Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 10

22/04/201317:25(Xem: 9177)
Phần 10

NHÀ XUẤT BẢN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 2001

TOÀN TẬP

TÂM NHƯ TRÍ THỦ

--- o0o ---

TẬP 2

ĐÀM VÔ ĐỨC BỘ TỨ PHẦN LUẬT

TỲ KHEO GIỚI BỔN
HIỆP CHÚ

H.T THÍCH TRÍ THỦ

Tổng hợp chú giải

CHÁNH VĂN

CHƯƠNG MỞ ĐẦU

TỰA THUYẾT GIỚI

1. Cúi đầu lễ chư Phật,

Tôn Pháp, Tỳ kheo Tăng,

Nay diễn pháp tỳ ni,

Để Chánh pháp trường tồn.

2. Giới như biển không bờ,

Như báu cầu không chán,

Muốn hộ tài sản Thánh,

Chúng họp nghe tôi tụng.

3. Muốn trừ bốn tội khí,

Và diệt tội tăng tàn,

Ngăn ba mươi xả đọa,

Chúng họp nghe tôi tụng.

4. Tỳ bà thi, Thi khí,

Tỳ xá, Câu lưu tôn,

Câu na hàm mâu ni,

Ca diếp, Thích ca văn;

5. Các Đại đức, Thế tôn,

Vì tôi dạy sự này,

Tôi nay muốn nhắc rõ,

Các người thảy cùng nghe.

6. Ví như người què chân,

Không thể đi đâu được,

Người phá giới cũng vậy,

Không thể sanh trời, người.

7. Muốn được sanh lên trời,

Hoặc sanh vào cõi người,

Thường phải giữ chân giới,

Đừng để bị thương tổn.

8. Như xe vào đường hiểm,

Lo hư chốt, gãy trục,

Phá giới cũng như vậy,

Khi chết lòng sợ hãi.

9. Như người tự soi kiếng,

Đẹp, xấu sanh vui, buồn,

Thuyết giới cũng như vậy,

Vẹn, hỏng sanh mừng, lo.

10. Như hai trận xáp chiến,

Gan, nhát có tiến thối,

Thuyết giới cũng như vậy,

Tịnh, nhiễm sanh vui, sợ.

11. Thế gian, vua là lớn,

Sông ngòi, biển rộng hơn,

Các sao, trăng sáng nhất,

Các Thánh, Phật trên hết.

12. Trong tất cả các luật,

Giới kinh là tối thượng,

Như Lai lập cấm giới,

Nửa tháng tụng một lần.

Hỏi:Tăng họp chưa?

Đáp:Tăng đã họp.

Hỏi:Hòa hiệp không?

Đáp:Hòa hiệp.

Hỏi:Người chưa thọ Cụ túc đã ra chưa?

Đáp:Người chưa thọ Cụ túc đã ra.

Hỏi:Các Tỳ kheo không đến có thuyết dục và thanh tịnh không?

Đáp:(Nếu không có thì đáp): Trong đây không có Tỳ kheo thuyết dục và thanh tịnh.

(Nếu có thì đáp):.

Người thọ dục đứng ra giữa Tăng, lễ một lễ, quỳ chắp tay bạch:Bạch Đại đức Tăng, Tỳ kheo... Tăng sự như pháp, có gởi dục và thanh tịnh cho tôi. Tôi có nhận lãnh sự gởi dục và thanh tịnh của vị ấy.

(Thượng tọa nói): Thiện-Đáp: Nhĩ.

(Thượng tọa hỏi tiếp): Có ai sai Tỳ kheo ni đến thỉnh giáo giới không?

Đáp: (Có hay không, tác bạch như được nói trongYết ma yếu chỉ).

Hỏi: Tăng nay hòa hiệp để làm gì?

Đáp: Thuyết giới yết ma.

Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Hôm nay là bạch (hay hắc) nguyệt ngày thứ 15 (hoặc 14), chúng Tăng thuyết giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận hòa hiệp thuyết giới. Đây là lời tác bạch (hoặc tác bạch như vậy).

Thưa các Đại đức, nay tôi sẽ tụng giới Ba la đề mộc xoa, các Tỳ kheo cùng tập họp tại một chỗ. Hãy lắng nghe, suy nghiệm kỹ. Nếu ai tự biết có phạm, hãy tự phát lộ. Ai không phạm thì im lặng, do sự im lặng, tôi biết các Đại đức thanh tịnh. Như một người được kẻ khác hỏi riêng điều gì, thì như thật mà trả lời. Cũng vậy, Tỳ kheo nào ở trong chúng sau khi đã ba lần hỏi, nhớ nghĩ mình có tội mà không phát lộ, vị ấy mắc tội cố ý vọng ngữ. Phật dạy, cố ý vọng ngữ là pháp chướng đạo. Tỳ kheo nào nhớ nghĩ mình có tội, muốn cầu thanh tịnh, hãy tự phát lộ, do phát lộ mà an lạc.

Thưa các Đại đức, tôi đã thuyết xong tựa Giới kinh. Nay hỏi, các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (3 lần).

Các Đại đức trong đây thanh tịnh, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.

CHƯƠNG MỘT

PHÁP BA LA DI

Thưa các Đại đức, đây là bốn pháp Ba la di xuất từ Giới kinh, mỗi nửa tháng tụng một lần.

1. Tỳ kheo nào, đã thọ trì học xứ và chấp nhận đời sống của Tỳ kheo, chưa hoàn giới, giới sút kém nhưng không phát lộ, mà hành pháp dâm dục, cho đến cùng với loài súc sinh, Tỳ kheo ấy là kẻ Ba la di, không được sống chung.

2. Tỳ kheo nào, hoặc từ làng xóm hoặc từ rừng vắng lấy vật không cho với tâm trộm cắp; tùy theo sự lấy vật không cho ấy mà vua hay đại thần của vua, hoặc bắt, hoặc giết, hoặc trói, hoặc đuổi khỏi nước, hoặc khiển trách: “Ngươi là kẻ trộm; Ngươi là kẻ ngu; Ngươi là kẻ không biết gì”.Tỳ kheo ấy là kẻ Ba la di, không được sống chung.

3. Tỳ kheo nào, cố ý tự tay mình làm dứt sinh mạng loài người; hoặc cầm dao đưa người khác dứt, hoặc khen ngợi sự chết, hoặc khích lệ cho chết, nói rằng:“Ôi, này bạn, ích gì đời sống xấu xa ấy. Bạn nên chết đi tốt hơn”.Hoặc với tâm ý như vậy, tư duy như vậy, bằng mọi phương tiện, khen ngợi sự chết, khích lệ cho chết. Người kia nếu do thế mà chết, Tỳ kheo ấy là kẻ Ba la di, không được sống chung.

4. Tỳ kheo nào, thật sự không chứng ngộ, mà tự mình tuyên bố rằng:“Tôi đã chứng đắc pháp của bậc thượng nhân. Tôi đã chứng nhập pháp thù thắng của thánh trí. Tôi biết pháp này. Tôi thấy pháp này”.Vị ấy, vào một lúc khác, bị người cật vấn hoặc không bị cật vấn, muốn cho mình được thanh tịnh, nói như vầy: “Tôi thật sự không biết, không thấy, những đã nói là có biết có thấy. Đó là lời nói hư dối”. Ngoại trừ tăng thượng mạn, Tỳ kheo ấy là kẻ Ba la di, không được sống chung.

Các Đại đức, tôi đã tụng xong bốn pháp ba la di. Tỳ kheo nào phạm bất cứ một pháp nào không còn được sống chung với các Tỳ kheo. Cũng như trước kia, sau khi phạm cũng vậy, Tỳ kheo ấy là kẻ Ba la di, không được sống chung.

Nay hỏi, các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (3 lần).

Các Đại đức trong đây thanh tịnh, vì im lặng. Việc ấy tôi ghi nhận như vậy.

CHƯƠNG HAI

TĂNG GIÀ BÀ THI SA

Thưa các Đại đức, đây là mười ba pháp Tăng già bà thi sa, xuất từ Giới kinh, nửa tháng tụng một lần.

1. Tỳ kheo nào cố ý làm xuất tinh, trừ chiêm bao, Tăng già bà thi sa.

2. Tỳ kheo nào, do dục tâm dồn nén, xúc chạm thân người nữ, hoặc nắm tay, hoặc nắm tóc, hoặc xúc chạm bất cứ một thân phần nào, Tăng già bà thi sa.

3. Tỳ kheo nào, do dục tâm dồn nén, nói lời thô tục về dâm dục với người nữ, tùy theo lời nói thô tục về dâm dục, Tăng già bà thi sa.

4. Tỳ kheo nào, do dục tâm dồn nén, đối trước người nữ, tự khen thân mình:“Này cô, tôi tu phạm hạnh, trì giới tinh tấn, tu tập pháp thiện. Nên đem pháp dâm dục ấy cung phụng tôi; sự cung phụng ấy là bậc nhất”, Tăng già bà thi sa.

5. Tỳ kheo nào qua lại người này người kia làm mai mối, đem ý người nam nói với người nữ, đem ý người nữ nói với người nam, hoặc để thành việc vợ chồng, hoặc để cho tư thông dù chỉ trong chốc lát, Tăng già bà thi sa.

6. Tỳ kheo nào, tự khất cầu để cất thất, không có thí chủ, tự làm cho mình, cần phải làm đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài mười hai gang tay Phật, bên trong rộng bảy gang tay Phật. Phải mời các Tỳ kheo đến chỉ định nơi chốn. Các Tỳ kheo ấy cần chỉ định nơi chốn, là nơi không có nguy hiểm, nơi không bị bít lối. Nếu Tỳ kheo, nơi có nguy hiểm, nơi bị bít lối, tự khất cầu để cất thất không có thí chủ, tự làm cho mình, không mời các Tỳ kheo đến chỉ định nơi chốn, hoặc làm quá lượng, Tăng già bà thi sa.

