Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong

16/04/201108:04(Xem: 5939)
Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong

 TT_Thich_Chon_Kien_2


Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong

Kính dâng TT Thích Chơn Kiến
Kính chia buồn cùng Thầy Nguyên Tạng

 



September 13, 2006

Kính lạy thầy,

Trước mắt con là di bút Thầy để lại, nét chữ thân quen với màu mực còn đậm nét tinh khôi.

Nghiệp đã qua rồi lòng nhẹ nhõm
Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong

Thầy vừa an nhiên xã bỏ báo thân, dãi mây bạc giờ nương theo gió loãng tan mất dấu. Nẻo sinh tử Thầy thong dong qua lại, như đi trên những dặm đường quen để gieo trồng hạt giống từ bi, giáo hóa, độ sinh. Thân bệnh Thầy mang trong những năm tháng sau này, cho con biết rõ vô thường tất đến. Vậy mà nỗi đau đớn, bàng hoàng vẫn khơi động trong con khi đón nhận tin xa, bởi từ đây con vĩnh viễn mất Thầy trong kiếp sống này.

Nơi ngôi chùa xưa mang tên Vạn Đức tại thành phố biển Nha Trang, Thầy- chú bé dường như đã sẵn đủ túc duyên, thế phát xuất gia khi còn để chỏm. Hình ảnh chú điệu mới lên mười với đôi mắt sáng, khuôn mặt thơ ngây như phảng phất vẽ trầm tư của một ngưòi mang chí nguyện nhập thế, nỗ lực tinh tấn tu tập để mai sau phục vụ cho đạo pháp, đem lợi lạc đến quần sanh, đã là nguồn khích lệ vô biên cho con tỏ lòng kính ngưỡng, noi theo. Dấu chân Thầy đã đi qua cùng khắp những ngôi chùa từ Nha Trang đến Saigon, Bình Tuy, Diên Khánh, Tuy Hòa... để tham cầu học đạo và lần lượt thọ giới Sa Di, giới Tỳ Kheo tại những giới đàn ở chùa Hoa Quang, chùa Hải Đức, Hoa Nghiêm.

Duyên lành đưa đến một ngày, cho bước chân Thầy dừng lại ở ngôi chùa nhỏ, đã mục nát tang thương cùng với thời gian trong bối cảnh chiến tranh năm 1972. Sự hiện diện của Thầy như thắp sáng niềm tin vào tam bảo, thu phục ngày càng nhiều những người con Phật tìm về. Nhờ vào oai nghi và đức độ của Thầy mà nhiều bàn tay góp lại, những tấm lòng phụng sự đạo pháp mở ra, tạo phương tiện tu bổ, xây dựng lại ngôi già lam hầu có chỗ tham cầu, tu học cùng Thầy. Cũng ở chính ngôi chùa Thiên Phú nhỏ bé, đơn sơ thuở đó, con có phước duyên được Thầy đón nhận vào.

Thầy kính thương,

Làm sao con nói hết những tháng năm đã trôi qua cùng với nhiều thăng trầm biến đổi không ngừng. Con làm sao quên được, những năm đầu của thập niên 80 như thoáng hiện đâu đây, mỗi khi con nhớ nghĩ về Thầy, về mái chùa xưa. Những bữa cơm đạm bạc được dọn lên mời Thầy, mang vị lạt lẽo hay mặn đắng, mà Thầy trò đã san sẻ cho nhau qua sự nấu nướng vụng về của ba chú điệu chưa đến tuổi thành niên. Mặc cho mưa nắng dãi dầu, trên con đường có bụi đất mịt mù hay lầy lội ướt trơn, Thầy và các đồ đệ nhỏ đã oằn mình trên chiếc xe đạp mong manh chở trầm hương, hay những bao lá khuynh diệp, lá tràm khi không còn tiền mua trầm về xay để làm nhang độ nhật và mua hoa đèn về cúng Phật. Nửa đêm, Thầy còn đạp xe đạp, tay cầm chiếc đèn pin, lang thang cùng khắp trên những con đường ngập bùn xình để đi tìm đứa đệ tử xay trầm chưa thấy trở về. Nhà máy cúp điện phải đi xa hơn nữa và bánh xe bể lốp giữa đường đêm, thật không còn sự chọn lựa nào, bởi cả thảy Thầy trò bằng mọi cách phải có hương liệu để trộn vào mọt cưa, lăn thành cây nhang trong buổi sớm mai, sau đó phơi khô, gói lại đem đi bán. Cơm không đủ no, áo không đủ ấm nhưng đó là những tháng năm ấm nồng tình thương và đạo pháp mà Thầy đã ban cho, đã dụng công dạy dỗ, luyện rèn các môn đồ. Khi không còn khả năng mua được trầm hương, Thầy đã tìm đến chùa Thiền Quang để xin hòa thượng trụ trì lá cây khuynh diệp trong đất chùa về làm hương liệu. Lá khuynh diệp rồi cũng hết, xuôi bước chân Thầy đi xa hơn về phía Sông Lô, nơi có rừng tràm bát ngát tỏa mùi hương dìu dịu. Lá tràm khô xay nhuyễn trộn làm nhang. Con biết thêm điều lạ, và cũng từ chính nơi Thầy, con học hạnh nhẫn nhục và tinh tấn không ngừng, qua việc làm độ nhật hằng ngày.

