Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Tại sao họ chọn con?

18/07/201103:41(Xem: 4083)
03. Tại sao họ chọn con?

SỐNG CHẾT CỦA KRISHNAMURTI
MỘT TIỂU SỬ VIẾT BỞI MARY LUTYENS
Lời dịch: Ông Không – Tháng 7-2009

3

‘Tại sao họ chọn con?’

Trong khi những phiên tòa đang tiếp tục hai cậu trai di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Mùa hè năm 1913 các cậu ở tại Varengeville, trên bờ biển Normandy, nơi một ngôi nhà đã được cho họ mượn bởi M. Mallet.[1]Lúc này Arundale đã từ chức ở Central Hindu College để giúp đỡ dạy kèm các cậu. Những chỉ thị của Bậc Thầy truyền lại qua Leadbeater rằng Krishna không bao giờ được đi ra ngoài mà không được theo cùng bởi hai người khai tâm – điều này có nghĩa Arundale và Raja. Raja là một người nghiêm khắc về kỷ luật nhiều hơn Arundale và các cậu không bằng lòng ông làm gia sư.

Lady Emily cũng ở tại Varengeville mùa hè đó, trong một ngôi nhà khác cùng năm người con của bà, và vào những buổi chiều có những trò chơi tennis và rounders. Tuy nhiên, hoạt động chính là đặt kế hoạch cho một tờ báo mở rộng mới có tên là Herald of the Star Người đưa tin của Vì Sao, được xuất bản hàng tháng ở Anh do Lady Emily là biên tập viên của nó. Trong suốt mùa hè đó Krishna trở thành ‘sống trọn đời’ của Lady Emily. ‘Người chồng, nhà cửa và con cái phai lạt dần vào quá khứ’của bà. Lady coi Krishna như cả ‘người con và người thầy của bà’,13và cậu, trong vài năm kế tiếp, hầu như cũng hết lòng với bà như thế.

Vào tháng mười năm đó Miss Dodge sắp xếp để chuyển cho Krishna £500 và Nitya £300 một năm trong suốt đời. Lợi tức này dường như đã cho Krishna sự can đảm để, lần đầu tiên, viết cho Leadbeater khẳng định sự độc lập của cậu. Cậu yêu cầu Raja ‘rời khỏi những bổn phận của ông’ bởi vì cậu, Krishna, biết cậu có thể ‘chỉ đường và hướng dẫn George (Arundale)’ tốt lành hơn nếu không có ông ấy. Cậu tiếp tục, ‘Tôi nghĩ bây giờ là thời điểm tôi phải nắm giữ sứ mệnh của tôi . . . tôi đã không được trao bất kỳ cơ hội nào để cảm thấy những trách nhiệm của tôi và tôi đã bị kéo lê loanh quanh giống như một đứa bé.’ Raja được gọi về, nhưng sự yêu cầu không được đón nhận vui vẻ lắm. Trước lúc đó, Leadbeater nhận thấy rằng Krishna là người hoàn toàn dễ uốn nắn.

Do những sợ hãi bị bắt cóc được hâm nóng lại sau một thời gian im ắng, Arundale được chỉ thị đưa các cậu quay trở lại Taromina vào tháng giêng 1914. Lần này Lady Emily theo cùng các cậu và bị chỉ trích gay gắt trong một lá thư Mrs Besant viết, bởi vì đã rời bỏ con cái của bà để đi theo Krishna không thuộc trách nhiệm của Lady. Sự di chuyển kế tiếp của các cậu là đến Shanklin trên Isle of Wight nơi Krishna học chơi golf. E. A. Wodehouse đã được gửi từ Benares để là gia sư thay thế Raja, và cô của Arundale, Miss Francesca Arundale có phận sự chăm sóc nhà cửa (Krishna nhận được 125 bảng Anh một tháng từ Mrs Besant cho những chi phí sinh hoạt). Miss Arundale là một phụ nữ trông nghiêm khắc, có mái tóc bạc tết chặt đằng sau và đeo kính gọng thép, trước kia là môn đồ của Madame Blavatsky. Lady Emily thường xuyên thăm viếng các cậu. Cùng dạo bộ với bà trong cánh rừng, Krishna thường thấy những sinh linh tưởng tượng rất xinh đẹp, bé tí và ngạc nhiên khi bà không thể thấy chúng. Bà nhớ lại rằng Krishna chỉ lưu tâm đến thi ca trong những ngày đó, đặc biệt Shelly và Keats, và những phần của Kinh Cựu ước mà bà đọc cho cậu nghe. Cậu hầu như thuộc lòng The ‘Song of Solomon’.

