Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sự liên hệ giữa Phù Vân Quốc Sư với vua Trần Thái Tông

23/06/201102:15(Xem: 5819)
Sự liên hệ giữa Phù Vân Quốc Sư với vua Trần Thái Tông


quoc su phu van-dao vien
SỰ LIÊN HỆ GIỮA PHÙ VÂN QUỐC SƯ

VỚI VUA TRẦN THÁI TÔNG
Thích Thái Hòa

Đọc Thánh Đăng Ngữ Lục, do Sa môn Tánh Quảng, Thích Điều Điều đề tựa trùng khắc, tái bản năm 1750, ta thấy đời Trần có năm nhà vua ngoài việc chăn dân, họ còn học Phật, tu tập và đạt được yếu chỉ của thiền, như vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Trần Minh Tông.

Và sự chứng ngộ của các Thiền sư đời Trần thì không thấy đề cập ở sách ấy, hoặc có đề cập ở những tư liệu khác mà hiện nay ta chưa phát hiện được, hoặc phát hiện thì cũng phải tra cứu và luận chứng dài dòng rồi mới kết đoán ra được.

Đọc bài Tựa Thiền Tông Chỉ Nam mà hiện nay đang được giữ lại ở trong sách Khóa Hư Lục, ta thấy vua Trần Thái Tông có kể lại sự gặp gỡ giữa vua với Quốc Sư Phù Vân ở núi Yên Tử như sau:

"Quốc Sư vừa thấy Trẫm thì mừng rỡ, rồi ung dung bảo rằng: Lão Tăng sống lâu ở núi rừng, xương gầy mặt võ, ăn rau đắng, nếm hạt dẻ, chơi cảnh rừng, uống nước suối, lòng nhẹ như mây nổi theo gió mà đến đây. Nay, Bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ, tìm sự nghèo hèn nơi núi rừng, vậy Bệ hạ muốn cầu điều gì mà đến chốn này? Trẫm nghe Sư nói, hai hàng nước mắt chảy ra, đáp lại rằng: ‘Trẫm đương trẻ thơ, mẹ cha vội mất, trơ vơ đứng trên dân chúng, không chỗ tựa nương. Lại nghĩ, sự nghiệp đế vương thuở trước, hưng phế bất thường. Cho nên, chỉ vào đến núi này muốn cầu làm Phật, chứ không cầu gì khác.’

 

Sư nói: ‘Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay, nếu Bệ hạ giác ngộ ngay tâm đó, thì lập tức thành Phật, không nhọc tìm kiếm bên ngoài’.

"Bấy giờ thúc phụ Trần Công là em họ Tiên quân, người được gửi gắm con côi, khi Tiên quân bỏ quần thần. Trẫm đã phong làm Thái Sư, tham dự quốc chính, nghe tin Trẫm bỏ đi, liền phân sai tả hữu khắp kiếm dấu vết.

Rồi ông với các bậc quốc lão tìm đến núi này, gặp Trẫm, ông đau đớn nói: ‘Thần nhận sự ủy thác của Tiên quân, tôn phong Bệ hạ làm chúa tể dân thần. Lòng dân kính yêu trông đợi Bệ hạ, chẳng khác nào con nhỏ quyến luyến mẹ cha. Huống nay cố lão trong triều, chẳng một ai không là bề tôi thân thuộc, chúng dân sĩ thứ, chẳng người nào không vui vẻ phục tùng. Cho đến lên bảy cũng biết Bệ hạ là cha mẹ dân. Vả, Thái Tổ bỏ Thần mà đi, nắm đất trên mộ chưa khô, lời trăn trối bên tai còn đó.

Thế mà Bệ hạ lánh gót ẩn cư nơi núi rừng, để theo đuổi cái chí riêng mình. Như Thần nghĩ, Bệ hạ tính kế tự tu đã vậy, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao? Nếu chỉ để lời nói suông lại cho đời sau, sao bằng đem thân mình làm gương trước cho thiên hạ. Nếu bằng Bệ hạ không nghĩ lại, thì chúng thần và người trong thiên hạ, xin cùng chết ngay hôm nay, lòng quyết không về nữa’.

Trẫm thấy Thái Sư cùng các cố lão khăng khăng không chịu bỏ Trẫm, Trẫm liền đem lời nói ấy bày tỏ với Quốc Sư. Quốc Sư cầm tay Trẫm nói: ‘Phàm làm bậc nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nay, thiên hạ muốn đón Bệ hạ về thì Bệ hạ không về sao được! Duy có việc nghiên cứu nội điển, xin Bệ hạ đừng nên quên điều ấy mà thôi’.”

Như vậy, ta biết được phần nào tư tưởng của Quốc Sư Phù Vân, là nhờ qua bài Tựa Thiền Tông Chỉ Nam của vua Trần Thái Tông.

Căn cứ bài tựa này, ta có thể thấy được giáo lý chứng ngộ và tinh thần nhập thế của Phù Vân Quốc Sư như sau:

Đối với sự chứng ngộ, Phù Vân Quốc Sư đã đạt tới "tức tâm thị Phật". Nghĩa là chính tâm là Phật, không cần phải đi tìm kiếm Phật bên ngoài. Và muốn thấy Phật thì phải "trừng tâm". Nghĩa là phải nỗ lực làm cho tâm lắng hết các nhiễm ô phiền não.

Căn bản của phiền não chính là tham, sân, si, mạn, nghi, … Các loại phiền não khác dựa vào các căn bản phiền não nầy mà sinh khởi. Chính phiền não làm cho tâm bị loạn động và nhiễm ô. Muốn cho tâm hết nhiễm ô, thì phải làm cho tâm ý thanh tịnh, qua các phương pháp thiền định.

"Tức tâm thị Phật", đó là Thật Tướng Bát Nhã. Muốn thể nhập tướng ấy, thì không thể vọng cầu bên ngoài mà phải làm cho vọng tâm lắng xuống, các vọng tưởng về ngã, về nhân, về chúng sinh, về sinh mệnh không thể còn có điều kiện sinh khởi, thì đó chính là chân Phật. Ấy là do quán chiếu Bát Nhã mà thành tựu.

Quán chiếu Bát Nhã là buông bỏ mọi ý niệm thuộc về ngôn ngữ, ngay cả ngôn ngữ, văn tự và ý niệm Bát Nhã.

Quán chiếu Bát Nhã là nhìn sâu vào tự thân của mọi sự hiện hữu, để thấy rõ chúng là duyên khởi giả hợp, không có tự tính thực hữu và mọi sự đương hiện hữu, tự thể của chúng là Không. Không chính là thực tướng của vạn hữu.

