Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trần Nhân Tông và tầm vóc của một thời đại

23/10/201008:12(Xem: 5779)
Trần Nhân Tông và tầm vóc của một thời đại


TRẦN NHÂN TÔNG
VÀ TẦM VÓC CỦA MỘT THỜI ĐẠI

Nguyễn Huệ Chi - Trần Thị Băng Thanh

Trong mười thế kỷ phong kiến Việt Nam, Trần Nhân Tông là một trong những ông vua giỏi và tài hoa bậc nhất. Lịch sử đã xem ông là “vị vua hiền” đời Trần, có công lớn trong sự nghiệp trùng hưng đất nước. Văn học sẽ nhớ mãi ông bởi những vần thơ thanh nhã, sâu sắc và không kém hào hùng.

Nhân Tông lên ngôi năm 1278, mới hai mươi tuổi. Nhà Trần lúc này đã bước vào thời kỳ ổn định, đất nước hoà bình, nông nghiệp phát triển, luật pháp thi cử học hành đều đã vào nề nếp… Một thời kỳ thịnh trị bắt đầu. Song khó khăn đối với ông vua trẻ lại là cái áp lực dồn tới từ phương Bắc. Nhà Nguyên đã diệt xong nước Tống, bắt đầu tính đến Việt Nam, thường xuyên gây sức ép và cuối cùng là hai cuộc xâm lăng năm 1285 và 1288. Chưa đầy năm năm phải đương đầu với hai trận tấn công ồ ạt của “giặc mạnh” có đủ quân thuỷ, quân bộ, quân kỵ và mỗi lần con số đều không dưới 50 vạn không phải là việc dễ, trong khi phần lớn thế giới từ Âu sang Á lúc ấy đều đã bị khuất phục nhanh chóng dưới vó ngựa đạo quân Mông Cổ cực kỳ thiện chiến và hung hãn này. Song Trần Nhân Tông đã cố kết được lòng dân, phát huy được năng lực của các tướng, động viên được tài trí của cả nước đánh thắng giặc, bảo vệ toàn vẹn nền độc lập cho nước nhà. Quả là trong kháng chiến chống ngoại xâm, ông là một anh hùng tiêu biểu. Công lao của những tướng lĩnh kiệt xuất như Trần Quốc Tuấn... không thể phủ nhận, vai trò cố vấn của vị Thượng hoàng dày dạn kinh nghiệm là Trần Thánh Tông cũng khó lòng coi nhẹ, nhưng ở vị trí một người lãnh đạo tối cao, Trần Nhân Tông mới chính là linh hồn của cuộc chiến. Bằng phong thái ung dung tự tại trong tầm nhìn và trong chỉ đạo chiến lược, ông đã đem lại cho quân dân nhà Trần niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng.

Những năm sau đó, bước vào công cuộc xây dựng lại đất nước đã bị tàn phá, Nhân Tông một mặt lo tổng kết việc đánh giặc thưởng công, ghi Trung hưng thực lục, một mặt lo tiếp tục đối phó với cuộc tấn công phục thù của địch, vận dụng một cách hoàn thiện cả hai nguyên tắc mềm dẻo và cứng rắn trong nhiều lần vất vả giải quyết các yêu sách ngang ngược của sứ bộ nhà Nguyên, đồng thời lo làm sao cho nước mạnh dân giàu. Có thể nói, hơn mười bốn năm làm vua (1278-1293), cũng là suốt cả thời trai trẻ, Nhân Tông đã dành hầu hết tâm sức cho chỉ hai mục tiêu liên thông chặt chẽ với nhau : cơ đồ xã tắc vững bền và nhân tâm an lạc. Thông thường, khi một giai đoạn lịch sử đã đóng lại, đời sau dễ phát hiện những ưu khuyết điểm của người xưa, dễ dàng chỉ ra những việc nên làm và không nên làm… Song, nếu nghĩ rằng Trần Nhân Tông thuở đó chỉ mới trên dưới ba mươi tuổi, đã phải gánh vác trách nhiệm quyết định những việc lớn lao liên quan đến chuyện mất còn của cả dân tộc thì mới thấy hết bản lĩnh và tầm vóc của ông. Nhất là khi đối thủ mà ông phải đương đầu chẳng phải một kẻ địch hạng xoàng ! Hốt Tất Liệt vốn là một tướng cầm quân lão luyện, giặc Thát lại là một đội quân ngang dọc vẫy vùng. Và sau khi đã làm chủ mảnh đất Trung Hoa, “chúa tể Đại Nguyên” còn tập hợp được cả một đội ngũ đông đảo văn thần người Hán, nhiều người từng là nhà ngoại giao, chính khách sừng sỏ, “tận trung” bày mưu tính kế. Có xét đến những hoàn cảnh cụ thể như vậy mới hiểu hết được tính cách mạnh của Trần Nhân Tông, bộc lộ ra ở cả tư tưởng và hành vi trong nhiều thời điểm có ý nghĩa bước ngoặt lịch sử, rất cần sự quyết đoán, cái nhìn sáng suốt ở một người như ông.