George Arundale rất ganh ghét Lady Emily vào thời gian này và liên tục gửi những báo cáo cho Mrs Besant về sự hư hỏng mà Lady đang gây ra cho Krishna. Sau khi Mrs Besant đã thắng được vụ kiện tại The Privy Council, các cậu trai, cùng gia sư của các cậu, chuyển đến Bude, một thị trấn ven biển ở Cornwall, nơi Lady Emily bị Arundale cấm không được viếng thăm các cậu. Ông nói với Lady rằng bà đang cản trở ‘công việc của Bậc Thầy bằng cách nhấn mạnh bản chất thấp hèn nên gây bất lợi cho sự phát triển bản chất cao quý của Krishna’ và rằng Lady không hiểu Krishna rõ ràng hơn ông. Ông liên tục thúc giục Krishna ‘mang qua’ điều gì cậu đã nhớ từ tầng tinh thần, nhưng Krishna thường không ‘mang qua’ bất kỳ điều gì mà cậu cảm thấy không chân thật.

Để đền bù cho việc cấm gặp gỡ Lady Emily, Krishna được tặng một chiếc xe gắn máy. Cậu thích đánh bóng nó liên tục và sửa chữa vặt động cơ. Dick Clarke nói rằng cậu là một thợ cơ khí bẩm sinh. Cậu cũng rất giỏi môn golf, luyện tập với một người chuyên nghiệp xuất sắc. (Năm năm sau cậu dành được chức vô địch tại Muirfield mà sau đó cậu mô tả là khoảnh khắc tự hào nhất của cuộc đời cậu.)

Vào tháng bảy, B. Shiva Rao được Mrs Besant gửi từ Ấn độ sang Bude để dạy tiếng Phạn cho Krishna. Shiva Rao đã biết trước các cậu tại Adyar nơi ông giúp đỡ Leadbeater biên soạn quyển Những cuộc đời của Alcyone.Một người đàn ông trẻ, ông là một người tạo ra sự phấn chấn, nhưng khi chiến tranh bùng nổ vào ngày 4 tháng tám năm 1914, ông được gọi nhập ngũ lại. Chiến tranh chẳng tạo ra sự khác biệt gì cho cuộc sống buồn tẻ trong nơi ăn ở tạm thời tại Bude. Vào mùa thu, khi Nityar rời đó để theo học cùng một gia sư tại Oxford, Krishna thậm chí càng trở nên cô độc hơn. Krishna ao ước một cuộc sống bình thường và viết cho Lady Emily: ‘Tại sao họ chọn con?’ Cậu không có bạn cùng lứa tuổi, không ai để vui đùa, và cậu lại thích vui đùa, và, vì rằng Lady Emily bị cấm đoán, Miss Arundale nghiêm khắc là người phụ nữ duy nhất mà cậu nhìn thấy.

Phải nghi ngờ liệu Mrs Besant có bất kỳ ý tưởng nào về sự cô độc và không hạnh phúc của Krishna hay không. Lúc này bà quá bận rộn cho công việc đấu tranh vì India Home Rule Quyền Tự trị của Ấn độ, mà bà vận động mạnh mẽ đến độ vào năm 1917 bà bị nhốt giam ba tháng tại Ootacamund. Trong thời gian đó, Leadbeater đã thực hiện một chuyến đi giảng thuyết dài ngày và chấm dứt khi ông định cư ở Úc năm 1915, nơi ông thành lập một cộng đồng. Dường như ông đã quên bẵng Krishna mặc dù ông vẫn tiếp tục viết những bài văn hoa trong tuần báo Theosophy về The Coming Sắp đến.

Cuối tháng ba năm 1915, Nitya, cũng rất buồn bã và cô độc và đã bị nhồi nhét quá nhiều bởi gia sư của cậu tại Oxford và đã bị căng đôi mắt của cậu rất nặng, trốn thoát đến Pháp như một người biệt phái đưa thư cho Hồng thập tự Pháp. Krishna cũng ao ước đi lắm và rất phấn khích khi Mrs Besant gửi điện đồng ý. Cậu vội vã đến London để đặt một bộ đồng phục nhưng, bị thất vọng cực độ khi sự cho phép bỗng nhiên bị thâu hồi. Bà nghĩ rằng điều quan trọng nhiều hơn là cả hai cậu nên tiếp tục học để vào Oxford, thế là cậu quay lại Bude với chỉ một mình Wodehouse làm bầu bạn tại chỗ ở tạm thậm chí còn chán ngấy hơn bởi vì Mrs Besant thấy rằng không còn đủ khả năng để tiếp tục trả tiền hàng tháng trong suốt chiến tranh. Trái lại, Arundale, trong một bộ đồng phục mới lịch sự, đi làm việc cho Hội Hồng thập tự Anglo – French tại một bệnh viện ở London. Ông và Krishna không bao giờ gần gũi lại. Nitya được gọi trở lại từ Pháp và sống cùng Krishna ở Bude.

