Ủy viên.Mục đích của giáo hội này là:
-Đề nghị Hội Đồng Lưỡng Viện (9) gạn lọc loại bỏ vài nhân vật trong viện Hóa Đạo biến chất, cấu kết với Đế Quốc đi ngược với đường hướng Phật Giáo và dân tộc.
-Đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, hòa bình, độc lập cho dân tộc.
-Bảo vệ hiệp định Paris.
Năm Quý Sửu (1973), Đại Hội Khoáng Đại Thiên Thai Giáo Quán Tông lần thứ II, tại chùa Pháp Hội, Sư được toàn thể Đại Hội suy cử giữ chức Trị sự trưởng Hội Đồng Trị Sự Trung Ương cho đến ngày 4-11-1981, thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Năm Ất Mẹo (1975), khai mở Đại Giới Đàn tại chùa Pháp Giới, Sư được cung thỉnh làm Đàn Đầu Hòa Thượng, ban Kiến Đàn gồm có: chư vị Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Thích Thiện Hào, Thích Đạt Hương (10), Thích Tắc Phước, truyền trao ngũ giới, sa di giới và tỳ kheo giới cho 180 giới tử. Thời kỳ khó khăn sau đất nước mới được độc lập, đây là một giới đàn lớn và thành công về mọi mặt. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền nam hoàn toàn giải phóng, bắc và nam thống nhất đất nước, Ban Liên Lạc Phật Giáo Yêu Nước thành phố Hồ Chí Minh thành lập, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Chủ tịch, Hòa thượng Thích Hiển Pháp làm Tổng thơ ký, Sư được suy cứ chức Ủy viên chủ tịch đoàn kiêm Trưởng ban Phật Giáo Yêu Nước quận Tám. Sau này, Phật giáo 2 quận Bảy và Tám xác nhập thành quận Tám, Sư làm Trưởng ban Phật Giáo Yêu Nước quận Tám, Hòa thượng Thích Hồng Năng là Phó ban, Thượng tọa Thích Huệ Văn làm Thơ ký.
Từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 11 năm 1981, tại Hà Nội, Đại Hội Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam, Sư được suy cử vào Ủy viên Hội Đồng Chứng Minh Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Năm Nhâm Tuất (1982), Chánh đại diện Phật Giáo Quận Tám, Thích Huệ Văn cung thỉnh Sư làm Chứng Minh Ban Đại Diện.
Năm Đinh Mẹo (1987), đại hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Sư được Ban Thường Trực Hội Đồng Trị Sự nhiệm kỳ II và III (1987-1997) đề cử làm Ủy viên ban Tăng Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.  
Từ Năm 1984 đến 1994, Ban Đại Diện Phật Giáo quận Tám liên tục mở khóa An Cư Kiết Hạ, tại văn phòng  Ban Đại Diện chùa Pháp Quang, Sư được cử thỉnh làm Hóa Chủ kiêm Thiền Chủ.
 Từ năm 1964 đến năm 1996, Sư được tăng ni quy ngưỡng là bậc tòng lâm mô phạm, cung thỉnh làm Giới sư các đại giới đàn: chùa Pháp Liên huyện Bình Chánh (1964); chùa Pháp Quang quận Tám (1966), chùa Huệ Nghiêm huyện Bình Chánh (1969), chùa Linh Sơn quận Một (1970), chùa Quảng Đức tỉnh An Giang (1974), chùa Giác Sanh quận Mười Một (1978), chùa Ấn Quang quận Mười (1988), Đại Tòng Lâm tỉnh Bà Rịa (1992) và làm Đàn đầu hòa thượng các đại giới đàn: chùa Pháp Giới quận Tân Bình (1975), chùa Vĩnh Tràng tỉnh Tiền Giang (1995).Năm Bính Tuất (1996), Sư làm Chứng minh đại giới đàn chùa Thiên Khánh, do ban Trị Sư Tỉnh Hội Phật Giáo Long An tổ chức.
Không chỉ dừng lại ở những hoạt động Phật sư, Sư còn tham gia các hoạt động xã hội, công tác từ thiện, cứu trợ thiên tai bão lụt, giúp đỡ người nghèo, trẻ em mồ côi khuyết tật, vận động đóng góp xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa v.v... Sư cũng là một công dân yêu nước, đã góp phần xứng đáng vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, được nhà nước trao tặng thưởng Huân Chương Kháng Chiến hạng nhất, Huân Chương Kháng Chiến chống Mỹ hạng nhì. Ngoài ra, trong giai đoạn xây dựng đất nước sau chiến tranh, Sư được Ủy Ban Nhân Dân, Mặt Trận Tổ Quốc thành phố Hồ Chí Minh và quận Tám tặng nhiều bằng khen và giấy khen.