7. Tỳ kheo nào muốn cất tinh xá lớn có thí chủ làm cho mình, cần phải mời các Tỳ kheo khác đến chỉ định nơi chốn. Các Tỳ kheo ấy cần chỉ định nơi chốn, là nơi không có nguy hiểm, không bị bít lối. Nếu Tỳ kheo, nơi có nguy hiểm, nơi bị bít lối, cất tinh xá lớn, có thí chủ làm cho mình, không mời các Tỳ kheo đến chỉ định nơi chốn, Tăng già bà thi sa.

8. Tỳ kheo nào, vì giận hờn ấp ủ, đối với Tỳ kheo không phải là Ba la di mà vu khống bằng pháp Ba la di không căn cứ, muốn hủy hoại đời sống phạm hạnh của vị ấy. Về sau, dù bị cật vấn hay không bị cật vấn, sự việc ấy được biết là không căn cứ, Tỳ kheo này nói rằng:“Tôi vì thù hận mà nói như vậy”.Tỳ kheo nào nói như vậy, Tăng già bà thi sa.

9. Tỳ kheo nào, vì giận hờn, dựa lấy tiểu tiết trong phần sự khác, đối với Tỳ kheo không phải là Ba la di mà vu khống bằng pháp Ba la di không căn cứ, muốn hủy hoại đời sống phạm hạnh của vị ấy. Về sau, dù bị cật vấn hay không bị cật vấn, sự việc ấy được biết là dựa lấy tiểu tiết trong phần sự khác, Tỳ kheo này tự nói rằng:“Tôi vì thù hận nên nói như vậy”.Tỳ kheo nào nói như vậy, Tăng già bà thi sa.

10. Tỳ kheo nào, muốn phá hoại hòa hiệp Tăng, tiến hành phá hòa hiệp Tăng, chấp chặt pháp phá hoại hòa hiệp Tăng kiên trì không bỏ. Các Tỳ kheo nên can gián Tỳ kheo này rằng: “Đại đức, chớ phá hòa hiệp Tăng, chớ chấp chặt pháp phá hoại hòa hiệp Tăng kiên trì không bỏ. Đại đức, nên cùng Tăng hòa hiệp. Vì cùng Tăng hòa hiệp, hoan hỷ không tranh chấp, đồng một thầy học, hòa hiệp như nước với sữa, thì ở trong Phật pháp mới có sự tăng ích, sống an lạc”.Tỳ kheo ấy khi được can gián như vậy, vẫn kiên trì không bỏ; các Tỳ kheo nên can gián ba lần cho bỏ sự ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt, nếu không bỏ, Tăng già bà thi sa.

11. Tỳ kheo nào có bè đảng, từ một, hoặc hai, hoặc ba cho đến vô số Tỳ kheo. Các Tỳ kheo bè đảng ấy nói với chúng Tỳ kheo rằng:“Đại đức, chớ can gián Tỳ kheo ấy. Tỳ kheo ấy là Tỳ kheo nói đúng pháp. Tỳ kheo ấy là Tỳ kheo nói đúng luật. Những điều Tỳ kheo ấy nói, chúng tôi ưa thích. Những điều Tỳ kheo ấy nói, chúng tôi chấp nhận”.Chúng Tỳ kheo nên can gián các Tỳ kheo bè đảng ấy rằng: “Đại đức chớ nói như vầy: Tỳ kheo ấy là Tỳ kheo nói đúng pháp. Tỳ kheo ấy là Tỳ kheo nói đúng luật. Những điều Tỳ kheo ấy nói, chúng tôi ưa thích. Những điều Tỳ kheo ấy nói, chúng tôi chấp nhận. Nhưng Tỳ kheo ấy là Tỳ kheo nói phi pháp, là Tỳ kheo nói phi luật. Đại đức, chớ phá hoại hòa hiệp Tăng. Các ngài nên hoan hỷ hòa hiệp Tăng. Đại đức, cùng Tăng hòa hiệp, hoan hỷ không tranh chấp, đồng một thầy học, hòa hiệp như nước với sữa, ở trong Phật pháp mới có sự tăng ích, sống an lạc”.Các Tỳ kheo bè đảng được can gián như vậy mà kiên trì không bỏ, chúng Tỳ kheo nên can gián ba lần cho bỏ sự ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; nếu không bỏ, Tăng già bà thi sa.

12. Tỳ kheo nào sống nương tựa xóm làng hay thành ấp, mà làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu; sự làm hoen ố nhà người, mọi người đều thấy đều nghe; hành vi xấu, mọi người đều thấy đều nghe. Các Tỳ kheo nên nói với Tỳ kheo ấy rằng:“Đại đức là người làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu; sự làm hoen ố nhà người mọi người đều thấy đều nghe; hành vi xấu mọi người đều thấy đều nghe. Đại đức, ngài làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu, nay nên xa lánh xóm làng này, không nên sống ở đây nữa”.Tỳ kheo ấy nói với các Tỳ kheo rằng:“Đại đức, các Tỳ kheo có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có Tỳ kheo đồng tội như vậy mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi”.Các Tỳ kheo nên trả lời Tỳ kheo ấy rằng: “Đại đức chớ nói rằng: các Tỳ kheo có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh, vì có Tỳ kheo đồng tội như vậy mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi. Nhưng các Tỳ kheo không có thiên vị, không có giận hờn, không có sợ hãi, không có bất minh, mà vì Đại đức là người làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người mọi người đều thấy đều nghe, hành vi xấu mọi người đều thấy đều nghe”.Tỳ kheo ấy được can gián như vậy mà kiên trì không bỏ; các Tỳ kheo nên can gián ba lần cho bỏ sự ấy; cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; nếu không bỏ, Tăng già bà thi sa.

13. Tỳ kheo nào, có tánh ngoan cố không nghe người khuyên, đã được các Tỳ kheo khuyên can như pháp những điều trong học giới, tự thân không nhận lời can gián, lại nói: “Các Đại đức, chớ nói với tôi điều gì hoặc tốt hoặc xấu; tôi cũng không nói với các Đại đức điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Các Đại đức, hãy thôi, chớ can gián tôi”.Các Tỳ kheo can gián Tỳ kheo ấy rằng: Đại đức, chớ tự thân không nhận lời can gián. Đai đức, hãy tự thân nhận lời can gián. Đại đức như pháp can gián các Tỳ kheo. Các Tỳ kheo cũng như pháp can gián Đại đức. Như vậy, chúng đệ tử Phật được tăng ích, can gián lẫn nhau, chỉ bảo lẫn nhau, phát lộ với nhau”.Tỳ kheo ấy được can gián như vậy, kiên trì không bỏ, các Tỳ kheo nên ba lần can gián cho bỏ sự ấy; cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; nếu không bỏ, Tăng già bà thi sa.

Các Đại đức, tôi đã tụng xong mười ba pháp Tăng già bà thi sa. Chín giới đầu, lần đầu là phạm; bốn giới sau cho đến ba lần can gián. Tỳ kheo nào phạm bất cứ một pháp nào, biết mà che giấu, cần phải cưỡng bức cho ba lị bà sa. Hành ba lị bà sa xong, cho thêm sáu đêm ma na đỏa. Hành ma na đỏa xong, còn phải xuất tội. Cần phải giữa Tăng gồm hai mươi vị để xuất tội của Tỳ kheo ấy. Nếu thiếu một vị, không đủ chúng hai mươi người mà xuất tội Tỳ kheo ấy, thì tội của Tỳ kheo ấy không được trừ, các Tỳ kheo cũng bị khiển trách. Như thế là hợp thức.

Nay hỏi, các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (3 lần).

Các Đại đức trong đây thanh tịnh, vì im lặng. Việc ấy tôi ghi nhận như vậy.


CHƯƠNG BA

PHÁP BẤT ĐỊNH

Thưa các Đại đức, đây là hai pháp bất định xuất từ Giới kinh, nửa tháng tụng một lần.

1. Tỳ kheo nào cùng một người nữ một mình ngồi tại chỗ khuất, chỗ kín, chỗ có thể hành dâm, nói lời phi pháp. Có vị Ưu bà di trụ tín nói một pháp nào trong ba pháp, hoặc ba la di, hoặc tăng già bà tha si, hoặc ba dật đề, và Tỳ kheo ngồi ấy tự xác nhận:“Tôi phạm tội ấy”.Vậy cần xử trị một trong ba pháp, hoặc Ba la di, hoặc Tăng già bà thi sa, hoặc Ba dật đề, đúng như lời của vị Ưu bà di trụ tín. Cần phải như pháp xử trị Tỳ kheo ấy. Đây gọi là pháp Bất định.

2. Tỳ kheo nào cùng một người nữ ngồi tại chỗ trống, chỗ không thể hành dâm, nói lời thô tục. Có vị Ưu bà di trụ tín nói một trong hai pháp, hoặc Tăng già bà sa thi, hoặc Ba dật đề, và Tỳ kheo ngồi ấy tự xác nhận: “Tôi phạm tội ấy”,vậy cần xử trị một trong hai pháp, hoặc tăng già bà sa thi, hoặc ba dật đề, đúng như lời của vị Ưu bà di trụ tín. Cần phải như pháp xử trị Tỳ kheo ấy. Đây gọi là Pháp Bất định.

Các Đại đức, tôi đã tụng hai pháp Bất định.

Nay hỏi, các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (3 lần).

Các Đại đức trong đây thanh tịnh, vì im lặng. Việc ấy tôi ghi nhận như vậy.


CHƯƠNG BỐN

NI TÁT KỲ BA DẬT ĐỀ

Thưa các Đại đức, đây là ba mươi pháp Ni tát kỳ ba dật đề xuất từ Giới kinh, mỗi nửa tháng tụng một lần.

1. Tỳ kheo nào, y đã xong, Ca thi na đã xả, cất chứa y dư, trong mười ngày không tịnh thí được phép chứa, nếu quá mười ngày, Ni tát kỳ ba dật đề.