Vào khoảng cuối 1284 đầu 1285 sau khi cuộc chiến lần thứ nhất diễn ra chỉ mới chừng mươi ngày, mặt trận Khâu Cấp - Nội Bàng đã tan vỡ và đại quân Trần phải lùi về Vạn Kiếp. Trên con thuyền chạy ra Hải Đông nhằm tránh mũi dùi tấn công của giặc, giữa lúc quần thần không khỏi hoang mang, Trần Nhân Tông đã viết vào đuôi thuyền hai câu :

會 稽舊 事 君須 記

驩 愛猶 存十 萬 兵

Cối Kê cựu sự quân tu ký,
Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh
(Cối Kê việc cũ ngươi nên nhớ,
Hoan Diễn còn kia mười vạn quân).

Hai câu thơ, có lẽ chỉ nhằm trấn an những bề tôi nào đó cùng đi trên thuyền, nhưng đã lan truyền rất nhanh như một thông điệp về tinh thần tự chủ kỳ lạ của người đứng đầu xã tắc. Một nghìn quân còn lại trên núi Cối Kê của Việt Vương Câu Tiễn ở thời Chiến quốc, ngỡ bị quân Ngô dồn đến chân tường, vậy mà về sau đã lại dấy lên, đánh bại đội quân hùng mạnh của nước Ngô. Gợi một điển tích cũ để bày tỏ niềm tin vững chắc của mình vào triển vọng của đất nước lúc bấy giờ, trong tình thế nghìn cân treo sợi tóc, đồng thời Trần Nhân Tông cũng nhắc người nghe đừng quên mất thực tế là vùng hậu phương Thanh - Nghệ lực lượng hiện vẫn chưa suy suyển. Nhưng còn quan trọng hơn là cái dung lượng triết lý mà câu nói của ông chứa đựng. Với hình thức thi ca chứ không phải chiếu lệnh, Nhân Tông như muốn truyền vào người tiếp nhận cùng lúc nguồn cảm hứng lãng mạn của một thi nhân và con mắt nhìn động của một triết nhân, để họ nhận rõ xu thế chuyển hóa bên trong của cái hiện thực rối bời trước mắt. Một sự kiện Cối Kê sẽ được lặp lại trong cuộc chiến đấu tưởng như rất bất lợi nhưng lại đang diễn ra trên mảnh đất mà chính dân Nam mới đích thực là người chủ còn kẻ địch chỉ là “bất tốc chi khách” – ông khách không mời mà đến, điều ấy cả ông và Trần Quốc Tuấn đều đã lường thấy. Có điều, nếu Trần Quốc Tuấn bày tỏ sự thấy bằng cái cách của con nhà tướng, đem đầu ra đánh cược với Trần Thánh Tông, thì Trần Nhân Tông lại thể hiện nó bằng tầm bao quát tinh xác tương quan lực lượng trên khắp mọi mặt trận khi đó, cả trước mặt mình và khuất xa sau lưng mình. Chưa nói đến đức bình tĩnh hiếm có, chỉ nội dung của lời thông báo cũng đủ chứng tỏ năng lực một con người lãnh đạo kỳ tài.

Cũng với niềm xác tín phi thường như thế ta lại thấy buột thốt ra trong hai câu thơ của Trần Nhân Tông vào ngày khải hoàn, khi ông đến bái yết lăng tẩm ông nội, giữa lúc dấu tích chiến tranh để lại còn ngổn ngang. Hai câu thơ như một âm hưởng vĩ thanh hoà điệu với hai câu thơ trên con thuyền chạy giặc ngày nào mà sự đối lập động và tĩnh ở đây tưởng như ngược với trước, kỳ thực là hoàn toàn thống nhất :

社 稷兩 回勞 石 馬

山 河千 古奠 金 甌

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.
(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá,
Non sông nghìn thuở vững âu vàng).

Rõ ràng, cái động nhất thời do kẻ địch gây ra dù có ghê gớm đến đâu cũng đã bị lịch sử phủ định. Thực tế đất nước đã vận động đúng như suy đoán tài tình của nhà vua lúc chiến tranh vừa khởi sự để trở lại thế tĩnh cân bằng.