IV. THỜI KỲ VIÊN TỊCH
Năm Giáp Tuất (1994), Sư đã được 77 tuổi, niên cao sức yếu, nhưng tâm nguyện hộ trì Phật pháp không hề thay đổi, nên gắng sức làm lễ khởi công xây dựng mới chùa Pháp Bảo, tại quê hương huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Năm Bính Tý (1996), hoàn thành Đại Hùng Bảo Điện. Có chút bịnh nhẹ, dường như biết trước ngày giờ viên tịch, Sư liền trở về chùa Pháp Quang, hợp các đệ tử tăng ni lại di huấn: “Huynh đệ các con nên đoàn kết chung lo Phật sự, làm tròn nhiệm vụ Giáo Hội giao phó, hóa độ chúng sanh, nối thạnh Phật chủng. Thầy đã cử xong ban trụ trì tổ đình Pháp Bảo gồm có 11 vị, nên cố gắng xây cất hoàn thành hậu Tổ.” Di chúc xong, Sư chuyên tâm niệm Phật ngày đêm không dừng nghỉ. Vào lúc 14 giờ ngày mùng 9 tháng 8 năm Bính Tý, nhầm ngày 21 tháng 9 năm 1996, Hòa thượng an tường viên tịch, thế thọ 80 tuổi, tăng lạp 60 mùa.
“Nhịp tim ngừng đập kể từ đây,
Pháp Bảo, Pháp Quang vắng bóng Thầy.
Dáng đứng trưa hè im chênh chếch,
Nghiên sầu, bút lạnh trả ngàn mây.
Tam ngươn, truyền giáo còn đâu nữa,
Tứ quý, ban cho sữa pháp đầy.
Ngũ uẩn trả về cho tứ đại,
Thầy đăng Thượng Phẩm cỏi Phương Tây”.
Hội Đồng Chứng Minh, Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Ban Trị Sự Thành Hội Phật Giáo thành phố Hồ Chí Minh, Ban Đại Diện Phật Giáo quận Tám, hệ phái Thiên Thai Giáo Quán Tông và tứ chúng đệ tử cử hành tang lễ trang nghiêm long trọng tại chùa Pháp Quang, từ ngày 9 đến 15 tháng 8 năm Bính Tý (21-27/9/1996). Ban Chấp Hành Đảng Cộng Sản, Hội Đồng Nhà Nước, Ban Tông Giáo Chánh Phủ, Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam thuộc đoàn thể trung ương; Đảng Ủy, Ủy Ban Nhân Dân, Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc, Ban ngành đoàn thể thuộc thành phố Hồ Chí Minh; Các Ban Trị Sự tỉnh thành Phật Giáo, chư tôn đức tăng ni các tự viện, đoàn thể tín đồ Phật tử đều về dự lễ tang. Đặc biệt có tôn giáo bạn: Linh mục Phan Khắc Từ, các nhà thờ trong địa bàn quận Tám, quận Đức Hòa; đại diện Cao Đài Giáo, Hồi Giáo cũng đến kính viếng, phân ưu. Bảy ngày sau, cung tiễn kim quan đến đài hỏa táng tại chùa Pháp Bảo, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Linh cốt được nhập bảo tháp tại phía bên phải trước chùa Pháp Quang, bốn mùa hưong đăng thờ cúng.
Đệ tử gồm có các vị tiêu biểu như:
Thượng tọa Thích Tắc Lãnh, chùa Châu Hưng, Thủ Đức.
Đại đức Thích Tắc Bổn, chùa Pháp Bảo, Đức Hòa...
Sau  đó, Ni sư Thích Nữ Tắc Thinh tiếp tục xây cất Hậu tổ. Ngày 29 tháng 2 năm Đinh Sửu (1997), làm lễ khánh thành, làm tròn di chúc của Hòa thượng.



* TT Thích Tắc Phi (biên soạn)


Chú thích:
(1) Nay thuộc tỉnh Long An.
(2) Hòa thượng được 6 tuổi.
(3) Nay thuộc tỉnh Long An.
(4) Tổ Huệ Đăng thuộc đời thứ 41dòng thiền Lâm Tế, chi phái Liễu Quán, thế danh Lê Văn Hòa, pháp danh Thiên Thức, húy Thanh Kế, hiệu Huệ Đăng, quê ở xã An Dõng, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, miền trung Việt Nam.
(5) Sư thuộc đời thứ 42, chi phái Chúc Thánh, tông Lâm Tế, thế danh Lê An, pháp danh Thị An, hiệu Phước Bình, quê ở làng Phương Lưu, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, 12 tuổi xuất gia, 22 tuổi thọ giới cụ túc. Sư vào Nam tu học. Giới đức tinh nghiêm, giảng dạy tại các trường Phật hoc, Sư được suy cử chức Giám Luật Viện Tăng Thống, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Hội Đồng Chứng Minh Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Sư tịch ngày 29 tháng 10 năm Giáp Tý (1984), thế thọ 84 tuổi, tăng lạp 59 mùa.
(6) Viện trưởng viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
(7) Chánh đại diện Phật Giáo quận Bảy, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
(8) Chánh đại diện Phật Giáo quận Hai, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
(9) Viện Tăng Thống và viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
(10) Tông trưởng tông Thiên Thai Giáo Quán.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 6600)
Truyện của tôi không đáng gì mà phải ghi. Chỉ vì truyện ấy, hơn vài thập kỷ trước thập kỷ 2530 (1975-1985), có liên quan đến Phật giáo VN, lại bị hư cấu truyện và phim sai quá nên phải ghi. Nhưng ghi như dưới đây thì chỉ là có còn hơn không mà thôi.