Bài học vỡ lòng cho con mở mắt, thấy mình là một với thiên nhiên. Những nhọc nhằn trong công việc hằng ngày như không thực có, bên cạnh Thầy và cảnh trí nên thơ, hùng vĩ của Sông Lô. Biển pháp mênh mông trước mặt. Bóng Thầy là dáng núi lặng lờ, sừng sững uy nghi ở phía sau lưng như chở che con từng mỗi phút giây. Thầy nghiêm như núi, lòng bao la từ hòa như sóng biển rì rào. Con có thể an tâm vừa làm việc vừa tận dụng không bỏ sót một khoảnh khắc nào để tu tâp trong chánh niệm. Thầy lặng yên mà như đang giảng cho con nghe bài pháp không lời. Con chợt biết mình có phước duyên rất lớn khi được cận kề bên cạnh ân sư, tấm gương ngời sáng để con noi theo từ thuở mới vào chùa và cho đến hết đời này.

Công hạnh và oai nghi Thầy thắp sáng, phật tử tìm đến chùa ngày càng nhiều nên việc phật sự càng trở nên bề bộn. Bên cạnh sự giáo dưỡng nghiêm từ, Thầy không ngần ngại tạo cơ hội cho đệ tử tham cầu, du học nơi xa, dù biết rằng mỗi khi một đệ tử rời chùa, phần Thầy sẽ gánh vác nhọc nhằn hơn. Quen nép dưới bóng Thầy như đứa con nép bên bóng mát tình thương của người cha, con nghĩ Thầy luôn cảm nhận được lòng quý kính, thương yêu đáp lại, dù có thể Thầy không nhìn Thấy giọt nước mắt âm thầm đọng lại, khi đứa học trò từ biệt xa Thầy, xa ngôi chùa hằng ấp ủ những năm tháng được cùng Thầy sẻ chia từng chút khổ vui. Thầy ở lại sau khi giáo dưỡng và ươm trồng hạnh nguyện, cho con làm hành trang tiếp tục đi trên cuộc hành trình mà Thầy đã và đang đi để tự độ và độ tha, giác ngộ và giải thoát. Những trường lớp từ Phật học cơ bản, cho đến trung cấp và cao cấp Phật học, đã đẩy đưa trôi giạt đệ tử của Thầy xa mịt mù xa. Lòng con có lúc thoáng ngậm ngùi, bởi không còn đường để trở về thăm viếng, vấn an, kề cận chăm sóc Thầy khi bệnh yếu.

Thầy kính thương,

Dù ở tận bên này bờ đại dương xa thẳm, mỗi lúc nghĩ về Thầy con luôn thấy ấm lòng. Chạnh thương Thầy với thân bệnh hoành hành, nhưng không ngừng nghỉ trong nỗ lực kêu gọi, vận động xây dựng nhằm phát triển và mở rộng ngôi chùa Thiên Phú hầu phật tử có nơi tu học, tăng thân có chốn nương thân, đem chánh pháp trao truyền lại cho những người con Phật. Thầy cũng không quên việc tổ chức gầy dựng gia đình Phật tử, tạo môi trường cho những người trẻ gieo trồng hạt giống bi, trí, dũng làm hành trang vào đời với đầy đủ trí tuệ, từ bi. Tuệ Tĩnh Đường trong khuôn viên chùa cũng được hình thành, để những người dân nghèo quanh đó được khám bệnh và bốc thuốc hoàn toàn miễn phí. Đôi tay thầy ngày càng yếu nhưng chí nguyện Thầy bền vững, kiên trì để có được ngôi chùa Thiên Phú rộng rãi, uy nghi giống ngày nay. Tu viện Phước Sơn được hình thành vào năm 2000 cũng là do tâm nguyện hằng ấp ũ của Thầy, để Phật tử quanh vùng có nơi quy tập, tìm về nương tựa bên ngôi tam bảo. Từ đó những người hữu duyên có cơ may được dắt dìu đi vào đạo lộ của hành trình vượt qua bể khổ tử sinh.