2. Tỳ kheo nào, y đã xong, Ca thi na đã xả, lìa một trong ba y ngủ đêm chỗ khác, trừ tăng yết ma, Ni tát kỳ ba dật đề.

3. Tỳ kheo nào, y đã xong, ca thi na đã xả, nếu Tỳ kheo được vải phi thời, cần thì nhận, nhận xong nhanh chóng may thành y, đủ thì tốt, không đủ thì được phép chứa một tháng vì đợi cho đủ, nếu chứa quá hạn, Ni tát kỳ ba dật đề.

4. Tỳ kheo nào, thọ nhận y từ Tỳ kheo ni không phải thân quyến, trừ đổi chác, Ni tát kỳ ba dật đề.

5. Tỳ kheo nào, khiến Tỳ kheo ni không phải thân quyến giặt y cũ, hoặc nhuộm, hoặc đập, Ni tát kỳ ba dật đề.

6. Tỳ kheo nào, xin y từ cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải thân quyến, Ni tát kỳ ba dật đề, trừ trường hợp đặc biệt. Trường hợp đặc biệt là nếu Tỳ kheo y bị cướp, y bị mất, y bị cháy, y bị nước cuốn. Đây gọi là trường hợp đặc biệt.

7. Tỳ kheo nào, y bị mất, y bị cướp, y bị cháy, y bị nước cuốn, nếu có cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải thân quyến đem cho nhiều y yêu cầu tùy ý nhận; Tỳ kheo ấy nên biết đủ mà nhận y, nếu nhận quá, Ni tát kỳ ba dật đề.

8. Tỳ kheo nào, có cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải thân quyến vì Tỳ kheo để dành tiền sắm y, nghĩ rằng:“Mua y như thế cho Tỳ kheo có tên như thế”. Tỳ kheo ấy trước không được yêu cầu tùy ý mà đi đến nhà cư sĩ, nói như vầy: “Lành thay, cư sĩ, nên vì tôi mua y như vậy như vậy”, vì muốn đẹp, nếu nhận được, Ni tát kỳ ba dật đề.

9. Tỳ kheo nào, có hai nhà cư sĩ hay vợ cư sĩ để dành tiền sắm y cho Tỳ kheo, đều nghĩ rằng:“Mang tiền sắm y như thế để mua y như thế cho Tỳ kheo có tên như thế”.Tỳ kheo ấy trước chưa nhận được sự yêu cầu tùy ý của hai nhà cư sĩ, mà đi đến hai nhà cư sĩ, nói như vầy: “Lành thay, dành số tiền may y như thế cho tôi, hãy chung lại làm một”.Vì muốn đẹp, nếu nhận được y, Ni tát kỳ ba dật đề.

10. Tỳ kheo nào, hoặc vua hoặc đại thần, hoặc Bà la môn, hoặc cư sĩ hay vợ cư sĩ, sai sứ mang tiền đến Tỳ kheo, bảo rằng:“Hãy mang số tiền sắm y như thế cho Tỳ kheo có tên như thế”.Người sứ ấy đến chỗ Tỳ kheo, nói với Tỳ kheo rằng: “Đại đức, nay tiền sắm y này được gởi đến ngài. Ngài hãy nhận”. Tỳ kheo ấy nên nói với sứ giả rằng: “Tôi không được phép nhận tiền may y này, khi nào cần y hợp thời và thanh tịnh, tôi sẽ nhận”.Người sứ này có thể hỏi Tỳ kheo rằng: “Đại đức có người chấp sự không?”.Tỳ kheo cần y nên nói:“Có”và chỉ một tịnh nhân Tăng già la, hoặc một Ưu bà tắc, nói rằng: “Đó là người chấp sự của Tỳ kheo, thường chấp sự cho các Tỳ kheo”.Bấy giờ, sứ giả đi đến chỗ người chấp sự, trao số tiền sắm y, rồi trở lại chỗ Tỳ kheo, nói như vầy: “Đại đức, tôi đã trao tiền sắm y cho người chấp sự mà ngài chỉ. Đại đức, khi nào cần, hãy đến người ấy sẽ được y”.Tỳ kheo khi cần y sẽ đến chỗ người chấp sự, hoặc hai lần, hoặc ba lần, khiến cho nhớ lại, bằng cách nói rằng: “Tôi cần y”.Hoặc hai lần, hoặc ba lần như vậy khiến cho nhớ lại. Nếu nhận được y thì tốt. Bằng không thì bốn lần, năm lần, sáu lần, đứng im lặng trước người ấy. Nếu bốn lần, năm lần, sáu lần, đứng im lặng trước người ấy mà được y thì tốt; bằng không được y mà cố cầu quá giới hạn ấy, nếu được y, Ni tát kỳ ba dật đề. Nếu không được y, tự mình hoặc sai người đến chỗ người xuất tiền sắm y, nói rằng: “Ngài trước sai người cầm tiền sắm y cho Tỳ kheo tên như vậy. Tỳ kheo ấy cuối cùng không được y. Ngài hãy lấy lại, đừng để mất”.Như vậy là hợp thức.

11. Tỳ kheo nào, trộn tơ tằm làm ngọa cụ mới, Ni tát kỳ ba dật đề.

12. Tỳ kheo nào, làm ngọa cụ mới bằng lông dê toàn đen, Ni tát kỳ ba dật đề.

13. Tỳ kheo nào, làm ngọa cụ mới, phải dùng hai phần lông dê toàn màu đen, phần thứ ba trắng, phần thứ tư xám. Nếu Tỳ kheo không dùng hai phần đen, phần thứ ba trắng, phần thứ tư xám làm ngọa cụ mới, Ni tát kỳ ba dật đề.

14. Tỳ kheo nào, làm ngọa cụ mới phải trì cho đến sáu năm. Nếu dưới sáu năm, không xả mà làm thêm cái mới, trừ tăng yết mà, Ni tát kỳ ba dật đề.

15. Tỳ kheo nào, làm tọa cụ mới, phải lấy một miếng của cái cũ vuông vức một gang tay Phật, đắp lên tọa cụ mới, để cho hoại sắc. Nếu Tỳ kheo làm tọa cụ mới không lấy một miếng của cái cũ vuông vức một gang tay đắp lên tọa cụ mới để cho hoại sắc, Ni tát kỳ ba dật đề.

16. Tỳ kheo nào, khi đi đường được lông dê, nếu cần dùng, không có người mang, được phép tự mang đi cho đến ba do tuần. Nếu không có người mang, tự mình mang đi quá ba do tuần, Ni tát kỳ ba dật đề.

17. Tỳ kheo nào, sai Tỳ kheo ni không phải thân quyến giặt, nhuộm hay chải lông dê, Ni tát kỳ ba dật đề.

18. Tỳ kheo nào, tự tay cầm tiền, hoặc vàng, bạc hoặc bảo người cầm, hoặc để xuống đất mà nhận, Ni tát kỳ ba dật đề.

19. Tỳ kheo nào, kinh doanh tài bảo dưới mọi hình thức, Ni tát kỳ ba dật đề.

20. Tỳ kheo nào, kinh doanh mậu dịch dưới mọi hình thức, Ni tát kỳ ba dật đề.

21. Tỳ kheo nào, chứa bát dư, không tịnh thí được phép chứa trong hạn mười ngày; quá hạn, Ni tát kỳ ba dật đề.

22. Tỳ kheo nào, có bát vá dưới năm chỗ không chảy rỉ, mà tìm xin bát mới, vì muốn đẹp, Ni tát kỳ ba dật đề. Tỳ kheo ấy phải đến giữa Tăng mà xả. Tăng lần lượt đổi, lấy bát tối hạ tọa trao cho, khiến trì cho đến vỡ. Như vậy là hợp thức.

23. Tỳ kheo nào, tự mình xin chỉ sợi, khiến thợ dệt không phải thân quyến dệt làm ba y, Ni tát kỳ ba dật đề.

24. Tỳ kheo nào, có cư sĩ hay vợ cư sĩ khiến thợ dệt vì Tỳ kheo làm y. Tỳ kheo ấy, trước chưa được yêu cầu tùy ý, liền đến chỗ thợ dệt nói rằng:“Y này vốn làm cho tôi. Hãy dệt cho tôi thật hết sức khéo, khiến cho dài rộng, bền chắc, tôi sẽ trả công cho ít nhiều”.Tỳ kheo ấy trả công, dù chỉ đáng giá một bữa ăn, nếu được y, Ni tát kỳ ba dật đề.

25. Tỳ kheo nào, trước đã cho Tỳ kheo khác y, sau vì giận hờn, tự mình đoạt hay sai người đoạt lấy, nói rằng: “Hãy trả y lại tôi. Tôi không cho ngài”.Nếu Tỳ kheo kia trả y, Tỳ kheo kia nhận lấy, Ni tát kỳ ba dật đề.

26. Tỳ kheo nào, có bịnh, các loại thuốc dư tàn như tô, dầu, sanh tô, mật ong, thạch mật, trong thời hạn bảy ngày được phép dùng, nếu quá bảy ngày còn dùng, Ni tát kỳ ba dật đề.

27. Tỳ kheo nào, xuân còn một tháng, có thể tìm cầu y tắm mưa, còn lại nửa tháng, có thể dùng. Nếu Tỳ kheo quá trước một tháng tìm cầu y tắm mưa, quá trước nửa tháng dùng, Ni tát kỳ ba dật đề.

28. Tỳ kheo nào, còn mười ngày nữa mới hết ba tháng hạ, các Tỳ kheo được y cấp thí, Tỳ kheo biết đó là y cấp thí, có thể thọ nhận. Thọ xong, có thể cất chứa cho đến thời của y, nếu cất chứa quá hạn, Ni tát kỳ ba dật đề.

29. Tỳ kheo nào, hạ ba tháng đã hết, một tháng hậu ca đề cũng mãn, sống tại A lan nhã, chỗ đáng nghi ngờ, có sợ hãi. Tỳ kheo sống tại trú xứ như thế, trong ba y, nếu muốn, có thể lưu một y gởi trong nhà dân. Các Tỳ kheo có nhân duyên được lìa y, ngủ cho đến sáu đêm, nếu quá, Ni tát kỳ ba dật đề.