Phải nói, niềm xác tín lịch sử của Trần Nhân Tông có được chính là xuất phát từ cái nhìn hết sức nhân bản đối với người và việc trong thời đại ông. Ông tin ở phẩm chất hướng thiện của mọi con người kinh qua thử thách thực tiễn, hay đúng hơn, ông không hề xem xét con người một cách đơn nhất hóa. Trong hội nghị tướng lĩnh ở Bình Than năm 1282 mà ông đích thân chủ trì nhằm đối phó với nguy cơ quân Nguyên Mông gây hấn, vừa bắt gặp chiếc thuyền bán than của Trần Khánh Dư – một tướng tài nhưng cũng lắm tật – lướt qua bên đoàn thuyền chiến, Trần Nhân Tông đã có ngay lệnh chỉ tha tội cho Dư, gọi Dư lại và cho lại được dự vào hàng tướng soái cầm quân. Thái độ bao dung của vị Hoàng đế thực không uổng phí: rồi đây Phó tướng Trần Khánh Dư sẽ lập công xuất sắc ở nhiều chiến trận. Thái độ bao dung ấy còn gây một không khí cởi mở trong tầng lớp quý tộc vương hầu, khiến họ càng xích lại gần nhau, để toàn tâm toàn ý sống mái với giặc.

Cũng vậy, sau ngày kéo quân khải hoàn về Thăng Long (1288), bắt được một hòm thư biểu của không ít vương hầu quan lại từng vì nao núng mà xin hàng Thoát Hoan, biết tình thế muôn phần gay go của những ngày nước sôi lửa bỏng khiến có lúc xa giá triều đình cũng phải mặc ai nấy chạy; lại cũng thừa hiểu tâm lý con người thường tục ai mà chẳng có chỗ tham sống sợ chết; nên sau khi đã định công khen thưởng (1), tuân lệnh Thượng hoàng Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông liền cho đốt ngay hòm biểu kẻ thù bỏ lại nhằm “giữ yên lòng người”. Với hành vi “xé bỏ lý lịch” kiểu đó, dám chắc đây là một thời đại nhân hậu vượt lên mọi luật lệ khuôn phép, mà tính đến tận hôm nay có dễ cũng là một thời đại có một không hai.

Không chỉ có thế. Chính trong những tháng ngày bôn ba đánh giặc, Trần Nhân Tông còn nhận chân ra một sự thực : chỉ ở những đám người “chân đất” mới thực giàu phẩm chất trung thành tận tụy mà không chút tính toán so đo. Hộ vệ ông đến cùng chính là “bọn ấy” và cũng chính ông được “bọn ấy” dâng cơm hẩm trên con đường rút chạy phải nhịn đói từ sáng đến chiều. Nhận thức về cái cao quý của người nghèo hèn đã in sâu vào trực giác của ông nên sau này, trở lại ngai vàng, hễ mỗi lần gặp gia đồng của các vương hầu ông đều ân cần thăm hỏi ; khi trị tội những kẻ đã cam tâm làm tay sai cho giặc, ông chủ trương “chỉ lính tráng và dân thường là được miễn tội chết” (Đại Việt sử ký toàn thư); ông cũng đem những điều chiêm nghiệm đã đúc thành chân lý ra dụ bảo bề tôi : “Ngày thường thì có thị vệ tả hữu, nhưng khi quốc gia hoạn nạn chỉ có bọn chúng là có mặt” (Đại Việt sử ký toàn thư). Đấy hẳn là một nhận thức cơ bản trong ý thức Trần Nhân Tông, có vị trí cao hơn mọi tư tưởng cao siêu nào hết, làm nên bệ đỡ cho cả một thời đại nói như Trần Quốc Tuấn : “vua tôi chung sức đồng lòng”.

Đối với phần cuối cuộc đời ông vua anh hùng, kể từ sau năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con lên giữ chức Thượng hoàng, rồi vài năm sau ông chính thức xuất gia, trở thành vị tổ thứ nhất dòng Thiền Trúc Lâm, vào tu hạnh đầu đà ở Yên Tử cho đến khi viên tịch, đã có nhiều cách lý giải khác nhau của hậu thế. Ngô sĩ Liên thì cho là ông đã “đi tìm siêu thoát”, trái với đạo Trung dung của Khổng Mạnh (Đại Việt sử ký toàn thư). Tăng Hải Hoà tức Nguyễn Đăng Sở ở thế kỷ XVIII lại liên tưởng xa hơn, rằng thực chất Nhân Tông tìm lên Yên Tử là để chọn một vọng gác tiền tiêu bao quát vùng Đông Bắc. Bởi tuy “trong nước vô sự nhưng ở phía Bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, chưa được an tâm... Cho nên nhằm được ngọn Yên Tử là núi cao nhất, phía Đông nhìn về Yên Quảng, phía Bắc liếc sang hai tỉnh Lạng, dựng lên ngôi chùa, thời thường dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm. Thật là một vị Vô lượng lực Đại thế chí Bồ Tát” (Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh).