Với 59 năm trụ thế, và 49 năm nhập đạo, Thầy không ngừng cống hiến, phụng sự đạo pháp cho đến giờ phút sau cùng dù thân bệnh hoành hành. Đạo tràng Pháp Hoa từ đây vắng bóng Thầy, chúng đệ tử chừng ngơ ngác, bởi quen chờ để được nghe từng thời pháp của Thầy. Quyễn Kinh Nhật Tụng Thầy biên soạn năm nào còn vang âm hưởng, làm thương tiếc ngập lòng người ở lại mỗi khi đọc tụng. Đường trần Thầy vắng bóng từ đây, nhưng dưới mái chùa Thiên Phú Thầy vẫn luôn ngời sáng, luôn hiện diện trong tâm tưởng của hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia. Tháng Bảy, năm nhuần, muà Vu lan báo hiếu con mất thầy vĩnh viễn từ đây.

Thầy kính thương,

Ngôi chùa Thiên Phú yêu thương hằng ấp ũ một thời con nép dưới bóng Thầy, hay tu viên Phước Sơn mà Thầy đã bỏ nhiều tâm sức ra gầy dựng, dường như thoáng có, thoáng không. Với con, di bút Thầy để lại là cả tấm lòng vì đạo pháp một đời. Một đời hành đạo của Thầy gói ghém lại bấy nhiêu cũng đủ cho con. Làm sao có thể đáp đền ơn muôn một của ân sư đã giáo dưỡng cho con muôn kiếp thoát tử sinh, làm ánh đuốc sáng dẫn đường cho con tiến bước. Tủ kinh sách và chỗ ngủ đơn sơ trong căn phòng nhỏ, là tất cả những gì Thầy có bên mình trong cỏi tạm này. Chút trăn trở, băn khoăn còn lại, Thầy bình thản an bài, sắp xếp mọi điều để chúng đệ tử thừa hành, tiếp tục sứ mạng truyền đăng tục diệm sau khi Thầy trả lại báo thân.

Hướng về phương trời xa, một lạy này con kính cẩn dâng Thầy. Ngưỡng nguyện noi gương ân sư con sẽ vì lợi ích của muôn loài mà tu tập, hành trì để tự độ và độ tha. Thầy dù ra đi nhưng mãi mãi vẫn bên con, như dãi mây bạc thong dong qua bầu trời rộng. Con tin rằng Thầy sẽ chọn sinh tử làm chốn đi về, trong hạnh nguyện hội nhập ta bà, phổ độ quần sanh.