Do quán chiếu Thực Tướng Không nầy của vạn hữu một cách thường trực và cùng khắp, mà thành tựu tuệ giác siêu việt và tuệ giác ấy, luôn luôn có mặt trong từng giây phút hiện tiền, nên gọi là quán chiếu Bát Nhã. Và quán chiếu Bát Nhã như vậy mới thâm nhập được Thực Tướng vạn hữu, nên gọi là Thực Tướng Bát Nhã.

Thực Tướng Bát Nhã là trí tuệ thâm nhập và thấu triệt thực tướng của vạn hữu đúng như chính nó, ngay trong từng giây phút hiện tiền. Thực tướng của vạn hữu chính là vô tướng. Tướng ấy xa lìa hết thảy tướng hư vọng do ngã tưởng và pháp tưởng tạo nên.

Các tướng do ngã tưởng và pháp tưởng tạo nên, tướng ấy là tướng hư vọng, nên không thể thành tựu vô lượng công đức. Chỉ có thực tướng là vô tướng, mới là tướng chân thực, tướng ấy đầy đủ hằng sa vô luợng công đức một cách như nhiên.

Thực tướng vô tướng, tuy đầy đủ hằng sa vô lượng công đức mà tự tánh của chúng thường vắng lặng và tuy chúng thường vắng lặng, mà thường tỉnh giác, thường soi chiếu.

Do thực hành Bát Nhã sâu xa, nên thâm nhập được tự tính thường vắng lặng mà thường tỉnh giác ấy nơi vạn hữu, nên hội nhập được pháp thân bất sinh diệt của Phật và từ nơi pháp thân ấy, mà biểu hiện đại trí, đại bi dưới vô số hình thức để hóa độ và làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh.

Bởi vậy, Phù Vân Quốc Sư nói với vua Trần Thái Tông rằng:

"Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay, Bệ hạ giác ngộ tâm đó, thì lập tức thành Phật, không nhọc tìm kiếm bên ngoài".

“Lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật” (心 寂 而 知 是名 真 佛). Ý nghĩa Phật mà Phù Vân Quốc Sư dạy cho vua Trần Thái Tông không còn mang ý nghĩa của kinh viện như: “Tất cả những gì được hiểu biết bởi thế gian, thì ta cũng có khả năng hiểu biết; tất cả những gì được nhìn thấy bởi thế gian, thì ta cũng nhìn thấy; tất cả những gì cần được diệt tận, thì ta cũng đã diệt tận, ta còn đầy đủ tất cả trí, đầy đủ tất cả sự liễu tri. Ta từ vô lượng kiếp đã trải qua bao nhiêu kiếp tu tập để xa lìa các ô nhiễm, ngày nay đã thành tựu Vô thượng bồ đề, vì thế mà được mệnh danh là Phật”.

Hoặc ý nghĩa Phật được đức Phật trả lời cho một vị Bà la môn, như sau:

Bà la môn nên biết
Ta cùng Phật ba đời
thành tựu tướng giác ngộ
vì vậy gọi là Phật.
Bà la môn nên biết
Ta quán hạnh ba đời
tất cả đều sinh diệt
vì vậy gọi là Phật.
Bà la môn nên biết
Ta tri khổ đoạn tập
chứng diệt, tu đạo xong
vì vậy gọi là Phật.
Bà la môn nên biết
Ta nơi tất cả cảnh
tất cả đều tri kiến
vì vậy gọi là Phật.
Bà la môn nên biết
Ta nơi vô lượng kiếp
tu các hạnh thuần tịnh
sinh tử trải vô lượng;
Nay nơi thân cuối cùng
lìa tên độc trần cấu
thành tựu Vô Thượng Giác
vì thế gọi là Phật.

Hoặc ý nghĩa Phật được giải thích như là Tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn, tất cả những giải thích ý nghĩa Phật như vậy đều mang ý nghĩa kinh viện, sách vở, học hỏi và khái niệm.

Ở đây, Phù Vân Quốc Sư đã giải thích Phật cho vua Trần Thái Tông với ý nghĩa tâm “lắng yên mà tỉnh giác = Tâm tịch nhi tri”. Ấy là một sự giải thích mới mẻ và chính xác, không thông qua kinh viện hay chữ nghĩa, mà chính nó đã thông qua sự thực nghiệm và chứng ngộ của chính mình. Chính sự giải thích ý nghĩa Phật như vậy của Phù Vân Quốc Sư, đã mở đầu cho một nền Phật học tự chủ và độc lập của Phật giáo đời Trần.

Không những Phù Vân Quốc Sư đã chỉ thẳng Chân Phật cho vua Trần Thái Tông mà Ngài còn dạy pháp thiền quán đốn ngộ cho vua rằng: “Nay, nếu Bệ hạ giác ngộ được tâm ấy, thì tức khắc ngay đó thành Phật, chứ không có khổ nhọc tìm kiếm bên ngoài (今陛下若悟此心, 則立地成佛, 無苦外求也)”.

Như vậy, Phù Vân Quốc Sư dạy pháp thiền quán cho vua Trần Thái Tông không bằng tiệm thứ mà bằng đốn ngộ. Nghĩa là đốn ngộ ngay nơi các pháp hiện tiền mà thiền ngữ của Phù Vân gọi là “Lập địa thành Phật” (立 地 成 佛).

“Lập địa thành Phật”, nghĩa là ngay nơi cảnh đó mà giác liễu hay tỉnh thức, chứ không phải cảnh khác; ngay nơi giây phút đó mà đốn ngộ, chứ không phải giây phút khác; ngay nơi sát na tâm ấy mà thành Phật, chứ không phải sát na tâm khác.

Với pháp thiền đốn ngộ như vậy, Phù Vân Quốc Sư đã dạy cho vua Trần Thái Tông giác tỉnh và xuất thế ngay ở nơi đương vị của mình rằng:

"Phàm làm bậc nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình (凡為人君者, 以天下之欲為欲, 以天下之心為心). Nay, thiên hạ muốn đón Bệ hạ về, thì Bệ hạ không về làm sao dân an được! Tuy nhiên, việc tham cứu nội điển, xin Bệ hạ đừng nên quên điều ấy mà thôi (今天下欲迎陛下歸之, 則陛下安得不歸哉, 然內典之究, 願陛下無忘斯須耳).

Qua lời dạy của Phù Vân Quốc Sư đối với vua Trần Thái Tông, ta thấy tinh thần nhập thế của Ngài là gì? Đó là “lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình và biết lấy tấm lòng của mọi người làm tấm lòng của mình”.