Thoạt nhìn, cả hai lời giải đáp trái ngược nhau xem ra đều có những mặt hữu lý. Tuy nhiên, xét từ phương pháp tư tưởng, cả Ngô Sĩ Liên và Nguyễn Đăng Sở lại cùng chung một nhầm lẫn là chỉ thuần dựa trên những hệ quy chiếu chủ quan, không đếm xỉa gì đến tiến trình tư tưởng nội tại của vị Hoàng đế nhà Trần. Việc Trần Nhân Tông xuất gia vốn là sở nguyện của cả đời ông, phát lộ ngay từ còn trẻ. Ông không bao giờ quên cảnh giác với mưu ma chước quỷ của Thiên triều, chắc chắn là thế, nhưng thiết tưởng ông cần gì làm cái chuyện khoác áo cà sa để giấu giếm những hoạt động “tình báo” trên đất mình. Cách giải thích “chính trị hoá” của Nguyễn Đăng Sở vì thế khó có thể chấp nhận. Song Trần Nhân Tông đi tu phải chăng là đi tìm siêu thoát ? Không ! Nếu chỉ tìm đường siêu thoát cớ sao đã đi tu ông còn triệu tập quần thần về Thiên Trường định bàn chuyện phế lập khi bắt gặp Trần Anh Tông say rượu bỏ bê chính sự (1299) ? Hoặc giả, sau khi vân du nhiều vùng miền trong nước, ông còn sang tận Chiêm Thành trong 9 tháng trời, xem xét tình hình nước Chiêm và bàn chuyện tác hợp Huyền Trân Công chúa với vua Chiêm Chế Mân (1301) ? v.v. và v.v...

Chỉ có thể làm sáng tỏ những mắc mớ như trên khi ta đặt Trần Nhân Tông vào trong cùng chuỗi cả một hệ phái Thiền mang nặng cảm thức nhập thế của Việt Nam. Trước Trần Nhân Tông đến hơn 300 năm, Thiền sư Pháp Thuận (915 - 990) đã từng khuyên vua Lê Đại Hành : “Vô vi trên điện gác / Chốn chốn tắt đao binh”. Vô vi, trong nghĩa từ nguyên của thuật ngữ, không phải là không làm gì mà trái lại, làm bất cứ việc gì thuận theo quy luật tự nhiên, hay nói như vua Lý Nhân Tông khuyên Thiền sư Mãn Giác (1052 - 1096) “Không việc gì không làm, chẳng những đắc lực về Thiền định mà cũng có công giúp đỡ nhà nước” (Thiền uyển tập anh). Kế thừa người đi trước, Trần Nhân Tông đã đề xuất phương châm “cư trần lạc đạo” – ở giữa cõi trần mà vui đạo, cũng là một khái niệm vô vi được vận dụng cụ thể hoá trong bối cảnh lịch sử phức tạp và vĩ đại buổi thịnh Trần. Và nhà vua đã bỏ hai phần ba cuộc đời giữ trọng trách “vỗ yên dân chúng” chính là thuận theo cái lẽ sống “cư trần lạc đạo” ấy . Cũng như ông nội và thân phụ, trong tư cách một con người lịch sử ông ý thức được quy luật lịch sử và trách nhiệm trước lịch sử của cá nhân mình. Ông đang thực hiện vô vi ngay trên ngai vàng. Khi ông rời triều đình lên Yên Tử, con người nhập thế tất nhiên vẫn còn (chứ làm sao triệt tiêu ngay được?!). Tuy vậy, lại cũng bởi là người nắm vững hơn ai hết quy luật sinh lão bệnh tử của tự nhiên, Trần Nhân Tông đã biết cách chủ động truyền trọng trách thế sự lại cho Hoàng tử trưởng là Anh Tông kế tục, và mục tiêu vô vi giờ đây là thung dung đi tìm niềm vui của sự “giác ngộ”, cũng là tìm lời giải đáp cho những câu hỏi lớn : Con người là ai ? Từ đâu đến và cuối cùng đi đâu ? Thế giới có hay không ? Thật hay ảo ?... Những câu hỏi ấy loài người đặt ra từ rất sớm, và cũng từ rất sớm con người đã luôn cố gắng tìm câu trả lời. Giống như Thích-ca-mâu-ni tìm ra đáp án thế giới gồm trong “ngũ uẩn”, kể cả tâm cả vật – sắc, thụ, tưởng, hành, thức, chúng ta không loại trừ ở Trần Nhân Tông – giờ đây đã mang pháp danh Trúc Lâm Đại Đầu đà – niềm khát khao được toả sáng trí tuệ theo cách riêng của ông trước những câu hỏi loại này để từ con người vô minh của nhân thế thật sự trở thành một người tự do (Cõi trần vui đạo hãy tuỳ duyên / Đói cứ ăn no, mệt ngủ yên / Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm / Vô tâm trước cảnh hỏi gì thiền – Cư trần lạc đạo phú) ; nhờ đó ít nhiều ông gầy dựng cho Thiền phái Trúc Lâm một cơ sở triết thuyết nó là nền tảng vũ trụ quan và nhân sinh quan của xã hội thời thịnh Trần. Về phương diện này nữa, gương mặt Trần Nhân Tông cũng phản ánh tầm vóc của một thời đại lớn trong lịch sử.