Vì Arundale không còn đó, hai anh em gần gũi nhau hơn, và cả hai đều vui vẻ hơn, Krishna bởi vì cậu có thể gặp lại Lady Emily và Nitya bởi vì cậu được thưởng hai huy chương vàng cho công việc của cậu tại Hội Hồng thập tự Pháp. Krishna, nhờ sự học hành chăm chỉ, hy vọng đậu kỳ thi Responsions ( kỳ thi nhập học trường đại học Oxford) vào tháng mười năm 1916, hai năm trễ hơn được dự tính. Điều này có nghĩa Nitya sẽ vào Oxford trước cậu.

Cuối tháng tư năm 1916, thật vui mừng khi hai cậu rời Bude vì Wodehouse gia nhập Scots Guards Đội Bảo vệ Scotland. Hai cậu trải qua hai tháng ở London, ở cùng Miss Dodge và Lady De La Warr tại ngôi nhà to lớn mà lúc này họ thuê chung, West Side House trên Wimbledon Common, và có một cái vườn tuyệt đẹp. Mặc dù lúc trước hai cậu thường đến ăn cơm tại Warwick House, West Side House cho các cậu kinh nghiệm đầu tiên về những điều kiện xa hoa của một ngôi nhà quý tộc giàu có. Các cậu cũng chịu ảnh hưởng của một luật sư về hưu, Harold Baillie – Weaver, mà, trước hôn nhân và cải đạo sang Theosophy của ông, đã sống theo phong cách quý tộc. Ông vẫn còn ăn mặc chải chuốt và rất yêu đời. Ông là ‘người đàn ông của thế giới’ đầu tiên mà các cậu tiếp xúc. Ông giới thiệu họ người thợ may riêng của ông, hình thành sở thích về quần áo của họ và thậm chí còn dạy họ cách đánh bóng giầy. Từ đó về sau, các cậu mặc com-lê, áo sơ mi may đo và giầy đóng, vải che mắt cá màu xám và đội mũ mềm vành cong và cầm can đầu bọc vàng (phong cách này thực hiện được nhờ tiền trợ cấp hàng năm của Miss Dodge). Krishna không bao giờ mất đi sự mê say quần áo tốt và niềm thích thú trong chúng.

Thời gian này tại West Side House là một thời gian tương đối hạnh phúc cho các cậu. Có hai sân tennis; họ lang thang mọi nơi trong bộ com lê áo đuôi tôm gần hết buổi sáng và được tự do đi xem phim bất kỳ lúc nào họ thích, và thăm Lady Emily. Các cậu luôn luôn cảm thấy như ở nhà trong sự nuôi dưỡng của gia đình Lutyens, nơi các người con còn nhỏ đối xử với họ như thành viên của gia đình. Trở ngại duy nhất đối với West Side House là các cậu phải cư xử tốt nhất ở đó, vì biết rằng Lady De La Warr tức khắc sẽ báo cáo bất kỳ hành vi lông bông thái quá nào cho Mrs Besant. Lady là một phụ nữ nhỏ người và hiểm độc, không giống như Miss Dodge có một bản tính thánh thiện.

Nhưng chẳng mấy chốc việc học hành của các cậu phải tiếp tục lại. Một thầy dạy luyện thi được tìm ra cho các cậu bởi Baillie – Weaver, Rev. John Sanger, sống cùng vợ gần Rochester ở Kent và chỉ có ba học sinh khác. Krishna nhận thấy Mr Sanger là một thầy giáo xuất sắc nhưng rất thất vọng khi được ông bảo rằng cậu không có hy vọng đậu kỳ thi Responsions trước tháng ba năm 1917. Tuy nhiên kỳ thi không là vấn đề duy nhất. New College đã xóa bỏ danh tính của các cậu vào thời điểm của vụ kiện. Bây giờ Baillie – Weaver đang cố gắng đưa các cậu vào trường Christ Church hay Balliol.