Lời dạy ấy của Phù Vân Quốc Sư cho vua Trần Thái Tông là chẳng khác nào, Quốc Sư trao cho vua một cương lĩnh dân chủ để lãnh đạo quốc gia, an bình thiên hạ.

Ý thức lấy dân làm gốc hay dân chủ như vậy là ý thức được Đức Phật dạy ở trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn, hay kinh Aggañña rằng, vua hay chính quyền không liên hệ gì đến thiên mệnh hay Phạm Thiên, mà chính do dân chúng chọn lựa bầu lên.

Kinh nói, từ ngữ đầu tiên được dùng để diễn tả cho ý nghĩa nầy là Mahā-sammato. Mahā-sammato với ý nghĩa đầu tiên là người được chọn lựa bởi đại chúng hay dân chúng.

Trước hết là để hóa giải những tranh chấp về quyền lợi kinh tế của người dân, đem lại sự công bằng và an bình cho xã hội. Những người làm chính quyền không làm kinh tế, vì đời sống hằng ngày của họ là do dân chúng cung cấp đầy đủ, họ làm theo nhu cầu và ý muốn của dân chúng rằng: “Này vị hữu tình kia, hãy tức giận khi đáng phải tức giận, hãy khiển trách khi đáng phải khiển trách, hãy tẩn xuất khi đáng phải tẩn xuất. Chúng tôi sẽ dành cho ngươi một phần lúa của chúng tôi”.5 Những nhu cầu ấy của dân chúng đối với người lãnh đạo, nói theo ngôn ngữ chính trị ngày nay là những nhu cầu “Dân chủ pháp trị”.

Như vậy, theo Kinh Khởi Thế Nhân Bổn hay kinh Aggañña, chính quyền hay người lãnh đạo không thể làm theo tư ý mà làm theo ý muốn chung, ý muốn của dân chúng; không làm theo lòng tư hữu mà làm theo lòng của mọi người; không làm theo phe nhóm mà làm theo công bằng, lẽ phải.

Ý nghĩa dân chủ và từ ngữ ấy cũng không phải mới phát sinh vào những thế kỷ cận đại mà nó đã phát sinh từ kinh Phật, và nó cũng đã phát sinh từ thời Cộng hòa Athène của Hy lạp ở thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, từ vua Pericles thời Athène cổ đại, khoảng năm 495 – 429 trước Tây lịch và ở Trung Hoa từ thời Mạnh Tử ( 372 – 288), trước Tây lịch.

Từ ngữ diễn tả dân chủ sớm nhất của Hy lạp là Demokratía. Nó là từ ghép của Demos và krátos. Demos là dân chúng; krátos là quyền hành. Demokratía là quyền hành thuộc về dân chúng.

Dân chủ thời Cộng hòa Athène từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch là dân chủ trực tiếp. Người dân có quyền trực tiếp tham gia giải quyết các vấn đề quốc gia bằng cách đưa tay, bỏ thăm hay bỏ phiếu. Còn dân chủ thời Athène của vua Pericles là người dân tham gia tích cực vào sự quản lý và lãnh đạo đất nước. Với ý thức dân chủ như vậy, trải qua mười lăm năm Athène dưới sự lãnh đạo của vua Pericles đã trở thành một trung tâm văn hóa rực rỡ của thời kỳ ấy.

Ở Trung Hoa, trong những người học trò kế nghiệp của Đức Khổng Tử là Mạnh Tử. Mạnh Tử là người đã nói nhiều về chính sự. Ông người nước Lỗ, sinh năm 372 trước Tây lịch. Vào thời Mạnh Tử xã hội Trung Hoa loạn lạc đến cực điểm. Chu và Tần tìm cách diệt nhau. Tần thắng, Chu bại.

Chính trị của Mạnh Tử là hoàn toàn đặt trên nền tảng của nhân nghĩa. Bấy giờ đối diện với Mạnh Tử, Lương Huệ Vương nói: “Ngài không ngại đường xa muôn dặm mà đến đây, chắc chắc có đem điều gì lợi ích cho nước tôi chăng?” Mạnh Tử đáp: “Vua cần gì nói đến việc lợi, hãy nói việc nhân nghĩa mà thôi”.

“Làm vua thì nói, có cách gì để làm lợi cho đất nước ta? Làm quan đại phu thì nói có cách gì để làm lợi cho gia tộc ta? Làm hạng sĩ dân, thì nói có cách gì làm lợi cho bản thân ta? Do lợi mà trên dưới tranh nhau, khiến vận nước lâm nguy vậy”.

Mạnh Tử nói tiếp: “Chưa có người nào có lòng nhân từ, mà họ quý chuộng bản thân của họ; chưa có kẻ trọng điều trung nghĩa nào mà xem nhẹ việc nước. Vì thế, vua nên nói việc nhân nghĩa, chứ cần gì phải nói đến việc lợi”. Và đọc sách Mạnh Tử, ta thấy tư tưởng chính trị của ông mang tính dân chủ hơn là tư tưởng vương quyền. Ông từng nói: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh = Dân là quý, tiếp theo là xã tắc, vua là khinh”.

Ông nói: “Hai vua Kiệt và Trụ mất ngôi thiên tử là do mất dân. Mất dân chính là mất lòng dân. Muốn được thiên hạ, thì phải có con đường được lòng dân, được lòng dân là được thiên hạ vậy. Muốn được lòng dân, dân muốn điều gì, thì nên đáp ứng cho họ điều ấy, dân ghét điều gì, thì không nên đem điều ấy đến cho họ”.

Lại có lần vua Tuyên Vương nước Tề hỏi Mạnh Tử, nên hay không nên đánh chiếm nước Yên. Mạnh Tử trả lời: “Nếu vua thấy đánh chiếm nước Yên mà dân chúng nước ấy vui thích, thì vua nên đánh. Vũ vương ngày xưa đã từng làm như vậy. Nếu vua thấy đánh nước Yên mà dân chúng nước ấy không ủng hộ, thì không nên đánh, Văn vương ngày xưa cũng đã từng làm như vậy”.

Với những ý nghĩa dân chủ như vậy, chắc chắn nó không đi từ lòng tham, sự hận thù, và lại càng không đi từ não trạng giai cấp hay đảng phái cục bộ, mà phải đi từ công bằng và lẽ phải của sự sống hoặc từ nhân nghĩa hay từ tâm thức giác ngộ.