Nguyên Thảo
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/03/2013(Xem: 6624)
Trường trung học chưa được cất. Ngoài giờ học, bọn trẻ tha hồ đi rong chơi. Khi lên núi Lăng, khi lên Thạch Động, lúc ra biển Mũi Nai. Mấy đứa con trai rắn mắt, thích cảm giác mạnh thì rủ nhau hái trộm xoài, đặt bẫy, bắn chim hoặc xuống mé biển dưới chân hòn Kim Dự, ...
29/03/2013(Xem: 4615)
Nói đến thơ và nền Triết Học lưu xuất từ Tư Tưởng Phật học Tánh Không hay một Triết lý phiêu bồng từ Đông sang Tây của thế tục đế, hầu như đã được tồn đọng trong con người gầy guộc, nhỏ nhắn, dáng dấp phiêu diêu, lãng đãng như sương sớm, mây chiều.
29/03/2013(Xem: 4625)
Những năm tháng dùi mài kinh điển trong các tự viện để thể nhập Phật học huyền vi, u hiển, một thời nào đó đã lầu thông giáo lý cao siêu giải thoát, hướng thân lập mệnh trên con đường giác ngộ, để rồi hôm nay là thành quả hiển nhiên có được tận cùng tâm hồn sâu thẳm mà Thầy đang phô diễn như ý nghĩa cao siêu của Đại Bi Tâm.
29/03/2013(Xem: 4568)
Đây là chủ đề bài thuyết trình của diễn giả Nguyên Siêu, tác giả 650 trang sách trong tác phẩm “Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ, Và Phương Trời Mộng” tập 1 và tập 2 vừa hoàn thành và được chính thức ra mắt tại hội trường của Hiệp Hội Người Việt tại San Diego, miền Nam California.
29/03/2013(Xem: 10425)
Tôi người Quảng Bình, 1 trong 3 nơi mà Huyền Trân công chúa mới đáng là thành hoàng. Tổ tiên gốc người Hải dương, 4 cha con cùng có mặt trong đạo quân tiếp quản Quảng Bình, rồi định cư ở 3 làng. Thuận Lý là con trưởng, kế đó, Phương Xuân là con thứ 2. Diêm điền, làng tôi, là nơi Tổ của làng tôi cùng con út định cư.Làng tôi cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng bình chỉ có chừng 600 mét đường chim bay.
27/03/2013(Xem: 9845)
Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư, Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 01 (2007, Canada) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 02 (2008, Hoa Kỳ) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 03 (2019, Hoa Kỳ) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 04 (2010, Đức) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 05 (2011, Pháp) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 06 (2012, Úc) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 07 (2013, Hoa Kỳ) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 08 (2014, Úc) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 09 (2015, Pháp) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 10 (2016, Canada) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 11 (2018, Pháp) Đại Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư - Ngày Về Nguồn - lần 12 (2020, Úc)
18/03/2013(Xem: 5203)
Viện Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn, thủ đô miền Nam Việt Nam, trước năm 1975 là một trung tâm văn hóa Phật giáo nổi tiếng lừng lẫy. Nơi đây đã quy tụ biết bao hào kiệt trượng phu, biết bao tao nhân mặc khách, biết bao giáo sư, triết gia cự phách thượng đẳng. Đặc biệt là các thiên tài xuất chúng siêu việt như Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, nổi bật nhất là Bùi Giáng, một thi sĩ kỳ dị, xưa nay chưa từng thấy xuất hiện trên bầu trời văn nghệ Việt Nam và thế giới.
11/03/2013(Xem: 6040)
Lê Quý Đôn (1726-1784) là một danh sĩ, nhà văn hóa, sử gia, sống vào đời Hậu Lê. Ông không những ba lần thi đều đỗ đầu, kinh qua nhiều chức quan, đã từng đi sứ sang Trung Quốc, mà còn là một nhà bác học, đã để lại một gia tài đồ sộ bao gồm khoảng 16 tác phẩm và nhiều thơ, phú bằng chữ Nôm khác. [1] Trong số những tác phẩm ấy, có Kiến văn tiểu lục, [2] là một tác phẩm dành riêng quyển 9 – thiên Thiền dật, để viết về Phật giáo và Thiền tông Phật giáo Việt Nam, chủ yếu là những vị Tổ thuộc Thiền phái Trúc lâm. Trong bài viết ngắn này, chúng ta thử chỉ tìm hiểu quan điểm của Lê Quý Đôn về Phật giáo, mà không bàn sâu đến phần Thiền tông Việt Nam mà ông đã chép.
21/02/2013(Xem: 6597)
Hòa thượng Thích Tâm Giác, thế danh là Trần Văn Mỹ, sinh năm 1917 tại tỉnh Nam Định, thân phụ là cụ ông Trần Văn Quý, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Suôi. Ngài là con trai thứ hai trong gia đình gồm hai trai một gái. Ngài sinh trưởng trong một gia đình Nho phong. Thân phụ Ngài tinh thông Hán học. Cả hai ông bà lại rất thâm tín Phật pháp. Do đó, Ngài được hấp thụ ngay từ thuở ấu thơ hai nền văn hóa cổ truyền của dân tộc là Khổng giáo và Phật giáo.
19/02/2013(Xem: 7885)
Mới đây các nhà khảo cổ Mỹ và Canada đưa ra chứng cứ cho rằng Phật giáo đã được truyền vào Mỹ trước khi ông Columbus tìm ra châu Mỹ. Tuy nhiên, theo các tài liệu có được hiện nay thì Phật giáo chỉ thật sự có mặt tại Mỹ sau kỳ Đại hội Tôn giáo Thế giới tổ chức tại bang Chicago vào năm 1893. Nhưng ai là người có công truyền bá và làm lớn mạnh "hạt giống Bồ đề" trên đất Mỹ? Trong bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu một số nhà sư cư sĩ người châu Á, những người tiên phong có công đặt nền móng xây dựng ngôi nhà chánh pháp trên đất Mỹ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567