Sau một chuyến viếng thăm London, Krishna viết cho Lady Emily một lá thư khi trở về nhà của Sanger mà bộc lộ phẩm chất tình yêu của cậu dành cho Lady và sự gây bất hòa không cần thiết mà Arundale đã gây ra:

Mẹ yêu quý, sẽ có quá nhiều chia ly trong cuộc sống này đến độ chúng ta phải quen thuộc nó nếu chúng ta muốn hạnh phúc. Thật ra sống là một chia ly đau khổ nếu người ta thương yêu bất kỳ ai rất nhiều và trong sáng. Trong cuộc sống này chúng ta phải sống vì những người khác và không phải vì chúng ta & không được ích kỷ. Mẹ của con, mẹ không biết mới đây mẹ đã giúp đỡ con nhiều đến chừng nào, chính mẹ đã tạo ra một khao khát trong con để làm việc và để làm những điều gì các Bậc Thầy muốn con làm. Cũng chính mẹ đã dạy cho con sống trong trắng và suy nghĩ những điều trong sáng và xua đuổi những ý nghĩ gây phiền muộn nhiều. Mẹ thấy, người mẹ thiêng liêngcủa con, rằng mẹ đã giúp đỡ con mặc dù thường xuyên mẹ nghĩ rằng mẹ đã là một cản trở cho con.

Mặc dù là một người phát triển rất chậm, Krishna là một thanh niên bình thường hoàn hảo, nhưng bởi vì ý tưởng phải trong trắng tuyệt đối trong một người khai tâm đã được thấm nhuần trong cậu, cậu lo sợ lắm bởi những ‘giấc mơ xấu xa’ của cậu mà cậu nhận xét rằng ‘thuộc thú tính’. Cậu không thể hiểu rõ chúng bởi vì cậu biết rằng những suy nghĩ của cậu không bao giờ là bất kỳ thứ gì khác ngoại trừ sự trong trắng khi thức giấc. Lady Emily có thể giúp cậu bằng cách bảo đảm với cậu rằng chúng chỉ là dòng chảy an toàn tự nhiên.

Vào đầu năm 1917 mọi hy vọng đưa các cậu vào Oxford phải bị hủy bỏ. Không trường đại học nào muốn thâu nhận họ bởi vì vụ kiện và danh tiếng của cậu như ‘Đấng Cứu thế’. Sau đó Mr Sanger không thành công khi cố gắng đưa các cậu vào trường đại học cũ của ông ở Cambridge. Đến tháng sáu họ nhận ra rằng không còn sự lựa chọn nào khác ngoại trừ cố gắng vào London University, mà có nghĩa một kỳ thi thậm chí còn khó khăn hơn thi vào Cambridge.

Krishna phải bị chán nản biết chừng nào bởi sự nhồi nhét vào những môn học mà cậu không có năng khiếu. Người ta cảm thấy rằng cậu kiên trì để làm hài lòng Mrs Besant hơn là lợi ích riêng của cậu. Tuy nhiên, cậu đang bắt đầu phát triển những quyền năng riêng của cậu. Cậu viết cho Raja vào ngày 20 tháng mười một: ‘Ông có lẽ sung sướng khi biết rằng tôi đang chữa đôi mắt của Nitya. Chúng đã khỏi nhiều rồi và em có thể nhìn thấy bằng mắt trái (trước lúc đó Nitya gần như đã bị mù) . . . Ở đây (tại nhà của Sanger), khi có bất kỳ người nào bị nhức đầu hay đau răng, họ đều đến nhờ tôi chữa vì vậy ông có thể thấy tôi khá nổi tiếng.’ Và một vài tuần sau cậu viết cho Mrs Besant:

Những ngày này con đã suy nghĩ về mẹ nhiều lắm và con muốn làm bất kỳ điều gì để nhìn thấy khuôn mặt thương yêu của mẹ lại. Nó là một thế giới thật ngộ nghĩnh! Con rất buồn vì mẹ đang cảm thấy không khỏe và con nghĩ rằng như thường lệ mẹ lại đang làm việc quá sức. Ao ước duy nhất của con chỉ là có mặt ở đó để chăm sóc mẹ và con tin rằng con sẽ giúp mẹ khỏe lại. Con đang phát triển năng lực chữa trị cho mọi người và con chữa đôi mắt của Nitya mỗi ngày và chúng đã khỏi nhiều rồi.