Thiếu tâm thức giác ngộ hay thiếu trình độ giác ngộ, ta không thể nào làm người lãnh đạo hay chính quyền. Bởi lẽ thiếu trình độ giác ngộ ta không có khả năng làm sạch tâm ta trước những quyến rũ của ngũ dục. Và thiếu tâm thức giác ngộ, ta không có khả năng làm theo ý muốn chung, ý của mọi người mà ta làm theo tính ngã hay tham dục của ta.

Thiếu tâm thức giác ngộ, ta không có khả năng làm sáng lòng mình, làm cho tự tính của mình sáng ra, để đổi mới cho dân và biết dừng lại ở nơi công bằng, lẽ phải. Và thiếu tâm thức giác ngộ ta không có khả năng thực hiện dân chủ để đem lại công bằng, lẽ phải cho xã hội và nhân nghĩa cho mọi người.

Để nuôi dưỡng ý thức dân chủ và có khả năng thực hiện ý thức ấy, Quốc Sư Phù Vân đã khuyến khích vua Trần Thái Tông phát bồ đề tâm và dựa trên tâm đó để thăng tiến mà làm các phận sự, ngay cả phận sự quốc chủ rằng: “Nay, thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về thiên hạ làm sao an được! (今天下欲迎陛下歸之, 則陛下安得不歸哉)”.

Và ngay khi đang làm phận sự quốc chủ thì cũng đừng mắc kẹt và bị nó cuốn hút bởi danh tướng ấy, mà phải để tâm nghiên cứu nội điển, để có thể lớn lên mãi và phát triển mãi trong đời sống tâm linh, đời sống của trí tuệ và từ bi.

Lời dạy đó của Phù Vân Quốc Sư là một cách nói khác đi của tinh thần "ưng vô sở trú nhi sanh kỳ tâm" của kinh Kim Cang. Nghĩa là phát khởi bồ đề tâm, không trú vào bất cứ đối tượng nào mà ở kinh Kim Cang Bát Nhã, đức Phật đã dạy cho Tôn giả Tu bồ đề.

Ta đọc Kim cang tam muội kinh tự, tức là bài tựa kinh Kim cang tam muội của vua Trần Thái Tông, ta thấy vua đã để tâm nghiên cứu kinh điển, chú giải bản kinh Kim cang tam muội, đúng là vua đã làm những gì đã được dạy từ Phù Vân Quốc Sư.

Bản kinh nầy đã bị thất lạc, chỉ còn lại bài tựa được giữ lại ở trong Khóa Hư Lục, mở đầu bài tựa nầy, vua đã nêu lên điểm trọng yếu của tự tính kim cang như sau: “Trẫm nghe bản tính lắng mầu, chân tâm vắng lặng, tròn khuyết đều dứt, không trí tánh nào có thể tìm được manh mối, hợp tan dứt sạch, tai mắt đâu còn ảnh hưởng, có - không chung điểm, đạo tục san bằng, độc tồn như vậy, siêu nhiên không ngoài. Đây là điểm trọng yếu của tự tính kim cang vậy”.

Với lời tựa của kinh Kim cang tam muội, ta thấy vua Trần Thái Tông đã giác ngộ thể tính Kim cang một cách triệt để và đã tiêu hóa lời dạy của Phù Vân Quốc Sư một cách tài tình. Hơn mười năm trước, khi đến núi Yên tử, vua đã được Phù Vân Quốc Sư dạy Thiền với “Lập địa thành Phật”, sau hơn mười năm vua xuống núi làm nhân chủ, nghiên cứu kinh điển, học hỏi và tu tập, Pháp ngày xưa của Thầy trao truyền là “Lập địa thành Phật”, nay đã được vua diễn tả bằng ngôn ngữ thực nghiệm và giác ngộ là “Siêu nhiên vô ngoại” (超然無外) ở trong bài tựa của Kinh Kim Cang tam muội.

Siêu nhiên vô ngoại, nghĩa là Phật tính hay thể tính kim cang, nó nghiễm nhiên và siêu việt ngay nơi thân năm uẩn hiện tiền nầy, chứ không phải nơi thân năm uẩn nào khác của quá khứ hay tương lai. Phật tính hay thể tính kim cang, nó nghiễm nhiên và siêu việt ngay nơi sáu căn, sáu trần và sáu thức nầy, chứ không phải nơi khác mà hướng ngoại tìm cầu.

Nên, siêu nhiên vô ngoại là ngay lúc đó mà không phải lúc khác. Ngay lúc đó là lúc nào? Chính là lúc “Tâm tịch nhi tri” (心寂而知), mà Phù Vân Quốc Sư đã nói cho vua Trần Thái Tông. Ngay nơi đó mà không phải nơi khác là nơi nào? Chính là ngay nơi sáu căn của vị trí nhân chủ mà thể nhập Phật tính hay giác ngộ thể tính Kim cang, chứ không phải vị trí khác.

Và ngay nơi ý muốn của người dân hay của thiên hạ mà ngộ nhập Phật tính và chứng nhập thể tính kim cang, chứ không phải là tâm khác hay ý muốn khác. Vì vậy mà Phù Vân Quốc Sư nói với vua Trần Thái Tông rằng: "Phàm làm bậc nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình (凡為人君者, 以天下之欲為欲, 以天下之心為心). Nay, thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về thiên hạ làm sao an được! (今天下欲迎陛下歸之, 則陛下安得不歸哉.

Và đọc Khuyến phát tâm văn, tức là văn khuyến phát tâm bồ đề, ta thấy vua đã nêu rõ, Đạo quí hơn cả vàng bạc và thân mạng. Đạo là quí, nên các bậc vua quan, khanh tướng đều đi tìm đạo để học. Đạo là quí, nhưng không phải là quí suông mà cái quí có thể thực hiện và thành tựu được, ngay cả loài vật nghe đạo còn ngộ được, huống chi con người, nên làm người, ai cũng có thể học đạo và hành đạo.

Muốn vậy, thì phải biết quay về với tính giác ngộ nơi chính mình bằng con đường hồi quang, phản chiếu. Lời dạy của Phù Vân Quốc Sư đã làm chất xúc tác cho vua Trần Thái Tông phát khởi được tâm nguyện rộng lớn, nghiên cứu sâu rộng các kinh điển mà qua bài tựa của kinh Kim cang tam muội, cũng cho ta thấy sự nghiên cứu và hành trì của vua đối với Phật pháp, chính việc giữ gìn giới luật và phát bồ đề tâm tu tập, đã tạo thành nhân cách đạo đức của một Phật tử trong cương vị quốc vương lãnh đạo đất nước.