30. Tỳ kheo nào, biết đó là vật thuộc Tăng, mà tự xoay về cho mình, Ni tát kỳ ba dật đề.

Thưa các Đại đức, tôi đã tụng ba mươi pháp ni tát kỳ ba dật đề.

Nay hỏi các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (3 lần).

Các Đại đức trong đây thanh tịnh, vì im lặng. Việc ấy, tôi ghi nhận như vậy.

CHƯƠNG NĂM

BA DẬT ĐỀ

Thưa các Đại đức, đây là chín mươi pháp Ba dật đề, xuất từ Giới kinh, nửa tháng tụng một lần.

1. Tỳ kheo cố ý nói dối, Ba dật đề.

2. Tỳ kheo nói nhục mạ bằng các chủng loại, Ba dật đề.

3. Tỳ kheo nói lời ly gián, Ba dật đề.

4. Tỳ kheo ngủ đêm chung nhà với người nữ, Ba dật đề.

5. Tỳ kheo ngủ đêm chung nhà với người chưa thọ đại giới quá hai đêm, đến đêm thứ ba, Ba dật đề.

6. Tỳ kheo cùng tụng giới đọc chung với người chưa thọ đại giới, Ba dật đề.

7. Tỳ kheo biết vị khác có tội thô ác, đem nói với người chưa thọ đại giới, trừ Tăng yết ma, Ba dật dề.

8. Tỳ kheo đối với người chưa thọ Cụ túc mà tự nói mình chứng ngộ pháp Thượng nhân rằng:“Tôi biết điều này, tôi thấy điều này”.Nếu đây là sự thật, Ba dật đề.

9. Tỳ kheo thuyết pháp cho người nữ quá năm, sáu lời, trừ có mặt người nam có trí, Ba dật đề.

10. Tỳ kheo tự tay đào đất hoặc bảo người đào, Ba dật đề.

11. Tỳ kheo phá hoại mầm sống cây cỏ, Ba dật đề.

12. Tỳ kheo cố ý nói quanh và gây phiền vị khác, Ba dật đề.

13. Tỳ kheo nào chê bai và nói xấu (tri sự Tăng), Ba dật đề.

14. Tỳ kheo nào mang giường nằm, ghế ngồi, hoặc ngọa cụ, đệm ngồi của Tăng bày ra chỗ đất trống, hoặc khiến người bày; khi bỏ đi không tự mình dọn cất, không khiến người dọn cất, Ba dật đề.

15. Tỳ kheo nào, ở trong tăng phòng, tự mình hoặc bảo người dọn trải ngọa cụ của Tăng để ngồi, hoặc nằm, khi đi không tự mình dọn cất, không khiến người dọn cất, Ba dật đề.

16. Tỳ kheo nào, đã biết đó là chỗ nghỉ của Tỳ kheo khác; mình đến sau cố chen vào giữa trải ngọa cụ để ngủ nghỉ, với ý nghĩ rằng: “Vị ấy nếu hiềm chật sẽ tự tránh đi chỗ khác”.Hành động với nhân duyên ấy chứ không gì khác, không phải oai nghi khác, Ba dật đề.

17. Tỳ kheo nào, giận hờn, không ưa Tỳ kheo khác, tự lôi kéo ra khỏi tăng phòng, hay khiến người khác lôi ra, Ba dật đề.

18. Tỳ kheo nào, tại tăng phòng, trên tầng gác, nằm hay ngồi trên giường, ghế bằng chân lắp, Ba dật đề.

19. Tỳ kheo nào, biết nước có trùng, mà tự mình hoặc bảo người tưới lên bùn hoặc cỏ, Ba dật đề.

20. Tỳ kheo nào, làm phòng xá lớn, cánh cửa, khung cửa sổ, và các thứ trang sức khác, chỉ bảo người lợp tranh ngang bằng hai, ba tiết; nếu quá, Ba dật đề.

21. Tỳ kheo nào, không được Tăng sai mà giáo thọ Tỳ kheo ni, Ba dật đề.

22. Tỳ kheo nào, tuy được Tăng sai, nhưng giáo thọ Tỳ kheo ni cho đến mặt trời lặn, Ba dật đề.

23. Tỳ kheo nào, nói với các Tỳ kheo như vầy: “Tỳ kheo vì sự ăn uống mà giáo thọ Tỳ kheo ni”, ba dật đề.

24. Tỳ kheo nào, cho y Tỳ kheo ni không phải thân quyến, Ba dật đề.

25. Tỳ kheo nào, may y cho Tỳ kheo ni không phải thân quyến, Ba dật đề.

26. Tỳ kheo nào, ngồi một mình với một Tỳ kheo ni tại chỗ khuất kín, Ba dật đề.

27. Tỳ kheo nào, hẹn và cùng đi chung đường với Tỳ kheo ni, từ một xóm đến một xóm, trừ trường hợp đặc biệt, Ba dật đề. Trường hợp đặc biệt là, cùng đi với khách buôn, hoặc khi có nghi ngờ, có sợ hãi. Đây gọi là trường hợp đặc biệt.

28. Tỳ kheo nào, hẹn và đi chung thuyền với Tỳ kheo ni, dù đi ngược dòng hay xuôi dòng trừ qua ngang, Ba dật đề.

29. Tỳ kheo nào ăn thức ăn được biết là do Tỳ kheo ni khuyến hóa, trừ đàn việt có chủ ý trước, Ba dật đề.

30. Tỳ kheo nào hẹn và đi chung đường với người nữ, dù chỉ trong quãng xóm, Ba dật đề.

31. Tỳ kheo nào, tại trú xứ cúng một bữa, Tỳ kheo không bệnh chỉ nên ăn một bữa, nếu thọ nhận quá, Ba dật đề.

32. Tỳ kheo nào, ăn nhiều lần, trừ các trường hợp khác, Ba dật đề. Các trường hợp khác là, khi bệnh, khi thí y. Đây gọi là trường hợp khác.

33. Tỳ kheo nào ăn riêng chúng, trừ các trường hợp khác, Ba dật đề. Các trường hợp khác là, khi bệnh, thời gian làm y, thời gian thí y, khi đi đường, khi đi thuyền, khi đại chúng tập họp, khi sa môn thí thức. Đây là các trường hợp khác.

34. Tỳ kheo nào, đến nhà bạch y, được mời thọ dụng vật thực, hoặc bánh, hoặc bột; nếu cần dùng, nên thọ hai ba bát; trở về trong tăng già làm nên chia cho các Tỳ kheo khác ăn. Nếu Tỳ kheo không bệnh, thọ lãnh quá hai ba bát, mang về trong tăng già lam, không chia cho các Tỳ kheo khác ăn, Ba dật đề.

35. Tỳ kheo nào, ăn đã đủ, hoặc khi thọ thỉnh, không làm phép dư thực mà ăn nữa, Ba dật đề.

36. Tỳ kheo nào, biết Tỳ kheo kia ăn đã đủ, hoặc khi thọ thỉnh, không làm phép dư thực mà ân cần mời vị kia ăn, nói rằng: “Trưởng lão, hãy dùng món ăn này”.Chỉ với mục đích này chứ không có gì khác, tức là muốn người khác phạm giới, Ba dật đề.

37. Tỳ kheo nào ăn phi thời, Ba dật đề.

38. Tỳ kheo nào cất chứ đồ ăn qua đêm và ăn, Ba dật đề.

39. Tỳ kheo nào, đưa vào miệng thức ăn hoặc thuốc không được trao nhận, trừ nước và tăm, Ba dật đề.

40. Tỳ kheo nào không bệnh mà xin những thứ ẩm thực mỹ diệu cho mình như sữa, lạc, cá và thịt, Ba dật đề.

41. Tỳ kheo nào, tự tay cho thức ăn đến nam ngoại đạo, nữ ngoại đạo, Ba dật đề.

42. Tỳ kheo nào, trước đã nhận lời mời, nhưng trước hay sai bữa ăn đi đến nhà khác mà không báo cho Tỳ kheo khác biết, trừ trường hợp đặc biệt, Ba dật đề. Trường hợp đặc biệt là khi bệnh, thời gian làm y, thời gian thí y. Đây là những trường hợp đặc biệt.

43. Tỳ kheo nào, tại gia đình đang thọ thực, có vật báu, mà cố nán ngồi, Ba dật đề.

44. Tỳ kheo nào, tại gia đình đang thọ thực, có vật báu, mà ngồi ở chỗ khuất, Ba dật đề.

45. Tỳ kheo nào, một mình ngồi với một người nữ tại chỗ trống, Ba dật đề.

46. Tỳ kheo nào, nói với Tỳ kheo khác như vầy:“Đại đức, hãy cùng tôi vào tụ lạc, tôi sẽ cho Đại đức thức ăn”.Tỳ kheo ấy cuối cùng không cho Tỳ kheo kia thức ăn, lại nói rằng:“Đại đức hãy đi chỗ khác. Tôi không thích nói chuyện hay ngồi một chỗ với Đại đức. Tôi thích ngồi một mình, nói chuyện một mình”.Chỉ với mục đích ấy chứ không gì khác, là cố tình đuổi đi, Ba dật đề.

47. Tỳ kheo được thỉnh cầu thọ nhận thuốc 4 tháng; Tỳ kheo không bệnh có thể nhận; nếu quá hạn mà nhận, Ba dật đề, trừ có sự thỉnh thường xuyên, thỉnh tiếp tục, thỉnh chia phần, thỉnh suốt đời.

48. Tỳ kheo nào, đi xem quân trận, Ba dật đề, trừ có nhân duyên hợp thời.

49. Tỳ kheo nào, có nhân duyên được phép đến trong quân trại ngủ lại hai, ba đêm; nếu quá, Ba dật đề.

50. Tỳ kheo nào, ở trong quân trại hai, ba đêm hoặc khi xem quân đội diễn tập, hoặc xem thế lực quân bộ, quân voi, quân ngựa, Ba dật đề.