Hà Nội 27 - 11 - 2008
Nguyễn Huệ Chi - Trần Thị Băng Thanh


Mấy bài thơ của Trần Nhân Tông
(Lời bình của Nguyễn Huệ Chi):

春 景

楊 柳 花 深 鳥 語遲

畫 堂 簷 影 暮 雲飛

客 來 不 問 人 間事

共 倚 欄 杆 看 翠微

Phiên âm:

XUÂN CẢNH

Dương liễu hoa thâm, điểu ngữ trì,
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi.
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Cộng ỷ lan can khán thúy vi.

Dịch nghĩa :

CẢNH XUÂN

Trong khóm hoa dương liễu rậm, chim hót chậm rãi,
Dưới bóng thềm ngôi nhà chạm vẽ, mây chiều lướt bay.
Khách đến chơi không hỏi việc thế tục,
Cùng đứng tựa lan can ngắm màu xanh mờ mịt ở chân trời.

Dịch thơ :

Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày,
Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay.
Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,
Cùng tựa lan can nhìn núi mây.

Huệ Chi dịch

二 月 十 一 夜

歡 伯 澆 愁 風 味長

桃 笙 竹 簟 穩 龍床

一 天 如 水 月 如晝

花 影 滿 窗 春 夢長

Phiên âm:

NHỊ NGUYỆT THẬP NHẤT DẠ

Hoan bá kiêu sầu phong vị trường,
Đào sinh, trúc đạm, ổn long sàng.
Nhất thiên như thuỷ, nguyệt như trú,
Hoa ảnh mãn song, xuân mộng trường.

Dịch nghĩa :

ĐÊM MƯỜI MỘT THÁNG HAI

Chén rượu rửa mối sầu có phong vị nồng đậm mãi,
Chiếc chiếu “đào sinh” (ở Tứ Xuyên) bằng trúc yên ổn trên giường rồng.
Trời trong như nước, trăng sáng như ban ngày,
Bóng hoa tràn ngập cửa sổ, giấc mộng đêm xuân triền miên.

Dịch thơ :

Rượu tưới sầu tan, vị đậm đà,
giường rồng, chiếu trúc trải bày ra.
Trời trong như nước, trăng vằng vặc,
Giấc mộng xuân dài dưới bóng hoa.

Trần Lê Văn dịch

天 長 晚 望

村 後 村 前 淡 似煙

半 無 半 有 夕 楊邊

牧 童 笛 裡 歸 牛盡

白 鷺 雙 雙 飛 下田

Phiên âm :

THIÊN TRƯỜNG VÃN VỌNG

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu, tịch dương biên.
Mục đồng địch lý quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền.

Dịch nghĩa :

NGẮM CẢNH CHIỀU Ở THIÊN TRƯỜNG

Trước thôn, sau thôn đều mờ mờ như khói phủ,
Bên bóng chiều, cảnh vật nửa như có nửa như không.
Trong tiếng sáo, mục đồng lùa trâu về hết.
Từng đôi cò trắng hạ cánh xuống đồng.

Dịch thơ :

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiều dường có lại dường không.
Mục đồng sáo vẳng, trâu về hết,
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

Theo bản dịch Ngô Tất Tố

Bài thơ tả cảnh một buổi chiều ở phủ Thiên Trường (Nam Định) nhưng cũng là giải đáp một câu hỏi về hai phạm trù Thiền học “có” và “không” cho chính nhà thơ. Hai câu đầu, buổi chiều hiện ra trong trạng thái “tĩnh” và mờ mờ ảo ảo khiến người ngắm cảnh giằng mắc trong cái cảm giác “có” và “không” lẫn lộn của hiện hữu. Nhưng chợt từ xa hình ảnh một chú bé chăn trâu đi gần lại với tiếng sáo véo von, đánh thức ấn tượng rõ rệt về cái “có” – sự hiện hữu muôn đời của làng quê Việt Nam – trong tâm trí tác giả. Thêm vào đấy lại một đàn cò trắng lấp loáng bay xuống giữa đồng. Cái “có” lần lượt đánh bạt cái “không” thì cũng chính là trước mắt người ngắm cảnh, cái “động” đang thay thế cho cái “tĩnh”.