Vì vậy, không những vua tự thân phát nguyện giữ gìn năm giới cấm của Phật một cách nghiêm mật, mà còn khuyến khích mọi người cần phải giữ gìn năm giới ấy, để nuôi dưỡng căn bản đạo đức, thực hành pháp thiền quán về công bằng, bình đẳng, lẽ phải để tạo nên pháp an dân một cách thực tế và sâu sắc như sau:

Đối với giới không giết hại, vua đã nêu tự tính giác ngộ bình đẳng của muôn loài và sự sai thù về hình tướng thọ báo của họ chỉ là do sự tạo nghiệp khác nhau.

Vua nói: “Xét rằng, các loài sinh ra từ trứng, từ thai, từ ẩm thấp và từ biến hóa, bản tính của chúng vốn đồng, sự thấy, nghe, cảm nhận, tri giác của chúng đâu khác. Do tạo tác những nghiệp nhân, tích lũy những oán thù, nên thọ nhận tên khác, hiệu khác.

Ngày xưa chúng vốn loài người, ngày nay sinh ra làm bầy lớn khác nhau. Hoặc từng bạn bè, anh em. Thay đổi áo xiêm đai mũ, biến thành mai, vảy, cánh lông. Vợ quên chồng, chồng quên vợ, con trái cha, cha trái con. Ta thấy đầu thay, mặt đổi, liền bắt về mổ ruột, chặt chân. Chúng cũng luôn ôm lòng sợ chết ham sống, thế mà không thể kêu lên một lời thống khổ đau thương. Ta giết nó, nó trở lại giết ta; Ta ăn nó, nó lại ăn ta, vĩnh viễn đắm chìm không có kỳ hạn, mãi mãi oan trái, đời đời báo nhau, kiếp kiếp thù nhau.

Người quay đầu liền đến quê hương, kẻ phóng tâm liền chìm địa ngục. Sách Nho dạy: “Thi ân bố đức”. Đạo Đức Kinh nói: “Ái vật hiếu sinh”. Phật chỉ dạy: “Giữ gìn, ngăn ngừa giết hại, quý vị phải để ý tuân hành chớ phạm”.

Đối với giới trộm cắp, vua nói: “Người làm việc nhân nghĩa là quân tử, kẻ làm việc trộm cắp là tiểu nhân. Người quân tử thì luôn ôm lòng cứu giúp kẻ cô bần, đứa tiểu nhân thì tham lấy tài vật. Lấy vật của người làm lợi cho mình, mặc kệ nhiều người trách cứ, chỉ biết tự lợi. Chỉ phóng ý tham cầu, đâu biết giàu sang là ở tại trời. Thuốc chó, đào vách, khoét tường theo gót tướng quân Sơn dương, tập làm quân tử Lương Thượng.



tran thai tong

Nghịch trời, trái đất, dối lừa hiến pháp, khinh khi hình luật. Khi sống gặp phải công pháp thi hành, lúc chết bị âm ty tra khảo.

Há đâu dừng lại nơi khối ngọc, đống vàng mà ngay nơi cả cọng cỏ, sợi lông!

Ngửi sen nơi ao, địa thần còn quở, cho vay lấy lãi, Diêm vương còn trách. Lưới trời lồng lộng, làm thiện thì thoát, làm ác thì mắc. Phép nước thênh thang làm công thì khỏi, làm tư thì phạm”.

Đối với giới dâm hay sắc, vua nói: “Lưng óng, tóc mượt, có thể làm cho tâm tính mê lầm. Sắc đẹp, mày xinh khiến cho hồn tiêu tinh giảm. Đưa mắt liếc, không phải dao mài mà đứt ruột. Uốn lưỡi âm vang như sáo, mọi người đều phải lắng nghe. Người ái nhiễm, đoạn nghĩa thân sơ; kẻ tham lam đạo tiêu, đức tán. Trên thì phong thái lễ giáo rơi chìm, dưới thì khuê môn tán loạn. Không kể kẻ tục lưu hay hàng có học, đều đam mê pháp phục điểm trang. Phép nước bị rơi xuống Tô đài, giới thể bị chôn vùi nơi dâm thất.

Tất cả đều do hướng ngoại tìm cầu, không hồi đầu nhìn lại bên trong. Cởi hết lụa vải che thân, chỉ lộ làn da bọc thịt. Bậc Độc giác ở gần am nữ mà hoàn tục, người Chân quân xa Thán phụ mà thăng thiên.

Người không theo sắc, được năm phép lạ, kẻ phạm sắc mất hết giới hành”.

Đối với giới vọng, vua nói: “Tâm là gốc của thiện ác, miệng là cửa của họa phúc. Một niệm nghĩ suy, hưởng ứng không sai; nói một lời như bóng với hình chẳng lệch. Nếu biện luận, thì quân tử trọng ngôn; nếu phòng ngừa, thì cổ nhân giữ ngữ, như giữ miệng bình. Ngôn thì thẳng thắng, công bình; ngữ thì không quanh co, nịnh bợ. Không nói đây hay, kia dở; không bàn mình đúng, người sai. Đâu dám khua môi, múa lưỡi, chỉ lo gìn miệng, giữ lời.

Vả lại, nghiệp của thân là nặng, họa của miệng là trước. Nói dối không phải chỉ nằm nơi lời mà còn khiến người nghe làm loạn.

Hiện tại bị người khinh suất, chết rồi bị nghiệp dẫn lôi. Hoặc bị kềm sắc lôi kéo, cam chịu đắng cay; hoặc bị nước đồng sôi rót miệng, ôm đau khổ trường kỳ”.

Đối với giới rượu, vua nói như sau: “Người ưa rượu, đức hạnh suy đồi, kẻ uống rượu nói lời nhiều lầm lỗi. Hơi nồng xung phá dạ dày, vị cay đâm thủng gan ruột. Tinh thần bại hoại, tâm tính hôn mê. Không đoái hoài cha mẹ, tội ngũ nghịch chuyên làm. Hoặc ồn ào quán tiệm; hoặc đường sá say mèm. Chửi trời, mắng đất; hủy Phật, báng tăng. Miệng lẩm nhẩm hát ca, thân trần truồng nhảy múa. Đã không biết tiếp Phật cúng dường, lại còn đi theo tà giáo mũ đen.

Thân tan, mạng nát từ đó mà sinh, nước mất nhà tan do đây mà có. Bỏ rượu ngàn điều lành đều đến; uống rượu trăm họa tự rước về.

Đại Vũ ghét rượu, nên trăm họ đều theo; Thái Khang uống rượu, nên năm con đều oán. Đâu phải chỉ có hàng phong lưu ngăn rượu, mà bậc đạt ngộ cũng phải đề phòng.