51. Tỳ kheo nào, uống rượu, Ba dật đề.

52. Tỳ kheo nào, đùa giỡn trong nước, Ba dật đề.

53. Tỳ kheo nào, lấy ngón tay thọc léc người khác, Ba dật đề.

54. Tỳ kheo nào, không nhận lời can gián, Ba dật đề.

55. Tỳ kheo nào, dọa nạt Tỳ kheo khác, Ba dật đề.

56. Tỳ kheo, nửa tháng tắm một lần; Tỳ kheo không bịnh nên thọ; nếu quá, Ba dật đề; trừ trường hợp đặc biệt. Trường hợp đặc biệt là, thời gian nóng, khi bịnh, khi lao tác, khi gió và mưa, khi đi đường. Đó là các trường hợp đặc biệt.

57. Tỳ kheo nào, không bịnh, để tự sưởi, nhóm lửa tại đất trống, hoặc bảo người nhóm, Ba dật đề; trừ có nhân duyên.

58. Tỳ kheo nào, giấu y, bát, tọa cụ, ống đựng kim của Tỳ kheo khác, tự mình giấu hoặc bảo người giấu, dù chỉ giỡn chơi, Ba dật đề.

59. Tỳ kheo nào, đã cho y đến Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na, Sa di, Sa di ni; về sau, không nói với chủ mà lấy lại dùng, Ba dật đề.

60. Tỳ kheo nào, được y mới, tùy ý dùng một trong ba màu hoặc là xanh, hoặc đen, hoặc mộc lan làm cho hoại sắc. Nếu không làm hoại sắc bằng ba thứ hoặc xanh, hoặc đen, hoặc mộc lan, mà mặc nguyên y mới, Ba dật đề.

61. Tỳ kheo nào, cố ý giết chết mạng sống loài vật, Ba dật đề.

62. Tỳ kheo nào, biết nước có trùng mà uống hoặc dùng, Ba dật đề.

63. Tỳ kheo nào, cố ý gieo nghi ngờ cho Tỳ kheo khác, dù chỉ khiến cho không yên tâm trong chốc lát, Ba dật đề.

64. Tỳ kheo nào, biết rõ Tỳ kheo khác phạm tội thô ác mà cố ý che giấu, Ba dật đề.

65. Người tuổi đủ hai mươi nên cho thọ đại giới; nếu Tỳ kheo biết người tuổi chưa đủ hai mươi mà cho thọ đại giới, Ba dật đề. Người ấy không đắc giới, các Tỳ kheo đáng bị khiển trách, vì là si.

66. Tỳ kheo nào, biết tránh sự đã được như pháp giải quyết rồi, sau đó lại khơi dậy, Ba dật đề.

67. Tỳ kheo nào, biết đó là đồng bọn giặc cướp, mà giao hẹn và cùng đi chung một đường, dù chỉ trong khoảng một xóm đến một xóm, Ba dật đề.

68. Tỳ kheo nào, nói như vầy: “Tôi biết rằng, theo pháp mà Phật dạy, sự hành dâm dục không phải là pháp chướng đạo”.Các Tỳ kheo kia nên can gián Tỳ kheo này rằng: “Đại đức, chớ nói như vậy; chớ xuyên tạc Thế Tôn; xuyên tạc Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không nói như vậy. Thế Tôn bằng vô số phương tiện nói rằng sự hành dâm dục là pháp chướng đạo”.Khi được các Tỳ kheo can gián, Tỳ kheo này vẫn kiên trì không bỏ. Các Tỳ kheo can gián ba lần cho bỏ sự ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; nếu không bỏ, Ba dật đề.

69. Tỳ kheo nào, biết người nói lời như thế chưa được tác pháp (giải), tà kiến như thế chưa bỏ, lại cung cấp các nhu yếu, cùng yết ma, cùng ngủ nghỉ, cùng nói chuyện, Ba dật đề.

70. Tỳ kheo nào, biết Sa di ấy nói như vầy:“Tôi nghe pháp từ Đức Phật, nói rằng: “Hành dâm dục không phải là pháp chướng đạo”.Các Tỳ kheo nên can gián Sa di ấy như vầy: “Ngươi chớ xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không nói như vậy. Này Sa di, Thế Tôn bằng vô số phương tiện nói rằng dâm dục là pháp chướng đạo”.Khi được các Tỳ kheo can gián như thế mà Sa di ấy vẫn kiên trì không bỏ; các Tỳ kheo nên can gián ba lần cho bỏ sự ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; nếu không bỏ, các Tỳ kheo nên nói với Sa di ấy rằng: “Ngươi từ nay trở đi hãy đi khỏi đây; không được nói rằng: “Đức Phật là Thế Tôn của tôi”. Không được đi theo các Tỳ kheo khác. Các Sa di được phép ngủ hai, ba đêm cùng với các Tỳ kheo; nhưng ngươi nay không có sự kiện ấy. Ngươi hãy ra khỏi đây, hãy đi khuất chỗ đây, không được sống ở đây nữa”.Nếu Tỳ kheo biết Sa di đã bị đuổi giữa chúng như vậy, mà dụ đem về nuôi dưỡng, cùng ngủ chung, ba dật đề.

71. Tỳ kheo nào, khi được các Tỳ kheo như pháp can gián lại nói rằng: “Thưa Đại đức, tôi nay không học điều giới này, trừ phi tôi hỏi rõ Tỳ kheo trì luật có trí khác”, Ba dật đề. Nếu muốn hiểu biết, muốn học, thì nên hỏi.

72. Tỳ kheo nào, khi tụng giới, nói như vầy:“Đại đức, nói những giới vụn vặt ấy có ích lợi gì? Khi nói giới ấy chỉ làm cho người ta phiền muộn, xấu hổ, hoài nghi”vì khinh chê giới, Ba dật đề.

73. Tỳ kheo nào, khi nghe tụng giới, nói như vầy: “Nay tôi mới biết pháp này được ghi trong Giới kinh, mỗi nửa tháng tụng một lần, xuất từ Giới kinh”.Các Tỳ kheo khác biết Tỳ kheo này đã từng ngồi dự tụng giới hoặc hai hoặc ba lần, huống nữa là nhiều lần. Tỳ kheo ấy không phải do vì không biết mà khỏi tội. Nếu có phạm tội, thì phải được xử trị như pháp, rồi lại chồng thêm tội vô tri, bảo rằng: “Trưởng lão, thật không ích lợi gì cho ngài, không có sở đắc tốt đẹp gì cho ngài, vì trong khi tụng giới ngài không dụng tâm, không nhất niệm lắng tai nghe pháp”.Vị ấy vì vô tri, Ba dật đề.

74. Tỳ kheo nào, sau khi đã dùng chung yết ma, lại nói như vầy: “Các Tỳ kheo tùy theo chỗ thân hậu mà cho vật của Tăng”, Ba dật đề.

75. Tỳ kheo nào, khi Tăng đoán sự chưa xong, không giữ dục mà đứng dậy đi ra, Ba dật đề.

76. Tỳ kheo nào, đã giữ dục, sau đó tỏ sự bất bình, Ba dật đề.

77. Tỳ kheo nào, sau khi các Tỳ kheo tranh cãi nhau, nghe lời người này đem nói với người kia, Ba dật đề.

78. Tỳ kheo nào, vì giận hờn, không hoan hỷ, đánh Tỳ kheo khác, Ba dật đề.

79. Tỳ kheo nào, vì giận hờn, không hoan hỷ, khoa tay dọa đánh Tỳ kheo khác, Ba dật đề.

80. Tỳ kheo nào, vì giận hờn, vu khống Tỳ kheo khác bằng pháp tăng già bà thi sa không căn cứ, Ba dật đề.

81. Tỳ kheo nào, khi nhà vua quán đảnh dòng Sát đế lỵ chưa ra, bảo vật chưa được thu cất, mà vào cung vua, bước qua khỏi ngạch cửa, Ba dật đề.

82. Tỳ kheo nào, tự mình cầm nắm bảo vật hay đồ trang sức bằng bảo vật, hoặc bảo người khác cầm nắm, Ba dật đề; trừ ở trong tăng già lam hay chỗ ký túc, Ba dật đề. Nếu ở trong tăng già lam hoặc chỗ ký túc mà tự mình cầm nắm bảo vật hay đồ trang sức bằng bảo vật, hoặc bảo người khác cầm, nên nghĩ như vậy: “Nếu sở hữu chủ nhận ra, sẽ nhận lấy”.Chỉ với nhân duyên ấy chứ không gì khác.

83. Tỳ kheo nào, phi thời vào tụ lạc mà không báo cho Tỳ kheo khác biết, Ba dật đề.

84. Tỳ kheo nào, làm giường dây hay giường gỗ, chân phải cao bằng tám ngón tay của Như Lai, đã trừ phần từ lỗ mộng để ráp thành giường trở lên; nếu quá, Ba dật đề, phải hớt bỏ.

85. Tỳ kheo nào, dùng bông Đâu la miên dùng làm đệm lớn, đệm nhỏ lót giường dây, giường gỗ, đã dồn thành, Ba dật đề.

86. Tỳ kheo nào, dùng răng, xương, sừng làm ống đựng kim; moi khoét và làm thành, Ba dật đề.

87. Tỳ kheo nào, làm ni sư đàn, cần phải làm đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài hai gang và rộng một gang rưỡi tay Phật; rồi thêm dài và rộng nửa gang nữa làm lề; nếu quá, Ba dật đề, phải cắt bỏ.

88. Tỳ kheo nào, làm y che ghẻ, cần phải làm đúng lượng. Trong đây đúng lượng là bề dài bốn gang và rộng hai gang tay Phật; nếu quá, Ba dật đề, phải cắt bỏ.

89. Tỳ kheo nào, làm y tắm mưa, cần phải làm đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài sáu gang và rộng hai gang rưỡi tay Phật; nếu quá, Ba dật đề, phải cắt bỏ.

90. Tỳ kheo nào, may y bằng lượng y của Như Lai, hoặc may quá lượng ấy, Ba dật đề. Trong đây, lượng y của Như Lai là dài mười gang và rộng sáu gang tay Phật. Đây gọi là lượng y của Như Lai.