09/04/2013(Xem: 7380)
Hòa Thượng thế danh Phan Công Thành, pháp danh Nguyên Trạch, tự Chí Công, Hiệu Giác Lâm, thuộc đời thứ 44 dòng thiền Lâm Tế, pháp phái Liễu Quán.
09/04/2013(Xem: 19557)
TUỆ SỸ, MỘT THIÊN TÀI CỦA VIỆT NAM : Thầy xuất gia từ thuở còn thơ và sống ở Lào, làm chú tiểu Sa Di sớm chiều kinh kệ, công phu bái sám, đó là bổn phận của người làm điệu, trong nếp sống nhà chùa. Dù chùa ở Lào hay Việt Nam cũng vậy, tụng kinh học luật là điều chính yếu của người xuất gia tu Phật. Bằng bản chất thông minh, thiên tư từ thuở nhỏ, cho nên sau khi xuất gia, Thầy đã miệt mài học hỏi kinh điển, siêng năng nghiên cứu nghĩa lý đạo mầu. Có lần được nghe quí Ngài kể lại, thời gian sống nơi chùa Lào, suốt ngày Thầy ở dưới bàn tượng Phật Bổn Sư thờ nơi chánh điện, để học kinh luật, sưu tra luận nghĩa, mà quí sư Lào sau một thời gian dạy dỗ, đã thấy được trí tánh thông minh của Thầy......
09/04/2013(Xem: 6877)
Khi viết về ông, tôi vẫn còn nguyên xúc động của lần đầu ra xứ Bắc tìm dấu tích về nhà trí thức Phật học này cho công trình biên khảo Chư tiền bối hữu công mà tôi đang thực hiện.Những mãng huyền thoại về cuộc đời của ông tôi được nghe qua nhiều người kể lại, mỗi nơi một ít, mỗi người thuật mỗi cách, đã gây cho tôi nhiều trăn trở, nghĩ suy và qua đó cảm nhận sâu sắc hơn về một nhân vật nhiều tài năng mà cũng đầy bất hạnh này.
09/04/2013(Xem: 6215)
Hòa Thượng Thích Thiện Thanh, thế danh Nguyễn Văn Sắc, nguyên quán làng Phú-Nhuận-Nha-Mân, tỉnh Sa-Ðét miền Nam nước Việt, sinh Năm Ất Hợi (1935). Song thân Ngài là Cụ Nguyễn Văn Xướng và Cụ Bà Huỳnh Thị Thâu.
09/04/2013(Xem: 6951)
Hòa thượng họ Võ, húy Trọng Tường, Pháp danh Tâm Phật, tư Tri Đức, hiệu Thiện Siêu, Hòa thượng sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Dậu (1921) trong môt gia đình thâm Nho tín Phật ở làng Thần Phù, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, thành phố Huế. Thân Phụ là C ông Võ Trọng Giáng, thân mẫu là Cụ bà Dương Thị Viết. Hòa thượng là con trưởng trong một gia đình có 6 anh em: 3 trai, 3 gái. Người em kế cũng xuất gia, đó là cố Thượng tọa Thích Thiện Giải, nguyên là Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Lâm Đồng; Trú trì chùa Phước Huệ - Bảo Lộc.
09/04/2013(Xem: 8462)
Thầy xuất thân trong một gia đình kính tín Tam bảo. Thầy là con út trong gia đình gồm 6 anh chị em. Cha là cụ Ông Lâm Sanh Thảo, một nhà trí thức yêu nước; Mẹ là cụ Bà Trần Thị Năm, một phật tử thuần túy và cũng là một người Mẹ mẫu mực đảm đang.
09/04/2013(Xem: 11436)
Thượng tọa Thích Chơn Thanh, thế danh Phan Văn Bé, sinh ngày 13 tháng 3 năm 1949 tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Kiến Phong, nay là tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là Cụ ông Phan Văn Vinh, thân mẫu là Bà Nguyễn Thị Mến. Thượng tọa có 06 anh em, 2 trai 4 gái, Ngài là anh cả trong gia đình.
09/04/2013(Xem: 23036)
Cuộc đời tu tập và hành đạo của Thầy Minh Phát là bức tranh minh họa hiện thực sinh động lời dạy của Ðức Phật: “Này chư Tỳ kheo! Hãy du hành vì an lạc, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài người”.
09/04/2013(Xem: 11850)
Thuở nhỏ lòng ưa cửa Ðạo, mến chuộng nếp áo phước điền, ngưỡng trông tịnh xá Kỳ Viên, tha thiết lòng cầu xuất tục. 16 tuổi, xuất gia học đạo chùa Tây An, Châu Ðốc trước tiên, gần quý Thầy hiền, trau dồi Phật tuệ, bang sài vận thủy, tu sửa đạo tràng; 27 tuổi, cầu thọ tam đàn. Kể từ đó tinh chuyên tu niệm.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]