Bao nhiêu kẻ sáng rỡ trên đời, bị bỏ vứt do tối tăm trong rượu”.

Đọc năm lời răn dạy thuộc về giới học hay đạo đức học của vua Trần Thái Tông, ta thấy vua đã có tuệ giác và lòng từ bi rất lớn không những đối với nhân sinh mà cả muôn loài; không những làm tề chỉnh bản thân, gia đình và xã tắc mà còn an bình thiên hạ. Và với những lời răn dạy như thế, ta thấy rõ hình ảnh vua Trần Thái Tông trị nước là hình ảnh hay hạnh nguyện của một vị Chuyển Luân Thánh Vương trị vì thiên hạ không nặng về vương quyền hay pháp quyền mà nặng về đức trị.

Chính tư tưởng chứng ngộ và nhập thế của Phù Vân Quốc Sư đã tác động lớn đến việc học đạo, tu tập, chứng ngộ và lãnh đạo quốc gia của vua Trần Thái Tông sau này.

Điều này ta có thể nghe vua Trần Thái Tông tâm sự trong bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam như sau:

“Vì thế, Trẫm cùng với mọi người về kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Trong khoảng hơn chục năm, mỗi khi được rãnh việc, Trẫm lại hội họp các vị tuổi kỳ đức để tham thiền học đạo. Đến các kinh điển giáo lý Đại Thừa, không có kinh nào không nghiên cứu. Trẫm thường đọc kinh Kim Cang, đến câu "ưng vô sở trú nhi sanh kỳ tâm", vừa gấp sách lại ngâm nga, bỗng nhiên tỉnh ngộ, liền đem những điều giác ngộ được, làm bài ca này, đặt tên là Thiền Tông Chỉ Nam”.

Năm ấy, Quốc Sư từ núi Yên Tử về kinh, Trẫm mời ở chùa Thắng nghiêm để trông coi việc khắc bản in kinh sách. Nhân đó, Trẫm viết bài ca ra, đưa cho Quốc Sư xem. Mới đọc qua một lần, Sư đã mấy phen tán thưởng nói: "Tấm lòng của chư Phật ở trong bài ca này, sao không khắc in thành kinh bản để chỉ dẫn cho kẻ hậu học?".

Chính tư tưởng chứng ngộ và nhập thế của Phù Vân Quốc Sư đã tác động rất lớn lên đời sống và hoạt động chính trị, văn hóa, đạo đức tâm linh tôn giáo không những đối với vua Trần Thái Tông, mà còn rất lớn đến cả Trần Thánh Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông sau nầy nữa.

Sự kiện hội nghị Bình Than vào mùa đông, tháng 10, năm 1282 của vua Trần Nhân Tông ở vùng Trần xá với các vương hầu và trăm quan bàn kế đánh quân Nguyên, và hội nghị các phụ lão trong nước tại thềm điện Diên Hồng đã xảy ra vào tháng 12 năm 1284, trong hội nghị vua hỏi ý các phụ lão toàn quốc rằng, nên đánh giặc Nguyên không? Tất cả hội nghị phụ lão đều đồng thanh trả lời một tiếng duy nhất là “đánh”.

Qua hai hội nghị ấy của triều đại nhà Trần là một chứng minh đối với sự thực hiện ý thức dân chủ, mà Phù Vân Quốc Sư đã dạy: “Làm bậc nhân chủ, phải biết lấy lòng thiên hạ làm lòng của mình; phải biết lấy ý dân làm ý của mình”, khiến cho các vua Nhà Trần không những đã giữ được nước, đã an được dân mà còn phát triển đất nước về cả mọi mặt, thiết lập được nền hòa bình Chiêm Việt dưới thời đại Trần Nhân Tông.

Do đó, ngoài việc chăn dân, vua không những lấy lòng của thiên hạ làm lòng của mình, lấy ý dân làm ý của mình, mà vua Trần Thái Tông còn lấy ý của Phật, của Tổ làm ý của mình để chăn dân nữa.

Nên, vua đã viết Khuyến phát tâm bồ đề và đã chú giải kinh Kim Cang Tam muội, đã viết Phổ thuyết sắc thân, Thọ giới luận, Năm giới, Niệm Phật luận, Tọa thiền luận, Giới định Tuệ luận, …

Những thành quả đạo đời mà vua Trần Thái Tông có được, để tạo nên một nền Phật học nhập thế của đời Trần, làm sáng rỡ cho dân tộc cả một thời kỳ gần ngót hai thế kỷ, chúng đều có gốc rễ từ những lời dạy của Phù Vân Quốc Sư.

Ta có thể nói thêm vài nét về Phù Vân Quốc Sư.

Theo Thánh Đăng Ngữ Lục, Phù Vân Quốc Sư chính là Trúc Lâm Viên Chứng và theo Ngài Chân Nguyên ở trong Thiền Tông Bản Hạnh đã chép:

"Trúc lâm viên chứng là thầy

Ra mừng hoàng đế nói bày thiền gia".

Và theo Đại Nam Thiền Uyển Kế Đăng Lược Lục của An Thiền (1784 - 1863), có liệt kê 23 vị Thiền sư liên tục trú trì Sơn Môn Yên Tử, thì Ngài Viên Chứng Quốc Sư là phả hệ thứ hai sau Hiện Quang Tổ Sư (vị có mặt sớm nhất ở Trúc Lâm theo một số tư liệu hiện nay).

Theo Thiền Uyển Tập Anh đã ghi Thiền sư Hiện Quang (? - 1221) đã từng sống ở núi Yên Tử. Và đệ tử của Hiện Quang tên là Đạo Viên. Do đó, theo sự phân tích của thầy Lê Mạnh Thát, thì Viên Chứng có khả năng là Đạo Viên học trò của Thiền sư Hiện Quang (? - 1221), là người đầu tiên được biết là sống ở núi Yên Tử. Và niên đại của Phù Vân Quốc Sư - Viên Chứng rơi vào những năm 1220 - 1280.

Quốc Sư Phù Vân khi gặp vua Trần Thái Tông đã tự giới thiệu ý nghĩa đời sống của mình cho vua như sau: "Lão Tăng sống lâu ở núi rừng, xương gầy mặt võ, ăn rau đắng, nếm hạt dẻ, chơi cảnh rừng, uống nước suối, lòng như mây nổi theo gió mà đến đây".