Tháng giêng năm 1918 ‘các cậu trai’, như chúng tôi vẫn còn gọi họ mặc dù Krishna đã hai mươi ba tuổi và Nitya hai mươi, đến London để dự kỳ thi tuyển Đại học trong bốn ngày. Krishna cảm thấy cậu đã làm bài được, ngay cả môn toán và Latin, những môn dở nhất của cậu, nhưng vào tháng ba họ nghe rằng, mặc dù Nitya đậu hạng danh dự, Krishna đã rớt. Thế là cậu phải quay lại nhà của Sanger trong khi Nitya ở lại London để theo học ngành luật. Mr Sanger thất vọng nhiều cho Krishna. Ông đưa ra một ý kiến lý thú rằng, trong khi Nitya có một trí óc bén nhạy hơn, trí óc của Krishna lại vĩ đại hơn; cậu có khả năng nắm bắt một chủ đề bao quát hơn nhưng bị trở ngại khi không thể diễn đạt những suy nghĩ của cậu dễ dàng. 14

Vào tháng năm Krishna rời nhà của Sanger mãi mãi và trải qua gần hết mùa hè ở West Side House. Vào tháng chín cậu dự kỳ thi tuyển, lại nữa với những hy vọng nhiều, chỉ rớt môn toán và Latin. Mùa đông năm đó cậu theo xe buýt mỗi ngày từ Wimbledon đến London University để theo học những bài giảng mà cậu chẳng ưa thích tí nào, cho đến đầu năm 1919 khi cậu và Nitya chuyển vào một căn hộ ở London tại Robert Street, Adelphi. Hàng ngày cậu tiếp tục đến London University trong khi Nitya vẫn đang học cho ngành luật. Họ trải qua nhiều thời gian tại nhà của chúng tôi ở London. Rất xúc động khi đi học về và thấy những cái mũ màu xám và can bọc vàng của họ trên bàn ở phòng ngoài. Krishna, đã vừa tìm được P. G. Wodehouse và Stephen Leacock, đọc Piccadilly Jim Nonsense Novels lớn tiếng cho chúng tôi trong khi đứng tựa vào kệ sách trong phòng khách (cậu không bao giờ ngồi ngoại trừ bữa ăn), cười nhiều đến độ hầu như cậu không thể nói ra lời. Cậu có một tiếng cười dễ lây lan nhất mà không bao giờ cậu đánh mất. Vào cuối tuần chúng tôi thường đi xem phim cùng các cậu và họ sẽ tham gia trò chơi trốn tìm khắp nhà. Họ có một sức mê hoặc độc nhất vô nhị đối với tôi; họ tạo ra một lực hấp dẫn quanh chính họ bất kỳ nơi nào họ đi. Dường như họ giống nhau nhiều hơn những anh em người Anh bởi vì rất khó nhận xét sự khác biệt trong những người nước ngoài. Trọng âm tiếng Anh của họ có cùng nhịp, họ có cùng nụ cười, cùng bàn chân nhỏ nhắn mà không đôi giầy đóng sẵn nào có thể vừa vặn, cùng khả năng gập khớp đầu của những ngón tay mà không cong khớp thứ hai và cả hai đều có mùi thơm bởi loại dầu nào đó mà họ bôi trên mái tóc đen, thẳng, bóng mượt của họ. Và vào thời gian đó, họ ăn mặc sạch sẽ và tề chỉnh hơn bất kỳ người nào tôi biết. Họ không thể mặc chung bộ com lê vì Nitya thấp hơn người anh của cậu, nhưng họ mặc chung áo sơ mi, tất, cà vạt, quần áo trong và khăn mùi soa, tất cả đều đánh dấu bằng những chữ đầu ghép lại của họ JKL.

Tháng sáu năm 1919 Mrs Besant đến Anh. Đã được bốn năm rưỡi kể từ lần cuối bà gặp hai anh em, vì bây giờ họ phải được gọi như thế. Trong khi bà ở đó Krishna chủ tọa một cuộc họp Star, công việc đầu tiên thuộc loại này mà anh đã làm từ chuyến viếng thăm cuối của bà: anh đã không bao giờ nói cho bà về cảm giác không còn hứng thú của anh đối với Theosophy và the Order of the Star in the East. Trước khi bà trở lại Ấn độ anh xin phép đến sống ở Pháp để học tiếng Pháp nếu anh rớt kỳ thi tuyển lần thứ ba. Vì thấy chẳng còn hy vọng gì cho anh học thi vào London University, bà đồng ý. Tháng giêng năm 1920 Nitya đậu kỳ thi luật của anh và trong cùng tháng Krishna dự kỳ thi tuyển lần thứ ba, nhưng, vì cảm thấy rằng anh không có cơ hội đậu được, anh bỏ giấy trắng. Bốn ngày sau anh ở Paris.



[1] Đây là một ngôi nhà thứ hai mà Edwin Lutyens đã xây dựng cho gia đình Mallet, được gọi là Les Communes.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]