武 林 秋 晚

畫 橋 倒 影 蘸 溪 橫

一 抹 斜 陽 水 外 明

寂 寂 千 山 紅 葉 落

濕 雲 如 夢 遠 鐘 聲

Phiên âm :

VŨ LÂM THU VÃN

Hoạ kiều đảo ảnh, bán khê hoành,
Nhất mạt tà dương thuỷ ngoại sinh.
Tịch tịch thiên sơn hồng lạc diệp,
Thấp vân như mộng, viễn chung thanh.

Dịch nghĩa :

CHIỀU THU Ở VŨ LÂM

Chiếc cầu chạm vẽ in ngược bóng vắt ngang dòng suối,
Một vệt nắng chiều rực sáng bên ngoài ngấn nước.
Nghìn núi lặng tờ, lá đỏ rơi,
Mây ướt giăng như mộng, tiếng chuông xa vẳng.

Dịch thơ :

Lòng khe in ngược bóng cầu hoa,
Hắt sáng bờ khe, vệt nắng tà.
Lặng lẽ nghìn non rơi lá đỏ,
Mây giăng như mộng, tiếng chuông xa.

Trần Thị Băng Thanh dịch

Khung cảnh một chiều thu được nhà thơ vẽ lên bằng hình ảnh phản chiếu qua một con suối, ở đó cái gì cũng đảo ngược : bóng cầu, vệt nắng... rất đẹp nhưng hình như không thật. Điểm thêm vào đó là cái nền mây trùm lên cảnh vật mờ ảo như trong giấc mộng trong đó có những lá đỏ đang rơi nhè nhẹ và tiếng chuông vẳng tới từ rất xa. Tất cả, như muốn nói lên cái cảm quan Thiền về “thật” và “ảo” trong tâm hồn tác giả.

餽 張 顯 卿 春 餅

柘 枝 舞 罷 試 春 衫

況 值 今 朝 三 月 三

紅 玉 堆 盤 春 菜 餅

從 來 風 俗 舊 安 南

Phiên âm :

QUỸ TRƯƠNG HIỂN KHANH XUÂN BÍNH

Giá chi vũ bãi, thí xuân sam,
Huống trị kim triêu tam nguyệt tam.
Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bính,
Tòng lai phong tục cựu An Nam.

Dịch nghĩa :

TẶNG BÁNH NGÀY XUÂN CHO SỨ BẮC TRƯƠNG HIỂN KHANH

Múa giá chi xong, thử tấm áo ngày xuân,
Huống nữa hôm nay lại gặp tiết mồng ba tháng Ba.
Bánh rau mùa xuân như ngọc hồng bày đầy mâm,
Đó là phong tục của nước An Nam xưa nay.

Dịch thơ :

Múa giá chi rồi thử áo xuân,
Hôm nay hàn thực, buổi thanh thần.
Bánh rau đầy đặn như hồng ngọc,
Nước Việt, tục này theo cổ nhân.

Trần Lê Văn dịch

Một bài thơ tiếp sứ trình bày vẻ đẹp của phong tục đất nước để khách thưởng lãm, có bánh, có rau, có điệu múa cổ “giá chi” và trang phục mùa xuân của nghệ sĩ đang múa. Người làm thơ khiêm nhường với những lời nhã nhặn, nhưng đã phác hoạ lên cả một bề dày văn hoá mà thấp thoáng đằng sau là ánh mắt tự hào về bản sắc riêng của dân tộc mình.