Bởi vậy, Quốc Sư Phù Vân là người đã có đời sống không còn bận rộn bởi tâm hồn và thể xác, nên như mây gió thong dong giữa bầu trời tự do. Theo Thiền Uyển Tập Anh gọi Ngài là Đạo Viên, tức là người tu tập đã đạt đến chỗ cứu cánh viên mãn của đạo. Và Thánh Đăng Ngữ Lục gọi Ngài là Viên Chứng, tức là con người tu tập đã đạt đến sự chứng ngộ rốt ráo, nên lòng nhẹ như mây nổi vậy.

Chính con người này đã khai phóng cho vua Trần Thái Tông con đường chứng ngộ và con đường lãnh đạo quốc gia. Hay nói khác, chính con người này đã khai phóng con đường xuất thế và nhập thế cho Phật giáo đời Trần. Khi con người này đưa ra tư tưởng chủ đạo cho mọi hành động của vua Trần Thái Tông nói riêng và cả triều đại nhà Trần nói chung rằng: "Lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình".

Đây là tư tưởng chủ đạo cho chính trị xã hội đời Trần, nhưng trong xã hội đời Trần ai có khả năng thực hiện tư tưởng này, nếu không phải là những minh quân. Và người có khả năng thực hiện tư tưởng chính trị như vậy, cũng là người có khả năng thực hiện tư tưởng nhân văn, nhân ái và từ bi.

Bởi vậy,"lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình", đây là lời dạy của Phù Vân Quốc Sư đã được tinh lọc và rút ra từ đạo lý duyên sinh, vô ngã của đạo Phật, mà cụ thể là kinh Kim Cang Bát Nhã.

Thực vậy, ta không có một ý tưởng về một bản ngã cá biệt, thì ta có thể lắng nghe mọi người góp ý xây dựng và ta có thể ghi nhận những ý kiến hay của mọi người để thực hiện. Do đó, ta biết rằng, bản ngã càng to thì sự độc tài càng lớn. Nên thực hành tính vô ngã càng sâu thì tính dân chủ càng cao và sự văn minh càng lớn. Và về mặt tu tập thực hành vô ngã càng sâu xa bao nhiêu, thì quả vị giác ngộ càng cao vời bấy nhiêu, và đời sống giải thoát càng vĩ đại bấy nhiêu. Đó là tư tưởng đặc biệt mà Phù Vân Quốc Sư đã trao truyền cho vua Trần Thái Tông, mở đầu cho sự hưng thịnh cả đạo pháp và dân tộc trong thời đại nhà Trần gần ngót hai thế kỷ.

Nếu ta nghĩ rằng, Khuông Việt đã giúp cho vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành an bình thiên hạ, Thiền Sư Đỗ Pháp Thuận đã trao cương lĩnh chính trị, đoàn kết mọi thành phần trong xã hội trở thành một khối bất khả phân, và thiết lập chính sách đạo đức ngay trong triều chính, qua bài thơ Vận nước: “Quốc tộ như đằng lạc, Nam thiên lý thái bình, Vô vi cư điện các, Xứ xứ tức đao binh”, cho vua Lê Đại Hành, và Vạn Hạnh Thiền Sư là người đã dựng lên triều đại Nhà Lý làm hưng thịnh và độc lập, tự chủ cho đất nước hơn hai thế kỷ, thì ở đây ta cũng có thể nói rằng, Phù Vân Quốc Sư là người đã dựng nên tư tưởng siêu thoát ngay nơi sự dấn thân hành động của Phật giáo cho thời đại nhà Trần, đem lại sự cường thịnh cho dân tộc gần ngót hai thế kỷ. Và là vị thầy đầu tiên trao cương lĩnh dân chủ để xây dựng và phát triển đất nước.

Trong quá trình phát triển tư duy và nghiên cứu đối với vật lý, ta thừa nhận những yếu tố vật chất mà không thừa nhận những yếu tố tạo nên vật chất, ấy là sự thừa nhận của khoa học nửa vời.

Cũng vậy, trong quá trình tư duy và nghiên cứu sự phát triển dân chủ cho một đất nước, ta chỉ thừa nhận những kết quả tốt đẹp của dân chủ, mà không biết và không thừa nhận những yếu tố tạo nên kết quả ấy, là một sự thừa nhận dân chủ khuyết tật.

Yếu tố tạo nên dân chủ, không phải chỉ đơn thuần là những lý luận về dân chủ, hay là những văn kiện công pháp, công ước hay tuyên ngôn, hoặc những nguyên tắc ứng cử hay bầu cử, mà chính ở nơi lòng người.

Lòng người vẩn đục, thì các văn kiện dân chủ do lòng người tạo ra không thể sáng trong. Lòng người vẩn đục, thì mọi ngôn ngữ chuyển tải dân chủ chỉ là ngôn ngữ sáo rỗng và lòng người vẩn đục thì mọi cái thấy, cái nhìn của con người trở nên tăm tối, mù lòa, vì vậy mà mọi dân chủ chỉ là dân chủ hình thức.

Dân chủ đích thực chỉ có mặt, khi nào con người không chạy bươn theo hình thức để khắc phục hậu quả, mà phải thấy rõ nguyên nhân và mọi ý nghĩa dân chủ, phải được diễn ra và hình thành từ nơi nguyên nhân của chính nó. Không thấy nguyên nhân mà chỉ chạy theo và khắc phục hậu quả, chính cái ấy tạo ra thêm những rối rắm và thách thức cho xã hội, đưa xã hội vào những trận chiến xung đột trường kỳ. Và vì vậy, người ta nhân danh dân chủ, chính là tiêu diệt dân chủ.

Nguyên nhân dân chủ cho xã hội không phải chỉ nằm ở nơi các văn bản pháp quy, mà nằm ngay ở nơi khả năng thực hiện và nằm ngay ở nơi lòng người muốn thực hiện điều ấy. Vì vậy, Phù Vân Quốc Sư nói với vua Trần Thái Tông rằng: “Nay, dân muốn đón Bệ hạ về, Bệ hạ không về dân làm sao an được?”.

Điều đó, chứng tỏ rằng, việc làm vua của Trần Thái Tông không phải là ý muốn hay tham vọng của ông mà chính là ý muốn của dân và lòng của dân. Điều nầy ta thấy vua tâm sự ở trong Thiền Tông Chỉ Nam rất rõ, vua nói: “Trẫm thấy Thái sư cùng các cố lão quần thần có ý khăng khăng không bỏ Trẫm, liền đem lời ấy tỏ bày với Quốc Sư.

Quốc sư liền cầm tay Trẫm mà bảo: “Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, phải lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay, thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về làm sao dân an được. Song, việc tham cứu nội điển mong Bệ hạ đừng quên mất điều nầy”.