Thưa các Đại đức, tôi đã tụng xong chín mươi pháp Ba dật đề.

Nay hỏi các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (3 lần).

Các Đại đức trong đây thanh tịnh, vì im lặng. Việc ấy tôi ghi nhận như vậy.

CHƯƠNG SÁU

BA LA ĐỀ ĐỀ XÁ NI

Thưa các Đại đức, đây là bốn pháp Ba la đề đề xá ni xuất từ Giới kinh, mỗi nửa tháng tụng một lần.

1. Tỳ kheo vào thôn xóm, nếu không bịnh mà tự tay nhận thức ăn từ Tỳ kheo ni không phải thân quyến và ăn; Tỳ kheo ấy cần phải đối trước Tỳ kheo khác mà phát lộ rằng:“Bạch Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không đáng làm. Nay đối trước Đại đức xin phát lộ sám hối”.Đây gọi là pháp hối quá.

2. Tỳ kheo khi ăn trong nhà bạch y; trong đó có một Tỳ kheo ni chỉ bảo rằng: “Mang canh cho vị này; dâng cơm cho vị kia”.Các Tỳ kheo nên nói với Tỳ kheo ni ấy rằng:“Này sư cô, hãy thôi. Hãy để yên các Tỳ kheo thọ thực”.Nếu không có một Tỳ kheo nào nói với Tỳ kheo ni kia rằng:“Này cô, hãy thôi. Hãy để yên các Tỳ kheo thọ thực”; thì các Tỳ kheo này cần đối trước một Tỳ kheo khác mà phát lộ rằng:“Bạch Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không đáng làm. Nay đối trước Đại đức xin phát lộ sám hối”.Đây gọi là pháp hối quá.

3. Nếu có gia đình mà Tăng đã tác pháp yết ma học gia; Tỳ kheo nào biết đó là học gia, trước không được thỉnh, lại không bịnh, tự tay nhận thức ăn và ăn; Tỳ kheo ấy cần đối trước Tỳ kheo khác phát lộ rằng:“Tôi phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không đáng làm. Nay tôi đối trước Đại đức xin phát lộ sám hối”.Đây gọi là pháp hối quá.

4. Tỳ kheo sống tại A lan nhã xa xôi hẻo lánh, chỗ đáng nghi ngờ, có sợ hãi. Tỳ kheo sống tại trú xứ A lan nhã như vậy, trước không nói cho đàn việt biết, không thọ nhận thức ăn bên ngoài tăng già lam, trái lại, không bịnh mà ở bên trong tăng già lam tự tay nhận thức ăn, Tỳ kheo ấy cần phải đối trước Tỳ kheo khác mà phát lộ rằng: “Bạch Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không đáng làm. Nay đối trước Đại đức xin phát lộ sám hối”.Đây gọi là pháp hối quá.

Thưa các Đại đức, tôi đã tụng xong bốn pháp Ba la đề đề xá ni.

Nay hỏi các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (3 lần).

Các Đại đức trong đây thanh tịnh, vì im lặng. Việc ấy tôi ghi nhận như vậy.

CHƯƠNG BẢY

PHÁP CHÚNG HỌC

Thưa các Đại đức, đây là một trăm pháp chúng học xuất từ Giới kinh, mỗi nửa tháng tụng một lần.

1. Phải bận Niết bàn tăng cho tề chỉnh, cần phải học.

2. Phải khoác ba y cho tề chỉnh, cần phải học.

3. Không nên vắt ngược y khi đi vào nhà bạch y, cần phải học.

4. Không nên vắt ngược y khi ngồi trong nhà bạch y, cần phải học.

5. Không nên quấn y nơi cổ khi đi vào nhà bạch y, cần phải học.

6. Không nên quấn y nơi cổ khi ngồi trong nhà bạch y, cần phải học.

7. Không nên trùm đầu khi đi vào nhà bạch y, cần phải học.

8. Không nên trùm đâu khi ngồi trong nhà bạch y, cần phải học.

9. Không nên nhảy nhót khi đi vào nhà bạch y, cần phải học.

10. Không nên nhảy nhót khi ngồi trong nhà bạch y, cần phải học.

11. Không nên ngồi chồm hổm trong nhà bạch y, cần phải học.

12. Không nên chống nạnh khi đi vào nhà bạch y, cần phải học.

13. Không nên chống nạnh khi ngồi trong nhà bạch y, cần phải học.

14. Không nên uốn éo thân mình khi đi vào nhà bạch y, cần phải học.

15. Không nên uốn éo thân mình khi ngồi trong nhà bạch y, cần phải học.

16. Không nên khoác tay khi đi vào nhà bạch y, cần phải học.

17. Không nên khoác tay khi ngồi trong nhà bạch y, cần phải học.

18. Phải trùm kín thân thể khi đi vào nhà bạch y, cần phải học.

19. Phải trùm kín thân thể khi ngồi trong nhà bạch y, cần phải học.

20. Không nên nhìn ngắm ngang dọc khi đi vào nhà bạch y, cần phải học.

21. Không nên nhìn ngắm ngang dọc khi ngồi trong nhà bạch y, cần phải học.

22. Phải khẽ tiếng khi đi vào nhà bạch y, cần phải học.

23. Phải khẽ tiếng khi ngồi trong nhà nhà bạch y, cần phải học.

24. Không được cười cợt khi đi vào nhà bạch y, cần phải học.

25. Không được cười cợt khi ngồi trong nhà bạch y, cần phải học.

26. Phải dụng ý khi thọ nhận thức ăn, cần phải học.

27. Thọ nhận thức ăn vừa ngang bát, cần phải học.

28. Thọ nhận canh vừa ngang bát, cần phải học.

29. Ăn cơm và canh đồng đều, cần phải học.