CHÚ THÍCH

(1) Trong cuốn Trần Nhân Tông toàn tập, nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát cho rằng trong lần định công khen thưởng này “Đỗ Hành, người bắt được Ô Mã Nhi tại trận thuỷ chiến Bạch Đằng, đã không được tước cao, vì đã không đem Ô Mã Nhi dâng cho Trần Nhân Tông mà lại đem dâng cho Thượng hoàng Trần Thánh Tông”, và “Hưng Trí vương Nghiễn không được thăng trật do hăng say đón đánh bọn giặc Nguyên trên đường tháo chạy về nước sau khi đã có lệnh của vua Trần Nhân Tông không được cản trở chúng”, những sự việc ấy “muốn xác định cho ta biết ai là người lãnh đạo tối cao của đất nước” (tr. 160). Chúng tôi nghĩ, hai sự kiện đã nêu chỉ mới chứng tỏ Trần Nhân Tông là người trực tiếp chỉ huy hai cuộc chiến tranh tự vệ chống quân Nguyên, còn vai trò lãnh đạo tối cao đối với đất nước, kể cả trong chiến trận, thì theo truyền thống của nhà Trần, vẫn thuộc về Thượng hoàng Trần Thánh Tông. Cần nhớ rằng người điều khiển cuộc định công ban thưởng này cũng là Trần Thánh Tông chứ không phải Trần Nhân Tông. Chủ trương đốt bỏ hòm biểu của những vương hầu hàng giặc cũng là Trần Thánh Tông, những lệnh chỉ trị tội Trần Khánh Dư khi ông thua trận Vân Đồn, và tiếp đấy tha tội cho ông sau khi ông lập công đánh tan thuyền lương Trương Văn Hổ đều là do Trần Thánh Tông ban bố, và ngay Đại Việt sử ký toàn thư cũng không hề nói Trần Nhân Tông hay Trần Thánh Tông là người đưa ra quyết định không truy đuổi tiếp đội quân Nguyên rút theo đường bộ nữa. Bởi vậy, việc ban thưởng cho các tướng đến bậc nào và ai không được ban thưởng chắc chắn là tuân thủ những nguyên tắc đã vạch sẵn chứ không tuỳ tiện theo ý cá nhân Trần Nhân Tông được. Cách nói như trên e không làm cho người đọc thấy vai trò lớn lao của ông mà trái lại có thể làm nhỏ ông đi trong mắt người đọc