Vì thế, Trẫm cùng với quốc dân trở về Kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Khoảng hơn mười năm, những khi được rảnh rỗi, Trẫm tập hợp các bậc kỳ đức để tham thiền, hỏi đạo và các kinh điển thuộc giáo lý Đại Thừa, … và không có kinh điển nào là không tham cứu”.

Qua tâm sự của vua Trần Thái Tông ở trong bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam, ta thấy nền dân chủ “Do dân và vì dân” đã có mặt trong lịch sử chính trị của Việt nam cách đây tám thế kỷ. Trần Thái Tông làm vua lãnh đạo đất nước là “do dân và vì dân” mà không phải do bản thân mình hay do thiên mệnh. Do bản thân mà làm vua, ngôi vị ấy trở nên ngôi vị độc hại, thách thức và xung đột với mọi quyền lợi của mọi thành phần trong xã hội.

Do thiên mệnh mà làm vua, ngôi vị ấy trở thành hư vị và thừa sai không có khả năng sáng tạo và tự chủ để phát triển ý thức dân chủ đem lại lợi ích cho tất cả mọi thành phần xã hội. Nhưng, “vì dân do dân” mà làm vua hay làm nhà lãnh đạo đất nước, thì vua ấy là vua của dân, nhà lãnh đạo ấy là nhà lãnh đạo của dân và dân ấy là dân của vua, hay dân ấy là dân của nhà lãnh đạo. Vua và dân như vậy, không phải họ chỉ có mặt bên nhau mà có mặt trong nhau và có mặt ở trong lòng của nhau một cách vĩnh cửu.

Cái vĩnh cửu của người lãnh đạo quốc gia là ở chỗ đó, mà không phải ở nơi ngôi vị hay quyền lực hay ở nơi khác. Có ngôi vị, có quyền lực mà mất trắng hết lòng người, thì cái có ấy chỉ là cái có của tham vọng và độc tài, nên nó tồn tại một cách vô nghĩa. Vì vậy, Phù Vân Quốc Sư đã dạy cho vua Trần Thái Tông một “cái có” có ý nghĩa, có giá trị vĩnh cửu vượt cả mọi thời gian và không gian. Cái có ấy, chính là “cái có” ở trong lòng người. Nên, Phù Vân Quốc Sư nói với vua: “Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, phải lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay, thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về làm sao dân an được”.

Cái ước muốn của mình có mặt trong cái ước muốn của mọi người; cái ước muốn của mọi người có mặt trong cái ước muốn của mình; tấm lòng của mình có mặt ở trong tấm lòng của mọi người và tấm lòng của mọi người có mặt ở trong tấm lòng của mình, điều ấy không phải đến với Phù Vân Quốc Sư từ tư duy hay nhận thức mà từ “Tâm tịch nhi tri”, tâm lắng yên mà biết hay tự giác liễu.

Và, Phù Vân Quốc Sư trao truyền thông điệp giác ngộ ấy cho vua Trần Thái Tông, không phải vì lợi ích cho bản thân, không phải vì lợi ích cho Thiền phái Trúc Lâm, và lại càng không phải vì lợi ích cho Phật giáo, mà cho cả thế giới con người và ngay cả muôn loài.

Vì vậy, đối với Phù Vân Quốc Sư, chúng ta cần phải nghiên cứu và hội thảo chuyên đề một cách nghiêm túc để có thể rút ra những phương pháp ứng dụng, không những mang tính khoa học lịch sử mà còn mang tính khoa học xã hội, chính trị, đạo đức, nhân văn và tôn giáo cho thời đại của chúng ta.

Trong phạm vi bài nầy, người viết chỉ đưa ra những cảm nhận và gợi ý, khi đọc được một số văn bản liên hệ đến Phù Vân Quốc Sư và vua Trần Thái Tông với tất cả tấm lòng của mình.

Thích Thái Hòa
(Nội san Nghiên cứu Phật học TTH)




youtube

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/04/2023(Xem: 2559)
Sư đệ ơi! Sinh ra từ vùng cát trắng thuỳ dương, quê hương Hải Nhuận thế phát xuất gia nơi Cố Đô Từ Vân Trú xứ Cầu pháp chuyên tu tại Hội An Vạn Đức Tổ Đình Hơn 30 năm mặc áo tu hành, nương thiền tự vui câu kinh tiếng kệ. Sớm hôm cùng thầy Tổ đệ huynh, hết lòng phụng sự quần sinh. Nay duyên mãn Đệ về nơi Bổn Sở.
24/04/2023(Xem: 2608)
Người đi tắt hạt nắng vàng, Người về cõi Phật, an nhàng tịch thân. Dấu chân đọng giữa phù Vân, Nụ cười trao lại, trọn phần thế gian.
21/04/2023(Xem: 2707)
6- Tiểu Sử Hoà Thượng Thích Giới Nghiêm (1921-1984)
21/04/2023(Xem: 2400)
5- Tiểu Sử Hoà Thượng Thích Hạnh Tuấn (1956-2015)
21/04/2023(Xem: 2284)
3- Tiểu Sử Hoà Thượng Thích Đức Niệm (1953-2017)
21/04/2023(Xem: 2340)
2- Tiểu Sử Hoà Thượng Thích Viên Diệu (1954-2015)
21/04/2023(Xem: 1959)
1- Tiểu Sử Hoà Thượng Thích Thiện Minh (1921-1978)
20/04/2023(Xem: 2254)
Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn, thế danh Trương Xuân Bình, sinh ngày 20 tháng 11 năm 1933 (Quý Dậu) tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam, là con thứ sáu trong một gia đình mười hai anh chị em. Thân sinh của Cố Trưởng Lão Hoà Thượng là cụ Trương Xuân Quảng, mất năm 1945, nguyên quán làng Kim Thành, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, làm quan dưới thời Pháp thuộc, được bổ nhậm chức Kiểm Học (tương đương với Trưởng Ty Nha Học Chánh dưới thời các chính phủ quốc gia sau này) tỉnh Bình Thuận năm 1933 – 1939, và Đốc Học tỉnh Quảng Ngãi năm 1940 – 1945. Nhờ túc duyên với Phật Pháp, nên đến năm 1950, Cố Trưởng Lão Hoà Thượng đến Chùa Linh Mụ, thành phố Huế (Thừa Thiên), xin xuất gia làm đệ tử Cố Đại Lão Hoà Thượng Thích Đôn Hậu, Đệ tam Tăng Thống Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, và được Hòa Thượng Bổn Sư cho pháp danh là Tâm Chánh, pháp hiệu là Trí Chơn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]