30. Theo thứ tự mà ăn, cần phải học.

31. Không nên moi giữa bát mà ăn, cần phải học.

32. Tỳ kheo không bịnh, không được vì mình yêu sách cơm canh, cần phải học.

33. Không nên dùng cơm che lấp canh để mong được thêm, cần phải học.

34. Không nên liếc nhìn vào trong bát người ngồi cạnh sanh tâm tị hiềm, cần phải học.

35. Phải chú tâm vào bát mà ăn, cần phải học.

36. Không nên ăn vắt cơm lớn, cần phải học.

37. Không nên há miệng lớn đợi cơm mà ăn, cần phải học.

38. Không nên ngậm cơm mà nói, cần phải học.

39. Không nên vắt cơm thảy vào miệng, cần phải học.

40. Không nên để cơm rơi rớt khi ăn, cần phải học.

41. Không nên búng má mà ăn, cần phải học.

42. Không nên nhai cơm có tiếng khi ăn, cần phải học.

43. Không nên hớp cơm có tiếng mà ăn, cần phải học.

44. Không nên lấy lưỡi liếm khi ăn, cần phải học.

45. Không nên rảy tay khi ăn, cần phải học.

46. Không nên dùng tay lượm cơm rơi mà ăn, cần phải học.

47. Không nên tay dơ cầm đồ đựng thức ăn, cần phải học.

48. Không nên đổ nước rửa bát trong nhà bạch y, cần phải học.

49. Không nên đại tiểu tiện, hỉ, nhổ lên rau cỏ tươi, trừ bịnh, cần phải học.

50. Không được đại tiểu tiện, hỉ nhổ trong nước sạch, trừ bịnh, cần phải học.

51. Không nên đứng mà đại tiểu tiện, trừ bịnh, cần phải học.

52. Không nên thuyết pháp cho người vắt ngược áo không cung kính, trừ người bịnh, cần phải học.

53. Không nên thuyết pháp cho người quấn áo nơi cổ, trừ người bịnh, cần phải học.

54. Không nên thuyết pháp cho người trùm đầu, trừ người bịnh, cần phải học.

55. Không nên thuyết pháp cho người quấn khăn trên đầu trừ người bịnh, cần phải học.

56. Không nên thuyết pháp cho người chống nạnh, trừ người bịnh, cần phải học.

57. Không nên thuyết pháp cho người mang dép da, trừ người bịnh, cần phải học.

58. Không nên thuyết pháp cho người mang guốc gỗ, trừ người bịnh, cần phải học.

59. Không nên thuyết pháp cho người ngồi trên ngựa, trừ người bịnh, cần phải học.

60. Không nên ngủ nghỉ trong tháp Phật, trừ vì canh giữ, cần phải học.

61. Không được chôn giấu tài vật trong tháp Phật, trừ muốn cho chắc chắn, cần phải học.

62. Không được mang dép da vào tháp Phật, cần phải học.

63. Không được tay cầm dép da đi vào trong tháp Phật, cần phải học.

64. Không được mang dép da đi nhiễu quanh tháp Phật, cần phải học.

65. Không được mang giày phú la vào trong tháp Phật, cần phải học.

66. Không được xách giày phú la vào trong tháp Phật, cần phải học.

67. Không được ngồi dưới tháp Phật mà ăn, cần phải học.

68. Không được khiêng tử thi đi qua dưới tháp Phật, cần phải học.

69. Không được chôn tử thi dưới tháp Phật, cần phải học.

70. Không được thiêu tử thi dưới tháp Phật, cần phải học.

71. Không được đối diện tháp Phật thiêu tử thi, cần phải học.

72. Không được thiêu tử thi quanh bốn phía tháp Phật, làm hôi thối xông vào, cần phải học.

73. Không được mang áo và giường người chết đi qua dưới tháp Phật, trừ đã giặt nhuộm xông hương, cần phải học.

74. Không được đại tiểu tiện dưới tháp Phật, cần phải học.

75. Không được đại tiểu tiện trước tháp Phật, cần phải học.

76. Không được đại tiểu tiện quanh bốn phía tháp Phật, khiến hôi thối xông vào, cần phải học.

77. Không được mang tượng Phật đến chỗ đại tiểu tiện, cần phải học.

78. Không được nhăn nhành dương (đánh răng, súc miệng) dưới tháp Phật, cần phải học.

79. Không được nhăn nhành dương (đánh răng, súc miệng) đối diện tháp Phật, cần phải học.

80. Không được nhăn nhành dương (đánh răng, súc miệng) quanh bốn phía tháp Phật, cần phải học.

81. Không được hỉ, nhổ dưới tháp Phật, cần phải học.

82. Không được hỉ, nhổ đối diện tháp Phật, cần phải học.

83. Không được hỉ, nhổ quanh bốn phía tháp Phật, cần phải học.

84. Không được ngồi duỗi chân về phía tháp Phật, cần phải học.

85. Không được đặt (thờ) tháp Phật (nhỏ) ở phòng dưới, mình ở phòng trên, cần phải học.

86. Không được thuyết pháp cho người ngồi mà mình đứng, trừ người bịnh, cần phải học.

87. Không được thuyết pháp cho người nằm mà mình ngồi, trừ người bịnh, cần phải học.

88. Không được thuyết pháp cho người ngồi chính giữa, còn mình ngồi một bên, trừ người bịnh, cần phải học.

89. Không được thuyết pháp cho người ngồi chỗ cao, còn mình ngồi chỗ thấp, trừ người bịnh, cần phải học.

90. Không được thuyết pháp cho người đi trước, còn mình đi phía sau, trừ người bịnh, cần phải học.

91. Không được thuyết pháp cho người ở chỗ kinh hành cao, còn mình ở chỗ kinh hành thấp, trừ người bịnh, cần phải học.

92. Không được thuyết pháp cho người ở giữa đường, còn mình ở bên đường, trừ người bịnh, cần phải học.

93. Không được nắm tay khi đi đường, cần phải học.

94. Không được leo lên cây cao quá đầu người, trừ khi có nhân duyên, cần phải học.

95. Không được bỏ bình bát vào trong đãy rồi xỏ vào đầu gậy, không cung kính, trừ người bịnh, cần phải học.

96. Không được thuyết pháp cho người cầm gậy, không cung kính, trừ người bịnh, cần phải học.

97. Không được thuyết pháp cho người cầm gươm, trừ người bịnh, cần phải học.

98. Không được thuyết pháp cho người cầm mâu, trừ người bịnh, cần phải học.

99. Không được thuyết pháp cho người cầm dao, trừ người bịnh, cần phải học.

100. Không được thuyết pháp cho người cầm dù, trừ ngườøi bịnh, cần phải học.

Thưa các Đại đức, tôi đã tụng xong một trăm pháp chúng học.

Nay hỏi các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (3 lần).

Các Đại đức trong đây thanh tịnh, vì im lặng. Việc ấy tôi ghi nhận như vậy.


CHƯƠNG TÁM

PHÁP DIỆT TRÁNH

Thưa các Đại đức, đây là bảy pháp diệt tránh xuất từ Giới kinh, mỗi nửa tháng tụng một lần.

Nếu có tránh sự khởi lên giữa các Tỳ kheo, tức thì cần phải trừ diệt.

1. Cần giải quyết bằng hiện tiền tỳ ni, phải giải quyết bằng hiện tiền tỳ ni.

2. Cần giải quyết bằng ức niệm tỳ ni, phải giải quyết bằng ức niệm tỳ ni.

3. Cần giải quyết bằng bất si tỳ ni, phải giải quyết bằng bất si tỳ ni.

4. Cần giải quyết bằng tự ngôn trị, phải giải quyết bằng tự ngôn trị.

5. Cần giải quyết bằng mích tội tướng, phải giải quyết bằng mích tội tướng.

6. Cần giải quyết bằng đa nhân mích tội tướng, phải giải quyết bằng đa nhân mích tội tướng.

7. Cần giải quyết bằng như thảo phú địa, phải giải quyết bằng như thảo phú địa.

Thưa các Đại đức, tôi đã tụng xong bảy pháp diệt tránh.

Nay hỏi các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (3 lần).

Các Đại đức trong đây thanh tịnh, vì im lặng. Việc ấy tôi ghi nhận như vậy.

CHƯƠNG KẾT

I. KẾT THUYẾT

Thưa các đại đức, tôi đã tụng tựa của giới kinh, đã tụng bốn pháp ba la di, đã tụng mười ba pháp tăng già bà thi sa, đã tụng hai pháp bất định, đã tụng ba mươi pháp ni tát kỳ ba dật đề, đã tụng chín mươi pháp ba dật đề, đã tụng bốn pháp ba la đề đề xá ni, đã tụng các pháp chúng học, đã tụng bảy pháp diệt tránh. đó là những điều phật đã thuyết, xuất từ giới kinh, mỗi nửa tháng tụng một lần. và còn có các phật pháp khác nữa, trong đây cần phải cùng hòa hiệp học tập.

II. THẤY PHẬT GIỚI KINH:

1. Nhẫn: khổ hạnh bậc nhất;
Niết bàn: đạo tối thượng;
Xuất gia, não hại người,
Không xứng danh sa môn.

Đây là Giới kinh mà đức Tỳ Bà Thi Như Lai, bậc Vô sở trước, Đẳng chánh giác, đã giảng dạy.

2. Cũng như người mắt sáng,
Tránh khỏi lối hiểm nghèo;
Bậc có trí trong đời,
Tránh xa các xấu ác.

Đây là Giới kinh mà đức Thi Khí Như Lai, bậc Vô sở trước, Đẳng chánh giác, đã giảng dạy.

3. Không báng bổ, tật đố;
Vâng hành các học giới;
Ăn uống biết vừa đủ;
Thường ưa chỗ nhàn tịnh;
Tâm định, vui tinh tấn;
Là lời chư Phật dạy.

Đây là Giới kinh mà đức Tỳ Diếp La Như Lai, bậc Vô sở trước, Đẳng chánh giác, đã giảng dạy.

4. Như ong đến tìm hoa,
Không hại sắc và hương,
Chỉ hút nhụy rồi đi,
Vậy Tỳ kheo vào xóm,
Không chống trái việc người,
Người làm hay không làm;
Chỉ xét hành vi mình,
Đoan chính không đoan chính.

Đây là Giới kinh mà đức Câu Lưu Tôn Như Lai, bậc Vô sở trước, Đẳng chánh giác, đã giảng dạy.

5. Chớ để tâm buông lung,
Hãy cần học Thánh pháp;
Như thế dứt ưu sầu,
Tâm định nhập Niết bàn.

Đây là Giới kinh mà đức Câu Na Hàm Mâu Ni Như Lai, bậc Vô sở trước, Đẳng chánh pháp, đã giảng dạy.

6. Hết thảy ác chớ làm,
Hãy vâng hành các thiện;
Tự lóng sạch tâm chí;
Là lời chư Phật dạy.

Đây là Giới kinh mà Đức Ca Diếp Như Lai, bậc Vô sở trước, Đẳng chánh giác, đã giảng dạy.

7. Khéo phòng hộ lời nói;
Tâm chí tự lắng trong;
Thân không làm các ác;
Thực hành được như thế;
Ba tịnh nghiệp đạo này,
Là đạo đấng Đại Tiên.

Đây là Giới kinh mà Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai, bậc Vô sở trước, Đẳng chánh giác, đã giảng dạy cho các Tỳ kheo vô sự trong khoảng mười hai năm đầu. Từ đó về sau được phân biệt rộng rãi. Các Tỳ kheo tự mình hâm mộ Chánh pháp, hâm mộ sa môn hành, có tàm có quý, hâm mộ học giới, hãy tu học ở trong đây.

III. KHUYẾN GIỚI:

1. Kẻ trí khéo hộ giới,

Sẽ được ba điều vui:

Danh thơm và lợi dưỡng,

Sau khi chết sanh thiên.

2. Hãy quán sát điều này,

Bậc trí siêng hộ giới.

Giới tịnh sanh trí tuệ;

Thành tựu đạo tối thượng.

3. Như chư Phật quá khứ,

Và chư Phật vị lai,

Các Thế Tôn hiện tại,

Đấng chiến thắng khổ đau,

Thảy đều tôn kính giới,

Đấy là pháp chư Phật.

4. Nếu ai vì tự thân

Mong cầu nơi Phật đạo,

Hãy tôn trọng Chánh pháp,

Đây lời chư Phật dạy.

5. Bảy đấng Thế Tôn Phật,

Diệt trừ mọi kết sử,

Thuyết bảy Giới kinh này,

Giải thoát các hệ phược,

Các ngài đã Niết bàn,

Các hí luận vắng bặt.

6. Các đệ tử tuân hành,

Lời dạy đấng Đại Tiên,

Giới Thánh hiền khen ngợi,

Thảy đều nhập Niết bàn.

7. Thế Tôn khi Niết bàn,

Vận khởi tâm đại bi,

Họp các Tỳ kheo chúng,

Ban giáo giới như vầy:

8. Chớ nghĩ Ta Niết bàn,

Không còn ai chăn dắt,

Giới kinh và tỳ ni;

Những điều Ta dạy rõ,

Hãy xem đó như Phật,

Dù Ta nhập Niết Bàn.

9. Giới kinh này còn mãi,

Phật pháp còn sáng rỡ,

Do sự sáng rỡ ấy,

Niết bàn được chứng nhập.

10. Nếu không trì giới này,

Không bố tát như pháp;

Khác gì mặt trời lặn,

Thế giới thành tối tăm.

11. Hãy hộ trì giới ấy,

Như trâu mao tiếc đuôi,

Hòa hiệp ngồi một chỗ,

Như lời Phật đã dạy.

12. Tôi đã thuyết Giới kinh

Chúng Tăng bố tát xong,

Tôi nay thuyết Giới kinh,

Công đức thuyết giới này,

Nguyện ban khắp chúng sanh,

Cùng trọn thành Phật đạo.