NGUỒN : bài đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 30.11.2008 ; bản này là toàn văn do tác giả gửi cho Diễn Đàn. (http://www.diendan.org/)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/10/2014(Xem: 14858)
Nhân Vật Phật Giáo Thế Giới, do TT Thích Nguyên Tạng biên soạn từ 1990
01/10/2014(Xem: 8486)
Pháp danh : Trừng Thành Pháp tự : Chí Thông, Pháp hiệu : Thích Giác Tiên. Thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 42 Thế danh : Ngài họ Nguyễn Duy húy là Quyển. Thọ sanh năm Canh thìn, niên hiệu Tự Đức đời thứ 33 (1879). Chánh quán làng Giạ Lệ Thượng, xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Năm 1883, lên bốn tuổi thì song thân đều mất. Ngài được ông bà bác đồng tộc đem về nuôi dưỡng. Nhờ bẩm chất thông minh nên thân thuộc cho theo Nho học một thời gian. Nhận thấy giáo lý Phật đà mới là con đường hướng đến cảnh giải thoát ; từ đó, ngài xin với thân thuộc xuất gia đầu Phật. Năm 1890, được 11 tuổi, ngài cầu thọ giáo với tổ Tâm Tịnh.
01/10/2014(Xem: 8575)
Phật Giáo Việt Nam thời cận đại đã viết lên trang lịch sử bằng máu, xương của Chư Tôn Đức Tăng Ni và Phật tử. Dòng lịch sử ấy đã nêu cao tấm gương hy sinh bất khuất trước những đàn áp, bạo lực, súng đạn, nhà tù và lựu đạn. Phải chăng đây là một chặng đường lịch sử oai hùng mà Phật Giáo Việt Nam đã biểu tỏ tinh thần Đại hùng, Đại lực, Đại Từ Bi để vực dậy một nền văn hóa đã bị sụp đổ bởi một chế độ tha hóa, ngoại lai xâm nhập vào quê hương Việt Nam.
01/10/2014(Xem: 10244)
Trên dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam thời cận đại của những thập niên 30-40 có bậc Tôn túc của Ni giới xuất hiện, đồng hành với chư Tăng để xiển dương Phật pháp, đào tạo Tăng tài, xây dựng tự viện, giữ gìn giềng mối đạo pháp được bền vững. Bậc Tôn túc của Ni giới ấy là SB Diệu Không, người đã hy hiến cả đời mình cho đời lẫn đạo, SB đã lưu lại cho hậu thế một hành trạng sáng ngời cho đàn hậu học noi gương.
09/09/2014(Xem: 14158)
Hòa Thượng Thích Giác Thông, tục danh Đổ Văn Bé, sinh ngày 18 tháng 2 năm 1939 tại Mỹ Hòa Hưng, Huyện Châu Thành, An Giang, Long Xuyên. Trong một gia đình thâm tín Phật Giáo. Thân Phụ là Cụ Ông Đổ Nhựt Thăng, Thân Mẫu là Cụ Bà Nguyễn Thị Khiên, Hòa Thuợng là người anh cả trong số 6 anh em ( 3 trai, 3 gái ), được nuôi dưỡng trong một gia đình nông dân hiền lành, có truyền thống đạo đức, nên từ nhỏ Hòa Thượng đã là người sớm có tư chất hiền lương, có tâm thương người mến vật, là con có hiếu với ông bà cha mẹ.
06/09/2014(Xem: 8346)
Không biết đây là lá thư thứ mấy con đã viết mà không bao giờ gởi đi, bởi vì con biết thư có vượt ngàn dặm trùng dương bay về thì Thầy cũng vẫn không cầm đọc được, chứng bịnh Parkinson đã làm cho hai tay Thầy run nhiều quá nhưng nhân mùa Phật Đản nhớ đến Thầy, con lại muốn viết. Thời gian sau này, con vẫn theo dõi thường xuyên sức khỏe của Thầy, con buồn vô cùng, Thầy đã bị bịnh, không thoát khỏi qui luật sinh, lão, bịnh mà con thì ở xa quá, không thăm viếng cận kề Thầy được như ngày xưa nữa !
05/09/2014(Xem: 17102)
Còn đây của báu trong nhà Không là ngọc bảo, không là hoàng kim Bình thường chiếc áo tràng lam Mà sao quý vượt muôn ngàn ngọc châu! Những năm cầu thực dãi dầu Sớm mai tụng niệm, đêm thâu mật trì Dòng đời mãi cuốn con đi Về nương chốn tịnh có Thầy, có Ôn… Kinh truyền ban phát khuyên lơn
02/09/2014(Xem: 11954)
“Đầu lông trùm cả càn khôn thảy Hạt cải bao gồm nhật nguyệt trong” Thiền sư Khánh Hỷ (1067–1142) thuộc dòng thứ 14, thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Sư họ Nguyễn, quê ở Cổ Giao, huyện Long Biên, thuộc dòng tịnh hạnh, từng được vua Lý Thần Tông phong chức Tăng Thống. Sách Thiền Uyển Tập Anh (Anh Tú Vườn Thiền) ghi lại cuộc đối thoại giữa ngài với Thiền Sư Bản Tịch ở chùa Chúc Thánh, nhân dịp ngài cùng với thiền sư đến nhà đàn việt để thọ trai, trên đường đi sư hỏi: Thế nào là ý chỉ của Tổ Sư? Sao thầy lại nghe theo nhân gian làm những chuyện đồng cốt mê hoặc? Bản Tịch đáp: Lời nói ấy đâu phải là không do đồng cốt giáng thần? Sư thưa: Chẳng phải là Hòa Thượng đùa bỡn con hay sao? Bản Tịch đáp: Ta chẳng hề đùa bỡn tí nào! Sư không nắm được ý chỉ của thầy bèn cáo biệt ra đi.
12/08/2014(Xem: 16687)
Cô là 1 nữ sinh trẻ nhất của Sài Gòn đã anh dũng ngã xuống trước họng súng của quân thù tàn bạo trong 1 buổi sáng mùa thu năm 1963 trước cửa chợ Bến Thành, với hàng ngàn sinh viên, học sinh và nhân dân phật tử trước cửa chợ Bến Thành. Và ngay sau đó, Thành hội sinh viên học sinh Sài Gòn đã quyên góp vận động ủng hộ xây bức tượng thờ người nữ học sinh anh hùng tuổi 15 đặt ngay công trường Diên Hồng trước cửa chính chợ Bến Thành ngày nay với sự chứng kiến của hàng ngàn người dân, phật tử thành phố và sinh viên, học sinh.
09/08/2014(Xem: 12796)
Hòa thượng Họ Đinh, húy Văn Nam, là đệ tử của cố Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Đệ nhất Tăng thống GHPGVNTN, pháp danh Tâm Trí, tự Minh Châu, pháp hiệu Viên Dung, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1918 (Mậu Ngọ) tại làng Kim Thành (Quảng Nam); nguyên quán làng Kim Khê, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là cụ ông Đinh Văn Chấp và thân mẫu là cụ bà Lê Thị Đạt. Gia đình Hòa thượng có 11 người anh em, Hòa thượng là con trai thứ tư trong gia đình. Vốn sinh trưởng trong gia đình vọng tộc Nho gia, thân sinh của Hòa thượng đỗ tiến sĩ Hoàng giáp năm 21 tuổi (khoa Quý Sửu 1913, niên hiệu Duy Tân thứ 7). Nhờ ảnh hưởng sâu đậm nền giáo dục của cụ ông từ bé, vì vậy Hòa thượng rất cần mẫn đèn sách, chăm chỉ học hành, trí tuệ phát triển sớm. Năm 1939, Hòa thượng đỗ bằng cao đẳng tiểu học Đông Dương; năm 1940 Hòa thượng đỗ tú tài toàn phần tại Trường Khải Định - Huế (nay là Trường Quốc Học); và cùng thời gian này, Ngài được bổ làm Thư ký Tòa Khâm sứ tỉnh Thừa Thiên. Sau một năm
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]