--- o0o ---


Source:www.phatviet.net

Vi tính: Nguyên Trang, Nhị Tường - Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/04/2016(Xem: 8678)
Năm 2013 vừa qua, chúng ta vừa cử hành trọng thể Lễ Kỷ Niệm 50 năm Bồ Tát Quảng Đức khắp nơi trên thế giới. Một con người vĩ đại với một hy sinh vĩ đại vì tiền đồ đạo pháp và dân tộc, không bút mực nào tả xiết, không có sự hy sinh nào có thể sánh bằng, thật như lời thơ của thi sĩ họ Vũ: “Một Mặt Trời Mới Mọc“.
25/04/2016(Xem: 12753)
Hôm nay Thứ bảy 23/4/2016, Chúng con môn đồ pháp quyến, đệ tử cung thỉnh Chư Tôn Thiền Đức Tăng, Ni quang lâm Chùa Duyên Giác, San Jose, CA, USA. Chứng Minh Lễ tưởng niệm Cung tiến Giác Linh cố Thượng Tọa Thích Minh Phát, Lễ Giổ tưởng niệm Ân Sư lần thứ 20, có sự Chứng Minh của Chư Tôn Đức: HT. Thích Minh Đạt, HT. Thích Thái Siêu, HT. Thích Nhựt Huệ, TT. Thích Tâm Phương, TT. Thích Đồng Trí, TT. Thích Minh Thiện, cùng Chư Tôn Đại Đức Tăng, Quý Sư Bà, TN. Nguyên Thanh, NS. TN. Như Phương, Ns. Tn. Quảng Tịnh, cùng chư tôn đức Ni, đáp lời cung thỉnh quang lâm chứng minh hộ niệm. Môn đồ Pháp quyến Thành kính đảnh lễ tri ân Quý Ngài, sau đây những hình ảnh được ghi lại.
14/04/2016(Xem: 14357)
HT Tăng Giáo Trưởng còn nổi tiếng là người trực tánh, nói thẳng, nhất là việc phá tà hiển chánh, những điều trái ý nghịch lòng HT ít khi giấu kín trong lòng. Một lần nọ, HT đến dự hội thảo về Giáo Dục tại Victoria Uni do GS Phan Văn Giưỡng mời, trong hội nghị trường có trên 20 Giáo Sư Đại Học khắp thế giới, một bà giáo sư đến từ Anh Quốc đứng lên chỉ trích giáo lý Bát Chánh Đạo của Phật Giáo, ý nói rằng Giáo lý này có gì hay ho đâu mà mỗi lần đến hội nghị cứ nghe các đại diện PG cứ nhắc đi nhắc lại hoài, thật là nhàm chán. HT Tăng Giáo Trưởng không dằn lòng được sự chỉ trích vô minh này, Ngài đã đứng lên hỏi ngay " thưa GS, GS làm nghề gì ? tôi dạy học " , " học trò của GS có hiểu bài GP giảng không ? có, vậy GS có đi ăn trộm không ? bà GS há hốc mồm khi nghe câu hỏi chói lỗ tai này. Nhưng HT đã chúc mừng bà GS đã sống theo giáo lý chánh nghiệp, chánh mạng, chánh ngữ, chánh tư duy của Bát Chánh Đạo rồi mà không hề biết, cả hội trường đều vỗ tay tán thán HT và bà GS sau đó đã đến xin lỗ
12/04/2016(Xem: 12489)
Trong phiên họp của Hội Đồng Điều Hành của GH vừa qua tại Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu kỳ 15 tại Sydney, đã quyết định tổ chức Đại Lễ Tri Ân nhị vị Hòa Thượng Trưởng Lão của Giáo Hội là Trưởng Lão Tăng Giáo Trưởng HT Thích Huyền Tôn và Trưởng Lão Chứng Minh Đạo Sư HT Thích Như Huệ. Buổi lễ sẽ tổ chức long trọng trong dịp Chư Tôn Đức về dự Khóa An Cư Kiết Đông kỳ 17 của GH tại Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu. Để cho buổi lễ tri ân được thập phần viên mãn, Ban Biên Tập Trang Nhà Quảng Đức xin gởi Thư Ngỏ này tha thiết kính thỉnh Chư Tôn Đức và quý Phật tử gần xa, hoan hỷ viết bài (thơ, văn, cảm niệm...) và gởi hình ảnh lưu niệm về nhị vị Trưởng Lão Hòa Thượng, nhất là những hình ảnh mang tính lịch sử như Lễ Đặt Đá Xây Dựng Chùa, các Khóa Tu, các kỳ Lễ lớn trong năm... tất cả những tài liệu này đều quý báu, ghi đậm dấu ấn bước chân hoằng pháp lợi sinh của nhị vị Trưởng Lão. Xin quý Ngài và quý vị hoan hỷ gởi tài liệu qua email: [email protected] trước ngày 20-04-2016 để Ban
26/03/2016(Xem: 8215)
Viên Giác tự – Chùa xưa còn đó mà Thầy đã quãy dép quy Tây Chùa Viên Giác tọa lạc trên một khu đất rộng trên đồi cao tại Cầu Đất, xã Xuân Trường, Tp Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm thành phố ngàn hoa khoảng chừng 30 km về hướng Đông Nam, trên độ cao 1650 m. Điểm nhấn của Cầu Đát có đồi chè với màu xanh ngắt ngút ngàn là một trong hai điểm đến mới nổi cực kỳ thu hút khách du lịch Đà Lạt tới tham quan. Trải dài trên diện tích 230 ha, đồi chè Cầu Đất dễ khiến những tín đồ của màu xanh lá phải bàng hoàng ngỡ ngàng trước cảnh sắc “đất xanh ngắt, trời xanh trong”. Thêm vào đó, không gian yên tĩnh, không khí mát lành cùng hương gió vấn vương vị chát chát đặc trưng của chè càng khiến Cầu Đất thêm phần hấp dẫn và lôi cuốn. Năm ở độ cao khoảng trên 1000m so với mực nước biển nên cảm nhận đầu tiên khi dừng chân tại chùa Viên Giác – Cầu Đát chính là nền nhiệt khác hẳn với quãng đường bạn đã băng qua trước đó. Vừa đến chân đồi việc đầu tiên cảm nhận được chính là sương mù. Đặc biệt vào nhữn
21/03/2016(Xem: 9882)
Chùa Đức Viên được Sư Bà Đàm Lựu sáng lập vào năm 1980. Sư Bà người làng Tam xá, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, Việt Nam. Xuất gia từ nhỏ tại chùa Cự Đà, năm 1951, Sư Bà thọ giới Tỳ kheo ni tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Năm 1952, Sư Bà học đạo tại chùa Dược Sư, Sài Gòn. Năm 1964, Sư Bà đi du học ở Tây Đức. Năm 1979, Sư Bà đến Hoa Kỳ. Năm 1980, Sư Bà về thành phố San Jose hành đạo và sáng lập chùa Đức Viên. Sau 19 năm tận tụy, chăm lo việc đạo, việc đời, Sư Bà quy Tây năm 1999. Việc tiếp tục kiến tạo ngôi già lam trang nghiêm, an tịnh, nổi tiếng được các Ni sư Đàm Nhật, Ni sư Đức Hòa cùng Ni chúng và quý Phật tử tín tâm thực hiện trong nhiều năm qua.
11/03/2016(Xem: 29140)
Tin từ Thượng Tọa Thích Nguyên Đạt, Chùa Việt Nam, Texas, hôm Thứ Năm, 10-3-2016, cho biết rằng Thầy Thích Nhuận Châu, tại Thành Phố Tampa, Florida đã tịch vì tai nạn xe. Theo bản tin của trang mạng Đài Truyền Hình Bay News 9 hôm Thứ Tư, 9-3-2016, được cập nhật hôm Thứ Năm, 10-3, chi nói đến một người đàn ông 40 tuổi mà không cho biết danh tánh là ai, nhưng tin từ Thầy Nguyên Đạt cho biết đó là Thầy Thích Nhuận Châu. Sau đây là bản dịch tin của trang mạng Bay News 9.
17/02/2016(Xem: 8574)
Hoà thượng Thích Giải Trọng thế danh là Đinh Quý, sinh ngày mồng 06/11/Bính Tuất tại làng Ngọc Tứ, xã Thanh Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay là thôn Ngọc Liên, xã Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Con ông Đinh Tín, pháp danh Như Tín và bà Đoàn Thị Giảng pháp danh Thị Thuyết, một gia đình có truyền thống Phật Giáo. Hoà Thượng là con thứ 4 trong gia đình có 6 người anh em, 3 trai và 3 gái.
01/02/2016(Xem: 22142)
Nguyệt San Chánh Pháp, bộ mới, số 51 , tháng 2 năm 2016, • THƯ TÒA SOẠN, trang 2 • NGÀY XUÂN - LỄ PHẬT ĐẦU NĂM (Nguyên Siêu), trang 3 • HUYỀN NGHI, ÂM HƯỞNG, HOÀI CẢM (thơ Phù Du), trang 4 • Ý NIỆM VỀ MÙA XUÂN DI LẶC (Tuệ Như), trang 5 • TRÀ KHUYA & TRĂNG (thơ Mặc Phương Tử), trang 6 • ĐẦU NĂM NÓI CHUYỆN HÁI LỘC (Pháp Hỷ), trang 7 • ĐẦU XUÂN KÍNH NGUYỆN (thơ ĐNT Tín Nghĩa), trang 8 • MÙA XUÂN HOA NGHIÊM (Nguyễn Thế Đăng), trang 9 • BẢN HOÀI CỦA TU SĨ (Ns. Thích Nữ Trí Hải), trang 11 • BIỂN VÀ THƠ (thơ Minh Lương), trang 12 • SÁU PHÁP MÔN MẦU NHIỆM (Thích Thái Hòa), trang 13
01/02/2016(Xem: 15077)
“Đế Minh” là cháu ba đời Vua“Thần Nông”tuần thú, chuyển dời phương nam Đến núi Ngũ Lĩnh, (Hồ Nam) (1) Gặp nàng “Tiêngiới” lấy làm hân hoan Kết duyên chồng vợ vẹn toàn Sinh con: “Lộc Tục” hiền ngoan nhất đời “Đế Minh” quyết định truyền ngôi
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]